Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Tết cổ truyền và ước vọng người dân bán đảo Triều Tiên


Tết cổ truyền và ước vọng người dân bán đảo Triều Tiên


Toquoc)-Từ hơn 50 năm nay,mỗi độ Xuân về,người dân trên bán đảo Triều Tiên ngoài cầu mong hạnh phúc,no ấm còn có ước vọng cháy bỏng: hòa bình, thống nhất và đoàn tụ.

Người dân trên bán đảo Triều Tiên giống như cư dân của một số nước châu Á khác (Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ,…) đón Tết truyền thống dựa vào nông lịch (lịch mặt trăng – mặt trời), có ngày trùng hoặc gần nhau.
Những ngày mùa Đông này, khi con người bắt đầu cảm nhận được cái rét của thời tiết cũng là lúc bầu không khí chính trị trên bán đảo Triều Tiên “nóng” lên. Không chỉ là những lời đe dọa, những cuộc “khẩu chiến” giữa hai miền Nam - Bắc, tiếng súng đạn, tên lửa đã bùng lên trong đợt đấu pháo hồi cuối tháng 11. Đã có người chết, máu đổ…
Nhưng dù là vùng đất chiến tranh, xung đột, hay miền đất bình an, theo quy luật tự nhiên, Đông qua là Xuân lại đến. Mỗi độ xuân về, con người ai ai cũng cầu mong hạnh phúc, ấm no nhưng với người dân trên bán đảo Triều Tiên, từ hơn 50 năm qua, đó còn là ước vọng hòa bình, thống nhất và đoàn tụ.
Tết cổ truyền
Khác với không khí ồn ào khi tổ chức đón năm mới của các nơi khác tại châu Á, người Triều Tiên có một năm mới khá yên bình với những người thân trong gia đình. Do sự hội nhập về văn hóa, những người dân trên bán đảo Triều Tiên thường tổ chức cả 2 ngày tết là tết dương lịch và tết âm lịch. Ngày tết âm lịch ở Triều Tiên, dù là miền bắc hay Nam, được gọi là So-nal, hầu hết các thành viên trong đại gia đình từ khắp nơi trở về và cùng nhau tổ chức ngày lễ đặc biệt này.
Người Hàn Quốc cũng có phong tục lì xì đầu năm mới cho trẻ em lấy may
Ngày đầu năm, người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm, lúc mặt trời vừa ló. Mỗi người sẽ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Đến xế chiều, người ta lấy tóc rụng được thu thập trong năm đem ra đốt, mong sự bình an cho cả năm.
Tết âm lịch là lễ hội quan trọng thứ 2 tại Hàn Quốc, chỉ sau lễ Chu’usok (lễ hội thu hoạch). Hàng năm, vào dịp lễ này các thành viên gia đình thường hành hương về nơi tổ tiên đã sống hàng thế kỷ qua. Khoảng 30 trong tổng số 48 triệu dân Hàn Quốc, phần lớn là dân thành thị thế hệ thứ 1 hoặc thứ 2, chọn việc ăn tết tại quê hương. Đây cũng là dịp mà giới trẻ đi du lịch nước ngoài hoặc đi trượt tuyết.
Trong ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Triều Tiên chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái xui xẻo của năm cũ cũng như đón may mắn và tốt đẹp đến với năm mới. Những đứa trẻ sẽ cố gắng thức qua thời điểm nửa đêm vì theo truyền thuyết dân gian Triều Tiên, nếu chúng ngủ quên vào thời điểm này, mắt sẽ bị biến thành màu trắng.
Tết đến, mọi người đều diện trang phục truyền thống của dân tộc Triều Tiên mới may dành riêng cho dịp tết. Những bộ trang phục này mang màu sắc riêng, chúng được trang trí bằng 5 màu chính và được gọi là Sol-bim.
Vào sáng sớm của ngày đầu tiên năm mới, các thành viên trong gia đình quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên). Cả nhà sẽ cùng nhau dùng Ttok-kuk, món ăn được làm từ nước cơm, với chiếc bánh gạo và đậu xanh trong đó.
Ttok-kuk có ý nghĩa là “tăng xuân”, họ tin rằng vào ngày đầu tiên của năm mới nếu dùng một bát Ttok-kuk thì họ sẽ được thêm một tuổi nữa. Người Triều Tiên quan niệm khi họ thêm 1 tuổi là khi hết năm cũ chứ không phải sau ngày sinh nhật như những nơi khác.
Sau bữa sáng rất đặc biệt của ngày mồng Một tết, những người trẻ tuổi trong gia đình sẽ tổ chức nghi lễ đặc biệt chúc phúc tới ông bà trong gia đình, nghi lễ này được gọi là Sa-bae hay Sol. Nghi thức thực hiện khá cầu kỳ, đối với đàn ông, họ quỳ gối trước mặt ông bà, với 2 tay đặt trước trán, sau đó cúi thấp xuống lạy đến khi 2 tay chạm tới đất. Còn đối với phụ nữ còn phức tạp hơn thế, họ phải nhờ người đỡ để ngồi được bằng 2 tay, sau đó phải quỳ lạy ông bà bằng hông. Còn đối với những đứa trẻ, nghi lễ này thật thú vị, sau màn quỳ bái, chúng nhận được những phong lì xì nhiều màu từ ông bà, được gọi là Bok-ju-mo-ny, trong đó có những món tiền nhỏ với lời chúc mau ăn chóng lớn từ ông bà.
Sau nghi lễ chúc phúc, bọn trẻ ùa ra đường, bé trai tham gia cùng nhau thả diều và chơi quay còn các bé gái tham gia chơi bập bênh cùng nhau. Ở trong nhà, những người khác tham gia trò chơi dân gian Yut-no-ri. Những ngày tết là thời gian giải trí vui vẻ nhất của tất cả người dân tại bán đảo Triều Tiên, bời vì theo truyền thống từ ngàn đời, những ngày này cả đại gia đình sum họp, cùng nhau tổ chức ăn uống, trò truyện và vui chơi cả ngày.
Ước vọng hòa bình, thống nhất và đoàn tụ
Thế nhưng, Tết năm nay cũng như nhiều năm trong gần 6 thập niên qua, Tết với người dân trên bán đảo Triều Tiên không trọn vẹn bởi nỗi lo, ám ảnh chiến tranh luôn thường trực. Những vết thương mới chồng chất vết thương cũ, những gia đình ly tán mấy chục năm qua vẫn chưa một lần được đoàn tụ ngay cả trong những ngày Tết truyền thống.
ước mơ đoàn tụ của người dân trên bán đảo Triều Tiên
Bởi vì, chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc năm 1953, nhưng hòa bình “vẫn chưa bao giờ đến”, theo từ ngữ của cả hai bên. Quân đội các bên đã hạ vũ khí vào ngày 27/6/1953, 3 năm sau cuộc chiến tranh đã làm 140.000 lính Hàn Quốc, 36.000 lính Mỹ và 1 triệu dân thường thiệt mạng.
Hiệp định Đình chiến được Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (người thành lập nước và là cha đẻ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-il), đại diện Trung Quốc (cũng là bên tham chiến, ủng hộ Triều Tiên) và một tướng Mỹ đại diện Bộ chỉ huy của lực lượng Liên Hợp Quốc ký kết.
Hiệp định Đình chiến cho đến nay vẫn có hiệu lực. Những năm qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký một loạt thỏa thuận không gây chiến và không can thiệp lẫn nhau. Năm 2000, hai bên đã đạt được một cam kết bước ngoặt kêu gọi chấm dứt nhiều năm thù địch, tiến tới hòa bình và hợp tác. Hai bên đã thực thi những dự án thương mại, mỗi năm mang lại cho Triều Tiên hàng trăm triệu USD.
Năm 2010, một loạt các sự kiện đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Vụ chìm tàu Cheonan rồi hàng loạt các cuộc khẩu chiến, tập trận răn đe của Hàn Quốc – Mỹ - Nhật Bản “hâm nóng” quan hệ hai miền. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm sau vụ đấu pháo hôm 23/11. Bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến “bên miệng hố chiến tranh”, giới phân tích chính trị quốc tế nhiều lần cảnh báo về một cuộc chiến tranh nóng cục bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện, chiến tranh thế giới lần thứ 3.
Nhưng, bất cứ người dân nào trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và người dân tiến bộ trên thế giới nói chung, đều không mong muốn phải đối mặt với chiến tranh. Bởi ai cũng hiểu rằng, chiến tranh sẽ tàn phá mọi thứ, nếu bom đạn chiến tranh nổ trên bán đảo này thì sau đó mọi thứ sẽ bị hủy diệt.
Một tâm lý hoang mang, lo sợ không riêng gì với người dân trên đảo Yeonpyeong mà tất cả người dân trên bán đảo Triều Tiên.
Người Hàn Quốc lo sợ cuộc sống bình yên sau mấy chục năm gây dựng từ con số 0 sau cuộc nội chiến gần 6 thập kỷ trước sẽ bị chiến tranh phá hủy tan tành. Người Bắc Triều Tiên lo sợ ngay cả cuộc sống nghèo khó vốn đang bất ổn do thiên tai liên tiếp tấn công sẽ tệ hại hơn nếu chiến tranh nổ ra. Những bà mẹ Triều Tiên lo sợ cho tính mạng của những đứa con, bởi theo pháp luật, bất kể nam giới nào ở Hàn Quốc cũng phải đi lính ít nhất 2 năm, còn đàn ông Bắc Triều Tiên trung bình có thời gian phục vụ trong quân ngũ 10 năm/người.
Hơn bất kỳ người dân ở nơi đâu, khi Xuân về, người Triều Tiên gần 60 năm qua vẫn ước vọng về một nền hòa bình, thống nhất và đoàn tụ. Nhưng thống nhất trên bán đảo Triều Tiên phải đạt được trên bàn đàm phán, bằng con đường ngoại giao chứ không phải bằng súng đạn, thôn tín, xâm chiếm.
Cuộc chiến tranh 1950 – 1953 ngoài hậu quả là hàng triệu người thiệt mạng, còn khiến khoảng 80.000 người dân Hàn Quốc bị ly tán với người thân của họ tại Bắc Triều Tiên. Nhiều người trong số họ đã không thể chờ đợi đến ngày đoàn tụ do tuổi cao.
Kể từ hội nghị cấp cao liên Triều năm 2000 đến nay, hơn 20.800 người đã được tham gia vào các chương trình đoàn tụ ngắn ngủi với gia đình trong các cuộc gặp trực tiếp hoặc gặp thông qua băng hình. Lần mới đây nhất là hồi đầu tháng 11, chỉ ít ngày sau đó xảy ra cuộc đọ pháo khiến ước vọng đoàn tụ của những người ly tán đã cao tuổi ngày càng thêm xa vời bởi tuổi già, cái chết và tàn khốc hơn là chiến tranh.
Tuổi già và cái chết là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhưng chiến tranh do con người gây ra và chỉ con người mới có thể ngăn chặn. Những ngày gần đây, cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều có những tuyên bố mềm mỏng hơn. Người dân trên bán đảo Triều Tiên và nhân dân tiến bộ thế giới vẫn nuôi hy vọng những ước vọng hòa bình, thống nhất và đoàn tụ sẽ trở thành hiện thực trên mảnh đất bị chia cắt, xung đột mấy chục năm qua.
H.Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét