Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Công chúa Huyền Trân – trung hiếu vẹn toàn


Công chúa Huyền Trân – trung hiếu vẹn toàn


Dưới thời nhà Trần (1226 – 1400), Đại Việt là một quốc gia hùng cường có uy danh lừng lẫy, ngoại xâm phải kiêng sợ, lân bang kính nể dưới sự trị vì những vị vua anh minh như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông,… và sự góp sức của nhiều tướng tài như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão… Bên cạnh những vị vua, vị tướng đã góp công giữ vững bờ cõi Đại Việt thì phải kể đến một công chúa đã thầm lặng hy sinh, góp công lớn trong việc bang giao với Chiêm Thành và mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam. Đó là công chúa Trần Huyền Trân.
 Tạo trang in
Quang cảnh khuôn viên đền thờ công chúa Huyền Trân từ bên trong nhìn ra

Hoàn cảnh lịch sử bấy giờ
Từ khi nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt lập nên tại Trung Quốc vào năm 1271, không lúc nào vương triều này nguôi ý định xâm lấn về phương Nam, sát nhập Đại Việt vào lảnh thổ Trung Quốc. Đó là hai lần quân Nguyên kéo quân sang xâm lấn Đại Việt vào năm 1285 và 1287 – 1288, nhưng cả hai lần đều bị quân dân Đại Việt dưới sự lảnh đạo của Trần Hưng Đạo đánh bại.
Kể từ năm 1253 (Hốt Tất Liệt tấn công nhà Tống) đến năm 1294 (Hốt Tất Liệt chết), mặc dù thua trận trong 3 lần tấn công Đại Việt nhưng nhà Nguyên lúc nào cũng nguôi mộng xâm lấn về phương Nam, đồng thời chờ đợi thời cơ mối quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành trở nên bất hòa sẽ kéo quân sang tấn công Đại Việt. Chính vì hoàn cảnh lịch sử đó, việc công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành sẽ làm gắn kết thêm mối quan hệ bang giao giữa hai nước.
Công chúa Huyền Trân hy sinh cho mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành
Huyền Trân (1287 – 1340), là con gái út yêu quí của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Tháng 3 năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông tiến hành cuộc viễn du sang kinh đô Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu với tình bang giao hòa hiếu giữa hai nước, ngoài ra còn đưa Thượng hoàng đi xem các danh lam nơi đây như Tháp Vàng  hay Tháp Ngà… Cảm kích trước tấm lòng vị vua trẻ và cũng để tăng thêm quan hệ thân mật giữa hai nước Đại Việt – Chiêm Thành nên Thượng hoàng hứa gả con gái Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân (mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất hoàng hậu Tapasi - người Java).
Năm 1306, sau khi nhận lễ vật cầu hôn, vua Trần Anh Tông đồng ý  gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, Vua Chiêm dâng Châu Ô, Châu Lý (còn gọi Châu Rí ) làm vật cưới phong Huyền Trân và phong làm hoàng hậu Paramecvari. Cuộc hôn nhân này nội bộ triều đình nhà Trần không tán thành vì kì thị dân tộc nhưng cũng có nhiều người (trong đó có Trần Khắc Chung) cho đó là việc tốt nên làm.
Năm 1307, vua Anh Tông thu nhận châu Ô và châu Rí, đổi thành châu Thuận và châu Hóa (Thuận Hóa – vùng đất này tương ứng với phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay), đồng thời sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt các chức quan tại đây.
Huyền Trân về Chiêm Thành được một năm đã hạ sinh cho Chế Mân hoàng tử Chế Đa Đa. Sau khi Chế Đa Đa ra đời thì quốc vương Chế Mân băng hà, theo tục lệ nước Chiêm Thành, hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu chết theo vua. Vua Trần Anh Tông sợ em mình phải chết theo tục lệ của Chiêm Thành nên sai quan Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung và an phủ Đặng Văn tìm cách giải cứu.
Tháng 10 năm 1307, hai sứ giả đến kinh đô Chiêm Thành làm lễ viếng, nhân đó Khắc Chung đã bài kế dùng thuyền nhẹ cứu Huyền Trân, đưa Huyền Trân xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển.
Đến tháng 8 năm 1308, sau khoảng thời gian gần một năm, thuyền của công chúa và Trần Khắc Chung mới về đến Thăng Long bất chấp sự gièm pha của các quan lại, tôn thất triều Trần và là một vấn đề đáng chê trách đối với những người theo thuyết Nho giáo. Với vua Trần Anh Tông, vì thương em gái nên ngài không nhắc đến chuyện cũ và cũng không trách mắng Trần Khắc Chung.
Năm 1309 công chúa xuất gia Phật Giáo ở núi Trâu thuộc tỉnh Bắc Ninh, pháp danh là Hương Tràng. Năm 1311, Hương Tràng lập am ở dưới chân núi Hổ (huyện Thiên Bản, Nam Định ngày nay) để tu hành. Sau này am trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn.
Năm 1340, Hương Tràng (công chúa Huyền Trân) mất, người dân quanh vùng thương tiếc, phong bà làm “Thần Mẫu” và lập điện thờ cạnh chùa Nộm Sơn.
Hiện nay, đền thờ công chúa Huyền Trân tọa lạc dưới chân núi Ngũ Phong thuộc  phường An Tây, thành phố Huế lớn (đền thờ nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa Huyền Trần với điện thờ Huyền Trân, điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền viện Trúc Lâm…). Hằng năm vào ngày mất của  bà (9/1 ÂL), tại đây có diễn ra lễ hội Huyền Trân với quy mô lớn. Trong gian điện thờ Huyền Trân,  bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN VN có ghi lưu bút: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”.
Ngoài ra chuyện tình của Huyền Trân công chúa đã đi vào thơ ca và âm nhạc Việt Nam như Huyền Trân Công chúa, Nước non ngàn dặm, Tiễn biệt Huyền Trân…
Ngày nay, Khi nhắc đến Công chúa Huyền Trần vẫn còn nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Nhưng chung qui lại, việc Huyền Trân thể hiện đức hy sinh cao cả của mình vì mối bang giao Việt – Chiêm, đem lại sự giao hảo về chính trị, xóa bỏ sự hiềm khích để hai dân tộc chung sống hòa bình, không chiến tranh, thể hiện ước muốn của nhân dân hai nước là một điều xứng đáng được lưu lại trong lịch sử dân tộc với ý nghĩa cao đẹp về lòng yêu nước, hy sinh về quốc gia dân tộc. Hơn nữa, với mối tình với danh tướng Trần Khắc Chung, Huyền Trân vẫn mãi là biểu tượng cho tình yêu chung thủy trong lịch sử Việt Nam.
Tham khảo:
Chuyến thực tế chuyên môn tại Huế năm 2008.
Trần Quỳnh Cư. Những chuyện tình cảm động lịch sử Việt Nam
Nguyễn Khắc Thuần. Việt sử giai thoại, tập 3
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử lược