Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Biểu tượng rắn trong văn hóa một số nước phương Đông

Biểu tượng rắn trong văn hóa một số nước phương Đông

Phan Mạnh Hùng - ĐH Văn hóa Hà Nội
Rắn là loài sinh vật có mặt nhiều nơi trên trái đất. Trong một số nền văn hoá, rắn là một siêu biểu tượng, biểu trưng cho sự sống (tính đa giá trị và mâu thuẫn tự thân): cho vật tổ (totem) của tộc người, cho nước và lửa, cho linh hồn và nhục dục, huỷ diệt và tái sinh, sự linh hoạt và thụ động, quyết đoán và đa nghi… Chính nét đặc trưng sinh học của loài rắn đã góp phần quyết định ý nghĩa biểu tượng của nó: cách di chuyển uyển chuyển và sự siết chặt trong động tác bắt mồi khiến nó biểu trưng cho sức mạnh; sự lột da biểu trưng cho sự tái sinh; nọc độc của rắn có liên hệ đến đặc tính xấu; tính lưỡng giới tượng trưng cho khởi nguồn của vũ trụ; thân hình rắn là một đường ngoằn ngoèo không đầu không đuôi kéo dài vô tận hoặc là một đường tròn thể hiện tính luân hồi của sống và chết.
Ý nghĩa biểu tượng quan trọng nhất của rắn chính là sự thể hiện nguồn gốc của sự sống và vũ trụ: “Con rắn hữu hình chỉ là hiện thân thoáng chốc của một Con Rắn Vĩ đại Vô hình, mang tính nhân quả và Phi - thời gian, chủ tể của bản thể sống và tất cả các sức mạnh tự nhiên. Đó là một vị thần cổ đầu tiên ta gặp lại ở buổi khởi đầu của tất cả các truyền thuyết về hình thành vũ trụ, trước khi bị những tôn giáo trí tuệ của con người truất phế. Đấy là cái thổi sinh khí vào và cái duy trì. Trên bình diện con người, đấy là biểu tượng kép của linh hồn và nhục dục (…) Rắn là mẫu gốc quan trọng nhất của tâm hồn con người”[1]. Là mẫu gốc căn bản, gắn với cội nguồn của vũ trụ, sự sống và của trí tưởng tượng, rắn đã duy trì nơi các nền văn hoá trên thế giới các giá trị của biểu tượng. Nơi các quốc gia phương Đông, đặc biệt là các nền văn hoá gắn với nông nghiệp vốn rất quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, rắn có một vị trí quan trọng trong thế giới biểu tượng. 
Ấn Độ được xem là một nền văn hoá lớn ở phương Đông, là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng và dĩ nhiên đó là nơi xuất phát của nhiều biểu tượng tín ngưỡng và tâm linh. Từ Ấn Độ, các tôn giáo và biểu tượng tâm linh được truyền nhập vào văn hoá bản địa của các quốc gia khác, đặc biệt là văn hoá một số quốc gia Đông Nam Á, làm nên bản sắc của các quốc gia.
Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là con rắn lớn, cũng là tên gọi của vị thần rắn trong Ấn Độ giáo (Hindouisme). Rắn Naga được gắn với hai vị thần quan trọng là Vishnu và Shiva, với ý nghĩa cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và huỷ diệt, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định của thế giới. Người Ấn cho rằng mọi ngôi nhà phải nằm ở vị trí trung tâm của thế giới và được một con rắn Naga cõng. Do vậy, muốn cất nhà, “người ta đóng một chiếc cọc vào đầu con Naga nằm dưới mặt đất tại vị trí được một thầy phong thuỷ xác định. Đôi khi những kẻ “cõng thế giới” là những con voi, bò đực, rùa, cá sấu, v.v…, nhưng đấy chỉ là những vật thay thế hay bổ sung có hình dạng hoang dã cho rắn, trong chức năng đầu tiên của nó. Cho nên từ tiếng Phạn Naga vừa có nghĩa là voi vừa có nghĩa là rắn”[1]. Ấn Độ giáo không chỉ thờ thần rắn Naga mà nhiều con vật khác. Sự thờ cúng thú vật, đặc biệt là bò cái cũng là một đặc trưng cơ bản của tổ hợp tôn giáo này. Người Ấn còn có cả lễ hội riêng về rắn. Nghi thức quan trọng trong lễ hội rắn là việc những người tham dự chia phần gạo của mình cho các con rắn sống nhằm cầu mong gặp điều lành, tránh điều dữ. Ở một số nơi thuộc Bengal, “người ta tổ chức lễ hội rắn bằng nhiều cách khác nhau, nhưng thờ rắn được tổ chức hàng năm vào ngày cuối cùng của tháng Sravana Belgan (July-August). Các gia đình đều nặn một mô hình nữ thần đất sét hình đôi rắn có vành mũ trùm lên vai, thờ trong nhà, và một con dê hay con lợn sẽ làm vật hiến tế. Trước khi nữ thần đất sét ngập trong nước ở phần cuối của lễ hội, rắn đất sét được gỡ bỏ khỏi vai nữ thần. Người dân tin rằng việc làm này sẽ giúp họ chữa khỏi bệnh tật, đặc biệt là bệnh trẻ em”[3]. Rắn không chỉ xuất hiện nơi các lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh mà còn in đậm nơi các kiến trúc và điêu khắc như là một biểu tượng của sự bất tử, người bảo vệ. Hình ảnh dễ bắt gặp nơi các đền đài, chùa chiền và dinh thự ở Ấn Độ là hình ảnh vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn quanh mình.
 
Nagini (công chúa rắn Naga) trên bậc thang chùa  Phra Keo, Bangkok
(Nguồn: Phan Anh Tú, www.vanhoahoc.edu.vn)
Trên thế giới, nhiều dân tộc xem rắn là chúa tể của phụ nữ. Trong quan niệm của người Ấn, người phụ nữ muốn có con thường phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi. Với người Thái Lan, rắn là âm, là hồn của âm vật, là thần mẹ và trong nghệ thuật, vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ được gắn với vẻ đẹp của rắn. Do vậy, người Thái không giết rắn một cách bừa bãi. Trong văn hoá tâm linh của họ, rắn là con vật linh thiêng, nó mang lại những may mắn cho con người. Đó là lý do tại sao ở Thái có khá nhiều ngôi đền thờ rắn. Trong chùa, họ thường đặt một đôi rắn vàng và rắn trắng. Rắn vàng tượng trưng cho đất. Rắn trắng tượng trưng cho nước. Sự giao hoà của chúng sẽ tạo ra cuộc sống yên lành, sự no ấm của con người.
Người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn Naga (tiếng Khmer gọi là Niệk) chín đầu, là biểu tượng cho thần đất và thần nước, giúp ích cho cuộc sống con người. Về sau, dưới những ảnh hưởng của đạo Bà la môn, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc của các vị vua lập quốc. Truyền thuyết của người Khmer cho rằng vị vua lập quốc là con của một người Bà la môn (từ Ấn Độ đến vùng đất người Khmer bằng thuyền) tên là Kaudinya và con gái thần rắn Naga tên là Nagini. Người Khmer tin rằng: “chính Kaudinya đã truyền cho họ bí quyết nghề trồng lúa và công việc thuỷ lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia (…) Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Chúng còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thuỷ nông của người Khmer cổ” [4]. Trong kiến trúc nhiều ngôi đền cổ của người Khmer, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khmer có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hoả hoạn và bảo vệ đạo Phật.
 
Rắn Naga ở chủa Khmer, Trà Vinh, Việt Nam 
Nguồn:  www.cpv.org.vn
 Không chỉ người Khmer, một nhóm người Tạng Miến ở vùng núi phía tây bắc của Myanmar cũng thờ vật tổ là rắn Naga, do vậy họ được gọi là người Naga. Hay vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai ở Thái Lan (tk. XIV) đã tự nhận là con của một thủ lĩnh Thái và một nàng tiên rắn (Nagini) để hợp thức hoá việc lên ngôi.
Ở Trung Hoa, tín ngưỡng thờ rắn được biết đến khá sớm thể hiện qua hình tượng thần Phục Hy đầu người đuôi rắn, thần Nữ Oa đầu người mình rắn. “Các đền miếu thờ rắn ở Trung Quốc nhiều vô kể. Đặc biệt ở các tỉnh Triết Giang, Phúc kiến, Quảng Đông thuộc miền duyên hải Hoa Đông và vùng Lĩnh Nam Trung Quốc. Ngay ở thành phố Tô Châu tỉnh Triết Giang cũng có miếu thờ xà vương, trong có tạc tượng xà vương bằng hình một vị tướng quân. Tương truyền, ngày 12 tháng 4 âm lịch là ngày sinh của xà vương, người dân đi cúng tế tấp nập, nhộn nhịp. Dân gian thường cúng thần rắn bằng các loài ếch nhái, vì họ cho rằng lúc còn sống, rắn thích ăn thịt ếch nhái”[3]. Ngoài rắn, người Trung Hoa còn có một biểu tượng đặc biệt là rồng. Cũng như rắn Naga, rồng cũng xuất hiện nhiều nơi kiến trúc và điêu khắc. Có điều, trong khi rắn Naga là biểu tượng của linh vật bảo vệ tôn giáo, cội nguồn của sự sống và cái chết thì rồng là biểu tượng cho quyền lực của hoàng đế. Dù cho, ở một số quốc gia (Camphuchia và một số quốc gia Đông Nam Á), rắn Naga gắn với sự xuất hiện của các vị vua khai quốc, nhưng mức độ biểu trưng quyền lực không tuyệt đối như rồng của người Trung Hoa. Con rồng của người Việt vốn xuất phát từ nguyên mẫu rắn kết hợp với những đặc trưng của cá sấu và dù có ảnh hưởng của rồng Trung Hoa thì vẫn còn còn dấu vết pha trộn rắn – rồng.
Hình ảnh rắn Naga trong các nền văn hoá được cách điệu không giống nhau: rắn Naga 3 đầu trong văn hoá Khmer tượng trưng cho quan niệm tam tài, rắn 5 đầu tượng trưng cho ngũ hành, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành (hình tượng rắn Naga bảo vệ đức Phật toạ thiền) và 9 đầu chính là con đường dẫn tới thiên đàng; rắn Naga trong văn hoá Lào có 7 đầu…, là những con số lẻ - số dương theo tư duy truyền thống phương Đông.
Trong văn hoá dân gian Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo (trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer Nam Bộ) với các vị vua khai quốc. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thuỷ thần.
Việc xem rắn như là thuỷ thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp và tương đối phổ biến ở nhiều vùng, cho đến ngày nay vẫn còn chứng tích. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống…. “Người Mường ở Thanh Hoá cũng có tục thờ rắn, ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thông Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. (…) Đình làng Phú Bài, xã Thuỷ Phù, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế cũng lập bài vị thờ hai vị thần rắn là ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hoà, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thuỷ thần. (…) Tại xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình rắn, tại đây vẫn lưu truyền đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành”[3].
Cùng với việc thờ thần rắn ông Dài và ông Cụt là truyện kể dân gian với nhiều dị bản với hình ảnh con rắn bị bố mẹ (có khi là bố mẹ nuôi) chém nhầm đứt đuôi, có khi người phụ nữ đẻ ra quả trứng rồi nở ra con rắn trong các truyện kể của các dân tộc Tày, Thái, Mường. Người Việt vùng Nghệ An có truyền thuyết về rắn ông Dài ông Cụt gắn liền với một cái giếng cổ trên đồi cao, sâu chừng một mét nhưng không bao giờ cạn. Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nghèo lấy nhau mãi mới sinh được một cặp rắn. Hai con rắn rất tinh nghịch và thường hay theo người cha ra đồng. Một hôm, sau trận mưa to, người cha ra đồng be bờ ngăn nước và hai con rắn theo. Rắn nghịch ngợm dùng đuôi đục lỗ cho nước chảy. Người cha vô tình chặt đứt đuôi của một con. Rắn nghĩ cha cố ý hại mình nên tức dận bỏ đi. Từ đó người dân gọi con rắn bị đứt đuôi là ông Cụt và con còn lại là ông Dài. Ông Cụt bị đứt đuôi, máu ra nhiều nên khát nước. Lúc đi qua vùng này, phát hiện thấy mạch nước liền ủi cho nước trào lên để uống và dưỡng thương đồng thời tạo nên một cái giếng được dân gian gọi là giếng ông Cụt. Người dân tôn tạo giếng thành nơi thờ phượng ông Dài và ông Cụt. Ngày giỗ mẹ của ông Dài và ông Cụt, hai ông thường về báo mộng cho dân làng tránh được những trận cuồng phong. Nếu với người Thái, rắn tượng trưng cho âm, cho thần mẹ thì với người Việt “rắn lại là dương, rắn là ông Dài - ông Cụt, là Bố Rồng” [2]
Biểu tượng rắn thuỷ thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuật gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Hình tượng con Chằn (một biến thể của rắn) trong văn hoá người Khmer Nam Bộ lại thể hiện cả hai mặt tốt và xấu: có vai trò bảo vệ con người nhưng đồng thời cũng đại diện cho tính ác, phá hoại cuộc sống bình yên của con người. Dù rắn có mang thuộc tính nào đi chăng nữa thì với cư dân vẫn một lòng kính trọng và thờ phượng.
