Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Các báo nói về Mậu Thân 1968


Vào thời điểm bình thường, Sài Gòn có 39 tờ báo, mỗi ngày phát hành 800.000 số. Điểm lại những tờ báo cũ Tết Mậu Thân 1968 chúng ta thấy :
Báo Chính Luận (số Tất niên 27-01-1968). Về chiến sự Thiệu có phần lạc quan hơn : "Từ những chiến dịch lớn chuẩn bị chuyển sang tổng phản công năm 1965, địch đã bị đẩy dần vào thế giằng co cầm cự vào năm 1966 và đến nay dần dần rơi và thế phòng ngự... Các đơn vị cộng sản đã bị đánh bật rễ khỏi các chiến khu kiên cố. 95% vùng sản xuất lúa gạo và đông dân cư đã được kiểm soát trở lại".
Báo Sống Mới số Tất niên. Trang một dành trọn cho tranh hí họa nhiều cảnh, nhiều nhân vật. Nào cảnh 15.000 quân nhân được thăng cấp, còn sinh viên lại bị gọi lính. Cảnh học sinh đâm thầy và cảnh "Quốc hội" họp hành bát nháo. Cảnh binh lính Mỹ nghênh ngang đi đứng vì có luật pháp riêng và cảnh bọn tham nhũng hoành hành...
Các trang báo cũng đã không cho biết được gì về những dấu hiệu của một cuộc tập kích lớn sẽ bùng nổ ngay trong Têt! Trong khi ấy công nhân các cơ quan quân vận Mỹ, công nhân điện nước, công nhân thương cảng đã bãi công từ cuối tháng 12. Trong khi ấy ở một số trường đại học, sinh viên vẫn tiếp tục hội thảo chống sắc lệnh tổng động viên họ, và tên Ngô Vương Toại, một sinh viên phản động, bị biệt động Thành Đoàn bắn bị thương ngay ở diễn đàn Văn khoa trong một cuộc tuyên truyền xung phong ở đây vào ngày 16-12. Và trong khi ấy, Tết 1968 đã đến! Chợ Tết đã mở, Báo Chính Luận vào những số cuối năm, nói đến hội Tết của tổ chức "Thanh niên nguồn sống" ở 96 Lê Thánh Tôn, hội Tết của "Việt võ đạo" ở sân Hoa Lư, chợ Tết của cựu chiến binh ở đường Hiền Vương... nhưng không thấy nói đến một hội Tết có quy mô gấp bội đang được chuẩn bị ở Học viện Quốc gia hành chánh. Đó là Hội Tết Quang Trung do Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức, đó cũng là địa điểm của Thành Đoàn "đăng cai" phát động khởi nghĩa khi giờ G điểm. Bí mật về cuộc tiến công trong Tết vẫn được giữ kín trước dư luận.

Đợt 1
Chiến sự xảy ra quá bất ngờ không chỉ làm cho các bộ phận ngụy quân ngụy quyền lâm vào thế bị động mà các cơ quan báo chí, nhất là báo in cũng bị lúng túng, tê liệt. Nhiều tờ báo mãi đến giữa năm 1968 mới gắng gượng xuất bản lại. Nội dung và hình thức in ấn rất lôi thôi, luộm thuộm.
Tờ Chính Luận - nhật báo vẫn được tiếng "thân chính phủ", ít đưa tin bài đối lập, đã ra được sớm nhất, cũng sau nhiều ngày chiến sự. Trên số ra ngày 8-2-1968 chỉ đưa những tin hiếm hoi về hoạt động của quân giải phóng : "Trưa 7-2 vẫn còn đánh nhau tại khu Trần Nhân Tôn, Sư Vạn Hạnh", "Việt cộng dùng thiết giáp từ Lào kéo về tấn công căn cứ ở Quảng Trị". Tin bài bị kiểm duyệt đục bỏ khá nhiều nên trên mặt báo trang một, người đọc có cảm tưởng báo giống như một mảnh đất bị pháo kích, chi chít những lõm trắng. Có cả một mẩu quảng cáo nước hoa "Au printemps" đăng chình ình trên trang 1 để lấp bài! Những tin bài nào đã bị bóc bỏ nơi những khoảng trống đó?
Một điều lý thú là ta có thể tìm thấy trên báo Chính Luận tin và bài viết về hoạt động của "Ủy ban thanh niên cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc" với Trung tâm cứu trợ đặt ở số 4 Duy Tân! Trưởng trung tâm này là sinh viên Lê Công Giàu.
Báo cho biết Ủy ban chỉ có 4 sinh viên Y khoa, 12 dì phước, một bác sĩ mà hoạt động rất "trôi chảy". Nó đã phục vụ trực tiếp 200 người dù chỉ mới nhận một ít gạo và dầu của Bộ Xã hội và đã tổ chức chương trình sinh hoạt cho thiếu nhi để các em quên đi những cảnh đau lòng.
Lê Công Giàu là ai? Số 4 Duy Tân là địa điểm nào? Chỉ một thời gian sau, người ta mới được biết người cán bộ Tổng hội sinh viên ấy bị tống giam vì là một "phần tử cộng sản" trong tổ chức Thành Đoàn. Và đến ngày 3-8-1968 thì cảnh sát đã xông vào chiếm mất trụ sở 4 Duy Tân một điểm hẹn tập hợp lực lượng đấu tranh của sinh viên học sinh thành phố do những thanh niên cộng sản bí mật tổ chức.
Trong khi báo chí Sài Gòn hầu như không đưa tin nhiều và có được cái nhìn khái quát về cuộc tập kích đợt I, thì các phóng viên nước ngoài lại có vẻ "dễ ăn dễ nói" hơn.
Báo Pháp Le Monde ngày 1-2-1968 đã đặt câu hỏi cho người Mỹ: "Người Mỹ từng khẳng định rằng dân chúng Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ có thể nêu lên những lý lẽ như thế nữa không sau khi đã xảy ra một cuộc biểu dương đáng khâm phục về sức mạnh và lòng dũng cảm của Việt cộng như vậy?".
Báo Pháp Le Combat ra cùng ngày nói trên lại khẳng định: "Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này. Những gì đã xảy ra ở Sài Gòn đủ cho thấy Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã nắm được các tầng lớp nhân dân trong mức độ to lớn biết chừng nào!".
Đài B.B.C. trong buổi phát ngày 6-2-1968 cho biết : "Trong mấy ngày này, quân đội cộng sản thâm nhập đã ăn cơm của nhân dân như người trong nhà họ".
Hãng thông tấn A.P của Mỹ dẫn lại lời kể của một Pháp kiều, giám đốc Công ty BGI : "Hàng trăm thanh niên sống ở vùng nhà máy rượu Chợ Lớn đã đi theo Việt cộng và được phát băng đỏ đeo cánh tay và được phát súng".
Thông tấn xã Reuter nhận xét "Điều có ý nghĩa nhất là Việt cộng được sự ủng hộ của các nhân sĩ liên minh với Việt cộng".
Báo Time đã không để lỡ cơ hội chạy trước tờ Newsweek, nó đã dành phần lớn số báo ra ngày 9-7-1968 cho chuyên đề "The days of death in Vietnam" (Những ngày chết chóc ở Việt Nam). Hình bìa của số báo này là bức họa chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp (báo Time vốn có nét truyền thống là sử dụng tranh họa chân dung của các nhân vật trên bìa báo!). Còn lại hơn 10 trang kế tiếp là tin bài hình ảnh về cuộc tập kích Sài Gòn mới xảy ra. Báo đăng những tấm ảnh màu ghi nhận quang cảnh tang thương của Tòa Đại sứ Mỹ sau khi bị biệt động Sài Gòn đột nhập. Ảnh lính Mỹ trúng đạn trên đường phố Huế. Báo Time có đoạn viết : "Double Trouble!" (Họa vô đơn chí!) Quân cộng sản đã tấn công đồng loạt Nam Việt Nam làm cho chính Washington cũng choáng váng. Bởi vì trong khi mọi cặp mắt đều đổ dồn về Khe Sanh nơi có 5 sư đoàn địch đang vây chặt như là một trận đánh then chốt thì thật bất ngờ địch lại tấn công cùng lúc 38 thành phố quan trọng, kể cả việc đánh vào Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và chiếm giữ nó sáu giờ rưỡi đồng hồ liền".
Báo Newsweek tuy tỏ ra chậm chân hơn nhưng để bù lại, đến số 11-3-1968, báo này đã kịp cho ra mắt bài tổng luận "The Tet offensive : how they did it" (Cuộc tiến công Tết : họ đã tiến hành nó như thế nào). Có lẽ đây là lần đầu tiên báo chí Mỹ dùng nguyên xi chữ Tết vào ngôn ngữ tiếng Anh để nói đặc thù của cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Sau này, nhiều sách báo Mỹ đều dùng như vậy.
Cùng tuần, tờ Time số ra ngày 8-3-1968 có bài "Saigon under siege" (Sài Gòn trong sự phong tỏa). Bài báo điểm ra nhiều chi tiết : Các phương tiện giao thông công cộng đình trệ. Cơ sở chính quyền chỉ làm việc ít tiếng đồng hồ vì sợ quân khủng bố Việt cộng. Giá cả lên cao. Bài báo nhận xét : "Sài Gòn chỉ sống có một nửa". Một phát hiện khác của phóng viên báo Time là những chiếc áo dài xuất hiện nhiều hơn trên đường phố thay cho những chiếc áo diêm dúa, lai căng. Ở một số quán rượu người ta thấy có một thức uống mang tên "Saigon tea" (Trà Sài Gòn) đã được chuyển thành "Saigon - Hanoi tea". Đi với bài trên là tấm ảnh những cao ốc của Sài Gòn trong đêm mà nhìn xa xa nơi ngoại ô là ánh chớp hỏa châu hay là những vệt đạn đại bác cũng chính là hình ảnh của tâm trạng hoảng sợ phập phồng, lo lắng bị giáng trả sau cuộc tiến công và nổi dậy vào ngày Tết.
Thế mà đợt 2 của "Việt cộng" lại tiếp tục nổ ra.
Đợt 2
Đợt 2 Mậu Thân bắt đầu vào ngày 5-5-1968. Sang tháng 6, lại thêm một đợt tiến công khác. Cường độ chiến tranh trong thành phố gia tăng dữ dội.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) ghi nhận trong những ngày đầu tháng 5, máy bay Mỹ phải phóng bom lửa đốt hơn 16.000 nhà để ngăn chặn quân giải phóng ở nhiều khu vực. Mỹ còn dùng cả pháo đài bay B.52 để rải thảm bom ở ngoại ô Sài Gòn.
Hãng AFP nhận xét "Trong 40 ngày qua, số bom Mỹ ném xuống vùng phụ cận ở Sài Gòn đã bằng tổng số bom Mỹ ném ở Nam Việt Nam trong năm 1962, 1963, 1964.
Còn hãng AP thì đưa tin : "Tại Sài Gòn, người ta nghe tiếng nổ ầm ầm như sấm dậy của những quả bom 500 cân Anh, 700 cân Anh, của 20 chiếc B.52 ném một triệu cân thuốc nổ!".
Sài Gòn phải đội lửa như vậy nhưng báo chí Sài Gòn không nói hết chuyện ấy!
Báo Sài Gòn Mới, số ra ngày 7-5, cho biết giờ giới nghiêm mới ở Sài Gòn là 7 giờ tối và tòa đô chính phải kêu gọi đồng bào đừng ra đường nếu không có chuyện cần thiết.
Tờ Trắng Đen ra ngày 8-5, chạy hàng tít lớn : "Nhiều trận đánh (đục bỏ) còn tiếp diễn. Đại tá Lưu Kim Cương tư lệnh Tân Sơn Nhất tử thương (...). Việt cộng pháo kích tấn công 116 nơi. Xáp lá cà ở góc đường Đề Thám - Cô Giang. Việt cộng đánh ở đường Trần Quý Cáp, Phó Cơ Điều, Tòa hành chánh quận 5, truyền đơn của liên minh Trịnh Đình Thảo xuất hiện. 4 phóng viên ngoại quốc bị bắt ở đường Minh Phụng".
Tờ Tia Sáng, có tòa soạn ở trong khu vực hành quân - nên ra báo trễ - số ra ngày 7-5 có nhiều thông tin : "Theo BBC, Bắc Việt sẽ cứng rắn ở Ba Lê (đục bỏ). Việt cộng điều động (đục bỏ) để kéo dài cuộc tấn công. Chợ Lớn, Thị Nghè và gần Tân Sơn Nhất là ba nơi có đánh nhau trong ngày vừa qua, Phi cảng Sài Gòn đóng cửa".
Tờ tuần báo hiếu chiến Văn nghệ tiền phong số ra ngày 9-5-1968 có bài bình luận thời sự tán thành tổng động viên. Số kế tiếp, ra ngày 16-5, có bài lược thuật "Trận đánh Sài Gòn lần thứ 2". Riêng số ra ngày 23-5 thì có bài "tiết lộ" về những kỹ thuật quân sự của Mỹ để bảo vệ Sài Gòn. Nào là những "Bụi kim khí mắt thần" nào là các "luồng điện rada" phát hiện cả đoàn quân... Song cuối cùng bài viết này phải thừa nhận : "Nhưng dầu sao thì việc bảo vệ thủ đô cũng cần rất sớm sự có mặt của những đoàn biệt kích chuyên đánh trong thành phố. Điều này cần hơn là các lực lượng nhân dân tự vệ. Nhân dân tự vệ là để phòng ngừa, các đoàn biệt kích thành phố là để đánh thật, ít thiệt hại".
Đề cao quân chính quy như vậy cũng phải vì lực lượng nhân dân tự vệ đã tan rã.
Một sự kiện lúc này mà cả thế giới đã biết đến qua truyền hình và báo chí là cảnh thiếu tướng cảnh sát ngụyNguyễn Ngọc Loan bắn chết tù binh quân giải phóng ngay trên đường phố Sài Gòn. Hình ảnh trên đã lột trần bản chất phi nhân phi nghĩa, hung hăng của những tên tay sai Mỹ và do đó gây ra "phản tác dụng" trong dư luận của các nước thế giới tự do, vốn bị ngợp choáng bởi hình ảnh đế quốc Mỹ văn minh bấy lâu!
Chính vì vậy mà báo Time số 7-1968 khi viết về sự kiện này đã cố gắng lồng vào một lời thanh minh bên tấm ảnh Loan trỏ súng Mỹ vào màng tang tù binh : "Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan 37 tuổi, tư lệnh của 75.000 cảnh sát quốc gia đã lạnh lùng bắn chết một người cao gầy, sợ hãi nhưng bướng bỉnh, khả nghi du kích mặc áo ca rô và quần đùi, bị bắt trên đường phố Sài Gòn. Mặt vẫn không biến sắc và trên tay vẫn còn cầm khẩu P.38, tướng Loan nói với phóng viên truyền hình : "Vừa lúc nãy có mấy người Mỹ bị giết. Nhiều người bạn thân của tôi cũng bị vậy. Đức Phật sẽ hiểu cho tôi về hành động này, phải không?".
Chỉ ít lâu sau, trên gần khắp các tờ báo trong và ngoài nước, hình ảnh tướng "Sáu Lèo" (tức Nguyễn Ngọc Loan) lại xuất hiện. Trong trận đụng độ tại Hàng Xanh, y bị thương nặng đến thân tàn ma dại. Phải chăng Đức Phật đã mượn tay quân giải phóng để trả lời Nguyễn Ngọc Loan : "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo?"
Theo sách Mậu Thân Sài Gòn - NXB Trẻ 1988

Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn

Chấp hành Nghị quyết 14 của Trung ương Đảng ngày 25.10.1967, Trung ương cục miền Nam ra Nghị quyết về tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Nghị quyết này còn được gọi là Nghị quyết Quang Trung.
Chiến dịch Xuân Mậu Thân ở Sài Gòn - Gia Định kéo dài gần 5 tháng gồm 2 đợt tiến công: đợt 1 từ 31.1.1968 đến 28.2.1968, đợt 2 từ 5.5.1968 đến 18.6.1968.
Trong chiến dịch này, riêng ở khu vực nội thành, ta đã sử dụng từ 15 đến 22 tiểu đoàn bộ binh cùng các đơn vị đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang địa phương gồm quận huyện, ban ngành, đoàn thể, kết hợp với các lực lượng chính trị và binh vận.
Vào đợt 1, giờ G, ngày N trên toàn miền được quy định là 00 giờ đến 2 giờ sáng mùng 2 Tết theo lịch cũ. Các tư lệnh quân khu, các chỉ huy, các cụm biệt động đã được phổ biến 48 giờ trước giờ G. Một việc đáng tiếc là do đổi lịch nên ở miền Bắc, Khu 5 và Tây Nguyên nổ súng trước, theo lịch cũ, B2 (tức miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định) nhận được lệnh hoãn, nổ súng đúng lịch mới.
Kế hoạch của ta là: biệt động bất ngờ đánh chiếm mục tiêu và giữ trong khoảng 1 giờ chờ các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên xung kích hoặc lực lượng địch binh biến đến hỗ trợ tăng cường và giữ mục tiêu luôn. Theo hợp đồng, "giờ G" được báo hiệu bằng những loạt pháo ĐKB bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và bộ Chỉ huy MACV, vị trí của tướng Óet-mo-len (Westmoreland), nhưng đã không thực hiện được.

Chờ mãi không thấy, 2 giờ sáng ngày 31.1.1968, bộ phận phối thuộc cho tiểu đoàn 268 phân khu 2 ở phía tây Tân Sơn Nhất bắn 8 quả 82 ly vào sân bay. Cả thành phố coi đó là hiệu lệnh tấn công. Đội biệt động nổ súng đúng giờ vào các mục tiêu dinh Độc LậpĐại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng mục tiêu Tổng nha Cảnh sát, kho xăng Nhà Bè, Bộ tư lệnh hải quân thì không thực hiện được. Lực lượng ta chiếm một nửa sân bay Tân Sơn Nhất. Các tiểu đoàn do Bộ tư lệnh tiền phương Nam phụ trách cùng với các lực lượng bán vũ trang gồm cán bộ, công nhân viên, các cơ quan khu ủy, trung ương cục lọt sâu vào nội thành, kết hợp với lực lượng quần chúng, làm chủ một vùng rộng đến tận khu Ngã Sáu Chợ Lớn, Cầu Muối, Chợ Thiếc. Nhưng lượng chính qui không vào được thành phố nên cuối cùng phải rút lui.
Ý nghĩa lớn lao nhất của đợt 1 Tết Mậu Thân chính là đòn đánh "trúng sọ não" và sự bất ngờ về mọi mặt đối với địch. Việc quân dân ta đồng loạt tấn công vào hậu phương, sào huyệt của địch, "đưa chiến tranh vào đô thị" chính là điều choáng váng nhất đối với đế quốc Mỹ trong quá trình xâm lược Đông Dương. Ngày 31.1.1968 tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới, chấp nhận chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đồng ý thương lượng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu từ ngày 3.5.1968 tại thủ đô Paris.
Đợt 2 được bắt đầu lúc 0 giờ 30 phút ngày 5.5.1968, các loạt hỏa tiễn M.12, ĐKB bắn vào các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập, Tân cảng Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng nha cảnh sát.
Trong đợt này trung đoàn 1, sư đoàn 9, tiểu đoàn 6 Bình Tân, trung đoàn bộ binh 2 phân khu 2, các lực lượng vũ trang các ngành, giới, các quận đã mở diện tấn công rộng rãi và mạnh mẽ ở các khu phố quan trọng trong khắp nội thành diệt nhiều cảnh sát, mật vụ ác ôn. Tại cửa ngõ tây nam quân ta thọc sâu vào tận đường Tổng đốc Phương.
So với đợt 1, đợt 2 quân chủ lực tiến sâu hơn: chiếm ngã tư Hàng Xanh, phía bắc đường Chi Lăng, giữa thị xã Gia Định. Vào đợt 2, mặc dầu yếu tố bất ngờ về chiến lược không còn, nhưng ta tiếp tục "đưa chiến tranh vào thủ đô địch", riêng trong thành phố ta diệt nhiều sinh lực địch hơn đợt 1.
Với hai đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968, ta đã chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một giai đoạn mới giành thắng lợi quyết định.
Sau cuộc tổng công kích và nổi dậy tết Mậu Thân ở Sài Gòn - Óet-mo-len đã viết về Mậu Thân và các báo chí cũng ghi lại cuộc tiến công mùa Xuân năm 1968.
Theo "Hỏi và đáp 300 năm Sài Gòn - TP. HCM"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét