Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Chiến tranh Mỹ - Iraq (2003)


1. Chiến tranh Iraq – Những điều chưa kể 

Cao Minh
(Petrotimes) - Từ cuối tháng 12/2001, Nhà Trắng đã lập kế hoạch đánh Iraq, bắt đầu từ các cuộc gặp liên tục giữa Bush và tướng Tommy R. Franks. Kế hoạch càng mở rộng trong suốt năm 2002 khi CIA kết luận rằng, Saddam Hussein không thể lật đổ nếu không bằng biện pháp nắm đấm quân sự.
Ngày 14/12/2011, tại doanh trại Fort Bragg (North Carolina), Tổng thống Barack Obama đã đọc bài diễn văn đánh dấu cột mốc chính thức cho sự triệt thoái hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Iraq sau gần 9 năm chiến tranh với gần 4.500 người thiệt mạng và 30.000 người bị thương. Tổng thống Obama nói: “Tất cả những gì quân đội Mỹ làm ở Iraq, tất cả sự chiến đấu và hy sinh, sự đổ máu và xây dựng, sự huấn luyện và hợp tác, đã dẫn chúng ta đến thời khắc thành công này”. Tuy nhiên, Obama đã không một lời nhắc đến lý do dẫn đến việc người Mỹ đổ máu như vậy tại Iraq, không một lời đề cập đến nguyên nhân khiến Mỹ vấy bùn vào bãi lầy Iraq, không một lời nhắc lại sự ê chề của những che đậy dối trá mà người tiền nhiệm Bush đã tiến hành khi quyết định thí mạng người Mỹ vào chiến trường Baghdad…
Kỳ I: Hậu trường bộ máy chiến tranh
Bush bắt đầu “mài dao” từ lúc nào?
Từ cuối tháng 12/2001, Nhà Trắng đã lập kế hoạch đánh Iraq, bắt đầu từ các cuộc gặp liên tục giữa Bush và tướng Tommy R. Franks. Kế hoạch càng mở rộng trong suốt năm 2002 khi CIA kết luận rằng, Saddam Hussein không thể lật đổ nếu không bằng biện pháp nắm đấm quân sự. Trước đó, ngày 21/11/2001 (72 ngày sau vụ khủng bố 11/9), ông Bush đã yêu cầu Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld lập kịch bản đánh Iraq. Ngày 16/2/2002, ông Bush ký lệnh yêu cầu CIA trợ giúp Lầu Năm Góc. Vài tháng sau, tháng 7/2002, một nhóm CIA đã bò vào Bắc Iraq, tổ chức công tác do thám đồng thời huấn luyện 87 người Iraq (mật danh ROCKSTARS – những ngôi sao rock) với nhiệm vụ cung cấp toàn bộ thông tin liên quan tình báo, quốc phòng Iraq, trong đó có một CD-ROM chứa hồ sơ cá nhân thành viên Tổ chức An ninh Iraq (SSO).
Hè 2002, ông Bush chuẩn y 700 triệu USD cho công tác chuẩn bị chiến trường vùng Vịnh, trong đó việc nâng cấp sân bay, căn cứ, đường ống dẫn nguyên liệu và đổ đầy kho đạn dược. Lấy từ ngân sách được Quốc hội chuẩn y cho Afghanistan, Nhà Trắng đã âm thầm qua mặt Quốc hội trong kế hoạch Iraq. Cũng trong hè 2002, xung đột giữa Ngoại trưởng Colin Powell và Phó tổng thống Dick Cheney bắt đầu căng thẳng. Trong khi Powell đòi đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, Cheney lại cho rằng, việc này chỉ tổ phí thời giờ. Đồng minh Powell là Brent Scowcroft, nguyên cố vấn an ninh quốc gia thời ông Bush-cha. Trên chính trường thế giới, Nhà Trắng nhận được tín hiệu ủng hộ đầu tiên từ Thủ tướng Anh Tony Blair (trong cuộc gặp Bush tại Trại David vào tháng 9/2002). Chính xác hơn, Tổng thống Bush đã yêu cầu Tony Blair ủng hộ việc lật đổ Saddam Hussein trong bữa tiệc tại Nhà Trắng vào 9 ngày sau vụ 11/9…

George W. Bush và Donald Rumsfeld bắt đầu cùng "mài dao" chuẩn bị xử Saddam từ cuối năm 2001
Cuối năm 2002, ông Bush bắt đầu bồn chồn và hết kiên nhẫn trước tiến trình thanh sát vũ khí của Hans Blix. Không lâu sau ngày đầu năm 2003, Bush nói với cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice rằng: “Chúng ta sẽ không thắng (trong chiến dịch ngoại giao). Thời gian không bên cạnh chúng ta. Có lẽ chúng ta buộc phải đi đến giải pháp chiến tranh”. 10 ngày sau, ông Bush thông báo quyết định mình cho cố vấn Tổng thống Karl Rove rồi sau đó là Cheney, Powell, Rumsfeld và cả đại sứ Arập Xêút Bandar bin Sultan.
Ngày 11/1/2003, Cheney mời Bandar bin Sultan đến văn phòng riêng tại chái Tây (Nhà Trắng). Cuộc họp có sự tham gia của Rumsfeld và tướng Richard B. Myers (Tổng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ). Trên bàn Cheney, Myers trải tấm bản đồ to ghi “TOP SECRET NOFORN” (Tuyệt mật-Không dành cho người nước ngoài). Tiếp đó, Myers trình bày phần thứ nhất của kế hoạch chiến tranh, trong đó có chiến dịch oanh tạc dữ dội suốt nhiều ngày và mục tiêu chủ yếu là các sư đoàn Vệ binh cộng hòa Iraq cũng như bộ tư lệnh quân đội Saddam Hussein. Cuộc chiến trên bộ sẽ tiếp theo, với lực lượng bộ binh Mỹ kéo vào Iraq từ Kuwait, phối hợp mặt trận phía bắc từ Thổ Nhĩ Kỳ (nếu nước này cho phép). Ngoài ra, còn có kế hoạch triển khai lực lượng đặc nhiệm cũng như tình báo bán vũ trang, đột nhập tất cả địa điểm mà Saddam có thể phóng tên lửa hoặc máy bay vào Arập Xêút, Jordan hoặc Israel. Đặc nhiệm còn có nhiệm vụ phát 300 triệu USD cho các thủ lĩnh sắc tộc địa phương, thủ lĩnh tôn giáo và sĩ quan cấp cao quân đội Saddam.
“Một khi chúng tôi bắt đầu, Saddam sẽ bị nướng chín”!
Lính đặc nhiệm sẽ xuất phát từ biên giới Iraq – Arập Xêút và do vậy nhất thiết phải có sự trợ giúp che chắn từ Chính phủ Arập Xêút. Bandar bin Sultan cho biết Arập Xêút có thể che giấu sự xuất hiện của lính đặc nhiệm Mỹ bằng cách đóng cửa một sân bay dân sự tại Al Jawf ở sa mạc phía bắc, tung liên tục các trực thăng dọc biên giới để nghi binh làm như tuần tra rồi lẳng lặng rút lui. Trong thời gian đó, đặc nhiệm Mỹ có thể lập căn cứ dã chiến mà không gây chú ý. Nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ tuyệt mật, Bandar bin Sultan (nguyên là phi công chiến đấu) hỏi vài câu liên quan chiến dịch oanh tạc. Liệu có thể đưa một tấm bản đồ tương tự về Arập Xêút cho Thái tử Abdullah? – Bandar bin Sultan hỏi. “Điều này vượt quá quyền hạn của tôi” – Myers trả lời. “Chúng tôi sẽ trao tất cả thông tin mà ông cần” – Rumsfeld châm vào. “Phần tấm bản đồ” – Rumsfeld nói thêm – “Tôi sẽ không đưa ông. Tuy nhiên, ông có thể ghi chú nếu ông muốn”. “Liệu Saddam Hussein có cơ hội sống sót qua chiến dịch quân sự này?” – Bandar bin Sultan hỏi. Cả Rumsfeld và Myers đều không trả lời. Đến lúc đó, Cheney mới lên tiếng: “Hoàng tử Bandar, một khi chúng tôi bắt đầu, Saddam sẽ bị nướng chín”!

Barack Obama, với tư cách tổng thống tân cử, tại Trại Victory (Baghdad) ngày 7/4/2009
Trở ra từ Nhà Trắng, trong xe hơi, Bandar bin Sultan vội phác họa lại các chi tiết trên bản đồ. Khi về đến nhà, ông xem ngay tấm bản đồ khu vực được CIA cung cấp trước đó. Hôm sau, Chủ nhật, bà Rice điện, mời Bandar bin Sultan đến Nhà Trắng vào thứ Hai, 13/1/2003. Trong buổi gặp, ông Bush cho biết mình đã xem xét các ý kiến tư vấn về phản ứng cộng đồng Hồi giáo một khi chiến sự nổ ra. Trong cùng ngày, ông triệu Powell vào Nhà Trắng và thông báo quyết định tấn công Iraq. “Ngài có chắc không?” – Powell hỏi, nhấn mạnh thêm rằng Mỹ nên lường trước hậu quả. Một lần nữa, Bush vẫn khẳng định, hàm ý rằng, đây không phải là buổi thảo luận mà là thông báo quyết định. Chẳng còn gì có thể thay đổi. Powell cũng biết rằng mình đã không được mời tham gia kế hoạch tấn công Iraq ngay từ đầu và chỉ được thông báo chiếu lệ (buổi gặp Powell kéo dài vỏn vẹn 12 phút).
Trước khi gặp Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski vào hôm sau, ngày 14/1/2003, phản ứng mất kiên nhẫn của ông Bush về vấn đề Iraq càng lộ rõ hơn. 10 ngày trước, Bush còn nói Saddam Hussein “vẫn còn đủ thời gian”. Tuy nhiên, sáng 14/1/2003, Bush đã nóng nảy phát biểu rằng “thời gian không còn nhiều cho Saddam Hussein”. Cuộc họp giữa Bush và Aleksander Kwasniewski thật ra cũng là chiến dịch vận động Ba Lan ủng hộ Mỹ. Trong phiên bàn luận, Aleksander Kwasniewski đề nghị tiến hành phân phát lương thực cho dân Iraq song song chiến dịch quân sự. Và như Powell, Aleksander Kwasniewski cũng hỏi về hậu quả của cuộc chiến. Tuy nhiên, với ông Bush, vấn đề bây giờ không là tính toán hậu quả mà là tìm kiếm đồng minh càng nhiều càng tốt cho chiến dịch quân sự. Ít nhất đó cũng là sự thể hiện “ủng hộ quốc tế” trên mặt trận ngoại giao.
CIA và bàn tay lông lá
Ngày 2/2/2002, Giám đốc CIA George J. Tenet gặp Phó tổng thống Dick Cheney – theo yêu cầu Cheney – để trình bày kế hoạch tình báo tại Iraq. Nhiều tháng sau vụ khủng bố 11/9, với Tenet, vấn đề chống khủng bố quan trọng hơn Iraq nhiều lần. Tuy nhiên, một trong những viên chức  CIA cấp cao – chỉ huy Nhóm chiến dịch Iraq (IOG), mang mật danh Saul – đã không nghĩ như vậy. Thuộc Ban Cận Đông trong CIA, nơi chuyên xử lý những điệp vụ khó khăn tại các nước “nguy hiểm”, IOG được mệnh danh là “ngôi nhà đồ chơi hỏng”, gồm các viên chức CIA nổi tiếng lì lợm hoặc nhân viên lâu năm sắp về vườn.
Sau khi được bổ nhiệm chức chỉ huy vào tháng 8/2001, Saul bắt đầu phác thảo xem CIA có thể làm gì tại Iraq. Sinh tại một thị trấn nhỏ ở Cuba, Saul 43 tuổi từng làm việc cho CIA trong nhiều năm với đủ vỏ bọc nhạy cảm. Bố Saul là một trong những điệp viên nếm mùi thất bại chiến dịch Vịnh Con heo năm 1961 khi 1.200 tay súng Cuba lưu vong bị CIA bỏ rơi ngoài bãi biển Cuba. Tường trình với Cheney, Saul cho biết CIA không thể đảo chính Saddam Hussein. Từng đi lên quyền lực bằng đảo chính, Saddam có quá nhiều kinh nghiệm đối phó. Ngoài ra, người Kurd, Shiite cũng như đám cựu sĩ quan quân đội Iraq đều biết rõ lịch sử “đem con bỏ chợ” của CIA; cho nên, điều cần làm đầu tiên là phải lấy lại lòng tin.
Với chuẩn y của George J. Tenet, Saul cùng Phó giám đốc CIA John E. McLaughlin và James L. Pavitt (phó giám đốc chịu trách nhiệm các chiến dịch đặc biệt) dựng chi tiết kế hoạch tình báo phối hợp quân đội mà ông Bush ký ngày 16/2/2002. Ngân sách cho chiến dịch là 200 triệu USD, tiến hành trong hai năm. Không ai trong Quốc hội được thông báo về chiến dịch, trừ hai chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng và Hạ viện (sau nhiều tranh luận, ngân sách bị rút xuống còn 189 triệu USD).
Tháng 3/2002, Tenet bí mật gặp hai nhân vật quan trọng: Massoud Barzani và Jalal Talabani (thủ lĩnh hai nhóm lớn thuộc cộng đồng người Kurd, Bắc Iraq). Tenet có một thông điệp quan trọng: lần này, Mỹ hoàn toàn nghiêm túc; rằng tình báo lẫn quân đội Mỹ đang chuẩn bị đến vùng Vịnh; một giai đoạn mới bắt đầu… Tiếp đó, Tenet đưa ra mồi nhử: hàng triệu USD đang sẵn trong tay. Nếu viên chức Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Ngoại giao trả tiền cho chiến dịch lật đổ một chính phủ, điều này là phạm luật. Tuy nhiên, việc đó lại được xem “hợp pháp” khi CIA đứng ra thực hiện.
“Quỷ sứ hóa” Saddam Hussein
Saul biết rằng, sẽ chẳng được tích sự gì nếu CIA lởn vởn ngoài biên giới Iraq. Cần phải thâm nhập vào bên trong. Saul bắt đầu tuyển mộ tình nguyện viên. Một trong những người như vậy là Tim, nguyên lính đặc nhiệm SEAL nói rành tiếng Arập từng làm việc nhiều năm tại Trung Đông. Tim được phân công dẫn hai toán CIA bán vũ trang vào bắc Iraq, với chỉ thị: cần thâm nhập vào quân đội Saddam; vào lực lượng tình báo, vào hàng ngũ Vệ binh cộng hòa; rằng mạng lưới người dân tộc phải được mua chuộc làm việc cho Mỹ để trở thành các nhóm bán vũ trang chịu trách nhiệm phá rối và gián điệp; tạo quan hệ tốt với người Kurd; xem thử có thể huấn luyện họ để tấn công quân đội Saddam tại phía bắc được không…
Tháng 7/2002, Tim và nhóm CIA thực hiện chuyến hành trình dài 10 tiếng từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq, trên những chiếc Land Cruiser, Jeep và xe tải. Tiếp đó, họ lập căn cứ tại Sulaymaniyah (vùng núi bắc Iraq thuộc kiểm soát người Kurd). Tháng 10, họ trở lại, mang theo hàng chục triệu USD (giấy 100 USD). Không lâu sau, trò mua chuộc bắt đầu có dấu hiệu tốt. Một sĩ quan thuộc Tổ chức an ninh đặc biệt (SSO) của Saddam Hussein đã cung cấp một CD-ROM chứa hồ sơ 6.000 nhân viên SSO với đầy đủ thông tin liên quan cá nhân và ảnh. Ngoài ra, Tim còn tuyển mộ nhóm siêu mật DB/ROCKSTARS (DB là mật danh ám chỉ Iraq). Với 100 điện thoại vệ tinh mang theo, Tim phát cho 87 tay ROCKSTARS tại Umm Qasr và Mosul. Mạng lưới thông tin gián điệp bắt đầu hình thành.

Ngoại trưởng Colin Powell được đưa ra làm bung xung tại LHQ
Trong cùng thời gian, George J. Tenet còn mang nhiệm vụ tìm ra bằng chứng về vũ khí giết người hàng loạt (WMD) của Saddam Hussein. Bản báo cáo chính thức Đánh giá tình báo quốc gia (NIE) vào tháng 12/2000 kết luận rằng Saddam có một kho nhỏ chất hóa sinh. Thông tin trên dựa chủ yếu vào sự chênh lệch giữa báo cáo Iraq với thanh sát viên Liên Hiệp Quốc và hồ sơ ghi nhận số vũ khí – hóa chất được tiêu hủy sau đó (theo yêu cầu Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, ở thời điểm 2002, CIA gần như mù tịt về WMD Iraq. Trước sức ép một số thành viên Dân chủ, Hội đồng Tình báo quốc gia – NIC (gồm đại diện các cơ quan an ninh Mỹ) bắt đầu rà soát lại thông tin tình báo liên quan. Chẳng cần mất nhiều thời giờ, NIC cũng nhận thấy hầu hết thông tin đều lạc hậu và không đáng tin cậy. Iraq vẫn là mục tiêu khó tiến hành chiến dịch gián điệp và nơi mà CIA có thể tiếp cận – bắc Iraq – lại chẳng tìm thấy gì.
Gút lại, bản Đánh giá tình báo quốc gia chỉ là… một đánh giá hơn là một kết luận chính xác! Stuart A. Cohen – chuyên gia tình báo lão luyện với thâm niên 30 năm, người ngồi ghế chủ tịch NIC thời điểm xem xét vấn đề WMD Iraq – cho biết ông đã tìm cách tránh né các từ nước đôi (“có lẽ”, “có thể”, “có khả năng”…), đơn giản vì bằng chứng quá kém thuyết phục.
Kỳ II: Những màn kịch tuyên truyền
(Tiếp theo và hết)
“Liên Hiệp Quốc kết luận rằng, Saddam Hussein có đủ nguyên vật liệu để sản xuất hơn 38.000 lít chất độc botulinum, đủ để giết hàng triệu người. Hắn không cho thấy bằng chứng hắn đã hủy bỏ chúng. Tình báo chúng ta đánh giá rằng Saddam Hussein có đủ nguyên vật liệu để sản xuất 500 tấn sarin, mù tạt và VX… Tình báo chúng ta cho biết Saddam Hussein có đến 30.000 đầu đạn dùng phát tán hóa chất độc hại… Chính phủ Anh cũng biết rằng, Saddam Hussein gần đây đã mua lượng uranium đáng kể từ châu Phi…” – đó là đoạn trích từ Thông điệp liên bang ngày 28/1/2003 của Tổng thống George W. Bush…
“Đừng lo, chắc mà!”
Vài tuần trước khi tấn công Iraq, thanh sát viên vũ khí Liên Hiệp Quốc đã tiếp cận một trong những địa điểm tình nghi nhất Iraq: Abu Ghreib, ngoại ô Baghdad, nơi từng bị bom Mỹ phá hủy ngày 23/1/1991. Iraq cho biết Abu Ghreib là nhà máy sữa, như thông tin từ phóng viên CNN Peter Arnett, nhưng Mỹ tin rằng nơi này từng là “ổ” sản xuất vũ khí sinh học. Vài giờ sau vụ không kích (23/1/1991), tướng Colin Powell tường trình tương tự trong cuộc họp báo và tiếp đó nó được nhắc lại từ phát ngôn viên Nhà Trắng Marlin Fitzwater. Trong khi đó, phóng sự Peter Arnett quay cánh cổng nhà máy với tấm biển to “Nhà máy sữa trẻ em” (bằng tiếng Arập và tiếng Anh) cùng hàng chữ tương tự trên lưng áo công nhân.
Tháng 8/1990, Peter Arnett đã có mặt ở Abu Ghreib. Lầu Năm Góc cho biết, Abu Ghreib được bảo vệ nghiêm nhặt như pháo đài bởi lực lượng quân sự Iraq cùng hàng rào thép gai vây quanh. Tuy nhiên, Peter Arnett chỉ thấy một nhân viên bảo vệ ở cổng và bên trong toàn sữa bột. “Đó là những gì tôi thấy tận mắt. Nó (nhà máy) trông vô tội như chúng ta có thể chứng kiến”. Nhà Trắng bị sốc. Một ngày sau phóng sự Peter Arnett, phát ngôn viên Nhà Trắng Marlin Fitzwater nói rằng: “Tất cả những gì Peter Arnett trình bày đều được Chính phủ Iraq kiểm duyệt và chuẩn y. Thông tin này sai, làm tổn thương Chính phủ (Mỹ) và là trò ma mãnh của Saddam Hussein”. Nói cách khác, Baghdad vẫn lừa thế giới!

"Ta thắng rồi nhỉ, xin chúc mừng!" - bà Rice và ông Rumsfeld
Ngày 21/12/2002, Giám đốc CIA Tenet và (Phó giám đốc CIA) John E. McLaughlin vào Phòng Oval để trình bày vấn đề vũ khí giết người hàng loạt (WMD). Cuộc họp, ngoài Bush, còn có Cheney, cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice và Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew H. Card Jr. Sau khi nghe McLaughlin trình bày, Bush lộ vẻ thất vọng, tương tự Andrew H. Card. Nói theo thuật từ thương mại, “món” này sẽ chẳng thể bán buôn gì được! Ông Bush quay sang Tenet: “Tôi được báo cáo nhiều về WMD. Hóa ra bằng chứng tốt nhất của chúng ta chỉ bấy nhiêu thôi ư?”. Thật bất ngờ, từ vị trí cuối phòng, sếp CIA George Tenet nhỏm dậy, giơ tay và nói: “Chắc đấy mà!”. Bush hỏi vặn: “George, chắc như thế nào?”. “Đừng lo, chắc mà!”. Sự khẳng định của Tenet khiến mọi người bất ngờ.
Sau đó, theo yêu cầu Bush, Tenet lập báo cáo 40 trang, gửi đến Nhà Trắng ngày 22/1/2003, làm cơ sở cho thông tin báo chí. Bush đưa báo cáo trên cho vài luật sư dày dặn để xem xét có chỗ sơ hở nào không. Trong số những người được đưa, có Stephen J. Hadley (phó của bà Condoleezza Rice; tốt nghiệp Đại học Luật Yale 1972) và Lewis Libby (tùy viên Cheney; tốt nghiệp Đại học Luật Columbia 1975). Cuối cùng, sau khi đến CIA trực tiếp đối chất vài viên chức, ngày 25/1/2003, Lewis Libby tiến hành buổi báo cáo trong Phòng Tình huống, với tham dự của Rice, Thứ trưởng Ngoại giao Richard L. Armitage, Giám đốc Thông tin Nhà Trắng Dan Bartlett và chuyên gia soạn diễn văn Michael Gerson. Mục đích cuộc họp là cùng soạn thảo thông tin xào nấu về WMD để công bố chính thức cho báo chí. Bà Rice đề nghị giao phần việc thông tin dư luận cho Powell và nhất thiết phải trình bày trước Liên Hiệp Quốc. Một lần nữa, Powell bị đẩy ra làm bung xung trong khi lại bị bỏ chầu rìa ở những kế hoạch hậu trường…

Phó tổng thống Dick Cheney tại căn cứ không quân Balad (Iraq) ngày 18/3/2008
Đầu tháng 1/2001, trước khi Bush tổ chức lễ đăng quang tổng thống, Cheney gửi một thông điệp cho Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm William S. Cohen: “Chúng tôi thật sự cần báo cáo vài điều cho tổng thống tân cử” và vấn đề thảo luận hàng đầu sẽ là Iraq. Từng ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng thời Bush-cha, Cheney tỏ ra ấm ức trước sứ mạng dang dở trong cuộc chiến vùng Vịnh lần một. Ngày 10/1/2001, Bush, Cheney, Rumsfeld, Condoleezza Rice và Powell vào Lầu Năm Góc gặp Cohen và sau đó hội kiến hội đồng tham mưu quân đội. Các viên tướng trình bày về vùng cấm bay tại Iraq, cho biết khu vực này nguy hiểm và tốn kém để duy trì, bởi chiến đấu cơ hàng chục triệu USD của Mỹ luôn bị đe dọa bởi súng phòng không 57 ly của Iraq. Cheney ngồi nghe, mắt nhắm nghiền, ra vẻ mệt mỏi. Tuy nhiên, Cheney đang thai nghén một kế hoạch riêng. Trong vài tháng đầu của nội các mới, Cheney đi một vòng đến các cơ quan tình báo, từ CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đến Cơ quan Quân báo Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc.
Trước hè 2001, Cheney thuê đô đốc nghỉ hưu Steve Abbott giám sát chương trình phòng vệ quốc gia. Với ủng hộ ngầm của Bush, Cheney trở thành người trông coi tất cả kịch bản xấu nhất có thể xảy ra cho nước Mỹ. Cheney cho rằng, nội các Clinton đã thất bại trong phản ứng trước hành động khủng bố, từ vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993, vụ đánh bom căn cứ quân sự Mỹ tại Khobar Towers (Arập Xêút) năm 1996, vụ khủng bố hai sứ quán Mỹ tại Đông Phi năm 1998 đến vụ tấn công tàu USS Cole tại Yemen năm 2000. Ngoài ra, Cheney còn lo đối phó Colin Powell.
Tống Colin Powell vào “tủ lạnh”!
Chỉ đứng sau Cheney trong nội các Bush, Powell từng đụng độ Cheney nhiều lần. Trong hồi ký My American Journey (ấn hành năm 1995), Powell kể rằng, Cheney và mình – chưa bao giờ, trong gần 4 năm – có 1 giờ tâm tình thân mật. Từng định tranh cử tổng thống năm 1996, Powell cũng có quan hệ khá tế nhị với Bush. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong 16 tháng đầu của nội các Bush, Powell đã bị quẳng vào “tủ lạnh” hay nói cách khác, ông cùng người phó mình (Richard Armitage) bị cô lập hoàn toàn, đến mức không ít tờ báo từng loan tin Powell định từ chức. Khi vụ Iraq ngày càng sôi sùng sục trong bộ máy chiến tranh Nhà Trắng, Powell càng khó chịu. Armitage có lần đề nghị Powell thường xuyên gặp riêng Bush để củng cố quan hệ cá nhân.
Ngày 5/8/2002, Bush triệu tập Powell và Condoleezza Rice. Trong tay Powell là sấp giấy phác họa vài chi tiết quan trọng, chẳng hạn chiến tranh có thể làm lung lay các chính phủ đồng minh như Arập Xêút, Ai Cập và Jordan; làm hao tốn sức lực đáng lý dành cho nhiều thứ khác, không chỉ cuộc chiến chống khủng bố; và khiến ảnh hưởng nguồn cung cấp và giá dầu. Liệu hình ảnh một viên tướng Mỹ cai quản một quốc gia Arập sẽ trông như thế nào? Điều đó kéo dài bao lâu? Chẳng ai có thể đoán chắc. Mức độ thành công được đánh giá dựa vào đâu? Iraq có một lịch sử phức tạp – Powell nói thêm và vì thế “ngài (Bush) cần phải hiểu rằng, đây không phải là chuyến đi dạo hóng mát trong rừng”. Lắng nghe suốt từ đầu, cuối cùng, ông Bush lên tiếng: “Thế tôi nên làm gì? Vậy tôi nên làm gì khác bây giờ?”. Ông Powell đề xuất: Mỹ có thể xây dựng liên minh hoặc nấp bóng Liên Hiệp Quốc. Cần phải quốc tế hóa vấn đề.

Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice tại căn cứ không quân Sather (Iraq) ngày 3/4/2006
Trong khi đó, với Cheney, vấn đề Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến ngoại giao và sự kiên nhẫn là những điều không nằm trong quan điểm hành xử của ông. Trong cùng thời gian, nhiều ý kiến của các viên chức đương nhiệm lẫn nghỉ hưu bắt đầu tập trung mổ xẻ Iraq. Scowcroft phản chiến; Baker bác bỏ hành động đơn phương và cựu Ngoại trưởng Henry A. Kissinger viết trên tờ Washington Post (12/8/2002) rằng, việc gây sức ép Saddam là cần thiết nhưng cần phải có sự ủng hộ dư luận và thế giới. Phần mình, Cheney không thể chờ lâu hơn. Ngày 27/8/2002, tờ New York Times đăng hàng tít: “Cheney nói rằng hiểm họa một vụ tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân sẽ củng cố ý kiến đánh Iraq của Mỹ”. Powell chết điếng.
Trước đó, phó tổng thống còn đọc bài diễn văn trước nhóm cựu chiến binh tại Nashville, nói rằng nên dẹp quách tiến trình thanh sát vũ khí Iraq. Bạo mồm hơn cả Bush và CIA, Cheney là người đầu tiên khẳng định chắc chắn rằng: “Không hoài nghi gì nữa, Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí giết người hàng loạt; không hoài nghi gì nữa, hắn sẽ sử dụng để chống lại bạn hữu chúng ta, chống lại đồng minh chúng ta và chống lại chúng ta”. Powell kinh ngạc. 10 ngày trước, Bush đã nói đến chính sách đánh phủ đầu. Bây giờ, Cheney đã đổ dầu cho tư tưởng đó. Powell thấy mình như bị “đóng hộp” trước các chuyển động ngầm trong nhóm cố vấn thân cận Bush quanh vấn đề Iraq.
Tối 6/9/2002, trong phiên họp giữa các bộ trưởng liên quan ngành an ninh tại Trại David, Cheney tiếp tục đề cập một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mới và tất cả những gì Bush trình bày trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ chỉ là sự nhấn mạnh về hình ảnh xấu xa của Saddam, kẻ vi phạm hàng loạt nghị quyết Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm; và rằng Mỹ có quyền quyết định đơn phương. Cuộc họp trở thành cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa Powell và Cheney.
Đầu năm 2003, ông Bush yêu cầu ông Powell soạn diễn văn để ông đọc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi chuẩn bị viết, Powell nhận cú điện từ Cheney, đề nghị xem lại vài chi tiết kết nối khủng bố với chế độ Saddam. Dò lại báo cáo do tùy viên Cheney (Lewis Libby) đệ trình, Powell để ý chi tiết bốn cuộc gặp giữa Mohamed Atta (thành viên nhóm khủng bố 11/9) với một sĩ quan tình báo Iraq tại Prague. Biết rằng vụ này chưa bao giờ có bằng chứng, Powell xóa ngay lập tức. Lúc đó, Powell vẫn còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng, không nên biến Chính phủ Mỹ thành trò cười cho dư luận thế giới, chỉ bởi hành động loan bố một nguồn tin chưa kiểm chứng, một cách không thận trọng… Cuối cùng, trung tuần tháng 3/2003, sau khi đã “set-up” đâu đó tương đối, bất luận làn sóng chỉ trích dâng cao ngay tại Mỹ, Bush bắt đầu xoay tay nhấn nút tiến hành. Đêm 19/3/2003, đợt oanh kích nhắm xuống Dinh tổng thống Iraq đã bắt đầu khai hỏa cho cuộc chiến Iraq…
Ngày 10/4/2003 (một ngày sau khi Baghdad thất thủ), Ken Adelman – viên chức thời Ronald Reagan và là một trong những người ủng hộ cuộc chiến Iraq – tung ra bài bình luận trên tờ Washington Post với nội dung khẳng định chiến thắng của Mỹ, nói thêm rằng sự tự tin này xuất phát từ hồi còn làm việc với Rumsfeld và “từng biết Dick Cheney lẫn Thứ trưởng Quốc phòng Paul D. Wolfowitz nhiều năm”. Cheney lập tức điện Ken Adelman (đang ở Paris), bày tỏ khen ngợi, nói thêm rằng mình sẽ tổ chức tiệc mừng chiến thắng vào ngày 13/4 với khách mời gồm cố vấn riêng Lewis Libby và Wolfowitz. Tại buổi tiệc, Ken Adelman đã ôm chầm Cheney và khóc vì sung sướng (!). Cheney kể rằng, Bush đã quyết định “làm” vụ Iraq ngay sau cuộc chiến Afghanistan. Tất cả đều hả hê dè bỉu một số viên chức từng lên tiếng phản đối, nào là Brent Scowcroft, nào là (cựu ngoại trưởng) James A. Baker, nào là Lawrence Eagleburger (kế nhiệm Baker) và trên hết là “cái thằng xúi quẩy” Colin Powell!
Kế hoạch khai thác dầu Iraq, sau gần 9 năm, vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Giới chức dầu hỏa Iraq đang bàn đến việc giảm mục tiêu xuống còn khoảng 8 triệu thùng/ngày, so với chỉ tiêu 12 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó. Có quá nhiều rào cản cho nền công nghiệp dầu hỏa với trữ lượng lớn thứ tư thế giới này, từ vấn đề an ninh đến thủ tục hành chính. Đến nay, các hợp đồng với hơn 10 đối tác nước ngoài chỉ có thể đưa sản lượng dầu quốc gia lên 2,95 triệu thùng/ngày. Tăng trưởng kinh tế Iraq đạt khiêm tốn 4,2% năm 2009 và 0,8% năm 2010. Đấm đá chính trị loạn cào cào là một trong những chướng ngại vật cho phát triển kinh tế Iraq nói chung và công nghiệp dầu nói riêng. Giữa tháng 10/2011, khi Exxon Mobil ký hợp đồng khai thác dầu với chính quyền tự trị Kurdistan (Bắc Iraq), Bộ dầu hỏa Iraq lập tức nói rằng, hợp đồng trên là bất hợp pháp và nó có thể khiến Exxon Mobil bị hất khỏi các dự án khai thác dầu ở Nam Iraq…

2. Liệu cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc?

(Petrotimes) - Đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến tại Iraq có thể đã kết thúc nhưng đối với người Iraq và chính phủ Mỹ thì cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc bởi lẽ họ đang phải nỗ lực ngăn chặn xung đột phe phái tại nước này sau khi các lực lượng của Mỹ rút hết về nước.

Đoàn xe chở quân Mỹ rút khỏi Iraq ngày 18-12-2011
Ngày 19/12, một ngày sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Iraq rút về nước, chính phủ Iraq đã quyết định phát lệnh bắt Phó Tổng thống Iraq Tareq al-Hashemi – một chính khách Hồi giáo theo dòng Sunni cấp cao nhất nước này vì nghi ngờ ông ta dính líu tới khủng bố. Trước đó, chính phủ cho biết các vệ sĩ của ông Hashemi đã nhận tội. Vụ bắt giữ ông Hashemi có nguy cơ thổi bùng căng thẳng phe phái giữa những người theo dòng Shi’ite, Sunni và người Cuốc tại Iraq. Động thái trên cũng khiến thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh của Iraq có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Trước đó, ngày 17/12, khối chính trị Iraqiya của người Hồi giáo Sunni đã tuyên bố tẩy chay quốc hội để phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki. Ông Hashemi chính là một trong những nhà lãnh đạo của khối Iraqiya.
Thời điểm đưa ra thông báo này cũng gây bất lợi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông xuất hiện trong một loạt sự kiện để đánh dấu sự chấm dứt của các hoạt động can thiệp của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài gần chín năm do cựu Tổng thống G. W. Bush phát động. Các đối thủ thuộc đảng Cộng hòa của ông Obama trong quốc hội và trong các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho rằng việc Mỹ quyết định rút toàn bộ binh sĩ về nước vào cuối năm nay đã làm tăng nguy cơ gây bất ổn tại Iraq.
Claude Chafin, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nói: “Nguy cơ bạo lực phe phái ngày càng gia tăng tại Iraq sau khi Tổng thống Obama quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Iraq – đây là một trong những lý do khiến các tư lệnh của chúng tôi đề nghị để lại một lực lượng đáng tin cậy tại Iraq sau cuối năm nay. Nhưng rốt cuộc, Iraq sẽ phải cần tới an ninh và tự do cho mọi người dân và tự định hình vận mệnh của mình”.
Căng thẳng phe phái ở cấp chính trị cao nhất tại Iraq đặt ra một thách thức mới đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ về đất nước nhiều dầu mỏ và có tầm chiến lược này. Jon Alterman, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho hay: “Một trong những mối lo ngại chung của mọi người là khả năng gia tăng các vụ xung đột phe phái bởi không có sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ tại nước này”.
Nhận định về vụ bắt giữ ông Hashemi, ông Alterman chia sẻ: “Vẫn chưa rõ liệu vụ bắt giữ này có phải là bằng chứng về xung đột phe phái hay chỉ là vụ điều tra hình sự thông thường. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là một cuộc điều tra thông thường sẽ bị “ngộ nhận” là một cuộc xung đột phe phái – nguyên nhân đẩy Iraq lún sâu vào tình trạng bạo lực với sự kích động từ các tổ chức bên ngoài vốn có quan hệ với các cộng đồng sắc tộc khác nhau tại Iraq”, ông ngụ ý đề cập tới các nước láng giềng của Iraq là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút.
Nhà Trắng đã kêu gọi chính phủ Iraq giải quyết vấn đề theo các quy định quốc tế – một tuyên bố dường như phản ánh lo ngại “ngầm” của Washington rằng vụ bắt giữ ông Hashemi có thể mang động cơ chính trị hoặc được tiến hành một cách bất công. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thông tin ông Hashemi bị bắt. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên (tại Iraq) giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, phù hợp với quy định luật pháp và tiến trình chính trị dân chủ của nước này”.
Michael O’Hanlon, nhà phân tích về chính sách an ninh quốc phòng thuộc Viện Brookings, tỏ ra hoài nghi về những lời cáo buộc Phó Thủ tướng Hashemi, đồng thời cho rằng có thể bùng nổ xung đột phe phái nếu vụ khởi tố ông Hashemi được coi là mang động cơ chính trị. Ông khẳng định: “Nguy cơ này là rất lớn bởi Thủ tướng Nuri al-Maliki cố đưa vụ này ra xét xử ở tòa án để phục vụ chương trình của mình, ví dụ như cố loại bỏ các ứng cử viên được cho là không đủ tiêu chuẩn trong khoảng thời gian hai năm trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quốc hội”.
Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Iraq dẫn lời Ali al-Musawi, cố vấn truyền thông của Thủ tướng Nuri al-Maliki, cho biết ông Maliki đã kêu gọi lãnh đạo các chính đảng ở Iraq tổ chức một cuộc họp khẩn để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau khi ông Hashemi bị cáo buộc dính líu tới âm mưu khủng bố.
Phó Tổng thống Hashemi tuyên bố ông “sẵn sàng ra hầu tòa” liên quan tới những cáo buộc khủng bố với điều kiện vụ việc được xét xử tại khu tự trị của người Cuốc. Ông cũng kêu gọi các đại diện của Liên đoàn Arập (AL) tham gia tiến trình điều tra cũng như bất kỳ cuộc thẩm vấn nào, tuyên bố những lời thú tội được công bố trên truyền hình rằng các vụ giết hại và tấn công nhằm vào một số quan chức an ninh và chính phủ Iraq có liên quan tới ông là bịa đặt.
Vân Chi (Theo Reuters)

3. Đằng sau những tuyên bố về cuộc chiến ở Iraq của ông Obama

(Petrotimes) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần tuyên bố cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc. Tuy nhiên, lời tuyên bố này của ông - người từng phản đối cuộc chiến tại Iraq trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng - không đủ để người ta nhớ rằng ông chính là người chấm dứt cuộc chiến này và đưa người lính Mỹ cuối cùng trở về nhà.
Ông không phải là một vị tổng tư lệnh luôn ca ngợi lòng dũng cảm của quân đội mà ông là một Tổng thống đang tìm cách tái đắc cử và tận dụng mọi cơ hội để giữ lời hứa lúc tranh cử của mình.

Tổng thống Mỹ Barrack Obama
Ngày 14/12, trong một bài phát biểu đầy tự hào về các lực lượng chiến đấu của Mỹ tại căn cứ quân sự Fort Bragg ở Bắc Carolina, nơi từng gửi hàng nghìn binh lính Mỹ tới Iraq và hơn 200 người trong số đó đã thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Cuộc chiến tại Iraq sẽ sớm chỉ còn là lịch sử và nghĩa vụ quân sự của các bạn tại đây sẽ chỉ là quá khứ”. Lời tuyên bố này từng được ông đưa ra từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống.
Nhằm giành được sự ủng hộ của những người phản đối cuộc chiến tranh Iraq, trong đó có cả những người theo chủ nghĩa tự do, ông Obama đã liên tục đưa ra nhiều tuyên bố tương tự vậy. Tại trại Lejeune, Bắc Carolina hồi tháng 2/2009, ông cho hay: “Tôi sẽ nói một cách rõ ràng nhất có thể: sứ mệnh chiến đấu của chúng ta tại Iraq sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2010”. Và khi thời hạn đó tới, ông Obama đã đã có một bài phát biểu hiếm có tại phòng Bầu Dục, ông tuyên bố: “Đã tới lúc lịch sử sang trang”.  Trong vòng hai tháng qua, ông Obama đã thêm ba lần đề cập tới vấn đề này, tất cả đều thu hút được sự chú ý của dư luận đúng như mong muốn của Nhà Trắng. Hồi tháng 10, ông khẳng định: “Đúng như đã hứa, số binh lính còn lại của chúng ta ở Iraq sẽ trở về nhà vào cuối năm nay”.
Ngày 12/12, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, ông Obama khẳng định: “Đây là giây phút lịch sử. Cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc”. Ngày 14/12, phát biểu trước các binh lính ở Bắc Carolina, ông Obama nói: “Tương lai của Iraq sẽ nằm trong tay người dân nước này. Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq đã kết thúc”. Trong tuần này, ông Obama cũng đã có một bài phát biểu về vấn đề Iraq trên các đài truyền hình khu vực phục vụ quân đội, phần lớn đều nằm ở những bang mà chiến dịch tái tranh cử của ông đang hướng tới.
Ông Bush là người đã đàm phán với Iraq về thỏa thuận lấy ngày 31/12/2011 là hạn chót kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, ông Obama đã đẩy thời hạn này lên sớm hơn khi ông nhậm chức, chuyển sự chú ý sang Afghanistan và quyết định không để lại quân tại Iraq sau năm nay. Những lực lượng cuối cùng của Mỹ sẽ rời khỏi Iraq trong vài ngày tới. Điều này, về cơ bản, cho thấy ông Obama đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: rút quân khỏi Iraq như đã hứa trong những điều kiện đủ vững vàng và chứng tỏ cho cử tri thấy ông đã làm được những điều đã nói.
Trong bối cảnh nạn thất nghiệp đang là vấn đề lớn nhất hiện nay và gây ảnh hưởng lớn tới dân chúng, thì ít ai có thể nhớ rằng không lâu trước đây cuộc chiến Iraq là tất cả những gì người ta quan tâm tới. Ole Holsti, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Duke và đang viết một cuốn sách về dư luận Mỹ đối với cuộc chiến tại Iraq, nhận xét: “Có thể hiểu rằng ông Obama đang cố gắng đưa vấn đề này trở lại thành mối quan tâm hàng đầu của công chúng”.

Quân đội Mỹ tại Iraq
Gần 4.500 lính Mỹ đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến này. Hơn 1.500.000 binh sỹ Mỹ đã tới Iraq. Do đó, ông Obama đã rất xúc động khi tuyên bố cuộc chiến đã kết thúc trước binh lính và gia đình họ. Không đề cập tới chiến thắng, ông gọi sứ mệnh của Mỹ nhằm hướng tới một Iraq tự lực là một thành tựu phi thường.
Cal Jillson, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hội giám lý phía Nam, cho biết: “Người Mỹ mong muốn sự dũng cảm của quân đội phải được ca ngợi cho dù họ có nghĩ gì về bản thân cuộc chiến tranh đó, và ông Obama đã hiểu được điều này. Đó là điều quan trọng nhất”. Ông Jillson nói thêm rằng phần còn lại sẽ là giữ đúng lời hứa ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử và kết thúc cuộc chiến này theo cách tốt nhất có thể. Ông nhận định: “Nói rằng quân đội đã chiến đấu dũng cảm là điều dễ dàng. Nhiệm vụ khó khăn hơn đó là thuyết phục mọi người tin rằng tiền bạc và nguồn nhân lực bỏ ra cho cuộc chiến đã được sử dụng một cách hiệu quả và tương lại của Iraq đang rất sáng sủa”.
Ông Obama khẳng định rằng một tương lai tốt đẹp hơn cho Iraq đang ở phía trước. Ông Bush từng nói rằng Iraq sẽ trở thành hy vọng cho khu vực. Tuần này, ông Obama cũng khẳng định một điều tương tự: “Một Iraq dân chủ và thành công có thể sẽ là hình mẫu phát triển cho toàn khu vực”. Nhưng chủ yếu, thông điệp của ông Obama vẫn chỉ là cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc trong nhiệm kỳ của ông đúng như ông lời ông đã hứa hết lần này đến lần khác.
Vân Chi (Theo AP)

4. 5 năm chiến tranh Iraq: 10 sự thật không dễ nghe

Chiến tranh Iraq là lời cảnh báo cho nước Mỹ: Nếu người Mỹ không rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này và xử lý thích đáng những nhân tố có trách nhiệm, thất bại tại Iraq sẽ không phải là thất bại cuối cùng của người Mỹ.

Cuộc chiến tại Iraq bắt đầu từ năm 2003, và xoay quanh nó là nhiều ý kiến tán đồng cũng như phản đối. Cái nhìn của học giảStephen M. Walt thuộc Trung tâm Belfer (Trường Kennedy, ĐH Harvard) mà chúng tôi xin được giới thiệu sau đây thuộc nhóm thứ hai. 
Dưới con mắt của ông, đây là một cuộc chiếm đóng không cần thiết và tốn kém. Cho đến năm nay, chiến tranh tại Iraq đã kéo dài được 5 năm, và Stephen rút ra 10 sự thật về những sai lầm trong quá khứ, tình hình hiện tại cũng như những lựa chọn cho tương lai. 
1. Mỹ đã “chuốc họa vào thân” khi quyết định can thiệp vào Iraq 
TT Mỹ Bush cho rằng việc chiếm đóng Iraq
là quyết định đúng đắn (Nguồn BBC)
Đây có lẽ là lỗi lầm lớn nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyết định đi đến chiến tranh bị ảnh hưởng bởi những nguồn tin sai lệch, những nhận định thiếu không chắc chắn và những phân tích sai sự thật.

Phái tân bảo thủ trong cũng như ngoài chính quyền Bush đã thuyết phục Chủ tịch, phó Chủ tịch, và cả người Mỹ rằng Saddam là mối đe dọa nghiêm trọng, rằng cuộc chiến tại Iraq sẽ dễ dàng và không tốn kém, và rằng việc loại bỏ Saddam sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khu vực. 
Họ đều sai lầm trên mọi mặt, và trách nhiệm của họ trong việc gián tiếp gây ra thảm họa ngày hôm nay là không thể bỏ qua được. 
2. Cốt lõi của vấn đề là thiếu hụt chính sách khôn ngoan 
Trận đánh bom ở một khu đền đạo Hồi
hủy hoại trật tự xã hội (Ảnh: AP)
Nếu chính quyền Bush áp dụng một chính sách chiếm đóng khôn ngoan hơn thì có lẽ kết quả đối với họ đã khả quan hơn rất nhiều. Thất bại của họ trong việc lên kế hoạch cho việc chiếm đóng sau khi chiến tranh kết thúc còn bị “bồi” thêm bởi những sai lầm chồng chất thời hậu chiến.  
Tuy nhiên, ngay từ đầu người Mỹ đã vấp phải một trở ngại lớn, đó chính là sự chia cắt trong xã hội Iraq. Cũng như những lực lượng chiếm đóng nước ngoài khác, Mỹ không hiểu rõ về tình hình địa phương của Iraq và điều này như một bức tường ngăn cách quân đội Mỹ với người dân Iraq.  
Thực ra, chẳng xã hội nào mong muốn bị cai quản bởi những “người bạn” lạ mặt đến cùng hàng kho vũ khí trang bị cả. Vì thế, lí do quan trọng nhất là quyết định sai lầm ban đầu, và những sai lầm sau đó chỉ như dầu đổ vào lửa mà thôi.  
3. Cuộc chiến tại Iraq đã làm mai một đáng kể mối quan tâm của Mỹ với Trung Đông 
Cuộc xâm chiếm của Mỹ đã khiến khu vực Trung Đông trở nên bất ổn định, cùng lúc đó “vô tình” tạo đòn bẩy cho vị thế của Iran. Ngoài ra, cuộc chiến Iraq cũng góp phần đẩy giá dầu tăng một cách đột biến, hủy hoại giá trị của chế độ dân chủ và bôi nhọ hình ảnh của Mỹ trong mắt cộng đồng Ả Rập và Hồi giáo.  
Đây là những hậu quả không thể tránh được, trừ khi Mỹ rút quân. Xung đột trong khu vực và nội chiến là điều rất có thể xảy ra sau khi Mỹ ngừng tham chiến.

May thay, cuộc sống của các nước láng giềng của Iraq tại khu vực Trung Đông phụ thuộc nhiều vào doanh thu đến từ dầu, và với lực lượng vũ trang còn khiêm tốn, lo ngại về xung đột leo thang trong khu vực là không khả thi. 
 
4. Cuộc chiến Iraq là thất bại của chiến dịch đối phó với chủ nghĩa khủng bố chống tại Mỹ 
Phó TT Mỹ Dick Cheney hứa hẹn rằng sứ
mạng của Mỹ tại Iraq sẽ được hoàn thành
Chiến tranh Iraq tiêu tốn nhiều sức người và của, và cùng một lúc khiến Mỹ lơ là những nỗ lực tại Afghanistan và Pakistan, tạo cơ hội cho Al Quaeda và Taliban khôi phục lại lực lượng.
 
Iraq đã trở thành đất huấn luyện mới cho lực lượng khủng bố, và những sự kiện đáng giật mình như Abu Ghraib đã đem đến cho những phần tử chống Mỹ một vũ khí mới lợi hại cho những toan tính của họ.
 
5. Chiến lược tăng quân là sai lầm
 
Việc rót thêm quân đội Mỹ vào Iraq đã làm giảm bạo động, nhưng những hòa giải chính trị vẫn ở trong tìng trạng bế tắc và đến giờ bạo động lại gia tăng.

Hơn thế nữa, lực lượng quân đội Mỹ chiếm đóng tại Iraq về lâu dài sẽ không đủ sức cầm cự, và tiếp thêm quân vào một cuộc chiến như thế sẽ chỉ tiêu tốn thêm sức người và làm giảm vị trí của Mỹ trên trường quốc tế mà thôi.
 
6. Mỹ có thể thắng cuộc chiến, nhưng với một cái giá cực đắt 
Mỹ tăng quân tại Iraq (Nguồn: AP)
Khả năng của Mỹ trong việc “nhào nặn” những hoạt động chính trị của Iraq vốn không cao và ngày càng giảm sút. Mỹ cần hiểu rằng người dân Iraq, hơn ai hết mới là người nắm giữ và quyết định vận mệnh của đất nước họ, cho dù Mỹ có chiếm đóng Iraq lâu tới đâu đi nữa.

Cho dù chế độ Saddam không còn và cuối cùng Iraq sẽ khôi phục lại, viễn cảnh này cũng không thể bù lại những tổn thất của Mỹ trên phương diện kinh tế, ngoại giao và nhân lực. 
 
7. Mấp mé việc tìm kiếm người “chịu đòn thay” 
Giới công dân Mỹ với niềm tin “sắt đá” rằng chiến lược vũ trang của Mỹ vẫn phát huy tác dụng đang bắt đầu “vạch lá tìm sâu” người kế nhiệm Bush, hoặc những ai ban đầu phản đối cuộc chiến này.

Bằng cách khẳng định rằng mọi thứ đang tiến triển và thắng lợi đã nằm trong tay, họ đang chuẩn bị đổ lỗi cho bất cứ ai gây ảnh hưởng tới việc Mỹ rút quân. Nhưng nếu thiếu đi viễn cảnh về một chiến thắng có ý nghĩa, việc ở lại Iraq sẽ chỉ là phù phiếm và thiếu khôn ngoan.
 
8. Cuộc chiến tại Iraq đã gây nhiều tổn thất hơn dự kiến 

Chính quyền Bush vấp phải nhiều chỉ trích
từ dư luận (Nguồn: AP)

Việc khôi phục lại lực lượng quân đội sẽ khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian hơn thế nhiều lần.
 Chính quyền Bush cho đến nay vẫn có khả năng hỗ trợ cho cuộc chiến bằng cách che đậy những chi phí dồn lên quân đội Mỹ, nhưng sớm hay muộn thực trạng về những con người nhụt chí, những trang thiết bị xuống cấp và tình hình tuyển và giữ quân bi đát cũng sẽ bị phơi bày.  
9. Tổng thống kế tiếp của Mỹ vấp phải lựa chọn khó khăn: Kết thúc một cuộc chiến sai lầm hay chịu trách nhiệm về nó 
Dù ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ, việc tiếp tục chiếm đóng tại Iraq đồng nghĩa với việc tiếp diễn những thiệt hại từ thời Bush. Nếu điều này là có thật, bóng ma Iraq sẽ phủ đen cương vị tổng thống và khiến những thử thách mới bị lơ là. Chỉ bằng cách rút ra sớm, vị tổng thống này mới có thể khôi phục lại hoạt động của Mỹ cũng như tạo dựng lại uy tín đã mất của Mỹ trên trường quốc tế.  
10. Thất bại Iraq phản chiếu đường lối sai lầm của bộ máy Mỹ 
Biểu tình chống chiến tranh tại Iraq: “Tôi xấu hổ về nước Mỹ”
Cho dù trách nhiệm chính thuộc về Bush, Cheney và phái tân bảo thủ, cuộc chiến Iraq cũng cho thấy sự kém cỏi của các cơ quan quan trọng của Mỹ. Quốc hội Mỹ chưa từng tranh luận một cách nghiêm túc về chiến tranh tại Iraq và vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách của Bush ngay cả khi thất bại đã rõ như ban ngày.

Những cơ quan truyền thông chính như New York Times và Washington Post cũng xúc tiến chiến tranh bằng cách phụ họa theo đường lối của chính phủ và tạo điều kiện cho các cổ động viên trước khi cuộc chiến bắt đầu. 
 
Chiến tranh Iraq là lời cảnh báo cho nước Mỹ: Nếu người Mỹ không rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này và xử lý thích đáng những nhân tố có trách nhiệm, thất bại tại Iraq sẽ không phải là thất bại cuối cùng của người Mỹ.
  • Catherine Trần (Theo Belfer Center, Trường Kennedy, ĐH Harvard)
Các điểm mốc trong chiến tranh Iraq
09/04/2003: Chính phủ của Saddam Hussein bị lật đổ
15/04/2003: Mỹ bắt đầu “nhào nặn” tương lai Iraq
06/05/2003: Mỹ cử nhân sự quản lí tới Iraq
22/05/2003: Liên Hợp Quốc bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Iraq
13/07/2003: Iraq tiến tới chế độ tự quản
19/08/2003: Vụ đánh bom liều chết phá hủy văn phòng của LHQ
02/11/2003: Trực thăng của Mỹ bị bắn rơi
12/11/2003: Quân đồng minh Ý bị sát hại tại trụ sở chính
13/12/2003: Saddam Hussein bị bắt
01/02/2004: Thêm một vụ đánh bom liều chết làm 100 người thiệt mạng
20/04/2004: Chuẩn bị xét xử Saddam và các thành viên của chính phủ Baathist
08/06/2004: LHQ tán đồng việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ lâm thời Iraq
15/11/2004: Vụ nổi loạn tại Fallujia, 1200 người nổi loạn bị giết bởi quân Mỹ
22/12/2004: Cuộc tấn công gây tổn thất nặng nề nhất đối với quân đội Mỹ, 19 lính bị giết
30/01/2005: Lần đầu tiên trong 50 năm, người Iraq đi bầu cử với hệ thống đa đảng
19/07/2005: Báo cáo ước tính 25000 người Iraq thiệt mạng kể từ khi Mỹ bước chân vào Iraq
19/10/2005: Saddam Hussein bị buộc tội chống lại lợi ích của nhân loại
21/01/2006: Chiến thắng không rõ ràng của cuộc bầu cử Iraq
13/03/2006: Anh quyết định giảm quân ở Iraq
07/09/2006: Mỹ tuyên bố trao trả một phần quyền lực cho Iraq trong hải quân và không quân
31/12/2006: Saddam Hussein bị xử tội chết bằng hình thức treo cổ
10/01/2007: Bush tuyên bố kế hoạch tăng quân
19/03/2007: Đại diện từ Mỹ, Iran và Syria gặp mặt nhằm ủng hộ chính quyền Iraq
14/08/2007: Thêm 500 người chết trong bạo động tại Yazidi
16/12/2007: Tỉnh cuối cùng của Iraq là Basra dưới quyền của quân đội Anh được trao trả cho người Iraq
02/03/2008: Mahmoud Ahmadinejad tới thăm Baghdad – chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của một chủ tịch nước Iran. 
(Nguồn: BBC.co.uk)


5. Thấy gì từ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq?


(VOV) - Ngày 31/8/2010 là thời hạn cuối cùng cho việc rút toàn bộ lực lượng tác chiến của Mỹ khỏi Iraq, đúng lịch trình của Tổng thống Obama. Khi quân Mỹ rút đi, đất nước Iraq vẫn chìm trong sự bất ổn và bạo lực
Mục tiêu khi đưa quân vào Iraq và chiến lược giành quyền kiểm soát của Mỹ trong khu vực đã bị phá sản. Chính Tổng thống Obama cũng phải thừa nhận, Mỹ không giành được chiến thắng nào sau 7 năm chiến tranh đẫm máu.
Lặp lại sai lầm trong chiến tranh Việt Nam
Sau chiến tranh Việt Nam, Mc. Namara - Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới các thời Tổng thống Johnson và Nixon đã thú nhận rằng, chiến tranh Việt Nam của Mỹ là một “sai lầm, sai lầm khủng khiếp”, ông đã rút ra 11 nguyên nhân gây ra thảm bại cho nước Mỹ và nhấn mạnh nguyên nhân thứ ba: “Chúng ta (tức Mỹ) đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc”.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2003, lấy cớ tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, liên quân do Mỹ đứng đầu với khí thế áp đảo về lực lượng và vũ khí công nghệ cao, lại tiến vào Thủ đô Baghdad, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Cuộc chiến tranh Iraq lần này đã kéo dài ngoài dự kiến của Mỹ, lâu hơn cả cuộc nội chiến ở Mỹ, Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 7 năm qua, tiếng súng chưa bao giờ ngưng trên mảnh đất này. Những vụ đánh bom đẫm máu của lực lượng nổi dậy xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng, gây nỗi kinh hoàng cho cả dân thường Iraq và binh sĩ Mỹ.
Trên cơ sở khái quát của người Mỹ năm 2003 về mối quan hệ giữa chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975) với cuộc chiến tranh ở Iraq, một số nhà nghiên cứu hồi đó đã nêu ý kiến về những bài học mà các nhà cầm quyền Mỹ cần tính tới. Rằng, “đã đến lúc cần nhìn lại cuộc chiến tại Việt Nam và Iraq và bài học gì mà cuộc chiến thứ nhất có thể dạy chúng ta về cuộc chiến thứ hai”. Tuy nhiên, sai lầm lại lặp lại, quân đội Mỹ lại phải làm cái việc mà 37 năm trước đây họ đã làm ở Việt Nam: Rút quân về nước với “hai bàn tay trắng”.
Có thể nhiều người còn nhớ, chỉ vài ngày trước khi quân Mỹ tiến quân đánh chiếm Iraq (2003), các Đài truyền hình Mỹ đã đưa lên màn ảnh cảnh các nhân viên Đại sứ quán Mỹ rút chạy bằng trực thăng từ nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975.
Tạo thêm hận thù và bạo lực
Mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Iraq là phá hủy quân đội, lật đổ chế độ Saddam Hussein và lập một chính phủ thân Mỹ ở Baghdad, nhằm bảo đảm các lợi ích của Mỹ tại quốc gia giàu dầu mỏ này nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung. Tuy nhiên đến nay, Iraq vẫn chưa thành lập được chính phủ sau gần 6 tháng tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội. Đất nước Iraq rơi vào hận thù, chia rẽ.
Trái với tuyên truyền của Mỹ rằng sẽ đem lại tự do cho người dân Iraq, đất nước này hơn 7 năm qua đã chìm trong bom đạn, chết chóc, đau thương. Bạo lực đã làm hơn 100.000 dân thường Iraq chết. Mỹ không những không trấn áp được khủng bố mà Iraq còn trở thành một "địa bàn" cho khủng bố tung hoành. Sự hận thù của người dân Iraq càng thổi bùng làn sóng chống Mỹ và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ đánh bom liều chết.
Khi thời hạn quân chiến đấu Mỹ sắp rút khỏi Iraq, Thủ tướng Iraq ông Nouri al Maliki đã đặt nước này trong tình trạng báo động khủng bố cao nhất, đồng thời cảnh báo các âm mưu gieo rắc sợ hãi và hỗn loạn khi quân đội Mỹ chính thức rút lực lượng chiến đấu ở Iraq theo kế hoạch. Các phần tử nổi dậy ở Iraq đã tăng cường tấn công vào lực lượng cảnh sát và binh lính nước này, biến tháng 8/2010 thành tháng đẫm máu nhất trong 2 năm vừa qua, với trung bình 5 người bị giết hại mỗi ngày. Sau khi người lính chiến đấu Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq, một lỗ hổng lớn về an ninh sẽ càng lộ rõ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về nguy cơ bạo loạn, bất ổn gia tăng.
Hao người, tốn của – gia tăng sự bất bình của dân Mỹ
Nhà cầm quyền Mỹ hiện đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Washington không thể tăng quân mãi và không thể đeo đuổi chiến tranh lâu dài bởi chi phí ngày càng tốn kém, như "ném tiền vào thùng không đáy". Cuộc chiến tranh Iraq đã tiêu tốn của Mỹ 740 tỷ USD, trong khi nước Mỹ đang phải gồng mình để vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế. Chính quyền Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế là do "sa lầy" trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng tìm cách rút quân khỏi Iraq trước cả Mỹ vì nhiều lý do khác nhau.
Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh ở Iraq nổi lên trong lòng nước Mỹ. Cuộc chiến tranh Iraq đã làm hơn 4.400 binh sĩ Mỹ chết, hàng nghìn binh sĩ bị thương. Nhiều người dân Mỹ bất bình khi chứng kiến hằng ngày con em họ phải đổ máu ở một đất nước xa xôi. Rồi cả những nỗi đau bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, hàng ngàn người mắc bệnh tâm thần với "Hội chứng Iraq".
Việc Mỹ rút quân theo "lộ trình" để rồi rút hoàn toàn quân đội khỏi Iraq vào cuối năm 2011 chỉ là sự lựa chọn "bất đắc dĩ" trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Chính các tướng, tá Mỹ và Iraq cũng thừa nhận, phải 10 năm hoặc lâu hơn nữa, quân đội Iraq mới có khả năng bảo đảm an ninh.
Tổng thống Obama coi việc rút quân của Mỹ là "dấu mốc lịch sử" và cuộc chiến đang khép lại, nhưng xét về các mục tiêu chiến lược, Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Đây là hậu quả tất yếu, bởi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành trên đất nước Iraq là cuộc chiến xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền, dù núp dưới chiêu bài nào cũng khó biện minh. Chính vì vậy, cuộc chiến này đã vấp phải sự phản kháng của người dân Iraq, sự lên án của dư luận quốc tế. Việc sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa và xâm lược một quốc gia độc lập và có chủ quyền là không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế hiện nay và do đó, thất bại là việc đương nhiên!
Cuộc rút quân chiến lược đã hoàn tất đánh dấu một bước điều chỉnh chiếc lược của Mỹ trên toàn cầu. Từ chiến lược “can dự không xác định” sang chiến lược “can dự có giới hạn” nhằm tạo điểm nhấn cho Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, cho dù cam kết đã được thực hiện, nước Mỹ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để làm mờ đi hình ảnh của một cường quốc xâm lược và bù đắp những tổn hại về kinh tế và tinh thần./.
Nguyễn Nhâm
6. Bài tiểu luận: Chiến tranh Mỹ - Iraq
Chiến tranh Iraq (20/3/2003 - 19/8/2010), chính quyền Hoa Kỳ gọi là Chiến dịch Đất nước Iraq Tự do, là một cuộc chiến tranh tại Iraq giữa một bên là Lực lượng Đa Quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu với một bên là chính quyền Saddam Hussein (ban đầu) và các lực lượng nổi dậy (về sau). Lực lượng Đa Quốc gia đã lật đổ được chính quyền của Saddam Hussein. Tuy nhiên, các lực lượng nổi dậy vẫn chưa được trấn áp hoàn toàn, khiến cho mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố rút hết quân chính quân và kết thúc chiến tranh nhưng vẫn phải để lại gần 50 vạn nhân viên quân sự dưới tư cách cố vấn quân sự cho chính quyền Iraq mới. Trong thời gian từ năm 2005 đến 2007, các hoạt động thăm dò dư luận đã cho thấy rằng đại đa số người Iraq phản đối cuộc xâm lược này của Hoa Kỳ.
                                    Nguyên nhân của cuộc chiến tranh Irac
Duyên cớ trực tiếp dẫn đến cuộc chiến.
Chính phủ Mỹ có lý của họ khi họ liên tục cáo buộc phía Iraq theo đuổi các chương trình vũ khí huỷ diệt, vũ khí sinh - hoá học. Với việc chấp nhận phán quyết của Hội đồng Bảo an dựa trên các báo cáo của phái đoàn thanh sát vũ khí LHQ, chính phủ Mỹ chứng tỏ họ tự tin vào cái lý của mình.
Nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến đó là việc chính quyền Saddam Hussein đã từng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến với Iran, sử dụng vũ khí hóa học để đàn áp người Kurd làm hàng nghìn người chết. Người Mỹ và Tây Âu cũng đã từng trợ giúp Iraq trong cuộc chiến với Iran, giúp Iraq đào tạo 1 đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân; ông Kessinger đã thừa nhận: “Chắc chắn (Saddam Hussein) là kẻ độc tài nhưng hắn là kẻ độc tài của chung ta ”. Vì vậy hơn ai hết Mỹ và Tây Âu phải hiểu được tiềm năng về vũ khí huỷ diệt của Iraq và đối thủ của họ
Như vậy, cuộc chiến của Mỹ nhằm vào Iraq là dựa trên những mối lo ngại có cơ sở. Đó cũng là mối lo ngại của cộng đồng quốc tế, khi chứng kiến hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề thanh sát vũ khí và giải giáp Iraq đã trở thành 1 cuộc chơi cút bắt với phía Iraq.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh Iraq.
Nguồn dầu lửa dồi dào của Iraq.
Thực chất đằng sau cuộc chiến không phải là khủng bố hay vũ khí hủy diệt như Mỹ tuyên bố, mà là nguồn dầu lửa dồi dào của nước vùng Vịnh này. Trữ lượng dầu mỏ của Iraq đứng thứ 2 trên thế giới (xếp sau Ảrập Xêut), chiếm gần 5% trữ lượng dầu của toàn thế giới.
Chính vì vậy, bên cạnh một bộ phận dân chúng Mỹ phản đối chiến tranh với khẩu hiệu "không đổi máu lấy dầu", không ít người lại ủng hộ vì cho rằng nó có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Việc quy kết rằng Iraq có vũ khí huỷ diệt, điều quân đội đến khu vực, vận động sự ủng hộ của đồng minh, bất chấp thực tế Iraq đã tuân thủ nghị quyết của HĐBA, trong khi không đưa ra được bằng chứng xác đáng càng chứng tỏ Mỹ chỉ muốn tìm cớ gây chiến.
Giả thiết Iraq có vũ khí huỷ diệt và thực sự nguy hiểm, liệu Mỹ có đưa quân đến để hứng chịu thiệt hại không? Khác với ở Afghanistan, bên trong Iraq không có một lực lượng quân sự và chính trị đối lập đủ mạnh để thay thế phần nào sự tham gia của liên quân Anh - Mỹ trong chiến tranh. Thực chất mục đích của Mỹ không phải là giải giáp vũ khí Iraq mà là lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Chuyện lật đổ chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh chứ không thể thực hiện được qua đàm phán.
Thực tế Mỹ mong muốn cuộc chiến xảy ra. Vì vậy Mỹ ráo riết tìm một cái cớ đủ mạnh và sự ủng hộ của các nước đồng minh, hoặc ít nhất là bớt chống đối trong HĐBA. Bởi vì sau cuộc chiến Mỹ sẽ lập nên một chính phủ thân Washington, có khả năng đảm bảo các quyền lợi kinh tế và chính trị cho Mỹ về sau này, giống như ở Afghanistan.
Thực ra, trên bế nổi  Washington muốn cả thế giới nhìn nhận, rằng Iraq là nước chứa chấp vũ khí hủy diệt và những tên khủng bố.
Sự thật lại khác hoàn toàn.
Cách đây gần 20 năm, Saddam Hussein được Mỹ tin dùng như một con bài chủ chốt để Mỹ bành trướng thế lực ở Trung Đông. Saddam được chính quyền Mỹ cung cấp tài chính và vũ trang để tấn công các nước trong vùng. Đổi lại, Tổng thống Iraq phải cung cấp dầu cho Mỹ.
Kuwait là một đất nước nhỏ bé nhưng có một tiềm năng dầu đáng kể. Chính vì vậy, Kuwait cũng không nằm ngoài tầm ngắm của Mỹ. Và chính quyền Mỹ đã khuyến khích lãnh đạo của Iraq tấn công Kuwait. Sau khi Iraq thực hiện việc này, Mỹ mới lộ mặt ra và buộc tội Iraq đã vô cớ xâm lược và muốn thống lĩnh khối Ảrập. Thế là Saddam bị Mỹ gán cho cái tội là một tổng thống độc tài. Vào năm 1991, Mỹ đã vận động liên quân đánh Iraq nhằm giành phần Kuwait.
Hãy so sánh giữa CHDCND Triều Tiên và Iraq. Chính quyền CHDCND Triều Tiên xác nhận rằng mình có vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ không đánh. Ngược lại, trong khi LHQ vẫn còn rất mập mờ về việc sở hữu vũ khí hủy diệt của Iraq thì Mỹ lại mong muốn gây chiến tranh với Iraq. Thật ra điều này không mâu thuẫn. Mỹ không bao giờ làm việc gì mà không có mục đích. Iraq "béo bở" hơn CHDCND Triều Tiên nhiều. Một lượng dự trữ dầu đủ sử dụng đến hơn 500 năm làm sao mà không hấp dẫn đối với Mỹ được chứ? Mỹ sẽ không tấn công CHDCND Triều Tiên chỉ để được cái danh là mình đã giúp LHQ loại trừ được những vũ khí hủy diệt. Nên nhớ rằng Mỹ không cần danh mà chỉ cần lợi thôi.
Tương tự về bin Laden, một nhân vật được Mỹ hỗ trợ trước đây trong cuộc chiến giữa Afghanistan và Liên Xô (cũ). Đến khi bin Laden có "phản ứng" đối với Mỹ thì Mỹ bắt đầu gọi bin Laden là một tên khủng bố. Vì vậy mà Mỹ đã gây ra chiến tranh trên đất nước Afghanistan. Sở dĩ Afghanistan nằm trong tầm ngắm của Mỹ bởi nước này là giao điểm những ống dẫn dầu đến các nước Trung Đông.
Mặc dù số phận của bin Laden chưa rõ ràng, nhưng Mỹ không thể để nhân vật này chết được, bởi như vậy sẽ không còn lý do để tiến hành "chiến tranh chống khủng bố" như Mỹ tuyên bố nữa.
Sư đe dọa về giá trị của đồng Đôla so với đồng Euro.
              Those words by Thomas Jefferson embody the unfortunate state of affairs that have beset our nation.Những câu hỏi cơ bản nhất về cuộc chiến này. First, why is there virtually no international support to topple Saddam? Đầu tiên, tại sao lại có hầu như không có sự hỗ trợ quốc tế để lật đổ Saddam? If Iraq's WMD program truly possessed the threat level that President Bush has repeatedly purported, why is there no international coalition to militarily disarm Saddam? Nếu chương trình WMD của Iraq thực sự sở hữu các mức độ đe dọa rằng Tổng thống Bush đã nhiều lần có mục đích, lý do tại sao lại không có liên minh quốc tế để giải giáp quân sự Saddam? Secondly, despite over 300 unfettered UN inspections to date, there has been no evidence reported of a reconstituted Iraqi WMD program. Thứ hai, mặc dù hơn 300 không bị trói buộc của Liên Hợp Quốc kiểm tra cho đến nay, đã không có bằng chứng báo cáo của một chương trình tái tạo WMD(vũ khí hạt nhân) tại Iraq. Third, and despite Bush's rhetoric, the CIA has not found any links between Saddam Hussein and Al Qaeda. Thứ ba, và mặc dù ngôn từ của Bush, CIA đã không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ giữa Saddam Hussein và Al Qaeda(trùm khủng bố). To the contrary, some analysts believe it is far more likely Al Qaeda might acquire an unsecured former Soviet Union Weapon(s) of Mass Destruction, or potentially from sympathizers within a destabilized Pakistan.

Moreover, immediately following Congress's vote on the Iraq Resolution, we suddenly became aware of North Korea's nuclear program violations. Hơn nữa, ngay lập tức sau khi Quốc hội bỏ phiếu nghị quyết về Iraq, chúng ta cũng nhận thấy chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên vi phạm. Kim Jong Il is processing uranium in order to produce nuclear weapons this year. Kim Jong Il được chế biến uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân năm nay. President Bush has not provided a rationale answer as to why Saddam's seemingly dormant WMD program possesses a more imminent threat that North Korea's active program? Tổng thống Bush đã không cung cấp một câu trả lời lý do vì sao ở đất nước của bSaddam dường như chương trình WMD không hoạt động , không sở hữu một mối đe dọa sắp xảy ra như là các chương trình hoạt động của Bắc Triều Tiên? Strangely, Donald Rumsfeld suggested that if Saddam were "exiled" we could avoid an Iraq war? Donald Rumsfeld cho rằng nếu Saddam đã "lưu vong" chúng ta có thể tránh một cuộc chiến tranh Iraq? Confused yet? Và sự thật cái lý do chính để lật đổ Saddam thực sự là đồng Euro.


=>Although completely suppressed in the US media, the answer to the Iraq enigma is simple yet shocking. Mặc dù hoàn toàn bị đàn áp trong các phương tiện truyền thông Mỹ, câu trả lời cho những bí ẩn Iraq thật đơn giản nhưng gây sốc. The upcoming war in Iraq war is mostly about how the ruling class at Langley and the Bush oligarchy view hydrocarbons at the geo-strategic level, and the overarching macroeconomic threats to the US dollar from the euro. Cuộc chiến tại Iraq chiến tranh chủ yếu là về cách thức giai cấp thống trị tại Langley và các đầu sỏ chính trị mà Bush xem ở cấp độ địa lý chiến lược, và các mối đe dọa kinh tế vĩ mô bao quát với đồng đô la Mỹ từ đồng Euro. The Real Reason for this upcoming war is this administration's goal of preventing further OPEC momentum towards the euro as an oil transaction currency standarThực tế là chính phủ thành viên này của OPEC  muốn  tiếp tục ngăn chặn vai trò đồng Euro- khi giao dịch dầu là một loại tiền tệ tiêu chuẩn. However, in order to pre-empt OPEC, they need to gain geo-strategic control of Iraq along with its 2nd largest proven oil reserves. Tuy nhiên, đứng trước OPEC, họ cần phải kiểm soát địa lý chiến lược của Iraq cùng với dự trữ dầu của nước này.

thức giai cấp thống trị tại Langley và các đầu sỏ chính trị mà Bush xem ở cấp độ địa lý chiến lược, và các mối đe dọa kinh tế vĩ mô bao quát với đồng đô la Mỹ từ đồng Euro. The Real Reason for this upcoming war is this administration's goal of preventing further OPEC momentum towards the euro as an oil transaction currency standarThực tế là chính phủ thành viên này của OPEC  muốn  tiếp tục ngăn chặn vai trò đồng Euro- khi giao dịch dầu là một loại tiền tệ tiêu chuẩn. However, in order to pre-empt OPEC, they need to gain geo-strategic control of Iraq along with its 2nd largest proven oil reserves. Tuy nhiên, đứng trước OPEC, họ cần phải kiểm soát địa lý chiến lược của Iraq cùng với dự trữ dầu của nước này.
This lengthy essay will discuss the macroeconomics of the "petro-dollar" and the unpublicized but real threat to US economic hegemony from the euro as an alternative oil transaction currency
"The Federal Reserve's greatest nightmare is that OPEC will switch its international transactions from a dollar standard to a euro standard. Iraq actually made this switch in Nov. 2000 (when the euro was worth around 80 cents), and has actually made off like a bandit considering the dollar's steady depreciation against the euro." " Cơn ác mộng lớn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là OPEC sẽ chuyển giao dịch quốc tế của mình từ tiêu chuẩn đồng USD để sang tiêu chuẩn  đồng Euro. Iraq thực hiện chuyển đổi này trong tháng 11 năm 2000 (khi đồng Euro trị giá khoảng 80 cents), và đã thực sự tạo ra giống như sự đe dọa ổn định của đồng USD, làm cho nó mất giá so với đồng Euro. " (Note: the dollar declined 15% against the euro in 2002.) (Lưu ý: đồng đô la sụt giảm 15% so với đồng euro vào năm 2002.)

"The real reason the Bush administration wants a puppet government in Iraq - or more importantly, the reason why the corporate-military-industrial network conglomerate wants a puppet government in Iraq - is so that it will revert back to a dollar standard and stay that way." "Như vậy chính quyền Bush muốn có một chính phủ bù nhìn ở Iraq - hay quan trọng hơn là lý do tại sao quân đội-công nghiệp-công ty tập đoàn mạng muốn một chính phủ bù nhìn tại Iraq - là để nó sẽ quay trở lại một tiêu chuẩn đô la và giư chắc vai trò này " (While also hoping to veto any wider OPEC momentum towards the euro, especially from Iran - the 2nd largest OPEC producer who is actively discussing a switch to euros for its oil exports). Furthermore, despite Saudi Arabia being our 'client state,' the Saudi regime appears increasingly weak/ threatened from massive civil unrest.
"Saddam sealed his fate when he decided to switch to the euro in late 2000 (and later converted his $10 billion reserve fund at the UN to euros) - at that point, another manufactured Gulf War become inevitable under Bush II. Only the most extreme circumstances could possibly stop that now and I strongly doubt anything can - short of Saddam getting replaced with a pliant regime." "Saddam niêm phong số phận của mình khi ông quyết định chuyển sang đồng euro vào cuối năm 2000 (và sau đó chuyển đổi quỹ 10000000000 dự trữ đola của ông tại Liên Hiệp Quốc sang Euro) .
Big Picture Perspective: Everything else aside from the reserve currency and the Saudi/Iran oil issues (ie domestic political issues and international criticism) is peripheral and of marginal consequence to this administration.
This information about Iraq's oil currency is censored by the US media as well as the Bush administration & Federal Reserve as the truth could potentially curtail both investor and consumer confidence, reduce consumer borrowing/ spending, create political pressure to form a new energy policy that slowly weans us off middle-eastern oil, and of course stop our march towards war in Iraq
"Baghdad's switch from the dollar to the euro for oil trading is intended to rebuke Washington's hard-line on sanctions and encourage Europeans to challenge it. But the political message will cost Iraq millions in lost revenue. RFE/RL correspondent Charles Recknagel looks at what Baghdad will gain and lose, and the impact of the decision to go with the European currencNAt the time of the switch many analysts were surprised that Saddam was willing to give up millions in oil revenue for what appeared to be a political statement.hiều nhà phân tích rất ngạc nhiên việc Saddam đã sẵn sàng bỏ hàng triệu doanh thu dầu cho những gì dường như là một tuyên bố chính trị. However, contrary to one of the main points of this November 2000 article, the steady depreciation of the dollar versus the euro since late 2001 means that Iraq has profited handsomely from the switch in their reserve and transaction currencies.Sự giảm giá ổn định của đồng USD so với đồng Euro kể từ cuối năm 2001 có nghĩa là Iraq đã được lợi lớn từ các chuyển đổi trong dự trữ của họ và các đồng tiền giao dịch. The euro has gained roughly 17% against the dollar in that time, which also applies to the $10 billion in Iraq's UN "oil for food" reserve fund that was previously held in dollars has also gained that same percent value since the switch. Đồng Euro đã đạt được khoảng 17% so với đồng đôla trong thời gian đó,và cũng áp dụng đối với trị giá 10 tỷ USD vào Iraq của quỹ  "dầu ăn" LHQ- quỹ dự phòng mà trước đây được tổ chức bằng đô la, nó cũng đã đạt được một phần trăm giá trị kể từ khi chuyển đổi. What would happen if OPEC made a sudden switch to euros, as opposed to a gradual transition? Điều gì sẽ xảy ra nếu OPEC đã thực hiện chuyển đổi đột ngột dùng euro, thay vì chuyển đổi dần dần?

"Otherwise, the effect of an OPEC switch to the euro would be that oil-consuming nations would have to flush dollars out of their (central bank) reserve funds and replace these with euros. The dollar would crash anywhere from 20-40% in value and the consequences would be those one could expect from any currency collapse and massive inflation (think Argentina currency crisis, for example). You'd have foreign funds stream out of the US stock markets and dollar denominated assets, there'd surely be a run on the banks much like the 1930s, the current account deficit would become unserviceable, the budget deficit would go into default, and so on. Your basic 3rd world economic crisis scenario. "Nếu không, tác dụng của  sự chuyển đổi sang đồng Euro sẽ là các quốc gia tiêu thụ dầu sẽ phải rửa đô la trong quỹ ngân hàng trung ương (dự trữ )của họ và thay thế bằng đồng Euro. Các đồng đô la sẽ sụp đổ ở bất cứ đâu từ 20-40% trong giá trị và những hậu quả sẽ sự sụp đổ tiền tệ và lạm phát lớn (ví như cuộc khủng hoảng tiền tệ Argentina). Bạn sẽ có dòng vốn nước ngoài trong các thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản bằng tiền đô la chắc chắn muốn được chạy trên các ngân hàng giống như những năm 1930, thâm hụt tài khoản hiện tại sẽ trở thành hiện thực, thâm hụt ngân sách sẽ đi vào mặc định, và như vậy. cơ bản trở thành 3 kịch bản kinh tế khủng hoảng thế giới.  
Hoa Kỳ là nền kinh tế mật thiết gắn liền với vai trò của đồng đô la như là tiền tệ dự trữ. This doesn't mean that the US couldn't function otherwise, but that the transition would have to be gradual to avoid such dislocations (and the ultimate result of this would probably be the US and the EU switching roles in the global economy)." Điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ không thể có chức năng khác, nhưng đó là quá trình chuyển đổi sẽ phải được dần dần để tránh lệch như vậy (và cuối cùng kết quả của điều này có lẽ sẽ là Mỹ và EU chuyển đổi vai trò trong nền kinh tế toàn cầu). "

In the aftermath of toppling Saddam it is clear the US will keep a large and permanent military force in the Persian Gulf. Trong hậu quả của lật đổ Saddam rõ ràng Hoa Kỳ sẽ giữ và thường lực lượng quân sự  lớn trong vùng Vịnh Ba Tư. Indeed, there is no "exit strategy" in Iraq, as the military will be needed to protect the newly installed Iraqi regime, and perhaps send a message to other OPEC producers that they might receive "regime change" if they too move to euros for their oil exportsâ¤. Thật vậy, không có "lối ra chiến lược" ở Iraq, quân sự sẽ là cần thiết để bảo vệ chế độ Iraq vừa cài đặt được, và có thể gửi thông điệp đến các thành viên OPEC sản xuất để họ có thể nhận được "thay đổi chế độ" nếu họ cũng chuyển sang euro cho xuất khẩu dầucủa họ.
Another underreported story from this summer regarding the other OPEC 'Axis of Evil' country and their interest in the selling oil in euros, Iran.
"Iran's proposal to receive payments for crude oil sales to Europe in euros instead of US dollars is based primarily on economics, Iranian and industry sources said. But politics are still likely to be a factor in any decision, they said, as Iran uses the opportunity to hit back at the US government, which recently labeled it part of an "axis of evil." "Iran đề nghị nhận thanh toán cho doanh thu bán dầu thô cho châu Âu bằng Euro thay vì đôla Mỹ là chủ yếu dựa trên kinh tế, và ngành công nghiệp nguồn Iran quyết định. Nhưng chính trị vẫn còn có khả năng là một yếu tố nào, họ nói, là Iran sử dụng cơ hội để đánh lại chính phủ Mỹ, mà gần đây đã có nhãn nó một phần của "trục ma quỷ."

The proposal, which is now being reviewed by the Central Bank of Iran, is likely to be approved if presented to the country's parliament, a parliamentary representative said."There is a very good chance MPs will agree to this idea ...now that the euro is stronger, it is more logical," the parliamentary representative said." Các đề xuất, hiện đang được xem xét bởi Ngân hàng Trung ương Iran, có khả năng được chấp thuận nếu trình bày cho quốc gia của quốc hội, một đại diện quốc hội cho biết. "Có một cơ hội rất tốt các nghị sĩ sẽ đồng ý với ý tưởng này ... bây giờ đồng euro mạnh, nó là hợp lý hơn ", các đại diện nghị viện cho biết."

More over, and perhaps most telling, during 2002 the majority of reserve funds in Iran's central bank have been shifted to euros. Nhiều hơn, và có thể nói hầu hết, trong năm 2002 phần lớn các quỹ dự trữ trong ngân hàng trung ương của Iran đã được chuyển sang euro. It appears imminent that Iran intends to switch to euros for their oil currency (4) Có vẻ như sắp xảy ra rằng Iran có ý định chuyển sang euro cho tiền dầu của họ.

"More than half of the country's assets in the Forex Reserve Fund have been converted to euro, a member of the Parliament Development Commission, Mohammad Abasspour announced. He noted that higher parity rate of euro against the US dollar will give the Asian countries, particularly oil exporters, a chance to usher in a new chapter in ties with European Union's member countries. "Hơn một nửa số quốc gia tài sản của người trong dự trữ ngoại hối của Quỹ đã ​​được chuyển đổi sang đồng euro, một thành viên Phát triển Quốc hội Ủy ban, Mohammad Abasspour công bố. Ông lưu ý rằng cao tương đương tỷ lệ của đồng euro so với đô la Mỹ sẽ cung cấp cho các nước châu Á, đặc biệt xuất khẩu dầu, một cơ hội để mở ra một chương mới trong quan hệ với các nước thành viên của Liên minh châu Âu.

He said that the United States dominates other countries through its currency, noting that given the superiority of the dollar against other hard currencies, the US monopolizes global trade. Hoa Kỳ thống trị các nước khác thông qua đồng tiền của mình, lưu ý rằng việc đưa ra ưu thế của đồng USD so với các đồng tiền khác, Mỹ độc quyền thương mại toàn cầu. The lawmaker expressed hope that the competition between euro and dollar would eliminate the monopoly in global trade." Các nhà lập pháp bày tỏ hy vọng rằng sự cạnh tranh giữa đồng euro và đồng đô la sẽ loại bỏ sự độc quyền trong thương mại toàn cầu. "

Indeed, after toppling Saddam, this administration may decide that Iran is the next target in the "war on terror." Thật vậy, sau khi lật đổ Saddam, chính quyền này có thể quyết định rằng Iran là mục tiêu tiếp theo trong "cuộc chiến chống khủng bố." Iran's interest in switching to the euro as their standard transaction currency for oil exports is well documented. Iran quan tâm đến chuyển đổi sang đồng euro như là giao dịch tiền tệ tiêu chuẩn của họ để xuất khẩu dầu.

Làn sóng phản đối chiến tranh diễn ra trên toàn thế giới.

Thái độ phản đối  chiến tranh Iraq xảy ra trên toàn thế giới, cả trước và trong thời gian đầu cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Hoa Kỳ.
Rationales for opposition include the belief that the war is illegal according to the United Nations Charter , or would contribute to instability both within Iraq and the wider Middle East . Lý do cho sự phản đối là sự tin tưởng rằng chiến tranh là bất hợp pháp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc , hoặc sẽ đóng góp cho sự bất ổn định cả hai bên trong Iraq và rộng hơn là khu vực Trung Đông . Critics have also questioned the validity of the war's stated objectives, such as a supposed link between the country's Ba'athist government and the September 11, 2001 attacks on the United States, and its possession of weapons of mass destruction "certified" by the Niger uranium forgeries . Các nhà phê bình cũng đã đặt câu hỏi về tính hợp lệ của mục tiêu được nêu của chiến tranh, chẳng hạn như một liên kết giữa chính phủ Iraq và  cuộc tấn công11 Tháng Chín, năm 2001 vào Hoa Kỳ, và việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo "chứng nhận" của Niger uranium  đó là giấy tờ giả mạo.The latter was claimed by the United States during the run-up to the war, but no such weapons have since been found. thứ hai là tuyên bố của Hoa Kỳ trong thời gian trước chiến tranh, nhưng không có vũ khí như vậy được tìm thấy.
Within the United States, popular opinion on the war has varied significantly with time. Trong thời gian cuộc chiến phổ biến ý kiến ​​về chiến tranh đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Although there was significant opposition to the idea in the months preceding the attack, polls taken during the invasion showed that a majority of US citizens supported their government's action. Mặc dù đã có sự đối lập với ý tưởng trong những tháng trước cuộc tấn công, các cuộc thăm dò tiến hành trong cuộc xâm lược đã chỉ ra rằng đa số công dân Mỹ ủng hộ hành động của chính phủ. However, public opinion had shifted by 2004 to a majority believing that the invasion was a mistake, and has remained so since then. Tuy nhiên, dư luận đã chuyển vào năm 2004 với một đa số tin rằng cuộc xâm lược là một sai lầm, và vẫn như vậy kể từ đó. There has also been significant criticism of the war from US politicians and national security and military personnel, including generals who served in the war and have since spoken out against its handling. Cũng có những lời chỉ trích quan trọng của cuộc chiến tranh từ các chính trị gia Mỹ và an ninh quốc gia và quân nhân, trong đó có tướng  đã phục vụ trong chiến tranh..
Worldwide, the war and occupation have been officially condemned by 54 countries and the heads of many major religions. Trên thế giới, chiến tranh và chiếm đóng của Mỹ đã bị chính thức lên án của 54 quốc gia và người đứng đầu của nhiều tôn giáo lớn. Popular anti-war feeling is strong in these and other countries, including the US' allies in the conflict, and many have experienced huge protests totalling millions of participants. bao gồm cả các đồng minh của Mỹ trong cuộc xung đột, các cuộc biểu tình lớn với  hàng triệu người tham gia

Các kết quả thăm dò ý kiến ​​ có sẵn từ Gallup International, cho thấy có hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh thực hiện "đơn phương của Mỹ và các đồng minh của họ" đã không vượt lên trên 11 phần trăm ở bất kỳ nước nào. Support for a war if mandated by the UN ranged from 13 percent (Spain) to 51 percent (Netherlands). [ 1 ] Hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh nếu ủy quyền của Liên Hiệp Quốc dao động từ 13 phần trăm (Tây Ban Nha) đến 51 phần trăm (Hà Lan).

Lý do phản đối

Những người chỉ trích cuộc xâm lược tuyên bố rằng nó sẽ dẫn đến cái chết của hàng ngàn thường dân Iraq và binh lính cũng như Liên minh quân, và nó sẽ làm tổn hại hơn nữa hòa bình, ổn định khắp khu vực và thế giới.
Another oft-stated reason for opposition is the Westphalian concept that foreign governments should never possess a right to intervene in another sovereign nation's internal affairs (including terrorism or any other non-international affair). Giorgio Agamben , the Italian philosopher, has also offered a critique of the logic of preemptive war. Một lý do thường được nêu ra cho phe đối lập các chính phủ nước ngoài không bao giờ có quyền can thiệp vào các quốc gia nội bộ của các vấn đề chủ quyền khác (bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố hoặc bất kỳ vụ không quốc tế khác). Giorgio Agamben , nhà triết học người Ý, cũng đã cung cấp một phê phán  logic của chiến tranh phủ đầu.
Others did accept a limited right for military intervention in foreign countries, but nevertheless opposed the invasion on the basis that it was conducted without United Nations' approval and was hence a violation of international law . [ 2 ] According to this position, adherence by the United States and the other great powers to the UN Charter and to other international treaties to which they are legally bound is not a choice but a legal obligation; exercising military power in violation of the UN Charter undermines the rule of law and is illegal vigilantism on an international scale. Benjamin B. Ferencz , who served as the US's Chief Prosecutor of Nazi war crimes at the Nuremberg Trials following World War II, has denounced the Iraq War as an aggressive war (named at Nuremberg as "the supreme international crime") and stated his belief that George W. Bush , as the war's "initiator", should be tried for war crimes. [ 3 ] Những người khác đã chấp nhận một quyền hạn chế sự can thiệp quân sự ở nước ngoài, nhưng vẫn phản đối cuộc xâm lược trên cơ sở đó nó đã được thực hiện mà không cần Quốc 'Kỳ và đã được phê duyệt do đó vi phạm luật pháp quốc tế . Theo đó, tuân thủ điều khoản của Hoa Kỳ và các cường quốc khác để Hiến chương LHQ và các điều ước quốc tế khác mà chúng ràng buộc pháp lý không phải là một lựa chọn, nhưng nghĩa vụ pháp lý; thực hiện sức mạnh quân sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc làm suy yếu các quy định của pháp luật và là bất hợp pháp trên quy mô quốc tế. Benjamin B. Ferencz , người từng là trưởng Kiểm sát viên của Mỹ về tội ác chiến tranh Đức Quốc xã tại các thử nghiệm Nuremberg sau Thế chiến II, đã lên án cuộc chiến tranh Iraq như là một chiến tranh xâm lược (được đặt tên tại Nuremberg là "tội phạm quốc tế tối cao") và nói rằng niềm tin của ông George W. Bush , là "" khởi đầu của chiến tranh, nên đã tạo nên các tội ác chiến tranh.
There was also skepticism of US claims that Iraq's secular government had any links to Al-Qaeda , the Islamic fundamentalist terrorist group considered responsible for the September 11, 2001 attacks on the World Trade Center and Pentagon. Cũng có sự hoài nghi của Hoa Kỳ tuyên bố rằng chính phủ của Iraq có bất kỳ liên kết với Al-Qaeda ,  phong trào Hồi giáo được coi là nhóm khủng bố chịu trách nhiệm về Ngày 11 tháng 9 năm 2001 tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc.
Some expressed puzzlement that the United States would consider military action against Iraq and not against North Korea , which claimed it already had nuclear weapons and had announced that it was willing to contemplate war with the United States. Một số tranh cãi  nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét hành động quân sự chống Iraq và không chống lại Triều Tiên, trong đó Triều tiên  tuyên bố  đã có vũ khí hạt nhân và đã thông báo rằng nó đã sẵn sàng để chiêm ngưỡng chiến tranh với Hoa Kỳ. This criticism intensified when North Korea reportedly conducted a nuclear weapons test on October 9, 2006. Điều này chỉ trích Bắc Triều Tiên tăng cường khi báo cáo thực hiện một vũ khí thử nghiệm hạt nhân vào ngày 09 Tháng Mười 2006.
There was also criticism of Coalition policy by those who did not believe that military actions would help to fight terror, with some believing that it would actually help Al-Qaeda's recruitment efforts; others believed that the war and immediate post-war period would lead to a greatly increased risk that weapons of mass destruction would fall into the wrong hands (including Al-Qaeda). Cũng có những lời chỉ trích của Liên minh chính sách của những người không tin rằng hành động quân sự sẽ giúp đỡ để chống khủng bố, với một số tin rằng nó thực sự sẽ giúp các nỗ lực tuyển dụng Al-Qaeda, những người khác tin rằng chiến tranh và ngay sau chiến tranh thời sẽ dẫn đến một gia tăng đáng kể nguy cơ mà vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ rơi vào tay kẻ xấu (bao gồm cả Al-Qaeda).
Both inside and outside of the US, some argued that the Bush Administration's rationale for war was to gain control over Iraqi natural resources (primarily petroleum). Cả hai bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ, một số cho rằng lý do chính quyền Bush tiến hành cuộc chiến giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên Iraq tự nhiên (chủ yếu là xăng dầu). These critics felt that the war would not help to reduce the threat of WMD proliferation, and that the real reason for the war was to secure control over the Iraqi oil fields at a time when US links with Saudi Arabia were seen to be at risk. Những nhà phê bình cảm thấy rằng cuộc chiến sẽ không giúp giảm nguy cơ phổ biến vũ khí WMD, và rằng lý do thực sự cho cuộc chiến này là kiểm soát an toàn của các mỏ dầu của Iraq vào thời điểm các liên kết Mỹ với Ả Rập Saudi được xem là có nguy cơ. "No blood for oil" was a popular protest cry prior to the invasion in March 2003. "Không đổi máu lấy dầu" là một tiếng kêu phản đối phổ biến trước khi cuộc xâm lược tháng 3 năm 2003.  
Some opponents of the war also believed that there would be no weapons of mass destruction in Iraq, and thus there was little reason for an invasion. Một số người phản đối của cuộc chiến cũng tin rằng sẽ không có vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, và vì thế có rất ít lý do cho cuộc xâm lược một. Prominent among these was Scott Ritter , a former US military intelligence officer and then a United Nations weapons inspector in Iraq , and who in 1998 had been hawkish enough toward Iraq as to be admonished by US Senator Joe Biden , "The decision of whether or not the country should go to war is slightly above your pay grade." Nổi bật trong số này là Scott Ritter , một cựu tình báo quân đội nhân viên và sau đó một thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc tại Iraq , và người vào năm 1998 đã được đủ diều hâu đối với Iraq để được khuyên nhủ của các Thượng nghị sĩ Joe Biden , "Quyết định hay không nước nên đến chiến tranh là một chút ở trên lớp của bạn trả tiền. " Investigations after the invasion failed to produce evidence of WMDs in Iraq (apart from a very small number of degraded chemical weapons shells located after the Iran–Iraq War ended in 1988). Điều tra sau khi cuộc xâm lược không có bằng chứng WMDs ở Iraq (ngoài một số lượng rất nhỏ chất hóa học xuống cấp vũ khí đạn nằm sau khi Chiến tranh Iran-Iraq kết thúc vào năm 1988). Generally, however, very few opponents of the Iraq invasion publicly expressed doubt as to whether the Saddam Hussein regime possessed weapons of mass destruction. Nói chung, tuy nhiên, rất ít đối thủ của các cuộc xâm lược Iraq công khai bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các chế độ Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
During the occupation, some opponents accused President Bush of being indifferent to the suffering caused by the invasion. Trong thời gian chiếm đóng, một số người phản đối cáo buộc Tổng thống Bush thờ ơ với những đau khổ gây ra bởi cuộc xâm lược. In 2006 for example he opined that when the history of Iraq is written the period would "look like just a comma", prompting criticism that he took the more than 2,700 US troop deaths lightly. [ 4 ]
Phản đối tại Hoa Kỳ

The Iraq War has met with considerable popular opposition in the United States, beginning during the planning stages and continuing through the invasion subsequent occupation of Iraq. Chiến tranh Iraq đã gặp sự phản đối phổ biến đáng kể tại Hoa Kỳ, bắt đầu trong các giai đoạn lập kế hoạch và tiếp tục thông qua việc chiếm đóng sau cuộc xâm lược của Iraq. The months leading up to the war saw protests across the United States, the largest of which, held on February 15, 2003 involved about 300,000 to 400,000 protesters in New York City, with smaller numbers protesting in Seattle, San Francisco, Chicago, and other cities. Những tháng dẫn đến chiến tranh đã thấy cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, lớn nhất trong số đó, tổ chức vào ngày 15 tháng 2, năm 2003 tham gia khoảng 300.000 đến 400.000 người biểu tình ở New York City, với số lượng nhỏ phản đối tại Seattle, San Francisco, Chicago, và khác thành phố.
Consistent with the anti-war sentiment of the protests, in the months leading up to the Iraq War, American public opinion heavily favored a diplomatic solution over immediate military intervention. Phù hợp với tình cảm chống chiến tranh của các cuộc biểu tình, trong những tháng dẫn tới cuộc chiến tranh Iraq, nhiều ý kiến ​​công chúng Mỹ ủng hộ một giải pháp ngoại giao về can thiệp quân sự ngay lập tức. A January 2003 CBS News/New York Times poll found that 63% of Americans wanted President Bush to find a diplomatic solution to the Iraq situation, compared with 31% who favored immediate military intervention. Một tháng một năm 2003 CBS News / New York Times bình chọn cho thấy 63% người Mỹ muốn Tổng thống Bush để tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình Iraq, so với 31% người ủng hộ ngay lập tức can thiệp quân sự. That poll also found, however, that if diplomacy failed, support for military action to remove Saddam Hussein was above 60 percent. [ 5 ] Đó là cuộc thăm dò cũng cho thấy, tuy nhiên, nếu ngoại giao thất bại, hỗ trợ cho các hành động quân sự để lật đổ Saddam Hussein đã được trên 60 phần trăm. [5]
Days before the March 20 invasion, a USA TODAY/CNN/Gallup Poll found support for the war was related to UN approval. Ngày trước khi cuộc xâm lược ngày 20 tháng 3, một TODAY Mỹ / CNN / Gallup Poll hàng hỗ trợ cho chiến tranh đã được liên quan đến Liên Hợp Quốc phê duyệt. Nearly six in 10 said they were ready for such an invasion "in the next week or two." Gần sáu trong 10 nói rằng họ đã sẵn sàng cho cuộc xâm lược như vậy "trong tuần tới hoặc hai." But that support dropped off if the UN backing was not first obtained. Nhưng có hỗ trợ giảm đi nếu sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc đã không đầu tiên thu được. If the UN Security Council were to reject a resolution paving the way for military action, only 54% of Americans favored a US invasion. Nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ một nghị quyết mở đường cho hành động quân sự, chỉ có 54% người Mỹ ủng hộ một cuộc xâm lược của Mỹ. And if the Bush administration did not seek a final Security Council vote, support for a war dropped to 47%. [ 6 ] Và nếu chính quyền Bush đã không tìm kiếm một Hội đồng Bảo an bỏ phiếu cuối cùng, hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh đã giảm đến 47%.
Immediately after the 2003 invasion most polls within the United States showed a substantial majority of Americans supporting war, but that trend began to shift less than a year after the war began. Ngay sau khi cuộc xâm lược 2003 hầu hết các cuộc thăm dò bên trong nước Mỹ cho thấy đại đa số người Mỹ ủng hộ chiến tranh, nhưng xu hướng đó bắt đầu thay đổi ít hơn một năm sau khi chiến tranh bắt đầu. Beginning in December 2004, polls have consistently shown that a majority thinks the invasion was a mistake. Bắt đầu từ tháng 12 năm 2004, các cuộc thăm dò đã liên tục chỉ ra rằng đa số cho rằng cuộc xâm lược là một sai lầm. As of 2006, opinion on what the US should do in Iraq is split, with a slight majority generally favoring setting a timetable for withdrawal, but against withdrawing immediately. Đến năm 2006, ý kiến ​​về những gì Hoa Kỳ nên làm ở Iraq được chia, với một đa số nhỏ thường thiên về thiết lập thời gian biểu rút quân, nhưng so với thu hồi ngay lập tức. However, in this area responses vary widely with the exact wording of the question. [ 7 ] Tuy nhiên, trong lĩnh vực này phản ứng rất khác nhau với những từ ngữ chính xác của câu hỏi.
Since the invasion of Iraq, one of the most visible leaders of popular opposition in the US has been Cindy Sheehan , the mother of Casey Sheehan , a soldier killed in Iraq. Kể từ khi cuộc xâm lược Iraq, một trong những nhà lãnh đạo rõ ràng nhất của phe đối lập phổ biến ở Mỹ đã được Cindy Sheehan , mẹ của Casey Sheehan , một người lính bị giết tại Iraq. Sheehan's role as an anti-war leader began with her camping out near President Bush's ranch in Crawford, Texas, and continued with a nationwide tour and trips to Europe and South America. Sheehan vai trò của một nhà lãnh đạo chống chiến tranh đã bắt đầu với hiện cắm trại của mình ở gần trang trại của Tổng thống Bush ở Crawford, Texas, và tiếp tục với một tour du lịch cả nước và các chuyến đi đến châu Âu và Nam Mỹ.

Nhiều thành viên nổi bật của cộng đồng an ninh quân sự quốc gia, đặc biệt là những người ủng hộ một cách tiếp cận hiện thực hơn cho quan hệ quốc tế đã truy tố c cuộc chiến tranh.
On July 28, 2002, eight months before the invasion of Iraq, the Washington Post reported that "many senior US military officers" including members of the Joint Chiefs of Staff opposed an invasion on the grounds that the policy of containment was working. [ 8 ] Ngày 28 tháng bảy 2002, tám tháng trước khi cuộc xâm lược Iraq, Washington Post báo cáo rằng "nhiều sĩ quan quân đội cao cấp Hoa Kỳ" bao gồm các thành viên của mưu trưởng liên quân chống lại một cuộc xâm lược trên cơ sở đó các chính sách ngăn chặn đã được làm việc.
A few days later, Gen. Joseph P. Hoar (Ret.) warned the Senate Foreign Relations Committee that the invasion was risky and perhaps unnecessary. Một vài ngày sau đó, tướng Joseph P. Hoar (Ret.) cảnh báo rằng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng cuộc xâm lược là nguy hiểm và có lẽ không cần thiết.
Morton Halperin , a foreign policy expert with the Council on Foreign Relations and Center for American Progress warned that an invasion would increase the terrorist threat. [ 9 ] Morton Halperin , một chuyên gia về chính sách đối ngoại với các Hội đồng Quan hệ Đối ngoạiTrung tâm Tiến bộ Mỹ cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sẽ làm tăng mối đe dọa khủng bố.
In a 2002 book, Scott Ritter , a Nuclear Weapons Inspector in Iraq from 1991–98, argued against an invasion and expressed doubts about the Bush Administration's claims that Saddam Hussein had a WMD capability. [ 10 ] Trong một cuốn sách năm 2002, Scott Ritter , một thanh tra vũ khí hạt nhân ở Iraq 1991-98, lập luận chống lại cuộc xâm lược một và bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Tổng thống Bush chính mà Saddam Hussein đã có một WMD năng lực.
Brent Scowcroft , who served as National Security Adviser to President George HW Bush was an early critic. Brent Scowcroft , người đã từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống George HW Bush là một nhà phê bình sớm. He wrote an August 15, 2002 editorial in The Wall Street Journal entitled "Don't attack Saddam," arguing that the war would distract from the broader fight against terrorism and the Israeli-Palestinian conflict , which should be the US's highest priority in the Middle East. [ 11 ] The next month, Gen. Hugh Shelton , former Chairman of the Joint Chiefs of Staff , agreed that war in Iraq would distract from the War on Terrorism . [ 12 ] Ông đã viết một ngày 15 tháng tám năm 2002 biên tập trong The Wall Street Journal có tựa đề "Không tấn công Saddam", biện luận rằng cuộc chiến sẽ phân tâm từ cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại khủng bố và các cuộc xung đột Israel-Palestine , cần được ưu tiên cao nhất của Mỹ trong Trung Đông. Các tháng tiếp theo, Tướng Hugh Shelton , cựu Chủ tịch của mưu trưởng liên quân , đã đồng ý rằng cuộc chiến tại Iraq sẽ đánh từ chiến tranh chống khủng bố .
Retired Marine Gen. Anthony Zinni , former head of Central Command for US forces in the Middle East and State Department's envoy to the Palestinian-Israeli conflict, echoed many of Scowcroft's concerns in an October 2002 speech at the Middle East Institute. By January 19, 2003, TIME Magazine reported that "as many as 1 in 3 senior officers questions the wisdom of a preemptive war with Iraq." [ 14 ] Ngày 19 tháng 1 2003, Tạp chí TIME đã báo cáo rằng "có đến 1 trong 3 sĩ quan cao cấp đặt câu hỏi trí tuệ của một cuộc chiến tranh phủ đầu với Iraq."
On February 13, 2003 Ambassador Joseph Wilson , former charge d'affaires in Baghdad, resigned from the Foreign Service and publicly questioned the need for another war in Iraq. [ 15 ] After the War started, he wrote an editorial in the New York Times titled What I Didn't Find in Africa that claimed to discredit a Bush Administration claim that Iraq had attempted to procure uranium from Niger. [ 16 ] Ngày 13 tháng hai, 2003 Đại sứ Joseph Wilson , cựu đại biện tại Baghdad, đã từ chức từ các dịch vụ nước ngoài và công khai nghi ngờ sự cần thiết cho một cuộc chiến khác ở Iraq Sau khi chiến tranh bắt đầu, ông đã viết một bài xã luận trên tờ New York Times có tựa đề Những gì tôi đã không Tìm ở Châu Phi tuyên bố mất uy tín chính là Bush cho rằng Iraq đã cố gắng mua uranium từ Niger.
On June 16, 2004 twenty seven former senior US diplomats and military commanders called Diplomats and Military Commanders for Change issued a statement against the war. [ 21 ] The group included: Ngày 16 Tháng Sáu, 2004, 27 cựu ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ , các nhà quân sự  cấp cao ban hành một tuyên bố chống chiến tranh. Các nhóm bao gồm:
Richard Clarke , former chief counter-terrorism adviser on the National Security Council for both the latter part of the Clinton Administration and early part of the George W. Bush Administration, criticized the Iraq war along similar lines in his 2004 book Against All Enemies and during his testimony before the 9/11 Commission . In April 2006, six prominent retired generals publicly criticized Secretary of Defense Donald Rumsfeld 's handling of the war, and called for his resignation. [ 24 ] The group included two generals who commanded troops in Iraq: Maj. Gen. Charles H. Swannack, Jr. (Ret.) and Maj. Gen. John Batiste (Ret.). [ 25 ] One of the generals, Lieut. Vào tháng Tư năm 2006, sáu vị tướng nổi tiếng về hưu công khai chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld là xử lý của chiến tranh, và kêu gọi ông từ chức. Các nhóm bao gồm hai vị tướng chỉ huy quân đội ở Iraq: Thiếu tướng Charles H. Swannack , Jr (Ret.) và Thiếu tướng John (Ret.). Một trong những tướng là , Lieut. Gen. Greg Newbold (Ret.), who served as the Pentagon's top operations officer during the months leading up to the invasion, also published an article that month in Time Magazine entitled "Why Iraq Was a Mistake." [ 26 ] Tướng Greg Newbold (Ret.), người từng là nhân viên của Lầu Năm Góc hàng đầu hoạt động trong những tháng dẫn đến cuộc xâm lược, cũng xuất bản một bài báo trong tạp chí Time tháng tựa đề "Tại sao Iraq là một sai lầm."
In October 2007, Lieutenant General Ricardo Sanchez , former commander of coalition forces in Iraq, called the 2007 "surge" a "flawed strategy", and suggested that the political leadership in the US would have been court martialed for their actions, had they been military personnel. [ 28 ] Trong tháng mười năm 2007, Trung Tướng Ricardo Sanchez , cựu chỉ huy lực lượng liên quân tại Iraq, gọi là năm 2007 "tăng" là một "sai lầm chiến lược", và cho rằng các lãnh đạo chính trị tại Hoa Kỳ có thể đã được tòa án martialed cho hành động của họ, có họ được quân nhân.
[ edit ] Opposition from soldiersPhản đối từ người lính, Phản đối của Quốc hội

Ý kiến ​​tại Quốc hội Mỹ dẫn tới cuộc chiến Iraq nói chung ủng hộ một giải pháp ngoại giao, trong khi hỗ trợ quân sự can thiệp ngoại giao bị thất bạiCongressional critics of the war have also opposed President Bush's plan to send an additional 20,000 US soldiers to Iraq. .Quốc hội phê bình cuộc chiến tranh cũng đã phản đối kế hoạch của Tổng thống Bush gửi thêm 20.000 lính Mỹ tới Iraq. On January 10, 2007, Senator Dick Durbin gave the Democratic response to this plan by saying: "We have given the Iraqis so much... Now, in the fourth year of this war, it is time for the Iraqis to stand and defend their own nation." [ 40 ]
Phản đối từ các ứng cử viên tổng thống
The Iraq War was the defining issue of the 2004 US presidential campaign. In the 2008 US presidential campaign , candidates Representative Ron Paul , then-Senator Barack Obama (Now President of the United States), Senator Chris Dodd , Hillary Clinton , Dennis Kucinich , and Mike Gravel were some of the most outspoken critics of the Iraq War. Trong chiến dịch tranh cử  Mỹ tổng thống năm 2008 , ứng cử viên đại diện Ron Paul , sau đó, Thượng nghị sĩ Barack Obama (Tổng thống Hoa Kỳ hiện nay), Thượng nghị sĩ Chris Dodd , Hillary Clinton , Dennis Kucinich , và Mike Gravel là các nhà phê bình thẳng thắn nhất của cuộc chiến tranh Iraq . Ron Paul has said that "The war in Iraq was sold to us with false information. The area is more dangerous now than when we entered it. We destroyed a regime hated by our direct enemies, the jihadists, and created thousands of new recruits for them. This war has cost more than 3,000 American lives, thousands of seriously wounded, and hundreds of billions of dollars." [ 43 ] Barack Obama (who went on to win the election) was not a senator at the time of the voting of the Iraq War Resolution, but has repeatedly voiced his disapproval of it both before and during his senatorship, saying at an anti war rally in Chicago on October 2, 2002: "I am not opposed to all wars. I'm opposed to dumb wars." Barack Obama (người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử) không phải là một thượng nghị sĩ tại thời điểm biểu quyết Nghị quyết của Chiến tranh Iraq, nhưng đã nhiều lần lên tiếng không chấp thuận cả trước và trong khichiến dịch tranh cử của ông, nói tại một cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Chicago vào ngày 02 tháng mười năm 2002. "Tôi không phản đối cho tất cả các cuộc chiến tranh tôi là phản đối cuộc chiến tranh câm . " He also spoke of the "undetermined length... undetermined cost , [and] undetermined consequences" which even a successful war would bring. [ 44 ] [ 45 ] Dodd voted in favor of the Iraq War Resolution in 2002, but Dodd has since become an opponent of the war. [ 46 ] Dodd has said the Iraq War has been waged “for all the wrong reasons” and that it is eroding both the nation's security and its moral leadership. [ 47 ] Ông cũng đã nói về "độ dài không xác định ... chi phí chưa xác định , những hậu quả không xác định "mà ngay cả một cuộc chiến tranh thành công sẽ mang lại.
Around the 2003 Invasion of Iraq and subsequent occupation of Iraq , polling data indicated that opposition to military action against Iraq was widespread in Europe. [ 50 ] Xung quanh các cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và sau đó chiếm đóng Iraq , số liệu cho thấy sự phản đối hành động quân sự chống lại Iraq đã được phổ biến rộng rãi ở châu Âu.
'Anti-Bush' and anti-war sentiments were reflected in many western European countries, generally with the populace less sympathetic to the US stance even when the government in a given country (eg the United Kingdom, or Italy) aligned themselves with the US position. In the United Kingdom, both the governing Labour Party and the official opposition Conservative Party were in favour of the invasion.
[ edit ] Opposition throughout the worldPhản đối                  Phản đối trên toàn thế giới

Nhiều thành viên nổi bật của cộng đồng an ninh quân sự quốc gia, đặc biệt là những người ủng hộ một cách tiếp cận hiện thực hơn cho quan hệ quốc tế đã truy tố c cuộc chiến tranh.
On July 28, 2002, eight months before the invasion of Iraq, the Washington Post reported that "many senior US military officers" including members of the Joint Chiefs of Staff opposed an invasion on the grounds that the policy of containment was working. [ 8 ] Ngày 28 tháng bảy 2002, tám tháng trước khi cuộc xâm lược Iraq, Washington Post báo cáo rằng "nhiều sĩ quan quân đội cao cấp Hoa Kỳ" bao gồm các thành viên của mưu trưởng liên quân chống lại một cuộc xâm lược trên cơ sở đó các chính sách ngăn chặn đã được làm việc.
A few days later, Gen. Joseph P. Hoar (Ret.) warned the Senate Foreign Relations Committee that the invasion was risky and perhaps unnecessary. Một vài ngày sau đó, tướng Joseph P. Hoar (Ret.) cảnh báo rằng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng cuộc xâm lược là nguy hiểm và có lẽ không cần thiết.
Morton Halperin , a foreign policy expert with the Council on Foreign Relations and Center for American Progress warned that an invasion would increase the terrorist threat. [ 9 ] Morton Halperin , một chuyên gia về chính sách đối ngoại với các Hội đồng Quan hệ Đối ngoạiTrung tâm Tiến bộ Mỹ cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sẽ làm tăng mối đe dọa khủng bố.
In a 2002 book, Scott Ritter , a Nuclear Weapons Inspector in Iraq from 1991–98, argued against an invasion and expressed doubts about the Bush Administration's claims that Saddam Hussein had a WMD capability. [ 10 ] Trong một cuốn sách năm 2002, Scott Ritter , một thanh tra vũ khí hạt nhân ở Iraq 1991-98, lập luận chống lại cuộc xâm lược một và bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Tổng thống Bush chính mà Saddam Hussein đã có một WMD năng lực.
Brent Scowcroft , who served as National Security Adviser to President George HW Bush was an early critic. Brent Scowcroft , người đã từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống George HW Bush là một nhà phê bình sớm. He wrote an August 15, 2002 editorial in The Wall Street Journal entitled "Don't attack Saddam," arguing that the war would distract from the broader fight against terrorism and the Israeli-Palestinian conflict , which should be the US's highest priority in the Middle East. [ 11 ] The next month, Gen. Hugh Shelton , former Chairman of the Joint Chiefs of Staff , agreed that war in Iraq would distract from the War on Terrorism . [ 12 ] Ông đã viết một ngày 15 tháng tám năm 2002 biên tập trong The Wall Street Journal có tựa đề "Không tấn công Saddam", biện luận rằng cuộc chiến sẽ phân tâm từ cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại khủng bố và các cuộc xung đột Israel-Palestine , cần được ưu tiên cao nhất của Mỹ trong Trung Đông. Các tháng tiếp theo, Tướng Hugh Shelton , cựu Chủ tịch của mưu trưởng liên quân , đã đồng ý rằng cuộc chiến tại Iraq sẽ đánh từ chiến tranh chống khủng bố .
Retired Marine Gen. Anthony Zinni , former head of Central Command for US forces in the Middle East and State Department's envoy to the Palestinian-Israeli conflict, echoed many of Scowcroft's concerns in an October 2002 speech at the Middle East Institute. By January 19, 2003, TIME Magazine reported that "as many as 1 in 3 senior officers questions the wisdom of a preemptive war with Iraq." [ 14 ] Ngày 19 tháng 1 2003, Tạp chí TIME đã báo cáo rằng "có đến 1 trong 3 sĩ quan cao cấp đặt câu hỏi trí tuệ của một cuộc chiến tranh phủ đầu với Iraq."
On February 13, 2003 Ambassador Joseph Wilson , former charge d'affaires in Baghdad, resigned from the Foreign Service and publicly questioned the need for another war in Iraq. [ 15 ] After the War started, he wrote an editorial in the New York Times titled What I Didn't Find in Africa that claimed to discredit a Bush Administration claim that Iraq had attempted to procure uranium from Niger. [ 16 ] Ngày 13 tháng hai, 2003 Đại sứ Joseph Wilson , cựu đại biện tại Baghdad, đã từ chức từ các dịch vụ nước ngoài và công khai nghi ngờ sự cần thiết cho một cuộc chiến khác ở Iraq Sau khi chiến tranh bắt đầu, ông đã viết một bài xã luận trên tờ New York Times có tựa đề Những gì tôi đã không Tìm ở Châu Phi tuyên bố mất uy tín chính là Bush cho rằng Iraq đã cố gắng mua uranium từ Niger.
On June 16, 2004 twenty seven former senior US diplomats and military commanders called Diplomats and Military Commanders for Change issued a statement against the war. [ 21 ] The group included: Ngày 16 Tháng Sáu, 2004, 27 cựu ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ , các nhà quân sự  cấp cao ban hành một tuyên bố chống chiến tranh. Các nhóm bao gồm:
Richard Clarke , former chief counter-terrorism adviser on the National Security Council for both the latter part of the Clinton Administration and early part of the George W. Bush Administration, criticized the Iraq war along similar lines in his 2004 book Against All Enemies and during his testimony before the 9/11 Commission . In April 2006, six prominent retired generals publicly criticized Secretary of Defense Donald Rumsfeld 's handling of the war, and called for his resignation. [ 24 ] The group included two generals who commanded troops in Iraq: Maj. Gen. Charles H. Swannack, Jr. (Ret.) and Maj. Gen. John Batiste (Ret.). [ 25 ] One of the generals, Lieut. Vào tháng Tư năm 2006, sáu vị tướng nổi tiếng về hưu công khai chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld là xử lý của chiến tranh, và kêu gọi ông từ chức. Các nhóm bao gồm hai vị tướng chỉ huy quân đội ở Iraq: Thiếu tướng Charles H. Swannack , Jr (Ret.) và Thiếu tướng John (Ret.). Một trong những tướng là , Lieut. Gen. Greg Newbold (Ret.), who served as the Pentagon's top operations officer during the months leading up to the invasion, also published an article that month in Time Magazine entitled "Why Iraq Was a Mistake." [ 26 ] Tướng Greg Newbold (Ret.), người từng là nhân viên của Lầu Năm Góc hàng đầu hoạt động trong những tháng dẫn đến cuộc xâm lược, cũng xuất bản một bài báo trong tạp chí Time tháng tựa đề "Tại sao Iraq là một sai lầm."
In October 2007, Lieutenant General Ricardo Sanchez , former commander of coalition forces in Iraq, called the 2007 "surge" a "flawed strategy", and suggested that the political leadership in the US would have been court martialed for their actions, had they been military personnel. [ 28 ] Trong tháng mười năm 2007, Trung Tướng Ricardo Sanchez , cựu chỉ huy lực lượng liên quân tại Iraq, gọi là năm 2007 "tăng" là một "sai lầm chiến lược", và cho rằng các lãnh đạo chính trị tại Hoa Kỳ có thể đã được tòa án martialed cho hành động của họ, có họ được quân nhân.

Phản đối của  tổ chức tôn giáoOn September 13, 2002, US Catholic bishops signed a letter to President Bush stating that any "preemptive, unilateral use of military force to overthrow the government of Iraq" could not be justified at the time.
The Vatican also spoke out against war in Iraq. Các Vatican cũng đã lên tiếng chống lại cuộc chiến tại Iraq. Archbishop Renato Raffaele Martino , a former UN envoy and current prefect of the Council for Justice and Peace, told reporters that war against Iraq was a preventive war and constituted a "war of aggression", and thus did not constitute a just war. Đức Tổng Giám Mục Renato Raffaele Martino , một cựu phái viên Liên Hợp Quốc và trưởng ban hiện hành của Hội đồng Tư pháp và Hòa bình, nói với các phóng viên rằng cuộc chiến chống Iraq là một cuộc chiến tranh phòng ngừa và thành lập một "cuộc chiến tranh xâm lược", và do đó không tạo thành một cuộc chiến tranh chinh nghĩa . The foreign minister, Archbishop Jean-Louis Tauran, expressed concerns that a war in Iraq would inflame anti-Christian feelings in the Islamic worl Cựu bộ trưởng ngoại giao, Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, bày tỏ quan ngại rằng một cuộc chiến tranh ở Iraq sẽ làm nóng tình cảm chống Kitô hữu trong thế giới Hồi giáo. On February 8, 2003, Pope John Paul II said "we should never resign ourselves, almost as if war is inevitable." [ 62 ] He spoke out again on March 22, 2003, shortly after the invasion began, saying that violence and arms "can never resolve the problems of man." [ 63 ] [ 64 ] [ 65 ] Ngày 08 tháng hai 2003, Giáo hoàng John Paul II cho biết "chúng tôi không bao giờ tự khuất phục mình như thể chiến tranh là không thể tránh khỏi." Ông đã nói ra một lần nữa vào ngày 22 tháng ba 2003, ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, và nói rằng bạo lực và vũ khí mà "không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề của con người."
Both the outgoing Archbishop of Canterbury, George Carey , and his successor, Rowan Williams , spoke out against war with Iraq. Cả Đức Tổng Giám Mục đi của Canterbury, George Carey , và người kế nhiệm ông, Rowan Williams , đã lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh với Iraq.
The executive committee of the World Council of Churches , an organization representing churches with a combined membership of between 350 million and 450 million Christians from over 100 countries, [ 66 ] issued a statement in opposition to war with Iraq, stating that "War against Iraq would be immoral, unwise, and in breach of the principles of the United Nations Charter." [ 67 ] Phản đối chiiến tranh Iraq diễn ra trên khắp thế giới.
Across the world popular opposition to the Iraq war has led to thousands of protests since 2002, against the invasion of IraqTrên khắp thế giới, thái độ bất đồng đã dẫn đến hàng ngàn cuộc biểu tình kể từ năm 2002, chống lại cuộc xâm lược Iraq. They were held in many cities worldwide, often co-ordinated to occur simultaneously worldwide. Họ đã được tổ chức tại nhiều thành phố trên toàn thế giới, thường xuyên phối hợp để xảy ra đồng thời trên toàn thế giới. After the simultaneous demonstrations, on February 15, 2003 , the largest in total turnout, New York Times writer Patrick Tyler claimed that they showed that there were two superpowers on the planet: the United States and world public opinion. Sau khi các cuộc biểu tình đồng thời, vào ngày 15 Tháng Hai năm 2003 ,số người biểu tình lớn nhất- tổng số cử tri đi bầu,     nhà văn Patrick Tyler của tờ New York Times khẳng định rằng họ đã cho thấy rằng có hai siêu cường trên thế giới: Hoa Kỳ và thế giới công luận. As the war drew nearer, other groups held candlelight vigils and students walked out of school.  Không những thế,hoạt động chống chiến tranh diễn ra dưới nhiều hình thức các nhóm khác đã tổ chức buổi cầu nguyện thắp nến, sinh viên bước ra khỏi trường học.
The February 15, 2003, worldwide protests drew millions of people across the world. Các 15 tháng 2 năm 2003, cuộc biểu tình trên toàn thế giới đã thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới. It is generally estimated that over 3 million people marched in Rome, between one and two million in London, more than 600,000 in Madrid , 300,000 in Berlin, as well as in Damascus , Paris, New York, Oslo , Stockholm , Brussels , Johannesburg , Montreal - more than 600 cities in all, worldwide. Nó thường được ước tính có hơn 3 triệu người đã tuần hành tại Rome, từ một đến hai triệu ở London, hơn 600.000 ở Madrid , 300.000 ở Berlin, cũng như ở Damascus , Paris, New York, Oslo , Stockholm , Brussels , Johannesburg , Montreal - hơn 600 thành phố trên toàn thế giới. This demonstration was listed by the 2004 Guinness Book of Records as the largest mass protest movement in history. Cuộc đại biểu tinh này đã được liệt kê trong sách kỷ lục thế giới Guiness như  cuộc biểu tình phong trào quần chúng lớn nhất trong lịch sử.

 Trong khi đó Washington tỏ thái độ không quan tâm đến làn sóng phản đối chiến tranh Iraq ngày càng tăng từ Nga,Trung Quốc, các đồng minh Đức, Pháp, Canada và trên toàn thế giới. Ngoại trưởng Colin Powell đã từng tin tưởng sẽ tìm được những nước khác có cùng ý muốn tiến hành chiến dịch quân sự lật đổ Baghdad.
"Chúng ta không cần lo sẽ phải đến chiến trận một mình" (Powell )
Tại sao lại có làn sóng phản chiến mạnh mẽ như vậy?
Có người cho  rằng Mỹ có lý khi phát động tấn công Iraq, rằng Tổng thống Iraq Saddam là độc tài, rằng người Nhật hoảng loạn và người Hàn Quốc lo lắng khi vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên chưa được giải quyết; rằng Mỹ là cảnh sát quốc tế...
Thực tế  Mỹ không thể có lý do chính đáng nào để tấn công một quốc gia có chủ quyền như Iraq. Nếu nói rằng ông Saddam là độc tài, thì hãy để tự nhân dân Iraq đánh giá về sự độc tài đó. Tổng thống Bush có độc tài không? Có, không những độc tài mà ông ta còn có thái độ và cách ứng xử rất cường quyền. Cuộc chiến ở Nam Tư là một ví dụ. Mỹ có vũ khí hủy diệt hàng loạt không? Có, không những thế mà có rất nhiều. Vậy ai là người “giải giáp” Mỹ? Ai là người đòi ông Bush phải tỵ nạn chính trị như ông ta từng yêu cầu ông Saddam?
Việc CHDCND Triều Tiên mới đây thừa nhận vẫn bí mật theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và công khai thách thức Mỹ và đồng minh chính là lý do cho chung ta thấy rõ mục đích cuộc chiến chống Iraq của Mỹ. Tại sao Mỹ tấn công Iraq mà  không gây chiến vối Triều Tiên.
Phải chăng chính phủ Mỹ hiện nay đang phải phân tâm để lo đối phó với cả Iraq và Bắc Triều Tiên, thế nhưngcó lẽ đây là 1 bài toán nan giải cho Mỹ, họ buộc phải cân nhắc thực lực mỗi bên, đánh giá về nguy cơ và mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến… Mỹ không thể cùng 1 lúc đối đầu với cả hai nước, họ phải chọn 1 giải pháp có lợi nhất. Mỹ chọn con đường đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ bỏ quên Bình Nhưỡng trong khi dồn quân vào khu vực Trung Đông.

Người Mỹ đáng khâm phục ở nhiều khía cạnh, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh đồng tất cả các khái niệm. Mỹ không xứng đáng là một cảnh sát quốc tế vì bản thân nội bộ nước Mỹ cũng vẫn còn đầy rẫy những bất công, vì thái độ cường quyền của Mỹ đối với những nước nhỏ. Mỹ hô hào tự do nhưng Mỹ không tôn trọng tự do của nước khác. Nói một cách chính xác, Mỹ chỉ là một “sen đầm”. Cứ nhìn vào thái độ của Mỹ đối với cuộc xung đột IsraelPalestine là  chúng ta có thể nhận thấy rõ. Việc Mỹ xóa sổ chế độ Taliban ở Afganistan không phải vì nhân dân Afganistan mà chỉ vì quyền lợi của Mỹ ở khu vực này, vì sự khẳng định “sức mạnh” của Mỹ.
Như vậy, đây là một cuộc chiến phi nghĩa và điều đó làm cho những người yêu chuộng hòa bình trên  toàn thế giới phản ứng mạnh mẽ.


Đánh giá chung


Mỹ lấy cái cớ chống khủng bố, coi Iraq là một đối tượng nguy hiểm của chủ nghia khủng bố cần được ngăn chặn.Vì vậy,Mỹ sử dụng lực lượng quân sự phát động cuộc tranh chớp nhoáng chống Iraq bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Điều đó phần nào cho ta thấy Mỹ thể hiện rõ thái độ tham vọng thiết lập trật tự thế giới đơn cực của mình  nhằm đạt được mục tiêu chiến lược ngăn chặn không cho cường quốc nào- dù là đồng minh hay đối thủ vươn lên thách thức vai trò siêu cường của mình. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho chính sách đối ngoại đơn phương của Mỹ, chà đạp lên các nguyên tắc luật pháp quốc tế, kể cả liên hợp quốc.
Rõ ràng, mục đích chống khủng bố chỉ là một cái cớ, Mỹ dùng chiêu bài này đẻ thay thế cho ngọn cờ "chống cộng" trong thòi kỳ chiến tranh lạnh nhằm tập hợp lực lượng liên minh, thân Mỹ, phụ thuộc vào Mỹ, thu nguồn lợi kinh tế, tạo thế lưc chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật...ảnh hưởng toàn cầu. Tất cả phục vụ mục đích hình thanh một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối.
Tuy nhiên, chủ nghĩa đơn phương, ý đò thống trị thế giới của Mỹ đã vấp phải sự chống đối của tất cả các quốc gia trên thế giới, từ các nươc lớn: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... đến các nước khác.Phong trào chống chiến tranh, chống chính sách hiếu chiến của Mỹ ở Iraq đã lan rộng khắp thế giới. Với tham vọng khẳng định mình của hầu hết các quốc gia trên thế giới và lọi ích dân tộc đặt lên trên hết, yêu cầu thiết lập một trật tự đa cực của cộng đồng quốc tế  là một tất yếu. Bởi vì nhìn từ bình diện toàn cầu thì một quốc gia dù là siêu cường duy nhất cũng không có khẳ năng kiểm soát toàn bộ các lĩnh nguyên toàn cầu. Điều đó khiến Mỹ không thể và không đủ khẳ năng thiết lập một trật tự đơn cực mà không phải dựa vào hay chịu sự ràng buộc  các  quốc gia và tổ chức quốc tế trong đó có liên hợp quốc.
Như thế trong những dòng chảy của thời đại, trào lưu chủ đạo vẫn là sự hợp tác hướng tới một thế giới an ninh và phát triển.  Thế nhưng rõ ràng là quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau.
Trật tự thế giới đa cực ngày càng được định hình rõ ràng hơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế (đứng thứ 2-3 thế giới trong năm 2010) và sự suy yếu của kinh tế Mỹ đã tạo ra cục diện chiến lược mới. Từ khi phát động chiến tranh Iraq đến nay, tỉ trọng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới từ đỉnh cao 35% năm 203 tuột xuống còn khoảng 24% hiện nay. Trong một thế giới mà kinh tế thị trường chiếm thế thượng phong, quyền lực quốc tế dường như cũng diễn biến theo hướng "cổ phần hóa". Trung Quốc vươn lên trở thành một thế lực thực sự trên bàn cờ chính trị quốc tế.  

Trong khi đó, nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nay có thể thêm Nam Phi) đã khẳng định vai trò của họ trong đời sống toàn cầu ngay trong hiện tại thay vì hai thập kỷ sau như trong dự báo của Hội đồng Tình báo quốc gia của Mỹ (NIC). Và cả G20 cũng nổi lên lấn át vị thế của G7-G8 mới mặc dù có Mỹ tham gia. Dẫu vẫn còn đó siêu cường Mỹ, nhưng sức mạnh của chú Sam đã giảm vì còn phải căng mình cho hai cuộc chiến ở IraqAfghanistan. Tuy rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq từ ngày 19/8/2010, nhưng Mỹ vẫn đang mang gánh nặng an ninh ở đất nước vùng Vịnh này.
Trên bình diện chính trị và an ninh quốc tế, cuộc chơi quyền lực toàn cầu vẫn do các cường quốc cầm trịch. Cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn tiếp diễn. Những nước mới nổi lên vươn tới những vùng đất châu Phi, Mỹ Latinh và cả châu Á để tìm kiếm nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sự phát triển của họ. Các nước đã hoặc có thể bị mất những vùng ảnh hưởng tìm cách trấn giữ hoặc giành giật vì những mục tiêu năng lượng và cả mục tiêu an ninh. Nhưng các cường quốc còn có những quan hệ "đối tác", "chiến lược", có thể thỏa thuận, chia sẻ quyền lực mà đôi khi hy sinh cả lợi ích của các nước nhỏ có liên quan.

Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến chuyện đó. Vấn đề là các nước nhỏ cần phải vươn lên, phải khôn ngoan mới khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế trong cục diện mới. Trong bối cảnh này, đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với các nước đang phát triển.
Chủ nghĩa đa phương ngày càng chiếm thế chủ đạo trong đời sống quốc tế. Liên Hiệp Quốc (LHQ) mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng tiếp tục được nhiều nước trên thế giới tích cực tham gia Trong năm 2010, LHQ đã đạt được nhiều thành công, từ thúc đẩy đa dạng sinh học đến hỗ trợ bầu cử ở Iraq và Afghanistan.
Cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn cầu vẫn tiếp diễn phức tạp. Các nước vẫn muốn giành ưu thế quân sự, mặc dù cả Mỹ và Nga đã thông qua Hiệp ước START mới về cắt giảm tên lửa đạn đạo. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới, chiếm hơn một nửa tổng chi phí quân sự của toàn cầu. Ngân sách quân sự Mỹ liên tục phá kỷ lục, năm 2010 tiêu tốn trên 600 tỉ USD! Vấn đề hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt gây tranh cãi vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan và  cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông, Nam Á, châu Phi… chưa chấm dứt. Hòa bình Trung Đông vẫn là khát vọng của người Arập và người Do Thái, nhưng trái khoáy là ở chỗ họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Lục địa Đen vẫn còn rối ren với nhiều cuộc xung đột và hậu quả của các cuộc nội chiến…
Cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn với nhiều vụ đánh bom, phá hoại kinh hoàng ở Nga, châu Âu, Mỹ, Iraq, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines…, đặc biệt là ở Pakistan. Chủ nghĩa cực đoan núp dưới bóng của tôn giáo, dân tộc vẫn là mối đe dọa đối với an ninh nhiều nước...
Cục diện thế giới mới vẫn chưa ổn định và chưa cân bằng. Chính vì vậy, những nguy cơ xung đột, cạnh tranh vẫn còn là một đe dọa tới hòa bình và phát triển của thế giới.


7. Tương lai nào cho Iraq sau khi Mỹ rút quân?

21:21' 22/12/2011


TCCSĐT- Quân đội Mỹ cho biết, ngày 18-12-2011, những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Iraq đã rút khỏi nước này bằng đường bộ qua biên giới Kuwait. Sẽ chỉ còn khoảng hơn 100 lính Mỹ còn ở lại tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Như vậy, sau gần 9 năm kể từ khi phát động cuộc chiến lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Saddam Hussien, lực lượng Mỹ đã chính thức rút hoàn toàn về nước và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Iraq. Đây là một cuộc chiến tốn kém sức người, sức của của Washington khi cao điểm, lực lượng Mỹ có gần 170.000 quân tại Iraq, đóng ở 505 căn cứ.

Trước đó, ngày 12-12-2011, tại Nhà Trắng, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 9 năm qua tại Iraq. Sau đó ngày 14-12-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm căn cứ quân sự Fort Bragg, Bắc Carolina (Mỹ) và có bài phát biểu chính thức thông báo về quyết định rút hết các lực lượng chiến đầu của Mỹ ra khỏi Iraq và chào đón các binh sĩ Mỹ trở về sau thời gian chiến đấu tại quốc gia Vùng Vịnh này. 


Tuyên bố lạc quan của Tổng thống Mỹ Barack Obama 
Trong cuộc chiến kéo dài 9 năm qua ở Iraq đã có tổng cộng 1,5 triệu binh lính Mỹ tham chiến, gần 4.500 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 30.000 lính Mỹ bị thương, hàng trăm nghìn người dân Iraq bị chết và khoản chi phí khổng lồ “ngót nghét” 1 tỉ USD. Cuộc chiến tranh Iraq là gánh nặng quá lớn đối với nước Mỹ và là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự thâm hụt ngân sách liên bang và tăng nợ công tới mức báo động. 


Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cũng như trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại căn cứ quân sự Fort Bragg, Bắc Carolina, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận định, từ thời điểm này người dân Iraq “sẽ nắm giữ vận mệnh của đất nước”, rằng “nước Mỹ đã đem lại sự ổn định, chủ quyền, độc lập và sự tự tin cho người dân Iraq”. Tuy nhiên, không ít người trong giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng, nhận định đó của Tổng thống Mỹ Barack Obama là quá lạc quan, khi tình hình thực tế ở Iraq lại là một bức tranh hoàn toàn khác. 


Tình hình bất ổn đáng lo ngại ở Iraq 
Về sự bất ổn kinh tế - xã hội, ở Iraq, do hậu quả chiến tranh, hiện có tới 2 triệu phụ nữ góa bụa và 5 triệu trẻ em mồ côi; khoảng hơn 4 triệu người Iraq di tản khỏi quê hương đất nước để lánh nạn. Chỉ tính riêng ở quốc gia Syria láng giềng đã có ít nhất 3 triệu người Iraq tới xin được tị nạn và hiện đang sống trong cảnh nghèo đói nhưng họ vẫn chưa thể quay trở về quê hương vì tình hình bất ổn. Nạn thất nghiệp ở một số tỉnh ở Iraq đạt tới 40% số người đến tuổi lao động. 


Cách đây 10 đến 20 năm, Iraq là một quốc gia có nền giáo dục được xếp vào loại tốt nhất ở Trung Đông, thậm chí một số lĩnh vực đạt mức chuẩn quốc tế. Còn hiện nay 15% trẻ em Iraq không được đến trường; hạ tầng cơ sở công nghiệp, năng lượng và giao thông bị tàn phá; hệ thống y tế rối loạn. Ngay cả trong những năm chiến tranh với Iran (1980-1988), ở Iraq chưa bao giờ bị mất điện hay gặp khó khăn trong việc bảo đảm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; không có tội phạm hoành hành và không có khủng bố; mỗi một đồng tiền đina của Iraq có thể đổi được 3 USD. Hiện giờ, sau 9 năm được "giải phóng", tại nhiều địa phương của Iraq không có điện hoặc thường xuyên bị cắt điện trong ngày; hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khan hiếm, 1.250 đina của Iraq mới đổi được 1 đồng USD. Xét về mức độ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, Iraq được xếp đầu bảng trên thế giới. 


Về sự bẩt ổn an ninh, theo tin của nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Iraq cũng như thế giới, ở Iraq hằng ngày vẫn diễn ra hoạt động quân sự dưới dạng khủng bố và chống khủng bố, khiến mỗi ngày có tới 250 người thiệt mạng, mặc dù hiện nay Iraq đã xây dựng được một đội quân lớn cùng với lực lượng cảnh sát đông tới gần 900 nghìn người. 


Trên thực tế, ở Iraq, chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa các lực lượng Mỹ chiếm đóng với các lực lượng chủ trương độc lập cho Iraq, chiến tranh giữa các phe phái chính trị và các nhóm sắc tộc, tôn giáo. Ở Iraq, tổ chức mafia hoành hành, nạn giết người để lấy nội tạng bán qua biên giới phát triển đến mức báo động và đang hình thành lĩnh vực kinh doanh tội phạm. 


Về nền “độc lập” của Iraq, trong điều kiện hiện nay, quốc gia này chưa thể coi là một quốc gia độc lập vì trên toàn bộ lãnh thổ Iraq vẫn còn trên 500 căn cứ quân sự và các ổ đề kháng của quân Mỹ. Từ đây, Mỹ đã từng tiến hành kiểm soát Iraq. Do đó, tuy Mỹ tuyên bố rút các lực lượng chiến đấu ra khỏi Iraq nhưng điều đó không có ý nghĩa là hoạt động quân sự chấm dứt, chí ít với 3 lý do. 


Một là
 , một bộ phận lớn lực lượng quân sự của Mỹ trên danh nghĩa là “rút khỏi Iraq” nhưng trên thực tế là được điều động sang các nước láng giềng của Iraq, trước hết là Kuwait và Saudi Arabia. Từ những quốc gia đó, khi có lệnh chỉ trong vòng nửa giờ, các đơn vị đó của Mỹ đã có thể có mặt tại Iraq.

Hai là,
 vai trò của lực lượng chiếm đóng Mỹ trước đây được chuyển giao cho các công ty quân sự tư nhân, trong đó điển hình nhất và lớn nhất là công ty “Black Water”. Các lực lượng quân sự đánh thuê tư nhân đã từng gây ra hàng nghìn cuộc tàn sát dã man trên lãnh thổ Iraq để thực hiện nhiệm vụ mờ ám nhất. Mỹ không sử dụng các lực lượng quân sự chính quy để thực hiện các nhiệm vụ đó để tránh tai tiếng của dư luận.

Ba là,
 số nhân viên dân sự của Mỹ ở Iraq vẫn rất lớn. Theo con số chính thức, chỉ tính riêng nhân viên Đại sứ quán của Mỹ tại Iraq đã vào khoảng 20.000 người nhưng thực tế là khoảng 60.000 người. Con số này vượt quá nhu cầu nhân lực thực tế của bất kỳ Đại sứ quán Mỹ nào ở nước ngoài. Thêm nữa, tại 15 thành phố lớn của Iraq còn mở đại diện của các công ty Mỹ đang phát triển kinh doanh tại đây. Do đó, giới phân tích cho rằng, Mỹ đã “dân sự hóa” cuộc chiến tranh Iraq.

Một trong những mục tiêu của Mỹ trong chiến dịch quân sự ở Iraq không chỉ là loại bỏ chế độ cầm quyền của Saddam Hussein mà còn là loại bỏ một nhà nước Iraq thống nhất, có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực và đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Vì thế, trong bộ máy quyền lực của Iraq có hơn một nửa số nghị viện của Quốc hội là những người nhận được “trợ cấp” của Mỹ. Do đó, trong Quốc hội Iraq chỉ có một số rất ít nghị viện có thái độ phản đối Mỹ và chủ trương xây dựng một đất nước Iraq độc lập và thống nhất. 


Biểu hiện rõ nhất về nền “độc lập” của Iraq là cuộc bỏ phiếu tại Liên đoàn các nước Arab về vấn đề Syria. Trong lần bỏ phiếu đầu, đại diện của Iraq phản đối nghị quyết trừng phạt Syria vì họ lo sợ tình hình Syria bất ổn sẽ đẩy hàng triệu người dân Iraq đang tị nạn tràn về nước. Nhưng sau khi Thủ tướng Iraq được mời sang Mỹ để “tham vấn” thì trong lần bỏ phiếu sau, Iraq đã không còn phản đối nghị quyết trừng phạt Syria. Đây là dấu hiệu về sự “độc lập” của Iraq. 


Thay vì Đảng BASS của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị tuyên bố đứng ngoài vòng pháp luật, ở Iraq hiện nay hình thành khoảng 700 tổ chức chính trị và các nhóm phe phái bị chia rẽ về tư tưởng và tôn giáo và đi theo các chủ trương phát triển đất nước theo những định hướng khác nhau. Các tổ chức tôn giáo ở Iraq hiện nay không chỉ phát triển mạnh mà còn mang tính cực đoan. Dưới chế độ cầm quyền của Iraq trước đây, các sắc tộc và tôn giáo sống tương đối hòa thuận với nhau, còn hiện nay, họ đang chống đối nhau bằng các hoạt động phá hoại, giết người và các hình thức bạo lực khác. Ở Iraq các lực lượng cực đoan sẵn sàng tiêu diệt bất kể ai không đi theo quan điểm của họ. Ngoài ra, người Curd đang lợi dụng tình hình chia rẽ ở Iraq để đưa ra yêu sách đòi thành lập chính phủ riêng với lực lượng an ninh riêng và có mối quan hệ chính trị - kinh tế quốc tế độc lập. 


Về xây dựng quân đội, nếu cách đây 20 năm, đội quân đông tới hàng triệu người của Iraq được trang bị chủ yếu là vũ khí của Liên Xô (85%) thì hiện nay các lực lượng vũ trang Iraq vào khoảng 300 nghìn người được trang bị vũ khí chủ yếu của Mỹ như xe tăng “Abrams”, máy bay chiến đấu F16 và nhiều loại vũ khí khác. Từ đó, quân đội Iraq phải cần tới các dịch vụ huấn luyện của Mỹ với chi phí không nhỏ. 


Cuộc chiến vẫn tiếp diễn 
Theo nhận xét của giới phân tích, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq nằm trong chiến lược bố trí lại lực lượng trên phạm vi khu vực và toàn cầu, đồng thời thay đổi chiến thuật hoạt động, còn trên thực tế chiến tranh vẫn tiếp diễn theo một kịch bản không kém phần tồi tệ là tạo ra trạng thái “hỗn loạn có điều khiển”. 


Liên quan tới tình hình này, tờ “Gurdian” của Anh, đăng bài viết nhận định: “Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq chưa phải là chấm hết xung đột mà đúng hơn là sự mở đầu một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh ngầm. Khi Tổng thống Mỹ G.W.Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair đưa ra luận cứ để tiến hành cuộc chiến tranh Iraq, họ đã che dấu sự thật, đôi khi còn lừa gạt dư luận. Đánh mất niềm tin của xã hội, họ đã gây thiệt hại không thể bù đắp được cho nền dân chủ phương Tây mà hậu quả đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Ngoài ra, không ai chịu công nhận sai lầm, cũng không ai đưa ra lời xin lỗi. Đây lại thêm một lý do nữa giải thích vì sao cuộc chiến ở Iraq vẫn chưa kết thúc và có lẽ đối với thế hệ hiện nay nó sẽ không bao giờ kết thúc”. 


Còn theo nhà nghiên cứu chính trị, lịch sử và kinh tế Mỹ F. William Engdahl, tác giả cuốn sách mang tựa đề “Chiến lược giành ưu thế toàn diện hay là nền dân chủ bá quyền trong trật tự thế giới mới” (“Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order”, Nhà xuất bản Wiesbaden, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2009), với các tư liệu và luận cứ được trích dẫn từ các văn kiện chính thức của Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan, tổ chức của Mỹ chứng minh rằng, cuộc chiến tranh Iraq nằm trong kế hoạch đầy tham vọng là giành ưu thế toàn diện để sẵn sàng tiến hành các cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ nhằm giành giật tài nguyên trong suốt cả thế kỷ XXI./.
Hương Ly


8. Chiến tranh Iraq - nỗi đau dai dẳng của nước Mỹ


Một cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq.
(TinMoi) – Mọi thứ dường như đã khác so với những năm trước đây khi Mỹ kỷ niệm 6 năm ngày nước này chính thức khơi mào cuộc chiến tranh ở Iraq (19/3/2003-19/3/2009).

Với một thời gian biểu rõ ràng về kế hoạch rút quân Mỹ ra khỏi Iraq và chuyển trọng tâm sang chiến trường Afghanistan cùng với việc nềnkinh tế Mỹ đang ngập chìm trong cuộc khủng hoảng trầm trọng, lúc này người ta ít chú ý hơn đến cuộc chiến ở Iraq. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này trên mọi lĩnh vực của đời sống nước Mỹ sẽ không vì thế mà suy giảm, ngược lại nó sẽ tồn tại dai dẳng trong một thời gian dài.

Sự quan tâm của dân chúng Mỹ đối với cuộc chiến Iraq nhạt dần

Rất dễ nhận thấy rằng sự quan tâm của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Iraq đã ngày một sụt giảm đi trong những năm gần đây.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng ở nước Mỹ được xem là nguyên nhân hàng đầu và quan trọng nhất dẫn tới việc công chúng Mỹ không còn hướng sự quan tâm vào cuộc chiến ở Iraq nữa. Lúc này, mối quan tâm lớn nhất của họ chính là vấn đề kinh tế.

Theo các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trong thời kỳ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, 62% dân chúng Mỹ được hỏi đã chọn kinh tế là vấn đề họ quan tâm hàng đầu, trong khi chỉ có 10% chọn cuộc chiến Iraq.

Thứ hai, tình hình an ninh được cải thiện ở Iraq cùng với việc Tổng thống Obama đưa ra một lịch trình rút quân cụ thể hồi tháng trước đã giúp dân chúng Mỹ phần nào an tâm về vấn đề Iraq. Kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý do Gallup tiến hành gần đây nhất cho thấy, 62% người Mỹ tin rằng họ “có thể chiến thắng” trong cuộc chiến ở Iraq và 42% cảm thấy rằng họ “sẽ chiến thắng”. Đây được xem là quan điểm lạc quan nhất về cuộc chiến tranh ở Iraq kể từ năm 2006.

Lý do cuối cùng là chính quyền Bush, kẻ đã phát động ra cuộc chiến tranh này cách đây 6 năm, không còn cầm quyền vì thế các nhóm chống chiến tranh không còn nhiều lý do để tiến hành những cuộc biểu tình lớn.

Nỗi đau dai dẳng
Một vài con số ấn tượng về cuộc chiến Iraq:
- Số binh lính Mỹ có mặt tại chiến trường Iraq đông nhất là vào tháng 10/2007 với 166.000 quân

- Số nước tham gia vào cuộc chiến ở Iraq là 31 khi cuộc chiến bắt đầu năm 2003, hiện chỉ còn binh lính của 4 nước: Mỹ, Anh, Australia và Rumani, còn có mặt tại chiến trường Iraq.

- Tính đến ngày 17/3/2009, ít nhất 4.259 lính Mỹ và 307 lính thuộc lực lượng liên quân đã thiệt mạng tại Iraq; và có ít nhất 31.102 lính bị thương tính đến ngày 28/2/2009.

- Khoảng 2 triệu người Iraq đã phải dời bỏ nhà cửa đi tỵ nạn khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào nước này. Hơn 91.120 người Iraq đã thiệt mạng kể từ đó.
Cuộc chiến Iraq là chiến dịch quân sự tốn kém nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và là cuộc xung đột bên ngoài kéo dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ vì thế nó sẽ để lại nỗi đau dai dẳng đối với nước Mỹ về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự cũng như xã hội.

Theo Văn phòng ngân sách Quốc hội, tính đến hết 30/9 năm nay, chính phủ Mỹ đã chi 700 tỉ USD cho cuộc chiến ở Iraq. Nếu tính cả nguồn ngân sách mà chính quyền Obama đề nghị cho năm tài khóa 2010 bắt đầu từ 1/10 tới, thì cái giá của cuộc chiến tranh này đã lên 800 tỉ USD.

Theo tính toán của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, nếu tính cả chi phí bí mật cho việc thay thế vũ khí và đền bù cho các binh lính Mỹ thì cuộc chiến Iraq đã ngốn hết khoảng 2-3 nghìn tỉ USD và ảnh hưởng kinh tế của nó sẽ kéo dài hơn bản thân cuộc chiến tranh này.

Trong khi đó, mặc dù tỉ lệ thương vong của binh lính Mỹ tại chiến trường Iraq đã giảm đi sau thời kỳ tăng vọt năm 2007 thì con số đó vẫn ngày một cao lên. Hơn 4.200 binh lính Mỹ đã tử trận trong vòng 6 năm qua và con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi mà cuộc chiến tranh này vẫn chưa kết thúc ít nhất trong vòng 18 tháng nữa theo lịch trình mà Tổng thống Obama đưa ra.

Cỗ máy chiến tranh của Mỹ sẽ không thể hồi phục với vũ khí đã hao mòn, tinh thần cũng như sức khỏe của các binh lính sa sút. Khoảng 20% các binh lính của Mỹ có vấn đề về trí não do kết quả của những cuộc chiến tranh lâu dài ở Iraq và Afghanistan.

Ngoài ra, sự chia rẽ về chính trị đối với cuộc chiến tranh sẽ không chấm dứt cho dù nó không còn là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ.

Ông Obama đã khiến một số nhân vật ủng hộ ông và cũng là những người chống chiến tranh tức giận trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 khi ông không cam kết mạnh mẽ về kế hoạch rút quân Mỹ ra khỏi Iraq trong vòng 16 tháng kể từ khi nhậm chức.

Trong khi thông báo kế hoạch chiến tranh hồi tháng trước, Tổng thống đã lựa chọn lịch trình rút quân trong vòng 18 tháng nhằm giảm bớt sự chống đối của các tướng lĩnh Mỹ đối với việc rút quân nhanh chóng ra khỏi Iraq.

Quan trọng hơn, mặc dù quan điểm chung về cuộc chiến ở Iraq đã lạc quan hơn nhưng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chru Mỹ vẫn mâu thuẫn với nhau về bản chất của cuộc chiến. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 82% thành viên Đảng Dân chủ vẫn tin rằng cuộc chiến Iraq là một sai lầm trong khi đa số người của Đảng Cộng hòa lại không nghĩ như vậy.

Theo vnmedia.vn


9. Chiến tranh Iraq và điểm yếu của Barack Obama

Cử tri có thể không đồng quan điểm với một ứng viên về nhiều vấn đề nhưng lại ủng hộ vì họ cho rằng ứng viên đó thật sự “ mạnh mẽ” hơn đối thủ của mình.
Thật là một sai lầm về mặt chính trị khi bất kỳ một ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ nào tin rằng những cử tri đồng ý với ông Obama thì sẽ luôn luôn ủng hộ ông.
Có một điều chắc chắn: đa phần người dân Mỹ đều tin rằng việc sử dụng vũ lực để phát động cuộc chiến với Iraq là một sai lầm. Trong một cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy: ngày càng có nhiều người cho biết, những gì đang diễn ra hiện nay tại chiến trường Iraq đúng như viễn cảnh tồi tệ mà dân chúng đã hình dung ra. Chính vì thế, điểm nhấn của Obama trong đợt tranh cử lần này chính là về những sai lầm đã qua trong cuộc chiến Iraq.
Ai mạnh mẽ hơn?
Đợt tranh cử lần này chủ yếu xoáy sâu vào những định hướng tương lai của các ứng viên. Mặc dù gặp phải không ít thất bại trong quá khứ, nhưng ai sẽ là người bạn tin tưởng để gửi trọn niềm tin tiếp tục một cuộc chiến sai lầm trong những năm tới? Lincoln hay McClellan? Nixon or Mc Govern? Bush hay Kerry? McCain hay Obama?.
Về một khía cạnh nào đó, hầu hết những cuộc tranh cãi về chính sách đối ngoại, đặc biệt suốt trong thời gian một cuộc chiến tranh đang diễn ra, đều là để quyết định xem: ai là ứng viên mạnh mẽ, ai là ứng viên hèn nhát?.
Cử tri có thể không đồng ý với một ứng viên về nhiều vấn đề nhưng vẫn ủng hộ vì họ cho rằng ứng viên đó thật sự “ mạnh mẽ” hơn đối thủ của mình.
Điểm yếu của Obama?
Cho đến giờ, ông Obama vẫn chưa thật sự lưu tâm đến “thách thức” ( ai mạnh mẽ hơn?) này. Đối với cuộc chiến Iraq, ông Obama có 3 điểm đáng chú ý về chiến lược như sau:
Thứ nhất:
Ông Obama đã 2 lần bỏ phiếu chống lại việc thông qua khoản ngân sách tăng thêm cho quân Mỹ trong cuộc chiến Iraq. Đây được xem là một động thái chính trị cần thiết để giành được sự ủng hộ của phe Dân chủ ở cấp địa phương. Tuy nhiên, nếu xét ở một phạm vi lớn hơn thì chính sách này quả là một sai lầm lớn. Dù những toan tính chính trị của Obama liên quan đến vấn đề Iraq là gì đi nữa thì đây vẫn được xem là một hành động bốc đồng của một người có quan điểm cấp tiến. Do vậy, không thích hợp để trở thành một thống lĩnh quân đội.
B. Obama (www.cnbc.com)
Thứ hai:
Ông Obama ủng hộ một thời gian biểu cụ thể để rút quân chiến đấu Mỹ ra khỏi Iraq nhằm gây sức ép đối với chính quyền Iraq, buộc họ phải nhận trách nhiệm quản lý đất nước nghiêm túc hơn (Trong thực tế, theo như kế hoạch Iraq vào tháng 1 năm 2007 của Obama thì tất cả các lực lượng chiến đấu của Mỹ phải rút khỏi Iraq).
Nhưng thật sự không cân bằng nếu chỉ trích những việc mà Chính phủ của Thủ Tướng Nouri al Maliki đã làm. Dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Nouri al Maliki, Chính phủ của ông đã thực hiện được 12 trong tổng số 18 điều khoản mà quốc hội Hoa Kỳ đã vạch ra. Đồng thời, chính họ cũng đã kêu gọi được sự tham gia của các chiến binh người Shiite vào trong cuộc chiến dưới sự chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ.
Tướng chỉ huy quân đội Mỹ tại Iraq là David Petraeus trong một bài phát biểu gần đây cho biết: “ý chí thì người Iraq có thừa, nhưng cái họ thiếu chính là một người định hướng đi cho họ”. Đây cũng chính là lý do mà ông kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ nên tiếp tục cuộc chiến tại Iraq đến chiến thắng cuối cùng.
Thứ ba:
Ông Obama đã hứa sẽ đích thân đàm phán với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad về vấn đề Iran và đào tạo quân đội người Shiite. Liệu đây có phải là một động thái mang tính chiến lược qua kinh nghiệm 4 năm làm nghị sĩ của Obama mang lại và những gì mà ông đã học được từ Nixon hoặc Kissinger về cách tạo ra vẻ ngoài trông rất ngây thơ nhưng cực kỳ nguy hiểm?
Tuy nhiên, Obama , ứng viên có vẻ suy tư nhất trong 3 ứng viên, luôn thể hiện sự non kém về mặt kinh nghiệm khi đề cập tới những vấn đề chính trị như thế này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi về vấn đề lựa chọn người vào chức vị Phó Tổng thống (khi ông đã được bầu chính thức là Tổng thống), ông Obama trả lời: “ Tôi muốn một người nào đó biết về những điều mà tôi không phải là chuyên gia. Tôi nhận thấy: rất nhiều người cho rằng người đó phải làm một nhiệm vụ gì đó có liên quan đến quân đội để tôi có dịp thể hiện vai trò thông lĩnh của mình hơn … Thật nực cười, đây là một vấn đề luôn nằm trong chiến lược chính sách đối ngoại của tôi. Với tôi, chính sự tự tin và những hiểu biết của mình về tình hình thế giới có thể giúp tôi làm tốt hơn Thượng nghị sỹ Clinton và McCain”.
Nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là sự tự tin không thôi mà còn ở lòng tin của quần chúng. Những đánh giá về mặt chính trị của ông Obama chưa hẳn đã đúng. Đối với chính sách đối nội thì ông Obama chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, bởi ở đó ông luôn thể hiện mình là một nhà hoạt động chính trị thực sự hơn là McCain.
Tuy nhiên, nếu xét về bảng đánh giá “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” ( strong leader) thì Obama vẫn đang xếp sau McCain. Obama còn nhiều điều phải làm mới đáp ứng yêu cầu trở thành một nhà lãnh đạo, một vị thống lĩnh quân đội mạnh mẽ, quyết đoán.
Chiến tranh Iraq
Chiến tranh Iraq và hướng giải quyết
Đối với McCain, chính bản thân ông cũng có những khó khăn riêng. Tương lai của ông cũng gắn liền với những gì đang diễn ra tại Iraq. Đây cũng là vấn đề mà các ứng viên Tổng thống Mỹ đang tập trung khai thác để giành sự ủng hộ trong chiến dịch tranh cử của mình. Mặc dù cuộc chiến tại Iraq nhằm chống lại những người Sunni cấp tiến đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Iraq cũng không thể nào tách rời với những hành động và thái độ của những phiến quân người Shiite được trang bị vũ khí và chỉ đạo bởi Iran – một thế lực mà Mỹ đã không thể khuất phục được trong nhiều năm nay.
Cuộc tấn công không được phối hợp tốt mà Maliki tiến hành nhằm vào phiến quân người Shiite ở Basra cho thấy rằng mặc dù tinh thần của người Iraq đang lên nhưng sức lực thì lại có hạn. Cuộc nổi dậy thất bại của phiến quân Shiite cho thấy rằng những kẻ cực đoan đã suy yếu đi rất nhiều.
Ông Fred Kagan, thuộc viện American Enterprise Hoa Kỳ, tin rằng: “Cuối cùng thì Moqtada al-Sadr cũng sẽ bị đánh bại”. “ Bằng cách truy tìm al-Sadr, thì ông Maliki đã buộc tất cả các đảng phái chính trị phải đưa ra sự lựa chọn của mình là đứng về phe nào. Do vậy, đã có không ít đảng phái chính trị nhỏ đã đứng về phía của Thủ Tướng Maliki” ông Fred Kagan cho biết thêm.
Tướng Petraeus chỉ huy quân đội Mỹ tại Iraq một lần nữa khẳng định: “ tình hình chiến sự tại Iraq đang diễn biến khó lường và có thể đảo ngược bất cứ lúc nào”.
Những tranh cãi đã vượt ra khỏi phạm vi quan điểm ban đầu mà các ứng viên đưa ra. Điều này sẽ dẫn đến một sự chuyển đổi lớn về cuộc đấu tranh giữa các thế hệ lãnh đạo. Đối với ứng viên Obama trẻ tuổi thì trọng tâm tranh cử của ông sẽ là khai thác sự ủng hộ của cử tri đối với những quan điểm của ông về những thất bại trong quá khứ. Còn đối với ông McCain lớn tuổi hơn thì luôn khẳng định về một chiến thắng về sau ở Iraq với một thái độ lạc quan, đầy trách nhiệm.
Hồng Hiệp (Theo The Financial Times)
10. Học thuyết “chiến tranh công nghệ cao” của Rumsfeld sụp đổ tại Iraq
Lính Mỹ cầu nguyện trước một đồng đội đã chết
TT - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld muốn quân đội Mỹ trở nên cơ động hơn, quân số ít hơn mà hiệu quả cao hơn. Thế nhưng những gì đang diễn ra tại Iraq cho thấy học thuyết “chiến tranh công nghệ cao” của Rumsfeld đã phá sản. Trích bình luận của tạp chí Đức Spiegel.
Lên nắm Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2000, Donald Rumsfeld khẳng định: sau khi Liên Xô tan rã và chiến tranh lạnh kết thúc, trong tương lai không còn cần những đội quân đông đúc, hùng mạnh. Đổi lại, tiến bộ công nghệ sẽ củng cố sức mạnh quân đội.  D. Rumsfeld buộc thuộc cấp phải viết lại các kế hoạch xâm chiếm Iraq nhiều lần cho tới khi số binh lính tác chiến thấp bằng mức ông ta mong chờ. 
“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tất cả các phát biểu của Rumsfeld trước chiến tranh Iraq tới tận ngày nay là phải giảm tới tối thiểu quân đội Mỹ tác chiến ở nước ngoài. Tháng 5-2003, sau khi Mỹ tuyên bố hoàn thành các hoạt động quân sự tại Iraq, Rumsfeld còn dự báo chẳng bao lâu tại Iraq sẽ chỉ còn 30.000 lính Mỹ (hiện nay cơ số lính Mỹ tại Iraq vẫn là 145.000).
D. Rumsfeld
Lãnh thổ Iraq lớn hơn Kuwait 25 lần. Vậy mà khi tiến đánh Iraq, Rumsfeld chỉ gửi tới đó 250.000 lính – tức chỉ bằng nửa quân số mà những người tiền nhiệm của ông ta gửi tới Kuwait năm 1991. Đó là chưa nói thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất Mỹ không có kế hoạch chiếm đóng sau chiến tranh. Thế nhưng Rumsfeld đã không nghe những người ngăn cản ông đừng đặt lên vai số binh lính Mỹ ít ỏi tại Iraq quá nhiều trọng trách.
“Vận tốc quan trọng hơn chất lượng”, đó là cương lĩnh của người đứng đầu Lầu Năm Góc 71 tuổi. Khước từ học thuyết “quân đội trấn áp” (của Colin Powell, cựu binh Việt Nam và hiện là ngoại trưởng Mỹ, theo đó nước Mỹ chỉ tham chiến khi nào tin chắc vào thắng lợi với nguy cơ tối thiểu), Rumsfeld đặt cược vào những quả bom chính xác cao, sự hỗ trợ của máy tính và những “cú đánh chặt đầu” chống lại các lãnh đạo cao cấp Đảng Baath. 
Trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, Powell đã từng lo âu gửi tới vùng Vịnh nhiều đơn vị hơn hoạch định. Ngược lại, Rumsfeld cho rằng phải chấp nhận nguy cơ và những quyết định chớp nhoáng có thể được đưa ra ngay tại chiến trường. Quân đội Mỹ tương lai được Rumsfeld hình dung như là một xí nghiệp: uyển chuyển, năng động và phản ứng nhanh nhạy.
Nếu như trong năm 1991, trước khi đưa quân vào vùng Vịnh, người Mỹ dội bom cấp tập năm tuần lễ thì trong cuộc chiến lần thứ hai vào năm ngoái, Rumsfeld đã bẻ gãy truyền thống bằng cách đưa quân tới Baghdad cùng lúc với những quả bom đầu tiên.
Một năm sau chiến tranh, Rumsfeld đang phải đứng trước đống đổ nát của học thuyết “chiến tranh công nghệ cao”: tuy quân đội của ông ta đã lật đổ chế độ Hussein nhanh đến bất ngờ, nhưng nó hoàn toàn không được chuẩn bị cho Iraq hậu chiến. Bức tranh Iraq hiện nay thật ngán ngẩm: Rumsfeld tưởng rằng cộng đồng Shiite (bị đàn áp dưới trào tổng thống Hussein) sẽ đón quân Mỹ bằng hoa. Nhưng chính người Shiite lại nổi dậy trong khi các nhóm dân quân khác nhau bắt cóc người nước ngoài làm con tin. Số lính Mỹ ít ỏi đồn trú tại Iraq lại liên tục thương vong. Tuần qua, Rumsfeld đã phải miễn cưỡng đề cập tới khả năng tăng quân Mỹ lần thứ hai tại vùng Vịnh.
Tới nay, sở dĩ ông Rumsfeld vẫn chưa bị khiển trách nặng nề là bởi vì nước Mỹ vẫn trong tình trạng chiến tranh và việc giữ gìn sự đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng thời chiến. Thế nhưng có vẻ như học thuyết của ông đã tới đường cùng. Ít nhất là hiện nay, khi chính những kẻ thù của Mỹ tại Iraq đang vẽ lại chiến lược chiến tranh của Rumsfeld.
TH. DANH trích lược (từ INP)

Chiến cuộc Iraq: Lời đáp cho Libya sau 20 năm?

20 năm sau Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên chống lại Iraq, các cuộc không kích của phương Tây vào Libya hiện tại cũng được sự ủng hộ của LHQ và các nước Ảrập, và cũng đặt ra những câu hỏi tương tự.
Libya tiếp tục bị oanh tạc đêm thứ ba
Mục tiêu thực chất của cuộc chiến Libya
Báo chí Ảrập: “Khi dầu mỏ trộn lẫn máu người Libya”
Kiềm chế Libya, Tổng thống Pháp đắc lợi
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (còn gọi là Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Mỹ dẫn đầu và được LHQ phê chuẩn để giải phóng Kuwait.
Sự kiện dẫn tới chiến tranh việc Iraq tấn công Kuwait ngày 2/8/1990, sau khi Iraq cho rằng Kuwait đã "khoan nghiêng" giếng dầu của họ vào biên giới Iraq. Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị LHQ áp đặt trừng phạt kinh tế. Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1/1991, liên quân đã buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait. 

Khói lửa ngút trời Libya Ảnh: Reuters
Liên minh chống Iraq trong cuộc chiến thứ nhất gồm 34 quốc gia – lớn hơn nhiều với ilên minh giờ đây đang chống lại Moamer Kadhafi. Giống như Libya, nó xuất phát từ một nghị quyết của LHQ cho phép áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” để đạt được mục tiêu, được sự ủng hộ của các quốc gia Ảrập và bắt đầu với một chiến dịch trên không.
Nhưng trong cuộc chiến cách đây hai thập niên, các cuộc không kích được tiếp nối bởi chiến dịch triển khai lực lượng mặt đất có sự giám sát của liên minh nhằm đảm bảo không tồn tại một lực lượng chiếm đóng.
"Quyết định đưa ra cho sứ mệnh này là thay đổi chế độ tại Libya. Chuỗi chiến lược ấy được xây dựng kể từ 1991, nhưng lần này có sự tham gia lớn hơn của châu Âu”, George Friedman thuộc Tổ chức Cố vấn an ninh Mỹ Stratfor cho biết. "Những ngày đầu sẽ rất thành công nhưng không có nghĩa chiến tranh là thành công”.
Một vấn đề lớn khi ấy cũng như bây giờ, là thay đổi chế độ.
Năm 1991, Tổng thống Mỹ George Bush đã ngừng điều lực lượng tới Baghdad để lật đổ Saddam. Sứ mệnh này phải chờ tới khi Mỹ dẫn đầu liên minh trong cuộc chiến Iraq năm 2003 dưới thời Bush con.
Tại Libya năm 2011, tình hình có lẽ “khả quan hơn” khi các nhà lãnh đạo liên minh nói rằng, họ muốn lật Kadhafi nhưng LHQ ủy nhiệm không rõ ràng cho phép hành động chống lại ông.
Tổng thống Barack Obama hôm qua (21/3) cho biết, chính sách của Mỹ là Kadhafi phải từ bỏ quyền lực, nhưng đồng thời nhấn mạnh, Washington sẽ tuân thủ sự ủy nhiệm của Nghị quyết 1973 mà Hội đồng Bảo an đưa ra về Libya.
Thủ tướng Anh David Cameron đã nhắc lại rằng, nghị quyết “không bao gồm một lực lượng chiếm đóng dưới bất kể hình thức nào trên bất kể một phần lãnh thổ nào của Libya” và không cung cấp những cơ sở pháp lý cho việc lật đổ Kadhafi bằng biện pháp quân sự.
Có điều tương đồng nữa với năm 1991 khi vùng cấm bay được thiết lập lập tức tại miền bắc Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh để bảo vệ cộng đồng thiểu số người Kurd khỏi sự tấn công từ lực lượng của Saddam.
Tại quốc hội Anh hôm qua, nghị sĩ Nadhim Zahani tuyên bố “có những tương đồng giữa chiến dịch hiện tại với cuộc chiến Iraq bảo vệ người Kurd”, trong khi lại phản đối việc thay đổi chế độ bởi các lực lượng phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox đã bác bỏ so sánh này và khẳng định, vùng cấm bay tại Libya không có “triển vọng” kéo dài. Và trong khi Mỹ tuyên bố không có ý định điều động lực lượng mặt đất tới Libya thì một số bộ trưởng nội các Anh đã từ chối bác bỏ khả năng triển khai lực lượng bộ binh của nước này tại quốc gia Bắc Phi. Các bộ trưởng Anh chỉ cho biết, hiện tại họ chưa có kế hoạch về vấn đề này.
Trong đêm thứ ba kể từ lúc phương Tây bắt đầu tấn công vào Libya, hỏa lực phòng không vẫn lóe sáng khắp bầu trời Tripoli nhưng hoạt động không kích dường như chậm lại, một tướng Mỹ cho biết.
Washington có thể do lo lắng sa lầy vào một cuộc chiến khác sau những chiến lịch kéo dài tại Iraq và Afghanistan, đã bác bỏ hành động cụ thể để lật đổ Gaddafi. "Cảm giác của tôi là, trừ khi xảy ra điều bất thường, chúng ta có thể thấy tần suất tấn công sụt giảm”, Tướng Carter Ham, người lãnh đạo lực lượng Mỹ trong hoạt động tại Libya nói với báo chí ở Washington.
Đài truyền hình Libya tiếp tục phát đi hình ảnh một số nơi tại Tripoli trở thành mục tiêu của những đợt tấn công mới. Đài truyền hình Al Jazeera đưa tin, hệ thống radar tại hai căn cứ phòng không ở đông Libya bị tấn công. Tuy nhiên, một phát ngôn viên lực lượng Pháp tham gia không kích ở phía đông khẳng định, không có máy bay hoạt động thời điểm này.
Mỹ và các đồng minh đang chịu nhiều chỉ trích về việc sử dụng hỏa lực mạnh mẽ tấn công Libya, trong đó có việc bắn hơn 110 tên lửa 110 Tomahawk vào hôm thứ Bảy.
Quan chức tại Tripoli cho biết, một tên lửa hôm Chủ nhật mà họ nói là nhằm giết chết Gaddafi, đã phá hủy một phần căn cứ của lãnh đạo Libya. "Đó là vụ oanh tạc khủng khiếp”, phát ngôn viên chính phủ Mussa Ibrahim, đưa ra những mảnh đạn và nói. “Nó mâu thuẫn với tuyên bố của Mỹ và phương Tây … rằng đó không phải là mục tiêu tấn công của họ”.
Thái An (Theo france24, Reuters)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/13494/chien-cuoc-iraq--loi-dap-cho-libya-sau-20-nam-.html