Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ (1954)

tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ (1954)


1.CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ: BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Điện Biên Phủ không chỉ đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20, mà còn là biểu tượng sáng ngời của toàn nhân loại trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Chiến thắng lịch sử này đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, đó còn là chiến thắng của nhân dân Lào, Campuchia những người bạn cùng chiến hào chống kẻ thù chung là bọn thực dân xâm lược; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới, là chiến thắng của các dân tộc bị áp bức, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vĩ đại của nhân loại vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đánh giá về sự kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[1]. Đây là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nó “làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định bị thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”[2] và khẳng định rằng các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu có ý chí kiên cường, tinh thần tự lực tự cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết lại, đấu tranh vì độc lập, tự do, vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mình thì dân tộc ấy nhất định thắng lợi.
Yếu tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thùlà thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân với dân một ý chí, của lòng quả cảm kiên cường của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến không quản hy sinh, chiến đấu quên mình; là sự kế thừa phát triển nghệ thuật quân sự đánh giặc giữ nước của dân tộc và tài thao lược của Bộ Tham mưu chiến dịch; đó là thắng lợi của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của truyền thống đoàn kết, đấu tranh bất khuất của dân tộc, của tiềm năng trí tuệ, sức mạnh con người Việt Nam, của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; là thắng lợi của sự sáng tạo kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; thắng lợi của lương tri tiến bộ và lòng yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương. Trong tác phẩm “Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là sự đọ sức giữa hai quân đội; ở đây bọn thực dân xâm lược phải đánh nhau với cả một dân tộc; cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân Việt Nam đang đứng dạy chống lại chúng”[3].
Từ một góc nhìn khác, Đơ-rin Mít-đơn-tơn, ký giả người Mỹ đánh giá: “Đây là một trong 16 trận tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại thế kỷ XX, có tác dụng làm thay đổi chiều hướng lịch sử chiến tranh”[4]. Hai nhà sử học Pháp G.Bu-đa-ren và F.Ca-vi-ô-li cho rằng: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới”[5]. Còn Giuyn Roa, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ” khẳng định: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”[6]. Và ông viết tiếp: “Trong quân đội nhân dân…, mỗi đội dân công…, mỗi chiến sỹ đều ham được hy sinh. Lúc đầu, những cái đó làm ta mỉm cười, nhưng rồi mọi người phải kinh ngạc vì hiệu quả của lý tưởng vì Tổ quốc”[7].
Là người đứng ở phía bên kia của chiến tuyến, sau này khi nhìn nhận và đánh giá lại trận Điện Biên Phủ, Tướng Pháp Hăng-ri Na-va phải xót xa thừa nhận: “Về mặt chính trị…sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở trong tinh thần dân tộc và cả xã hội… Suốt bảy năm nay (1946-1953) đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất là Hồ Chí Minh và Tổng chỉ huy quân sự duy nhất là Võ Nguyên Giáp”[8]; “kẻ thù (quân và dân ta) rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách”[9]. Tướng Na-va còn phân tích khá kỹ: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một ủy ban trung ương mà người tổng chỉ huy đồng thời là bộ trưởng quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”[10]. Và ông thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân, mà nguyên nhân là do có sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của Chính phủ Pháp đương nhiệm và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương. Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại cho nhân dân ta, quân đội ta nhiều kinh nghiệm quý báu và nhiều bài học thành công lớn. Đó là bài học về giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong tìm tòi, xác định đường lối cách mạng, đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam; về phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân-nông dân-trí thức dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện dưới sự lãnh đạo của một Đảng; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm.
Đó còn là kinh nghiệm về tổ chức xây dựng, phát triển và sử dụng lực lượng, về nhận định tình hình, nắm thời cơ và tận dụng thời cơ để tiến công địch cả quân sự và chính trị; là nghệ thuật tiến hành công tác tư tưởng giữa hậu phương và tiền tuyến để phát huy cao độ ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; luôn tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, bám sát sự phát triển của thực tiễn; là sự tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy chiến dịch và là lòng quả cảm, khát khao độc lập tự do, sẵn sàng xả thân chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ đã bổ sung và làm phong phú kho tàng kinh nghiệm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài học kinh nghiệm đó được phát huy lên một tầm cao mới. Để rồi, từ Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, chúng ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn trên chiến trường miền Nam và làm nên chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không hạ bệ thần tượng pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ tháng Chạp năm 1972; thực hiện trọn vẹn lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh thế giới có những biến chuyển sâu sắc và chứa đựng nhiều yếu tố rất khó lường. Xu thế chung của toàn cầu là đối thoại và hợp tác, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ khủng bố, xung đột, mất ổn định; những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo đang diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp. Sự cạnh tranh về kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ... giữa các nước lớn đang tăng lên và ngày càng thêm gay gắt. Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ma túy, dịch bệnh, buôn lậu vũ khí..., đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức quốc tế phải phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nghèo ngày càng tăng.
Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, làm cho thế và lực của Việt Nam lớn mạnh không ngừng, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Việc mở rộng quan hệ hợp tác, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới, giữ vững môi trường hòa bình đã tạo thêm thuận lợi trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những mặt thuận lợi, đất nước ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn tiếp tục chống phá cách mạng nước ta với nhiều chiêu bài, thủ đoạn mới.
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung cần tiếp tục được nghiên cứu vận dụng vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần đó, chúng ta cần phải nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm; vận dụng sáng tạo phương thức động viên toàn dân, tổ chức toàn dân tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước; phát huy tinh thần cách mạng tiến công, luôn tạo thế và giành thế chủ động, kiên trì mục tiêu: dựa vào sức mình là chính, chủ động quyết định theo cách ta lựa chọn, phát huy ưu thế về sở trường, truyền thống, về yếu tố chính trị, tinh thần của quân và dân ta.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, sự lãnh đạo đó không những trước hết thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược tài tình mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên; chủ động, kiên quyết trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho đội ngũ đảng viên thật sự hết lòng vì nước, vì dân, tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong nhiệm vụ cách mạng mới, như đã từng tiên phong gương mẫu trong chiến đấu; mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tránh dân chủ hình thức, tạo nên sự nhất trí giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự gắn bó của người dân với chế độ xã hội, với lãnh đạo, như dân đã từng gắn bó với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Thực hiện dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương phép nước.
Củng cố và xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; luôn gắn lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn bám sát thực tiễn, phân tích phát hiện, nhận thức đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ giáo điều, dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ lỗi thời.
Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son lịch sử chói lọi. Những bài học quý giá của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn sống động, soi sáng các chặng đường cách mạng Việt Nam cổ vũ thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến quân vào mặt trận mới để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng một Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.1994, tr.261.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., tr.266.
[3] Võ Nguyên Giáp. Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Nxb ST, H.1959, tr 100-101.
[4] Trên tờ Thời báo New York ngày 7-5-1984.
[5] Trên tạp chí Le Nouvel Observateur ngày 8-4-1984.
[6] Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh. Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H.1984, tr.284.
[7] Giuyn Roa. Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt của người Pháp, Nxb TP HCM.1994, tr.146.
[8] Lê Kim. Tướng Hăng-ri Na-va với Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H.1994, tr.17.
[9] Lê Kim. Sđd., tr.20.
[10] Hăng-ri Na-va. Thời điểm của sự thật, Nxb Plông Pari, 1979, tr.285. 
(Nguyễn Năng Nam sưu tầm và giới thiệu)


2. Điện Biên Phủ qua sách, báo nước ngoài

TCCSĐT – Với tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn, hơn nửa thế kỷ qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh của nhiều nước trên thế giới, kể cả các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Đông Dương ở thời kỳ này. Cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhiều sách, báo được công bố có liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ.
TCCSĐT – Với tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn, hơn nửa thế kỷ qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh của nhiều nước trên thế giới, kể cả các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Đông Dương ở thời kỳ này. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhiều sách, báo được công bố có liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ.
Dưới đây, chúng tôi xin lược dẫn đánh giá của một số nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu quân sự, chính trị, nhà sử học, nhà báo… ở các nước, đặc biệt là sự đánh giá của một số sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp đã từng tham chiến trên chiến trường Đông Dương nói chung và mặt trận Điện Biên Phủ nói riêng.
Sự tính toán sai lầm, chủ quan, khinh thường đối phương của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ
Theo quan điểm của các nhà quân sự phương Tây, Quân đội nhân dân Việt Nam khó có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ. Một mặt, vì quân đội Việt Nam lúc đó không có các phương tiện tiến công tương ứng như máy bay, xe tăng, xe bọc thép và lực lượng phòng không đủ mạnh bảo vệ đội hình chiến dịch. Mặt khác, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong thời gian dài, trên một địa bàn rừng núi rất hiểm trở, xa hậu phương; việc đảm bảo vận tải, tiếp tế lương thực, vũ khí, trang bị rất khó khăn… Không ít sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp, Mỹ lúc đó đã thách thức rằng: “Điện Biên Phủ quả là một pháo đài “bất khả xâm phạm”… Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ xây dựng được một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ…”.
Dựa vào hệ thống công sự vững chắc trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh quân đội Pháp và Mỹ tỏ ra rất chủ quan, khinh thường đối phương. Họ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đ­ường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng; rằng, “Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển đ­ược 2 tấn rư­ỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Nh­ư vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng r­ưỡi đồng hồ?”.
Họ không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân và dân ta đã chuyên chở hàng nghìn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch; với cái cuốc, cái xẻng, quân ta đã tạo ra cả một hệ thống giao thông hào, địa đạo “khổng lồ” ngày càng bao vây, xiết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.
Việt Nam có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có Lãnh tụ vĩ đại lãnh đạo, có Tổng Chỉ huy tài giỏi
Trong cuốn sách “Thời điểm của sự thật”, tướng Na-va, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam, đã thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân, mà nguyên nhân là do có sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của Chính phủ Pháp đương nhiệm và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương. Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tướng Na-va nhận xét: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị – quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một uỷ ban trung ương mà người tổng chỉ huy đồng thời là bộ trưởng quốc phòng là một uỷ viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”(1). Trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, tướng Na-va còn thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó đã hoàn toàn không tham dự..”(2).
Nói về đường lối chính trị và nội bộ Chính phủ Pháp ở thời kỳ đó, Na-va phải cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi!, tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối… Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương (ông Dejsean là người thứ 6) và sáu tổng chỉ huy (tôi là người thứ 7). Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả…”(3). Na-va thừa nhận: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một quyền uy bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những nguồn tài nguyên bổ sung rất quan trọng…”(4).
Nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương những năm 1953-1954, Báo Rivaron, số ra ngày 8-7-1954, viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng… Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở” để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, “tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (nguỵ) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày”, tác giả Michael Maclear đã phân tích sâu sắc và thuyết phục, đưa ra bức tranh toàn cảnh khá chân thực, trong đó nêu ra một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, đó là Việt Nam có Tổng Chỉ huy rất tài giỏi. Michael Maclear viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Na-pô-lê-ông về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe… Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”. Điều đó cũng được tướng Na-va viết trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, thể hiện rõ sự khâm phục đối với “đối thủ đáng kính trọng”, “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh và một lãnh tụ quân sự duy nhất – Giáp…”(5).
Quân và dân cùng nêu cao ý chí quyết thắng
Ngay sau khi nhân dân Việt Nam giành toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, Báo Sao Đỏ của Liên Xô (trước đây) bình luận: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình”(6).
Ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân Việt Nam được tác giả Gi-uyn Roa viết trong cuốn sách“Trận Điện Biên Phủ”, xuất bản năm 1963 tại Pa-ri (Pháp); trong đó có đoạn: “Bất chấp hàng tấn bom đạn đã được ném xuống đường giao thông, con đường bảo đảm cho quân lính đối phương tiếp nhận được vũ khí, trang bị ấy không bao giờ bị cắt đứt. Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Na-va không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”(7).
Tác giả Đa-vít Hôn-béc-xtơn, trong cuốn sách Hồ (Nhà xuất bản Random Hause – New York, năm 1971) đã viết về cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó có đoạn: “Quân địch ở khắp nơi, ai cũng có thể là địch thủ. Mỗi cần vụ, mỗi người hầu trong nhà, mỗi thư ký là người Việt Nam đều có thể là tay chân Việt Minh cộng sản. Mỗi phụ nữ trong các làng đều có thể là một điệp viên báo cho Việt Minh biết một đội tuần tra Pháp đã đến chỗ nào, bao nhiêu lính, mang súng gì, nhưng không hề nói cho quân Pháp biết điều gì…”(8). Trong cuốn sách “Chiến tranh cách mạng của cộng sản”, tác giả Gioóc-giơ K.Te-ni-hen viết: “Các chiến thuật này được thực hiện một cách xuất sắc, thường xuyên bởi một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tuỵ và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài khó phân biệt được binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện mọi lý tưởng”(9).
Trong khi đó, “Tướng lĩnh Pháp sang chỉ huy Đông Dương có nghĩa là đến sống ở những biệt thự lộng lẫy, ô tô, gái đẹp, hưởng thụ, và xoay sở. Chiến tranh phải kèm theo những bàn giấy, những máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, những Bộ tham mưu và những phương tiện mà nhờ đó Bộ tham mưu mới có thể di chuyển, mới có thể ngồi, ăn và ngủ thoải mái. Liệu có bao nhiêu cấp sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn của Pháp dám sống kham khổ với quân lính của mình, sống một cuộc sống như kẻ thù đang bao quanh họ, đi bộ trong các cuộc hành quân, vô hình, lặng lẽ và đáng sợ”(10).
Những nhận xét trên của các tác giả phương Tây chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ là do quân và dân Việt Nam có “sự thông minh và ý chí quyết thắng”. Sức mạnh chính trị – tinh thần, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” biểu hiện trong quyết tâm và hành động anh hùng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu ở “lò lửa Điện Biên Phủ”; biểu hiện ở hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong vượt qua núi cao, rừng rậm, vượt qua bom đạn kẻ thù để vận chuyển, tiếp tế cho bộ đội tham gia chiến dịch; biểu hiện ở đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng…”.
Một quân đội có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, có tấm lòng nhân văn cao cả
Tác giả Đa-vít Hôn-béc-xtơn viết: “Nhưng sau tiếng súng cuối cùng một chốc, tôi thấy một sự chu đáo kỳ lạ – lập lại trật tự hoàn toàn. Các sĩ quan của họ lượn khắp trận địa, không hề tự phụ là những người chiến thắng mà chỉ như thể là một cuộc hành quân vừa mới kết thúc và một cuộc hành quân khác đang bắt đầu. Không thể nhận ra, một nét khoe khoang nào ở họ – không có lễ chiến thắng. Họ để mắt tới mọi thứ, họ ghi chép, ra lệnh cho binh lính của họ. Ở chỗ kia binh lính mang tiểu liên dồn tù binh lại, tập hợp họ thành hàng ngũ và dẫn họ đi. Mọi việc được tiến hành không có một hành động dã man nào và cũng không có sự thương hại. Như vậy, mọi sự phải làm với lòng nhân đạo”(11). Trực tiếp mục sở thị những hình ảnh chiến trường Điện Biên Phủ và thấy được việc chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh của người chiến thắng, Đavít Hôn-béc xtơn đã viết với sự khâm phục: “Thế là họ đang ở trong một thế giới với những giá trị mới. Tôi đang đối diện với những người địa phương thuộc trật tự của cộng sản. Đây là một cái gì có bản chất tuyệt đối một nghìn lần hơn bất cứ cái gì mà chúng tôi gọi là kỷ luật. Đáng lẽ họ đánh vào đầu mọi người, Việt Minh lại săn sóc những người bị thương khi tiếp nhận tù binh”(12). Tác giả nêu ra nhận xét: “Đó là một chính sách không thể thất bại được, không thể chống lại được, mà kết quả lại càng tốt hơn khi áp dụng vào những kẻ địch xấu nhất, ác độc nhất, kể cả thực dân. Đó là việc giáo huấn để cải tạo những tâm hồn xấu xa…”(13).
Cảm phục về một quân đội anh hùng
Trong cuốn sách “Đông Dương đỏ”, xuất bản tại Pa-ri, năm 1975, tướng Xa-lăng của Pháp phải thừa nhận: Quân đội nhân dân Việt Nam đã “trở thành bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”(14). Sức mạnh cơ bản của “bộ máy chiến tranh” đó không phải là sức mạnh của đội quân nhà nghề, không phải nằm ở vũ khí, trang bị, mà là ở chính trị – tinh thần, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc trước thế lực ngoại xâm.
Một ký giả phương Tây đã phải thừa nhận, đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam không dừng ở mức đánh vận động mà “… đã nổi bật lên trong hình thái chiến tranh trận địa: họ đã sử dụng cả vũ khí tối tân lẫn cổ điển, kể cả pháo binh, họ đã biết kết hợp tài tình những phương thức tác chiến độc đáo khiến cho tổn thất của họ thấp hơn nhiều so với đối phương. Hơn 200km đường hào được đào và lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hiện đại, những con đường hào đã được sử dụng như một thứ vũ khí tiến công chủ yếu”(15).
Nhà báo U.Bớc-sét, trong cuốn “Bắc vĩ tuyến 17”, đã nhận xét: “Mức độ chính xác và uy lực tác xạ của pháo binh và súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến cho những quân nhân nhà nghề của Pháp phải kinh ngạc… Tuy nhiên, lại chẳng phải là pháo binh và những khẩu đội phòng không đã quyết định thắng lợi. Chính là ở cái dũng khí tuyệt vời của một đội quân chiến đấu cho chính nghĩa, cho khát vọng thiêng liêng: độc lập dân tộc và giải phóng khỏi ách áp bức nô lệ của nước ngoài”(16).
Giáo sư sử học Wiljried Lulei (Cộng hòa dân chủ Đức), khẳng định: “Quá trình của chiến dịch đã thể hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam”(17). Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của quân đội Việt Nam, nhà văn Jules Rot viết: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xoá sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự do”. Tướng Xa-lăng cũng thừa nhận: “một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội … rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ…, là “đối thủ đáng kính trọng”…, là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”(18).
Nhận xét về mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ trong quân đội Việt Nam, dưới đầu đề “Tại sao người ta chiến thắng, lỗi tại ai?”, tác giả Jules Roy (Pháp) đã viết trong cuốn sách “Labataille de Dien Bien Phu”, xuất bản năm 1964, như sau: “Tướng lĩnh quân đội, họ không hề có sự phân biệt với người lính, trừ tuổi tác… Quần áo cùng một thứ vải thô, giầy dép giống nhau, đại tá cũng đi bộ như binh lính. Họ cùng sống bằng gạo trồng trên ruộng, bằng củ trồng ở trên rừng, bằng cá đánh ở sông suối…”.
Như vậy, sự nhìn nhận, đánh giá của người nước ngoài về quân đội và nhân dân ta càng làm sáng tỏ và tôn lên ý nghĩa to lớn, giá trị trường tồn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày nay, cụm từ “Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh” được coi như một biểu tượng của sự khát vọng độc lập, tự do của nhân loại trong đấu tranh để xóa bỏ mọi sự xâm lược, nô dịch, áp bức, bất công./.



(1) Hăng-ri Na-va: Thời điểm của sự thật, Nxb Pờ-lông, Pa-ri,1979, tr 225
(2) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 108
(3) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 113
(4) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 112
(5) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 113
(6) Điện Biên Phủ mốc vàng lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 133-134
(7) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 173
(8) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 171
(9) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 174
(10) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 172-173
(11) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 171-172
(12) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđdtr 172
(13) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđdtr 172
(14) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđdtr 176
(15) Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr 108
(16) Tiếng sấm Điện Biên Phủ,sđd, tr 387-388
(17) Wiljried Lulei: Điện Biên Phủ 1954, thất bại có tính chất quyết định của Pháp ở Đông Dương, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 41, 5-1989, tr 6
(18) Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, sđd, tr 175-176
Đức Thắng sưu tầm và giới thiệu
3. Điện Biên Phủ: Nhớ lại để suy ngẫm

Đích thân đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312 gọi điện báo cáo trực tiếp với Đại tướng Tổng tư lệnh ở sở chỉ huy Mường Phăng:
Báo cáo Anh, Đờ Cát cùng với cả Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả chiếc gậy “can” và mũ chào mào đỏ. Đờ Cát vẫn còn cấp hiệu trên vai, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của hắn.
Viên tướng Pháp chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm đã chịu đầu hàng ta, bấy giờ hơi cúi đầu nhìn xuống, một tay buông thõng, một tay chống lên chiếc gậy gỗ, tự để cho mình bị bắt cùng với toàn bộ bộ tham mưu, không ai cầm súng nữa.
Thất bại của chủ nghĩa thực dân, thắng lợi của hòa bình, tự do
Trong ánh chiều vàng rực, theo sự điều động của cán bộ, chiến sĩ ta, đoàn tù binh lố nhố bước ra từ các hầm hào, được các chiến sĩ ta dẫn giải đi, thành từng hàng dài 2,3 km. Trong đám tù binh ấy, có nhiều tên dần dần hết sợ, lại động viên nhau: “Đi cố lên, về đến trại là yên chí!”.
Viên đại úy tù binh Capeyron nói với cán bộ ta: “Mấy tháng nay, ở giữa một cánh đồng bát ngát mà bây giờ mới được ra thở không khí trong lành, nhìn một khoảng trời rộng rãi. Ở giữa một rừng cây mà hôm nay mới được trông thấy màu lá xanh. Ở bên một dòng sông rộng mà bây giờ mới nhìn thấy nước”.
Tất cả đều thấy mình đã được thoát khỏi cái địa ngục đầy bùn và máu lửa. Niềm vui vì vừa mới được thoát chết sáng lên trên gương mặt của những chiến binh thất trận.
Có đứng giữa cánh đồng Mường Thanh buổi chiều năm ấy, mới thấy hết được cái ý nghĩa của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại của chủ nghĩa thực dân, còn thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi của hòa bình, tự do.
Nó chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” mà những người Pháp - nam và nữ như Henri Martin, Raymonde Dien từng đã lên án và đấu tranh đòi chính phủ Pháp phải đơn phương chấm dứt từ mấy năm trước, để nước Pháp khỏi hao người tốn của, để xương máu của thanh niên Pháp khỏi bị hy sinh vô ích.
Không thể đánh bại một dân tộc
Tướng Pháp Marcel Bigeard, nguyên là trung tá chỉ huy một tiểu đoàn dù, người đã quyết liệt chống trả cho đến tận ngày cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sang thăm Việt Nam năm 1993, nhìn lại chiến trường cũ, đã có một câu nói đầy ý nghĩa với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”
Chính tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Jules Roy khi viết “Khúc tưởng niệm cho cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ” đã nêu câu hỏi: “Lỗi tại ai?”. Và đã tự trả lời: “Trước hết là bởi tại phẩm chất của những con người mà ta phải đối mặt. Các tướng tá trong quân đội của họ không có ai khác những người bình thường, ngoại trừ tuổi tác và số sao gắn trên ve áo. Áo họ cùng một thứ vải may xoàng xĩnh, chân đi cùng một thứ dép cao su, mũ nan đội trên đầu không ai khác ai, và các đại tá cũng cuốc bộ đường trường như lính. Không có những cô thư ký xinh đẹp, những suất ăn đặc biệt dành riêng, những xe ô tô con cắm cờ hiệu nhặng xị, họ là những người chiến thắng!”,
Roy đã đánh giá đúng bản chất khác nhau của người cầm súng ở hai phía. Và thấy đó là nguyên nhân thất bại cho người Pháp.
Ông cũng đã thẳng thắn nhìn vào cái nhân tố thứ hai là trí tuệ chiến lược của người chỉ huy tối cao. Ai đã làm tiêu tan cái mộng của Navarre thành lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dụ Việt Minh đưa “biển người” vào lòng chảo, để phi cơ và pháo binh Pháp nghiền nát như bằng “những chiếc cối xay thịt”?. Ai đã không mắc mưu đánh nhanh, thắng nhanh mà đổi sang cách “đánh chắc, tiến chắc”, dùng lối đánh lấn qua các hầm hào, để rồi như từ dưới lòng đất chui lên xộc thẳng vào bắt sống tướng giặc?
Là người từng tham gia cuộc chiến, Roy còn nói rất đúng rằng: “ Đánh bại tướng Navarrre chính là những chiếc xe đạp thồ được đến 200-300 kg được đẩy đi bằng những con người đói cũng không ăn vào số gạo đưa đi tiếp tế cho quân đội và ngủ nghỉ trên những mảnh nhựa trải dưới đất trên đường đi dài đến hàng mấy trăm cây số”. Đấy là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân được phát động một cách tuyệt vời và khéo léo.
Chính chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là đại tá Pierre Langlais cũng xác nhận trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ của ông, rằng: “Ở Điện Biên Phủ, nếu người ta muốn nhìn thẳng vào sự thật, thì ắt phải thấy rằng viện trợ cho Việt Minh chỉ là một giọt nước đặt bên cạnh dòng thác vật tư của Mỹ đổ vào cho người Pháp chúng ta”.
Tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới
Trong số hơn chục nghìn tù binh ở Điện Biên Phủ, có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Xuất phát từ những hoàn cảnh không giống nhau, họ đã có mặt trong các đơn vị được gọi là đơn vị lính lê dương người nước ngoài (légion Etrangère), trong đó có người là dân các nước Bắc Phi, Trung Phi, Trung Âu (Đức, Áo…) là binh sĩ, sĩ quan hoặc hạ sĩ quan.
Về trại dành cho tù binh, tất cả đều không bị đánh đập hay ngược đãi tàn bạo như đã sợ, mà chỉ tai nghe, mắt thấy những điều mới, làm thay đổi cả tâm hồn và nhận thức.
Trong những cuộc nói chuyện, trao đổi ý kiến tự do ở những giờ gọi là “lớp học”, họ được phát biểu, trả lời những câu hỏi đại loại như “Các anh là những chiến binh giỏi, mà sao các anh lại đi đánh cho bọn thực dân, đi đốt phá làng mạc, giết chóc đàn bà trẻ con, những người chưa hề bao giờ sang quấy phá đất nước, làng mạc các anh?”. “Tình cảnh gia đình các anh như thế nào mà các anh lại sang đây làm chiến tranh? Cuộc chiến mà các anh tham gia ở đây là cuộc chiến tranh gì vậy?”.
Có một viên trung úy người Algeria đã phát biểu: “Một cuộc chiến tranh thuộc địa, mình đã nếm đủ. Những mối dây ràng buộc cường quốc thực dân với những dân tộc bị trị đã đứt tung vĩnh viễn rồi!”. Viên sĩ quan ấy đã xin ở lại, vào hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được thân ái khuyên: “Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đất nước chúng tôi. Các bạn cũng có Tổ quốc, hãy làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn !”.
Và người Algeria ấy, khi được trả tự do, đã trở về Tổ quốc. Anh là Slimane Hoffman. Mấy năm sau, anh tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria, đã chiến đấu và trả thành một đại tá cục trưởng. Anh đã thực hiện một Điện Biên Phủ ở Tổ quốc mình.
Đó là ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Nó như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Người ta không lấy làm lạ khi thấy bao người ở các châu lục xa xôi cùng cất lên những tiếng hô vang đầy sức mạnh: “Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ!”.
Và cuốn Từ điển Larousse của Pháp có thêm một mục từ tiếng Pháp mới “Dienbienfuer”, được giải thích là “đánh một đòn quyết định”.
Trần Thái Bình
(Nhà nghiên cứu sử học,
cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ)


4. Điện Biên Phủ 1954 - sức mạnh và trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

 Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại ở thế kỷ XX – “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với chiến thắng này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lâu dài, gian khổ và vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn.    


Nhìn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, thế hệ hôm nay càng cảm phục trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Trí tuệ và bản lĩnh đó được kết tinh qua sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chủ tịch và người trực tiếp cầm quân là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp về vật chất và tinh thần của cả dân tộc, chuyển yếu thành mạnh, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. 

Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chỉ ra rằng, một dân tộc nhỏ có chính nghĩa vẫn có thể đánh bại những lực lượng xâm lăng hùng hậu bằng nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, từng bước tạo, nắm và chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đã tiếp tục và phát huy truyền thống đó. 
Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) Bác viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…”(1). Đồng thời, Đảng ta cũng khẳng định: “Việc giải phóng dân tộc luôn là việc của bản thân ta”. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3-1951, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kỳ, gian khổ và tự lực cánh sinh là chính. Ngày 2-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kêu gọi “nhân dân, bộ đội và cán bộ thấm nhuần tư tưởng: Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh”(2). Thấm nhuần đường lối kháng chiến của Đảng, nhân dân ta “đồng cam cộng khổ”, vừa đánh, vừa giam chân địch trong lòng thành phố, vừa kéo Pháp lên vùng rừng núi hiểm trở, giáng cho chúng những đòn chí tử trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947; Biên Giới thu đông 1950, Đường số 18, Hòa Bình, Tây Bắc, mặt trận Bình-Trị-Thiên, Thượng Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia… 
Liên tiếp thất bại trên chiến trường, Pháp cử tướng Hen-ry Na-va - Tham mưu trưởng các lực lượng khối Bắc Đại Tây Dương, người đã từng chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từng tham gia bình định Xy-ri, Ma-rốc đến Đông Dương... Pháp coi Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam - Thượng Lào - miền Nam Trung Quốc. Thực dân Pháp hy vọng, với tài chỉ huy của tướng Na-va, với số lượng quân đông nhất từ trước tới lúc ấy (267 tiểu đoàn) cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và sự chi viện ngày càng lớn của Mỹ, sẽ tìm một “lối thoát danh dự” trong cuộc chiến tranh hao người tốn của mà nhân dân Pháp, nhân dân tiến bộ trên thế giới kịch liệt phản đối. 

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông xuân 1953-1954. Bộ Chính trị quyết định: Sử dụng mọi biện pháp để giữ vững và phát triển quyền chủ động tiến công chiến lược, điều những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm vào những nơi tương đối yếu của chúng, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, trên chiến trường ta đã chuẩn bị, từ đó mà đập tan âm mưu của địch, giành lại quyền chủ động trên các chiến trường. 

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thông minh, tài tình của Đảng, quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân, chúng ta đã chia nhỏ lực lượng địch rải ra khắp chiến trường mà tiêu diệt, hạn chế sự chi viện của chúng cho chiến trường Điện Biên Phủ, giải phóng vùng đất đai rộng lớn, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Thắng lợi quân sự trong kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 đã tạo tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng ta đưa ra đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng với Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. 
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngày 22-12-1953, Hồ Chủ tịch trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và gửi thư cho đồng bào, chiến sĩ cả nước. Người căn dặn: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà với cả quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(3).

Trước vận mệnh của dân tộc, nhiệm vụ tối cao được Đảng và Bác Hồ trao cho người cầm quân: Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh. Na-va quyết tâm tăng cường xây dựng công sự, sân bay, bổ sung lực lượng cho Điện Biên Phủ lên tới 12 tiểu đoàn, nhằm biến nơi đây thành “cối xay thịt”, nghiền nát chủ lực của ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhận định sáng suốt: Tình hình địch còn thay đổi nên chủ trương cũng có thể thay đổi và quyết định hoãn kế hoạch theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chuẩn bị theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này được xem là một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của vị Tổng tư lệnh mới tròn 34 tuổi. 

Như vậy, thay đổi phương châm tác chiến trong trận quyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén và tài năng của một Vị Tổng tư lệnh quân đội. Cả nước ra quân chuẩn bị chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ theo phương châm mới “đánh chắc tiến chắc”. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên toàn mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”(4).

Trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13-3 đến ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Đờ-cát-tơ-ri, bộ tham mưu và sỹ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. 

Tìm hiểu thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, nhà báo Pháp, J. Roa (Jules Roy) nhận xét: Cái đã đánh bại tướng Na-va không phải là phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương. Từ cách nhìn khách quan của những học giả, nhà báo nước ngoài, thế hệ hôm nay càng hiểu rõ hơn, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng, của Bác, tài năng quân sự tiếp chỉ huy chến dịch Đện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những con người bằng da, bằng thịt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hoà bình, thấm nhuần chân lý sáng ngời “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã kiên cường bất khuất “nếm mật nằm gai”, viết nên trang sử chói lọi: 9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… của thế kỷ XX. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng hoà bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội. 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã sang trang, nhưng bài học và ý nghĩa lớn lao của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, chúng ta luôn nhận thấy “tư tưởng cốt lõi nhất” của tinh thần Điện Biên Phủ là ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc ta, trường tồn cùng với đất nước, con người Việt Nam.
Theo Phạm Nhung/XDĐ (theo tạp chí Ban tuyên giáo)

____________
(1). Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 4, tr.480.
(2). Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh. Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H.1984, tr.61.
(3). Hồ Chí Minh, Thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tài liệu lưu trữ tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, 12-1953.
(4). Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, tập 7, tr.226.


Ths Dương Quỳnh Lưu, Khoa SP Xã hội – Nhân văn Đại học Hà Tĩnh
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.Trong đó, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao thành công của tư tưởng quân sự của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ

1. Tư tưởng quyết chiến quyết thắng là tư tưởng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Với kế hoạch biến Điện Biên Phủ thành điểm quyết chiến chiến lược nhằm mục đích tạo một trận thắng lớn hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng, thực dân Pháp đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, “một con nhím khổng lồ”, “một máy nghiền sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của ta”.
Chấp nhận thách thức của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết tâm mở chiến dịch lớn lên Tây Bắc, nhằm vào chỗ địch mạnh nhất là Điện Biên Phủ để đánh một trận lớn cuối cùng, quyết tâm tập trung mọi nguồn lực giành thắng lợi.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Hồ từng có câu nói bất hủ: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập dân tộc”, thì nay, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tư tưởng đó lại một lần nữa được thổi bùng lên với quyết tâm sắt đá là phải thắng cho kì được: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại vì bại là hết vốn”.
Ngày 6/12/1953, trong cuộc họp của Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến, Người đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế, vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kì được”. Tháng 1/1954, trước khi chia tay Đại tướng, Bác lại một lần nữa căn dặn: “Trận này rất quan trọng các chú phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”.
Bác trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam lá cờ “ Thi đua Quyết chiến quyết thắng” với niềm tin và ý chí quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ - trận đọ sức có tính chất quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp.
Ngày 13/3/1954, trước ngày ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên, trong thư có đoạn viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to
.”
2. Tư tưởng Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.
Dù chiến tranh trên phương diện nào Hồ Chí Minh cũng quán triệt tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc, đánh giặc bằng sức mạnh tổng hợp (chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… ). Tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta hình thành và phát triển dần trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống quân sự “Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tư tưởng đó phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Tư tưởng chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Với chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân Bộ đội chủ lực - Bộ đội địa phương – Dân quân du kích; chiến trường Bắc – Nam - chiến trường trên hai nước bạn Lào – Cămpuchia; ta không những tăng cường sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực trên các chiến trường chính mà còn đẩy mạnh chiến tranh du kích ở những vùng tạm bị chiếm, những vùng sau lưng địch; phối hợp chiến đấu cả mặt trận quân sự và mặt trận chính trị làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
3. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi của phương châm chiến đấu tích cực, chủ động, sáng tạo và linh hoạt. Bác nói “Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa, tùy tình hình cụ thể mà có xử trí đúng đắn”. “Đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế”. “Nhỏ đánh lớn phải “di nhu xử cương”. “Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái trứng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau một cái mới còn”. Tạo lực, tạo thế, tranh thời, dụng mưu, luôn luôn đánh địch trên thế mạnh là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, nên khi phát hiện địch tăng cường lực lượng, củng cố phòng ngự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định hết sức táo bạo, đúng đắn nhưng cũng vô cùng khó khăn - “khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi” , (Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận tại Hội nghị Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 16/5/1954): Quyết định đổi phương châm chiến dịch từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” đúng như lời Bác đã nói “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kì thắng, không chắc thì kiên quyết không đánh”.
Theo quyết định này, mấy vạn quân chủ lực của ta trong tư thế sẵn sàng nổ súng được lệnh điều động rút ra khỏi trận địa, pháo được lệnh kéo ra, đào công sự cho bộ binh, xây dựng trận địa cho pháo binh … đảm bảo những điều kiện chắc thắng thì mới đánh, bởi vậy sau 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi.
4. Bác chủ trương thực hiện tư tưởng dân chủ, dân chủ không những đối với nhân dân mà ngay cả trong quân đội.
Bản thân Bác là một tấm gương lớn về thực hiện dân chủ. Gần gũi, yêu thương, cảm thông, kính trọng đồng bào, chiến sĩ. Chính tư tưởng dân chủ đó của Người đã góp phần xây dựng nên một quân đội mà trong đó “Người chỉ huy và chiến sĩ như cha với con, như anh với em , một cuộc sống mà những con người không hề quen biết nhau đối xử với nhau như ruột thịt.”
Trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu, từ việc lớn đến việc nhỏ Bác luôn luôn thể hiện sự quan tâm, động viên, dạy bảo ân cần. Bác luôn viết thư động viên thăm hỏi, khích lệ đồng bào chiến sĩ. Trong thư gửi quân và dân Tây Bắc, Bác dặn “Đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, tăng gia sản xuất để mọi người được no cơm ấm áo và phải ra sức tham gia kháng chiến.
“Bộ đội phải thi đua học tập, giúp đỡ đồng bào, liên hệ chặt chẽ với nhân dân”
“Cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, làm đúng chính sách của Chính phủ và phải thực hiện cần kiệm liêm chính”
Bác không quên gửi lời hỏi thăm đến các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng:
“Tôi riêng gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng”
Thậm chí, Người còn gửi thư kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về với nhân dân, với Tổ quốc, Người cũng gửi cả thư cho binh lính Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta.
Bác viết thư gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng “Tôi được biết rằng con trai Bác sĩ đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Bác sĩ biết đấy, tôi không có gia đình và không có con, nhưng gia đình của tôi là Việt Nam, con cái tôi là các thanh niên Việt Nam, mỗi khi một thanh niên hi sinh thì tôi thấy như mình mất đi một phần cơ thể”
Tuy nhiên, Bác nhấn mạnh dân chủ phải đi đôi với kỉ luật, kỉ luật tự giác nhưng nghiêm minh, có thế mới đi đến thắng lợi.
Một ngày sau Chiến thắng, Bác viết thư nhiệt liệt khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, cuối bức thư có đoạn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu”. Trong cuốn hồi ức “Điện Biên Phủ - chiến dịch lịch sử” của Đại tướng Hoàng Văn Thái nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam có ghi lời Bác dặn: “Đừng vì thắng lợi to lớn mà chủ quan tự mãn dừng lại. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ còn lâu dài, gian khổ”. Đúng như dự đoán của Người, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta thắng lợi, nhưng sự nghiệp đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc của nhân dân ta vẫn còn tiếp diễn vì âm mưu thâm độc của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai. “Đừng vì thắng lợi trước mắt mà tự kiêu, chủ quan khinh địch” là tư tưởng, là bài học lớn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Người, để hơn 20 năm sau, nhân dân ta lại một lần nữa lập nên kì tích thắng Mĩ giữ vững độc lập tự do cho đất nước đến ngày hôm nay.

6. 
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ



I. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mốc vàng trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc thời đại to lớn.

1. Bối cảnh lịch sử


Thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946 với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Quân ta càng đánh, càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta. 

Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Nava là kế hoạch chung, là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954 quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn làm nắm đấm thép.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. 

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hệ thống hoả lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava. 

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp. Nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng; khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương; cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. 

2. Diễn biến của chiến dịch

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa đã khó khăn, nay thay đổi phương châm tác chiến lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt.

Đợt 1:
 Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát. 

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. 

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, là trận đầu đánh thắng Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

II. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

1. Nguyên nhân thắng lợi


- Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới. Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lòng yêu nước và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

- Nhân dân ta rất anh hùng, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận.

- Các lực lượng vũ trang nhân dân ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ.

- Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn có sự chi viện, cổ vũ và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp, đặc biệt là của các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

2. Ý nghĩa lịch sử

2.1- Đối với nhân dân ta

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám; một nửa nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

2.1 - Đối với thế giới

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi; đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. 



7. Cuộc đối đầu Điện Biên Phủ, sai lầm lớn nhất của Pháp 
Laura Lam
(Việt Hà dịch)



Phần 1: Châu chấu đá voi


57 năm trước vào một buổi chiều hè năm 1954, một trận đánh kéo dài 57 ngày đã kết thúc đúng vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954, đánh dấu một sự kiện chưa từng có trong lịch sử, lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa đánh thắng quân đội một cường quốc châu Âu đó chính là chiến dịch Điên Biên Phủ. Xin giới thiệu với các bạn loạt bài về chiến dịch này của tác giả Laura Lam đăng trên báo điện tử Dân trí.
Khi cụ Hồ biết tin Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, cụ lột ngay chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa - ví như một thung lũng sâu và rộng, cụ nói: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở đây”.
Đó là năm 1999. Tôi đang ngồi ở vườn hoa trước ngôi nhà ở quê cùng với Đại tá Phan Duong và vài người bạn đang có kỳ nghỉ Hè ở Pháp. Điều trớ trêu là khu ngoại ô thành phố Fontainebleau này là nơi Tướng Henri Navarre, Tư lệnh Lực lượng Pháp ở Đông Dương, đã từng sống nhiều năm tuổi thơ. Duong nói về chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Mỗi lần kể đến một đoạn cao trào, Duong lại cất giọng hát một bài mà anh đã hát cùng những chiến sĩ Việt Minh trong trận đánh này. Hồi đó, Duong là một sĩ quan quân đội cấp thấp, xung phong tham gia trực tiếp chiến đấu.
http://lichsu.vn
Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (thứ nhất, từ trái),
Christian de Castries (không đội mũ), Henri Navarre (giữa)
Trong cuộc chiến 7 năm với quân đội Việt Minh (bắt đầu năm 1946), quân đội Pháp đã để mất danh tiếng cũ khi chuốc lấy con số thương vong khổng lồ trên chiến trường. Năm 1952, đã có 90.000 lính Pháp chết, bị thương hoặc mất tích. Một sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ là John Ohley, người theo dõi sát sao tình hình cuộc chiến, nhận xét: “Pháp đã mất số sĩ quan nhiều hơn cả số tốt nghiệp các trường sĩ quan của nước này”.
Bị đẩy lùi về thế phòng thủ, Pháp lo nhất là làm thế nào để giành ưu thế trước những lính du kích. Rõ ràng là Pháp đang rất cần một giải pháp quyết định. Vào thời điểm đó, quan điểm quốc tế nghiêng về dạng giải pháp đã được thương lượng, nhưng Pháp không muốn. Điều này càng tăng thêm tính cấp bách cho chương trình nghị sự của quân đội Pháp.
http://lichsu.vn
Đại tá Christian de Castries tại Điện Biên Phủ (được thăng tướng trong trận này)
Để chứng tỏ ưu thế của nước mình, tai hại thay, Pháp đã chọn một cuộc đối đầu tại Điện Biên Phủ - vốn lâu nay đã là một trong những căn cứ của Pháp, vì Pháp kiểm soát con đường vào Lào. Nằm ở khu vực hẻo lánh, cách bờ biển 450km và cách Hà Nội hơn 400km, trên thực tế, chỉ có thể dễ tiếp cận Điện Biên Phủ bằng đường không. Đây là một thung lũng thanh bình, dài 20km và rộng 5km, bao quanh là một chuỗi các ngọn núi. Dân số chỉ hơn 10.000 người, sống rải rác trong những ngôi làng nhỏ ở vùng đất trồng trọt bằng phẳng. Khu vực này có lượng mưa lớn nhất Vùng Cao và giữa những quả đồi vây xung quanh ngập tràn màu xanh ngút mắt.
Trong gần 1 thế kỷ, chế độ thực dân đã tận dụng thung lũng Điện Biên Phủ để làm trung tâm cung cấp chính cho các hoạt động phân phối độc quyền thuốc phiện của chúng ở Đông Dương. Luôn có một sĩ quan Pháp cùng đồn trú ở đây. Ngôi nhà gỗ một tầng của viên sĩ quan này và những căn nhà bằng gạch bao quanh chẳng bao lâu sau đã được lịch sử ghi vào là cụm cứ điểm Eliane (đồi A1. Để đấu với Việt Minh, quân đội Pháp rõ ràng có ý định về một trận đánh dàn quân trên một khu đất phẳng, cùng với những chiếc xe tăng có hỏa lực mạnh nhất.
http://lichsu.vn
Nhóm chiến lược của Việt Nam: Ông Phạm Văn Đồng ( từ trái),
 cụ Hồ Chí Minh (giữa), ông Trường Chinh (áo trắng) và ông Võ Nguyên Giáp
Phía Việt Nam sẽ phải đưa quân đội và quân nhu vào Điện Biên Phủ với cùng khoảng cách, nhưng bằng đường bộ. Tướng Võ Nguyên Giáp có kế hoạch triển khai 50.000 nam và nữ quân nhân tham gia chiến đấu và 20.000 dân công hỏa tuyến ở mọi lứa tuổi tham gia tiếp tế. Để đến được Điện Biên Phủ, Việt Minh sẽ phải xây dựng những con đường mới và cầu phao, và chuyến hành quân đặc biệt này sẽ phải mất ít nhất 2 tuần bằng cả đi bộ, đi xe đạp hoặc bằng thuyền nhỏ. Tướng Giáp sẽ đi bằng ngựa, nhưng quân của ông có thể đã thu được một chiếc xe jeep chiến lợi phẩm của quân địch trên đường đi, giúp ông giảm thời gian đi lại.
http://lichsu.vn
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Tháng 11/1953, với sức mạnh không quân, Pháp đã tiến hành “Chiến dịch Hải Ly”, thả 9.000 quân xuống khu vực này chỉ trong 3 ngày. Pháp bắt đầu lập các cứ điểm giống các pháo đài, và cả những căn cứ. Pháp có kế hoạch triển khai 10.000 lính, nhưng với những động thái tăng quân sau đó, con số này đã lên đến 16.000. Lính Pháp bao gồm các trung đoàn không vận, đội lính lê dương, đội xạ thủ châu Phi, binh đoàn thuộc địa người Việt, và số lính đánh thuê người Thái, Lào, và Mường.
Tướng Henri Navarre đã quyết định ăn mừng ngày Giáng sinh với các binh lính của ông ta ở Điện Biên Phủ để tăng nhuệ khí. Đại tá Christian de Castries được chỉ thị tổ chức bữa tiệc trong một căn lều lớn dựng bên ngoài trụ sở đầu não, với sự hỗ trợ của nữ thư ký riêng Paule Bourgeade. Lớn tiếng trước các binh lính trong những bộ quân phục rằn ri, Navarre đảm bảo với họ về chiến thắng. Navarre có nói về Võ Nguyên Giáp. Ông ta không tin vào khả năng lãnh đạo quân đội của Tướng Giáp, nói rằng ông Giáp thực ra là một thày giáo dạy sử, có bằng luật và chưa bao giờ kinh qua một trường đào tạo quân sự nào.
Chính cụ Hồ Chí Minh là người đã tiến cử ông Giáp tham gia huấn luyện quân đội trong rừng năm 1940, sau khi diễn ra cuộc nổi dậy Nam Kỳ Khởi Nghĩa do bà Nguyễn Thị Bảy (Pháp gọi là “nữ hoàng Đỏ”) đứng đầu. Ở thời điểm đó, cả hai đang ẩn náu gần khu vực biên giới Việt-Trung. Ông Giáp sau đó đã nói với cụ Hồ Chí Minh rằng bàn tay ông là để cầm bút chứ không phải cầm gươm. Hai người đã sẻ chia những kinh nghiệm trong một thập kỷ nữa ở rừng. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, cụ Hồ đã chọn ông Giáp làm tư lệnh lực lượng Việt Minh.
Mùa Đông năm 1953, Richard Nixon, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã bí mật thăm Hà Nội. Ông ta có đến sông Hồng, quan sát một trận đánh ở Ninh Binh và lắng nghe kế hoạch chi tiết do Navarre trình bày. Kế hoạch này đã được “thiết kế” cẩn thận với sự tham vấn của Thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Kế hoạch này cũng đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của gần 20 sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ và Pháp. Đại tá Christian de Castries, một sĩ quan kỵ binh bảnh bao với lý lịch tham chiến ấn tượng trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, được chỉ định là Tư lệnh tại Điện Biên Phủ.
Khi cụ Hồ Chí Minh biết tin về quyết định của Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, ông lột ngay chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa – ví như một thung lũng sâu và rộng, cụ nói với ông Giáp: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở đây”.
  

 Phần 2: Những đường hầm và giao thông hào


 Khi Pháp bắt đầu đổ quân xuống Điện Biên Phủ, Tướng Võ Nguyên Giáp biết rằng chỉ cần ông cung cấp đủ pháo cho quân mình, lính Pháp có thể bị kết liễu ở đây. Xin giới thiệu tiếp phần 2 bài viết với đề tựa “Những đường hầm và giao thông hào”
http://lichsu.vn
Các cụm cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ
Ngược lại với một thung lũng không gì che chắn, nơi mà Pháp hy vọng thực hiện một cuộc chiến thông thường, những vùng núi và rừng xung quanh rất lý tưởng cho Việt Minh che giấu vũ khí. Thách thức lớn nhất với Việt Minh là làm thế nào để tay không chuyển những khẩu pháo nặng lên đỉnh đồi, qua những vạt rừng mênh mông, qua những dãy núi và đến được những địa điểm đã được ngụy trang trên những quả đồi bao vây quanh quân Pháp. Quân Việt Nam đã hành động bí mật và gần như cả đêm. Nhưng băng giá sẽ đổ xuống thung lũng khi hoàng hôn xuống, đặt ra một thách thức nữa.
Vì những đường mòn rất hẹp, chỉ cần bánh xe trệch hướng một chút, pháo sẽ rơi xuống khe núi sâu. Họ đã mở một đường mòn mới, ở những vũng lầy sâu đến mắt cá chân. Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và thầm lặng, họ đã xây dựng lại những đường mòn và sau nhiều tuần, đã kéo pháo vào vị trí chiến đấu. Để lên dốc, hàng trăm phụ nữ và nam giới đã gồng mình, kéo những khẩu pháo nặng bằng dây thừng dài, từng chút từng chút một. Cả đêm, họ có thể kéo được pháo đi từ 500 đến 1.000m. Mỗi lần Pháp nghi ngờ có động tĩnh, chúng lại cho máy bay dội bom. Những đường giao thông lại bị phá hủy. Nhiều người đã chết dưới làn bom đạn này.
Lúc này, dưới sự kinh ngạc của kẻ thù và cả một sự hy sinh lớn của người mình, quân Việt Nam đã đưa được tất cả pháo vào những vị trí trên đỉnh đồi bên phải, bao vây quân Pháp cùng những bãi đáp máy bay mà Pháp hoàn toàn phụ thuộc.
http://lichsu.vn
Bản đồ Điện Biên Phủ và Bắc Việt Nam
Tướng Giáp đã liên lạc với chỉ huy các tiểu đoàn từ một sở chỉ huy rất đơn sơ ở khu rừng gần đó. Ông làm việc và sống bên trong căn lều nhỏ ở dưới chân một quả đồi. Căn lều chỉ được trang bị một cái bàn gỗ, 2 chiếc ghế mây và một chiếc giường đệm cỏ khô. Hầu như tất cả thời gian ông có mặt trên lều và chỉ xuống hầm khi có không kích.
Trong khi đó, lực lượng Pháp dưới thung lũng có một phân khu trung tâm, xung quanh là 8 cụm cứ điểm chính được lấy theo tên các tình nhân của Đại tá Castries (gồm Gabrielle, Beatrice, Anne-Marie, Huguette, Claudine, Eliane, Dominique và Isabelle) cùng 49 cứ điểm phòng thủ. Phân khu trung tâm Điện Biên Phủ gồm 5 quả đồi có rừng bao phủ và phía dưới là cánh đồng Mường Thanh hình trái tim.
Cái khó cho phía Việt Nam là làm thế nào để tấn công phân khu trung tâm và cứ điểm phía Nam qua một đồng bằng trống không trong tầm đạn pháo hạng nặng và được bảo vệ bằng xe tăng. Họ chỉ có thể thành công bằng cách sử dụng đường hầm và giao thông hào. Việc đào hầm và hào đã được bắt đầu trong những tháng mùa Đông, chủ yếu là vào ban đêm. Có một nữ dân công tham gia công việc này đã kể lại sự hy sinh của họ bằng những vần thơ miêu tả công việc đào hầm trong đêm tối. Giữa cái lạnh cắt da thịt, họ làm việc miệt mài, không mệt mỏi, chỉ có tiếng cuốc bổ và đất rơi, nhưng đầy quyết tâm mà không mất đi một tâm hồn lãng mạn.
Trận chiến vĩ đại khai mào vào ngày 13/3/1954. Vài ngày trước đó, Đại tá de Castries đề nghị tăng thêm 3 tiểu đoàn. Nhưng ông ta không biết rằng Việt Minh đã hoàn thành đáng kể hệ thống đường hầm, và pháo hỏa lực mạnh của họ giờ đã bao vây thung lũng cùng bãi đáp máy bay của Pháp. Phía Việt Nam bắt đầu cuộc tấn công quyết định vào chiều cùng ngày, thời điểm đủ muộn để khiến Pháp không thể cầu viện hàng không trước khi trời tối.
Trung tướng Rene Cogny, một chỉ huy ba hoa của Navarre ở Hà Nội, đã để lộ một số bí mật quân sự cho báo giới ở Paris, trong đó có cả việc Pháp đã biết những nhất cử nhất động của quân Việt Minh. Ngay sau khi biết tin này, Tướng Giáp đã đổi mật mã tín hiệu và một số chiến lược quân sự.
Sáng 12/3, Cogny đến thăm Điện Biên Phủ lần cuối để đánh giá công tác chuẩn bị. Ông ta nhìn thấy rất nhiều đường giao thông hào trước vị trí của Pháp. Đứng trên một ngọn đồi, Cogny chứng kiến cuộc đột kích của Pháp vào những đường hào của Việt Minh và thu giữ một số vũ khí. Nhưng cuộc chiến này không phải là về những con hào. Nó là cuộc chiến của những đường hầm, pháo hạng nặng, và sự cô lập của quân ngoại bang ở đất nước của người Việt Nam.

Tiếp nối "truyền thống" của quân đội Pháp, một nhà chứa cơ động Pháp đã được triển khai đến Điện Biên Phủ 2 tháng trước đó. Gái điếm được đưa về các trại và đặt dưới sự chăm sóc của các sĩ quan quân y trong quân đoàn lê dương Pháp. Những lính Pháp phấn kích đã tình nguyện đứng ra xây dựng một khu nhà cho số gái điếm này ở. Nhưng chiến tranh tàn nhẫn và rất ít binh sĩ Pháp trong các đơn vị chiến đấu có cơ hội thư giãn ở đây.

Phần 3: Chiến dịch Điện Biên Phủ


Lúc 7 giờ rưỡi tối, khi bóng đêm đổ xuống, Việt Minh đã bắn pháo trúng các kho nhiên liệu và bom napan của Pháp. Những cột lửa vàng nhanh chóng bốc cao và thắp sáng rực cả bầu trời. Đám cháy lớn kéo dài suốt đêm đó. Xin giới thiệu tiếp phần 3 bài viết với đề tựa “Chiến dịch Điện Biên Phủ”
http://lichsu.vn
Tuyến đường tiếp tế của Việt Minh đến Điện Biên Phủ
Đó là một buổi sáng Thứ Bảy, ngày13/3. Trời nhiều mây, không khí lạnh và ẩm ướt. Toàn bộ khu rừng phủ một sắc xanh yên bình. Có thể nhìn thấy cả những con khỉ đang vắt vẻo trên những nhánh cây lẩn khuất trong sương mù. Trên những tán cây phủ kín các con dốc chạy vòng vèo quanh sườn đồi, chim núi líu lo hót.
Một tiếng nổ đột ngột xé toang sự yên tĩnh của thung lũng, khiến lũ thú rừng chạy tan tác.
Bằng trọng pháo được bố trí từ trên những đỉnh đồi cao, Việt Minh bắt đầu nã xuống sân bay Mường Thanh. Đến giữa trưa, 3 chiếc máy bay đã bốc cháy còn những chiếc khác cùng chung số phận bị hư hỏng nặng. Đối với quân Pháp, điều thậm chí còn nghiêm trọng hơn là đường băng – đường sinh mệnh của lực lượng này – đã bị tàn phá. Một đại đội và 2 xe tăng Pháp đã bắn trả, trong khi Việt Minh tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào những bãi đáp của máy bay và cụm cứ điểm Beatrice gần bản Him Lam ở phía Bắc.
Lúc 1 giờ rưỡi chiều, bây giờ là dưới cái nắng chói chang của bầu trời xanh với những gợn mây trắng, các đợt bắn phá nhằm vào cụm cứ điểm Him Lam ngày càng tăng về khối lượng và tiếp diễn trong 2 giờ đồng hồ không nghỉ. Viên đại tá Pháp chỉ huy cứ điểm này và người phó đã bị giết vì pháo dội đúng boongke hai người này trú ẩn. Nhân viên liên lạc Pháp cố cầu viện sự hỗ trợ của trọng pháo, nhưng đường dây liên lạc đã tê liệt. Khốn khổ với những rắc rối của hệ thống cung cấp nhiên liệu từ đêm trước đó, các lính Pháp giờ đây không thể phản ứng lại cuộc tấn công quy mô cực kỳ lớn này.
Lúc 5 giờ 30 phút, mọi quả đồi dường như nổi hẳn lên giữa chân trời phủ một màu vàng cam. Cũng bất ngờ như lúc trước, cả sườn đồi Him Lam ngập tràn lính Việt Minh trong bộ quân phục màu xanh lá cây và những chiếc mũ kết bằng lá dừa. Mỗi một phụ nữ và nam giới cầm một khẩu súng trường có gắn lưỡi lê cố định. Lặng lẽ, họ nhô lên từ những giao thông hào lượn quanh chân đồi. Choáng váng trước cảnh tượng này, lính Pháp cố gắng tấn công lại bằng trọng pháo, nhưng đã quá muộn. Quân Việt Minh đông hơn và cứ điểm đã bị chiếm – một cảnh tượng khiến phía Pháp sửng sốt đến mức quân Pháp mất hết tinh thần.
Lúc 7 giờ rưỡi tối, khi bóng đêm đổ xuống, Việt Minh đã bắn pháo trúng các kho nhiên liệu và bom napan của Pháp. Những cột lửa vàng nhanh chóng bốc cao và thắp sáng rực cả bầu trời. Đám cháy lớn kéo dài suốt đêm đó.
http://lichsu.vn
Một trong những máy bay Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho lực lượng Pháp mượn tại Điện Biên Phủ
Đến 10 rưỡi đêm, nhiệt độ đã giảm mang theo sương giá. Trong đêm tối, trọng pháo nhằm hướng các cụm cứ điểm của Pháp, cày xới mặt đất, đánh sập các hầm trú ẩn, san bằng hào giao thông, phá hỏng các loại vũ khí, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Pháp. Những âm thanh inh tai nhức óc hòa cùng bụi đỏ và khói thuốc gây cay. Bên trong các hầm chỉ huy, mặt đất dường như đang chao đảo dữ dội. Những boongke rung lắc và di chuyển tới lui, đồ đạc va vào nhau, rơi xuống đất, và người dẫm đạp lên nhau.
Trong trại trung tâm, một viên trung tá đang tắm thì đạn pháo rơi xuống ngay bên cạnh. Anh ta trần truồng chạy vào hầm của mình để điện thoại cho các chỉ huy tiểu đoàn nhưng đường dây đã bị cắt. Toàn bộ lính Pháp khiếp đảm cực độ trước sức mạnh kinh hoàng từ pháo của Việt Minh và các vị trí bắn pháo của họ. Mà đây mới chỉ là ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Nửa đêm, pháo ngừng bắn. Đại tá Mac Ninh, giờ là chỉ huy ở cụm cứ điểm Him Lam, gửi thông điệp cho đại tá de Castries:
“Theo lệnh từ chỉ huy của chúng tôi, tôi thông báo với ông rằng lúc 8 giờ sáng mai, ông và những người của ông được phép đưa một trung đội không vũ trang và các máy bay cứu thương đến thu nhặt những người bị thương. Phải có người cầm cờ trắng trước khi tiến vào Him Lam (Beatrice)”.
Đại tá de Castries đối mặt với cơn khủng hoảng với rất ít sự trợ giúp từ các chỉ huy. Trung tá Keller, Tham mưu trưởng, bị suy nhược thần kinh và ẩn náu dưới căn hầm trú ẩn sâu nhất, đầu đội mũ sắt. Đại tá Piroth suy sụp nặng, trao toàn quyền chỉ huy lực lượng pháo binh cho người phó của ông ta. Trung tá Langlais, Chỉ huy chiến dịch, luống cuống và gần như hóa điên. Thậm chí cô thư ký riêng là Bourgeade cũng đã bị thương nặng.
Sáng 14/3, khi mặt trời lên.
Trại trung tâm tĩnh lặng và bao trùm cảm giác lạnh lẽo. Những binh sĩ Pháp nhìn chằm chằm vào đống hoang tàn do bom mìn cày phá. Toàn bộ mặt đất lỗ chỗ những hố sâu. Phương tiện đi lại bị phá hỏng, những bao cát vỡ văng tung tóe, những hộp đạn pháo, những bàn ghế, đèn, hộp, can, vỏ đồ hộp… lăn lóc khắp nơi. Không khí đặc quánh mùi của xăng và than cháy. Một nhóm lính lê dương đang thu nhặt những xác chết trước khi chuyển vào nhà xác ngay đằng sau bệnh viện dã chiến. Nhà xác là một hầm trú ẩn sơ sài, chất đầy những chiếc ván quan tài. Giờ nó chất đầy xác chết đặt la liệt dưới nền đất trơ trụi. Nhiều người bị thương nằm trên cáng, chờ đợi.
Cha tuyên úy Trinquant của Đội quân lê dương cùng một sĩ quan quân y và 3 xe vận chuyển treo cờ Chữ thập Đỏ đi nhặt những xác của lính lê dương nằm quanh các căn cứ. Việt Minh đã chuyển người của họ đi trong buổi tối.
Thiếu tá bác sĩ Paul Grauwin đã yêu cầu một máy bay đặc biệt chở một số người bị thương nặng và cô Bourgeade ra khỏi Điện Biên Phủ để điều trị. Chính đại tá de Castries đã gửi vội cô thư ký của ông lên máy bay cho dù cô này không đồng ý.
Sáng sớm 15/3, Việt Minh đã hoàn toàn kiểm soát một cứ điểm khác – Gabrielle (đồi Độc lập) ở phía Bắc. Một số chỉ huy Pháp có dấu hiệu rối loạn và suy sụp. Giữa đêm, đại tá Piroth đã tự tử bằng lựu đạn.
Không thể chuyển những người chết đến nghĩa trang đã được chuẩn bị sẵn, ngày 18/3, đại tá de Castries đã lệnh rằng những người bị chết khi làm nhiệm vụ sẽ được chôn ngay tại chiến trường, trong một hố chôn tập thể, bằng máy ủi.
Trong cuộc điện đàm qua radio với Trung tướng Cogny ngày 19/3, đại tá de Castries thông báo với ông này rằng cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) ở phía Nam lòng chảo sẽ bị Việt Minh chiếm giữ bất kỳ lúc nào. 5 ngày sau đó, Trung tá Keller đã được lặng lẽ đưa khỏi Điện Biên Phủ, trên một chuyến bay cứu thương.
Khi cơn khủng hoảng của Pháp nghiêm trọng hơn, Chính phủ Mỹ mới khẩn cấp trợ giúp. Ngày 24/3, trong “Chiến dịch Chim kền kền”, lính Mỹ đã được triển khai cùng 60 máy bay B-29 từ căn cứ Không quân Viễn Đông ở Philippines. Chúng bắt đầu dội bom vào các tuyến đường tiếp tế của Việt Minh dẫn đến Điện Biên Phủ.
Trong 3 ngày đêm liên tục, lực lượng phối hợp của Pháp và Mỹ đã tiến hành 750 cuộc không kích dữ dội vào khu vực của Việt Minh, giết hại hàng nghìn người – gồm cả phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi tham gia công tác hậu cần bằng xe thồ.

Phần 4: Con voi giẫy chết


Chiều 7/5, dưới trời mưa nặng hạt, Việt Minh đánh phá cụm cứ điểm Isabelle (ở Hồng Cúm). Quân Pháp đóng tại Isabelle chỉ còn lại 6 trên tổng số 11 khẩu pháo là có thể bắn trả lại. Ngoài ra, lính Pháp đối mặt với nguy cơ đói khát. 
Bất chấp những tổn thất nặng nề sau các cuộc không kích, sáng sớm 30/3, Việt Minh bắt đầu đợt tổng công kích thứ hai với một loạt cuộc tấn công nhằm vào phân khu trung tâm Điện Biên Phủ – cuộc chiến trên 5 quả đồi. Cứ điểm Dominique bên bờ trái dòng Nậm Rốn nhanh chóng thất thủ. Một số đồn bốt trên những quả đồi bên phía Đông của lòng chảo Điện Biên cũng rơi vào tay Việt Minh. Hai đại đội Pháp bảo vệ Dominique đã kiệt sức đến mức lính phải cố trốn sang bên kia con dốc để tìm nơi ẩn náu ở các vị trí còn có vẻ trụ được hơn ở phía dưới. Họ bị coi là những những kẻ đào tẩu, chỉ huy của căn cứ phía dưới không chứa chấp, và sau đó những binh sĩ này đã bị hỏa lực của Việt Minh tiêu diệt.
Tại bệnh viện dã chiến, mỗi ngày, bác sĩ Grauwin tiếp nhận 750 binh sĩ bị thương nặng và trong 3 ngày đêm liên tục, ông cùng các bác sĩ khác không ngơi tay phẫu thuật. 
http://lichsu.vn
Pháp thả dù ở Điện Biên Phủ
Máy bay được ưu tiên để chuyển một lượng lớn máu và huyết tương cũng như các thiết bị thay thế cho các máy chụp X quang. Tuy nhiên, do những vấn đề như bảo quản lạnh và do hàng bị hỏng khi thả dù, những nhu cầu khẩn cấp này không thể được đáp ứng.
Ngày 30/3, Tướng Navarre đặt chân đến Hà Nội để đánh giá tình hình. Gió mùa bắt đầu về và thung lũng biến thành một vùng sình lầy. Các phương tiện cấp cứu giờ đây gặp phải những khó khăn rất lớn trong việc tiếp cận với bệnh viện của bác sĩ Grauwin để cấp cứu các trường hợp khẩn cấp.
Tuần đầu tiên của tháng 4, quân đội Pháp biết các đường dây liên lạc trên chiến trường đã dần bị cắt hết. Nhiều nơi không thể nhận được lệnh, cảnh báo hay thông tin từ cấp trên. Họ rơi vào hoảng loạn. Việt Minh đã kiểm soát thêm nhiều cứ điểm và căn cứ. Họ tiếp tục các cuộc tấn công vào những bãi đáp của máy bay, và từ ngày 27/3, những bãi đáp này trở nên vô dụng. Nỗ lực cuối cùng của Pháp vận chuyển những người bị thương khỏi Điện Biên Phủ là vào sáng 28/3. Sáng đó, sau khi bốc 25 trường hợp bị thương nặng, nhân viên kỹ thuật phát hiện máy bay bị hỏng. Một sĩ quan chỉ huy ở Hà Nội gửi điện qua radio rằng ông ta sẽ bay đến để đón phi hành đoàn vào tối hôm sau. Nhưng lời hứa này đã không thể thực hiện.
Việt Minh đã tiêu diệt tổng cộng 62 máy bay của Pháp và Mỹ tại Điện Biên Phủ. Trung tuần tháng 4, Việt Minh giành chiến thắng hoàn toàn và gọi những gì còn lại của cuộc đối đầu là “con voi đang chảy máu và chết dần”. Giữa các đợt pháo yểm hộ, loa của Việt Minh bắt đầu phát thông điệp cho quân Pháp dọc thung lũng, thuyết phục quân của tướng de Castries đầu hàng.
Nhìn thấy rõ thất bại của Pháp, ngày 14/4, John Foster Dulles đã trình các lãnh đạo trong Quốc hội đề xuất của ông dùng vũ khí nguyên tử tiêu diệt Việt Minh tại Điện Biên Phủ. Đề xuất này đã được thảo luận nghiêm túc, nhưng Lyndon Johnson, thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện Mỹ, lập luận rằng vũ khí này sẽ quét sạch quân đội của cả hai phe. Vì không thể tính được bao nhiêu đơn vị lính Pháp có thể sống sót trong một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử, kế hoạch này đã bị hủy bỏ.
http://lichsu.vn
Lính dù Pháp tìm nơi an toàn ở Điện Biên Phủ
Đại tá Christian de Castries đã được thăng lên cấp Chuẩn tướng ngày 16/4. Một số chỉ huy khác trên chiến trường này, trong đó có Trung tá Langlais, cũng được thăng chức. Có lẽ đó là một quyết định chính trị. Trong nhiều tuần, báo chí Paris đã ca ngợi binh sĩ Pháp vì hàng rào phòng thủ anh hùng ở thuộc địa Viễn Đông của Pháp, trong khi dư luận Pháp dõi theo mọi động thái ở Điện Biên Phủ với nỗi kinh sợ.
Sân bay ở Mường Thanh bị vô hiệu hóa, Pháp phải dùng dù thả quân vào ban đêm còn thực phẩm và đạn dược vào ban ngày. Tuy nhiên, Pháp không thể duy trì được các hoạt động tiếp tế. Gió mạnh khiến nhiều dù thả đồ tiếp tế bay sang trận địa bao vây do phía Việt Nam kiểm soát. Quân Việt Minh cũng dùng súng phòng không bắn hạ những dù này.
Vấn đề chính là việc cung cấp dù. Pháp không lường trước được rằng họ cần tới 1.000 dù mỗi ngày – và mỗi chiếc chỉ dùng được một lần. Phía Pháp hết dù cho quân tiếp viện vào ngày 27/3. Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự Mỹ (MAAG) ở Sài Gòn do Trung tướng O’ Daniel cầm đầu đã phải khẩn trương tổ chức không vận 60.000 chiếc dù đến Điện Biên Phủ từ các căn cứ ở Nhật Bản và Philippines, để đáp ứng yêu cầu của Pháp.
Ngày 1/5,Việt Minh phát động cuộc tổng tấn công thứ ba với một loạt cuộc tấn công dữ dội, và một cuộc tấn công ồ ạt bằng pháo nhằm vào các căn cứ ở phía Nam và phía Đông. Họ đã chiếm giữ được cụm cứ điểm phía Đông, Eliane, trước đó là dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng de Castries. Qua đường radio, Đại tá Langlais yêu cầu Đại tá Sauvagnac khẩn trương tăng viện một đại đội lính dù. Ông ta hy vọng chiếm lại được quả đồi phía Đông và bảo vệ được phân khu trung tâm. Nhưng Sauvagnac đáp lại là không thể đáp ứng được yêu cầu này. Đại tá Langlais hét lên tức giận và tuyệt vọng: “Chúng tôi vẫn sẽ thắng trận này mà không cần ông và bất cần ông. Đây là thông điệp cuối cùng của tôi và tôi sẽ không bao giờ nói với ông nữa”.
Ngày sau đó, tướng de Castries nhận được tin xác nhận là có 450 lính dù được tiếp viện. Số lính này sẽ đến vào ngày 7/5, trực tiếp từ hai trường huấn luyện lính dù ở Pháp.
Chiều cùng ngày, dưới trời mưa nặng hạt, Việt Minh đánh phá cụm cứ điểm Isabelle (ở Hồng Cúm). Quân Pháp đóng tại Isabelle chỉ còn lại 6 trên tổng số 11 khẩu pháo là có thể bắn trả lại. Mưa tiếp tục như trút và nguồn cung cấp từ máy bay bị chặn. Khẩu phần đồ hộp chỉ còn đủ trong 3 ngày. Lính Pháp đối mặt với nguy cơ đói khát.

Phần 5: Những đầm lầy dưới chân đồi đặc khói thuốc


Trận quan trọng với Tướng Giáp là cuộc tấn công vào cứ điểm gần bờ trái Sông Nậm Rốn có nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm chỉ huy trung tâm. Sáng Thứ Sáu, ngày 7/5, quân đội Việt Minh vẫy cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Xin giới thiệu phần 5 và cũng là phần cuối với đề tựa “Những đầm lầy dưới chân đồi đặc khói thuốc”
Ngày 3/5, Cogny đề nghị với De Castries một cuộc hành binh phá vây mang bí danh Albatros (Hải âu lớn), khi đa số các chỉ huy Pháp đã không còn nhuệ khí chiến đấu. Tuy nhiên, De Castries đã từ chối. Ông ta quyết định ở lại đến cùng với những binh sĩ bị thương vì cho rằng, danh dự quân đội chính là việc cứu sống được bao nhiêu mạng lính và giảm thiểu thương vong cho họ.
http://lichsu.vn
Chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ
Ngoài vật lộn với con số thương vong lớn, De Castries còn phải đối phó với tâm lý thất vọng cực độ khi thiếu đạn dược, lương thực và thuốc men cần thiết. Đau đầu khi những hoạt động tiếp tế của lực lượng lính dù không ổn định, viên chỉ huy này cũng gặp những vấn đề nghiêm trọng với chính quyền Pháp. Chiều mưa ngày 4/5, khi cứ điểm Huguette đang hứng chịu những đợt dội pháo hạng nặng của lực lượng Việt Minh, De Castries đã gửi bức thư tuyệt vọng cho sở chỉ huy của Pháp ở Hà Nội:
Chúng tôi không có đủ đạn dược để chặn các cuộc tấn công hay các đợt bắn phá liên miên của Việt Minh. Dường như không có nỗ lực nào giúp chúng tôi khắc phục tình thế. Tôi đã báo cáo về nguy cơ đối với đội bay, nhưng binh lính của chúng tôi ở đây còn phải chịu vô vàn những hiểm nguy khủng khiếp hơn nhiều – không thể có kiểu đối xử khắt khe với người này nhưng rộng rãi với người kia được.  Việc thả dù đồ tiếp viện vào ban đêm phải bắt đầu lúc 8 giờ tối thay vì lúc 11 giờ. Thời gian buổi sáng đã không thể làm được gì vì sương mù và do kế hoạch thả đồ tiếp viện trong khoảng thời gian cách nhau dài giữa các máy bay. Tôi rất cần các hoạt động tiếp viện với số lượng lớn.
…Tôi không thể hy vọng lấy lại được thậm chí là chỉ một nửa số đồ được thả xuống, mặc dù số lượng đồ được gửi đến cho tôi chỉ là một phần rất nhỏ những gì tôi yêu cầu. Tôi không có gì để duy trì tinh thần những binh sĩ của mình – những người được yêu cầu phải có nỗ lực phi thường. Tôi không dám đi gặp họ với hai bàn tay không.
Giông tố lại càng khiến cảnh khốn khổ trong tuần cuối cùng thêm thê lương. Hiệu ứng tích lũy của những đợt bắn phá và lũ lụt đã khiến chiến trường như một đầm lầy, đầy rác rưởi và xác chết. Kẻ thù mới của quân Pháp – bùn lầy – giờ đã ngập đến đầu gối.
Nhiều vợ của binh lính Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ. Một phụ nữ hạ sinh con gái vào ngày 4/5, trong một boongke ở cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) mà Pháp vừa tạm thời chiếm lại. Người chồng của sản phụ, Đại úy Desire, nằm bên cạnh với la liệt những binh sĩ bị thương. Đứa trẻ này sau đó được đặt tên giống một trong những cứ điểm và được Cha Tissot rửa tội. Bên ngoài boongke, mưa tiếp tục như trút. Trời chuyển giông lớn ngày sau đó. Tối đó, 32 lính Pháp tuần tra bên ngoài cứ điểm Hồng Cúm, về phía tây. Tất cả đã bị Việt Minh tiêu diệt.
Hai tổ lái C-119 của Mỹ, do James McGovern chỉ huy, đã tình nguyện bay tầm thấp để thả đạn dược xuống Hồng Cúm. Sáng 6/5, bầu trời trong xanh ấm áp, hai chiếc C-119 đến Điện Biên Phủ. Bộ đội Việt Nam sẵn sàng bắn hạ bằng súng phòng không. Máy bay đầu tiên do phi công Art Wilson lái bị bắn trúng đuôi. Wilson mất kiểm soát nhưng vẫn trốn thoát và hạ cánh được xuống sân bay Cát Bi. Máy bay của McGovern bị bắn trúng động cơ và đuôi. Cả McGovern và lái phụ thiệt mạng vì chính lượng đạn dược mà chúng chở trên máy bay.
Trận quan trọng với Tướng Giáp trong những ngày cuối cùng này là cuộc tấn công vào cứ điểm gần bờ trái Sông Nậm Rốn có nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm chỉ huy trung tâm. Trong số 49 cứ điểm phòng thủ, đây là một cứ điểm mà Pháp gọi là “cổ họng Điện Biên Phủ” – cũng là nơi Pháp gánh tổn thất lớn. Tướng Giáp phát hiện rằng quân Pháp vào quả đồi này qua một pháo đài được xây dựng nhiều năm trước đây. Trong 16 ngày, lực lượng công binh của Việt Minh đã đào một hầm ngầm tới quả đồi. Đến được cứ điểm này lúc 8 giờ 30 phút ngày 6/5, họ đã cho nổ 1 tấn thuốc hất tung hệ thống hầm ngầm cuối cùng. Vụ nổ này lớn hơn và mạnh hơn bất kỳ vụ nào trước đó. Trước nửa đêm, Việt Minh đã chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát cứ điểm này. Quân tiếp viện Việt Minh từ các chiến hào bắt đầu ào lên dọc các sườn dốc, tràn lên quả đồi cuối cùng.
http://lichsu.vn
Binh lính Pháp rút quân khỏi Điện Biên Phủ
Sáng Thứ Sáu, ngày 7/5, quân đội Việt Minh vẫy cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Đến chiều, đại tá Langlais xuống hầm trú ẩn và đốt chiếc mũ của lính dù mà ông ta đang đội. Ông ta đã đổi chiếc mũ này của một lính bộ binh. Trong khi đó, Tướng De Castries điện thoại cho vợ ở Paris chỉ với một thông điệp ngắn: “Đừng lo. Anh đã bị bắt làm tù binh. Chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Tuy nhiên, Cogny nói với De Castries qua đường truyền radio từ Hà Nội và chỉ thị ông ta không được đầu hàng.
“Ông bạn già, giờ đây phải kết thúc thôi, nhưng không phải bằng cách đầu hàng. Chúng ta không được phép làm như vậy. Không được kéo cờ trắng, không được đầu hàng. Đừng làm những hành động đáng xấu hổ”. 
“Được, Tướng quân. Ước muốn của tôi là bảo vệ những binh sĩ bị thương”, De Castries trả lời, trong nước mắt.
Cogny tiếp tục: “Tôi không có quyền cho phép ông đầu hàng. Hãy làm những gì tốt nhất. Nhưng cuộc chiến không được kết thúc với một chiếc cờ trắng. Ông hiểu không, ông bạn già”.
“Được, thưa Tướng quân”.
Từ chiều đến tối ngày 7/5, hơn 10.000 binh sĩ đói lả, trong những bộ quần áo tả tơi và giày mục nát, chầm chậm nhô lên từ thung lũng sâu. Việt Minh yêu cầu chuyển họ đến các trại tù binh cách đó vài trăm km. Nhiều người không thể. Họ quá yếu. Hầu hết những người sống sót đều bị mất phương hướng do sống trong bom đạn quá lâu.
Trận Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, mà còn chấm dứt nhiều thế kỷ chủ nghĩa thực dân châu Âu thống trị cả thế giới. (HẾT)
8. Điện Biên Phủ - Thắng lợi vĩ đại của chiến tranh nhân Việt Nam
Thứ bảy, 07/05/2011 (Can Tho Online)
Cách đây đúng 57 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến công chói lọi nhất, đỉnh cao nhất của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953 - 1954.
Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”(1).

Bộ Tổng tư lệnh họp bàn kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực hiện lời hứa với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ảnh: TL 
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) là một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân do toàn dân Việt Nam tiến hành một cách toàn diện nhằm giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến dịch Đông-Xuân 1953 - 1954, chiến tranh nhân dân Việt Nam được nhân lên một tầm cao mới. Với tinh thần “tất cả để đánh thắng”, cả nước cùng ra trận, cả nước cùng đánh giặc trên khắp mọi chiến trường.
Nhân dân khắp mọi miền đất nước vừa tích cực động viên chồng con, anh em tòng quân, nhập ngũ lên đường ra tiền tuyến; gia nhập lực lượng vũ trang địa phương đánh địch tại chỗ; đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, vừa tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm để bộ đội “ăn no, đánh thắng”.
Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập do đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Cùng với đó, Hội đồng cung cấp mặt trận cấp liên khu như Liên khu 4, Liên khu 3, Liên khu Việt Bắc và cấp tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La... được thành lập. Các hội đồng đó làm nhiệm vụ tổ chức huy động sức người, sức của ở hậu phương chi viện cho tiền tuyến, nhất là cho mặt trận Điện Biên Phủ. Tính riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260 nghìn dân công (tính ra thành 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn hai chục nghìn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô(2).
Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức người, sức của vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc và nhiều tỉnh vùng tạm chiếm đồng bằng Bắc Bộ. Hàng trăm nghìn đồng bào đã hăng hái đi thanh niên xung phong, dân công tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, không quản ngày đêm, không sợ gian khổ, hy sinh, dũng cảm mưu trí, quyết tâm đưa hàng ra mặt trận, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu kịp thời.
Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho một lực lượng ở xa hậu phương, phục vụ chiến dịch, với thời gian dài ngày, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã giải quyết thành công do biết phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân.
Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 là một điển hình thành công của chiến tranh nhân dân Việt Nam về sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), về sự phối hợp giữa vận động chiến và du kích chiến, giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa chiến trường chính và chiến trường phối hợp. Với các đòn tiến công chiến lược đó, ta đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng trăm vạn dân, và quan trọng là đã phân tán cơ động chiến lược của thực dân Pháp ra nhiều nơi, buộc địch lâm vào thế bị động đối phó.
Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của bộ đội chủ lực. Bộ đội chủ lực là nòng cốt của lực lượng vũ trang cách mạng, có tác dụng quyết định trong việc tiêu diệt sinh lực chủ yếu của địch. Với lực lượng gồm bốn đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, 304 (thiếu một trung đoàn) và một đại đoàn công pháo (351), bộ đội chủ lực ta đã tạo thành “quả đấm mạnh” tiến công, đập tan hệ thống phòng ngự tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ đội chủ lực mạnh, với các đòn tiến công quân sự mạnh ở Lào, đông - bắc Cam-pu-chia, Tây Nguyên, Tây Bắc Việt Nam, nhất là ở Điện Biên Phủ, đã phân tán lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích và phong trào đấu tranh vùng sau lưng địch phát triển.
Thắng lợi của ta trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Ba lực lượng ấy dựa vào nhau, cùng xây dựng, phát triển, kết hợp và phối hợp với nhau tạo thành sức mạnh vô địch của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thể hiện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối chính trị, quân sự; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Đồng thời còn bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống và giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn trân trọng sự phối hợp chiến đấu với nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Cam-pu-chia; luôn ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ tích cực có hiệu quả của Chính phủ, nhân dân Trung Quốc, Liên Xô (trước đây) và các nước khác; sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng cách mạng tiến bộ trên toàn thế giới; song luôn nhận thức được rằng nhân tố quyết định làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Đại tá, TS TRẦN VĂN THỨC
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
-------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 220.
(2) Ban Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 202.




9. 
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ, MỐC VÀNG
TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC, MANG TẦM VÓC THỜI ĐẠI TO LỚN
1. Bối cảnh lịch sử
Thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946 với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Quân ta càng đánh, càng mạnh, càng thắng, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Đến năm 1953, nhân dân và quân đội ta đã làm chủ trên chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta.
Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Nava là kế hoạch chung, là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954 quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn làm nắm đấm thép.
Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava của Pháp và Mỹ, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hệ thống hoả lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “ một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.
Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp. Nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng; khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương; cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
2. Diễn biến của chiến dịch
Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa đã khó khăn, nay thay đổi phương châm tác chiến lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt.
Đợt 1: Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.
Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Na va hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Đợt 3: Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, là trận đầu đánh thắng Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
II. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ
1. Nguyên nhân thắng lợi
- Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới. Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao. Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, lòng yêu nước và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
- Nhân dân ta rất anh hùng, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận.
- Các lực lượng vũ trang nhân dân ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ.
- Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn có sự chi viện, cổ vũ và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp, đặc biệt là của các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
2. Ý nghĩa lịch sử
2.1- Đối với nhân dân ta
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám; một nửa nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
2.1 - Đối với thế giới
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi; đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc□
                                                                                     B.T.G


NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ
VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
 
1. Đồng chí Trần Phú, người học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; học viên xuất sắc của Trường đại học Phương Đông
Đồng chí Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh ngày 1 tháng 5 năm 1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ và thân mẫu của đồng chí Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.
Tháng 7/1925, Hội Phục Việt tập hợp những trí thức yêu nước ra đời. Đồng chí Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt, hăng hái tham gia mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho người nghèo khổ, mượn bục giảng để truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò. Những hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt và các phong trào đấu tranh sôi động chống giới chủ, chống chế độ áp bức của thực dân Pháp đòi tăng lương, cải thiện đời sống của công nhân ở thành phố Vinh có ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn con đường cách mạng của đồng chí Trần Phú. Giữa năm 1925, đồng chí đã thôi nghề dạy học để bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Là thành viên của Hội Phục Việt, giữa lúc đang lúng túng về đường lối, đồng chí Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện, đào tạo. Tại lớp huấn luyện chính trị, đồng chí miệt mài học tập, tỏ rõ năng khiếu tư duy lý luận cách mạng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng kết nạp vào Cộng sản Đoàn, nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động. Bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, theo yêu cầu của Hội Phục Việt, đồng chí tạm lánh ra nước ngoài hoạt động. Đồng chí đã trở lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cậy, cử sang Liên Xô học ở Trường đại học Phương Đông.
Do kết quả học tập tốt, sau mấy tháng học đầu năm 1927, đồng chí Trần Phú được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên xô. Qua sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản quyết định cử Trần Phú làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường. Từ một người Việt Nam yêu nước, đến với Liên Xô, đến với lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng chí Trần Phú đã trở thành chiến sĩ cộng sản đủ sức gánh vác những nhiệm vụ quan trọng do Quốc tế Cộng sản và Đảng ta phân công.
2. Đồng chí Trần Phú, người dự thảo bản Luận cương chính trị tháng10 năm 1930 của Đảng, xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.
Tình hình cách mạng thế giới và tình hình cách mạng ở Đông Dương diễn biến nhanh chóng. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, tháng 11/1929 đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị. Để nắm vững tình hình thực tiễn cách mạng, đồng chí luôn tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Ban Chấp uỷ; trực tiếp đóng vai “thầy đồ”, “nhà buôn”, sống cuộc đời thợ mỏ, thợ nề, thợ nhà máy xi măng… để thâm nhập, nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào cách mạng của công nhân, nông dân và hoạt động của các chi bộ cộng sản ở nhà máy, hầm mỏ… tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình. Sau khi khảo sát tình hình thực tế và trao đổi với các đồng chí trong Ban Chấp uỷ, đồng chí đã khởi thảo văn kiện Luận cương chính trị của Đảng ngay trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức thực dân Pháp ở phố Giăng Xôle (nay là số nhà 90, phố Thợ Nhuộm, Hà Nội). Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí Trần Phú đã trình bầy bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng và đã được Hội nghị nhất trí thông qua.
Bản Luận cương chính trị đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải một cách sắc bén về tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương. Đó là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo; chỉ ra nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến. Đường lối cơ bản của cách mạng Đông Dương và cách mạng Việt Nam nêu trong Luận cương chính trị tháng 10/1930, là sự khẳng định về mục tiêu và đường lối cách mạng mà Chính cương vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc nêu ra tháng 2/1930.
Luận cương chính trị còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình cách mạng:“Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. t.2, tr.100). Muốn làm tròn nhiệm vụ, Đảng phải tổ chức ra những đoàn thể độc lập như Công hội, Nông hội...
Về lực lượng cách mạng Luận cương chính trị nêu rõ: lực lượng chủ yếu của cách mạng là đoàn kết và động viên, tổ chức các tầng lớp nhân dân đứng lên đập tan bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới; lấy giai cấp công nhân, giai cấp nông dân làm nòng cốt do tổ chức Đảng, đảng viên trực tiếp chỉ đạo.
Về phương pháp lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Đảng Luận cương chính trị chỉ rõ Đảng phải biết xác định chiến lược, sách lược trên cơ sở xem xét kỹ tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch, sức tranh đấu của quần chúng, thái độ của các hạng người đối với cách mạng. Đảng phải tổ chức và khuếch trương phong trào quần chúng. Khi phong trào cách mạng lên cao, quần chúng công - nông sôi nổi cách mạng, thì lúc đó Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng đánh đổ chính phủ thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân.
Luận cương chính trị đã đặt mối quan hệ của cách mạng Đông Dương trong mối quan hệ mật thiết với phong trào cách mạng thế giới; phải liên lạc với cách mạng ở các nước thuộc địa và bán thuộc địa. Cống hiến lý luận của bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Những nội dung này về cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo tại Hội nghị hợp nhất tháng 2/1930. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là một văn kiện lịch sử, góp phần cụ thể hoá một số vấn đề về đường lối cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta, có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú.
3. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - người có nhiều đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng và tổ chức cách mạng của quần chúng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 7/1930 đến đầu tháng 10/1930 sống trong điều kiện bị địch truy lùng gắt gao; ban ngày đồng chí cải trang đi khảo sát thực tế ở địa phương, khuya về dự thảo văn kiện; điều kiện làm việc khó khăn, di chuyển địa điểm nhiều lần, nhưng đồng chí Trần Phú đã trực tiếp biên soạn dự thảo nhiều văn kiện, chỉ đạo biên soạn hàng loạt văn kiện quan trọng của Đảng mở đường cho phong trào cách mạng và bước phát triển đi lên của cả dân tộc. Điều đó thể hiện rõ năng lực và sự làm việc phi thường của đồng chí Trần Phú.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tháng 10/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị đã thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức của Đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận đặt nền móng cho việc hình thành một số tổ chức quần chúng quan trọng của Đảng như: Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản…
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Trưởng Ban Công vận Trung ương đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác – Lênin cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra tờ báo Cờ Vô sản, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng; Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng, chống âm mưu thâm độc của kẻ thù buộc nông dân ra đầu thú. Được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong thời kỳ 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước đã bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên năm 1931 lên tới 64.000 người. Tại một số tỉnh và thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ Tho, Bến Tre, Quảng Ngãi, vùng mỏ Quảng Ninh…những cuộc biểu tình và bãi công của công nhân diễn ra liên tiếp. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng đặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 3/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị đã phân tích, đánh giá phong trào cách mạng sôi nổi diễn ra khắp cả nước, cả ưu điểm và thiếu sót của các phong trào công nhân, nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Mỹ Tho, Bến Tre… giúp cho Đảng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu để chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống cuộc khủng bố trắng của kẻ thù.
Một cống hiến nổi bật của đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng là đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và củng cố tổ chức Đảng các cấp từ Trung ương tới các Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và các chi bộ cơ sở của Đảng. Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, trong đó có công lao của Tổng Bí thư Trần Phú. Ngày 11/4/1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể lần thứ XI của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã đưa ra Nghị quyết: Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Quyết nghị này sẽ được đưa ra thông qua trong Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản.
4. Đồng chí Trần Phú, tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, bất khuất trước kẻ thù, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Trần Phú giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng được hơn 5 tháng, một thời gian không dài, nhưng sự cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thật lớn lao. Đồng chí sống giản dị, đạm bạc. Tuy trong người mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, nhưng bất chấp ốm đau, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian, sức lực cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do có kẻ phản bội khai báo, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt 8 giờ sáng ngày 18/4/1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, kẻ thù đã dùng mọi cực hình để tra tấn, song chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí. Trước những hành động tra tấn dã man hoặc thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đồng chí luôn chủ động tiến công: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ”. Tại bốt Catina, kẻ thù hèn hạ cắt gan bàn chân của đồng chí, rồi nhét bông vào tẩm xăng đốt, đồng chí vẫn kiên quyết, nửa lời không nói. Trong lao tù, đồng chí Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực để lên án chế độ nhà tù dã man, vô nhân đạo. Đồng chí luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam; tranh thủ mọi cơ hội để liên hệ, dặn dò mọi người phải giữ gìn bí mật của Đảng và không ngừng học tập, để sau này tiếp tục làm cách mạng.
Ba tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man, sức khỏe của đồng chí bị giảm sút rất nhanh, căn bệnh cũ tái phát, phút lâm chung đồng chí nắm tay một đồng chí bạn tù cùng nằm ở nhà thương dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 ở nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn trên tay bạn bè đồng chí của mình. Năm ấy đồng chí mới bước vào tuổi 27, độ tuổi tài năng đang phát triển để cống hiến cho cách mạng. Cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giai đoạn đó. Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản ở Đông Dương”.Hồ Chủ tịch trong bài Đạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 12/1958 đã viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” □
                       Ban tuyên giáo


11. TÀI THAO LƯỢC HỒ CHÍ MINH TRONG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

  PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đã hoạch định đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh là chính. Đồng thời, là Người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Chính bản lĩnh, tài năng thao lược, điều binh khiển tướng của Hồ Chí Minh là một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
1- Rất sớm thấy vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc và Biện Biên Phủ. Đi tới quyết định đúng hướng tiến công chiến lược
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã thấy rõ vị trí tầm quan trọng của hướng chiến dịch Tây Đông Dương trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua Thượng Lào và Trung Hạ Lào. Năm 1947, Người chỉ thị cho các đội vũ trang tuyên truyền phải kiên trì chiến đấu và gây cơ sở trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc, phải “đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên Phủ”1. Theo tư tưởng của Người, trong thư gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Bắc, ngày 1-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy quân đội ta khẳng định rõ:
“Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng…Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta thành công với các Khu giải phóng, Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến”2.
Cuối tháng 9 năm 1953, tại Bản Tỉn Keo, thôn Lục Giã, Huyện Định Hoá, Tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Quyết định đó đã điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương, khiến chúng sau này phải bị động tung quân lên Điện Biên Phủ, lập thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Trong cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“ Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
“ Phương hướng chiến lược không thay đổi.”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hoá”1.
Sau Hội nghị này, quân đội ta tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đó. Bộ đội chủ lực ta tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với bạn.

Ngày 21-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc. Người đề ra nhiệm vụ cho quân dân Tây Bắc là: Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến; bộ đội phải thi đua học tập, giúp đỡ đồng bào, sẵn sàng xung phong giết giặc; cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện cần kiệm liêm chính. Người khẳng định rõ:
“Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội, cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”2.
Quyết định đúng hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc đã mở đường đi tới thắng lợi của trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
2- Chấp nhận cuộc đọ sức quyết chiến lược đã dự tính từ lâu với tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ 5 năm, từ tháng 6 năm 1949, trong tác phẩm Giấc ngủ mười năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vẽ ra cảnh tượng cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau một trận đánh quyết chiến lược có quy mô rất lớn và rất ác liệt. Mặc dầu thực dân Pháp được một nước khác giúp đỡ, nhưng hơn một vạn quân địch đã bị tiêu diệt. Số quân đó tương đương với một vạn sáu quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Cuối năm 1953, phát hiện thấy ta đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, Na va quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Na va quyết định chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ, hòng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng. Tháng 2-1954, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Plêven sang Đông Dương tuyên bố: Tôi sang để giúp Nava chuẩn bị kế hoạch tiến công. Khi trở về Pháp, ông ta huênh hoang: Tướng Nava đoán chắc rằng Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ không đưa lại kết quả gì cho Việt Minh.
Thực tế diễn ra không như quân đội Pháp mong mỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động mở ra trận đánh quyết chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh này. Từ tháng 9 năm 1953, chủ trương chọn hướng tiến công chiến lược lên Tây Bắc, nơi địch yếu, sơ hở để đánh, đến tháng 12 năm 1953, Người và Đảng ta quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất ở Tây Bắc là Điện Biên Phủ, để đánh một trận lớn cuối cùng theo quy luật của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thắng lợi trên đất nước ta.
Ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
“ Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”1.
Tư tưởng chỉ đạo có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là tư tưởng Hồ Chí Minh “Quyết chiến, quyết thắng”. Người trao cho Quân đội ta lá cờ “Thi đua Quyết chiến, quyết thắng” với niềm tin lớn, quyết tâm lớn nhất định phải giành thắng lợi trong trận đọ sức chiến lược lớn nhất giữa ta với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi tập trung binh lực lớn nhất, với mật độ cao nhất, với những đơn vị tinh nhuệ nhất, cùng những cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp và viện trợ lớn nhất của Mỹ. Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ, lúc cao nhất lên tới 16.200 tên, chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Na va ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Còn về phía ta, Bộ Tổng tư lệnh đã điều lên đây 4 đại đoàn bộ binh, (thiếu 1 trung đoàn), 1 đại đoàn công pháo với tổng số hơn 5 vạn người; 3 vạn dân công, thanh niên xung phong và bộ đội hậu cần. Đây là chiến dịch ta huy động lực lượng tham chiến lớn nhất, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao nhất.
Trước ngày nổ súng tấn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ 13-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ:
“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú”1.
3- Không chỉ xác định đúng phương châm chiến lược cuộc chiến mà còn xác định đúng phương châm chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 25-1-1953, tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Bản báo cáo về tình hình trước mắt và nhiệm vụ của Đảng, chính phủ, quân đội ta. Trong đó Người nêu ra Phương châm chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của ta là:
“Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”1, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ.Tư tưởng của Người được khẳng định thành Nghị quyết của BCHTWƯ Đảng. Theo phương châm chỉ đạo đó, Quân ta tung ra các đòn tíên công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên-Duyên Hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung và Hạ Lào trong Đông Xuân 1953-1954. Ta buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp các chiến trường, trong khi đó ta lại tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc.
Tại Hội nghị này, về chỉ đạo quân sự Người nêu ra quan điểm:“ Đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do”. Các cấp uỷ, chỉ huy cần quán triệt quan điểm: Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn.
Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người nói: ” Trao chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Chính phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt trong chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ký ức sâu sắc nhất của ông trong chiến dịch này là khi phải quyết định đổi phương châm chiến dịch đánh nhanh, giải quyết nhanh đề ra lúc đầu, khi tình hình địch thay đổi. Nếu cứ theo phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, mà lực lượng địch đã được tăng cường, hệ thống phòng ngự của chúng đã được củng cố, thì có thể thất bại to. Kim chỉ nam cho hành động của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc đó chính là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ông đã quyết định ra lệnh rút mấy vạn quân ra khỏi trận địa, ra lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị trên một tháng, đào công sự cho bộ binh, xây dựng trận địa pháo binh, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Cả Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận cũng đều nhất trí quyết định đó. Đây được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định khó khăn đó cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh nhất trí duyệt y, dẫn tới thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng khẳng định mạnh mẽ với giới quan sát nước ngoài ngay từ đầu chiến dịch này. Tháng 3-1954, nhà báo Ôxtrâylia Bớcsét hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình Điện Biên Phủ. Người liền đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ nói: “Đây là Điện Biên Phủ, thung lũng có núi bọc cung quanh”. Sau đó, Người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp:”Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở chung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được”. Thực tiễn đã diễn ra đúng như thế.
Đồng chí Phạm Vưn Đồng kể rằng: Tháng 4 năm 1954, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang ác liệt. Ông đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi Giơ ne vơ. Người nói rằng sẽ có món quà quý tặng Đoàn đại biểu của ta. Món quà vô giá đó chính là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ bay đến đúng ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ khai mạc. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói một cách hình ảnh:”Thực lực là cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng; chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị ở trong nước là cơ sở, thực lực làm cho đấu tranh ngoại giao thắng lợi, dẫn tới Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết.
4- Tài dùng tướng giỏi.
Chủ tịch Hồ chí Minh từng khẳng định rằng người lãnh đạo có tài lãnh đạo sẽ làm cho người ”Tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”1. Muốn vậy, phải khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Trong chiến tranh, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Chính Người đã thực hiện tư tưởng đó với vị đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.
Tháng 2 năm 1944, khi quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh nói: ”Việc quân sự thì giao cho chú Văn”. Tức đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110 phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng. Ngày 28-5-1948, trong Lễ thụ phong chức đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm sắc lệnh mời đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trước bàn thờ Tổ quốc, Người tuyên bố:
“Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trao chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Ngày 1-1-1954, thay mặt Bộ Chính trị, Người trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban chỉ huy và Bí thư Đảng uỷ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời là Tổng chỉ huy tất cả các chiến trường, trừ chiến tường đồng bằng. Tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nói:
Tổng tư lệnh ra mặt trận”tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” .
Khi trao nhiệm vụ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm được đầy đủ 5 điều kiện cho thắng lợi của một cuộc chiến này. Theo binh pháp Tôn Tử, mà chính Người đã từng biên dịch, phân tích, giảng dạy cho tướng sĩ quân đội ta. Đó là:
1- Tướng biết có thể đánh và không đánh
2- Tướng biết cách dùng chủ lực và các bộ phận của bộ đội.
3- Trên dưới một lòng.
4- Ta luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị.
5- Tướng giỏi mà Chính phủ cho tướng đủ quyền.
Người đã thay mặt Đảng, Chính phủ ta tin tưởng, trao đủ quyền lực cho một vị tướng giỏi đáng tin cậy. Đó chính là việc làm đúng một nguyên tắc quân sự mà Người hằng trăn trở, căn dặn tướng sĩ quân đội ta: ”Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”1, có như vậy, kháng chiến mới có thể thắng lợi.
5- Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện đầy đủ tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh. Nó rất khác với các hoạt động chiến tranh thông thường chỉ sử dụng quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của 3 thứ quân và của toàn dân trên quy mô toàn quốc và trên toàn Đông Dương. Kết hợp khéo léo các chiến dịch tiến công và một số chiến dịch phản công của bộ đội chủ lực với các chiến dịch chống càn quét và hoạt động chiến tranh du kích. Kết hợp đánh địch đều khắp trên các chiến trường với đánh đòn quyết định chiến lược ở Điện Biên Phủ. Kết hợp tiền tuyến với hậu phương. Cả nước dốc sức cho Điện Biên Phủ theo khẩu hiệu” Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang và nhân dân ta diễn ra theo một kế hoạch tác chiến thống nhất, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Là lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, đồng thời là người chỉ huy tối cao của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã chủ toạ và tham dự nhiều cuộc họp của Bộ chính trị, Hội đồng Chính phủ để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước, nhằm giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến dịch, Người đóng “đại bản doanh” tại Hồng Thái, Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi chiến dịch sắp kết thúc, Người chuyển về làng Hả, thuộc Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi thắng lợi hoàn toàn, Người chuyển ra ở Văn Lang, Đại Từ, Thái Nguyên. Bất kỳ ở đâu, Người cũng nắm rất vững tình hình mặt trận, tình hình trong nước và thế giới liên quan đến mặt trận. Người gửi nhiều thư, điện cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, động viên cả nước dốc sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người còn viết nhiều bài báo, bài thơ, phóng sự về tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi quân ta chiến thắng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân dân ta đã toàn thắng tại Điện Biên phủ. Ngay ngày hôm sau, Người đã gửi điện cho Bộ Chỉ huy, nhiệt liệt khen ngợi, quyết định khen và khao thưởng cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên phủ.
Đáng chú ý là, ngay trong không khí phấn khởi tột độ của trận quyết chiến lược thắng lợi, Người đã lưu ý toàn Đảng, toàn dân ta một điều. “Thắng không kiêu”. Không say sưa vì thắng lợi. Cần thấy rõ những bước đường cách mạng phía trước hãy còn nhiều gian nan thử thách. Người khẳng định rõ:
“ Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn” .

KẾT LUẬN
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lới, ghi một “cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử nước ta. Nó báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên phủ làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công./.

12. Hầm chỉ huỷ chiến dịch Điện Biên Phủ
NGUYỄN TRI TÂM
Người kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.
Hầm chỉ huỷ chiến dịch Điện Biên Phủ
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ảnh: dulichvietnam.asia
Tháng tư năm ấy, chúng tôi ra sân bay đón tướng Hoàng Văn Thái và đoàn quân đội cao cấp từ Hà Nội lên thăm Điện Biên Phủ. Đêm hôm đó ông và đoàn ngủ trong nhà khách trung đoàn 82. Sáng hôm sau, xe tôi dẫn đường đưa tướng Hoàng Văn Thái đi Mường Phăng. Đến chân dốc Na Lơi, ông lệnh cho xe dừng nghỉ, xem phong cảnh núi rừng cuối xuân đang xanh tốt, điểm trắng hoa ban muộn. Có lẽ vùng Bắc lòng chảo Mường Thanh Điện Biên Phủ gợi ông nhớ đến chiến trường năm xưa. Tôi được ông cho ngồi cùng xe, để chuyện trò về cảnh cũ suốt đường dài đến trung tâm Mường Phăng. Đường vào Mường Phăng chưa hạ thấp độ dốc và trải nhựa. Hơn chục cây số đường rừng, cả người và xe cùng vất vả. Xe con vào được đến bản Bua, đoạn đường còn lại phải đi bộ. Từ bản Bua sang bản Phăng đi theo con suối nhỏ, hai bên rừng rậm cây lớn, vào đến khu vực hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, khoảng 4 km. Tướng Hoàng Văn Thái vui, nhưng dáng ông không được khoẻ, vừa thủng thẳng đi, vừa kể chuyện về chỉ huy sở... Con suối chúng tôi lội ngược, chảy qua bản Phăng, bản Bua, chính là con suối bọc quanh chân đồi-bố-phòng, có hầm chỉ huy. Hầm ngầm chữ chi, xuyên hết chiều dọc đồi, đủ cho nhiều người ăn ở và làm việc, tránh phi pháo... Xung quanh là hầm hố cá nhân và lán làm việc của cán bộ chiến sĩ, lán chuyên-gia, lán ông Liêm, lán ông Quang, nhà ăn, đại đội bảo vệ... Lán ông Giáp ở cửa hầm ngầm phía trên, lán ông Thái gần cửa hầm ngầm phía dưới...

Tướng Hoàng Văn Thái xa nơi này mấy chục năm, nhưng ông vẫn hướng đi theo vệt đường mòn ngày xưa, nhận ra ngay rừng mạy-thồ-lộ (loại gỗ người Thái thường lấy làm cột nhà sàn bền mấy đời người). Cây cổ thụ che rợp lán hầm ngầm cũ. Ông nhớ lúc chiến dịch căng thẳng ác liệt, có bữa ông thức bẩy ngày đêm liền cùng chiến sĩ của mình. Ông nhớ những lúc tựa lưng gốc cây, khắc vạch vào gốc cây quanh chỗ làm việc, cũng để xoá bớt căng thẳng mệt nhọc lo lắng trong người... Một tiếng đồng hồ nơi hầm Mường Phăng, chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tướng Hoàng Văn Thái cứ nhìn ngắm thiên nhiên xanh tươi, nắng trưa vàng sáng lá rừng hoang đã ngày tháng tư kỉ niệm chiến trường che chở đùm bọc mình....

Trở lại bản Phăng, tướng Hoàng Văn Thái mệt, lại nắng nóng, ông ngả lưng ngay đống gỗ chân sàn nhà dân mà nghỉ. Chúng tôi đã chuẩn bị võng và “cáng vải” để ông đỡ mệt, nhưng ông không chịu ngồi. Chậm rãi đi bộ, ông cùng chiến sĩ về bản Bua, lên nhà sàn ông Bóng, nằm nghỉ, chăn đệm Thái màu chàm xanh thêu hoa bông cỏ lau đất Mường Phăng. Bữa cơm đãi khách, bày thịt rượu trên lá chuối rừng trải dọc sàn nhà đông vui, ông không dự được. Ông ăn cháo nóng và ngủ thiếp đi...

Việc tu bổ, nâng cấp, tôn tạo khu di tích lịch sử hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chưa kịp hoàn thành, tướng Hoàng Văn Thái đã mất tại Hà Nội, chuyến đi thăm Mường Phăng ấy hoá thành lần cuối... Chúng tôi lặng nhìn hình ông trong tấm ảnh kỉ niệm: tướng Hoàng Văn Thái giản dị, ngồi bên ông Lò Văn Bóng, người du kích Thái bản Bua, làm công tác bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chính Chỉ huy sở Mường Phăng này...

Năm 1984, chúng tôi cũng đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Mường Phăng, nhưng đến Pa Khoang phải quay về. Đường kéo pháo năm xưa đã nằm dưới lòng hồ-thuỷ-nông Pa Khoang mới làm, đường vượt đèo vào Mường Phăng lại đang mở rộng, kiến thiết lại, đi không an toàn... Đại tướng không vui. 

Năm 1994, nhân dân Mường Phăng thoả ước vọng được đón khách quí. Bản Phăng có bãi đất rộng vùng ruộng một vụ thênh thang. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bãi rộng bản Phăng này là nơi hội quân, tuyên dương công trạng, nghe đọc thư khen của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ mừng ngày Điện Biên Phủ toàn thắng. Đến hôm nay, ai cũng gọi vùng ruộng này là vùng ruộng chiến thắng. Nhân dân già trẻ, phụ nữ địu con, váy áo dân tộc mới, hoa thêu đẹp xếp hàng đón khách quí từ sớm còn lãng đãng sương đêm... Gần 4 giờ chiều, mới thấy bóng máy bay lên thẳng lượn vòng hạ cánh. Gió cuộn xoáy lên. Tiếng hò reo bằng đủ thứ tiếng Thái, HMông, Khơ-mú, Kinh, sung sướng khi lần đầu có máy bay đến đây, khách quí lại là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai cũng biết tên... Tóc bạc trắng, quân phục xuân-hè, ông hiện ra ở cửa máy bay... Người bảo vệ Đại tướng ở chính hầm Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đón ông ngay chân thang máy bay. Hai người đồng chí, hai người bạn già ôm nhau mừng tủi trong tiếng vỗ tay kéo dài không dứt của nhân dân các dân tộc Mường Phăng. Giọng nói miền Trung thân thương của Đại tướng xin lỗi nhân dân vì máy bay đến muộn... Đại tướng thăm hầm chỉ huy cũ, ông không nói, chỉ nhìn ngắm lắng nghe... 

Trước lúc chia tay nhân dân Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhắc: Ở đây xưa nhiều tiếng chim, tiếng con nai, tiếng gà rừng; nhiều cây lớn, phong lan nở hoa đẹp lắm, ta hãy cố giữ rừng cho tươi tốt mãi mãi...

Ở Điện Biên Phủ thì nhiều lắm, những kỉ niệm cảm động giữa các bạn chiến đấu năm xưa. Tác giả chọn ghi lại thành những đoạn văn ngắn, mà chiến sĩ Điện Biên Lương Văn Chính nhớ và kể lại...

13. Cuộc hành quân ngược dòng và con đường chiến lược 111
 Trong không khí của ngày toàn thắng 7/5/1954, khi phần lớn các đơn vị quân đội thuộc nhiều binh chủng, các lực lượng dân công… rầm rập hành quân “về xuôi” thì lại có một cuộc hành quân ngược dòng tiến về Ma Lù Thàng để thực thi nhiệm vụ mới: Công trường 111!
Sau khi hiệp định Giơnevơ ký kết, Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Đoàn TNXP và UBND tỉnh Lai Châu mở con đường chiến lược quốc phòng đặc biệt, từ cửa khẩu Ma Lù Thàng (giáp giới tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) đi thị xã Lai Châu (cũ) với mục đích đề phòng nếu đế quốc Mỹ và Ngụy phá hoại Hiệp định, do đây là tuyến đường xung yếu nối liền Việt Nam với Trung Quốc.

Con đường dài 82km, khởi công từ tháng 10/1954 và kết thúc vào tháng 6/1957. Lực lượng tham gia mở đường chiến lược đặc biệt này gồm hơn 8.000 thanh niên xung phong (TNXP) thuộc hai đội 34 và 40 (thuộc đoàn TNXP Trung ương) sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Do yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, các đơn vị vừa khảo sát, vừa mở đường tìm tuyến, vừa thi công. Suốt hơn 3 năm chiến đấu, lao động trong hoàn cảnh khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, lại phải lo đối phó với bọn tàn quân thổ phỉ phục kích giật mìn, bắn lén…, hơn 100 TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ.

Con đường chiến lược hoàn thành. Đầu năm 1957, những người lính TNXP trước khi về xuôi, đã quy tập đồng đội và khởi công xây dựng nghĩa trang Chăn Nưa (thuộc bản Chiềng Chăn - xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ngày nay). Chỉ có điều, hơn 50 năm đã qua đi, nghĩa trang TNXP Chăn Nưa vẫn lạnh lẽo và bị lãng quên giữa núi rừng. 

Cuộc hành quân ngược dòng và con đường chiến lược 111
Cầu Hang Tôm – điểm bắt đầu của con đường mang bí danh 111 năm xưa. Ảnh: Kiên Trung
Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, phóng viên VietNamNet đã “ngược dòng” xuyên lòng Tây Bắc, từ Mộc Châu - Sơn La vượt ngã ba Cò Nòi, sừng trời Pha Đin… lên Điện Biên, ngược sông Đà men theo dòng Nậm Na, cắt đường xuyên Tây Bắc lên Pa Tần, Ma Lù Thàng (Pa Nậm Cúm) để đi tìm lại những dấu vết của công trường mang mật danh 111. 
Cuộc hành quân ngược dòng
Đội TNXP 34 và 40 (thuộc đoàn TNXP Trung ương) là hai đơn vị TNXP được ra đời trong thời điểm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông và phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Địa bàn hoạt động của hai đội 34, 40 thuộc Tây Bắc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Cũng như nhiều lực lượng tham gia chiến dịch ở thời điểm đó, nguyện vọng của nhiều anh em TNXP hai đội 34, 40 là mong muốn được “về xuôi” để đoàn tụ gia đình, xây dựng hợp tác xã, hoặc được đào tạo, nâng cao tay nghề, tham gia công tác lâu dài tại địa phương... Cho nên, cuộc “hành quân ngược dòng” theo sự giao phó của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ thực sự là một thách thức lớn đối với hai đội 34 và 40.

Cuộc hành quân ngược dòng và con đường chiến lược 111
Ông Trần Khắc Lộng – cựu TNXP tham gia làm tuyến đường 111, hiện là nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Y tế Việt NamẢnh: Kiên Trung
Ông Trần Khắc Lộng - người TNXP năm xưa thuộc quân số của đội 40, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Y tế Việt Nam, tâm sự: "Giữa lúc tư tưởng anh em còn chưa thực sự thông suốt, thì chúng tôi được thảo luận, học tập lời căn dặn của Bác Hồ qua một bài báo Bác viết về Đoàn TNXP. Có một đoạn Bác viết:

Một số anh em vào đoàn vì muốn thành cán bộ ngay để đi “du lịch” các nước bạn; một số anh em thích thay đổi công việc, thích làm những việc “oai”. Còn công việc cầu đường, công việc ở các cơ quan làm “tầm thường quá”, thậm chí khi làm những việc ấy thì sợ xấu. Một số đoàn viên khi làm xong công việc một đợt thì muốn nghỉ ngơi để chỉnh huấn, những tư tưởng ấy đều sai lầm, không đúng với tinh thần xung phong".

Bài báo của Bác vừa nêu đúng tâm lý, diễn biến tư tưởng, vừa giải đáp kịp thời những băn khoăn nên sau khi học tập, liên hệ kiểm điểm, tự phê bình những biểu hiện sai trái, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, hai đội 34, 40 một lần nữa xác định tư tưởng, hạ quyết tâm vượt khó. Cuộc “hành quân ngược dòng” được thắp lửa từ những lời dạy của Bác như thế...

Vậy là hơn 8.000 TNXP thuộc hai đội 34 và 40, những người vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp tục hành quân vượt qua quãng đường dài ngót 300km vượt sông Đà, vượt bốn đèo “kinh hoàng” nhất Tây Bắc về độ dài và cao: đèo Pha Đin; đèo Cờ-ra-vô; đèo Sìn Hồ, vượt hơn 100km từ Lai Châu lên vùng giáp giới Ma Lù Thàng (tiếp giáp Vân Nam - Trung Quốc).  

Điểm cột mốc bắt đầu vào thị xã Mường Lay – một trong ba huyện Mường Lay, Sìn Hồ, Phong Thổ nằm trên công trường 111. Ảnh: Kiên Trung
Đây là vùng rừng nguyên sinh, chưa có đường, phải lần theo từng đoạn đường mòn đi xuyên trong núi cao, rừng rậm. Chưa kể, tuyến đường hành quân qua những trọng điểm giao thông bị địch tàn phá trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vẫn còn nham nhở những hố bom và đạn bom còn sót lại. Dọc tuyến đường không có cung độ, không có lán trại và kho lương thực dã chiến. Từ điểm xuất phát, mỗi đơn vị chỉ có một ít gạo mang theo, còn phần lớn dựa vào kết quả của cán bộ tiền trạm và cán bộ địa phương vận động nhân dân các dân tộc… dọc đường hành quân.

Ngày 3/8/1954, đại đội 302 (đội 34) đơn vị đầu tiên khởi hành từ Mộc Châu (Sơn La) đi Biên Giới. Sau đó, các đơn vị lần lượt xuất phát hành quân đi Sơn La, vượt đèo tới thị xã Lai Châu rồi vượt sông Đà bằng phà hoặc thuyền độc mộc huy động của đồng bàodân tộc Thái. Điểm “tập kết” trung chuyển là dinh thự Đèo Văn Long - vua Thái nằm giữa “bán đảo” thuộc ngã ba sông Đà và sông Nậm Na, sau đó vượt đèo Sìn Hồ qua thủ phủ thị xã Mường Lay, qua Pa Tần men sông Nậm Na lên Ma Lù Thàng, xuyên rừng đến địa điểm tập kết của một đơn vị được bố trí dọc tuyến đường.

Các đại đội 299, 401, 404 (thuộc đội 40) đang làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường ở Điện Biên Phủ, sẽ đến sau.

Theo sự phân công của Đảng, Chính phủ, đội 40 có nhiệm vụ làm tuyến đường từ Pa Tần lên Ma Lù Thang; đội 34 đảm nhiệm tuyến từ Pa Tần về Mường Lay, mỗi đội có nhiệm vụ thi công ngót 40 - 50km đường chiến lược.

Trong tổng chiều dài gần 100km từ thủ phủ Lai Châu cũ lên điểm giáp ranh biên giới Ma Lù Thàng, có tới 70% quãng đường nằm kề bên dòng Nậm Na. Ảnh: Kiên Trung
Theo đặc điểm lịch sử và thực tế khó khăn lúc bấy giờ, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra cho hai đội phải tập kết nhận nhiệm vụ tại các địa điểm vào đúng cuối tháng 8/1954, để nhanh chóng ổn định, chuẩn bị cần thiết cho việc khởi công Công trường 111 vào khoảng tháng 10/1954. Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Công chính, Đoàn TNXP, UB Kháng chiến Hành chính tỉnh Lai Châu… nhận được lệnh phải hoàn thành tuyến đường chiến lược vào cuối năm 1956.