Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

SỰ TRANH CHẤP LÃNH THỔ GIỮA CÁC QUỐC GIA TRÊN BÁN ĐẢO BANCĂNG TRONG NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX - ĐẦU THẾ KỶ XX


SỰ TRANH CHẤP LÃNH THỔ GIỮA CÁC QUỐC GIA TRÊN BÁN ĐẢO
BANCĂNG TRONG NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX - ĐẦU THẾ KỶ XX

                                                         PGS. TS. Đào Tuấn Thành
                                                                                                      Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội
            1. Vào thời Cận đại, hầu hết bán đảo Bancăng (Balkan) đều chịu sự thống trị trực tiếp hay gián tiếp của đế quốc Ottoman. Sau nhiều thế kỷ nằm dưới sự nô dịch của đế quốc Hồi giáo này, do tác động của những chính sách cai trị mà các hoàng đế Ottoman (Suntan) thực thi, khu vực lãnh thổ rộng lớn ở phía nam và đông nam Âu đã có nhiều biến đổi lớn, phức tạp về kinh tế, xã hội, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ… Trong đó, sự thay đổi về diện tích lãnh thổ của các “quốc gia lịch sử” trên bán đảo đã làm biến dạng đường biên giới, tạo ra không ít những phức tạp, phiền toái trong mối quan hệ giữa các quốc gia độc lập sẽ lần lượt được thành lập trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong một thời gian khá dài, tên gọi của các “quốc gia lịch sử” nằm trên bán đảo Bancăng bị biến mất trên bản đồ chính trị châu Âu cận đại, cả khu vực lãnh thổ rộng hơn nửa triệu km2 này là lãnh thổ đặc quyền của hoàng đế Ottoman. Có thể coi năm 1683 là thời kỳ hoàng kim của đế quốc Ottoman sau khi nó kiểm soát được một lãnh thổ rộng lớn vắt ngang qua ba châu lục (Âu, Á, Phi). Từ những năm cuối cùng của thế kỷ XVII (1)1, đường biên giới của đế quốc Ottoman ngày một bị thu hẹp, thời kỳ làm mưa làm gió trên sân khấu quốc tế của đế quốc Ottoman dần qua đi. Từ cuối thế kỉ XVIII, cường quốc đế quốc Hồi giáo duy nhất trên thế giới thời cận đại lâm vào khủng hoảng toàn diện. Sự suy yếu của đế quốc Ottoman về mặt khách quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc sinh sống trên bán đảo Bancăng vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, xây dựng các quốc gia dân tộc thống nhất theo mô hình của phương Tây (2)2.
            Đầu thế kỷ XIX, chính tinh thần đấu tranh bền bỉ của các dân tộc sinh sống trên bán đảo Bancăng đã đưa đến sự ra đời của các quốc gia độc lập. Năm 1830, Serbia đã giành được quyền tự trị trong khuôn khổ đế quốc Ottoman. Cũng trong năm 1830, Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên trên bán đảo Bancăng giành lại được độc lập, tự chủ sau nhiều thế kỷ bị nô dịch bởi thế lực ngoại bang, tuy rằng, lãnh thổ của nước Hy Lạp độc lập chỉ mới chiếm một phần tư những vùng đất có đa số người Hy Lạp sinh sống (3)3. Năm 1859, các công quốc trên sông Đanuýp là Moldova và Valahia đã thống nhất thành một quốc gia duy nhất, được đế quốc Ottoman cho hưởng quyền tự trị, dưới sự trị vì của một vị vua chung, Alexandru Ioan Cuza, đặt nền móng cho sự ra đời của nước Rumani độc lập sau này (4)4. Hội nghị Berlin (Đức) năm 1878 đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của các dân tộc sinh sống trên bán đảo Bancăng (5)5. Nội dung của Hiệp định Berlin đã công nhận nền độc lập của ba quốc gia Bancăng là Rumani, Serbia và Montenegro; còn Bungari thì giành được quyền tự trị (6)6. Điều đáng chú ý là, bên cạnh việc công nhận nền độc lập của ba quốc gia trên bán đảo Bancăng, các cường quốc châu Âu tham dự Hội nghị Berlin (Anh, Đức, Pháp, Áo - Hung, Italia, Nga và Ottoman) còn quyết định một vấn đề quan trọng khác, đó chính là vấn đề cắt, nhượng, đổi chác các vùng lãnh thổ khác nhau trên bán đảo Bancăng, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Nga ở khu vực này, đồng thời làm thoả mãn tham vọng của các cường quốc đang cầm cân nảy mực trong quan hệ quốc tế ở châu Âu khi đó. Bên cạnh nền độc lập được công nhận, Serbia và Montenegro còn được sáp nhập thêm một số vùng lãnh thổ nhỏ; Hy Lạp được nhận Tesalia, một phần Epir; Rumani được nhận vùng lãnh thổ phía Nam Dobrogea tiếp giáp với Biển Đen (vốn thuộc quyền cai trị của đế quốc Ottoman); riêng Áo - Hung, mặc dù không tham gia trong cuộc chiến tranh Nga - Ottoman (1877 - 1878), song nhờ sự thiên vị của nước chủ nhà Đức nên vẫn được chia phần, Áo - Hung được quyền quản lý và chiếm đóng Bosnia - Herzegovina cũng như có quyền đóng quân ở dải đất Novi Pazar/Bazar; Nga được nhận lại 3 tỉnh vốn thuộc Rumani ở phía Nam Basarabia từng bị mất năm 1856 sau thất bại trong Chiến tranh Crưm (1853 - 1856); Anh cũng buộc Ottoman nhường cho mình quyền kiểm soát đảo Síp (7)7 (Cipru), tiền đồn khống chế vùng biển rộng lớn có tầm chiến lược ở Địa Trung Hải; dù bại trận, Ottoman vẫn tiếp tục kiểm soát Macedonia (Maxêđônia) và Đông Rumelia. Kết quả của Hội nghị Berlin cho thấy rằng “Bancăng là một sân chơi lớn trên bàn cờ quan hệ quốc tế để cho các cường quốc châu Âu thể hiện uy lực và vị thế của mình. Tuy nhân dân các nước Bancăng đã đổ nhiều xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, song quyền lợi dân tộc của họ lại luôn luôn phụ thuộc vào tham vọng, toan tính và những lợi ích của các cường quốc châu Âu” (8)8.
            Có thể thấy, sau Hội nghị Berlin năm 1878, ngoài những vùng lãnh thổ nằm dưới sự thống trị trực tiếp hay gián tiếp của đế quốc Ottoman (Macedonia, Anbani, Đông Rumelia, công quốc tự trị Bungari), trên bán đảo Bancăng, đã tồn tại ít nhất 4 nhà nước độc lập (Hy Lạp, Rumani, Serbia, Montenegro). Sau khi giành lại chủ quyền quốc gia, các quốc gia này đã đẩy mạnh quá trình hội nhập vào “không gian phát triển phương Tây”. Trong những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhờ việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa ở 4 quốc gia Bancăng này đã có sự khởi sắc; đồng thời quá trình xây dựng các thể chế nhà nước theo mô hình phương Tây cũng được xúc tiến mạnh mẽ. Tuy vậy, liên quan đến vấn đề lãnh thổ, các quốc gia mới giành được độc lập không hề thoả mãn với những quyết định của Hội nghị Berlin. Trong quá trình phát triển của mình, Serbia, Hy Lạp, Rumani và Bungari, thậm chí cả Anbani (tuy chưa giành được độc lập) đều nuôi tham vọng về lãnh thổ, đều muốn mở rộng đến mức tối đa cương vực của mình. Sự khủng hoảng sâu sắc, sự suy yếu của đế quốc Ottoman trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ XIX và hai thập niên đầu của thế kỷ XX như “khích lệ” thêm tham vọng của các quốc gia Bancăng. Ước muốn thành lập các nhà nước lớn, bao gộp các vùng đất có đại đa số người Hy Lạp, người Serbia, người Bungari, người Rumani hay người Anbani sinh sống trong một không gian lãnh thổ duy nhất đã khiến cho đời sống quan hệ quốc tế ở khu vực này vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Bên cạnh sự can thiệp, chi phối, thao túng của các cường quốc châu Âu, giờ đây, lại xuất hiện thêm sự mâu thuẫn giữa các quốc gia Bancăng. Trong khoảng thời gian từ 1887 đến 1908, do các cường quốc châu Âu và thế giới đang bận tâm nhiều hơn ở các khu vực khác (châu Á, châu Phi), nên sự quan tâm của họ đối với bán đảo Bancăng như trong các thế kỷ XVIII và XIX không còn nữa. Nhờ vậy mà bán đảo Bancăng có được sự bình yên ngắn ngủi, thực chất, đó chỉ là sự “tích gió”, chuẩn bị cho những trận cuồng phong sắp nổ ra sau đó. Về phía các cường quốc châu Âu, do họ đang dành tất cả tâm lực trong cuộc tranh cướp thuộc địa ở châu Á, châu Phi và giải quyết các vấn đề nội bộ nên tạm “sao lãng” những rắc rối ở Bancăng, không mong muốn nổ ra bất cứ một cuộc khủng hoảng nào ở khu vực này. Về phía các quốc gia độc lập trẻ tuổi trên bán đảo Bancăng, mặc dù tất cả họ đều có những tham vọng về lãnh thổ nằm ngoài đường biên giới đã được công nhận (9)9 song sau khi trở thành những nhà nước dân tộc độc lập, họ có rất nhiều vấn đề quan trọng cấp bách cần phải giải quyết liên quan đến sự phát triển nền kinh tế, cải thiện mức sống của người dân. Tình trạng lạc hậu của nền kinh tế do hậu quả nhiều năm chịu ách nô dịch của đế quốc Ottoman là cản trở to lớn đối với việc tăng cường tiềm lực kinh tế - tài chính, quốc phòng của mỗi quốc gia cũng như hạn chế khả năng nâng cao mức sống của người dân. Chỉ có sự khởi sắc cấp tiến của nền kinh tế quốc gia mới có thể cho phép các nhà nước ở Bancăng củng cố được nền độc lập non trẻ, mới giành được sự ủng hộ của người dân, bảo vệ được Tổ quốc trước sự nhòm ngó của kẻ thù cũ và mới, đồng thời tạo được “sức hút” đối với đồng bào của mình đang sống bên ngoài đường biên giới quốc gia.
            2. Kết quả của Hội nghị Berlin năm 1878 đã gieo mầm những bất ổn về lãnh thổ trong mối quan hệ giữa các quốc gia Bancăng độc lập. Việc giành giật quyền kiểm soát Macedonia là một minh chứng điển hình cho sự tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia Bancăng trong những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Macedonia có diện tích 25.000 dặm vuông (64.000 km2), với số dân là 2000.000 người (10)10. Cho đến tận cuối thế kỷ XIX, Macedonia vẫn chưa phải là một quốc gia độc lập có một đường biên giới rõ ràng, đang chịu sự thống trị của đế quốc Ottoman. Lãnh thổ Macedonia là sự bao gộp của 3 bộ phận chủ yếu: Selanik, Kosovo và Bitola. Nhìn tổng thể, đường ranh giới tự nhiên của Macedonia có thể xác định như sau: phía bắc là rặng núi žar, phía đông là rặng núi Rodopi, phía nam là biển Egee (Êgiê), rặng núi Olimp và rặng núi Pind, phía tây là hồ Ohrida. Tình trạng sống đan xen giữa các cộng đồng dân cư chính ở Macedonia là khá phổ biến. Người ta đã xác định được rằng có 8 cộng đồng dân cư chủ yếu sinh sống ở Macedonia: người Thổ Nhĩ Kì, người Bungari, người Hy Lạp, người Serbia, người Anbani, người Vlahi (11)11, người Do Thái (Evrei) và người Digan (12)12. Tuy là vùng đất nghèo về tài nguyên thiên nhiên, song Macedonia lại nằm ở vị trí chiến lược trên bán đảo Bancăng, thu hút được sự chú ý của các cường quốc châu Âu. Cuối thế kỷ XIX, Áo - Hung là đế quốc nắm quyền kiểm soát Bosina - Herzegovina và vùng Novi Pazar, luôn nhòm ngó Macedonia, qua đó hy họng khống chế cả một lãnh thổ rộng lớn từ phía biển Egee. Nga và Anh cũng rất quan tâm đến Macedonia bởi sự gần gũi của nó đối với các eo Biển Đen và vai trò của nó trong việc thiết lập sự cân bằng lực lượng ở khu vực này. Còn đối với các quốc gia trên bán đảo Bancăng, nước nào nắm được quyền kiểm soát đối với Macedonia đồng nghĩa với việc chiếm được vị trí chiến lược có thể khống chế toàn bộ bán đảo Bancăng. Đến cuối thế kỷ XIX, có đến 4 quốc gia trên bán đảo Bancăng tuyên bố công khai đòi hỏi quyền sở hữu của mình đối với Macedonia, đó là Bungari, Hy Lạp, Serbia và Rumani. Cơ sở cho những lập luận của các nước này dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: nền tảng lịch sửthành phần dân tộc của cư dân và sự cần thiết duy trì cân bằng lực lượng. Nếu dựa vào yếu tố “lịch sử” thì Hy Lạp là nước có nhiều lợi thế nhất, bởi lẽ, Macedonia từng là một bộ phận của Hy Lạp cổ đại. Còn Bungari và Serbia thì cho rằng Macedonia là một bộ phận của các đế quốc Bungari hay Serbia thời trung đại. Phần lớn cư dân Macedonia ở trong tình trạng mù chữ, thậm chí không tồn tại cả một loại chữ viết nào. Việc không có bất cứ tài liệu lịch sử nào về sự tồn tại của một nhà nước Macedonia Slavơ đã khiến cho sự tranh chấp quyền kiểm soát Macedonia thêm phần quyết liệt (13)13. Cho đến cuối thế kỷ XIX, Macedonia chỉ mới nhìn nhận dưới góc độ địa lý chứ chưa được coi là một dân tộc. Các tài liệu ngoại giao thời kỳ này không ghi nhận bất kỳ điều gì về sự tồn tại của một dân tộc Macedonia. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Constantinopol năm 1876 và Hội nghị Berlin năm 1878, đại diện của các cường quốc châu Âu đều cho rằng Macedonia là một vùng lãnh thổ có cấu trúc cư dân phức tạp, trong đó người Bungari chiếm chiếm tỷ lệ lớn nhất, kế tiếp đến là người Hy Lạp và người Serbia (14)14.
            Các nhà lãnh đạo Hy Lạp có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa từ rất sớm đã nuôi tham vọng bao gộp Macedonia vào trong đường biên giới của mình. Cơ sở cho những lập luận của họ chủ yếu dựa trên yếu tố lịch sử khi vùng đất này là một bộ phận của Hy Lạp thời cổ đại và Bizantium. Trước những năm 70 của thế kỷ XIX, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã từng nuôi tham vọng trong tương lai họ không chỉ có thể sáp nhập Tesalia và Creta mà còn cả Epir, Tracia và Macedonia (15)15.
            Sau khi Bungari thống nhất với Đông Rumelia năm 1885, lãnh thổ của nước này mở rộng đáng kể, Bungari lớn hơn Serbia về diện tích và đông hơn nước này về dân số (16)16. Sau năm 1885, mục tiêu hàng đầu mà Bungari theo đuổi là làm sao thành lập một nước Đại Bungari, có đường biên giới mở rộng như theo quy định của hiệp định San Stefano năm 1878 (17)17. Sự chú ý lớn nhất của Bungari khi đó hướng vào Macedonia. Năm 1908, lợi dụng sự bùng nổ cuộc cách mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari đã tuyên bố độc lập. Sau một quá trình thương lượng, Ottoman đồng ý công nhận nền độc lập của Bungari với điều kiện nước này phải trả cho Ottoman một khoản bồi thường (18)18, mà một phần rất quan trọng trong số tiền đó được Bungari vay mượn của Nga. Sau khi thoát khỏi mọi sự ràng buộc với đế quốc Ottoman, chính phủ Bungari tập trung sức lực vào cuộc tranh chấp Macedonia, vấn đề trung tâm thu hút được sự chú ý không chỉ của dư luận trong nước mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến đường lối đối ngoại của Bungari (19)19. Phần lớn các nhà lãnh đạo Bungari và đa số người dân Bungari đều cho rằng Macedonia là của họ và Bungari có quyền sáp nhập Macedonia, bao gộp vùng lãnh thổ này vào bên trong đường biên giới của Bungari. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Mỹ, Barbara Jelavich thì “Vấn đề Macedonia đã tạo thành nội dung chính của nền chính trị Bungari trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nó không chỉ định hướng cho chính sách đối ngoại mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến các cuộc xung đột nội bộ” (20)20.
            Serbia cũng là nước có tham vọng lớn đối với vùng lãnh thổ Macedonia. Nếu so sánh với hai đối thủ cạnh tranh là Hy Lạp và Bungari thì trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Macedonia, Serbia tỏ ra yếu thế hơn. Cho đến năm 1878, sự quan tâm hàng đầu của Serbia không phải là Macedonia mà lại là Bosnia - Herzegovina và những vùng đất từng thuộc về quốc gia Serbia cổ xưa, trong đó có Kosovo. Sau năm 1878, việc đế quốc Áo - Hung được quyền chiếm đóng Bosnia - Herzegovina đã khiến cho Serbia không còn cơ hội mở rộng lãnh thổ lên phía bắc, mà chỉ còn có thể tiến xuống phía nam. Năm 1881, trong một thoả thuận ký kết với Áo - Hung, Serbia đã có được sự ủng hộ từ phía nước này về tham vọng sáp nhập Macedonia của Serbia. Ngay sau đó, Serbia đã tích cực chuẩn bị hòng biến tham vọng lãnh thổ của mình thành hiện thực. Thông qua việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu về ngôn ngữ, phong tục tập quán địa phương, lập các bảng thống kê, Serbia đã cố gắng chứng minh rằng, người Macedonia Slavơ thực chất là người Serbia. Không chỉ dừng lại ở đó, Serbia còn mở lãnh sự quán ở Salonic, Skopje, Bitola và Priština, đồng thời tổ chức cả một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ ở Macedonia (21)21.
            Nguyên nhân sâu xa của mọi thảm hoạ mà Macedonia phải gánh chịu chính là do tham vọng của các quốc gia láng giềng. Sự ganh đua nhằm thôn tính Macedonia ngày càng gay gắt giữa Hy Lạp, Bungari, Serbia đã khiến cho một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia độc lập trẻ tuổi trên bán đảo Bancăng bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ. Tính phức tạp của cấu trúc dân tộc, việc khó xác định khu vực định cư chủ yếu của mỗi cộng đồng dân cư đã làm cho sự phân chia Macedonia dựa trên tiêu chí dân tộc hầu như không thể giải quyết được. Ngoài cộng đồng người Hy Lạp có sống tập trung ở phía nam Macedonia, còn các dân tộc khác (người Thổ Nhĩ Kì, người Bungari, người Serbia, người Anbani, người Vlahi) thì lại sống rải rác, đan xen nhau. Tình trạng phức tạp trên đã khiến cho khả năng thương lượng giữa các cường quốc châu Âu, giữa các quốc gia Bancăng với nhau nhằm giải quyết vấn đề Macedonia bằng con đường hoà bình hầu như không thể. Sự tích tụ các mâu thuẫn, tham vọng không có giới hạn của các nhà lãnh đạo quốc gia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và cực đoan, đồng thời lại bị chi phối của sự can thiệp của các cường quốc châu Âu đã khiến cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ Macedonia giữa những người hàng xóm láng giềng trở nên phức tạp, giống như một thùng thuốc súng, chỉ cần châm ngòi nổ sẽ làm cho bạo lực bao trùm lên Macedonia, bạo lực được coi là sự lựa chọn duy nhất.         
            Để phục vụ cho mục tiêu mà mình theo đuổi ở Macedonia, các quốc gia Bancăng đều hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức bí mật hoạt động trên lãnh thổ Macedonia. Bên cạnh một số tổ chức hoạt động mang tính ôn hoà, phi bạo lực, nhấn mạnh đến việc tuyên truyền văn hoá và tư tưởng chính trị (22)22 là sự tồn tại của khá nhiều các tổ chức vũ trang, hoạt động theo phương thức du kích, tấn công không chỉ lực lượng quân đội Ottoman mà cả các đối thủ cạnh tranh. Hệ quả là tình trạng bất ổn, hỗn loạn và bạo lực bao trùm khắp lãnh thổ Macedonia, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền Ottoman ở đây. Trước tình hình đó, các cường quốc châu Âu, đặc biệt là Nga và Áo – Hung (23)23 đã gây sức ép đòi chính phủ Ottoman phải tiến hành cải cách ở Macedonia nhằm cải thiện tình hình kinh tế và chính trị của cư dân bản địa.  Tuy nhiên, vào thập niên 80 của thế kỷ XIX, cả Nga và Áo - Hung đều không muốn có những xáo động lớn ở bán đảo Bancăng. Tháng 4 năm 1897, hoàng đế Áo - Hung là Franz Joseph và Nga hoàng Nicolae II đã đạt được thoả thuận về các vấn đề có liên quan đến bán đảo Bancăng. Nga và Áo - Hung quyết định duy trì  statu - quo (nguyên trạng) ở khu vực này (24)24. Chính thoả thuận này đã ngăn cản tham vọng xâu xé Macedonia của các quốc gia Bancăng vào thời điểm đó. Đến thập niên 90 của thế kỷ XIX, mặc dù ở châu Âu đã hình thành hai khối chính trị, quân sự đối nghịch nhau là phe Liên minh (Đức, Áo - Hung) và phe Hiệp ước (Nga, Pháp) song điều đó cũng không có nghĩa là giữa các cường quốc châu Âu không còn khả năng thoả hiệp. Thoả thuận về bán đảo Bancăng giữa đế quốc Nga và đế quốc Áo - Hung năm 1897 là một minh chứng cho điều đó.
Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ngọn lửa cách mạng và những tranh chấp quyền lực nội bộ đã khiến cho chính quyền phong kiến Ottoman vốn đã suy yếu lại càng yếu hơn. Sự chống đối của lực lượng đối lập có tư tưởng cải cách đã đẩy chính quyền phong kiến Ottoman luôn ở thế bất an, ngày thêm rệu rã.
Tháng 9 năm 1908, lợi dụng sự bùng nổ cuộc cách mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga (Alexandru Izvolsky) và Áo - Hung (Alois von Aehrenthal) đã gặp nhau tại Buchlau (ở Moravia) để bàn về tương lai các vùng lãnh thổ của đế quốc Ottoman ở bán đảo Bancăng. Hai bên đã thoả thuận với nhau rằng, trong trường hợp Nga ủng hộ Áo - Hung sáp nhập Bosnia - Herzegovina thì đổi lại Áo - Hung phải ủng hộ Nga   mở được các eo Biển Đen (Đacđanen và Bospho) để cho tàu chiến Nga có thể ra vào tự do (25)25. Tuy nhiên, sự kiện Áo - Hung bất ngờ tuyên bố sáp nhập Bosnia - Herzegovina vào ngày 6 tháng 11 năm 1908 đã làm tan vỡ mọi sự thoả hiệp trong phạm vi có thể giữa   Nga và Áo – Hung (26)26. Hệ quả là, Nga không chỉ tìm đồng minh mới (27)27 nhằm đối phó với Áo - Hung mà còn khuyến khích các nước Bancăng bắt đầu các cuộc thương lượng nhằm thiết lập một mặt trận chung chống lại Áo - Hung. Với sự trợ giúp tích cực của các nhà ngoại giao Nga, các nước Bancăng đã ký kết với nhau một loạt thoả thuận, song không phải nhằm chống Áo - Hung mà thực chất lại là những hiệp ước đồng minh chuẩn bị cho cuộc chiến tranh cùng chống lại đế quốc Ottoman. Đây là điều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Nga. Thoả thuận đầu tiên được ký giữa Bungari và Serbia vào tháng 3 năm 1912, trong đó hai bên không chỉ cam kết hỗ trợ nhau trong phòng thủ mà còn cùng nhau phân chia Macedonia khi có thể. Hai bên cũng thoả thuận rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Ottoman, Bungari sẽ góp 200.000 quân, Serbia góp 150.000 quân. Tháng 5 năm 1912, Hy Lạp và Bungari cũng ký với nhau một thoả thuận tương tự, song không có điều khoản nào nói về sự phân chia lãnh thổ. Tháng 10 năm 1912, Montenegro ký các thoả thuận với Serbia và Muntenegro. Mặc dù nội dung các thoả thuận không được tiết lộ công khai nhưng các cường quốc châu Âu đều ít nhiều biết về chúng. Tuy vậy, sự phản ứng của họ là khá ôn hoà (28)28. Nhận thấy cơ hội thuận lợi đã đến, các quốc gia Bancăng nhanh chóng hành động nhằm thực hiện mục tiêu của mình.
            Ngày 8 tháng 11 năm 1912, Montenegro mở cuộc tấn công đế quốc Ottoman, mở màn cho cuộc Chiến tranh Bancăng lần thứ nhất. Ngay lập tức, các đồng minh Bancăng (Hy Lạp, Bungari, Serbia) đã sát cánh cùng Montenegro. Với lực lượng áp đảo (700. 000 người), lực lượng liên quân các nước Bancăng đã không quá khó khăn để đánh bại quân đội Ottoman (chỉ có 320.000 người, lại ở thế thiếu hụt về hậu cần, tài chính). Không chỉ có vậy, hạm đội Hy Lạp đã kiểm soát chặt chẽ các biển trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh, ngăn cản thành công hoạt động tiếp tế của Ottoman cho quân đội của mình đóng tại Macedonia.
            Về phía các quốc gia Bancăng tham chiến, quân đội Bungari là lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất, bởi họ phải đương đầu với các đạo quân chính của Ottoman tác chiến ở Tracia. Trong khi đó, quân đội các nước đồng minh Serbia và Hy Lạp vượt qua lãnh thổ Anbani để tiến quân vào Macedonia; quân đội Montenegro tập trung mọi sức lực để tấn công thành phố ShkodÁr, còn quân đội Hy Lạp thì tìm cách bao vây và chinh phục Janina. Sau khi đập tan sự kháng cự của các đơn vị đồn trú Ottoman, Bungari đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát thành phố lớn nhất Macedonia là Salonic vào ngày 8 tháng 11 năm 1912. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, chỉ khoảng 6 tuần lễ,    liên quân các nước Bancăng đã đè bẹp mọi sự kháng cự của các đạo quân Ottoman đóng ở châu Âu, giải phóng phần lớn bán đảo Bancăng, tiến sát tới Constantinopol (29)29. Trước nguy cơ sụp đổ của đế quốc Ottoman, tháng 5 năm 1913 các cường quốc châu Âu đã nhanh chóng can thiệp, buộc các bên tham chiến phải ngừng chiến và chấp nhận những điều khoản do Hội nghị của các cường quốc châu Âu họp tại Luân Đôn áp đặt. Theo thoả thuận đạt được ở thủ đô nước Anh, đường ranh giới xác định quyền sở hữu đất đai của Ottoman ở châu Âu được quy định là đường Enos - Media, Ottoman chỉ còn kiểm soát được thủ đô Constantinopol và vùng ven. Bungari giành được quyền kiểm soát thành phố Adrianopol, Hy Lạp giành lại được quyền kiểm soát đối với đảo Creta. Tuy nhiên, việc phân chia lãnh thổ Macedonia lại giậm chân tại chỗ trong sự sốt ruột của trưởng phái đoàn các quốc gia Bancăng tham chiến. Liên quan đến vấn đề phân chia các vùng lãnh thổ, đã xuất hiện một vấn đề mới nằm ngoài dự trù của các đồng minh Bancăng, đó là việc các nước này định cùng nhau chia cắt  lãnh thổ Anbani (đang thuộc quyền kiểm soát của Ottoman). Chỉ có điều, mọi tính toán của họ lại không trùng khớp với ý muốn của các cường quốc châu Âu. Trước sự ngạc nhiên của các quốc gia Bancăng, Anh, Pháp, Nga, Đức, Italia, Áo - Hung đã thiết lập khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời của một nước Anbani độc lập (30)30. Trong các cường quốc, thì Italia và Áo - Hung là nhưng nước ủng hộ Anbani tích cực nhất, hòng biến nước này thành tiền đồn kiểm soát các quốc gia Bancăng láng giềng. Do lo sợ Bungari sẽ độc chiếm Macedonia nên Serbia và Hy Lạp đã ký kết một thoả thuận bí mật về việc phân chia khu vực này và sẽ trợ giúp lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Chính phủ Serbia và Hy Lạp đã tìm kiếm sự ủng hộ của Rumani và Montenegro, thậm chí họ còn liên hệ cả với đế quốc Ottoman (31)31.
            Về phía Bungari, do đánh giá sai khả năng tác chiến của quân đội các nước đồng minh Bancăng cũ, cũng như trông chờ vào sự ủng hộ của Đức và Áo – Hung (32)32 nên nước này đã đi nước cờ sai. Đêm ngày 29/30 tháng 6 năm 1913, Chính phủ Bungari đã ra lệnh cho quân đội của mình bất ngờ mở các cuộc tấn công cả Hy Lạp lẫn Serbia. Hành động sai lầm đó đã khiến họ phải trả giá. Quân đội các nước Rumani, Montenegro và Ottoman đã cùng phối hợp với quân đội Hy Lạp và Serbia chống lại Bungari. Cuộc chiến tranh Bancăng lần thứ hai đã nhanh chóng kết thúc với sự thất bại thảm hại của Bungari bằng việc ký hiệp định đình chiến ngày 31 tháng 7 năm 1913. Một tháng sau đó, Hội nghị hoà bình được khai mạc tại Bucuresti (Bucaret), thủ đô của Rumani nhằm xác định việc phân chia lãnh thổ Macedonia và thành lập nhà nước Anbani độc lập. Ngày 10 tháng 8 năm 1913 (33)33, hiệp định hoà bình giữa các nước Bancăng thắng trận (Serbia, Hy Lạp, Montenegro, Rumani) và Bungari được ký kết. Hai nước giành được thắng lợi lớn nhất là Serbia và Hy Lạp. Sau khi sáp nhập phần lãnh thổ Macedonia, diện tích của Serbia tăng lên gấp đôi. Không chỉ có vậy, Serbia còn cùng chia phần với Montenegro vùng đất Novi Pazar (34)34, nhờ vậy mà hai nước này có chung đường biên giới. Còn Hy Lạp thì giành được phần phía nam Macedonia và một phần Epir, trong đó bao gộp cả thành phố Janina, đường biên giới của Hy Lạp mở rộng ra phía đông, đến tận Kavalla. Dù bại trận, Bungari vẫn nhận được phần lãnh thổ dọc theo sông Struma, một quận có diện tích 80 dặm vuông (khoảng 135 km2) dọc bờ biển Egee, bao gộp cả cảng Dedeaga¹ (Alexandroupolis). Với Bungari, thất bại trong cuộc Chiến tranh Bancăng lần thứ hai năm 1913 đã phá nát tham vọng lãnh thổ của nước này ở Macedonia. Nhà sử học Petar Stojanov đã nhận định rằng: “Hiệp định hoà bình ở Bucuresti đã giảm tối đa vùng lãnh thổ mà Bungari kiểm soát ở Macedonia theo hướng có lợi cho Serbia” (35)35. Còn với Ottoman và Rumani, cả hai đều hài lòng với chiến lợi phẩm của mình. Đế quốc Ottoman được nhận lại thành phố Adrianopol, còn Rumani được quyền sáp nhập vùng đất phía nam Dogrogea (36)36.
            Rõ ràng, hai cuộc chiến tranh Bancăng năm 1912 và năm 1913 đã xoá bỏ gần như hoàn toàn sự kiểm soát và thống trị của đế quốc Ottoman ở bán đảo Bancăng, ngoại trừ dải đất hẹp ở Tracia và Constantinopol (37)37.
            3. Ngay sau khi giành lại được quyền tự chủ đã mất vào tay các thế lực ngoại bang sau nhiều thế kỷ, các quốc gia độc lập trẻ tuổi trên bán đảo Bancăng đã nỗ lực hội nhập vào không gian phát triển của châu Âu, thế giới và họ đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận (sự phát triển của nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa; thiết lập thể chế Nhà nước tư sản…). Tuy nhiên, do hậu quả của nhiều năm chịu ách thống trị, bóc lột, vơ vét của đế quốc Ottoman, đồng thời do lãnh thổ của các nước này luôn là bãi chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh xảy ra liên miên giữa đế quốc Ottoman và các cường quốc Thiên chúa giáo châu Âu nên xuất phát điểm của nền kinh tế các quốc gia Bancăng độc lập là rất thấp. Trong quá trình hội nhập vào đại gia đình châu Âu, họ không dễ gì thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư bản nước ngoài. Mà với một nền kinh tế non yếu như vậy, họ rất khó có thể có được sự độc lập trong chính sách đối ngoại, có đủ tự tin để thương lượng và mặc cả khi tham dự sân khấu quan hệ quốc tế.
            Trong quá trình xây dựng đất nước, tham vọng về mở rộng lãnh thổ theo tiêu chí dân tộc, lịch sử của các nhà lãnh đạo Bancăng đã phức tạp hoá mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng. Sự chung sống đan xen giữa các cộng đồng cư dân trong nhiều thế kỷ, việc thiếu vắng một đường ranh giới được xác định rõ ràng giữa các “quốc gia lịch sử” đã làm cho sự tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia Bancăng khó có thể giải quyết thông qua thương lượng. Hơn thế nữa, do vị trí quan trọng của mình, toàn bộ bán đảo Bancăng luôn luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của các cường quốc châu Âu, chính họ mới là những thế lực có tiếng nói quyết định trong việc chia phần di sản mà đế quốc Ottoman để lại. Hai cuộc chiến tranh Bancăng (năm 1912 và 1913) đã cho thấy bóng ma chiến tranh đang cận kề châu Âu và toàn thế giới hơn bao giờ hết. Bán đảo Bancăng thực sự là thùng thuốc súng đe doạ sự bình yên của ngôi nhà hoà bình thế giới.
Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4 (115) 2010, từ trang 47 đến trang 57.
                                                                 



1 Theo như đánh giá của nhà sử học Mỹ, Barbara  Jelavich, thì từ thoả thuận giữa các cường quốc châu Âu được quy định trong nội dung Hiệp định Karlowitz năm 1699 “đế quốc Ottoman phải thường xuyên nhường lại những vùng lãnh thổ của mình cho các cường quốc Thiên chúa giáo” [Barbara JelavichIstoria Balcanilor secolul al XX - lea (Lịch sử Bancăng thế kỷ XX), Viện Châu Âu, Iasi, 2000, tr. 12 (tiếng Rumani)].
2 Xem thêm, Đào Tuấn ThànhẢnh hưởng của bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1789 đối với quá trình xây dựng Nhà nước Rumani thời Cận đại, tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 5 (47), 2002.
3 Dẫn theo, Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 13.
4 Xem thêm, Đào Tuấn Thành, Đào - Zamfirescu Loredana AriadnaVai trò của vua Alexandru Ioan Cuza trong quá trình thống nhất các vương quốc Rumani (1859 - 1866), tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 6 (48), 2002.
5 Xem thêm, Đào Tuấn ThànhVấn đề phương Đông trong quan hệ quốc tế ở châu Âu vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11 + 12 (391+ 392), 2008, tr. 98 - 108.
6 Documente privind Istoria României. Războiul pentru Independentă (Tư liệu về Lịch sử Rumani. Chiến tranh giành độc lập), tập IX, tr. 370 - 384 (tiếng Rumani).
7 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 16; Đào Tuấn ThànhVấn đề phương Đông trong quan hệ quốc tế ở châu Âu vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, Nghiên cứu Lịch sử, số 11 + 12 (391+ 392), 2008, tr. 104 - 105.
8  Đào Tuấn ThànhVấn đề phương Đông trong quan hệ quốc tế ở châu Âu vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, Nghiên cứu Lịch sử, số 11 + 12 (391+ 392), 2008, tr. 106.
9 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 17
10 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 88.
11 Vlahi (còn có tên gọi là Aromâni) là cộng đồng người nói một ngôn ngữ gần gũi với người Rumani sống rải rác ở vùng lãnh thổ Macedonia. Cuối thế kỷ XIX, Chính phủ Rumani bắt đầu bày tỏ sự quan tâm về lợi ích của mình ở Macedonia. Tuy Rumani không thể sáp nhập bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Macedonia vào trong đường biên giới của mình, song có thể Macedonia sẽ được Rumani dùng để đổi chác với vùng đất khác.
12 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 88.
13 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 89.
14 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 90.
15 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 45.
16 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 37. 
17 Một trong những nội dung của Hiệp định San Stefano mà Nga buộc Ottoman phải ký vào ngày 19 tháng 2/3 tháng 3 năm 1878 qui định thành lập một công quốc Bungari lớn được hưởng quyền tự trị, chịu ảnh hưởng của Nga, có lối ra Biển Đen và biển Egee. Điều này đã khiến cho Hy Lạp lo lắng và bất mãn, bởi lẽ phần lớn lãnh thổ Macedonia sẽ thuộc về Bungari. Hy Lạp coi đó là một thảm hoạ, tương tự như sự xoá bỏ đế quốc Bizantium (năm 1453). Hiệp định San Stefano hầu như lảng tránh lợi ích của Hy Lạp ở Bancăng [Nicolae CiachirIstoria poporului din Sud - Estul Europei (Lịch sử nhân dân Đông - Nam Âu), Nxb. Oscar Print, Bucuresti, 1998, tr. 315 (tiếng Rumani)].
18 Năm 1908, với sự ủng hộ của Đức, Áo - Hung quyết định sáp nhập Bosnia - Herzegovina mà không tuân thủ những gì đã cam kết với Nga. Điều này khiến Nga bất mãn, Nga hoàng tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của Áo - Hung ở Bancăng. Nhằm ngăn chặn Áo - Hung thâm nhập ngày càng sâu vào Macedonia và biển Egee, Nga tăng cường ảnh hưởng của mình ở Bungari bằng cách gây sức ép, buộc Ottoman phải kí một Nghị định thư ngày 3 tháng 3 năm 1909. Theo nội dung của Nghị định thư này, đổi lại việc Nga trừ cho Ottoman số tiền nợ 125 triệu (F) Phrăng Pháp (tiền bồi thường chiến phí sau cuộc chiến tranh Nga - Ottoman năm 1877 - 1878), Ottoman phải công nhận nền độc lập của Bungari ([Dẫn theo, Nicolae CiachirIstoria Universală modernă (Lịch sử Thế giới Cận đại), tập II (1789 - 1919), Nxb. Oscar Print, Bucuresti, 1998, tr. 235 (tiếng Rumani)].
19 Trong  những năm 1908 - 1912, Bungari đã ký nhiều hợp đồng vay tiền của nước ngoài phục vụ cho việc hiện đại hoá quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng. Có tới 80% các khoản vay nước ngoài được sử dụng cho mục đích quân sự (Theo:Nicolae CiachirIstoria relatiilor internationale de la pacea Westfalică (1648), până în contemporaneitate (1947) (Lịch sử quan hệ quốc tế từ hoà ước Westfalia (1648) đến thời hiện đại (1947), Bucuresti, 1996, tr. 110 (tiếng Rumani).
20 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 92.
21 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 90 - 91.
22 Năm 1884, Bungari đã thành lập hai tổ chức văn hoá có tên là Hội Chiril và Hội Metodiu; không chịu thua kém, năm 1886, Serbia cũng lập ra Hội Thánh Sava; còn Hy Lạp đã thành lập ngay từ năm 1849 Hội Quốc gia Hy Lạp nhằm khích lệ niềm hy vọng của người Hy Lạp đang sống ngoài biên giới nước này, mà trọng tâm là Macedonia và đảo Creta (Nguồn: Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 47, tr. 91).
23 Năm 1881, nhân dịp “ Hiệp ước Tam hoàng” được gia hạn nhằm củng cố khối liên minh giữa ba hoàng đế (Nga, Đức và Áo - Hung), Nga và Áo - Hung đã thoả thuận phân chia ảnh hưởng ở đông - nam Âu. Nga thừa nhận việc Áo - Hung có quyền sáp nhập Bosnia - Herzegovina và kiểm soát phần phía tây của bán đảo Bancăng; còn Áo - Hung thì thừa nhận Nga có ảnh hưởng ở công quốc Bungari và Đông Rumelia [Dẫn theo, Nicolae CiachirIstoria Universală modernă (Lịch sử Thế giới Cận đại), tập II (1789 - 1919), Nxb. Oscar Print, Bucuresti, 1998, tr. 210 (tiếng Rumani)].
24 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 92.
25 Nicolae CiachirIstoria Universală modernă, tr. 232 - 233.
26 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 93.
27 Tháng 11 năm 1909, Nga hoàng Nicolae II đã gặp vua Italia Victor Emmanuel III tại Racconigi, hai bên đã cam kết cùng phối hợp hành động để mở lại “Vấn đề phương Đông”. Thoả thuận này cho phép năm 1911, Italia  mở cuộc tấn công vùng lãnh thổ vốn thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Ottoman ở châu Phi là Tripoli (Dẫn theo, Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 94).
28 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 94 - 95.
29 Nicolae CiachirIstoria poporului din Sud - Estul Europei (Lịch sử nhân dân Đông - Nam Âu), Nxb. Oscar Print, Bucuresti, 1998, tr. 439 (tiếng Rumani).
30 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 95.
31 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 95 - 96.
32 Nicolae CiachirIstoria poporului din Sud - Estul Europei, tr. 442.
33 Nicolae CiachirIstoria poporului din Sud - Estul Europei, tr. 443.
34 Novi Pazar là vùng đất được Áo - Hung trả lại cho Ottoman sau khi đã sáp nhập Bosnia -Herzegovina vào trong đường biên giới lưỡng quốc đế quốc cuối năm 1908.
35 Dẫn theo, Nicolae CiachirIstoria poporului din Sud - Estul Europei, tr. 443.
36 Barbara Jelavichs.đ.d, tr. 97.
37 Nhà sử học Hy Lạp S. M. Sophocles đã đánh giá rằng: “Thông qua các cuộc chiến tranh ngắn và quyết định, các quốc gia Bancăng đã tước bỏ của Ottoman, trên thực tế, tất cả các phần lãnh thổ châu Âu, ngoại trừ khu vực giáp ranh Istanbul(Constantinopol)” (S. M. SophoclesA History of Greece, Theeshloniki, 1961, p. 351).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét