Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Hình ảnh Rồng trong lịch sử Việt


 Hình ảnh Rồng trong lịch sử Việt

Rồng là một trong 12 con giáp, có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc và cũng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Qua mỗi triều đại phong kiến, hình ảnh rồng lại có sự thay đổi rõ rệt.

Hình tượng rồng đã được hình dung lên từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các sản phẩm đồ đồng thời bấy giờ. Tuy nhiên, thời kì này hình tượng rồng còn khá thô sơ, chưa được tinh tế.
Rồng thời Hùng Vương trông giống với hình dáng cá sấu

Sau thời kì bắc thuộc triền miên, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh "rồng bay lên", Thăng Long, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt cho đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn.

Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng thì há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc.

Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phiá trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủyu phía sau và có móng giống chân loài chim. 
Hình ảnh rồng thời Lý khá rõ nét mang khí thế thăng thiên tượng trưng cho khí thế của dân tộc

Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng tự chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay.

Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Trần có nhiều phá cách mới lạ 

Sang đến đời nhà Hồ thân hình của hình tượng rồng có phần mập mạp hơn cho thấy sự sung sức, táo bạo của vương triều vừa mới sáng lập bằng cuộc cải cách của Hồ Quý Ly.

Rồng thời nhà Hồ có thân hình mập mạp hơn

Thời Lê, khi Nho giáo thành quốc giáo, uy lực của nhà vua lên đến tột đỉnh, thì hình dáng con rồng dũng mãnh hơn với móng quặp, sừng dài, bờm dựng… Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài rắn uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau.

Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to.Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa - tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).

Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến

Sang đến thời Mạc, rồng uốn khúc tùy tiện, phản ánh một thời kỳ hỗn độn, phân liệt, tranh chấp liên miên…

Rồng thời nhà Mạc uốn khúc thể hiện thời kỳ phân tranh

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rồng vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.

Đến thời nhà Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ... Phần lớn mình rồng không dài ngoằng mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.

Rồng nhà Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét