Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Thánh đường Hồi giáo trong văn hóa Malaysia


 Thánh đường Hồi giáo trong văn hóa Malaysia

UNREAD_POSTgửi bởi Le Phuong Thao » 13 Tháng 11 2008 16:53
Thế kỷ XV, theo đường biển thông qua giao lưu buôn bán và thương mại, Hồi giáo đã bắt đầu đặt chân lên các quốc gia Đông Nam Á hải đảo - trong đó có Malaysia. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, sau khi giành được độc lập, Hồi giáo đã được công nhận là tôn giáo chính thức của liên bang. Với khoảng hơn 50% số tín đồ, Hồi giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa của người Malaysia. 


Kể từ khi Hồi giáo bắt đầu tiến vào lãnh thổ bằng con đường giao lưu buôn bán trên eo biển Malacca thì cơ sở tôn giáo của đạo này cũng đã bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ Malaysia. 


Theo Ghafar Ahmad, kiến trúc thánh đường ở Malaysia từ khi thánh đường đầu tiên được xây dựng cho đến nay có thể chia thành ba dạng tương ứng với những giai đoạn lịch sử cụ thể: 


Từ khoảng thế kỷ XVIII, những thánh đường đầu tiên ở Malaysia được dựng lên và đặc điểm chung của kiến trúc trong giai đoạn này là không hề mô phỏng sao y theo phong cách kiến trúc truyền thống của nhà thờ Hồi giáo. Việc xây dựng thánh đường lúc này phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa lý tự nhiên nắng nóng, mưa nhiều ở Malaysia. 


Điểm đáng lưu ý của thánh đường trong giai đoạn này là được xây dựng lên để đối phó với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Bộ mái được làm dạng dốc nghiêng để có thể thoát nước nhanh khi trời mưa, bộ khung thì được làm theo kiểu nhà sàn để tránh lụt. Cửa ra vào, cửa sổ thì được chạm khắc nhiều motif hoa lá, vừa thể hiện tài hoa của người thợ, vừa có tác dụng làm lỗ thông cho không khí khoảng trống để luồng vào dễ dàng. Những chất liệu chủ yếu được sử dụng thời kỳ này là những loại thực vật có sẵn từ thiên nhiên như gỗ, tre nứa, gạch, đá bằng đất sét nung...


Thời kỳ thuộc địa từ khoảng năm 1795 đến năm 1957, thánh đường ở Malaysia chủ yếu được được thiết kế bởi các kiến trúc sư và kỹ sư người Anh. Những hình ảnh quen thuộc của kiến trúc Hồi giáo dần xuất hiện như kiểu kiến trúc mái vòm củ hành, mái nhọn, tháp canh và những hàng cột... Chất liệu được sử dụng phổ biến là xi-măng, gạch với cấu trúc khung thép chịu lực. Thực tế, các kiến trúc sư thời kỳ này đã có sự trộn lẫn giữa phong cách Moorish và phong cách cổ điển của dòng bản địa, chẳng hạn như thánh đường Sultan Abu Bakar ở Johor Bahru. Hoặc kết hợp phong cách Baroque cổ điển với ảnh hưởng Moorish như thánh đường Jamek ở Muar, Johor. Nhìn chung, nét nổi bật trong nghệ thuật trang trí thời kỳ này là thể hiện những kiểu hoa văn hình học đơn giản, hình khối lập phương với bề mặt trơn phẳng.


Giai đoạn hiện đại trong khoảng từ năm 1958 đến nay kiến trúc thánh đường ngày càng tuân thủ chặt chẽ phong cách Hồi giáo, đồng thời những kỹ thuật công nghệ hiện đại cũng bắt đầu được các công trình sư tận dụng triệt để khi thiết kế xây dựng. Thánh đường ngày càng mở rộng diện tích ở sảnh cầu nguyện để đáp ứng chỗ ngồi cho số lượng tín đồ ngày càng đông. Những vật liệu hiện đại như bê-tông, gạch, thép, đá, cẩm thạch được ưa chuộng và kiểu thiết kế quen thuộc là hình dáng những mái vòm củ hành hay mái nhọn, tháp cao, trần cao. 


Điểm đặc biệt của kiểu thánh đường hiện đại là nó thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa công trình chính với các yếu tố ngoại cảnh xung quanh như khu vườn, hồ nước, những hàng cây, thảm thực vật, thiết kế ánh sáng... Hoặc kết hợp giữa phong cách của các thánh đường Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông... lại với nhau. Thánh đường ngày càng thể hiện những phẩm chất tối ưu của khoa học công nghệ chẳng hạn như National Mosque ở Kuala Lumpur ngoài diện tích rộng, xây dựng bằng bê-tông, đá cẩm thạch Ý với ngọn tháp cao 245 feet còn có thêm nhiều phòng chức năng khác như thư viện, văn phòng, phòng khách hoàng gia, nhà kho... và những hệ thống chiếu sáng, máy lạnh... 


Từ những đặc điểm cơ bản của kiến trúc thánh đường Hồi giáo Malaysia qua các thời đại đã cho thấy quá trình hòa nhập, biến hóa dần dần của Hồi giáo nơi đây. Việc xây dựng thánh đường ngay từ buổi đầu tiên không hề cho thấy sự áp đặt của tôn giáo này đối với người bản xứ mà thể hiện sự tự chủ hoàn toàn của người dân khi theo tôn giáo này, và họ đã xây dựng những thánh đường Hồi giáo hoàn toàn theo phong cách riêng của mình để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nơi đây. Vì vậy có thể nói kiến trúc thánh đường ở Malaysia hoàn toàn không phải là sự rập khuôn của kiểu thánh đường truyền thống Hồi giáo ở Arab mà đã có những biến đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp với người bản xứ và dần dần trở thành một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa của họ.
Mèo Ú



NHỮNG THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO NỔI TIẾNG Ở MALAYSIA

- Thánh đường Putra (Kuala Lumpur)

Hình ảnh

Thánh đường Putra nằm giữa lòng hồ Putrajaya được xây dựng bằng chất liệu chính là đá granit hồng phản chiếu trên nền nước xanh ngắt bao quanh tạo nên một cảnh quan thật thanh tĩnh và an lành. Không chỉ thu hút bằng vẻ ngoài quyến rũ và thơ mộng, thánh đường Putra còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc cổng đồ sộ và ngọn tháp đơn bên cạnh công trình chính cao đến 116m chia làm năm tầng tượng trưng cho năm trụ cột của đạo Hồi. 


Được xây dựng từ năm 1997 và hoàn thành vào năm 1999 với sức chứa lên đến 15.000 người, Putra thực sự là một trong những công trình kiến trúc Hồi giáo tuyệt mĩ ở Đông Nam Á. Bức tường bên dưới thánh đường là sự mô phỏng kiểu kiến trúc của thánh đường King Hassan ở Casablanca, Maroque trong khi đó những ngọn tháp canh lại được làm theo kiểu kiến trúc thánh đường Sheikh Omar ở Baghdad, Iraq. Với lối kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại kết hợp với sự hài hòa của màu sắc và sự cân xứng của những mái vòm, những motif hình học... có thể nói Putra Mosque xứng đáng là một đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc theo phong cách Hồi giáo ở Malaysia. 


- Thánh đường Sultan Salahuddin Abdul Aziz Shah 


Hình ảnh

Sultan Salahuddin Abdul Aziz Shah Mosque hay nhiều người đơn giản chỉ gọi là “Blue Mosque” nằm kề bên một hồ nước nhỏ dệt nên một khung cảnh thật tĩnh lặng và thanh bình ở Shah Alam.
Tầng trệt của thánh đường bao gồm sảnh lớn để cầu nguyện, phòng hội họp, thư viện, phòng chuẩn bị trước khi vào cầu nguyện và nhà kho. Những cột trụ và hốc tường (nơi tín đồ hướng về để cầu nguyện) được bao phủ bởi lớp đá cẩm thạch trắng và trang trí bằng những đoạn kinh Koran truyền thống. 

Thảm trải sàn nơi dành cho tín đồ cầu nguyện được dệt từ len sợi và trang trí bằng những họa tiết hình học trắng trên nền màu xanh. Nền sân trong cũng được lát bằng những phiến đá xanh và trắng xen kẽ. Bên trên là mái vòm được làm từ chất liệu nhôm cũng có màu xanh dương và những dòng trang trí các đoạn kinh Koran với lối thư pháp kinh văn... gợi nên ấn tượng một “Thánh đường Xanh” thật trang nhã, hài hòa. Sở hữu một trong những mái vòm lớn nhất thế giới và bốn ngọn tháp dựng đứng bao quanh cao hơn 142m, có thể xem đây là thánh đường lớn nhất ở Malaysia và lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ đứng sau Istiqlal mosque ở Jakarta, Indonesia. 


- Thánh đường Jamek (Kuala Lumpur)


Hình ảnh

Là thánh đường cổ xưa nhất ở Kuala Lumpur, Jamek được xây dựng vào năm 1907 do Arthur Benison Hubbak – một kiến trúc sư người Anh thiết kế. Jamek nằm tại nơi giao nhau giữa hai con sông Klang và Gombak, bao quanh là nước biếc và những hàng dừa uốn mình thành hình vòng cung tạo nên cho thánh đường này một vẻ đẹp sống động như chính thiên nhiên bao quanh. 

Jamek đã từng là thánh đường trung tâm duy nhất của Kuala Lumpur cho đến năm 1965 khi thánh đường Negara được dựng nên thay thế vị trí của nó. Thánh đường có ba mái vòm trắng nhô cao phủ lấy sảnh cầu nguyện, tại góc là hai ngọn tháp xây bằng gạch đỏ và trắng xen kẽ lẫn nhau gợi cảm hứng từ kiểu kiến trúc Moorish. Có thể nói Jamek là thánh đường có vẻ ngoài ấn tượng và dễ nhận biết nhất ở Malaysia.
Từ một vài thánh đường tiêu biểu có thể đưa ra nhận xét chung là hầu như mỗi thánh đường Hồi giáo ở Malaysia hiện nay dù theo nền tảng của lối kiến trúc Hồi nhưng nó đã có sự biến hóa muôn hình vạn trạng dựa vào cảnh quan xung quanh và nhiều yếu tố kỹ thuật khác, tạo cho mỗi thánh đường một vẻ đẹp riêng có không thể hòa lẫn.


Với đa số dân theo Hồi giáo, thánh đường ở Malaysia đã trở thành một cơ sở tôn giáo quan trọng, một ngôi nhà tinh thần chung của con người. Đó không chỉ là nơi cầu nguyện của tín đồ mà còn là một nhịp cầu văn hóa để con người trên khắp mọi nơi gặp gỡ nhau, trao đổi thông tin và giao lưu kết bạn. 
Từ một cơ sở tôn giáo bình thường, thánh đường Hồi giáo đã trở thành trung tâm văn hóa của người dân Malaysia, là nơi con người gặp gỡ, học hỏi, truyền đạt thông tin, giáo dục cách sống, tổ chức những ngày lễ lớn (như tháng lễ Ramadan) đồng thời cũng là nơi của những tấm lòng nhân ái, quyên góp tiền của để giúp đỡ cho người nghèo... 


Không cầu xin tha thứ, rửa tội, không cầu duyên, cầu phước, cầu tài... Thánh đường Hồi giáo ở Malaysia đơn giản chỉ là nơi để tín đồ đến cầu nguyện, cầu nguyện để thể hiện lòng sùng kính với Allah – đấng tối cao duy nhất, và mỗi khi quỳ xuống cầu nguyện, con người cảm thấy được thanh thản, yên bình. Và một khi đã đặt chân vào không gian thoáng đãng rộng mở này thì tất cả mọi tín đồ dù giàu có hay nghèo khổ, dù địa vị xã hội cao hay thấp đều trở nên bình đẳng như nhau, bình đẳng trước thánh Allah. Có lẽ chính sự giản dị, vô sai biệt trong đối xử, trong giáo lý của nó đã khiến Hồi giáo nhanh chóng nhận được sự đón chào nồng ấm của con người nơi đây và ghi lại những dấu ấn văn hóa quan trọng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO 
- Trương Sỹ Hùng 2007: Tôn giáo và văn hóa, nxb Khoa học xã hội. 
- Ben Van Wijnen: Masjid Jamek
http://www.malaysiasite.nl/masjidjamekeng.htm 
- Sultan Salahuddin Abdul Aziz Mosque
http://en.wikipedia.org/wiki/Sultan_Sal ... ziz_Mosque 
- Putra Mosque
http://www.glasssteelandstone.com/MY/Pu ... osque.html 
- A. Ghafar Ahman: The architectural styles of mosque in Malaysia: From vernacular to modern structures
http://www.hbp.usm.my/conservation/Semi ... IYADH.html
Mèo Ú

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỒI GIÁO


NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỒI GIÁO
 Hà Lê

Phần này trình bày những vấn đề cơ bản về Hồi giáo, bao gồm khái quát về lịch sử ra đời và phát triển của Hồi giáo và nội dung cơ bản của Hồi giáo.Khái quát về lịch sử ra đời và phát triển của Hồi giáo
Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời của hồi giáo
Hồi giáo (tôn giáo của tộc người Hồi) là cách gọi của người Trung Quốc gọi đạo Islam (theo tiếng Ảrập nghĩa là phục tùng theo ý chân chủ) xuất hiện ở bán đảo Ảrập vào khoảng thế kỷ thứ VII. Ảrập Xêut là quê hương của Hồi giáo. Hồi giáo ra đời do hàng loạt nguyên nhân kinh tế, xã hội, tư tưởng gắn liền với sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp của các tộc người vùng Trung cận Đông và yêu cầu thống nhất các bộ lạc trong bán đảo Ảrập thành một nhà nước phong kiến thần quyền do đó cần một tôn giáo độc thần để thay thế những tôn giáo đa thần tồn tại ở đó từ trước.
Sự ra đời và phát triển của Hồi giáo
Sự ra đời của Hồi giáo gắn liền với tên tuổi một người nổi tiếng là giáo chủ Mohammed (Mahomet). Mâohammed (570 – 632) là một người thuộc gia tộc Casimu ở Mecca. 
Tục truyền rằng khi Mohammed được 40 tuổi (năm 610) ông một mình vào trong một hang nhỏ ớ núi Xira, ngoại thành Mecca để tu luyện và trầm ngâm suy tưởng. Trong một đêm thánh Allah (Ala – Chân chủ) đã cử thiên sứ Gabrien đến truyền đạt Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho ông chân lý của Kinh Coran khiến ông trở thành “Thánh thụ mệnh” và ông tự xưng là đã tiếp thụ sứ mệnh của chân chủ trao cho và bắt đầu truyền đạo. Đầu tiên ông bí mật truyền giáo trong số những bạn bè thân thiết và họ trở thành những tín đồ đầu tiên, về sau sự truyền đạo trở nên công khai, đối tượng mở rọâng tới quần chúng ở Mecca nhưng bị giới quý tộc đả kích và bức hại. Môhamet đã trốn được đến Yathrib (sau đổi thành Madinah - Thành phố tiên tri). Ơû đây ông phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh và cuộc cách mạng của ông giành được thắng lợi. Sau đó ông tổ chức vũ trang cho các tín đồ (Muslim) và dùng khẩu hiệu “Chiến đấu vì Allah” và đè bẹp được giới quý tộc ở Mecca. 
Cùng với việc mở rộng phạm vi truyền đạo Mohamet còn liên minh với các bộ tộc và dùng sức mạnh buộc các thế lực còn lại phải quy thuận theo Hồi giáo. Có thể nói cuộc cách mạng do Mohammed lãnh đạo là một cuộc cách mạng tôn giáo và cải cách xã hội kết hợp với nhau. Sự ra đời của Hồi giáo đã mở ra một thời kỳ lịch sử mới thống nhất trên bán đảo Ảrập.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 900 triệu tín đồ Hồi giáo có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp các châu lục nhưng tập trung chủ yếu ở các nước Ảrập (trừ Li băng và Ixraen) và chiếm đại đa số ở các nước như Iran, Irắc, Pakistan, Apganistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và một số nước vùng Trung Á và cả ở Đông nam Á (chủ yếu ở Inđonesia). Một số quốc gia tự coi mình là quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên Hồi giáo ở các quốc gia khác nhau nên đã phân chia thành các hệ phái khác nhau nhưng về cơ bản không đối lập nhau.
Nội dung cơ bản của Hồi giáo
Giáo lý của Hồi giáo
Đặc điểm giáo lý của Hồi giáo là rất đơn giản nhưng luật lệ và lễ nghi rất phức tạp và nghiêm khắc thậm chí đến mức khắt khe và nhiều khi nó vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo và trở thành một chuẩn mực pháp lý của xã hội. Trong Hồi giáo khó thấy ranh giới giữa cái thiêng và cái tục.
Giáo lý cơ bản của Hồi giáo là Kinh Coran (Coran theo nguyên nghĩa tiếng Ảrập là “tụng đọc”) vì đó là những lời nói của Môhamet được ghi lại và những lời này do thánh Allah thông qua thiên sứ Gabrien “khải thị” cho Mohammed. Kinh Coran tổng cộng có 30 quyển, 114 chương hơn 6200 tiết (là những đoạn thơ). Nội dung Kinh Coran vô cùng phong phú đại thể bao gồm những tín ngưỡng cơ bản và chế độ tôn giáo của đạo Hồi và những ghi chép về tình hình xã hội trên bán đảo Ảrập đương thời cùng với những chính sách về chủ trương xã hội, quy phạm luân lý đạo đức… Giáo lý Hồi giáo gồm các điểm cơ bản sau:
+ Allah là đấng tối cao sinh ra trời đất.
+ Allah là đấng tối cao sinh ra muôn loài trong đó có con người.
+ Con người là bình đẳng trước Allah nhưng số phận và tài năng tạo nên sự khác nhau giữa những con người .
+ Số phận con người có tính định mệnh và do Allah sắp đặt.
+ Tín đồ Hồi giáo phải luôn có thái độ đúng: trong cộng đồng (Hồi giáo) thì phải kiên nhẫn chịu đựng, phục tùng Allah, đối với người ngoài thì phải kiên quyết bảo vệ mọi lợi ích của Hồi giáo và phải có tinh thần thánh chiến.
+ Về y lý: khuyên bảo con người phải giữ gìn sức khỏe.
Những lời khuyên về đạo lý:
• Tôn thờ thần cao nhất là Allah. 
• Sống nhân từ độ lượng. 
• Thưởng phạt công minh, trừng phạt chủ yếu đối với kẻ thù. 
• Thánh chiến là thiêng liêng và bắt buộc. 
• Kiên định và nhẫn nại trong mọi thử thách. 
• Tin vào định mệnh và sự công minh của Allah. 
• Cấm một số thức ăn: thịt heo, rượu bia và các chất có men. (Heo là con vật gắn với khởi nguyên: phát triển là nhờ chăn nuôi). 
• Trung thực. 
• Không tham của trộm cắp 
• Làm lễ và tuân thủ các nghi lễ Hồi giáo. 
Tín ngưỡng Hồi giáo
Xét về niềm tin, tín đồ Hồi giáo tin vào Alah, sứ giả Mohammed, thiên sứ, thiên kinh, hậu thế.
- Tin vào Alah: Đây là một nội dung quan trọng của tín điều cơ bản. Theo Hồi giáo, Alah là vị thần duy nhất trong vũ trụ, tự sinh ra và bất tử. Alah sáng tạo thế giới, và là chúa tể. Hồi giáo không thờ ảnh tượng của Alah vì họ quan niệm Alah toả khắp nơi, không một hình tượng nào đủ để thể hiện Alah.
- Tin vào sứ giả Mohammed: Giáo lý Hồi giáo cho rằng Allah từng cử nhiều sứ giả đến các dân tộc khác nhau trong những thời kỳ nhất định để truyền đạt ngôn luận của Allah cho con người. Có đến 5 sứ giả. Trong đó Mohammed là sứ giả cuối cùng mà Allah chọn lựa. Đây cũng là sứ giả xuất sắc nhất. Chỉ có Mohammed là được nhận những ngôn luận của Allah một cách đầy đủ nhất.
- Tin Thiên kinh: Allah từng trao thiên kinh cho các sứ giả trước Mohammedû, mỗi người một bộ. Nhưng những bộ ấy không đầy đủ, bị thất lạc hoặc bị người đời sau giải thích sai lệch. Chỉ có bộ thiên kinh mà Allah truyền cho Mohammed là bộ kinh điển cuối cùng nhưng đầy đủ nhất. Đó là kinh Coran. Vì vậy, kinh Coran dưới mắt người Hồi giáo làø bộ kinh điển thần thánh duy nhất.
- Tin vào Thiên sứ: Thiên sứ do Allah tạo ra, là một loại linh hồn, vô hình trước con người, không có tính thần. Mỗi thiên sứ có một nhiệm vụ. Trong Thiên sứ cũng có sự phân chia cao thấp. Cao nhất là thiên sứ Gabrien. Con người không phải phủ phục trước thiên sứ.
- Tin vào hậu thế: Sẽ có ngày tận thế. Trong ngày ấy, mọi sinh linh sẽ kết thúc để rồi tất cả sống lại nhận sự phán xét của Allah. Dựa vào hành vi của mỗi người mà Allah quyết định: thiên đường dành cho người thiện, địa ngục là nơi của kẻ ác.
Nghĩa vụ Hồi giáo 
Hệ thống nghĩa vụ của tín đồ Hồi giáo rất rộng và chi tiết, dựa trên cơ sở kinh Coran và sách Thánh huấn.
Các tín đồ có 5 nghĩa vụ chủ yếu. Đó là niệm, lễ, trai, khoá, triều. Đây là 5 trụ cột của Hồi giáo, tạo nên sườn cốt cho đời sống của người Hồi giáo.
- Niệm: tín đồ phải thường xuyên tụng niệm thành tiếng tín điều cơ bản (Vạn vật không phải là Chúa, chỉ có Chân chúa; Mohammed là sứ giả của Chúa).
- Lễ: tức là lễ bái. Các tín đồ mỗi ngày hành lễ 5 lần (sáng, trưa, chiều, tối, đêm). Thứ 6 hàng tuần thì làm lễ tại thánh đường 1 lần vào buổi trưa. Trước khi làm lễ, tín đồ phải rửa mặt, tay chân, quỳ xuống, hướng về đền Kabah để cầu nguyện.
- Trai: tức là trai giới. Tháng 9 theo lịch Hồi là tháng trai giới của Hồi giáo. Trong tháng này mọi tín đồ không ăn uống, quan hệ tính dục từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, trừ một số trường hợp đặc biệt. Kết thúc tháng này là lễ Phá bỏ sự nhịn đói, các tín đồ sẽ cùng nhau cầu nguyện, sau đó tặng quà cho nhau, và bố thí.
- Khoá: các tín đồ có nghĩa vụ đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Sự đóng góp đó có thể là tự nguyện, nhưng cũng có khi là bắt buộc dựa vào tài sản của tín đồ (khoảng 1/40 tài sản).
- Triều: Các tín đồ có nghĩa vụ hành hương về Mecca ít nhất 1 lần trong cuộc đời, để triều bái Kabah trong tháng 12 theo lịch Hồi (hành hương Haji). Cuộc lễ triều bái kéo dài trong 10 ngày. Ngày cuối cùng tín đồ sẽ hiến lễ là một con cừu hoặc lạc đà, hoặc một con vật có sừng. Triều bái Mecca trong dịp này là chính triều. Còn phó triều thì diễn ra trong thời gian bất kỳ của năm và ít nghi lễ hơn.
Ngoài ra, Hồi giáo còn có nhiều quy định cụ thể về hành vi của tín đồ trong các mối quan hệ xã hội.
Tổ chức Hồi giáo
- Thánh đường Hồi giáo là nơi sinh hoạt tập thể và có tính thiêng với các tín đồ. 
Thánh đường gồm có Đại Thánh đường và Tiểu Thánh đường. Trong Thánh đường có bài trí đơn giản, không bàn ghế, không có đồ thờ quý hay nhạc cụ, chỉ có chiếc gậy mà theo truyền thuyết là của giáo chủ Môhammet đã dùng nó để đi truyền đạo.
- Hệ thống chức sắc gồm có Giáo chủ (Mufty), phó giáo chủ (Naib Mufty), Giáo cả (Ha Kim), phó giáo cả (Naib Ha Kim), Imân, Khatib, Tuan, Bilat, Slak, HaDji.
Hồi giáo ở Việt Nam
Sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam
- Người theo đạo Hồi ở Việt Nam hầu hết là người dân tộc Chăm. Đạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ X – XIV bằng con đường hòa bình cùng với quá trình tan rã của quốc gia Chiêm Thành (Chămpa) và sự suy giảm dần của đạo Hinđu - tôn giáo chính thống của người Chăm. Hiện nay vấn đề thời điểm cụ thể Hồi giáo vào Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
- Theo kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì khoảng từ thế kỷ X trở đi, vương quốc Chăm với sự phát triển khá mạnh về hàng hải nên đã có sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa và buôn bán với người Indonesia và Malaysia là những nước đã có đạo Hồi lan rộng. Do tình hình chiến tranh liên miên và thất bại, vương triều dần suy yếu và niềm tin vào đạo Hinđu dần giảm sút nên đạo Hồi đã bám rễ được vào một bộ phận người Chăm. 
Vương quốc Chămpa (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) sau những cuộc giao tranh từ thế kỷ XI – XIII dần dần bị suy yếu. Về sau bị lấn át bởi cuộc Nam tiến của người Việt. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Vigiaya (Bình Định) và vua Chămpa bỏ chạy. Năm 1693 chúa Nguyễn tiến đánh và bắt được vua Chăm và cho làm quan ở vùng Bình Thuận (lúc này vua Chăm chỉ còn trên danh nghĩa). Trong hai thời điểm này người Chăm bỏ chạy vào miền Nam (An Giang), chạy sang Campuchia (Công pông chàm) và sang Malaysia lập nên bang Ache. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê của người Pháp, người Chăm ở Việt Nam có khoảng 30.000 người. Hiện nay người Chăm có khoảng 200.000 người trong đó ở miền Trung Việt Nam (Ninh thuận, Bình Thuận) là 50.000, miền Nam 50.000 (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang), Ở Campuchia (Côngpôngchàm) 50.000 và ở Malaysia 30.000 người. Phần lớn người Chăm ở miền Trung theo đạo Hinđu, chỉ có một ít theo đạo Hồi, người Chăm ở miền Nam gọi là Chăm Ixlam, theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo qua Hồi giáo Campuchia và Malaysia. 
Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay
- Do vị trí địa lý và hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và sự giao lưu của đồng bào Chăm với bên ngoài nhất là vơi thế giới Hồi giáo mà ở Việt Nam hình thành 2 khối Hồi giáo với nhiều khác biệt đáng kể:
+ Hồi giáo vùng Ninh Thuận, Bình Thuận là Hồi giáo không chính thống gọi là Chăm Bani, đượm sắc thái của yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa. Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ và các lễ liên quan đến chu kỳ đời sống của con người và các lễ thức nông nghiệp, không có liên hệ với Hồi giáo thế giới.
+ Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gọi là Chăm Ixlam theo Hồi giáo chính thống, không bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia.
Tuy có sự khác nhau nhưng giữa hai khối Hồi giáo này không có sự kỳ thị mà hòa hợp với nhau.
- Về tổ chức, thời Pháp thuộc có tổ chức Saykhon Ixlam đại diện cho người ChămXà và những người Mã Lai theo Hồi giáo. Năm 1960 khối người Chăm Hồi giáo lập ra “Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam” có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Năm 1966 có thêm tổ chức “Hội đồng giáo cả các Thánh đường Hồi giáo Việt Nam” đặt văn phòng tại Châu Đốc và tồn tại cho đến ngày nay.
- Hiện nay các tín đồ Hồi giáo sinh hoạt bình thường, vừa tuân phục các giáo luật khắt khe vừa thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và sự quản lý của chính quyền mong muốn được sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, muốn duy trì mối quan hệ với thánh địa Mecca. Nói chung trong những năm qua tín đồ Hồi giáo tăng chậm do đồng bào Chăm thường sống ở những vùng có kinh tế khó khăn, có thu nhập thấp, diện nghèo còn cao và rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.