Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chiếc BÁNH CHƯNG góp công Đại Phá Quân Thanh


Chiếc BÁNH CHƯNG góp công Đại Phá Quân Thanh


10-06-2009
HOÀNG THIÊN LÝ
Dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời tốt đẹp là mỗi lần Tết đến Xuân sang, trong những ngày thiêng liêng nhất của năm mới thường nhớ đến người xưa, những vị anh hùng dân tộc đã có công dựng nước với tấm lòng tôn kính, biết ơn. Nhân năm Kỷ Sửu 2009, chúng ta hãy cùng nhau lần theo lịch sử, ôn lại đôi điều về một chiến công hiển hách của nước nhà vào tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) , trong đó có liên quan đến chiếc bánh chưng ngày Tết.
Vua Tây Sơn khi ở Nghệ An cất quân ra Bắc đã vấn kế Xử sĩ Nguyễn Thiếp mà xưa nay vua vẫn quý trọng như bậc quân sư. Ông Thiếp vốn trước dạy học ở nhà vị quan Đề lĩnh họ Đinh, vừa ở Thăng Long về Nghệ An và đã hiểu tình trạng quân Thanh. Ông bèn hiến kế Vua Quang Trung sai sứ giả làm một phong thư đưa cho Tôn Sĩ Nghị, giả ý sợ oai thiên triều, sẽ tự trói mình đến Thăng Long tạ tội, đâu dám chống cự quân Thanh cốt để làm cho Tôn Sĩ Nghị thêm lòng khinh địch, không nghĩ đến việc đề phòng; đồng thời, cho đại quân tiến gấp ra Bắc khiến Nghị lúng túng trở tay không kịp.
Gần Tết, tình thế quân Thanh rất nguy khốn, không còn kiêu căng, huênh hoang như mọi ngày, Tôn Sĩ Nghị đâm ra lo sợ cuống cuồng, bèn hạ lệnh đóng chặt các cửa thành, quân dân ta ra vào đều bị quân Thanh khám xét tra hỏi rất nghiêm ngặt. Sáng mồng một tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân dân ta không còn ai nghĩ đến chuyện ăn Tết thưởng Xuân nữa. Vị Đề lĩnh họ Đinh, một võ quan triều Lê, do không đồng ý việc mượn sức quân Thanh nên không được triều Lê trọng dụng. Ông chỉ giữ một chức nhỏ là Giám ti, cai quản một toán lính già yếu để canh giữ các kho lương thực và khí giới của quân Thanh ở liền ngay cạnh sói phủ Tôn Sĩ Nghị.

Chiếc bánh chưng được chuẩn bị cho ngày tết
Sáng mồng ba Tết, ông Đề lĩnh đang ngồi trong gian phòng lo nghĩ gần xa, chợt một tên lính hầu vào trình có một người xứ Nghệ đem biếu một cặp bánh chưng. Giật mình, ông cho gọi ngay vào xem là ai. Ông vui vẻ nhận ra ngay là Xử sĩ Nguyễn Thiếp trước dạy học của nhà ông. Ông vồn vã hỏi:
Năm mới sao thầy không ở nhà ăn Tết cho vui lại ra đây làm gì cho vất vả? Nguyễn Thiếp thong thả đáp:
Tại kinh đô năm nay e mất Tết nên tôi vội thân hành ra mừng Tết ngài.
Ông vừa nói vừa dâng cặp bánh chưng, đồng thời liếc mắt nhìn ông Đinh và nhìn cả tứ phía. Ông Đinh hiểu ý ngay, bèn đuổi mấy tên lính hầu ra ngoài. Nguyễn Thiếp bóc ngay một chiếc bánh, cắt làm đôi, chỉ vào nhân bánh và nói:
Anh hùng nên phải thức thời và tuỳ thời mà lập công. Vận mệnh nhà Lê đã đến ngày tuyệt vong, chúng ta nên sớm biết đường, giúp nước. Vua Quang Trung anh dũng khác thường, nay đem quân ra quét sạch quân Thanh giày xéo đất nước. Vì thế, ngài tự viết một tờ mật dụ uỷ thác cho tôi đưa tới ông. Khi tới nơi thấy quân Thanh khám xét rất nghiêm, tôi phải để tờ dụ vào chiếc bánh chưng này để che mắt chúng và may đã lọt vào tới đây. Một cơ hội rất tốt để giúp nước trừ giặc, ta chớ nên bỏ lỡ…
Dứt lời, ông rút tờ dụ để lẫn trong nhân bánh chưng đưa ông Đề lĩnh. Vui mừng như người được của, ông Đinh hẹn sẽ theo đúng kế hoạch thi hành.
Đến mồng bốn rạng ngày mồng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, giữa lúc quân Thanh đang liều chết chống cự với quân Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị đang cố gượng đứng trên kỳ đài đốc chiến. Chợt có tin cấp báo như sét đánh ngang trời: Soái phủ và các kho khí giới lương thực ở trong thành tự nhiên phát hoả dữ dội, lửa bốc cao rực đỏ trời. Tôn Sĩ Nghị sợ hãi rụng rời vì cho rằng quân Tây Sơn đã lọt được vào trong thành, liền bỏ cả việc đốc chiến ra lệnh rút quân, rồi nhảy lên ngựa cùng mấy tên tì tướng thân cận chạy trốn như bay. Còn quân lính thình lình thấy lệnh rút lui, thấy chủ soái cũng biến đâu mất, quân Thanh như rắn mất đầu, hoảng sợ tìm đường chạy trốn.
Đám tàn quân chạy theo Sĩ Nghị ra tới bờ sông Nhị Hà (sông Hồng) cũng tranh nhau xô đẩy xuống phù kiều để sang bên Bồ Đề (Bắc Ninh) mong tìm đường trốn chạy về nước. Người đông, cầu nhỏ yếu, quân sĩ chen chúc đè lên nhau ngã xuống sông, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng riêng có Tôn Sĩ Nghị, mấy viên tì tướng và một toán vệ binh nhỏ qua sông từ trước, may đã sống sót chạy về Trung Quốc.
Lê Chiêu Thống thấy tướng sĩ nhà Thanh đại bại, hết chỗ nương tựa, đành phải uất hận đem cung quyến và mấy chục viên quan trung thành, từ bỏ thành Thăng Long chạy theo Tôn Sĩ Nghị.
Ngày hôm sau, vua Quang Trung kéo quân vào thành trước sự hoan hô của dân chúng. Xử sĩ Nguyễn Thiếp tâu bày mọi việc. Vua Quang Trung rất đẹp lòng và cho triệu ngay ông Đề lĩnh họ Đinh tới hỏi chuyện. Ngài tỏ lời ban khen và trọng thưởng ông Đinh vì đã sớm tỉnh ngộ và tuân theo đúng tờ dụ trong chiếc bánh chưng ngày Tết.

Lê Đức Thọ và Henry Kissinger: cuộc đối đầu lịch sử


Lê Đức Thọ và Henry Kissinger: cuộc đối đầu lịch sử


03-03-2010
QUANG DOÃN (DỊCH)
A.J.Langguth là nhà báo, nhà nghiên cứu và là giáo sư khoa Báo chí tại Đại học Southern (California). Ông viết nhiều sách về lịch sử, về chiến tranh, về cuộc cách mạng Mỹ… và đã từng có mặt tại Việt Nam những năm 1964, 1968, 1970. Năm 1997, ông tham gia đoàn các học giả và tướng lĩnh Mỹ do McNamara dẫn đầu dự hội thảo Việt Nam - Mỹ về chiến tranh Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Trong cuốn Our Vietnam - The War 1954-1975 (Việt Nam của chúng ta - cuộc chiến tranh 1954-1975), ông viết về những ngày cuối cùng của cuộc đàm phán Paris. Xin giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày ký hiệp định Paris về Việt Nam (1973-2010).
… Qua nhiều năm đàm phán ở Paris, Kissinger đã cảm nhận được giọng nói gay gắt của Lê Đức Thọ. Có lần, sau khi bị ông Thọ phê phán gay gắt, Kissinger nói: “Xin cho tôi được hỏi ngài một câu. Ngài có hay mắng mỏ (scold) đồng sự của ngài trong Ban chấp hành Trung ương như cách ngài thường mắng chúng tôi không?”.

Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Henry Kissinger. Ảnh TL.
Nhưng lần này thì những gì vẫn thường diễn ra từ phía đoàn Hà Nội trong các cuộc thương lượng trước đây, đã không còn chờ đón Kissinger trong cuộc họp của hai bên sau đợt ném bom dịp lễ Giáng Sinh (1972) nữa.
Ngày 8 tháng Giêng (1973) khi Kissinger đến ngôi biệt thự tại thị trấn Gif-sur-Yvette (Paris), không có một người nào trong đoàn Bắc Việt Nam đón ông ở cửa. Kissinger phải tự mình bước vào nhà và tự tìm lối vào phòng họp, ở đó đoàn Bắc Việt Nam đang chờ ông ta, ai nấy đều tỏ thái độ lạnh lùng. Kissinger cảm thấy lúng túng, bèn mở đầu bằng câu thanh minh xin lỗi: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc ném bom không phải là lỗi của tôi”.
Nhớ lại lần đầu tiên gặp nhau giữa hai người, Kissinger đã cảm thấy bực tức trước cách đối xử của ông Lê Đức Thọ, coi Kissinger như là học trò của mình, và hôm nay, một lần nữa, điều ấy lại tái diễn ở một mức độ khác hẳn.
Ông Thọ bắt đầu nói: “Bịa ra cái cớ thương lượng bị gián đoạn, các ông ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam đúng vào hôm tôi vừa về đến nhà, các ông chào đón tôi một cách rất lịch sự. Hành động của các ông, tôi có thể nói là rất trắng trợn, rất thô bạo (flagrant and gross)!”. “Chính các ông chứ không phải ai khác, đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ” - ông Thọ nói tiếp.
Ông Thọ nói liền một tiếng đồng hồ không hề bớt gay gắt. Có một lúc, Kissinger đã xin ông hạ giọng bớt để các nhà báo đang tụ tập bên ngoài không nghe được, nhưng ông phớt lờ.
Ông nói: “Hơn mười năm nay, Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục nhân dân Việt Nam, bom napan, B-52. Nhưng các ông đã không rút ra được bài học nào từ những thất bại đó. Thật là “ngu xuẩn, ngu xuẩn, ngu xuẩn” (nguyên văn tiếng Việt vẫn được giữ trong bài viết bằng tiếng Anh - QD).
Khi ông ngừng đập bàn, người phiên dịch của đoàn Việt Nam nhìn xuống sàn nhà, không muốn dịch hai tiếng cuối cùng. Các thành viên trong phái đoàn Mỹ phải dịch thêm mấy từ ông Thọ vừa nhấn mạnh: “Stupid! Stupid! Stupid!”.

Ngoại trưởng Henry Kissinger.
Kissinger đành chịu khuất phục (was subdued). Ông ta thanh minh: “Sở dĩ đã có việc ném bom bằng B-52 là do cách xử sự của phía Hà Nội hồi tháng Chạp, đã làm cho Washington nghĩ rằng phía Bắc Việt Nam không chịu giải quyết”. Ông Thọ nói: “Các ông lấy ném bom làm liều thuốc để cứu chế độ Sài Gòn”, và tiếp tục tố cáo: “Các người đã chi phí hàng tỷ đô la và hàng bao nhiêu tấn bom đạn khi đã có sẵn một văn bản chỉ chờ ký”.
Kissinger cố gắng phản ứng lại cơn giận của ông Thọ: “Tôi nghe thấy nhiều tính từ ông đã dùng trong phát biểu vừa rồi. Đề nghị ông không nên dùng những từ ấy”.
Ông Thọ lạnh lùng trả lời: “Tôi đã dùng những từ ấy một cách hết sức kiềm chế rồi đấy. Dư luận thế giới, báo chí Mỹ và những chính khách Mỹ còn dùng những từ nghiêm khắc hơn nhiều”.
Kissinger không nói gì nữa.
Khi bước vào đàm phán, Kissinger nêu yêu sách của Sài Gòn về việc rút quân Bắc Việt Nam, ông Thọ bác bỏ ngay nhưng Kissinger cũng không nói gì thêm.
Ông Thọ nói bây giờ chỉ còn lại hai cản trở lớn. Đoàn miền Bắc không thừa nhận khu phi quân sự bởi vì Hà Nội luôn cho rằng Việt Nam là một nước. Ông Thọ nói không thể có nhượng bộ về vấn đề này. Phía Mỹ thì muốn chỉ cho phép thường dân qua lại vùng này, nhằm không cho bộ đội và trang bị tiếp tục đi vào Nam. Sau một hồi tranh cãi, Kissinger đồng ý hoãn vấn đề này lại và chấp nhận một cách lấp lửng: “Trong số các vấn đề còn phải tiếp tục thương lượng, có vấn đề về cách thức di chuyển của dân thường qua đường ranh giới quân sự tạm thời”. Hiệp định mới cũng nói đến việc tôn trọng các hiệp định Genève 1962 về Lào và Campuchia.
Một câu trong bản hiệp định nêu yêu cầu rút quân đội nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam, đã xóa nhòa khá dễ dàng sự chống đối của chính quyền Thiệu, bởi Kissinger có thể biện minh điều này hàm ý bao trùm cả quân đội Bắc Việt Nam, còn Hà Nội vẫn có thể cứ tiếp tục giữ vững lập luận, bất cứ một người Việt Nam nào trên đất nước Việt Nam đều không thể coi là người nước ngoài.
Ngoài các điều khoản được viết thành văn trong hiệp định, Lê Đức Thọ có đưa ra một cam kết bằng miệng là trong vòng mười lăm ngày, sau đình chiến ở Việt Nam, sẽ có đình chiến ở Lào. Nhưng ông cũng nói thêm là Hà Nội không thể đưa ra một lời cam kết như vậy liên quan đến Khmer Đỏ tại Campuchia.
Lúc bấy giờ, ở Campuchia chính phủ Lon Nol chỉ còn giữ được một phần ít ỏi quanh thủ đô Phnompenh. Kissinger vẫn không tin ông Thọ đã nói thật là Hà Nội không có ảnh hưởng gì đối với Pol Pot - lãnh tụ cộng sản Campuchia. Không lâu sau đó, khi một ủy viên Bộ Chính trị của Bắc Việt Nam lên tiếng đề nghị Pol Pot chấp nhận ngưng bắn như đã được đề ra tại Paris, Pol Pot trả lời rằng chế độ Lon Nol sắp kết thúc rồi, và bác bỏ đề nghị trên.
Khi cuộc họp kết thúc, Kissinger ngượng ngập làm ra dáng vui vẻ và khẩn khoản yêu cầu Lê Đức Thọ: “Chúng ta hãy quên đi mọi chuyện vừa xảy ra. Đề nghị ông khi bước ra khỏi phòng họp, chúng ta cần giữ nụ cười vui vẻ”.
Để đi đến được văn bản cuối cùng cũng phải qua tranh cãi gay go, giống như việc đi đến thống nhất về hình dáng cái bàn họp. Nhưng đến đêm 9 tháng Giêng, Kissinger gọi điện mừng sinh nhật lần thứ sáu mươi của Nixon, đồng thời báo cho ông biết cuộc hội đàm đã có lối ra. Nixon vẫn còn nghi ngờ không biết Kissinger có lạc quan thái quá không nhưng cũng đồng ý là sẽ chưa nói cho ai biết cả - kể cả Rogers, Laird, Haig hay Abrams.
Sang ngày 10 tháng Giêng, đoàn đàm phán gặp phải một khó khăn đột xuất về vấn đề tù binh. Kissinger nêu yêu cầu thả hết tù binh Mỹ sau khi hiệp định được ký, nhưng chỉ cam kết sẽ yêu cầu (Sài Gòn) trao trả phần lớn số tù binh do chính quyền Sài Gòn giam giữ trong vòng 60 ngày.
Ông Thọ nói: “Tôi không thể chấp nhận đề nghị của ông. Tôi hoàn toàn bác bỏ đề nghị đó”. Tất cả tù binh phải đồng thời được trao trả. Đoàn Bắc Việt Nam nêu vấn đề này vì họ nghĩ sẽ có nguy cơ không thể lấy hết số người của phía mình cả đàn ông lẫn đàn bà còn bị giam giữ… Kissinger nói rằng dàn xếp được chuyện này là rất khó. Lê Đức Thọ nổi nóng lên: “Ông chưa bao giờ là một người tù”. Ông Thọ nói với sức mạnh của một người từng sống trong nhà tù Côn Đảo: “Ông không hiểu thế nào là chịu đựng cảnh tù đày. Như thế là không công bằng”.
Kissinger có vẻ lắng nghe một cách thông cảm. Ông ta nói: “Ngài không thỏa mãn. Tôi cũng hoàn toàn không thỏa mãn. Chúng ta phải cố gắng tìm được sự nhất trí chung”.
Cuối cùng, Hà Nội cũng chấp nhận có một nghị định thư buộc Mỹ phải cam kết sẽ dùng “ảnh hưởng tối đa của mình”, để đạt được việc thả hết tù chính trị ở Việt Nam trong vòng 60 ngày, sau khi ký hiệp định và thả hết những người bị bắt giữ trong vòng 90 ngày.
Đến ngày 13 tháng Giêng, Kissinger trở về Washington với bản hiệp định đã sẵn sàng chờ ký, nhưng rất bực mình khi thấy Nhà Trắng đánh giá thấp công lao của ông ta. Nixon lại còn trách cứ Kissinger, không phải không có lý do, về một bài bình luận của nhà báo Scotty Reston vào thời gian Mỹ tiến hành đợt đánh bom dịp lễ Giáng Sinh, bài báo nói Kissinger phản đối các cuộc oanh tạc bằng B-52 và thậm chí có thể xin từ chức để viết một cuốn sách về cuộc hội đàm tại Paris. Một cuốn sách như thế “hẳn sẽ làm cho Nixon vô cùng bối rối”.
Kissinger khăng khăng chối cãi chuyện đã nói với Reston, nhưng khi đem cuốn băng ghi lại các cuộc gọi điện thoại ra thì ông ta đành chịu. Ông ta thừa nhận: “Vâng, tôi có nói chuyện với bình luận viên Reston, nhưng đó chỉ là nói chuyện qua điện thoại thôi”.
… Nửa đêm 13 tháng Giêng, Kissinger đến gặp Nixon tại Nhà Trắng. Ông ta vẫn cho rằng, Tổng thống thật nhẫn tâm, vẫn lảng tránh việc biểu dương công trạng của mình, nhưng lúc này ông ta bỗng cảm thấy cái gì đó như là lòng thương hại đối với Nixon. Ông ta nghĩ, xét cho cùng thì Nixon xứng đáng được hưởng giờ phút vui mừng thắng lợi trước dư luận.
Tiếp đó, Haig bay sang Sài Gòn để thuyết phục Thiệu chấp nhận ký hiệp định. Nixon lúc này đã bực bội lắm rồi, dứt khoát muốn thẳng tay với Thiệu. Nixon nói thẳng với Kissinger: “Có tàn bạo cũng chẳng là gì hết (brutality is nothing). Rồi anh sẽ thấy ra sao nếu tên chó đẻ này (this son of a bitch) không chịu nghe theo, hãy tin lời tôi”.
Nhưng Thiệu vẫn cố tình trì hoãn, mặc dù đến lúc này những đồng minh cứng rắn của ông ta như các thượng nghị sĩ diều hâu John Stennis và Goldwater đều đã công khai tuyên bố rằng cản trở việc ký hiệp định sẽ chỉ làm tổn hại đến quan hệ giữa Thiệu và Washington.
Đến 21 tháng Giêng, Thiệu đành phải chấp nhận.
Ngày hôm sau, Kissinger trở lại Paris thì được tin Lyndon Johnson từ trần. Ông ta nghĩ cái chết của Johnson thật trùng hợp. Cuộc đời của Johnson đúng là phải chấm dứt đồng thời với cuộc chiến tranh đã từng đẩy ông ta ra khỏi chiếc ghế Tổng thống. Có thể Kissinger cũng đã ngẫm nghĩ về một thực tế là những điều khoản ông ta vừa chấp nhận ở Paris cũng chẳng khác gì nhiều những điều mà nước Mỹ có thể đạt được vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Johnson.
Việc Nixon quyết duy trì chính quyền Thiệu, ít nhất cho đến khi ông ta tái trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ II đã phải trả giá bằng sinh mạng của 20.533 lính Mỹ trong bốn năm từ 1969 đến 1972 và sinh mạng của 107.000 lính Nam Việt Nam trong cùng thời gian. Tổn thất của quân Bắc Việt Nam và Việt Cộng hẳn không phải là nhỏ, còn thương vong của dân thường thì thật khó mà ước đoán được. Con số đó có thể lên đến một triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em.

Ông Lê Đức Thọ. Ảnh TL.
Đến phút cuối cùng của hội nghị, Lê Đức Thọ nhắc lại vấn đề Mỹ cam kết viện trợ kinh tế cho miền Bắc mà Mỹ đã từng hứa, Kissinger bực bội trả lời việc đó còn tùy thuộc vào Quốc hội Mỹ và việc Hà Nội thực hiện hiệp định Paris.
Đến 12 giờ 45 trưa ngày 23 tháng Giêng năm 1973, Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt vào văn bản cuối cùng. Chiến tranh đã chấm dứt. Nói đúng hơn cuộc chiến tranh của Mỹ đã chấm dứt.

Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (*)


Nhận định của giới sử học phương Tây về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (*)


24-10-2010
TS. PHAN VĂN HOÀNG (**)
Khi nghiên cứu cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, giới sử học phương Tây đều nhất trí nhận định tầm quan trọng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà họ gọi là “cuộc tiến công Tết” hay – ngắn gọn hơn – “Tết”. Chẳng hạn: Đây là “những trận đánh đẫm máu nhất của chiến tranh” (George C. Herring) (1), đây là “một trong những trận đánh có tính quyết định nhất trong lịch sử nước Mỹ” (Phillip B. Davidson) (2), đây là một trong “những trận đánh có tính quyết định nhất của thế kỷ XX” (Noble Frankland và Christopher Dowling) (3)…
Trong các cuốn sách của họ, họ thường dành một chương để đề cập đến sự kiện lịch sử này. Một vài tác giả viết hẳn một cuốn sách, như The Tet Offensive – Intelligence Failure in War (của James J. Wirtz, xuất bản tại New York năm 1991), After Tet – The Bloodiest Year in Vietnam (của Ronald H. Spector, xuất bản tại New York năm 1993)… và nhất là cuốn sách nổi tiếng của Don Oberdorfer với nhan đề ngắn gọn mà độc đáo: TET! (do nhà xuất bản Doubleday & Company tại New York ấn hành năm 1971, dày ngót 400 trang).
Hầu hết các nhà sử học nhất trí nhận định sự kiện này vừa là thất bại, vừa là thắng lợi của bên này hay bên kia:
“Có lẽ chỉ có trong cuộc tiến công Tết mà bên thua hoàn toàn xét về ý nghĩa chiến thuật lại có một thắng lợi trội hơn hẳn về mặt tâm lý và, vì thế, cả về mặt chính trị nữa” (Bernard Brodie) (4).
“Về mặt quân sự, Tết là một chiến thắng rõ ràng của Mỹ; về mặt tâm lý, đó lại là một sự đảo ngược có tính quyết định” (Michael Maclear) (5).
Tết là “một chiến thắng quân sự của Mỹ, biến thành một thất bại chính trị và tâm lý đối với Mỹ” (Phillip B. Davidson) (6).
“Một số người quan sát phương Tây cho rằng cuộc tiến công Tết là một thất bại [của Việt Cộng]… Một số người khác lại chỉ ra tác động tâm lý của cuộc tiến công đối với dư luận công chúng ở Mỹ và ảnh hưởng to lớn đối với chính sách của Mỹ, xem đó là một chỉ dẫn cho thấy cuộc tiến công là một thành công nổi bật [của Cộng sản]” (William J. Duiker) (7).
“Mặc dù xét về mặt kỹ thuật, cuộc tiến công Tết là một thất bại quân sự đối với Mặt trận dân tộc giải phóng, nhưng về mặt chính trị, nó được xem là một chiến thắng” (Marilyn B. Young, John J. Fitzgerald và A. Tom Grunfeld) (8).
Cộng sản “không hoàn thành các mục tiêu quân sự của họ trong cuộc tiến công Tết… nhưng đồng thời, nhiều nhà quan sát xem cuộc tiến công Tết như là một chiến thắng tâm lý xuất sắc đối với đối phương, một thắng lợi chính trị vẻ vang đối với họ tại nước Mỹ” (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War(9).
“Cuộc tiến công Tết là một thảm họa về mặt chiến thuật đối với Cộng sản… Nhưng thảm họa về mặt chiến thuật không có nghĩa là thất bại về mặt chiến lược. Quả thật, Tết là một thắng lợi chiến lược áp đảo của Cộng sản” (James S. Olson và Randy Roberts) (10)

Quốc huy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Tòa đại sứ Mỹ.
1. CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN LÀ MỘT THẤT BẠI QUÂN SỰ CỦA CỘNG SẢN
Theo Stanley Karnow, Cộng sản “tấn công vào các thành phố và thị xã với hi vọng rằng một bộ phận của chính quyền đô thị trong chế độ Miền Nam sẽ quay ra chống lại Mỹ. Và mưu toan của họ muốn phá vỡ những cố gắng bình định là nhằm lôi kéo các viên chức ở nông thôn về phía họ.
Họ cũng tin rằng Miền Nam Việt Nam đã chín muồi với cách mạng, và rằng những người lính mỏi mệt của chính phủ [Sài Gòn], những nông dân bị dời chỗ ở, những giáo phái thất vọng, những thanh niên cứng đầu và những phần tử bất hạnh khác trong dân chúng Miền Nam sẽ nổi dậy chống lại chính quyền Sài Gòn và người Mỹ…
Họ hi vọng lật đổ chế độ Sài Gòn và xúc tiến việc thành lập một chính phủ liên hiệp trung lập, do những người đại diện của Việt Cộng chi phối, chính phủ này sẽ đuổi Mỹ đi, đưa Việt Nam lên con đường tái thống nhất dưới sự kiểm soát của Cộng Sản”(11).
Vì vậy, vẫn theo Stanley Karnow, Cộng sản “lần đầu tiên đã chuyển chiến tranh từ môi trường nông thôn đến một đấu trường mới – đó là khu vực thành thị được cho là không thể đánh chiếm được ở Miền Nam Việt Nam”. Đây là “một loại hình chiến tranh rất khác… Họ đã chiến đấu một cách ngoan cường, đôi khi mù quáng, và thường bỏ rơi các chiến thuật linh hoạt của họ để giữ những vị trí không thể giữ được. Tại nhiều nơi, họ nhanh chóng bị đè bẹp bởi sức mạnh quân sự quá mạnh của Mỹ và Nam Việt Nam”(12).
Các nhà sử học phương Tây đều nhất trí nhận định: “Cuộc tổng tiến công thất bại với thương vong to lớn” (Phillip B. Davidson) (13). “Có người ước lượng số thương vong lên tới 40 000” (George C. Herring)(14) hay “45 000 người trong tổng số 84 000 người mà họ sử dụng trong các cuộc tiến công” (Phillip B. Davidson)(15) , tức khoảng 1/2 lực lượng tiến công (William J. Duiker)(16).
Không chỉ bộ đội hi sinh, mà ở thành thị “cán bộ lãnh đạo chính trị xuất đầu lộ diện trong các cuộc tiến công” cũng bị tổn thất (Phillip B. Davidson)(17), trong khi đó ở nông thôn “tổ chức chính trị của Cộng sản Miền Nam bị phá vỡ bởi chương trình Phượng Hoàng của CIA” (Stanley Karnow)(18).
“Họ không hoàn thành bất cứ mục tiêu lớn nào của họ” (James S. Olson và Randy Roberts)(19).
Một mặt, “họ không thể thiết lập những vị trí vững chắc trong vùng đô thị” (George C. Herring)(20), “cuối cùng bị đẩy ra khỏi các thành thị lớn” (Chester L. Cooper)(21), “chính phủ [Thiệu] nắm lại quyền kiểm soát đại đa số các thành phố và thị xã (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War)(22). Ở nông thôn cũng vậy, “trong vòng một năm, quân đội Việt Nam cộng hòa đã chiếm lại phần lớn những khu vực bị mất vào tay lực lượng nổi dậy và lại tiếp tục các cuộc hành quân bình định” (William J. Duiker)(23).
Mặt khác, “không chỉ cuộc tổng tiến công… gặp thất bại, mà cuộc tổng khởi nghĩa cũng không hề xảy ra” (Phillip B. Davidson)(24). “Người dân Miền Nam không chịu theo Việt Cộng, ngay tại những thành thị mà Việt Cộng tạm thời cai trị” (Phillip B. Davidson)(25). “Họ không nổi dậy [chống Mỹ – Thiệu] và không đón tiếp Việt Cộng như những người đến giải phóng họ” (James S. Olson và Randy Roberts)(26). Ngược lại, theo Phillip B. Davidson, “họ ủng hộ chính phủ Nam Việt Nam”(27).
“Quân đội Việt Nam cộng hòa không đầu hàng hay đào ngũ” (Phillip B. Davidson)(28), “chính phủ Nam Việt Nam không sụp đổ” (James S. Olson và Randy Roberts)(29).
“Các đơn vị quân sự Việt Cộng gồm phần lớn người dân bản xứ Miền Nam đã chịu gánh nặng chính của cuộc chiến đấu và bị thương vong nặng nề nhất” (Stanley Karnow)(30).
Do đó, “sau cuộc tiến công Tết, quân chính qui Miền Bắc Việt Nam đảm nhận một nhiệm vụ lớn hơn nhiều trong chiến đấu” (James S. Olson và Randy Roberts)(31). Vì vậy, “trong những năm sau đó, quân chính qui Miền Bắc Việt Nam ngày càng đông hơn ở nông thôn Miền Nam” (nhóm tác giả The Lessons of Vietnam War)(32).
Là một sĩ quan quân báo cao cấp của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam, Phillip B. Davidson lập luận: Thay vì phân tán lực lượng để tiến công hàng chục thành thị khắp Miền Nam, Cộng sản sẽ có nhiều cơ may chiến thắng nếu tập trung quân số khoảng 4 hay 5 sư đoàn để mở các cuộc tiến công chủ yếu vào hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, đồng thời mở các cuộc tiến công thứ yếu vào Tây Nguyên, các tỉnh ven biển Trung Bộ và vùng xung quanh Sài Gòn để kìm chân quân Đồng minh.
Theo Phillip B. Davidson, Quảng Trị và Thừa Thiên gần vĩ tuyến 17 nên công việc hậu cần và yểm trợ từ Miền Bắc và từ vùng giải phóng Lào sẽ dễ dàng hơn. Khi cần rút lui, quân Cộng sản cũng nhanh chóng rút về Miền Bắc hay sang Lào. Khe Sanh có nhiều đặc điểm giống Điện Biên Phủ. Nếu ngay từ đầu, Cộng sản dùng một lực lượng lớn tiến công thì có thể tràn ngập Khe Sanh một cách dễ dàng. Sau khi mở cuộc tiến công Tết, việc chiếm Khe Sanh trở nên khó khăn hơn.
Vẫn theo Phillip B. Davidson, Cộng sản không chọn cách đánh này, vì tuy có nhiều lợi điểm, nhưng chỉ có tiến công quân sự mà không có khởi nghĩa của quần chúng (33).

Johnson và McNamara lo lắng đối phó cuộc tổng tiến công.
2. CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN LÀ MỘT THẮNG LỢI TÂM LÍ VÀ CHÍNH TRỊ CỦA CỘNG SẢN
Mãi cho đến cuối năm 1967 – đầu năm 1968, các viên chức Mỹ ở Sài Gòn cũng như ở Washington đều đưa ra những lời tuyên bố lạc quan về tình hình Miền Nam Việt Nam. Tiêu biểu là tuyên bố của phó tổng thống Hubert H. Humphrey: “Chúng ta đang bắt đầu chiến thắng trong cuộc đấu tranh này. Chúng ta đang ở thế chủ động. Chúng ta đang giành được đất đai. Chúng ta đang tiến bộ vững chắc” (34).
Do đó, khi xảy ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhất là khi các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiến công Tòa đại sứ Mỹ, phía Mỹ vô cùng bàng hoàng.
Tướng David Richard Palmer cho biết: “Một sách giáo khoa về lịch sử quân sự in năm 1969 và được các học viên Học viện quân sự West Point [Mỹ] sử dụng trong việc nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, viết: Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công… là tình báo của Đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Bắc Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn” (35).
Ban tư vấn về tình báo nước ngoài của tổng thống Mỹ (PFIAB) nhận định: “Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng [Mỹ] đã không lường trước được một cách đầy đủ tính cách mãnh liệt, sự phối hợp và thời điểm của cuộc tiến công của đối phương. Đại sứ Bunker và tướng Westmoreland thừa nhận điều đó”.
Theo PFIAB, “yếu tố quan trọng nhất là thời điểm: có ít viên chức Mỹ và Việt Nam [cộng hòa] tin rằng đối phương sẽ tiến công trong dịp Tết… Yếu tố bất ngờ lớn thứ hai là số lượng các cuộc tiến công được mở ra cùng một lúc… Quan trọng hơn là không đoán được tính chất của các mục tiêu [bị tiến công]” (36).
Người Mỹ đầu tiên bị bất ngờ là Ellsworth Bunker, vì chính tòa đại sứ của ông ta bị tiến công rất sớm. Ông tâm sự: “Những báo cáo của tướng Westmoreland gửi cho tôi đều viết: về mặt quân sự, Mỹ đang kiểm soát tình hình”. Vì vậy, khi các cuộc tiến công nổ ra, ông cảm thấy “kinh ngạc vì có nhiều người xâm nhập vào thành phố như vậy, kinh ngạc vì họ lọt được vào bên trong khuôn viên Tòa đại sứ” (37).
Khi tin tức bay về Washington, “cuộc tiến công Tết khiến Johnson sửng sốt. Cả tin vào phần lớn các báo cáo cho rằng Cộng sản đã bị làm suy yếu, ông ta không bao giờ tưởng tượng rằng họ lại có thể đột kích vào Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hay tiến công các thành thị ở Miền Nam” (38).
Báo chí – bao gồm báo viết, báo nói và nhất là báo hình – đã đưa chiến tranh Việt Nam đến tận nhà người dân Mỹ. George C. Herring nhận định: “Trong chừng mức Bắc Việt Nam có ý định tiến công Tết để gây ảnh hưởng đối với nước Mỹ thì họ đã thành công, vì cuộc tiến công đã tạo ra những làn sóng chấn động ngay lập tức trong toàn nước Mỹ. Những bài tường thuật trên truyền hình về các trận đánh đẫm máu ở Sài Gòn và Huế chế giễu các báo cáo đầy lạc quan của Johnson và Westmoreland hồi cuối năm [1967], làm tăng thêm sự thiếu niềm tin, và những nhà báo công khai nhạo báng điều mà Westmoreland tự cho là chiến thắng” (39).
Các tác giả cuốn The Lessons of Vietnam War cũng xác nhận “Tác động lớn nhất của Tết… được cảm nhận ở nước Mỹ. Tin tức về các trận đánh trên đài truyền hình đã vẽ nên một bức tranh khác xa những báo cáo tô màu hồng của các người phát ngôn của chính phủ.
Đa số người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng những người Cộng sản ở Nam Việt Nam lại đủ mạnh và cả gan tiến công các thành thị hay đột kích Tòa đại sứ Mỹ” (40). “Tính chất dũng cảm táo bạo của cuộc tiến công Tết đã phủ nhận hình ảnh một đối phương kiệt sức và sắp bị đánh bại”(41) như chính quyền Johnson rêu rao, do đó “sau Tết, niềm tin của công chúng [Mỹ] đối với sự lãnh đạo của tổng thống Johnson bị xói mòn nghiêm trọng”(42).
Cho đến cuối năm 1967, lực lượng quân sự Đồng minh có 1 343 800 quân (gồm 485 600 quân Mỹ, 798 800 quân Nguyễn Văn Thiệu, 47 830 quân Hàn Quốc, 6 820 quân Australia, 2 200 quân Thái Lan, 2 020 quân Philippines và 530 quân New Zealand)(43), tất cả đều được trang bị với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Mỹ vẫn thường tuyên bố: cả chiến lược “tìm và diệt” lẫn chương trình bình định của họ đã và đang thành công.
Chester L. Cooper viết: Với cuộc tiến công Tết, “một điều hiện ra rõ ràng: bất chấp những chương trình bình định đầy tham vọng và những luận điệu lạc quan về sự tiến bộ, Cộng sản dường như vẫn kiểm soát được nông thôn Việt Nam nên có thể đi lại tùy theo ý muốn của họ. Rõ ràng là các nỗ lực [của Mỹ] trong 2 hay 3 năm qua nhằm củng cố vùng thôn quê chống lại Cộng sản tiến công hay xâm nhập trở thành vô ích”(44).
Nhận định của Chester L. Cooper tương tự với ý kiến của Ban tư vấn về tình báo nước ngoài của tổng thống Mỹ (PFIAB): “Tại sao 84 000 bộ đội Việt cộng và Bắc Việt Nam di chuyển ngang qua vùng nông thôn để áp sát các thành thị mà nông dân [Nam] Việt Nam không báo cho chính quyền Sài Gòn hay quân Đồng minh hay biết? Thế thì chương trình bình định nông thôn đã tranh thủ được con tim và khối óc của người dân đến đâu? Ở nông thôn, Việt Nam cộng hòa hay Việt Cộng kiểm soát nhiều đất đai hơn, tranh thủ được nhiều người dân hơn?”(45).
Chester L. Cooper viết tiếp: “Ngay cả đô thị, nơi mà cho đến nay vẫn được xem là nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền [Thiệu], vẫn có thể bị tấn công như thường”(46).
Báo chí Mỹ lúc đó phản ánh suy nghĩ của đa số người Mỹ về cuộc chiến tranh mà chính phủ của họ đang tiến hành ở Việt Nam:
“Nhân dân Mỹ sẽ phải sẵn sàng để thừa nhận viễn cảnh theo đó toàn bộ nỗ lực [của Mỹ] ở Việt Nam có thể sẽ thất bại” (Báo Wall Street Journal)(47).
“Chiến tranh [của Mỹ] ở Việt Nam là không thể thắng được. Chiến tranh ấy càng kéo dài thì người Mỹ càng chịu tổn thất và nhục nhã” (nhà báo Joseph Kraft)(48).
“Một chiến lược tiếp tục làm như cũ là điều không thể tha thứ được” (Tuần báo Newsweek)(49).
Các tác giả The Lessons of Vietnam War nhận định: “Tết đã làm thay đổi ý kiến của công chúng dứt khoát chống lại chiến tranh… Số người ủng hộ chiến tranh giảm mạnh từ 62% xuống còn 41%. Lần đầu tiên trong thời kỳ chiến tranh, số người chủ hòa chiếm đa số, hầu như tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng (từ 23% lên 43%)”(50).
Nhiều người trước kia là “diều hâu”, nay biến thành “bồ câu”. Dean Rusk, bộ trưởng ngoại giao Mỹ trong hai chính phủ Kennedy và Johnson, nhìn nhận: “Sau cuộc tiến công Tết, có một điều rất rõ ràng là nhiều người dân bình thường [ở Mỹ] cuối cùng đi tới kết luận rằng: nếu chúng ta [tức chính phủ Mỹ] không thể nói cho họ biết lúc nào cuộc chiến tranh này kết thúc thì chúng ta nên vứt nó đi”(51).

Johnson với bản tuyên bố ngày 30/3/1968.
Tại hội nghị chọn ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống (tổ chức tại New Hampshire tháng 3-1968), thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, một người chưa có tiếng tăm bao nhiêu, đã giành được 300 phiếu nhờ chủ trương đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Ngày càng có nhiều người [Mỹ] tin rằng gửi quân sang Việt Nam là một sai lầm… Nhiều người [Mỹ] yêu cầu chính quyền Johnson rút khỏi Việt Nam”(52). Nhà báo nổi tiếng của hãng CBS, Walter Cronkite, đề nghị: “Cách hợp lí duy nhất để thoát ra [khỏi chiến tranh Việt Nam] là thương thuyết, không phải với tư cách những người chiến thắng, mà như những người chính trực làm điều tốt nhất họ có thể làm”(53).
Tổng thống Johnson lâm vào cảnh bối rối khi phải đối phó cùng một lúc với diễn tiến quân sự ở Việt Nam và với tình hình chính trị ngay tại nước Mỹ trong năm bầu cử tổng thống.
Đầu tháng 2-1968, tướng Westmoreland đề nghị ông gửi thêm 206 000 quân sang Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Earl D. Wheeler, ủng hộ đề nghị này. Bản thân Johnson cũng thấy “bác bỏ yêu cầu này có thể là nguy cơ dẫn tới thất bại trên chiến trường”(54). Nhưng muốn đáp ứng nó, Johnson phải chấp nhận gọi quân dự bị nhập ngũ, tăng thêm thuế, cắt giảm nhiều chương trình phúc lợi xã hội cho người dân Mỹ…, nghĩa là chấp nhận sự thất cử của Đảng Dân chủ.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Johnson quyết định bác bỏ yêu cầu tăng quân của Westmoreland. Theo Chester L. Cooper, “đây là lần đầu tiên tổng thống dường như không còn tin rằng, về mặt quân sự, Mỹ đang đi đúng đường”(55). Ngày 31/3/1968, Johnson chính thức đề nghị với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành ngay cuộc đàm phán để thương thuyết việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Đáp ứng điều kiện tiên quyết do đối phương đặt ra, Johnson chấp nhận ngưng ném bom Miền Bắc trong hai bước: một phần (31/3/1968) và hoàn toàn (31/10/1968).
Các quyết định này mở đầu cho sự cáo chung của chiến lược “hai gọng kìm” (tìm – diệt và bình định) của chiến tranh cục bộ ở Nam Việt Nam. Đây là chiến thắng quan trọng nhất của cuộc tiến công Tết như William J. Duiker viết: “Tết dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược chiến tranh của Mỹ”(56). Ngoài sự “phá sản hiển nhiên” của chiến lược cũ và đi tìm chiến lược mới, Phillip B. Davidson còn nói tới sự kết thúc của chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở Miền Bắc và “sự gần như diệt vong của chương trình bình định”(57) như là những kết quả khác của cuộc tiến công Tết.
Đi đôi với sự thay đổi chiến lược là sự thay đổi nhân sự ở cấp cao. Tổng thống Johnson ký giấy cho bộ trưởng quốc phòng McNamara rời Lầu Năm Góc, cho tổng chỉ huy MACV Westmoreland rời “Lầu Năm Góc phương Đông” và sau đó tuyên bố rời Nhà Trắng khi mãn nhiệm kỳ tổng thống chứ không tìm kiếm sự tái tranh cử.
Trong những ngày đầu xuân cách nay tròn 40 năm, bằng xương máu của chính mình, quân và dân Việt Nam đã viết nên một trang sử vẻ vang mà ngay cả giới sử học phương Tây cũng phải thừa nhận là “một bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh Việt Nam”(58), “có tác động to lớn đối với nước Mỹ và dẫn tới một thời kỳ mới trong cuộc chiến tranh tưởng chừng như vô tận này”(59).
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2007

(*)
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968”do Bộ Quốc phòng tổ chức ở thành phố Huế, 10-11/1/2008
(**)
Cựu chiến binh, Giảng viên Đại học, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Tham luận được in trong sách Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, NXB Quân đội Nhân Dân, Hà Nội, 2008, từ trang 977 đến trang 989.
(1)
George C. Herring, America’s Longest War – The United States and Vietnam 1950 – 1975, NXB McGraw – Hill, New York, 1979, tr. 206.
(2)
Phillip B. Davidson, Vietnam at War – The History 1946 – 1975, Oxford University Press xuất bản, New York, 1988, tr. 473.
(3)
Noble Frankland và Christopher Dowling (chủ biên), Decisive Battles of the Twentieth Century, London, 1976.
(4)
Bernard Brodie, “The Tet Offensive”, trong Frankland và Christopher Dowling (chủ biên), sđd, tr. 321.
(5)
Michael Maclear, Vietnam: The Ten Thousand Day War, NXB Thames Methuen, London, 1984, tr. 274.
(6)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 473.
(7)
William J. Duiker, Vietnam – Nation in Revolution, NXB Westview Press, Colorado, 1983, tr. 63, 64.
(8)
Marilyn B. Young, John J. Fitzgerald và A. Tom Grunfeld, The Vietnam War – A History in Documents, Oxford University Press xuất bản, New York, 2002, tr. 86.
(9)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, Center for Social Studies Education xuất bản, Pennsylvania, 1988, tr. 19.
(10)
James S. Olson và Randy Roberts, Where the Domino Fell – America and Vietnam, 1945 to 1995, NXB Brandywine Press, New York, 1999, tr. 187.
(11)
Stanley Karnow, Vietnam, A History – The First Complete Account of Vietnam at War, NXB Penguin Books, New York, 1983, tr. 537.
(12)
Stanley Karnow, sđd, tr. 523, 525.
(13)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(14)
George C. Herring, sđd, tr. 208.
(15)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(16)
William J. Duiker, sđd, tr. 64.
(17)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(18)
Stanley Karnow, sđd, tr. 534.
(19)
James S. Olson và Randy Roberts, sđd, tr. 187.
(20)
George C. Herring, sđd, tr. 208.
(21)
Chester L. Cooper, The Lost Crusade – America in Vietnam, NXB Dodd, Mead & Company, New York, 1970, tr. 388.
(22)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 22.
(23)
William J. Duiker, sđd, tr. 64.
(24)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(25)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(26)
James S. Olson và Randy Roberts, sđd, tr. 187.
(27)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(28)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 475.
(29)
James S. Olson và Randy Roberts, sđd, tr. 187.
(30)
Stanley Karnow, sđd, tr. 534.
(31)
James S. Olson và Randy Roberts, sđd, tr. 187.
(32)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 22.
(33)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 481.
(34)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 21.
(35)
David Richard Palmer, Summons of the Trumpet, NXB Presido Press, California, 1978, tr. 179.
(36)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 479.
(37)
Michael Maclear, sđd, tr. 276.
(38)
Stanley Karnow, sđd, tr. 547.
(39)
George C. Herring, sđd, tr. 209.
(40)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 22.
(41)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 20.
(42)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 22.
(43)
Shelby L. Stanton, Vietnam Order of Battle, NXB Galahad, New York, 1987, tr. 333.
(44)
Chester L. Cooper, sđd, tr. 388.
(45)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 481.
(46)
Chester L. Cooper, sđd, tr. 388.
(47)
James S. Olson và Randy Roberts, sđd, tr. 187.
(48)
George C. Herring, sđd, tr. 218.
(49)
George C. Herring, sđd, tr. 218.
(50)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 5.
(51)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 19.
(52)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 22.
(53)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 19.
(54)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 23.
(55)
Chester L. Cooper, sđd, tr. 390.
(56)
William J. Duiker, sđd, tr. 64.
(57)
Phillip B. Davidson, sđd, tr. 473.
(58)
Nhiều tác giả, The Lessons of Vietnam War, tr. 18.
(59)
George C. Herring, sđd, tr. 204.

Khám phá "Vạn Lý Trường Thành" Việt Nam


Khám phá "Vạn Lý Trường Thành" Việt Nam


28-03-2011
VÂN NHI
Trường lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Công trình này có thể ví như “Vạn Lý Trường Thành” của người Việt.
Trường lũy ở Quảng Ngãi được các nhà khoa học trong nước và thế giới công nhận là di tích lịch sử độc đáo, có một không hai ở khu vực Đông Nam Á.
Di tích dài nhất Đông Nam Á
Trường lũy dài khoảng 130 km với hơn 100 đồn bảo vệ, chạy dài qua 8 huyện của Quảng Ngãi và 2 huyện Hoài Nhơn và An Lão của tỉnh Bình Định vừa được công bố, đó là Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Công trình này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2005.
Theo chính sử, trường lũy được khởi xây từ thế kỷ 17 ở Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn. Đến năm 1819, triều Gia Long, nhà Nguyễn thì triều đình sai tả quân Lê Văn Duyệt củng cố và đắp thêm vào lũy.
Hiện, các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều phần của trường lũy được làm bằng đá, phần khác được làm bằng đất và có những đoạn làm bằng đất lẫn đá. Kỹ thuật xếp đá ở lũy đặc biệt được sử dụng cũng khác nhau từ đoạn lũy này sang đoạn khác. Sự đa dạng này xuất phát từ việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ trong cấu trúc của lũy và kỹ thuật xây dựng của những người xây lũy (người H’re bản địa, người Việt và binh lính). Một phần nữa là Trường Lũy được đắp thêm, được sửa sang trong suốt thời kỳ tồn tại.

Một đoạn trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Với kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, Trường Lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Công trình này có thể ví như “Vạn Lý Trường Thành” của người Việt dù hai công trình này lại khác nhau cơ bản cả về ý tưởng kiến trúc lẫn chức năng.
Công trình quân sự và con đường giao thương
Thời nhà Nguyễn, lũy thể hiện rõ chức năng quân sự. Đây từng là nơi vào năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo từ Thị Nại ra đánh lấy Phú Xuân của quân chúa Nguyễn, họ đã dùng con đường thượng đạo này để di chuyển ra bắc mà không bị cản trở như ở hạ nguồn vì nơi đó có những cửa sông lớn chắn lối.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ và Viện Khảo cổ học đã bắt tay vào khai quật, nghiên cứu Trường Lũy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.
Chính vì vậy, ngoài tính cách phòng thủ, trường lũy còn có công dụng là nơi kiểm soát việc giao thương giữa miền xuôi và miền núi bằng cách thu thuế các sản vật trao đổi giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Muối là sản vật chính được đem bán lên vùng sơn cước trong khi đó người miền xuôi mua quế, thóc gạo và các lâm sản khác đem xuống miền đồng bằng.
Nhưng, không chỉ có thế, bên trong mỗi đồn có lối giao thông. Và ngay mỗi đồn như vậy đều có con đường giao thương, tức là giao thương giữa miền biển với miền núi. Đó là giao thương rất cần thiết trong đời sống của nhân dân, tức là đưa gạo và các hải sản ở đồng bằng ven biển lên miền núi và các sản phẩm miền núi xuống đồng bằng.
Hành lang giao thương ở miền Trung, trong đó Quảng Ngãi, có 2 chiều, mà chiều Đông - Tây dựa theo các dòng sông. Ở đây, có các cơ quan thu thuế, thời nhà Nguyễn gọi là các sở tuần ty. Các đồn này vừa kiểm soát thu thuế nhưng đồng thời cũng bảo đảm an ninh cho hệ thống giao thương.
Điều đó khẳng định rõ ràng, ngay thời nhà Nguyễn, lũy cũng không thuần túy có vai trò quân sự mà có kết hợp giao thương và giao lưu văn hóa.
Hội thảo về Di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi
Hội thảo Lịch sử quan hệ kinh tế và dân tộc về Trường Lũy Quảng Ngãi được tổ chức ngày 27/3, tại tỉnh Quảng Ngãi.
Các nhà khoa học đều thống nhất rằng Trường lũy Quảng Ngãi là công trình không chỉ có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn là đường ranh giới đảm bảo về sự ổn định và hòa bình, nơi giao thương mà còn có giá trị lớn về mặt quân sự, cơ sở để quản lý, tạo mối quan hệ hòa hợp, gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc.
Việc phát hiện và nghiên cứu về Trường Lũy Quảng Ngãi mở ra hướng nghiên cứu mới về mối quan hệ mật thiết trên cơ sở hợp tác giữa cộng đồng các dân tộc với nhau trong lịch sử. Trường lũy Quảng Ngãi mang đậm dấu ấn tinh thần Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy tác dụng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
TTXVN
Theo Đất Việt