Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Đề xuất chính sách đào tạo đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Khmer, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê

Đề xuất chính sách đào tạo đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực văn  hóa, nghệ thuật Khmer, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê
Lý Sóc Kha - Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, phát biểu tham luận tại Hội thảo: “NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ KHMER NAM BỘ, DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC”
Đồng bào Khmer Nam Bộ có một kho tàng nghệ thuật dân tộc được lưu truyền từ xưa đến nay rất độc đáo, phong phú và đa dạng. Với nhiều loại hình khác nhau như: Nghệ thuật ca, múa, nhạc, nghệ thuật tạo hình… Đặc biệt là đã sáng tạo ra 2 loại hình sân khấu mang bản sắc riêng của người Khmer Nam Bộ mà người Khmer ở Campuchia không có; đó là nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Đó là di sản vô giá do các thế hệ tiền nhân sáng tạo được lưu truyền cho hậu thế đến hôm nay.
Nhờ có ngọn đuốc bởi đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam nền văn hóa, văn nghệ của người Khmer Nam Bộ trong đó có nghệ thuật sân khấu Dù Kê luôn được giữ gìn và phát triển từng bước, ngay trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sau 30/4/1975 loại hình nghệ thuật sân khấu này luôn được các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc quan tâm và đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc độc đáo của loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu Dù Kê nói riêng.
Hôm nay, được tham dự buổi Hội thảo này, dưới gốc độ người lãnh đạo, quản lý nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc ở tỉnh, một tỉnh được xem là loại hình sân khấu Dù kê ra đời sớm khoảng năm 1921*. Trong buổi Hội thảo này tôi xin tham gia phát biểu xung quanh chuyên đề mà Ban tổ chức đã gợi ý.
Kính thưa quý đại biểu!
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước chúng ta đang xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đường lối văn hóa, văn nghệ Đảng và Nhà nước đã làm chuyển biến về nhận thức và hành động, nên chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu đáng khả quan tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo thuận lợi hơn. Nhưng hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận, tìm hiểu để có những giải pháp cụ thể, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Khmer Nam Bộ chúng ta.
Trong xu hướng giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, trong cộng sinh văn hóa nhân loại làm thế nào không để đánh mất giá trị nhân bản văn hóa truyền thống của mình?. Đó là điều cần quan tâm nhất; song những vấn đề như sưu tầm các tài liệu, vỡ diễn; về nguồn gốc lịch sử phát triển; về những yếu tố truyền thống và hiện đại; về những sự giao thoa tiếp biến; về những giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Tôi nhận thức rằng việc đưa ra chính sách cụ thể đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và chính sách quan tâm đến nhân lực tham gia hoạt động trong loại hình nghệ thuật Dù Kê Khmer Nam Bộ cũng không kém phần quan trọng.
Như thực trạng ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay, ngoài đoàn nghệ thuật Khmer của tỉnh hoạt động chuyên nghiệp, số Đoàn Dù Kê tư nhân còn lại như Đoàn: Ánh Bình Minh (xã Tham Đôn); Ron Ron (xã Phú Tân), Đờ Đập (xã Viên An), với phương thức biễu diễn bán vé doanh thu, hoạt động dưới dạng hợp tan; nội dung, hình thức biễu diễn chưa đi vào bài bản, nề nếp, chất lượng nghệ thuật và phục vụ nhiệm vụ chính trị chưa cao; do nhiều nguyên nhân như: chưa được thông qua trường lớp đào tạo, nhất là diễn viên khi diễn chủ yếu là nhớ tuồng, nhưng lời ca tiếng hát vẫn còn theo kiểu ngẫu hứng, hát cương, thậm chí không có kịch bản.
Bởi vì, xưa nay các Đoàn Dù Kê nghiệp dư chủ yếu truyền dạy theo kiểu cha truyền con nối, lớp trẻ có năng khiếu học theo lớp người đi trước từ cách diễn xuất đến bài hát… với cách làm ấy các thế hệ kế tiếp đã giữ gìn và phát huy được truyền thống di sản của dân tộc mình.
Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương Phó Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam nhận xét “Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ ra đời vào khoảng 1920 – 1921, khi mới ra đời sân khấu Dù Kê đã sớm có ảnh hưởng và chiếm được vị thế trong lòng công chúng người dân tộc”. Xem Dù Kê người ta cảm nhận: các nghệ nhân Dù Kê Khmer hầu hết đều có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh chẳng khác nào là người có học thức sâu rộng. Trên thực tế trình độ văn hóa dân tộc của các nghệ nhân Dù Kê còn rất hạn chế, thậm chí có người hoàn toàn không biết chữ, vậy mà khi diễn cương (không kịch bản) họ đã thể hiện ứng xử, đối đáp trên sân khấu, thông minh, bao giờ cũng mang đậm chất văn thơ, làm cho khán giả cứ nghĩ rằng: người nào cũng rất giỏi về ngôn ngữ văn học Khmer sự tài tình ấy, chẳng những làm cho khán giả thán phục mà còn nhanh chóng chinh phục được tình cảm, thị hiếu của đông đảo công chúng người dân tộc Khmer.
Một vấn đề nữa: Do khó khăn về đời sống, kinh tế. Hiện nay đa số các nghệ nhân Dù Kê từ bầu gánh hát đến diễn viên, nhạc công, phục vụ tất cả đều là nông dân, thậm chí có người không có một tất đất sản xuất chuyên đi làm thuê, làm mướn, lao động phổ thông, khi đến mùa khô là thời điểm thuận lợi cho việc lưu diễn họ mới tập hợp nhau lại tập dợt tuồng và đi diễn. Có thể nói hoạt động của Đoàn Dù Kê này hoàn toàn do có tinh thần yêu nghề, việc bán vé doanh thu chỉ mang tính chất bồi dưỡng tiền son phấn mà thôi.
Đối với Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng là Đoàn hoạt động chuyên nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay cũng gặp khó khăn không ít, mặc dù có sự hỗ trợ 100% của Nhà nước, nhất là trong giải quyết chính sách cho đội ngũ đã hết tuổi nghề. Như chúng ta đã biết, bất cứ loại hình sân khấu nào những người diễn viên bao giờ cũng đòi hỏi phải trẻ, đẹp mới thu hút được nhiều người xem; nhưng trên thực tế nếu tuyển thêm diễn viên trẻ, diễn viên lớn tuổi phải giải quyết như thế nào?, trong khi kinh phí, biên chế chỉ có bao nhiêu?. Một mặt nữa, các nghệ nhân, diễn viên hiện tại của Đoàn đa số cư trú nhà tập thể của Đoàn, khi đến tuổi hưu trí họ phải rời nhà tập thể, vậy họ đi đâu?, về đâu?, khi trở về quê nhà khi người thân của họ chỉ mới lo được cái ăn, cái ở của riêng mình. Từ thực tế này, nó dẫn đến hụt hẩng về đội ngũ nghệ nhân, diễn viên… chỉ trừ những người đam mê, yêu nghề họ mới tìm đến nghề này mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Trong phạm vi bài tham luận này, tôi không có kỳ vọng cầu toàn là giải quyết được tất cả những nội dung đặt ra chỉ xin dẫn chứng mang tính chất tham khảo, từ đó đưa ra những đề xuất chính sách đào tạo đội ngũ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Khmer, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Kính thưa quý đại biểu!
Trước hết chúng ta cần khẳng định, nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ là một bộ phận cấu thành trong nền văn hóa truyền thống của đống bào Khmer Nam Bộ và là một bộ phận nghệ thuật Việt Nam nói riêng và của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.
Sân khấu Dù Kê là một sản phẩm văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer Nam Bộ cần được quan tâm đúng mức trong việc đề ra chính sách bảo tồn và phát huy đầy đủ các chuẩn mực của loại hình nghệ thuật này. Từ đó, tạo hướng đi cho sự phát triển đúng đắn, tạo được vị trí xứng đáng trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay và mai sau.
Chúng ta biết khó khăn lớn nhất của đống bào Khmer Nam Bộ đó là nguồn nhân lực. Hiện nay nguồn nhân lực trong đồng bào Khmer còn rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hiểu biết về văn hóa dân tộc nói riêng rất ít, cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung không nhiều. Do đó, Nhà nước cần đưa ra giải pháp đột phá về tào tạo cán bộ, có chính sách cụ thể đối với cán bộ là người Khmer hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật các cấp.
Tôi rất hoan nghênh Trường Đại học Trà Vinh có thành lập Khoa ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam Bộ, có nhiệm vụ trọng điểm Quốc gia chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có bộ môn nghệ thuật Khmer. Tôi có nhận thức rằng, nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ cũng giống như loại hình nghệ thuật sân khấu khác, đó là nghệ thuật tổng hợp bao gồm kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, vũ đạo, nhạc công, diễn viên… Nhưng sân khầu Dù Kê nó là một loại hình sân khấu mang tính đặc thù của đồng bào Khmer Nam Bộ. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy, trước hết phải có nguồn nhân lực. Hiện nay ở các tỉnh trong vùng đều có Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật; ngoài chương trình đào tạo chung cần có bộ phận chuyên sâu đào tạo về văn hóa, nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Về lâu dài, tôi rất mong Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất với Chính phủ thành lập Trường Văn hóa, Nghệ thuật Khmer cho cả khu vực để đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu Dù Kê nói riêng.
Trước mắt, cần phải đào tạo, bồi dưỡng ngay đội ngũ biên kịch, diễn viên… để Đoàn Dù Kê không chuyên trong khu vực hoạt động đúng định hướng, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ của đồng bào và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đối với Đoàn Dù Kê không chuyên ở các tỉnh mặc dù do tư nhân quản lý, nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về khâu tào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp kể cả quản lý, sáng tạo, dàn dựng… và hướng dẫn họ hoạt động cũng như diễn xuất đi vào bài bản có nề nếp. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm, sưu tầm nhạc cụ truyền thống đưa vào diễn xuất.
Đối với Đoàn Dù Kê chuyên nghiệp, nên có sự ưu tiên đầu tư nhiều hơn nhằm giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề ra một số chính sách đặc thù, ưu tiên, khuyến khích, huy động nhân lực, vật lực trong đồng bào Khmer tham gia sáng tạo và hoạt động nghệ thuật dân tộc theo phương thức xã hội hóa.
Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ mang bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer cần được đầu tư thỏa đáng để nâng cao phát triển bản sắc đặc thù của sân khấu Dù Kê lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Góp phần làm giàu thêm nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam phong phú đa dạng./.

*Ghi chú: tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn Sóc Trăng do nghệ sĩ ưu tú Sơn Lương biên soạn – Hội Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng xuất bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét