Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Cuộc tấn công của quân Xiêm vào Nam Kỳ năm 1783 những điều mà sử sách Việt Nam chưa nói đến


Cuộc tấn công của quân Xiêm vào Nam Kỳ năm 1783 những điều mà sử sách Việt Nam chưa nói đến 
 
Quan hệ giữa hai nước Thái Lan và Việt Nam trong lịch sử không có lúc nào mật thiết như thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sự kiện được các Biên niên sử Thái Lan và chính sử Việt Nam, bộ Đại Nam thực lục ghi chép khá tỉ mỉ. Nhưng có một sự kiện mà chính sử nhà Nguyễn không nói đến: đó là chuyện Phráya Nakhon Sạvẳn tướng Xiêm La năm 1783 đã được lệnh vua Xiêm mang quân sang đánh Tây Sơn giúp Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng Tây Sơn chiếm được chiến thuyền, tù binh và vũ khí nhưng đã giao trả lại cho Tây Sơn, làm cho vua Xiêm giận phải gọi về bắt xử tử hình và bâu đầu tất cả 12 tướng lĩnh. Sự kiện này xảy ra năm 1783 trước trận Rạch Gầm - Xoài Mút một năm.
 
Khi đọc lại bộ Đại Nam thực lục và so sánh, đối chiếu với Biên niên sử Xiêm La thì nhận thấy rằng chính sử Việt Nam ghi năm chúa Nguyễn Phúc Ánh qua Xiêm là năm 1784 sau năm trong Biên niên sử Xiêm La 2 năm (Biên niên sử XiêmLa ghi 1782) và đã bỏ qua không khi chép việc vua Xiêm cho quân đi đánh giúp chuyến thứ nhất năm 1783 do Phráya Nokhon Sạvẳn chỉ huy. Quân Xiêm mang 300 chiến thuyền và hai vạn quân qua Gia Định và bị Nguyễn Huệ đánh tan ở Rạch Gầm theo Biên niên sử Xiêm là chuyến thứ hai năm 1784.
Đại Nam thực lục (bản dịch) tập 2, trang 54 ghi:
…Tháng 3 (năm Giáp Thìn, năm thứ 5 (1784) Lê Cảnh Hưng năm thứ 45, Thanh Càn Long năm thứ 49) Vua đến thành Vọng các…”.
…“Mùa hạ tháng 6 Vua từ nước Xiêm đem quân về Gia Định. Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 2 vạn thuỷ quân và 300 chiến thuyền để giúp…”.
Điểm đáng hoài nghi là Đại Nam thực lục ghi rằng Nguyễn Phúc Ánh qua Xiêm tháng 3 năm 1784, đến tháng 6 đã mang quân Xiêm trở về thì có lẽ quá nhanh nếu ta nghĩ đến thời gian thương thuyết và chuẩn bị mọi mặt.
Rama I
Trái lại, Biên niên sử Xiêm La ghi rằng Chúa Nguyễn Phúc Ánh qua Xiêm năm 1782, năm sau tức năm 1783 Vua Xiêm ra lệnh cho Phráya Nakhon Sạvẳn mang quân qua đánh Tây Sơn giúp Nguyễn Phúc Ánh lấy lại Sài Gòn và năm sau nữa 1784 lại một lần nữa cho thêm hai vạn quân và 300 chiến thuyền cùng đi với chúa Nguyễn Ánh trở về, nhưng bị Nguyễn Huệ đánh tan ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Tư liệu của Biên niên xử Xiêm nghe chừng đáng tin hơn.
Hoàng tử Krôm Phráya Đămrông Ratxanúpháp trong quyển Biên niên sử triều Rắttanacôxỉn, Vua thứ hai, in năm 1762 tập 1 trang 66 đã khẳng định:
“Từ lúc Ông Txiêng Xử qua cầu viện thì Hoàng thượng Phrá Phút thá Yót Phá Chụlalôốk đã ra lệnh cho quân đội Xiêm và quân đội Chân Lạp đi đánh Sài Gòn giúp Ông Txiêng xử một lần hồi năm Mão, can thứ 5 tức năm 2326 Phật lịch (năm 1783 dương lịch - người dịch) và một lần nữa vào năm Thìn, can thứ 6 tức năm 2327 Phật lịch (năm 1784 dương lịch - người dịch). Nguyên nhân sự không thành công cả hai lần là vì Băng Cốc đang có chiến tranh với Miến Điện không có thể mang cả lực lượng đi đánh nước Yuon được…”.
Và ở trang 67 đã nhắc lại rằng:
…“Vua ta đã có lòng tốt nuôi nấng (Ông Txiêng Xử) và đã cho quân đội giúp đi đánh lấy lại đất nước đến 2 lần nhưng không thành vì Vua ta đang vướng chiến tranh với Diến Điện…”.
Cháu Phráya Thiphaconvông trong sách Biên niên sử Hoàng gia triều Rắttanacôxỉn, thời Vua thứ nhất, trang 30, dưới đề mục “Ông Txiêng Xử đến xin cầu viện” đã viết:
…“Phráya Txônburi đã dẫn Ông Txiêng Xử vào đến Krung thếp vào đầu tháng 4 năm Dần, can thứ 4, tiểu nguyên 1144 (1782 dương lịch - người dịch). Lúc vào đến đại kinh đô Krung thếp thì Ông Txiêng Xử được 33 tuổi. Hoàng thượng bèn cho Ông Txiêng Xử và gia quyến xây dựng nhà cửa ở phía Nam Làng Tốn Xẳm Rôông nơi mà về sau Vua ban cho Tổng lãnh sự Bồ Đào Nha…”.
Và ở đề mục “Quân đội Phráya Nakhon Sạvẳn đi đánh Sài Gòn” trang 43 đã viết:
“Trong năm Mão, can thứ 5, tiểu nguyên 1145 ấy (năm 1783 dương lịch - người dịch) Hoàng thượng đã có thiện ý sai Phráya Nakhon Sạvẳn mang quân đi xứ Campuchia bắt lính Cao Mên thêm vào rồi mang đi đánh Yuon lấy thành Sài Gòn lại cho Ông Txiêng Xử người đã vào nhờ sự che chở của Hoàng thượng. Phráya Nakhon Sạvẳn vào lạy từ giã Vua rồi mang quân đi nước Campuchia theo lệnh Vua. Khi đến nước Campuchia thì bắt lính người Campuchia thêm vào quân đội rồi mang thuỷ quân xuống nước Yuon. Phía Ông Tịnh Vương chậu mường Sài Gòn báo tin lên là quân đội Xiêm lấn biên thuỳ vào, rồi sai thuỷ quân và đình thần thành Sài Gòn đi giữ thành Sađéc, đã chiến đấu rất mãnh liệt. Phraya Nakhon có tài đánh trận và có sức, đã đánh nhau với Yuon nhiều trận, bắt được chiến thuyền, tù binh kể cả vũ khí, đại bác cả to lẫn nhỏ khá nhiều, rồi giao trả lại cho quân đội Yuon. Phráya Vixítnarông và nhiều tướng sĩ khác thấy rằng Phráya Nakhon Sạvẳn làm sai có ý phiến loạn muốn theo phe quân thù nên đã gửi cáo trạng vào Băng Cốc để tâu Vua và Hoàng đế rõ. Hoàng thượng biết tin rất giận, cho đình thần mang biểu gọi Phráya Nakhon Sạvẳn trở về Băng Cốc lập tức, và sai các đại thần kiểm tra xét xử, được sự thật như báo cáo, bèn cho mang Phráya Nakhon Sạvẳn và các tướng sĩ đồng phạm tất cả 12 người mang đi xử tử ở Nghĩa trang Chùa Phôtharam ở phía Đông kinh đô”.
Bộ Biên niên sử Hoàng gia bản có chữ viết của nhà Vua lại còn thêm chi tiết là sau khi xử tử hình, lại còn đem đầu của tội phạm bêu ở nơi công cộng.
Như ta đã thấy, bộ Đại Nam thực lục bỏ qua sự kiện xảy ra 2 năm đầu khi chúa Nguyễn Phúc Ánh vào Băng Cốc (1782 và 1783) mà chỉ ghi lại là Chúa Nguyễn Phúc Anh vào Băng Cốc năm 1784, đến nơi được 3 tháng là mang quân đội Xiêm trở về ngay.
Ở Băng Cốc mới đây có phát hành quyển Lời (Vua thứ 5) bình phẩm về hồi ký Bà Chị Vua thứ nhất trong đó ở trang 199 có đoạn viết về sự kiện này:
…“Việc hai lần mang quân đi giúp Ông Txiêng Xử, lần đầu năm Mão can thứ 5, tiểu nguyên 1145 (1783 dương lịch - người dịch) Hoàng thượng sai Phráya Nakhon Sạvẳn mang bộ binh đi phía trước Campuchia và sai bắt lính Campuchia thêm vào quân đội mang xuống đánh thành Sài Gòn. Thời ấy thành Sài Gòn thuộc về bọn Tây Sơn. Ông Tinh Vương cai trị thành Sài Gòn. Quân Xiêm đã đánh nhau với Yuon nhiều trận. Phráya Nakhon Sạvẳn có tài và có sức đã thắng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Phráya Vitxítnárông và quan thần trong quân đội ấy đã dâng cáo trạng rằng Phráya Nakhon Sạvẳn khi được thuyền và tù binh Yuon, lại giao trả lại cho tướng Yuon, các tướng sĩ tình nghi là theo quân địch, dâng cáo trạng lên. Vua thấy rằng trong quân đội mất thuận hoà với nhau khó chiến đấu thành công nên cho gọi quân đội trở về. Phráya Nakhon Sạvẳn bị xử tử hình. Việc này cả biên niên sử Hoàng gia và Biên niên sử triều Rắttanacôxỉn đều ghi chép như nhau nhưng Biên niên sử Yuon không nói đến (sách Phông xảvađan Yuon của ông Yoỏng - người dịch).
Vua Xiêm thứ 5 đã chú ý thấy rằng chính sử Việt Nam ở sách của Ông Yoỏng không nói đến chiến dịch 1783 của Phráya Nakhon Sạvẳn nên đã góp ý kiến về lý do tại sao chính sử Việt Nam không ghi chép chuyện này rằng:
…“Có lẽ vì chính sử Việt Nam có mục tiêu chỉ nói về một mình Ông Txiêng Xử. Người viết sách gọi là Biên niên sử nhưng chỉ viết về hành động và sự kiện về Ông Txiêng Xử, thành ra chỉ là tiểu sử của Ông Txiêng Xử, không phải là Biên niên sử. Sở dĩ không chép sự kiện này lý do có thể là vì Ông Txiêng Xử không cùng đi trong quân đội nên không ghi trong tiểu sử Ông Txiêng Xử.
Trái lại khi Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc mang quân đi năm Thìn can thứ 6, tiểu nguyên 1146 (1784 dương lịch - người dịch) thì có Ông Txiêng Xử cùng đi trong quân đội nên Biên niên sử Yuon ghi lại…”.
Tư liệu của các biên niên sử và sách sử học Thái Lan giúp ta thêm chi tiết để ta có thể so sánh, đối chiếu tìm ra tư liệu chính xác về lịch sử nước nhà.
Nguồn: Xưa & Nay, số 259, 5/2006, tr 33 - 35

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét