Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Bảo tồn và phát huy giá trị Tết cổ truyền dân tộc


Bảo tồn và phát huy giá trị Tết cổ truyền dân tộc


Tết có nghiã là “tiết”. Tiết là tiết trời, là một khoảnh khắc thời gian đánh dấu sự vận chuyển của tự nhiên trong bốn mùa của một năm.
Theo lịch âm (nông lịch) của người Trung Quốc xưa, trong năm có bốn mùa, mỗi mùa có 3 tháng, mỗi tháng có một tiết và một khí. Thí dụ, ở mùa xuân, tháng giêng có tiết lập xuân, khí vũ thủy (mưa rào), tháng 2 có tiết kinh trập (sâu nở), khí xuân phân, tháng 3 có tiết thanh minh, khí cốc vũ (mưa rào); mùa hạ, tháng tư có tiết lập hạ, khí tiểu mãn (nước đầu nguồn), tháng 5 có tiết mang chủng măng nhô lên, khí hạ chí, tháng 6 có tiết tiểu thử (nóng ít), khí đại thử (nóng nhiều); mùa thu, tháng 7 có tiết lập thu, khí xử thử (tránh nắng); tháng 8 có tiết bạch lộ (nắng nhạt), khí sương giáng (sương xuống); mùa đông, tháng 10 có tiết lập đông, khí tiểu tuyết, tháng 11 có tiết đại tuyết, khí đông chí, tháng 12 có tiết tiểu hàn, khí đại hàn.
Ở Việt Nam, cư dân nông nghiệp thường tổ chức một Tết theo chu kỳ mùa vụ. Một năm có nhiều tiết do đó cũng có nhiều Tết. Có Tết to (Tết cả) đánh dấu sự chuyển giao của một năm và Tết bé (Tết con) đánh dấu khoảnh khắc quan trọng của một mùa.
Mùa xuân - mùa mở đầu cho một năm mới có Tết cả (Tết Nguyên đán ngày 30 tháng Chạp, ngày 1 và 2 tháng Giêng), Tết Nguyên tiêu (15-1), Tết Hàn thực (3-3). Mùa hạ có Tết Đoan ngọ (5-5). Mùa thu có Tết Trung thu (15-8). Mùa đông có Tết Cơm mới (10-10).
Tết Nguyên đán to nhất trong năm nên được tổ chức trong 3 ngày, còn các Tết con chỉ được tổ chức trong một ngày.
Tết Nguyên đán là mốc chuyển giao của năm cũ sang năm mới. Năm mới bắt đầu từ mùa xuân khi khí dương ấm áp tràn đầy, trời có mưa xuân, có nắng xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, chim hót véo von, người dân sau một năm lao động vất vả, tổ chức ăn Tết, hy vọng một năm mới tốt lành.
Từ ngàn năm nay, việc tổ chức Tết Nguyên đán đã trở thành phong tục, tập quán, là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Theo đó, mọi hoạt động trước và sau Tết để có một cái Tết đầm ấm, sum họp đều gắn liền với từ Tết. Tết có nhiều nội dung như sắm Tết, lễ Tết, chúc Tết, ăn Tết, chơi Tết, tuy nhiên nói đến Tết - người ta thường nhắc tới nét đặc sắc nhất góp phần quyết định nhất tạo nên văn hóa Tết, đó là: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Cây nêu là một biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đó là một cây tre tươi được dựng ở trước cửa nhà, trên ngọn có treo chuông khánh và dải phướn xanh, đỏ của nhà Phật, ở phía dưới gốc được vẽ bằng vôi trắng một vòng cung, giữa có hình mũi tên. Theo người xưa, trồng cây nêu để khẳng định đất của người là do Phật đã định sẵn, lũ quỷ đừng có xâm phạm. Nếu quỷ ở xa nghe tiếng chuông khánh kêu, nhìn thấy màu cờ phướn xanh, đỏ, hoặc đến gần trông thấy vạch vôi, thì biết đó là đất người ở, không được xâm phạm. Do vậy Tết đến, nhà nào cũng trồng cây nêu để ăn Tết vui vẻ, không sợ bị quỷ quấy phá. Cây nêu phản ánh ước vọng về cuộc sống bình yên của người xưa trong cuộc đấu tranh với mọi thế lực xấu mang ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc. Thời hiện đại, còn ít gia đình dựng cây nêu, vì không mấy ai tin vào ma quỷ, tuy nhiên ước vọng về hòa bình, về cuộc sống bình yên vẫn không bao giờ hết trong đời sống của người dân Việt.
Tràng pháo (bánh pháo được kết từ nhiều quả, nối dài) là một đặc trưng của Tết Nguyên đán. Pháo được dùng trong dịp Tết nên gọi là pháo Tết. Xưa có những làng có nghề làm pháo nổi tiếng như Bình Đà ở Hà Đông cũ, Đồng Kỵ ở Bắc Ninh. Pháo tết có nhiều loại: pháo bánh, pháo lẻ từng quả, pháo đùng (quả to và tiếng nổ to), pháo dây, pháo ném... Trước Tết, trẻ con hay đốt loại pháo con, từng quả, tiếng nổ đì đẹt nghe rất vui tai. Thời điểm đốt pháo được nhiều người chọn nhất là phút sang canh (Giao thừa). Địa điểm đốt pháo tốt nhất là bậc thềm nhà. Để cho pháo nổ giòn, nổ hết, người ta phải gói và để pháo nơi khô ráo. Nếu đốt pháo mà không nổ hết, hoặc xịt nhiều là không may mắn. Pháo nổ đêm Giao thừa - thời điểm chuyển giao của năm cũ và năm mới, do hơi nóng của pháo, khí dương từ ngoài sân tràn vào nhà, tống khí âm lạnh ra, xác pháo sắc hồng tươi tắn trải ở thềm, trong nhà và ngoài sân mang hơi ấm biểu trưng cho may mắn, tốt lành của năm mới. Gia đình khá giả thì sáng mồng một Tết, lúc bình minh lại đốt một bánh nữa, và sáng mồng hai một bánh. Nếu 3 ngày Tết đều có tiếng pháo nổ giòn giã thì vận may mắn tốt lành đến nhiều. Ngày nay, vì lý do an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Nhà nước đã bỏ tục đốt pháo Tết. Nhân dân, đặc biệt là người dân ở các làng nghề làm pháo xưa chấp hành nghiêm chỉnh vì thấy cái lợi là tiết kiệm, đỡ lãng phí, không lo cháy nhà, chết người do làm pháo, đốt pháo. Hiện nay, vẫn còn những kẻ do hám lợi, bất chấp chính sách, pháp luật của Nhà nước lén lút thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển pháo lậu qua biên giới, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội, cần phải nghiêm khắc lên án, trừng phạt.
Sau cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh là hương vị đặc biệt của Tết Nguyên đán. Trong chuyện bánh chưng, bánh dày, người xưa quan niệm đất vuông tượng trưng cho Mẹ. Mẹ đất cho mùa màng, nuôi sống con người. Lang Liêu - hoàng tử nghèo đã dâng lên vua Hùng là người có công mở nước sản phẩm quý nhất của Mẹ đất, đó là bánh chưng để tỏ lòng biết ơn vua cha. Vậy nên, bánh chưng xanh ngày Tết không chủ có ý nghĩa ẩm thực, mà còn có ý nghĩa sâu xa là nhắc nhở mọi người nhớ ơn công cha nghĩa mẹ, nhớ về nguồn cội của tổ tiên nòi giống Lạc Hồng.
Để có bánh chưng Tết, từ tháng 10 âm lịch khi thu hoạch vụ mùa, nhà nào cũng chú ý chọn một số lượng nếp cái hoa vàng ngon để dành đến Tết. Trước Tết khoảng 10 ngày, các phiên chợ Tết được mở ra. Đi chợ Tết để sắm Tết và chơi Tết. Ở chợ Tết, dù ở nông thôn hay thành thị, những thực phẩm như lợn, gà, cá, rau quả, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương… được mua bán nhộn nhịp. Để có nồi bánh chưng như ý, mỗi gia đình phải chuẩn bị nhiều thứ như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hành, hạt tiêu, lạt giang, củi. Thứ lá để giữ cho bánh có màu xanh thắm là lá dong. Lá dong được cắt hái từ trong rừng ở các tỉnh miền núi. Lá dong phải là lá nếp, nếu ai không biết chọn, tham tàu to dễ bị mua phải lá tẻ. Bánh chưng gói lá tẻ màu sẽ trắng nhạt, là điều kiêng cần tránh.
Để gói bánh chưng, người ta có thể gói bằng khuôn cho đều, song những người gói giỏi thì không cần khuôn, họ có thể gói bằng tay không, bánh vẫn vuông và đẹp. Để có bánh chưng ngon, gạo nếp phải được chọn kỹ. Nếp cái hoa vàng được xay giã cẩn thận, vo sạch để ráo nước mới gói. Khi gói, người ta không quên sóc một ít muối cho bánh có vị đậm. Bánh ngon không chỉ cần có gạo nếp thơm mà còn phải có nhân. Nhân bánh gồm có nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là đậu và thịt. Đậu xanh để làm nhân cũng được chọn cẩn thận từ vụ thu hoạch trước. Đậu làm nhân có thể thổi xôi đậu, giã mịn, hoặc cũng có thể gói bằng đậu xay để sống. Thịt gói đương nhiên phải là thịt lợn ngon, nếu chọn được thịt mông là tốt nhất. Thịt thái miếng dài, to, có trộn hạt tiêu, nước mắm ngon đặt giữa hai lớp đậu và gạo, khi nấu bánh, phần mỡ cháy thấm vào bánh, chỉ còn lại nhân thịt tạo nên mùi vị thơm ngon hấp dẫn người ăn. Bánh chưng là món không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về. Có bánh chưng, trước là để dâng cúng tổ tiên, nhớ đền ơn nghĩa, sau là ăn Tết.
Mâm cơm Tết bao giờ và nhất thiết phải có đĩa bánh chưng. Tuy nhiên, thời trước cách mạng Tháng Tám thành công, không phải nhà nào cũng có gạo nếp để nấu bánh cúng tổ tiên và ăn Tết; nhà nghèo lo được ít gạo nếp thổi xôi cũng đã là quý lắm rồi. Do cuộc sống lo đủ hôm nay, có lẽ người ta không còn tâm lý lo toan hoặc mãn nguyện để có nồi bánh chưng Tết nữa. Song dù có cuộc sống có đổi thay, thì bánh chưng ngày Tết cũng đã đi vào tâm thức người dân Việt, góp phần tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ của văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam. 
Trong các món ăn ngày tết thì thịt mỡ, dưa hành cũng là hai món ăn không thể thiếu. Người xưa có câu: “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”. Trong ba ngày Tết, vừa được nghỉ ngơi lại vừa được ăn thức ăn có nhiều chất béo như thịt mỡ…thì để tiêu hóa tốt khi ăn thịt mỡ (mang tính âm) người ta thường có món dưa hành (hành củ già muối dưa có vị chua mang tính dương) góp phần làm tiêu mỡ, đỡ ngấy. 
Đặc biệt, cùng với cây nêu, tràng pháo, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, được chú ý nhất và cũng là đặc trưng nhất của Tết cả  chính là câu đối.
Câu đối Tết là thú chơi thanh tao của mọi người, mọi nhà (thứ nhất chơi chữ, thì nhì chơi tranh, thứ ba chơi sành, thứ bốn chơi gỗ).
Câu đối là hai vế đối nhau được treo hoặc dán trên tường hoặc cột trụ. Câu đối viết bằng chữ Hán xưa nhất gồm hai chữ “đối” và “liên”. “Đối” là chỉ sự vật thành đôi, “liên” là có hàm ý kết hợp, liên kết. Câu đối là những câu chữ thành đôi, vì thế phải có hai vế thì mới là câu đối. Câu đối Tết là một loại hình thức nghệ thuật đặc thù được sử dụng bằng ngôn ngữ sinh động, đẹp đẽ để diễn tả tư tưởng, tình cảm, sự vui mừng và cả những ước vọng của con người khi Tết đến, Xuân về.
Câu đối chúc mừng Tết Nguyên đán là câu đối Xuân (xuân liên), sử dụng vào mùa xuân có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tương truyền, vào thời Tần, Hán cách ngày nay khoảng hơn 2000 năm, cư dân của vùng Trung Nguyên đón Tết mùa xuân, thường lấy hai cành đào treo hai bên cửa ra vào, trên đó vẽ hình của hai anh em có tài bắt ma có tên là Thần Trà và Úc Lỗi, được tôn xưng là Vị Thần giữ cửa (Môn Thần). Mục đích của việc này nhằm trấn áp yêu tà, xua đuổi ma quỷ, cầu đón hạnh phúc, nghênh tiếp cát tường. Phong tục này được kéo dài hơn 1000 năm, cho đến thời kỳ Ngũ đại thế kỷ X, đặc biệt vào triều Đường, cùng với sự hưng thịnh của thể văn biền ngẫu và luật thơ, tao nhân mặc khách bắt đầu sử dụng những câu chúc mừng cát tường để thay thế cho hình ảnh vị Thần giữ cửa. Từ đó trở đi, nội dung của bùa chú cây đào đã có sự thay đổi về chất. Người ta đã viết lên trên hai cành đào những câu văn theo thể biền ngẫu. Theo ghi chép của “Tống sử Thục thế gia” (Thế gia của triều Thục, trong bộ Tống sử) thì Hoàng đế của triều Hậu Thục thời kỳ Ngũ đại là Mạnh Sưởng có thói quen: “Mỗi khi đến đêm ba mươi, sai học sĩ làm bài từ, chép vào bùa chú cây đào, đặt ở bên phải, bên trái của phòng ngủ. Cuối năm 964 sau CN, học sĩ Tân Dần Tốn theo lệnh đương kim Hoàng đế soạn một bài từ, Mạnh Sưởng thẩm duyệt cho rằng chưa được hay, bèn tự tay ngự đề: “Tân niên nạp dư khánh, Hỷ tiết hiệu trường xuân” (Năm mới thu nhiều phúc, Tết vui gọi mãi xuân). Giới nghiên cứu Trung Quốc đều coi đây là câu đối đầu tiên được xuất hiện trong quốc gia này.
Đến đời Tống (960-1279), việc treo câu đối mùa xuân mỗi khi Tết đến đã trở thành một phong tục phổ biến trong dân gian. Vương An Thạch từng viết câu thơ: “Thiên hộ vạn hộ đồng đồng nhật, Tổng bả tân đào hoán cựu phù” (Bình minh một ngày tới, muôn nhà nghìn cổng đều dùng cành đào mới thay cho bùa chú cũ). Đây chính là một sự miêu tả chân thực đối với cảnh tượng đầu năm mới treo câu đối trong dân gian. Trong đó, xuất hiện mối quan hệ câu đối xuân và cụm từ bùa chú cây đào (đào phù), vì thế đời sau gọi đào phù để chỉ câu đối mùa xuân (xuân liên). Sau này, mọi người dần dần dùng giấy để viết câu đối thay cho cành đào.
Trong thời Minh, giấy đỏ đã được sử dụng để thay cho cành đào viết câu đối, giống như câu đối ngày nay được các ông đồ bày trên phố mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Sang thời Thanh, đặc biệt, thời gian hơn 122 năm trị vì thịnh trị của hai triều vua ông cháu là Khang Hy (1661-1722) và Càn Long (1736-1796), nghệ thuật câu đối càng trở nên hoàn mỹ, đạt đến trình độ đỉnh cao. Đương thời, từ cung điện xa hoa của triều đình cho đến những ngôi nhà lợp cỏ gianh tại các miền quê xa xôi, đều có câu đối trang hoàng ngay trước cổng ra vào. Câu đối được sử dụng rộng rãi tại mọi nơi, không chỉ vì nội dung câu đối đề cập đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, mà nghệ thuật thư pháp cũng đạt tới tầm cao. Chính vì vậy, câu đối đã có sức lôi cuốn hàng triệu triệu người thưởng thức và yêu mến.
Ở Việt Nam, chữ Nôm hình thành từ thời Trần và có một địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Đến thời Lê Mạt, câu đối Nôm được nhiều người làm như Hồ Xuân Hương, Phạm Thái. Ở thời Nguyễn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến đã để lại nhiều câu đối Nôm tuyệt tác. Câu đối Nôm với câu đối chữ Hán song song tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Thời cách mạng, câu đối bằng chữ Quốc ngữ được nhiều người viết, chiếm vị trí quan trọng trong giáo dục tư tưởng trong nhân dân. Tết đến, Xuân về, nhà nhà khang thái, vui đón mùa xuân. Hình ảnh ông đồ già mài mực bên giấy điều đỏ, viết câu đối trong phiên chợ Tết đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa Tết...
Có nhiều câu đối tết hay được treo trong các gia đình, dòng họ như:
- Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà
- Trăm hoa đua nở đón ngày xuân
Hạnh phúc tươi vui mừng tuổi mới
- Chín chữ cù lao(1) công đức nặng
Một lòng thành kính khói hương thơm
- Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ                                                                                        
Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà
- Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa Xuân
Người có trăm tính, hiếu thảo là trước hết
- Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về
- Đa phúc đa tài đa phú quý
  Đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm
- Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang.
Ngoài ra để có cái Tết đầy đủ trọn vẹn người ta còn phải sắm những thứ cần thiết như chuối xanh, cam, bưởi để bày ngũ quả, hương vòng, hương nén thơm, trầu cau, áo mới cho trẻ và đặc biệt là hoa. Hoa Tết truyền thống là hoa đào và cây quất. Hoa đào thường có hai loại là cây và cành. Nhà khá giả thường chơi cây đào thế. Đào thế được trồng ngoài đồng, Tết được đánh lên đặt trong chậu. Đào thế có nhiều thế khác nhau như ngũ phúc, tam đa, rồng chầu... Có người thích màu hồng nhạt của giống đào phai, nhiều người lại ưa màu đỏ thẫm của đào bích.. Cành đào thường được cắm trong lọ lộc bình trên bàn thờ gia tiên. Hoa đào vừa có sắc lại vừa có hương, là biểu tượng cho cái đằm thắm, tươi mới của mùa xuân, mang hạnh phúc đến với mọi nhà.
Ở Hà Nội có làng đào Nhật Tân nổi tiếng. Giờ do quá trình đô thị hóa, tấc đất là tấc vàng, cảnh cánh đồng đào Nhật Tân trước đây không còn nữa, song người Hà Nội đã biết lưu giữ giống đào bích Nhật Tân bằng cách trồng ngoài bãi sông Hồng…Vì thế sắc hoa đào Tết vẫn rực rỡ trên chợ hoa phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào. Và giờ đây, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định... cũng trồng đào đáp ứng nhu cầu người dân trong ngày Tết cổ truyền. Các loài hoa khác cũng được dùng nhiều trong các gia đình ngày Tết như: huệ, hải đường, lay ơn, thược dược, cúc vàng… Hoa huệ, hoa hải đường để thờ vì hương sắc được cả. Hoa dơn, thược dược, viôlet, cúc vàng, hoa hồng cắm lọ ở phòng khách. Những gia đình khá giả ở Hà Nội có thú chơi hoa thủy tiên thanh tao, biểu tượng cốt cách người quân tử. Xưa, vua thì chơi hoa lan, còn quan thời thì chơi hoa trà. Thời nay, kinh tế phát triển đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng lên nhiều, không phân biệt đẳng cấp ai cũng có thể mua hoa trà và chậu lan chơi Tết.
Xã hội ngày càng phát triển, con người có nhiều cái vui mới, song không thể quên cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp đặc trưng nhất của văn hóa Tết cổ truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt./.
-----------------------
(1)"Chín chữ cù lao" chỉ công lao trời biển của cha mẹ đối với con cái: Sinh (công sinh thành), Cúc (công chăm sóc, phục vụ), Phủ  (công ôm ấp, che chở), Súc (lòng mong mỏi con khôn lớn), Trưởng (mong con trưởng thành), Dục (công dạy dỗ), Cố (công chăm sóc, quan tâm), Phục (công uốn nắn, dạy bảo), Phúc (công bao bọc, che chắn).
 PGS.TS Trần Đăng Sinh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét