Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer: Tết đoàn kết cộng đồng các dân tộc


Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer: Tết đoàn kết cộng đồng các dân tộc


Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2012 của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào ngày 13, 14 và 15-4-2012 (nhằm ngày 23, 24, 25 tháng 3 năm Nhâm Thìn). Đã từ lâu, những ngày này không chỉ là ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer nữa mà đã trở thành ngày Tết đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh – nơi có 30% dân số là đồng bào Khmer. Tết năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về thăm và cùng vui Tết với bà con Khmer.


Đua ghe ngo là môn thể thao đặc trưng của người Khmer trong các dịp lễ, Tết
Ảnh: Quốc Trung

Hàng năm vào trung tuần tháng 4 dương lịch, bà con Khmer lại tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống, tức là Tết chịu tuổi dân tộc Khmer. Từ xưa đồng bào Khơmer vẫn quan niệm, đây là thời kỳ chuyển giao giữa hai mùa mưa – nắng, cây cỏ tốt tươi, thiên nhiên tràn đầy sức sống, nên họ đã coi đây là sự khởi đầu một năm mới, gọi là Tết Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới).

Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm viếng nhau. Vào dịp này, con cháu dù ở xa hay gần đều trở về sum họp cùng gia đình trong mấy ngày Tết.

Từ huyện Càng Long đi Tp. Trà Vinh, chúng tôi thấy các ngôi chùa đều đông vui, nhộn nhịp. Càng gần đến ngày Tết, các chùa và gia đình trong các phum, sóc càng rộn ràng không khí phấn khởi đón mừng.


Tết tại các chùa Khmer ở Cần Thơ

Tại Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Thạch Hel - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Tết năm nay bà con Khmer nhìn chung đã trúng vụ hoa màu, sau vụ lúa Đông Xuân. Nhiều bà con áp dụng kỹ thuật mới nên các rẫy hoa màu cho thu nhập khá cao. Từ sáng nay (13-4), tại mỗi ấp, các con đường và cổng nhà đều sạch sẽ, phong quang để đón năm mới. Tại các cổng chào đầu phum, sóc, đồng bào còn trang trí cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ để mừng cho nhau năm mới sẽ may mắn, mưa thuận, gió hòa.

Ngoài việc trang hoàng nơi ăn chốn ở, đồng bào Khmer còn giúp nhau chuẩn bị gạo nếp để xay bột, đậu các loại, lá chuối, lá dừa để làm các loại bánh trái như: num chruk (bánh tét), num tean (bánh ít), num knhậy (bánh gừng), num trom, num tom be (bánh men)... tất cả được gói cẩn thận, để cúng Phật và ông ba, tổ tiên và để tiếp khách trong những ngày Tết.

Những ngày này ở Sóc Trăng, không khí chuẩn bị Tết cổ truyền của bà con Khmer hết sức rộn ràng. Các hộ gia đình chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, mua sắm quần áo mới, lo nguyên liệu làm bánh tét để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Cô Diệp Thị Ngọc Thanh (ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) cho biết: "Năm nay nhờ trúng mùa lúa Đông Xuân nên không khí đón tết của bà con ở đây nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người đều sửa sang nhà cửa sạch sẽ, khang trang.” Nhiều người dân ở xã Đại Tâm cũng cho biết: Năm nay, nhà nào cũng có điện thắp sáng và có nước sạch sinh hoạt do Nhà nước cấp cho miễn phí. Nhiều gia đình nhận được đất, nhận nhà mà cứ như vừa từ một giấc mơ bước ra.


Các thành viên đang chế biến món ăn trong cuộc thi
"Bữa cơm ngày tết cổ truyền”

Ở tỉnh Vĩnh Long, đến hẹn lại lên, từ ngày 11 đến 13-4, tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer nhân Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Có mặt tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình vào đúng dịp tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer lần thứ 3, không khí nơi đây tưng bừng, náo nhiệt hẳn lên, đặc biệt tại giải đua ghe ngo (một bộ môn thể thao đặc trưng của người dân tộc Khmer) được tổ chức tại ấp Sóc Rừng. Hàng ngàn người, già trẻ lớn bé các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa khắp nơi của tỉnh Vĩnh Long kéo về đông nghịt dọc hai bên bờ sông để xem đua ghe ngo. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức cuộc thi "Bữa cơm ngày tết cổ truyền đônồng bào Khme” trong lễ hội văn hóa ẩm thực đồng bào Khmer thu hút 6 đội tham gia. Mắm bò hóc, lươn om lá nhào, bún nước lèo... là những món truyền thống của người Khmer sẽ xuất hiện trong hội thi.

Ông Trần Văn Thảo - Trưởng ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cho biết: Mấy ngày nay, bà con từ khắp nơi đổ về chùa. Người Khmer ăn Tết cổ truyền có điều thú vị hơn người Kinh đó là cứ đến ngày Tết, bà con đều tập trung vào chùa như ngôi nhà chung, tổ chức các hoạt động vui chơi. Nét đặc trưng trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây là âm thanh của dàn nhạc ngũ âm, bộ trống Sadăm như thôi thúc lòng người. Tết năm nay, ngoài việc thăm hỏi các nhà sư, các vị lão thành, tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, góp phần duy trì được nét sinh hoạt truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer.


Tiết mục bắn cung trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng
và biểu diễn thời trang đồng bàoKhmer
Ảnh: Quốc Trung

Ở TP. Cần Thơ, tuy số lượng đồng bào Khmer ít hơn các nơi khác nhưng Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố vẫn tổ chức trọng thể các buổi họp mặt và đến từng chùa thăm hỏi, chúc Tết các vị sư sãi và bà con Khmer. Với các chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào Khmer, đời sống bà con Khmer được cải thiện đáng kể.

Tết Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày Tết đoàn kết của cộng đồng các dân tộc vùng ĐBSCL.

Khánh - Minh - Trung - Hà
TP. Hồ Chí Minh:
Chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2012

Sáng 11-4, Đoàn lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm và chúc Tết chư tăng ni, Phật tử và đồng bào dân tộc Khmer tại chùa Candaransì Chantarangsay (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) nhân Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2012.

Đoàn đã trao tặng 50 phần quà (trị giá 400.000/phần) cho những hộ khó khăn người Khmer. Ông Trần Trung Tính – Phó Chủ tịch UB MTTQ TP. Hồ Chí Minh đã gửi tới chư tăng ni, Phật tử lời chúc năm mới thịnh vượng, tiếp tục truyền thống đạo lý "sống tốt đời, đẹp đạo” của dân tộc. Trong những ngày Tết, các tăng ni và Phật tử dân tộc Khmer tổ chức lễ hội mừng năm mới phong phú với các chương trình như: lễ đón năm mới và lễ rước chư Thiên, thuyết pháp, lễ bái Tam bảo, đại lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ, thai nhi bất hạnh, nạn nhân thiên tai, lũ lụt...

Cùng ngày, Đoàn lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đến chúc tết chư tăng ni, Phật tử và đồng bào dân tộc Khmer tại chùa Pothiwong (quận Tân Bình) nhân dịp Tết cổ truyền.

THÀNH LUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét