Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Toàn cầu hóa (phần 1)


Toàn cầu hóa

(Tạp chí Triết học)

1. TOÀN CẦU HOÁ VÀ DÂN CHỦ
 

PHILIP CAM (*)

Một trong những vấn đề chính trị  xã hội đang được đặt ra hiện nay là quan hệ giữa toàn cầu hoá và dân chủ. Để làm rõ vấn đề này, bài viết tập trung luận giải quan niệm của Dewey về dân chủ với tư cách đời sống cộng đồng, về những đặc trưng của đời sống cộng đồng, về tiêu chuẩn đánh giá phạm vi của các hình thức có tính xã hội là dân chủ. Sử dụng tiêu chuẩn dân chủ mà Dewey đưa ra như một phương tiện để nghiên cứu hoạt động của tác nhân kinh tế toàn cầu, bài viết luận giải mối quan hệ giữa toàn cầu hoá và dân chủ, cũng như những vấn đề do nó đặt ra, nhất là những thách thức phức tạp cả về phương diện kinh tế, chính trị lẫn phương diện văn hoá và môi trường.

Toàn cầu hoá không chỉ là một tiến trình kinh tế. Đó là một sự tăng trưởng đa phương diện với sự tự tin của các dân tộc trên thế giới này. Trong khi các phương diện kinh tế của toàn cầu hoá thu hút nhiều nhất sự hứng thú, thì phương diện chính trị và văn hoá cũng như môi trường của toàn cầu hoá lại cần phải được xem xét cùng với những vấn đề kinh tế thu hẹp hơn, nếu chúng ta muốn hiểu tổng thể những chuyển biến lớn trên toàn cầu đang diễn ra quanh ta và biết cách liên hệ với chúng một cách hiệu quả.
Bài viết này làm rõ vấn đề chính trị - xã hội đang đặt ra trước mắt và bàn về cách mà chúng ta có thể liên hệ với vấn đề kinh tế. Để rõ ràng hơn, bài viết trình bày tiêu chuẩn đánh giá thái độ của người tham gia vào nền kinh tế toàn cầu theo nghĩa là các nguyên tắc cho sự chuyển đổi xã hội - chính trị dưới khẩu hiệu dân chủ. Tôi không có ý nhấn mạnh cần phải liên hệ giữa hai ý này. Nền kinh tế toàn cầu không thể hiện rõ là một sức mạnh không thể cưỡng lại đối với dân chủ và cũng không thể hiện rõ dân chủ là cái cần đến nhất trong một nền kinh tế bị điều khiển bởi thị trường đang ngày càng thống trị thế giới. Tuy nhiên, dưới hình thức nào đó, chúng ta đang chứng kiến sự mở rộng của dân chủ mà ở đó, đã có nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Điều quan trọng là phải thấy được rằng, những tiến bộ này được gắn kết với nhau như thế nào.
Để làm rõ vấn đề, tôi xin trình bày quan niệm của John Dewey về dân chủ như là lý thuyết nền tảng cho bài viết này. Dân chủ, theo Dewey, là một lối sống nhiều hơn là hình thức thuần túy của một nhà nước đại diện được bầu ra và lối sống đó được áp dụng cho các cộng đồng chứ không dành cho các nhà nước. Tôi muốn mở rộng những tư tưởng về dân chủ có tính định hướng theo cách mà Dewey hiểu về tư tưởng cộng đồng toàn cầu. Nói cách khác, tôi muốn xem xét tư tưởng toàn cầu này một cách nghiêm túc và coi Dewey như một nhà cách mạng tầm cỡ thế giới, là người mà sau những gì tốt đẹp nhất còn để lại qua một thế kỷ vẫn tiếp tục nói với chúng ta về dân chủ trong một thế giới toàn cầu mà thực ra, đó là cách để chúng ta có thể điều chỉnh những vấn đề kinh tế của mình.
Đi vào chi tiết cụ thể, tôi muốn nhắc lại cuộc khủng hoảng ở châu Á vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX và cách mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải ứng phó trước sự kiện đó. Tôi cũng sử dụng tư tưởng của Dewey để phân tích sự ứng phó lúc đó và từ đó, gợi mở một khung đạo đức để hành động.
Chúng ta đều biết, Dewey chưa bao giờ nghĩ về một bộ máy chính quyền như là giới hạn của dân chủ và coi những vấn đề, chẳng hạn như các thể chế nhà nước chỉ là sự bổ sung thêm cho những vấn đề cộng đồng rộng hơn, sâu sắc hơn, chiếm vị trí trung tâm trong quan niệm của ông. Thực ra, đối với Dewey, tư tưởng dân chủ trùng tới tư tưởng cộng đồng. Ông viết: “Với tư cách là một tư tưởng thì dân chủ không phải là một sự lưạ chọn đối với các nguyên tắc sống có tính xã hội. Đó chính là tư tưởng về bản thân cuộc sống cộng đồng… Ở đâu có sự kết nối năng động mà kết quả được coi là tốt đẹp với sự tham gia của các cá nhân vào hoạt động đó thì ở đó, sự thừa nhận điều thiện, điều tốt sẽ mạnh mẽ như là mong muốn và cố gắng để duy trì nó. Bởi lẽ, đó chính là điều tốt đẹp mà tất cả đều muốn chia sẻ, là cái mà một cộng đồng đạt được. Ý thức rõ ràng nhất của một cộng đồng sống động với tất cả các biểu hiện của nó là tạo nên tư tưởng dân chủ”(1).
Điều này có nghĩa là, với tư cách một tư tưởng, dân chủ chẳng khác gì một kế hoạch hay dự án trong số các mô hình hiện có của đời sống xã hội được biểu hiện bằng sự cố gắng và nỗ lực chung của tất cả mọi người, được duy trì bằng sự tán thành và cùng thực hiện vì sự tốt đẹp cho tất cả mọi người. Tóm lại, có thể nói rằng, đối với Dewey, dân chủ tồn tại chỉ trong phạm vi mà các hình thức trao đổi xã hội của chúng ta khích lệ và duy trì cộng đồng.
Việc đặt ngang bằng một cách đơn giản dân chủ với cộng đồng của Dewey cần phải được trình bày một cách kỹ lưỡng hơn qua các thuật ngữ biểu hiện những đặc trưng quan trọng của nó. Như Dewey hiểu, cộng đồng là một cách sống, trong đó con người gắn bó với nhau bằng nhu cầu “thâm nhập lẫn vào nhau” mà ở đó, “mỗi người phải có hành động riêng của mình để đáp lại hành động của người khác và phải để ý đến hành động của người khác để đưa ra hướng hành động của riêng mình”(2). Điều đó có nghĩa là, mỗi tác nhân tự do hoạt động theo cách thức riêng, nhưng vẫn phù hợp với lợi ích của những người khác và điều đó, đến lượt mình, càng phản ảnh một cách năng động và càng đề cao họ lên. Kết quả là, cộng đồng có khuynh hướng cố gắng đạt được những thành quả có thể bao chứa và cố kết một cách tối đa nhất lợi ích của tất cả mọi người.
Dewey cũng đã làm rõ hai tiêu chuẩn để đánh giá phạm vi của các hình thức có tính xã hội là dân chủ. Đó là, thứ nhất, phạm vi thể hiện một cách có ý thức đối với một loạt những lợi ích có ý nghĩa chung của cộng đồng, chứ không phải lợi ích của một số ít người, hay chỉ là của một tầng lớp nhỏ bó hẹp trong phạm vi kinh tế; thứ hai, mức độ tự do hợp tác và tương tác toàn diện để nhờ đó, mở rộng hơn nữa các khả năng phát triển gắn kết(3). Những tiêu chuẩn này phản ánh bản chất của cộng đồng và có thể nói, đó là đỉnh cao tuyệt đối của sự gắn kết giữa các lợi ích và tự do sáng tạo trên cơ sở mở rộng sự tác động qua lại.
Nói về dân chủ, Dewey còn cho rằng, không có gì sánh được với cộng đồng vĩ đại như một thể thống nhất mà ở đó, tất cả mọi thành viên đều chung hưởng mọi thành quả của một đời sống xã hội ngày càng dư dật. Và, một cách tự nhiên, người ta nghĩ rằng, cộng đồng vĩ đại này là sự phản ảnh những mối ràng buộc và tính đoàn thể của mục đích mà thường bị coi là bị giới hạn bởi các biên giới quốc gia, nhưng đọc kỹ Dewey sẽ thấy rõ những gợi ý có tầm toàn cầu.
Về vấn đề mở rộng lợi ích chung, Dewey cho rằng, “việc mở rộng số lượng cá nhân tham gia vào một lợi ích là cốt để sao cho trong đó, mọi người đều hứng thú với hoạt động riêng của mình nhưng vẫn vì lợi ích của người khác, và để ý tới hành động của người khác đối với mình. Điều này có thể giúp người ta khắc phục được những khác biệt về giai cấp, sắc tộc và lãnh thổ quốc gia vốn là những cái làm cho con người không nhận thấy hết ý nghĩa hành động của mình. Những khác biệt ngày càng nhiều cho thấy sự đa dạng của các kích thích mà con người cá nhân phải đối phó và chúng cũng góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng trong hành động của cá nhân, đảm bảo cho sự giải phóng những tiềm năng còn bị kìm nén. Theo đó, chúng phải nằm trong cùng một nhóm với những cái mà ở đó, tính độc nhất có thể loại bỏ nhiều lợi ích khác”(4).
Tôi tin rằng, bây giờ vấn đề mà chúng ta cần tranh luận đã sáng tỏ. Ngay khi chúng ta chú trọng tới mối quan hệ giữa cộng đồng và dân chủ, chúng ta sẽ thấy những nguyên tắc của Dewey có tầm phổ quát như thế nào. Nó đủ để chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của tư tưởng về cộng đồng toàn cầu với tư cách một tư tưởng về dân chủ. Theo đó, một cộng đồng toàn cầu phải là một cộng đồng dựa trên những lợi ích chung chứ không thể là lợi ích cục bộ hay lợi ích của một số ít có quyền lực. Điều này, đến lượt mình, khuyến khích con người dựa vào những lợi ích mà mình được hưởng để định hướng hành động. Tức là, mỗi người đều có thể tham dự một cách trọn vẹn và tự do tương tác với tất cả mọi thành viên tham gia, chứ không phải là tham dự theo mệnh lệnh, bị bắt buộc bằng luật lệ hay sức mạnh của bá chủ chính trị và văn hoá. Theo nghĩa này, dân chủ không thể là cái do ai đó bắt buộc, mà là cái hoàn toàn tự do, ai cũng có thể tham dự và tồn tại chỉ bởi được thừa nhận là tốt với tất cả mọi người.
Bối cảnh này là thích hợp để nhận thấy rằng, đời sống kinh tế quốc tế hiện thời không phải là trò chơi vô tích sự. Và, thực ra, Dewey cũng đã nói rõ, sự phát triển xã hội phải dẫn tới giải phóng sức mạnh của chúng ta theo nghĩa là sự phát triển để mở mang kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế, năm 1997, châu Á đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng. Song, diễn đàn này không phải là chỗ để chúng ta phân tích cuộc khủng hoảng đó và xem xét từ góc độ kinh tế, nó đã tác động mạnh tới châu Á như thế nào. Tôi cũng không thích thêm lời chê bai chĩa vào cách giải quyết cuộc khủng hoảng này của IMF. Mặc dù vậy, ở một số nhận định, tôi vẫn nhắc tới sự can thiệp của IMF đã làm trầm trọng thêm tình trạng lúc đó(5). Hơn thế nữa, một khi IMF là một tổ chức quốc tế đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng đó, thì ở đây, tôi muốn xem xét các hoạt động của IMF theo tiêu chuẩn kết nối các lợi ích và các bên cùng tham gia trọn vẹn và tự do của Dewey. Tôi muốn sử dụng tiêu chuẩn dân chủ của Dewey như một phương tiện để nghiên cứu các hoạt động của tác nhân kinh tế toàn cầu với tư cách một mẫu nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ chủ đề mà tôi đưa ra về toàn cầu hoá và dân chủ.
Về cơ bản, IMF là một tổ chức quốc tế có tính dân sự, bắt đầu hình thành vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II để đáp ứng những đòi hỏi cho sự ổn định kinh tế toàn cầu vì hậu quả chiến tranh và tình trạng đình trệ toàn cầu những năm 30 của thế kỷ XX. Tự thân nó đã là một tổ chức toàn cầu với niềm tin rằng, những vấn đề toàn cầu cần phải được giải quyết bằng các giải pháp toàn cầu. Tổ chức này được các chính phủ trên thế giới tài trợ và nhiệm vụ của nó lại là tài trợ dưới dạng cho vay mượn đối với các nước khốn quẫn về kinh tế, đi kèm với nhiều điều kiện khác.
Không thể bàn về cách ứng xử của IMF trong thời gian gần đây, nhưng tôi muốn đề cập tới cái gọi là Thoả ước Washington. Sự nhất trí này giữa IMF, Ngân hàng thế giới và Kho bạc Mỹ (ảnh hưởng rất lớn tới chính sách của IMF) là rất cơ bản, vì những quyết định có tầm toàn cầu đối với sự phát triển kinh tế là một trò chơi không phải trả giá của nền kinh tế thị trường. Bằng những luận chứng từ kinh tế học Keyne trong những năm 80 của thế kỷ XX, thì sự can thiệp của tổ chức IMF bắt đầu được định hướng theo niềm tin này. Kết quả cho thấy, các nước có nhu cầu hỗ trợ kinh tế của IMF chính là đối tượng của rất nhiều quyết định về các chính sách cộng tác. Những quyết định điển hình là giảm bớt sự khống chế của thị trường tư bản, giảm bớt các hàng rào thuế quan, giảm bớt chi phí và hạn chế quá trình tư nhân hoá của nhà nước.
Như vậy là, Thoả ước Washington đã ủng hộ các quyết định về chính sách của IMF trong cuộc khủng hoảng châu Á. Điều này cũng bao hàm có sự giải phóng thị trường tư bản và tài chính, cắt giảm chi phí nhà nước, tích cực tái thiết kinh tế, tăng nhanh tốc độ lãi suất. Các nước và vùng lãnh thổ, như Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Á buộc phải cân đối lại ngân sách, thậm chí hệ thống hải quan cũng phải giảm mạnh. Tổ chức IMF cũng tranh luận gay gắt để chống lại cả Ngân hàng quốc tế và Washington về việc tăng cường hàng rào mậu dịch nhằm bảo vệ nền công nghiệp địa phương và việc làm mất giá đồng tiền để có thể giảm bớt nhập khẩu, việc cắt giảm này chỉ có thể mở lối hỗ trợ cho cân bằng thương mại. Đây là một cách để đạt được thặng dư thương mại và hoàn trả các chủ nợ nước ngoài; nhưng điều này đã chuyển ngay sự đau khổ từ các thị trường tư bản ở các nước phát triển sang những người đang đấu tranh để tìm kiếm thu nhập ở các nước đang phát triển. Bằng việc ép buộc các nước bị ảnh hưởng trong khu vực Đông Á phải tăng tỷ lệ lãi suất lên trên 25% để hấp dẫn tư bản nước ngoài, IMF đã đẩy nhanh thêm tốc độ phá sản ở Hàn Quốc và nhiều nước khác, nơi mà nhiều công ty đã đạt được sự cân đối cao nhưng thất nghiệp thì ngày càng tăng. Cũng như vậy, người dân lao động ở các nước đang phát triển phải chịu đau đớn nhiều nhất. Tái kiến thiết rầm rộ diễn ra ở cả khu vực công nghiệp và tài chính. IMF ép các chính phủ không cấp vốn cho những ngân hàng sắp đổ bể, nhân viên của IMF còn tham gia đóng cửa cả các ngân hàng yếu kém (trường hợp 16 ngân hàng tư nhân ở Indonesia). Họ buộc các ngân hàng khác phải duy trì tỷ lệ tư bản thích hợp, thậm chí để đương đầu với những mức độ không hoàn được nợ tối đa nhất. Điều này báo hiệu việc mất niềm tin và việc kêu gọi vay lấy lãi để duy trì khả năng cho vay theo tỷ lệ tư bản mà hậu quả là tình trạng thất bại nhiều hơn trong kinh doanh, gia tăng thất nghiệp trở thành tất yếu. Đóng cửa ngân hàng cũng có nghĩa là nhiều khách hàng gửi tiền trực tiếp phải chịu mất mát về tài chính. Cuối cùng, IMF thúc ép các chính phủ phải duy trì tái thiết công nghiệp nặng và do vậy, phải bán đi nhiều tài sản lớn, tiêu tốn nguồn tài chính nhiều hơn.
Các chính phủ khi phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế và nỗi lo hủy bỏ tư bản quốc tế có thể nhận ra rằng, khó có thể chống lại các chính sách đó của IMF và tìm cách nhượng lại một cách có hiệu quả một phần chủ quyền của mình nhằm cố gắng duy trì số tiền - đó là hạ sách của chủ nhà băng. Thậm chí các chính sách này còn không bị chất vấn ở phạm vi kinh tế vĩ mô, nhưng rõ ràng là nó đã gây nên sự mất cân bằng dân số, làm tăng nhanh các công ty và khiến cho công nhân nghèo thành thị trở thành những người phải hứng chịu nhiều đau đớn nhất. Tuy nhiên, chính sách ngân quỹ cũng đã góp phần bảo vệ các tổ chức tài chính quốc tế và chứng tỏ được mối lợi đối với những người đầu cơ, tích trữ tiền tệ. Hơn thế nữa, mâu thuẫn giữa khối lượng tiền khổng lồ bơm vào các nền kinh tế này để bảo lãnh cho các chủ nợ với lượng tiền bị mất một cách tương đối khi phải dành cho việc hỗ trợ các phúc lợi của công dân đã trở thành sự tương phản một cách nổi bật nhất. Một ví dụ khiến nhiều người phải giật mình là việc giảm bớt bao cấp thực phẩm và nhiên liệu cho người nghèo ở Indonesia chỉ được khôi phục khi người dân nổi loạn. Người ta chỉ tập trung chú ý vào những lộn xộn về tài chính chứ không để ý tới những vấn đề như sự tăng vọt số người thất nghiệp và sự sụt giảm thực sự của tiền lương. Stiglitz đã chỉ ra vấn đề này lên một cách ngắn gọn: “… Mạng lưới hiệu quả của các chính sách được Thoả ước Washington thông qua hầu hết là để làm lợi cho số ít bằng sự trả giá của số nhiều, gia tăng sự giàu có,  phong lưu bằng cái giá của nghèo đói. Trong nhiều trường hợp, các lợi ích và giá trị thương mại đã thế chỗ cho những quan tâm về môi trường, dân chủ, nhân quyền, và công bằng xã hội(6).
Theo mức độ của sự phân tích này, việc phân phối lợi ích một cách thiếu quan tâm tới một loạt nhu cầu quan trọng của con người đang thực sự là phản dân chủ theo khái niệm của Dewey. Khi các nước có nhu cầu cần đến sự hỗ trợ của IMF thì cũng phải đề cập đến các chính sách ảnh hưởng đến lợi ích của các nước đó. Và, khi lợi ích của người dân bị bần cùng hoá để làm lợi cho người giầu, chúng ta không có được hoạt động tích cực với kết quả được mọi thành viên tham gia đánh giá là tốt, với mong muốn rõ ràng là tiếp tục duy trì nó chỉ vì đó là điều tốt mà tất cả mọi người có thể cùng chung hưởng. Ở đâu mà tất cả các lợi ích chung của con người bị thay thế bởi các lợi ích kinh tế nhỏ hẹp hơn, thì chúng ta không thể có được sự phong phú đó từ góc độ quan tâm tới những biểu hiện của cuộc sống cộng đồng.
Thực ra, việc xoá bỏ lợi ích của ai đó bằng những lợi ích khác có sức mạnh kinh tế to lớn hơn, thì đó là sự đàn áp chứ không phải là giải phóng năng lực của họ và cũng do vậy, làm mất đi sự hứa hẹn về tự do theo nghĩa tích cực mà Dewey gắn liền với khái niệm dân chủ. Người ta đã thấy điều này ở cấp nhà nước tại nhiều nước đang phát triển ở Đông Á. Để hấp dẫn các nguồn tiền của IMF, các chính phủ này bị bắt buộc phải chịu sự sai khiến của thị trường tiền tệ và chỉ đạo trực tiếp về kinh tế của IMF. Người ta cũng đã thấy điều đó ở mức độ của người dân lao động bình thường trong sự thất vọng, chán nản ở những nước không còn một chút sức mạnh kinh tế nào để cứu người lao động của họ.
Tôi mở rộng ví dụ như vậy cũng chỉ để đề cập rõ hơn tiêu chuẩn thứ hai của Dewey - mức độ tự do hợp tác và ảnh hưởng lẫn nhau một cách toàn diện. Về căn bản, người ta thấy rất rõ ràng rằng, thái độ hống hách của IMF thực sự là muốn sai khiến các chính phủ. Sự sai khiến này khác với “sự cố vấn”. Với những nước còn thiếu hiểu biết đầy đủ về kinh tế, “sự cố vấn” là cần thiết. Tự nó, “sự cố vấn” này là một yếu tố cần cho tự do hợp tác và tương tác tự do. Nhưng vấn đề đặt ra là, “sự cố vấn” của IMF lại thường tỏ ra là những điều khó có thể từ chối chứ không phải là những lời khuyên thông minh về sự tự do hợp tác. Hơn thế nữa, lời khuyên kinh tế cho các chính phủ lại thường được đưa ra bởi một thể chế tin tưởng vào năng lực thị trường hơn là tin vào năng lực của chính phủ khi quyết định các vấn đề kinh tế và do vậy, ở cấp nhà nước không hề có sự thân thiện với dân chủ. Không chỉ như vậy, “sự cố vấn” của IMF còn không đạt được tiêu chuẩn tự do tương tác mà Dewey đã đưa ra ở cả những cấp độ khác. Trong những cuộc tranh luận rộng hơn, tự do hơn, thích hợp hơn với chủ đề dân chủ, vấn đề “cố vấn” đã được nhiều bên tham gia đề cập tới, kể cả những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các chính sách đó. Nói về toàn cầu hoá, Stiglitz cho rằng, “sự cùng phụ thuộc lẫn nhau sẽ dẫn tới nhu cầu hành động tập thể của cả cộng đồng nhân loại để cùng nhau giải quyết những vấn đề mà nhân loại đang phải đối diện, chẳng hạn như mối nguy hiểm toàn cầu về sức khoẻ, môi trường, ổn định kinh tế và chính trị. Toàn cầu hoá dân chủ luôn đòi hỏi những quyết định đó phải là kết quả tham gia đầy đủ của tất cả các dân tộc trên thế giới(7).
Sự tương tác toàn diện và tự do phải dựa trên sự cùng tham gia (communication). Communicare trong tiếng Latinh là gốc của chữ  “communicate” trong tiếng Anh, có nghĩa là tham gia vào hay cùng chia sẻ, cũng giống từ “community” bắt nguồn từ chữ Latinh “communitas”, có nghĩa là “chung”. Vì vậy, khi nói về sự tương tác tự do và toàn diện, Dewey đã hàm ý nói về mối liên hệ khái niệm giữa sự cùng tham gia với các kiểu chia sẻ và tính phổ biến của mục đích đi cùng với tính cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này, bởi tiếp cận dân chủ đối với các vấn đề của cuộc sống cộng đồng – cả cộng đồng điạ phương và cộng đồng toàn cầu – đều đòi hỏi sự tham gia cởi mở và kết hợp điều tra. Khi đề cập tới vấn đề này thì một lần nữa, có thể khẳng định thái độ của IMF là một sự lăng mạ đối với dân chủ. Không giống với Ngân hàng thế giới luôn cố gắng hợp tác với các chính phủ và người dân một cách toàn diện, IMF, trên thực tế, là một tổ chức của Washington. Các báo cáo của tổ chức này hầu như đều được chuẩn bị trước và khi đến thăm các nước, nó chỉ việc thực hiện nhiệm vụ trao các quyết định chung có tính yêu cầu về hệ tư tưởng mà ít nhiều, đã được “đóng gói” từ trước và coi đó là “sự giúp đỡ”.
Điều nhấn mạnh ở đây không phải đặc biệt chĩa vào IMF, mà chủ yếu là để minh hoạ rằng, toàn cầu hoá đang bộc lộ ra trước chúng ta như là những thách thức phức tạp cả về phương diện kinh tế, chính trị lẫn phương diện văn hoá và môi trường. Rất nhiều ví dụ có thể đưa ra để minh hoạ cho điều này, mà những khó khăn trong việc cải cách Liên hiệp quốc, sự lan tràn văn hoá công chúng phương Tây (đặc biệt là văn hoá Mỹ), thái độ của các chính phủ và các công ty tài nguyên đối với vấn đề toàn cầu đang nóng lên, chỉ là một vài ví dụ. Tất cả những vấn đề này đều có liên quan tới cộng đồng toàn cầu và theo Dewey, đó là những vấn đề cần phải được nêu ra thông qua tranh luận, điều tra, hợp tác cởi mở.
Dewey coi Cộng đồng vĩ đại không phải là cái đã có sẵn, một cách tự nhiên, mà là cái phải xây dựng cùng với tiến trình dân chủ. Theo nghĩa rộng, cộng đồng toàn cầu hiện đang tồn tại chỉ là hình thức mới sinh. Với tầm bao quát lịch sử rộng hơn thì con đưòng dài phía trước chúng ta chẳng có gì là dễ dàng một khi cộng đồng toàn cầu phải là một hiện thực thịnh vượng. Nhưng, tận sâu xa, một tương lai dân chủ cho thế giới đang phụ thuộc vào các phong trào vận động theo hướng này./.

(*) Giáo sư, Trường Đại học New South Wales, Australia.
(1) John Dewey. The Public and Its Problems (Công chúng và những vấn đề của nó), Athens. Nhà in Đại học Ohio, Ohio, 1991, pp. 148 - 49.
(2) John Dewey. Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education (Dân chủ và giáo dục: Phần giới thiệu cho triết lý giáo dục). New York, Collier Macmillan, 1966, p. 87.
(3) John Dewey. Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education. Ibid., p. 83.
(4) John Dewey. Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education. Ibid., p.. 87.
(5) Ví dụ, có thể thấy điều này trong những phê phán gay gắt của Joseph Stiglitz trong tác phẩm kinh tế học Globalization and Its Discontents (Toàn cầu hoá và những mặt trái của nó) đã được trao giải Nobel, xuất bản năm 2002 ở London, Nhà sách Penguin. Stiglitz là chủ nhiệm kinh tế ở Ngân hàng thế giới từ năm 1997 đến 2002. Tuy không đề cập tới những tranh luận kinh tế học của Stiglitz, nhưng tôi vẫn tham khảo những miêu tả của ông về cách ứng xử của IMF khi bàn về các tiêu chuẩn dân chủ của Dewey.
(6) Joseph Stiglitz. Globalization and Its Discontents. Ibid., p. 20.
(7) Joseph Stiglitz. Globalization and Its Discontents. Ibid., p. 274.

2. “TOÀN CẦU HOÁ CHO MỌI NGƯỜI”: ĐIỀU TỐT ĐẸP CHƯA CÓ TRONG HIỆN THỰC
 

PHẠM VĂN CHÚC (*)

Trên một số phương diện nào đó, sự phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ không chỉ là điều kiện, là phương tiện thực hiện toàn cầu hoá, mà còn là nội dung và kết quả của quá trình này. Theo quan niệm duy vật về lịch sử, toàn cầu hoá hiện nay chính là một sản phẩm nội sinh, có vai trò hoàn toàn xác định của chủ nghĩa tư bản hiện đại và do vậy, trước hết và chủ yếu, nó là toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, nó là một quá trình đang được ráo riết thúc đẩy chứ chưa phải là một hiện thực bất biến mà mọi quốc gia, dân tộc buộc phải tiếp nhận như một tất yếu định mệnh và do vậy, nó có thể và cần phải được điều chỉnh, cải tạo lại theo hướng đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho toàn nhân loại.
I. Cách mạng khoa học -  công nghệ: nguyên nhân hay kết quả của toàn cầu hóa hiện nay?
1. Từ vài thập niên nay, Toàn cầu hóa đã dần trở thành một chủ đề quan trọng, thu hút sự quan tâm ngày càng tãng của chính giới cũng như của giới học thuật ở rất nhiều nước trong khu vực và thế giới. Một số chính khách và học giả phương Tây cho rằng, nguyên nhân, động lực chủ yếu của toàn cầu hoá là sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng này đã làm cho nền kinh tế, sản xuất phát triển mạnh mẽ và vượt ra ngoài phạm vi từng nước, hay từng khu vực… Như vậy, khi xét cả trong nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh lẫn trong tiến trình vận động, thực trạng ảnh hưởng và xu thế tiến triển thì đây là một quá trình mang tính khách quan. Xét về mặt giá trị, hiệu quả xã hội thì toàn cầu hoá đem lại lợi ích to lớn, đồng đều cho tất cả các cá nhân, giai cấp trong xã hội và các quốc gia, dân tộc trên thế giới…(!)
2. Thật ra, trong đời sống xã hội hiện thực không hề có một nền kinh tế, sản xuất chung chung, trừu tượng, hoàn toàn vắng bóng con người. Nội dung, đặc điểm, tính chất của kinh tế bao hàm không chỉ nền tảng khoa học – công nghệ, quy mô và trình độ của lực lượng sản xuất, mà cả mục tiêu, động lực và định hướng của lao động, hình thức sở hữu, phương thức quản lý, cơ chế hình thành lợi ích và cơ cấu phân chia sản phẩm, tức là các quan hệ sản xuất. Nhìn từ tính quy luật chung của mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, toàn cầu hoá hiện nay là một quá trình tiến triển, tăng trưởng và lan toả mang tính đa dạng, tổng hợp về nhiều mặt: địa - kinh tế, địa - chính trị, địa - chiến lược và địa - văn hoá. Quá trình này vừa có nguyên nhân kinh tế, vừa có nguyên nhân chính trị. Bản thân nó, tất yếu vừa là quá trình kinh tế, vừa là quá trình chính trị. Và, đến lượt mình, toàn cầu hoá cũng tất yếu đưa lại cả hệ quả kinh tế, lẫn hệ quả chính trị. Ở đây, điều ngược lại là không thể có.
3. Tương tự như thế, khi xem xét một cách khái quát đời sống thực tiễn xã hội và lịch sử thì cả việc sáng tạo lẫn sự vận dụng các tri thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và quản lý cũng đều không hề thoát ly hẳn những quan hệ xã hội, quan hệ sản xuất, quan hệ giai cấp và quan hệ chính trị nhất định. Những thành quả khoa học – công nghệ hiện đại hoàn toàn không phải là một thứ tài nguyên tri thức, trí tuệ công cộng tự sinh sôi, sẵn sàng mở ngỏ để được tự do khai thác với xác suất cơ may ngang bằng cho mọi cá nhân, tập đoàn, giai tầng, quốc gia, dân tộc. Thực tế chỉ rõ, ngoài hệ quy luật phát triển nội tại mang tính độc lập tương đối mà nói chung, chỉ đóng vai trò thứ yếu, thì ngay từ đầu cũng như càng về sau, cách mạng khoa học – công nghệ ngày càng được định hướng, điều tiết một cách chặt chẽ, trực tiếp, nhanh chóng và mạnh mẽ bởi các nhân tố kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội.
4. Hiện nay, cho dù là sự phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ có đang thực sự diễn ra đồng đều, phổ biến và đầy hiệu lực ở khắp mọi nơi trên thế giới, thì riêng điều đó vẫn chưa phải là nguyên nhân sâu xa, cuối cùng của tiến trình toàn cầu hoá. Các nhân tố mới, như cách mạng khoa học - công nghệ, “văn minh tin học”, “kinh tế tri thức” thực sự có tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống. Nhưng, thực tế cho thấy, tác động đó chưa đủ và chưa phải là nhân tố quyết định trực tiếp làm cho nền kinh tế mỗi nước cũng như nền kinh tế thế giới trở nên “toàn cầu hóa” theo nghĩa là “kỹ trị hóa”, “nhân loại hóa”, “phi chính trị hóa”, “phi giai cấp hóa” ở mọi lĩnh vực, quy mô, cấp độ. Xét về một số mặt thì sự phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ ấy lại chỉ là điều kiện, là phương tiện thực hiện toàn cầu hoá, thậm chí có khi còn là nội dung và kết quả của quá trình này. Cả sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ lẫn việc hình thành và mở rộng toàn cầu hoá đều diễn ra không phải trong môi trường “chân không xã hội”, mà là trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. Do đó, ngay từ đầu, chúng đã thấm đẫm bản chất của phương thức sản xuất và hình thái kinh tế - xã hội này, đồng thời được triển khai theo một “lộ trình” mà bản chất ấy chi phối.
5. Không ít nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào các tiêu chí về tiến bộ khoa học - công nghệ và sự phát triển sản xuất, kinh tế thì khó lý giải được một số điều “nghịch lý”. Đó là, so với hồi cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thế giới ngày nay lại tỏ ra còn không “toàn cầu hóa” bằng về mọi mặt (kể cả mặt kinh tế), mặc dù đã và đang được trực tiếp nhận sự tác động mạnh mẽ của cả hai cao trào cách mạng khoa học - kỹ thuật (từ cuối những nãm 50) và cách mạng khoa học - công nghệ (từ đầu những năm 80). Cũng theo họ, buôn bán thế giới trong 40 nãm trước Chiến tranh thế giới thứ I phát triển nhanh hơn so với 40 năm qua; đầu tư trực tiếp của nước ngoài so với tổng sản lượng thế giới vào nãm 1913 đạt tỷ lệ cũng không kém năm 1990. Khi ấy, chính giới ở nhiều nước rất nhiệt tình bàn thảo về xu thế kinh tế các nước ngày càng tùy thuộc lẫn nhau, về quá trình hội nhập buôn bán, tài chính thế giới... Một số học giả còn khẳng định rằng, chỉ riêng ở thế kỷ này hoặc kể cả trong 5 thế kỷ tồn tại của chủ nghĩa tư bản, trên thế giới đã diễn ra tới 3 - 4 đợt toàn cầu hoá. Nếu xét trong cả quá trình lịch sử nhiều ngàn nãm từ thời cổ đại đến nay thì nhân loại cũng đã nhiều lần biết đến tình hình trên khắp đại lục Á - Âu chỉ tồn tại một đế chế duy nhất, tức là trạng thái “toàn cầu hóa” chung không chỉ về kinh tế, mà còn về các lĩnh vực chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, tôn giáo…(1).
II. Lôgíc vận động chung của phương thức sản xuất tư bản và toàn cầu hóa hiện nay
1. Rõ ràng, ngoài những nhân tố quan trọng trực tiếp về phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ thì bản chất, nguồn gốc cũng như nguyên nhân, động lực của toàn cầu hoá cần được phân tích sâu sắc và toàn diện hơn, gắn với hệ thống quy luật vận động và phát triển, với diễn biến của các mâu thuẫn cơ bản bên trong, với việc giải quyết những nhu cầu, lợi ích sống còn của hệ thống chính trị, phương thức sản xuất và toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội tư bản hiện đại. Theo quan niệm duy vật về lịch sử, có thể nói, toàn cầu hoá hiện nay chính là một sản phẩm nội sinh, có vai trò hoàn toàn xác định của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nó vừa bùng phát một cách khách quan, nhưng lại vừa được chủ động, tích cực thúc đẩy nhằm đáp ứng yêu cầu khắc phục mâu thuẫn bên trong, giải quyết khủng hoảng, tự bảo tồn và tiếp tục tăng trưởng của chế độ xã hội này. Toàn cầu hoá ngày nay, trước hết và chủ yếu là toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa. Nó không hề là cơ may ngẫu nhiên vô định của toàn nhân loại, mà chính là sản phẩm nội sinh, có vai trò, sứ mạng hoàn toàn xác định của chế độ đó.
2. Liên quan đến điều này, ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi đề cập tới các hệ quả xã hội trong nước cũng như quốc tế mà sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp gây ra, C.Mác đã từng nói đến quá trình quốc tế hóa do giai cấp tư sản thực hiện, tức là quốc tế hóa tư bản chủ nghĩa chứ không phải 1à một quá trình quốc tế hóa với sự mở mang và phát triển kinh tế đơn thuần, trừu tượng(2). Không ít các học giả phương Tây ngày nay cũng khẳng định: toàn cầu hoá là “quá trình được hình thành một cách có quy chế và được điều khiển một cách có ý thức”, rằng quá trình này ngay từ đầu đã bị chi phối bởi các quốc gia bá quyền cùng các công ty xuyên quốc gia của chúng, rằng hiện tại nó đang chứa đựng rất nhiều điều hạn chế và tiêu cực, do đó nhất định cần phải được điều chỉnh, quản lý để trở nên tích cực và công bằng hơn…(3). Từ lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh”(4).
3. Bản chất của toàn cầu hoá hiện nay còn thể hiện rõ hơn qua cơ chế vận hành và lôgíc phát triển chung của phương thức sản xuất tư bản. Khác với các hệ thống kinh tế, sản xuất nô lệ và phong kiến, để thực hiện việc bóc lột giá trị thặng dư, giai cấp tư sản đã thiết lập thị trường trao đổi hàng hóa và cơ chế cạnh tranh tự do. Trong điều kiện ấy, mỗi đơn vị kinh tế, sản xuất buộc phải không ngừng tự phát triển để khỏi lâm vào tình trạng phá sản và bị hủy diệt bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Nhằm tăng cường lực lượng sản xuất, giai cấp tư sản thực hiện hai tuyến giải pháp chính. Thứ nhất, phát triển theo “chiều sâu”, tức là nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả của tư liệu sản xuất bằng cách đẩy mạnh việc sáng tạo và vận dụng các tri thức khoa học mới. Thứ hai, phát triển theo “bề rộng”, tức là gia tãng mức độ, khối lượng và quy mô của lao động, của tư liệu sản xuất và sản phẩm bằng cách mở mang thị trường cung ứng nhân công; nguyên, nhiên, vật liệu và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, thiết lập những “trật tự” quốc tế nhất định (với các thiết chế, tổ chức tương ứng) về chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, kinh tế thương mại, tài chính, tiền tệ,...
4. Các nước phương Tây luôn ra sức mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển và xác lập những trật tự quốc tế như vậy nhằm tăng cường lực lượng sản xuất của riêng mình. Mục tiêu chung, nhất quán của hành động “khai hóa thuộc địa” trước đây cũng như “tự do hóa” ngày nay không hề là hiện đại hóa thực sự cho tất cả các nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, các nước này luôn vừa bị khống chế bởi cường quyền đế quốc, vừa bị kìm hãm ở nấc thang tiến hóa xã hội thấp kém. Bởi vì, chỉ với tương quan chênh lệch tuyệt đối thì các nước phương Tây mới có thể thu được nhiều lợi nhuận. Những nỗ lực phát triển theo bề rộng đó của phương Tây chính là quá trình quốc tế hóa với quy mô, mức độ, phương thức, chiều hướng, ưu tiên và trọng điểm được quy trình bởi lợi ích, thực lực của họ. Mục đích của quá trình này là tạo ra môi trường bên ngoài đủ mức rộng lớn và có cơ cấu, cơ chế thích hợp cho sự gia tăng tiềm lực ở bên trong. Nhờ đó, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản phát triển cao ở phương Tây được tạm thời kiềm chế, dung hòa. Về thực chất, quá trình quốc tế hóa đó vừa là biểu hiện, kết quả, vừa là phương tiện, cách thức phát triển lực lượng sản xuất tư bản theo bề rộng vượt khỏi phạm vi quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, toàn cầu hoá hiện nay chính là một loại hình quốc tế hóa đặc biệt, tối hạn về không gian địa lý, thích ứng với kích tấc tuyệt đối, khổng lồ cũng như tương quan so sánh áp đảo về tiềm lực vật chất - kỹ thuật giữa phương Tây với các nước đang phát triển, giữa Mỹ với “thế giới còn lại”. Nó cũng phù hợp và đồng điệu với kiểu “trật tự thế giới đơn cực” mà siêu cường thế giới duy nhất ngày nay đang cùng số ít đồng minh chiến lược của mình toan tính, sắp đặt và ra sức thực hiện.
III. Lịch trình tiến triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại và toàn cầu hóa hiện nay
1. Việc phân tích cụ thể các giai đoạn tiến triển chính của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XX với những kiểu “trật tự thế giới” và những làn sóng quốc tế hóa tương ứng do nó xác lập, khởi xướng càng làm rõ thêm đặc trưng và bản chất của toàn cầu hoá hiện nay. Thật vậy, đầu thế kỷ XX, cục diện thế giới vẫn theo mô hình “chính quốc” (phương Tây) – “thuộc địa” (Á, Phi, Mỹ Latinh) như trong suốt nửa cuối thế kỷ XIX. Với sự trỗi dậy của một số nước đế quốc “trẻ” đòi phân chia lại thuộc địa, cả hệ thống tư bản lâm vào khủng hoảng, cục diện thế giới cũ lung lay nghiêm trọng, cuộc Chiến tranh thế giới thứ I bùng nổ. Ở nước Nga, chế độ Sa hoàng bị xóa bỏ, Liên Xô - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - ra đời. Trong mấy thập niên trước cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, nỗ lực phát triển ra bên ngoài của các nước phương Tây rất mạnh và dẫn đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Tiến trình quốc tế hóa sôi động từng đạt tới đỉnh cao vào nãm 1913 đã không được nối tiếp. Cục diện hai khối nước thắng trận và phục thù hình thành.
2. Giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX khác biệt rõ rệt so với các giai đoạn trước không chỉ ở hình thái tập hợp, phân bố và tương quan lực lượng giữa các quốc gia, dân tộc, mà còn ở bản chất chính trị - xã hội của cục diện thế giới. Nó có đặc điểm là, với sự xuất hiện của hệ thống xã hội chủ nghĩa, kiểu cục diện “thế giới phân đôi” gồm hai phe đối địch nhau quyết liệt đã hình thành. Trong giai đoạn này, phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã thực hiện hàng loạt kế hoạch nhằm tăng cường thực lực chung để lấy đó làm đối trọng với phe xã hội chủ nghĩa. Đó là: đẩy mạnh cách mạng khoa học - kỹ thuật và khoa học - công nghệ, xác lập trật tự kinh tế, quân sự quốc tế với các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO),…
3. Sau sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cục diện thế giới “lưỡng cực” giải thể, cơ may phát triển theo bề rộng của phương Tây đột ngột tãng lên. Điều này “cộng hưởng” với tiềm lực to lớn mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tích tụ được do tận dụng thành quả cách mạng khoa học - công nghệ, yếu tố vốn đã giúp nó phát triển mạnh theo chiều sâu. Chính lúc này, xu hướng quốc tế hóa từng đạt tới đỉnh cao hồi đầu thế kỷ XX đã được tái hiện. Trong hình thái hiện đại hóa triệt để và quyết liệt hơn, nó được mệnh danh là “toàn cầu hóa”, được chính thức khởi xướng, hợp thức hóa, quảng bá một cách ồn ào và khẩn trương thực thi, đẩy mạnh. Nội dung kinh tế quan trọng, nổi bật của toàn cầu hoá là củng cố và mở rộng WTO, xúc tiến đồng bộ với việc đẩy mạnh cách mạng khoa học - công nghệ và tăng cường hoạt động của NATO (chiến tranh vùng Vịnh, kế hoạch “Đông tiến”, chiến tranh Bancăng, đòn đánh vào Côxôvô năm 1999, các cuộc tấn công Ápganixtan và Irắc gần đây…). Đối với phương Tây, toàn cầu hoá chính là phương lược đắc dụng, tổng hợp để vừa thâm nhập, chiếm lĩnh và “tiêu hóa” thị trường mới là các nước Đông Âu và không gian Xôviết cũ, vừa trở lại thống trị thị trường cũ của nó là các nước dân tộc chủ nghĩa đang phát triển.
4. Xét riêng trong nội bộ các nước phương Tây, toàn cầu hoá cũng là biện pháp để siêu cường Mỹ xác lập và khẳng định trật tự thế giới mới ưu tiên cho lợi ích của riêng mình, giúp nó chiếm giữ vị trí lãnh đạo độc tôn đối với các nước khác. Do đó, cũng như mọi tiến trình quốc tế hóa tư bản chủ nghĩa trước đây, toàn cầu hoá hiện nay, ngay từ đầu, đã bao hàm nhiều mâu thuẫn, xu hướng đối nghịch nhau gay gắt và phức tạp. Biểu hiện của điều này là các nỗ lực bước đầu của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác, kể cả một số nước phương Tây, hướng tới xây dựng “trật tự đa cực” nhằm chống lại mưu toan của Mỹ muốn “đơn cực hóa” thế giới; là sự cọ xát gay gắt giữa Mỹ và Pháp hoặc giữa Pháp và Đức trong nhiều vấn đề ở châu Âu và châu Phi; là cuộc phản kháng rầm rộ của nhiều phong trào và tổ chức đối với hoạt động của WTO, IMF, G.8,  Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF),…
IV. Toàn cầu hóa hiện nay: xu thế khách quan và khả năng tích cực hóa
1. Toàn cầu hoá hiện nay đang được các nước phương Tây dựa vào tiềm lực kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, tài chính - tiền tệ hùng hậu, bộ máy quân sự khổng lồ và khả năng tổ chức - quản lý vượt trội nhằm ra sức tranh thủ, thúc đẩy. Toàn cầu hoá trở thành một giải pháp tự cứu tổng thể, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Xét về bản chất kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội của nó, toàn cầu hoá là một phương án ngãn chặn khủng hoảng, một cách thức tồn tại và tiến triển, một lối thoát khỏi mâu thuẫn cơ bản, gay gắt bên trong, một phương hướng phát tán bớt xung lực phá hoại và hủy diệt khổng lồ của mâu thuẫn này khỏi khởi nguồn của chính nó.
2. Đây còn là một chiến lược thao túng và tranh đoạt tổng lực của phương Tây với các nước đang phát triển trong những điều kiện mới ngày nay. Nó cho phép củng cố, tăng cường kiểu trật tự thế giới có lợi cho vùng “trung tâm” là các nước phương Tây phát triển cao so với vùng “ngoại vi” là các nước đang phát triển. Đối với vùng “ngoại vi”, nó chủ yếu là làn sóng va đập dữ dội lan đến từ bên ngoài mà nội dung, mục đích và ưu tiên phần nhiều bất tương hợp với thực trạng của những điều kiện bên trong, là phương thức “quốc tế hóa” không hoàn toàn hiệu quả, tích cực, tiến bộ.
3. Ngay từ địa bàn phát nguyên của những dòng xoáy toàn cầu hoá hiện nay, không ít tiếng nói đã chỉ rõ đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả của cục diện thế giới sau chiến tranh lạnh; kiểu tổ chức kinh tế - xã hội mà “chủ nghĩa tự do mới” - cơ sở lý luận của các chiến lược thúc đẩy toàn cầu hoá - cổ xúy; không hề là “điều kiện tự nhiên” của con người, mà thật ra có thể bị thách thức và thay thế. Chủ thuyết này đang bị phê phán gay gắt không chỉ ở các nước đang phát triển, mà ở cả các nước Bắc Âu, Canađa, Ôxtrâylia, đặc biệt là ở ngay nước Mỹ. Ngày nay, chính các nước tư bản phát triển G.7 cũng thường “đánh nhau như bầy chó để giành một khúc xương”; rằng, cần hình dung “toàn cầu hoá không phải là đồng loạt, đồng đều, mà như một quá trình biện chứng bao hàm cả liên kết và tan rã, toàn thể và bộ phận, hợp nhất và phân chia văn hoá”(5).
4. Chính vì toàn cầu hoá hiện nay là một quá trình đang được ráo riết thúc đẩy chứ chưa phải là một hiện thực bất biến mà mọi quốc gia, dân tộc buộc phải tiếp nhận như một tất yếu định mệnh, cho nên nó có thể và cần được điều chỉnh, cải tạo lại. Theo đó, một vấn đề mang tính thực tiễn được đặt ra là: cần phải thay đổi toàn cầu hoá hiện nay ra sao, phải làm thế nào để nó trở thành một toàn cầu hoá đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài và xứng đáng cho toàn thế giới, kể cả “thế giới nghèo”, “thế giới còn lại ngoài phương Tây”, tức là các nước đang và chậm phát triển./.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Website Đảng Cộng sản Việt Nam.
(1) Kinh tế quốc tế. Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25 – 10 – 1998, tr.1 – 6 và 16 –1 – 2000; Z.Brêdinxki. Bàn cờ lớn. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.18 – 28; G.Xôrốt. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Xã hội mở bị hiểm nguy). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.265 – 267; Raiph Peter. Huyền thoại toàn cầu hoá (rút từ Internet).
(2) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.600-602.
(3) Sự tiến hoá của các quan điểm toàn cầu hoá ở phương Tây. MEIMO, số 1, 2002, tr.2 (tiếng Nga); Giôdép Xtiglít: Toàn cầu hoá và những mặt trái. Văn nghệ trẻ, số 41, ngày 13 – 10 - 2002, tr.11.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  2001, tr. 64.
(5) Chủ quyền kinh tế trong một thế giới đang toàn cầu hoá. Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr.41- 42, 66-67; V.Cônlôntai. Về mô hình tự do mới của toàn cầu hoá. MEIMO, số 10, 1999, tr.3,12 (tiếng Nga).

3. TOÀN CẦU HOÁ VÀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆT NAM HIỆN NAY
 
 PHẠM VĂN ĐỨC (*)
Toàn cầu hoá đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng. Tính tất yếu của toàn cầu hoá trước hết được biểu hiện ở tính tất yếu kinh tế. Toàn cầu hoá kinh tế là khía cạnh quan trọng nhất của toàn cầu hoá; nó đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực chính trị. Đến lượt mình, những thay đổi về chính trị lại có tác động trở lại đối với kinh tế. Song, cái cần quan tâm và nhấn mạnh lại chính là sự tác động của kinh tế và những thay đổi chính trị đối với văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Ngoài những cơ hội, toàn cầu hoá tạo ra cho Việt Nam những thách thức to lớn, như nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nạn thất nghiệp và thiếu việc làm, sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm có xu hướng tăng, sự lo ngại về mất bản sắc, sự đồng hoá văn hoá và sự huỷ hoại văn hoá dân tộc, v.v..Con đường để vượt qua những thách thức đó không phải là đóng cửa lại để sống biệt lập với thế giới; mà trái lại, phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bồi dưỡng và giáo dục con người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc, khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc ở họ.

Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng mới mẻ, mà trái lại, đã xuất hiện ở thế kỷ XV và diễn ra mạnh mẽ hơn ở cuối thế kỷ XIX. Cho đến nay, vẫn còn đang có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc và bản chất của quá trình toàn cầu hoá. Một số người cho rằng, quá trình toàn cầu hoá bắt đầu từ khi người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát con đường tơ lụa. Với một số người khác, quá trình đó được bắt đầu từ sự kiện vượt qua vùng biển thuộc mũi Hảo Vọng và việc khám phá ra châu Mỹ, nhờ đó thế giới được mở rộng và các nguồn tài nguyên của thế giới từ các châu lục khác được chuyển về châu Âu. Trong khi đó, một số người khác lại tin rằng, toàn cầu hoá diễn ra từ cuối thế kỷ XIX cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp tạo nên sự phát triển của lực lượng sản xuất và các phương tiện vận tải(1).
Nhưng, dù xuất hiện sớm hơn hay muộn hơn, trong thời đại hiện nay, toàn cầu hóa mang một nội dung với những nét đặc thù mới. Một số học giả gọi toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa. Bởi lẽ, quá trình đó đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nước tư bản, đặc biệt là các nước tư bản lớn.
Toàn cầu hóa hiện nay đang tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia dân tộc, đến đời sống xã hội của cả cộng đồng nhân loại, cũng như đến cuộc sống của từng người. Cách nhìn nhận và thái độ đối với toàn cầu hoá là hết sức khác nhau. Trong khi một số nước đang phát triển tiếp nhận toàn cầu hoá một cách hồ hởi thì ở nhiều nước phát triển, phong trào chống toàn cầu hoá lại diễn ra một cách rộng khắp và thu hút hàng vạn người tham gia. Song, bất chấp thái độ khác nhau, ủng hộ hay phản đối, toàn cầu hoá vẫn là một xu thế tất yếu và ngày càng được mở rộng mà mỗi quốc gia dân tộc phải đối mặt với nó. Vậy tính tất yếu của toàn cầu hoá được biểu hiện như thế nào?
Tính tất yếu của toàn cầu hoá trước hết được biểu hiện ở tất yếu kinh tế. Kinh tế, như mọi người đều biết, là nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của văn minh nhân loại. Thực ra, thuật ngữ văn minh nhân loại vừa mang ý nghĩa vật chất, vừa mang ý nghĩa tinh thần. Ưu thế của một nền văn minh được thể hiện trong sự hoà quyện và kết hợp giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Với ý nghĩa đó, lịch sử của nhân loại là lịch sử của sự giải phóng mang tính chất tiến bộ khỏi sự tước đoạt về vật chất, đồng thời là lịch sử phát triển của tự do thuộc về vương quốc của tinh thần.
Toàn cầu hoá là một hiện tượng vật chất hay kinh tế. Nhưng, ngoài ý nghĩa là một hiện tượng vật chất, nó còn mang một ý nghĩa văn hoá, tinh thần sâu sắc. Bởi lẽ, trên thực tế, không có một công việc nào của con người, không có một hiện tượng nào trong xã hội lại chỉ mang ý nghĩa thuần tuý kinh tế.
Về phương diện kinh tế, trước hết, toàn cầu hoá tạo ra một sự thay đổi căn bản trong hoạt động kinh tế của con người, làm thay đổi tính chất và vị trí của thị trường. Nếu như trước đây, thị trường mang tính quốc gia thì hiện nay, thị trường đã mang tính quốc tế. Do quá trình toàn cầu hoá, các quốc gia nhanh chóng bị cuốn hút và trở thành một bộ phận phụ thuộc của nền kinh tế thế giới hoặc quốc tế. Ngoài tính toàn cầu của thị trường hàng hoá và dịch vụ, tài chính và tiền tệ cũng mang tính chất toàn cầu. Một yếu tố khác không kém quan trọng làm cho thị trường có tính toàn cầu là công nghệ điện tử mới của thông tin và viễn thông. Chính công nghệ mới đó không chỉ mang tính kinh tế, mà còn mang tính chính trị và xã hội sâu sắc.
Về mặt xã hội, những nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu đã và đang mang lại những thay đổi to lớn trong thói quen lao động và lối sống của con người ở tất cả các quốc gia dân tộc. Sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế, v.v. đang là những vấn đề làm đau đầu các quốc gia dân tộc. Nói tóm lại, chính toàn cầu hoá đang làm cho những vấn đề toàn cầu của thời đại tác động mạnh mẽ và nhanh chóng đến các quốc gia dân tộc. Ngày nay, không một quốc gia dân tộc nào có thể làm ngơ trước sự lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi của các bệnh dịch, như SARS, cúm gà, v.v.; của các nạn khủng bố, tội phạm quốc tế, v.v..
 Về mặt chính trị, người ta thường nhắc tới những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu hoá đối với chủ quyền quốc gia. Điều đó được lý giải bằng sự tác động của kinh tế đối với chính trị. Sự hội nhập về kinh tế tăng lên sẽ kéo theo sự hội nhập về chính trị. Với lôgíc đó, người ta nói đến sự suy yếu của mô hình quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, người ta thường nói về sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia dân tộc hơn là đề cập đến sự độc lập hoàn toàn của các quốc gia đó. Có thể nói, không có và không thể có một quốc gia đứng độc lập hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá. Chẳng hạn, do lôgíc nội tại của nó, toàn cầu hoá kinh tế vừa đòi hỏi, vừa muốn hướng tới sự tự do về thương mại và đầu tư ngày càng tăng lên một cách chưa từng có. Do đó, những hiệp định thương mại đa phương được thể chế hoá trong WTO tất yếu hạn chế khả năng hành động một cách đơn phương của các chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích cục bộ của họ. Vì lẽ đó, người ta coi những hiệp định thương mại đa phương ấy có tác dụng tiêu cực đối với bất kỳ chủ quyền quốc gia riêng lẻ nào. Đúng như U.Bek đã nhận xét, “cộng đồng thế giới hình thành trong quá trình toàn cầu hoá trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế đang làm suy yếu, đặt dấu hỏi về sức mạnh của quốc gia dân tộc, thâm nhập vào khắp các đường biên giới lãnh thổ bằng nhiều phụ thuộc xã hội đa dạng, các quan hệ thị trường, bằng mạng truyền thông, các phong tục, tập quán khác lạ của dân cư, không liên quan đến vùng lãnh thổ xác định của nó. Điều đó biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực quan trọng nhất, là cơ sở của uy tín quốc gia dân tộc trong chính sách thuế, quyền hạn tối cao của bộ máy cảnh sát, trong chính sách đối ngoại, trong lĩnh vực an ninh quân sự”(2).
Như vậy, toàn cầu hoá kinh tế là khía cạnh quan trọng nhất của toàn cầu hoá; nó đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực chính trị. Đến lượt mình, những thay đổi về chính trị lại có tác động trở lại đối với kinh tế. Song, điều cần quan tâm và nhấn mạnh lại chính là ở sự tác động của kinh tế và những thay đổi chính trị đối với văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Cùng với toàn cầu hoá, nhiều học giả đã chỉ ra xu hướng đồng nhất tất cả các nền văn hoá. Tất cả các nước phát triển đang muốn áp đặt các giá trị văn hoá của mình cho toàn thế giới. Thông qua quá trình toàn cầu hoá, các nước phát triển phương Tây muốn bắt phần còn lại của thế giới không chỉ khuất phục về kinh tế, chính trị và quân sự, mà còn muốn hạn chế tối đa nét đặc thù của văn hoá phi phương Tây, bởi  theo họ, các nền văn hoá này không phù hợp, thậm chí còn xung đột với văn hoá và văn minh phương Tây. Quan niệm về sự xung đột giữa các nền văn minh của Huntington đã khẳng định rằng, trong điều kiện toàn cầu hoá, giữa các nền văn minh luôn có sự xung đột và không thể có một nền hoà bình nào hết, vì phương Tây muốn đấu tranh cho lợi ích của mình đến toàn thắng, tức là buộc thế giới phi phương Tây phải khuất phục hoàn toàn(3).
Trên thực tế, những gì mà toàn cầu hóa mang lại cho con người trong những thập kỷ qua đã làm cho không ít các quốc gia băn khoăn, lo lắng. Báo cáo phát triển người của UNDP năm 1999 đã phác họa một bức tranh khá không bình đẳng giữa các nước, cũng như giữa những tầng lớp người khác nhau. Theo báo cáo đó, vào cuối những năm 90, một phần năm dân số thế giới sống trong những nước có thu nhập cao nhất chiếm tới: 86% GDP của thế giới, 82% các thị trường xuất khẩu thế giới, 68% đầu tư nước ngoài trực tiếp, 74% số máy điện thoại thế giới; trong khi đó, một phần năm dân số sống trong những nước có thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 1% các chỉ số nói trên. Cũng theo báo cáo này, trong một thập niên vừa qua, sự tập trung ngày càng mạnh mẽ về thu nhập, về các nguồn lực và của cải đang diễn ra. Chẳng hạn, các nước OECD với 19% dân số toàn cầu chiếm tới 71% thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ, 58% đầu tư nước ngoài và 91% tổng số người sử dụng Internet; 200 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản ròng của họ trong 4 năm, đến năm 1998 lên tới hơn 1000 tỷ USD. Tài sản của 3 tỷ phú hàng đầu nhiều hơn tổng GNP của tất cả các nước kém phát triển với 600 triệu dân của họ, v.v..(4).
Từ sự phân tích và số liệu thực tế, không ai có thể phủ nhận được rằng, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu và đang tạo ra những cơ hội cho các nước có nền kinh tế đang phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới để trên cơ sở đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ. Thực tế trong mấy thập kỷ qua đã khẳng định rằng, nhờ tranh thủ được cơ hội toàn cầu hóa, nhiều nước ở châu Á vốn có nền kinh tế kém phát triển tạo ra được tốc độ tăng trưởng kỷ lục về kinh tế và trở thành những "con rồng" châu Á.
Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là ở chỗ, cơ hội mà toàn cầu hóa đem lại cho các nước khác nhau, các dân tộc khác nhau không phải lúc nào cũng như nhau. Xét một cách đại thể, các nước phát triển hơn về kinh tế, giàu có hơn sẽ được chia sẻ cơ hội nhiều hơn các nước nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là, toàn cầu hóa sẽ đem lại cho các nước nghèo, đang phát triển nhiều thách thức hơn so với cơ hội. Đúng như Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, đã khẳng định: “Toàn cầu hoá đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn theo nghĩa tất cả chúng ta đều phải chịu ảnh hưởng từ những hành động của nhau, chứ không phải theo nghĩa tất cả chúng ta đều sử dụng những lợi thế của nó và cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Trái lại, chúng ta đã để toàn cầu hoá làm cho chúng ta tách xa nhau ra hơn do hố ngăn cách ngày càng lớn về mức độ của cải và quyền lực giữa các nước khác nhau và ngay trong từng nước”(5).
Theo bảng xếp hạng của UNDP, trong vòng 11 năm, từ năm 1991 đến 2002, chỉ số phát triển người (HDI) của Việt Nam từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1991) tăng lên mức trung bình (0,688 năm 2002)(6). Thứ bậc HDI của Việt Nam năm 2002 vượt lên 19, xếp thứ 109/173, còn GDP bình quân đầu người xếp thứ 128/173. Những số liệu đó chứng tỏ rằng, Việt Nam, mặc dù được xếp vào nhóm các nước đang phát triển, song sự phát triển kinh tế của Việt Nam có xu hướng phục vụ sự phát triển của con người; Việt Nam là nước bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội cao hơn so với một số nước đang phát triển có GDP bình quân đầu người tốt hơn Việt Nam. Những thành tựu đó có được như vậy là nhờ đường lối đổi mới, nắm bắt và tận dụng được những cơ hội do toàn cầu hoá mang lại. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những thách thức trong quá trình toàn cầu hóa đối với Việt Nam là hết sức lớn.
Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam có lẽ là thách thức về kinh tế . Bởi vì nói đến quá trình toàn cầu hóa, như trên trình bày, trước hết phải nói đến toàn cầu hóa về kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế là cơ sở của quá trình toàn cầu hóa nói chung.
Việt Nam bắt đầu tiến hành mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới từ năm 1986. Nhờ chủ trương đổi mới, mở cửa, trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu hết sức to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao trong khu vực. Chẳng hạn, trong thập kỷ 70, tốc độ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm của các nước, các vùng lãnh thổ trong khu vực là: 9,6% (Hàn Quốc), 8,3% (Hồng Kông), 7,9% (Malaixia), 7,2% (Inđônêxia), 7,1% (Thái Lan) và 6% (Philippin). Nhưng từ 1980 đến 1991, tốc độ tăng GNP hàng năm đã có sự thay đổi như sau: 9,6% ở Hàn Quốc, 9,4% ở Trung Quốc, 6,9% ở Hồng Kông, 6,6% ở Singgapo, 5,7% ở Malaixia, 5,6% ở Inđônêxia, ở Philippin chỉ là 1,1%(7). Tính từ 1985 đến 1996, tốc độ tăng trưởng GNP hàng năm của Việt Nam là trên 8,5%, từ năm 2001- 2005, tốc độ đó đạt mức trên dưới 8%. Như vậy, nếu so sánh với các nước, các vùng lãnh thổ trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, ngay từ năm 1994, nhiều nhà kinh tế cũng như lãnh đạo của Việt Nam đã nói đến nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Cho đến nay, trải qua hơn 10 năm tiếp tục đổi mới, nguy cơ đó vẫn tồn tại và hết sức lớn. Để tránh nguy cơ đó, trong những năm gần đây, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hóa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Tuy nhiên, chủ trương đó được thực hiện trong điều kiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn thấp xa so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; tích luỹ từ nền kinh tế để công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn thấp; kết cấu hạ tầng lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, v.v..
 Do vậy, những khó khăn của việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa là không nhỏ. Xét về mặt cơ cấu của nền kinh tế, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp và nông thôn sang các ngành nghề khác còn rất khó khăn. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ có phần chững lại. Tỷ lệ lao động được đào tạo và lao động có trình độ cao còn rất thấp. Sự lãng phí trong đầu tư còn quá lớn. Thêm vào đó, nền công nghiệp lại phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở 2 đầu của đất nước. Người lao động có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, sự phát triển công nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, những tiềm năng của các thành phần kinh tế chưa được phát huy hết. Kinh tế nhà nước chưa làm tốt được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể chậm phát triển. Kinh tế tư nhân chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó nhằm tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế, v.v..
Những thách thức về kinh tế sẽ tăng lên gấp bội, nếu như trong vài năm tới, nước ta hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là nguy cơ thực tế. Bản thân nguy cơ này có bị loại trừ hay không, điều đó phụ thuộc vào sự thành công của công cuộc đổi mới và sự chuẩn bị các nguồn lực cho quá trình hội nhập tiếp theo của nền kinh tế.
Cùng với thách thức về kinh tế, toàn cầu hóa đang đặt ra cho nước ta những thách thức lớn về mặt xã hội.
Trước hết là nạn thất nghiệp và thiếu việc làm. Kể từ khi nước ta bắt đầu hội nhập, nền kinh tế trở nên năng động hơn. Các thành phần kinh tế có cơ sở phát triển mạnh mẽ, nhưng sự cạnh tranh giữa chúng có phần quyết liệt hơn. Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều cơ sở sản xuất phải tiến hành tinh giản biên chế. Tình trạng đó làm tăng thêm đội ngũ những người không có việc làm hoặc có việc làm không đầy đủ. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tình trạng thất nghiệp ở thành thị còn ở mức khá cao, nạn thiếu việc làm ở nông thôn còn rất nghiêm trọng.
Trong những năm tới, quá trình hội nhập sẽ đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ cao hơn. Nếu như đội ngũ người lao động Việt Nam không được đào tạo và chuẩn bị về mặt công nghệ, quản lí thì tình trạng thất nghiệp không những không giảm mà còn có nguy cơ tăng cao.
Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phân hoá giàu nghèo - cái trục của sự phân tầng xã hội. Thực ra, sự phân hóa giàu nghèo là kết quả tất yếu của cơ chế thị trường. Qua kết quả điều tra xã hội học ở nhiều tỉnh trong cả nước, chúng ta thấy rằng, đại bộ phận người được hỏi cho rằng phân hóa giàu nghèo là hiện tượng bình thường. Một số học giả cho rằng phân hoá giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam là hệ quả của việc công bằng xã hội được lập lại. Theo chúng tôi, ý kiến này chỉ đúng khi nói đến sự phân hoá giàu nghèo được thực hiện một cách bình đẳng. Điều đó có nghĩa là, trong nền kinh tế thị trường, người nào lao động giỏi, biết tính toán, nhạy bén thì giàu lên một cách chính đáng; trái lại, người nào lười lao động, không có vốn, không biết làm ăn thì nghèo đi.
Nhưng ở Việt Nam, trong những năm qua, ngoài số người giàu có một cách hợp pháp, còn có không ít những kẻ giàu lên nhờ những hành vi tham nhũng, buôn gian bán lận, làm ăn theo kiểu chụp giật trong giai đoạn tranh tối, tranh sáng của cơ chế thị trường. Điều đáng lo ngại là, số người giàu lên theo kiểu này không ít. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà tham nhũng đã được xem như là quốc nạn ở Việt Nam. Nếu như cách làm giàu hợp pháp là rất đáng khuyến khích thì cách làm giàu bất hợp pháp cần phải nhanh chóng được loại bỏ. Bởi lẽ, hành vi đó không những bòn rút tiền của, làm suy yếu nền kinh tế, mà còn làm đảo lộn các giá trị xã hội.
Trên thực tế, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng ngày càng doãng ra. Điều đó được chứng minh bằng mức độ chênh lệch về thu nhập giữa 20% số người có thu nhập cao nhất và 20% số người có thu nhập thấp nhất. Chẳng hạn, 20% số người có thu nhập cao nhất gấp 4,3 lần 20% số người có thu nhập thấp nhất vào năm 1993; nhưng vào năm 1996, con số đó là 7,3 lần và năm 2002 là 8,14 lần. Nếu như nạn tham nhũng không được đẩy lùi và Nhà nước không có những biện pháp hữu hiệu hỗ trợ cho người nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì trong thập kỷ tới, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
Tình trạng thiếu việc làm, sự phân hóa giàu nghèo lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Bên cạnh tình trạng thất nghiệp và sự phân hoá giàu nghèo có nguy cơ ngày càng tăng, tệ nạn xã hội và tội phạm cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, có thể rút ra nhận định một cách khái quát rằng, kể từ năm 1986 đến nay, tệ nạn xã hội ở Việt Nam phát triển mạnh về quy mô và số lượng, tính chất hoạt động của các tệ nạn xã hội này ngày càng tinh vi. Tình hình tội phạm hình sự có nhiều biểu hiện phức tạp. Tổng số vụ phạm pháp hình sự tuy không gia tăng đột biến, nhưng số vụ trọng án tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao.
Điều đáng lưu ý là, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển giao lưu kinh tế quốc tế, các hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng phát triển mạnh mẽ. Đó là hiện tượng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam và người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Một số loại tội phạm nguy hiểm trước đây chưa từng thấy ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện, như tội buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới Trung Quốc và Campuchia, tội vận chuyển và buôn bán chất ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác, tội rửa tiền, bắt cóc con tin, v.v.. Do mở rộng giao lưu, việc xuất nhập cảnh vào Việt Nam thuận lợi hơn trước nên nhiều tên tội phạm gây án ở nước ngoài rồi tìm cách chạy vào Việt Nam để ẩn náu, thậm chí nhiều tên còn tiếp tục gây án tại Việt Nam. Trái lại, một số tên tội phạm đã gây ra những vụ án nghiêm trọng ở Việt Nam rồi tìm cách chạy trốn ra nước ngoài hòng lẩn tránh sự trừng trị của pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm vụ phạm tội do người nước ngoài từ hơn 20 quốc tịch khác nhau gây ra ở Việt Nam và hàng chục người Việt Nam gây án ở nước ngoài được xử lý và dẫn độ về Việt Nam.
Ngoài thách thức về kinh tế và xã hội, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức không nhỏ về văn hóa. Thực ra, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, sự lo ngại về khả năng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là mối lo chung của các nước đang phát triển. Một số học giả cho rằng, những luồng văn hóa ngày nay đang bị mất cân bằng, thiên mạnh theo hướng từ những nước giàu chuyển sang và gây áp lực đối với những nước nghèo. Người ta cũng nói nhiều đến thứ hàng hoá không trọng lượng với hàm lượng tri thức cao, chứ không phải là hàm lượng vật chất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất hiện nay của Mỹ không phải là máy bay hay ô tô, mà là ngành vui chơi giải trí - phim của Hollywood. Ngành này có tổng thu nhập lên tới 30 tỷ USD năm 1997. Nhờ các mạng lưới thông tin đại chúng trên toàn cầu và công nghệ truyền thông qua vệ tinh, những phương tiện thông tin đại chúng có sức bành trướng khắp toàn cầu. Những mạng lưới này đã đưa Hollywood tới tận những làng quê hẻo lánh. "Sự hiện diện khắp nơi của những nhãn hiệu Nike, Sony đang thiết lập nên những chuẩn mực xã hội mới từ Đêli đến Vacsava, tới Riô đơ Janerô. Những cuộc tấn công dữ dội đó của văn hóa nước ngoài có thể đe doạ tính đa dạng văn hóa, và khiến cho dân chúng lo sợ đánh mất bản sắc văn hóa của mình"(8).
Theo báo cáo phát triển người của UNDP năm 1999, từ 1980 đến 1998, các sản phẩm và dịch vụ văn hoá tăng lên gấp 5 lần. Trong quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp văn hoá trở thành một ngành kinh tế; các dịch vụ và sản phẩm văn hoá như là một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Năm 1998, 5 nước xuất khẩu văn hoá lớn nhất trên thế giới là Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc đã xuất khẩu 53% các sản phẩm, dịch vụ văn hoá trong khi vẫn duy trì tỷ lệ nhập khẩu là 57%. Năm 2000, gần một nửa những ngành công nghiệp văn hoá được đặt cơ sở tại Mỹ, 30% được đặt tại châu Âu và phần còn lại đang có mặt ở châu Á. Về mặt phim ảnh, 85% các bộ phim có mặt trên thế giới được sản xuất ở Hollywood, trong khi đó ở châu Phi, mỗi năm trung bình chỉ có 42 bộ phim được xuất xưởng. Ở Chi Lê và Costa Rica, 95% các bộ phim được nhập khẩu từ Mỹ(9).
Một số số liệu trên đây cho thấy, các nước giàu có có khả năng sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm văn hoá của mình đi khắp các nước trên thế giới; trong khi đó, các nước nghèo, các nước đang phát triển không có khả năng làm điều đó. Các nước đang phát triển không thể đương đầu nổi với các nước phát triển trong cuộc cạnh tranh về các sản phẩm văn hoá. Tình hình đó tạo ra một thực tế là, văn hoá của các nước giàu được giới thiệu nhiều và thâm nhập sâu vào các nước nghèo, các nước đang phát triển, còn văn hoá của các nước nghèo thì không được biết đến ở các nước giàu, các nước phát triển. Văn hoá của các nước đang phát triển khó và không có khả năng xâm nhập vào các nước phát triển.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Nhờ ưu thế của việc sử dụng tiếng Anh, nhờ Internet, văn hoá của các nước lớn nhanh chóng được phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Những sản phẩm văn hoá của các nước phát triển nhanh chóng được giới trẻ ở các nước chưa phát triển và đang phát triển tiếp thu nhờ việc họ biết sử dụng máy vi tính và tiếng Anh. Thay vì đọc những câu truyện ngụ ngôn mang tính dân tộc, những câu truyện cổ tích và những sản phẩm văn hoá của dân tộc, giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến các trò chơi trên máy vi tính được sản xuất ở các nước phát triển. Điều đó có nguy cơ dẫn tới chỗ bản sắc của thế hệ trước và bản sắc của thế hệ hiện tại là khác nhau. Đúng như một học giả Nga đã nhận định: “Toàn cầu hoá đang giáng một đòn mạnh vào các dân tộc ít người. Vấn đề là ở chỗ, do quá trình hội nhập mạnh mẽ mà có sự đứt gãy các truyền thống và tập quán cũ, chức năng giao tiếp của các dân tộc nhỏ giảm mạnh. Trên thực tế, các ngôn ngữ này chỉ còn sử dụng trong sinh hoạt, giao tiếp thường ngày. Thế hệ trẻ không thích nói tiếng mẹ đẻ. Điều đó dẫn đến chỗ cùng với thời gian, lớp trẻ hoàn toàn từ bỏ thứ tiếng của cha ông mình. Do đó, dần dà cả văn hoá của dân tộc nhỏ bé cũng sẽ biến mất, vì ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất của văn hoá”(10).
Như vậy, đứng về khía cạnh văn hoá, toàn cầu hoá mang lại 2 bất lợi cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đó là, thứ nhất, những sản phẩm và dịch vụ văn hoá rất khó thâm nhập vào thị trường của các nước phát triển và không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá của các nước phát triển. Xét về mặt kinh tế, điều đó bất lợi cho các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, bởi vì công nghiệp văn hoá ngày nay đang mang lại một nguồn lợi khổng lồ.Thứ hai, điều này quan trọng hơn, toàn cầu hoá có nguy cơ đe doạ và làm mất bản sắc văn hoá của các dân tộc.
Có thể nói, ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, sự lo sợ về mất bản sắc văn hoá, sự đồng nhất về văn hoá và sự huỷ hoại nền văn hoá của các dân tộc là trung  tâm của cuộc tranh luận về toàn cầu hoá. Các cuộc biểu tình, phản đối toàn cầu hoá ở Seatle, ở Davos và Geneva đã khẳng định rằng, vấn đề toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn(11).
Ngay trong lĩnh vực triết học, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học ở châu Á hiện nay đang phải đối mặt với một tình thế tương tự. Hầu hết các nước châu Á đã trải qua luật lệ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Chủ nghĩa thực dân không chỉ khai thác các nguồn lực vật chất, như tài nguyên thiên nhiên ở các nước thuộc địa, mà còn cắt đứt quan hệ của người bản địa với những di sản văn hoá, trí tuệ và tinh thần của họ, tức là với những cái tạo nên bản sắc của họ. Sau khi giành được độc lập về mặt chính trị khỏi ách đô hộ của thực dân, hầu hết các nước châu Á vẫn còn chịu cảnh nghèo đói về vật chất và đánh mất bản sắc, đã tích cực đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế dưới chiêu bài của hệ tư tuởng “hiện đại hoá”, mà trên thực tế là “phương Tây hoá” và “Tư bản hoá”. Sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các siêu cường tư bản chủ nghĩa không còn đối trọng, nhanh chóng mở rộng chiến lược toàn cầu. Các nước ở châu Á bị lôi cuốn vào quá trình toàn cầu hoá. Ưu thế của văn hoá phương Tây ở châu Á cũng không loại trừ lĩnh vực triết học(12).         
Rõ ràng là, sự lo sợ đánh mất bản sắc là có cơ sở. Ngay ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo cũng như nhiều học giả đã rất quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, Việt Nam là nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống văn hóa đó đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, nền văn hóa Việt Nam không những không bị mất bản sắc, mà còn tiếp thu, hoàn thiện thêm bởi các nền văn hóa nước ngoài, như văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp, văn hóa Nga và cả văn hóa Mỹ. Mặc dù vậy, không ai và không có gì có thể đảm bảo được rằng, con người Việt Nam sẽ không đánh mất bản sắc của mình trước xu thế toàn cầu hoá, nếu như mỗi người Việt Nam cũng như mỗi cơ quan, tổ chức không có những hành động cần thiết. Bởi lẽ, văn hóa bao giờ cũng mang tính lịch sử - cụ thể, một mặt, là sản phẩm của sự phát triển kinh tế - xã hội, và mặt khác, luôn chịu sự tác động của chính bản thân văn hóa.
Trên đây là một số thách thức mà Việt Nam đã và đang gặp trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nói tới những thách thức đó không có nghĩa là chúng ta hãy đóng cửa lại để từ bỏ con đường hội nhập với thế giới. Như trên chúng tôi đã trình bày, toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu. Do vậy, đóng cửa sẽ không phải là giải pháp tốt. Phải khẳng định trong thời đại ngày nay, nếu nước nào đóng cửa thì tất yếu sẽ bị cô lập và bị bật ra khỏi quĩ đạo phát triển của thế giới. Những sai lầm của Trung Quốc trong giai đoạn cuối đời Thanh và những năm tiến hành cách mạng văn hóa, cũng như thực tiễn những năm xây dựng đất nước trước đổi mới ở Việt Nam là những bài học vô cùng bổ ích đối với chúng ta.
Từ xu thế của thế giới và thực tế của Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ động và tích cực hội nhập là con đường tốt nhất để tranh thủ cơ hội và vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Đúng như Mahatma Gandhi đã khẳng định một cách hùng hồn rằng: "Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị bao quanh bốn phía và các cửa sổ bị đóng kín. Tôi muốn làn gió văn hóa của tất cả các xứ sở thổi quanh nhà tôi một cách tự do đến mức có thể. Song tôi không cho phép bất kỳ điều gì làm nghiêng ngả đôi chân của mình"(13). Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vẫn hội nhập vào xu thế phát triển của thế giới, nhưng vẫn giữ được cái riêng của dân tộc mình, không tự đánh mất mình.
Như mọi người đều biết, bất kỳ sự biến đổi và phát triển nào trong xã hội, suy cho đến cùng, cũng do con người quyết định; con người vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên của vở kịch về chính bản thân mình. Vì vậy,để tranh thủ được cơ hội, vượt qua những thách thức của toàn cầu hóa, việc chuẩn bị và bồi dưỡng con người về mọi mặt trong quá trình hội nhập là hết sức quan trọng.
Khi nói đến quá trình nuôi dưỡng và chuẩn bị nguồn nhân lực, người ta thường nói tới vai trò của giáo dục và đào tạo. Bởi vì, nói đến nguồn lực con người đóng vai trò quyết định thì không phải là nói đến số lượng của nguồn lực đó, mà điều quan trọng hơn là chất lượng của nó, tức là nói đến những con người đã qua giáo dục, đào tạo.
Thực tế, ngày nay không một quốc gia nào trên thế giới không nói đến vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng nào lại tuỳ thuộc điều kiện, hoàn cảnh lịch sử  -  cụ thể của từng nước.
Trong những năm gần đây, ở nước ta, người ta nói nhiều đến lợi ích của giáo dục, đào tạo trong việc nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trong nội dung của giáo dục và đào tạo, cái được nhấn mạnh hơn cả là ưu tiên giáo dục khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm tạo ra khả năng thích ứng và tiếp nhận công nghệ. Sự nhấn mạnh như vậy là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, nhất là đối với một nước mà đại bộ phận lực lượng lao động vẫn còn là lao động phổ thông như nước ta.
Tuy nhiên, một trong những nội dung giáo dục và đào tạo cần quan tâm đó chính là vấn đề giáo dục và phát huy truyền thống của dân tộc, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc nhằm phát huy và khơi dậy tinh thần dân tộc. Trong suốt lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta đã phát huy tốt các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi công dân. Song, trong những năm qua, dường như việc giáo dục truyền thống và ý thức công dân chưa được chú ý đúng mức.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, phải tạo được những con người vừa có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại, vừa có trách nhiệm cao với Tổ quốc và đất nước. Chỉ có như vậy, đất nước ta mới tránh được các nguy cơ tụt hậu và sánh vai được với các cường quốc năm châu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi./.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Quyền Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Quyền Tổng biên tập Tạp chí Triết học
(1) Xem: Yusuf Ornek. Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá. Báo cáo tại Đại hội triết học lần thứ XXI, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
(2) U.Bek Toàn cầu hoá là gì?  Mátxcơva, 2001, tr.14 -15. Trích theo: Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005, số TN 2005 - 37, tr. 4.
(3) Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005,  số TN 2005 -37, tr. 7.
(4) Xem: Báo cáo phát triển con người 1999. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 3.
(5) Kofi Annan. Phải chăng chúng ta vẫn bảo toàn được các giá trị phổ biến. Viện Thông tin Khoa học xã hội. Tài liệu phục vụ nghiên cứu, 2005, số: TN 2005 -36.
(6) UNDP. Human Development Report 1991. New York 1991, p.120; Human Development Report 2002. New York 2002, p.151.
(7) Xem: Choi Sang Yong. Dân chủ châu Á và những kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tạp chí Korea focus, 1999, Vol.7, No.5, p.39.
(8) Xem: Báo cáo phát triển con người 1999.  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.5.
(9) Yusuf Ornek. Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá. Báo cáo tại Đại hội triết học lần thứ XXI, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
(10) Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005,  số TN 2005-37, tr. 7.
(11) Trong mấy năm gần đây, riêng Hội đồng Nghiên cứu Triêt học và Giá tri (Mỹ) đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều seminar hoặc hội thảo xung quanh chủ đềToàn cầu hoá và bản sắc văn hoá, chẳng hạn như: Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá (Seminar mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2002), Sự đối thoại giữa các nền văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá (được tổ chức trước thềm Đại hội Triết học lần thứ XXI vào tháng 8 năm 2003 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), Truyền thống văn hoá và tiến bộ xã hội (được tổ chức vào tháng 6 năm 2004, tại Thượng Hải, Trung Quốc), Toàn cầu hoá và tinh thần dân tộc (được tổ chức vào tháng 7 năm 2004 tại Vũ Hán, Trung Quốc), v.v.. Tại các hội thảo đó, các học giả đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đều khẳng định toàn cầu hoá có nguy cơ huỷ hoại bản sắc văn hoá của các dân tộc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc; trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc đối thoại giữa các nền văn hoá với nhau là cần thiết để giữ gìn bản sắc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của dân tộc khác.
(12) Đây là cách đặt vấn đề của Hội thảo quốc tế: Giảng dạy triết học trong bối cảnh châu Á, Manila, Philippin 16-19 tháng 2 năm 2004.
(13) Xem: như trên.

5. 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét