Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Vài nét về quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô trong những năm 1945-1948 Vài nét về quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô trong những năm 1945-1948


Vài nét về quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô trong những năm 1945-1948



1. Sự kiện bản Hiến pháp đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Nam Tư được thông qua ngày 31 tháng 1 năm 1946, trong đó qui định Nam Tư là „một nhà nước xã hội chủ nghĩa” (1)  đã mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử của một Nhà nước liên bang mới với 6 nước cộng hòa (Serbia, Croatia, Macedonia, Slovenia, Montegegro, Bosnia - Herzegovina) và 2 tỉnh tự trị (Kosovo và Vojvodian). Có thể thấy, việc nước Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư (Federal Peope′l Republic of Yugoslavia – FPRY) lựa chọn đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là một thắng lợi của phong trào cách mạng thế giới, góp phần hình thành nên hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới sau chiến tranh.
 Trong cuộc chiến tranh ái quốc chống lại ách chiếm đóng phát xít Đức và chư hầu, Đảng Cộng sản Nam Tư ít nhiều đã nhận được sự trợ giúp của Liên Xô, bản thân Iosip Broz Tito, lãnh tụ Đảng Cộng sản Nam Tư, cũng được đào tạo ở Liên Xô trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tuy nhiên, việc Đảng Cộng sản Nam Tư tự xác lập được quyền lực của mình, giành được quyền lãnh đạo đất nước thời hậu chiến mà không cần sự „bảo trợ” của Liên Xô đã khiến cho mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô sau năm 1945 có những điểm khác biệt rất lớn so với mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu khác. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn phác họa lại mối quan hệ giữa hai nhà nước XHCN lớn ở châu Âu trong những năm 1945 - 1948, qua đó hy vọng góp phần làm phong phú thêm những nhận thức về hệ thống XHCN trong thế kỷ XX.
 2. Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, công cuộc xây dựng CNXH ở Nam Tư có nhiều điểm tương đồng so với Liên Xô, và cũng có thể coi là được mô phỏng theo mô hình Xô viết. Có thể kể ra đây một số ví dụ minh họa. Cuối năm 1945, quá trình xác lập quyền sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước được đẩy mạnh ở Nam Tư. Kết quả là có đến 82% các ngành công nghiệp chủ yếu thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Đồng thời nhà nước còn nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên rừng; quyền sở hữu đất đai tư nhân được giới hạn ở mức tối đa 30 ha.
 Ngày 31 tháng 1 năm 1946, Nam Tư có bản hiến pháp mới, được xây dựng theo bản Hiến pháp năm 1936 của Liên Xô (2).  Trong giai đoạn này, lãnh tụ của nhà nước Nam Tư, Iosip Broz Tito, đã quyết định „sao chép đến từng chi tiết” (3)  mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô (từ thể chế nhà nước, luật pháp, cách thức thực hiện, mô hình Cộng hòa liên bang...). Tito là đồng minh quan trọng của Stalin trong những vùng lãnh thổ thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Hồng quân. Tito thể hiện rõ quan điểm ủng hộ mọi chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Liên Xô (4) . Ngày 11 tháng 4 năm 1945, trong một buổi lễ long trọng có sự chứng kiến của I. V. Stalin, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Nam Tư, I. B. Tito và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Molotov đã cùng nhau kí "Hiệp định hữu nghị, tương trợ và phối hợp thời hậu chiến giữa Liên Xô và Nam Tư”. Theo nội dung Hiệp định, hai nước cam kết là „một mặt trận chung trên chính trường quốc tế”, khi ký hòa ước với các nước vốn là kẻ thù (Áo, Hunggari, Bungari, Italia); hai bên cùng lên án „Học thuyết Truman” và cùng cự tuyệt „Kế hoạch Marshall” của Mỹ; tương tự hai bên còn thống nhất một đường lối chung trong việc giải quyết vấn đề Đức(5) .
 Trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, mô phỏng theo mô hình Xô viết, Nam Tư bắt đầu thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa. Cuối năm 1946, kế hoạch 5 năm đầu tiên được thông qua cho giai đoạn 1946 - 1951. Lĩnh vực trọng yếu của kế hoạch 5 năm, nhằm hướng tới xây dựng nền kinh tế XHCN, được xác định là thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa (ưu tiên phát triển công nghiệp nặng) và điện khí hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kế hoạch phát triển 5 năm xác định phương hướng xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hợp tác hóa thông qua việc thiết lập các nông trang tập thể theo mô hình Xô viết. Kế hoạch 5 năm đầu tiên của Nam Tư đề ra mục tiêu phải nâng cao trình độ phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của nhân dân ở các nước cộng hòa kém phát triển (Montenegro, Macedonia, Bosnia - Herzegovina) (6) . Cuối năm 1946, đạo luật quốc hữu hóa đã được ban hành, đánh dấu sự kết thúc của quá trình xác lập quyền sở hữu của nhà nước XHCN ở Nam Tư (7) . Trên thực tế, những mục tiêu mà kế hoạch 5 năm đề ra rất khó hiện thực hóa. Bởi lẽ, Nam Tư vốn là nước đang phát triển, lại phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Thêm vào đó, những khó khăn về nguồn vốn phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa cũng không dễ gì tháo gỡ.
Theo chúng tôi, sự diễn biến phức tạp của bối cảnh quốc tế sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã có ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô. Sự căng thẳng, đối nghịch giữa Liên Xô và các nước phương Tây sau chiến tranh đã có buộc Liên Xô phải điều chỉnh đường lối và chính sách đối ngoại của mình, không chỉ trong mối quan hệ với các nước phương Tây mà ngay cả trong mối quan hệ với các nước được xác định là thuộc khu vực ảnh hưởng của nước này. Tuyên bố chống Liên Xô của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill trong buổi diễn thuyết tại giảng đường của Học viện Westminter, thành phố Fulton (Mỹ) ngày 5 tháng 3 năm 1946 (8)  đã cho thấy một điều rõ ràng rằng, sau Potsdam và Ialta, sự hợp tác giữa ba trụ cột của khối Đồng minh chống phát xít đã kết thúc (9) . Sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1947, tại Harvard, Ngoại trưởng Mỹ Marshall đọc bài diễn văn đưa ra cái gọi là “Phương án phục hưng châu Âu” (10)  trong đó nhấn mạnh “chỉ cần một bộ phận hoặc toàn bộ các nước châu Âu cùng nhau xây dựng một kế hoạch “phục hưng” thì Mỹ sẽ vui lòng mở rộng “viện trợ” đến châu Âu” (11) , đã khiến cho Liên Xô ngày càng lo ngại về mưu đồ của Mỹ đang tìm cách lôi kéo các nước Đồng minh vào các tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự do Mỹ thành lập nhằm bao vậy, cô lập Liên Xô. Ngay trong tháng 12 năm 1947/tháng 1 năm 1948, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản tiền 13 tỷ đô la Mỹ giúp cho việc tái thiết châu Âu (12) .
Để đối phó với “Chủ nghĩa Truman” và “Kế hoạch Marshall”, Liên Xô đã quyết định tăng cường sự phối hợp hành động giữa các đảng cộng sản ở châu Âu. Theo các nguồn tài liệu Xô viết, ý tưởng thành lập một tổ chức quốc tế mới thay thế cho vai trò và ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản (giải tán năm 1943) là do đề xuất của lãnh tụ Đảng Cộng sản Nam Tư - Iosip Broz Tito - trong cuộc hội đàm với Stalin vào tháng 4 năm 1945 (13) . Hơn một năm sau đó, trong cuộc gặp mặt tiếp theo (và cũng là cuối cùng) vào tháng 5 - tháng 6 năm 1946, Stalin đã hỏi ý kiến của Tito về việc có nên hiện thực hóa ý tưởng mà Tito đã từng nêu ra, Tito khẳng định sự cần thiết và hào hứng triển khai kế hoạch. Ngay sau đó, trong cuộc gặp tay ba Stalin - Tito - Dimitrov (cựu lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản) các bên đã đi đến quyết định rằng “tổ chức ra đời trong tương lai sẽ có tính chất thông tin, nhằm trao đổi kinh nghiệm và nó không thể thông qua các quyết định mang tính bắt buộc đối với các đảng cộng sản tham gia” (14) .
Theo sự ủy nhiệm của Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Liên Xô, hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản Liên Xô, Bungari, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp và Italia đã được tổ chức trong các ngày 22 - 27 tháng 9 năm 1947 tại Szklarska - Poreba, gần Wroclaw (Ba Lan). Tại hội nghị, vai trò điều khiển các phiên họp và định hướng hành động của các đảng thuộc về hai đoàn đại biểu: Liên Xô và Nam Tư. Đại diện của Đảng Cộng sản Liên Xô, Andrei Jdanov đã trình bày trước hội nghị bản báo cáo nổi tiếng có nhan đề: “Những đánh giá về tình hình quốc tế” (15)  trong đó chỉ rõ việc thế giới bị phân chia thành hai trận tuyến: “trận tuyến đế quốc chống dân chủ, đứng đầu là Mỹ” và “trận tuyến dân chủ chống đế quốc, đứng đầu là Liên Xô”. Trận tuyến đế quốc do Mỹ cầm đầu có mục tiêu “chuẩn bị một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mới”, nhằm mục đích “đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội và dân chủ”; Trận tuyến dân chủ do Liên Xô lãnh đạo cần “chiến đấu để bảo vệ hòa bình và dân chủ”. Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, trận tuyến dân chủ chống đế quốc cần thống nhất hành động nhằm cố kết hàng ngũ. Hội nghị quyết định thành lập cơ quan thông tin của một số đảng cộng sản và công nhân gọi là Cục Thông tin quốc tế (KOMINFORM) với nhiệm vụ tổ chức việc thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp đấu tranh cách mạng giữa các Đảng một cách tự nguyện. KOMINFORM sẽ xuất bản một tạp chí có nhan đề “Vì một nền hòa bình vĩnh cửu, vì dân chủ nhân dân”. Trụ sở của KOMINFORM được đặt ở thủ đô Belgrad của Nam Tư (16) .
Sự tham gia tích cực của những người cộng sản Nam Tư, đứng đầu là Tito, nhằm khôi phục lại vai trò và ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản thông qua việc thành lập KOMINFORM  không chỉ củng cố mối quan hệ giữa hai nhà nước XHCN lớn mà còn cho thấy Nam Tư là đồng minh quan trọng của Liên Xô ở Bancăng cho đến trước khi bùng phát mâu thuẫn giữa hai đảng. Sự nhiệt huyết của ban lãnh đạo Nam Tư trong kế hoạch thành lập một tổ chức quốc tế mới của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới được thể hiện rất rõ. Đảng Cộng sản Nam Tư là một trong số ít các đảng cộng sản “đã phê phán mạnh mẽ chính sách của các Đảng Cộng sản Tây Âu là đã không chống lại “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” và đã không cố gắng để chinh phục quyền lực” (17) . Vai trò và sự “tận tụy” của Đảng Cộng sản Nam Tư trước chính sách đối ngoại của Liên Xô đã được trả công (trụ sở của KOMINFORM được đặt ở Belgrad, số đại diện của Nam Tư trong bộ máy lãnh đạo của tổ chức được tăng lên gấp đôi trong so sánh với các đảng cộng sản khác - trừ Liên Xô; trong Thông cáo chính thức của hội nghị, vị trí của Đảng Cộng sản Nam Tư chỉ xếp sau Đảng Cộng sản Liên Xô; cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, tờ “Pravda” cũng đã đăng toàn văn bài phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô, A. Jdanov và Trưởng đoàn đại biểu Nam Tư, E. Kardelj (18) ). Cho đến cuối năm 1947,   Tito vẫn là một “đồng minh trung thành” của Stalin, Nam Tư vẫn tuân theo sự chỉ đạo của Liên Xô trong các vấn đề quốc tế giống như các nước XHCN Đông Âu khác (19) .
Vậy thì vì sao đến mùa hè năm 1948, mối quan hệ đồng minh, hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Nam Tư và Đảng Cộng sản Liên Xô lại bị phá vỡ; vì sao chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi, Tito từ chỗ là “đồng minh trung thành” đã bị Stalin, trong bài phát biểu ngày 27 tháng 3 năm 1948, coi là “một trong những tội đồ lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản, một kẻ theo chủ nghĩa Trốtki, chủ nghĩa Mensêvích, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa đế quốc” (20) ? Và ngay sau đó, ảnh của Stalin biến mất ở Nam Tư và ảnh của Tito cũng biến mất ở Liên Xô. Như một tiếng sét đánh ngang tai, ngày 29 tháng 6 năm 1948 (tức là chưa đầy một năm kể từ ngày thành lập KOMINFORM) Cục Thông tin quốc tế họp tại thủ đô Bucuresti của Rumani từ ngày 20 đến 22 tháng 6 năm 1948 đã thông qua bản Quyết nghị về “Tình hình Đảng Cộng sản Nam Tư” mà nội dung của nó không chỉ làm cho các nước xã hội chủ nghĩa mà cả thế giới phải sửng sốt (21) . Với những ngôn từ mạnh mẽ và cứng rắn nhất, Quyết nghị của KOMINFORM đã buộc tội ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư là “đã phản bội chủ nghĩa xã hội và thi hành một chính sách thù địch chống lại Liên Xô” (22) . Chỉ sau một đêm, Tito đã bị cáo buộc là kẻ thù của “quê hương của chủ nghĩa xã hội”, là kẻ phản bội, một tên tội phạm; còn ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư thì bị cáo buộc là “một băng đảng gián điệp và phản bội” (23) .
Ngay sau đó, theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, tất cả các Đảng Cộng sản đã tiến hành chiến dịch tuyên truyền chống lại ban lãnh đạo Nam Tư, đứng đầu là Tito. Trụ sở cơ quan báo chí của Cục Thông tin quốc tế được chuyển từ Belgrad sang Bucuresti (Bucaret - thủ đô Rumani). Không chỉ dừng ở đó, ngay trong nội bộ các Đảng Cộng sản và trong các nước “dân chủ nhân dân” Đông Âu đã diễn ra chiến dịch thanh lọc  những đảng viên bị cho là “theo Tito”. Hệ quả là nhiều người đã bị bắt, bị lưu đày do bị buộc tội là ủng hộ và làm gián điệp cho Tito. Trong khoảng thời gian 5 năm (cho đến khi Stalin mất vào tháng 3 năm 1953), bộ máy tuyên truyền của các Đảng Cộng sản đều có chung một nhiệm vụ là đả kích, phê phán Tito và ban lãnh đạo Nam Tư. Liên Xô và các nước “dân chủ nhân dân” Đông Âu cắt đứt mọi mối quan hệ với Nam Tư, đường biên giới với Nam Tư bị đóng cửa, tại khu vực biên giới hàng loạt các căn cứ quân sự được dựng lên, những cư dân thuộc các dân tộc Nam Tư bị cưỡng bức di chuyển ra khỏi khu vực biên giới (24) .
Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân cơ bản nhất đã làm cho mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô nảy sinh những bất đồng và đưa đến sự chia rẽ.
Thứ nhất, đó là tham vọng của Tito về thiết lập quyền bá chủ của Nam Tư ở bán đảo Bancăng đã làm đảo lộn những toan tính của Liên Xô ở đây. Ngay trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Iosip Broz Tito đã dành cho lực lượng kháng chiến Cộng sản Hy Lạp sự trợ giúp về vũ khí và trang thiết bị quân sự. Trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Hy Lạp, các đơn vị quân đội Nam Tư còn vượt biên giới, trợ giúp cho những người Cộng sản Hy Lạp chinh phục quyền lực. Để không làm căng thẳng hơn mối quan hệ với các nước phương Tây (25) , trước hết là Anh, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Xô, Molotov, đã can thiệp, yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của lực lượng không quân Nam Tư trong khoảng không của Hy Lạp. Tuy nhiên, ngay cả khi Liên Xô ngừng sự ủng hộ cho những người cộng sản Hy Lạp (26)  thì Tito vẫn tiếp tục giúp đỡ họ và Nam Tư cũng là nơi lánh nạn của các đơn vị của lực lượng vũ trang cộng sản Hy Lạp sau khi họ phải từ bỏ quê hương (27) .
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Tito đã tìm cách mở rộng quyền lực ở khu vực xung quanh khoảng không gian Nam Tư, với tham vọng tiến tới thành lập một liên bang các nhà nước XHCN ở trên bán đảo Bancăng. Tito nuôi tham vọng biến Anbani thành nước cộng hòa thứ bảy trong Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư  (FPRY) (28) . Tuy nhiên, mưu đồ này của Tito đã không thể trở thành hiện thực do bắt gặp phải sự phản ứng quyết liệt của Stalin và người đứng đầu Đảng Cộng sản Anbani, Enver Hodja (29) .
Không chỉ có vậy, Tito còn đưa ra đề nghị thành lập một nhà nước Đại Slavơ phương Nam, trải rộng từ Biển Ađriatích đến Biển Đen, bao gộp cả Nam Tư và Bungari. Tất nhiên, nhà nước này sẽ do Tito lãnh đạo. Những bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa tham vọng này đã được tiến hành. Ý tưởng của Tito đã nhận được sự chấp thuận của một số nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bungari. Ngay cả Gheoghi Dimitrov - người từng đứng đầu Quốc tế Cộng sản - cũng ủng hộ ý tưởng để Bungari trở thành một nước cộng hòa trong liên bang Nam Tư, giống như 6 nước thành viên của FPRY, với điều kiện   Liên Xô đồng ý (30) .
Sau một thời gian thương lượng, tháng 8 năm 1947, Nam Tư và Bungari kí kết Hiệp định hữu nghị mà không tham khảo ý kiến của Liên Xô. Không chỉ có vậy, lãnh tụ của hai nước, Tito và Dimitrov còn nhất trí với nhau về một thỏa thuận “trong một thời gian ngắn Nam Tư và Bungari sẽ thống nhất về mặt chính trị trong một liên bang” (31) .
Để hiện thực hóa kế hoạch thành lập một nhà nước liên bang ở bán đảo Bancăng dưới sự lãnh đạo của mình, Tito tìm mọi cách để thao túng Anbani (tương tự như tham vọng của Stalin muốn áp đặt ý muốn của mình đối với Nam Tư). Điều đáng nói là cách thức ứng xử của Tito đối với Anbani cũng tạo ra sự phản ứng “tiêu cực” từ phía các nhà lãnh đạo Anbani giống như cách phản ứng của Tito đối với Stalin. Trong các tháng 5 và 6 năm 1947, một phái đoàn cấp cao Anbani đã có cuộc viếng thăm Mátxcơva nhằm tìm kiếm sự trợ giúp của Liên Xô trong những nỗ lực đối phó với sức ép từ phía Nam Tư. Kết quả của chuyến đi đã đưa đến việc Liên Xô quyết định gửi các chuyên gia của mình sang Anbani (32)  (việc chưa từng xảy ra cho đến thời điểm đó).
Sự can thiệp của Liên Xô ở Anbani theo lời kêu cứu của Enver Hodja - lãnh tụ cộng sản Anbani - đã khiến cho các nhà lãnh đạo Nam Tư lo lắng, bất mãn về những diễn biến mới trên bán đảo Bancăng, nhất là quan điểm cứng rắn và độc đoán của Stalin. Phía Liên Xô đã yêu cầu Nam Tư phải giải thích về chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Ngay sau đó, Nam Tư đã cử Milovan Djilas dẫn đầu phái đoàn Nam Tư sang Mátxcơva, song chuyến đi không những không làm sáng tỏ được tình hình, ngược lại, nó lại làm bùng phát cuộc khủng hoảng. Stalin “chấp thuận yêu cầu của Nam Tư được quyền bao gộp Anbani vào bên trong đường biên giới của nước này, nhưng yêu cầu trì hoãn việc thống nhất về chính trị” (33) . Chỉ chờ có vậy, Tito đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, ép buộc Enver Hodja, phải chấp nhận để một số đơn vị quân đội Nam Tư đóng ở miền nam Anbani, với lý do phòng thủ trước khả năng một cuộc xâm lược từ phía Hy Lạp (34) . Hành động này cho thấy rõ tham vọng của Tito là muốn Nam Tư có ảnh hưởng lớn nhất ở bán đảo Bancăng, muốn nước này tự kiểm soát được toàn bộ khu vực được cho là phạm vi ảnh hưởng của Nam Tư. Tuy nhiên, Liên Xô cũng cho thấy họ không dễ gì từ bỏ ảnh hưởng ở khu vực chiến lược này. Theo chúng tôi, Kế hoạch Marshall đã buộc Liên Xô thay đổi về cơ bản cách đối xử trong mối quan hệ với các nước Đông Âu - khu vực được xác định là phạm vi ảnh hưởng sau chiến tranh của nước này.
Những tham vọng của Tito ở Bancăng đã khiến cho Stalin lo lắng. Kế hoạch thành lập một nhà nước liên bang ở trên bán đảo Bancăng do Nam Tư khởi xướng sẽ đe dọa trực tiếp đến vị thế của Liên Xô không chỉ trong hệ thống XHCN mà còn làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa các nước XHCN và phương Tây. Tham vọng bành trướng thế lực của Tito là một sự thách thức nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại mà Liên Xô đang theo đuổi - làm sao phải kiểm soát chặt chẽ các nước và khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. Đầu năm 1948, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov đã gửi hàng loạt bức điện đến Belgrad, nhấn mạnh việc Liên Xô không đồng ý với cách đối xử của Nam Tư trong mối quan hệ với Anbani.
Thứ hai, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh ngày càng leo thang, sự “độc lập” và “tự chủ” trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nam Tư đã bị Stalin coi như một “hành động thách thức” ý muốn độc đoán của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Xô viết (35) , một sự ngạo mạn không thể chấp nhận, và cũng có thể coi Tito đã động chạm vào “lòng tự ái” của Stalin. Vị trí địa - chính trị chiến lược của Nam Tư luôn thu hút được sự quan tâm của Liên Xô. Stalin “rất khó chấp nhận” sự hình thành một trung tâm mới trong thế giới cộng sản” (36) . Nhằm khống chế Nam Tư, Liên Xô cũng đã thực hiện những biện pháp mà nước này từng áp dụng ở các nước “dân chủ nhân dân” Đông Âu khác. Cụ thể, nhiều phái đoàn cố vấn Liên Xô được gửi đến thủ đô Nam Tư và nhiều địa phương khác. Một số đơn vị Hồng quân đã thiết lập các căn cứ đồn trú tại Nam Tư. Điều đáng chú ý là “các đơn vị này đối xử với Nam Tư giống như với một nước thù địch” (37) . Trong lĩnh vực kinh tế, núp dưới vỏ bọc tăng cường sự hợp tác giữa Liên Xô và Nam Tư, khai thác thế mạnh của mỗi nước, một số xí nghiệp hỗn hợp Nam Tư - Liên Xô cũng đã được lập ra. Không chỉ dừng lại ở đó, Liên Xô còn can thiệp cả vào trong lĩnh vực đối nội của Nam Tư, như những sự vụ liên quan đến tài sản, an ninh của người dân. Trong bối cảnh đó, Tito và những cộng sự của mình đã tìm cách hạn chế bớt sự can thiệp của Liên Xô vào các công việc nội bộ của đất nước.
Tháng 9 năm 1946, trong một phiên họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư, các nhà lãnh đạo Nam Tư đã tỏ rõ thái độ bất mãn cách thức hoạt động của các xí nghiệp hỗn hợp, cho rằng, thông qua các tổ chức này, Liên Xô không theo đuổi mục tiêu nào khác ngoài ý đồ triệt để khai thác nguồn tài nguyên của Nam Tư, Liên Xô cũng không trợ giúp cho Nam Tư về  vốn, máy móc và các thiết bị công nghiệp như đã hứa hẹn (38) . Hệ quả của sự mâu thuẫn đó đã đưa đến việc Nam Tư quyết định giải tán mọi xí nghiệp, đơn vị kinh tế hỗn hợp Nam Tư - Liên Xô vào tháng 7 năm 1947.
Khi mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô ngày càng căng thẳng thì tuyên bố của Gheorghi Dimitrov vào ngày 17 tháng 1 năm 1948 về khả năng thành lập một liên bang của các nước Đông Âu, trong đó sẽ bao gộp cả Hy Lạp đã gây ra một cú sốc cho Liên Xô (39) . Ngay lập tức, lãnh đạo của Nam Tư và Bungari được triệu tập sang Mátxcơva để giải thích rõ ràng trắng đen một sự việc “không nhận được sự cho phép” của Liên Xô. Tito chấp nhận lời “mời” của Stalin, song không trực tiếp sang Liên Xô mà cử Edvard Kardelj, cánh tay phải của ông ta đi thay. Tại Mátxcơva, Nam Tư và Bungari phải ký một văn kiện, trong đó “cam kết sẽ xin phép ý kiến của Liên Xô đối với bất kỳ một hành động nào trong quan hệ đối ngoại” (40) . Trước tình hình này, Tito buộc phải chấp nhận thỏa hiệp, từ bỏ ý tưởng thành lập một liên bang với Bungari. Có thể thấy, trước sức ép của Liên Xô, tham vọng bá chủ của Nam Tư ở bán đảo Bancăng đã bị phá sản. Sự kiện này, có thể coi như giọt nước làm tràn ly, đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ “hữu nghị, anh em” giữa Liên Xô và Nam Tư. Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, Nam Tư đã thi hành nhiều biện pháp nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Liên Xô. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nam Tư - Liên Xô ngày càng bộc lộ rõ.
Thông qua lời buộc tội Tito là một người theo chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa đế quốc… vào tháng 3 năm 1948, Stalin tin tưởng rằng sẽ tạo ra một cuộc lật đổ Tito trong nội bộ Đảng Cộng sản Nam Tư do những người chống đối Tito và trung thành với Mátxcơva tiến hành; đồng thời với việc xóa bỏ quyền lãnh đạo của Tito, Stalin còn hy vọng sẽ buộc ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nam Tư sẽ tuân thủ theo sự định hướng và chỉ đạo của Liên Xô. Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo Liên Xô đưa ra ý tưởng loại bỏ Tito và những người thân cận, vốn không có chung quan điểm với Stalin, ra khỏi bộ máy lãnh đạo Nam Tư và buộc Nam Tư phải “hòa nhập đầy đủ” vào khối XHCN dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, không chỉ không đưa lại kết quả như Stalin mong đợi mà ngược lại, từng bước một, nó như một chất xúc tác kích thích chủ nghĩa dân tộc và tinh thần dân tộc phát triển ở Nam Tư (41) . Với Liên Xô, Tito là một kẻ cứng đầu, song trong con mắt của người dân Nam Tư thì “Tito là một nhà độc tài dân tộc, chứ không phải là con rối của điện Kremlin như những lãnh tụ Đông Âu khác cùng thời” (42) . Lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội, sự kiện Tito - một lãnh tụ cộng sản, người đứng đầu một nhà nước xã hội chủ nghĩa lớn, từng nổi tiếng thế giới với vai trò là người lãnh đạo xuất sắc trong cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa phát xít, giải phóng dân tộc - lại dám đối đầu với Stalin, dám thách thức vai trò bá chủ của Liên Xô đã gây ra một chấn động lớn trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới khi đó.
Tham vọng của Liên Xô muốn kiểm soát chặt chẽ các nước thuộc khoảng không gian Nam Tư, khiến Nam Tư phải lệ thuộc Liên Xô về kinh tế, chính trị, quân sự (giống như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác (43) ) đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Tito. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư đã kiên quyết chống lại, quyết tâm bảo vệ nguồn tài nguyên, tiềm lực kinh tế của đất nước. Đỉnh cao của sự khác biệt về quan điểm giữa Nam Tư và Liên Xô chính là năm 1948 khi Iosip Broz Tito quyết định đáp trả lại những hành động cứng rắn của Stalin nhằm buộc Nam Tư phải phục tùng Liên Xô.
Trong năm 1948, trong con mắt của người dân Nam Tư, ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản đứng đầu là Tito được nhìn nhận như những người dũng cảm, dám đấu tranh để bảo vệ lợi ích của dân tộc. Sự phản ứng mạnh mẽ và cứng rắn của Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô đã khiến cho Tito và những người thân cận nhận thấy Nam Tư cần phải nhìn nhận lại con đường phát triển của mình, mà cụ thể là tìm ra một cách đi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như một biểu hiện của sự tỏ thái độ, ngay trong những tháng đầu năm 1948, ban lãnh đạo Nam Tư đã quyết định ngừng quá trình tập thể hóa nông nghiệp ở các vùng nông thôn (cho đến khi đó đã thành lập được 7.000 tổ sản xuất tập thể), phục hồi lại các phong tục tập quán truyền thống cũ của Nam Tư, khơi dậy niềm tự hào dân tộc như một cách thể hiện việc không chấp nhận mọi sự áp đặt của Stalin, từ bỏ việc xây dựng đất nước rập khuôn theo mô hình của Liên Xô (44) .
Mùa hè năm 1948, ở Mátxcơva, Belgrad và thủ đô các nước XHCN Đông Âu khác, những lời buộc tội lẫn nhau được tung ra với cường độ ngày càng lớn - một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Liên Xô đòi hỏi phải loại bỏ Tito và những người thân cận ra khỏi bộ máy lãnh đạo Nam Tư và bao gộp đầy đủ Nam Tư vào trong hệ thống XHCN. Trong bối cảnh khó khăn đó, Tito đã biết tận dụng sức ép từ bên ngoài để tăng cường quyền lực trong nước, thiết lập chế độ độc tài và sự sùng bái cá nhân theo đúng mẫu hình của Stalin. Chủ nghĩa Tito dần dần hình thành. Từng bước một, Tito đã hành động như một người dân tộc chủ nghĩa (45)  trên nền tảng của chủ nghĩa cộng sản.
Việc cắt đứt mối quan hệ chính trị và nhà nước giữa Nam Tư và Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu diễn ra năm 1948 đã để lại những hệ quả to lớn (46) . Do mất đi sự hỗ trợ tài chính của Liên Xô và thị trường của các nước xã hội chủ nghĩa nên Nam Tư phải từ bỏ việc phát triển theo kế hoạch 5 năm và thực hiện một đường lối mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (47) . Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Pháp, Jean - Marie Le Breton, sau khi Nam Tư từ bỏ con đường phát triển theo mô hình Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Stalin thì chuyển biến quan trọng nhất trong chính sách quản lý kinh tế của đất nước này chính là sự ra đời của cái gọi là “tự quản lý”. Về nguyên tắc, “tự quản lý” được xây dựng dựa trên sự lựa chọn của công nhân, trong mỗi một doanh nghiệp, một hội đồng và một ủy ban lãnh đạo, các tổ chức này đã giới hạn đáng kể quyền lực của các giám đốc do chính quyền trung ương cử đến. Đồng thời để hạn chế bớt những tác động tiêu cực của sự thù địch từ phía Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu khác, Nam Tư buộc phải định hướng quan hệ kinh tế đối ngoại về phía các nước phương Tây, trước tiên là Mỹ và Italia (48) .
 Trong những thập niên sau đó, Nam Tư đã đưa ra một đường lối đối ngoại mới, mà nội dung của nó là dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, kết hợp với lợi ích dân tộc để thành lập một tổ chức quốc tế mới, tập hợp các quốc gia mong muốn không bị lôi cuốn vào một trong hai cực (Liên Xô và Mỹ) trong cuộc Chiến tranh lạnh. Đây có thể coi là một trong những cơ sở quan trọng đưa đến sự ra đời của Phong trào Không liên kết.
3. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô trong giai đoạn 1945 - 1948 cho thấy những lí do cơ bản khiến cho hai Đảng, hai nhà nước XHCN nảy sinh mâu thuẫn, sự bất đồng gia tăng đến mức độ không thể đi cùng nhau trên một con đường. Theo chúng tôi, sự rạn nứt, chia rẽ bắt nguồn từ cả hai phía. Về phía Nam Tư, đường lối độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại của Tito bắt nguồn từ uy tín của Tito và Đảng Cộng sản Nam Tư trong con mắt của người dân Nam Tư, nhờ có công lao to lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa phát xít; mặt khác, chính tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã nuôi dưỡng cho tham vọng bá chủ của Nam Tư ở trên bán đảo Ban căng. Hệ quả là, ban lãnh đạo Nam Tư đã hành động dựa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích dân tộc, chứ không hoàn toàn tuân theo tinh thần của “chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Khi quyết định đối đầu với Stalin, Tito và các nhà lãnh đạo Nam Tư muốn khẳng định một chân lý là, mỗi một đảng cộng sản, dù lớn hay nhỏ, đều có quyền tự xác định cho mình một đường lối chính trị phù hợp với lợi ích dân tộc. Về phía Liên Xô, chính ý muốn kiểm soát chặt chẽ tất cả các đảng cộng sản, các nước XHCN vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng của nước này, đã khiến Stalin rất khó chấp nhận sự tồn tại một con đường khác trong công cuộc xây dựng CNXH. Trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh ngày càng diễn biến phức tạp, Liên Xô càng muốn thiết lập “kỷ luật sắt” trong hàng ngũ các đảng cộng sản và các nước XHCN; mặt khác, vị trí địa - chính trị chiến lược của Nam Tư nói riêng và bán đảo Ban căng nói chung khiến cho Liên Xô cũng không dễ gì từ bỏ ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Hệ quả là, những ai, quốc gia nào đi ngược lại với con đường CNXH mà Liên Xô đã vạch ra đều bị coi là “lạc loài”, cần phải loại bỏ. Sự mâu thuẫn trong quan hệ Nam Tư - Liên Xô trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo chúng tôi, xét cho cùng, đều xuất phát từ lợi ích dân tộc và tư tưởng nước lớn.
Bài đăng trên tạp chí “Nghiên cứu châu Âu” số 6 (105), tr. 36 – 48

                                                                 PGS. TS. Đào Tuấn Thành
                                                              

(1) Gheorghe Zbuchea, Două săbii într - o singură teacă. Stalinism şi Titoism (Hai thanh gươm trong một cái vỏ. Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Tito), trong “Dosarele istoriei” (Những hồ sơ lịch sử) số 3 (19), 1998, tr.   tr. 7 (tiếng Rumani).
(2) Stelian Tănase, Tito: Drumul spre putere (Tito: Con đường đến quyền lực), trong “Dosarele istoriei” (Những hồ sơ lịch sử) số 3 (19), 1998, tr. 14 (tiếng Rumani).
(3) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 14.
(4) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 14.
(5)Vasile Şandru, Conflictul dintre generalissimul I. V. Stalin şi mareşalul I. B. Tito. Prima breşă în monolitul comunist (Cuộc xung đột giữa Nguyên soái I. V. Stalin và Thống chế I. B. Tito. Vết nứt đầu tiên trong sự cố kết của chủ nghĩa cộng sản), trong  “Dosarele istoriei” (Những hồ sơ lịch sử) số 3 (19), 1998, tr. 17 (tiếng Rumani).
 (6) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 7.
(7) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 7.
(8) Xem thêm, Lý Kiện, Ngọn lửa chiến tranh lạnh (bóng đêm xuất hiện), quyển I, II, III, người dịch: Ngô Văn Tuyển, Thái Hoàng, Chu Quý, NXB. Thanh Niên, 2002.
(9) Tại buổi diễn thuyết ở Fulton, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã cho rằng: “Từ Slêdin bên bờ Bantích đến Ricaxtơ bên bờ biển Ađriatích, một bức màn thép, đó là thủ đô của các quốc gia cổ kính Trung Âu, Đông Âu -Vácsava, Béclin, Praha, Viên, Buđapét, Bêôgrát, Bucarét và Xôphia. Toàn bộ dân chúng của các thành phố nổi tiếng đó và các vùng chung quanh đều nằm trong phạm vi thế lực của Liên Xô. Tất cả, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác, không chỉ rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô mà ngày càng bị Mátxcơva khống chế chặt chẽ” (Lý Kiện, sách đã dẫn, tr. 181).
(10) Thường được biết đến với tên gọi “Kế hoạch Marshall”.
(11) Dẫn theo, Nguyễn Anh Thái (cb), Lịch sử thế giới hiện đại, NXB. Giáo Dục, 2002, tr. 235 - 236.
(12)Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 14.
(13)Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 16.
(14)Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 16.
(15) Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 16 - 17.
(16) Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 17.
(17) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 8.
(18) E. Kardelj là nhân vật số hai trong trật tự hàng ngũ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nam Tư và là cánh tay phải của I. B. Tito.
(19) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 14.
(20) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 9.
(21) Dư luận thế giới bất ngờ và sửng sốt bởi lẽ, chỉ một khoảng thời gian ngắn trước đó,  Tito vẫn được Stalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô đánh giá rất cao, là đồng chí thân cận, có công lao to lớn. Tháng 9 năm 1944, Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô đã quyết định trao tặng I. B. Tito Huân chương “Suvorov” hạng nhất và đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Tito còn được Liên Xô trao tặng Huân chương “Pobeda” (Chiến thắng) do “có công lao đặc biệt trong quá trình lãnh đạo các chiến dịch quân sự góp phần đem lại chiến thắng của Hội Quốc Liên trước phát xít Đức Hitler” (Dẫn theo, Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 17).
(22) Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 17.
(23) Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 17.
(24) Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 17.
(25) Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Stalin và Churchill đã thỏa thuận với nhau về khu vực ảnh hưởng ở bán đảo Bancăng. Theo đó, Hy Lạp nằm ở khu vực ảnh hưởng của Anh.
(26) Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Thủ tướng Anh, Winston Churchill, đã viết rằng: “… trong chuyến thăm của chúng ta đến Mátxcơva vào tháng 10 (1945 - chú thích của Đ.T.T), tôi nhận thấy rằng, Nga cần có một vai trò áp đảo ở Rumani và Bungari, trong lúc chúng ta có ưu thế ở Hy Lạp. Stalin đã tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận, không can thiệp ở Hy Lạp trong thời gian 6 tuần diễn ra cuộc chiến đấu chống lại lực lượng cộng sản ở thành phố Aten, tuy đây là điều không thú vị gì cho Stalin và những cộng sự của ông ta. Hòa bình đã được tái lập, tôi hy vọng trong vòng vài tuần lễ, chúng ta có thể tổ chức một cuộc tuyển cử tự do, trong sạch, dưới sự giám sát của người Anh, người Mỹ và người Nga, và sau đó thể theo nguyện vọng của người dân Hy Lạp, sẽ xây dựng một bản Hiến pháp và một chính phủ” (Winston Churchill, The second world war, Pinguin Books, England, 1989. Phiên bản dịch sang tiếng Rumani có nhan đề Al doilea război mondial (Chiến tranh thế giới thứ hai), NXB. SAECULUM I.O, Bucuresti, 1997, tập II,  tr. 431 (tiếng Rumani).
(27) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 8.
(28) Tito đã thành công trong việc nắm quyền kiểm soát một bộ phận đảng viên trẻ của Đảng Cộng sản Anbani; Tito cũng đã gửi sang Anbani một số đơn vị quân đội Nam Tư (Dẫn theo, Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 8).
(29) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 8.
(30) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 8.
(31) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(32) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(33) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(34) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(35) Trong bản “Báo cáo mật” trình bày trước Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, vào tháng 2 năm 1956 – N.S. Hrusciov  (N. S. Khơrútxốp) đã dẫn ra rằng: “Khi tôi từ Kiev lên Mátxcơva, Stalin mời tôi đến gặp ông ta, cho tôi xem bản sao những bức thư mới gửi trước đó không lâu cho Tito, Stalin hỏi tôi: “Anh đã đọc nó chưa?” và không cần đợi tôi trả lời, ông ta nói: “Hãy nhìn đây, tôi chỉ cần cử động ngón tay út, Tito sẽ biến mất…”. Chúng ta đã trả giá đắt cho những lần “cử động ngón tay út”. Tuyên bố này phản ánh quan điểm của Stalin, nhưng cũng là cách hành động của ông ta: cử động ngón tay út và Kosiar biến mất; cử động ngón tay út lần nữa, Postisev  và Ciubar đã không còn; lại một lần nửa cử động ngón tay út, Voznesenski, Kuznetov và nhiều người nữa đã không còn. Nhưng với Tito thì cách làm đó đã không có kết quả. Dù Stalin có cử động ngón tay út như thế nào đi chăng nữa, và cử động với tất cả sức lực ông ta có, song Tito không biến mất. Tại sao vậy? Bởi vì, trong cuộc tranh đấu với các đồng chí Nam Tư, Tito có ở đằng sau lưng Nhà nước, nhân dân đã từng trải qua trường học của cuộc đấu tranh gian khổ vì tự do và độc lập của mình, nhân dân đã ủng hộ người lãnh đạo của mình” (Dẫn theo, Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 16 ).
(36) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 9.
(37) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 9.
(38) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(39) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15;
(40) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(41) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 10.
(42) Stelian Tănase, sách đã dẫn, tr. 15.
(43) Một điều đáng chú ý là trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng kháng chiến cộng sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nam Tư và lãnh tụ Iosip Broz Tito đã giành được những thắng lợi to lớn và quan trọng cuộc chiến tranh giải phóng chống lại ách chiếm đóng và thống trị của chủ nghĩa phát xít Đức và chư hầu, thiết lập được quyền kiểm soát 90% lãnh thổ thuộc không gian Nam Tư (ra đời năm 1918), thành lập bộ máy chính quyền trong khu vực giải phóng. Đảng Cộng sản Nam Tư giành được quyền lực mà không cần sự trợ giúp và bảo trợ của Liên Xô. Đây là “hiện tượng lạ” khác hẳn so với ở các nước Đông Âu khác, nơi thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô sau chiến tranh, Liên Xô có vai trò quyết định trong việc giúp đỡ các Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh loại bỏ các đảng phái chính trị truyền thống tư sản để nắm quyền lãnh đạo xã hội, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong những năm 1945 - 1948. Tuy Hồng quân Liên Xô có tham gia cùng giải phóng thủ đô Belgrad, song Nam Tư lại luôn cho rằng họ tự giải phóng đất nước và thủ đô của mình. Theo chúng tôi, chính sự giúp đỡ về vật chất và sự ủng hộ về tinh thần của các nước Đồng minh phương Tây (trước tiên là Anh) trong thời gian chiến tranh đã khiến cho Liên Xô mất đi lợi thế ảnh hưởng ở Nam Tư sau chiến tranh. Mặt khác, bản thân Tito cũng biết khai thác triệt để bối cảnh quốc tế (sự căng thẳng giữa Liên Xô và các đồng minh phương Tây sau chiến tranh) để tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào Liên Xô và sự thao túng của Stalin - người muốn áp đặt tham vọng là làm sao phải dựng lên và kiểm soát được các chính quyền cộng sản ở các nước Đông Âu.
(44) Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 10.
(45) Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Pháp Jean - Marie Le Breton, thì: “Tito luôn hành động vì Nam Tư, ông là người chống lại chủ nghĩa dân tộc Croat (mặc dù Tito là một người Croat), và ông cũng là người chống lại chủ nghĩa dân tộc Serbia ở Serbia” (Jean - Marie Le Breton, Ľ Europe centrale et orientale de 1917 à 1990, Collection “Fac histoire” publiée par Editions NATHAN, Paris, 1994,  được dịch sang tiếng Rumani có nhan đề Europa centrală şi orientală între 1917 şi 1990 (Trung Âu và Đông Âu giữa năm 1917 và 1990), NXB. Cavallioti, 1996, tr. 268).
(46) Trong cuốn hồi ký của mình xuất bản tại Belgrad – Ljublijana, năm 1980,  Edvard Kardelj - từng là trợ thủ đắc lực của Tito - đã nêu rõ những thiệt hại do việc Liên Xô bao vây, cô lập Nam Tư: tổng thiệt hại lên tới 429 triệu đô la Mỹ. Số này cộng với số tiền 1.408 triệu đô la Mỹ phát sinh trong việc Nam Tư buộc phải tăng chi tiêu quân sự trong giai đoạn 1948 - 1952 nhằm tăng cường phòng thủ đất nước, đối phó với khả năng xảy ra cuộc tấn công từ Liên Xô và các nước đồng minh. Trong giai đoạn 1 tháng 7 năm 1948 - 1 tháng 9 năm 1949, đã xảy ra 219 vụ xung đột quân sự tại đường biên giới của Nam Tư tiếp giáp với Anbani, Bungari, Rumani và Hunggari (số liệu này Edvard Kardelj cũng đã đưa ra trong bài phát biểu tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1949) [Dẫn theo, Vasile Şandru, sách đã dẫn, tr. 18].
(47) Từ năm 1949, Nam Tư đã từ bỏ nền kinh tế kế hoạch, tập trung, bao cấp theo kiểu Xô viết, tiến hành cải cách kinh tế theo hướng tự do, tuân thủ theo cơ chế thị trường. Do nhu cầu cải thiện nền kinh tế (sau khi Nam Tư bị mất đi thị trường khối XHCN), đồng thời thể theo nguyện vọng của nông dân, Tito đã cho phép nông dân giành lại quyền sở hữu những diện tích đất mà họ đã đưa vào các nông trang tập thể. Trong tổng số 2,6 triệu ha đất của các nông trang tập thể, có đến 2 triệu ha đã được trả lại cho nông dân; trong tổng số 7000 tổ sản xuất tập thể chỉ còn tồn tại dưới 1000 (hoạt động nhờ sự bao cấp và trợ giúp của nhà nước). Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, Nam Tư đẩy mạnh quan hệ với các nước phương Tây (nhận được sự trợ giúp của các nước tư bản về vốn, trang thiết bị kĩ thuật, thị trường tiêu thụ hàng hóa). Nhà nước chỉ nắm quyền kiểm soát trong các lĩnh vực then chốt, giao quyền tự chủ cho công nhân trong quản lý nhà máy, thực hiện chế độ tự hạch toán kinh tế. Tuy Đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền lãnh đạo, song một số hình thức dân chủ trong quản lý kinh tế và đời sống chính trị đã được áp dụng. Đường lối phát triển kinh tế trên khác biệt rất lớn so với mô hình kinh tế của Liên Xô và các nước XHCN khác vào cùng thời điểm [Dẫn theo, Gheorghe Zbuchea, sách đã dẫn, tr. 10 - 11].
(48) Jean - Marie Le Breton, sách đã dẫn, tr. 272 - 273.