Có thể thấy, trong truyện kể dân gian của người Việt, ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, hình tượng rắn thể hiện trong nhóm các truyền thuyết về thuỷ thần (nhóm truyện Ông Cộc ông Dài và người anh hùng rắn); ở miền trung và Tây Nguyên hình tượng rắn thể hiện trong các truyện kể về người dũng sĩ diệt rắn ác cứu người đẹp hay hôn nhân giữa người và rắn (rắn lấy người, rắn hoá người như chuyện Chàng Rắn của người Gia Rai); trong các truyện kể ở Nam Bộ hình tượng rắn gắn với ông thầy trị rắn, nơi chốn linh thiêng và loài rắn khổng lồ. Nhìn chung, trong câu chuyện dân gian rắn có quan hệ với con người qua qua 3 dạng thức: rắn là bố của người, chồng của người và con nuôi của người.
Hình tượng rắn trong quan niệm dân gian của người Việt còn tượng trưng cho người phụ nữ trắc nết, lươn lẹo, phản trắc. Truyện về con rắn cái đã “xơi tái” tình nhân vào thời điểm con đực lột da, yếu sức hay truyện con rắn báo oán (kỳ án Lệ Chi Viên)…, có lẽ xuất phát từ những ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và muộn hơn lớp văn hoá ảnh hưởng từ Ấn Độ.
Ngày nay, một số nền văn hoá ở phương Đông vẫn tiếp tục duy trì sống động những tín ngưỡng biểu tượng rắn. Điều này hết sức đặc biệt, có ý nghĩa tích cực trong việc định vị toạ độ văn hoá và bản sắc, như nhận xét của một học giả phương Tây: “Các nền văn hoá ấy chỉ khác nền văn hoá của chúng ta (phương Tây - PMH) ở chỗ chúng vẫn tiếp tục biểu lộ công khai những tín ngưỡng biểu tượng, mà trong xã hội chúng ta đã bị những áp lực lịch sử che khuất, nhưng còn chưa biến mất. Như vậy, cần phải sục tìm trong dòng chảy của triết học hay của tư duy gọi là song song để rút ra chức năng mẫu gốc của rắn. Ở đấy, bất chấp nhiều thế kỷ giáo dục chính thống ra sức cắt cụt tính đa giá trị của nó, ta vẫn thấy nó là vị chủ tể của phép biện chứng sống, là vị tổ tiên huyền thoại, là vị thần khai hoá, một anh chàng Don Juan chúa tể của các phụ nữ, và do đó là cha của các bán thần hay các nhà tiên tri xuất hiện ở một thời điểm nhất định của lịch sử, như Dionysos, để tái sinh nhân loại”[1]. Quả thật, có một Địa Đàng ở phương Đông [5] như nhận định của Stephen Oppenheimer.
Tài liệu tham khảo
1. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng.
2. Tạ Đức (1999), Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học Việt Nam xuất bản, Hà Nội.
3. Trần Minh Hường, Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại, Văn hoá nghệ thuật, số 311+312-2010.
4. Phan Anh Tú, Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hoá Khmer, Thông báo khoa học, số 5-2004.
5. Stephen Oppenheimer (2005), Địa Đàng ở phương Đông (Lịch sử huy hoàng của lục địa Đông Nam Á bị chìm), bản tiếng Việt của Lê Sỹ Giảng và Hoàng Thị Hà, Nxb Lao động - Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Đông Tây, Hà Nội.
 Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Du lịch số 8 tháng 1.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét