Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Tư liệu về Nguyễn Trường Tộ - nhà cải cách lớn của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX (tiếp theo)



8. Nguyễn Trường Tộ - Bài học về thái độ sống của người trí thức

Có thể nói Nguyễn Trường Tộ là người trí thức tân học đầu tiên ở nước ta, có những khác biệt về chất so với những bậc sỹ phu tiền bối Nho học từ xưa đến thời bấy giờ. Cũng mang tấm lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân như những trí thức khác trên những khúc quanh của lịch sử,nhưng Nguyễn tiên sinh lại có một tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, một thái độ sống tích cực và đầy ý thức trách nhiệm đối với dân tộc. Mặc dù những ý tưởng cải cách của ông không được sử dụng và bản thân Nuyễn Trường Tộcũng không có một vai trò gì trong triều đình, ông vẫn là một nhân cách trí thức lớn, đáng để người đời suy ngẫm và học tập.
Chân dung ông Nguyễn Trường TộCuộc đời Nguyễn Trường Tộ khá ngắn ngủi, ông mất khi chưa đầy 41 tuổi nhưng đã tích lũy được một khối lượng kiến thức khổng lồ so với những người cùng thời. Ông thông thạo Hán văn, Pháp văn, tiếng Latin, thông hiểu kiến trúc,xây dựng, thiên văn, địa lý, cơ khí, quang học... hiểu biết uyên bác về chính trị, quân sự, ngoại giao...Tầm nhìn xa và chiều cao trí thức của ông từng được đánh giá ngang những cải cách lớn của nước Nhật. Ông đánh giá tình hình nước ta và thế giới một cách khách quan và khoa học, từ đó đề xuất một cuộc canh tân toàn diện khả dĩ làm cho dân giàu nước mạnh. So với sỹ phu thời đó còn chìm trong lối học từ chương, khoa bảng thì Nguyễn Trường Tộ đã vượt hơn học hẳn một thế hệ.
Nguyễn Trường Tộ suốt đời học tâp,không môn nào mà tôi không để ý đến, cái cao cả của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn chính trị, thuật số...”(Di thảo số 3) nhưng điều quan trọng hơn là Nguyễn Trường Tộ đã có một phương pháp tư duy hoàn toàn mới so với những trí thức cùng thời. Ông uyên thâm Hán học,Nho học nhưng không bị lệ thuộc vào định chuẩn trong nền văn hóa đã tồn tại ngàn năm mà đề xuất một lối học có ích cho cuộc sống hiện tại. Phương pháp tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ là luôn gắn lý thuyết với thực tế. “Mấy chục năm nay tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biên thiên xưa nay, đem những điều đọc trong sách nghiệm ra việc đời...”(Di thảo số 30) Nguyễn Trường Tộ chưa tiếp xúc với học thuyết Mác nhưng phương pháp tư tưởng nói trên rõ ràng phù hợp với nguyên lý “từ tư duy trừu tượng đến thực tế sinh động” của ngày nay.
Toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trường Tộ và những di thảo để lại của tiên sinh là những minh chứng cao cả về một tấm lòng yêu nước và trách nhiệm công dân của người trí thức trước vận mệnh của dân tộc. Tất cả những ý tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ đều nhằm cho dân giàu,nước mạnh. Chủ trương tạm hòa với Pháp là dựa trên sự phân tích khoa học về thời đại và cũng là của một tầm nhìn thời đại. “Sự thể hiện nay chỉ có hòa. Hòa thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới thì làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt sự dòm ngó của kẻ gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của ngoại bang” (Thiên hạ đại thế luận, di thảo số 3).
Điều quý báu mà người đời sau ghi nhận ở Nguyễn Trường Tộ là tinh thần trách nhiệm sâu sắc của ông đối với dân tộc. Nguyễn Trường Tộ không có địa vị gì trong Triều đình Huế, là người công giáo nên chịu nhiều hiềm khích nghi kỵ, bệnh tật phải nằm ngửa mà viết, vậy mà tiên sinh canh cánh ấp ủ bên lòng những dự định lớn lao nhằm canh tân đất nước. Quan niệm của ông là “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hất là bất nghĩa”(Di thảo số 1).Cội nguồn của ý thức trách nhiệmvà dũng khí sống ấy chính là lòng ái quốc. “Thật không nỡ lòng nào thấy đất nước bị chia cắt, trăm họ bị lìa tan, cho nên không nghĩ mình ở địa vị thấp hèn, dám cả gan nói ra”. Dẫu nhiều lần không được sử dụng, ông vẫn không nản chí, vẫn không ngừng gửi lên Triều đình những bản kiến nghị cải cách để đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu.
Chính  nhờ có tư tưởng tiến bộ, nhiệt tình đối với xã hội và trách nhiệm lớn lao đối với đất nước mà Nguyễn Trường Tộ hầu như là người duy nhất nhìn thấy vấn đề canh tân đất nước toàn diện thực sự là một nhu cầu bức thiết có tính quy luật của nước ta lúc bấy giờ. Những đề xuất cải cách của Nguyễn Trường Tộ thực sự là của một trí tuệ siêu việt vượt qua thời đại rất xa và có giá trị đến ngày nay, ví dụ như “nên mở cửa chứ không nên khép kín”. Ý thức phê phán xã hội ở Nguyễn Trường Tộ không chỉ dừng lại ở nhận thức mà rất cần thiết cho thực tiễn. Những nhận định của Nguyễn Trường Tộ về hợp tác quốc tế(Di thảo số 35,36,41,52), về cải cách giáo dục (Di thảo 18) vẫn còn tính thời sự trong nước ta hiện nay.
Rõ ràng tầm trí thức và tầm tư duy của Nguyễn Trường Tộ vượt trước người đương thời hàng trăm năm. Ông là tấm gương lớn của một trí thức đầy tài năng và tâm huyết, đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Dẫu cho không được triều đình tin dùng, dẫu cho những bản điều trần canh tân đất nước cuối cùng không được thực hiện, Nguyễn Trường Tộ vẫn là một tài năng không bị thời gian làm phai mờ. Nguyễn Trường Tộ là một bi kịch, bi kịch giữa trí thức và xã hội, số phận ông cũng giống như số phận bao nhiêu nhà canh tân trong lịch sử./.
Phạm Thị Ly
alt

9.

Nguyễn Trường Tộ: Nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX

Nguyễn Đình Chú 

Đúng là thời gian đã và đang ủng hộ Nguyễn Trường Tộ, đưa ông ngày một về gần với chúng ta, với đất nước hôm nay. Khoa học xã hội và nhân văn vẫn cần tiếp tục khám phá Nguyễn Trường Tộ, nhưng không ít mỹ từ cao sang đã dành để tôn vinh ông: “Người yêu nước sáng suốt”, “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”, “Nhà cải cách lớn của dân tộc”, “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, “Nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX”“Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế” … Đến lượt tôi, tôi xin mệnh danh: “Nguyễn Trường Tộ: một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. Công việc thiết kế chính là công việc vạch đường chỉ lối, hoạch định chiến lược, chiến thuật, bày mưu định kế, xây dựng mô hình, phác hoạ mẫu này, mẫu khác để từ đó mà có sự thi công với vai trò điều khiển của công trình sư. Trong xây dựng, ở những công trình lớn đồ sộ, thiết kế và thi công là hai công đoạn khó bề kết làm một. Thiết kế phải có trước. Thi công là chuyện tiếp theo. 

Từ cách nghĩ đó, trong đầu óc tôi, Nguyễn Trường Tộ đã hiện lên sừng sững như một nhà thiết kế vĩ đại của đất nước Việt Nam ta rất mực yêu thương và cũng rất mực đau thương ở thế kỷ XIX. Rất tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước đã có một người con ưu tú, kiệt xuất, đầy đủ tư cách và khả năng là một nhà thiết kế vĩ đại mà không được chuyển tiếp làm vị tổng công trình sư. Lịch sử oái oăm là thế. Bi kịch là thế. Và Nguyễn Trường Tộ là nhân vật bi kịch của lịch sử oái oăm đó. 

Để hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của nhà thiết kế Nguyễn Trường Tộ, hẳn là phải trở lại hoàn cảnh lịch sử đất nước ở thế kỷ XIX với hai đặc điểm cơ bản là: 

1. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn thay thế triều đại Tây Sơn huy hoàng nhưng sớm nở, tối tàn, đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố thống nhất đất nước, mở rộng bờ cõi, kiện toàn thiết chế xã hội… nhưng vẫn không đủ để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng và cuối cùng rơi vào hoạ xâm lăng, nhục nhã. 


2. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX là cuộc xâm lăng có đặc điểm rất khác so với trước. Trước là chuyện phong kiến nước lớn bắt nạt phong kiến nước nhỏ. Nay là chuyện phương Tây trên đường phát triển bắt nạt phương Đông lạc hậu; là chuyện đụng độ giữa hai hình thái xã hội: Xã hội tư bản chủ nghĩa mà theo K.Mác đã nói trong Tuyên ngôn Cộng sản là “Một trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa có thể tạo ra một khối lượng của cải bằng hàng năm phong kiến cộng lại” và xã hội phong kiến nông nghiệp nghèo nàn, bế tắc. Cho nên ở thế kỷ XIX, mất nước đâu là chuyện riêng một Việt Nam. Chỉ trừ Nhật Bản và Thái Lan, còn Lào, Miên, Miến Điện, Mã Lai, Singapo, Philipin, Nam Dương, Ấn Độ đều mất. Cả đến Trung Hoa với chủ nghĩa đại Hán, từng xưng hùng, xưng bá trong khu vực mà cũng đã bị một số nước phương Tây xa tít kia đến xâu xé, chưa đến nỗi mất nước nhưng cũng đã phải nằm kềnh ra đó chứ còn gì. 

Với cuộc thế khác xa thời trước và ngặt nghèo tày trời như vậy, một câu hỏi lớn ôi là lớn, một bài toán khó ôi là khó đối với Tổ quốc Việt Nam là:
  Bằng con đường nào, bằng phương thức nào để giành lại giang sơn gấm vóc? Để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc, tiến dần vào cõi văn minh phú cường? 

Để có câu trả lời đích đáng trước câu hỏi lớn này, để có thể giải bài toán khó này của thời đại, cần rất nhiều điều kiện, nhưng trước hết phải xử lý đúng hai vấn đề sau đây: 

1. Vấn đề tình và lý, tâm và trí, động cơ và hiệu quả trong cuộc sống nói chung ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Cụ thể ở đây là trong hoàn cảnh đất nước đang bế tắc và đã rơi vào hoạ xâm lăng. Thì đấy, trong thực tế, đã thấy có hai trạng thái rõ rệt: 

a. Sự lúng túng, bất lực, lý chẳng ra lý, tâm chẳng ra tâm, trí chẳng ra trí, động cơ thì mập mờ, hiệu quả thì thảm hại, của triều đình nhà Nguyễn. 

b. Sự vùng lên kiên cường bất khuất, lãnh đạo nhân dân chống xâm lược, hết đợt này đến đợt khác của các sĩ phu mà tình, mà tâm, mà khí phách thì hữu dư được lịch sử muôn đời ca ngợi, nhưng xem ra thì lý, thì trí chưa đủ độ cần thiết, nên cuối cùng vẫn chịu thất bại đắng cay. 

Rõ ràng là trước câu hỏi lớn và khó, trước bài toán khó của thời đại, đã phải có một cách xử sự mới, vượt lên truyền thống. Nghĩa là, vẫn phải có tình, có tâm mà truyền thống đã có, nhưng phải có một thứ lý, một thứ trí mới hẳn, mang tính hiện đại, có nhiều khả năng đảm bảo hiệu quả cho đất nước. 


2. Vấn đề không phụ thuộc (độc lập: indépendant), phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant), và con đường dành độc lập là thế nào? Indépendant và Interdépendant là hai phương diện, cũng có thể nói là hai quy luật tồn tại trong sự sống, không chỉ với một quốc gia, mà còn là với mọi cộng đồng sống, kể cả cuộc sống cá nhân. Tuy vậy, trong nhận thức về hai quy luật này và từ đó là trong hành động, không phải ở đâu lúc nào cũng giống nhau. Kể cả con đường giành độc lập dân tộc trước hoạ xâm lăng thì vẫn có hai phương thức bạo động và không bạo động. Có thể nói trong lịch sử nước ta, từng quen với quy luật độc lập. Trước ngoại xâm thì cũng quen dùng phương thức bạo động mà chưa quen, với quy luật phụ thuộc lẫn nhau (interdépendant) trong tình thế không bình thường là kẻ thù đã xâm chiếm đất nước và cũng chưa quen đi con đường giành độc lập không bạo động. Nhưng ở thế kỷ XIX, trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp, trong thực tế, đã có một số người Việt Nam, dù tự giác hay chưa tự giác, tự giác nhiều hay ít, đã sống với quy luật interdépendant, để rồi phải chịu đựng tiếng bấc, tiếng chì, thậm chí là sự lên án, sự mạt sát trong một bộ phận của người đời nhưng xem ra thời gian lại đang ủng hộ họ. Bởi thành quả mà họ để lại cho đất nước vẫn là thành quả muôn đời, trừ người không biết nhận thức mà vẫn phủ nhận phũ phàng. Trương Vĩnh Ký, cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đầu thế kỷ XX là những trường hợp tiêu biểu cho đường hướng interdépendant đó, dĩ nhiên, mới là trên phương diện văn hoá. Về chính trị, Phan Châu Trinh là người đi theo quy luật interdépendant này, và Phan Bội Châu về sau cũng vậy… 

Từ những gì được nói trên đây, tôi xin được coi Nguyễn Trường Tộ là người số một, thậm chí là độc nhất vô nhị có tư cách trả lời câu hỏi lớn, giải bài toán khó của đất nước Việt Nam ta ở thế kỷ XIX. Dĩ nhiên, là mới ở phương diện nhà thiết kế. Bởi lẽ ở ông cái tình, cái tâm cũng lớn như ai. Nhưng quan trọng hơn là có cái lý, cái trí đột khởi mà đương thời chưa thấy ai sánh kịp. Bởi lẽ: với những người Việt Nam ưu tú, cùng thời thì hoặc là nhiệt tâm đeo đuổi phương thức giành độc lập bằng vũ trang mà hầu như chưa nghĩ gì tới quy luật Interdépendant, thậm chí còn đối địch với nó; hoặc là nhiệt tâm đi theo quy luật Interdépendant mà né tránh hoàn toàn con đường vũ trang giành độc lập. Trong khi Nguyễn Trường Tộ thì có tất cả. Với Nguyễn Trường Tộ là Interdépendant nhưng vẫn Indépendant. Mà Indépendant không vũ trang bạo động nhưng khi cần vẫn có vũ trang bạo động ít ra là trong ý đồ. 

Để hiểu chất lượng thành quả thiết kế của Nguyễn Trường Tộ, trước hết lại phải hiểu được con người của Nguyễn Trường Tộ mà ở đó nổi lên những nét đặc sắc như sau: 

1. Về nhân cách và cá tính sống: Nguyễn Trường Tộ quả là một người theo đạo Thiên chúa hết lòng hết dạ với giống nòi và rất tự tin vào sự hiểu biết, vào “tài ứng dụng với đời ” của mình. Chính ông đã tự nói điều đó trong nhiều bản điều trần bên cạnh những lời nói khiêm nhường, hạ mình. Ông là người rất có ý thức và bản lĩnh trong việc xa lánh chức tước, danh vọng để đeo đuổi lý tưởng cứu nước, giúp đời. Ông là người đã sống trọn với chữ Nhẫn theo ý nghĩa chân chính nhất của nó, nhằm vượt qua những sự mè nheo của thế gian để đạt tới lẽ sống cao cả của mình. 


2. Về văn hoá: Nguyễn Trường Tộ là một hiện tượng hội tụ đột khởi tới mức đương thời, kể cả sau nữa, cũng không dễ mấy ai vượt qua, mặc dù di sản của ông để lại chủ yếu chỉ 58 bản điều trần. Ông là một giáo sỹ kiêm một nhà Hán học, một nhà Đông phương học, một nhà Tây học, mặc dù chẳng có bằng cấp gì. Qua những bản điều trần, thấy rõ ông có trình độ Hán học uyên thâm. Thuộc Bắc sử (sử Tàu), hiểu Nho giáo, đến nơi đến chốn. Cũng qua các bản điều trần, thấy ông hiểu phương Tây một cách khá toàn diện, không chỉ trên phương diện chính trị, xã hội mà cả các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, hiện đại từ chuyện lớn vĩ mô, đến chuyện vi mô cụ thể. Ở thời đại của ông, không một người Việt Nam nào lại hiểu biết tình hình thế giới, khu vực được như ông. Với đất nước mình cũng vậy, đương thời khó có ai hiểu sâu sát được như ông. Tôi nói thế mà không sợ quá lời, một khi bản thân đã ít nhiều so sánh hệ thống văn bản điều trần của ông với nhiều thư tịch đương thời trong đó có đình đối sách mà nhà vua, người ra đề thi thường có yêu cầu các đại thí sinh phản ánh tình hình thực tế đất nước. 

3. Về tư duy: Nguyễn Trường Tộ cũng là người có một năng tư duy đột khởi, hiếm lạ so với tầng lớp đại nho, đại thức đương thời, đủ làm cơ sở vững chắc đảm bảo chất lượng tối ưu cho suy nghĩ, hành động và tầm vóc văn hoá của ông. Trong tư duy Nguyễn Trường Tộ nổi lên mấy đặc điểm sau: 

- Có khả năng tư duy nắm bắt những vấn đề vĩ mô, khái quát, chiến lược mà vẫn không xa rời những điều vi mô, cụ thể, chiến thuật. Ví dụ: bàn “Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp” (Di thảo số 32 ngày 12.3.1868) là đụng đến một đại sự của quốc gia mà không quên dặn “Sứ bộ ta đi Tây lần này, cách ăn ở, hễ đến đâu, phải làm như thế nào, tôi sẽ nói trước với quan chính sứ, bàn bạc phải chăng, tạm theo tục họ, để tránh sự chê cười. Còn như áo quần, đồ dùng cần phải tề chỉnh sạch sẽ. Vì người Tây ghét nhất là ăn mặc bẩn thỉu. Trừ lễ phục ra, áo lót mình mỗi người ít nhất cũng phải 40 bộ, mỗi ngày mỗi thay đổi. Khăn mặt phải dùng vải Tây trắng, ít nhất mỗi người cũng phải 30 chiếc… 4, 5 đôi giày, còn bít tất phải 20, 30 đôi để thay đổi luôn mới được ”. 

- Có khả năng tư duy tích hợp (intégration) vốn là một phương diện rất cần trong việc huy động tri thức, liên kết hiểu biết đa diện đa chiều nhằm tạo hiệu quả cao cho hành động. Khoa học hiện đại đang rất coi trọng khả năng tư duy tích hợp, khoa học tích hợp này. Không chỉ toán riêng, lý riêng, mà còn là toán lý. Không chỉ sinh riêng, hoá riêng mà còn là sinh hoá…Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ, ta thấy rõ năng lực tư duy này. Ví như trong Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), bàn chuyện xây nhà ở kinh thành, phải xây gạch lợp ngói. Thì trong ý nghĩ của ông không chỉ là chuyện để có nhà ở mà còn là chuyện “phải xắp xếp lại phương hướng cho hợp với binh pháp. Như vậy mới có ích lợi lớn. Như các nước phương Tây dùng nhà cửa làm thành. Đường sá qua lại chằng chịt. Ở những chỗ quan yếu có pháo đài nhỏ. Quan dân nhờ đó dễ phòng thủ. Một khi có biến, dân chúng đều rút vào nhà hết. Có ai chạy lộn xộn ngoài đường thì đó là quan binh hoặc quân loạn nghịch mà thôi nên dễ kiểm soát tầm nã”. 

- Có khả năng tư duy so sánh mà hiệu quả nhận thức từ đó dẫn đến hiệu quả hành động cao hơn là không có so sánh. Nhất là năng lực tư duy so sánh lại được dựa trên một tầm độ hiểu biết chuyện đời Đông Tây kim cổ, văn hoá Đông Tây kim cổ như Nguyễn Trường Tộ đã có thì đúng là đương thời khó ai sánh kịp, mà cả hậu thế, cũng không dễ ai hơn. Trong Tám việc cần làm gấp, Nguyễn Trường Tộ từng viết: “Đem nước ta so với thế giới mà xem mới thấy mình có nhiều thiếu sót… Nếu sau khi quan sát thế giới rồi chịu nghiên cứu cho sâu, học cho hết, sau đó nhìn lại nước mình mới thấy lời nói của tôi là thiết thực xác đáng”. Một ví dụ: Trong khi bàn việc “Sửa sang cương giới”, ông so sánh và thấy: “Bản đồ cương giới của Trung Quốc ngày nay rõ ràng hơn của ta gấp bội nhưng so với các nước phương Tây, Trung Quốc chỉ đáng một phần mười ”. 

- Có khả năng tư duy triết học dù chưa phải là một triết gia. Năng lực tư duy triết học là năng lực tư duy cao sâu hơn tư duy xã hội học, tư duy cụ thể, thiển cận. Loại tư duy này cho phép vượt lên trên trình độ nhận thức hiện tượng để nhận thức về mối quan hệ giữa các hiện tượng vốn là phức tạp, trừu tượng, thậm chí là bí hiểm. Ở Nguyễn Trường Tộ, qua các di thảo của ông cho thấy, tư duy triết thể hiện ở hai trạng thái: kinh viện và thực tiễn. Kinh viện là những điều cao sâu ít nhiều đã có ở thư tịch, chủ yếu là của phương Đông, Trung Hoa cổ đại. Ví như khi “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận), ông đã dựa vào triết lý về chữ Thế để mở đầu cho sự lập luận: “Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “Thế” mà thôi. Chỉ “Thế” là nói bao gồm cả thiên thời, nhân sự cho nên, người biết rõ “Thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc”. Hoặc như khi “Bàn về tự do tôn giáo ” (Giáo môn luận 29.3.1863) ông cũng bắt đầu từ ý tưởng “Trộm nghĩ rằng cái đức lớn của trời đất là sự sống. Sống là gì? Là làm cho muôn vật được bảo toàn thiên tính của nó. Vì vậy trên trời có sao sáng mây đẹp thì cũng có gió lớn mưa to, dưới đất có lúa tươi thóc tốt, thì cũng có cỏ xấu, sâu độc. Tuy tốt xấu khác nhau nhưng đều được sinh nở không cái nào bị hại. Như vậy, mới sáng tỏ cái đại toàn của trời đất. Chứ cái gì đẹp thì tô bồi, cái gì xấu thì dẹp bỏ, cái gi hay thì che chở, cái gì dở thì huỷ hoại thì không làm sao thấy được cái vĩ đại, cái kỳ diệu của tạo vật. Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì nếu trên đời này, nếu có ngọt mà không có đắng, người ta sẽ không biết vị ngọt là đáng yêu, có ấm mà không có lạnh, người ta sẽ không biết được cái thích thú của sự ấm áp, có trắng mà không có đen, trắng không tự mình phơi bày cái đẹp được … Cho nên trời đất không vì tốt xấu mà phân biệt mưa sương, không vì văn minh dã man mà phân biệt sự che chở….”. 

Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã đụng vào quy luật đối trọng (Contre-poids) vốn là quy luật lớn nhất của sự sống. Còn triết lý thực tiễn ở Nguyễn Trường Tộ chính là những lẽ thường tình trong sự sống con người. Ví như: “Phải biết sống theo hoàn cảnh mới là người sáng suốt hiểu đúng đạo lý” (Tám việc cần làm gấp), “Thói đời giống với mình thì vui mừng, khác với mình thì chế diễu” (Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp), “Biết rõ uy thế của ta của họ để tuỳ cơ ứng dụng đường lối cứng rắn hay mềm dẻo” (Trả lời cái câu hỏi của triều đình) “Phàm việc đời không kể lớn nhỏ chưa có việc gì hoàn toàn tốt đẹp mười phần mà không hư hỏng chút nào, cũng chưa có việc gì hoàn toàn hư hỏng mười phần mà không có ích lợi chút nào” (Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 tháng 2. Tự đức 21), “Thói thường người ta chỉ lo cứu hoạn mà không biết phải lo làm sao cho mối hoạ không sinh ra (Tiễu trừ giặc biển)”. “Ở đời nếu phải tai hoạ thì hãy chọn cái hoạ nhỏ.” “Ăn trộm thì không gì bằng ăn trộm nước” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh). 

*
* *

Với tư chất như trên, Nguyễn Trường Tộ trở thành nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX. Nội dung thiết kế bao gồm không biết bao nhiêu là vấn đề, sự việc, bộ phận, chi tiết. Lịch sử tiếp cận, đánh giá, nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ từ khởi thủy là các tác giả Đại Nam thực lục chính biên, tiếp đến là Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo, tiếp đến nữa là các vị Lê Thước, Nguyễn Trọng Thuật trên Nam phong tạp chí, Đào Đăng Vỹ trên La Patrie annamite, Hải Vân trên Hà thành thời báo, Phan Trần Chúc trên tuần báo Tân Việt Nam, Sử Tử Bình,Lục Y Lang trên Tiếng Dân, Đào Duy Anh trên báo Tri Tân, Bulletin des amis du vieux Huế, Từ Ngọc với sách Nguyễn Trường Tộ (1941) và rất nhiều người nữa tiếp theo trong đó đáng chú ý nhất là Cao Xuân Huy với luận văn “Hệ thống tư tưởng triết học của Nguyễn Trường Tộ”(1960), Đặng Huy Vận – Chương Thân – với công trình “Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị cải cách của ông” (1961), Trần Văn Giàu trong sách “Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam”(Từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám) (1973), Trương Bá Cần với sách “Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo” (2002), Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh với kỷ yếu hội thảo khoa học có tên sách “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước” (1992)… đã đề cập, đã giải mã không biết bao nhiêu điều về Nguyễn Trường Tộ. Hôm nay đến lượt tôi, người đi sau đã được học tập tiền nhân, liệu có thể nói gì thêm khi đã nổi lên trong đầu óc một ấn tượng bao quát về “Nguyễn Trường Tộ – nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX” chứ không chỉ là nhà duy tân, nhà cải cách, nhà canh tân đất nước? Hy vọng rằng cách thay đổi mệnh danh này về Nguyễn Trường Tộ may gì cũng tạo được một cách nhìn toàn diện hơn nữa về Nguyễn Trường Tộ và từ đó cũng có thể làm rõ hơn nữa tầm vóc vĩ đại của ông. Tôi xin trình bày nội dung thiết kế của Nguyễn Trường Tộ dựa theo không chỉ một mục tiêu duy tân cải cách mà hai mục tiêu là: 

- Tìm cách giành lại phần lãnh thổ đã mất cho đất nước. 

- Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường. 

A. Phần Một
Năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng. Năm 1859, Pháp bỏ Đà Nẵng vào đánh Gia Định. Năm 1862: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 1867: Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong khi Nguyễn Trường Tộ bắt đầu công việc điều trần tạm ghi là vào năm 1863. Nguyễn Trường Tộ mất ngày 10.10.1871, sau khi Nam bộ đã mất trọn 4 năm và ở Pháp có Công xã Paris xảy ra đầu năm 1871. 

Pháp xâm lược đất nước. Đúng là Nguyễn Trường Tộ đã không đi theo con đường truyền thống mà các sĩ phu yêu nước thời đó đã đi là cùng nhân dân vùng lên anh dũng, võ trang chống Pháp, nghĩa là theo quy luật indépendant bằng lối đi độc đạo là bạo động. Nguyễn Trường Tộ, bằng trí tuệ riêng, bằng cách tính toán riêng đã chủ trương đi theo con đường khác mà dân tộc chưa quen đi là theo quy luật interdépendant (phụ thuộc lẫn nhau), chủ trương trước mắt tạm “hoà” mà không “chiến”. Vấn đề “hoà” hay “chiến” là vấn đề lớn nhất của lịch sử lúc này. Trong thực tế, đã diễn ra tình trạng ở những người có trách nhiệm cầm đầu vận nước đương thời trong đó có phái chủ chiến, có phái chủ hoà, kể cả tình trạng lúng túng, hoà không ra hoà, chiến không ra chiến. Hoà cũng lắm kiểu: hoà do yếu đuối, bạc nhược, sợ địch. Hoà do có sự tính toán thiệt hơn về trước mắt và lâu dài. Nguyễn Trường Tộ cũng hoà nhưng rõ ràng là ông có sự tính toán đa dạng, đa diện, đa mưu, đa kế hơn những người chủ hoà khác. Mặc dù, với chủ trương hoà này, đương thời ông phải chịu không ít sự hiềm nghi, kể cả đến hôm nay, với hầu hết người Việt Nam có suy nghĩ thấu đáo thì sự hiềm nghi đã được rũ bỏ, chỉ còn lại sự tôn vinh nồng nhiệt. Nhưng một vài người Việt sống ở nước ngoài, không hiểu vì lẽ gì, không những không rũ bỏ mà phần nào còn cường điệu sự hoài nghi ở mức xúc phạm đến con người kiệt xuất này. Mong rằng các vị đó sẽ có lúc hồi tâm tìm hiểu lại một cách kỹ càng để tự điều chỉnh mình cho phù hợp với đà chung của học giới. Trở lại với Nguyễn Trường Tộ mà thấy thương cho ông ngày đó. Ông tâm huyết với đất nước lớn lao là thế mà đã phải gánh chịu bao sự eo xèo, hiềm nghi để phải nhiều lần thanh minh, phải như tự kêu lên rằng: Tôi không phải là tay sai cho ngoại bang. Tôi chỉ là người đang tìm một con đường cứu nước theo kiểu khác mà tôi thấy nó mới thật sự có hiệu quả. Hãy đọc lại một vài đoạn trong bài Trần tình của ông: 

“Tôi bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi, những hoài bão và việc làm của tôi có chỗ khác hơn người (NĐC nhấn mạnh)… 

“Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh, đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt giành công, tham lợi tôi đều coi như mây bay, nước chảy. Vả lại, tôi cũng không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc. Người ta ở đời sở dĩ không được thanh thản tự do mà phải chìm đắm trong lưới trần tục, lại theo phường phản nghịch, đều do hai cạm bẫy này mà ra cả. Tôi thoát khỏi vòng đó, cho nên việc làm của tôi có khác người….”(NĐC nhấn mạnh) 

“… Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn. Về việc học không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi dùng để đền đáp lại cái mà trời cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào”… “… Kíp đến lúc người Pháp gây hấn với ta, tôi đã cực lực chối từ lời mời của họ. Nhưng sau nghĩ lại tình thế nước ta hiện nay tạm hoà là thượng sách. Vì chưa đủ sức chống chọi được với họ, cho nên, phải uốn nắn mà theo họ. Như thế may ra góp được một phần nhỏ đối với việc hoà. Nỗi khổ tâm của tôi phải uyển chuyển để được chu toàn thật không bút nào tả được. Tôi đã dự định trong lòng từ lâu, nếu như việc đó được thành công thì tôi lại bay bổng cao xa ngao du khắp bốn bể… ” “…. Nếu quả tôi có lòng phản bội Tổ quốc thì sao tôi lại có thể cẩn thận suy nghĩ, bí mật lo liệu được như vậy?...” “… Mặt trời cho dẫu không soi đến. Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ”. Trong di thảo “Tâm sự với Trần Tiến Thành” (19.3.1866) ông cũng viết: “… Tôi đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chưa chắc ai đã tin ngay lời tôi nói nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi, đành cam chịu cuộc sống nghèo khó đạm bạc, để cốt chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mong được một cái gì, không bị ai sai khiến, không có một ý đồ gì khác mà thật vượt ra ngoài lẽ thường tình. Theo lẽ thường mà nói thì những việc làm của tôi như vậy, thật là khó hiểu, bấy lâu nay tôi không gánh vác việc gia đình, không thiết tha tài lợi, cả Tây Nam cũng đều thấy, như thế cốt để gạn lọc ý chí, đào luyện tính tình mà bảo dưỡng việc học tập của mình. Tất cả những điều đó vốn là để mong đợi thời hành sự để mong làm được một vài điều lòng hằng ôm ấp, để trọn ơn trên, để tròn thế sự. Chứ đâu phải cam chịu chôn mình trong cảnh tối tăm tịch mịch ? Trung và hiếu vốn là hai điều khó giữ vẹn. Nhưng chỉ nói suông không ngồi vào, không dự vào chỉ biết thân mình, nhà mình, theo thường tình thì việc an nguy của quốc gia thì coi như chuyện của nước Sở nước Việt, không hết lòng báo đáp ơn nước nhà, một mai bốn phương xảy ra nhiều việc thì thân thích của mình cũng sẽ cùng số phận với việc mất còn của đất nước. Trung không thành thì hiếu cũng chưa chắc giữ được…” 

Rõ ràng là Nguyễn Trường Tộ đã phải chịu sự hiềm nghi nặng nề trong khi bằng trí tuệ riêng của mình mà chủ trương tạm hoà (chứ không phải hoà) với Pháp. Thật là đáng quý dù bị hiềm nghi nặng nề mấy, ông vẫn kiên tâm theo đuổi đường lối vừa riêng, vừa mới của mình trong đó có chủ đích là giành lại phần lãnh thổ của đất nước đã bị mất cho thực dân Pháp. Ông cũng ghét thực dân Pháp như ai là người Việt Nam yêu nước đương thời. Ông theo dõi rất sát sao và mật báo cho triều đình biết âm mưu của thực dân Pháp: “Hiện nay ba tỉnh ngoài họ đã không trả, ba tỉnh trong lại lăm le muốn lấy, rồi tương lai sẽ gây biến động gì nữa, cứ suy việc trước ắt biết” (Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh 18.7.1864) “Những sự tình trong lời xin của họ tôi đã nói rõ trong tờ bẩm trước. Nếu việc xin của họ gặp khó khăn, trở ngại, họ cũng không cưỡng ép mà cứ dần dần thi hành cái âm mưu quỷ quyệt để mưu chiếm lấy hết… Hiện nay họ đã sai người đi theo Tiền Giang dọc thẳng các đường đến tận Vân Nam. Những nước nhỏ ở phía Tây ven sông thuộc Xiêm La thường bị họ dùng kế ly gián để dễ bề sai khiến. Họ còn lên tiếng xin nước ta cho họ sai người dọc theo đường núi từ Bình Thuận ra Bắc đến Tuyên Quang để dò đường trước rồi sẽ sai binh thuyền dọc theo ven biển từ Bình Thuận đến Quảng Yên qua cái cảng khẩu và mặt biển để dò nông sâu, vẽ vào bản đồ. Sở dĩ họ cần làm như thế là không những chỉ mưu lợi mà còn dụng ý rất thâm, tôi đã mật báo rồi, nay không dám nói rõ nữa” (Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước 15.2 – 17.3.1866), “Nay xem triều đình của họ đã có mật nghị, muốn lấy trọn sáu tỉnh hợp với Cao Miên để làm cửa ngõ lấy vùng đất hai bên sông Cửu Long dọc lên tận Vân Nam…” (tài liệu vừa dẫn). Trong “Tám việc cần làm gấp”, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc lại âm mưu của Pháp gồm 5 kế độc là: “1) Giúp bọn làm loạn chia cắt đất nước. 2) Giả hoà rồi đánh ta bất thình lình. 3) Lập ngôi soán vị rồi chuyên quyền. 4) Mượn đường diệt giặc. 5) Lấy êm bằng cách hối lộ”. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, với nhiệt tâm cứu nước theo đường lối riêng của mình, có lúc ông đã cật vấn triều đình Huế: “... Binh chưa mạnh sao không chăm lo võ bị cho mạnh… Kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, tại sao không hỏi han nhắc nhở nhau tìm mưu lập kế để ngăn ngừa? … Tại sao không đem tâm lực ra mà lo những việc cần kíp trước mắt, lại đem dùng vào những chuyện xa xôi, không thiết thực ? Tôi sợ kẻ địch xung quanh đang bức bách ta ngày kia sẽ đem giáo hoá luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta. Chừng đó ăn năn sao kịp” (Tám việc cần làm gấp 15.11.1867). Nguyễn Trường Tộ đã bày mưu định kế để tiến tới chỗ tống khứ thực dân Pháp ra khỏi Nam bộ, giành lại lãnh thổ trọn vẹn của đất nước. Trong kế sách của ông, có đủ biện pháp, có đủ chiến thuật khá là hiện đại mà nói chung là dùng trí hơn là dùng lực. Cụ thể, có mấy điểm nổi bật như sau: 

- Dùng Anh để kìm Pháp: phải nói đây là một kế sách rất cao tay. Bởi ông biết rõ mối quan hệ Anh – Pháp trong lịch sử và đương thời vốn chẳng hay ho gì, vốn có sự hiềm khích nhau. Trong “Kế hoạch duy trì hoà ứơc mới” (18 – 24 tháng 3 - 1864), ông từng viết: “Nếu muốn mưu tính việc thiên hạ, khiến những bọn ghét nhau tự xâu xé lẫn nhau để ta được nhân đó mà hưởng lợi”… “Tôi xét thấy sự thế hiện nay chỉ có người Anh có thể cộng tác được với ta. Vì Anh và Pháp có mối thù truyền kiếp. Nay người bác của vua Pháp bị người Anh đày ở ngoài một đảo xa xôi, người Pháp lấy làm xấu hổ. Người Anh mất Hợp chủng quốc do Pháp hất cảng; người Pháp sở dĩ tạm thời hợp tác với người Anh vì người Anh giỏi về đường biển. Nay nếu có đánh nhau thì người Pháp chỉ giỏi về đường bộ, không thể biến hoá được. Vả lại, người Anh đã chủ được tình thế phương Đông hơn gấp 10 Pháp. Cho nên Pháp phải miễn cưỡng hoà thuân với Anh. Nhưng tính người Pháp hay kiêu điệu, lại hay dèm pha, nên càng dễ ly gián. Người Anh tuy được nhiều nơi nhưng chưa chỗ nào hiểm trở bằng Gia Định. Nay nếu Pháp lấy được Gia Định thì sẽ bất lợi cho mình. Nên có cơ hội thuận tiện, lẽ nào người Anh bỏ qua. Nay nếu ta tỏ ý cần mượn người Anh thì cũng dễ nói:” Việc ly gián Anh – Pháp còn được Nguyễn Trường Tộ nói lại nhiều lần trong nhiều văn bản khác, và trong khi bàn chuyện này, Nguyễn Trường Tộ cũng đã nghĩ đến cái nạn “đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau” (lời của Nguyễn Trường Tộ). Và ông có cách biện giải, tựa như trong chuyện đánh cờ tướng vậy, gặp nước cờ này thì đi nước cờ khác, gặp tình thế nào sẽ tìm cách giải quyết tình thế ấy theo binh pháp “tương kế tựu kế” rất biến hoá. Nguyễn Trường Tộ còn chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp với các nước khác mà Napoléon đã gây ra là YphaNho, Áo Đại Lợi, Nga La Tư, Ý Đại Lợi, Hà Lan…. và mở rộng quan hệ với nước ngoài nói chung nhằm tạo thế đứng cho đất nước trên trường quốc tế để từ đó tranh thủ mọi sự ủng hộ, khai thác nhiều quan hệ lợi cho đất nước hơn ở tình trạng chỉ bó hẹp lại trong quan hệ giữa ta với Pháp mà đã bị Pháp bắt nạt, kìm chế. 

- Vừa khoét sâu vào mâu thuẫn của nội bộ thực dân Pháp, vừa tranh thủ sự ủng hộ của người Pháp. Nguyễn Trường Tộ nắm khá rõ mối quan hệ giữa Tây soái ở Gia Định và Chính phủ Pháp trong đó có chuyện dối trá của Tây soái trong các báo cáo về tình hình ở Việt Nam. Do đó ông tìm cách gây bất lợi cho Tây soái trước Tây triều. Bấy giờ có Aubaret (Hà Bá Lý) là một sĩ quan của Pháp sang xâm lược Việt Nam nhưng là một người có học, từng tiếp kiến Nguyễn Đình Chiển và dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, từng khuyên triều đình Pháp trả lại ba tỉnh Đông Nam bộ cho ta, lại có thâm thù với Tây soái, nên Nguyễn Trường Tộ dặn “sứ bộ đi Tây ngầm tìm được ông ta, dùng lời nói khôn khéo và cầu kế với ông cũng được”. (Nói rõ thêm về văn bản ngày 16 . 2 Tự Đức 21). 

- Vạch kế hoạch thu hồi 6 tỉnh một khi có thời cơ. Thật là kinh ngạc về khả năng dự báo của Nguyễn Trường Tộ. Ngay từ năm 1864 mà ông đã dự báo “Nước Pháp vài năm sau tất sẽ có nội loạn” (Kế hoạch duy trì hoà ước mới(18 – 24 tháng 3 năm 1864). Quả đúng như thế. Ba năm sau, năm 1871, cuộc cách mạng đầu tiên của công nhân và nông dân Pháp nổ ra và nhất thời thắng lợi (18 -3). Chính phủ Chie (Adolpie Thiers) bỏ chạy về Vecxay (Versailles), nhân dân Paris tiến hành bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, lập Hội đồng công xã (28.3). Nguyễn Trường Tộ với nhận thức, “đại phàm việc thiên hạ, để thời cơ trôi qua mà hối tiếc, với thời cơ chưa đến mà cưỡng làm, đều sai lầm như nhau cả. Cho nên người khôn tuỳ thời mà giải quyết công việc, tuỳ việc mà ra mưu, gặp thời làm được thì gấp rút ra tay, không bỏ qua cơ hội”. Lúc này là lúc có cơ hội. Nguyễn Trường Tộ vạch “Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh” (1.2.1871), trước cả ngày công xã Paris thành công. Ông nói rõ: “Hiện nay người Pháp đang gặp vận hội thay đổi lớn. Chính là lúc ta nên gấp rút đặt kế hoạch. Năm trước tôi đã nói “kỳ hạn khôi phục trong mười năm” là cũng đã liệu trước sẽ có cơ hội này, chứ không phải nói quàng, nói hão. Những lời trình bày của tôi trong những năm gần đây, tất cả đều quy vào việc tạm hoà để nghỉ sức, canh tân để mạnh thế của ta, cầu viện để giúp thêm cho ta. Còn dùng binh lực để quyết liệt một phen thì chưa nói đến. Vì muốn khôi phục lại được tất phải đổi mới tiến lên và giao thiệp rộng. Có hai cái ấy làm cơ sở, binh lực mới từ đó mà ra. Nhưng làm hai điều này phải khá lâu chớ không phải kể năm kể tháng mà được. Nếu không lo làm nhanh, đã muộn lại muộn thêm, khi thời cơ đến mà phương tiện chưa đủ hoá chẳng đáng tiếc lắm ru?”. 

Trong kế hoạch này, trước hết Nguyễn Trường Tộ chỉ ra những thuận lợi liên quan đến thời cơ và nêu lên nhiều biện pháp cụ thể để tuỳ cơ mà áp dụng như: 

1. Cử một đại thần vào gặp Tây soái ở Gia Định khuyên dồn quân về một nơi còn lại các nơi khác trả lại cho ta hết. 

2. Sai người đi khắp sáu tỉnh , xúi dân đâu đâu cũng dự bị làm loạn và tung tin khắp nơi khiến cho y (Tây soái) biết được việc ấy. 

3. Sai người đi Hương cảng bảo các khách buôn giàu, hứa ngày sau sẽ cho buôn bán ở một hai cửa biển lớn và cho bán nha phiến cả nước mà không đánh thuế, nhưng trước hết xin họ xuất tiền cho mua một số đại pháo, nhờ thuê cho một số người Anh lưu vong, xây một số pháo đài theo kiểu Tây ở cửa Thuận An, Nghệ An, Đà Nẵng, sông Gianh… 

4. Từ Nghệ An trở vào Nam, giả vờ thôi thúc quân lính, ban rõ hiệu lệnh phao tin khắp mọi nơi nổi lên đánh giặc. 

5. Sai người đi Cao Miên tìm Cầm Bô lấy lời khôn khéo xui sử y trên ấy nổi dậy trước, dưới này ta sẽ đánh thúc lên… 

6. Làm công tác binh vận kêu gọi những người Việt được Pháp huấn luyện làm lính tập, mã tà… hãy là người còn có lòng người, còn nhớ đến Tổ quốc, tất cả đâu đó sẵn sàng. 

7. Kêu gọi Hoa Kiều từng là khách nhưng ở nước Nam đã lâu, bị Tây ức hiếp, nhân lúc này hãy ngầm tiếp tay với người Nam để có lợi về sau. 

8. Tranh thủ tầng lớp quan lại từng làm quan cho Pháp bằng cách tỏ lời thông cảm với hoàn cảnh vạn bất dĩ của họ, chỉ cho họ thấy lợi hại trước tình hình mới. 

9. Dùng thủ thuật gây nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ người Pháp và cả những người cộng tác với Pháp, tìm cách kéo họ về phía mình. 

10. Mật sai các đại gia thế tục trong 6 tỉnh Nam bộ họp nhau làm tờ thương nguyện gửi lên quan Tây sở tại, tung tin triều đình Việt Nam sắp hành động, gây sức ép để Pháp phải làm theo ý ta. 

Kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam bộ của Nguyễn Trường Tộ còn có nhiều điều khác nữa. Ở đây không thể nói hết. Nhưng điều này thì không thể không nói. Đó là “kế hoạch đánh úp Gia Định”. Trên cơ sở theo dõi sát sao, hiểu biết khá tường tận tình hình nước Pháp vào đầu năm 1871, với ý thức tranh thủ, chớp thời cơ, chỉ sau 8 ngày dâng “kế hoạch thu hồi sán tỉnh” (1.2.1871), Nguyễn Trường Tộ dâng tiếp điều trần “Bổ túc kế hoạch đánh úp Gia Định” (9.2.1871). Nội dung gồm 2 bước: 

- Bước 1: là gấp rút cử phái bộ đi Pháp để tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước từng ít nhiều có mặt này mặt khác, mẫu thuẫn với Pháp, nhân dịp này đứng về phía Việt Nam. Đó là các nước Y Pha Nho, Anh, Thổ. Tìm cách tranh thủ Giáo hoàng La Mã để Giáo hoàng ra lệnh rút các giáo sĩ người Pháp ở Việt Nam về nước, nhường chỗ cho các giáo sĩ người YPhaNho – Gặp gỡ, thuyết phục, lung lạc tâm lý giới cầm quyền nước Pháp trong hoàn cảnh đang bị rối loạn trả lại 6 tỉnh Nam bộ cho Việt Nam. Mặt khác, cũng không quên tìm cách lung lạc tâm lý của Tây soái ở Gia Định. 

- Bước 2: Nếu bước 1 đã thành công thì không cần bước 2, nhưng không thành công thì bước 2 sẽ là như sau: Nguyễn Trường Tộ đóng vai trò trá hình, làm phản gián bằng cách giả xin bổ ông một chức quan trong triều nhưng lại ăn nói phạm thượng để bị cách chức. Từ đó, ông sẽ đóng vai trò của một người chiêu hồi với Tây soái. Và với vai trò chiêu hồi giả này, ông làm việc cho Tây nhưng thực tế là để đi khắp Lục tỉnh tìm cách móc nối với các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị nhiều thứ trong đó có cả chuẩn bị vũ khí, luyện tập binh sự, chờ đợi thời cơ. Ngoài ra còn ra Bắc móc nối với những người từng có dã tâm muốn vào làm việc với Tây soái, lừa Tây soái cấp giấy tiếp nhận họ nhưng lại bí mật gửi cho triều đình biết loại người này. Riêng với một số người trong bọn này đã vào Gia Định, thì cuối cùng lại biến họ thành người có công với đất nước trong việc đánh úp Gia Định. Mặt khác, bố trí người tìm cách lung lạc tâm lý Tây soái, xúi nó rút quan võ về nước, thay bằng quan văn. Mọi việc chuẩn bị như thế là không thể nóng vội mà hỏng việc phải trong khoảng 2 năm. Cuối cùng việc chuẩn bị hoàn thành thì chuyển sang kế hoạch đánh úp, trước hết bằng cách nhân đêm khởi sự: phá đê ngăn nước để “Các thuyền Tây ở mặt dưới không kể lớn nhỏ đều bị chìm hoặc vùi xuống dưới bùn, hoặc trôi xuống ngã ba mà tan rã hết ”.Trong khi đó hô hào quần chúng nổi dậy. Theo ông là: “Phải nuốt giận mà vào, thừa lúc họ đang buông lỏng không phòng bị mới có thể đuổi giết họ được.” 

Quả thật chỉ qua hai bản điều trần về việc thu hồi 6 tỉnh, đánh úp Gia Định cũng đủ thấy Nguyễn Trường Tộ là một nhà cứu quốc, một nhà chiến lược chiến thuật, một nhà tâm lý chiến, đại tâm, đại trí, đại tài. Xin hãy đọc thêm mấy dòng cuối của điều trần “Bố trí kế hoạch đánh úp Gia Định” để rõ thêm ông là người thế nào: 

“Tôi lại có tâm sự xin trần tình một lời lên rằng: Nếu được triều đình tin dùng thì trên đội đức Hoàng đế, uy quyền triều đình, giữa nhờ các quan tổng binh, chỉ vẽ phương lược, dưới nhờ tướng sĩ đồng lòng, may mà quét sạch quân thù, khi trở về, tôi xin từ chức về vườn ngay để phụng dưỡng mẹ già mà thôi. Khi nào triều đình có việc cần đến, tôi lại vâng mệnh, việc xong lại xin về như trước, còn tước lộc quyết không dám nhận”. 

B. Phần Hai

Là phần thiết kế duy tân đất nước cũng không chỉ với một mục tiêu mà hai mục tiêu có quan hệ tương hộ: duy tân để giành độc lập. Duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường. Nội dung thiết kế phần hai này là vô cùng phong phú. Có dịp đối sánh với những gì mà thế hệ sau ông, các nhà Duy Tân, các nhà Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX từng đề cập tới, mới thấy hết tầm vóc phong phú, bề thế của Nguyễn Trường Tộ, nhất là ở phương diện của một cá nhân trong khi sau đó là của phong trào gồm nhiều cá nhân. Đọc lại di thảo của Nguyễn Trường Tộ và những công trình nghiên cứu về ông đã có, sẽ thấy rõ điều đó. Ở đây chỉ xin điểm lại những nét chính như sau: 

1- Vấn đề chính thể xã hội 


Chính thể xã hội vừa là cơ sở tồn tại vừa là mục tiêu hướng tới của mọi phương diện hoạt động trong cuộc sống của một quốc gia, kể cả một khi có công cuộc duy tân. Sau Nguyễn Trường Tộ, với các nhà Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục ở đầu thế kỷ XX thì công cuộc duy tân đã dược tiến hành với khát vọng xây dựng một xã hội dân chủ tư sản. Trong khi với Nguyễn Trường Tộ trước đó thì vẫn duy trì chế độ phong kiến. Bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng” (cuối tháng 5.1866) thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên phải thấy mô hình chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ nhe nhắm lại có những nét riêng so với chế độ phong kiến đương thời của nhà Nguyễn như sau: 

- Đã thấy rõ những mặt trái; những xấu xa của chế độ phong kiến đương thời. Sau này có người mệnh danh ông là “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, chính là từ đó. Xin dẫn ra đây một vài lời của ông để biết cái cảm hứng phê bình ở ông là thế nào? 

“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sinh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của nhân dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi. Trong triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn các bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra lâu rồi… đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát nhân dân mình, giận cá chém thớt. Khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây” Thật đúng như câu nói “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”. 

- Chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ muốn có là một chế độ phong kiến hoà mục. Có thể nói đây là chỗ Nguyễn Trường Tộ còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, của Khổng nho vốn có thuyết “trung dung” mà sau này bị các học giả Mác xít cho là phản động, là “điều hoà mâu thuẫn giai cấp” là thủ tiêu đấu tranh giai cấp để duy trì chế độ người bóc lột người. Nhưng gần đây thì khác. Trên đất nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa, người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Hoa lại kêu gọi bỏ chữ “đấu” mà theo chữ “Hoà”. Với Nguyễn Trường Tộ, đúng là muốn có một chế độ phong kiến dựa trên chữ Hoà. Trong bản điều trần “Ngôi vua là quí, chức quan là trọng”, ông từng viết: 

“….mọi quyền lợi hành vi trong một nước phải do vua nắm và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài qui luật này ra đều là tội cả”. 

“…Đó là điều mà sách kinh đời xưa đã ghi chép như vậy, các bậc hiền triết đã làm như vậy, những người khai sáng đã tạo lập qui mô như vậy. Phong tục đã kết thành như vậy, các nước đã noi theo một trật tự như vậy mà một mai có người muốn lập lại một cái gì khác, thật cũng khó có thể làm được. Cho nên làm vua biết rõ cái thế trường cửu đã có, không có bụng nghi ngờ bề tôi ở dưới, kẻ làm dân biết rõ cái thế lợi hại của việc trị việc loạn nên không có chí phạm thượng. Trên dưới tự mình không nghi ngờ lẫn nhau. Mọi việc đều có sự phó thác rõ ràng người nhận lãnh vui lòng, không có điều gì tối tăm, lo lắng, cho nên dễ đi đến chỗ đúng đắn, dễ cởi mở, dễ phân giải, tất cả đều do thật lòng tin tưởng nhau…” 

Khi đưa ra những ý kiến như trên, Nguyễn Trường Tộ không chỉ dựa vào kinh điển nho gia xưa mà còn có sự quan sát, suy tính từ chế độ xã hội ở những nước như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác ở phương Tây. Chính ông đã nói thế. 

- Tuy vẫn theo chế độ phong kiến nhưng lại rất đề cao pháp luật. Có thể nói chế độ phong kiến mà Nguyễn Trường Tộ chủ trương là chế độ phong kiến pháp quyền, chứ không là độc quyền. Trong điều trần “Tám việc cần làm gấp”, ông đã đề nghị mở khoa luật với ý tưởng. “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật và những luật mới bổ sung từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia…. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật. Bởi ở các nước Phương Tây, phàm những ai đã nhập ngạch bộ Hình xử đoán các vụ kiện tụng thì chỉ có thăng trật chứ không bao bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bỏ cuộc nào. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong bộ ấy”. 

Có thể có người cho rằng Nguyễn Trường Tộ đã có hạn chế trong chủ trương “Ngôi vua là quí chức quan là trọng”. Với cách nghĩ thông thường thì đúng thế là hạn chế. Nhưng quan sát lịch sử nhân loại xưa và nay cho thật thấu đáo để nghĩ thì chuyện cũng không phải là đơn giản khi nói đến hạn chế này của Nguyễn Trường Tộ. 

2. Nội dung duy tân, cải cách 
Trong hệ thống điều trần của Nguyễn Trường Tộ, hai văn bản trực tiếp có nội dung duy tân, cải cách tập trung nhất là: “Bản kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh khoảng 20 – 6 đến 18 – 7 năm 1864” và bản “Tám việc cần làm gấp” (15.11.1867) 

Trong “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh”, Nguyễn Trường Tộ đã từ việc tổng kết lại tình hình lịch sử Đông Tây, Đông văn minh trước, Tây văn minh sau, nhưng Tây khôn ngoan vượt lên trên Đông theo quy luật vừa cạnh tranh, vừa học tập, lợi dụng nhau trong sự sống; từ việc nhìn lại lịch sử đất nước hiện đang bị cản trở bởi những người “Cứ viện xưa chống nay nói quấy qúa làm rối loạn việc chính trị, đàm luận xì xào để chia bè lập đảng mà bài bảng triều đình. Họ có biết đâu thời thế đổi thay, có những cái của đời xưa không áp dụng cho đời nay được” Ông để xuất những điều cấp thiết. “Đó là …. các phương pháp làm hạt nổ và đúc súng, đúc kim loại cùng các môn quang học, cơ học, hoá học, khai mỏ than”. Cách đề xuất của Nguyễn Trường Tộ chính là cách xây dựng phát triển cơ sở khoa học kỹ thuật tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, làm giàu đất nước. Đúng là rất hiện đại như ngày nay đất nước đã và đang làm. Cũng từ cách đặt vấn đề một cách hiện đại như thế, ông cho việc làm giàu trước mắt gồm các điều khoản: 

Một là khai thác nguồn lợi về biển 

Hai là khai thác nguồn lợi về rừng 

Ba là khai thác nguồn lợi về đất đai 

Bốn là khai thác nguồn lợi về mỏ. 

Ở mỗi điểm được nêu lên, ông đều có cách biện giải đến nơi đến chốn dựa trên sự hiểu biết về chuyên môn, về tình hình thế giới và đặc biệt là có tư tưởng lớn. Ví như ở đây, bàn đến chuyện làm giàu, ông đã phản bác lại quan điểm nho gia đang ngự trị lớp người hủ nho trong quan niệm “an bần lạc đạo” (an tâm trước cảnh nghèo để vui với đạo), “Phi thương bất phú, vi phú bất nhân” (không buôn bán thì không giàu. Nhưng đã làm giàu thì không đạo đức). Ông nói: “Về tài lợi nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai oán trách thu nhập ấy, đó là nền tảng của nhân nghĩa” (NĐC nhấn mạnh). Nguyễn Trường Tộ chủ trương làm giàu để có lợi cho dân. Ông nói: “Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của cải. Do đó mà nước giàu mà dân cũng giàu”. “Nay nói về việc nước, khi đã có đủ của cải rồi thì lệnh trưng thu của cải trong dân chúng để cung ứng cho việc nước sẽ ngày càng giảm bớt mà sự nghiệp củng cố cho nước mạnh sẽ ngày càng tăng”. Ông vạch ra cho mọi người thấy “Có nhiều lối làm giàu, nếu đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết”. Trong “Tám việc cần làm gấp” để canh tân đất nước, ông nêu lên gồm: 

Điều thứ nhất: xin gấp rút sửa đổi việc võ bị 

Điều thứ hai: xin hợp tỉnh để giảm bớt số quan lại và khoá sinh 

Điều thứ ba: xin gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ 

Điều thứ tư: xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng 

Điều thứ năm: điều chỉnh thuế ruộng đất 

Điều thứ sáu:
 sửa đổi lại cương giới 

Điều thứ bảy: nắm rõ dân số 

Điều thứ tám: Lập viện dục anh và trại tế bần 

Mỗi điều cũng lại là một nội dung vừa phong phú vừa đích đáng. Trong đó vẫn có phần xác lập quan điểm, nhận thức làm nền cho các biện pháp cụ thể. Ví như trong điều thứ tư “xin sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” thì bắt đầu là việc giới thuyết “học là gì”, tiếp đến là nhận định, phê phán tình hình học thuật đương thời là “từ trẻ đến già, từ trường công đến trường tư đua nhau trau chuốt từng câu hay từng chữ kheó sao mà tệ mạt đến thế. Nếu đem cái công phu đã bỏ tâm trí một đời ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì cũng có thể chống được giặc, Nếu đem cái công lao nửa đời người đã dùng để học thuộc lòng những tên người tên xứ, rập khuôn việc chính trị, nhắc lại những cặn bã, xa xưa của Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống Nguyên mà học những việc hiện tại như binh, hình, luật lệ, tài chính, thương mại xây dựng canh nông, dệt và những cái mới khác thì dần dần cũng có thể làm cho nước mạnh dân giàu. Tại sao đến nay vẫn chưa nghe dân chúng khuyên nhau học những cái thực dụng ấy, mà chỉ ưa chuyện kỳ dị xa xưa, bàn bạc những chuyện từ họ Hy Hoàng, còn việc nước, dân tình được mất đều phó mặc cho triều đình. Vậy phải chăng họ tự xem họ như con nít? Không phải lỗi ở họ mà chính ở học thuyết… Nói về học thuyết mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại (Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói, tôi sẽ nói rõ). 

Đoạn văn này đáng xem là linh hồn, là điều cốt lõi nhất làm nền cho mọi đều nghị cải cách, mọi bộ phận, mọi chi tiết trong bản thiết kế duy tân của Nguyễn Trường Tộ. Ở đây trong điều thứ tư này, Nguyễn Trường Tộ đã đi đến những đề nghị cụ thể gồm các việc thành lập: 1) Khoa nông chính. 2) Khoa thiên văn và khoa Địa lý. 3) Khoa công kỹ nghệ. 4) Khoa luật học. Và “Dùng quốc âm” với quan điểm cơ bản là: 

“Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng, tập tục sẽ làm thay đổi con người, dù người tốt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, huống gì những hạng dưới, lòng người đã hư hỏng thì khó tìm được người chuộng nghĩa thực tâm sốt sắng việc công.” Rõ là Nguyễn Trường Tộ đã rất gần với quan điểm trong thời đại hôm nay: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội” và “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. 

Trong nội dung duy tân, cải cách của Nguyễn Trường Tộ ngoài những điều trên đây còn có rất nhiều vấn đề cụ thể, thuộc các lãnh vực: quân sự, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, thuế khoá, nông nghiệp, tài nguyên, khai mỏ, giáo dục, khoa học kỹ thuật, giao thông vận tải, hành chính, ngoại giao, cải cách phong tục, tôn giáo… Riêng về tôn giáo, Nguyễn Trường Tộ xứng đáng là một người đẹp đời, đẹp đạo trọn vẹn. Ông chủ trương tự do tôn giáo. Ông đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Ông tìm cách tranh thủ một số linh mục Thiên chúa giáo tham gia công việc khôi phục lãnh thổ của đất nước. Ông thiết tha đoàn kết lương giáo. Và ở ông, ít nhiều cũng hé lên một ý tưởng xây dựng đạo giáo Thiên chúa độc lập của Việt Nam một khi mà ông bày kế thuyết phục Giáo hoàng La mã gọi các giáo sĩ Pháp về nước vì đã thấy có sự phức tạp trong quan hệ giữa các linh mục đó với quyền lợi dân tộc. 

*
* *

Bạn đọc kính mến! 

Như thế là tôi đã quá dài dòng về Nguyễn Trường Tộ, mặc dù trong thâm tâm và về cảm hứng vẫn còn muốn nói nhiều nữa về ông. Ít ra thì cũng thấy mình bất cập trước những gì mà nhà thiết kế vĩ đại này đã cống hiến cho đất nước ở thời buổi bế tắc, khổ nhục ấy. Trước khi dừng bút, tôi chỉ xin quý vị độc giả thông cảm cho tôi ở bài viết này, chủ đích là muốn tạo ra một cách nghĩ, một cách đánh giá bản thiết kế vĩ đại, rất vĩ đại đó hơn là việc nói lại một cách chi ly, cặn kẽ bản thiết kế. Và cũng xin nói lại: Thật là tiếc, vô cùng tiếc cho đất nước rằng lịch sử quá khắc nghiệt, đã không cho Nguyễn Trường Tộ được làm tiếp vai trò của một tổng công trình sư. Giá gì ông được làm tiếp vai trò đó thì không chừng, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thời đó đã trở thành một “Nhật Bản thứ hai”. Chẳng phải có người đã coi Nguyễn Trường Tộ là Y Đằng Bác Văn của Việt Nam đó sao! Nhưng sự sống thật là trớ trêu. Nguyễn Trường Tộ nếu sinh ra trên đất Nhật thì sẽ không chừng sẽ thành Y Đằng Bác Văn. Chứ ở Việt Nam ta thời đó thì cũng chỉ là Nguyễn Trường Tộ. Mà ngay cả Y Đằng Bảo Văn nếu sinh ở Việt Nam thì cũng là Nguyễn Trường Tộ thất bại mà thôi. 

Nhân kỷ niệm 180 năm sinh Nguyễn Trường Tộ

Yên Hoà thư trai Mậu Tý, trọng thu 


(9. 2008) 

Chú thích:
 

(1) Những trích văn trong bài viết này đều lấy từ sách “Nguyễn Trường Tộ: con người - di thảo” của Trương Bá Cần. NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 2002. 

10. Từ những đề nghị cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ - Suy nghĩ về giáo dục hiện nay
Trong 58 bản điều trần mà Linh mục Trương Bá Cần đã tập hợp dịch và in trong cuốn Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo (Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tái bản 2002), Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị cải cách đất nước trên hầu khắp các lĩnh vực: kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính); văn hoá (giáo dục, ngôn ngữ); xã hội (cải thiện đời sống); chính trị - quân sự (nội trị, ngoại giao, quốc phòng). Bài viết này xin bày tỏ một số suy nghĩ nhân đọc về các đề nghị cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ được ông trình bày qua 2 bản điều trần: Di thảo số 18: Về việc học thực dụng ngày 1/9/1866 và Di thảo số 27: Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm gấp) ngày 15/11/1867, chủ yếu là
Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) sống một cuộc đời ngắn ngủi trong bối cảnh lịch sử đầy sóng gió. Lúc ông đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước phải đối mặt với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp - một kẻ thù đến từ phía trời Tây xa xôi, lại hơn ta cả một giai đoạn phát triển xét từ kết cấu kinh tế đến tổ chức xã hội, từ những ưu thế quân sự, chính trị đến những thành tựu văn hoá, tư tưởng. Trong khi nước Pháp đang ở thời kỳ phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất thì nước ta dưới triều Nguyễn vẫn đang im lìm trong đêm trường phong kiến chuyên chế phương Đông với hệ tư tưởng Nho giáo lỗi thời, với nền giáo dục khoa cử Tống Nho giáo điều, bảo thủ. Các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử… từ thuở xa xưa vẫn là sách gối đầu giường của trí thức Nho sĩ - tầng lớp tinh hoa của dân tộc.
Trước Nguyễn Trường Tộ, ở nước ta có Hồ Quý Ly (1336- 1407) và Lê Quý Đôn (1726-1784) đã từng phê phán lối giáo dục khoa cử Tống Nho phù phiếm, không liên quan tới cuộc sống. Lê Quý Đôn đã có dịp tiếp xúc với một ít sách vở phương Tây qua bản dịch Hán văn và cho rằng kiến thức ở các sách đó “sâu sắc và mới lạ vô cùng… có nhiều điều tiên nho ta chưa tìm ra, nói ra được” (Vân Đài loại ngữ - chương Lý khí)(1). Trong Kiến văn tiểu lục, quyển 2 Thể lệ thượng, mục Khoa cử,Lê Quý Đôn lại viết: “…đặt ra khoa cử, tuy có thi từ, phú, sách, luận, thể thì văn hoa, thể thì chất thực, thể chế khác nhau, nhưng tóm lại chỉ là dùng lời nói suông để chọn người, mà người ta cũng dùng lời nói suông để ứng đối lại, thực ra thì đến khi thi thố ra việc làm vẫn không phải những điều ấy. Vả chăng căn cứ vào văn chương trong mấy bài thi nơi trường ốc, chỉ biết sơ lược, đại khái, làm gì mà có thể xem xét hết được nhân tài?”(2).
Đáng tiếc tiếng nói của Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn thật lẻ loi, cơ hồ không có lời đáp lại. Phải đến nửa sau thế kỷ XIX, khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ lần lượt mất vào tay thực dân Pháp, khi nền giáo dục khoa cử Nho học và hệ tư tưởng Nho giáo tỏ ra hoàn toàn bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử thì mới có một loạt các bản điều trần gửi đến triều đình Huế xin đổi mới đất nước, trong đó có những tiếng nói phê phán mạnh mẽ nền giáo dục giáo điều. Vượt lên trên tất cả là các bản điều trần phong phú, táo bạo và hết sức mới mẻ của Nguyễn Trường Tộ.
Từ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của giáo dục “học tập bồi dưỡng nhân tài tức là con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh” (Về cái học thực dụng), “không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng” (Tế cấp bát điều), Nguyễn Trường Tộ đã phê phán nền giáo dục Tống Nho hiện hành mạnh mẽ.
Trước hết là phê phán quan niệm xưa hơn nay. Trong Tế cấp bát điều có đoạn:“…người đời nay phần nhiều không hiểu được sự thế xưa nay đổi dời ra sao, cứ ca tụng thời xưa, cho rằng đời sau không thể bằng được. Làm gì họ cũng muốn đi ngược theo xưa…”. Lập luận của ông thật rõ ràng “Thời đại nào có chế độ ấy. Con người sinh ra vào thời đại nào thì cũng chỉ đủ làm công việc của thời đại ấy mà thôi. Vậy thì người sinh vào thời xưa làm xong công việc của thời xưa. Rồi dần dần thời thế đổi dời làm sao có thể chỉ mỗi ôm giữ phép xưa mãi được. Người xưa làm cung tên để đánh giặc, sử dụng giỏi có thể thắng. Nhưng nay đem địch với đại pháo thì cung tên chỉ là trò chơi con nít mà thôi. Cho dẫu có tài bắn hay cũng khó tránh thua bại”.
Tiếp đó ông chỉ trích lối học không đi đôi với thực hành, “…Ngày nay, chúng ta lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ, phú, lớn lên ra làm quan thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ học nào là Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ thì học nào là thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi hết rồi), lớn lên ra làm quan thì phải dùng đến địa lý, thiên văn, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn…”.
Cuối cùng, Nguyễn Trường Tộ đòi hỏi thay thế nền giáo dục đó bằng một nền giáo dục thiết thực. Lời lẽ của ông thật thiết tha: “Nếu để công phu trau dồi văn hay, chữ tốt đó mà học những công việc hiện tại như học trận đồ binh pháp, học xây thành giữ nước, học cách bắn đại bác… cũng có thể chống được giặc vậy. Nếu để công lao trong mấy mươi năm đọc thuộc lòng những tên người, tên xứ, những chính sự trong sách, nghĩa lý lộn xộn của Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên thuở trước mà học những công việc hiện tại như học việc binh, việc hình, luật lệ, tài chính, kiến trúc, canh cửi, cấy cày và các cái mới lạ khác mới có thể làm cho nước mạnh, dân giàu được” (Tế cấp bát điều).
Như vậy, nếu phê phán của Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn chỉ mới là những hành động cải lương nhằm làm cho giáo dục, khoa cử Nho học phù hợp hơn với nhu cầu thực tế đương thời, thì phê phán của Nguyễn Trường Tộ là sự phê phán quyết liệt, nhằm xoá bỏ hẳn nền giáo dục đó, thay vào đó bằng một nền giáo dục mới hiện đại theo kiểu phương Tây. Hay nói theo cách nói của ông là một nền giáo dục có “việc học thực dụng”. Đáng tiếc là những phê phán đúng đắn như thế cùng với các đề nghị cải cách thiết thực khác của ông đều không được triều đình chấp nhận và nhanh chóng bị chìm vào quên lãng sau khi ông qua đời. Phải đến ba thập kỷ sau, tư tưởng cải cách của ông mới đơm hoa, kết trái trong phong trào Duy Tân do hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đề xướng, mở đầu cho trào lưu cách mạng dân tộc, dân chủ tư sản ở nước ta đầu thế kỷ XX.
Các đề nghị cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ theo lối phương Tây hiện đại như đặt các khoa nông chính, thiên văn, địa lý, địa chất, đặt các khoa cơ xảo, toán học, pháp luật, chính trị… thì hiện nay, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện được. Riêng việc học ngoại ngữ còn nhiều điều đáng bàn. Nguyễn Trường Tộ đề nghị dạy các thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Java, Cao Miên, Lào. Thế mà, có lúc ta chỉ dạy mỗi tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, có lúc lại chỉ tập trung chủ yếu vào tiếng Anh mà không biết rằng mỗi ngoại ngữ đều có ưu thế riêng và thích hợp với một số lĩnh vực chuyên môn nhất định. Ví dụ các ngành khoa học xã hội nhân văn, nhất là lịch sử đòi hỏi người nghiên cứu phải biết tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và thông thạo Hán Nôm. Ngày xưa, Nguyễn Trường Tộ than thở: “…xưa nay trên thế giới chưa có một nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thực lạ đời” (Tế cấp bát điều). Ngày nay, hẳn con cháu ông không ai muốn phải lặp lại lời than đau lòng ấy!
Nguyễn Trường Tộ nói học để hành. Khổng Tử chẳng đã từng dạy: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (Luận ngữ, Học nhi), nghĩa là: Học và tùy lúc cũng tập làm nữa, há chẳng vui sao! Ngay La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - một vị Tống Nho bảo thủ mà cũng đã từng dâng tấu lên vua Quang Trung năm 1791: “Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Hoạ may nhân tài mới có thể thành tựu, nhà nước nhờ đó mà yên”(3).
Nhìn lại thực tại, lâu nay học sinh, sinh viên của ta đa số chỉ lo học để thi. Mà thi cử hiện nay thật nặng nề. Có quá nhiều kỳ thi mà lại chủ yếu là kiểm tra trí nhớ, sao chép bài mẫu, lại thiếu nghiêm túc. Báo chí đã nhiều lần phản ánh thực tế thi cử hiện nay hạn chế học trò bằng các bài văn mẫu. Giữa thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức vẫn còn tái diễn cảnh “lều chõng” thời trung cổ. Thực học hay lối học phù phiếm, học để biết, để làm, để trở thành người hữu ích cho xã hội hay học để có bằng cấp, học vị, từ đó có địa vị cao trong xã hội…, tất cả bộc lộ rõ ràng ở các mùa thi. Trên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng cả một bộ máy kềnh càng để nghiên cứu cách tổ chức thi, ra đề thi, thanh tra thi, mỗi năm một kiểu. Dưới thì cả nhà, cả họ, cả làng đi thi…, rồi thì các sách luyện thi, các lò luyện thi, các lớp học thêm, dạy thêm, các kỳ thi thử, các máy photocopy thi nhau hoạt động. Ba chung rồi đến hai chung, tự luận rồi trắc nghiệm… mà vẫn không thấy chất lượng giáo dục đi lên.
Đó là chưa kể gần chục năm trời tồn tại cách thi hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học trò - cách thi dựa theo bộ đề có sẵn (và tất nhiên có sẵn sách hướng dẫn giải bày la liệt ở các hiệu sách!). Sau nhiều năm ta mới bỏ được kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, thi vào Trung học cơ sở, bỏ bớt các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Hiện nay còn 2 kỳ thi tốn kém là thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi tuyển sinh Đại học dự kiến nhập làm một từ năm học 2009-2010 dù mới tiến bộ nửa vời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Thực tế chừng nào mà xã hội còn quá coi trọng các kỳ thi, quá coi trọng bằng cấp mà không căn cứ vào năng lực thực tế, không coi trọng thực học, chừng đó còn có các dịch vụ ăn theo ở mọi nơi, mọi cấp học như kỹ nghệ “phao” thi, thi thuê, viết luận văn, luận án thuê, làm bằng giả, học giả nhưng bằng thật.
Nhớ lại, Nguyễn Trường Tộ không có bằng cấp gì, luôn tự nhận mình thân phận hèn mọn, nhưng luôn luôn chăm chỉ học tập với mục đích thật trong sáng, cao đẹp. Trong bài trần tình ngày 13/5/1863, ông viết: “Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy thường hay dùng đó làm phương tiện để cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để đền đáp lại cái mà trời đã cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào…”.
Nhờ quá trình tự học không ngừng, nhất là thời gian chu du ở các nước từ Trung Quốc đến Singapore, Italia, Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã có một gia tài đó là tri thức bách khoa. Trong khi nhiều vị tiến sĩ Hán học thời bấy giờ nay chỉ còn để lại cho đời được cái tên trên bia đá thì con người “hèn mọn” đó đã làm được bao việc có ích cho quê hương, đất nước. Ngoài các bản điều trần trình bày những cải cách toàn diện đi trước thời đại, ông còn thiết kế xây dựng toà nhà nguyện của các dòng tu nữ ở Sài Gòn năm 1862-1863, thiết kế xây dựng 4 ngôi nhà trong giáo khu Xã Đoài vào các năm 1864,1866. Đó là các công trình kiến trúc đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Cũng vào khoảng năm 1868 khi ở quê nhà, ông còn giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào kênh Sắt (tức kênh Gai) - một công trình trước đó Hồ Quý Ly dự định làm mà chưa thực hiện được. Ngoài ra, ông còn vận động dân chúng ở xã Xuân Mỹ - quê hương vợ ông (nay là xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc) cùng nhau dời làng từ trong núi đầy lam chướng ra nơi thoáng đãng để thuận lợi canh tác.
Một số nhà nghiên cứu đã nhận xét: Nguyễn Trường Tộ là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu lịch sử nước ta với tư cách là một bộ phận của lịch sử thế giới,“xem xét quá trình phát triển của cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam trong toàn bộ quá trình lịch sử tiến hoá của loài người”(4). Trong 58 bản di thảo mà Linh mục Trương Bá Cần đã sưu tầm và dịch, 35 Di thảo có nói về quan hệ giữa Việt Nam và thế giới(5). Cần chú ý thêm: Trong khi tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây, Nguyễn Trường Tộ không quên lưu ý phải giữ gìn cái hay, cái đẹp mà ta có. Trong Di thảo số 18 “Về việc học thực dụng” có đoạn: “Những điều tôi trình bày ở đây không phải là muốn bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. Nhưng phải lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thế, những cái mới của thiên hạ có mình cũng có và những cái mới mình sẵn có thì thiên hạ không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết… Như thế ai dám khinh rẻ nước mình?”.
Trong Di thảo số 27 “Tế cấp bát điều”, Nguyễn Trường Tộ viết: “Tôi thấy lương bổng các quan lục bộ đại thần của ta, tất cả các khoản trong một năm không bằng hai ngày rưỡi lương của vị nguyên soái nước Pháp. Và một ngày lương của quan Tổng đốc nước Anh bằng một năm lương của quan đại thần ta. Cho nên người Tây họ bảo rằng: “Các quan nước Nam, trừ những người tham ô quá, còn bao nhiêu người khác được của người ta bằng lòng cho sau khi xong việc, thì cũng không nên trách. Vì có đủ ăn, đủ mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục…”.
Thế nhưng hiện nay, mức lương trả cho giáo viên còn thấp, với lý do ngân sách nhà nước eo hẹp, dẫn đến tình trạng dạy thêm, làm thêm, quà biếu… Cách hiểu giáo dục nhiều lúc còn nặng cảm tính, khi thì nhấn mạnh 1 chiều “học sinh là trung tâm” phủ nhận vai trò then chốt của người thầy, khi khác lại đưa chương trình sách giáo khoa lên địa vị thượng đẳng nên chương trình, sách giáo khoa thay đổi liên tục. Ở cấp phổ thông thì chương trình cải cách, chương trình phân ban, chuyên ban, kiểu cũ rồi kiểu mới. Ở bậc đại học thì chương trình đào tạo 2 giai đoạn: đào tạo theo học phần, học trình, bây giờ mới đào tạo theo tín chỉ. Trả lương cho giáo viên thì quá thấp, mà ngân sách chi cho cán bộ cấp Bộ đi tham quan, “học tập” kinh nghiệm của nước ngoài và chi cho cán bộ quản lý giáo dục, cho các giáo sư biên soạn chương trình, sách giáo khoa thì ngốn hết hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước!
Trong bài báo Học giả, bằng thật (Văn hoá Nghệ An, số 114 ra ngày 10/12/2007), tác giả Hà Văn nhắc đến chuyện “bằng cấp thời nay mua rẻ như mua rau” mà báoTuổi trẻ ra ngày 5/11/2007 đưa tin. Hà Văn viết: “…một vị Thứ trưởng đã nói rằng có đến 1/3 tiến sỹ không đảm bảo chất lượng. “Không đảm bảo chất lượng” là 1 uyển ngữ của mê cung đánh tráo khái niệm, thực ra là “tiến sỹ giấy”, “…kế hoạch dài hạn trước mắt” của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ít năm nữa sẽ có 2 vạn tiến sỹ. Tiến sỹ xem ra đào tạo quá dễ. Ai đảm bảo chất lượng “thế hệ tiến sỹ mới” sẽ… không làm cho xã hội giật mình giống như chuyện mà báo Tuổi trẻ đã nêu?”. Cứ tình trạng này thì không biết rồi giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu trong thời đại hội nhập này?
Vấn đề đặt ra là cán bộ quản lý các cấp phải dũng cảm nhận sai lầm để sửa chữa. Xin mượn một đoạn trong “Tế cấp bát điều” của Nguyễn Trường Tộ bàn về trí thức để kết thúc bài viết này: “Phàm kẻ có trí trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu, mà là người biết thay đổi hành động, biết sửa điều sai thành đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ, mà xấu hổ vì không làm được điều gì mới, không nhìn lui dĩ vãng mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ đến bảo toàn tên tuổi riêng mình, mà lo lợi ích chung cho đất nước. Thế mới gọi là trí. Nếu sợ rằng trước kia chủ trương sai lầm mà nay phải sửa đổi công việc thì sẽ bị người ta chê cười nên xấu hổ không làm, thế thì không biết chính vì không chịu thay đổi chủ trương mới phải cam chịu sai lầm. Như thế có đáng thẹn không?”./.


Chú thích
(1) Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, Nxb Văn hóa Nghệ thuật, tr.74.
(2) Lê Quý Đôn (1977), Tập 2, Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, tr.93.
(3) Dẫn theo: Hoàng Xuân Hãn (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, tr.592.
(4) Hoàng Văn Lân (1999): Ý thức dân tộc trong hệ thống tư tưởng Nguyễn Trường Tộ in trong cuốn Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, tr.94.
(5) Xem thêm: Hồ Lê (2000): Trí tuệ và nhân cách Nguyễn Trường Tộ in trong cuốn Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, Nxb Đà Nẵng, tr.196.
Hồ Sĩ Hùy
“Phàm kẻ có trí trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu, mà là người biết thay đổi hành động, biết sửa điều sai thành đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ, mà xấu hổ vì không làm được điều gì mới, không nhìn lui dĩ vãng mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ đến bảo toàn tên tuổi riêng mình, mà lo lợi ích chung cho đất nước. Thế mới gọi là trí. Nếu sợ rằng trước kia chủ trương sai lầm mà nay phải sửa đổi công việc thì sẽ bị người ta chê cười nên xấu hổ không làm, thế thì không biết chính vì không chịu thay đổi chủ trương mới phải cam chịu sai lầm. Như thế có đáng thẹn không?”


13. Nguyễn Trường Tộ trong xu thế đổi mới cuối thế kỷ XIX

Đinh Xuân Lâm
Nguyễn Trường Tộ(1828 - 1871) là một nhà thơ, đồng thời là một người dân công giáo nhiệt tình yêu nước, thực tế đó nếu như trước đây do nhận thức sai lầm về mối quan hệ giữa yêu Nước và kính Chúa đã có người đặt vấn đề nghi vấn, thì tới nay đã được khẳng định. Chỉ cần nhắc lại hành động liên tiếp từ cuối tháng 3 năm 1863 đến tháng 11 năm 1971 - trong vòng 8 năm rưỡi của một quãng đời đầy biến động của bản thân ông cũng như của chung đất nước - ông đã viết và gửi lên triều đình 30 triều trần, đề cập tới hàng loạt vấn đề cấp thiết nhất của Tổ quốc đứng trước nguy cơ mất còn, những bản điều trần cuối cùng được viết ngay trên giường bệnh, bất chấp sự thờ ơ lãnh đạm của vua Tự Đức, riêng điều đó đã đủ và thừa sức chứng minh tinh thần yêu nước son sắt và kiên trì của ông.
Thông minh, ham học hỏi, năm 27 tuổi (1855) ông đã đỗ đầu trong kỳ khảo thí, nhưng con đường truyền thống mà các thế hệ nho sỹ trước và sau ông đã từng hay sẽ còn đeo đuổi là học - đi thi - thi đỗ ra làm quan (theo đúng cái nghĩa đích thực và lý tưởng của nó là làm công bộc cho dân) đối với ông đã bị chặn đứng lại chỉ vì ông theo đạo Thiên Chúa.
Năm 1858, đúng vào năm hạm đội Pháp do hải quân đô đốc Genoilly trắng trợn nổ súng tân công cửa biển Đà Nẵng, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam (1/9), Nguyễn Trường Tộ bắt đầu bước vào đời, lúc ông vừa tròn 30 tuổi. Cha xứ đạo Tân ấp (Quảng Bình) mời ông vào dạy chữ Hán cho những người mới theo đạo, chính vào dịp này ông đã gặp Giám mục Gauthier (tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu), được học tiếng Pháp, tiếng Latinh, những kiến thức về khoa học kỹ thuật và văn học Pháp.
Đến năm 1858, chính sách cấm và giết đạo của triều đình Huế được đẩy mạnh buộc Giám mục Gauthier phải rời Việt Nam về Pháp, có đưa Nguyễn Trường Tộ theo. Sang tới Pháp, có thời gian sống tại Paris "thành phố ánh sáng", với tinh thần say mê tìm hiểu và học hỏi không mệt mỏi, Nguyễn Trường Tộ đã tranh thủ học tập các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, quân sự, hàng hải, kiến trúc, học học, công nghiệp v.v... tiên tiến. Không chỉ học trong sách vở tại trường, ông còn đi nhiều địa phương để tham quan học hỏi, tai nghe, mắt thấy, thăm các nhà máy dệt, các vùng mỏ than ở phía Bắc, các xí nghiệp luyện kim miền Đông là những vùng công nghiệp rất phát triển của nước Pháp.
Đến năm 1861, sau khi được trang bị cả về lý luận và thực tiễn, ông lên đường về Việt Nam. Chuyến về quê hương của ông đúng vào lúc đô đốc Charner (1) được vua nước Pháp là Napoléon 3 giao cho thống lĩnh tất cả lực lượng quân sự của Pháp ở Viễn Đông và được toàn quyền giải quyết các vấn đề về Việt Nam có lợi cho Pháp.
T? ngày 7/2/1861, g?n 4.000 quân Pháp với 50 thuyền chiến được tập trung ở Bến Nghé, đến ngày 23/2 thì nổ súng đánh chiếm Đại Đồn (ở vùng Chí Hoà và Phú Thọ ngày nay) mở đường đánh sâu vào phía trong. Ngày 12/4/1866, tỉnh Định Tường bị giặc Pháp chiếm. Thời gian này đô đốc Charner dùng Nguyễn Trường Tộ làm thông ngôn và phiên dịch trong hàng ngũ quân Pháp, đặt ông vào một hoàn cảnh vô cùng phức tạp và gay cấn. Mối quan hệ Việt Nam và Pháp đang ngày càng trở nên căng thẳng, ông ra sức tìm mọi cách để tránh cho cuộc xung đột khỏi bùng nổ. Thế nhưng vì làm việc cho Pháp, lại là người có đạo, nên ông đã bị phía yêu nước kháng chiến nghi ngờ là tay sai cho Pháp. Giữa lúc đó đô đốc Bonard (2) được cử sang thay đô đốc Charner.
Ngay từ đầu đến nhận việc và suốt thời gian sau đó, đô đốc Bonard ra sức đẩy mạnh việc đánh chiếm các nơi, chiếm đóng Biên Hoà (16/12/1861), rồi Vĩnh Long (23/2/1965). Không những vậy, còn ra lệnh đưa chiến thuyền ra Bắc, tiến vào cửa biển Thuận An gây sức ép buộc triều đình Huế phải ký kết theo những điều kiện giặc Pháp đưa ra. Đã thế, trong thời gian này, triều đình lại liên tiếp phạm những sai lầm to lớn trong chính sách đoàn kết dân tộc chống Pháp, trong chính sách giáo lương đoàn kết, tháng 12/1961 công bố các hình thức trừng phạt đối với dân theo đạo, từ giam giữ chung thân, đến thắt cổ chết ngay, hay đánh trượng tuỳ theo tội nặng nhẹ. Tháng 1/1862 triều đình có lệnh cho những người bị tội được bỏ tiền của ra chuộc, nhưng những tội nhân theo đạo lại không được hưởng điều đó. Rõ ràng là trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, tình thế của Nguyễn Trường Tộ thật vô vàn phức tạp, đầy rẫy khó khăn, cả hai phía Pháp và Việt Nam đều có thể nghi ngờ, thành kiến. Hết hy vọng vào vai trò đứng giữa dàn xếp của mình, và để tránh khỏi đồng bào nghi ngờ, đánh giá sai về mình, Nguyễn Trường Tộ xin từ chức, không còn cộng tác với Pháp. Sau khi hiệp ước 5/6/1862 được ký kết, ông lui về sống tại Gia Định, xa lánh cuộc đời chính trị ồn ào và phức tạp. Phải thấy rằng đối với Nguyễn Trường Tộ, nếu chịu thật sự bắt tay với Pháp thì nhất định sẽ được trọng dụng, mục đính vinh thân phì gia dễ dàng được thực hiện. Nhưng với Nguyễn Trường Tộ, một nhà nho có lòng yêu nước sâu sắc, một trí thức có hoài bão cứu nước lớn lao, ngày đêm trăn trở lo âu cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc thì đâu có dễ dàng sờn lòng, chùn bước. Thua keo này, ông bày keo khác, cách này thất bại thì ông tìm cách thích hợp hơn. Tại Gia Định ông bắt tay viết các bản điều trần gửi lên vua Tự Đức, muốn qua nhà vua để tới với giới văn thân sĩ phu và nhân dân trong cả nước, khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với triều đình, một điều mà ông ngày đêm lo ngại bị hiểu lầm.
Cái mâu thuẫn to lớn - có thể nói là bi kịch trong cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ - là trong khi những người cùng thời chỉ chọn một trong hai con đường là vũ trang đánh Pháp hay hợp tác với Pháp thì ông lại muốn điều hoà hai thái độ theo ông đều quá khích và không đúng, để đi theo con đường hoà bình hợp tác trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, bảo quản quyền lợi lâu dài cho cả hai dân tộc.
Cũng trong thời gian này, ông không sao nhãng việc tìm cách giúp dân cứu nước. Ngày 29/6/1863 ông đã gửi vua Tự Đức bản điều trần về tôn giáo, một vấn đề ông hằng trăn trở và có tính thời sự nóng bỏng. Đến năm 1866, ông quyết định trở về quê nhà Bùi Chu (Hừng Nguyên, Nghệ An) sau hơn 8 năm trời bôn ba nơi chân trời góc biển với mục đích tối thượng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tại quê nhà, việc làm đầu tiên có ích cho dân là dời dân làng Xuân Mỹ về Xã Đoài, đất đai phì nhiêu hơn và sẵn nguồn nước để trồng giống cam gốc nước ESpagne được các giáo sĩ châu Âu nhập vào nước ta. Chính ông đã đứng ra chỉ đạo việc xây dựng nhà thờ lớn Xã Đoài. Cũng trong năm 1866, ông đã hoàn thành việc đào kênh Sắt dài 20 km, nối liền Vinh với Cửa Lò, tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển (3).
Nhưng phần vì thất vọng trước thái độ bảo thủ của triều đình và tình hình mối quan hệ Việt Pháp ngày càng xấu đi theo chiều hướng có hại cho dân và cho nước, ph?n vì cảm thấy sức khoẻ sa sút nhanh chóng, ông quyết định dành hết thời gian còn lại để viết các bản điều trần thống thiết đề nghị với vua Tự Đức những việc làm cần thiết của đất nước. Chỉ trong năm 1866, dồn dập 3 điều trần đề cập tới yêu cầu gửi thanh niên ra nước ngoài học khoa học kỹ thuật về phục vụ nước nhà; tới 6 nguồn thu hoạch quan trọng của nhà nước; bàn luận về các vấn đề lớn về tình hình thế giới đề cập tới 8 điều sửa đổi cấp thiết; đầu năm 1868 đặt vấn đề mở rộng giao thông. Sau năm 1871 là các điều trần về việc thông thương với nước ngoài, về tình thế phương Tây, về nông nghiêp nước nhà, về yêu cầu đào tạo người tài cho đất nước. Cuối cùng là các điều trần về thế lớn trong thiên hạ, về việc ngoại giao, về việc khai mỏ (các điều trần sau đều không có ghi ngày tháng).
Ngày nay đọc lại và suy nghĩ về các điều trần trên, không thể không khâm phục trình độ học vấn uyên thâm, tinh thần phê phán thẳng thắn, tính cách trung thực của tác giả, tinh thần thực tiễn, cái nhìn trung thực của tác giả, tinh thần thực tiễn, cái nhìn sáng suốt của một người toàn tâm toán ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, ngày đêm trăn trở suy nghĩ để tìm ra biện pháp, phương sách mà chính cho là thích hợp nhất để phục vụ hiệu quả nhất. Đó là giá trị chân chính của bản điều trần. Quan trọng và đáng trân trọng là các điều trần đều thấm đượm một tinh thần yêu nước mãnh liệt, đã khẳng định một ý thức trách nhiệm sâu sắc của người trí thức chân chính, đối với vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Không phải lúc đó chỉ có Nguyễn Trường Tộ chủ trương đổi mới đất nước. Từ giữa những năm giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam đã có một xu hướng cải cách. Nhưng phải khẳng định các điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã đề cập đến một cách toàn diện, có hệ thống nhất về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, tư tưởng của Việt Nam hồi đó. Ngày nay đọc lại các điều trần đó, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về tính thiết thực và cụ thể, cả "tính dự báo" của chúng. Có những ý kiến ông nêu ra trước đây, trên một trăm năm đến nay vẫn mang tính cấp thiết và đúng đắn. Công tác "bảo vệ mội trường" hiện đang là mối quan tâm lớn của nhân dân thế giới đã được Nguyễn Trường Tộ sớm nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng. Trong "Điều trần về nông chính" ngày 4 - 10 - 1871, khi đề cập đến việc khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên ồng đã đưa ra những ý kiến xác đáng về yêu cầu bảo vệ thiên nhiên. Cũng như trong "Kế hoạch vay tiền Hương Cảng để tăng cường quốc phòng" ngày 10 - 4 - 1871, ông đã mạnh dạn đề nghị triều đình đứng ra vay tiền của nhà buôn để tăng cường phỏng thủ quốc gia. Nhưng tất cả đề nghị của Nguyễn Trường Tộ đều bị triều đình Tự Đức
khăng khăng khước từ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự việc thất bại của Nguyễn Trường Tộ. Các điều trần mà ông đều nặng về sự mô phỏng, sao chép bên ngoài mà thiếu một cơ sở cật chất bên trong. Chính sách phản động của triều đình Nguyễn đã làm cho mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa mới loé mầm dưới triều đại Tây Sơn đã nhanh chóng bị thui chột, làm cơ sở vật chất ở bên trong để tiếp nhận ảnh hưởng từ ngoài vào hầu như không có gì. Nhưng quan trọng hơn là do nội dung các điều trần chưa đả động đến vấn đề vơ bản của thời đại là giải quyết hai mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam hồi đó giữa toàn thể dân tộc Việt Nam tới tư bản Pháp xâm lược và giữa nhân dân lao động với giai cấp phong kiến, mà có phần nghiêng về mặt điều chỉnh, hoà giải, nên chính nhân dân đang sục sôi yêu nước kháng chiến cũng tỏ ra thờ ơ lãnh đạm, tình hình đó tạo thêm cớ cho triều đình và Tự Đức dễ dàng bỏ rơi chúng.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu làm cho các điều trần của Nguyễn Trường tộ bị thất bại, chính là do thái độ bảo thủ, phản động của vua quan triều đình trước sau khăng khăng đối lập với mọi sự thay đổi. Nếu có lúc do tình thế thúc bách phải thực hiện một vài đổi mới nào đó thì cũng thực hiện một cách lẻ tẻ, chắp vá, miễn cưỡng, vội vã, các điều sửa đổi đó chưa kịp phát huy tác dụng thì đã bị đình chỉ. Như tháng 7 - 1866 cho lập Ty Bình Chuẩn để chuyên trông coi việc buôn bán; tháng 8 năm đó gọi linh mục Nguyễn Hoàng vào kinh đô Huế chuyên dịch và dạy tiếng Pháp; tháng 10 phái Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Điền sang Pháp mua máy móc và thuê thợ… Kết quả là khi tư bản Pháp phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, chế độ phong kiến đang ở vào thế suy yếu trầm trọng, lực lượng vật chất và tinh thần của nhân dân ta bị sự thống trị của Nhà Nguyễn huỷ hoại. Nguyễn Trường Tộ bằng việc kết hợp nhiệm vụ yêu nước với nhiệm vụ kính Chúa đã có công trong việc vạch ra những biện pháp cụ thể và đúng đắn để duy tân đất nước, làm cho dân giàu , nước mạnh, trên cơ sở đó bảo vệ độc lập dân tộc. Thế nhưng phong kiến triều Nguyễn trên bước đường suy vong đã đối lập sâu sắc với nhân dân và bằng những hành động sai trái đã thủ tiêu khả năng kháng chiến của dân tộc, để cuối cùng Việt Nam đã bị tư bản Pháp độc chiếm. Đó là trách nhiệm chủ quan của vua tôi triều Nguyễn trước lịch sử, trước dân tộc. Qua sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ, cũng thấy rằng muốn đổi mới thành công, không thể chỉ đổi mới về kinh tế mà quan trọng là phải đổi mới cả tư tưởng, chính trị, cần điều chỉnh cơ cấu bộ máy chính quyền thật thích hợp để đảm bảo cho công cuộc đổi mới được đồng bộ và trót lọt. Đó là những bài học kinh nghiệm lớn đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị  lý luận và thực tiễn và có thể vận dụng hiệu quả vào công cuộc đổi mới của đất nước đang được tiến hành trên quy mô lớn trong cả nước.
Còn riêng nói về Nguyễn Trường Tộ thì mặc dù ý kiếm của ông không được thực hiện, mong muốn của ông không thành, nhưng trong những năm tháng đau thương và anh dũng của dân tộc cuối thế kỷ XIX ông vẫn nổi bật lên như một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành yêu nước, về tinh thần toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, về ý chí không ngừng học hỏi cầu tiến, về đạo đức trong sáng xem thường công danh phúc quý. Đó là những nét so rực rỡ tô thắm cuộc đời một người trí thức dân tộc chân chính của bất cứ thời đại nào.
(1) Charner (1797 - 1869) giữ chức Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp xâm lược Việt Nam từ 6 - 2 đến 29 - 11 - 1861
(2) Bonard (1805 - 1867) giữ chức Tổng chi huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam từ 29 - 11 - 1861 đến 8 - 5 - 1963
(3) Tháng 9 - 1866, ông được phái cùng Giám mục Gauthier, linh mục Nguyễn Điền cùng Trần Văn Đại, Nguyễn Tăng Doãn sang Pháp mua tàu, máymóc, sách khoa học kỹ thuật. Đến năm 1870 vua Tự Đức định cử ông dẫn học sinh sang Pháp học tiếng, đào tạo phiên dịch, nhưng ông ốm nặng không đi được. Ông mất ngày 22 - 11 - 1871, vào lúc 43 tuổi.


11. NHÂN ĐỌC BÀI “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ NHỮNG ĐIỀU TRẦN CỦA ÔNG” THÊM MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ “THIÊN HẠ ĐẠI THẾ LUẬN” CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
Lê  Cung (Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh)
Bài “Nguyễn Trường Tộ và những điều trần của ông” của PGS. TS. Nguyễn Phan Quang đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số.......................2009 gợi cho tôi nhiều ý tưởng. Bởi lẽ từ trước tới nay Nguyễn Trường Tộ được đánh giá như là một nhân vật có đầu óc canh tân nhằm cứu nguy đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp. Gần đây, có tác giả còn nâng Nguyễn Trường Tộ thành một “nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. Điều này có nghĩa chỗ đứng của  Nguyễn Trường Tộ trong lịch sử dường như đã được khẳng định.
Song điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là tác giảNguyễn Phan Quang, sau khi phân tích chủ trương tạm hòa của Nguyễn Trường Tộ, đã kết luận : “Vậy thì nên chăng vấn đề Nguyễn Trường Tộ với những điều trần của ông cần được giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu thêm – dù có phải tốn thêm nhiều thời gian và giấy mực” Lời kết này khiến chúng tôi phải tìm đọc 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã gửi cho triều đình Tự Đức, xem có gì mà “cần được giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu thêm”.
Trong giới hạn của một bài báo, chúng tôi chỉ xin nêu một số suy nghĩ của mình qua đọc bản điều trần thứ nhất của Nguyễn Trường Tộ “Thiên hạ đại thế luận” (Bàn về những việc lớn trong thiên hạ) dựa trên văn bản được chép trong công trình “Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo » của tiến sĩ Trương Bá Cần(Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998).
Vấn đề sôi động và bức xúc nhất ở nước ta khi Nguyễn Trường Tộ viết Thiên hạ đại thế luận là làm thế nào và bằng cách nào để giữ vững được nền tự chủ của đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp. Lúc này triều đình Huế đã ký hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp, vua Tự Đức đang nóng lòng khôi phục chủ quyền ba tỉnh đã mất và đã cử một phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại vùng đất này. Trong lúc đó, nhiều nhà yêu nước đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến, quyết sống chết với quân xâm lược nhằm giành lại giang sơn đất nước, như Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, ... Sử sách dân tộc đã ghi công những bậc tiên liệt này; ở khắp các địa phương Nam Bộ, nhân dân đã tôn vinh, bằng việc xây dựng các tượng đài để tưởng nhớ sự nghiệp xã thân cứu nước của những người con trung liệt.
Nhằm góp sức vào việc giải quyết nỗi bức xúc lúc này của dân tộc, Nguyễn Trường Tộ viết bản điều trần thứ nhất (Thiên hạ đại thế luận), gửi đến triều đình Tự Đức với những đề nghị canh tân, cải cách. Thật thú vị biết bao khi đọc những dòng này của Nguyễn Trường Tộ : “Trộm nghĩ trong thiên hạ chỉ có chữ ‘thế’ mà thôi.  Chữ ‘thế’ là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên người biết rõ ‘thế’ thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc” , bởi vì người đọc đang mong chờ Nguyễn Trường Tộ đưa ra những kế sách hữu hiệu nhằm giúp triều đình Tự Đức tạo được‘thế’, để Việt Nam vươn lên xoay chuyển tìnhthế, nhằm lật ngược thế cờ, lấy lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã mất hoặc ít ra cũng không mất tiếp những phần đất còn lại.
Nhưng người đọc đã nhanh chóng thất vọng khi Nguyễn Trường Tộ sử dụng một cách máy móc “học thuyết ngũ hành” để đi đến kết luận việc Việt Nam mất nước như là một điều hợp qui luật. Nguyễn Trường Tộ viết: “Hãy nói về thiên đạo trước. Khí đất là từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông, theo Hà đồ thì thủy ở về phương Bắc, hỏa ở về phương Nam, kim ở về phương Tây, mộc ở về phương Đông. Thủy thì diệt hỏa, kim diệt mộc, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất luôn luôn như vậy” .Không cần bàn luận thêm ở đây, chúng ta cũng thừa hiểu Nguyễn Trường Tộ muốn nói đến ‘ai’ diệt ‘ai’ rồi.
Như để khẳng định cho lập luận của mình, Nguyễn Trường Tộ nêu một loạt các quốc gia, các khu vực trên thế giới bị thực dân phương Tây xâm chiếm rồi đi đến kết luận:“Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Như thế, nếu đó không phải là ý trời định, địa thế xoay vần, thì sao không lấy số đông của bốn đại châu mà kháng cự lại người phường Tây? Huống hồ người Việt ta là một nước nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” .
Rõ ràng, theo Nguyễn Trường Tộ, Việt Nam mất nước là trời định, lấy lại nước, khôi phục độc lập cho dân tộc là trái đạo trời. Nhiều tác giả viết bài ca ngợi Nguyễn Trường Tộ là người thông làu Đông Tây kim cổ và ngay cả Nguyễn Trường Tộ cũng tự cho mình như thế. Vậy tại sao Nguyễn Trường Tộ không hay biết đến việc Nho giáo đề cập về thiên mệnh (mệnh trời). Thiên mệnh của Nho giáo được luận giải một cách uyển chuyển đối với đời sống chính trị - xã hội, bởi “tận nhân lực mới tri thiên mệnh”.Nguyễn Trường Tộ trước lúc viết Thiên hạ đại thế luận đã từng chu du châu Âu, sao lại không biết ở Thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII), Montesquieu đã khẳng định: “Xã hội loài người phát triển có quy luật khách quan, không phải tùy theo ý muốn của Thượng đế”.Đây là một trong những luận điểm mang tính cách mạng sâu sắc, góp phần hết sức quan trọng trong việc xé bỏ “hào quang thần thánh” của giáo hội, cởi trói nhân dân về mặt trí tuệ, làm tiền đề cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 đi đến thắng lợi.
Với lịch sử nước ta, chắc hẳn Nguyễn Trường Tộ không thể nào không biết đến lời thơ vang lên từ đền Trương tướng quân thời dân tộc ta kháng chiến chống Tống thế kỷ XI:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
“Định phận tại thiên thư” là phải giữ được nước, chứ không như cách luận giải như Nguyễn Trường Tộ rằng: “Quân lính của ta lại chuyên dùng gươm dao gậy gộc, không thạo súng ống,phục binh cài bẫy, nhưng trận đồ như vậy chỉ hợp cho những tình thế không cấp bách, chỉ đánh được gần chứ không đánh được xa... Nếu họ dùng súng trường từ xa bắn tới, thì quân ta chưa giáp trận mà gươm dáo đã tan tành. Khi họ đến gần thì dùng lưởi lê xung phong một người đương được cả 100 người, xông lên như nước chảy xiết. Lúc dừng lại thì như núi dựng, xông vào chẳng qua như chuồn chuồn lay cột đá mà thôi ... Nay biết họ có thể tất thắng, ta có cơ dễ thua, lại không biết phép ra quân của họ biến hóa như thế nào mà đem quân nhút nhát của mình ra đánh lại quân vô địch của họ thật chẳng khác nào như bắt muỗi đội núi, đem dê đấu hổ ... Quân Pháp đánh thành không cần dùng những phương pháp bắc thang, đường hầm, xe kiếm, bao đất, mà đại pháo bắn ra thì núi lở, gò sập ..., trèo thành như lên đệm gối, sở dĩ lâu nay họ chưa dùng đến là vì cắt cổ gà cần gì phải dùng dao mổ trâu ... ” .
Trước Nguyễn Trường Tộ không lâu, Nguyễn Du cũng đã khẳng định:“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Không lẽ một người với cái sở học thông làu Đông Tây kim cổ như Nguyễn Trường Tộ há lại không biết đến! Và cũng xin nói thêm là nếu lập luận như Nguyễn Trường Tộ: “Huống hồ người Việt ta là một nước nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” thì Việt Nam đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới ở thế kỷ XIII rồi .
Để lập luận của mình có thể thuyết phục được triều đình Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ viết tiếp: “Hoặc giả có người nói đất đai tổ tiên để lại không được đưa gang tấc nào cho kẻ khác. Như vậy là quá câu chấp mà để hỏng việc nước. Sao không xem xưa nay có ai chủ giang sơn mãi đâu. Nhà Tấn bị Hồ gây loạn, Tống mất vào tay Nguyên, Minh mất vào tay Thanh, họ này thay thế họ kia chẳng phải là do số trời sắp đặt đó sao? Vả lại đất Quảng Nam xưa là đất cũ của Chiêm Thành, Gia Định xưa là cố đô của Chân Lạp, đâu phải là đất cũ của bản triều? Ta chiếm đoạt của người, thì cớ sao người lại không chiếm đoạt của ta?” .
Người đọc không hiểu tại sao Nguyễn Trường Tộ lại lờ đi truyền thống trân quý giang sơn “tấc đất, tấc vàng” mà tiền nhân đã truyền lại cho muôn đời sauTrong công cuộc mở nước về phía Nam , từ thế kỷ XI, ông cha chúng ta đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu xương, đổi cả phận liễu yếu, đào tơ để có được một giang sơn hình chữ S diệu kỳ. Vua Lê Thánh Tông từng dặn dò : « Ta phải giữ gìn lãnh thổ cho cần thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của ông cha để lại ». Vậy mà Nguyễn Trường Tộ lại chủ trương “Ta chiếm đoạt của người, thì cớ sao người lại không chiếm đoạt của ta?”.
Vấn đề đã rõ như ban ngày, như hai với hai là bốn, không phải cần đến trí tuệ ở chốn cửu trùng, mà ngay người dân bình thường ở nơi thôn dã cũng nắm bắt được đúng sai trong cách lập luận của Nguyễn Trường Tộ. Thật vô cùng ngạc nhiên, khi biết bao học giả đã bỏ ra công sức, tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu, luận bàn về những điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nhưng cách lập luận trên đây của ông chưa thấy một ai bình phẩm, đánh giá.   

Để kết thúc cho bài viết nhỏ này, chúng tôi xin dẫn một đoạn trong bài viết:“Lịch sử, sự thật và sử học” của GS. Hà Văn Tấn để chúng ta cùng suy ngẫm: “Từ khi chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử  mácxít ra đời, khám phá ra cơ chế của sự phát triển xã hội, các nhà  sử học được cung cấp một mô hình giải thích lịch sử có tính chất thể-năng động, kết hợp cả hai mặt cấu trúc và biến đổi. Sử học vươn tới phát hiện qui luật và, nhờ đó, sử học không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Nhưng sử học muốn thực hiện những chức năng đó, khảo sát con đường đã qua và góp phần nhận thức con đường sắp tới, một điều kiện cơ bản là phải biết sự thật và nói lên sự thật.
Nhưng biết sự thật không dễ, và nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Với ý của Yết Hề Tư mà Lê Quý Đôn  đã dẫn, nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại thì như thế này: Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực chứ không phải tên cơ hội ” .
. PGS.TS. Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế.
. Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Trường Tộ và những điều trần của ông, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số đã dẫn.
. Nguyễn Trường Tộ viết “Thiên hạ đại thế luận” vào tháng 2-3,  Tự Đức năm thứ 16, tức tháng 3-4 năm 1863.
.  Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo. Nxb. Thành phố Hồ Chí   Minh, 1998, tr. 107.
. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 107.
. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 107.
. Trương Bá Cần. Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 109.
.  Ở thế kỷ XIII, đế chế Mông – Nguyên đã thôn tính hoặc đánh bại nhiều nước ở hai lục địa Âu - Á, kể cả những nước lớn như Trung Hoa, Nga, ... ; nhưng ba lần đế chế này xâm lăng Đại Việt thì cả ba lần chúng đã đều bị đại bại trước tinh thần kháng chiến mãnh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các vị vua Trần anh minh.
. Trương Bá Cần, Sđd., tr. 111.
. Khi đề cập đến tư cách của người viết sử, Yết Hề Tư đời Nguyên viết: Việc soạn sử phải lấy việc dùng người làm gốc. Người có văn học mà không biết cách chép sử thì không thể cho vào sử quán. Người có văn học lại kiêm biết soạn sử, nhưng bụng dạ bất chính cũng không được dự” (Hà Văn Tấn. Lịch sử, sự thật và sử học. Tạp chí Xưa & Nay, số 332, Tháng 5, 2009, tr. 17)
. Hà Văn Tấn. Lịch sử, sự thật và sử học. Tạp chí Xưa & Nay, số đã dẫn, tr. 17.

15. 

Nguyễn Trường Tộ:
giấc mộng chưa thành


Vĩnh Sính

Cách đây đúng 120 năm (ngày 22 tháng 11.1871), Nguyễn Trường Tộ, tác giả những bản điều trần lịch sử đã từ trần, thọ 41 tuổi. Giấc mộng chưa thành, song hoài bão, cái nhìn của ông và những vấn đề ông nêu ra từ hơn một thế kỷ, ngày nay vẫn nóng bỏng tính thời sự. 

Nhân ngày giỗ của nhân vật kiệt xuất này, Diễn Đàn giới thiệu bài viết của sử gia Vĩnh Sính, giáo sư Trường đại học Alberta ( Canada). Nguyên thuỷ, đây là bài biên khảo dài 11 trang, tựa đề Giấc mộng chưa thành – Vài suy nghĩ nhân đọc cuốn “Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo” của linh mục Trương Bá Cần, đăng trên báo Đất Mới (Canada), số tháng 1.1991. Chúng tôi đã có mấy dịp giới thiệu công trình của nhà sử học Trương Bá Cần. Mặt khác, bài viết của giáo sư Vĩnh Sính có một số phần chuyên môn, vượt quá khuôn khổ của Diễn Đàn. Vì vậy, chúng tôi đã xin phép, và được tác giả chấp thuận, trích đăng hai phần chính: phần thứ nhất nêu bật tầm cỡ của tư tưởng Nguyễn Trường Tộ so với trí thức Việt Nam cùng thời (số này), phần thứ hai soi sáng câu hỏi mà ta thường đặt ra: Nguyễn Trường Tộ đã tìm ở đâu những hiểu biết sâu rộng về thế giới bên ngoài? Phần này, còn giúp ta so sánh tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ với tư tưởng của các nhà duy tân Trung Quốc và Nhật Bản (số sau). Chúng tôi thành thực cảm ơn tác giả Vĩnh Sính.

Đã từ lâu lắm, có lẽ từ khi cụ Phan Bội Châu và các hội viên của Duy Tân hội đang còn tìm cách gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật du học qua phong trào Đông Du, các tên Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) thỉnh thoảng lại gợi lại cho người Việt Nam một niềm tự hào, tin tưởng vào giấc mộng canh tân đất nước. Ta tự nghĩ, nếu từ thập niên 1860, khi Việt Nam vừa mới chạm trán với những thách đố đầu tiên của Tây phương mà trong nước chúng ta đã có người nhìn xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ thì quả thật nước ta đâu có thiếu nhân tài. Thoạt nhìn sang các nước láng giềng vào lúc đó thì số phận của họ đâu có gì sáng sủa hơn Việt Nam! Ở Trung Hoa, sau thất bại nhục nhã trong chiến tranh Nha phiến (1839-1842), quan viên triều đình nhà Thanh vừa phải đương đầu với loạn Thái bình Thiên quốc, vừa phải tìm cách chấn hưng đất nước qua chính sách “tự cường”. Ngay số phận của Nhật Bản trước Minh Trị Duy tân (1868) cũng như ngàn cân treo sợi tóc: việc chính quyền   Tokugawa ký kết một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương vào năm 1858 không có sự thoả thuận của Thiên hoàng đã trở thành lý do để các nhóm chống đối (mà tụ điểm là các vũ sĩ cấp dưới ở Satsuma và Choshu) buộc tội; bên ngoài thì Pháp, Anh nhòm ngó: Pháp ủng hộ chính quyền Tokugawa và Anh ủng hộ nhóm Satsuma và Choshu. Nếu những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ của Nhật Bản không được khôn khéo giải quyết nhanh chóng và kịp thời để đối phó hữu hiệu với tình hình quốc tế lúc bấy giờ thì Nhật Bản cũng đã trở thành một miếng mồi ngon cho các nước Tây phương, chẳng khác gì số phận các nước Á châu khác.
Nhìn gương canh tân của Nhật Bản kể từ Minh Trị Duy tân, ta thường ấm ức, than trách vua quan nước ta hồi đó đã không thức thời lắng nghe những lời trần tình của Nguyễn Trường Tộ, đến nỗi bỏ lỡ vận hội canh tân nước nhà. Mặc dù ta thường nói và nhắc nhở nhiều đến Nguyễn Trường Tộ, nhưng kỳ thật thì sự hiểu biết của chúng ta về nhân vật lịch sử này rất có giới hạn. Trước công trình nghiên cứu của Trương Bá Cần, chúng ta thường chỉ lặp lại những kiến thức sơ sài tản mạn về Nguyễn Trường Tộ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không mấy ai có thể trình bày một cách có mạch lạc, hệ thống nội dung tư tưởng của nhân vật lỗi lạc này, hoặc giả phân tích và đánh giá vì sao tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đi vượt tầm suy nghĩ của những trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Vì ta không biết học hỏi những lỗi lầm của người đi trước, thêm vào đó lại có khuynh hướng ưa trách người nhưng không chịu trách mình, cho nên ta thường chỉ biết oán trách vua quan triều Nguyễn đã thủ cựu, không tạo đất dụng võ để cho những nhân tài như Nguyễn Trường Tộ phải bị mai một. Mặc dầu những phê phán này thường xác đáng, nhưng vô tình trong lúc đó trên thực tế, nhiều khi không ai khác hơn là chính ta, lại đang dẫm chân trên lỗi lầm của những thế hệ trước. Bởi vậy, cái tên Nguyễn Trường Tộ không chỉ gợi cho ta niềm tự hào nhưng còn mang cái gì ấm ức, uất nghẹn của một giấc mộng mà cả dân tộc đã ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thành.(...)
Sở học của Nguyễn Trường Tộ bao quát nhiều ngành, về khoa học kỹ thuật cũng như về các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Chính Nguyễn Trường Tộ đã viết:“Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới: cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người h ọc được như vậy hay dùng đó làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để báo đáp lại cái mà trời đã cho tôí học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào” (tr. 120).
Trước hết, về khoa học kỹ thuật, là người chủ trương thực học, Nguyễn Trường Tộ chính là nhà kiến trúc sư phụ trách xây cất tu viện Dòng thánh Phaolồ ở Sài Gòn (khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn thành vào tháng 7 năm 1864), một kiến trúc có tầm cỡ, và cũng là một biểu tượng của văn hoá Tây phương ở ngay Sài Gòn mà ngay chính người Pháp lúc bấy giờ rất lấy làm hãnh điện. Một linh mục người Pháp, trong bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques (Hội truyền giáo Công giáo) vào năm 1876 đã viết về vai trò của Nguyễn Trường Tộ trong việc xây cất tu viện như sau: “ Chính ông ta đã phải vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách cẩn thận; chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu...” (trích dẫn ở tr. 29). Ngoài ra, Nguyễn Trường Tộ cũng chính là người chỉ huy đào Thiết Cảng để làm Kênh Sắt (còn gọi là kênh Nguyễn Trường Tộ), nối liền sông Cấm, hay sông Cửa Lò, với sông Vinh. Tương truyền là từ xưa Cao Biền khi sang đô hộ nước ta và Hồ Quý Ly đời nhà Hồ đều có dự định đào kênh này, nhưng cả hai đều không thực hiện được vì dưới đất có nhiều đá cuội. Khi được tổng trấn Nghệ An lúc bấy giờ là Hoàng Tá Viêm mời ra giúp đào kênh, Nguyễn Trường Tộ đi xem xét rồi tìm ra cách giải quyết ngay. Ông nói là nếu ở Pháp thì người ta dùng cốt mìn để phá, còn như ở nước ta không có mìn, chỉ cần đào tránh khúc có nhiều đá lớn là xong (tr. 36). Về máy móc, hình như Nguyễn Trường Tộ cũng biết khá nhiều, trong bản điều trần về việc mua và đóng thuyền máy, Nguyễn Trường Tộ khẳng định: “ Theo tôi thiết nghĩ hiện nay người Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa, không ai hơn được tôi, từ nay về sau thế nào thì không dám nói” (tr. 155).
Về khoa học xã hội, Nguyễn Trường Tộ tỏ ra bén nhạy trên nhiều lĩnh vực, ông có cái nhìn vừa bao quát, liên ngành, vừa thông suốt và tận gốc. Những bản điều trần của ông bao gồm nhiều lĩnh vực: đại thế trong thiên hạ, kế hoạch làm dân giàu nước mạnh, cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp, canh tân và mở rộng quan hệ ngoại thương, thực học, cải cách phong tục, tự do tôn giáo, sử dụng quốc âm v.v... Học giả Trương Bá Cần trong phần “Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ”đã phân tích tường tận, sâu sắc – nhưng không thiếu tế nhị – chương trình cải cách có hệ thống, toàn diện của Nguyễn Trường Tộ.
Đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều đình Huế từ 1861 cho đến khi ông từ trần, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha (Minh lục , tức là hội thành lập vào năm thứ sáu [1873] đời Minh Trị) đăng ở tập san Meiroku Zasshi(Minh lục tạp chí). Thành viên của Meirokusha gồm có những trí thức lừng danh lúc bấy giới như Fukuzawa Yukichi (Phúctrạch Dụcát, 1835-1901; người sáng lập ra trường Keio Gijuku và cũng là một nhân vật có ảnh hưởng vô cùng lớn rộng trong công cuộc đổi mới giáo dục và tư tưởng của người Nhật) cùng nhiều nhân vật khác, hầu hết là cha đẻ của nhiều ngành khác nhau như chính trị học, luật học, triết học, thống kê, canh nông... ở Nhật Bản thời Minh Trị. Họ bàn về những vấn đề bức thiết ở Nhật lúc bấy giờ như vai trò của trí thức trong công cuộc mở mang dân trí và canh tân đất nước, cần phải dựa vào công luận (thay vì chính quyền) để phát triển văn minh, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do mậu dịch, cải cách tài chính, cải cách giáo dục, khái luận về văn minh Tây phương, vấn đề sử dụng chữ hiragana... Điều khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam là lúc bấy giờ hội Meirokusha quy tụ có gần 30 trí thức (đó là chưa kể vô số học giả khác ở ngoài hội) được dân chúng và chính phủ nể vì, còn ở nước ta, không những hầu như chỉ có một mình Nguyễn Trường Tộ, mà chính ông ta lại còn bị đình thần nghi ngờ đố kỵ, bởi vậy những lời điều trần của ông chẳng khác gì một tiếng kêu tuyệt vọng trong bãi sa mạc, không thay đổi được gì vận mệnh của đất nước như ông mong ước.
Một điểm khác biệt giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức Việt Nam cùng thời là ông có thể nhìn, đánh giá và tìm cách giải quyết một cách năng động hiểm hoạ mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới, tình hình chính trị ở Pháp, mâu thuẫn giữa Pháp và các nước Tây phương khác, xác định đâu là “đại thế” và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, để cuối cùng đưa ra chủ trương hoà hay chiến tuỳ theo điều kiện và thời điểm cụ thể. Trình bày về quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về phương pháp cứu nguy cho Việt Nam lúc bấy giờ, ông Trương Bá Cần nhận xét: “Qua các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta thấy là ông không hề mơ hồ về ý đồ của thực dân Pháp đối với đất nước chúng ta (...), âm mưu xâm lược của chúng đã có từ rất lâu, vì vậy chỉ có thể trên cơ sở đánh mạnh, khiến chúng phải khốn đốn, thì chúng m ới chịu hoà, và trong điều kiện ấy, ta mới có thể hoà một cách có lợi” . Cuối cùng, tác giả kết luận: “ Đối với Nguyễn Trường Tộ, vấn đề canh tân phát triển đất nước là vấn đề hàng đầu. Do đó, Nguyễn Trường Tộ chủ trương m ở rộng giao thương với các nước và tạm hoà với Pháp, tạm nhượng bộ Pháp”(tr. 84-86).
Chủ trương của Nguyễn Trường Tộ trên thực chất không khác chủ trương đối ngoại của Nhật Bản vào những năm cuối thời Tokugawa (Đức Xuyên) và đầu thời Minh Trị. Mặc dầu Nhật Bản đã phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương dưới chính quyền Tokugawa, sau khi chính quyền này bị lật đổ, những nhà lãnh đạo của chính phủ mới (Minh Trị) đã tạm thời nhượng bộ. Năm 1871, chính phủ Minh Trị cử một phái bộ cao cấp, đoàn viên có gần 50 người, gồm cả những người có trách nhiệm lớn nhất trong chính phủ lúc bấy giờ, do Iwakura Tomomi dẫn đầu với tư cách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang thăm viếng 15 nước Âu Mỹ trong thời gian gần hai năm với mục đích chính là thương lượng nhằm sửa đổi các điều ước này. Tuy mục tiêu thương lượng hoàn toàn thất bại, phái bộ Iwakura qua lần công du này được quan sát tận mắt tình hình của các nước trên thế giới, và khi trở về Nhật càng tập trung vào nỗ lực canh tân đất nước. Ta cũng nên để ý rằng, trên thực tế, phải đợi đến 40 năm sau (1911), liệt cường mới hoàn toàn xoá bỏ các điều khoản bất lợi cho Nhật, và khi đó – hay nói đúng hơn, vì khi đó – Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, về kinh tế cũng như về quân sự.
Nói tóm lại, lối nhìn của Nguyễn Trường Tộ khác hẳn với lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi, và rập khuôn của hầu hết sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của thế giới quan Nho giáo, họ cứ khư khư quan niệm, hoặc ý thức hoặc vô ý thức, rằng nước ta là trung tâm của vũ trụ, hay một tiểu vũ trụ (giống như người Trung Hoa quan niệm nước họ là trung tâm của thế giới, chỉ có điều là nước ta nhỏ hơn nhiều, và họ là Bắc triều còn ta là Nam triều), xem Trung Quốc ( Thiên triều) là nước duy nhất có thể trông cậy để cứu ta khỏi hiểm hoạ mất nước 1. Họ quên rằng chính bản thân Trung Quốc lúc đó cũng đang bị liệt cường xâu xé, đâu còn sức nào để giúp đỡ cho Việt Nam.

1 Người viết đã có dịp trình bày điểm này chi tiết hơn trong bài Japanese and Vietnamese Attitudes toward China : a Comparison (Thử so sánh lối nhìn của Nhật Bản và Việt Nam đối với Trung Quốc) đăng ở tập san Asian and Pacific Quarterly,XXI, 2 ( Autumn 1989), tr. 1-13.

Vai trò của Tân thư trong việc mở rộng kiến thức của Nguyễn Trường Tộ

Tân thư là gì? Tân thư đi từ chữ Hán hsin-shu 新書 gọi nôm na là Sách mới, từ trước đến bây giờ được người Việt ta dùng để chỉ những sách chữ Hán do các nhà cải lương Trung Hoa như Khang Hữu Vi (Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Liang Ch’i-ch’ao) trước tác và được đưa vào nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Các chí sĩ hoạt động trong các phong trào duy tân đất nước sau Nguyễn Trường Tộ, như Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành... đều chịu ảnh hưởng không ít của những cuốn sách này. Tân thư nói rộng ra bao gồm cả những cuốn sách do người Trung Hoa trước tác hay dịch thuật từ sách báo Tây phương kể từ thập niên 1840, sau khi Trung Hoa bị Anh đánh bại trong chiến tranh Nha phiến và muốn tìm hiểu Tây phương để đáp ứng nhu cầu “biết thêm về đối phương”. Trong thời kỳ này, cũng có một số sách Tân thư do các nhà truyền giáo Tin Lành trước tác bằng chữ Hán. Khi xuất bản những sách này, họ muốn chứng minh cho người Trung Hoa thấy rằng nếu các nước Tây phương có một nền văn minh tiên tiến như vậy thì tín ngưỡng của họ (đạo Kitô) ắt phải có gì đáng chú ý 2.
Chúng tôi đồng ý với hai ông Đào Duy Anh và Trương Bá Cần là “những sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức cận đại của Nguyễn Trường Tộ. Ông Đào Duy Anh cho biết là trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều loại sách này, nhưng hình như không ai ghi lại tên những cuốn sách đó. Thật đáng tiếc, vì phải gì nếu có được một danh sách đầy đủ của tên những cuốn Tân thư, cùng những loại sách khác, trong tủ sách đó, thì chúng ta đã có thể tra cứu để biết rõ hơn về quá trình cấu tạo tư tưởng khải mông của nhân vật lỗi lạc này!
Khi đọc lại các di thảo của Nguyễn Trường Tộ để mong tìm một vài tia sáng cho vấn đề này, tình cờ chúng tôi thấy Nguyễn Trường Tộ có nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược (Ying-huan chih-lueh, nghĩa là Khái lược về địa lý thế giới), mà may mắn từ trước chúng tôi đã được biết là một Tân thư rất nổi tiếng, không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Nhật Bản trong hai thập niên 1850 và 1860. Để có một nhận thức về ý nghĩa cuốn Doanh hoàn chí lược nói riêng và Tân thư nói chung đối với Nguyễn Trường Tộ, xin giới thiệu đôi hàng về những nhận xét sơ bộ của chúng tôi.
Trước hết, chúng ta hãy xem Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược trong trường hợp như thế nào. Trong bản điều trần về “Bàn về những thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận),đề ngày 3.4.1863, ông viết: “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hoà với Pháp là thượng sách. Hơn nữa ở châu Âu, việc võ bị chỉ có nước Pháp là đứng hàng nhất, hùng mạnh nhất không thua ai cả. Họ lại có tính khảng khái, hiếu chiến, với uy phong của một quân đội có xe sắt. Tuy dùng binh nhưng cũng biết trọng nghĩa giữ lời, không như các nước chỉ chuyên thủ lợi. Khi thắng trận thì cả nước hoan hô, dù tổn thất nghìn m uôn người chẳng tiếc, chỉ sao cho uy danh hùng tráng, quốc thể được bảo toàn làm trọng. Các tướng thì gan dạ, nhiều mưu trí, theo binh pháp, thuỷ chiến, lục chiến đều rất giỏi. Thật đúng như sách Doanh hoàn chí lược đã chép vậy”. Sau đó, trong bài điều trần về “Tám điều cần làm gấp (Tế cấp bát điềuđề ngày 15.11.1867, khi bàn đến sự cần thiết chỉnh đốn những vùng sát biên giới phía tây của Việt Nam và khuyên triều đình nên cho các nhà truyền giáo đến giảng đạo và giúp đỡ dân chúng các vùng đó, Nguyễn Trường Tộ viết: “Phương Tây xưa có nhiều giống dân hung dữ chưa khai hoá, như dân Bồn Man, Vạn Tượng ngày nay, phần nhiều đều nhờ các giáo sĩ chịu khó mở mang giáo hoá mà về sau dần dần trở nên thịnh lợi. Chuyện ấy sử sách các nước phương Tây còn giữ và sáchDoanh hoàn chí lược của Trung Quốc cũng nói đến chứ không phải tôi dám bịa ra hùa theo nói tốt cho họ đâu” (tr. 272) .
Trong hai đoạn trích ở trên, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến Doanh hoàn chí lược khi bàn về một khía cạnh của dân tộc tính, hay tâm lý người Pháp (trích dẫn đầu), và tình hình ở Lào (trích dẫn hai). Dĩ nhiên Nguyễn Trưởng Tộ đã trích dẫn để nói lên tính khách quan trong luận điểm của ông, nhưng mặt khác, qua sự trích dẫn này chúng ta thấy được phần nào ý nghĩa của Tân thư trong quá trình tìm hiểu tình hình trên thế giới lúc bấy giờ của Nguyễn Trưởng Tộ (vào thời điểm này có lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa đi Pháp và các nước châu Âu, nên những “sử sách các nước phương Tây” mả ông nói ở trên có lẽ là những sách đã dịch ra hoặc giới thiệu bằng chữ Hán). Bây giờ chúng ta hãy thử xem cuốn Doanh hoàn chí lược mà Nguyễn Trưởng Tộ đã trích dẫn ở đây là cuốn sách gì, và đã có ảnh hưởng như thế nào ở Trung Hoa và Nhật Bản?
bia dhcl
Doanh hoàn chí lược do Từ Kế Dư (Hsu Chi-yu, 1795-1873) biên soạn dưới triều vua Đạo Quang (Tao-kuang) nhà Thanh, vào những năm 1843-1848 khi Từ được bổ nhiệm về tỉnh Phúc Kiến, lúc đầu để trông coi việc buôn bán với các nước Tây phương, và sau đó với tư cách là tuần vũ (giống như chức tỉnh trưởng). Từ sinh ở Sơn Tây trong một gia đình khoa bảng, ông đỗ cử nhân năm 1813 nhưng phải đến 13 năm sau mới đỗ tiến sĩ. Sau đó, Từ được bổ làm án sát tỉnh Thiểm Tây (1836) và nổi tiếng là một quan viên có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa. Vua Đạo Quang nghe tiếng, triệu Từ về kinh để hỏi về phương sách chấn hưng Trung Hoa. Tương truyền khi nghe Từ trình bày, nhà vua xúc động đến rơi nước mắt. Một năm sau khi hoà ước Nam Kinh (1842) được ký kết, Từ được bổ nhiệm về Phúc Kiến, và theo lệnh vua, bất đầu tìm hiểu về tình hình nước ngoài.
Ở Phúc Kiến, Từ thường có dịp tiếp xúc với các viên chức Tây phương ở Hạ Môn (Amoy) và Phúc Châu (Foochow), trong đó có đại uý Henry Cribble, lãnh sự đầu tiên của Anh ở Hạ Môn, và thông dịch của ông là David Abeel (tên chữ Hán là Nhã-bì-lý 1804-1846), một giáo sĩ người Hoa Kỳ, cùng những nhân viên ngoại giao người Anh khác như George Tradescent Lay và Rutherford Alcock. Sau khi được Abeel cho xem tập bản đồ thế giới, Từ Kế Dư bắt đầu tập trung sưu tập những bản đồ xuất bản ở các nước Tây phương, biên soạn thêm lại chú giải dựa trên những tư liệu về kinh tế và chính trị Tây phương để hoàn thành cuốn sách này. Như đã đề cập ở trên, các giáo sĩ Tin Lành ở Trung Hoa lúc bấy giờ đang đẩy mạnh kế hoạch truyền giáo và xuất bản nhiều sách để giới thiệu văn minh Tây phương bằng chữ Hán. Đây là nguồn tài liệu chính yếu để Từ tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Trong số những tài liệu này, đặc biệt quan trọng là cuốn Universal Geography (Địa lý thế giới) viết bằng chữ Hán của Karl Gutzlaff (1803-1851), một giáo sĩ gốc người Phổ thuộc Giáo hội Hà Lan. Trong khi biên soạn, Từ đã kiểm chứng những kiến thức của ông về tình hình thế giới bên ngoài với những người Tây phương mà ông có dịp tiếp xúc.
Từ soạn xong cuốn Doanh hoàn chí lược vào khoảng cuối tháng tám hay tháng chín năm 1848, nhưng hình như đến cuối hè năm sau sách mới được xuất bản. Nhờ lối làm việc nghiêm túc dựa trên quan điểm khảo chứng của Từ Kế Dư, cuốn Doanh hoàn chí lược đã chiếm địa vị là một trong những tài liệu chính yếu về thế giới bên ngoài trong suốt hàng chục năm sau đó ở Trung Hoa 3. Cũng nên nói thêm rằng Khang Hữu Vi, nhà cải lương Trung Quốc nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bắt đầu đọc Doanh hoàn chí lược vào năm mười bảy tuổi, và đối với Khang, sách này là một trong những cuốn sách gốí đầu giường về tình hình các nước Tây phương 4.
Bộ Doanh hoàn chí lược xuất bản năm 1849 gồm 10 quyển, có gần 145.000 chữ và 42 bản đồ. Trong sách, Từ không chỉ nói về địa lý, mà còn bàn về bản đồ chính trị thế giới ở thế kỷ XIX, hiện tình của các nước, và giải thích các vấn đề nóng hổi lúc bấy giờ như sự bành trướng của các nước Tây phương sang Á châu và ảnh hưởng của nó đối với Trung Hoa và các nước triều cống chung quanh 5.
Ngoài Doanh hoàn chí lược còn có một Tân thư quan trọng khác là cuốn Hải quốc đồ chí (Hai kuo t’u-chih, 1842) của Nguỵ Nguyên (Wei Yuan). Hai cuốn này được truyền sang Nhật và in lại vào cuối đời Tokugawa ( Doanh hoàn chí lược được in lại ở Nhật năm 1861) 6 . Đối với các chí sĩ (shishi) đang bôn ba hoạt động để tìm phương cách cứu nguy cho Nhật Bản, nhờ hai cuốn sách này mà họ biết được về tình hình bên ngoài trong lúc Nhật đang còn thi hành chính sách bế quan toả cảng. Sau đó, người Nhật đã tự mình đi học hỏi, điều tra các nước bên ngoài để ngày càng cập nhật hoá kiến thức của họ về thế giới, nên đã bỏ xa Trung Quốc. Có điều đáng để ý là vào năm 1874, khi kiến thức về nước ngoài ở Nhật nói chung đã vượt hẳn Trung Quốc, vẫn có người dịch lại cuốn Doanh hoàn chí lược sang tiếng Nhật để làm tài liệu tham khảo. Tên sách dịch sang tiếng Nhật này được đổi là Eikan shiryaku (Doanh hoàn sử lược, tên sách ở trang đầu vẫn giữ nguyên là Doanh hoàn chí lược) và có thêm phụ đề là Zokkai eiri, tức là tục giải (giải thích theo ngôn ngữ thông thường để ai cũng có thể lãnh hội) và có thêm minh hoạ 7.
Tuy chúng ta không thấy Nguyễn Trường Tộ trực tiếp nhắc đến tên sách Hải quốc đồ chí trong các di thảo, nhưng vì (a) ý nghĩa quan trọng của sách này (tương đương với Doanh hoàn chí lượcso với các Tân thư lúc bấy giờ, và (b) trong di thảo của Nguyễn Trường Tộ có dấu vết của các luận điểm đề ra trong sách này, có khả năng là Nguyễn Trường Tộ đã đọc sách Hải quốc đồ chíĐiều đáng tiếc là vì tài liệu về Nguyễn Trường Tộ bị thất lạc quá nhiều nên chúng ta không có phương tiện để xác minh là giả thuyết này có đúng hay không. Nhưng, dầu sao đi nữa, để có một khái niệm tổng quát về vai trò của Tân thư ở Trung Hoa và Nhật – và dựa trên đó ta có thể đi đến một nhận định khách quan hơn về vị trí đặc thù của Nguyễn Trường Tộ trong giới trí thức Việt Nam trong hai thập niên 1850 và 1860 – ta cần biết sơ lược về cuốn Hải quốc đồ chí.
Nguỵ Nguyên, tác giả Hải quốc đồ chílà bạn thân của Lâm Tắc Từ (Lin Tse-shu, 1785-1850), người thay mặt triều đình nhà Thanh giải quyết vấn đề Công ty Đông Ấn Độ của người Anh nhập cảng thuốc phiện vào Trung Hoa. Chính Lâm đã uỷ thác cho Nguỵ soạn cuốn sách này. Sách Hải quốc đồ chí xuất bản lần đầu tiên (1842) có 50 quyển, khi in lại năm 1847 được bổ sung thành 60 quyển, và có 100 quyển khi tái bản lần thứ hai vào năm 1852. Sách có khoảng 88 vạn chữ, 75 bản đồ, và 42 trang vẽ biểu đồ các pháo thuyền Tây phương. Hải quốc đồ chí không chỉ cung cung cấp những kiến thức khách quan mà còn đề xuất những biện pháp chiến lược để đối phó với sự bành trướng như tằm ăn dâu của Tây phương. Nguỵ Nguyên chủ trương dĩ di công di (dùng Tây phương đánh Tây phương), dĩ di khoán di (dùng Tây phương để lung lạc Tây phương) và sư chi di trường kỹ dĩ chế di (học cái sở trường của Tây phương để chặn đứng xâm lược của Tây phương) 8. Sự thay đổi lập trường của Nhật từ joi (nhượng di: chống đối Tây phương bằng vũ lực) sang kaikoku (khai quốc: mở cửa để giao thương) và cuối cùng là học hỏi Tây phương, bắt kịp Tây phương, đi vượt Tây phương trong những năm cuối đời Tokugawa và đầu thời Minh Trị trùng hợp với chủ trương của Nguỵ Nguyên. Dĩ nhiên, cũng từ một nhận thức tương tự với Nguỵ Nguyên mà Nguyễn Trường Tộ đã điều trần về sự cần thiết tiếp thu văn minh tiên tiến của Tây phương để cứu Việt Nam khỏi nạn mất nước, hoặc bàn về phương sách khống chế người Pháp bằng cách nhờ kẻ khác để ngăn chặn họ, xui kẻ khác gây sự với họ, nhờ kẻ khác để ly gián họ, nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ, dùng người khác để đánh họ, hoặc nhờ các nước đểđề phòng các nước trong điều trần về Lục lợi từ (khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.1864, tr. 145-51) và trong nhiều điều trần khác 9.
Khi mới xuất bản, Hải quốc đồ chí được sự chú ý của một số trí thức Trung Hoa, nhưng sau đó sách bị tuyệt bản và khi Binh bộ thị lang của nhà Thanh là Vương Mậu Ấm (Wang Mu-yin) dâng tấu xin tái bản sách để các thân vương và đại thần mỗi nhà đều có một cuốn, và dùng sách làm tài liệu để dạy cho quân đội, thì đề nghị này bị bỏ qua. Ở Trung Hoa, không những các biện pháp do Nguỵ Nguyên đề ra không được thực hiện, mà ngay bản thân Nguỵ Nguyên cũng không được trọng dụng. Ông chỉ làm đến chức tri huyện ; sau khi triều đình bị Thái Bình Thiên quốc uy hiếp ông mới được thăng lên chức trichâu, và cuối cùng đã chết trong hiu quạnh. Trong khi đó ở Nhật, giống như Doanh hoàn chí lược,Hải quốc đồ chí có ảnh hưởng sâu rộng và thực tiễn đối với giới trí thức trong và ngoài chính quyền. Ấn bản Hải quốc đồ chí in lần thứ hai (60 quyển, 1847) được truyền sang Nhật 3 bộ năm 1851 và 2 bộ năm 1852; ấn bản in lần thứ ba (100 quyển, 1852) được truyền sang Nhật 15 bộ vào năm 1854, trong đó 7 bộ được chính quyền Bakufu trưng dụng, và 8 bộ được đem bán trên thị trường. Kawaji Toshiakira, viên chức phụ trách tài chính và hải phòng10 của chính quyền Bakufu đã uỷ thác cho Shioya Toin chọn lọc những phần quan trọng để in lại. Bản in lại ở Nhật được xuất bản năm 1855, trong đó các địa danh, tên các loại thảo mộc... được học giả Mitsukuri Gempo chú thêm tên gọi theo các tiếng Tây phương. Chỉ nội trong ba năm từ 1854 đến 1856 ở Nhật có tất cả đến 21 ấn bản khác nhau về Hải quốc đồ chí 11, qua đó chúng ta thấy sự quan tâm về tình hình thế giới và phản ứng thức thời, nhanh chóng của người Nhật để cứu nguy cho đất nước họ.
Năm 1862, khi Takasugi Shinsaku (Cao sâm Tấn tác, 1839-67) – môn đệ của Yoshida Shoin (Cát điền Tùng lâm, 1830-59), người đi tiên phong và biểu tượng của phong trào chống Bakufu để tiến đến Minh Trị Duy tân – bí mật sang Thượng Hải để điều tra tận mắt về tình hình Trung Hoa, hình như ông ta phải vất vả lắm mới tìm ra được một bộ Hải quốc đồ chíSau một thời gian ở Thượng Hải, ông có dịpbút đàm với trí thức Trung Hoa, Takasugi cho rằng việc người Trung Hoa đã để một cuốn sách do người Trung Hoa trước tác có giá trị chiến lược thực tiễn như cuốn Hải quốc đồ chí tuyệt bản mà không chịu in lại là một trong ba lý do khiến Trung Hoa suy yếu. Hai lý do khác mà Takasugi đã nêu là: (a) trước nạn Tây xâm, thái độ người Trung Hoa là hững hờ, mặc kệ, không cần ai nghĩ đến ngay cả việc bàn luận về phương cách ngăn chặn hiểm hoạ đó; và (b) người Trung Hoa không biết trang bị súng thần công có tầm xa để ngăn chặn tàu bè Tây phương 12. Sự phổ biến Tân thư ở Việt Nam hình như lại còn giới hạn hơn ở Trung Hoa. Nhưng đối với những sĩ phu Việt Nam nào có dịp đọc Tân thư (dĩ nhiên chỉ một thiểu số), thì phải nói ảnh hưởng của Tân thư rất sâu rộng. Điều đó được xác minh qua chứng từ của cụ Phan Bội Châu trong hai tự truyện của cụ. Ngay cả những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, trước đây số người được đọc rất giới hạn, nhưng đối với ai là người có tâm huyết mà có đọc được thì những di thảo này sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự chuyển biến tư tưởng của họ. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Nguyễn Lộ Trạch, tác giả Thiên hạ đại thế luậnmột tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong trào Đông Du và phong trào Đông Kinh nghĩa thục vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Lộ Trạch có lẽ là một trong số ít trí thức hiếm hoi có “diễm phúc” đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Lý do khá đơn giản: ông là con rể của Trần Tiễn Thành. Chúng tôi đề cập đến điểm này để muốn nói rằng những hạn chế trong sự phổ biến kiến thức mới về thế giới bên ngoài là một trong những nguyên nhân chính yếu ngăn chặn sự phát triển dân trí và đà tiến hoá của nước ta.

Vĩnh Sính

 
2 xem Suzanne W. Barnett, Protestant Expansion and the Chinese Views of the West (sự bành trướng của Giáo hội Tin Lành và nhận thức của Trung Hoa về Tây phương), Modern Asian Studies, 6, 2 (1972). Có khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh về vai trò của Giáo hội Tin Lành trong thời kỳ này, chẳng hạn như: Alexander Wylie, Memorials of Protestant Missionaries to the Chinese (Những bản điều trần của các Giáo sĩ Tin Lành gửi người Trung Hoa), nguyên bản sách này ra đời năm 1867, sau đó được Ch'eng-wen Publishing Company (Đài Loan) in lại năm 1967; hoặc Chang Hsì-t'ung, The Earliest Phase of the Introdution of Western political Science into China (Sự du nhập khoa chính trị học Tây Phương vào Trung Hoa vào giai đoạn đầu tiên), Yenching Journal of social studies, V.1 (July 1950).
3 Xem Fred W. Drake, A Mid-nineteenth-century Discovery of the Non-ChineseWorld(Sự khám phá của người Trưng Hoa về thế giới bên ngoài vào giữa thế kỷ XIX), Modern Asian Studies, 6, 2 (1972); Saneto Keishu hiệu đính và Tam Yue-him (Đàm Nhữ Khiêm) chủ biên, Nihon'yaky Chugokusho song mokurokuu (Mục lục tổng hợp của những sách Trung Quốc đã dịch sang tiếng Nhật), Hong Kong, Chinese University of Hong Kong (Trung Văn đại học). Theo Drake, Doanh hoàn chí lược được tái bản 1ần thứ hai vào năm 1850, lần thứ ba 1859 (chưa được xác minh), và lần cuối cùng 1866. Không rõ cuốn mà Nguyễn Trường Tộ có được xuất bản năm nào, nhưng chắc chắn là phải trước năm 1866. Trong Ssu-yu Teng và John K. Fairbank, China's Response to the West (Phản ứng của Trung Quốc đối với [sự bành trướng] của Tây phương), có trích dịch một đoạn của Doanh hoàn chí lược,tr. 42-46.
4 Xem Sakade Yoshinobu, Ko Yu-i (Khang Hữu Vi), Tokyo, Shueisha, 1985, tr. 35-36.
5 Drake, tài liệu đã dẫn, tr. 217.
6 Tức là năm 1853 khi chiến hạm Hoa Kỳ do Đô đốc Perry đến Nhật đòi mở cửa thông thương cho đến khi chính quyêền Tokugawa bị lật đổ và bắt đầu Minh Trị Duy tân (1868).
7 Saneto và Tam, sách đã dẫn, tr. 100.
8 Xem Lu Wan-he (Lữ Vạn Hoà), Meiji ishin to Chugoku (Minh Trị Duy tân và Trung Quốc), Tokyo,Rokko Shuppan, 1988, tr. 123-25.
9 Trong điều trần về Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (Lục lợi từ), Nguyễn Trường Tộ nói về tư tưởng dĩ di trị di nhưng qua lời của vua Đạo Quang: “Vua Đạo Quang nhà Thanh có nói ‘Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch’ "(tr. 144).
10 Phòng vệ đường biển.
11 Tài Liệu trong đoạn này chủ yếu dựa trên Lu Wan-he, sđd., tr. 123-127. Về chi tiết của các ấn bản của Hải quốc đồ chí ở Nhật, xem Saneto và Tam, sđd., đặc biệt các trang 4, 98-99, 101, 103, 136 và 206.
12 Trích ở sách Joshua Fogel, Politics and Sinology: The Case Naito Konan (1866-1934) (Dây liên hệ giữa chính trị và Trung quốc học: Trường hợp Naito Konan (1866-1934)), Cambridge (Mass.),Harvard University Press, 1984, tr. 15.
16. Vài ý kiến đóng góp vào việc tìm hiểu và đánh giá Nguyễn Trường Tộ
Vĩnh Sính
Đã từ lâu lắm, có lẽ từ khi cụ Phan Bội Châu và các hội viên của Duy Tân Hội đang còn tìm cách gởi thanh niên Việt Nam sang Nhật du học qua phong trào Đông Du, cái tên Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) thỉnh thoảng lại gợi đến cho người Việt một niềm tự hào, tin tưởng vào giấc mộng canh tân đất nước. Ta tự nghĩ, nếu từ thập niên 1860, khi Việt Nam vừa mới phải trạm chán với những thách đố đầu tiên của Tây phương mà trong nước chúng ta đã có người nhìn xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ, thì quả thật nước ta đâu có thiếu nhân tài. Thoạt nhìn sang các nước láng giềng vào lúc đó thì số phận của họ đâu có gì sáng sủa hơn Việt Nam cho lắm. ! Ở Trung Hoa, sau thất bại nhục nhã trong chiến tranh nha phiến (1839-1842), quan viên triều đình nhà Thanh vừa phải đương đầu với loạn Thái bình Thiên quốc, vừa phải tìm cách chấn hưng đất nước qua chính sách “tự cường”. Ngay số phận của Nhật Bản trước Minh Trị Duy Tân(1868) cũng như ngàn cân treo sợi tóc: việc chính quyền Tokugawa ký kết một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nuớc Tây phương vào năm 1858 không có sự thoả thuận của Thiên hoàng đã trở thành lý do để các nhóm chống đối (mà tụ điểm là các vũ sĩ cấp dưới ở Satsuma và Chôshu) buộc tội; bên ngoài thì Pháp Anh nhòm ngó; Pháp ủng hộ chính quyền Tokugawa và Anh ủng hộ nhóm Satsuma – Chôshu. Nếu những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ của Nhật Bản không được khôn khéo giải quyết nhanh chóng và kịp thời để đối phó hữu hiệu với tình hình quốc tế lúc bấy giờ thì Nhật Bản cũng đã trở thành một miếng mồi ngon cho các nước Tây phương, chẳng khác gì số phận các nước Á châu khác.
Nhìn gương canh tân của Nhật Bản kể từ Minh Trị Duy Tân, ta thường ấm ức, than trách vua quan nước ta hồi đó đã không biết thức thời để lắng nghe những lời trần tình của Nguyễn Trường Tộ, đến nỗi bỏ lỡ vận hội canh tân nước nhà. Mặc dầu chúng ta thường nói và nhắc nhở nhiều đến Nguyễn Trường Tộ, nhưng kỳ thật thì sự hiểu biết của chúng ta về nhân vật lịch sử này rất có giới hạn. Từ trước tới nay, nói chung chúng ta chỉ thường lặp đi lặp lại những kiến thức sơ sài, tản mạn về Nguyễn Trường Tộ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không mấy ai có thể trình bày một cách có mạch lạc, hệ thống nội dung tư tưởng của nhân vật lỗi lạc này, hoặc giả phân tích và đánh giá vì sao tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đi vượt tầm suy nghĩ của những trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Vì ta không biết học hỏi lỗi lầm của những người đi trước, thêm vào đó lại có khuynh hướng ưa trách người nhưng không chịu trách mình, cho nên ta thường chỉ biết oán trách vua quan triều Nguyễn đã thủ cựu, không tạo đất dụng võ để cho những nhân tài như Nguyễn Truờng Tộ phải bị mai một. Mặc dầu những lời phê phán này thường xác đáng, nhưng vô tình trong lúc đó trong thực tế, nhiều khi không ai khác hơn là chính ta, lại đang giẫm chân trên những lỗi lầm của những thế hệ trước. Bởi vậy, cái tên Nguyễn Trường Tộ không chỉ gợi cho ta niềm tự hào nhưng còn mang cái gì ấm ức, uất nghẹn của một giấc mộng mà cả dân tộc đã ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thành.
Để tiến đến một nhận thức khách quan và toàn diện hơn về Nguyễn Trường Tộ, dĩ nhiên chúng ta cần tiếp cận, phân tích, và đánh giá nhân vật lịch sử này qua nhiều góc độ. Trong bài này, từ góc độ của một người nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và giao lưu văn hoá giữa Nhật với các nước Đông Nam Á và Tây phương vào nửa sau thế kỷ XIX, chúng tôi xin đóng góp ý kiến chủ yếu trên hai vấn đề mà các thức giả đã bàn luận từ trước đến nay : (1) “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?”, và (2) “Phải chăng Nguyễn Trường Tộ đã gặp Y-Đằng Bác-Văn?”. Trước hết, thiết tưởng chúng ta cần đi lược qua những nét chính trong tư tưởng Nguyễn Trường Tộ.
I.      NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
Nguyễn Trường Tộ hồi nhỏ được thân phụ dạy chữ Hán ở nhà, sau đó theo học các cụ đồ nho ở vùng lân cận. Ông nổi tiếng thông minh phi thường nên thường được gọi là “trạng Tộ”. Mặc dầu không đi theo đường khoa bảng (vì là người Công giáo nên Nguyễn Trường Tộ không được đi thi), vốn liếng Hán học của ông có thể nói là chẳng thua kém gì các nhà khoa bảng trong triều đình lúc bấy giờ. Điều này được xác minh qua kiến thức uyên bác về những điển tích Đông phương và bút pháp Hán văn già giặn của ông trong những bản điều trần gởi cho triều đình.
Lên mười tám, muời chín tuổi, Nguyễn Trường Tộ bắt đầu thụ giáo những bài học vỡ lòng về Tây học, chủ yếu là tiếng Pháp và những kiến thức khoa học thường thức của Tây phương, từ các giáo sĩ thừa sai người Pháp. đặc biệt Giám mục Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu), người phụ trách giáo phận Xã Đoài từ năm 1846. Theo nhân định của ông Trương Bá Cần trong công trình nghiên cứu công phu Nguyễn Trường Tộ : Con người và di thảo, căn cứ trên những tài liệu hiện có chúng ta chỉ có thể biết chắc là Nguyễn Trường Tộ đã sang Pháp và các nước Âu châu vào năm 1867, còn trước đó thì hình như chỉ đi quanh quẩn ở Hương Cảng, Mã Lai, tức là những nơi có trụ sở của HộI Truyền giáo nước ngoài của Paris (Missions Etrangères de Paris).1 Tuy nhiên, những chuyến đi thăm viếng các nước Á châu láng giềng cũng đã giúp Nguyễn Trường Tộ bồi đắp thêm sở học của mình và mở rộng kiến văn về tình hình thế giới bên ngoài, như ông đã ghi lại trong ‘Bài trần tình” (đề ngày 13 tháng 5 năm 1863) gởi cho Trần Tiễn Thành: “Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn”2
Sở học của Nguyễn Trường Tộ bao quát nhiều ngành, về khoa học kỹ thuật cũng như về các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Điều này được chứng minh qua nội dung các bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho triều đình. Tóm tắt về sở học của mình, Nguyễn Trường Tộ đã viết: “Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới : cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó để làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để báo đáp lại cái mà trời đã cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào”.3
Trước hết, về khoa học kỹ thuật , là người chủ trương thực học, Nguyễn Trường Tộ chính là nhà kiến trúc sư phụ trách xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolồ ở Sài Gòn (khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn thành vào tháng 7 năm 1864), một kiến trúc có tầm cỡ, và cũng là một biểu tượng của văn hoá Tây phương ở Sài Gòn mà ngay chính người Pháp lúc bấy giờ rất lấy làm hãnh diện. Một linh mục người Pháp, trong bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques (Hội Truyền Giáo Công Giáo) vào năm 1876 đã viết về vai trò của Nguyễn Trường Tộ trong việc xây cất tu viện như sau: “Chính ông ta đã vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận; chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu…”4. Ngoài ra, Nguyễn trường Tộ cũng chính là người chỉ huy đào Thiết Cảng để làm Kênh Sắt (còn gọi là kênh Nguyễn Trường Tộ), nối liền sông Cấm, hay sông Cửa Lò, với sông Vinh. Tương truyền là từ xưa Cao Biền khi sang đô hộ nuớc ta và Hồ Quý Ly đời nhà Hồ đều có dự định đào kênh này nhưng cả hai không thực hiện được vì dưới đất có nhiều đá cuội. Khi được Tổng trấn Nghệ An lúc bấy giờ là Hoàng Tá Viêm mời ra giúp đào kênh, Nguyễn Trường Tộ đi xem xét một hồi rồi tìm ra cách giải quyết ngay. Ông nói là nếu ở Pháp thì người ta đã dùng cốt mìn để phá, còn như ở nước ta không có mìn, chỉ cần đào tránh khúc có nhiều đá lớn là xong5. Về máy móc, hình như Nguyễn Trường Tộ cũng biết khá nhiều, trong bản điều trần về việc mua và đóng thuyền máy, Nguyễn Trường Tộ khẳng định: “Theo tôi thiết nghĩ hiện nay người Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa, không ai hơn được tôi, từ nay về sau thế nào thì không dám nói”.6        
Về khoa học xã hội, Nguyễn Trường Tộ tỏ ra rất bén nhậy trên nhiều lãnh vực, ông có cái nhìn vừa bao quát, liên ngành, vừa thông suốt và tận gốc. Những bản điều trần của ông bao gồm nhiều lãnh vực: đại thế trong thiên hạ, kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp, canh tân và mở rộng, quan hệ ngoại giao, thực học, cải cách phong tục, tự do tôn giáo, sử dụng quốc âm, v.v…
Đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gởi cho triều đình Huế từ 1861 cho đến khi ông từ trần, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha (Minh-Lục-Xã, tức là hội thành lập vào năm thứ sáu [1873] đời Minh Trị) đăng ở tập san Meiroku Zasshi (Minh -Lục Tạp-Chí). Thành viên của Meirokusha gồm có những trí thức lừng danh lúc bấy giờ như Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát, 1835-1901; người sáng lập ra trường Keiô Gijuku và cũng là một nhân vật có ảnh hưởng vô cùng lớn rộng trong công cuộc đổi mới giáo dục và tư tưởng của người Nhật) cùng nhiều nhân vật khác, hầu hết là “cha đẻ” của nhiều ngành khác nhau như chính trị học, luật học, triết học, thống kê, canh nông,v.v… ở Nhật Bản thời Minh-trị. Họ bàn về những vấn đề bức thiết ở Nhật lúc bấy giờ như vai trò của trí thức trong công cuộc mở mang dân trí và canh tân đất nước, cần phải dựa vào công luận (thay vì chính quyền) để phát triển văn minh, cải cách tài chánh, cải cách giáo dục, tự do mậu dịch, tự do báo chí, tự do tôn giáo, khái luận về văn minh Tây phương, vấn đề sử dụng chữ hiragana, v.v…Điều khác nhau giữa Nhật và Việt Nam là lúc bấy giờ hội Meirokusha quy tụ có gần 30 trí thức (đó là chưa kể vô số học giả khác ở ngoài hội) được dân chúng và chính phủ nể vì, còn ở nước ta không những hầu như chỉ có một mình Nguyễn Trường Tộ, mà chính ông lại còn bị đình thần nghi ngờ và đố kỵ; bởi vậy những lời điều trần của ông chẳng khác gì một tiếng kêu tuyệt vọng trong sa mạc, không thay đổi được gì vận mệnh đất nước như ông hằng mong ước.
Một điểm khác biệt giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức Việt Nam cùng thời là ông có thể nhìn, đánh giá, và tìm cách giải quyết một cách năng động hiểm hoạ mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới, tình hình chính trị ở Pháp và các nước Tây phương khác, xác định đâu là “đại thế” và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, để cuối cùng đưa ra chủ trương hoà hay chiến tuỳ theo điều kiện và thời điểm cụ thể. Trình bầy về quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về phương sách cứu nguy cho Việt Nam lúc bấy giờ, ông Trương Bá Cần đã nhận xét: “Qua các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta thấy là ông không hề mơ hồ về ý đồ của thực dân Pháp đối với đất nước chúng ta…”, “âm mưu xâm lược của chúng đã có từ rất lâu, vì vậy chỉ có thể trên cơ sở đánh mạnh, khiến chúng phải khốn đốn, thì chúng mới chịu hoà, và trong điều kiện ấy, ta mới có thể hoà một cách có lợi… Đối với Nguyễn Trường Tộ vấn đề canh tân phát triển đất nước là vấn đề hàng đầu. Do đó Nguyễn Trường Tộ chủ trương mở rộng giao thương với các nước và tạm hoà với Pháp, tạm nhượng bộ Pháp”.7  
Chủ trương của Nguyễn Trường Tộ trên thực chất không khác chủ trương đối ngoại của Nhật Bản vào những năm cuối thời Tokugawa (Đức Xuyên) và đầu thời Minh Trị. Mặc dầu Nhật Bản đã phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương dưới chính quyền Tokugawa, sau khi chính quyền này bị lật đổ những nhà lãnh đạo của chính phủ mới (Minh Trị) đã tạm thời nhượng bộ. Năm 1871, chính phủ Minh Trị cử một phái bộ cao cấp, đoàn viên có gần năm mươi người, gồm cả những người có trách nhiệm lớn nhất trong chính phủ lúc bấy giờ, do Iwakura Tomomi dẫn đầu với tư cách là Đại Sứ Đặc mệnh Toàn quyền sang thăm viếng 15 nước Âu Mỹ trong thời gian gần hai năm với mục đích chính là thương lượng nhằm sửa đổi các điều ước này. Tuy mục tiêu thương lượng hoàn toàn thất bại, phái bộ Iwakura qua lần công du nàycó dịp quan sát tận mắt tình hình của các nước trên thế giới, và khi trở về Nhật càng tập trung nỗ lực canh tân đất nước. Ta cũng nên để ý rằng , trên thực tế, phải đợi đến bốn mươi năm sau (1911) liệt cường mới hoàn toàn xoá bỏ các điều khoản bất lợi cho Nhật, và khi đó – hay nói đúng hơn, vì khi đó - Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, về kinh tế cũng như về quân sự.
Nói tóm lại, lối nhìn của Nguyễn Trường Tộ khác hẳn với lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi, và rập khuôn của hầu hết sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của thế giới quan Nho giáo, họ cứ khư khư quan niệm, hoặc ý thức hoặc vô ý thức, rằng nước ta là trung tâm của vũ trụ, hay một “tiểu vũ trụ” (giống như người Trung Hoa quan niệm nước họ là trung tâm của thế giới, chỉ có điều nước ta nhỏ hơn nhiều, và họ là “Bắc triều” còn ta là “Nam triều”.), xem Trung Quốc (“Thiên triều”) là nước duy nhất có thể trông cậy để cứu ta ra khỏi hiểm hoạ mất nước.8  Họ quên rằng chính bản thân Trung Quốc lúc đó cũng đang bị liệt cường xâu xé, đâu còn sức nào để giúp đỡ cho Việt Nam.
II.       “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ HỌC Ở ĐÂU?
Khi bàn đến nhân vật Nguyễn Trường Tộ, một trong những thắc mắc đối với chúng ta là tại sao trong khi sĩ phu Việt Nam lúc đó đang còn ngày đêm giùi mài cái học từ chương những mong đỗ đạt làm quan để đạt giấc mộng “vinh quy bái tổ”, “áo gấm về làng”, Nguyễn Trường Tộ lại có thể trau giồi cho mình một sở học uyên bác, thực tiễn, một tầm mắt xa rộng để nhận chânđược những hiểm hoạ đang đe doạ đất nước, cùng một óc phân tích chuẩn xác, sâu sắc hơn hẳn những trí thức cùng thời ?
Gần năm mươi năm trước đây, học giả Đào Duy Anh qua bài “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu ?” trong các tập san Tri Tân (số 7; 18-7-1941) và Bulletin des Amis du Vieux Huế (Đô thành hiếu cổ; số 2 tháng 4-6, 1944) cũng đã đặt câu hỏi này và cung cấp nhiều ý kiến quý giá. Ông Đào Duy Anh là người đã được đọc nhiều tư liệu của gia đình Trần Tiễn Thành 9 – viên chức của triều đình Huế nhận nhiều văn thư của Nguyễn Trường Tộ - và cũng đã từng có đến sưu tập tài liệu tại nhà của con cháu Nguyễn Trường Tộ ở Bùi Chu. Ông Đào Duy Anh đã gợi ý  là cái sở học uyên bác của Nguyễn Trường Tộ không thể chỉ thu thập được lúc Nguyễn Trường Tộ ở Pháp vì khoảng thời gian này tương đối ngắn ngủi 10, do đó ông phỏng đoán là Nguyễn Trường Tộ đã có dịp đọc “nhiều tân thư của người Tàu nhất là những sách về khoa học và chính trị học” qua những chuyến du lịch ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Hương Cảng 11. Ông Trương Bá Cần cũng đã nhận xét là “để có các kiến thức chuyên môn, Nguyễn Trường Tộ đã phải tự học, nghĩa là phải đọc sách báo, phải biết quan sát để tiếp thu và vận dụng”, bởi lẽ “ về Tây học, thì ông quả có được các linh mục thừa sai và, đặc biệt, Giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và truyền đạt một số kiến thức khoa học, chỉ có thể là, rất phổ thông… vì các thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài (M.E.P.) tuyệt đại bộ phận chỉ học xong chương trình phổ thông, rồi vào các đại chủng viện học làm linh mục để được gởi đến các nước truyền đạo”.12 Tóm tắt về sở học của Nguyễn Trường Tộ, ông Trương Bá Cần viết: “…ngoài vốn liếng về Hán học, Nguyễn Trường Tộ đã sớm tiếp xúc với văn hoá Tây phương, trước tiên có thể là qua các giáo sĩ thừa sai người Pháp, chủ yếu là giám mục Gauthier. Nguyễn Trường Tộ cũng đã có dịp đi ra nước ngoài, nếu không qua các nước Tây Âu, thì cũng qua các nước Đông Nam Á, nơi đây ông đã được đọc sách báo của Tây phương, băng tiếng Pháp, tiếng Anh và nhất là đọc các sách báo Tây phương đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Theo ông Đào Duy Anh và những người đã tới tham khảo các tài liệu tại nhà của con cháu Nguyễn Trường Tộ ở làng Bùi Chu, thì trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều quyển sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư. Nhờ đó mà vào đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã có một kiến thức khá rộn lớn về khoa học kỹ thuật cũng như về khoa học xã hội của Tây phương”.13 
Sau khi đọc xong các di thảo còn lại của Nguyễn Trường Tộ, người viết bài này đồng ý với những nhận xét trên của hai học giả Đào Duy Anh và Trương Bá Cần, và muốn đóng góp thêm một vài ý kiến liên quan đến vấn đề này.
(1) Về thế đứng của Nguyễn Trường Tộ:
Trước hết, hãy trở lại câu hỏi vì sao sở học của Nguyễn Trường Tộ khác xa lối học “bát cổ văn chương” (văn chương tám vế) của những sĩ phu cùng thời. Đã đành chúng ta đều biết ngay từ nhỏ Nguyễn trường Tộ đã nổi tiếng thông minh xuất chúng, nhưng ngoài cái “thiên bẩm” đó, chắc hẳn phải có những yếu tố khác không kém phần quan trọng. Việc Nguyễn trường Tộ có trau giồi Hán học nhưng không phải để lặn lội trong chốn quan trường, theo thiển ý của chúng tôi, cần phải được nhấn mạnh. Sự cấm đoán không cho Nguyễn Trường Tộ đi thi vô hình trung đã tạo cho ông một lợi thế không mấy ai có được lúc đó. Nhờ vậy, ông có thể suy nghĩ tự do phóng khoáng, vượt khuôn khổ của xã hội đương thời, không phải bị gò bó bởi những lối mòn trong lối học khoa cử từ chương bắt nguồn từ Trung Hoa từ hơn ngàn năm trước. Đây chính là một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa Nguyễn Trường Tộ và những trí thức cùng thời. Chính nhờ lợi thế đó mà ông đã nhận thức được một cách sâu sắc lối học khoa cử là cái học rỗng tuếch (“hư học”) và chủ trương phải nhấn mạnh “thực học’, tức là nền học vấn thực tiễn không tách xa đời sống hàng ngày.
Nhìn sang các nước láng giềng, ta thấy các trí thức Nhật Bản đầu thời Minh Trị (mà Fukuzawa Yukichi là đại biểu) tuy có căn bản Hán học nhưng không suy nghĩ như những trí thức Trung Hoa và Việt Nam cùng thời vì họ không bị ràng buộc bởi lối học khoa cử, do đó bén nhạy và thích ứng hơn trong việc tiếp thu những kiến thức cận đại. Nói một cách tổng quát, với tư cách là một trí thức Công giáo và không học để đi thi, Nguyễn Trường Tộ đã có thế đứng rất đặc biệt trong khoảng thời gian từ 1850 cho đến khi tạ thế (1871), khác hẳn những sĩ phu cùng thời.
Cũng nên nói rằng Nguyễn Trường Tộ không phải là một trường hợp đơn độc trong lịch sử, bởi lẽ không phải riêng gì xã hội Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX mà trong bất cứ thời đại nào, hay ở các xã hội khác cũng vậy, những trí thức “đứng bên lề” (marginal) như Nguyễn Trường Tộ thường chính là những người nhận chân được những tệ hại trong xã hội của họ và có lối nhìn phê phán sâu sắc nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế đứng bên lề đó mà Nguyễn Trường Tộ đã hờ hững với vận mệnh của đất nước. Trên thực tế, chúng ta đã thấy là ngược lại, vì ông đã ý thức sâu sắc mối hiểm hoạ của đất nước và cảm thấy mình có thể đóng góp vào phương sách cứu nguy cho đất nước, nên lòng yêu nước của ông lại càng biểu lộ đậm nét, cho dầu trong đó có cái gì xót xa, dằn vặt vì bị người đời và đình thần ganh ghét, nghi ngờ. Tâm sự đó đã được gởi gấm trong những vần thơ Nguyễn Trường Tộ gởi cho Phan Thanh Giản:
                      Dung chức tây thôn khởi vị bần,
                      Biệt gia cơ trữ nhận lai chân.
                      Đông lân cung cấm như tương vấn,
                      Tận bã kim châm tử tế trần.
                      Dệt mướn thôn Tây chẳng phải nghèo,
                      Khung cửi nhà ngươi sẵn đấy theo.
                      Gấm vóc cung Đông như hỏi đến,
                      Kim vàng trân trọng nắn đường thêu14
Hoặc:
                      Nhật ngự tuy vô hồi chiếu xứ,
                      Quỳ tâm nhưng vẫn hướng dương thầm.
                      Mặt trời cho dẫu không soi đến.
                      Hướng dương xin vẫn nép hoa quỳ15
(2) Vai trò của Tân thư trong việc mở rộng kiến thức Nguyễn Trường Tộ:
Tân thư là gì? Tân thư đi từ hai chữ Hán là hsin-shu   gọi nôm na là “sách mới”, từ trước đến bây giờ được người Việt ta dùng để chỉ những sách chữ Hán do các nhà cải lương Trung Hoa như Khang Hữu Vi (Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Liang Ch’I-ch’ao) trước tác và được đưa vào nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Những sĩ phu có tư tưởng duy tân sau Nguyễn Trường Tộ như Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành, v.v…đều chịu ảnh hưởng không ít của những cuốn sách này. Tân thư nói rộng ra bao gồm cả những cuốn sách do người Trung Hoa trước tác hay dịch thuật từ sách báo Tây phương kể từ thập niên 1840, sau khi Trung Hoa bị Anh đánh bại trong chiến tranh Nha phiến và muốn tìm hiểu Tây phương để đáp ứng nhu cầu “biết thêm về đối phương”. Trong thời kỳ này cũng có một số sách Tân thư do các nhà truyền giáo Tin Lành trước tác bằng chữ Hán. Khi xuất bản những sách này , họ muốn chứng minh cho người Trung Hoa thấy rằng nếu các nước Tây phương có một nền văn minh tiên tiến như vậy thì tín ngưỡng của họ (đạo Ki Tô) ắt hẳn phải có gì đáng chú ý.16
Như đã nói ở trên, chúng tôi đồng ý với hai ông Đào Duy Anh và Trương Bá Cần là những “sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức cận đại của Nguyễn Trường Tộ. Ông Đào Duy Anh có cho biết là trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều loại sách này, có điều là hình như không ai đã ghi lại tên những cuốn sách đó. Thật đáng tiếc thay, vì phải gì nếu chúng ta được biết đầy đủ hơn về những cuốn Tân thư cùng những loại sách khác trong tủ sách đó thì chúng ta đã có thể tra cứu để biết rõ hơn về quá trình cấu tạo tư tưởng khải mông của nhân vật lỗi lạc này !
Khi đọc lại các di thảo của Nguyễn Trường Tộ để mong tìm một vài tia sáng cho vấn đề này, tình cờ chúng tôi thấy Nguyễn trường Tộ có nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược  (Ying-huan chih-lueh; có nghĩa là Khái lược về địa lý thế giới), mà may mắn từ trước đó chúng tôi đã được biết là một Tân thư rất nổi tiếng không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Nhật Bản trong khoảng hai thập niên 1850 và 1860. Để có một nhận thức về ý nghĩa của cuốn Doanh hoàn chí lượcnói riêng và Tân thư nói chung đối với Nguyễn Trường Tộ, xin giới thiệu đôi hàng về những nhận xét sơ bộ của chúng tôi.
Trước hết, chúng ta hãy xem Nguyễn trường Tộ đã nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược trong trường hợp như thế nào. Trong bản điều trần “Bàn về những thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận) đề ngày 3-4-1863, ông viết : “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hoà với Pháp là thượng sách. Hơn nữa ở Âu châu việc võ bị chỉ có nước Pháp là đứng hạng nhất, hùng mạnh nhất không thua ai cả. Họ lại có tính khẳng khái, hiếu chiến, với uy phong của một quân đội có xe sắt. Tuy dùng binh nhưng cũng biết trọng nghĩa giữ lời, không như các nước chỉ chuyên môn thủ lợi… Khi thắng trận thì cả nước hoan hô, dù tổn thất nghìn muôn người chẳng tiếc, chỉ sao cho uy danh hùng tráng, quốc thể được bảo toàn làm trọng. Các tướng thì gan dạ nhiều mưu trí, thạo binh pháp, thuỷ chiến, lục chiến đều rất giỏi. Thật đúng như sách DOANH HOÀN CHÍ LƯỢC đã chép vậy”.17  Sau đó, trong bài điều trần về “Tám điều cần làm gấp” (Tế cấp bát điều) đề ngày 15-11-1867, khi bàn đến sự cần thiết chỉnh đốn những vùng sát phía Tây của Việt Nam và khuyên triều đình nên cho các nhà truyền giáo đến giảng đạo và giúp đỡ dân chúng các vùng đó, Nghuyễn Trường Tộ viết: “Phương Tây xưa có nhiều giống dân hung dữ chưa khai hoá, như dân Bồn Man, Vạn Tượng ngày nay, phần nhiều đều nhờ các giáo sĩ mở mang giáo hoá mà về sau dần dần trở nên thịnh lợi. Chuyện ấy sử sách các nước phương Tây còn ghi và sách Doanh hoàn chí lược cũng nói đến chứ không phải tôi bịa ra hùa theo nói tốt cho họ đâu.”18
Trong hai đoạn trích trên, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến Doanh hoàn chí lược khi bàn đến một dân tộc tính, hay tâm lý, người Pháp (trích dẫn đầu) và tình hình ở Lào (trích dẫn hai). Dĩ nhiên Nguyễn Trường Tộ đã trích dẫn để nói lên tính khách quan trong luận điểm của ông, nhưng mặt khác, qua sự trích dẫn này chúng ta cũng thấy phần nào ý nghĩa của Tân thư trong quá trìng tìm hiểu tình hình trên thế giới lúc bấy giờ của Nguyễn Trường Tộ (vào thời điểm này có lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa đi Pháp, và các nước Âu châu, nên những “sử sách các nước Tây phương” mà ông nói ở trên có lẽ là những sách đã dịch ra hoặc giới thiệu bằng chữ Hán). Bây giờ chúng ta hãy thử xem cuốn Doanh hoàn chí lược mà Nguyễn Trường Tộ  đã trích dẫn ở đây là cuốn sách gì, và đã có ảnh hưởng như thế nào ở Trung Hoa và Nhật Bản?
Doanh hoàn chí lược do Từ-Kế-Dư ( Hsu Chi-yu; 1795-1873) biên soạn dưới triều vua Đạo-Quang (Tao-kuang) nhà Thanh, vào những năm 1843-1848 khi từ được bổ nhiệm về tỉnh Phúc Kiến, lúc đầu để trông coi việc buôn bán với các nước Tây phương, và sau đó với tư cách là Tuần Vũ. 19 Từ sinh ở Sơn Tây trong một gia đình khoa bảng, ông đỗ cử nhân năm 1813 nhưng phải đến mười ba năm sau mới đỗ tiến sĩ. Sau đó, Từ được bổ làm án sát tỉnh Thiểm Tây (1836) và nổi tiếng là một quan viên có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa. Vua Đạo Quang nghe tiếng, triệu Từ về kinh để hỏi về những phương sách chấn hưng Trung Hoa. Tương truyền khi nghe Từ trình bày, nhà vua xúc động đến rơi nước mắt. Một năm sau khi hoà ước Nam Kinh (1842) được ký kết. Từ được bổ về Phúc Kiến, và theo lệnh vua, bắt đầu tìm hiểu về tình hình nước ngoài.
Ở Phúc Kiến, Từ thường có dịp tiếp xúc với các viên chức Tây phương ở Hạ Môn (Amoy) và Phúc Châu (Foochow), trong đó có Đại uý Henry Gribble, lãnh sự Anh đầu tiên ở Hạ Môn và thông dịch của ông là David Abeel (tên chữ Hán là Nhã-Bì-Lý; 1804-1846), một giáo sĩ người Hoa Kỳ, cùng những nhân viên ngoại giao người Anh khác như George Tradescent Lay và Rutherford Alcock. Sau khi được Abeel cho xem tập bản đồ thế giới, Từ-Kế-Dư bắt đầu tập trung sưu tập những bản đồ xuất bản ở các nước Tây phương, biên soạn thêm lời chú giải dựa trên những tư liệu về tình hình kinh tế và chính trị Tây phương để hoàn thành cuốn sách này. Như đã đề cập ở trên, các giáo sĩ Tin Lành ở Trung Hoa lúc bấy giờ đang đẩy mạnh kế hoạch truyền giáo và xuất bản nhiều sách để giới thiệu văn minh Tây phương bằng chữ Hán. Đây là nguồn tài liệu chính yếu để Từ tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Trong số những tài liệu này, đặc biệt quan trọng là cuốn Universal Geography (Địa lý thế giới) viết bằng chữ Hán của Karl Gutzlaff (1803-1851), một giáo sĩ gốc người Phồ thuộc giáo hội Hà Lan. Trong khi biên soạn, Từ đã kiểm chứng những kiến thức của ông về tình hình thế giới bên ngoài với những người Tây phương mà ông có dịp tiếp xúc.
Từ biên soạn xong cuốn Doanh hoàn chí lược vào khoảng cuối tháng tám hay tháng chín năm 1848, nhưng hình như đến cuối hè năm sau sách mới được xuất bản. Nhờ lối làm việc nghiêm túc dựa trên quan điểm khảo chứng của Từ-Kế-Dư, cuốn Doanh hoàn chí lược đã chiếm địa vị là một trong những tài liệu chính yếu về thế giới bên ngoài trong hàng suốt chục năm sau đó ở Trung Hoa. 20
Cũng nên nói thêm rằng Khang-Hữu-Vi, nhà cải lương Trung Quốc nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bắt đầu đọc Doanh hoàn chí lược vào năm mười bẩy tuổi, và đối với Khang, sách này là một trong những cuốn “sách gối đầu giường” về tình hình các nước Tây phương.21
Bộ Doanh hoàn chí lược xuất bản năm 1849 gồm 10 quyển, có gần 145.000 chữ và 42 bản đồ. Trong sách, Từ không những nói về địa lý, mà còn bàn về bản đồ chính trị thế giới vào thế kỷ XIX, hiện tình các nước, và giải thích các vấn đề nóng hổi lúc bấy giờ như sự bành trướng của các nước Tây phương sang Á châu và ảnh hưởng của nó đối với Trung Hoa và các nước triều cống xung quanh.22 Đoạn bàn về Việt Nam chiếm một phần khá lớn của quyển 1, tóm tắt sơ lược lịch sử, văn hoá, và phong tục Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến thời cận đại.
Ngoài Doanh hoàn chí lược còn có một tân thư quan trọng khác là cuốn Hải quốc đồ chí (Hai-kuo t’u-chih; 1841) của Ngụy Nguyên (Wei Yuan; 1794-1856). Hai cuốn này được truyền sang Nhật và in lại vào cuối đời Tokugawa23(Doanh hoàn chí lược được in lại ở Nhật năm 1861). Đối với các chí sĩ (shishi) lúc bấy giờ đang bôn ba hoạt động để tìm phương cách cứu nguy cho Nhật Bản, chính nhờ hai cuốn sách này mà hay bíết được tình hình bên ngoài trong lúc Nhật vẫn còn thi hành chính sách bế quan toả cảng. Sau đó người Nhật tự mình đi học hỏi, điều tra các nước bên ngoài để ngày càng cập nhật hoá kiến thức của họ về thế giới nên đã bỏ xa Trung Quốc. Có điều đáng để ý là vào năm 1874, khi kiến thức nước ngoài ở Nhật nói chung đã vượt hẳn Trung Quốc, vẫn có người dịch lại cuốn Doanh hoàn chí lượcsang tiếng Nhật để làm tài liệu tham khảo. Tên sách dịch sang tiếng Nhật này được đổi là Eikan shiryaku (Doanh hoàn sử lược, tên sách ở trang đầu vẫn giữ nguyên là Doanh hoàn chí lược) và có thêm phụ đề là Zokkai eiri; tức là “tục giải” (giải thích theo ngôn ngữ thông thường để ai cũng có thể lãnh hội) và có thêm minh hoạ.24
Tuy chúng ta không thấy Nguyễn Trường Tộ trực tiếp nhắc đến tên sách Hải quốc đồ chí
Trong các di thảo, nhưng vì (1) ý nghĩa quan trọng của sách này (tương đương với Doanh hoàn chí lược) so với các tân thư lúc bấy giờ, và (2) trong di thảo của Nguyễn Trường Tộ có dấu vết của các luận điểm đề ra trong sách này, có khả năng là Nguyễn Trường Tộ  đã có dịp đọc sách Hải quốc đồ chí. Điều đáng tiếc là vì tài liệu về Nguyễn Trường Tộ bị thất lạc quá nhiều nên chúng ta không có phương tiện để xác minh là giả thuyết này có đúng hay không. Nhưng, dầu sao đi nữa, để có một khái niệm tổng quát về vai trò của Tân thư ở Trung Hoa và ở Nhật – và dựa trên đó ta có thể đi đến một nhận định khách quan hơn về vị trí đặc thù của Nguyễn Trường Tộ trong giới trí thức Việt Nam trong hai thập niên 1850 và 1860 – ta cần biết sơ lược về cuốn Hải quốc đồ chí.
Ngụy Nguyên, tác giả của Hải quốc đồ chí, là bạn thân của Lâm-Tắc -Từ (Lin Tse-hsu; 1785-1850), người thay mặt triều đình nhà Thanh để giải quyết vấn đề Công ty  Đông Ấn-Độ của người Anh nhập cảng thuốc phiện vào Trung Hoa. Chính Lâm đã uỷ thác cho Ngụy soạn cuốn sách này. Sách Hải quốc đồ chí xuất bản lần đầu (1842) có 50 quyển, khi in lại năm 1847 được bổ sung thành 60 quyển, và có 100 quyển khi tái bản lần thứ ba vào năm 1852. Sách có khoảng 88 vạn chữ, 75 bản đồ, và 42 trang về biểu đồ của các pháo thuyền Tây phương. Hải quốc đồ chí không chỉ cung cấp những kiến thức khách quan mà còn đề xuất những biện pháp chiến lược để đối phó với sự bành trướng như tằm ăn dâu của Tây phương. Ngụy Nguyên chủ trương “dĩ di công di” (dùng Tây phương đánh Tây phương), “dĩ di khoán di” (dùng Tây phương để lung lạc Tây phương), và “sư di chi trường kỹ dĩ chế di” (học lấy cái sở trường của Tây phương để chận đứng xâm lược Tây phương).25 Sự thay đổi lập trường của Nhật từ jôi (nhương di: chống đối Tây phương bằng vũ lực) sang kaikoku (khai quốc: mở cửa để giao thương) và cuối cùng là “học hỏi Tây phương, bắt kịp Tây phương, đi vượt Tây phương” trong những năm cuối đời Tokugawa và đầu thời Minh Trị trùng hợp với chủ trương của Ngụy Nguyên. Dĩ nhiên, cùng xuất phát từ một nhận thức tương tự với Ngụy Nguyên mà Nguyễn Trường Tộ đã điều trần về sự cần thiết của việc tiếp thu văn minh tiên tiến của Tây phương để cứu cho Việt Nam khỏi nạn mất nước, hoặc bàn về phương sách khống chế người Pháp bằng cách “nhờ kẻ khác để ngăn chận họ”, “nhờ kẻ khác để ly gián họ’, “nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ”, “dùng người khác để đánh họ”, hoặc “nhờ các nước để đề phòng các nước” trong điều trần về “Lục lợi từ” (khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 1864) và trong nhiều điều trần khác.26
Khi mới xuất bản, Hải quốc đồ chí được sự chú ý của một số trí thức Trung Hoa, nhưng sau đó sách bị tuyệt bản và khi Binh bộ thị lang của nhà Thanh là Vương Mậu Ấm (Wang Mu-yin) dâng tấu xin tái bản sách để các thân vương và đại thần mỗi nhà đều có một cuốn, và dùng sách này làm tài liệu để dạy cho quân đội, thì đề nghị này bị bỏ qua. Ở Trung Hoa, không những các biện pháp do Ngụy nguyên đề ra không được thực hiện, mà ngay bản thân Ngụy Nguyên cũng không được trọng dụng. Ngụy chỉ làm đến chức Tri huyện; sau khi triều đình bị Thái bình Thiên quốc uy hiếp ông mới được thăng lên chức Tri châu, và cuối cùng chết trong hiu quạnh. Trong khi đó ở Nhật, giống như Doanh hoàn chí lượcHải quốc đồ chí có ảnh hưởng sâu rộng và thực tiễn đối với giới trí thức trong và ngoài chính quyền. Ấn bản Hải quốc đồ chí in lần thứ hai (60 quyển, 1847) được truyền sang Nhật 3 bộ năm 1851 và 2 bộ năm 1852; ấn bản in lần thứ ba (100 quyển, 1852) được truyền sang Nhật 15 bộ vào năm 1854, trong đó 7 bộ được chính quyền Bakufu trưng dụng, và 8 bộ được đem bán trên thị trường. Kawaji Toshiakira, viên chức phụ trách tài chính và hải phòng27 của chính quyền Bakufu đã ủy thác cho Shioya Tôin chọn lọc những phần quan trọng để in lại. Bản in lại ở Nhật được xuất bản năm 1855, trong đó các địa danh, tên các loại thảo mộc, v.v… được học giả Mitsukuri Gempo chú thêm tên gọi theo các tiếng Tây phương. Chỉ trong vòng ba năm từ 1854 đến 1856 ở Nhật có tất cả đến 21 ấn bản khác nhau về Hải quốc đồ chí,28 qua đó chúng ta thấy sự quan tâm về tình hình thế giới và phản ứng thức thời, nhanh chóng của người Nhật để cứu nguy cho đất nước của họ.
Năm 1862, khi  Takasugi Shinkaku (Cao-Sâm Tấn-Tác; 1839-67) – môn đệ của Yoshida Shôin (Cát-điền Tùng-lâm; 1830-59), người đi tiên phong và biểu tượng của phong trào chống Bakufu để tiến đến Minh Trị Duy Tân – bí mật sang Thượng Hải để điều tra tận mắt về tình hình Trung Hoa, hình như ông ta phải vất vả lắm mới tìm ra được một bộ Hải quốc đồ chí. Sau một thời gian ở Thượng Hải và có dịp đàm luận (bút đàm) với trí thức Trung Hoa, Takasugi cho rằng việc người Trung Hoa đã để một cuốn sách do chính người nước họ trước tác có giá trị thực tiễn chiến lược như cuốnHải quốc đồ chí tuyệt bản mà không chịu in lại là một trong ba lý do khiến Trung Hoa suy yếu. Hai lý do khác mà Takasugi đã nêu ra là: (1) trước nạn Tây xâm, thái độ của người Trung Hoa có vẻ hững hờ, mặc kệ, không mấy ai suy nghĩ đến phương cách ngăn chặn hiểm họa đó; và (2) người Trung Hoa không biết trang bị súng thần công có tầm bắn xa để ngăn chặn tàu bè Tây phương.29
Sự phổ biến Tân thư ở Việt Nam hình như còn giới hạn hơn ở Trung Hoa. Nhưng đối với những sĩ phu Việt Nam có dịp đọc Tân thư (dĩ nhiên chỉ một thiểu số ), thì phải nói ảnh hưởng của Tân thư rất sâu rộng. Điều đó được xác minh qua chứng từ của cụ Phan Bội Châu trong hai tự truyện của cụ. Ngay cả những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, trước đây, số người được đọc rất giới hạn, nhưng đối với ai là người tâm huyết mà có đọc được thì những di thảo này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự chuyển biến tư tưởng của họ. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Nguyễn Lộ Trạch, tác giả của Thiên hạ đại thế luận, một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong trào Đông du và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Lộ Trạch có lẽ là một trong số trí thức hiếm hoi có “diễm phúc” đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Lý do khá đơn giản : ông là con rể của Trần Tiễn Thành. Chúng tôi đề cập đến điểm này để muốn nói rằng những hạn chế trong sự phổ biến những kiến thức mới về thế giới bên ngoài là một trong những nguyên nhân chính yếu ngăn chặn sự phát triển dân trí và đà tiến hoá của nước ta.
Xuyên qua sự so sánh về tình hình phổ biến Tân thư ở Trung Hoa và Nhật Bản, chúng ta có thể nhận thức được một khía cạnh quan trọng trong sự khác biệt giữa phản ứng của hai nước đối với những thách thức của Tây phương, và qua nhận thức đó ta thấy được vì sao Nguyễn Trường Tộ - có lẽ là trí thức Việt Nam duy nhất có cơ hội đọc nhiều Tân thư nhất lúc đó – có trình độ hiểu biết đi vượt những trí thức cùng thời. Ảnh hưởng của Tân thư đối với việc mở rộng kiến thức của Nguyễn Trường Tộ dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong cuốn Doanh hoàn chí lược mà chúng ta có thể kiểm chứng hoặc một hai cuốn khác mà còn sâu rộng hơn nữa. Một bằng chứng cụ thể là khi bàn đến ngày tháng của một vài sự kiện lịch sử Tây phương, Nguyễn Trường Tộ đã ghi theo lịch Tàu - chắc hẳn vì ông đã dựa theo sách Tân thư - mặc dầu chúng ta biết ông là người yêu nước có ý thức cao và tinh tế về sự khác biệt giữa nước ta và Trung Hoa. Ví dụ, trong bài tựa sách Đàm thiên luận (Bàn về thiên văn), khi nhắc đến việc Newton tìm ra sức hút của quả đất, ông viết: “Năm Khang Hi thứ 5, Nại Đoan (Newton) ngẫu nhiên ở trong vườn thấy một trái cây rơi xuống đất…”.30 Thật ra những danh từ riêng dùng gọi tên người (như Nại Đoan) và địa danh ngoại quốc (như Lữ Tống  : Luzon hay Trảo Oa : Java) bằng chữ Hán mà ta bắt gặp rất nhiều trong toàn bộ văn bản của Nguyễn Trường Tộ chắc chắn phải dựa trên cách gọi trong sách chữ Hán của người Trung Hoa (trong trường hợp này là Tân thư) chứ không phải do Nguyễn Trường Tộ tự ý đặt ra. Nói một cách khác, dù cho Nguyễn Trường Tộ có đọc nguyên bản bằng tiếng Tây phương đi nữa, chắc chắn ông cũng đã phối kiểm các thuật ngữ và danh từ riêng qua Tân thư để có thể viết lại bằng các văn bản chữ Hán.
Nhân tiện xin bàn thêm đôi chút về cuốn Đàm thiên luận. Người viết bài này chưa đựoc xem nguyên bản Đàm thiên luận do Nguyễn Trường Tộ viết, nhưng được biết rằng trong những Tân thư của Trung Quốc cũng có cuốn Đàm thiên luận (Tan t’ien lun) xuất bản vào năm 1859 (xem hình đăng kèm). Cuốn này là bản dịch ra chữ Hán - dịch giả là Alexanser Wylie và Lý Thiện Lan - của cuốn Outline of Astronomy (Khái lược về thiên văn) của một học giả người Anh tên là Sir John F. W. Herschel (xuất bản lần đầu tiên năm 1848). Tan t’ien lun có 18 quyển do Thượng Hải Mặc Hải Thư Quán xuất bản.31 Rất có khả năng là Nguyễn Trường Tộ đã tham khảo Tan t’ien lun khi viết Đàm thiênluận.
III.      PHẢI CHĂNG NGUYỄN TRƯỜNG TỘ ĐÃ GẶP Y-ĐẰNG BÁC-VĂN?
Từ trước đến nay có nhiều ý kiến về vấn đề so sánh điều kiện nước ta thời Tự Đức với Nhật Bản thời Minh Trị. Gần đây, trong Nguyễn Trường Tộ : Con người và di thảo, ông Trương Bá Cần cũng có đề cập tới vấn đền này và đưa ra những ý kiến khác biệt giữa hai nước nói chung là xác đáng. Sau đó ông bàn đến sự quan tâm của Nguyễn Trường Tộ đối với Nhật Bản thể hiện qua các văn bản của ông, và nhắc đến giả thuyết là Nguyễn Trường Tộ có gặp Itô Hirobumi (Y-Đằng Bác-Văn; 1841-1909), một giả thuyết đã được các ông Đào Duy Anh và Đào Đăng Vỹ đề ra từ lâu.32 Cuối cùng ông Trương Bá Cần đặt câu hỏi là trong phái đoàn Nhật Bản ở Paris mà Nguyễn Trường Tộ nhắc đến trong “Tế cấp bát điều” không biết có Itô Hirobumi hay không? (Bản điều trần này đề ngày 15-11-1867, trong đó Nguyễn Trường Tộ viết “hiện có 1 hoàng tử và 35 người cùng đi với một linh mục mới đến Ba-Lê và đã thiết lập ở đó một đại học xá để phái người sang học).33 Chúng tôi xin đóng góp vài ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề này.
Trước hết người viết đồng ý với ông Trương Bá Cần là Nguyễn Trường Tộ tỏ ra rất quan tâm về Nhật Bản. Trong các di thảo, Nguyễn Trường Tộ thường đề cập đến những diễn tiến liên hệ đến Nhật có lẽ muốn dùng những biện pháp thức thời của người Nhật để chứng minh là chính sách của triều đình nhà Nguyễn quá lỗi thời. Tuy nhiên chúng ta có thể khẳng định là trong phái đoàn Nhật đến Paris năm 1867 không có Itô Hirobumi bởi lẽ đây là phái đoàn của Bakufu (tức là chính quyền Shôgun : Tướng quân), mà Itô lại là người của phái đối nghịch.34
Phái đoàn Bakufu đến Pháp thể theo lời mời dự Hội Chợ Quốc Tế (Exposition universelle) năm 1867 ở Paris của hoàng đế Napoléon III qua công sứ Léon Roches ở Nhật . Như đã đề cập ở phần trên, lúc này Pháp đang ủng hộ  Bakufu và Anh đang giúp đỡ phái Satsuma – Chôshu. Roches trình bày với Shôgun Tokugawa Yoshinobu (Đức-Xuyên Khánh-Hỷ) là “nhân dịp Hội chợ Quốc Tế Shôgun nên cử người thân thích sang Pháp để tỏ tình thân thiện ngoại giao”. Shôgun đồng ý, cử bào đệ của mình là Akitake (Chiêu-Vũ) làm trưởng phái đoàn. Akitake lúc bấy giờ mới 15 tuổi, đang giữ chúc Mimbu Tayu (Dân-bộ Đại-thừa), được Shôgun phong thêm chức juyon’I Sashôgun (Tùng-tứ-vị Tả-tướng-quân), để có thể được đối xử ngang hàng với các hoàng thất nước ngoài khi giao thiệp với họ ở Pháp. Khi phái đoàn Bakufu do Akitake dẫn đầu sang đến Pháp, báo chí Pháp nhắc nhở đến rất nhiều và tỏ ra rất có thiện cảm với chính phủ mà vị “hoàng thân” trẻ tuổi này đại diện. Chính quyền Bakufu không những gởi phái đoàn tham dự mà còn có gian hàng triển lãm (nói chung là đồ mỹ nghệ) trong Hội chợ Quốc tế 1867 ở Paris. Satsuma dẫn đầu phái đoàn đối lập cũng không chịu kém, thương lượng với Pháp để mở một gian hàng biệt lập “giống như một nước độc lập”.35
Nói tóm lại, vị hoàng thân mà Nguyễn Trường Tộ nhắc đến trong di thảo chính là Akitake, thân đệ của Shôgun Tokugawa Yoshinobu, và trong phái đoàn này mặc dầu có những nhân vật rất nổi tiếng sau này như Shibusawa Eiichi (Thiệp-Trạch Vinh-Nhất; 1840-1931),36 Itô Hirobumi không tham dự phái đoàn này. Itô lúc này đang bận rộn trong phong trào phò Thiên hoàng để lật đổ Bakufu. Ngoài ra, “Đại học xá” mà Nguyễn Trường Tộ đề cập đến chắc hẳn là Nhà Satsuma, do Satsuma chứ không phải do Bakufu thiết lập, hiện nay vẫn còn ở trong khu đại học xá Cité universitaire ở Paris.
Cần để ý là vào khoảng thời gian phái đoàn Nhật Bản đến Paris, Nguyễn Trường Tộ cũng có mặt ở Pháp: ông đến Pháp với linh mục Gauthier vào cuối tháng 3, 1867 và đã rời Pháp để trở về Việt Nam vào cuối tháng 11, 1867. Thời gian này chính là thời gian Hội chợ Quốc Tế 1867 đang khai trương ở Paris. Tuần báo Semaine Religieuse de Paris (Tuần san tôn giáo địa phận Paris) ấn hành ngày 27-7-1867 có ghi lại : “Giám mục Guathier ở Paris. Trong lúc lưu lại Paris, giám mục cần thu thập các điều cần thiết cho việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp của vương quốc An-Nam và người ta quả quyết giám mục đã đặt mua ở hội chợ hơn 100.000 francs hàng hoá vào mục đích này… trong số những người phương Đông đi theo giám mục có một kiến trúc sư công giáo với một trí nhớ phi thường. Chính con người có tài năng xuất chúng này đã xây dựng nhà thờ Chính toà của chúng ta ở Sài Gòn”.37 Người “Kiến trúc sư” nhắc đến ở đây dĩ nhiên không ai khác hơn là Nguyễn Trường Tộ. Mặc dầu từ trước đến nay không có tài liệu nào nói rõ về ý nghĩa thời điểm của chuyến đi Pháp của Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gauthier, dựa trên những chi tiết nêu ra trên đây chúng ta có thể phỏng đoán là không phải tình cờ mà thời gian ở lại Pháp của hai người đã trùng hợp với lúc Hội chợ Quốc tế 1867 đang khai trương ở Paris. Nói một cách khác , chắc hẳn Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gauthier đã giàn xếp lộ trình để có mặt ở Paris trong thời gian đó nhằm để quan sát tận mắt những máy móc về nông nghiệp và kỹ nghệ của các nước trưng bầy trong Hội chợ, đồng thời có thể đặt mua những dụng cụ về xây dựng trường kỹ thuật ở Huế trong một môi trường thích hợp và có hiệu năng cao nhất.
Bây giờ trở lại vấn đề “phải chăng NguyễnTrường Tộ đã gặp Itô Hirobumi ?”. Chúng ta hãy xem có khả năng đó không. Nếu hai người có gặp nhau thật, thì phải lúc Itô đang ở trên đường sang Âu châu hoặc từ Âu châu trở về Nhật, và địa điểm gặp phải là Hương Cảng hoặc Mã Lai, hai nơi mà Nguyễn Trường Tộ cũng có đến. Nguyễn Trường Tộ không thể gặp Itô trong lần đi công cán ở Pháp năm 1867 được, vì như ta đã thấy lúc đó phong trào phò Thiên Hoàng để chống Bakufu của Satsuma – Chôshu đang bước vào giai đoạn cuối cùng và Itô là một nhân vật quan trọng của phong trào đó nên không thể nào rời Nhật, và trên thực tế chúng ta biết chắc chắn là ông đã có mặt ở Nhật lúc đó. Hơn nữa, trong khoảng thời gian Nguyễn Trường Tộ còn sống (tức là cho đến ngày 10-10-1871), Itô đi ra nước ngoài chỉ có một lần : đó là khi ông được Chôshu bí mật38 gởi sang Anh du học trong khoảng hai năm 1863-1864. Hè 1864, khi nghe tin hạm đội liên hợp của các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Hà Lan pháo kích Chôshu, Itô vội vã bỏ học để từ Anh trở về Chôshu.39 Về phần Nguyễn Trường Tộ, từ tháng 9-1862 cho đến tháng 7-1864, ông ở Sàigòn chủ yếu để trông xem công việc xây cất tu viện Dòng thánh Phaolồ. Vì ông vùa là “kiến trúc sư” vừa là người quản đốc việc xây dựng, trong suốt thời gian xây cất, Nguyễn Trường Tộ dĩ nhiên phải có mặt tại chỗ, cho nên nếu ông có gặp Itô đi chăng nữa, thì thời điểm phải là sau khi việc xây cất đã hoàn thành, Nghĩa là sau tháng 7-1864, tức là khi Itô ở trên đường từ Âu châu về Nhật. Nhưng lúc đó thì Nguyễn Trường Tộ lại bị bệnh tê thấp, phải nằm điều dưỡng ở Gia Định. Trong thư gởi Trần Tiễn Thành (không đề ngày tháng …theo ông Trương Bá Cần thì vào khoảng cuối năm 1864 - đầu năm 1865). Nguyễn Trường Tộ viết :”Nhân vì chân tôi bị tê bại sắp thành phế nhân, nằm ngửa ra mà viết, tinh thần buồn bực rối loạn, tự biết nói năng không thứ tự…”.40 Trong hoàn cảnh như vậy khả năng Nguyễn Trường Tộ rời Việt Nam để đi chu du Hương Cảng hoặc Mã Lai - để rồi tình cờ gặp Itô Hirobumi trên đường từ Anh về Nhật- phải nói là hầu như không có. Huống nữa, thư Nguyễn Trường Tộ gởi Trần Tiễn Thành đề ngày 19-3-1866 cũng đã xác nhận là bệnh tê thấp của ông đã bắt đầu ngay từ khi công việc xây cất chưa xong (hoặc vừa xong) :”Tôi trước đây bị ốm nằm ở Gia Định, điều dưỡng đã gần hai năm nay, nay mười phần đã giảm năm ,sáu”.41
Để tóm lại, chúng ta có thể nói rằng ba yếu tố quan trọng đưa đến sự khác biệt về sở học của Nguyễn Trường Tộ so với các trí thức cùng thời: (1) Nguyễn Trường Tộ tuy có trau giồi Hán học nhưng không phải để lặn lội trong đường cử nghiệp nên ông có tư duy bén nhạy, năng động và thực tiễn, không bị gò bó bởi lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi và rập khuôn của đa số sĩ phu cùng thời chỉ biết theo đòi nghiên bút để những mong thi đỗ làm quan ; (2) ông từng chu du nhiều nơi nên có dịp kiểm chứng những kiến thức thu thập qua sách vở với những điều mắt thấy tai nghe, biết đích thực đâu là đại thế và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, nên đã ý thức sâu sắc về hiểm hoạ mất nước nếu nước nhà không sớm canh tân; (3) ông có lẽ là người Việt Nam đầu tiên có may mắn đọc được nhiều Tân thư (do người Trung Hoa và các giáo sĩ Tây phương trước tác bằng chữ Hán) chúa đựng nhiều kiến thức mới mẻ về khoa học kỹ thuật cận đại và tình hình thế giới bên ngoài lúc bấy giờ.
Chúng ta đã chứng minh rằng trái với giả thuyết mà một số nhà nghiên cứu đã đề ra từ trước tới nay, Nguyễn Trường Tộ trên thực tế đã không gặp Itô Hirobumi. Chúng ta cũng đã đề cập nhiều lần đến những điểm tương đồng giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức cùng thời ở Nhật, đặc biệt qua các chủ trương chú trọng thực học, đả phá hư học, không ngần ngại học hỏi đối phương để tăng cường sức mình và từng bước lấn áp đối phương. Khi học hỏi nước ngoài, Nguyễn Trường Tộ khẳng định rằng ta nên có thái độ chủ động, mời người nước ngoài vào dạy : ta là chủ họ là khách.42 Người Nhật tiếp thu văn hoá Tây phương trên căn bản cũng dựa trên chủ trương đó. Vì họ biết chủ động gởi sinh viên đi du học nước ngoài và mời người nước ngoài vào dạy dỗ, nên họ không có mặc cảm họ là “nạn nhân” của văn hoá hấp thụ từ nước ngoài, một hiện tượng thường thấy ở “các nước trong thế giới thứ ba” ngày nay, do mặc cảm “bị ép đặt” phải hấp thụ văn hoá Tây phương. Khi đứng trong tư thế của người chủ, dầu phải hy sinh, sự hy sinh đó dầu đau đớn  nhưng có thể chịu đựng được ; ngược lại, nếu đứng trong tư thế bị ép đặt, con người sẽ nghĩ mình là tôi tớ, và cho dù được người nước ngoài đến dạy không lấy công hay được họ “cho quà” đi nữa, người ta vẫn cảm thấy mất mát, thậm chí nhục nhã. Người Nhật đã làm nhiều việc khiến thế giới phải khâm phục vì họ biết chủ động. Ví dụ, để xây dựng một nền công nghiệp cận đại, chính phủ Minh Trị trong những năm đầu đã không ngần ngại thuê gần 140 chuyên viên ngoại quốc qua làm trong Bộ Công nghiệp; lương của những chuyên viên này chiếm đến một phần ba ngân sách của Bộ. Điều này nói lên quyết tâm của chính phủ Minh Trị trong việc tiếp thu văn minh tiên tiến của nước ngoài. Cần để ý là mười năm sau đó, chuyên viên người Nhật đã học được nghề và có thể thay thế các chuyên viên ngoại quốc.
Nếu nhìn vấn đề như vậy, có thể nói là không những Nguyễn Trường Tộ đã “gặp” Itô Hirobumi mà còn “gặp” rất nhiều nhân vật Minh Trị khác - đặc biệt là Fukuzawa Yukichi và các trí thức trong Meirokusha. Tuy ông đã không gặp gỡ trên thực tế nhưng đã gặp họ qua phương sách vừa để đưa đất nước lên địa vị phú cường, mà qua đó lại có thể bảo vệ độc lập dân tộc của một nước Đông Á nhược tiểu trước những thách đố không ngừng của Tây phương.
 Các chú thích ở trên:
1         Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh , 1988 (sẽ viết tắt là NTT), tr. 120
2        Như trên
3        Như trên
4        Như trên, tr.29.
5        Như trên, tr. 36.
6        Như trên, tr. 155
7        Như trên, trg. 84-86
8        Người viết đã có dịp trình bày điểm này chi tiết hơn trong bài “Japanese and Vietnamese Attitudes Toward China : A Comparison” (Thử so sánh lối nhìn của Nhật Bản và Việt Nam đối với Trung Quốc) đăng ở tập san Asian and Pacific Quarterly, XXI, 2 (Autumn 1989), tr. 1-13.
9        Ông Đào Duy Anh là cháu rể của Phụ Chánh Trần Tiễn Thành.
10    Ông Đào Duy Anh viết là “non hai năm”, nhưng theo những tài liệu còn lại chúng ta chỉ có thể khẳng định là Nguyễn Trường Tộ ở Pháp khoảng 8 tháng (từ cuối tháng 3 cho đến cuối tháng 11, 1867).
11    Tri Tân, Số đã dẫn, tr. 23
12    NTT, tr. 63.
13    Như trên, tr. 22-23.
14    Trong bài này, Nguyễn Trường Tộ gợi ý là ông đi làm cho Pháp (Tây) không phải vì miếng cơm manh áo mà để tìm học tận mắt văn minh của họ, khi triều đình (Đông lân cung cấm) cần dùng thì ông sẽ đem hết tài năng ra giúp.
15    Qua hai câu này Nguyễn Trường Tộ muốn nói là cho dầu triều đình không chiếu cố đến ông, nhưng lòng ông vẫn luôn luôn hướng về triều đình như hoa hướng dương. Xem “Bài trần tình”, tr. 124; nguyên văn trích từ Dặng Huy Vận và Chương Thâu, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 1961), tr. 30.
16    Xem Suzanne W. Barnett, “Protestant Expansion nad the Chinese Views of the West” (Sự bành trướng của Giáo Hội Tin Lành và nhận thức của Trung Hoa về Tây phương). Modern Asian Studies, 6,2 (1972). Có khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh về vai trò của Giáo hội Tin Lành trong thời kỳ này, chẳng hạn như : Alexander Wylie, Memorials of Protestant Missionaries to the Chinese [Những bản điều trần của các giáo sĩ Tin Lành gởi người Trung Hoa], nguyên bản sách này ra đời năm 1867, sau đó được Ch’eng-wen Publishing Company (Đài Loan) in lại năm 1967; hoặc Chang Hsit’ung, “The Earliest Phase of the Introduction of Western Political Science into China” [Sự du nhập của khoa chính trị học Tây phương vào Trung Hoa trong giai đoạn đầu], Yenching Journal of Socials Studies, V.1 (July 1950).
17    NTT, tr. 108. Đoạn bànvề nước Pháp trên đây, Nguyễn Trường Tộ trích dẫn từ nguyên bản của Doanh hoàn chí lược, tr. 533, quyển 7. Trong nguyên bản không nói đến “xe sắt” như phần trích dẫn trên đây từ NTT.
18    Đoạn bàn về nước Lào trên đây Nguyễn Trường Tộ trích dẫn từ nguyên bản của Doanh hoàn chí lược, tr. 91, quyển 1. Trong nguyên bản không có đề cập đến các giáo sĩ, hai chức “tuên uý sứ” và “tuyên vũi tư” trong nguyên bản là hai chức quan do triều đình Trung Quốc (nhà Minh) phái sang để cai trị dân địa phương chứ không phải nghĩa như chức “tuyên úy” của các tôn giáo sau này. Cần xem lại nguyên văn chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ để xác nhận điểm này.
19    Giống như chức Tỉnh trưởng
20    Xem Fred W. Drake, “A Mid-nineteenth – century Discovery of the Non-Chinese World” [Sự khám phá của người Trung Hoa về thế giới bên ngoài vào giữa thế kỷ XIX]. Modern Asian Studies, 6,2 (1972); Saneto Keishu hiệu đính và Tam yue-him (Đàm Nhữ-Khiêm) chủ biên, Nihon’yaku Chugokusho sôgô mokuroku [Mục lục tổng  hợp của những sách Trung Quốc đã dịch sang tiếng Nhật].Hong Kong : Chinese University of Hong Kong (Trung Văn Đại Học). Theo Drake, Doanh hoàn chí lược được tái bản lần thứ hai vào năm 1850, lần thứ ba vào năm 1859 (chưa được xác minh), và lần cuối cùng vào năm 1866. Không rõ cuốn mà Nguyễn Trường Tộ có xuất bản năm nào, nhưng chắc chắn là phải trước năm 1866. Trong Ssu-yu Teng và John K. Fairbank, China’s Response to the West [Phản ứng của Trung Quốc đối với (sự bành trướng) của Tây phương] có trích dịch một đoạn của Doanh hoàn chí lược, tr. 42-46.
21    Xem Sakade Yoshinobu, Kô yu-I [Khang Hữu Vi]. Tokyo : Shueisha, 1985) tr. 35-36.
22    Drake, tài liệu đã dẫn, tr.217.
23    Tức là từ năm 1853 khi chiến hạm Hoa Kỳ do Đô đốc Perry đến Nhật đòi mở cửa thông thương cho đến khi chính quyền Tokugawa bị lật đổ và bắt đầu Minh Trị Duy Tân (1868)
24    Saneto và Tam, sách đã dẫn, tr. 100
25    Xem Lu Wan-he (Lữ Vạn-Hoa). Meiji ishin to Chugoku [Minh Trị Duy Tân và Trung Quốc] (Tokyo : Rokkô Shuppan, 1988), tr.123-25.
26    NTT, tr. 145-51. Trong bản điều trần về “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh” (Lục lợi từ), Nguyễn Trường Tộ nói về tư tưởng “dĩ di trị di” nhưng qua lời của vua Đạo Quang : “Vua Đạo Quang nhà Thanh có nói : ‘Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch’” (tr. 144)
27    Phòng vệ đường biển.
28    Tài liệu trong đoạn này chủ yếy dựa trên Lu Wan-he, sách đã dẫn, tr. 123-127. Về chi tiết của các ấn bản của Hải quốc đồ chí ở Nhật, xem Saneto và Tam, sách đã dẫn, đặc biệt các trang 4, 98-99, 101, 103, 136, 206.
29    Trích ở sách Joshua Fogel, Politics and Sinology : The Case Naitô Konan (1866-1934) [Dây liên hệ giữa chính trị và Trung -Quốc -học : Trường hợp của Naitô Konan (1866-1934)] (Cambridge, Mass : Harvard University Press, 1984), tr.15.
30    NTT. Tr.420.
31    Xem Sakade, sách đã dẫn, tr.98.
32    Ông Dào Duy Anh đã đề cập đến giả thuyết này trong bài “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?” đăng ở Tri Tân, số đã dẫn ; ông Đào Đăng Vỹ đã viết về vấn đề này trong bài “Nguyễn Trường Tộ và Y Đằng Bác Văn”, Văn Đàn, số 30-11-1961, tr. 11.
33    NTT, tr.99.
34    Itô xuất thân là vũ sĩ cấp dưới ở Chôshu
35    Xem Shibusawa Eichi, Tokugawa Keiki Kô den [Truyện Công tước Tokugawa Keiki] (Tokyo : Heibonsha, 1974), tập IV, tr. 3-6. Trong Meron Medzini, French Policy in Japan During the Closing Years of the Tokugawa Regime [Chính sách Pháp đối với Nhật Bản trong những năm cuối cùng của chính quyền Tokugawa] (Cambridege, Mass. : Harvard East Asian Monographs, 1971), tr. 173-174, cũng có nhắc đến phái đoàn Bakufu.
36    Sau này trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi vàothời Minh Trị, thiết lập chế độ ngân hàng và Daiichi Kokuritsu Ginkô (Đệ-Nhất Quốc-Lập Ngân-Hàng).
37    NTT, tr.43-44.
38    Theo luật lệ của Bakufu tức là chính quyền trung ương lúc bấy giờ, không người Nhật nào được đi ra nước ngoài.
39    Ông Trương Bá Cần có nói là “cuối năm 1864 chúng ta đã thấy có mặt ông ở Nhật Bản để làm thông dịch cho tướng quân”. Có lẽ ông đã lầm Shôgun (tướng-quân) và daimyô (đại-danh : lãnh chúa). Itô thuộc nhóm Chôshu phò thiên hoàng chống shôgun nên không có lý gì ông ta lại đi làm thông dịch cho tướng quân.
40    NTT, tr. 31.
41    Như trên.
42    Xem điều trần về “Khai hoang từ”, như trên, tr. 159-65
15. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẢI CÁCH CỦA ÔNG 


Văn Tân
Như tập san Nghiên Cứu Lịch Sử số 23 đã nói, Nguyễn-Trường-Tộ là một trong những nhân vật của lịch sử cận đại Việt Nam mà chúng ta cần đánh giá cho đúng mức.  Đối với Nguyễn-Trường-Tộ từ trước đến nay, chúng ta thường có khuynh hướng đề cao.  Năm 1941, ông Từ-Ngọc Nguyễn-Lân đã viết và xuất bản cuốn Nguyễn-Trường-Tộ, ở quyển sách này, ông Nguyễn-Lân đã coi Nguyễn-Trường-Tộ là một "bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam" "đáng cả quốc dân tôn sùng, tượng đồng bia đá", Nguyễn-Trường-Tộ là một nhà "đại học vấn, đại kiến thức, đại tư tưởng, đại nghị luận".  Trong Lịch Sử Việt Nam, ông Đào Duy Anh để cả một chương - chương XIII - để nói về các đề nghị cải cách của Nguyễn-Trường-Tộ nhưng với thái độ dè dặt hơn.  Ông cho Nguyễn-Trường-Tộ là một trong "những nhà chí sĩ thức thời hiểu rõ sự cần thiết đổi mới", là một nhà nho học, nhờ một người giáo sĩ đạo Thiên chúa dạy cho chữ Pháp và đem du lịch ở Âu Châu trong ít năm, nên lại có thêm được cái học thiết thực của một nhà tân học.  Từ năm 1861 đến năm 1871, thấy việc nước mỗi ngày một khó, thế nước mỗi ngày một suy, nghỉ trù nghĩ những phương sách làm cho dân giàu nước mạnh và dùng hết lời lẽ thống thiết để đưa lên triều đình mấy chục xấp điều trần.   Ở các trường đại học của ta, gần đây, mỗi khi giảng về Nguyễn-Trường-Tộ, nói chung, chúng ta cũng vẫn có khuynh hướng đề cao tác giả các đề nghị cải cách mà ta vẫn gọi là các bản điều trần. 
   Vai trò Nguyễn-Trường-Tộ trong lịch sử thực sự ra sao?  Các đề nghị cải cách của Nguyễn-Trường-Tộ, nếu được thi hành, có khả năng làm cho nước Việt-Nam trở nên giàu mạnh như Nhật-Bản  hay các nước   phương Tây tư sản hay không?  Đây là những vấn đề chúng ta cần thảo luận để đi đến một nhận định nhất trí đặng có thể đóng góp chút ít cho công tác biên soạn thông sử hiện đang được tiến hành tích cực.
Nguyễn-Trường-Tộ sinh năm 1828 ở làng Bùi Chu, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.  Ông thân sinh ra Nguyễn trường Tộ là Nguyễn Quốc Thư, một nhà nho làm nghề thày lang (đông y) theo Thiên chúa giáo.  Ngay từ hồi còn nhỏ, Nguyễn Trường Tộ đã nổi tiếng là Trạng Tộ, vì ông thông minh đặc biệt, học đâu nhớ đấy, hiểu đấy.   Năm mười tám tuổi, Nguyễn Trường Tộ theo học ông Tú Giai ở làng Bùi nghĩa, sau ông theo học ông Cử Hữu ở Kim-khê, rồi ông đến trường của một viên tri huyện hưu trí để tập làm văn.  Nếu được đi thi, rất có thể Nguyễn Trường Tộ cũng thi đỗ như các nhà nho hay chữ khác.  Nhưng dưới triều Tự Đức, giáo dân Thiên chúa giáo bị phân biệt đối xử, và bị gọi là "dĩu dân" tức dân xấu đối với lương dân là những người dân không theo Thiên chúa giáo.  Nguyễn Trường Tộ là tín đồ của Thiên chúa giáo, lẽ tự nhiên là ông bị liệt vào hạng "du dân", và do đó bị cấm không được đi thi.  Năm 1858 tức năm Nguyễn trường Tộ ba mươi tuổi, ông được giáo đường Tân-ấp mời đến dạy học chữ Hán.  Giám mục Pháp là Gô-chi-ê (Gauthier) thấy Nguyễn Trường Tộ thông minh, liền đem chữ Pháp dạy cho ông.  Khi ông đã biết ít nhiều tiếng Pháp rồi, Gô-chi-ê lại dạy ông cả các khoa học tự nhiên nữa, rồi đem ông đi du lịch Hồng Kông và Xanh-ga-po.  Năm 1858, chiến hạm Pháp bắn phá vào Đà Nẵng báo hiệu việc mở đầu chính sách xâm chiếm Việt Nam bằng võ lực.  Triều đình Huế vốn vẫn nghi ngờ các tín đồ Thiên chúa giáo, nhân dịp này quay ra đàn áp các tín đồ Thiên chúa giáo.  Gô-chi-ê phải đem Nguyễn Trường Tộ đi lánh nạn, và đến năm 1860 thì đem ông sang Pháp.  Nguyễn Trường Tộ được lưu học ở Pa-ri chừng hai năm.  Trong thời gian ở Pa-ri, ngoài việc nghiên cứu khoa học, Nguyễn Trường Tộ còn để ý nghiên cứu các hoạt động khác của xã hội Pháp lúc bấy giờ.  Chính ông đã viết: "Về học vấn, thì môn gì tôi cũng để ý đến: trên là thiên văn cao xa, dưới là địa lý sâu sắc, giữa là nhân sự phiền phức, cho đến luật lịch, binh thư, bách nghệ, cách trí, thuật số đều là nghiên cứu đến nơi cả".  Không những Nguyễn Trường Tộ học sách vở, ông còn đến các nhà máy để học tập trong các hoạt động thực tế của người Pháp nữa.  Nhờ vậy, sau hai năm ở Pháp ông đã thâu thái được một cái vốn kiến thức khá to.  Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đáp tầu từ Pháp về Sài-gòn là thành phố đã bị quân đội Pháp đánh chiếm từ năm 1859.   Khi Nguyễn Bá Nghi được triều đình Huế cử vào Gia-định thay Nguyễn Tri Phương, Nguye6~n Trường Tộ có biên thư cho Nguyễn Bá Nghi khuyên phải tạm hòa với Pháp.  Tháng 6 năm 1862, Nguyễn Trường Tộ gặp Phan Thanh Giản ở Sài-gòn trong dịp Phan ký hòa ước nhường 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, và mở các cửa biển cho tầu Pháp tự do vào buôn bán ở khắp nước Việt Nam.
   Tháng 3 năm 1863, Phạm Phú Thứ đến Gia Định, Nguyễn Trường Tộ có gửi Phạm một tập trần tình và ba bản điều trần đưa về triều đình Huế.  Trong ba bản điều trần, thì bản I là bài "Thiên hạ phân hợp đại thế luận" chuyên nói về tình hình các nước trên thế giới; bản II là bài "Dũ tài tế cấp luận" đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề lương thực, võ khí, quốc phí, dân sinh, và khuyên triều đình Huế phải khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Anh và Pháp nhằm tăng cường địa vị của Việt Nam để cuối cùng buộc Pháp phải bỏ Gia Định; bản III là bài "Giáo môn luận" đưa ra các lý lẽ khiến cho con người phải theo tôn giáo này hay tôn giáo khác.  Theo Nguyễn Trường Tộ, thì nguyên nhân mất nước không phải vì có nhiều tôn giáo.  Ông cho rằng: "Những người theo Thiên chúa giáo cũng đều là người do Tạo vật sinh dục, và cũng là bộ phận của nhân dân trong nước, những người phản nghịch thì chỉ là một trong một trăm hay một nghìn.  Tại sao ở trên không xét rõ mà cho là phản nghịch cả?"
   Năm 1864, Nguyễn Trường Tộ gặp một người Anh ở Gia Định.  Người Anh này là đại biểu một viện khoa học ở Luân-đôn.  Hắn mời Nguyễn Trường Tộ sang Anh dự một hội nghị khoa học, Nguyễn Trường Tộ biên thư cho Trần Tiễn Thành khuyên Trần đề nghị với triều đình Huế phái người sang Anh giao thiệp với chính phủ Anh nhằm thực hiện chính sách ngoại giao mà ông đã trình bày trong "Lục lợi từ": Lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh và Pháp.  Mùa Đông năm 1865, Nguyễn Trường Tộ gửi cho Phạm Phú Thứ hai bức thư và Trần Tiễn Thành ba bức thư khuyên Phạm và Trần lưu ý đến việc mua võ khí, việc gửi học sinh ra nước ngoài, việc khai thác các nguồn lợi trong nước và việc giao thiệp với các cường quốc.  Tháng 2 năm 1866, Tự Đức triệu Nguyễn Trường Tộ đến Huế để hỏi về những đề nghị cải cách do ông đề xướng, ông được Trần Tiễn Thành tiếp đón ân cần.  Nhân dịp này ông có nói cho Trần Tiễn Thành biết âm mưu của thực dân Pháp là sẽ đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây đất Nam Kỳ.  Rồi đột nhiên Nguyễn trường Tộ bỏ Huế đi về Quảng-bình mà không hề báo cho Trần Tiễn Thành biết. (Có thuyết cho rằng Tự Đức thấy bọn quan lại ở Huế phản đối Nguyễn Trường Tộ kịch liệt quá, phải cho người hộ tống Nguyễn về quê quán).  Sau khi về Quảng bình Nguyễn Trường Tộ lại cùng với Gô-chi-ê về Xã Đoài là nơi có nhiều tín đồ Thiên chúa giáo cư trú.  Rồi từ xã Đoài, Nguyễn Trường Tộ lại gửi cho triều đình Huế một tập "Khai hoang từ", một tập "Quốc vị quan vị luận", một tập "Học tập sử tài luận" và một bức thư nói về việc giáo dân ở Nghệ-an bị khủng bố.  Tháng 7 năm 1866, Nguyễn Trường Tộ được triều đình Huế cử đi tìm mỏ từ Quảng bình đến Hải đương cùng với viên lang trung Nguyễn Văn Long.  Sau đó, ông lại được triều đình Huế phái đi Gia-định để đáp tầu sang Pháp.  Ở Gia-định, Nguyễn trường Tộ thấy giữa các người Pháp có sự chia rẽ, ông biên thư về cho triều đình Huế báo cho triều đình biết tình hình đó.  Trong một bức thư khác viết cho triều đình, ông có nói đến cuộc khởi nghĩa của Pu-cam-pô ở Cao-miên, và khuyên triều đình tìm cách liên minh với người Khờ-me, người Xiêm, người Anh để ngăn chặn không cho Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Cuối năm 1866, sứ bộ trong đó có Nguyễn Trường Tộ đến Pháp. Từ Pháp, Nguyễn Trường Tộ gửi về cho triều đình Huếtập "Tế cấp bát điều" (Tám điều cấp cứu) khuyên triều đình: sửa sang việc võ bị; sửa đổi các tệ hại để cứu vãn tài chính; hợp tỉnh huyện, giảm quan lại; chỉnh đốn học pháp; điều chỉnh thuế ruộng; kinh lý bờ cõi; điều tra dân số; lập dục anh viện và tế cùng viện.  Giữa lúc sứ bộ Việt Nam đang ở Pháp, thì quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.  Năm 1868 sứ bộ về nước.  Trong chuyến đi này Nguyễn Trường Tộ có đem về cho triều đình Huế 3 giáo sư, một chuyên viên kỹ thuật, nhiều sách giáo khoa và các dụng cụ thí nghiệm khoa học để triều đình lập ra một trường kỹ thuật.  Việc mất 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ đặt triều đình Huế vào một tình trạng vô cùng hoang mang lo sợ.  Vì vậy việc lập trường kỹ thuật bị bãi đi.  Dư luận Huế lúc này rất xao xuyến về việc Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây.  Nhiều người coi Nguyễn Trường Tộ là tay sai của Pháp.  Có người lại xin triều đình đem Nguyễn Trường Tộ ra xử tử.   Tự Đức phải sai Trần Tiễn Thành cho người hộ tống ông về xã Đoài.   Từ xã Đoài, Nguyễn Trường Tộ lại viết thư cho triều đình biết rằng không có hi vọng gì thu phục được đất đai đã mất bằng con đường thương lượng, và ông khuyên triều đình Huế phải sớm duy tân tự cường, đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chờ khi Pháp có nội loạn hay bị xâm lược, thì mới có cơ lấy lại được những đất đai đã mất.  Đến năm 1871, Nguyễn lại gửi cho triều đình Huế hai đề nghị, khuyên triều đình nên đánh úp quân Pháp ở Gia định, Nguyễn lại tình nguyện vào Gia định để chỉ huy cuộc đánh úp.  Đến cuối năm 1871 thì Nguyễn Trường Tộ mất.
   Xét các đề nghị cải cách của Nguyễn trường Tộ, nhất là những cải cách về công nghiệp và thương nghiệp, chúng ta thấy Nguyễn muốn đưa nước Việt Nam vào con đường tư sản hóa như các nước Tây Âu, cụ thể là nước Pháp và nước Anh.  Về mặt công nghiệp, Nguyễn rất lưu ý đến việc khai mỏ, Nguyễn biết đất nước Việt Nam "có rất nhiều ngũ kim bát thạch, rất nhiều thứ ngọc quý và của lạ".  Hồi ấy ở Pháp có những tổ chức gọi là Hội kinh doanh ngoại quốc.  Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình giao thiệp với những hội ấy để nhờ họ khai thác một số mỏ ở nước ta.  Theo Nguyễn, có thể thuê mướn các hội ấy hay hợp tác với các hội ấy để chia lời.  Để cho các hội trên đến kinh doanh ở nước ta, theo Nguyễn, chỉ có lợi cho nước ta.  Đến kinh doanh ở nước ta, tất họ phải thuê người nước ta, những người nghèo khó ở nước ta sẽ có công ăn việc làm.  Kỹ sư và công nhân các nước đến nước ta tất phải thuê nhà ở, thuê đất làm nhà ở nước ta, do đó sẽ có những thành thị mới.  Điều quan trọng nhất là nhân dân ta sẽ có dịp học tập được tài nghệ của các nước: "Hiện nay, cái mà chúng ta rất thiếu thốn là sự học tập tài nghệ...Nếu họ đến khai thác một chỗ nào, thì quan quân chúng ta cũng đến đó, và mắt sẽ thấy nhiều điều mà học tập được. Còn thường dân của chúng ta thì làm cho họ, cư xử gần nhau, ăn mặc như nhau, như thế thì không ngoài mười năm, tài nghệ của dân ta sẽ không kém gì họ.  Như vậy thì nhà nước không tốn một đồng tiền mà nhân dân đều học tập thành nghề cả".  Để cho nhân dân Việt Nam có thể học tập được tài nghệ của nước ngoài, Nguyễn Trường Tộ chủ trương một mặt phải cho người đi du học các nước châu Âu, một mặt phải mở mang các trường kỹ nghệ trong nước.  Về thương nghiệp, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình khuyến khích các nhà buôn lớn bỏ vốn ra lập thành những hội (công ty) hợp cổ, và trọng thưởng cho hội nào tập hợp được một số vốn từ một trăm quan tiền trở lên; hội nào mua được các tầu lớn để đi buôn bán với các nước châu Âu và trung-quốc cũng sẽ được trọng thưởng.  Để tiện cho việc giao thông, vận tải và giao lưu hàng hóa trong nước, Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình "đào một con kênh lớn từ Hải-dương đến kinh đô Huế để cho thuyền quan hay thuyền dân, việc lớn hay việc nhỏ đều thông hành được cả".  Nguyễn Trường Tộ cho rằng nông nghiệp vẫn là nền tảng kinh tế của nước ta; nông nghiệp của nước ta suy đồi là vì kỹ thuật nông nghiệp của ta thấp kém.  Nguyễn đề nghị triều đình mở khoa nông chính để dạy dân các môn: 1) Thiên văn học nông nghiệp; - 2) Địa lý học nông nghiệp; - 3) Thực vật học; - 4) Địa văn khí tượng học; - 5) Tổ chức nông nghiệp trong nước.  Để khuyến khích việc cải tiến kỹ thuật, Nguyễn khuyên triều đình phải chú ý khen thưởng những người có sáng kiến hay.   Nguyễn lưu tâm đặc biệt đến công tác trị thủy và công tác thủy lợi.  Trong tập "Tế cấp bát điều", Nguye6~n viết: "Nước ta có nhiều núi mà ít đồng bằng, khi mưa to đổ xuống thì bị thế núi quanh co ngăn lại và gây nên úng thủy, dân gian thiệt hại rất nhiều.  Nay nếu đào nhiều kênh để khơi nước, nước sẽ chia đường đi chảy đi nhiều ngả, sức nó sẽ hòa hoãn không thể tràn lan".  Nguyễn trường Tộ có lẽ là người Việt Nam đầu tiên nhìn thấy sự cần thiết của Thống kê học, theo ông chỉ có Thống kê học mới cho phép chúng ta biết rõ nhân lực, vật lực, tài lực của nước ta.  Chính ông đã viết: "Mỗi năm ở các thành thị, hàng hóa ra vào, thuyền bè đi lại, quán khách nhà trọ, vật giá cao thấp, cùng những mối lợi về bách cốc, lục súc, sơn dầu, cửa bể, khoáng sản, tảo tác và các việc tiêu dùng, hết thảy đều phải ghi chép rõ ràng, để biết rõ được sự thịnh suy, lợi hại".  Về chính trị, Nguyễn trường Tộ chủ trương thuyết "quốc dân nhất thể": "Nước cũng như cơ thể, một bộ phận bị đau thì cả cơ thể vì thế mà không yên" - "Quốc gia với nhân dân như huyết mạch trong thân thể con người.  Nếu có sự đình trệ, không lưu thông, thì tất nhiên sinh ra bệnh tật".  Quốc và dân đã nhất thể, thì quốc và dân phải đối xử với nhau cho có tình.  Tình, theo quan niệm của nguyễn trường Tộ, rất là cần thiết cho phép trị nước: "Trị nước phải làm cho tình được thông.  Tình là cái sẵn có của dân" "Tình là cái khí hòa hoãn.  Nếu trên dưới không quạt cho nhau cái khí hòa hoãn để đón lấy hạnh phúc, mà chỉ đem sự sát phạt ra để đối xử với nhau, thì chỉ càng ngày càng xơ xác mà thôi".  Thuyết "Quốc dân nhất thể" "thượng hạ tinh thông" của Nguyễn trường Tộ phảng phất có cái gì giống thuyết hữu cơ thể xã hội (organisme sociale) của nhà học giả tư sản Anh là Spen-xơ (Spencer) nhằm hòa hoãn sự xung đột giữa các giai cấp xã hội, làm cho các giai cấp xã hội cộng tác với nhau đặng làm cho chế độ tư sản phồn thịnh, vững vàng.  Thời Nguyễn trường Tộ là thời chữ Hán được đưa lên địa vị độc tôn và là văn tự chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam.  Nguyễn trường Tộ nhìn thấy những bất tiện của việc dùng chữ Hán là văn tự của dân tộc, ông đã viết: "Nếu một người nói ra một câu, lại phải nhờ một người khác dịch ra tức là một người nước khác rồi.  Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, hai thứ văn tự, chẳng hóa ra một nước mà ngăn ra hai thứ người hay sao?", "chữ mình học đã không phải chính âm của trung Hoa, mà cũng không phải âm thoại của ta, khi đi học phải dùng mục lục để xem tự hoạch, lại phải dùng tâm trí đe6? nhớ lấy các tiếng lạ, còn âm vận thì chỉ người có học biết lấy mà thôi, chứ người không học nghe đến chẳng khác gì nghe giọng quạ kêu, chim hót". "Những người thông minh ở nước ta đua nhau học chữ Hán, đương lúc trai tráng, không biết làm gì để lập công nghiệp mà cứ hao công đèn sách, cặm cụi suốt năm hình như muốn học để làm người Trung-quốc, nhưng đem tiếng ấy nói với người trung-quốc, họ không thể hiểu, mà nói với dân ngu họ cũng không biết gì.  Một tờ trát văn, cắt nghĩa mỗi người một khác, một chữ trong sách luật có thể thay đổi tội tình, đơn khai từ tụng, thường bị các thày cò múa bút nói sai, dân gian khai báo không kể được sự tình phiền phức.  Vả lại khi nhà nước truyền xuống một lệnh gì, phải có người văn nhân cắt nghĩa cho bình dân nghe, nhưng có khi họ cắt nghĩa không rõ ràng hoặc viện dẫn xuyên tạc, cho nên bọn dân đen không hiểu được ý tứ của triều đình, tất nhiên là bị sai lầm".  Rồi Nguyễn-trường-Tộ đề nghị triều đình cải cách văn tự, hay nói đúnh hơn, sáng tạo ra một thứ văn tự để làm văn tự chính thức của dân tộc: "Nay xin lấy chữ Hán làm mẫu, lựa chữ nào tiếng đã hợp với tiếng ta, thì cứ đọc theo quốc âm, không phải đọi giảng nghĩa, còn chữ nào tương tự với tiếng ta, thì cứ đánh dấu vào một bên để đọc theo quốc âm.  Lại xin đem chữ đó chia ra từng loại, đặt một quyển tự vị ban khắp các nha môn và các học đường, để người ra học tập được tiện lợi. Bất cứ người nào hễ viết một tờ giấy việc quan hay là việc riêng, cũng phải theo thứ chữ của nhà nước ban bố, chứ không được thay đổi...Ta chỉ dùng chữ Hán mà đọc ra tiếng ta, không cần phải học nghĩa.  Ví dụ hai chữ "thực phạn" thì cứ đọc là "ăn cơm" để thay cho hai chữ "thực phạn", như vậy không lẽ gì cho "thực phạn" quý hơn "ăn cơm"...Nếu ta đem chữ Hán mà đọc ra tiếng ta, thì mỗi người đọc ra, mọi người có thể hiểu được, chắc là sẽ bớt được những sự phiền phức vô số".
   Nguyễn-trường-Tộ nhận rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh "có nhiều tài trí, học giỏi về cơ xảo, lại có tính muốn học sự hay của người".  Nhưng người Việt Nam lại ở trình độ văn hóa thấp, là vì nền giáo dục của Việt Nam là nền giáo dục chỉ chú trọng những điều không thiết thực: "Thuở bé học những tỉnh Sơn-đông, Sơn-tây mắt chưa hề trông thấy, lớn lên lại làm những việc ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ mà chân thường đi tới; thuở bé học những thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục của trung-hoa hiện nay đã thay đổi đi rồi, mà lớn lên làm những việc thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục của nước Nam, mỗi nơi một khác:thuở bé ho,c những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh trong thời quá khứ ở Trung-hoa, mà lớn lên thì làm những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh ở nước Nam hiện đại".
   Những đề nghị cải cách kể trên của Nguyễn-trường-Tộ biểu thị rằng Nguyễn là một nhân sĩ phong kiến tiến bộ, muốn cho nước Việt Nam giàu mạnh và có một nền văn hóa dân tộc.  Những đề nghị cải cách của ông, nếu được thi hành tất có tác dụng thúc đẩy nước Việt Nam đi vào con đường tư sản hóa như nước Nhật Bản hồi nửa cuối thế kỷ XIX vậy.  Xét toàn bộ các đề nghị cải cách nói trên, chúng ta thấy rằng đồng thời với Nguyễn-trường-Tộ trong giai cấp phong kiến Việt Nam còn có những phần tử như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ ...cũng từng đua ra những đề nghị cải cách ít nhiều giống như những đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ.  Sau khi đi sứ sang một vài nước ở châu Âu, Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ cũng từng khuyên triều đình Huế phải điều đình với thực dân Pháp, và phải cho người ra ngoại quốc học phép phú quốc cường binh của người phương Tây.   Ngoài ra, Đinh -văn-Điền người ở Ninh-bình, và Bùi-Viện người ở Thái-bình cũng từng đề nghị triều đình Huế thi hành các cải cách để làm cho nước giầu dân mạnh. Nguyễn-trường-Tộ chỉ khác Phan-thanh-Giản, Phạm-phú-Thứ, Đinh-văn-Điền, Bùi-Viện ở chỗ các điều trần của ông có vẻ thiết tha hơn và toàn diện hơn.  Đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ là đề nghị của những nhân vật đang sống ở nơi tối tăm khi đi ra nước ngoài được chứng kiến những cái mới lạ của nền văn minh tư sản vào lúc nền văn minh này ở thời kỳ thịnh trị.  Hồi nửa đầu thế kỷ XIX ở Nhật Bản người ta đã thấy một trường hợp tương tự như trường hợp của Nguyễn-trường-Tộ ở Việt Nam.  Cao-dã Trường-Anh (Takano Choei) là một người Nhật sáng suốt đã sớm biết nền văn minh tư sản châu Âu.  Ông đã học tiếng Hà-lan và làm nghề thầy thuốc của người châu Âu.  Năm 1838, khi một chiếc tầu Anh đến U-ra-ga làm cho cả nước Nhật xôn xao, thì Cao-dã trường-Anh cho xuất bản quyển Chuyện một giấc mộng miêu tả tỉ mỉ nền văn minh tư sản ở châu Âu, và bài bác thái độ cổ hủ của bọn chúa phong kiến trên các đảo Nhật-bản.  Tức giận, bọn chúa phong kiến bắt Cao-dã trường-Anh và kết ông vào tội tù chung thân.  Ở tù được ba năm,, Cao-dã Trường-Anh trốn ra khỏi nhà tù rồi làm công tác phiên dịch cho tên chúa phong kiến ở Vũ-hòa đảo.  Năm 1844, Cao đổi tên họ rồi trở về Giang-hộ (Edo) làm việc dịch các sách ở châu Âu ra tiếng Nhật.  Bọn chúa phong kiến dò ra tung tic'h Cao, cho lính đến bắt ông.  Cao chống cự lại rất hăng, nhưng cuối cùng ông phải tự tử sau khi giết chết hai tên lính của bọn chúa phong kiến. Cao-dã Trường-Anh chỉ khác Nguyễn-trường-Tộ ở chỗ Cao hô hào, vận động công việc tư sản hóa ở nước Nhật, khi giai cấp tư sản Nhật đã ra đời và đã bắt đầu có lực lượng.   Chính vì vậy, cho nên sau khi Cao tự tử, thì phong trào đấu tranh của tầng lớp phú thương Nhật và tầng lớp đại-my-ô (Daimyo) chống chế độ áp bức, bóc lột của bọn chúa phong kiến lại càng mạnh mẽ, và cuối cùng làm bùng nổ ra cuộc vận động tôn vương đảo Mạc (tôn Nhật hoàng đánh đổ Mạc phủ Đức-xuyên).  Còn ở Việt Nam, Nguyễn-trường-Tộ cũng hô hào, vận động duy tân, nhưng ông  hô hào, vận động duy tân, trong lúc giai cấp tư sản Việt Nam chưa đủ điều kiện hình thành.  Vì vậy, Nguyễn-trường-Tộ tốn nhiều công sức mà không đạt được kết quả nào.  Bọn Vua quan triều Nguyễn là bọn hủ bại, thiển cận, tự cao tự đại một cách ngu si.  Đó là điều mà hết thảy mọi người đều biết cả.  Nhưng bọn vua quan nhà Nguyễn là đại biểu của giai cấp phong kiến, chúng chống lại các đề nghị cải cách nhằm tư sản hóa nước Việt Nam, thì có gì là lạ?  Ở Nhật-bản hồi đầu nửa đầu thế kỷ XIX, bọn chúa phong kiến ở các địa phương và bọn Mạc-phủ Đức-xuyên chẳng chống lại các cải cách nhằm tư sản hóa nước Nhật-bản đấy ư?  Cao-dã Trường-Anh người lính tiên phong tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản ở Nhật chẳng bị tù chung thân, và cuối cùng phải tự tử đấy ư?  Cao-dã Trường-Anh chết, nhưng cuối cùng Mạc-phủ Đức-xuyên bị đánh đổ và các thế lực phong kiến phải rút lui, để cho nước Nhật-bản đi vào con đường tư bản chủ nghĩa.  Nước Nhật-bản đi vào con đường tư bản chủ nghĩa không phải tại vua Minh-Trị yêu cải cách hơn Tự-Đức, mà chủ yếu là vì ở nước Nhật hồi thế kỷ thứ XIX, giai cấp tư sản đã ra đời và đã có lực lượng ở trường chính trị và trường kinh tế.  Ở Việt-Nam trong thời Nguyễn-trường-Tộ, tình hình lại hoàn toàn khác hẳn.  Trong thời gian này, giai cấp tư sản vắng mặt trên vũ đài chính trị và kinh tế. Bao nhiêu quyền lực về chính trị, kinh tế, văn hóa đều tập trung vào triều đình Huế bảo thủ và cực kỳ cận thị.  Lời kêu gọi của Nguyễn-trường-Tộ sở dĩ thành lời kêu gọi trong bãi sa mạc chủ yếu là vì ở sau lưng Nguyễn-trường-Tộ không có một lực lượng xã hội tiến bộ ủng hộ cho các đề nghị cải cách của ông.  Nguyễn là một nhân vật khai minh của giai cấp phong kiến.  Trong khi giai cấp ông tỏ ra hoàn toàn mù quáng và phản động, thì chỉ có ông và một vài người nữa là có đủ sự sáng suốt và đủ sự can đảm để đưa ra một loạt những đề nghị cải cách, nếu được thực hiện, thì có khả năng đưa nước Việt-Nam đi vào con đường tư bản chủ nghĩa.
   Nguyễn-trường-Tộ là nhân sĩ khai minh, nhưng chủ trương của ông về căn bản lại là chủ trương không tưởng.  Ông muốn cho nước Việt Nam Âu hóa, nhưng ông không biết rằng nước Việt Nam chỉ có thể Âu hóa khi nó có một cơ sở kinh tế và xã hội khả dĩ cho phép nó tiếp thu những đề nghị cải cách của ông.  Nguyễn-trường-Tộ kém Cao-dã Trường-Anh ở chỗ ông không nhìn thấy thực trạng của xã hội Việt Nam, và không tìm thấy một lực lượng xã hội tiến bộ sẵn sàng làm hậu thuẫn cho những đền nghị cải cách của ông.  Không phải đến năm 1871, tình hình nước Việt Nam mới đòi những cải cách cần thiết.  Cuộc khủng khoảng trầm trọng của chế độ phong kiến Việt-Nam hồi thế kỷ XVIII đã cho mọi người thấy rằng xã hội cần phải vươn mình tiến sang một chế độ mới, thì đất nước mới giàu mạnh vững vàng.   Phong tào Tây-sơn vừa hé cho chúng ta con đường phải đi lên, thì giai cấp phong kiến phản động do Nguyễn-phúc-Ánh đứng đầu lại trỗi dậy kéo nước Việt-Nam trở lại tình trạng tối tăm và khủng khoảng trầm trọng hơn hồi thế kỷ XVIII.  Trong thời gian từ thế kỷ XVIII đến hết nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội Việt-Nam, nói chung, là xã hội cần cải cách. Nhưng đến khi thực dân Pháp bắt đầu thi hành chính sách xâm lược, nhất là sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm sáu tỉnh Nam kỳ và tích cực tiến hành âm mưu đánh chiếm Bắc-kỳ và Trung-kỳ, thì vấn đề đặt ra trước dân tộc Việt Nam - mà đây là vấn đề bức thiết như nước sôi lửa bỏng - không phải là vấn đề thi hành những cải cách để tư sản hóa nước Việt Nam, mà là vấn đề tập trung tất cả mọi lực lượng của dân tộc để đánh giặc cứu nước.  Vấn đề đánh giặc cứu nước, cứu dân tộc phải đặt lên trên lợi ích của gia cấp, đó là vấn đề duy nhất phải đặt ra và cấp tốc giải quyết trong dân tộc Việt-Nam, sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm sáu tỉnh Nam-kỳ.  Đây là nhiệm vụ phải đặt lên trên tất cả các nhiệm vụ khác.  Không thi hành được nhiệm vụ chủ chốt đó, thì nước sẽ mất. Và nước đã mất thì đừng có nói đến thi hành cải cách này hay cải cách khác.
   Triều đình Huế khi khước từ các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ chủ yếu là vì họ phản động, ngu dốt, tối tăm.  Họ gạt bỏ các đề nghị cải cách của Nguyễn, nhưng rồi họ lại ngoan ngoãn cúi đầu dâng đất nước cho giặc.   Trước lịch sử, tội lỗi của chúng là ở đấy.  Nhưng giả sử các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ được thi hành, thì việc đó không những không cứu được nước Việt Nam, mà trái lại chỉ tạo điều kiện làm cho nước Việt Nam chóng mất.  Như bên trên chúng tôi đã từng nói, nhiệm vụ cấp bách của nước Việt-Nam, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam-kỳ, là phải tập hợp mọi lực lượng dân tộc để đánh giặc cứu nước.  Ngoài nghiệm vụ này không có nhiệm vụ nào khả dĩ cứu được nước Việt-Nam.   Dã tâm của thực dân Pháp sau khi chúng đánh chiếm sáu tỉnh Nam-kỳ là dã tâm của một bầy hổ đói.  Hòa với chúng là mù quáng và dại dột.  Năm 1861, sau khi đồn Kỳ-hòa thất thủ, Nguyễn-bá-Nghi khuyên triều đình Huế phải tạm hòa với thực dân Pháp.  Thực ra từ năm 1856 khi đại bác của chiến hạm Ca-ti-na (Catinat) bắn vào các đồn lũy ở cử bể Đà Nẵng cho đến năm 1884, đối với thực dân Pháp, chính sách của triều đình Huế lúc nào cũng là chính sách "hòa" liên tiếp trước một kẻ địch lúc nào cũng sẵn sàng dùng võ lực để tấn công.  Triều đình Huế muốn "hòa", nhưng thực dân Pháp lại muốn "chiến" để xâm chiếm cho kỳ hết nước Việt-Nam.  Các cuộc tấn công của thực dân Pháp từ năm 1858 đến năm 1884 đều nằm trong một kế hoạch đã được nghiên cứu từ lâu.  Sau mấy phát đại bác bắn vào Đà Nẵng để thăm dò lực lượng, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ, sau khi ngồi vững ở ba tỉnh miền Đông, chúng tiến lên một bước nữa đánh chiếm ba tỉnh miền Tây; làm chủ sáu tỉnh Nam-kỳ rồi, chúng mới tính đến việc đánh Bắ-kỳ và Trung-kỳ.   Vì chính sách của thực dân là chính sách "chiến", cho nên triều đình Huế cố "hòa" mà vẫn không "hòa" được.  Năm 1882 khi thấy Hăng-ri Ri-vi-e đem quân ra Hà Nội, Hoàng Diệu một mặt cho phòng thủ Hà-nội, một mặt khác xin triều đình gửi viện binh ra Bắc, thì Tự Đức đã hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu là đã "đem binh dọa giặc" và "chế ngự sai đường".  Tư tưởng "hòa" - thực chất là đầu hàng - là tư tưởng chủ đạo của triều đình Huế, như vậy thì việc gì Nguyễn-trường-Tộ còn phải khuyên triều đình tạm hòa với Pháp nữa?  Triều đình Huế không những muốn tạm "hòa", mà còn muốn "hòa" vĩnh viễn với Pháp để có thể cứu vãn được đôi chút cơm thừa canh cặn, nhưng khốn nỗi thực dân Pháp lại cứ một mực "chiến" mãi cho đến khi chiếm hết được nước Việt Nam mới thôi.  Khi biên thư cho Nguyễn-bá-Nghi khuyên triều đình Huế phải tạm hòa với Pháp, Nguyễn-trường-Tộ tỏ ra không những không hiểu triều đình Huế, mà còn tỏ ra không hiểu cả thực dân Pháp nữa.  Khi đưa ra những đề nghị cải cách về công nghiệp, Nguyễn-trường-Tộ cũng nhận rằng nhân dân Việt Nam phải làm ăn chung đụng mười năm với người Âu, thì "tài nghệ" người Việt-Nam mới bằng người Âu.  Những cải cách của Nguyễn-trường-Tộ chỉ có thể thi hành được khi nước Việt-Nam có một khoảng thời gian rảnh tay chừng trên dưới mười năm (theo Nguyễn-trường-Tộ).  Nhưng khốn nỗi thực dân Pháp có để cho triều đình Huế nghỉ ngơi để thi hành các cải cách đâu.  Chính sách của thực dân Pháp là chính sách tàm thực, đánh chiếm hết nơi nọ lại đánh chiếm đến nơi kia, như vậy thì các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ nếu được triều đình Huế chấp nhận cũng không có thì giờ để thi hành.  Nhưng giả sử các đề nghị ấy được thi hành, thì kết quả cũng không phải làm cho nước Việt Nam giàu mạnh, tư sản hóa như Nguyễn-trường-Tộ mong muốn đâu, mà trái lại lại tạo điều kiện cho thực dân Pháp dễ dàng tiến hành xâm chiếm nhanh chóng Bắc-kỳ và trung-kỳ. Thật vậy, trong điều kiện đã mất sáu tỉnh Nam-kỳ, muốn thi hành các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ, triều đình Huế không thể không trông vào sự "giúp đỡ" của thực dân Pháp. Chính Nguyễn-trường-Tộ cũng nhận thấy rằng nhờ sự "giúp đỡ" của thực dân Pháp là một tất yếu trong công cuộc cải cách nước Việt-Nam nhằm đưa nước Việt-Nam vào con đường tư bản chủ nghĩa.   Nguyễn đã từng khuyên triều đình Huế nhờ các Hội kinh doanh ngoại quốc của giai cấp tư sản Pháp làm các công cuộc như tìm mỏ, khai mỏ, xây dựng cửa bể, dựng nhà máy v..v... Các Hội kinh doanh ngoại quốc mà Nguyễn-trường-Tộ muốn nhờ cậy đấy là ai, nếu không phải là các tổ chức thực dân chuyên chỉ huy và phát động các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa?  Nếu chúng ta biết rằng trong chính sách xâm lược hồi thế kỷ XVII công ty thương nghiệp Đông Ấn-độ đã đóng một vai trò quan trọng, thì chúng ta thấy rằng giao các công việc tìm mỏ, khai mỏ, xây dựng cửa bể, nhà máy cho các Hội kinh doanh ngoại quốc nói trên khác nào giao vận mệnh của Tổ quốc cho bọn trùm kẻ cướp?  Ở thời đại ông, Nguyễn-trường-Tộ chỉ nhìn những Hội kinh doanh là những tổ chức thương nghiệp hoặc công nghiệp, ông chưa đủ sáng suốt, và kinh nghiệm để khám phá ra rằng các Hội kinh doanh ấy chỉ là các tổ chức xâm chiếm thuộc địa dấu tên mà thôi.  Như chúng ta đều biết, Nguyễn-trường-Tộ là một tín đồ Thiên chúa giáo, bản thân ông đã được các giáo sĩ giáo dục và giúp đõ rất nhiều.  Không có giám mục Gô-chi-ê, Nguyễn-trường-Tộ không làm gì có cơ hội biết nước Pháp hay biết các nước khác ở châu Âu.  Vì lẽ đó, Nguyễn rất tin các giáo sĩ, nhất là giáo sĩ Pháp.  Chính ông đã đề nghị triều đình "cho phép các giáo hội Tây phương cứ tới nước mình mà lập hội cứu tế".  Không những thế, ông còn xin "nhà nước nên cho phép mỗi tỉnh lập ra một viện dục anh, giao cho một ông giám mục quản cố" nữa.  Những đề nghị này cộng với những đề nghị trông nhờ vào các Hội kinh doanh ngoại quốc để phát triển kinh tế, nếu được thi hành, sẽ mở cửa nước Việt-Nam cho người Pháp kéo vào nắm giữ các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của nước Việt Nam.  Lúc này như chúng ta đều biết là lúc thực dân Pháp đã đánh chiếm xong sáu tỉnh Nam-kỳ và đang ngấp nghé Bắc-kỳ và Trung-kỳ.  Ai có thể bảo đảm rằng những người Pháp hay người Âu làm ở các ngành kinh tế, văn hóa và xã hội kia lại không ngấm ngầm làm cả cái việc mà ta gọi là gián điệp nữa?  Giăng Đuy-Puy (Jean Dupuis) chỉ là một tên lái buôn, nhưng trong việc thực dân Pháp đánh chiếm Bắc-kỳ năm 1873, Giăng Đuy-Puy đã giữ một vai trò quan trọng.  Ta có thể nói chính đích thân Đuy-puy đã gây ra việc đánh Bắc-kỳ năm 1873.  Và cũng chính Đuy-puy là kẻ xúi dục tên Tạ-văn-Phụng  đánh lại triều đình nhà Nguyễn.  Nhuyễn-trường-Tộ không những không tưởng ở toàn bộ các đề nghị cải cách của ông, mà ông còn không tưởng ở từng điểm trong các đề nghị cải cách nữa.  Trong bức thư viết cho Trần-tiễn-Thành, Nguyễn-trường-Tộ khuyên Trần-tiễn-Thành giao thiệp với người Anh để lợi dụng người Anh chống lại người Pháp.  Khi ở Gia-định, Nguyễn-trường-Tộ đã đến thăm viên lãnh sự Tây-ban-nha, và định lợi dụng mâu thuẫn giữa thực dân Tây-ban-nha và thực dân Pháp.  Đây là một thủ đoạn quỷ quyệt mà các nhà ngoại giao tư sản thường dùng.  Nhưng đối với triều đình nhà Nguyễn, sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm sáu tỉnh Nam-kỳ, thì việc vận dụng thủ đoạn trên lại không dễ mà thi hành được.  Người Việt-Nam biết hoạt động ở trường ngoại giao, thì thực dân Pháp còn có đầy đủ điều kiện để hoạt động ở trường ngoại giao bằng mười ta.  Thực dân Pháp lại có phương tiện hơn ta để lung lạc người Anh hay người Tây-ban-nha.  Người Anh hay người Tây-ban-nha mà Nguyễn-trường-Tộ định lợi dụng cũng chỉ là bọn thực dân như thực dân Pháp, họ cũng quỷ quyệt, tham lam và cũng đang thèm muốn thuộc địa.  Lợi dụng họ không được trong nhiều trường hợp là mở đường cho họ lợi dụng mình.  Nguyễn-phúc-Ánh đã lợi dụng thực dân Pháp để đánh nhà Tây-sơn, nhưng Nguyễn-phúc-Ánh có ngờ đâu rằng kẻ đánh triều đình nhà Nguyễn để cướp nước Việt-Nam không phải là nông dân, mà lại là thực dân Pháp?  Hồi thế kỷ XIX, giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh rõ ràng là có mâu thuẫn sâu sắc, và mâu thuẫn này đã bùng nổ ra cuộc chiến tranh giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh, cho nên năm 1882, triều đình Mãn Thanh đã cho Tạ-kinh-Bưu và Đường-cảnh-Tăng đem quân sang Việt-Nam; quân Mãn Thanh và quân Pháp đã đánh nhau mấy trận ở Bắc-kỳ.  Triều đình Huế quả đã biết khai thác mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh.  Nhưng đến năm 1885, sau khi Pa-tơ-nốt (Patenôtre) ký với Lý-hồng-Chương hòa ước Thiên-tân, thì triều đình Mãn Thanh công nhiên thừa nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp trên đất Việt-Nam, và ra lệnh cho quân Mãn Thanh đóng ở Việt-Nam rút về Trung-quốc.  Trong việc này chúng ta thấy kẻ lợi dụng mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh là triều đình Huế, nhưng kẻ thiệt thòi nhất trong việc này cũng lại là triều đình Huế.  Đủ hiểu khéo léo về ngoại giao đương nhiên là cần, nhưng khéo léo mà không có lực lượng làm hậu thuẫn cho chính sách của mình, thì khéo léo vẫn không mang lại kết quả gì.  Thủ đoạn lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh và Pháp, vì vậy, không phải dễ thi hành.  Thủ đoạn này khác nào con dao hai lưỡi không khéo dùng thì nó quay lại làm hại ngay chính bản thân mình. Như bên trên đã nói, Nguyễn-trường-Tộ là người tin các giáo sĩ phương Tây, chính ông đã khuyên triều đình Huế giao công việc cứu tế xã hội cho các giáo sĩ phương Tây.  Nhưng trong tình hình nước Việt-Nam đang bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình Huế làm sao có thể tin các giáo sĩ phương Tây trong đó có các giáo sĩ Pháp được?  Trong số các giáo sĩ phương Tây sang hoạt động ở Việt-Nam hồi thế kỷ XIX, đương nhiên là có những người thực tâm vì đạo, nhưng cũng không ít kẻ đội lốt tôn giáo để làm việc do thám cho thực dân Pháp.  Lịch sử Việt-Nam đã chứng minh rõ ràng như thế,  Đề nghị của Nguyễn-trường-Tộ dựa vào các giáo sĩ phương Tây để tiến hành các công tác cứu tế xã hội, vì vậy, không phải là một đề nghị có cơ sở thực tế để thi hành được.
   Về chính trị như đã trình bày, Nguyễn-trường-Tộ chủ trương thuyết "Quốc dân nhất thể" "Thượng hạ tinh thông" phảng phất như thuyết hữu cơ thể xã hội của Spen-xơ.  Thuyết này nhằm điều hòa mâu thuẫn giữa các giai cấp xã hội, ở thời Nguye6~n-trường-Tộ, thì đó là một chủ trương tiến bộ.  Nhìn tình hình các giai cấp trong xã hội Việt-Nam hồi thế kỷ XIX, Nguyễn-trường-Tộ đã nhìn thấy "quốc chính rất là xa kẻ dưới, mà kẻ dưới thì kiếm cách che dấu lừa dối kẻ trên", "kẻ mạnh kẻ yếu nuốt nhau, ăn ở với nhau như cái mâu cái thuẫn", nhiều người giữ thái độ bàng quan chủ nghĩa "nước mặc nước, ta mặc ta, hờ hững thờ ơ, không can thiệp gì".  Tại sao "kẻ trên kẻ dưới" lại ở vào cái thế "như cái mâu cái thuẫn"?  Tại sao trong nước lại có nhiều người giữ thái độ thờ ơ "nước mặc nước, ta mặc ta"?  Nguyễn-trường-Tộ cho rằng sở dĩ xã hội có tình trạng trên là vì "đạo học không thuần túy, tâm thuật không duy nhất, thế liên hợp không có, danh vị không được coi trọng".  Nhưng tại sao đạo học lại không thuần túỷ tâm thạt lại không duy nhất? Thế liên hợp lại không có? Danh vị lại không được coi trọng?  Vấn dề này mới là then chốt của tất cả các vấn đề đưa ra trong các đề nghị cải cách của nhà nhân sĩ yêu nước họ Nguyễn ở làng Bùi Chu.  Giải quyết được vấn đề này sẽ tạo điều kiện để giải quyết tất cả các vấn đề do tình trạng khủng khoảng của xã hội Việt-Nam hồi nửa sau thế kỷ XIX đề ra.  Nhưng ở các bản điều trần của ông, Nguyễn -trường-Tộ tỏ ra không nhìn thấy vấn đề ấy, và như vậy là vì quan điểm của ông là quan điểm duy tâm của một tín đồ Thiên chúa giáo.  Đứng trên quan điểm duy tâm, Nguyễn-trường-Tộ không nhìn thấy nguyên nhân làm cho xã hội Việt-Nam hồi thế kỷ XIX sinh ra tình trạng "quốc chính rất là xa cách với kẻ dưới, mà kẻ dưới thì kiếm cách che giấu lừa dối kẻ trên", "kẻ mạnh kẻ yếu nuốt nhau, ăn ở với nhau như cái mâu cái thuẫn", nhiều người giữ thái độ "nước mặc nước, ta mặc ta". Nguyên nhân ấy tuyệt đối không phải là "đạo học không thuần túy" hay "tâm thuật không duy nhất", mà chính là bản thân chế độ phong kiến cực kỳ phản động do Gia-long và Minh-mệnh đã dựng ra, và Tự-đức thừa kế.  Chế độ phong kiến của nhà Nguyễn đã phá hoại nghiêm trọng sức sản xuất của xã hội, làm cho công nghiệp, thương nghiệp bị đình đốn, nông nghiệp bị suy đồi, văn hóa và giáo dục bị đẩy vào con đường công thức chủ nghĩa.  Muốn đưa Việt-Nam ra khỏi tình trạng khủng khoảng hồi thế kỷ XIX, muốn tạo cho nước Việt-Nam đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, trước hết phải đánh đổ chế độ phong kiến phản động mà triều đình nhà Nguyễn là kẻ đại biểu trung thành.   Vì quan điểm duy tâm, vì cũng là nhân sĩ thuộc giai cấp phong kiến, Nguyễn-trường-Tộ không quan niện nổi sự cần thiết phải đánh đổ chế độ phong kiến nhà Nguyễn.  Nguyễn-trường-Tộ vẫn tin ở chế độ phong kiến, và ở chế độ quân chủ thần quyền.  Lập trường giai cấp phong kiến và quan điểm duy tâm của ông khiến cho ông rất tin ở chế độ quân chủ thần quyền: "Nhân quân đối với dân, thay trời mà chăn, thế trời mà làm", "thay quyền Tạo vật để chăn nuôi nhân dân".  Nhưng hồi thế kỷ XIX "đấng quân nhân" mà Nguyễn-trường-Tộ đề cao lại không hề làm cái việc "chăn nuôi nhân dân", mà thực ra chỉ ăn cướp của nhân dân mà thôi: ăn cướp gián tiếp bằng sưu cao thuế nặng, ăn cướp trực tiếp bằng quan tham lại nhũng, hối lộ công hành.  Những nhân quân như thế thực sự đã tách ra khỏi nhân dân, sống thù địch với nhân dân.  Đó là những kẻ thù của nhân dân. Chính Nguyễn-trường-Tộ cũng nhìn thấy như thế một phần nào khi ông viết "quốc chính rất xa lạ với kẻ dưới", "kẻ mạnh kẻ yếu nuốt lẫn nhau, ăn ở với nhau như cái mâu cái thuẫn".  Chúng tôi nói Nguyễn-trường-Tộ chỉ nhìn thấy tình trạng trên một phần, là vì khi Nguyễn viết "kẻ mạnh kẻ yếu nuốt nhau", thì ông vẫn có ý cho rằng người gây ra tình trạng ấy không những là trên, mà còn là người dưới nữa.  Nhưng thử hỏi giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, kẻ nào nuốt kẻ nào?   Ai cũng biết rằng kẻ có điều kiện để nuốt kẻ khác không phải là kẻ yếu, mà là kẻ mạnh tức bọn vua quan nhà Nguyễn và chân tay của chúng.  Lập trường giai cấp phong kiến của Nguyễn-trường-Tộ đã làm cho ông lẫn lộn thị phi, định gạt bớt tội lỗi của triều đình Nguyễn sang kẻ yếu là nhân dân Việt-Nam hồi nửa cuối thế kỷ XIX.  Cũng do lập trường giai cấp phong kiến của ông, Nguyễn-trường-Tộ đã viết hồ đồ rằng xã hội có nhiều người giữ thái độ "nước mặc nước, ta mặc ta".  Nhưng hồi nửa cuối thế kỷ XIX, ai là kẻ giữ thái độ "nước mặc nước, ta mặc ta"?  Kẻ đó nhất định không phải là nhân dân Việt-Nam, mà chính là bọn "nhân quân" ở triều đình quen cầu an hưởng lạc, chỉ biết vơ vét của nhân dân để ăn chơi cho sướng và để xây dựng điện, lăng tẩm, không quan tâm gì đến đời sống của nhân dân, không lo gì đến đánh giặc cứu nước.  Chính bọn "nhân quân" ở triều đình đã để cho giặc đánh chiếm hết nơi này đến nơi khác và cuối cùng đã dâng cả đất nước cho giặc để cố cứu vãn lấy chút cơm thừa canh cặn.   Còn nhân dân Việt-Nam thì không những không bao giờ giữ thái độ "nước mặc nước", mà còn luôn luôn chăm lo việc nước.  Khi triều đình Huế đã ký "hòa ước" sỉ nhục dâng sáu tỉnh Nam-kỳ cho giặc cũng như khi triều đình ký "hòa ước" sỉ nhục 1884 chịu sự bảo hộ của giặc, nhân dân Việt-Nam ở khắp Bắc, Trung, Nam vẫn không ngừng chiến đấu và làm cho giặc tổn thất nặng nề.  Lập trường giai cấp phong kiến khiến cho Nguyễn-trường-Tộ cố tình đề cao cái "đấng nhân quân " khi các "đấng nhân quân " ấy không những ở các nước tư sản châu Âu, mà ở cả nước Việt-Nam, đã mất hết uy tín trước nhân dân và trở thành chướng ngại vật cho tiến bộ của xã hội.
   Nguyễn-trường-Tộ là người khâm phục nền văn minh tư sản của các nước phương Tây, ông đã ca tụng pháp luật của các nước tư sản là những pháp luật lý tưởng.  Chính ông đã viết: "Các nước phương Tây lập pháp rất chặt chẽ, mà lại trở thành khoan dung, vì rằng người người đều ở trong vòng pháp luật, không thể lừa dối được, cho nên cũng không sinh ra sự lừa dối, trở lại thấy dễ chịu một cách bất tự giác mà cho rằng pháp luật là khoan dung".  Thật ra những pháp luật tư sản mà Nguyễn-trường-Tộ ca tụng có khoan dung và không lừa dối không?  Dĩ nhiên pháp luật tư sản có khoan dung, nhưng đó là khoan dung với bọn bóc lột, còn đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thì pháp luật tư sản rõ ràng là những công cụ áp bức rất dã man.  Khi Nguyễn-trường-Tộ viết những dòng trên, nhân dân các nước tư sản phương Tây đã nhìn thấy tính chất áp bức của pháp luật tư sản, và đã đứng lên đấu tranh nhằm thủ tiêu những pháp luật ấy đã.  Công xã Pa-ri nổ ra ngày 18 tháng 3 năm 1871 đã nói lên rằng giai cấp công nhân Pháp không những đã thấy rằng pháp luật tư sản là lừa dối, mà còn thấy rằng toàn bộ bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản cũng là công cụ áp bức hết sức nặng nề đối với giai cấp công nhân.  Trong tập trần tình của ông, Nguyễn-trường-Tộ đã căn cứ vào tình hình đấu tranh giai cấp ở Pháp, và tình hình châu Âu mà đoán rằng nội chiến sẽ nổ ra ở Pháp, và chiến tranh sẽ có thể xẩy ra giữa Pháp và một nước khác ở châu Âu (nước Phổ).  Như vậy là chính bản thân Nguyễn-trường-Tộ cũng nhận thấy rằng trong cái xã hội Pháp mà ông ca tụng cũng đang có cái gì là áp bức đối với nhân dân Pháp.  Nếu không, thì tại sao Công-xã Pa-ri lại bùng ra?   Và, khi Nguyễn-trường-Tộ đã nhìn thấy Công-xã Pa-ri, thì tại sao ông lại nói rằng pháp luật tư sản ở Pháp là "khoan dung", "không lừa dối"?   Nếu pháp luật tư sản quả là "khoan dung", "không lừa dối", thì tại sao những pháp luật ấy đã đem hàng vạn công nhân Pháp (đã tham gia Công-xã Pa-ri) ra bắn chết rồi chôn vùi ở nghĩa địa Père Lachaise ở Pa-ri?
   Tóm lại, Nguyễn-trường-Tộ với các đề nghị cải cách của ông, nêu lên trong tập trần tình và các bản điều trần, là một nhân sĩ phong kiến khai minh.  Nguyễn là một nhân vật yêu nước muốn cho nước giàu dân mạnh.  Nguyễn đã tốn nhiều công sức viết các tập trần tình và các bản điều trần nhằm hô hào triều đình nhà Nguyễn sớm duy tân tự cường.  Nhưng nghiên cứu kỹ các tập trần tình và các bản điều trần, chúng ta thấy các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ là những đề nghị không xuất phát từ tình hình cụ thể của nước Việt-Nam, sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm sáu tỉnh Nam-kỳ và đang ráo riết tiến hành âm mưu đánh chiếm Bắc-kỳ và Trung-kỳ.  Sau một thời gian sống ở Pháp, Nguyễn-trường-Tộ quáng lòa về nền văn minh tư sản, ông muốn lắp lại những cái mà ông thấy ở Pháp vào xã hội Việt-Nam đang lung lay muốn đổ.   Nhưng xã hội Việt-Nam hồi ấy lại chưa đủ co sở vật chất để tiếp thu những đề nghị cải cách của ông.  Các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ là không tưởng, không thể thực hiện được.  Triều đình nhà Nguyễn không thi hành các đề nghị của Nguyễn-trường-Tộ là vì chúng là những kẻ phản động, bảo thủ một cách ngu si.  Nhưng giả sử những đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ được thi hành, thì các cải cách của ông cũng không cứu được nước Việt-Nam khỏi nguy cơ mất nước, mà trái lại chỉ tạo điều kiện cho bọn thực dân xâm lược Pháp càng dễ dàng đánh chiếm nốt Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Do thái độ của triều đình nhà Nguyễn, Bắc-kỳ và Trung-kỳ tất mất vào tay quân xâm lược Pháp, mặc dầu các cải cách của Nguyễn-trường-Tộ có được thi hành hay không.  Nhưng việc thi hành các đề nghị cải cách của Nguyễn sẽ làm cho thực dân Pháp dễ tiến hành âm mưu xâm lược của chúng hơn.  Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi cho rằng các đề nghị cải cách của Nguyễn-trường-Tộ là cái bao đường để cho người ta nuốt trôi được viên thuốc đắng là sự mất nước.  Khi đưa ra các đề nghị cải cách, trong ý thức chủ quan, Nguyễn-trường-Tộ mong muốn cứu Tổ quốc ra khỏi tình trạng lạc hậu về kinh tế và văn hóa để do đó mà có thể làm cho Tổ quốc không bị mất vào tay bọn xâm lược Pháp.  Nhưng vấn đề của thời đại Nguyễn-trường-Tộ - thời đại thực dân Pháp đã và đang xâm lấn nước ta - lại không phải là vấn đề cải cách, mà là vấn đề tập hợp lực lượng dân tộc để đánh giặc cứu nước.  Đánh giặc cứu nước là vấn đề cấp bách phải đặt lên trên các nhiệm vụ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét