Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Tân thư và phong trào Duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kì cận đại


Tân thư và phong trào Duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kì cận đại

PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
Viện Văn học

        Lịch sử phát triển của một số quốc gia châu Á thời kỳ cận đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) ghi nhận một hiện tượng khá phổ biến, đó là sự xâm nhập, ảnh hưởng của các tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền từ các nước châu Âu và phương Tây vào quá trình vận động, biến chuyển của lịch sử xã hội cũng như lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Dấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử này là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng.
Nhật Bản là quốc gia đi đầu và đến đích sớm trong phong trào Duy tân. Từ 1868, vua Minh Trị đã tiến hành hàng loạt các cuộc cải cách dựa trên ý chí Nhật Bản cộng với mô hình xã hội và thiết chế chính trị phương Tây. Trong cuộc cách mạng này, ngoài con đường trực tiếp đưa người đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, hoặc mời chuyên gia nước ngoài vào giảng tại các trường đại học ở trong nước, thì Tân thư là nhịp cầu tư tưởng quan trọng kết nối người Nhật với người phương Tây. Nhờ đó mà người Nhật sớm thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng chính trị và học thuật Trung Hoa, khi ấy đã trở thành lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của lịch sử; đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng nhất để người Nhật tiếp cận và tiếp thu một cách có bài bản, hệ thống không chỉ các tri thức, các thành tựu về khoa học kỹ thuật, mà còn cả những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, dân quyền; về các thiết chế xã hội từ các nhà tư tưởng – triết học châu Âu như R. Descartes, Voltairre, J. Rousseau, Motesquieu… Được sự ủng hộ của tầng lớp Samurai là tầng lớp tư sản đang lên, Thiên hoàng – Minh Trị và các nhà Duy tân Nhật Bản nhanh chóng đưa nước Nhật trở thành một quốc gia hùng cường ở châu Á có tiềm lực trí tuệ và tiềm lực vật chất kỹ thuật để đuổi kịp và vượt các nước Âu-Mỹ chỉ trong vòng trên dưới 30 năm. Những tài liệu được coi là Tân thư ở Nhật Bản thời kỳ này là những sách báo có xuất xứ từ Âu - Mỹ, bao gồm cả sách khoa học kỹ thuật lẫn sách khoa học xã hội, văn hóa và văn học. Tính đến năm 1887 đã có 633 cuốn về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và 120 cuốn về văn học (tính đến 1890) được dịch và giới thiệu chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp(1). Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi… đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo.
Cùng với những chuyển biến mau lẹ trong nhận thức tư tưởng và trong tư duy học thuật, Tân thư còn làm thay đổi đáng kể ngôn ngữ văn chương, đặc trưng thể loại và hệ thống khái niệm, thuật ngữ khoa học của người Nhật. Chữ Hán và chữ Kana vốn có vị trí rất quan trọng và tồn tại rất lâu dài trong đời sống văn hóa Nhật Bản cũng từng bước được cải biến, phát triển để chuyển tải những tư duy mới, diễn đạt những tư tưởng mới đang xuất hiện và phát triển trong đời sống văn hóa, khoa học của đất nước.
Nghiên cứu, lý giải hơn 100 năm phát triển của đất nước Nhật Bản kể từ Thiên hoàng – Minh Trị (1868) đến nay, không thể phủ nhận được ảnh hưởng mọi mặt từ các nước Âu – Mỹ, trong đó, Tân thư đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc khai mở tinh thần, kích thích ý chí cải cách, duy tân, đưa Nhật Bản sớm đạt được vị thế mong muốn trong khu vực và trên thế giới.
Ở Trung Quốc, chiến tranh nha phiến năm 1840 được coi là mốc mở đầu thời kỳ Cận đại và kết thúc bằng cuộc vận động Ngũ Tứ (1919). Trong thời gian gần 80 năm này, Trung Quốc vừa phải đối mặt với các thế lực tư bản ngoại bang, vừa phải đối mặt với thể chế chính trị phong kiến nhà Thanh đang trên đà suy thoái, phản động, cản trở bước tiến của lịch sử. Sau chiến tranh nha phiến là cuộc cách mạng nông dân Thái bình thiên quốc (1851-1864); là chiến tranh Trung – Pháp (1884-1885); chiến tranh Trung – Nhật (1885-1995); là Mậu Tuất chính biến (1898); là Nghĩa Hòa Đoàn (1900); là Cách mạng Tân Hợi (1911) và phong trào Ngũ Tứ (1919). Tất cả các sự kiện đó, hoặc ít hoặc nhiều đều chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình tiếp xúc, đụng độ với phương Tây trên các phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, khoa học và tư tưởng. Nếu như về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, sự thất bại liên tiếp của Trung Quốc trước các thế lực ngoại bang là một bài học lịch sử đánh thức lòng tự trọng dân tộc của người Trung Quốc, thì về mặt văn hóa, khoa học và tư tưởng, quá trình tiếp xúc với phương Tây lại mang đến cho Trung Quốc một làn gió mới, một luồng sinh khí mới, một vận hội lịch sử mới để cải cách và duy tân.
Tương tự như ở Nhật Bản, trong quá trình vận động cải cách và duy tân, Tân thư đóng một vai trò quan trọng. Đến lúc này, các nhà duy tân Trung Quốc không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần hướng sang nước láng giềng Nhật Bản, vốn là một nước nhỏ, từng nằm trong vòng cương tỏa của tư tưởng học thuật và văn hóa Trung Hoa, đã có thể cảm nhận được những gì cần cho đất nước mình. Trừ số ít những người được học ở nước ngoài, biết ngoại ngữ như Nghiêm Phục (1853-1921), học ở Anh về, tự dịch cuốn Thiên diễn luận của Hussley để giới thiệu thuyết tiến hóa, hay Vương Quốc Duy (1877-1927) biên soạn những công trình nghiên cứu, khảo cứu về triết học của Kant, Shopenhauer… còn phần lớn các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc như: Củng Tự Trân (1792-1841), Ngụy Nguyên (1794-1856), Phùng Quế Phân (1809-1874), Vương Thao (1827-1879), Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929), Đàm Tự Đồng (1865-1898), Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Hoàng Tôn Hiến, Tôn Trung Sơn, v.v… đều tiếp xúc và tiếp thu tư tưởng duy tân qua Tân thư chủ yếu là những sách bằng chữ Hán được phổ biến ở Nhật Bản.
Thấm nhuần những tư tưởng từ Tân thư, người thì đề xuất cải cách chính phủ; người thì chủ trương nghiên cứu, truyền bá các học thuyết kinh tế và khoa học của phương Tây, lên tiếng đòi cải cách xã hội; người thì đòi cải cách văn hóa, văn chương và học thuật; người thì công kích vào dường mối đạo đức phong kiến; người thì chủ trương tiến hành cách mạng tư sản, đề cao chủ nghĩa Tam dân; người thì ủng hộ đường lối cải lương, người thì theo đường lối bạo động, v.v…
Dưới ảnh hưởng của Tân thư, lịch sử xã hội và lịch sử tư tưởng Trung Quốc chuyển biến một cách mau lẹ. Tuy những “biến pháp” trong Mậu Tuất chính biến (1898) do Khang Hữu Vi cùng các đồng sự của ông chủ trương không thành (người thì bị giết, người phải bỏ trốn ra nước ngoài); cách mạng Tân Hợi (1911) thất bại do chưa có một đường lối chính trị phù hợp và một lực lượng quân sự đủ mạnh, nhưng những tư tưởng chính trị, tri thức khoa học, văn học nghệ thuật và tư duy lý luận phương Tây đã qua Tân thư mà thâm nhập vào đời sống xã hội chính trị, vào tâm hồn, tình cảm và lý tưởng cách mạng của những trí thức ưu tú đang nuôi khát vọng canh tân đất nước.
Phong trào Ngũ Tứ (4-5-1919) là sự kiện có ý nghĩa khép lại thời kỳ Cận đại – một thời kỳ chứa đựng những biến thiên vĩ đại trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, mở ra thời kỳ hiện đại với những nhân vật lịch sử khác, những phong trào cách mạng khác đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. Trong phong trào này, tư tưởng dân chủ mới của giới trí thức, của học sinh, sinh viên và hành động yêu nước của họ có thể được xem như là kết quả của quá trình tiếp nhận những tư tưởng từ Tân thư thông qua những con đường khác nhau.
Trên phương diện văn hóa và văn học nghệ thuật, Tân thư là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển tân văn (văn bạch thoại), hình thành nên các cuộc vận động văn hóa mới với các đại biểu ưu tú như: Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú, Ngô Du, Lỗ Tấn, Hồ Thích, Thái Nguyên Bồi…
Với Tân thư, các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc cận đại không chỉ tìm thấy phương cách và con đường để đưa Trung Quốc thoát khỏi chế độ phong kiến cổ hủ, mà còn tìm thấy phương cách và con đường để giải phóng những năng lực trí tuệ - tinh thần tiềm ẩn trong con người Trung Quốc; tìm thấy phương cách và con đường để chấn hưng đất nước Trung Hoa, đưa đất nước Trung Hoa ra nhập với tiến trình phát triển chung của khu vực và thế giới.
Ở Việt Nam, thời kỳ Cận đại được bắt đầu từ 1858 khi người Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng và kết thúc vào năm 1930 để chuyển sang thời kỳ Hiện đại. Như vậy là, khác với Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc đều mở đầu thời kỳ Cận đại bằng tiếng súng khai màn chiến tranh của thực dân phương Tây. Điểm giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như Nhật Bản là trong suốt thời kỳ Cận đại đều diễn ra các cuộc vận động cải cách và phong trào duy tân nhằm bảo vệ và canh tân đất nước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội chính trị ở mỗi nước không giống nhau nên phong trào duy tân ở mỗi nước cũng có những điểm khác biệt. Chắng hạn ở Trung Quốc, những người chủ trương duy tân phần lớn là trí thức, quan lại trong triều đình phong kiến, thậm chí cả nhà vua (Quang Tự) cũng tham gia duy tân (Mậu Tuất chính biến). Mục tiêu của họ là cải cách xã hội, cải cách văn hóa. mở mang tư duy, kiến thức khoa học và kinh tế để tự cường, để phát triển đất nước. Còn ở Việt Nam, lực lượng duy tân chủ yếu là tầng lớp chí sĩ. Quan lại và triều đình phong kiến gần như thúc thủ chịu sự đô hộ của thực dân. Vì vậy mục tiêu của các nhà duy tân Việt Nam trước hết là hướng vào việc đánh đuổi thực dân, giành độc lập chủ quyền để từ đó tự cường và canh tân đất nước. Có lẽ từ điểm khác biệt đó mà ở Việt Nam tuy cũng có những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch gần giống như “biến pháp” của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu nhưng không nổ ra những sự kiện kiểu như Mậu Tuất chính biến (1898), thay vào đó là các phong trào cách mạng của tầng lớp sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền, v.v…
Cũng như ở Nhật Bản và Trung Quốc, ở Việt Nam trong suốt quá trình duy tân thời kỳ cận đại, Tân thư có một vị trí cực kỳ quan trọng. Nó là vũ khí tư tưởng, là liệu pháp tinh thần, là nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới phương Tây. Ở thời kỳ Cận đại, các trí thức Nho học Việt Nam vẫn còn giữ được vị trí đáng kể trong đời sống chính trị và văn hóa của xã hội. Với vốn kiến thức Hán học uyên thâm, Tân thư trở thành nguồn tri thức mới lạ, tân kỳ giúp các nhà duy tân Việt Nam mở mang tầm nhìn, khai trí, khai tâm để hướng đến mục tiêu tự chủ tự cường dân tộc. Nhật Bản, Trung Quốc trở thành những tấm gương duy tân thu hút các chí sĩ Việt Nam đến học tập, tiếp thu để cứu nước cứu nòi. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã từng sang Nhật gặp gỡ và đàm đạo trực tiếp với Lương Khải Siêu và mỗi người đã tiếp thu từ nhà cải cách nổi tiếng này những tư tưởng, những chủ trương khác nhau để sau đó, khi về nước, người thì chủ trương bạo động, người thì chủ trương cải lương, nhưng cả hai đều hướng về mục tiêu duy tân, mục tiêu dân tộc.
Tuy vào thời kỳ này, để củng cố địa vị thống trị lâu dài ở Việt Nam, thực dân Pháp đã đưa nhiều học sinh, sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam sang du học tại Pháp. Họ giỏi tiếng Pháp, thấm nhuần văn hóa, khoa học Pháp nhưng ảnh hưởng của họ trong đời sống tinh thần xã hội chưa đủ mạnh để lấn át ảnh hưởng của nhà Nho thời kỳ này. Ngược lại, các nhà Nho cũng nhận thấy những hạn chế lịch sử của mình để thông qua chữ Hán mà tiếp thu phương Tây. Tân thư vì vậy càng trở nên đắc dụng.
Như vậy là, vào thời kỳ Cận đại, ảnh hưởng của phương Tây đến Việt Nam qua 2 con đường: Trực tiếp từ nhà trường Pháp qua Pháp văn và gián tiếp từ Tân thư qua Hán văn. Con đường trực tiếp giành cho các trí thức mới Tây học, còn con đường gián tiếp giành cho các chí sĩ, các nhà Nho được đào tạo từ khoa cử phong kiến. Tuy con đường tiếp thu phương Tây gián tiếp qua Tân thư phần nào bị khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của các nhà duy tân Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, nhưng nhờ đó mà các nhà duy tân Việt Nam mới tiếp cận được với thế giới, khai mở trí tuệ để đón nhận “gió Âu mưa Á”, “thổ nạp Đông-Tây” đưa Việt Nam thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, lạc hậu của ý thức hệ Nho giáo phong kiến. Mặc dù trong thế tranh chấp ảnh hưởng với tầng lớp trí thức Tây học được đào tạo trực tiếp từ nền giáo dục Pháp, các nhà Nho duy tân không đóng được vai trò đại diện cho lực lượng tiên tiến của xã hội, nhưng với những gì họ tiếp thu được từ Tân thư, qua Tân thư cũng đã góp phần thức tỉnh “nhân tâm thế đạo”, giống như tiếng gà gáy sáng báo bình minh, đánh thức dân tộc bằng những tư tưởng mới về dân chủ, tự do và dân sinh dân quyền vốn xa lạ với xã hội phương Đông và Việt Nam trước đó.
Trên phương diện văn học, nếu như ở Nhật Bản và Trung Quốc, Tân thư là cơ sở để hình thành tân văn (văn bạch thoại), phê phán cổ văn, đưa đến cho văn học các nước này những phẩm chất mới về ngôn ngữ, thể loại và chức năng thẩm mỹ của văn học… thì ở Việt Nam, Tân thư cũng là một trong số những yếu tố tác động tích cực để hình thành nền tân học và tân văn. Sáng tác của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… và các tiểu luận của Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… thể hiện một quan niệm mới về văn học, phá vỡ quy phạm quen thuộc, gò bó của từ chương Trung Hoa. Thơ văn từ chỗ là thú chơi tao nhã, để tỏ chí tỏ lòng, để thù tạc ngâm vịnh, đến lúc này đã trở thành lợi khí duy tân, thành công cụ tư tưởng, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội và mang hơi thở của thời đại.
___________
(1) Dẫn theo Nguyễn Thị Việt Thanh: Nhật Bản - nhịp cầu chuyển tải tư tưởng và văn minh phương Tây vào phương Đôngtrong cuốn Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1997. 

Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2009



2. Tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu
(TS Trần Thị Ái Thi, Đại học Hà Tĩnh)

Trong các chí sỹ yêu nước sống vào thời kỳ sơ bộ Pháp thuộc ở nước ta, Phan Bội Châu là một con người đầy nhiệt tình cách mạng, ông là một sỹ phu dám vượt qua ý thức hệ phong kiến, hạn chế của giai cấp vươn lên tiếp thu tư tưởng tư sản và đề xướng ra phong trào giải phóng dân tộc mang tính chất tư sản ở đầu thế kỷ XX. Con đường của Phan Bội Châu đi là con đường tích cực nhất lúc bấy giờ, nó đã đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc về nội dung và hình thức.
Phan Bội Châu sinh năm 1867 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một vùng đất có truyền thống đấu tranh chống Pháp. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, quê hương ông là nơi từng chứng kiến quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của phong trào Cần Vương suốt hai mươi năm của thế kỷ XIX, ông hiểu rất rõ cảnh khổ của người dân mất nước:
“ Thân ta sở dĩ vinh là vì ta có nước
Thân ta sở dĩ nhục là vì ta không còn có nước nữa
(Việt Nam vong quốc sử)
Vì thế, Phan Bội Châu đã đề ra mục đích chính cho mình là: “ Cốt sao khôi phục được nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác” và cụ luôn tâm niệm: “ Suốt đời đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại”. Trái với quan niệm của cụ Phan Châu Trinh:
- Bất cầu nhân, cầu nhân giả ngu (Không nhờ người, nhờ người là ngu)
- Bất bạo động, bạo động tắc tử (không bạo động , bạo động là chết) (1)
Tư tưởng của Phan Bội Châu là tư tưởng bạo động nhưng không đối lập với cải cách. Khi nhắc đến ông chúng ta nghĩ ngay đến đó là một con người kiên định chủ trương đưa việc đánh đuổi Pháp lên hàng đầu và chủ trương bạo động chống Pháp. Tư tưởng đó xuất phát từ việc ông nhận thấy sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong hơn nữa thế kỷ qua. Từ thực tế đó, Phan Bội Châu nhận thấy chỉ có một con đường là đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc. Theo ông “ Nợ máu phải trả bằng máu”, “ Phải đổ máu ra mà mua lại tự do”…Quan niệm bạo lực của ông là bạo lực có vũ trang để giành lại chính quyền trong tay thực dân Pháp. Ông cũng biết trong điều kiện bấy giờ bạo động là phiêu lưu và dễ bị tổn thất nhưng “ Cứ bạo động may ra còn trông được chỗ thành công trong muôn một”. Trong điều kiện kẻ thù đã thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ tối thiểu, thậm chí “ Muốn lấy văn tự để cổ động quốc dân... nhưng khốn thay văn tự cũng không có chỗ đặt vào để gieo rắc, tuyên truyền nó được” cho nên, chỉ có thể dùng bạo lực mới dành được độc lập. Vì vậy, Phan Bội Châu phản đối quyết liệt những người lấy con đường cải lương làm con đường duy nhất để nhằm giải phóng đất nước. Ông cho rằng những chủ trương cách mạng hòa bình, chủ trương cải cách “ chẳng qua chưa từng trải nhiều mà thôi, phải qua nhiều biến cố mới thêm khôn, mới biết hối hận về những điều sai lầm trước kia. Muốn bắt tay vào việc mở mang dân trí bằng con đường huấn luyện mà ở dưới một chế độ hà khắc. nghiêm cấm đủ đường thì sự huấn luyện cũng trở thành tuyệt vọng mà thôi” (2)
Tư tưởng bạo động của Phan Bội Châu dần dần được bổ sung, phát triển. Buổi đầu ông chưa vượt qua được tư tưởng bạo động ở thời kỳ Cần Vương, của những anh hùng lục lâm và của những người trong đảng Cần Vương nhưng dần dần Phan Bội Châu đã nhận ra một điều “ Việc làm cho nước nhà độc lập, vững mạnh không phải một sớm một chiều mà thành công được, cũng không phải một tay một chân mà làm nên mà do tâm huyết của nghìn vạn anh hùng vô danh...”(2). Cùng với quá trình thấm nhuần tư tưởng dân chủ, ông đã dần dần nhận thức ra vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, có nghĩa là ông đã bước đầu nhận thức được “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và đoàn kết toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh. Sức mạnh của bạo động mà Phan Bội Châu quan niệm là sức mạnh của nhiều người, vì vậy ông đã tìm mọi cách để thu phục nhân tâm, mở mang dân trí, đề cao dân quyền...có như vậy mới thức tỉnh được nhân dân đánh đuổi giặc Pháp.
Phan Bội Châu sớm có tinh thần yêu nước thương dân. Năm 17 tuổi tức năm Tự Đức thứ 36, Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp. Từ Ninh Bình trở ra, “nghĩa quân nổi dậy như ong”, khi đó, ông đã đêm khuya chong đèn viết “ Bình Tây thu Bắc” kêu gọi nhân dân nổi dậy. Tuy nhiên chưa được sự hưởng ứng như mong muốn. Năm 19 tuổi, khi kinh thành Huế thất thủ 1885, ông tập hợp các bạn học ở quê, lập hội “thí sinh quân” chống Pháp. Những hoạt động cứu nước đầu tiên có tính chất tự phát đó bước đầu thất bại làm cho Phan Bội Châu nhận ra một điều phải có danh vọng mới dễ dàng tập hợp được dân chúng đánh giặc cứu nước. Năm 1890, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Nghệ An. Cũng năm đó cụ thân sinh mất, ông hăng hái dấn thân vào con đường hoạt động cứu nước. Phan Bội Châu chủ trương dùng bạo động đánh đuổi thực dân Pháp để khôi phục độc lập dân tộc và tích cực chuẩn bị cho công cuộc bạo động. Năm 1903, sau khi mưu đánh úp thành Nghệ An không thành, ông lên đường vào Huế, vào miền Trung , rồi vào tận Nam kỳ Lục tỉnh để tìm người cùng chí hướng, ông đã đọc tân thư, tân báo. Tháng 5/1904, tại Quảng Nam, Phan Bội Châu cùng với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Đỗ Tuyển....đã tuyên bố thành lập Duy Tân Hội “ Cốt sao khôi phục Việt Nam độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác”. Thực ra tư tưởng chính trị của hội cũng khá rõ với việc tôn Cường Để làm hội chủ. Ý tưởng về một chế độ quân chủ lập hiến đã lộ ra. Duy Tân hội đề ra 3 nhiệm vụ : Phát triển hội viên, tài chính, chuẩn bị cho bạo động vũ trang và xuất dương cầu viện ( Sau đó gọi là phong trào Đông Du, hướng sang Nhật Bản). Đây là những năm tháng Phan Bội tự cho là “đắc ý nhất”. Từ sau chuyến đi Nhật đầu tiên năm 1905 cùng Đặng Tử Kính, được sự giúp đỡ của Lương Khải Siêu, Khuyến Dưỡng Nghi, Đại Ôi Trọng Tín - những nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa và Nhật Bản , ông đã cùng Duy Tân hội dấy lên phong trào Đông Du, tuyển chọn 200 học sinh Việt Nam bí mật xuất dương qua Nhật Bản học khoa học kỹ thuật và quân sự. Trong nước, Phan Bội Châu cũng tích cực hoạt động. Đây cũng là lúc trường Đông Kinh nghĩa thục bắt đầu xuất bản nhiều tác phẩm của Phan viết ở Nhật Bản như Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử....Năm 1908, diện hoạt động của phong trào Đông Du đã lan rộng khắp nước, cùng những hoạt động quyên góp về kinh tế công khai, điều đó không tránh khỏi sự phát hiện của mật thám Pháp. Tháng 9/1908 Thực dân Pháp đã thương lượng với chính phủ Nhật ra lệnh giải tán những tổ chức chống Pháp trên đất Nhật, trục xuất số du học sinh Việt Nam. Khi phong trào Đông Du thất bại, ông từ Nhật quay về Trung Quốc, rồi Xiêm. Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công mở ra một trang mới cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Mô hình “ Trung Hoa dân quốc” và đảng cách mạng đã lôi cuốn ông và ông đã hoàn toàn vứt bỏ những gì còn lại của tư tưởng phong kiến thực sự trở thành người cộng hòa. Năm 1912, ông hối hả về Quảng Đông tập hợp lực lượng cách mạng. Tháng 2/1912, tại nhà Lưu Vĩnh Phúc, ông đã tuyên bố thành lập Việt Nam Quang phục hội. Đây thực sự là một đảng chính trị kiểu hiện đại, với tôn chỉ chống Pháp dành độc lập, lập ra nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam. Phan Bội Châu được đánh giá là một nhà văn hóa lớn, là một nhà hoạt động chính trị, hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết, trước khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, Phan Bội Châu được đánh giá là “ Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời cách mạng Việt Nam”.
Cách mạng Tháng mười Nga như một luồng ánh sáng làm thay đổi quan điểm cách mạng của Phan Bội Châu. Đầu những năm 1920, Phan Bội Châu dần dần tìm đến với nguồn ánh sáng của Cách mạng Tháng mười Nga của Lê Nin. Giao thiệp với sứ quán nước Nga ở Bắc Kinh, Phan Bội Châu hứa gửi cán bộ sang đào tạo ở Mátxcơva. Ông đã dịch sách ca ngợi Cách mạng Tháng mười và Liên Xô. Đặc biệt khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Quảng Châu cuối tháng 12/1924, ông đã liên hệ và hứa bàn bạc với các nhân vật trẻ tuổi của phong trào cách mạng mới. Ý định tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì tháng 6/1925, ông bị Thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (Trung Quốc) đem về nước và đưa ra xử ở tòa đề hình Hà Nội. Ông bị tòa án Thực dân Pháp kết án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, Thực dân Pháp buộc phải tha bổng và đưa ông về quản thúc tại Huế đến khi mất ( 29/10/1940 ). Từ 1926, tuy bị cách li với thực tế đấu tranh sôi động ở bên ngoài nhưng ông vẫn cố gắng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng sáng tác văn thơ của mình.
Phan Bội Châu không chỉ là linh hồn của phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn hóa lớn. Ít ai có thể viết nhiều sách đủ thể loại và có giá trị như ông ở thời điểm đó : Việt Nam vong quốc sử, Tự phán, Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phạm Hồng Thái truyện...và nhiều tác phẩm văn, thơ đủ thể loại, viết chủ yếu bằng chữ Hán.
Nhận định về cuộc đời của mình, Phan Bội Châu nói: “ Lịch sử đời tôi là lịch sử 100 thất bại không một thành công, cuộc đời tôi thất bại”. Nhưng trên thực tế, tư tưởng, con đường cứu nước không mệt mỏi của ông đã có những đóng góp to lớn với lịch sử dân tộc trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục, quân sự. Hồ Chí Minh đã đánh giá: “ Phan Bội Châu đấng anh hùng, vị thiên sứ dám xả thân vì độc lập tự do dân tộc, được trên 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
----------------------------------
(1) Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Thu Trang- Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề tựa.
(2) Phan Bội Châu, Truyện Phạm Hồng Thái, NXBVH, 1967.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét