Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA KHU DI TÍCH LỊCH SỬ NAM KỲ KHỞI NGHĨA TỈNH TIỀN GIANG


Khu di tích toạ lạc tại ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.
Khu di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghỉa tỉnh Tiền Giang (Đình Long Hưng) với tổng diện tích 16.000m2 gồm 4 hạng mục:
1. Nhà trưng bày lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa 23/11/1940 tại hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.
2. Ngôi nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập - cán bộ cách mạng đầu tiên của Nam bộ được nhà nước tặng thưởng huân chương Sao vàng.
3. Ngôi Đình Long Hưng là căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho.
4. Nhà bia xã Long Hưng - Ghi danh 614 liệt sĩ trong đó có 02 đồng chí được nhà nước công nhận anh hùng lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh.
* Nhà trưng bày lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa:
Bức tranh ghép gốm màu nói lên hai sự kiện khác nhau về địa điểm và thời gian nhưng cùng mô tả về sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940.
Bức tranh nói về cuộc sống khổ cực của người dân Nam Bộ dưới sự thống trị của thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Cùng với sự bóc lột và tăng thuế dẫn đến người dân phải bần cùng đói khổ, bọn thực dân còn thực hiện chính sách bắt lính, đi phu để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương.
Trước tình hình đó, Tỉnh Uỷ đã lãnh đạo nhân dân đã đứng lên khởi nghĩa vào ngày 23 tháng 11 năm 1940. Theo lệnh khởi nghĩa của xứ uỷ, nhân dân khắp nơi trong tỉnh đồng lòng hưởng ứng bằng cách đặt mìn, phá cầu, phá trụ điện, tấn công vào nhà làm việc của địch. Trong thời điểm đó, tại Ngôi đình Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện bay phất phới. Tại nơi đây, thành lập chính quyền cách mạng; tịch thu tài sản, ruộng đất của địa chủ phản động chia cho dân nghèo. Toà án chính quyền cách mạng thành lập để xét xử những tên có tội ác đối với nhân dân, chủ yếu là hình thức giáo dục trước dân.
Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp điên cuồng càn quét, ném bom khủng bố làng xóm, chúng huy động một Tiểu đoàn lính lê dương, 30 máy bay, nhiều tàu chiến để đàn áp đồng bào một cách dã man như địa điểm ném bom thảm sát chợ giữa Vĩnh Kim, gần 100 người đã chết và hàng chục ngàn người bị thương.
Tại Nhà trưng bày, còn có tượng 4 vị anh hùng của cuộc khởi nghĩa tại Gò Me - căn cứ quân sự Châu Thành gồm: Lê Văn Quân - sinh năm 1912 là cán bộ quận uỷ Châu Thành; Lê Văn Quới – sinh năm 1911, cán bộ quận uỷ Châu Thành; Lê Văn Giác - sinh năm 1902 là một trong những người lãnh đạo của Tỉnh Uỷ Mỹ Tho; Nguyễn Văn Ghè - sinh năm 1903, là Tỉnh Uỷ viên Ban khởi nghĩa.
Vào ngày 04/01/1941, do có người phản bội khai báo, Chủ tỉnh Mỹ Tho ra lệnh tập trung bao vây vùng gò cây me nơi có 4 vị cùng nghĩa quân đang tập luyện võ nghệ. Do xuất hiện bất ngờ nên biết khó có thể chống lại quân địch, các đồng chí lãnh đạo chủ trương cho anh em du kích phân tán khỏi vòng vây. 4 đồng chí rút lên Gò me chống trả đến viên đạn cuối cùng. Không để rơi vào tay giặc, đồng chí Quới rút gươm cắt cổ 3 đồng chí của mình rồi tuẫn tiết. Đồng chí Quới hy sinh còn lại 3 đồng chí của mình thì hấp hối. Bọn Pháp đã kết án tử hình đồng chí Giác, đồng chí Ghè; còn đồng chí Quân bị kết án khổ sai và đày đi Côn đảo.
* Ngôi nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập:
Là ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc cổ Nam Bộ được đưa vào hoàn tất dịp kỷ niệm 65 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23/11/2005 để làm nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập. Nhà theo kiểu 3 gian 2 chái, gian giữa là gian thờ bà Nguyễn Thị Thập.
Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt sinh ngày 10 tháng 10 năm 1908 tại làng Long Hưng, Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1929, bà tham gia vào phong trào nông hội. Ngày 6/4/1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1935, được bầu vào Xứ uỷ Nam kỳ và trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ Bà là một trong những người lãnh đạo. Năm 1952, bà làm việc tại cơ quan của Hội liên hiệp phụ nữ. Tháng 2/1956, Bà đắc cử vào Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và giữ cương vị trong 18 năm liền.
Bà là Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau năm 1975, bà sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 19/3/1996, do căn bệnh tai biến bà đã qua đời hưởng thọ 88 tuổi.
* Ngôi Đình Long Hưng:
Được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 18 để thờ cúng các vị thần thành hoàng bổn cảnh, tả quân Lê Văn Duyệt. Hàng năm, đình có 2 lệ cúng kỳ yên 16/4 âm lịch, cúng thượng điền 16/11 âm lịch, cúng hạ điền 1/8 âm lịch (cúng ông). Cũng tại Ngôi đình Long Hưng, lá cờ đò sao vàng bay phất phới. Cũng tại nơi đây lần đầu tiên Nhà nước theo thể chế dân chủ cộng hoà thành lập; chính quyền cách mạng tịch thu tài sản, ruộng đất của địa chủ phản động chia cho dân nghèo.
* Nhà bia xã Long Hưng:
Học sinh trường THCS Long Hưng Chăm sóc Nhà bia xã Long Hưng
 






Nhà bia xã Long Hưng ghi danh 614 liệt sĩ trong đó có 02 đồng chí được nhà nước công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh./.

1 nhận xét: