Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Chiến khu Dương Minh Châu (1948_1975)


Chiến khu Dương Minh Châu (1948_1975)

MỞ ĐẦU


   1. Lí do chọn đề tài


        Trong các cuộc chiến tranh cách mạng, nước ta và các nước trên thế giới đều đã xác định rằng một trong những yếu tố quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi là xây dựng một căn cứ địa vững mạnh.

     Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Mỹ, Đảng ta đã coi trọng việc xây dựng căn cứ địa kháng chiến coi đó là một bộ phận quan trọng trong đường lối đấu tranh của nhân dân ta trong thời kỳ này. Căn cứ địa là những vùng độc lập hoặc vùng vừa được giải phóng, nó xuất hiện trong vòng vây của địch để quân cách mạng dựa vào đó để tích lũy và phát triển lực lượng về mọi mặt, tạo thành những trận địa vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lấy căn cứ đó làm nơi xuất phát để mở rộng ra để tiến lên đánh bại kẻ thù lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước.

     Căn cứ địa Dương Minh Châu (tức chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu C) là một trong những khu căn cứ điển hình nhất trong số các chiến  khu lớn của vùng Nam Bộ thời chống Pháp_Mỹ.

     Chúng ta cần nghiên cứu chiến khu Dương Minh Châu một cách toàn diện về mọi mặt trong thời chống Pháp_Mỹ, qua đó chỉ cho chúng ta biết một phần nào chiến khu Dương Minh Châu là một trong những căn cứ địa lớn của vùng Đông Nam Bộ được chọn làm căn cứ lâu dài từ 1951_1975, vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng việc xây dựng một căn cứ địa vững chắc, lâu dài như thế sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến tới thành công vang dội, và chiến khu Dương Minh Châu với những vai trò và đóng góp to lớn như thế, nó rất xứng đáng được nhân dân ghi nhớ với tất cả sự trân trọng.

   2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

         Từ trước đến nay, đề tài nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng ở Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của không ít tổ chức và cá nhân nghiên cứu trên cả hai hướng lý thuyết và thực tiễn, ví dụ như PGS, TS Hồ Sơn Đài viết sách Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ, trong đó ông nói về các chiến khu thành lập vào thời chống Pháp (chiến khu Đ, chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến khu Minh Đạm, chiến khu Dương Minh Châu…), làm tiền đề cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi sau này; hay cuốn của Lê Minh Thành (chịu trách nhiệm xuất bản) (1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường sơ thảo, Ban tuyên giáo tỉnh Tây Ninh, trong đó ông ghi lại lịch sử hình thành các chiến khu ở Tây Ninh, tên đất, con người Tây Ninh và những chiến công vang dội của quân dân Tây Ninh đã từng một thời làm cho kẻ thù khiếp sợ và kính phục, cuốn Miền Đông Nam Bộ kháng chiến của Nguyễn Viết Tá viết về lịch sử kháng Pháp_Mỹ ở Miền Đông Nam Bộ, trong đó ông nói về sự hình thành và hoạt động của các căn cứ địa trong cuộc kháng Pháp và Mỹ cứu nước.

   3. Đối tượng nghiên cứu


       Đối tượng nghiên cứu trong chuyên đề của chúng tôi là sự hình thành phát triển lực lượng cách mạng Dương Minh Châu, những chiến công và đóng góp của chiến khu Dương Minh Châu với cuộc kháng chiến chống Pháp_ Mỹ cứu nước.

   4. Phạm vi nghiên cứu


         Thời gian: từ tháng 8/1945 đến 30/4/1975.

         Không gian: là chiến khu Dương Minh Châu (còn goi là chiến khu Bắc Tây Ninh, chiến khu C). Nhóm chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh lịch sử, nguyên nhân hình thành và những hoạt động của chiến khu từ khi thành lập đến 30/4/1975 (ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước). Nhóm đặt sự hình thành và phát triển của chiến khu trong bối cảnh Nam Bộ, từ đó đánh giá vai trò và những đóng góp của chiến khu đối với cuộc kháng chiến.

   5. Phương pháp nghiên cứu


      Phương pháp nghiên cứu của nhóm chúng tôi chủ yếu là phương pháp lịch sử. Chúng tôi nghiên cứu sự hình thành và phát triển của chiến khu Dương Minh Châu, giai đoạn 1945_1975 dựa trên sự phân kì các mốc lịch sử ( 1945, 1949, 1951, 1954…) qua đó hình dung ra quá trình hình thành phát triển của chiến khu Dương Minh Châu trong kháng Pháp và Mỹ cứu nước.
    Về phương pháp logic, nhóm chúng tôi sẽ nghiên cứu các sự kiện lịch sử chủ yếu (1949, 1951, 1953, 1959…) để vạch ra quy luật hình thành phát triển của căn cứ địa_hạt nhân quan trọng giúp cho cuộc kháng chiến chống thực dân giành thắng lợi hoàn toàn. Việc thành lập căn cứ địa cách mạng đáp ứng nhu cầu chiến đấu của quân dân ta, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp_ Mỹ.

  6. Cấu trúc của đề tài

Chương 1: Quá trình hình thành căn cứ địa cách mạng, chiến khu Dương Minh Châu (1945_1951)

    1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, con người Dương Minh Châu (trước 1945)

        1.2. Sự ra đời của chiến khu Dương Minh Châu (1945_1951)

             1.2.1. Tình hình Nam Bộ từ sau năm 1945 đến 1949

             1.2.2. Hoạt động của căn cứ Trà Vong từ năm 1948 đến 1949
                       
                    1.2.2.1. Xây dựng lực lượng

                    1.2.2.2. Sự phát triển của chiến khu
                    
Chương 2: Xây dựng, bảo vệ chiến khu giai đoạn 1951_1954

       2.1. Quá trình tập hợp lực lượng, mở rộng chiến khu Dương Minh Châu giai đoạn 1951_1952

          2.1.1. Dương Minh Châu trở thành chiến khu chính của Trung Ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền.

             2.1.2. Hoạt động của quân dân Dương Minh Châu sau khi Trung Ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền dời về Dương Minh Châu (1951_1952)

       2.2. Dương Minh Châu trong công cuộc chống thiên tai ,địch họa (1952)

          2.2.1. Quân dân chiến khu Dương Minh Châu anh dũng đánh bại các cuộc càn quét của Pháp bảo vệ căn cứ (1951_1952)
          2.2.2. Chiến khu Dương Minh Châu khắc phục hậu quả của trận lụt 1952, tăng cường an sinh cho dân để bảo vệ, kiện toàn chiến khu

     2.3. Các chiến công của quân dân chiến khu Dương Minh Châu, vai trò và những đóng góp của chiến khu Dương Minh Châu trong những năm cuối của cuộc kháng chiến (1953_1954)

           2.3.1. Nghị quyết án về căn cứ địa_bước ngoặt lớn trong cuộc đấu tranh của quân dân chiến khu Dương Minh Châu chống lại quân xâm lược Pháp ở Đông Nam Bộ (1953)

            2.3.2. Chiến công của quân dân Dương Minh Châu, vai trò và đóng góp của chiến khu trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1953_1954)

Chương 3: Quá trình tái lập, củng cố và phát triển của chiến khu trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954_1975)

         3.1. Tình hình chiến khu từ 1954 đến 1960

             3.1.1. Mỹ thực hiện chiến lược Eisenhower biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, cùng chính phủ Việt Nam cộng hòa đàn áp khốc liệt cách mạng miền Nam

                3.1.2. Cao trào cách mạng 1959-1960.

                3.1.3. Tái lập, củng cố và phát triển của chiến khu Dương Minh Châu

                   3.1.3.1. Quá trình tái lập chiến khu, xây dựng phát triển lực lượng ở Dương Minh Châu (1954-1960)

                   3.1.3.2. Chiến công của chiến khu Dương Minh Châu thời kỳ 1954-1960.

        3.2. Chiến khu Dương Minh Châu được củng cố và hoàn chỉnh (1961_1965)

                3.2.1. Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ( Special war) ở miền Nam Việt Nam (1961_1965)

               3.2.2. Quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, củng cố chiến khu từ 1961-1965

               3.2.3. Chiến công, những đóng góp của chiến khu đối với cách mạng miền Nam

         3.3. Chiến khu Dương Minh Châu tiếp tục được củng cố hoàn chỉnh giai đoạn 1965_1968

           3.3.1. Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” (Local war) (1965_1968)

                   3.3.2. Xây dựng và phát triển lực lượng

                   3.3.3. Chiến công, đóng góp của chiến khu giai đoạn 1965_1968
    
             3.4. Chiến khu Dương Minh Châu được củng cố và hoàn chỉnh ( 1969_1975)

       3.4.1. Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”            (Vietnamization of the war ) (1969_1975)

       3.4.2. Xây dựng và phát triển lực lượng

                  3.4.3. Chiến công, đóng góp của chiến khu với thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả nước (1969_1975)

    Kết luận:

        Nêu vai trò, ý nghĩa của chiến khu Dương Minh Châu trong cuộc kháng chiến chống Pháp_Mỹ cứu nước, đề xuất phương hướng phát triển của Dương Minh Châu trong giai đoạn hiện nay.



  7. Đóng góp của đề tài

     Thứ nhất, chuyên đề của nhóm đã tập hợp được một khối lượng tư liệu lớn trong đó có nhiều tư liệu gốc có giá trị được nhóm tập hợp sắp xếp theo thứ tự thời gian rõ ràng để dễ nghiên cứu chọn lọc và viết bài.

     Thứ hai, thông qua chuyên đề của mình, nhóm đã phục dựng lại một bức tranh khái quát về sự hình thành phát triển của chiến khu Dương Minh Châu, mô tả được lịch sử phát triển, chiến công hào hùng của quân dân chiến khu Dương Minh Châu trong cuộc kháng Pháp_Mỹ cứu nước.
       

   Chương 1: Quá trình hình thành căn cứ địa cách mạng, chiến khu Dương Minh Châu (1945_1951)

        1.1.  Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, con người Dương Minh Châu (trước 1945)

       Từ xưa đến nay dân tộc ta vốn có lòng yêu nước nồng nàn. Khi đất nước có giặc ngoại xâm thì truyền thống này được nâng lên và phát triển lên thành sức mạnh để đánh thắng kẻ thù. Nhờ vậy dân tộc ta tuy nhỏ nhưng đã làm nên những chiến công hiển hách, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Một trong những yếu tố làm nên thắng lợi đó đó là vai trò quan trọng của hậu phương và căn cứ địa. Để lập được những căn cứ địa vững mạnh phải dựa vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Yếu tố này trở nên quan trọng hơn thể hiện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân ta. Khi nói đến chiến khu Dương Minh Châu, không thể không nói đến vùng đất và con người nơi này.

Căn cứ Dương Minh Châu là một vùng đất có địa thế hiểm trở, vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở phía bắc Tây Ninh. Toàn bộ căn cứ rộng khoảng 1.500 km . Phía Tây và Tây Bắc là vùng rừng núi bạc ngàn, kéo dài đế tận biến giới Campuchia. Đây là “sân sau” cung cấp lương thực, thực phẩm quan trọng đối với cách mạng miền Nam đồng thời là nơi trú chân an toàn cho bộ đội, các nhà cách mạng miền Nam. Ở phía Đông Bắc, căn cứ giáp quốc lộ 13 nối liền với chiến khu Đ_căn cứ rất nổi tiếng và quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hai bên căn cứ là hai con sông: Sông Vàm Cỏ Đông ở phía Tây và sông Sài Gòn ở phía Đông. Nơi đây có một vị trí quan trọng là cầu nối giữa vùng rừng núi bạc ngàn Nam Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ và đô thị lớn như Sài Gòn… Con sông Vàm Cỏ Đông (dài 220 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 150 km) bắt nguồn từ tỉnh Svayrieng, chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam qua Dương Minh Châu xuống đến Cần Đước rồi đổ ra cửa sông Soài Rạp. Đáy sông sâu, chịu ảnh hưởng của thuỷ triều lên xuống mỗi ngày, tàu thuyền đi lại dễ dàng. Sông suối mùa mưa nước nhiều, mùa khô cạn, không cản trở nhiều đối với xe tăng.

Phía Nam có hành lang ăn thông xuống huyện Trảng Bàng qua tứ giác: Bến Cát, Hóc Môn, Thủ Thừa, Đức Hoà.

Phía Tây là hành lang nối liền với huyện Châu Thành, qua Đồng Tháp Mười xuống đồng bằng sông Cửu Long. Ở giữa căn cứ là núi Bà Đen, điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn và là cầu nối đường Hồ Chí Minh với Nam Bộ, rất thuận lợi cho việc liên lạc và vận chuyển hậu cần từ miền Bắc vào Nam. Với độ cao 986 m, núi Bà Đen được coi là “nóc nhà Nam Bộ”, “con mắt miền Đông” giống như cái nón úp sừng sững giữa đồng bằng ở vào vị trí trung tâm Nam Đông Dương. Núi Bà Đen không chỉ là nơi trú ẩn an toàn mà còn là nơi quan sát khắp vùng, nhìn thẳng vào thị xã và các vùng quanh thị xã… Do đó, nếu bên nào khống chế được đỉnh Bà Đen thì sẽ khống chế được cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, cả miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Vì thế nơi đây đã từng diễn ra những trận đánh quyết liệt để giành đỉnh cao này.

Diện tích tự nhiên vùng Dương Minh Châu hầu hết là các loại gỗ quí và cây ăn quả. Sau khi nhân dân đến đây khai hoang, lập ấp và bắt đầu khai thác rừng, dần dần xóm làng, ruộng nương được hình thành. Trong rừng có đủ loại danh mộc như trắc, cẩm lai, gõ đỏ, sến… và các loại cây khác. Rừng ở đây không chỉ là kho nguyên liệu lớn cho xây dựng lán trại, nhà ở, cho lâm nghiệp để phát triển nền kinh tế kháng chiến mà còn là nguồn cung cấp lương thực, thuốc men, thực phẩm cho bộ đội ta. Các loài động vật thì có đủ ở căn cứ như voi, cọp, beo, hươu, nai…và nhiều loại chim muôn khác.

Trong lịch sử, vùng Tây Ninh ở Bắc Gia Định là vùng tiền tiêu của Tổ quốc và đã từng được các vị tướng của các triều đại phong kiến coi là nơi có địa hình, vị trí thuận lợi để lập căn cứ chống giặc bảo vệ bờ cõi như hai ông Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Dương ở Cẩm Giang, ba ông quan lớn Huỳnh Công Giảng, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ từ năm 1826 đến 1845 tại Tây Ninh (ông Giản và 4 ông khác hiện còn đền thờ ở Trà Vong_Tân Biên và một số địa phương khác…) ([1]). Năm 1858 Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình phong kiến hèn yếu đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Ngày 5/6/1862 ký hoà ước cắt ba tỉnh miến Đông Nam Kỳ cho Pháp. Nhân dân Tây Ninh đã cùng các vị Lãnh Binh Tòng, Lãnh Binh Két lợi dụng thế rừng hiểm trở để chống giặc. Nghĩa quân của Lãnh Binh Tòng cũng đã từng kéo về tiếp viện cho đại đồn Chí Hoà khi đại đồn bị uy hiếp. Ở phía bắc tỉnh, Khâm Tấn Tường chống lại lệnh bãi binh của triều đình lui về phủ An Cơ (xã Hảo Đước ngày nay) xây dựng lực lượng kháng chiến. Nghĩa quân hoạt động nhiều năm, gây không ít nỗi kinh hoàng cho giặc. Ngày nay, ở Bến Thứ xã Hảo Đước vẫn còn đền thờ ông và dấu tích hào thành xưa.
Trong các phong trào kháng chiến chống Pháp khác ở giai đoạn này, nổi bật hơn cả là lực lượng nghĩa quân do Trương Quyền ( ? - 1871) lãnh đạo. Sau khi cha mình là Trương Định hi sinh oanh liệt ở Gò Công (1864), Trương Quyền đưa quân về Tây Ninh tiếp tục tổ chức đánh Pháp ở vùng Truông Mít. Nghĩa quân của ông đã dựa vào địa thế hiểm trở ở đây tổ chức tấn công ở nhiều nơi: rừng Truông Mít, rừng Trà Vong, rừng Hoà Hội. Về sau ông liên minh với nghĩa quân Pucombo ở Campuchia để cùng chống Pháp bảo vệ quê hương đất nước. Ngày 7/6/1866, vào lúc 6 giờ 30 phút chiều, 1.500 người của liên quân tổ chức tấn công vào đồn Tây Ninh. Quân ta xung phong tấn công chúng dữ dội, đến 7 giờ, trận đánh kết thúc. Kết quả, quân ta giết chết tỉnh trưởng Tây Ninh  là quan tư Savin de Larclauze (1861_1866), quan một phụ tá Le Sage và 11 lính. 11/6/1866, quân ta đánh trận Rạch Vinh, giết chết viên đại tá Marchaisse cùng nhiều lính Pháp. Thất bại hai trận này, André Baudrit kể:
Sau trận đánh (đồn Tây Ninh) 9 giờ, có lần quân Pháp liều ra lấy xác, Viên quan ba Pinault kéo quân qua cầu, vừa qua khỏi cầu, thoáng thấy bó nghĩa quân núp sau cây thì đâm hoảng, xô nhau chạy về đồn, chỉ mang được xác Le Sage, vì xác này nằm ngay đầu cầu.([2])
Paulin Vial viết:
Tin tức về sự thiệt hại nặng nề của ta trong trận Rạch Vinh đã lan tràn trong nhân dân như một ngọn lửa thuốc súng; các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ các nơi, cả trong hàng ngũ chúng ta, cả trong thành phố Sài Gòn và họ đang tìm cách tấn công ta ngay tại phủ của ta.

Sau, quân của ông bị Pháp đánh bại và ông hy sinh vào năm 1871 tại Bến Kéo.

Trong những năm đen tối thuộc Pháp, vùng phía Bắc Tây Ninh cũng là nơi dung thân của nhiều nông dân, không chịu nổi sự bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ và thực dân thống trị đã bỏ xứ vào Tây Ninh vỡ đất làm ăn sinh sống. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều cán bộ Đảng viên của Đảng đã dựa vào địa thế hiểm trở của vùng núi Tây Ninh trú ẩn và hoạt động. Năm 1930, phía rừng Giồng Nầng, Long Giang, Long Khánh đã có những nhóm đảng hoạt động. Những năm 1934_1935, phía Bàu Sen, Bàu Dài (xã Phước Hội), Quán Cơm (xã Thái Bình) thành lập nhóm đảng. Từ nửa sau những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Cầu Khởi, Bến Củi, Thanh Điền… liên tục nổ ra và lan rộng ra toàn tỉnh. Nhân dân Tây Ninh đã hưởng ứng mạnh mẽ khởi nghĩa Nam Kỳ, Cách mạng tháng Tám 1945 và tham gia chống Pháp_Mỹ đến ngày toàn thắng.

Về dân cư, ở vùng Dương Minh Châu vào thời kỳ đầu khai phá lập ấp thì rất ít, chỉ khoảng vài chục người, đến thời kháng Pháp vùng này có khoảng 600 người. Vào giai đoạn chống Mỹ, dân số trong căn cứ ngày càng ít đi do Mỹ tiến hành chính sách lập ấp chiến lược. Đến mùa khô 1966_1967 thì chỉ còn 800 người theo cách mạng ở dọc biên giới và dọc sông Vàm Cỏ Đông mà thôi. Về tộc người, trên đất Tây Ninh hiện nay có ba dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm. Nguồn gốc xuất thân của họ tuy khác nhau nhưng họ đã đoàn kết, gắn bó với nhau từ buổi đầu khai phá, khẩn hoang miền đất này. Truyền thống ấy của ba dân tộc không chỉ thể hiện trong chinh phục, cải tạo tự nhiên mà còn thấy rõ trong kháng chiến chống xâm lược. Đất Tây Ninh hiện nay có nhiều tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài giáo. Phật giáo xuất hiện từ sớm, gần gũi với nhân dân (lòng nhân hậu). Trong thời kháng Pháp và Mỹ, một số chùa là nơi ẩn náu tốt cho người cách mạng, cán bộ Đảng khi bị truy lung, bắt bớ. Thiên Chúa giáo xuất hiện muộn, thành phần tham gia gồm các giáo dân, linh mục bị triều đình truy nã phải trốn vào Nam lánh nạn và tập hợp trong họ Tha La giáo vào cuối thế kỷ XIX. Trừ một số tín đồ bị địch mua chuộc trở thành tay sai của chúng, còn số đông các tín đồ còn lại thì theo cách mạng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đạo Cao Đài (do Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939) tuy mới ra đời nhưng quy tụ rất đông tín đồ. Quần chúng tín đồ có một số kẻ bị lợi dụng làm tay sai cho giặc, còn lại đa số thì có long yêu nước, căm thù bọn cướp nước nên sẵn lòng ngã theo cách mạng.

   1.2. Sự ra đời của chiến khu Dương Minh Châu (1945_1951)

       1.2.1. Tình hình Nam Bộ từ sau năm 1945 đến 1949


                 Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong khi nhân dân ta đang hồ hởi xây dựng chế độ mới thì thực dân Pháp, được sự giúp đỡ của quân đội đồng minh Anh, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ý định trở lại xâm lược Đông Dương được hình thành ngay từ khi Paris còn bị Đức chiếm đóng, bằng tuyên bố sẽ “giải phóng Đông Dương” của tướng
Pháp Charles de Gaulle tại Algerie ngày 8/12/1943 ([3]cùng với quá trình tiền triển thuận lợi của phe đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai, thự dân Pháp ráo riết thự hiện hang loạt biện pháp cho việc chuẩn bị trở lại Đông Dương. Cuối năm 1944, “Uỷ ban hành động giải phóng Đông Dương” ra đời, ngày 17/8/1945, đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương được thành lập dưới sự chỉ huy của tướng Philippe H. Leclerc “Việc đưa một đạo quân viển chinh đến, không nghi ngờ gì nữa, là điều kiện đầu tiên cho việc trở lại Đông Dương” ([4]).

Ngày 22/8/1945, Đại tá Pháp Jean Cedile, người được chính phủ Pháp de Gaulle cử làm Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Nam Kỳ cùng một số nhân viên đã nhảy dù xuống Tây Ninh. Sau đó hai ngày, kế hoạch chi tiết trở lại Đông Dương do Leclerc và bộ tham mưu Pháp vạch ra đượcUỷ ban Đông Dương (cải tổ từ Uỷ ban hành động giải phóng Đông Dương) thông qua. Ngày 8/11/1945, Pháp đánh chiếm thị xã Tây Ninh, cử Menage làm Tỉnh trưởng ở đây. Biết tin Pháp chiếm thị xã, nhân dân ở đây đã thực hiện “vườn không nhà trống”, tiêu thổ kháng chiến. Quân Pháp sau khi chiếm thị xã đã mở nhiều cuộc tấn công lấn chiếm rộng ra trên toàn tỉnh. Từng cánh quân Pháp được tung ra đàn áp công nhân cao su đồn điền Bến Củi, Cầu Khởi, Bình Linh; tăng cường đốt phá làng mạc uy hiếp dân chúng, chiếm lấy các đầu mối giao thông quan trọng, thiết lập bộ máy xã, ấp và tìm cách nắm lấy một số chức sắc phản động trong đạo Cao Đài như giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, Hộ pháp Phạm Công Tắc… lợi dụng họ chống lại cách mạng.

Về phía ta, Tỉnh uỷ lâm thời chỉ đạo chung là bảo toàn lực lượng, rút ra vùng nông thôn, rừng núi để kháng chiến. Về sau, hưởng ứng Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến của Uỷ Ban Kháng chiến Nam Bộ (23/9/1945), Tỉnh uỷ càng quyết tâm hơn trong các sách lược bảo vệ tỉnh nhà khi Pháp xâm lược toàn tỉnh. Mặt trận Việt Minh và lực lượng vũ trang tỉnh, sau trận đánh Pháp ở Thanh Điền đã rút về Bến Củi xây dựng căn cứ chuẩn bị kháng chiến. Lực lượng vũ trang của Trần Văn Đẩu, Nguyễn Công Bằng chuyển từ Trảng Sa về Suối Đá, xóm Phan và đóng quân tại đây. Một tiểu đội của chiến sĩ Điểm và bộ phận của chiến sĩ Mạnh đóng quân tại núi. Giặc Pháp hay tin liền tới bao vây, đến ngày thứ ba không thấy động tĩnh nên chúng tiến quân lên núi, bị ta chặn bất ngờ ở dốc thượng (đường lên Chùa Bà), giặc bị thương vong nhiều nên rút lui, đặc biệt trong trận này có sự tham gia của các nhà sư trẻ làm công tác tiếp tế, hậu cần. Sau khi bị quân ta bất ngờ phản công, Pháp gọi máy bay vào oanh tạc Chùa Bà gây sập nhà, nát tượng làm nhân dân căm phẫn ([5]). Sau trận đánh này, quân ta rút về Bàu Chanh tiếp tục tổ chức kháng chiến và cử người đi báo cáo với Khu uỷ miền Đông xin ý kiến chỉ đạo.

Tháng 11/1945, Nguyễn Bình được cử vào phụ trách chỉ huy quân ta ở Nam Bộ, ngày 20/11/1945 đã triệu tập hội nghị ở Đức Hoà (Gia Định) quyết định chia Nam Bộ thành ba khu:

    _ Khu miền Đông (khu 7), do Nguyễn Bình phụ trách.
    _ Khu Trung Giang (khu 8), do Đào Văn Trường phụ trách.

    _ Khu Hậu Giang (khu 9), do Vũ Văn Đức phụ trách. ([6])


Để chuẩn bị tốt cho công cuộc kháng chiến được thắng lợi, Trung ương Đảng ra chỉ thị 25/12/1945: “phải chọn đóng những địa điểm chiến lược lợi hại, tiến có thể đánh, lùi có thể giữ (…), kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo (phòng đủ mọi mặt: địa điểm, cán bộ, lương thực…). Theo lệnh của Đảng và chính phủ, các tỉnh tích cực xây dựng chiến khu. Ở Tây Ninh, Tỉnh uỷ đã xây dựng các chiến khu Bàu Chanh, Lam Sơn, Bàu Tâm… Ngày 5/3/1946 tại An Điền, các lực lượng lẻ tẻ của tỉnh đã được thống nhất lại thành chi đội 11 ([7]) do Trịnh Khánh Vàng (về sau là Nguyễn Hữu Dụ) chỉ huy. Đến cuối năm 1946, chi đội 11 chuyển về Bố Bịch, Bà Hảo xây dựng chiến khu Yên Thế, chiến khu dự bị Lam Sơn. Năm 1948, phong trào cách mạng Tây Ninh bước vào giai đoạn củng cố và phát triển và, vấn đề đặt ra lúc này là phải gấp rút xây dựng căn cứ địa vững chắc tạo chỗ đứng chân cho cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang, xây dựng nền kinh tế kháng chiến và thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh lâu dài. Do vậy, Tỉnh uỷ quyết định chọn vùng Trà Vong làm căn cứ địa cho tỉnh, tiếp tục mở rộng các căn cứ cũ: Bàu Chanh, Yên Thế, Lam Sơn nhằm tạo hành lang nối liền các căn cứ, vùng du kích ở các huyện, các tỉnh và toàn vùng Nam Bộ.

Tháng 7/1948, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định phát triển chi đội 11 thành Trung đoàn 311 Thái Văn Lung. Buổi lễ thành lập được tổ chức ở căn cứ Bàu Chanh (nay thuộc xã Phước Ninh). Trung đoàn 311 lúc mới thành lập có ba tiểu đoàn: 931, 932, 933. Tiểu đoàn 933 hoạt động ở Đông Bắc tỉnh, đóng ở Bàu Chanh hướng ra suối ông Hùng, ngã ba Đất Sét, Truông Mít, tỉnh lộ 26. Về sau, Trung đoàn phát triển thêm một số đại đội, trong đó đại đội C đóng ở Bàu Gòn, Bố Bịch làm chủ lực. Hoạt động chủ yếu của đại đội là bảo vệ hành lang ăn thông Bời Lời_Trà Vong hướng ra tỉnh lộ 26, Suối Tre, Cầu Khởi, Nam Toà thánh…Ở Bàu Chanh, Pháp và quân Cao Đài càn quét liên tục, cướp sạch, phá sạch gây cho ta rất nhiều khó khăn. Với tinh thần kiên quyết chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ sản xuất và hậu cần, quân dân của tỉnh đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Tiểu đoàn 933 nhiều lân phục kích đánh địch ở Bàu Gòn, Bàu Chanh; đồng thời kết hợp với đại đội C đánh tan quân Cao Đài ở Đất Sét, Truông Mít buộc chúng rút về Bàu Đồn, Cầu Khởi.

Giữa năm 1949, Tỉnh uỷ họp Đại hội đại biểu Đảng bộ Tây Ninh lần II ở Trà Vong. Đại hội đã kiểm điểm các hoạt động vừa qua, đề ra kế hoạch sắp tới là phải củng cố chính quyền từ trung ương đến cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh hoạt động du kích, mở rộng căn cứ địa, tăng gia sản xuất.

     1.2.2. Hoạt động của căn cứ Trà Vong từ 1948 đến 1949

       1.2.2.1. Xây dựng lực lượng

       Phong trào kháng chiến ngày càng phát triển, vấn đề căn cứ địa được đặt ra ngày càng cấp thiết. Năm 1948, Tỉnh uỷ cử Nguyễn Hữu Dụ lãnh đạo một bộ phận chi đội 11 lên Trà Vong nghiên cứu xây dựng căn cứ lâu dài cho tỉnh. Việc chọn Trà Vong làm căn cứ địa cũng đã trải qua quá trình phân tích kỹ lưỡng của Tỉnh uỷ. Nhìn chung toàn tỉnh thì Trảng Bàng là nơi có vị trí trọng yếu không chỉ của Tây Ninh mà còn cho các tỉnh lân cận. Ở đây hình thành thế tứ giác: Đức Hoà_Trảng Bàng_Bến Cát_Củ Chi. Mặc khác vùng căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng) là vùng đông dân nhưng có địa bàn quá hẹp, khó mở rộng và cũng như khó có thể cho lực lượng ta cơ động đánh giặc mọi lúc mọi nơi; còn vùng Trà Vong thì có thế rừng rộng lớn, dễ dung nạp hết các cơ quan của tỉnh và dễ cho quân ta cơ động diệt giặc, tạo thế liên hoàn cao cho các nơi khác trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, trong đó có Campuchia. Cuối cùng, Tỉnh uỷ quyết định: Xây dựng căn cứ địa ở Trà Vong, phía bắc tỉnh Tây Ninh. Lúc đầu hình thành, căn cứ địa được đặt ở một vị trí rất thuận lợi: Phía bắc căn cứ giáp với vùng rừng già bạc ngàn lên tận Campuchia tiện cho việc khai thông tiếp tế, liên lạc từ Bắc vào Nam; hai phía tây và đông là giáp với hai vựa lúa lớn của tỉnh: Châu Thành và Trảng Bàng thuận lợi cho tiếp tế lương thực cho bộ đội, cơ quan lãnh đạo; phía sau căn cư dựa vào vùng tây bắc Thủ Dầu Một thuận lợi cho tiếp tế sức người, sức của vào đây. Một điều đặc biệt của căn cứ đó là nó nằm ngay trên trục lộ 22, tỉnh lộ 4 (nó cách quốc lộ 22 - 8 km và tỉnh lộ 4 - 12 km) nên tương đối an toàn trong việc giữ bí mật và phát hiện ngay địch nếu chúng tấn công vào căn cứ. Tóm lại, khu vực rừng Trà Vong có vị trí rất thuận tiện để trở thành căn cứ địa kháng chiến của toàn tỉnh.

Khu vực Trà Vong bao gồm hai vùng khu 4 và khu 6 (cũ) của tỉnh,thêm một phần đất các xã Minh Thạnh, Hảo Đước, Hoà Hiệp. Đây là vùng rừng trải dài lên giáp biên giới Campuchia, dân cư thưa thớt, việc xây dựng căn cứ phải vận động dời dân đến các vùng du kích và tạm bị chiếm lên định cư.

Đến giữa năm 1948, căn cứ Trà Vong đã có diện tích 1.500 km 2, được quân dân tỉnh xây dựng tổ chức ổn định với bốn khu vực: văn phòng chi đội, các cơ quan dân chính Đảng, binh công xưởng và  khu vực dân cư. Khu vực dân cư bao gồm các xóm:

   _ Phía đông là xóm Khedol trên, Khedol dưới, hai xóm này thông với xóm Bà Hảo qua Trảng Dài. Về sau, ở Trảng Dài thành lập các xóm mới gọi là xóm Rẫy mới và xóm Bàu Chanh mới.

   _ Phía nam là xóm Trà Vong cũ, Trà Vong mới.

   _ Phía bắc là xóm Dầu Lớn, xóm Ky, xóm Bàu Văn Lịch.

  _ Phía tây có xóm Trà Vong thông đến xóm Dầu Lớn ngoài qua xóm Trường. ([8])

Về dân cư thì lúc đầu, dân cư trong căn cứ rất ít trừ có một ít người ở xóm Dầu Lớn, còn lại ở các xóm khác thì lại phải vận động dân ở các vùng khác đến. Ở mỗi xóm, các đội công binh của chi đội 11 tiến hành dọn rừng, làm một ít nhà và trồng trước nhà vài cây chuối, ớt, đào giếng nước cho bà con dùng, làm đến đâu thì vận động bà con lên ở đến đó. Khi bà con về ở càng đông, Tỉnh uỷ tiến hành giúp bà con ổn định chỗ ở, tự túc lương thực; khi đã ổn định chỗ ở xong thì bà con cùng các chiến sĩ cách mạng đã lập ra các tổ chức dân quân, du kích có trang bị vũ khí… Ngoài ra ở mỗi xóm, dân quân đã xây dựng các hầm hố chông tại các chỗ hiểm yếu, hình thành một vành đai bảo vệ cho mỗi xóm trong căn cứ.

Khu vực công binh xưởng được bố trí ở bến kia suối Trà Vong qua Bàu Châu É, xưởng ở khu vực này tách biệt với khu dân cư để tiện việc bảo vệ khu sản xuất vũ khí và an toàn cho nhân dân.

Đến khoảng giữa năm 1948, việc xây dựng căn cứ đã chuẩn bị xong, văn phòng chi đội 11 về ở khu trung tâm và các cơ quan Đảng, Dân chính lần lượt về đóng ở các khu vực đã quy định trong căn cứ. Ngoài ra, Tỉnh uỷ đã thành lập Uỷ ban bảo vệ căn cứ để làm nhiệm vụ hành chánh và điều phối các hoạt động xây dựng căn cứ địa; thành lập Mặt trận Việt Minh của Tỉnh, các đoàn thể cứu quốc khác làm nòng cốt trong phong trào chiến tranh du kích tại căn cứ. Các làng xã trong căn cứ được xây dựng thành các làng xã chiến đấu với nhiều tuyến phòng thủ được bố trí bằng hầm hào, hố chông, bãi có gài mìn và lựu đạn. Nhân dân trong căn cứ được cấp đất, trợ giúp cây giống và phương tiện canh tác. Vụ mùa trồng tỉa gieo cấy và thu hoạch đều được bộ đội và dân quân du kích bảo vệ. Các mặt y tế, văn hoá, giáo dục, xoá mù chữ cho cán bộ, người dân ([9]) đều được chú trọng phát triển.

Về công việc bảo vệ căn cứ thì phân đội Z được tăng cường thêm và phiên chế thành đại đội A chịu trách nhiệm bảo vệ chung. Mặc khác do địa bàn căn cứ rộng nên đại đội A chỉ đủ sức làm nhiệm vụ canh gác và tuần tiễu phía tây nam thị xã. Còn phía bắc thì bố trí các tổ sản xuất tự túc cho các cơ quan tỉnh cùng với xóm Bàu Văn Lịch làm nhiệm vụ vừa trinh sát vừa sản xuất. Ở mỗi xóm, tỉnh bố trí vài chiến sĩ xuống ở cùng dân để tổ chức dân quân, xây dựng du kích và phòng tuyến. Về sau xưởng công binh hoạt động, tiến hành cấp lựu đạn cho dân quân của các xóm để bố phòng bảo vệ xóm, ấp và căn cứ. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các cơ quan dân chính cũng tiến hành xây dựng phòng tuyến quanh khu vực đóng quân.

1.2.2.2. Sự phát triển của chiến khu

   Có căn cứ ổn định, các cơ quan của tỉnh tiện việc liên hệ với nhau và tiện việc chỉ đạo mọi mặt trong công tác. Đồng bào trong khu căn cứ yên ổn phát triển sản xuất, lượng lương thực làm ra ngày càng nhiều, đời sống nhân dân bớt khó khăn. Các lực lượng quân sự có điều kiện luyện tập chiến thuật và mở trường quân chính để đào tạo cán bộ nhằm mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến.

Song với việc xây dựng căn cứ Trà Vong, Tỉnh uỷ còn chỉ đạo hai huyện Châu Thành và Trảng Bàng củng cố căn cứ Bời Lời, Hoà Hội, Ninh Điền, Bàu Chanh, Yên Thế… để tổ chức các hành lang nối liền giữa các căn cứ của tỉnh với các huyện. Sự liên hoàn này đã tạo thế đứng chân ngày càng vững cho các cơ quan tỉnh.

Phát hiện ta xây dựng căn cứ Trà Vong, địch bắt đầu đánh phá. Đầu tiên chúng tiến hành kiềm chế bên ngoài bằng cách tăng cường bót Hai Sòng, kiểm soát gắt gao đoạn đường thị xã Tây Ninh_ngã ba Vịnh nhằm ngăn chặn tiếp tế vào căn cứ. Sau đó chúng mở các cuộc tấn công từ hai hướng là đường 22 và Khedol vào căn cứ, thế nhưng các cuộc tấn công này đều bị đại đội A cùng du kích tại chỗ đánh cho tan tành phải rút về. Nhận thấy tấn công nhỏ không có hiệu quả khi biết chắc ở Tây Ninh có căn cứ Việt Minh, chúng đã tiến hành phá hoại một cách mạnh hơn. Bằng máy bay trinh sát, chúng thả bom vào khu vực khả nghi có cơ quan của ta, các khu vực sản xuất gây khó khăn lương thực cho ta. Chúng liên tiếp mở ba cuộc tấn công lớn vào căn cứ ta, đánh cấp Đại đội vào mặt tiền nhưng thất bại, lần hai chúng dùng cấp Tiểu đoàn. Đại đội ta dùng cách phân tán lực lượng địch và cùng du kích chặn diệt các bộ phận nhỏ, làm cho chúng hoảng sợ phải rút quân. Lần ba Pháp kết hợp nhiều tiểu đoàn có quân Cao Đài dẫn đường từ phía My Mốt đánh xuống có máy bay yểm trợ đánh vào các điểm khả nghi trong căn cứ, phía ta dùng cách đánh du kích, dụ chúng vào mục tiêu ta đã chuẩn bị trước. Sau nhiều giờ đồng hồ tấn công quân ta, liên minh Pháp_Cao Đài lại bị thất bại nặng nề và phải rút về. Sau ba lần tấn công không thành, Pháp lại tăng cường một Đại đội Cao Đài đóng ở bìa rừng Trà Vong nhằm cắt đứt tiếp tế của ta. Chi đội 11 tăng cường thêm một trung đội để thường xuyên bao vây, cắt đứt tiếp tế làm cho chúng hoảng sợ không dám ra ngoài. Sau sáu tháng không hoạt động được lại bị tiêu hao lực lượng, Pháp phải rút bỏ bót Trà Vong. Từ đó thế đứng chân của vùng căn cứ càng được vững vàng “Từ khi có căn cứ Trà Vong thì các cơ quan Dân chính, Đảng mới tập trung quy tụ tại đây đã hình thành nên một khối lãnh đạo thống nhất. Còn Quân đội thì lấy đó làm hậu phương để xây dựng lực lượng, từ hậu phương đó mà xuất phát đi đánh ở các nơi khác. Khi đánh xong lại trở về căn cứ để nghỉ ngơi, tập luyện” ([10]). Căn cứ trở thành “mái nhà” thân yêu của các chiến sĩ, cán bộ cách mạng.
Năm 1949, để tưởng nhớ Dương Minh Châu, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Tây Ninh hy sinh năm 1947, Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định đổi tến căn cứ Trà Vong thành căn cứ Dương Minh Châu ([11]) .


    Chương 2: Xây dựng, bảo vệ chiến khu giai đoạn 1951_1954

      2.1. Quá trình tập hợp lực lượng, mở rộng chiến khu Dương Minh Châu giai đoạn 1951_1952

       2.1.1. Dương Minh Châu trở thành chiến khu chính của Trung Ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền


             Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 kết thúc, Xứ uỷ Nam Bộ phát triển thành Trung ương Cục Miền Nam thay mặt Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến ở chiến trường miền Nam. Văn kiện Đại hội nêu rõ: công tác xây dựng lực lượng vũ trang là “một vấn đề chiến lược quan trọng ngang hàng với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, không thể tách rời vấn đề xây dựng lực lượng, vì không xây dựng căn cứ tức là không bồi dưỡng nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho xây dựng và phát triển quân đội”.  Văn kiện trên đã đề ra nội dung cụ thể trong công tác xây dựng căn cứ địa một cách hệ thống, cơ bản và toàn diện cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong báo cáo hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II về căn cứ chỉ rõ: về chính trị phải tuyên truyền giáo dục nhân dân phòng trừ gian, củng cố chi bộ và mặt trận địa phương. Về quân sự phải kiện toàn giáo dục du kích xã, củng cố bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Về kinh tế phải tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, cải tiến nông nghiệp, xây dựng cơ sở chăn nuôi, phát triển công nghệ và mậu dịch. Như vậy qua hai văn kiện trên, chúng ta đã hiểu được một phần nào về đường lối kháng chiến của Đảng và nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa nói riêng và tiếp tục để đưa cách mạng đến thành công của quân dân ta trong thời kỳ kháng Pháp giai đoạn sau (1951_1954).

Ở chiến trường Nam Bộ cuối năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng phát triển đặt ra yêu cầu cơ quan lãnh đạo phải có chỉ thị sâu sát kịp thời. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở Nam Bộ và hưởng ứng Đại hội Đảng lần 2 (1951), Trung ương Cục đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa cho từng chiến trường và cả Nam Bộ. Uỷ ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ra chỉ thị cụ thể trong năm 1951: Phải gấp rút xây dựng và kiện toàn căn cứ địa, nhất là căn cứ địa về mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị cày. Nhưng trong bước đường gây dựng bộ đội, trong việc chống lại cơ giới của địch, ta cũng biết lợi dụng thiên nhiên rừng núi, ao hồ để phối hợp với sức người”.   ([12]) Sau chỉ thị này Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Nam Bộ từ chiến khu U Minh  chuyển về đóng ở rừng Bà Sầm (thuộc chiến khu Đ) nhưng xét thấy đóng ở đây gặp nhiều khó khăn nên tháng 3/1951 lại dời về Chiến khu Dương Minh Châu là nơi “có khả năng ổn định hơn về vị trí dừng chân, nguồn tiếp tế và giáp giới với căn cứ Đông Nam Campuchia”. ([13])

    2.1.2. Hoạt động của quân dân Dương Minh Châu sau khi Trung Ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền dời về Dương Minh Châu (1951_1952)


       Trung ương Cục miền Nam ( tên gọi của xứ uỷ Nam Bộ từ tháng 2/1951) và Bộ tư lệnh Nam Bộ về đóng ở chiến khu Dương Minh Châu lấy vùng Đồng Rùm, Trà Dơ làm an toàn khu. Căn cứ Đồng Rùm còn có phiên hiệu là X40 là căn cứ Trung ương Cục miền Nam, bởi vì lúc này do ông Lê Duẩn làm Bí thư nên còn gọi là căn cứ Lê Duẩn. Đồng Rùm là một khu rừng già nằm ở trung tâm căn cứ Dương Minh Châu, giữa hai nhánh suối Bà Chiêm và rạch Sanh Đôi trong khu vực toạ độ X38.000 và Y72.000 ([14]) (nay thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Năm 1984 sau khi chặn sông Sài Gòn, thì khu vực này là một bán đảo trên hồ nước Dầu Tiếng. Tiếp nối Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh Phân liên khu cũng từ chiến khu Đ rút lên đóng ở Dương Minh Châu.

 Để bảo vệ Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, căn cứ địa được mở rộng đến tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thêm một phần xã Hảo Đước, Hoà Hiệp của huyện Châu Thành. Là căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền nên đã có mối quan hệ rộng rãi với các tỉnh phía nam cho nên khi Trung ương Cục ra các chỉ thị, mật lệnh thì hầu hết các tỉnh ấy và khu 8 đều nhận được mật lệnh đó và thì hành nghiêm chỉnh. Từ đây Dương Minh Châu trở thành chiến khu lớn của Đông Nam Bộ, đó là một niềm vinh dự to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm năng nề hơn đối với quân và dân Tây Ninh.

      2.2. Dương Minh Châu trong công cuộc chống thiên tai ,địch họa (1952)  

         2.2.1. Quân dân chiến khu Dương Minh Châu anh dũng đánh bại các cuộc càn quét của Pháp bảo vệ căn cứ (1951_1952)


            Cuối năm 1951, Pháp thực hiện ý đồ củng cố chiến trường Nam Bộ. Chúng đã tăng cường các cuộc tấn công quân sự vào các căn cứ kháng chiến, tổ chức các đội biệt kích để thực hiện chiến lược “luồn sâu đánh lẻ” ngăn chặn giao thông liên lạc và nguồn tiếp tế, xây dựng chính quyền nguỵ, mở các chợ, bệnh viện, trường học ở gần thị xã thu hút dân chúng nhằm chống phá kinh tế ta, cho quân Cao Đài liên minh ra rừng đánh sâu vào căn cứ của ta. Đầu năm 1952, chúng tăng cường thêm lực lượng quân viễn chinh và biệt kích (commandor) hoạt động càn quét xung quanh căn cứ nhằm cô lập và tiến đánh vào các nơi mà chúng nghi ngờ có căn cứ của ta đóng như các vùng Phước Ninh, Định Thành, Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, xây dựng bót Suối Đá và cho quân đội tới đóng; tăng cường hoạt động tình báo, phục kích chặn các nguồn tiếp tế của ta và cài người vào để phá nội bộ của ta. Tháng 1/1952, Pháp cho máy bay xuống dội bom vào các xóm dân tập trung như Định Thành, Phước Ninh, dọc đường 13, Xóm Rẫy…gây thiệt hại nặng về người và của cho nhân dân ở đây.

 Về phía lực lượng kháng chiến thì tại Dương Minh Châu, lúc này lực lượng không phải chỉ Đại đội A của Trung đoàn 311 mà còn có lực lượng của huyện đội, du kích xã đang hoạt động mạnh mẽ, do đó việc tăng cường hoạt động của ta là dồn địch vào thế bị động và và du kích ở các xã thì bắn tỉa liên tục không cho chúng mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi khu vực bót. Tuy các bót xung quanh căn cứ khó hoạt động nhưng để tiêu diệt cơ quan của ta, địch thường xuyên mở các trận càn với quy mô lớn có máy bay yểm trợ tấn công Dương Minh Châu. Tiêu biểu như vào tháng 12/1951, địch huy động 20 tiểu đoàn bộ binh có máy bay yểm trợ mở cuộc càn lớn vào căn cứ. Các đơn vị bảo vệ căn cứ và nhân dân tại đây đã bố trí thế trận diệt giặc hiệu quả và đã đánh tan cuộc càn này. Kết quả ta diệt gần hai đại đội địch và sau trận này, Tỉnh uỷ Gia Ninh chuyển một số bộ phận cơ quan quan trọng sang đóng ở Bến Cát (bên kia sông Sài Gòn) và đã tập trung lực lượng xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều tầng để phát hiện địch từ xa, bảo vệ căn cứ.

Thượng tuần tháng 2/1952, Pháp tập trung quân đội ở Suối Đa, Dầu Tiếng và mở cuộc hành quân “Nhà lá” (Leaf House) càn quét vào căn cứ. Tiểu đoàn 304 của ta vừa thành lập (tháng 2/1952) đã phối hợp với biệt động Dầu Tiếng bất ngờ tập kích vào khu vực sở chỉ huy của cuộc hành quân, kết quả ta tiêu diệt tại chỗ chỉ huy Pháp cùng toàn bộ bộ chỉ huy của chiến dịch. Bẻ gãy được cuộc hành quân này ngay từ khi chúng xuất phát đánh dấu một bước phát triển mới trong chiến thuật cũng như khả năng tác chiến của quân ta.

Cay cú vì thất bại đau, tướng Pháp ở Nam Bộ là Bondis lại mở một cuộc càn quét mới với quy mô lớn khoảng 20 tiểu đoàn (2.000 tên) và nhiều máy bay yểm trợ tấn công thẳng vào vùng Trà Dơ thuộc Dương Minh Châu (từ ngày 24/4 đến 1/5/1952). Hai đại đội của tiểu đoàn 302 cùng với đội vũ trang tuyên truyền Dầu Tiếng đánh quấy rối sau lưng địch, tiến hành phục kích, chặn đánh tiếp tế của chúng và tích cự truy quét bọn biệt kích. Tại căn cứ, tiểu đoàn 304 tiến hành phân tán chúng, chia giặc thành nhiều nhóm nhỏ rồi cứ thế “dụ” chúng vào các con đường ngoằn ngoèo, bẫy, hầm chông… ta đã chuẩn bị trước rồi bất ngờ tiêu diệt chúng. Trong khi đó, đại đội chủ lực của tiểu đoàn 302 dùng hoả lực phòng không bắn trúng chiếc máy bay P26 làm nó lảo đảo rồi đâm vào một chiếc máy bay khác làm cả hai cùng rơi xuống: một chiếc rơi xuống Đồng Sầm và một chiếc rơi xuống Trâm Sụ([15]).

Trong trận càn này ta diệt tổng cộng hơn 200 tên và một đại đội Commandor bị diệt gọn. Tuy nhiên địch cũng gây cho ta nhiều thiệt hại đáng kể: 1.230 giạ lúa, kho lúa trong huyện và kho lúa ở nông trường 6 Sóc Con Trăng bị đốt trụi; 31 con trâu và 38 con heo bị giặc giết chết ([16]. Do âm  mưu không thành nên sau sáu ngày càn quét, chúng buộc phải lui quân.

Tổng cộng trong năm 1952, ta đã tiến hành làm thất bại 48 cuộc càn của địch, làm chết 325 tên (trong đó có một quan tư, 1 quan ba, 2 quan hai) bị thương 31 tên, bắt làm tù binh 8 tên, thu 19 súng trường, 2 thompson, 2 khẩu tiểu liên Sten, 2 tiểu liên barut, 2 colt 12 ly, 1 carbin, 1 Mine 24, 2.000 viên đạn, 10 lựu đạn, thiêu huỷ 1 thiết giáp, 1 xe Jeep, 3 xe tải, bắn hạ 2 máy bay. (theo báo cáo của Công an Dương Minh Châu). Vừa chống càn, vừa phá vây địch và giữ vững căn cứ, các lực lượng vũ trang của ta toả ra các địa bàn lân cận chủ động tìm cách đánh địch. Tháng 2/1952, tiểu đoàn 304 được thành lập cùng với đại đội 402 (đại đội bảo vệ chiến khu D295, lúc này được chuyển vào Dương Minh Châu để bảo vệ các cơ quan trong căn cứ). Các trung đội vũ trang tuyên truyền Dầu Tiếng, pháo binh Nam Bộ, tiểu đoàn quân địa phương Gia Định, Dương Minh Châu… được biên chế lại cùng làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và tạo điều kiện cho tiểu đoàn 302 mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng xung quanh tấn công địch tại các sở cao su, các đường giao thông số 22, số 4, số 13…

            2.2.2. Chiến khu Dương Minh Châu khắc phục hậu quả của trận lụt 1952, tăng cường an sinh cho dân để bảo vệ, kiện toàn chiến khu


        Cũng trong năm 1952, bên cạnh những khó khăn do việc địch tăng cường hoạt động, còn có khó khăn do thiên nhiên mang lại, trận lụt năm Nhâm Thìn mà ngày nay nhiều người lớn tuổi còn nhắc đến. Mùa mưa 1952 rất dữ dội, đến trung tuần tháng 10 lại xảy ra cơn bão lớn, khu vực Tây Ninh, rừng, trảng, suối, sông, đường sá, làng mạc đều chìm trong biển nước. Theo thống kê thời ấy, sông Vàm Cỏ Đông ở đoạn thuộc huyện Châu Thành nước lên cao 4 mét, chợ Tây Ninh 3,6 mét, vùng Suối Đôi, cầu Lộc Ninh đến 18,7 mét. Núi Bà Đen bị nước lũ xói mòn đá đứt chân lăn xuống đến chân núi ba đường sâu hoắm, rộng hơn 20 mét.  Đứng từ xa 30 cây số vẫn thấy rõ ba đường lở đỏ ối màu gạch nung, (đến bây giờ vẫn còn vết tích). Riêng trong vùng kháng chiến, hậu quả trận lụt cũng khá nặng nề. Các cơ quan tỉnh bị mất trắng 100% ruộng rẫy làm lúa, nhân dân thiệt hại 80%, vùng Châu Thành có 1.073 mẫu ruộng và 315 mẫu rẫy chỉ còn thu hoạch được 18 mẫu. Trảng Bàng bị mất hết 2/3 mùa màng, 220 nhà bị sập, 92 người chết. Dương Minh Châu thiệt hại thấp nhất cũng có hơn 50% mùa màng (500.000 giạ lúa) bị chìm trong biển nước (17). Thiên tai gây khó khăn cho ta, nhất là về lương thực. Chiến khu Dương Minh Châu vốn là nơi đảm bảo một phần về hậu cần cho quân dân ta thế mà giờ đây khả năng đó bị nước lụt cuốn trôi đi, cả đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khác ở Nam Bộ cũng bị lụt nên lượng lương thực ở đây giảm đáng kể. Hơn nữa, địch biết rõ khó khăn của ta nên đã tiến hành bao vây chặc chẽ, mở các cuộc tấn công vào đầu năm 1953 vào khu căn cứ của ta. Vấn đề lương thực khó khăn làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác của ta. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở chiến khu lâm vào cảnh thiếu ăn từng ngày, tiêu chuẩn gạo bộ đội từ 25 kg/tháng nay giảm xuống còn 2,5 kg hoặc ít hơn. Thậm chí có nơi địa phương Dương Minh Châu mỗi tuần chỉ được cấp 1 lon gạo (250 g). Có khi chỉ được năm, bảy hột mít luộc ăn cầm hơi ([18]). Tại một căn cứ bên dòng nước Tha La trong chiến khu Dương Minh Châu, nhạc sĩ Hoàng Việt đã viết bài hát “Lên ngàn” phản ảnh những khó khăn gian khổ của giai đoạn lịch sử này:

                           “Gió mưa sập đổ mái nhà

                           Bao nhiêu gia đình tan hoang

                           Đau thương dâng lệ chứa chan…”([19])

        Để đối phó với tình hình mới, Tỉnh uỷ chủ trương chống giặc đói ngang hàng với chống giặc Pháp, cố gắng giải quyết cho dân có cái ăn. Trung ương Cục ra chỉ thị khắc phục khó khăn, phát động phong trào cứu đói và kêu gọi đồng bào khắp nơi ủng hộ nhân dân vùng bị bão lụt, đồng thời Trung ương Cục chỉ đạo cho Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tập trung tiền cung cấp cho quân nhu Phân liên khu miền Đông mua gạo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Cục, nhân dân khắp nơi đã quyên góp hàng chục đồng tiền Đông Dương, hàng chục tấn gạo, thực phẩm và nhiều vật dụng khác đến nhân dân miền Đông và sự giúp đỡ này đã giải quyết được 50 % nhu cầu về lương thực của căn cứ. Bên cạnh đó tất cả các ngành các cấp đã tiến hành đẩy mạnh sản xuất: trồng khoai lang, khoai mì, bắp để cứu đói và tiến hành cày cấy gieo lúa sớm. Thự hiện chủ trương trên, Huyện uỷ Dương Minh Châu chỉ đạo nhân dân chống đói: dọn đất rẫy để gieo cấy lúa vụ thứ hai trong năm; lợi dụng đất phù sa của lũ lụt để lại ở mép triền sông để sản xuất; trồng các loại cây có củ (củ nầng, củ mài), bắp mì, măng le, nấm mối, hạt dẻ…Bà con còn chèo thuyền lên tận các rẫy xa ở đầu nguồn sông, suối trồng cây lương thực nuôi gia đình, bộ đội. Toàn khu căn cứ, quân và dân cùng tích cực tham gia sản xuất để chống giặc đói và giặc Pháp. Một phần lương thực đã được giải quyết tại chỗ, cộng với các nguồn tiếp tế khác giúp cho huyện căn cứ vượt qua khó khăn, đứng vững và phát triển hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Sang năm 1953, để nhanh chóng vượt qua những khó khăn do lũ lụt và hoạt động của địch gây ra, Tỉnh uỷ Gia Ninh đề ra sáu nhiệm vụ công tác:

1.     Tiếp tục đẩy mạnh Cao Đài vận gắn với công tác nguỵ vận.

2.     Tiếp tục công tác giáo dục nhiệm vụ và phương châm hoạt động theo chuyển hướng và chú ý vùng yếu.

3.     Tuyên truyền phổ biến tin chiến thắng các chiến dịch lớn: Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, gây phấn khởi nội bộ và gây hoang mang hàng ngũ giặc,

4.     Tiếp tục chống địch lấn chiến căn cứ và vùng căn cứ quan trọng.

5.     Tiến lên tổ chức đánh giao thông chiến.

6.     Đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ sản xuất, phát động phong trào tiết kiệm và thực hiện thuế nông nghiệp.


    Sau trận lụt năm Nhâm Thìn, mặc dù địch cũng bị thiệt hại khá nặng, nhưng chúng đã nhanh chóng phục hồi lại lực lượng và lợi dụng lúc ta gặp khó khăn để tăng cường đánh phá vào căn cứ, lập các bót Trâm Sụ, bót Cầu Xa Cách, bót Ngã ba Đất Sét, dọc tỉnh lộ 26 đóng thêm tháp canh, tổ chức các đội Commandor thọc sâu đánh lẻ vào căn cứ của ta. Để đối phó, huyện chỉ đạo cho bộ đội đánh trả quyết liệt các đợt tấn công của chúng. Tại đây bộ đội địa phương hoạt động khá tốt, các trung đội 9 và 8 ở xã Phước Ninh, Định Thành hoạt động mạnh, đã kết hợp chặt chẽ với du kích xã diệt các đội Commandor thọc sâu vào căn cứ, chặn đánh các mũi càn quét lấn chiếm và bắn tỉa khống chế các đồn bót quanh căn cứ. Ngoài ra, các đại đội 916, 917 (tiểu đoàn 306) và đại đội 75, 80 (tiểu đoàn 302) cũng tăng cường hỗ trợ quân dân huyện kiềm chế địch. Để tạo điều kiện tốt cho các lực lượng địa phương bảo vệ căn cứ, các đại đội chủ lực đã kết hợp với các đại đội đặc công của Trung đoàn 304 tăng cường diệt bót Hai Sòng làm địch thiệt hại mất 2/3 quân số, bọn còn lại cố thủ trong đồn chờ tiếp viện. Tiếp đó ta đánh bót Cầu Lộc Ninh, đột kích diệt bót Cầu Xa Cách, phá huỷ kho súng khá lớn địch dự trữ ở các bót này. ([20])

Qua các hoạt động tích cực của quân dân ta, huyện căn cứ nhanh chóng vượt qua khó khăn tiến lến giành chủ động trên chiến trường huyện, kiềm chân địch hỗ trợ cho chiến trường tỉnh, miền và cả nước.

      2.3. Các chiến công của quân dân chiến khu Dương Minh Châu, vai trò và những đóng góp của chiến khu Dương Minh Châu trong những năm cuối của cuộc kháng chiến (1953_1954)

          2.3.1. Nghị quyết án về căn cứ địa_bước ngoặt lớn trong cuộc đấu tranh của quân dân chiến khu Dương Minh Châu chống lại quân xâm lược Pháp ở Đông Nam Bộ (1953)

             Sang năm 1953, kế hoạch “phản công quyết liệt, bình định gấp rút”
(féroces contre-offensivela moyenne se précipiter) của Pháp bị phá sản. Chính phủ phản động Pháp là René Mayer (8/11/1952_28/6/1953) cử Henri Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp thay thế R. Salan. Vừa đến Đông Dương, ông ta đề ra kế hoạch Navarre” nhằm mục đích sẽ làm chuyển biến chiến sự Đông Dương từ bại thành thắng trong thời gian ngắn (18 tháng). Thực hiện kế hoạch này, từ thu đông năm 1953 đến xuân năm 1954, ông ta tập trung thực hiện thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam, đồng thời tăng thêm quân nguỵ, tập trung binh lực để xây dựng một đội quân cơ động lớn. Đến thu_đông 1954, Navarre sẽ đưa quân đội ra miền Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên toàn miền Bắc giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh. Toàn bộ kế hoạch này được thực hiện với sự chi viện ngày càng lớn của Mỹ. Riêng năm 1953, viện trợ quân sự của Mỹ vào Đông Dương cho Pháp lên tới 650.000.000 dollars. Hàng trăm máy bay, tàu chiến Mỹ được đưa vào Việt Nam ([21]).

   Mặc dù vậy, thực trạng diễn biến trên các chiến trường không cho phép Pháp chủ động thực hiện kế hoạch như dự kiến. Ngay từ giữa năm 1953, Pháp buộc phải rút quân từ Nam Bộ là 25 tiểu đoàn gồm 6 tiểu đoàn Âu_Phi, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 tiểu đoàn thuỷ xạ, 3 tiểu đoàn tinh quân về sau 2 tiểu đoàn bị thiệt hại nặng trên đường đi nên chỉ còn 1 tiểu đoàn là tới nơi, về chi viện cho chiến trường Trung Bộ và Bắc Bộ. Ở Phân liên khu miền Đông, lực lượng địch bị giảm sút rõ rệt: 3 tiểu đoàn Âu_Phi bị tiêu hao nặng, sung thêm lính Miên vào nhưng chất lượng rất kém, cộng thêm 12 tiểu đoàn nguỵ thành lập vội vã, đào ngũ nhiều nên khả năng chiến đấu kém dần. Chúng ra sức bắt lính, thêm lính Cao Đài, Hoà Hảo lập các tiểu đoàn kinh quan để trám vào. Tinh thần quân nguỵ ngày càng sa sút, phần lớn binh lính nguỵ của Cao Đài, Hoà Hảo, Cầu An dao động, khả năng chiến đấu sút hẳn “phong trào đào ngũ, giải ngũ ngày càng phổ biến: 6 đại đội và 5 trung đội tan rã không xây dựng lại được” ([22]).

Nắm bắt tình hình, Trung ương Cục ra chỉ thị về “chuẩn bị đón lấy thời cơ mới”, đầu mùa khô 1953, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông đã để ra 3 nhiệm vụ:
         
1.     Giữ vững và đẩy mạnh chiến đấu lâu dài.

2.     Củng cố và mở rộng căn cứ địa.

3.     Đẩy mạnh công tác địch nguỵ vận.

      Dồng thời để cụ thể hoá nhiệm vụ “mở rộng và củng cố căn cứ địa”, Bộ Tư lệnh Phân liên khu đã đề ra “nghị quyết án về cắn cứ địa”. Trước hết nghị quyết xác định vấn đề củng cố và mở rộng căn cứ địa là một nhiêm vụ vô cùng quan trọng của quân dân miền và của các cấp Đảng, dân chính và chúng ta phải thường xuyên lo lắng hằng ngày để nó trở thành “hậu phương vững chắc cho du kích chiến”. Nghị quyết án vạch ra một số điểm cần phải nắm vững trong xây dựng căn cứ địa:

1.     Củng cố tích cực bên trong căn cứ, cơ sở quần chúng, lực lượng du kích, lực lượng sản xuất, đặt biệt chú trọng chống càn, chống biệt kích phòng gian bảo mật.

2.     Liên tiếp mở rộng ra vùng du kích dựa vào khối nhân vật lực của vùng du kích và tạm chiếm bằng cách mở nhiều khu du kích nhỏ sau lưng địch rồi nối dần vào căn cứ lớn được mở rộng ra, phá thế phong toả của địch.

3.     Vẫn tiếp tục mở rộng và xây dựng về phía sau, phia rừng núi, mở được đến đâu phải củng cố vững chắc đến đó, là cho căn cứ ngày càng rộng và đảm bảo an toàn về phía sau căn cứ”. ([23])


       Đây là nghị quyết án đầu tiên về căn cứ địa ở miền Đông Nam Bộ, Đánh dấu bước phát triển về nhận thức của cấp uỷ Đảng, kịp thời uốn nắn những quan niệm chưa đúng về vị trí, nội dung và phương pháp xây dựng căn cứ trước đó và xác định những nhiệm vụ cụ thể và biện pháp tổ chức thực hiện củng cố và mở rộng căn cứ địa trên địa bàn Phân liên khu trong giai đoạn mới. Ở Dương Minh Châu, quân và dân ta hưởng ứng chỉ thị và chủ trương của Trung ương Cục miền Nam. Phân liên khu miền Đông và Tỉnh uỷ Gia Ninh tích cực đôn đốc quân dân xây dựng phát triển thêm các xã du kích, ấp du kích rộng ra vành ngoài căn cứ nhằm mở rộng và củng cố căn cứ. Năm 1953 căn cứ Dương Minh Châu nối liền với căn cứ Định Thành, mở sang phía đông Sài Gòn đến giáp núi Cậu, phía bắc chạy lên đến Campuchia ([24]). Việc này đã giúp quân dân Dương Minh Châu có chỗ đứng trong căn cứ, tiện lợi để ta mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài đánh thắng giặc nhiều trận lớn, góp một phần nhỏ vào thắng lợi chung của kháng chiến chống Pháp cứu nước.

         2.3.2. Chiến công của quân dân Dương Minh Châu, vai trò và đóng góp của chiến khu trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1953_1954)

       Tháng 8/1953, bộ đội Dương Minh Châu được thành lập với 3 trung đoàn kinh binh và một trung đội binh chủng đã nhanh chóng hoàn thành công tác huấn luyện và đi vào hoạt động. Cuối mùa mưa 1953, lực lượng của căn cứ đã có bước tiến dài về mọi mặt. Mỗi đại đội có quân số biên chế trên 100 người có trang bị vũ khí đầy đủ. Ngoài công tác chiến đấu, bộ đội huyện Dương Minh Châu còn giúp các xã xây dựng các lực lượng du kích nòng cốt, mỗi xã có ít nhất là từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội. Vụ mùa năm 1953 toàn Nam Bộ được mùa to, lương thực sản xuất tại căn cứ và tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long lên được bảo đảm. Mọi hoạt động của chiến khu thêm sôi nổi. Từ cuối năm 1953 trở đi, ta liên tục giành lợi trên chiến trường Đông Dương và trong nước, đẩy địch vào thế bế tắc. Lúc đó, Trung ương Cục ra chỉ thị cho Tỉnh uỷ Gia Ninh “chuẩn bị đón thời cơ mới”, đồng thời Bộ Tư lệnh Phân liên khu đề ra phương châm tác chiến là “lấy du kích chiến làm chính, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi”. Ở huyện Dương Minh Châu, bước sang Đông_Xuân 1953 – 1954, các lực lượng địa phương mở rộng hoạt động ra ngoại vi căn cứ tỉnh lộ 26 Bàu Năng, Truông Mít coi như chiến trường chính của Dương Minh Châu, nhiều đoàn Convois (xe cơ giới) bị tiêu diệt.
                                    
Tháng 3/1954, đại đội địa phương huyện phục kích tiêu diệt 1 đại đội Commandor có Pháp chỉ huy tại Cầu Nhỏ, thu 1 trung liên, 2 mut mát, 1 súng ngắn. Từ đó bọn giặc đóng tại chỗ không dám ló đầu ra khỏi bót và chúng xin ta để cho chúng yên, còn bọn từ xa đến càn thì không thong thạo địa hình, không chịu được thời tiết nên lớp bị ta tiêu diệt, lớp chán nản không còn tinh thần chiến đấu nữa ([25]). Ta bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 2 tháng 6 năm 1954 tại Dương Minh Châu đã diễn ra đại hội tổng kết “phong trào thi đua giết giặc lập công giành giải thưởng của Bác Hồ” của Phân liên khu miền Đông đã diễn ra trong không khí trọng thể và tưng bừng. Gần 100 cơ quan, đơn vị địa phương và cán bộ, chiến sĩ được hội nghị đề nghị lên Bộ Tổng tư lệnh tuyên dương phong tặng và tặng thưởng huân chương, quân công.

Trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh, trước diễn biến của thế và lực của lực lượng kháng chiến, quân địch dần co lại và nhanh chóng tan rã. Tình trạng binh lính không chấp hành lệnh chỉ huy, từ chối ra trận và đào ngũ và đầu hàng tập thể trung đội, đại đội diễn ra khá phổ biến trên toàn miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt là ở tỉnh Gia Ninh, hàng chục đại đội Cao Đài trước thế thắng của cách mạng đã không bị đánh mà tự tan rã.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ngày 20/7/1954, hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông, một bộ phận cán bộ và lực lượng vũ trang miền Nam có trong tỉnh Gia Ninh chuẩn bị lên đường tập kết ra Bắc; tại Dương Minh Châu và chiến khu Đ dân quân tổ chức lập trạm tiếp đón dẫn đường, bảo vệ, bố trí nơi ăn, ở, nghỉ, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho đoàn đại biểu về tập trung và quán triệt nhiệm vụ mới. Đồng thời với công tác chuẩn bị đi tập kết, tai căn cứ Dương Minh Châu những người ở lại khẩn trương chôn giấu vũ khí, tài liệu, bố trí nhân sự và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu trong điều kiện lịch sử mới.

Ngày 11/8/1954 lệnh ngưng bắn trến toàn chiến trường Nam Bộ được thi hành nhiều người rời chiến khu trở về quê cũ, quân và dân vùng căn cứ gác sung quay trở lại với cuộc sông bình thường lao động sản xuất. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của ta đã giành thắng lợi, nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, thế nhưng quân đội Liên hiệp Pháp vẫn tạm chiếm đóng Nam Bộ. Và quân dân huyện căn cứ Dương Minh Châu sẽ phải tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới mang theo những nét truyền thống và bài học kinh nghiệm trong những năm tháng chống giặc Pháp xâm lược vừa qua




Kết luận :

            Đánh giá về vai trò của căm cứ địa trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng viết: “Trong thời kỳ 1945 – 1954, để tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Đảng đã phải ra sức giữ vững và củng cố các vùng tự do rộng lớn làm hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến”. Cũng đánh giá vai trò của căn cứ địa, sử gia người Mỹ gốc Áo Joseph Buttinger (1906_1992) trong cuốn Vietnam: A Dragon Embattled (Việt Nam con rồng vào trận) cũng viết: “Họ đã thành công giữ được một số ít vùng hoàn toàn không bị Pháp kiểm soát, và tại nhiều vùng khác họ cũng đã làm cho sự kiểm soát của Pháp trở nên thực là mong manh…phần lớn tỉnh Tây Ninh ở  phía Bắc… Người Pháp chẳng bao giờ có thể tập trung đủ quân để tiêu diệt được các căn cứ này. Việc Pháp bất lực không tiêu diệt được những căn cứ này của Việt Minh, cũng như không đối phó hữu hiệu được với hoạt động du kích, đó chính là nguyên nhân chủ yếu tại sao họ chẳng bao giờ có hy vọng thắng được cuộc chiến này”.

     Đúng như vậy, sự tồn tại và hoạt động của các căn cứ địa ở Nam Bộ nói chung và căn cứ Dương Minh Châu nói riêng đã chiếm một vị trí quan trọng trong việc làm phá sản các kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh và bình định Nam Bộ của Pháp, và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của quân dân ta trong cuộc chiến không cân sức này. Vậy thì vai trò của căn cứ địa là thế nào ?

1.     Căn cứ Dương Minh Châu là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang tỉnh, Trung ương Cục, nới xuất phát các chỉ thị đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn miền Nam và là nơi củng cố, rèn luyện của các đơn vị bộ đội trực thuộc tỉnh và Trung ương Cục:

        Đúng. “Để tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân, chúng ta không những phải có mục đích chính trị đúng đắn, phải sử dụng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân mà còn phải giải quyết vấn đề xây dựng chỗ đứng chân vấn đề tiềm lực”. Thật vậy các chiến khu ở Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đều là nơi đứng chân của của các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang cách mạng. Chiến khu Dương Minh Châu cũng vây. Năm 1946, ta thành lập Trung đội C ở Bàu Chanh sau phát triển thành Trung đoàn 311; năm 1951, Tỉnh uỷ và Trung ương Cục dời về Tây Ninh lãnh đạo cuộc kháng chiến ở đây. Chính địa thế và lòng dân và chiến thuật phòng thủ hợp lý đã giúp cho căn cứ trở thành mái nhà an toàn cho cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang Tây Ninh, đánh bại các cuộc càn quét của giặc vào căn cứ.

2.     Căn cứ Dương Minh Châu là đầu mối hành lang chiến lược ra Trung ương, xuống đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia, đây là chỗ dựa tin cậy của Trung ương Cục và lực lượng vũ trang Tây Ninh, nơi đảm bảo một phần quan trọng tiềm lực cho kháng chiến:

        Đúng như vậy, do địa bàn chiến khu Dương Minh Châu đa dạng : có đất đai rộng lớn để trồng lúa, hoa màu… sông suối có cá tôm… dựa vào đó người dân khai thác chúng triệt để phục vụ tốt cho cuộc kháng chiến, mặc khác với vị trí giáp ranh Campuchia, trong giai đoạn khó khăn các tuyến liên lạc tiếp tế xuống Đồng bằng sông Cửu Long bị cắt thì chiến khu đã mua lúa gạo của Campuchia về tiếp tế cho Đồng bằng sông Cửu Long giúp khai thông tuyến liên lạc từ Bắc xuống Nam dễ dàng hơn.

3.     Căn cứ Dương Minh Châu là chỗ dựa, nơi bày thế trận tiêu diệt địch đồng thời thu hút địch tạo điều kiện cho phong trào du kích ở vùng tạm chiếm phát triển, góp phần tạo ra cục diện chiến trường có lợi cho ta:

    Năm 1949 với kế hoạch De Latour nhằm tiêu diệt lực lượng Việt Minh (từ dùng của Y. Gras trong sách Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, NXB Plon 1979), Pháp tiến hành xây tháp canh và mở nhiều nhiều cuộc hành quân nhằm tiêu diệt tận gốc quân ta ở Đông Nam Bộ. Đứng trước tình hình đó quân ta đã tiến hành xây dựng lực lượng và bố trí hợp lý trong vùng căn cứ tạo thành trận địa tiêu diệt địch. Và các cuộc chiến đấu trong căn cứ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Như trận càn năm 1952, địch huy động 2000 quân càn quét vào Dương Minh Châu nhưng chúng đã bị thất bại và phải lui quân, để lại trên chiến trường 200 xác chết và 8 xe bị cháy ([26]). Ngoài ra chiến khu còn là nơi thu hút lực lượng lớn của địch, nên khi tấn công vào căn cứ chúng chỉ tập trung xây đồn bót và quân đội để càn quét lực lượng ta ở một số vị trí trọng điểm như căn cứ Trà Vong (1948), chiến khu Dương Minh Châu (1951, 1952…) nên lực lượng ở các nơi khác bị dàn mỏng và yếu hơn.

       
       Đóng góp của chiến khu đối với kháng chiến chống Pháp:

     Kinh nghiệm cho thấy khi có căn cứ ổn định thì phải nhanh chóng xây dựng lực lượng, từng bước hình thành các thứ quân để bảo vệ Đảng, cán bộ, ngăn chặn giữ lực lượng ta, sẵn sàng chớp thời cơ đánh giặc khi có điều kiện. Căn cứ Dương Minh Châu là một căn cứ như thế. Nó được hình thành trên một vùng đất có vi trí rất thuận lợi: phía bắc thì giáp vào vùng rừng núi Tây Ninh rộng lớn thuận lợi cho việc tiếp tế, hậu cần từ miền Bắc-Nam, ở phía nam thì nó nằm trên hai trục đường chính: quốc lộ 22 và tỉnh lộ 4 thuận lợi cho việc quan sát địch từ xa và chớp thời cơ tấn công địch khi chúng càn vào căn cứ. Căn cứ Dương Minh Châu khi mở rộng thì nó trở thành chỗ đứng chân an toàn của Trung ương Cục, bộ Tổng tư lệnh Miền chỉ đạo kháng chiến toàn miền Đông và Nam Bộ, xây dựng và phát triển các lực lượng chủ lực của ta (chi đội 11, trung đoàn 311). Đến thời kì phát triển mạnh nhất (1951_1952), căn cứ Dương Minh Châu với những vùng liên hoàn của nó như Suối Nhanh, Xóm Trường, Bàu Gõ … đã hoàn thành trước mặt nhìn thẳng vào đầu não kẻ thù ở thị xã, xa hơn nữa là thành phố Sài Gòn. Sau lưng căn cứ thì dựa vào vùng rừng lớn ăn thông lên biên giới, phía Bắc và Tây Bắc gắn với hậu phương Campuchia, chiến khu Đ…phía phải gắn lền với căn cứ Đồng Tháp Mười, U Minh… nên Dương Minh Châu quả là căn cứ lý tưởng đảm bảo cho tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và các cơ quan cấp khu, Trung ương Cục đứng chân an toàn và lãnh đạo kháng chiến cho đến ngày thành công.

Chương 3: Quá trình tái lập, củng cố và phát triển của chiến khu trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)

         3.1. Tình hình chiến khu từ 1954 -1960.

      3.1.1. Mỹ thực hiện chiến lược Eisenhower biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, cùng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đàn áp khôc liệt cách mạng miền Nam


            Khi những chữ ký của hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương còn chưa ráo mực thì Mỹ thực hiện chiến lược Eisenhower âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Chính quyền ở Mỹ gọi “chiến lược Eisenhower” là “bộ mặt mới” (có khi còn gọi là “cách mạng mới, quan điểm mới”). Nó sẽ có hiệu lực ngăn chặn ngay bất kỳ một cuộc cách mạng nào ở bất cứ đâu có ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và phương Tây. Trình bày tinh thần và nội dung cốt lõi của chiến lược này, John Foster Dulles, Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “quyết định cơ bản mới về chính sách là chủ yếu dựa vào một khả năng to lớn để đánh trả ngay lập tức bằng phương thức do Mỹ lựa chọn” ([27]) .Để thực hiện điều đó chúng đã hất cẳng Pháp rất trắng trợn, xé bỏ hiệp định Geneve, đưa Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ độc tài tay sai “gia đình trị”. Để chống phá cách mạng niềm Nam, Mỹ giúp Ngô Đình Diệm xây dựng một “quân đội cảnh sát” mạnh. Mặc khác, Diệm đã thành lập “Đảng cần lao nhân vị”, “Phong trào cách mạng quốc gia”…. “Đảng cần lao nhân vị” do Diệm tổ chức vào tháng 8/1954, do Ngô Đình Nhu, em ruột Diệm làm lãnh tụ, được coi là nòng cốt của chế độ Diệm. Đảng này lấy học thuyết “Duy linh” duy tâm phản động làm hệ tư tưởng. Đảng Cần lao nhân vị gồm 7 vạn đảng viên, thành phần chủ yếu là các cha cố, tín đồ công giáo, công chức và sĩ quan trung, cao cấp. Người vào đảng này phải tuyên thệ trung thành đến chết với chế độ của Diệm ([28]). “Phong trào cách mạng quốc gia” cũng do ông ta lập, cử Trần Chánh Thành, tay chân của Diệm đứng đầu. Tổ chức này lấy giới công chức làm nòng cốt, nó nêu cao khẩu hiệu “chống cộng sản, chống phong kiến, chống thực dân” để tập hợp lực lượng.

      “Phong trào cách mạng quốc gia” và đảng “Cần lao nhân vị” chỉ khác nhau về hình thức hoạt động, còn mục đích đều nhằm phục vụ cho chế độ của Mỹ - Diệm mà thôi.

      Ngoài việc cưỡng bức dân di cư, cô lập kinh tế, chính trị,.. của ta, chúng tiến hành xây dựng thêm nhiều đồn bót, sân bay, quân cảng,.. nhằm biến miền Nam thành căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ, làm điểm tập kết xuất quân ra đánh miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

       Bên cạnh đó chúng còn tăng cường đưa hàng hóa ế thừa vào miền Nam thông qua viện trợ, biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng Mỹ, lũng loạn nền kinh tế miền Nam, biến kinh tế miền Nam thành kinh tế Mỹ. Chúng tuyên bố “ cải cách điền địa”, “hữu sản hóa vô sản”..., thực tế là tiếp tục tước đoạt ruộng đất của nông dân, bảo vệ và duy trì đặc quyền, đặc lợi của giai cấp địa chủ. Qua “cải cách điền địa”, chính quyền Diệm đã cướp từ 80 - 90% ruộng đất mà chính quyền cách mạng để chia cho nông dân Nam Bộ. Ngoài ra, chúng tăng cường đưa lối sống và văn hóa Mỹ vào Việt Nam để đầu độc dân tộc ta, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên Chúng ra sức tuyên truyền cho học thuyết “Duy linh” đề cao nhân vị, một thuyết duy tâm nhằm thủ tiêu tinh thần đấu tranh của quần chúng. Chính quyền Diệm đã cho nhập nhiều loại văn hóa đồi trụy, phản động của Mỹ vào miền Nam. Những loại sách kiếm hiệp, khiêu dâm; những bản nhạc giật gân và những phim đồi trụy, sa đọa... nhằm làm tha hóa con người. Chỉ tính đến cuối năm 1955, Mỹ đã viện trợ cho Diệm 70 vạn tấn sách báo, tranh ảnh phản động, trả tiền cho 20 tờ báo tay sai để chống lại cách mạng ([29]). Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”. Để thực hiện âm mưu này, địch đã mở chiến dịch cưỡng ép nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa di cư vào Nam. Ngay khi Hiệp định Geneve vừa được ký kết, Mỹ - Diệm đã tổ chức “Ủy ban di cư Bắc Việt” đặt tại Tòa đại sứ Mỹ ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng với bọn phản động đội lốt tôn giáo trực tiếp chỉ huy cuộc di cư này.


        Chính đế quốc Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện vận tải, tiền bạc, thuốc men, lương thực, thực phẩm ([30]) và cử Hồng y giáo chủ Spenman, tổng tuyên úy trong quân đội Mỹ sang Việt Nam để chỉ đạo chiến dịch di cư. Jean Dolley, khâm mạng tòa thánh Vatican ở miền Nam cùng với Spenman thường xuyên có mặt ở Hà Nội để trực tiếp đôn đốc, thúc giục các giáo hội thực hiện kế hoạch di cư.

      Ngày 2-8-1954, Ngô Đình Diệm đích thân ra Hà Nội kiểm tra việc này đã trắng trợn tuyên bố: “Tôi sẽ hướng mọi nỗ lực của tôi vào công việc tổ chức di cư”.

        Trong khi đó, chính phủ ta nghiêm chỉnh  chấp hành hiệp định, ngừng bắn và chuyển quân ra Bắc. Nhân dân miền Nam thì tiếp tục cũng cố hòa bình, dòi tự do dân chủ và thống nhất hai miền Nam Bắc.

        Về phía miền Nam, đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định. Mỹ biết chắc nếu “tổng tuyền cử thì cuối cùng có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh, do đó điều quan trọng hơn hết là trì hoãn càng lâu càng tốt cuộc tuyển cử đó”([31])cho nên sau khi đã thiết lập và cũng cố chính quyền, Mỹ – Diệm ra chính sách “tố cộng Việt Cộng”, ban hành luật 10/59 “tuyên bố đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”. Thấy nguy cơ Sài Gòn và các đô thị khác bị ta uy hiếp, Mỹ – Diệm mở các kế hoạch lớn nhằm triệt phá các căn cứ mạnh của ta như: Dương Minh Châu, Đồng Tháp Mười, U Minh ... Tháng 10/1954 sư đoàn 13 ngụy lên đóng ở Tây Ninh. Chúng cho dân phá rừng mở các đường 13, 4, lộ 244 Tà Đưng, Cần Đăng... chia cắt chiến khu, lập các bót Cà Tum, Bến Củi... làm lá chắn ngăn chặn quân ta từ chiến khu tấn công vào thị xã, thị trấn... chúng tổ chức lại tổ ấp, xã, để kiểm soát người dân qua lại ở địa phương, cho bọn mật báo viên hoạt động mạnh để chống phá cách mạng. 13/7/1956 chúng mở chiến dịch Trương Tấn Bửu (do tỉnh trưởng Tây Ninh Nguyễn Hữu Xuân chỉ huy) tấn công vào Tà Phăng để làm thí điểm cho chính sách “tố cộng diệt cộng”. Mở đầu chiến dịch, chúng cho quân càn quét các xã Bàu Bịch, Bàu Dài, Suối Đá. Chúng truy lùng, bắt bớ những người kháng chiến cũ, những gia đình có người đi tập kết... Hàng chục người bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn hết sức dã man. Mặt khác để tạo thế bao vây uy hiếp chiến khu, chúng thành lập tỉnh Phước Long, Bình Long (ở phía tây chiến khu D và chiến khu Dương Minh Châu), Phước Thành (gồm 3 quận Phú Giáo, Hiếu Liêm, Tân Uyên), Quảng Đức.

        Khắp nơi miền Đông Nam Bộ đâu đâu cũng thấy cảnh địch bắn giết những người dân yêu nước. Không khí khủng bố lan tràn. Cách mạng miền Nam rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng.

       3.1.2. Cao trào cách mạng miền Nam 1959 – 1960.


      Trong những năm 1957 - 1959, Mỹ_Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” thực hiện luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam giết hại những người vô hại, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Những chính sách tàn bạo, độc tài phát xít đã làm nẩy sinh phong trào quần chúng, làm cho phong trào quần chúng trở thành những cơn bão táp cách mạng. Trong một cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam, sử gia người Mỹ Arthur Schlesinger (1917_2007) viết: “sự độc đoán của Diệm ngày càng bao gồm những cuộc săn người, các trại cải huấn, dồn dân, đã gây ra nỗi bất bình lan rộng và sau đó là sự kháng cự có vũ trang ở vùng nông thôn. Có áp bức thì có đấu tranh. Tất yếu là những người dân Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn lại giác ngộ sâu sắc về cách mạng trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp không dễ dàng chấp nhận cho Mỹ Diệm tự do phá hoại Hiệp định Geneve và càng không thể nằm ép một bề chịu xâm lược, áp bức, khủng bố, tàn sát man rợ của giặc mà khi thời cơ đến sẽ vùng dậy đạp đổ mọi áp bức bất công với sức mạnh xung thiên”.

      Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959) mở cuộc họp bàn về tình hình miền Nam và đề ra các phương hướng để phát triển cách mạng miền Nam sau này. Với phương châm: “Yếu làm theo yếu, mạnh làm theo mạnh, (…) đánh phải đánh tới tấp. Phát triển lực lượng hết khả năng không hạn chế. Khi sóng gió nổi lên phải mạnh dạn căng buồm lướt sóng, nhắm thẳng mục tiêu mà tiến tới” ([32]) , Hội nghị xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là khởi nghĩa chính quyền về tay nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân.
       Có nghị quyết của Đảng soi sáng, phong trào quần chúng diễn ra ở từng địa phương: Bắc Ái, Trà Bồng, và cao trào là phong trào Đồng Khởi. Ngày 17/1/1960 tại Bến Tre, nhân dân tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) nổi dậy. Chỉ sau hai ngày, ba xã trên hoàn toàn giải phóng. Trung đội quân giải phóng đầu tiên của Bến Tre thành lập tại vườn dừa, xã Bình Khánh.
       Sau đó, phong trào chuyển hướng sang Giồng Trôm, tập trung ở các xã trọng điểm Châu Hòa, Châu Bình và Phong Mỹ dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định.
       Từ thắng lợi trên, trong vòng một tuần (17 đến 24 tháng 1), 47 xã ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nổi dậy. Lực lượng nổi dậy làm chủ nhiều ấp, trong đó hoàn toàn làm chủ 22 xã. Về sau phong trào lan rộng ra vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…
        Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản kích lại. Ngày 22 tháng 2, 1 đại đội từ Mỏ Cày tiến vào Phước Hiệp. Ngày 24 tháng 2, huy động 3.000 đánh vào 3 xã "điểm" (Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp). Quân dân ba xã đã dùng các vũ khí thô sơ phản kích, điểm hình là súng ngựa trời. Cuộc tấn công thất bại. Từ Bến Tre, phong trào Đồng khởi lan khắp miền Nam, làm lung lay chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại các cấp địa phương. Kết quả, cách mạng đã làm chủ 600/1298 xã trong đó 116 xã hoàn toàn giải phóng, ở ven biển trung bộ có 409/3829 thôn được giải phóng, còn ở Tây Nguyên có 3200/5721 thôn không còn chính quyền ngụy. Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, chủ trương đoàn kết toàn dân đấu tranh chống Mỹ – Diệm, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ Quốc.

      3.1.3. Tái lập, củng cố và phát triển của chiến khu Dương Minh Châu

         3.1.3.1. Quá trình tái lập chiến khu, xây dựng phát triển lực lượng ở Dương Minh Châu (1954_1960)[33]


                   1)  Tái lập chiến khu Dương Minh Châu

                 Tháng 10/1954 tại Nam Bộ, tổ chức Đảng được tổ chức lại cho hợp với điều kiện mới: Trung ương Cục miền Nam được thay bằng Xứ ủy Nam Bộ, giải thể các phân khu trong kháng chiến chống Pháp. Trước hành động khủng bố tàn bạo của chính quyền Diệm, nhân ta không còn con đường nào khác là phải đứng lên làm cách mạng để cứu nước. Tháng 12/1956, Xứ ủy Nam Bộ họp quán triệt nghị quyết Bộ chính trị (6/1956) và “Đề cương cách mạng Việt Nam” của đồng chí Lê Duẩn Trong đề cương, ông viết: “Chế độ độc tài phát xít ở miền Nam chỉ là sản phẩm của sự câu kết giữa Mỹ, kẻ đang lăm le gây ra một cuộc chiến tranh mới chống nhân dân ta với tập đoàn Ngô Đình Diệm, kẻ đang cố sống, cố chết phản kích lại các lực lượng cách mạng nhằm mục đích trả thù và áp bức, bóc lột nhân dân”([34]). Do đó “Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”([35]). Bản Đề cương khẳng định “nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó không có con đường nào khác”([36]). Dựa trên nội dung đề cương và thực tế tình hình miền Nam, hội nghị đã họp rút kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh của nhân dân, đề ra nhiệm vụ là tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, thành lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ rừng núi). Nhờ đó mà ta phát huy được sức mạnh của đội quân đấu tranh chính trị, kết hợp với đội quân vũ trang trong đồng khởi ở các miền đất nước. Trí tuệ sáng tạo của các Đảng bộ miền Nam rất phát triển. Neil Sheehan, phóng viên của tờ New York Times đã viết: “Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt tổ chức Việt Minh mới còn lợi hại hơn rất nhiều cái tổ chức Việt Minh cũ mà người Pháp đã phải đương đầu ở miền Nam”.

      Họp nghị quyết xong, Xứ ủy cử Nguyễn Hữu Xuyến, ủy viên quân sự Xứ ủy, phụ trách lo việc củng cố các căn cứ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, tái lập 2 căn cứ Đông Bắc và Tây Bắc để việc tiến hay lùi, áp sát đô thị:

a.      Căn cứ Đông Bắc ( còn gọi là căn cứ khu A) là vùng chiến khu D trong kháng chiến chống phá Dương Minh Châu, nay mở rộng đến Bình Long, Phước Long, Quảng Đúc lên tới biên giới .Vị trí này thuận lợi cho Xứ  ủy và Ban Quân sự Miền liên lạc với vùng Trị Thiên, khu V, nhưng không thuận lợi khi liên lạc ra Bắc, tiếp tế lương thực nên vào năm 1962, cơ quan Trung ương Cục phải chuyển về Dương Minh Châu.

b.     Căn cứ Tây Bắc là chiến khu Dương Minh Châu (trong kháng chiến chống Pháp) được mở rộng lên biên giới Campuchia (địch gọi là căn cứ khu C) là một vùng rừng rậm, bằng phẳng tiện lợi cho việc đặt các khu căn cứ lớn, liên lạc xuống Sài Gòn, khu 8, khu 9. Mặt khác do có đường biên giới Campuchia (là nước đang thực hiện chính sach tập trung) nên ta nhận được sự ủng hộ về tinh thần cũng như hậu cần từ những Việt Kiều yêu nước và những người dân Khmer có cảm tình với cách mạng.

       Xung quanh chiến khu Dương Minh Châu là hệ thống liên hoàn các chiến khu lớn ở miền Nam để hỗ trợ, chia lửa cách mạng: căn cứ khu A, căn cứ Minh Đạm, Long Nguyên... và hơn nữa là “căn cứ lòng dân”.

        Như vậy, do những đặc điểm nói trên, chiến khu Dương Minh Châu được chọn làm nơi đứng chân không chỉ của Tỉnh ủy mà còn Bộ chỉ huy Miền, Xứ ủy Nam Bộ... việc củng cố chiến khu đã “giúp tác dụng và phát triển sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân, của chế độ xã hội mới hình thành trong vùng giải phóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến đấu của tỉnh Tây ninh trong thời điểm này”([37]).

                  2)  Xây dựng phát triển lực lượng ở Dương Minh Châu

            Sau hiệp định Geneve, một bộ phận cán bộ, lực lượng vũ trang ở tỉnh hành quân ra suối Đá Phan, lên Truông Mít, Thạnh Phước, An Hoà và chuyển về Đồng Tháp Mười để tập kết ra Bắc. từ đó Dương Minh Châu không còn lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng. Một số cán bộ, Đảng viên ở lại chôn dấu vũ khí, tài liệu, bố trí nhân sự, sống hợp pháp, bám vào dân để gầy dựng cơ sở và hoạt động.

         Sau khi “Đề cương cách mạng miền Nam” ra đời, Dương Minh Châu một lần nữa chứng tỏ vai trò của nó trên chiến trường miền Nam. Kể tử khi được Xứ uỷ tái lập, nó đã trở thành trung tâm chỉ huy lãnh đạo cách mạng miền Nam.

         Ngày 28/2/1956, Diệm cử Nguyễn Ngọc Thơ (1908_ ? ) đến ký kết với các lãnh tụ Cao Đài Tây Ninh nhằm lôi kéo các tín đồ Cao Đài về với Diệm. Biết được âm mưu này, Ban Thương vụ Tỉnh uỷ họp và nhận định hai khả năng:

§        Diệm sát nhập quân Cao Đài vào quân của Diệm để làm tay sai chống phá cách mạng.

§        Một bộ phận sẽ tách khỏi phe Cao Đài và chống Diệm.

     Từ nhận định trên, Tỉnh uỷ cử cán bộ xuống các địa phương có đông các tín đồ Cao Đài vân động họ giúp đỡ cho quân ta chống Diệm. Mặc khác Tỉnh uỷ vận động đại đội 25 Cao Đài làm binh biến.

Các cán bộ của ta được đưa vào  đại đội 25 trước đây, như Nguyễn Thành Sáng và một số cán bộ khác nổi dậy diệt ác ôn, bắt 12 tên, thu 120 súng. Ban khởi nghĩa gồm 70 người kéo về Chòm Dừa (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) thu thập thêm thanh niên và một số Đảng viên hoạt động bị lộ để xây dựng và củng cố lực lượng. Tháng 12/1955, lực lượng đó lấy danh nghĩa là “Cao Đài ly khai” để che mắt địch. Đầu năm 1957, tỉnh uỷ thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên mang phiên hiệu C40. Lúc đầu C40 mang danh là lực lượng “Cao Đài ly khai”, với nhiệm vụ quét sạch bọn “Cao Đài liên minh” ra khỏi Dương Minh Châu. 

                   3.1.3.2. Chiến công của Dương Minh Châu thời kỳ 1954-1960

          Đến thời điểm này tuy chủ trương của Trung ương về đấu tranh vũ trang chưa có, nhưng tại chiến khu Dương Minh Châu đã diễn ra một trận đánh lớn. Ngày 22/10/1956 ta tấn công địch ở Bến Củi ([38]tiêu diệt hơn chục tên địch, làm chủ mục tiêu, thu 2 triệu đồng, 2 xe vận tải, 1 số súng trường và quân trang quân dụng, số vũ khí lương thực và tiền ta cấp phát, trang bị cho các đơn vị. Chiến thắng Bến Củi đã tạo vẻ vang cho phong trào cách mạng ở các đồn điền cao su Đông Nam Bộ, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh giành chính trị. Từ sau trận Bến Củi thắng lợi, ta tiến đánh các đồn cao su ở Minh Thạnh, Dầu Tiếng.

     Đầu năm 1957 đơn vị C40 kéo vế Trảng Dài (Dương Minh Châu) đánh nhóm Cao Đài Liên Minh và giành thắng lợi sau đó đổi tên là C20 của tỉnh. Tháng 8.1957 C20 hoàn thành việc quét sạch “Cao Đài liên minh” ra khỏi Dương Minh Châu.

      Sau đó, khi có chủ trương của Xứ ủy về việc lập lại hai căn cứ Đông Bắc và Tây Bắc, Trung ương cục và Ban chỉ huy quân sự Miền cử cán bộ quân sự đi thị sát Dương Minh Châu cũ để tìm địa điểm thích hợp. Đến năm 1958 ta tập hợp các binh xưởng lớn ở Bà Chiêm, mở lớp y tá tại Dương Minh Châu, và tại đây Lê Duẩn đã viết dự thảo đường lối cách mạng miền Nam trình lên Đại hội Đảng toàn quốc lần 3 (9/1960).

      Phong trào cách mạng miền Nam rơi vào tình thế khó khăn khi Diệm khủng bố bằng luật “tuyên bố đặt Đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”. Do vậy tại Dương Minh Châu huyện ủy triệu tập cuộc họp và tổ chức tuyển hệ quyết tâm đánh phá âm mưu của địch. Sau buổi lễ họ về các địa bàn được phân công lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bắt bớ, đánh đập. Ở khắp nơi trong tỉnh đã diễn ra phong trào diệt ác ôn, do thám... bằng những vũ khí tự tạo... Cụ thể là diệt tên Mát là do thám tử Trảng Bàng đến căn cứ với danh nghĩa thầy giáo, diệt các tên cảnh sát chìm như tên Muội, Nghé, Tui, Sa … Với sư diệt ác này đã làm quân chúng hả dạ và thúc đẩy phong trào tiến lên thêm một bước nữa.

      Song song với phong trào diệt ác ôn, phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ. 10/10/1958, quân dân Tây Ninh tấn công quận Dầu Tiếng ( do quận trưởng Đào Sanh Huê đứng đầu), diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu 650 súng, 12 tấn đạn, 1,5 triệu tiền ngụy, và 500 dollars. Chiến thắng này đã gây một tiếng vang lớn trên toàn miền Nam vì đây là lần đầu tiên ta tấn công một đơn vị cấp quận của địch, đánh dấu lực lượng liên lạc giữa hai căn cứ Đông và Tây Bắc, tạo điều kiện cho xứ ủy, Trung ương Cục về đứng chân lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

      Trước khi thế sôi sục lòng căm thù và xu thế vùng dậy của nhân dân trên toàn miền Nam.

      Trước khí thế sôi sục lòng căm thù và xu thế vùng dậy của nhân dân trên toàn miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có cuộc họp quan trong xác định đường lối và phương pháp cách mạng mới cho cách mạng miền Nam thời kỳ này.

 Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hà Nội đã xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ, đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm,  thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thể hiện sự n độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ…

       Nghị quyết 15 thật sự là một nghị quyết về “chuyển chiến lược” từ  đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Sau khi có Nghị quyết 15, Xứ ủy Nam Bộ họp ở Trảng Chiên vào tháng 11/1959 đã quán triệt Nghị quyết 15 và nêu ra phương hướng trong tình hình thực tế ở Nam Bộ.

      Cùng với các nơi khác, cuối năm 1958 Mỹ đưa quân đội Mỹ vào tăng cường thọc sâu vào Dương Minh Châu hòng đánh bật quân ta, dùng nhiều quân  gián điệp, công an ngầm để phá quân ta từ bên trong. Trước tình thế đó quân ta đã phải lùi sâu vào chiến khu để đánh địch, kiên quyết chặn địch  tấn công vào căn cứ đến cùng để bảo vệ cán bộ và Bộ Chỉ huy chiến khu.

     Tháng 12/1959, Nghị quyết 15 được phổ biến đến khắp các tỉnh Nam Bộ. Tiếp thu tinh thần nghị quyết, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhanh chóng chỉ đạo các cấp, các ban để bàn kế hoạch đánh địch, kế đó Ban Quân sự liên tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng tổ chức họp bàn việc thực hiện của Xứ uỷ và căn cứ địch ở Tua Hai (Toure 2) được ta chọn làm điểm tiến công mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Đông Nam Bộ. Vào lúc 23 giờ ngày 25/1 ta nổ súng, nhưng lúc này đột nhiên có nhiều xe ôtô chở đầy lính từ Tây Ninh vào căn cứ, nên 0 giờ 30 phút ngày 26/1/1960 (đêm 28 Tết âm lịch) trận đánh mới bắt đầu. Từ các hướng, cán bộ, chiến sĩ ta tiến công vào tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 ngụy và đại đội pháo binh, khu để xe, nhà kho. Bị đánh bất ngờ quân địch rối loạn, tên trung đoàn phó cùng tiểu đội bảo vệ bị diệt.

      Các đơn vị tiến công đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng bộ phận đánh vào hai tiểu đoàn còn lại không hoàn thành nhiệm vụ vì đi lạc đường. Địch kịp thời trấn tĩnh, chúng tập hợp lực lượng chống trả. Qua ánh lửa của những ngôi nhà cháy, địch thấy lực lượng ta không nhiều, lại có cả phụ nữ, chúng định dùng hỏa lục mạnh để đè bẹp sức tiến công của ta. Nhưng các trinh sát viên của ta đã kịp thời đột nhập vào khu vũ khí, lấy được ba khẩu đại liên, bắn quét về phía quân địch, đè bẹp sức kháng cự của chúng. Kết quả trận đánh ta đã diệt 500 tên địch, thu gần 1.500 khẩu súng các loại, nhưng chỉ chuyển về căn cứ được gần 500 khẩu.

       Trận Tua Hai là trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, tiêu diệt được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí nhất. Chiến thắng Tua Hai đánh dấu một bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang ta. Chiến thắng mang ý nghĩa chính trị to lớn, nó củng cố niềm tin và cổ vũ khí thế đồng khởi của quần chúng cách mạng. Đối với địch, đây là đòn đánh vào ý chí của ngụy quân, ngụy quyền, khiến chúng hoang mang lo sợ. Tên tỉnh trưởng và những tên ác ôn đến đêm phải trốn đi ngủ ở nơi khác, bỏ lỏng nhiều vùng nông thôn.

       Sau chiến thắng Tua Hai, quân dân Tây Ninh đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận gỡ được 30 đồn, bốt địch, chiếm tỷ lệ 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã. Tề, dân vệ tan rã từ 70 đến 80%. Lực lượng vũ trang Tây Ninh phát triển. Đầu tháng 2-1960, tỉnh thành lập tiểu đoàn 14, huyện Châu Thành thành lập đại đội 40, Gò Dầu, Trảng Bàng có đại đội 33A, Bến Cầu có đại đội 61, huyện Dương Minh Châu có đại đội 31A. Thị xã thành lập đại đội 2/45. Tòa Thánh (Hòa Thành) tổ chức đội vũ trang tuyên truyền. Các xã xây dựng các đội du kích (trong 49 xã có 44 xã lập đội du kích).

              Một năm sau Đồng khởi, nhân dân miền Nam mà tiêu biểu là nhân dân huyện Dương Minh Châu, từ trong thực tiễn đấu tranh chống chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ, đã sáng tạo ra phương thức kết hợp chính trị với quân sự và binh vận, đánh sập bộ máy cai trị của địch ở cơ sở giành quyền làm chủ đại bộ phận nông thôn ([39]). Sự sáng tạo đó thể hiện nổi bật trong sự tạo ra sức mạnh to lớn của quần chúng tiến hành nổi dậy đồng loạt, trên quy mô rộng lớn ở nông thôn, đã tác động và cổ vũ các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình... ở thành thị, làm cho một số người trước đây tôn sùng Diệm hoặc lừng chừng, nay bắt đầu thức tỉnh. Vì vậy, cuộc Đồng khởi không chỉ đánh sập bộ máy ngụy quyền cơ sở, mà cùng với nó, các tổ chức chính trị, xã hội do Mỹ dựng lên ở nông thôn cũng tan rã theo, lực lượng vũ trang nòng cốt của chế độ Diệm dao động, nhụt ý chí, hiện tượng đào rã ngũ trong quân ngụy trở thành phổ biến([40]). Mâu thuẫn trong nội bộ hàng ngũ địch thêm sâu sắc. Trong báo cáo gửi Tổng thống Mỹ Kennedy, Cục tình báo Trung ương Mỹ đã thú nhận: “Một thời kỳ hết sức nghiêm trọng đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm và Việt Nam Cộng hòa đã ở ngay trước mặt. Trong sáu tháng cuối 1960, tình hình an ninh trong nước vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và nay đã lên tới mức nghiêm trọng... Trên một nửa toàn bộ vùng nông thôn ở phía nam và tây nam Sài Gòn cũng như một số vùng ở phía bắc đã nằm dưới quyền kiểm soát rất lớn của Việt Cộng ([41])  .

     Trong bối cảnh ấy, ngày 11/11/1960, nổ ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm, mà người cầm đầu, đại tá Nguyễn Chánh Thi - một sĩ quan thân tín bậc nhất của Diệm, chỉ huy trưởng một đơn vị dù thuộc lực lượng cơ động chiến lược của Sài Gòn. Quân đảo chính có sự yểm hộ của xe tăng đã chiếm các vị trí xung yếu: Bộ Tổng tham mưu, Nha Tổng giám đốc Công an, cảnh sát, trụ sở quốc hội, nhà bưu điện trung ương, sân bay Tân Sơn Nhất, đài phát thanh và bao vây cả dinh Độc Lập.

     Trước áp lực quân sự của phe đảo chính, Diệm đã phải tuyên bố quyết định giải tán chính phủ hiện thời và triệu tập các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa để thành lập một chính phủ lâm thời. Song, ngay sáng hôm sau (12/11), trong lúc phe đảo chính đang hy vọng ở sự thỏa hiệp của Diệm, thì sư đoàn 7 từ Biên Hòa đã kéo về Sài Gòn cứu nguy cho Diệm. Những đơn vị thủy quân lục chiến và thiết giáp hôm qua theo phe đảo chính, nay ngả về phía Diệm. Hai bên xung đội giữ đội. Quân của Diệm phản công. Phe đảo chính dần dần tan rã. 18 sĩ quan làm đảo chính vội vã lên máy bay chạy trốn sang Campuchia. Trong số này có cả Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông (một sĩ quan chỉ huy trong lữ đoàn dù). Cuộc đảo chính tuy thất bại, song nó minh chứng hùng hồn cho sự khủng hoảng chính trị sâu sắc trong nội bộ chính phủ Diệm. Nó là hồi chuông báo hiệu sự suy tàn của chế độ độc tài, tàn bạo do Mỹ dựng nên chỉ biết dựa vào lực lượng quân đội và cảnh sát để thống trị nhân dân.

     Trái lại, phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, quyền làm chủ của nhân dân ở thôn, xã được xác lập, ruộng đất bị địa chủ cướp sau 1954, nay lại trở về tay nhân dân. Lực lượng vũ trang được xây dựng và từng bước trưởng thành. Trên đà phát triển đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và nó đã trở thành ngọ cờ chiến đấu cho cách mạng Việt Nam thời kỳ này.

        3.2. Chiến khu Dương Minh Châu được củng cố và hoàn chỉnh (1961_1965)

            3.2.1. Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ( Special war) ở miền Nam Việt Nam (1961_1965)


          Ngày 20/1/1961, sau khi lên nắm chính quyền, John Fitzgerald Kennedy đề ra chiến lược “phản ứng linh hoạt” (flexible response), tiến hành ở miền Nam gọi là “chiến tranh đặt biệt” (special war) hòng giành lại thế chủ động về mặt chiến lược. Chiến lược này thực chất là một hình thức chiến tranh xâm lược kiểu mới, được tiến hành bằng quân đội tay sai Sài Gòn và tăng cường thêm các cố vấn quân sự để chỉ huy quân đội, trang bị thêm nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại cho quân Sài Gòn, lập các “ấp chiến lược” (strategic hamlets) hòng dồn 10 triệu dân vào đó để thực hiện chính sách “tát nước bắt cá” cô lập cách mạng miền Nam, ra sức củng cố nguỵ quyền đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc ([42]) . 

     Để thực hiện chiến lược này, Kennedy  chuần y kế hoạch Staley_Taylor (do Tiến sĩ Đại học Stanford Eugene Alvah Staley (1907_1989) và Đại tướng Mỹ Maxwell Daveport Taylor (1901_1987) công bố tháng 5/1961) với nội dung chủ yếu là bình định miền Nam trong 18 tháng. Thực hiện kế hoạch này, Mỹ tăng cường viện trợ cho quân Sài Gòn tăng cường quân nguỵ, dồn dân lập ấp chiến lược (thời gian từ 1961 đến 1965 Mỹ đã dồn 10 triệu dân vào 16000/17000 ấp chiến lược toàn miền Nam), sử dụng chiến lược “trực thăng vận” (transport helicopter), “thiết xa vận” (distance transport equipment). Ngày 8/2/1962, Bộ tư lệnh quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV - Military Assistance Command, Vietnam) được thành lập do Đại tướng Paul Harkins đứng đầu, thay thế cho Cơ quan viện trợ quân sự (MAAG - Military Assistance Advisory Group) của Trung tướng Lionel C. McGarr để chỉ huy cuộc chiến tranh Việt Nam.
     Dược Mỹ hỗ trợ, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét vào chiến khu, phong toả biên giới, ngăn chăn chi viện của hậu phương miền Bắc vào miền Nam.

           3.2.2. Quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, củng cố chiến khu từ 1961-1965

       Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, các vùng giải phóng, hành lang chiến khu của ta được mở rộng từ Bời Lời qua Dương Minh Châu đến biên giới Campuchia và từ đây lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân ngày càng lớn mạnh. Giữa tháng 2/1960, Huyện uỷ thành lập lực lượng vũ trang của huyện, lấy phiên hiệu là C31. Tại vùng căn cứ này, vào ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do Nguyễn Hữu Thọ (1910-1986) làm Chủ tịch. Tuyên ngôn của Mặt trận nêu rõ: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các từng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

     Mặt trận kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy xiết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”([43]).

     Sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm, mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Đồng khởi năm 1960. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng và lòng mong đợi của nhân dân. Đánh giá sự kiện này, Hồ Chủ tịch đã nói: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay, trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”([44]). Tháng 1/1961, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết ề nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam lúc này. Bộ nhận định: “Thời kỳ tạm ổn của chế độ Mỹ_Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu” . Bộ đã vạch ra phương châm chiến lược của cách mạng miền Nam là “đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự” ([45]) . Bộ chỉ rõ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam là phải phát triển nhanh lực lượng vũ trang (tại chỗ và cơ động), chú trọng mở rộng các căn cứ địa, xây dựng hậu phương tại chỗ... để tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch, đánh đổ chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam... để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, ngày 26/1/1961, Bộ Chính trị thành lập trung ương Cục Miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ( thành lập tháng 10/1954) và cử Nguyễn Văn Linh làm bí thư. Đến 19/5/1961, Trung ương Cục chuyển sang chiến khu Mã Đà (chiến khu A) nhưng xét thấy Mã Đà đất rộng, hiểm trở nhưng khí hậu lại quá khắc nghiệt, thưa dân khó khăn cho tiếp tế, lien lạc nên vào tháng 10/1961, toàn bộ cơ quan Xứ uỷ, Bộ chỉ huy Miền và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ... hành quân về Dương Minh Châu. Tại đây, cơ quan Trung ương Cục được thành lập lại, do Nguyễn Hữu Thọ làm Bí thư, và được giao nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách Mạng miền Nam từ khu V trở vào. Về sau Trung ương Cục thu hẹp phạm vi hoạt động ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Về tổ chức, trong thời gian đầu về Tây Ninh, việc bố trí chỗ đứng chân cho các đơn vị quân đội ta còn đơn giản. Ban Quân sự Miền, sở chỉ huy, cơ quant ham mưu, bộ đội chủ lực( tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2...) đều đóng ở khu vực đường kính 8 km. Mỗi cơ quan đơn vị sẽ có nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể các Sở chỉ huy, phòng tham mưu, Văn phòng cơ quan chính trị...sẽ đóng ở vùng an toàn tránh tiếp xúc với bên ngoài vì như thế sẽ dễ bị địch nhòm ngó. Ngoái ra, chiến khu còn được quân dân “ rào lại” bằng 2 vòng chướng ngại vật rất phức tạp ( các loại cây có sẵn trong tự nhiên) để dẽ làm dấu đồng thời bảo đảm bí mật cho căn cứ.

     Để bào vệ chiến khu, bộ chỉ huy đã lập ra các đội quân cảnh vệ (trung đội B27), trung đoàn chủ lực Miền (Q761) để canh gác, tuần tra và sẵn sang chiến đấu bảo vệ căn cứ. Vào cuối năm 1961, Trung đoàn chủ lực Miền (Q761) tiêu diệt đồn tiền tiêu Cần Lê (Bình Long) và đồn Bổ Túc, làm chết nhiều quân địch. Đến năm 1962, quân chủ lực Miền phối hợp quân địa phương tiếp tục diệt và bức rút 19 đồn địch xung quanh chiến khu. Vì vậy chiến khu được mở ra rất rộng, bao gồm cả Bắc Tây Ninh và một phần các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng, chiếm 2/3 diện tích Tây Ninh với thêm 85000 dân ([46])  .

           3.2.3. Chiến công, những đóng góp của chiến khu đối với cách mạng miền Nam

a.      Đánh địch phá thế bao vây, bảo vệ căn cứ.

          Từ tháng 8/1961 đến tháng 2/1962, với lực lượng được Mỹ tăng cường, quân nguỵ liên tiếp mở nhiều chiến dịch “ xây dựng nông thôn”
( rural development) nhằm gom dân lập ấp ở Tây Ninh. Chúng mở cuộc càn “Lam Sơn” đánh vào Hảo Đước, Hoà Hiệp, Bến Sỏi và dọc lộ 22, gom dân về ở ven Dương Minh Châu về Suối Đá, thực hiện âm mưu thu hẹp chiến khu của ta. Đến ngày 10/10/1962, Mỹ_Diệm mở chiến dịch “Sao Mai” (Morning Star) với 6.000 quân gồm 10 tiều đoàn thuộc các sư đoàn chủ lực 5, 7, 210, 36 máy bay và một đại đội chó berger nhằm càn quét vào vùng từ Long An đến Tây Ninh, lưu vực Vàm Cỏ Đông (tây bắc Sài Gòn)

    Lực lượng của ta đánh trả trến ba hướng: Bàu Rã, Sóc Mới, trảng Ba Mặt, các máy bay địch đều trúng đạn của du kích. Đồng ruộng tuy rộng nhưng nơi nào địch có thể xuống, ta đều cắm đầy cọc tre vót nhọn bốn đến năm mét, làm cho bọn lính dù và phi công phải khiếp sợ. Đường sá bị dân đào phá, giao thông bị tắc nghẽn, 6.000 quân bị kẹt trong một vùng đất hẹp, khó khăn trong tiếp tế, vận tải. Sau nhiều ngày bị vây hãm, ngày 18/10 chúng buộc phải rút quân.

Về phía ta, sau chiến thắng này Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức Hội nghị Tổng kết chiến tranh du kích toàn miền Nam (tháng 11/1962) để họp và rút kinh nghiệm.

Sau đó, Phòng bảo vệ tổ chức thêm Ban cảnh vệ chiến khu, đặc trách công tác bảo vệ cán bộ và bảo vệ chiến khu chống địch càn vào chiến khu. Các cơ quan trong chiến khu được bố trí lại, hình thành hai khu vực là Vòng Trong và Vòng Ngoài. Vòng Trong là nơi đóng sở chỉ huy, sở tham mưu,vă phòng chính trị, hậu cần. Vòng Ngoài hình thành hàng rào che chắn bảo vệ trung tâm. Về đi lại, Ban cảnh vệ cũng quy định chặt chẽ. Chỉ có cán bộ cấp Quân khu, cấp Sư đoàn, ban tham mưu... thuộc Ban Quân sự Miền mới được vào Vòng Trong, còn ra thì phải báo cáo và được kiểm tra tư trang tài liệu rồi mới được ra ngoài. Để tránh địch dò sóng phát hiện, Ban Chỉ huy chiến khu quyết định cho các cán bộ trong chiến khu dung vô tuyến điện hoặc chuyển đạt (bưu vận), các hầm thông tin đặt cách xa trung tâm để chúng không phát hiện được. Để giúp cho việc truyền đạt thong tin được nhanh chóng, Ban Chỉ huy thành lập lực lương quân bưu để chuyên chở thư từ, công văn trong chiến khu ra ngoài nhanh hơn.

Để bảo vệ Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền an toàn, Bộ Chỉ huy đã tăng cương đơn vị cảnh vệ B27 từ một đại đội lên một trung đoàn với ba tiểu đoàn:

a)     Tiểu đoàn 1 phối hợp các trung đoàn cơ động của Miền tham gia chiến dịch, trận đánh lớn ở chiến khu.

b)    Tiểu đoàn 2 bảo vệ Vòng Trong, gồm cả cơ quan Trung ương Cục, Ban Quân sự Miền.

c)     Tiểu đoàn 3 kết hợp với lực lương cơ quan, quân địa phương chiến đấu bảo vệ Vòng Ngoài.


    Trong các năm 1962, 1963, 1964, địch mở chiến dịch “200 tấn bom” (200 tons of bomb) càn quét vào chiến khu, rải chất độc dọc quốc lộ 22, cuộc hành quân “Rạng Đông 3” (Dawn 3, 3/1/1961), “Phi Hoả” (Fire Africa, 31/1/1963) đánh vào Bàu Trâm, cuộc càn ba trung đoàn vào vùng bắc Suối Đá (tháng 1/1964), lập thêm nhiều ấp chiến lược ở Long An, Bình Long để phong toả, cô lập chiến khu.

Đứng trước tình thế này, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng một lực lượng vũ trang mạnh. Vào năm 1963 toàn tỉnh chỉ có năm đại đội tập trung, mỗi huyện có 12 trung đội, các xã có từ 2 tiểu đội đến một trung đội du kích. Được sự hỗ trợ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quân dân tỉnh đã chống trả thành công các cuộc càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược của địch bảo vệ an toàn chiến khu.

Song song với chống càn, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức các lực lượng (tiểu đoàn 1, các đại đội, tiểu đoàn cận vệ...) để bảo vệ mình. Ngoài ra Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền cử cán bộ đi nghiên cứu địa bàn để lập căn cứ mới. Năm 1962, Ban Công binh đã cho một trung đội đào hầm dài 3,2 km, rộng 80 cm, cao 1,6 mét làm căn cứ dự trữ. Ngoài ra, Trung ương Cục đã thành lập đội trinh sát Núi Bà với nhiệm vụ theo dõi và nắm hướng di chuyển của địch, báo hướng đi của chúng cho chỉ huy và hợp sức với quân chủ lực Miền trong chiến khu đánh chúng và họ hoàn thành một cách xuất sắc, Từ năm 1963_1968 lực lượng này đã cùng quân chủ lực Miền diệt địch ở Trảng Lớn, Vườn Điều, Suối Đá..., phối hợp rất tốt trong cuộc càn Junction City.

Nhân dân ở các vùng quanh căn cứ đấu tranh chống địch cào nhà, lập ấp chiến lược, phối hợp với các lực lượng vũ trang bao vây bứt rút nhiều đồn địch làm chúng phải liên tục đối phó một cách bị động. Chẳng hạn vào cuối tháng 10/1964 quân của chiến khu phối hợp với trung đoàn 16 của Miền diệt gọn bót Chà Là, thu toàn bộ vũ khí. Tháng 12/1964, quân của chiến khu phối hợp với du kích Chà Là diệt bọn biệt kích Lôi Hổ, bắt sống 2 tên, thu 4 súng. Ngày 6/2/1964, Trung đoàn 1 chủ lực Miền đánh 2 đại đội bảo an, trung đoàn dân vệ của địch tại Bến Cầu. Trận đó ta diệt 230 tên, bắn rơi 20 máy bay.

Sau chiến thắng này, quân dân chiến khu tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài chiến khu như trận pháo kích không quân vào sân bay Biên Hoà (tháng 10/1964), chiến dịch Bình Giã (tháng 12/1964_tháng 1/1965). Cả hai trận đánh này đã hình thành nên kế hoạch tác chiến của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tại Dương Minh Châu. Chiến dịch Bình Giã (2/12/1964_3/1/1965) thắng được chiến lược “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ, diệt quân nguỵ ở cấp tiểu đoàn và quân dự bị. Chiến thắng này đã làm dư luận Mỹ chấn động mạnh mẽ. Một nhà quân sự Mỹ thời đó nhận định: “Phải chăng chiến lược chiến tranh đặc biệt đã hoàn toàn bị phá sản ?” ([47])  .

Sau chiến dịch Bình Giã, Bộ Chỉ huy Miền chuẩn bị di chuyển chỗ đứng chân, thế nhưng ngay tại căn cứ Trảng Chiên, Bộ lại hình thành và lên phương án một chiến dịch mới: chiến dịch Phước Long_Đồng Xoài (11/5_22/7/1965), thực hiện trận “thắng địch ở công sự”, góp một quả đấm mới nhằm đánh bại quân nguỵ ở Sài Gòn trước khi Mỹ triển khai lực lượng. Chiến dịch này được triển khai trong khi Bộ Chỉ huy Miền và trung ương Cục đang di chuyển căn cứ.

Tháng 3/1965, không quân Mỹ tăng số lần trinh sát lên Trảng Chiên. Dấu hiệu bất thường đó cùng với các tin tình báo thu được cho phép Bộ Chỉ huy nhận định: căn cứ của ta đang có dấu hiệu bị lộ nên lập tức di chuyển về căn cứ mới ở Bà Chiêm_Sóc Con Trăng. Để an toàn cho quá trình di chuyển, Bộ đã cho một bộ phận thong tin và cảnh vệ (60 người) ở lại căn cứ cũ để phát sóng liên lạc nghi binh, thu hút địch và chống càn. Nhiệm vụ vừa giao xong thì ngày 15/4/1965, Mỹ_nguỵ mở cuộc càn vào Trảng Chiên (từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút). Tại căn cứ, chúng ném bom phá trụi nơi đóng quân của tiểu đoàn 44 thông tin. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị công sự vững chắc nên quân ta chỉ bị thương nhẹ 5 người do sức ép của bom. Sáng hôm sau chúng cho quân xuống căn cứ tìm địa đạo nhưng không thấy lực lượng ta nên rút đi. Sự kiện này được các báo ở Sài Gòn đưa tin: “Cuộc oanh kích phi hoả của Mỹ” đã dùng lực lượng không quân hạm đội 7 đánh 1.800 tấn bom đúng vào căn cứ Việt Cộng trên một diện tích 6*3 km”. Phía địch không ngờ rằng trước đó ít hôm toàn bộ các cơ quan lãnh đạo của căn cứ đã di chuyển đi nơi khác. Trong tháng 4 và tháng 5/1965, ta diệt đồn Cầu Khởi, Bến Củi, đến đầu tháng 5 Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch Phước Long_Đồng Xoài (11/5_22/7/1965) đánh tan địch ở thị xã, mở đầu cho thăng lợi to lớn của ta trên toàn chiến trường miền Nam. Sau thắng lợi này, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ nhất tại Lò Gò ngày 5/5/1965. Đại hội này là nơi hội ngộ của rất nhiều người lập các thành tích xuất sắc trong đánh Mỹ, diệt nguỵ như Tạ Thị Kiều, Dương Văn Tân...

b)     Hậu cần:

      Năm 1961, Bộ Chỉ huy Miền lập căn cứ hậu cần U60 làm nơi cung cấp hậu cần cho lực lượng ta trong chiến khu. U60 lúc đầu đóng ở Chàng Riệc, sau dời xuống Trà Vong, Đồng Rùm gồm các bộ phận: kế hoạch, quân nhu, quân giới, quân y… . Đến năm 1961, U60 tổ chức các đội từ 30_60 người để thu mua nguyên liệu, mở các đội 40 người đi tiếp liệu, mở xưởng vũ khí, xưởng dược… . Tháng 10/1963, U60 lần lượt đổi tên thành Ban quân nhu B, đoàn 40, đoàn hậu cần khu vực 82…

    Để xây dựng và bảo vệ chiến khu được hiệu quả, việc cung cấp hậu cần được thực hiện bằng 3 phương thức:

§        Nhận hàng từ miền Bắc theo đường 559 (nhưng thời gian đầu việc vận chuyển này không đáng kể).

§        Thu mua nguồn nguyên liệu từ các cơ sở hậu cần khác cung cấp cho căn cứ.

§        Cho các đơn vị trong căn cứ tiến hành sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để giải quyết lương thực thực phẩm cho chiến khu.

  Tại chiến khu, các đơn vị đã thu mua 450 tấn gạo (1964), tăng gia sản xuất rất sôi nổi. Bộ Chỉ huy đã lập ra đội gồm 100 người, chuyên tăng gia sản xuất ở 3 khu vực khác nhau trong chiến khu. Đến mùa thu hoạch, lực lượng này  đã bổ sung thêm các đội không chuyên để làm xong nhanh chóng (có lúc đã huy động tới 400 người để hoàn thành chỉ tiêu thu hoạch_khoảng vài trăm tấn gạo chẳng hạn). Quân nhu khu B phụ trách lực lượng này, đề ra chỉ tiêu phải hoàn thành hằng năm để cung cấp cho chiến khu và các đơn vị chủ lực.

Vừa sản xuất trong điều kiện khắc nghiệt vừa phải nguỵ trang che giấu tránh địch phát hiện nên sản xuất thu được không đạt kế hoạch. Điển hình như năm 1963, hậu cần đề ra chỉ tiêu 390 tấn/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được 84,23 tấn gạo. Tuy vậy trong những năm 1963, 1964, tăng gia sản xuất vẫn phát triển mạnh trong căn cứ suốt chiến tranh. Các xưởng chế biến, sản xuất của hậu cần như xưởng quân trang, công binh, quân y viện ….đóng ở Đồng Rùm, đáp ứng kịp thời phục vụ cho nhu cầu của chiến khu và chiến đấu.

Công tác bố phòng, bảo vệ tuy chưa chặt chẽ, quy mô nhưng cũng theo kịp yêu cầu của những năm đầu chiến tranh. Mặc dù bị Mỹ_nguỵ tăng cường đàn áp khốc liệt, gây nhiều khó khăn cho cách mạng nhưng chiến khu vẫn được mở rộng về địa giới và hoạt động. Sự tồn tại của căn cứ giữa long cách mạng miền Nam khi bị địch vây bủa đã trở thành biểu tượng của tinh thần kháng chiến, không những động viên quân dân miền Nam mà còn ảnh hưởng đến quốc tế. Nhiều phái đoàn, nhiều nhà báo các nước xã hội chủ nghĩa như Wilfred Burchett (1911_1983, người Úc) và Madeleine Riffoe (người Pháp) đã xin vào thăm chiến khu. Họ được dẫn đi thăm nhiều nơi trong căn cứ từ nhà cửa, hầm hào đến các phương tiện sinh hoạt giản dị nhưng chứa đựng sự thông minh, vượt khó và ý chí chiến đấu. Có lần được dẩn vào tham quan bệnh viện dã chiến, Madeleine ngạc nhiên và thích thú trước một cảnh tượng chưa từng thấy: Trong một căn hầm giải phẫu, 4 chiến sĩ đang ngồi đạp trên 4 chiếc xe, đặt ở 4 góc hầm làm cháy sáng những chiếc đèn gắn ở đầu xe cho các y bác sĩ giải phẫu người bệnh. Thứ ánh sáng này không gây tiếng ồn và rất cơ động. Ra khỏi hầm, Madeleine nhận xét: “Các bạn thật thông minh. Có lẽ chưa nơi nào biết tận dụng xe đạp như ở đây”. Sau này khi về nước, cũng như Burchett, bà viết nhiều bài báo, nhiều cuốn sách bày tỏ sự thiện cảm đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, trong đó có cuốn “Trong vùng kháng chiến của Việt Cộng” (Dans la résistance de l'communiste vietnamien), xuất bản tại Paris, được dịch ra 9 thứ tiếng và được liệt vào loại sách bán chạy nhất thời đó ([48]) .

  c)  Các vấn đề khác
     
Ở Dương Minh Châu, Trung đoàn chủ lực Q761 (tiểu đoàn 1 và 2) ra đời tại Đồng Rùm (tháng 10/1961), Lò Gò (tháng 7/1962) dựa trên quân số tại chỗ và quân từ Bắc vào. Đến năm 1964, Q761 đã có 3 trung đoàn Q761, Q762, Q763, các đơn vị quân địa phương.

Tại Dương Minh Châu, các đoàn thể chính trị ra đời:

§        20/2/1961: Hội nông dân giải phóng ra đời, chủ tịch là Nguyễn Hữu Thế.

§        8/3/1961: Hội liên hiệp phụ nữ ra đời, chủ tịch là Nguyễn Thị Tú.

§        15/7/1961: Hội văn nghệ giải phóng thành lập, chủ tịch là Trần Hữu Trang (1906_1966).

§        15/7/1961: Đảng xã hội cấp tiến ra đời, tổng thư ký là Nguyễn Văn Hiếu (1922_1991).

§        15/9/1961: Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên thành lập, chủ tịch là Ybih Aleo (1901_ ? ).

       Ngày 15/2/1961, Quân giải phóng miền Nam được thành lập. Đến tháng 2/1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp Hội nghị lần thứ nhất tại Cà Tum đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới, các chính sách của Mặt trận về hoà bình, trung lập, dân tộc, ruộng đất… Hội nghị xác định nhiệm vụ chung của Mặt trận là “đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hoà bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc, góp phần tích cực bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”. Đại hội bầu ra Uỷ ban trung ương chính thức do Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu, công bố 4 chủ trương cứu nước của Mặt trận:

1.     Đế quốc Mỹ phải đình chỉ chiến tranh xâm lược Việt Nam.

2.     Giải tán các “ấp chiến lược”.

3.     Thành lập ở miền Nam chính phủ liên hiệp dân tộc.

4.     Thi hành đường lối ngoại giao hoà bình, trung lập.

    Tại Hà Nội, vào tháng 2/1962 Bộ Chính trị ra Nghị quyết về “công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Nghị quyết nhận định: “ phong trào đã giành được những vị trí chiến lược ở rừng núi và một phần lớn đồng bằng làm căn cứ địa và địa bàn hoạt động cho một cuộc chiến tranh lâu dài tiến đến thắng lợi cuối cùng”. Nghị quyết chỉ rõ âm mưu của Mỹ_nguỵ và đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “phải phá âm mưu của địch tách quần chúng ra khỏi lực lượng cách mạng để tiêu diệt lực lượng cách mạng… phá ấp chiến lược, củng cố mở rộng căn cứ địa, tích cực xây dựng phát triển lực lượng ta về mặt chính trị, kinh tế, xã hội” ([49])  . Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, vào tháng 5/1962 Trung ương Cục ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ đối với căn cứ: “Ra sức giữ vững, mở rộng và xây dựng các loại căn cứ địa cách mạng, bồi dưỡng cho lực lương ta về mọi mặt, đánh bại mọi âm mưu càn quét lấn chiếm căn cứ của địch” ([50]) .

Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, vào tháng 11/1962 tại Tà Păng (gần sông Vàm Cỏ Đông thuộc chiến khu Dương Minh Châu) đã diễn ra hội nghị quân sự quan trọng: Hội nghị dân quân du kích toàn Nam Bộ lần thứ nhất. Tại hội nghị này, đại biểu các địa phương về đây nghe 16 báo cáo điển hình, rút ra 7 kinh nghiệm phá ấp chiến lược, 6 kinh nghiệm xây dựng xã, ấp chiến đấu. Những kinh nghiệm này được phổ biến về các địa phương, từ đó tạo được sự chuyển biến bước đầu của phong trào chiến tranh nhân dân toàn miền.

Ngày 2/1/1963, sau sự kiện Ấp Bắc (lần đầu tiên đánh chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ), từ chiến khu Dương Minh Châu (từ đây sẽ gọi là căn cứ Bắc Tây Ninh), Ban Quân sự Miền phát động phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam và được quân dân ta hưởng ứng rất sâu rộng. Tháng 8/1963, Trung ương Cục ra chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh đánh phá ấp chiến lược, chấn chỉnh thêm một bước phát triển mới cho phong trào chiến tranh nhân dân và thu được nhiều kết quả quan trọng. Riêng tỉnh Tây Ninh ta đã phá 60/94 ấp chiến lược, góp phần tạo thế bảo vệ tốt cho căn cứ.

Tháng 12/1963, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khi đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam đã nhấn mạnh: “cần tích cực xây dựng và mở rộng căn cứ, nhất là những địa bàn chiến lược của quân chủ lực”. Hội nghị chỉ rõ: “Căn cứ địa vững chắc là một trong những nhân tố quan trọng của thắng lợi (…). Có mở rộng căn cứ địa mới tạo thế được nhanh chóng cho bộ đội chủ lực có điều kiện đánh địch những trận tiêu diệt lớn làm chuyển biến một cách căn bản tình hình có lợi cho ta” ([51])  . Tháng 2/1964, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 2 chỉ đạo: “phải giữ vững xây dựng, mở rộng các khu căn cứ ở rừng núi và đồng bằng theo kịp sự phát triển của cách mạng, nhất là trên các địa bàn chiến lược” ([52]) .

Thực hiện 2 Nghị quyết trên, Trung ương Cục vạch ra kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ mới thực hiện cuộc Tổng công kích_Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định (kế hoạch X). Mục tiêu là tấn công nhằm tiêu diệt từng bộ phận lớn của địch, đánh bại chỗ dựa cơ bản của của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” , hỗ trợ các phong trào chính trị đang lên. Phương châm của ta là: cần tích cực tấn công tiêu diệt sinh lực địch, kết hợp tốt giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tích cực địch vận làm tan rã hàng ngũ địch nhanh chóng, mở rộng vùng giải bằng 3 mũi giáp công diệt gọn từng đơn vị địch ([53]), xây dựng lực lượng, mở rộng căn cứ, càng đánh càng mạnh. Kế hoạch trên đã đươc Bộ Chỉ huy Miền triển khai nhanh chóng ở Bắc Tây Ninh. Tháng 1/1965, sau khi xây dựng xong kế hoạch cơ bản, Bộ Chỉ huy Miền lập trung tâm huấn luyện cấp tốc bí mật, mật danh 165A đưa thanh niên từ các đô thị ra huấn luyện. Đến năm 1965 thời cơ thực hiện kế hoạch không còn nhưng nó là cơ sở cho cuộc Tổng tiến công 1968.

Từ ngày 1 đến ngày 8/11/1964, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở đại hội lần 2 tại Xóm Giữa do Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu. Đại hội đã động viên nhân chiến đấu chống Mỹ và tay sai tiến tới giành thắng lợi lớn hơn trong thời gian tới. Ảnh hưởng của Đại hội đối với trong nước và thế giới rất lớn. Mặt trận không những công khai lãnh đạo kháng chiến mà còn là đại diện chân chính duy nhất của miền Nam được nhiều nước trên thế giới công nhận.

Tháng 1/1965, Hội nghị Trung ương Cục lần 3 được khai mạc. Hội nghị tổng kết hoạt động, những thắng lợi và tiến bộ nổi bật của nhân dân ta trong những năm trước và đề ra nhiệm vụ phải phát động cao trào chống địch “căng địch ra để đánh, đồng thời có những quả đấm tốt mạnh và liên tục nhằm vào chủ lực địch, chú trọng tiêu diệt địch ở các đường giao thông lớn và các trọng điểm chiến lược”([54]), tăng cường xây dựng hâu phương vững chắc cho lực lượng cách mạng để lực lượng phát triển mạnh về sau này. Do vậy Hội nghị Trung ương Cục lần 3 là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển trong chỉ đạo và nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ  của quân dân ta giai đoạn 1961_1965.

Tóm lại trong giai đoạn “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, chiến khu Dương Minh Châu là một trong những bàn đạp để địch càn quét, bao vây, chia cắt và chặn tiếp tế từ Bắc vào Nam, tiêu diệt cơ quan của ta. Từ căn cứ này các cơ quan đầu não của ta đã đứng chân hoạt động và vạch kế hoạch chiến lược cho toàn Miền để chiến đấu bảo vệ căn cứ. Chiến khu đến thời điểm này đã không ngừng mở rộng và dần hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến.

       3.3. Chiến khu Dương Minh Châu tiếp tục được củng cố hoàn chỉnh giai đoạn 1965_1968

            3.3.1. Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” (Local war) (1965_1968)


 Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam nhằm đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và mở rộng "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc.
 
     "Chiến tranh cục bộ" là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ. "Chiến tranh cục bộ" bắt đầu từ giữa năm 1965 được tiến hành bằng lực lượng của quân viễn chinh Mỹ, quân "đồng minh" ([55]và quân ngụy tay sai ở miền Nam, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.

    Số lính Mỹ có mặt ở miền Nam cuối năm 1964 là 26.000 đến cuối năm 1965 lên tới 180.000 và 20.000 lính chư hầu. Đó là chưa kể 70.000 lính hải quân và không quân trên các căn cứ Mỹ ở Guam, Philippin, Thái Lan và Hạm đội 7 luôn sẵn sàng tham chiến ở miền Nam ([56].

Với chiến lược này, Mỹ âm mưu nhanh chóng tạo ra ưu thế về binh lực và hoả lực để có thể áp đảo quân chủ lực của ta bằng chiến lược quân sự mới “tìm và diệt”, cố giành lại thế chủ động trên chiến trường, đẩy lực lượng vũ trang của ta vào thế phòng ngự, buộc ta phải phân tán đánh nhỏ, hoặc rút về biên giới, làm cho chiến tranh tàn lụi dần.

     Ỷ vào ưu thế quân sự cộng với quân đông, vũ khí hiện đại, hoả lực mạnh, cơ động nhanh, Mỹ vừa mới vào miền Nam đã cho quân viễn chinh mở ngay cuộc hành quân “tìm diệt” mang tên "Ánh sáng sao"(
 Starlight) vào căn cứ của quân giải phóng ở Vạn Tường - Quảng Ngãi (tháng 8-1965). Tiếp đó Mỹ mở liền hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 bằng nhiều cuộc hành quân vào "Đất thánh Việt cộng”( Vietnamese Community in the Holy Land).

       3.3.2. Xây dựng và phát triển lực lượng


      Chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài và phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam phát triển làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và nguỵ đây chúng đến trước nguy cơ bị sụp đổ. Trước tình thế này, Mỹ buộc phải đổ quân viễn chinh mỹ và chư hầu vào miền Nam trực tiếp đánh phá cách mạng.

Trên chiến trường miền Nam và đặc biệt là chiến trường Nam Bộ, Mỹ tung các đơn vị chủ lực của mình (Sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ”, lữ đoàn dù 173, sư đoàn bộ binh 5 “Tia chớp nhiệt đới”…) cùng nhiều đội quân đồng minh Hàn Quốc, Thái LanAustralia…. Đến giai đoạn cao nhất (1968) đội quân hỗn hợp đó đã lên tới 767.000 tên (không kể quân Sài Gòn) và 245.000 tên ở chiến trương B2 cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại trên chiến trường nhằm thực hiện “tìm và diệt” (Search and Destroy) của William Child Westmoreland (1914_2005). Kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn:

§        Giai đoạn 1: (7/1965_12/1965) phá kế hoạch mùa mưa của ta, đảm bảo triển khai nhanh quân Mỹ.

§        Giai đoạn 2: (1966_1967) mở cuộc phản công chiến lược diệt chủ lực ta và kiểm soát nông thôn.

§        Giai đoạn 3: (cuối 1967) diệt chủ lục ta phá căn cứ, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ ([57]).

Với quyết định này lực lượng quân địch dã bắt đầu tăng gấp bội. Trước tình thế này, ngày 20/7/1965 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lới kếu gọi khẳng định quyết tâm kháng chiến của quân dân ta: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đến thắng lợi hoàn toàn” ([58])  .

Tháng 5/1965, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khẳng định ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân ta và đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam: Hiện nay ta vừa phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng dự trữ chiến lược, vừ phải mở nhiều mặt trận đề phân tán địch, nhử địch ra vùng rừng núi để tiêu diệt chúng (…) Ta cần phát triển lực lượng và nâng cao chất lượng bộ đội đặc công, đánh vào các sân bay, các trận địa pháo, các kho bom đạn, xăng dầu, trừng trị địch ngay trong căn cứ trước khi chúng hành động” ([59]) .

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy Miền quyết định dồi căn cứ từ Trảng Chiên về Bà Chiên_Sóc Con Trăng vì vùng này xa khu dân cư, sâu về rừng núi, thuận lợi cho quân ta tiến lui rộng hơn, có điều kiện giãn đội hình rộng hơn và tận dụng được thế của địa bàn cũ. Tại Bà Chiêm_Sóc Con Trăng, Bộ phát triển lực lượng lên thành 2 sư đoàn là Sư đoàn 9 (tháng 9/1965) và Sư đoàn 5 ( tháng 1/1965).

Để đảm bảo an toàn và sẵn sàng chiến đấu trong cường độ chiến tranh ngày càng tăng, ta đã tăng cường bảo vệ căn cứ về mọi mặt, lập Phòng bảo vệ để nghiên cứu địch từ xa và đề ra phương án chống địch hiệu quả. Ngoài ra ta còn đề ra một số phương pháp khác như:

1.     Đặt tên lại các công trình, địa danh để giữ bí mật, trồng nhiều loại cây hoa màu, nuôi gia súc không tiếng động, tăng cường hệ thống chống mìn tập trung tại nơi địch có thể đổ quân xâm nhập.

2.     Các đường dây thông tin đều được chôn sâu để tránh địch phát hiện. Các hầm ngủ, hầm làm việc ăn thông nhau, nửa chìm nửa nổi tránh địch vào tàn phá. Đặc biệt trong giai đoạn này xuất hiện hầm chữ A (loại hầm chịu bom tốt và được phổ biến trong căn cứ). Hầm thường được xây kiên cố làm nơi ở cho cán bộ chỉ huy, y tế… làm việc và chữa bệnh. Ngoải ra để chống biệt kích xâm nhập, ta xây dựng hệ thống các giao thông hào, hầm công sự trên toàn căn cứ.

3.     Tăng cường lực lượng bảo vệ căn cứ. Về lực lượng an toàn khu, ta bổ sung quân số cho tiểu đoàn 2 bảo vệ Trung ương Cục, Trung ương Mặt trận Giải phóng; tiểu đoàn 1 đượ bổ sung thêm 1.000 người làm nhiệm vụ cơ động; tiểu đoàn 3 thì rút đại đội 5 ra làm quân chiến đấu cho Ban cán sự Kà Tum, đại đội 3 thì tăng cường cho Phòng thông tin để làm quân chiến đấu ở Tà Đạt… Lực lượng bảo vệ văn phòng Bộ Chỉ huy được tăng cường lên 2 đại đội. Các cơ quan trong căn cứ đều được bảo vệ vững chắc. Cuối năm 1965, Bộ Chỉ huy An toàn khu được thành lập.

Đến cuộc càn Junction City, với mục tiêu là tiêu diệt cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn Miền, sư đoàn 9 chủ lực Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng trong căn cứ, chia cắt, lấn chiếm khu căn cứ được coi là Đất thánh Việt Cộng”, Mỹ tăng cường đem quân tấn công Tây Ninh.

Biết được ý đồ này của địch, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bằng cách: tổ chức các khu vực cơ quan đóng ở các xã, huyện. Các cơ quan quân sự Miền thì lập ra 7 huyện đội, 6 cụm cơ quan “Dân chính Đảng” thành lập ra 13 khu vực phòng thủ tương đương 13 huyện bao quanh căn cứ, toàn bộ cán bộ, bộ đội được tổ chức thành các lực lượng vũ trang để chiến đấu trên khu vực được giao. Sư đoàn 9 kết hợp trung đoàn 16 tạo thành thế trận then chốt đánh bại địch và giành thắng lợi quyết định cho chiến dịch.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, toàn căn cứ được chia thành 2 cụm:

a)     Sáu huyện “Dân chính Đảng” gồm:

§        Cụm Đồng Rùm_Sóc Mới của cơ quan bảo vệ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền.

§        Cụm Suối Mây của cơ quan binh vận Trung ương Cục.

§        Cụm Bảy Bàu của cơ quan tổ chức Trung ương Cục.

§        Cụm Xa Mát_Tà Xia của cơ quan an ninh Trung ương Cục.

§        Cụm Lò Gò_Bến Ra của cơ quan tuyên truyền Trung ương Cục.

§        Cụm Xóm Giữa_Đồi Thơ của cơ quan dân y Trung ương Cục.

Bảy “huyện” quân đội:

§        Huyện Châu Thành do C170 bảo vệ Bộ Chỉ huy Miền phụ trách.

§        Huyện Tần Ken do Bộ Tham mưu phụ trách.

§        Huyện Kà Tum do Cục chính trị Miền phụ trách.

§        Huyện Tà Đạt do phòng thông tin Miền phụ trách.

§        Huyện Sóc Ky do phòng công binh Miền phụ trách.

§        Huyện Bà Hảo do đoàn hậu cần 83 phụ trách.

§        Huyện Bà Chiêm do đoàn 69 pháo binh Miền phụ trách.

Lực lượng tại đây có 3.000 du kích cơ quan, 2.000 quân tác chiến tại chỗ, 800 quân làm nhiệm vụ cơ động, cán bộ chỉ huy do Bộ Chỉ huy Miền lựa chọn.

Ngoài ra ta còn thành lập các “xã đội” (60_70 người) để tiến hành chiến đấu. Các xã đội, các ấp  thường được phân tán nhiều nơi để quân dễ cơ động đánh địch trong địa bàn đã quy định. Mỗi xã đội đều có công sự, các dài quan sát, ụ chiến đấu vững chắc tạo thế phòng thủ mạnh, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến.

Du kích xã tăng mạnh lên đến 4.000 người có đầy đủ vũ khí và sẵn sang cùng cán bộ Miền chống giặc đến cùng để bảo vệ căn cứ. Về hậu cần thì ta đã thực hiện rất tốt. Bộ chỉ đạo cho đoàn hậu cần 82 mở cửa khẩu lấy hàng của Trung ương Cục quá cảnh sang Campuchia rồi chuyển về căn cứ cung cấp lương thực thực phẩm, đạn dược cho quân ta, đồng thời Trung ương Cục mở các bệnh viện để cứu chữa người bị thương phục vụ cho chiến trường. Trung ương cụ và Bộ Chỉ huy Miền đứng chân trong căn cứ, trực tiếp vạch kế hoạch và triển khai ngay trong căn cứ.

3.3.3.   Chiến công, đóng góp của chiến khu giai đoạn 1965_1968

Chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài và phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam phát triển làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và nguỵ đây chúng đến trước nguy cơ bị sụp đổ. Trước tình thế này, Mỹ buộc phải đổ quân viễn chinh mỹ và chư hầu vào miền Nam trực tiếp đánh phá cách mạng.

Trên chiến trường miền Nam và đặc biệt là chiến trường Nam Bộ, Mỹ tung các đơn vị chủ lực của mình (Sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ”, lữ đoàn dù 173, sư đoàn bộ binh 5 “Tia chớp nhiệt đới”…) cùng nhiều đội quân đồng minh Hàn Quốc, Thái LanAustralia…. Đến giai đoạn cao nhất (1968) đội quân hỗn hợp đó đã lên tới 767.000 tên (không kể quân Sài Gòn) và 245.000 tên ở chiến trương B2 cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại trên chiến trường nhằm thực hiện “tìm và diệt” (Search and Destroy) của William Child Westmoreland (1914_2005). Miền Đông Nam Bộ là trọng điểm của cuộc phản công và chiến khu Dương Minh Châu là một trong những mục tiêu quan trọng.

Để tạo thế cho cuộc hành quân, đánh phá căn cứ, vào đầu năm 1966 chúng xây dựng sân bay Thiện Ngôn; mở rộng các sân bay thị xã, Trảng Lớn, Trâm Vàng, Suối Đá. Ngoài ra chúng còn đóng các chốt chặn quân ta như chốt Bổ Túc, Thiện Ngôn , Cần Đăng, Bàu Cỏ…, tăng cường càn quét liên tục căn cứ.

Từ tháng 4 đến tháng 6/1966, Mỹ mở cuộc càn Birmingham đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh với lữ đoàn 173 dù và 2 lữ đoàn tiến hành càn quét khu vực Tà Păng, Lò Gò, Bàu Cỏ… đến suối Ông Hùng, Bến Củi. Bắt đầu cuộc càn chúng mở các căn cứ, các chốt biệt kích để xuất phát như chốt Trảng Lớn của lữ đoàn 196 Mỹ, Dầu Tiếng của lữ 3 sư đoàn bộ binh 25 Mỹ… Các sân bay Trảng Lớn, Quản Lợi, Minh Thạnh… đề có căn cứ hậu cần, bãi chuyển quân bằng trực thăng… thuận lợi cho các cuộc hành quân của địch. Tháng 10/1965 máy bay B52 rải bom vào vùng Bà Chiêm_Võ Tùng, dế tháng 11 Mỹ lại rải bom xuống Bà Hảo. Cuộc hành quân này chỉ mang tính thăm dò.

Biện pháp chiến lược “tìm và diệt” trong đợt phản công lần thứ nhất của chúng bị thất bại, Westmoreland chuyển sang chiến lược “hai gọng kìm”( two-pronged) tìm diệt và bình định vùng Bắc Tây Ninh, trong đó chon quyết tiêu diệt đầu não của ta “đánh gãy xương sống Việt Cộng” (Vietnamese Communist type of vertebral fracture).

Thực hiện chiến lược này, Mỹ mở cuộc hành quân Attelboro đánh vào Bắc Tây Ninh từ ngày 12/10 đến 25/11/1966 nhằm mục đích: giành lại thế chủ động trên chiến trường Nam Bộ, đánh vào các kho tàng, bịt các cửa khẩu, tiêu diệt một bộ phận chủ lực Quân Giải phong, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, gây khó khăn về tiếp tế lương thực buộc quân ta phải phân tán để chúng tiêu diệt.

Trong cuộc càn này, địch sử dụng lữ đoàn 196 Mỹ thuộc sư đoàn 25 và một bộ phận lữ đoàn 173 dù Mỹ, một trung đoàn thiết giáp, 7 tiểu đoàn pháo 105 ly và 203 ly, 6 đại đội nguỵ đặc biệt không lực lượng địa phương quân phía sau để thực hiện kế hoạch bình định. Ngoài ra chúng còn sử dụng máy bay B52 và các loại máy bay khác yểm trợ cho cuộc hành quân.

Để đối phó với cuộc hành quân lớn này của địch, các lực lượng vũ trang của ta kết hợp với Chủ lực Miền (trung đoàn 16, sư đoàn 9) và bộ đội trong chiến khu, trong khi ở phía trước, các lực lượng tỉnh, huyện (du kích, đặc công) bám vùng ven, trục lộ, phá đường, đánh cơ giới, luồn sâu đánh vào hậu cứ của địch.

Các trận đánh chống càn của lực lượng của lực lượng cách mạng đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Chỉ tính từ ngày 3 đến ngày ngày 5/11/1966, trung đoàn 16 chủ lực Miền đã cùng quân dân căn cứ đã đánh tan lữ đoàn 196 Mỹ đang tấn công vào căn cứ. Và tại đây, tướng De Saussure chỉ huy cuộc hành quân bị cách chức.

Kết thúc cuộc càn, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.500 tên địch (trong đó có 1.700 tên Mỹ), phá huỷ 41 xe cơ giới. Quân địa phương cùng với quân chủ lực Miền đã liên tiếp chặn đánh liên tục các cuộc càn quét của địch ở Suối Đá, Trà Dơ, Đồng Rùm… làm cho chúng phải bị động đối phó. Tướng Wallace chỉ huy đại đội C tiểu đoàn 1/27 bộ binh nguỵ ngày 4/11/1966 nhận xét: “Thật không thể tưởng tượng được, từng đợt hoả lực pháo của địch (Quân Giải phóng_M.Q) dồn dập nã vào chúng tôi” ([60]). Cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, quân chủ lực và tiếng nói của đài phát thanh Giải phóng không bị tiêu diệt mà còn phát ra những tiếng đanh tai nhức óc, nhạo báng tài chỉ huy của Westmoreland khắp thế giới. Ông ta điên cuồng dốc lực lượng khổng lồ càn vào khu vực trung tâm căn cứ về phía Bắc. Cuộc càn này mang tên Junction City (tên một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Kansas của Mỹ) diễn ra từ ngày 22/2 đến ngày 15/4/1967 với chủ đích thực hiện mưu đồ lớn và giữ thể diện.

Trước khi cuộc càn này bắt đầu, Mỹ tăng cường máy bay B52 tiến hành bắn phá, hoạt động nghi binh từ xa ở chiến khu Đ, đông Dầu Tiếng, dọc sông Sài Gòn, rải chất độc ở Bàu Cỏ, Trảng Chiên, Trà Cho… Ngoài những hoạt động trinh sát bằng máy bay, Mỹ dùng biệt kích bắt cóc cán bộ khai thác tin tức, mở rộng các sân bay Trảng Lớn, Suối Đá… làm căn cứ xuất phát và chi viện, hậu cần cho quân viễn chinh Mỹ và đồng minh. Đặc biệt từ ngày 2 đến 21/2/1967 (trước cuộc hành quân chính thức 20 ngày), địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân cấp sư đoàn. Không kể cuộc càn Biqspring của lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 và lữ đoàn dù 173 từ ngày 1 đến ngày 16/2/1967 càn vào suối Sình (tức suối Tha La), Bàu Đá thuộc chiến khu Đ, riêng ở căn cứ Bắc Tây Ninh đã có hai cuộc càn Gadsden (từ ngày 2 đến 21/2/1967 tấn công biên giới Việt_Campuchia) và Tucson nhằm tạo thế cho cuộc hành quân chính.

Ngày 22/2/1967, địch bắt đầu mở cuộc hành quân lớn tấn công vào căn cứ Bắc Tây Ninh mang tên Junction City và lấy cuộc hành quân này làm nội dung hoạt động chủ yếu cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của chúng.

Mục tiêu của cuộc hành quân này nhằm:

1.     Tiêu diệt cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn Miền, sư đoàn 9 chu lự và đài phát thanh Giải phóng.

2.     Bịt đường biên giới, triệt phá kho tàng dự trữ hậu cần của đối phương.

3.     Chia cắt, lấn chiếm khu vực căn cứ từ lâu được coi là “Đất thánh Việt Cộng”, phá thế chuẩn bị tấn công, ngăn chặn và hạn chế các trận đánh lớn của đối phương, đồng thời tạo được lá chắn bên ngoài vành đai bảo vệ an toàn cho căn cứ nguỵ ở đô thị và thủ phủ Sài Gòn.

4.     Giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định cho cuộc phản công mùa khô lần 2 để tạo bước ngoặt làm chuyển biến cục diện có lợi cho chúng.

`Trung tướng Mỹ B. W. Rogers nhận định “nhiệm vụ” của cuộc càn này là: “tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam, các căn cứ của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng. Ngoài ra nó còn làm nhiệm vụ xây dựng các sân bay và các doanh trại của lực lượng đặt biệt” ([61]).

Thực hiện cuộc càn này, Mỹ cử tướng Jonathan Seaman(1910_1986) làm chỉ huy, sử dụng 45.000 quân (28 đại đội Mỹ, 2 đại đội nguỵ), 1.200 xe M113, M118, M41, M48, 256 khẩu pháo, gần trăm lượt B52 cùng với các phương tiện hiện đại khác đánh phá khu vực căn cứ không quá 15.000 km 2. Trọng điểm đánh phá là vùng Tà Đạt_nơi có hệ thống điện đài của ta đang phát sóng mà địch phán đoán là chỗ đứng chân của cơ quan đầu não B2.

Cuộc hành quân Junction City chia thành 2 đợt:

1.     Đợt 1 (từ ngày 22/2 đến 15/3/1967): Mỹ huy động 45.000 quân (28 đại đội Mỹ, 2 đại đội nguỵ), 4 đại đội biệt kích, 2 đội tăng, 1 đội thiết giáp, 256 súng, 162 náy bay chiến đấu, 300 trực thăng, 22 máy bay trinh sát.

(mất một đoạn)

3.4. Chiến khu Dương Minh Châu được củng cố và hoàn chỉnh ( 1969_1975)

  3.4.1. Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”            (Vietnamization of the war ) (1969_1975)


        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, là đòn bất ngờ góp phần quyết định chiếu hướng của cuộc chiến tranh Việt Nam và Đông Dương, làm phá sản chiến lược “chiến  tranh cục bộ” của Mỹ, làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới.

Sau đòn bất ngờ Tết Mậu Thân, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi rút hết quân đội về nước của nhân dân dấy lên khắp nước Mỹ. Hạ nghị viện Mỹ cũng ra quyết nghị đòi rút tất cả quân Mỹ ở Việt Nam về nước trong thời hạn ngắn nhất.

Lợi dụng tâm lý chống chiến tranh, mong muốn sớm chấm dứt chiến tranh và đổi mới tình hình chính trị_xã hội nước Mỹ, Richard Milhous Nixon tung ra lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 6 tháng và có những thay đổi trong chính sách đối nội đối ngoại của nước Mỹ.

Sau khi trúng cử Tổng thống (20/1/1969), Nixon đã cho ra đời học thuyết mang tên mình _ “Học thuyết Nixon” (Nixon Doctrine) và tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Học thuyết Nixon với chiến lược quân sự tương ứng “Ngăn đe thực tế” (Prevent real threats) được thay thế cho chiến lược toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của Kennedy bị phá sản. Đề ra học thuyết mới, tập đoàn Nixon mưu toan khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, cố giữ vai trò “sen đầm quốc tế” (international lotus ponds), lãnh đạo “thế giới tự do”, cố bám lấy những lợi ích của đế quốc chủ nghĩa trên thế giới.

Học thuyết Nixon được thí điểm ở Việt Nam và Đông Dương, là nơi Mỹ khi trước đã từng dùng làm nơi thí điểm cho chiến lược “Phản ứng linh hoạt”(1961_1968) và cũng là điểm kết thúc chiến lược đó. Nó được ở ba nước là Việt Nam, Lào, Campuchia; riêng ở Việt Nam Mỹ đề ra “chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh”.

Với chiến lược này, Nixon đã chia thành 3 giai đoạn:

     + Giai đoạn 1: Chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu cho quân đội Sài Gòn, rút quân chiến đấu trên bộ của Mỹ, làm suy yếu lực lượng cách mạng Việt Nam.

     + Giai đoạn 2: Chuyển giao nhiệm vụ trên không cho quân Sài Gòn, làm cho quân Sài Gòn đủ sức đương đầu với lực lượng cách mạng miền Nam, giữ vững được Việt Nam và Đông Dương.

     + Giai đoạn 3: Hoàn thành và củng cố “Việt Nam hoá chiến tranh” lực lượng cách mạng miền Nam suy yếu đi và chiến tranh sẽ tàn lụi.

Để thực hiện các mục đích trên, ông ta dự định sẽ “tăng cường lực lượng quân Sài Gòn mạnh lên, tiến hành bình định các vùng đông dân và nông thôn, đến khi hoàn thành chiến lược này rút quân Mỹ sẽ rút ra khỏi Việt Nam”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Melvin Laird cho biết một kế hoạch như vậy sẽ khiến Mỹ “tốn kém thêm và gặp rủi ro mà không mang lại lợi ích quân sự cũng như chính trị rõ ràng nào.

      Như vậy với chiến lược này, quân Mỹ và quân đồng minh rút dần khỏi chiến tranh để giảm xương máu của người Mỹ trên chiến trường, đồng thời là quá trình tăng cường quân đội Sài Gòn nhằm tận dụng xương máu người Việt Nam. Thực chất đó là sự tiếp tục thực hiện âm mưu thâm độc nhằm “thay màu da xác chết”, “Dùng người Việt đánh người Việt” của Mỹ. Riêng ở Tây Ninh, chúng ráo riết bắt lính, thời điểm cao nhất lên tới 60.000 tên, đóng bót, chốt chặn trên khắp các đường giao thông, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Về phần kinh tế, chúng tiến hành cơ giới hoá nông nghiệp, thay đổi chính sách ruộng đất bằng “Luật người cày có ruộng” (Farmers having land law), mở rộng hoạt động công nghiệp, dịch vụ… nhằm phong toả kinh tế ta, ra sức khủng bố, tiến hành hoạt động chiến tranh tâm lý, gián điệp, do thám… làm suy yếu ta từ bên trong để từ đó tiêu diệt tận gốc quân ta, kết thúc chiến tranh trong thế thắng.

Bằng những âm mưu và thủ đoạn đó, Mỹ hi vọng sẽ xoay chuyển được cục diện chiến tranh trên toàn miền Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng, tiếp tục giữ vững chính quyền tay sai Sài Gòn.

          3.4.2. Xây dựng và phát triển lực lượng


Sau Tổng tấn công 1968 làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ’ của Mỹ, chúng buộc phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam , lấy vùng căn cứ Bắc Tây Ninh làm nơi thí điểm cho chiến lược này. Đầu tiên, chúng tăng cương quân đội, biệt động, xe tăng càn quét vào căn cứ, lập các chốt Trà Dơ, Bổ Túc, Xa Mát… để ngăn chặn tiếp tế chi viện từ bên ngoài vào trong căn cứ của ta. Chúng thường xuyên lục soát, thu gom gạo thóc của dân bổ sung cho nguồn lương thực của chúng.

Về phía ta, sau Tổng tấn công 1968, cách mạng của tuy bị suy yếu nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Ngày 6/6/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp Đại hội quốc dân ở Tà Nốt quyết định thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam do Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Ngay từ khi ra đời, chính phủ này đã được 23 nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Nhà thơ Lê Giang có viết về sự kiện này như sau:

                  “…Trước cổng hội trường

                   Anh bộ đội thân thương

     Bồng sung đứng nghiêm chào chính quyền cách mạng.

               Anh đứng đây_đứng canh cho lịch sử

                    Đang hành quân vào nơi bất tử

              Chính quyền ta, anh ôm trọn vào lòng.” 

Ngày 10/6/1969, Chính phủ đã đề ra các chính sách nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính sách hoà hợp dân tộc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá… Năm 1971, chính quyền cách mạng cấp 1,6 triệu ha ruộng đất cho nông dân. Đến đầu năm 1971, nhân dân đã giành quyền làm chủ hơn 3.600 xã ấp, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở 44 tỉnh, 6 thành phố và hơn 1.500 xã. 

Riêng ở Tây Ninh trong những năm 1971_1972, ta đã cấp cho dân hơn 100 ha ruộng đất. Việc làm này là một việc làm tiến bộ, khẳng định chính quyền đã có sự quan tâm đúng mức đến dân và tạo được sự tin yêu, quý trọng của nhân dân với chính quyền. Ngày 4/3/1969, Đại sư Cuba R. Vivo đem quốc thư của chính phủ Cuba đến ta để thiết lập quan hệ ngoại giao với ta.

Lực lượng ta của ta chưa kịp củng cố sau Mậu Thân 1968 thì lại gặp khó khăn mới. Địch bắt đầu phong toả thông thương nước bạn, chặn tiếp tế, phá đường nên việc đi lại rất khó khăn. Căn cứ của ta luôn mất ổn định, lương thực, thuốc mem bị thiếu thường xuyên. Các chiến sĩ, y bác sĩ sống rất kham khổ. Cụ thể bệnh viện của căn cứ đã phải dời căn cứ 3 lần, mỗi lần dời như thế đã phải đem theo người bệnh, dụng cụ chữa bệnh…đến nơi mới lại phải đào công sự để ở. Trước tình hình này, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại các cơ quan cho đơn giản (cử một số bộ phận về vùng “K”, rút cơ quan chỉ huy ra khỏi căn cứ để đảm bảo an toàn…). Các cơ quan của ta luôn phải di chuyển, chống biệt kích, vừa xây dựng lại căn cứ… 

Quân dân ta ở căn cứ nói riêng  và Tây Ninh nói chung đã giúp quân dân Campuchia đánh bại cuộc hành quân Chenla 1 và 2 của Mỹ, giữ vững độc lập cho Campuchia. Để hỗ trợ cho chiến trường ở Campuchia, Trung ương Cục lập các đoàn hậu cần 340, C30, C20… do Lương Văn Nho, Nguyễn Văn Sĩ phụ trách.

Tháng 9/1971, Quân uỷ Trung ương có cuộc họp và ra nghị quyết: “… kịp thời nắm vững thời cơ lớn mạnh, tiến công quân sự, chính trị, binh vận…giành thắng lợi quyết định năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua”.  Hưởng ứng nghị quyết trên, Trung ương Cục thành lập đoàn 301 (chỉ đạo sư đoàn 9, 7, 5), trung đoàn 28 pháo binh. Từ năm 1971_1972, ta đã hoàn thành 943 km đường, 47.500 tấn vật chất (trong đó có 14.500 tấn gạo), dự trữ 18.000 tấn để phục vụ chiến trường.

Thời kỳ 1973_1974, các đoàn hậu cần chi viện mạnh mẽ cho chiến khu giúp ta chống nguỵ thuận lợi. Bằng nỗ lực cao, ta đã thu mua 17.300 tấn gạo, được nhân dân dân ủng hộ thêm 2.600 tấn gạo, 186 thịt hộp, 250 tấn vũ khí… Đến những năm 1974_1975 ta mở cửa thu hút hàng hoá địch vào phục vụ chiến khu. Người dân ở căn cứ có chỗ ở ổn định, tự túc sản xuất lượng thực phục vụ cách mạng.

Ngày 27/1/1973, Mỹ ký hiệp định Paris, nước Việt Nam giành độc lập, quân Mỹ đã phải cuốn gói rút về nước.

Năm 1974, Trung ương Cục ra Nghị quyết 12 đề ra nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng miền Nam thời kỳ này. Tháng 7/1974, ta lập ra Quân đoàn 4, mở các trường quân y, các xưởng chế tạo vũ khí cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ để ho chiến đấu với địch cho đến thắng lợi cuối cùng.

   3.4.3. Chiến công, đóng góp của chiến khu với thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả nước (1969_1975)


Để tạo thế trận cho cuộc tấn công năm 1972 trên toàn Miền, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ (tháng 4/1972). Để mở màn cho chiến dịch, quân ta tấn công vào khu vực đường 22, Xa Mát, Trảng Sụp, Bàu Cò làm chúng phải rút chạy. Đến ngày 5/4 ta lại tấn công chúng ở Xa Mát, Lộc Ninh, giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh buộc chúng tháo chạy về Sài Gòn. Đến cuối  năm 1972 đầu năm 1973, ta tăng cường sư đoàn 5, 7 uy hiếp tuyến giữa, tuyến vùng ven bảo vệ Sài Gòn, kềm chân địch buộc chúng chạy về Sài Gòn để giữ thủ phủ. Trên đất Campuchia, quân ta đã giúp nước bạn đánh thắng giặc nhiều trận lớn, buộc chúng tháo chạy về Việt Nam.  Với chiến dịch này, ta đã lập khu giải phóng từ Bắc Tây Ninh, lấn qua Lộc Ninh liên hoàn với căn cứ Campuchia.

Song song đó, ta tiến hành tập kích địch ở Suối Đá (22/6/1972), Cầu Khởi, Trà Võ (18/10/1972)… huyện Tân Biên (có 5 xã Hoà Hiệp, Sóc Thiết, Mõ Công, Kà Tum, Tân Hưng) được thành lập.

Ngày 27/1/1973, Mỹ sau những trận thua năm 1972 ở căn cứ Bắc Tây Ninh, nước bạn Campuchia và Hà Nội (trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972) đã phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Paris buộc quân Mỹ về nước. Nhưng ở miền Nam, chúng không công nhận chính phủ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đã ném bom xuống tàn phá căn cứ ta, tuy nhiên với ý chí chiến đấu cao ta đã đánh bại chúng và buộc chúng phải ký hiệp ước công nhận độc lập của miền Nam (20/12/1972).

Sau khi ký kết xong, Mỹ lập tức trở mắt không thi hành lệnh ngừng bắn và chỉ thị cho quân nguỵ tấn công căn cứ. 28/1, chúng mở cuộc hành quân lấn đất, giành dân, cho tình báo hoạt động phá ta từ bên trong. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Cục (chỉ thị 01, 02…) quân ta phát lệnh tấn công địch, chặn đánh chúng lập ấp chiến lược làm chúng bị thất bại nặng nề phải rút về Sài Gòn. Sau chiến dịch, ta đã mở rộng được căn cứ dến tận Campuchia ở phía tây và bắc; mở được hành lang tới chiến khu Đ. Đến thời điểm này, chính phủ cách mạng miền Nam và các cơ quan chỉ huy khác dời về đóng ở Lộc Ninh để tiện chỉ đạo kháng chiến toàn Miền.

Đến những năm 1974_1975, địch mở cuộc phản công mùa khô nhằm tiêu diệt quân ta (gồm 2 giai đoạn). Đầu năm 1974, quân ta tiêu diệt trung đội thám sát của địch tại Suối Đá.  Đến giai đoạn 2 của chiến dịch, ta thực hiện một trận tiến công ở Núi Bà và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm này vào ngày 7/1/1975.

Từ ngày 13/12/1974 đến 6/1/1975, ta mở chiến dịch đường 14 Phước Long. Lực lượng ta gồm Quân đoàn 4 mới thành lập và các đơn vị khác phối hợp. Ta đã diệt và làm tan rã 7.000 tên, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Sau chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền hạ quyết tâm: hoàn thành giải phóng miền Nam trong những năm 1975_1976, ta đã liên tiếp giành được những thắng lợi sau đó.

Tháng 3/1975, Tỉnh uỷ Tay Ninh họp hội nghị bất thường ra quyết định phải giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, chủ động kềm chân không cho chúng rút chạy về Sài Gòn tạo điều kiện cho quân ta giải phóng Sài Gòn. Đến 11 giờ ngày 30/4/1975, tỉnh Tây Ninh được giải phóng.

Chiến khu Dương Minh Châu đã hoàn thành lịch sử của mình.

Kết luận chung


Tóm lại, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiến khu Dương Minh Châu làm nhiệm vụ như một căn cứ quân sự, đóng vai trò là hậu phương tại chỗ của miền Đông, là nơi các cơ quan đầu não của ta tại đây vạch kế hoạch, triển khai các kế hoạch tấn công của ta vào các cơ quan đầu não của giặc, là nơi tập kết các lực lượng của ta, triển khai các binh đoàn chủ lực để chiến đấu giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn, góp công lớn vào thắng lợi chung của toàn quốc trong kháng chiến. Với tư tưởng “tiến công để phòng thủ”, các lực lượng trong căn cứ kết hợp với Quân chủ lực Miền, phong trào của nhân dân để vừa phản công, vừa tiến công địch, giữ vững và mở rộng căn cứ. Càng về sau, chiến khu Dương Minh Châu ngày càng được mở rộng và phát triển hoàn chỉnh. Như vậy với vị trí và vai trò quan trọng đó thì căn cứ xứng đáng trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan, quân dân trụ lại và chiến đấu đến ngày thành công. Hiện nay ở Tây Ninh và đặc biệt là Dương Minh Châu tuy là có phát triển nhưng nhìn chung còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Cơ sở vật chất (nhà cửa, đất đai, ruộng vườn còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để), nhân dân vẫn còn khổ, các di tích lịch sử trong huyện như di tích căn cứ Dương Minh Châu, các đền chùa, cơ sở cách mạng chưa được coi trọng. Vì thế, tôi đề xuất các phương hướng phát triển của huyện căn cứ là: xây dựng lại cơ sở vật chất, tôn tạo lại các di tích lịch sử trong huyện như di tích căn cứ Dương Minh Châu, các đền chùa, cơ sở cách mạng, kiến nghị với chính quyền để họ có biện pháp nâng cao đời sống người dân…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.     Báo cáo tình hình quân sự Quân khu 7 (1945_1947), Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng , hồ sơ số 6, trích từ tờ số 94_100, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7.
2.     Báo cáo tình hình quân sự  Nam Bộ (1945_1947), Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng , hồ sơ số 6, trích từ tờ số 94_100, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7.
3.     Chỉ thị về âm mưu hoạt động của địch và nhiệm vụ của Nam Bộ trong năm 1951 của Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Hồ sơ số 43 phòng Nam Bộ, kho lưu trữ Bộ Quốc phòng.
4.     Báo cáo của Ty Công an tỉnh Tây Ninh, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK 7.
5.     Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1952_1953, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK7, LS 99.
6.     Báo cáo số 1313/22: Tình hình tổng quát Phân liên khu miền Đông từ tháng 9/1953 đến cuối tháng 5/1954, Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng, phòng Nam Bộ, hồ sơ số 52, bản sao lưu tại Phòng khoa học công nghệ QK 7.
7.     Nghị quyết án về căn cứ địa của Phân liên khu miền Đông, kho lưu trữ Bộ Quốc phòng, hồ sơ số 58, tờ 107_112, hồ sơ lưu tại Phong khoa học công nghệ môi trường QK 7.
8.     Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1949, mã số LS 40, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK 7.
9.     Biên bản Quốc hội Mỹ năm 1954, lưu trữ tại Ban Tổng kết chiến lược Bộ Quốc phòng.
10. Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 2/1962 về “công tác trước mắt của cách mạng miền Nam. Tài liệu lưu trữ tại Phân viện Lịch sử Bộ Quốc phòng TPHCM.
11. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam công tác quân sự tháng 5/1962, tài liệu số 7790/BM, lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.
12. Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng lần 9 (12/1963), tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.
13. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần 2 (2/1964) ,tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.
14. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần 3 (1/1965), tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.
15. Lê Duẩn(1993), Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. Lê Duẩn(1956), Đề cương cách mạng miền Nam, Tư liệu Ban Thống nhất Trung ương, bản chụp lưu tại Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
17. Hồ Chí Minh(1989), Toàn tập, t. 9, Nxb Sự thật, Hà Nội.
18. Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 3, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.
19. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh(1966), Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, NXBQĐND.
20. Trần Thị Nhung(1996), Căn cứ của Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền trong  chiến tranh chống Mỹ (1961_1975), NXBQĐND.
21. Nguyễn Ngọc Dũng(2000), Lịch sử địa phương tỉnh Tây Ninh, NXB Giáo dục.
22. André Baudrit(1940), Les lères années de la Cochinchine (Những năm đầu ở Nam Kỳ), NXB Testelin (Sài Gòn).
23. Yves Gras(1982), Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, NXB Plon, Paris, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
24. Lê Minh Thành (chịu trách nhiệm xuất bản) (1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường, Ban Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh.
25. Hồ Sơn Đài(1997), Chiến khu Đ, NXB Đồng Nai.
26. Trần Thị Kim Tuyết(phó giám đốc bảo tàng Tây Ninh soạn tháng 4/1997), Lý lịch Di tích lịch sử_văn hoá căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ X40 Đồng Rùm, Bảo tàng Tây Ninh.
27. Xuân Sắc(2009), Di thảo Ký ức tháng 8 năm Thìn bão lụt,  trong web: http://www.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?newsid=6858
28. Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, NXBQĐND.
29. Huyện uỷ Dương Minh Châu(1999), Huyện căn cứ Dương Minh Châu, NXB Tây Ninh.
30. Hoàng Minh, Đỗ Mậu(1991), Tâm sự tướng lưu vong, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
31. Hoàng Văn Minh(2010), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954_1975,http://www.quansuvn.net/index.php?topic=12572.0
32. Việt Nam thông tấn xã(1971), Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, t. 1, Hà Nội.
33. Cao Văn Lượng _ Phạm Quang Toàn _ Quỳnh Cư(1981), Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
34. Lê Mậu Hãn(2006), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục.
35. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961.
36. Lê Kim(1995), Tướng Oét-Mo-Len trong cuộc chiến tranh Việt Nam, NXBQĐND.
37. Phan Ngọc Liên(2008), Lịch sử 12 nâng cao, NXB Giáo dục.
38. John Pimlott(1997),  Vietnam, the Decisive Battles (Việt Nam những trận đánh quyết định (tài liệu tham khảo)), Trung tâm khoa học công nghệ môi trường Bộ Quốc phòng.
39. Bernard William Rogers (1987), “Cedar Falls_Junction City: A Turning point” (Xê-đa-phôn_Gian-xơn Xi-ty: Một bước ngoặc), Tạp chí lịch sử quân sự, số 20, tháng 8/1987.
40. Chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Junction City (tài liệu hội thảo khoa học), NXBQĐND, 1997.


[1] Nguyễn Ngọc Dũng(2000), Lịch sử địa phương tỉnh Tây Ninh, NXB Giáo dục, trang 9.
[2] André Baudrit(1940), Les lères années de la Cochinchine (Những năm đầu ở Nam Kỳ), NXB Testelin (Sài Gòn), trang 190.
[3] Có tài liệu khác cho rằng, De Gaulle ra tuyên bố ngày 8/12/1943 là tại Brazzaville (Congo). Nội dung của bản tuyên bố nói là: Năm nước của liên bang Đông Dương nằm trong Liên hiệp Pháp sẽ được hưởng tự do riêng. ( theo Hồi Ký de Gaulle: Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương, Người dịch: Đặng Văn Việt. web: http://vnthuquan.net/(S(hi3xfh55mpeayszs3ydcgpme))/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237nvnvn4nmnqn31n343tq83a3q3m3237nmn

[4] Yves Gras(1982), Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, NXB Plon, Paris, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trang 5.
[5] Lê Minh Thành (chịu trách nhiệm xuất bản) (1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường, Ban Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh, trang 66.

[6] Báo cáo tình hình quân sự Quân khu 7 (1945_1947), Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng , hồ sơ số 6, trích từ tờ số 94_100, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7
[7] Theo Báo cáo tình hình quân sự  Nam Bộ (1945_1947), Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng , hồ sơ số 6, trích từ tờ số 94_100, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7 thì: 1 chi đội có 3 đại đội_3 trung đội, 1 trung đội có 3 phân đội, 1 phân đội có 3 tiểu đội, 1 tiểu đội có 14 người.

[8] Lê Minh Thành(chịu trách nhiệm xuất bản) (1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường, Ban Tuyên giáo Tây Ninh, trang 113.
[9] Hồ Sơn Đài(1996), Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945_1954), NXBTPHCM, trang 101.
[10] Trích bài phát biểu của Trần Kim Tấn (Sáu Tấn), tại Hội thảo về căn cứ địa Tây Ninh ngày 23/8/1982, Bộ Nội vụ, hồ sơ lưu tại Tỉnh uỷ Tây Ninh.

[11] Dương Minh Châu sinh ngày 9/3/1912 tại làng Ninh Thạnh – Tây Ninh, là một trí thức yêu nước, từng hoạt động trong nhóm thanh niên Việt kiều yêu nước tại Campuchia. Trong những ngày tiền khởi nghĩa, ông về nước bắt liên lạc với Xứ uỷ Nam Kỳ và được phân công vào Tây Ninh hoạt động trong Mặt trận Việt Minh và được kết nạp vào Đảng vào năm 1946. Tháng 5/1946, Uỷ ban Hành chính của tỉnh được thành lập, ông được cử làm Chủ tịch. Ngày 7/2/1947, Dương Minh Châu hy sinh tại khu căn cứ Bến Cây Chò, xã Ninh Điển, huyện Châu Thành, Tây Ninh
[12] Chỉ thị về âm mưu hoạt động của địch và nhiệm vụ của Nam Bộ trong năm 1951 của Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Hồ sơ số 43 phòng Nam Bộ, kho lưu trữ Bộ Quốc phòng.

[13] Hồ Sơn Đài(1997), Lịch sử chiến khu Đ, NXB Đồng Nai, trang 126.

[14] Trần Thị Kim Tuyết(phó giám đốc bảo tàng Tây Ninh soạn tháng 4/1997), Lý lịch Di tích lịch sử_văn hoá Căn cứ xứ uỷ Nam Bộ X40 Đồng Rùm, Bảo tàng Tây Ninh.
[15] Viết theo Lê Minh Thành(chịu trách nhiệm xuất bản)(1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường, NXB Ban Tuyên giáo Tây Ninh, còn theo Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945_1975), tập 1, trang 197, 204 viết thì trong trận càn tháng 12/1951 ta bắn rơi 2 máy bay, còn trận chống càn tháng 4/1952 ta không có bắn máy bay. Nhưng theo báo cáo của Công an Dương Minh Châu thì năm 1952 ta diệt 2 máy bay, còn 1951 thì không. Vậy giả thiết 2 máy bay bị bắn rơi trong trận càn tháng 4/1952 thì hợp lý hơn cả.

[16] Báo cáo của Ty Công an tỉnh Tây Ninh, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK 7.
[17] Xuân Sắc (2009), Di thảo Ký ức tháng 8 năm Thìn bão lụt,  trong web: http://www.baotayninh.vn/newsdetails.aspx?newsid=6858

[18] Theo Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, NXBQĐND, trang 217.

[19] Trích lời bài hát Lên ngàn, nhạc và lời Hoàng Việt.
[20] Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1952_1953, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK7, LS 99
[21] Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945_1975, tập 1, NXBQĐND, trang 224.

[22] Trích báo cáo số 1313/22: Tình hình tổng quát Phân liên khu miền Đông từ tháng 9/1953 đến cuối tháng 5/1954, Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng, phòng Nam Bộ, hồ sơ số 52, bản sao lưu tại Phòng khoa học công nghệ QK 7.
[23] Trích Nghị quyết án về căn cứ địa của Phân liên khu miền Đông, kho lưu trữ Bộ Quốc phòng, hồ sơ số 58, tờ 107_112, hồ sơ lưu tại Phong khoa học công nghệ môi trường QK 7.
[24] Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945_1975, tập 1, NXBQĐND, trang 233.

[25] Huyện uỷ Dương Minh Châu(1999), Huyện căn cứ Dương Minh Châu, NXB Tây Ninh,, trang 30.
[26] Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1949, mã số LS 40, hồ sơ lưu tại Phòng khoa học công nghệ môi trường QK 7.
[27] Biên bản Quốc hội Mỹ năm 1954, lưu trữ tại Ban Tổng kết chiến lược Bộ Quốc phòng.

                               
[28] Theo Hoàng Minh - Đỗ Mậu(1991), Tâm sự tướng lưu vong, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, trang 179 thì “… Nhiều người đã phải chán nản nặng lời phê phán thuyết nhân vị của ông Ngô Đình Nhu… là một thứ pha trộn mình Ngô đầu Sở, chắp vá bằng một mớ tư tưởng hổ lốn, góp nhặt mỗi thứ một ít, từ giáo lý Thiên chúa giáo đến chủ nghĩa Nhân vị của Munier, pha thêm thuyết nhân ái của Khổng Tử, cộng thêm vài nét của chủ nghĩa tư bản lẫn lộn với chủ nghĩa Duy linh chống cộng…”

    +) Chủ nghĩa nhân vị của Munier (nhà trí thức Thiên chúa giáo người Pháp) đại để như sau: Nhân vị là vị thế của con người, lấy con người làm giao điểm trong trục tương quan với đồng loại, thiên nhiên và Thượng đế. Người là trung tâm để phục vụ, có ưu thế hơn các thực thể khác như dân tộc, nhân loại, hay nhu cầu vật chất, con người có phần xác và phần hồn, mà linh hồn được coi là chủ yếu hơn vì linh thiêng, bất tử và là nguồn gốc của văn minh. Tinh thần có tính thiêng liêng vì do chính Thượng đế tạo ra và có khả năng vươn lên cảm thông với Thượng đế…


[29] Hoàng Văn Minh(2010), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954_1975, trong web: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=12572.0
[30] Tháng 7-1954, Mỹ đã bỏ ra 43 triệu đồng Đông Dương cho Diệm chi tiêu vào việc cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Mỹ còn cho Diệm 2.000 lều vải để tập trung người di cư và chịu hết phí tổn chuyên chở.

[31] Việt Nam thông tấn xã(1971), Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, t. 1, Hà Nội. tr. 95.
[32] Cao Văn Lượng _ Phạm Quang Toàn _ Quỳnh Cư(1981), Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 269

[34] Lê Duẩn(1993), Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 104- 105.
[35] Sđd. tr.101.
[36] Sđd. tr.103.
[37] Lê Duẩn(1956), Đề cương cách mạng miền Nam, Tư liệu Ban Thống nhất Trung ương, bản chụp lưu tại Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

[38] Về thời gian ta đánh đồn Bến Củi thì có một số tài liệu nói như sau:

      _Lê Minh Thành(chịu trách nhiệm xuất bản) (1990), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường, Ban Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh, trang 97 viết: Trận đánh Bến Củi diễn ra vào giữa năm 1958.

      _50 năm lực lượng vũ trang Quân khu 7, trong web: http://www.wattpad.com/644987?p=21 viết Trận đánh Bến Củi diễn ra vào tháng 5/1957.

      _Nguyễn Viết Tá(1990), Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, tập 2, NXBQĐND, Hà Nội, trang 54 viết: Trận đánh Bến Củi diễn ra vào ngày 9/10/1956.
[39] Ở Nam Bộ, nhân dân giành quyền làm chủ nhiều mức khác nhau ở 865 xã trong tổng số 1193 xã. Khu V, làm chủ 3200 thôn trong tổng số 5721 thôn.

[40] Nam Bộ, trong năm 1960 đã có tới 11.500 binh sĩ bỏ ngũ.

[41] Việt Nam thông tấn xã(1971), Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, t 1, trang 85.
[42] Lê Mậu Hãn(2006), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục, trang 179.
[43] Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr.9
[44] Hồ Chí Minh(1989), Toàn tập, t. 9, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 107.
[45] Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 3, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, trang 213, 214.
[46] Trần Thị Nhung(1996), Căn cứ của Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền trong  chiến tranh chống Mỹ (1961_1975), NXBQĐND, trang 26, 28.
[47] Lê Kim(1995), Tướng Oét-Mo-Len trong cuộc chiến tranh Việt Nam, NXBQĐND, trang 58.
[48] Trần Thị Nhung(1996), Căn cứ của Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền trong  chiến tranh chống Mỹ (1954_1975), NXBQĐND, trang 39, 40, 41.
[49] Trích Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 2/1962 về “công tác trước mắt của cách mạng miền Nam. Tài liệu lưu trữ tại Phân viện Lịch sử Bộ Quốc phòng TPHCM.

[50] Trích Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam công tác quân sự tháng 5/1962, tài liệu số 7790/BM, lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.

[51] Trích Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng lần 9 (12/1963), tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.

[52] Trích Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần 2 (2/1964) ,tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.

[53] Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh(1966), Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, NXBQĐND, trang 133.

[54]Trích Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần 3 (1/1965), tài liệu lưu trữ tại Phòng lịch sử  Quân sự  Quân đoàn 4.

[55] Đồng minh của Mỹ trong chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam gồm 5 nước: Hàn Quốc, Thái LanPhilippinesAustraliaNew Zealand.

[56] Phan Ngọc Liên(2008), Lịch sử 12 nâng cao, NXB Giáo dục, trang 232.
[57] Hồ Sơn Đài(1997), Lịch sử chiến khu Đ, NXB Đồng Nai, trang 241.

[58] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, trang 471.

[59] Lê Duẩn(1985), Thư vào Nam, NXB Sự thật, trang 109, 110.
[60] John Pimlott(1997),  Vietnam, the Decisive Battles (Việt Nam những trận đánh quyết định (tài liệu tham khảo)), Trung tâm khoa học công nghệ môi trường Bộ Quốc phòng, trang 63.
[61] Bernard William Rogers (1987), “Cedar Falls_Junction City: A Turning point” (Xê-đa-phôn_Gian-xơn Xi-ty: Một bước ngoặc), Tạp chí lịch sử quân sự, số 20, tháng 8/1987, trang 54.

[62] Chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Junction City (tài liệu hội thảo khoa học), NXBQĐND, 1997, trang 12.

[63] Trần Thị Nhung(1996), Căn cứ của Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền trong chiến tranh chống Mỹ (1954_1975), NXBQĐND_SVHTT Sông Bé, trang 80.