Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Bàn đàm phán và câu chuyện thắng - thua

Bàn đàm phán và câu chuyện thắng - thua
Ông Hà Đăng, ngoài cùng bên trái tại Italia.
Hiệp định Pa-ri ký kết đã 40 năm nhưng đối với nhiều người, ký ức về cuộc đàm phán như vẫn còn mới nguyên. Tôi nhớ, cách đây ba năm, tháng 3/2009, với tư cách một "nhân chứng" của Hội nghị Pa-ri, tôi có dịp tiếp chuyện bà giáo sư sử học Mỹ Ca-rô-lin Ai-xen-bớc, trả lời một vài câu hỏi có liên quan đến chuyện ai thắng ai thua, ai bồ câu ai diều hâu trên bàn đàm phán và trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Thắng hay thua?
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến cuộc đàm phán Pa-ri giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khởi đầu từ tháng 5/1968, và sau đó là Hội nghị bốn bên về Việt Nan từ tháng 1/1969 trở đi, tôi có trả lời rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là thắng lợi của chúng tôi và là thất bại của Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân miền Nam Việt Nam. Bà giáo sư hỏi lại:
- Theo các nhà quân sự My, hồi đó, Mỹ không thua trên chiến trường mà chỉ thua trên các đường phố hay trong phòng họp của Quốc hội Mỹ.
Tôi trả lời:
- Người ta nói điều này không chỉ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của chúng tôi, mà cả khi Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh. Hơn nữa, không chỉ giới quân sự nói mà nhiều chính trị gia hàng đầu của Mỹ, như Tổng thống Ních-xơn cũng nói.
Nhà báo Hà Đăng, tên thật là Đặng Ha, sinh năm 1929  tại Tuy Hòa, Phú Yên. Ông nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VI và VII, Tổng biên tập Báo Nhân Dân (1987 - 1992), Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (1992 - 1996), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1996 - 2001). Ông từng hai lần được chọn làm trợ lý cho Tổng Bí thư: năm 1985, trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và năm 2001, trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Năm 1969, ông là thành viên đoàn MTDTGP Chính phủ CMLT CHMNVN tại Hội nghị Paris.
Cái Mỹ gọi là "thất bại về tâm lý" chính là điều chúng tôi khẳng định: Việt Nam đã đánh sập (hay làm lung lay) ý chí xâm lược của Mỹ. Chúng tôi đã tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tất cả các thành phố và thị xã của miền Nam, trực tiếp đưa chiến tranh vào thành thị, đánh vào tất cả các cơ sở quân sự, cơ quan chỉ huy đầu não của Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy này, Nhà Trắng đã nhận ra rằng không thể thắng chúng tôi bằng quân sự mà phải tìm một con đường khác để rút ra khỏi cuộc chiến tranh, con đường đó là đàm phán. Nếu chúng tôi không có thắng lợi về quân sự thì sao có thể có thắng lợi về mặt chính trị như thế được? Nếu Mỹ không thất bại về quân sự thì sao có thể giải thích được việc hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của Mỹ bị mất chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mc Na-ma-ra phải từ chức và Tổng thống Giôn-xơn đồng ý chấp nhận đàm phán và không ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa?
- Nhưng sau Tết Mậu Thân, phải chăng đã có cuộc phản công khiến các ông bị đẩy khỏi các vung nông thôn và rút đến tận biên giới? Bà giáo sư hỏi lại.
Tôi không trực tiếp trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã kể lại một chuyện vui trong cuộc họp báo của Người phát ngôn Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại Hội nghị Pa-ri thời đó. Tại cuộc họp báo này, có một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi: "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?". Người phát ngôn Mặt trận đáp: "Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nới nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy!" (hôm ấy máy bay Mỹ ném bom dữ dội ở vùng Củ Chi và ngoại vi Sài Gòn). Có tiếng vỗ tay trong phòng họp.
Câu chuyện về "thắng - thua" giữa bà giáo sư và tôi một lần nữa trở lại khi chúng tôi đề cập đến nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973. Tôi có nói tới thất bại của Mỹ trong trận tập kích chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc vào cuối tháng 12/1972. Bà giáo sư nói: "Chính quyền Mỹ lại cho rằng nếu không có thắng lợi của cuộc tập kích đó thì Việt Nam không nhanh chóng chịu ký kết Hiệp định". Tôi hỏi bà giáo sư có từng nghe một danh từ nào đó là "Điện Biên Phủ" không? Bà đáp: "Có. Có. Điện Biên Phủ là trận thắng lừng lẫy của Việt Nam để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây". Tôi nói: "Đúng là như vậy. Chúng tôi coi thắng lợi của chúng tôi đập tan cuộc tiến công bằng B52 của Mỹ chính là một Điện Biên Phủ trên không. Ngày nay, không chỉ Pháp mà nhiều nước trên thế giới hiểu ra rằng ba từ "Điện Biên Phủ" đồng nghĩa với một trận nốc-ao". Tôi nói thêm: "Nếu không bị trận đòn nốc-ao ấy thì dễ gì Mỹ nhận ký kết một bản Hiệp định mà nội dung của nó cơ bản không có gì khác bản dự thảo đã được thỏa thuận giữa hai bên từ tháng 10/1972 và sau đó, có sửa đổi chút ít trước khi xảy ra cuộc tiến công". Tôi cũng nhắc lại một câu nói trong hồi ký sau này của Kit-xinh-giơ: "Điều đó có bõ công không? Những thay đổi đạt được liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng (của Mỹ) trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh?".
Bà giáo sư cười thoải mái. Bà cho biết đã tham gia phong trào hòa bình ở Mỹ ngay từ những năm tháng chiến tranh Việt Nam. Và tôi ngầm hiểu bà đã từng nghe những lời phê phán cực kỳ gay gắt của báo chí Mỹ đối với cuộc tập kích bằng B52. Rằng "hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của tổng thống họ". Rằng "đây là một hành động khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ". Rằng các cuộc ném bom này là "kiểu chiến tranh nổi khùng", tổng thống là "một bạo chúa lên cơn điên", "ném bom khủng bố nhân danh hòa bình"…
Bồ câu hay diều hâu?
Trong câu chuyện, bà giáo sư có hỏi nhận xét của tôi về các vị đại sứ trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tại Hội nghị Paris.
Về đại sứ Ca-bốt Lốt, trưởng đoàn đầu tiên của Mỹ tại Hội nghị bốn bên, bà giáo sư hỏi: "Ông có nghĩ rằng ông Ca-bốt Lốt là thuộc phái bồ câu, trong khi ông Ních-xơn là thuộc phái diều hâu không?" Khái niệm "phái bồ câu" thường dùng để chỉ những người ôn hòa muốn thương lượng để giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh. Còn "phái diều hâu" là dùng đề chỉ những người hiếu chiến chủ trương giành chiến thắng bằng quân sự. Câu hỏi này đối với tôi thật đột ngột. Ông Ca-bốt Lốt có thời đã làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Khi đến Pa-ri, ông được ca ngợi như là người thân cận của tổng thống Ai-xen-hao-ơ, nhà ngoại giao nhiều sáng kiến. Tôi trả lời ngắn gọn: "Thưa bà, vào thời điểm Hội nghị Pa-ri, tôi không có cảm nhận như bà nói. Ông Ca-bốt Lốt đến Hội nghị chỉ để phát biểu ý kiến rất ngắn. Trong thời gian họp, ông thường lim dim mắt như người ngái ngủ, và ít biểu hiện thái đọ lắng nghe người đối thoại với mình. Chỉ có một lần, vào ngày 8/5/1969, khi trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Trần Bửu Kiếm trình bày giải pháp toàn bộ 10 điểm, đến điểm thứ hai thì tôi thấy ông đại sứ bỗng ngồi thẳng người, mở mắt ra và cầm bút ghi chép. Sau đó, đến lượt mình phát biểu, ông hứa sẽ nghiên cứu ý kiện của đối phương. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, khi ông Ních-xơn tuyên bố chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, ông Ca-bốt Lốt cũng bị rút về và thay bằng ông Đa-vít Bru-xơ".
- Thế ông Đa-vít Bru-xơ như thế nào?
- Ông cũng được ca ngợi là nhà ngoại giao kỳ cựu, có nhiều sáng kiến, có thể góp phần đưa Hội nghị Paris ra khỏi bế tắc. Rất tiếc, đó chỉ là những lời quảng cáo. Sau mấy phiên họp, ông không đưa ra được điều gì mới mẻ. Dư luận tỏ ra thất vọng. Một số nhà báo đặt dấu hỏi với Bộ trưởng Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Xuân Thủy trả lời: "Tôi thấy ông Đa-vít Bru-xơ chỉ lặp lại những gì mà Nhà Trắng nói. Ông Ních-xơn nói một chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ nói một chữ. Còn ông Ních-xơ nói nửa chữ thì ông Đa-vít Bru-xơ nói nửa chữ".
Sau cuộc tiếp chuyện bà giáo sư, tôi thầm nghĩ: Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, thật không dễ gì phân biệt rạch ròi ai là bồ câu, ai là diều hâu. Có những người một mực theo đuổi cuộc chiến tranh từ đầu đến cuối. Có những người trước sau vẫn không thay đổi lập trường chống lại cuộc chiến tranh. Lại có những người trước vốn là "diều hâu" sau chuyển thành "bồ câu".
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Mc Na-ma-ra, tác giả của "hàng rào điện tử", một trong những nhân vật chủ chốt dựng nên màn kịch "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", để mở ra chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, được coi là con diều hâu cỡ bự. Vậy mà, vào lúc cuộc chiến tranh đã leo đến mức thang cao nhất vào cuối năm 1967 đầu năm 1968, sau thất bại của Mỹ trong Tết Mậu Thân, ông đã "bồ câu hóa", kiên quyết xin từ chức, rũ áo ra đi bởi cho rằng cuộc chiến tranh là không có lối thoát, dù có tăng cường ném bom ồ ạt miền Bắc.
Ông Ngoại trưởng Kit-xinh-giơ, một người chống cộng điên cuồng, người giữ vai trò chủ chốt của phĩa Mỹ trong đàm phán Pa-ri cũng là một trong những nhân vật ở Nhà Trắng chịu trách nhiệm về cuộc tiến công bằng B52 chống Việt Nam, lại cũng là người đại diện phĩa Mỹ ký tắt Hiệp định Pa-ri vào ngày 23/1/1973. Con diều hâu ấy, cho đến tháng 5/1975, trong cuộc họp báo ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, đã thú nhận: "Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người VN. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào VN là biện pháp giải quyết tồi nhất, vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào".
Tổng thống Ních-xơn lại là con diều hâu từ đầu đến chân. Chưa đầy nửa năm sau khi làm Tổng thống Mỹ, ông đã đề xướng chính sách Việt Nam hóa chiến tranh và theo đuổi nó đến cùng. Mặc dù đã ký Hiệp định Paris, ông ta vẫn đổ tiền của và vũ khí vào Nam Việt Nam để giúp chế độ Sài Gòn tiếp tục cuộc chiến. Cho đến khi xảy ra vụ Oa-tơ-ghết, bị phế truất khỏi Nhà Trắng, ông vẫn đầy lòng hậm hực. Ông là tác giả của nhiều quyển sách như: Cuộc chiến tranh thật sự; Kế hoạch chấm dứt chiến tranh; Không được có những Việt Nam nữa. Toàn là những lời biện hộ cho chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính ông ta chứ không ai khác là người đặt ra câu hỏi: Mỹ có thua ở Việt Nam không, mà nếu thua thì thua trên chiến trường, trong phòng họp Quốc hội, trên đường phố hay trong lòng nhân dân Mỹ? Ông tức tối khi càng về cuối cuộc chiến tranh, Quốc hội càng bó tay Tổng thống, không cho dùng hết sức mạnh, trong khi đó dân chúng xuống đường phản đối chính quyền… Khẩu hiệu "Không được có những Việt Nam nữa" mà phong trào nhân dân Mỹ nêu lên đã bị ông lợi dụng để đặt tên cho một quyển sách của mình, trong đó ông cắt nghĩa: Có thể can thiệp vũ trang vào nơi nào đó mà Mỹ cho là cần thiết, miễn là Mỹ không được thua một lần nữa như đã thua ở Việt Nam!
Hà Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét