Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Độc đáo phong tục Tết cổ truyền của người Thái


Độc đáo phong tục Tết cổ truyền của người Thái

Khi màn sương còn phủ dày không gian, bước chân trên con đường quanh co vào bản người Thái nằm lọt thỏm trong thung lũng Mường Lò, tôi đã nghe xung quanh rộn lên tiếng người cười nói, tiếng lợn réo, và đâu đó thoảng lẫn trong sương sớm, hương khói bếp đang ấm lên những rộn ràng.
Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước chân vào Bản Cại, xã Thạch Lương, thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, một bản của người dân tộc Thái đen vào buổi sáng sớm một ngày giáp Tết.

Độc đáo phong tục ăn tết của người Thái đen

“Nhất Thanh – nhì Lò – tam Than - tứ Tấc”. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía bắc, cùng với Mường Thanh - Điện Biên – , Mường Thanh – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên là những địa danh nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương  thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được rất đông người biết đến. Cùng đến chung vui ngày tết với người dân tộc Thái đen ở Mường Lò mới thấy hết những nét độc đáo trong phong tục đón tết truyền thống của người dân tộc Thái đen nơi vùng cao Tây Bắc này.

Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn một triệu người, chủ yếu sống ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An. Đối với người Thái ở nhiều vùng, thường 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất tong năm sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 thì các nhà bắt đầu gói bánh chưng và chuẩn bị đồ tết trong từng nhà.

 
Trong ngày Tết, những trò chơi dân gian như tung còn, ném còn, xòe, lượn giao duyên … sẽ diễn ra khắp đầu thôn, cuối bản.

Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh. Người ta quan niệm hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà ).

Sáng 30, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt  của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu, hương không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén … nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.

Cũng không thể không nhắc tới phong tục gọi Tổ tiên “ma nhà” của người Thái. Vào tối 28, 29 hoặc 30 Tết, gia đình người Thái thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi tổ tiên trong nhà về ăn tết. Khi làm lễ gọi “ma nhà” gia đình mời thầy cúng trong bản lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn 2, 3 lần , sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.

Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ trong nhà hôm mùng một tết được đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng “ma nhà”. Sau đó, người ta dọn ra 2 hoặc 3 mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ như vậy mỗi ngày mùng một tết (hàng ngày, phụ nữ thường ăn sau hoặc ăn cùng đàn ông).

Bữa cơm tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá suối với các món nướng, chua, khô gác bếp, bánh chưng sừng trâu và các món rau thập cẩm … Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng một tết. Tối ngày mùng một họ đã làm lễ tạ ơn. Trong ngày Tết, những trò chơi dân gian như tung còn, ném còn, xòe, lượn giao duyên … sẽ diễn ra khắp đầu thôn, cuối bản. Đây là dịp để thanh niên nam nữ người dân tộc Thái cùng vui chơi, tìm hiểu nhau.

Rộn ràng ngày Tết trong Bản Cại, Mường Lò

Ngày 29 Tết chưa phải là ngày chính tết nhưng lại là một ngày đặc biệt với mọi gia đình, mọi người dân trong bản. Bởi vào ngày này tất cả gia đình đều mổ lợn từ sáng sớm, chuẩn bị mâm cơm cúng thần linh và “ma nhà”  “những người thân đã mất”, mời thần linh và “ma nhà” về cùng gia đình tất niên năm cũ, chuẩn bị một năm mới nhiều may mắn.

Mờ mờ sáng, tôi bước chân trên con đường quanh co vào bản người Thái nằm lọt thỏm trong thung lũng Mường Lò. Khi màn sương còn phủ dầy không gian sớm, tôi đã nghe xung quanh rộn lên tiếng người cười nói, tiếng lợn hộc lên eng éc, và đâu đó thoảng lẫn trong sương sớm, hương khói bếp đang ấm lên những rộn ràng. Nhà nhà trong bản đều đang mổ lợn, rửa lá dong, chuẩn bị những loại thức phẩm tươi ngon để đón mừng năm mới.

Chúng tôi vào thăm nhà ông Hoàng Văn Hào để cùng hưởng không khí tết. Ông Hào chia sẻ: “Gia đình năm nay mổ lợn to để ăn tết, con này 70 kg. Nhà ông sẽ gói hơn 100 cái bánh chưng để cảm ơn mọi người đến chúc tết gia đình. Gia đình sẽ ăn tết đến khi nào hết thịt, hết bánh thì mới thôi. Năm nay lúa tốt, gia đìnhh có nhiều thóc, nuôi được nhiều gà, nhiều lợn nên phải ăn tết dài, thịt lợn to, gói nhiều bánh. Như thế thì thần linh và “ma nhà” sẽ vui, sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới được no đủ hơn, nhiều thóc, nhiều lợn hơn …”.

Sau khi thịt lợn, gia đình soạn một mâm bao gồm thủ lợn và mỗi bộ phận của con lợn thì lấy một miếng cùng với rượu, tiết, gạo, muối và vải trắng, tất cả bày thành một mâm để ngoài sân để cúng thần linh. Nhà nào có điều kiện thì sẽ nhờ thầy mo cúng hộ, nếu không thì sẽ để người đàn ông cao niên trrong gia đình làm lễ cúng. Kết thúc việc cúng lễ thần linh thì sẽ soạn hai mâm cơm khác, một để cúng “ma nhà”, mời “ma nhà” về ăn tết và một để cúng những người là con dâu trong gia đình đã qua đời. 

Ông Hào chia sẻ: “Chỉ người Thái đen mới có phong tục này, những người con dâu khi còn sống có công phụng dưỡng gia đình và thờ cúng ông bà tổ tiên nhà chồng, thế nên khi chết đi, gia đình phải làm cơm cúng riêng cho họ để tỏ lòng biết ơn”. Năm nay nhà ông Hào mời được thầy mo trong bản về cúng thần linh, vậy nên ngoài những mâm cơm cúng, vợ và mấy người con gái, con dâu còn làm thêm hai mâm cơm nữa để mời người thân đến ăn bữa cơm cuối cùng trong năm của gia đình.

Cuối cùng, tiệc rượu luôn là lúc vui vẻ và đông đủ nhất trong những ngày này. Cả gia đình quây quần xung quanh mâm cơm và chuyện trò những câu chuyện trong năm cũ, nói những mong muốn của mình trong năm mới. Sau bữa tiệc, nếu chưa say thì các gia đình sẽ gói bánh chưng, nếu say thì sẽ gói bánh vào ngày hôm sau. Bánh chưng sẽ được luộc vào sáng ngày 30 tết để đến khi vớt bánh, những chiếc bánh đầu tien sẽ được bày trên mâm cơm cúng mừng năm mới vẫn phảo còn bốc hơi. Nếu như vậy thì năm mới sẽ được tốt hơn, nhiều may mắn hơn năm cũ.

Tối ngày 30 tết, ban thờ đặt tại một góc trang trọng và riêng biệt ở góc gia phòng chính sẽ được dọn sạch sẽ. Mâm cơm cũng có gạo, muối, gà và thịt lợn được bày lên để cúng giao thừa mừng năm mới. Cả gia đình thay quần áo mới, những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của người thái. Ông Hào là người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ làm lễ cúng thần linh mừng năm mới. 

Sau lễ cúng giao thừa, cả gia đình cũng ngồi bên mâm rượu, uống bát rượu đầu tiên trong năm và chúc mừng những điều may mắn, sung túc cho cả gia đình. Trong mâm rượu, ông Hào cho biết: "Sau ngày mùng một tết, mọi người sẽ đi chơi và chúc tết họ hàng và các gia đình trong bản, đi chúc ở đâu thì uống rượu, ăn cơm ở đó. Chiều mùng một sẽ làm lễ tạ, sau đó thì thanh niên nam nữ sẽ đi chơi xuân, người Thái sẽ chơi tết cho đến hết ngày mùng 10 âm lịch mới thôi".

Chia tay gia đình ông Hào trong ngày mùng một tết, khi những hương vị ngày tết cổ truyền trong bản thái vẫn còn thấm đậm trong men rượu lâng lâng, trong vị bánh chưng thơm bùi và những lời hát chúc mừng rộn ràng vang vọng. Một cái tết truyền thống mang những sắc màu văn hóa độc đáo của người Thái ở vùng cao nhưng lại có không ít điểm tương đồng với người ở miền xuôi khiến cho ai nấy đều có cảm giác gần gũi và ấm áp.
Pháp luật & Cuộc sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét