Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

quan hệ Việt Nam - Cuba


1. CU-BA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

I.  KHÁI QUÁT CHUNG:
          - Tên chính thức: Cộng hoà Cu-ba.
          - Vị trí địa lý: Cu-ba là một quần đảo (gồm hơn 1.600 đảo, lớn nhất là đảo Cu-ba với diện tích 110.922 km2 và đảo Thanh Niên với 3.061 km2),  nằm ở vùng biển Ca-ri-be, án ngữ lối vào vịnh Mê-hi-cô, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ; 3/4 diện tích là đồng bằng; sông ngòi ít, nhỏ.
          - Diện tích: 114.524 km2
          - Dân số: 11,5 triệu người (7/2010); hơn 70% da trắng gốc Âu (chủ yếu Tây Ban Nha), 14% người lai, 12% gốc Phi (da đen), còn lại là người gốc Á (gốc Hoa).
          - Thủ đô: La Ha-ba-na (2,1 triệu người).
          - Tiền tệ: đồng Pê-xô (đồng Pê-xô nội địa và đồng Pê-xô chuyển đổi).
          - Ngôn ngữ chính thức: tiếng Tây Ban Nha.
          - Ngày lễ lớn: + 1/1/1959, Ngày Giải phóng (Quốc khánh)
                                + 26/7/1953, Ngày Khởi nghĩa Vũ trang
          - Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Cu-ba: Phi-đen Ca-xtơ-rô Ru-xơ.
          - Chủ tịch HĐNN và HĐBT: Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ.
          - Chủ tịch Quốc hội: Ri-các-đô A-la-rơ-côn đê Kê-xa-đa.
          - Bộ trưởng Ngoại giao: Bru-nô Rô-đri-ghết Pa-ri-gia.

II. LỊCH SỬ:
          - 27/10/1492: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha Cri-xtô-ban Cô-lông tìm ra Cu-ba.
          - 1511-1898: là thuộc địa của Tây Ban Nha.
          - 1898 – 1958: là thuộc địa kiểu mới của Mỹ; tháng 8/1925: thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cu-ba.
          - 26/7/1953: Phi-đen lãnh đạo cuộc tiến công Trại lính Môn-ca-đa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài Ba-ti-xta.
          - 2/12/1956: Phi-đen và các chiến sĩ cách mạng Cu-ba đổ bộ vào Cu-ba, mở đầu cuộc kháng chiến trong nước chống chế độ độc tài Ba-ti-xta.
          - 1/1/1959: Cách mạng Cu-ba thành công.
          - 16/4/1961: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố tính chất XHCN của Cách mạng Cu-ba.
          - 3/10/1965: Thành lập Đảng Cộng sản Cu-ba.
          - 19/2/2008: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố sẽ không ứng cử và không chấp nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh quân đội.
          - 24/2/2008: Quốc hội khoá VII bầu đ/c Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đ/c Ra-môn Ma-cha-đô Ven-tu-ra làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đ/c Ri-các-đô A-la-rơ-côn được tái bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
         
III. KINH TẾ:
          - Cu-ba có khí hậu nhiệt đới ôn hoà; nhiều khoáng sản như nikel (thứ 4 thế giới), đồng, sắt, măng-gan, dầu lửa…; đất đai mầu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả…) và chăn nuôi đại gia súc; có nhiều điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển ngành du lịch.
          - Thập kỷ 90, Cu-ba lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ ngày Cách mạng thành công. GDP năm 1993 giảm 35% so với năm 1989. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây khá cao (năm 2005 đạt 9%, 2006: 12%, 2007: 10%). Tuy nhiên, từ năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động giá nhiên liệu, lương thực và đặc biệt là 3 cơn bão liên tiếp vào tháng 9 gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, GDP chỉ đạt 4,3%, thâm hụt thương mại và ngân sách tăng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, thâm hụt thương mại là 10,5 tỷ USD, GDP công bố giảm trên 1%, Cu-ba buộc phải phong bế tài khoản của một số công ty nước ngoài, không thể thực hiện cam kết tài chính với nhiều đối tác để tiếp tục nhập khẩu phục vụ sản xuất.
- Cu-ba về cơ bản duy trì cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp; tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, trước khó khăn kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt, Cu-ba đã có một số điều chỉnh về chính sách quản lý kinh tế, bước đầu cải cách cơ chế sản xuất trong nông nghiệp (giao đất cho hộ sản xuất, tăng giá thu mua nông sản, cho phép nông dân bán sản phẩm ra thị trưởng); bãi bỏ một số chế độ bao cấp miễn phí; cho phép tư nhân kinh doanh một số ngành dịch vụ và bán lẻ; sửa đổi luật lao động; cho phép người dân mua máy tính, sử dụng điện thoại di động, … Tuy vậy, đó vẫn là những biện pháp mang tính tình thế nên kết quả còn hạn chế.

IV. CHÍNH TRỊ:
1. Chính thể Nhà nước, Đảng và đoàn thể:
          - Quốc hội của Chính quyền Nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cu-ba và là cơ quan lập pháp duy nhất. Hội đồng Nhà nước là cơ quan đại diện của Quốc hội giữa 2 nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. HĐBT là cơ quan hành pháp tối cao.
          - Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) là đảng cầm quyền; được hợp nhất năm 1961 từ Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Phong trào 13/3 thành Tổ chức Cách mạng hợp nhất (ORI), sau đổi tên thành Đảng thống nhất Cách mạng XHCN (PURS). Từ 3/10/1965, đổi tên thành ĐCS Cu-ba. Hiện có khoảng nửa triệu đảng viên. Cơ quan ngôn luận: Báo Gran-ma.
           - Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) có hơn nửa triệu đoàn viên, được coi là tổ chức chính trị, cánh tay đắc lực của Đảng.
           - Các tổ chức quần chúng gồm: Mặt trận (Các Uỷ ban Bảo vệ Cách mạng-CDR); Công đoàn (Trung tâm những Người lao động Cu-ba - CTC); Phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Cu-ba - FMC); Cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Cách mạng-ACR); Nông dân (Hội tiểu nông - ANAP); Sinh viên, học sinh (Liên đoàn Sinh viên Đại học - FEU, Liên đoàn Học sinh Trung học - FEEM) và Đội Thiếu niên Hô-xê Mác-ti.
         
          2. Chính sách đối ngoại:
          - Sau Cách mạng thành công, Cu-ba thi hành một chính sách đối ngoại năng động, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.
          - Từ đầu thập kỷ 90, Cu-ba đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới nhằm đa dạng hoá quan hệ, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latinh – Ca-ri-bê; đối phó với chính sách thù địch của Mỹ, tranh thủ dư luận và các lực lượng trong nội bộ Mỹ ủng hộ bình thường hoá quan hệ với Cu-ba, sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau; bình thường hóa quan hệ với EU, tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, …; chủ động, tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.       
          - Trong những năm gần đây, Cu-ba tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nhằm phá thế bao vây, cấm vận và đã thu được một số kết quả quan trọng: Cu-ba tái nhập nhóm Rio (11/2008), hiện đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Châu Mỹ (trừ Mỹ) sau khi nối lại quan hệ ngoại giao với Cô-xta Ri-ca và En Xan-va-đo (3/2009); Tổ chức các nước Châu Mỹ hủy bỏ Nghị quyết khai trừ Cu-ba ra khỏi Tổ chức này (6/2009); từ khi Ô-ba-ma lên cầm quyền, Mỹ có một số nới lỏng cấm vận, nối lại đàm phán về di trú và bưu chính với Cu-ba; từ 6/2008, EU xóa bỏ các biện pháp trừng phạt Cu-ba áp dụng từ năm 2003; năm 2009 là năm thứ 19 liên tiếp Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bãi bỏ cấm vận Cu-ba với đại đa số phiếu thuận.
         
V.  QUAN HỆ VIỆT NAM - CU-BA:
          - Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), quan hệ đoàn kết, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cu-ba không ngừng được duy trì, phát triển. Cu-ba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do, xây dựng đất nước của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực có thế mạnh như xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, nông nghiệp.
          - Về trao đổi đoàn, hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên thăm lẫn nhau, nổi bật trong những năm gần đây là các chuyến thăm Cu-ba của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (6/2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2009), nguyên Chủ tịch Quôc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (5-8/9/2010); các chuyến thăm Việt Nam của nguyên Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (2/2003), Phó Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô (4-5/2005), Chủ tịch Quốc hội Ri-các-đo A-la-rơ-côn (6/2007) và nhiều đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị... Ngoài ra, Nguyên thủ Nhà nước hai nước cũng đã gặp song phương dịp dự HNCC Không Liên Kết 14 và 15 (La Ha-ba-na, 9/2006 và Ai Cập, 7/2009). Năm 2010, hai bên đang tích cực chuẩn bị nhiều hoạt động trong kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cu-ba (02/12/1960- 02/12/2010).
            - Hai bên duy trì thường xuyên và có hiệu quả cơ chế UBLCP (họp hàng năm), tăng cường trao đổi đoàn hợp tác, học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục, y dược, an ninh, quốc phòng… Kỳ họp 28 UBLCP Việt Nam-Cuba đã diễn ra tại La Ha-ba-na từ ngày 20-24/9/2010 tập trung các nội dung hợp tác nông nghiệp, cung cấp gạo, xây dựng, công nghệ sinh học…
          - Trao đổi kinh tế- thương mại giữa hai nước thời gian qua ngày càng gia tăng: năm 2007 đạt trên 300 triệu USD; 2008: 497 triệu USD; năm 2009 bị suy giảm mạnh do khả năng thanh toán của bạn hạn chế, đạt 243 triệu USD và 5 tháng đầu 2010 đạt 82,5 triệu USD (trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Cu-ba, chủ yếu là gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng).

Tháng 10/2010
2. Tuyên bố chung lãnh đạo hai nuớc Việt Nam-Cuba (4/2012)
Nhận lời mời của Đại tướng Raul Castro Ruz, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 08 đến ngày 12/4/2012.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch Raul Castro Ruz; thăm Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fiden Castro Ruz, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Ricardo Alarcon de Quesada; nói chuyện tại Trường Đảng Cao cấp Nhicô Lôpết; dự mít tinh quần chúng; thăm Chương trình hợp tác Việt Nam – Cuba về sản xuất lúa gạo; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội tại thủ đô La Habana, tỉnh Pina đên Riô và tiếp xúc, trao đổi thân mật với nhân dân các địa phương này. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc củng cố quan hệ giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà nước Cuba đã trao tặng đồng chí Huân chương Hôxê Mácti - Huân chương cao quý nhất của Cuba.
Hai nhà Lãnh đạo Việt Nam và Cuba đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và tình hình quốc tế.
Việt Nam chúc mừng những thành tựu mà Đảng và nhân dân Cuba anh em đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Cách mạng Cuba; khẳng định lập trường trước sau như một ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba anh hùng; đòi chính quyền Mỹ chấm dứt ngay và không điều kiện cuộc bao vây, cấm vận phi lý về kinh tế, chính trị và thông tin và các hành động thù địch khác chống Cuba kéo dài hơn nửa thế kỷ qua; khẳng định ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho 5 nhà yêu nước Cuba đang bị giam cầm ở Mỹ; đánh giá cao vai trò của Cuba tại Mỹ Latinh và Caribê; chúc mừng thành công Đại hội VI và Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế-xã hội sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới vì lợi ích của nhân dân Cuba, vì mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội.
Cuba chúc mừng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, thể hiện qua tốc độ phát triển kinh tế nhanh, chính trị, xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nhiều thành tựu khác và chúc mừng thành công của Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam; đánh giá cao vai trò, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế; tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Hai bên khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cao cả, lâu dài, đòi hỏi sự kiên định, ý chí, sáng tạo và phải được xây dựng trên cơ sở điều kiện lịch sử và văn hóa cụ thể của mỗi nước.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục củng cố quan hệ chính trị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và lý luận về các vấn đề cùng quan tâm; phát huy tiềm năng của mỗi nước để mở rộng và đa dạng hóa hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau; tìm kiếm các cơ chế để thúc đẩy hợp tác.
Về tình hình quốc tế, hai bên nhất trí cho rằng các cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, lương thực là kết quả cuộc khủng hoảng hệ thống của chủ nghĩa tư bản, làm dấy lên các phong trào phản kháng chính trị và xã hội trên thế giới và làm trầm trọng hơn các vấn đề toàn cầu như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và suy thoái môi truờng.
Tình hình trên, cộng với những bất ổn chính trị, nguy cơ gia tăng bạo lực, chiến tranh tại nhiều khu vực đang đe dọa hòa bình và chính sự tồn vong của con người. Hai bên nhất trí cho rằng mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của các dân tộc và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo hướng dân chủ hơn, đảm bảo quyền lợi của tất cả các quốc gia thành viên và ngăn chặn mọi mưu toan và hành động trái với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo ủng hộ việc tăng cường hợp tác Nam-Nam; hoan nghênh việc ra đời của Cộng đồng các Nhà nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) và quá trình xây dựng Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); khẳng định tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế mà hai nước đều là thành viên; tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương tại Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), giữa khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á và hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, Cuba và một nước thứ ba.
Việt Nam khẳng định ủng hộ Cuba ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2012-2014. Về phần mình, Cuba khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020-2021.
Hai bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp của chuyến thăm nước Cộng hòa Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; coi đây là sự kiện trọng đại, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba lên một tầm cao mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam những tình cảm anh em, sự đón tiếp trọng thị và trân trọng mời đồng chí Bí thư thứ nhất Raul Castro Ruz sớm sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đồng chí Raul Castro Ruz đã cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vui vẻ nhận lời mời ./.
3. Quan hệ Việt Nam - Cuba: 50 năm trong sáng, thuỷ chung 
(ĐCSVN) - Cách đây 50 năm, ngày 2-12-1960, Chính phủ Cộng hoà Cuba và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông - Tây của địa cầu. Cột mốc 2-12-1960 không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, mà là sự kết tụ tất yếu quan hệ giữa những dân tộc xung kích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc; vừa thấm đượm tính sử thi, vừa phản ánh tính hiện thực của chủ nghĩa quốc tế cách mạng trong thời đại chúng ta.
Với nhận thức đúng đắn rằng, cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân Việt Nam góp phần bảo vệ hoà bình, độc lập và hạnh phúc cho các quốc gia Á - Phi - Mỹ Latinh, trong đó có Cuba, Đảng và nhân dân Cuba đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ về chính trị kịp thời, năng động và hiệu quả. Tháng 12 năm 1961, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 9 năm 1963, Uỷ ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam được thành lập (từ năm 1965 được đổi tên thành Uỷ ban Cuba đoàn kết với Việt Nam). Uỷ ban đã khởi xướng, động viên, tập hợp lực lượng và tổ chức các tầng lớp nhân dân Cuba vào các hoạt động phong phú nhằm chia lửa chiến đấu với Việt Nam.
Tháng 7 năm 1967, Cuba là nước đầu tiên thiết lập cơ quan đại sứ quán trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, đem lại nguồn cổ vũ, động viên quý báu cho các chiến sĩ quân giải phóng. Tháng 9 năm 1973, bất chấp khói lửa chiến trường, lãnh tụ Phiđen Caxtrô đã đến Quảng Trị, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến ngày Sài Gòn được giải phóng, 30 tháng 4 năm 1975, cả nước Cuba cũng tràn ngập cờ hoa và cả những dòng nước mắt - nước mắt trong ngày vui đại thắng của một dân tộc “vì Việt Nam sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Từ năm 1975 trở đi, Việt Nam và Cuba lại sát cánh bên nhau trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Phiđen Caxtrô một lần nữa thể hiện tình nghĩa thuỷ chung của hơn 10 triệu dân Cuba: “Nếu trước đây chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình thì ngày nay chúng ta sẵn sàng đổ mồ hôi để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước”. Hàng đoàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, công nhân, kỹ thuật viên… Cuba đã lao động tình nguyện ở Việt Nam. Hàng loạt công trình thắm tình anh em Cuba - Việt Nam đã ra đời: Khu chăn nuôi bò Mộc Châu, khu chăn nuôi gà Lương Mỹ, khách sạn Thắng Lợi, con đường Xuân Mai - Sơn Tây - Ba Vì, Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Đồng Hới), trung tâm tinh đông viên Môncađa…
Mặc dù cũng có nhiều khó khăn, thiếu thốn trong đời sống vật chất, nhưng nhân dân Cuba vẫn sẻ chia cho nhân dân Việt Nam hàng vạn tấn đường, hàng vạn trứng gà giống, hàng nghìn trâu bò giống, vài nhà máy mì sợi, một số xưởng sản xuất nhà lắp ghép, bốn đài thu phát tin, 4 trạm khí tượng… Cuối năm 1982, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Cuba - Việt Nam được ký kết tại La Habana xác định khuôn khổ pháp lý cho mối quan hệ đã xum xuê lá xanh và quả ngọt. Nhân dịp này, Chủ tịch Phiđen Caxtrô đánh giá: “Giống như những dòng sông nhỏ phát sinh từ những vùng xa cách nhau và trong một thời gian dài đã trải qua những thác ghềnh và trong cảnh lẻ loi, hai dân tộc chúng ta đã trải qua lịch sử cho đến một lúc nhập vào dòng sông lớn và hùng vĩ của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Những tấm lòng vàng của Cuba dành cho Việt Nam còn ngời sáng ở các diễn đàn và tổ chức quốc tế sau năm 1975. Trong bối cảnh phương Tây và các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn bao vây, cô lập, chống phá Việt Nam trên trường quốc tế, Cuba vẫn thuỷ chung sau trước đứng cạnh Việt Nam, ủng hộ và bảo vệ với tư thế hiên ngang. Hôm nay, bàn tay đối ngoại Việt Nam đã vươn ra được những chân trời xa. Chúng ta mãi mãi ghi nhận, biết ơn lập trường nhất quán và hoạt động quốc tế có hiệu quả của những người anh em Cuba trong những năm tháng bĩ cực, cam go ấy.
Từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, Việt Nam, Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa khác cùng phải đương đầu với thách thức lịch sử. Đảng và nhân dân hai nước lại cùng nhau bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ, duy trì, củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội. Một lần nữa, chủ nghĩa quốc tế trong sáng của những người cách mạng chân chính lại làm rạng rỡ thêm những trang sử mới của mối quan hệ Việt Nam - Cuba trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật.
Trên lĩnh vực chính trị, Việt Nam và Cuba tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và phối hợp hành động trên trường quốc tế. Mỗi năm có hàng chục đoàn cao cấp của Đảng, Chính phủ và các đoàn thể hai nước sang thăm hữu nghị chính thức để trao đổi kinh nghiệm đổi mới và cải cách đất nước, đồng thời cùng nhau bàn bạc, thể hiện quan điểm chung trước các vấn đề quốc tế quan trọng. Ở Việt Nam, một phong trào tìm hiểu, đoàn kết và ủng hộ Cuba đã được phát động rộng rãi trên qui mô toàn quốc, với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể… dưới sự chủ trì phối hợp của Mặt trận Tổ quốc; Đã xuất hiện biết bao nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Việt Nam, từ các bé thiếu nhi đến các bậc phụ lão, từ người miền xuôi đến người miền núi… khẳng định sự ủng hộ, chia sẻ ngọt bùi với nhân dân Cuba, chân thành và tự nguyện như hành động vì chính bản thân mình. Sự đoàn kết, thống nhất và ủng hộ chính trị giữa Việt Nam và Cuba cũng được thể hiện nhất quán trong hoạt động của hai Đảng và hai Nhà nước trong phong trào cộng sản quốc tế, Phong trào Không liên kết, trong các mối quan hệ ngoại giao đa phương, trong Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.
Với ý thức coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã huy động một nguồn lực kinh tế quý báu giúp nhân dân Cuba vượt qua những thiếu thốn vật chất trong thời kỳ đặc biệt. Các phong trào 20.000 tấn gạo, 5.000.000 suất giấy bút, 5.000 bộ quần áo… gửi tặng nhân dân Cuba đã được hoàn thành xuất sắc ở Việt Nam. Ngoài những món quà này, tuy rất khiêm tốn về khối lượng, nhưng thấm đượm nghĩa tình anh em “nhường cơm sẻ áo”, Việt Nam và Cuba đã chủ động vừa tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại, vừa bổ sung phát triển sự hợp tác kinh tế song phương với nội dung, cơ chế, hình thức mới phù hợp với những cải cách kinh tế ở cả hai nước, vừa tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, vừa nâng cao tính hiệu quả của các chương trình hợp tác.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Cuba hiện đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, đầu tư, văn hoá, giáo dục, khoa học - kỹ thuật… Việt Nam chuyển giao kỹ thuật và con giống giúp Cuba canh tác lúa nước trên quy mô nhỏ, nuôi trai lấy ngọc, phát triển công nghệ gốm sứ, duy trì khối lượng gạo hàng hoá sang thị trường Cuba… Phía Cuba tiếp tục hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong công nghệ mía đường, chế biến phụ phẩm từ mía đường, nuôi cá sấu, nuôi và sử dụng mồi Mosca diệt sâu hại mía, chuyển giao gen kháng bệnh cho lúa, bắp cải, khoai lang; tư vấn giám sát các công trình xây dựng khu liên hợp  thể thao, đường Hồ Chí Minh; hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất nhà ở kiểu simplex ở vùng ngập nước đồng bằng sông Cửu Long; giúp đỡ một số chương trình y tế quan trọng… Riêng trên lĩnh vực đầu tư, Cuba và Việt Nam hiện có hai dự án hoạt động khá hiệu quả là Công ty Liên doanh xây dựng quốc tế (VIC) và xí nghiệp Vi sinh học Việt Nam (BIO VIETNAM).
Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và công cuộc cải cách ở Cuba đã tạo tiền đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành quả của mối quan hệ thắm tình cộng sản anh em này thật rõ ràng: Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Cuba đã từng bước khắc phục những khó khăn của thời kỳ đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá và an ninh, chính trị, xã hội ổn định. Trái với cuồng vọng của các thế lực thù địch, vị thế của Việt Nam và Cuba ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế…
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ  thuộc từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đến nay đã hun đúc nên nhiều mối quan hệ thắm tình đoàn kết chiến đấu giữa các quốc gia dân tộc. Quan hệ Việt Nam - Cuba xứng đáng là mẫu mực và tấm gương đã được thể hiện và thử thách qua nhiều thời kỳ, năm tháng lịch sử, trở thành niềm tự hào của nhân dân hai nước. Trước mắt, sự nghiệp đổi mới, cải cách và xây dựng chủ nghĩa xã hội còn phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam - Cuba vững bước tiến lên phía trước với sức mạnh của mùa thu tháng Tám 1945, của Môncađa (7/1953), của Điện Biên Phủ (5/1954), của Hyrông (4/1961), của mùa Xuân 1975 và của truyền thống 50 năm quan hệ rất mực trong sáng, thuỷ chung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét