Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bài học lịch sử sinh động nhất của giới trẻ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bài học lịch sử sinh động nhất của giới trẻ

(ĐSPL) - Chưa bao giờ giới trẻ Việt Nam lại dành tình cảm đặc biệt cho một cá nhân như đã thể hiện trong thời gian qua với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ đã khóc trước sự ra đi của vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 103 và xem ông là thần tượng hoàn hảo về tài năng, đức độ, tinh thần sống hết mình.
Nhiều người đã nhận định, Đại tướng là bài học lịch sử sinh động nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam nhưng họ tỏ ra băn khoăn vì sao Đại tướng lại chưa được đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông để giáo dục thế hệ trẻ. Trong khi đó, ở nước Pháp xa xôi, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có trong sách giáo khoa của họ. Vì sao lại như vậy?
Một biểu tượng hoàn hảo cần thiết cho thế hệ trẻ
Việc thế hệ trẻ biểu lộ tình cảm đặc biệt của mình đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian qua hết sức xúc động, thậm chí vượt xa sự tưởng tượng của thế hệ cha anh đi trước. Bàn về hiện tượng này, giáo sư, tiến sĩ  khoa học, Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đây là điều rất đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo giáo sư Vũ Minh Giang, chính hành động của thế hệ trẻ trong đám tang đã làm đảo lộn suy nghĩ của người lớn, làm họ ngạc nhiên đến vỡ oà trong hạnh phúc. Vị giáo sư này tự đặt câu hỏi, câu chuyện đằng sau đó  là cái gì? Và ông đã đi tìm lời giải cho mình. Bởi ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp đủ đầy những phẩm chất mà thế hệ trẻ Việt Nam cần. Người trẻ bây giờ luôn có trong mình hai tố chất. Tố chất thứ nhất, mang tính tự nhiên của giới, của lứa tuổi là hướng tới cái mới, cái hiện đại. Dường như, họ không thích nói nhiều  đến chuyện quá khứ, bởi trước mặt họ là tương lai. Nhưng chúng ta quên một điều, bất kỳ lứa tuổi nào, thế hệ nào, họ cũng mang trong mình truyền thống văn hoá của một dân tộc. Nó như một cái gen di truyền, vấn đề là cái gen ấy trong môi trường hoàn cảnh nào thì bộc lộ ra. Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi cho rằng đã làm cho cái gen ấy bất luận thế nào cũng bộc lộ ra.
Thế hệ trẻ Việt Nam đã dành tình cảm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thực chất, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ tìm thấy chất tướng của một danh tướng muôn đời, mà còn tìm thấy một hình tượng tướng văn, tức là sự bao dung nhân ái. Đây là một sự kết hợp rất khó trong một con người. Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng: Đại tướng Giáp được chính đối thủ kính trọng vì nhiều lý do, trong đó có một câu chuyện liên quan đến cách đối xử với người Pháp. Người Pháp chưa bao giờ thấy những phụ nữ, trẻ em của nước họ bị bắt cóc làm vật để trao đổi điều kiện chính trị ở Việt Nam. Trong khi đó, việc này lại thường xuyên xảy ra ở các nước thuộc địa khác. Chính sự nhân ái, lòng bao dung của Tướng Giáp là điểm rất gần gũi với giới trẻ. Bởi cái tuổi trẻ cần đó là sự quan tâm, sự bao dung. Tuổi trẻ, họ không muốn bị áp dụng sự khắt khe mà cần sự bao dung, uy tín. Giới trẻ cảm nhận được sự bao dung của Đại tướng đối với mọi người, nhất là giới trẻ nên đã trở thành thần tượng của họ.
"Cái cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh đó chính là Tinh thần Võ Nguyên Giáp. Tinh thần đó đã thổi vào giới trẻ  ý chí mãnh liệt. Đây chính là cái kích thích đối với thế hệ trẻ khiến họ tràn đầy nhựa sống. Tôi cho đây là những cái cơ bản nhất để giải thích tại sao trong đám tang của một con người thọ 103 tuổi, một con người của thế hệ cũ đã kích thích giới trẻ để họ biểu lộ ra bên ngoài nhiều hành động và  tình cảm đặc biệt", giáo sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: "Tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này. Tôi biết dư luận đang nói về việc này và cá nhân tôi cũng rất suy nghĩ về điều đó. Lúc sinh thời Đại tướng đã luôn nói, chiến công này là của nhân dân và thuộc về nhân dân, đứng đầu là Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Nhưng Đại tướng với chức trách và nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó, người đã hoàn thành xuất sắc xứ mệnh của mình. Non sông này, đất nước này và Tổ quốc này sẽ luôn luôn khắc ghi điều đó. Vậy việc đặt ra vấn đề mà dư luận đã nêu có hợp lý hợp tình hay không? Cần phải suy xét ở dưới góc độ nào? Theo tôi đã đến lúc cần đưa tên của Đại tướng vào trong sách giáo khoa lịch sử. Có nhiều điều để chúng ta suy xét, đồng thuận với ý kiến đó". Theo ông Hùng, nếu ai đó có đặt ra vấn đề cần phải đối sánh như thế nào, dung lượng ra làm sao về vai trò của cá nhân Đại tướng trong tiến trình lịch sử với những tấm gương đã được Tổ quốc vinh danh là anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Lê Lợi..., cá nhân tôi chưa thể trả lời ngay lúc này một cách cụ thể, chi tiết. Và, bộ GD&ĐT cũng cần phải có tiếng nói của mình trước vấn đề mà dư luận đang đặt ra.
"Tuy nhiên tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề cho rằng, sách giáo khoa lịch sử hiện nay còn khô cứng, không hấp dẫn với học sinh và cần đưa những nhân vật như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào để cho môn học thú vị hơn. Thế hệ chúng tôi, rất nhiều người yêu thích đọc lịch sử, thậm chí quyển lịch sử thường được học sinh đọc hết từ đầu năm học trước khi cô giáo lên lớp dạy. Việc đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sách là cần thiết, tuy nhiên nó không liên quan đến việc cải thiện chất lượng sách lịch sử", ông Hùng phân tích.
Cũng liên quan đến hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trả lời phỏng vấn PV báo ĐS&PL, giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử đánh giá rằng: "Những gì tôi đã chứng kiến trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng kiến những hàng dài người xếp hàng trong đó có rất đông thế hệ trẻ tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu vô cùng xúc động. Trong lòng thế hệ trẻ, Tướng Giáp là một thần tượng, và đó là thần tượng hoàn hảo".
Sẽ đóng góp ý kiến xây dựng hình tượng Đại tướng vào sách giáo khoa
Trong lúc giới trẻ rất quan tâm tới hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người cho rằng sách giáo khoa lịch sử phổ thông chưa đề cập đến hình ảnh của Đại tướng là một thiếu sót lớn. Trước sự việc này, theo giáo sư Phan Huy Lê, việc sách giáo khoa lịch sử phổ thông không nhắc đến hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây dĩ nhiên là một thiếu sót lớn không phải bàn cãi. Theo giáo sư, những người "làm sách" cần thiết phải xây dựng bổ sung.
Cũng liên quan đến vấn đề này, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang cho rằng: "Việc Đại tướng chưa được đề cập trong sách giao khoa nó xuất phát từ quan điểm biên soạn sách giáo khoa của những người làm giáo dục. Và, tôi tin rằng trong tương lai hình ảnh của Tướng Giáp sau khi qua đời thì chắc chắn sẽ xuất hiện trong sách giáo khoa. Với tư cách Phó chủ tịch hội Khoa học Lịch sử tôi cũng sẽ bảo lưu quan điểm của mình trong việc này, vì đó là một lẽ công bằng của lịch sử. Bởi Tướng Giáp không phải là con người mang tính chất cá nhân mà là biểu tượng của một dân tộc".
Chiến công lừng lẫy của Đại tướng luôn song hành cùng dân tộc
Về việc, Tướng Giáp không có trong sách giáo khoa Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh (Bộ Công An) thẳng thắn nói: "Rất tiếc, đến giờ dư luận mới đặt ra vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để thực hiện điều đó sớm hơn. Bia đá có thể mòn nhưng chiến công lừng lẫy của Đại tướng luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của Đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Đó là tấm gương lớn mà thế hệ trẻ Việt Nam cần học và làm theo".
Tờ L’Humanite  á của Pháp dẫn:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vào SGK của Pháp trong mục “Nghệ thuật chiến tranh”
Trình Phúc - Thành Huế