Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

CÁC CỐ VẤN LIÊN XÔ VÀ CUỘC CHIẾN TRANH 30 NGÀY Ở VIỆT NAM

CÁC CỐ VẤN LIÊN XÔ VÀ CUỘC CHIẾN TRANH 30 NGÀY Ở VIỆT NAM
Có những ngày khác nhau trong lịch sử, có ngày vui hân hoan, nhưng cũng có những ngày bi thảm. Ngày 17 tháng Hai năm 1979 là một ngày bi thảm đối với nhân dân Việt Nam.
17/2/1979, quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới Việt Nam. Bắc Kinh muốn “trừng phạt Hà Nội” vì Việt Nam đã tham gia vào việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia. Lực lượng Trung Quốc xâm lược bao gồm 7 quân đoàn, lên đến 600.000 người. Phía Việt Nam, đối phó với lực lượng này, lúc đó chỉ có một sư đoàn quân chủ lực, một sư đoàn quân địa phương, lính biên phòng và dân quân tự vệ, với số lượng vũ khí không nhiều, gồm có pháo, súng cối và vũ khí chống tăng.

Ngày 18 tháng Hai, chính phủ Xô viết đã đưa ra một tuyên bố, trong đó, ngoài những điều khác, có nêu rõ: “Liên bang Xô viết sẽ thực hiện các cam kết theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam”. Hiệp ước này được ký kết tại Matxcova ba tháng trước đó.
Để biểu thị sự hỗ trợ cho Việt Nam và hướng sự chú ý của quân đội Trung Quốc theo phía nam, 29 sư đoàn bộ binh của quân đội Liên Xô gồm 250 nghìn người, với sự hỗ trợ không quân đã được điều đến khu vực gần Mãn Châu ở biên giới Xô-Trung.  
Đồng thời, lãnh đạo Liên Xô đã gửi bổ sung thêm cho Việt Nam một nhóm cố vấn quân sự.
Một trong những nhà lãnh đạo của Hiệp hội các cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, đại tá Gennady Ivanov nhớ lại:
“Sáng 19 tháng 2, vào ngày thứ ba của cuộc xâm lược, một nhóm các cố vấn quân sự của Liên Xô đã bay tới Hà Nội, gồm các vị tướng có kinh nghiệm nhất, đứng đầu là đại tướng Gennady Obaturov. Ngay sau khi đến nơi, họ lập tức gặp tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Các cố vấn  quân sự Liên Xô không chỉ nắm tình hình thực tế qua cuộc tiếp xúc với bộ trưởng quốc phòng Văn Tiến Dũng và tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn, mà còn ra mặt trận, lên tuyến đầu nơi quân đội Việt Nam bảo vệ Tổ Quốc. Tại đó, họ đã rơi (vào – FDDinh bổ xung) trận pháo kích mạnh của quân Trung Quốc, nhưng may mắn thay, không ai bị thương. Tuy nhiên, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn không tránh được tổn thất.
Tại cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ ngày 25 tháng Hai với ông Lê Duẩn, đại tướng Obaturov đề xuất di chuyển lực lượng quân chủ lực được huấn luyện tốt hơn từ Campuchia về mặt trận phía Bắc. Đề xuất này, cũng như một loạt đề xuất khác do đại tướng Liên Xô đưa ra, đã được phía Việt Nam thông qua.
Theo  lệnh của tướng Obaturov, các phi công lái máy bay vận tải quân sự Xô Viết đã chuyển cánh quân Việt Nam từ Campuchia về hướng mặt trận Lạng Sơn, khiến cho tình hình lập tức thay đổi nghiêng theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Đầu tháng Ba năm đó, sáu cố vấn Liên Xô đã hy sinh tại Đà Nẵng trong tai nạn máy bay, khi đang giúp Việt Nam.
Tướng Obaturov cũng đã gửi các lãnh đạo Liên Xô công văn yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam vũ khí và trang thiết bị bằng đường hàng không.
“Các tổ chức quân sự Matxcova nhanh chóng và tích cực đáp ứng mọi yêu cầu của nhóm cố vấn Liên Xô tại Việt Nam – Đại tá Gennady Ivanov nói tiếp. -  Trong thời gian ngắn nhất, quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được tất cả mọi thứ cần thiết để chống lại kẻ thù. Việt Nam đã được viện trợ tên lửa “Grad”, trang bị kĩ thuật cho các đơn vị thông tin liên lạc, tình báo và các phương tiện hỗ trợ chiến đấu khác, bằng máy bay vận tải quân sự.”
Các biện pháp đó đã góp phần làm cho các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc bị sa lầy. Một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu không cho đối phương tiến lên quá 30 km kể từ biên giới.
Những kẻ xâm lược đã mất hơn 62.000 sĩ quan và binh lính, 280 xe tăng và xe bọc thép, 118 khẩu pháo và súng cối cùng một số máy bay. Ngày 05 tháng Ba năm 1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Ngày 18.3, chiến sự chấm dứt.
Hải quân Liên Xô đã không bàng quan đứng bên ngoài những sự kiện dữ dội ấy.Mời các bạn đón nghe Đài Tiếng nói nước Nga, phát thanh từ Matxcova.
Vào những ngày này 32 năm trước, quân đội Trung Quốc đã tấn công vào miền Bắc Việt Nam. Bắc Kinh muốn “trừng phạt Hà Nội” vì Việt Nam đã tham gia vào việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia.
Trong chương trình lần trước, chúng tôi đã nói về vai trò của các cố vấn quân sự Liên Xô đã giúp cho quân đội nhân dân Việt Nam đối phó với lực lượng Trung Quốc gồm 600.000 người, về các đợt cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Hồi đó, không chỉ các tỉnh miền Bắc mà cả bờ biển phía Bắc của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc gồm gần 300 tàu chiến.
Sau đây là ý kiến của nhà Việt Nam học, sử gia Maxim Sunnerberg: “Khi quân đội Trung Quốc vượt qua biên giới Việt Nam, một tàu tuần dương và một tàu khu trục của Hạm Đội Thái Bình Dương đang hiện diện tại các điểm quan trọng của biển Đông để phô trương sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Sau mấy ngày chiến sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có thêm mấy tàu chiến của Liên Xô tiến tới khu vực. Sau ngày 20 tháng Hai, 13 tàu chiến, kể cả mấy tàu ngầm, đã chờ đợi đoàn tàu mới do tàu tuần dương “Đô đốc Senyavin” và tàu dương hạm tên lửa “Vladivostok” dẫn đầu tới khu vực. Đầu tháng 3, đoàn tàu xô-viết bao gồm 30 tàu chiến”.
Sau đây là đoạn trích từ nhật ký của thuyền trưởng tàu ngàm “B-88” Fedor Gnatusin:
“Đầu năm 1979, tàu chúng tôi đang bảo quản tại xưởng đóng tàu. Rồi vào tháng 2, có lệnh khẩn cấp ra biển. Các quả ngư lôi, lương thực và thiết bị kỹ thuật đã được rất nhanh xếp lên tàu. Đã có mấy tàu chiến khác cũng lên đường đi Việt Nam từ Vladivostok và Nakhodka”.
Còn đây là đoạn trích từ nhật ký của trung tá hải quân Vladimir Glukhov:
“Với tư cách chỉ huy bộ tham mưu của sư đoàn, tôi đã có nhiệm vụ đảm bảo đoàn tàu chiến Liên Xô chuyển đến Việt Nam, cụ thể đảm bảo các tàu chiến ghé vào các cảng Việt Nam. Cần phải kiểm tra độ sâu, hành trình di chuyển, hải lưu, kiểm tra bến tàu. Chúng tôi đã mất một ngày đêm để thực hiện công việc này, và sau 5 ngày nữa đã ghé vào cảng Đà Nẵng.  Rồi chúng tôi hướng tới bán đảo Cam Ranh, nơi đang thành lập căn cứ hải quân Liên Xô. Mọi người đã làm việc khẩn trương để tiếp đón các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương”.
Các thủy thủ xô-viết đảm bảo hành trình an toàn cho các tàu vận tải từ Vladivostok, Nakhodka và Odessa chở hàng tiếp tế cho Việt Nam. Trong thời gian chiến sự, 6 tàu thủy Liên Xô đã tới cảng Hải Phòng vận chuyển kỹ thuật quân sự, kể cả tên lửa và thiết bị radar giành cho Việt Nam.
Đoàn tàu Liên Xô đã hiện diện ở vùng biển Đông đến tháng 4 năm 1979. Kết quả là, hạm đội Hải Nam của Trung Quốc không tham gia hoạt động quân sự chống Việt Nam.
Nhà Việt Nam học, sử gia Maxim Sunnerberg nói tiếp: “Trong khi đó, thủy thủ Liên Xô đã phải đối phó đoàn tàu Mỹ do tàu chở máy bay “Constellation” dẫn đầu đã hiện diện ở khu vực Đông Nam Á từ ngày 6 tháng 12 năm 1978. Ngày 25 tháng 2 năm 1979, các tàu chiến Mỹ đã chuyển đến bờ biển Việt Nam như người Mỹ giải thích “để kiểm soát tình hình”. Các tàu ngầm của Liên Xô đã chắn hành trình tiến tới vùng chiến sự không cho tàu chiến Hoa Kỳ đến gần bờ biển Việt Nam. Một số tàu ngầm vẫn ở lại dưới nước, số khác hiện lên trên mặt nước. Hóa ra, hệ thần kinh của các thủy thủ Liên Xô là vững vàng hơn – tàu chiến Mỹ không dám vượt qua tuyến ngăn chặn do các tàu ngầm Liên Xô xây dựng. Ngày 6 tháng 3, các tàu chiến Hoa Kỳ đã rời khỏi vùng biển Đông”.
36 thủy thủ của Hạm đội Thái Bình Dương đã được tặng huân huy chương của Chính phủ Liên Xô vì lòng  dũng cảm  và chủ nghĩa anh hùng trong thời gian Việt Nam đối phó với cuộc xâm lược của Trung Quốc.
——-

Liên Xô "chia lửa" với Việt Nam trong chiến tranh biên giới thế nào?

Liên Xô "chia lửa" với Việt Nam trong chiến tranh biên giới thế nào?


Ngày 16/2/1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô. Dọc tuyến biên giới Xô - Trung đã tập trung khoảng 1,5 triệu quân PLA, phía Liên Xô đã triển khai hơn 40 sư đoàn...

Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975, do những vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa các nước trong khối XHCN, Việt Nam khẳng định đường lối chính trị độc lập, tự chủ, không phụ thuộc đã duy trì mối quan hệ chính trị bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào nội bộ của nhau với các nước trong khối XHCN.
Liên Xô chia lửa với Việt Nam trong chiến tranh biên giới thế nào?
Tháng 12/1979. Đô đốc Hạm đội Liên bang Xô Viết S.G.Gorshkov, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô đến Hà Nội để đặt quan hệ công tác với Bộ Quốc phòng CHXHCN Việt Nam. Trong ảnh là Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Thiếu tướng Giáp Văn Cương đón đoàn.
 
Trong bầu không khí đối ngoại chính trị căng thẳng sau chiến tranh khốc liệt, Việt Nam nhanh chóng xác định được thực chất những vấn đề phức tạp đang nảy sinh trong quan hệ quốc tế và xác định rõ Liên bang Xô Viết là người bạn chung thủy và đáng tin cậy nhất trong giai đoạn này.
Nhưng Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ bình đẳng về ngoại giao với hai nước lớn trong khối XHCN đến trước năm 1979. Chiến lược chi phối toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những âm mưu đầy tham vọng của nước láng giềng nhằm thực hiện sách lược đã nêu buộc nhà nước Việt Nam phải tiến hành những bước đi vững chắc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, một trong những bước đi kiên quyết đó là gắn kết với Liên Xô trong một mối quan hệ đoàn kết hữu nghị trên tầm chiến lược.
Vào rạng sáng ngày 17.2.1979, quân đội nước láng giềng sau hàng loạt những hành động khiêu khích đã tiến hành cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Trước khi nổ ra cuộc chiến một thời gian, ngày 29.6.1978 Việt Nam đã gia nhập CMEA. Ngày 3.11.1978 tại Moscow, đại diện nhà nước Liên bang Xô Viết và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt. Ngoài các điều kiện tiêu chuẩn của hiệp ước về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước có được những vấn đề quan trọng về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến ​​chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước."
Liên Xô chia lửa với Việt Nam trong chiến tranh biên giới thế nào?
Cảng Cam Ranh tháng 3-1979, các thành viên tàu BPK "Vasily Chapaev" và sỹ quan chiến sỹ vùng 4 hải quân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
 
Nhưng dấu hiệu của sự gia tăng của hợp tác Xô-Việt trở thành hiện thực vào mùa hè năm 1978, trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Việt Nam với nước láng giềng. Theo các nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ vào tháng 8.1978, Việt Nam có 4.000 cố vấn và chuyên gia Liên Xô và đến giữa năm 1979 con số đã tăng lên đến 5.000-8.000. Tháng 9.1978, Liên Xô bắt đầu thực hiện việc cung cấp vũ khí mới (máy bay, tên lửa phòng không, xe tăng và vũ khí, đạn dược, cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh) cho Việt Nam bằng đường hàng không và đường biển.
Cũng vào thời điểm đó, quan hệ Xô – Trung trở nên vô cùng căng thẳng và có rất nhiều trở ngại lớn. Ngày 1.11.1977, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung quốc, tờ Nhân dân nhật báo trong một bài xã luận đã gọi Liên Xô như một kẻ thù nguy hiểm nhất của Trung Quốc, đồng thời coi Mỹ như là một đồng minh. Ngày 26.4.1978. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bổ sung thêm vào điều kiện công nhận sự tồn tại các vấn đề tranh chấp khu vực trên biên giới Trung-Xô. Trung Quốc đòi quân đội Liên Xô phải hoàn toàn triệt thoái khỏi Mông Cổ, đồng thời giảm số lượng các lực lượng vũ trang trên suốt tuyến biên giới Trung-Xô.
Đáp trả lại yêu cầu ngang ngược của Bắc Kinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, vào đầu tháng 4.1978 khi đi thăm Siberia và Hạm đội Thái Bình Dương, đã tuyên bố rằng sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới, ngoài những hệ thống vũ khí trang bị hiện đại đã có sẵn trên biên giới Trung-Xô. Các loại vũ khí mới này, theo tuyên bố của Leonid Brezhnev có khả năng đảm bảo an ninh biên giới cho Liên bang Xô Viết và các nước đồng minh, chống lại mọi âm mưu xâm lược của thế lực nước ngoài.
Liên Xô chia lửa với Việt Nam trong chiến tranh biên giới thế nào?
Ngay trong tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Ít lâu sau, các máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh xuống Cam Ranh. Trong ảnh là thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Victor III Rroject 671RTM biên chế trong Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh.
 
Thế lực nào thì Brezhnev không nêu rõ, nhưng tất cả đều đã rõ ràng. Bổ sung thêm vào lời tuyên bố của Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, ngày 12.4.1978. Ulan Bator cũng công khai bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, tuyên bố rằng lực lượng quân đội Liên Xô được tăng cường và triển khai dọc biên giới Mông Cổ - Trung Quốc là theo yêu cầu của Mông Cổ nhằm đáp trả việc tăng cường lực lượng của PLA trên biên giới. Tình hình ngày càng trở lên phức tạp. Tháng 5.1979 trên biên giới Xô Trung đã xảy ra một vụ xung đột nghiêm trọng lớn tính từ năm 1969, xung đột đã lôi kéo sự tham gia của cả máy bay trực thăng chiến đấu. Ngược lại, Liên bang Xô Viết cũng tăng cường áp lực lên Trung Quốc với mục đích đạt được sự kéo dài Hiệp định Xô – Trung có giới hạn 30 năm về quan hệ Liên minh, Hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau, được ký vào ngày 14.2.1950.
15.2.1979 là ngày đầu tiên sau 30 năm Hiệp ước Xô - Trung về Liên minh, hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau hết hiệu lực. Trung Quốc chính thức bước ra khỏi sự ràng buộc của Hiệp định này. Ngày 16.2.1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố với Moscow về khả năng sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên bang Xô Viết. Dọc tuyến biên giới Xô - Trung đã tập trung khoảng 1,5 triệu quân PLA trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người, trên tuyến biên giới quân đội Liên Xô đã triển khai hơn 40 sư đoàn.
Sáng sớm ngày 17.2.1979, các cuộc tấn công đã đồng loạt diễn ra tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc dài 1460 km của Việt Nam. Ngày 19.2 các phương tiện thông tin công bố bản "Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô" thứ nhất. Trong có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam anh hùng lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng quân và dân Việt Nam có đủ sức mạnh và ý chí để đánh bại kẻ thù xâm lược, hơn nữa, nhân dân Việt Nam có những người bạn thủy chung và là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản cam kết được ghi trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam. Liên bang Xô Viết kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Trước thực trạng nhân dân Việt Nam một lần nữa phải chịu đựng những tổn thất, mất mát và sự tàn khốc của chiến tranh xâm lược, Liên Xô hoàn toàn không có ý định bỏ qua những trách nhiệm đã được cam kết. Tại Việt Nam, các chuyên gia và cố vấn lập tức tham gia vào những hoạt động quân sự cùng với những người đồng chí Việt Nam. Từ phía Liên Xô, các lực lượng cố vấn và chuyên gia quân sự được tăng cường. Một cầu hàng không được thiết lập từ Liên Xô đến Việt Nam. Ngày 19.2.1979, một đội chuyên gia kỹ chiến thuật binh chủng và cố vấn quân sự của tất cả các quân binh chủng đứng đầu là đại tướng G.Obaturovym.
Đội chuyên gia và cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ và cố vấn cho các cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình huống phức tạp của chiến trường. Nhóm chuyên gia của Trung tướng M.Vorobevy nhận nhiệm vụ cố vấn cho bộ tư lệnh lực lượng Phòng không – Không quân. Đại tướng G.Obaturovym làm cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Việt Nam Lê Trọng Tấn và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Văn Tiến Dũng đã tiến hành đồng thời nghiên cứu chi tiết tình hình. Sau chuyến đi khẩn cấp thị sát chiến trường. Bộ tổng tham mưu đã đề xuất lãnh đạo cho phép điều động một quân đoàn từ Campuchia về hướng Lạng Sơn, điều động một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21, vũ khí vừa được đưa sang từ Liên Xô. Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút ra khỏi vòng vây, tiến hành các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Trong chiến thắng của quân và dân Việt Nam năm 1979, có sự đóng góp không nhỏ của các cố vấn, chuyên gia kỹ thuật quân binh chủng và một bộ phận các cán bộ chiến sĩ quân đội Liên Xô. Các phi công của phi đoàn máy bay vận tải An- 12 đã tiến hành không vận toàn bộ một quân đoàn từ Campuchia về Lạng Sơn. Hoạt động đặc biệt năng động và sáng tạo là lực lượng chuyên gia thông tin liên lạc của đoàn cố vấn (biên chế có 120 người từ năm 1978 và 68 người được đưa sang ngay khi cuộc xung đột nổ ra), một bộ phận thông tin liên lạc đi cùng với các cố vấn chiến trường, thực hiện nhiệm vụ ngay trong vùng chiến sự. Tháng 3/1979, đoàn cố vấn quân sự Liên Xô chịu một tổn thất không nhỏ, chiếc máy bay của hàng không Việt Nam An-24 khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã gặp phải sự cố, 6 phi công – huấn luyện viên và thiếu tướng không quân Malyh hy sinh.
Liên Xô đồng thời cũng tiến hành những hoạt động nhằm chấm dứt chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc, đại diện chính thức của Liên bang Xô Viết đưa ra yêu cầu đòi xét xử kẻ xâm lược. Ngày 22.2/1979, Tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam cảnh cáo: “Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện những điều khoản đã ký kết Trong Hiệp định hợp tác, đoàn kết hữu nghị và tương trợ lẫn nhau (trong cả lĩnh vực quân sự) đã được ký với Việt Nam. Nhưng thời điểm đó, xung đột vẫn có thể giới hạn được, Liên Xô cũng không muốn có một cuộc chiến tranh lớn.
Phía phát động chiến tranh xâm lược cũng được cảnh báo trước một điều đã rõ ràng, nếu quân đội của họ không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận. Tờ thời báo “Times” vào tháng 3.1979 đã viết: “Cho đến khi quân đội Việt Nam vẫn giữ vững mặt trận, Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh trên mặt trận tuyên truyền. Nguy hiểm nằm ở chỗ, nếu nước láng giềng tiếp tục chiến tranh, tấn công Hà Nội và Hải Phòng, hoặc duy trì quân đội của mình trên vùng đất chiếm được. Liên Xô, để thể hiện sự kiên quyết và sức mạnh trước toàn thế giới, giữ lời cam kết với đồng minh, sẽ tham gia giải quyết xung đột.
Trong trường hợp này, những hành động quân sự nào Liên Xô sẽ thực hiện trong thời điểm ban đầu? Các chuyên gia quân sự cho rằng, có quá nhiều sự lựa chọn hiệu quả. Liên Xô có thể tiếp tục tăng cường và tăng cường hơn nữa viện trợ quân sự cho Việt Nam, tăng cường hơn nữa cố vấn và các chuyên gia quân sự hoặc trực tiếp tiến hành các hành động vũ trang. Viễn cảnh đáng lo ngại nhất là những hành động quân sự mà Liên Xô có thể triển khai trên chiều dài 4.500 km đường biên giới Xô - Trung, nơi có 44 sư đoàn sẵn sàng chiến đấu đang đóng quân. Quân đội Liên Xô có thể xuất hiện trên vùng đồng bằng tuyết phủ của Tân Cương, có khả năng tấn công vào Mãn Châu - trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc. Như một mục tiêu xa hơn cho "ngày tận thế" theo cách gọi của các chuyên gia là mục tiêu các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở vùng hồ muối Lop Nor (mục tiêu này dường như thích hợp hơn cả trong sự đánh giá của quân đội Liên Xô)" .
Bản tuyên bố của Liên bang Xô Viết lập tức gắn liền cùng với hành động biểu dương sức mạnh. Các đơn vị tên lửa chiến thuật, các sư đoàn đang đóng quân dọc biên giới Xô – Trung đều được chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu số 1. Tập đoàn quân có trong biên chế 250.000 quân nhân với sự yểm trợ của không quân chiến thuật bắt đầu tập trung triển khai lực lượng dọc các tuyến biên giới. Những ý đồ tác chiến thật sự nghiêm túc được ông Eugene, lúc đó là đại đội trưởng đại đội 8 Trung đoàn lính thủy đánh bộ số 390 miêu tả lại: Vào tháng 2-3.1979, đã triển khai và biên chế trung đoàn 390 Lính thủy đánh bộ thuộc biên chế sư đoàn 55 Lính thủy đánh bộ trong trạng thái có chiến tranh, gắn liền với sự kiện tấn công Việt Nam.
Sư đoàn đã thực hiện nhiệm vụ diễn tập chiến thuật trên biên giới với Trung Quốc trong đó có nội dung đổ bộ đường biển, tiến hành các cuộc diễn tập cấp tiểu đoàn có sử dụng đạn thật. Đối với Trung Quốc, điều đó hoàn toàn không bất ngờ, thực tế, người Trung Quốc không hề muốn thử nghiệm tính nghiêm túc của sự việc đang diễn ra và những ý đồ tác chiến của quân đội Liên Xô. Tránh đối đầu, Trung Quốc đã tự cho rằng, mục đích cuộc chiến tranh đã đạt được. Ngày 5.3.1979, Bắc Kinh tuyên bố rút quân hoàn toàn.
Rất nhiều ý kiến, khi đánh giá cuộc chiến tranh biên giới đã khẳng định, PLA trong lĩnh vực tác chiến trên thực tế chiến trường đã phơi bày những điểm yếu của mình, đồng thời cũng nói nhiều về chiến thắng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao đối với Liên Xô. Không ít ý kiến chỉ trích dường như Liên Xô đã không giúp đỡ được đồng minh của mình, CCCP trên thực tế chỉ là “chú gấu trắng bằng giấy”, những suy diễn này chủ yếu dựa trên cơ sở thực tế, tại sao Liên Xô không tấn công vào biên giới của Trung Quốc, nhưng rõ ràng những suy luận đó thuần túy mang tính cực đoan.
Trên thực tế, một phần nhờ lập trường kiên quyết và cứng rắn của Liên Xô cùng với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và năng lực chiến đấu mạnh mẽ của quân đội và nhân dân Việt Nam đã chặn đứng âm mưu tiến hành cuộc xung đột biên giới kéo dài, buộc kẻ địch phải rút quân mà không đạt được những mục đích đề ra. Quân đội Việt Nam tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng một đất nước Campuchia dân chủ. Mục đích xóa bỏ những vùng đất thuộc Liên bang Xô Viết trên tuyến biên giới Trung – Xô và khẳng định vị thế của Trung Quốc ở châu Á không thành công. Ngoài ra, Việt Nam đã triển khai hàng loạt những hoạt động ngoại giao trên trường thế giới nhằm phá thế bao vây cô lập và đã giành được sự ủng hộ nhất định. Liên bang Xô Viết, từ cuộc phiên lưu chiến tranh biên giới của Trung Quốc đã mở rộng sự hiển diện quân sự của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng các căn cứ quân sự và tăng cường viện trợ cho các đồng minh của mình.
(Còn tiếp)
Kỳ sau: Hải quân Liên Xô và gọng kìm Biển Đông
Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong/Lịch sử Hải quân Liên Xô

Kỉ niệm 35 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2/2014): Huổi Luông ngày ấy

Đất nước hoà bình và thống nhất chưa được bao lâu, chúng ta lại phải tiếp tục cầm súng bảo vệ biên giới. Đến nay đã 35 năm, hầu hết những người tham gia chiến đấu thành ông, bà. Là phóng viên Chương trình phát thanh QĐND (Đài Tiếng nói Việt Nam) tôi  có dịp ghi lại tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những ngày tháng hào hùng chống xâm lược ở biên giới phía Bắc…
Cuộc họp mở rộng bất thường giữa Đảng uỷ, Ban Giám đốc và các cán bộ tự vệ Lâm trường Huổi Luông được tiến hành gấp. Mọi người ngồi quây xung quanh đồng chí Bùi Quốc Văn, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ Lâm trường để nghe thông báo tình hình quân xâm lược đã tràn qua biên giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ từng tấc đất nơi đây, đó cũng là bảo vệ thành quả lao động của hàng nghìn con người ở lâm trường đã đổ mồ hôi trong lao động sản xuất.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ở các tiểu đoàn và các đại đội tự vệ đã sắp xếp xong tổ chức để vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở tuyến một. Trong đội ngũ tự vệ hầu hết là thanh niên con em các dân tộc Kinh, Thái, Mèo, Cò Sung, Hà Nhì… số chị em nữ chiếm tới sáu bảy chục phần trăm. Chưa bao giờ tình cảm đoàn kết, gắn bó lại biểu hiện rõ nét như bây giờ. Tiếng súng ngày đêm liên tiếp rộ lên ở cao điểm 1226, ở Hồ Thầu và Nậm Tần Mèo, càng thôi thúc mọi người hăng hái bước vào trận chiến đấu mới.
Lâm trường bộ trở thành Sở Chỉ huy của lực lượng dân quân, tự vệ ở địa phương. Trong công tác lãnh đạo, Giám đốc Lâm trường Bùi Quốc Văn vẫn giữ được tác phong sôi nổi, hoạt bát của người chiến sĩ đánh Mỹ năm xưa. Anh đã chỉ huy lực lượng tự vệ hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội quanh vùng. Trong những ngày chiến đấu ác liệt, lâm trường Huổi Luông đã trở thành chỗ dựa vững chắc, chi viện đắc lực về người và của cho các mũi, các hướng.
Để đáp lại tinh thần hết lòng vì tuyến trước của cán bộ, công nhân Lâm trường Huổi Luông, tại mặt trận Lai Châu, đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, dũng cảm.
Chiến sĩ Đỗ Văn Tần, 19 tuổi, còn lại một mình chốt trên điểm cao 551, đã sử dụng năm loại súng đánh xa rồi đánh gần. Có lúc đối phương ào vào công sự, anh đã dồn chúng tới từng ngách chiến hào tiêu diệt và lấy súng, lấy lựu đạn của chúng đánh lại. Suốt một ngày trời, anh đã diệt tại chỗ hơn 30 tên, giữ được chốt.
Lai Châu thời kì đổi mới.
Lai Châu thời kì đổi mới.
Chống lực lượng địch đông gấp nhiều lần, các chiến sĩ Giàng A Tún, Lò Văn Ban, Tao Văn Nó ở Đồn Biên phòng P đã cùng đồng đội diệt ba xe tăng. Binh nhất Tao Văn Nó, người dân tộc Lự ở Phong Thổ, có lúc chỉ còn cách đối phương có 10 mét. Nhanh như cắt, Nó lia một loạt đạn trung liên và ném một quả lựu đạn vào đội hình địch. Lợi dụng khói đạn, anh ôm súng lăn ào xuống dốc, vào giữa đống xác đối phương, quay súng lại phía sau, giả vờ làm lính bên kia. Khi bọn chỉ huy ra lệnh tiếp tục xung phong, Nó tay cắp súng giả bộ xông lên. Một toán chạy vượt qua anh. Tao Văn Nó đợi chúng tới sát mép chiến hào của ta rồi mới lia một loạt đạn, hất sấp tất cả bọn xuống. Tiếp đó, anh ung dung tiến lên, giẫm lên xác đối phương trở về với đồng đội.
Còn bốn chiến sĩ ở Tiểu đoàn 2, bộ đội huyện S, sau khi đã diệt mấy chục tên, bị chúng dồn vào một căn hầm tránh pháo và bao vây định bắt sống; còn giở thủ đoạn dụ dỗ, gọi hàng. Kiên quyết không chịu khuất phục, đợi trời xẩm tối, các chiến sĩ đã dùng lựu đạn và súng AK trả lời chúng bằng cách bất thình lình xông lên quyết chiến, phá được vòng vây, ra ngoài. Những tấm gương chiến đấu ấy càng khích lệ tự vệ Lâm trường Huổi Luông phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu giành chiến thắng.
Đơn vị công binh của tỉnh yêu cầu tự vệ Lâm trường cung cấp gỗ để bắc cầu gấp cho bộ đội hành quân. Thời gian lâu nhất là một ngày. Anh chị em ở đây đã tổ chức lực lượng vào rừng cách xa 17 km, lấy đủ số gỗ và giao nộp đúng thời gian. Ngay đêm hôm sau, bộ đội lại cần 2.000 cây tre làm hầm đào tránh pháo địch. Các chiến sĩ tự vệ đã đốt đuốc lên núi đẵn tre mang xuống phục vụ các đơn vị theo kế hoạch.
Chiến đấu bảo vệ điểm cao 551 và điểm cao 800, Phân đội 1, Đoàn 93 đã kiên trì giữ chốt trong năm ngày, năm đêm liền, diệt tại chỗ hàng trăm tên địch. Trong thời gian đó, Đại đội 5 Tự vệ Lâm trường Huổi Luông do đồng chí Nguyễn Văn Đền, Đại đội trưởng và đồng chí Đỗ Thị Cà, Đại đội phó trở thành đơn vị xung kích vừa phục vụ chiến đấu, vừa cùng bộ đội Đoàn 93 chiến đấu, bẻ gãy 30 đợt tấn công của địch. Từ trong lòng đất dưới tầng địa đạo, các chiến sĩ tự vệ Đại đội 5 như những con thoi, chạy đi chạy lại tiếp đạn, tải thương và mang cơm nước đều đặn ngày hai lần lên tận chốt cho các chiến sĩ.
Nhiều chị em người gầy yếu nhưng vẫn mang vác từ 20 đến 30 kg đạn dược vượt đèo, leo núi tiếp tế cho bộ đội. Chị Oanh, chị Chanh, chị Cà và đặc biệt là chị Bùi Thị Hẫn trở thành đồng đội thân thiết của các chiến sĩ trên chốt. Trong những trận chiến đấu ác liệt, các chiến sĩ lại thấy chị Hẫn có mặt trong công sự. Chị vừa cầm súng chiến đấu, vừa tiếp đạn, băng bó cho thương binh và chuyển về tuyến sau. Ở điểm cao 551, chị Hẫn đã chuyển được hàng chục chiến sĩ bị thương về nơi an toàn.
Ở một hướng chiến đấu do Phân đội 2 của Đoàn 93 phụ trách, bộ đội yêu cầu Lâm trường tiếp tế lương thực, đạn dược gấp trong một đêm, để bốn giờ sáng hôm sau bắt đầu phản kích. Đường từ vị trí xuất phát tới hướng Làng Vây, Nhù Sáng và Hoàng Chù Sào dài 15 km đường rừng, qua nhiều đèo dốc cheo leo và sông suối. Đường đi lại nằm trong tầm pháo và khu vực hoạt động thám báo của địch.
Với tinh thần “tất cả cho tuyến trước”, đồng chí Bùi Quốc Văn chỉ huy 100 chiến sĩ tự vệ vận chuyển đạn lên chốt. Đêm trong rừng tối như bưng, đoàn người mang vác nặng, cứ bí mật luồn rừng, lách núi mà đi. Người nọ cách người kia năm mét vừa đi vừa lắng nghe lá rừng xao động và bước chân của nhau để giữ vững đội hình. Đoạn đường có chỗ lầy thụt, có chỗ lởm chởm đá tai mèo hoặc đầy gai góc. Nhiều anh chị em bị ngã, hòm đạn đè cả lên người. Mặc, ai nấy lại tự bật dậy, xốc hàng lên vai hướng về phía trước. Chiến sĩ tự vệ Nguyễn Thị Phượng, đơn vị thường gọi là “bé Phượng” bị ngã hàng chục lần, hai bàn chân phồng rộp, mặt mũi gai cào tướp máu, vẫn không chịu tụt lại phía sau nửa bước. Chiến sĩ lớn tuổi Nguyễn Văn Tuất, Ngô Đình Tuân bị đạn pháo vùi lấp, các anh dùng tay bới đất bứt dậy và lại tiếp tục bám sát đội hình, giữ an toàn được khối lượng hàng mang theo.
Tới hơn ba giờ sáng, các chiến sĩ tự vệ đã mang được đạn dược và lương thực tới khu vực chốt của Phân đội 2. Các chiến sĩ ở đây vô cùng cảm động, cầm tay anh chị em tự vệ nói: “Chính các đồng chí đã đánh thắng trận đầu ở đây”.
Suốt cả quá trình của chiến dịch, Tự vệ Lâm trường Huổi Luông đã đảm nhiệm tiếp đạn, tải lương cho tất cả các mũi tiến công của ta trên cao nguyên này. Anh chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trực tiếp góp phần vào chiến công chung, bẻ gãy mọi đợt tấn công của địch, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
 Nhà văn, nhà báo Chi Phan

Tháng 2/1979: Liên Xô cảnh cáo "Không được đụng đến Việt Nam!"

Tháng 2/1979: Liên Xô cảnh cáo "Không được đụng đến Việt Nam!"

35 năm trước, khi chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, Liên Xô đã tỏ rõ là sẽ không ngần ngại áp dụng những biện pháp cao nhất để “khôi phục hòa bình và công lý”.

LTS: Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Quân và dân Việt Nam một lần nữa phải bước vào cuộc chiến bảo vệ chủ quyền. Trong những tháng ngày hào hùng và bi tráng ấy, sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ thế giới, đặc biệt là Liên Xô đã góp phần vào thắng lợi của Việt Nam.

Hôm nay, kỷ niệm 35 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một tài liệu lược thuật từ báo Phòng thủ Đường không và Vũ trụ Nga (VKO), điểm lại những sự giúp đỡ quý báu ấy.

Đầu năm 1979, tại biên giới với Việt Nam, phía Trung Quốc hình thành mặt trận gồm 15 sư đoàn thê đội 1 (*) , 6 sư đoàn dã chiến quân thê đội 2, và 3 sư đoàn dự bị. Tổng quân số cụm quân được động viên để tham chiến chống Việt Nam lên tới 29 sư đoàn…

3h30 ngày 17/2/1979, trên một số hướng, sau 30 -35 phút pháo hỏa chuẩn bị, quân Trung Quốc đã xâm nhập nhập qua 20 đoạn biên giới Trung - Việt vào lãnh thổ Việt Nam.

… Nhưng trước tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam, kế hoạch của ban lãnh đạo Bắc Kinh, dùng xung đột quân sự để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của quân đội Việt Nam, buộc Việt Nam phải từ bỏ đường lối đối ngoại không lệ thuộc vào Trung Quốc, trước khi Liên Xô kịp can thiệp đã bất thành. Ý đồ của Bắc Kinh đảo ngược tình hình ở Campuchia cũng không đạt được.

Cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của Liên Xô

Trong thời gian từ 12 đến 26/3/1979, nhằm kiên quyết tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo chỉ thị của BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, các Quân khu biên giới phía Đông (các vùng đất tiếp giáp với Trung Quốc của Liên Bang Xô Viết), tại lãnh thổ Mông Cổ và Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành tập trận.

 
Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) tập trận năm 1979

Tổng cộng đã có 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân tham gia, với tổng quân số lên tới hơn 200.000 sĩ quan, chiến sĩ, hơn 2.600 xe tăng, gần 900 máy bay, 80 tàu chiến các loại.

Diễn tập bắt đầu bằng lệnh động viên, và chuyển các đơn vị vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đã động viên 52.000 quân nhân dự bị, huy động hơn 5.000 xe máy của nông nghiệp sang phục vụ yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

Các cuộc diễn tập quy mô lớn nhất diễn ra trên lãnh thổ Mông Cổ, huy động tới 6 sư đoàn bộ binh cơ giới và sư đoàn tăng, trong đó có 3 sư đoàn được điều động tới Mông Cổ từ Sibir và Zabaikal. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập này còn có sự góp mặt gần 3 sư đoàn không quân, 2 lữ đoàn độc lập và một số liên binh đoàn và đơn vị tăng cường.

Cùng lúc, trong các cuộc diễn tập ở Viễn Đông và Đông Kazakhstan (có đường biên giới với Trung Quốc), ngoài các đơn vị cấp sư đoàn trở lên bộ đội hiệp đồng binh chủng, còn có các đơn vị bộ đội biên phòng Liên Xô tham gia.

Tại các vùng có đường biên giới với Trung Quốc, lực lượng Xô Viêt đã diễn tập các phương án tổ chức phòng ngự, đánh trả đội hình tiến công của đối phương, phản kích, và chuyển sang phản công.

Từ lãnh thổ Ukraina và Belorussia, các trung đoàn không quân chiến đấu đã sang triển khai lực lượng tại các sân bay của Mông Cổ.

Đồng thời với các cuộc diễn tập, chỉ trong 2 đêm, các trung đoàn không quân không chỉ từ các quân khu lân cận, mà cả từ vùng Prikarpatia, cũng đã điều động ra phía đông (phía khu vực tiếp giáp hai lục địa Á - Âu).

Các cuộc chuyển quân trên của Không quân Xô Viết không chỉ liên quan đến đội hình chiến đấu cấp trung đoàn, với các phi công được huấn luyện tốt nhất, mà là cuộc di chuyển của toàn trung đoàn, kể cả các đơn vị và phân đội bảo dưỡng kỹ thuật trên không và mặt đất. 5 quân khu đã tham gia tiếp dầu cho cuộc diễn tập này.

Trong tiến trình diễn tập, có những khoảng thời gian trong không trung có tới 10 trung đoàn không quân tuyến 1 (đội hình chiến đấu) hoạt động. Các kíp bay đã bay tổng cộng 5.000 giờ, đã sử dụng tới 1.000 trái bom và tên lửa trong diễn tập bắn đạn thật.

Tại biển Đông, và biển Hoa Đông, gần 50 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, trong số đó có 6 tàu ngầm đã trực chiến sẵn sàng chiến đấu và tiến hành tập trận đánh tiêu diệt hải quân đối phương. Tại vùng Primorie (ven biển Viễn Đông) đã diễn ra các cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến Liên Xô.

Trợ chiến

Không quân Xô Viết còn cử các đơn vị của mình sang công tác tại Việt Nam để giải quyết vấn đề trinh sát đường không chống quân xâm lược trên lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị thuộc không quân vận tải Liên Xô (các phi đội AN-12, AN-26, MI-8…) làm nhiệm vụ vận chuyển đường không trong lãnh thổ Việt Nam.

 
Bộ đội Việt Nam ở Campuchia chờ lên máy bay về nước chi viện cho biên giới phía Bắc

Với thực lực trang bị còn tương đối hạn chế, nhưng Không quân chiến thuật Liên Xô đã vận hành rất hiệu quả cầu hàng không giữa Liên Xô và Việt Nam. Trong khuôn khổ diễn tập tại Liên Xô và trong lúc thực hiện nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, trang thiết bị cho Việt Nam, lực lượng này đã vận chuyển tổng cộng 20 ngàn quân, hơn 1.000 đơn vị trang bị xe máy, 20 máy bay và trực thăng, 3 ngàn tấn quân dụng, đạn dược.

Viện trợ quân sự

Riêng về mặt quân sự, viện trợ cho Việt Nam là một nhiệm vụ trọng đại, nhằm mục tiêu gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự cho Việt Nam.

Chỉ trong giai đoạn từ khi cuộc xung đột bắt đầu (giữa tháng 2) đến cuối tháng 3/1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân, 400 cỗ pháo và súng phóng lựu, 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng, cỡ 122 mm “Grad”, hơn 100 cỗ pháo cao xạ, 400 đồng bộ cao xạ di động cùng hàng ngàn tên lửa đi theo, 800 súng chống tăng của bộ binh, 20 máy bay tiêm kích.

Dù việc chuyển giao gấp rút, nhưng các vũ khí và trang bị này đều đã được thẩm định về chất lượng sẵn sàng chiến đấu bởi một ủy ban gồm các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm của quân đội Xô Viết.

Đòn cân não

Sự kháng cự kiên cường của quân đội Việt Nam cùng thái độ kiên quyết ủng hộ Việt Nam của Liên Xô và phản ứng của dư luận thế giới đã khiến Trung Quốc phải chịu tổn thất to lớn.

Một loạt các hành động quân sự - chính trị của Liên Xô dưới dạng các bước chuẩn bị cho việc tiến quân vào lãnh thổ Trung Quốc, cùng với mâu thuẫn trong giới cầm quyền Trung Quốc, cũng như các sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo và tác chiến của quân đội nước này… đã dẫn đến việc ngày 5/3/1979, Bắc Kinh phải ra quyết định rút quân, và 20/3/1979 phải thực hiện rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng quân Trung Quốc sau đó vẫn ngoan cố đóng lại ở một số phần đất (sâu 1km vào lãnh thổ Việt Nam và rộng 2 km), mà trước đó Trung Quốc cố tình gọi là “đất tranh chấp” ở vùng biên giới hai nước.

Bài báo của VKO cho rằng sở dĩ Liên Xô đã chơi rắn đến cùng như vậy, vì việc Trung Quốc xâm lược vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam khơi dậy nguy cơ chiến tranh lớn trên “hai mặt trận”, do vừa ký kết Hiệp định hợp tác toàn diện Việt - Xô).

Nhìn lại thời kỳ này, năm 2009, tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên thủ trưởng kỳ cựu của ngành đối ngoại quân sự Việt Nam chia sẻ, ông vẫn vô cùng ấn tượng về cách Liên Xô đã chọn hồi đầu năm 1979, bằng ý chí và hành động, cảnh cáo “không được đụng đến Việt Nam”.

(*) Thê đội là bộ phận của đội hình được sắp xếp theo bậc thang để hành động theo thứ tự kế tiếp nhau vì mục đích đã định trong kế hoạch. Thê đội được gọi theo thứ tự hành động trước sau: Thê đội 1, Thê đội 2... Một đội hình chiến đấu (chiến dịch, chiến lược) có thể có 1 đến 3 thê đội.
Lê Đỗ Huy 
Nguồn tin: Tri Thức Trẻ

Thủ tướng: 'Không bao giờ quên cuộc chiến biên giới 1979'

“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Ngày 19/2, tại hội nghị bàn về quy chế phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc và Chính phủ, một số đại biểu đã đề cập tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cách đây 35 năm.
Theo quyền chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Khoa học và Giáo dục (Ủy ban trung ương MTTQ) Phạm Thị Trân Châu, những ngày vừa qua, báo chí đã khơi lại sự kiện này. Bà Châu đề nghị xem xét tổ chức kỷ niệm, làm tượng đài và đưa thông tin về cuộc chiến vào sách giáo khoa.
Dẫn lời một nhà thơ, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa xã hội Nguyễn Túc cho rằng, đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến cách đây 35 năm chưa được nhìn nhận, đối xử xứng đáng.
tt123-9863-1392863851.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị sáng 19/2. Ảnh:N.Hưng.
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Đảng, Nhà nước không bao giờ quên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng không bao giờ quên công lao của những đồng chí, đồng bào mình chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979".
Ông cho biết, tất cả chiến sĩ hy sinh đều nằm ở nghĩa trang, được nhang khói. Chia sẻ thêm với các vị lão thành của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị vừa qua đã tổ chức hai phiên làm việc để nghe về đề án liên quan tới sự kiện năm 1979 và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị báo cáo với Mặt trận thông tin cụ thể. “Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Lai Châu đến Quảng Ninh với chiều dài 1.200 km. Trung Quốc rút quân vào ngày 18/3 cùng năm. Suốt 10  năm sau đó, tuyến biên giới phía Bắc luôn được đặt trong tình trạng chiến tranh.
Chia sẻ với VnExpress, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, thế hệ đã hy sinh trong cuộc chiến cần có sự tôn vinh xứng đáng. “Đề cập cuộc chiến năm 1979 không phải để kích động hận thù mà là rút ra những bài học trách nhiệm với hòa bình. Một cuộc chiến chống xâm lược phải là niềm tự hào cần tôn vinh”, ông nói.
Theo thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an), nếu tính cả người dân và chiến sĩ quân đội, công an thì có hàng chục nghìn người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là một cuộc chiến oai hùng như vậy lại không có trong sách lịch sử.
Một việc cần phải làm ngay theo ông Cương là có chính sách cho gia đình những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến, vinh danh những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước tương tự các liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ… Nhà nước cũng cần khôi phục các địa danh lịch sử của cuộc kháng chiến.
Nguyễn Hưng

17/2/1979 - Cuộc chiến không thể lãng quên

17/2/1979 - Cuộc chiến không thể lãng quên

Cách đây 35 năm, vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã đưa hàng chục vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, tiến hành cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả hai nước, đặc biệt là hậu quả lâu dài đối với quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những nét chính về cuộc chiến tranh này. Qua đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị láng giềng Việt – Trung với phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, lợi ích lâu dài giữa hai dân tộc.
Thông qua sách báo, tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, bạn đọc sẽ thấy được diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh 1979:
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh từ vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Tiến đánh nhanh lúc khởi đầu nhưng quân Trung Quốc nhanh chóng phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu phải dùng lừa, ngựa và người thồ hàng. Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới khá mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Quốc phải chịu thương vong lớn. Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung Quốc đã có kết quả, họ tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Thông Nông (Cao Bằng) ở đông bắc. Quân Trung Quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh thẳng vào Lào Cai.
Sang ngày 18 và 19/2, chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), và Đồng Đăng (Lạng Sơn). Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Quốc đã chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung-Việt.
Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận đánh ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía tây nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn.
Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22/2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đến 21/2, Trung Quốc tăng cường thêm 2 sư đoàn và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3 đến 5 sư đoàn (gồm 30.000 quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 26/2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập kết quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này. Sau khi thị sát chiến trường, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đề xuất điều động một quân đoàn từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút lui từ chiến trường, tiến hành các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã lập cầu hàng không, chở Quân đoàn 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Campuchia về Lạng Sơn.
Ngày 25/2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng) thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) và sau này có thêm Sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Trong giai đoạn đầu đến ngày 28/2/1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Quân đội Việt Nam còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipo (Vân Nam) của Trung Quốc, nhưng chỉ có ý nghĩa cảnh cáo Trung Quốc.
Lạng Sơn - những trận chiến quyết tử
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để tăng viện.
Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Từ ngày 2/3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Sư đoàn 3 chống trả lại 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều xe tăng, pháo của Trung Quốc, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.
Suốt ngày 27, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía bắc vừa chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 từ hướng tây bắc thọc sang. Nhưng 14 giờ ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng.
Chiếm được điểm cao 800 và ga Tam Lung nhưng trong suốt các ngày từ 28/2 đến 2/3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy chúng đã dùng cho hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn mà có trận, quân phòng thủ Việt Nam chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3, sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.
Trung Quốc buộc phải rút quân
Ngày 5/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt gọn. Bởi lúc đó, Sư đoàn 337 của Việt Nam lên tham chiến từ ngày 2/3 tại khu vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để chi viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân Trung Quốc. Nhưng 337 đến hơi muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, Sư đoàn 337 đã cùng sư đoàn 338 tổ chức phản kích, đánh duổi quân Trung Quốc rút lui qua ngả Chi Ma.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc.
Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.
      Dưới đây là một số hình ảnh do các phóng viên chiến trường của ta ghi lại.

Quân ta tiến ra mặt trận.

Nhà báo Labe (Pháp) đang phỏng vấn tù binh Trung Quốc bị ta bắt.

Tù binh Trung Quốc bị 2 nữ chiến sĩ của ta dẫn giải về hậu cứ.

Tên tù binh Trung Quốc viết lời khai.

Xe tăng của Trung Quốc bị bắn cháy ở Bản Sậy huyện Hòa An, Cao Bằng.

Xe tăng Trung Quốc bị ta tiêu diệt ở Bản Sậy

Chiến sỹ ta đứng trên xác xe tăng Trung Quốc bị bắn nát trên đồi Nà Toong.

Xe tăng Trung Quốc bị ta bắt sống
 Mạnh Thường