Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã để lại nhiều bài học quý báu. Đòn quân sự, bắt đầu từ trận đánh Buôn Ma Thuột đã chứng minh sức mạnh của một đội quân trăm trận trăm thắng. Cao trào nổi dậy của nhân dân, từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ cao nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long lại thêm một lần làm sáng rõ cái chân lý này: Sức mạnh nhân dân - cơn bão lớn.
Tập ca dao "Tiếng ca xuân toàn thắng" của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ấn hành năm 1976, đã cho in một số bài về sức mạnh và niềm vui lớn của nhân dân. Những cuộc nổi dậy tại chỗ của quần chúng, kết hợp với đòn quân sự, bao giờ cũng đẩy kẻ địch vào thế lúng túng, bị động, vào đất chết.
Đây là bài ca dao của Bích Thủy:
Đứng ngồi, ngồi đứng mong chờ
Trong đêm màu đỏ lá cờ bừng lên
Bỗng nghe đất chuyển, pháo rền
Chúng em băng đỏ đeo liền cánh tay
Cắt đường mà chạy như bay
Luồn vào bốt địch cắm ngay lá cờ
Địch đang hoảng hốt bất ngờ
Chợt thấy lá cờ, ném súng chạy re
Chúng em lượm súng vác về
Gặp anh giải phóng trên xe đang cười.
Liên tục nổi dậy, từ vùng này tới vùng khác, cùng với tiếng súng nghiêng trời là tiếng hô dậy đất của hàng triệu trẻ già trai gái. Khí thế bốc cao như lửa cháy, không sức mạnh nào cản ngăn được.
Như sấm rền, như thác đổ, đấy là hình tượng về sự nổi dậy khắp nơi: từ thôn ấp tới thành thị, từ vùng tạm bị chiếm đến vùng giáp ranh. Cây bút Vũ Thanh gieo tám câu ca dao sôi động:
Cờ bay trên tháp xe tăng
Rùng rùng xe chạy nối hàng cờ bay
Quân thù về súng, giơ tay
Cờ anh giải phóng cắm ngay trước đền
Cờ về nổi dậy ấp thôn
Nhân dân như thác đổ dồn thành sông
Tiếng reo dậy núi, vang đồng
Lá cờ giải phóng đỏ hồng bay cao.
"Nhân dân như thác đổ dồn thành sông". Vâng sức mạnh ấy đã kết lưới trời, tấm lưới khổng lồ đã giăng ra, kẻ địch chạy đâu cho thoát.
Nhân dân đã kết lưới trời
Những quân bán nước, hại nòi thoát đâu?
Mỹ thua, Mỹ cút xuống tàu
Ngụy nhào, ngụy phải cúi đầu giơ tay. . .
(Trường Xuân)
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc. Nước Việt Nam thống nhất, mở ra một trang mới đầy sức xuân. Nhân dân - những người làm nên lịch sử - hết sức vui mừng trước viễn cảnh sáng tươi của Tổ quốc.
Bài ca dao do Lê Viên sáng tác như reo mừng, như cất cao tiếng hát trong ngày vui đại thắng này:
Con ơi, đốt pháo ăn mừng
Mừng xuân thống nhất mở trang sử đầu
Từ Lạng Sơn đến Cà Mau
Dựng xây đất nước mạnh giàu vui chung
Đời con vui dưới trời hồng
Nước non vĩnh viễn sống trong hòa bình.
. Thùy Dung
8. Đại thắng mùa xuân 1975:
Bí mật, bất ngờ, đánh thắng vào đầu não địch
GiadinhNet - Gần bước sang tuổi 80 nhưng Trung tướng Nguyễn Hải Bằng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, vẫn rất minh mẫn.
Nhắc về những năm tháng hào hùng cách đây 35 năm, ông xúc động, mắt sáng ngời kể về những ngày tháng trên chiến trường gian khổ nhưng oanh liệt.
Bí mật, bất ngờ
Tháng 3/1975, ông là Sư đoàn phó Sư đoàn 316, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột. Thời gian dự kiến giải phóng thị xã diễn ra trong 3 ngày nhưng trên thực tế, chỉ trong một ngày rưỡi, quân ta đã làm chủ Buôn Ma Thuột. Nhớ lại trận đánh này, Trung tướng Nguyễn Hải Bằng cho rằng, trận mở màn tiến công chiến thuật thắng lợi này mang ý nghĩa của tầm chiến lược. Bởi lẽ, đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch - chiến lược Tây Nguyên, tạo ra thời cơ đột biến mở đầu cho cuộc Tổng tiên công nổi dậy mùa Xuân 1975.
Nhớ lại trận đánh, Trung tướng Hải Bằng tâm sự: "Là người chỉ huy, khi nhận nhiệm vụ đánh vào thị xã, một mục tiêu khá mới lạ vì bộ đội ta đến lúc ấy mới chỉ quen đánh ở địa hình rừng núi là chính. Do vậy, quá trình chuẩn bị, các đơn vị đã tiến hành "huấn luyện tại chỗ", dùng cây cối ghép thành nhà, mục tiêu, xây dựng các dãy phố giả định... để anh em quen dần, khi tiến vào đô thị thật khỏi bỡ ngỡ". Theo ông, kỷ luật hành quân (sư đoàn phải hành quân chặng đường dài, vượt hàng nghìn km từ Nghệ An vào), công tác dân vận khéo, được nhân dân chở che, đùm bọc và sự thành công vượt bậc của công tác nghi binh, lừa địch đã góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch.
|
Trận Buôn Ma Thuột - trận đánh mở màn có ý nghĩa quyết định thắng lợi. (Ảnh Tư Liệu) |
Câu chuyện ông kể lại, chúng tôi thấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự và rất bổ ích cho công tác huấn luyện hôm nay. Chẳng hạn, để hành quân vượt qua đường 14 nơi địch đang án ngữ, đơn vị đã bí mật lót nilon lên mặt đường, khi đi qua thì thu lại, không cho địch phát hiện dấu vết khác thường. Để giữ bí mật, bộ đội đã chấp hành nghiêm quy định, rèn bản lĩnh, ý chí tuyệt vời, nhiều đồng chí thèm thuốc lắm nhưng không hề có gợn khói nào...
Bản lĩnh, ý chí gắn liền với kỷ luật chiến đấu, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chủ trương của cấp trên cũng được ông nhấn mạnh. Trung tướng Nguyễn Hải Bằng cho rằng, cách đánh trong từng trận và toàn chiến dịch trên tinh thần "bí mật, bất ngờ, đánh thẳng vào mục tiêu đầu não của địch". Trên thực tế, khi tiến công Buôn Ma Thuột, các mũi, hướng đều nhằm thẳng vào mục tiêu trọng yếu phía trong, nơi đầu não của kẻ địch, trên đường hành tiến, nếu gặp các chốt, cao điểm cản đường mới "nhổ bỏ", khi giải quyết xong mục tiêu quan trọng mới quay trở lại, giải quyết gọn, sạch vòng ngoài.
Dùng tiền địch nuôi thương binh
Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, rất nhiều thương binh, bệnh binh nhẹ được cấp trên quyết định giữ lại điều trị tại bệnh xá của các đơn vị và bệnh xá Sư đoàn, nhằm bảo đảm quân số, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Mặt khác, hầu hết số cán bộ, chiến sĩ bị thương đều không muốn đi điều trị tại các bệnh viện tuyến trên, vì sợ bị cắt quân số không được tham gia chiến đấu tiếp.
Trong tình thế ấy, chỉ huy Sư đoàn 316 chưa biết giải quyết bằng cách nào? Bởi lẽ, nếu để anh em ở lại dưỡng thương tại đơn vị thì không yên tâm, vì lúc đó sư đoàn không có nguồn kinh phí hoặc vật chất gì đáng kể để bồi dưỡng. Nếu kiên quyết chuyển thương binh lên tuyến trên điều trị thì ảnh hưởng đến quân số. Ban chỉ huy Sư đoàn có ý định dùng số tiền ta thu được trong ngân hàng và các công sở của địch ra thị xã mua thực phẩm và thuốc chữa bệnh cho anh em. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng: Muốn sử dụng số tiền đó phải được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Mặt trận, kẻo "mang tiếng" là tùy tiện sử dụng chiến lợi phẩm. Đang loay hoay chưa biết làm cách nào thì đồng chí Văn Tiến Dũng đến thăm Sư đoàn, chỉ huy đơn vị báo cáo xin phép được sử dụng khoản tiền chiến lợi phẩm để mua thuốc men và một số thực phẩm bồi dưỡng cho anh em thương binh, bệnh binh. Không những đồng ý, mà đồng chí Văn Tiến Dũng còn phê bình chỉ huy Sư đoàn là máy móc, không linh hoạt trong cách giải quyết.
Cách làm trên, không những giúp số thương binh, bệnh binh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, mà còn bảo đảm quân số để sư đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
|
Nhân dân Sài Gòn xuống đường mừng chiến thắng. (Ảnh Tư Liệu)
|
Những ngày tháng hào hùng
Trung tướng Nguyễn Hải Bằng kể: "Chiều 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Quân đoàn 3 đảm nhiệm tiến công hướng Tây Bắc - hướng chủ yếu của chiến dịch. Quân đoàn 1 tiến công theo hướng Đông Bắc. Quân đoàn 2 đảm nhiệm hướng Đông Nam. Quân đoàn 4 đánh từ hướng Đông. Binh đoàn 232 đánh hướng Nam. Các đơn vị đặc công, biệt động được huy động đánh chiếm những cây cầu trên các trục giao thông, đảm bảo cho những binh đoàn bộ binh được tăng cường, tăng thiết giáp thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội đô như Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát...
Để phối hợp với các Sư đoàn trong Quân đoàn và các hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu đánh Sài Gòn, đêm 26/4, Sư đoàn 316 triển khai toàn bộ lực lượng hoạt động xung quanh các căn cứ địch, hình thành thế bao vây chia cắt, giam hãm quân địch và sẵn sàng tiêu diệt Sư đoàn 25 Ngụy. Trung đoàn 148 sẵn sàng đánh chiếm lại căn cứ Bầu Nâu - Trà Vinh và tiêu diệt Trung đoàn 49 (Sư đoàn 25 Ngụy). Trung đoàn 174 đánh chiếm cứ điểm Trung Hưng và Phước Hiệp, Phước Mỹ. Trung đoàn 98 đánh chiếm thị trấn Trảng Bàng và tiêu diệt Trung đoàn 46 (Sư đoàn 25 Ngụy)".
Trong tâm tưởng của người lính năm xưa, Trung tướng Nguyễn Hải Bằng vẫn còn nhớ như in về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông cho biết: Tham gia chiến dịch mang tên Bác, Sư đoàn 316 đã hoàn thành nhiệm vụ giam chân và tiêu diệt Sư đoàn 25 Ngụy ở tuyến ngoài gồm Trung đoàn 46, Trung đoàn 49, một Tiểu đoàn của Trung đoàn 50, Thiết đoàn 10 tăng - thiết giáp, Liên đoàn biệt động quân 32, loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch và cùng lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn ba huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Củ Chi. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc toàn thắng, Sư đoàn 316 cùng quân dân cả nước mang lá cờ vinh quang của Bác Hồ đến đích cuối cùng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn di chúc thiêng liêng của Người.
Nguyễn Viết Tôn
9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đại thắng mùa xuân 1975
Giải phóng miền Nam là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào miền Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ước mong đó của Người đã được thể hiện trong Nghị quyết tháng 6-1973 của Bộ Chính trị và sau đó, trong Nghị quyết 21, tháng 7 năm 1973, của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng mở đường đi tới thắng lợi cuối cùng…” là nhiệm vụ của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 24 tháng 5 đến 30 tháng 6 năm 1973) xác định. (1)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẩn trương thành lập Tổ trung tâm của Cục tác chiến gồm những cán bộ tham mưu chiến lược giỏi, do tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, và tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ đạo. Tổ trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, lập kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam.
Ngày 18-7-1974, khi chỉ thị cho Tổ trung tâm xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản để thông qua Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Xây dựng kế hoạch cơ bản theo hai bước: bước một giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Đó là lúc ta làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường…; bước hai, trên cơ sở đó, phát triển lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Về chọn hướng chiến lược: nên chọn hai hướng: Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ…” (2)
Bản kế hoạch chiến lược do Tổ trung tâm dự thảo, qua bảy lần bổ sung, chỉnh lý và được Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê duyệt (30-9 đến 8-10-1974). Quyết tâm chiến lược được xác định là giải phóng miền Nam trong hai năm. Năm 1975, quân ta đánh Nam Tây Nguyên và các nơi khác đánh phối hợp. Tây Nguyên là hướng chủ yếu… Thời cơ chiến lược có thể xuất hiện vào đợt hai, sau khi đánh vào Nam Tây Nguyên. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược…” (3)
Giải phóng được Tây Nguyên sẽ làm chủ miền Trung, tạo thế chia cắt chiến trường miền Nam, uy hiếp cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, mặt khác, cô lập Mặt trận Thừa Thiên -Huế và Đà Nẵng. Tiến công vào Tây Nguyên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc triển khai lực lượng và bảo đảm hậu cần. Cánh phía bắc Buôn Ma Thuột đã nối liền với đường vận tải chiến lược 559. Địa hình xung quanh Buôn Ma Thuột ít núi cao, ta triển khai binh khí kỹ thuật dễ dàng.
Sau chiến thắng Phước Long, ngày 5-2-1975, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên và chuẩn bị cho chiến dịch quyết định cuối cùng.
Vào lúc 1 giờ 55 phút sáng ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Và 11 giờ ngày 11-3-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.
Quân địch đã đi vào đúng kế của ta và sa vào thế trận đã được ta bày sẵn. Tâm lý thất bại dẫn đến sự suy sụp về ý chí của quân địch. Tiếp theo đó, địch lại phạm thêm một sai lầm về chiến lược. Việc quyết định rút khỏi Tây Nguyên, tướng sĩ hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, làm cho tâm lý thất bại lây lan cả những lực lượng địch ở khắp miền Trung, tạo thời cơ mới để quân và dân ta phát huy chiến quả, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình và chỉ thị: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch là Buôn Ma Thuột, gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đây, chúng cũng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.
Ngày 18-3-1975, trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975). Bộ Chính trị đã đồng ý “hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975”. Với quyết tâm đó, cuộc tiến công chiến lược trên thực tế đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược. (4)
Cũng từ ngày 18-3 đến 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp chính thức để nghe báo cáo hạ quyết tâm mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề đạt: “Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng; phải đánh Đà Nẵng ngay… ở hướng Sài Gòn, lực lượng đã đủ-yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn…”.
Sau khi giải phóng Huế, Mặt trận Quảng Đà lập tức được thành lập, do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh.
Mặt trận Quảng Đà chỉ trong 32 giờ đã đập tan một cụm quân lớn nhất ở phía bắc chiến trường miền Nam do tướng ngụy Ngô Quang Trưởng chỉ huy, giải phóng căn cứ quân sự liên hiệp Đà Nẵng. Đây chính là “vòng cung chiến lược phía Đông” mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ấp ủ, tính toán từ trước.
Chỉ trong vòng một tháng, thực hiện phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân và dân ta đã giải phóng toàn bộ các thị trấn, thành phố dọc đường số 1, các tỉnh Đông Nam Bộ, rồi cùng với quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang thuộc Quân khu 7 tiến đánh thẳng vào Sài Gòn, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 đến 30-4-1975) do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, làm Chính ủy, và các Phó Tư lệnh: tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiết kế nên một thế trận với mưu kế thật kỳ diệu: Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng, Phía Nam, giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu chiến tuyến như vậy làm cho địch bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên. Tây Nguyên bị thất thủ, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã thảm hại để sau đó, huy động toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.
Ký giả Piter Mac Donald, người Anh, viết: “1944 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại.
Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Nguyễn Xuyến
10. ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975
Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TẦM VÓC THỜI ĐẠI
(phòng công tác chính trị - Đại học kinh tế Tp. Hồ Chí Minh
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với trận mở đầu Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi, sau gần hai tháng liên tục chiến đấu ác liệt của quân và dân ta.
Với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nối tiếp cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cộng lại thành 30 năm ròng rã chiến tranh cách mạng, đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, cờ cách mạng tung bay trên phủ Tổng thống ngụy quyền. Thành phố Sài Gòn được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cả dân tộc ta vang khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang gay go, trong Di chúc của mình, Người đã khẳng định: “Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất… Nước ta có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Từ một đất nước bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm, từ một dân tộc bị nô lệ, Việt Nam đã giành lại nền độc lập dân tộc sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được quốc tế thừa nhận…
Với đại thắng mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng XHCN ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; đứng vào hàng ngũ các quốc gia, dân tộc tiên phong trên thế giới.
Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta được rèn luyện cả về phẩm chất và tài năng, càng nhận thức sâu sắc hơn vị trí và sức mạnh của mình trong thời đại mới.
Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, vị thế và uy tín của nước Việt Nam càng được nâng cao.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự kiện quan trọng vừa đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lại còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới.
Đại thắng mùa Xuân 1975 còn cống hiến cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới những bài học kinh nghiệm quý báu, một giá trị tinh thần có sức mạnh to lớn, đem lại cho họ niềm tin trong cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc. Đúng như Trung ương Đảng Cộng sản RéUNI0N đã khẳng định: “Nhờ thắng lợi này của nhân dân Việt Nam, từ nay một kỷ nguyên mới đã mở ra cho phong trào của các lực lượng giải phóng dân tộc toàn thế giới, mở ra triển vọng giành nhiều thắng lợi mới cho tự do, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, hòa bình và chủ nghĩa xã hội” (1).
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã góp phần bảo đảm hòa bình chung trên toàn thế giới. Mỹ xâm lược Việt Nam, phá hoại hòa bình thế giới. Với thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ phải lùi một bước về chiến lược, phải thay đổi phương thức làm bá chủ thế giới. “Một Việt Nam thứ hai”. Do thất bại của Mỹ ở Việt Nam, hòa bình chung trên thế giới được bảo đảm.
Đối với thời đại, dân tộc Việt Nam là dân tộc thuộc địa đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ, góp phần quan trọng cùng với loài người tiến bộ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới và mở đầu việc đánh bại chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Dân tộc Việt Nam đã cùng với nhân dân ba nước Đông Dương đập tan cuộc phản công lớn nhất của chủ nghĩa đế quốc từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, góp phần làm chuyển tiếp tương quan lực lượng có lợi cho phong trào cách mạng thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mãi mãi gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngọn cờ tất thắng và linh hồn của sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc, như Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “…Xét thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã được Đại hội lần thứ IV của Đảng đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ hai mươi, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (2).
Thắng lợi lịch sử của nhân dân ta trong 30 năm chiến tranh cách mạng nói chung, và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, đã chỉ rõ và khẳng định một chân lý: “Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm, kinh tế kém phát triển, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên cường, mưu trí dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là những đế quốc đầu sỏ”.
Dân tộc Việt Nam đã từng làm nên Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Cách mạng Tháng Tám 1945, Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân 1975, làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới trong muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất định sẽ vươn tới những đỉnh cao mới trong cuộc hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.@
NGUYỄN XUYẾN
(1) Sức mạnh Việt Nam –NXB QĐND - Hà Nội 1977 - tr.191
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng ta tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. NXB Sự thật - Hà Nội - tr.5-6
|