Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Tự hào về một “thủ đô kháng chiến” của Nam Bộ

Khi chiến tranh lan đến các tỉnh miền Tây thì miền Tây hình thành một vùng độc lập - người ta thường gọi "vùng độc lập", hoặc "vùng tự do", hoặc "vùng giải phóng" - do chính quyền cách mạng quản lý. Trong quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp, "vùng độc lập" ngày càng được mở rộng và được xây dựng vững chắc hơn. 
Từ đó làm cho các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ dần dần nhận thức được tầm quan trọng về việc xây dựng căn cứ cách mạng, tạo hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến lâu dài, để mỗi cấp: khu - tỉnh - huyện - xã đều có chỗ đứng chiến đấu, có căn cứ của mình, tạo thành thế liên hoàn hỗ trợ nhau.
Tháng 7/1947, Quân khu 9 mở hội nghị bàn xây dựng căn cứ trên địa bàn rừng U Minh - Nam Cà Mau thuộc địa bàn hai tỉnh: Bạc Liêu (nay thuộc địa phận tỉnh Cà Mau) và Rạch Giá.
 
 Hào khí khởi nghĩa Nam Kỳ.                                                   Ảnh tư liệu
Trước năm 1949, các cơ quan đầu não của Nam Bộ, như: Trung ương Cục, Ủy ban Kháng chiến hành chánh và các sở, ngành của Nam Bộ đóng "đô" ở Đồng Tháp Mười. Từ cuối năm 1948 thực dân Pháp được Mỹ viện trợ xe lội nước M.113. Thực dân Pháp dùng phương tiện này tổ chức nhiều cuộc càn quét đánh phá vào Đồng Tháp Mười, đặt các cơ quan đầu não của Nam Bộ trước nguy cơ bị bao vây, bị tấn công. Đồng Tháp Mười có hai nhược điểm không khắc phục được, đó là vị trí ở gần Sài Gòn và diện tích không rộng, phần lớn là đồng trống, chưa đủ yếu tố bảo đảm an toàn...
Như nói ở trên, miền Tây Nam Bộ, vùng căn cứ có nhiều yếu tố tối ưu. Mặt khác, sau những trận đánh thủy lôi phá các tàu chiến Pháp, các con đường sông, rạch dẫn vào các khu căn cứ ở miền Tây Nam Bộ không còn dễ dàng, thuận tiện bởi phải qua nhiều lớp rào, cản. 
Đường bộ, nhất là những tuyến giao thông chính như lộ xe đều bị ta phá hoại gần hết nên giặc tổ chức càn quét trên đường bộ cũng không dễ dàng chút nào.
Trên cơ sở phân tích tình hình như trên, Xứ ủy Nam Bộ quyết định dời "đô" - dời toàn bộ các cơ quan Nam Bộ về khu rừng U Minh. Cuộc hành trình này khởi đầu vào giữa năm 1949. Các cơ quan đông người và có máy móc, dụng cụ nặng đi trước như: Đài Tiếng nói Nam Bộ, Xưởng vô tuyến điện, Binh công xưởng, các nhà in, Sở Giáo dục, Viện Văn hóa kháng chiến...
Cuối năm 1949, các cơ quan hành chính Nam Bộ di chuyển tiếp, các vị lãnh đạo ủy ban như: Phạm Văn Bạch, Phan Ngọc Thuần, Ung Văn Khiêm đặt chân tới "thủ đô mới" - rừng U Minh vào đầu năm 1950.
*
"Vùng độc lập" miền Tây Nam Bộ gồm một phần tỉnh Cần Thơ, một phần tỉnh Rạch Giá, một phần tỉnh Sóc Trăng và phần lớn ở tỉnh Bạc Liêu (ngày nay thuộc địa phận tỉnh Cà Mau). Ở đây, trên các tuyến sông, kinh, rạch, quân dân ta đã đắp cản rất chắc chắn, chặn tất cả các ngõ ngách vào căn cứ. 
Tàu giặc muốn vào trên một dòng sông hay trên một con rạch phải phá vài ba cái cản như thế, mà khi chúng dừng lại phá cản thì rất dễ bị quân ta tập kích hoặc pháo kích hoặc dễ chạm vào trái nổ, thủy lôi.
Mặt khác, vùng sông nước miền Tây chế độ thủy triều khi cao, khi thấp nên hạn chế tác dụng xe lội nước 113; rừng cây, rễ cây dày đặc trở thành phòng tuyến liên hoàn cản phá những mũi tiến công của xe lội nước. Còn máy bay thì đã tập trung cho chiến trường miền Bắc nên chúng ít có khả năng hoạt động đến vùng miền Tây xa xôi này. Bên cạnh đó, máy bay từ trên cao khó nhìn thấy mục tiêu qua các tán rừng dày đặc và cây cối trùng điệp.
"Vùng độc lập" miền Tây hội đủ những yếu tố và điều kiện xây dựng căn cứ địa an toàn, lâu dài, vì có một vùng giải phóng rộng lớn liên hoàn qua nhiều tỉnh và tiếp giáp vùng giải phóng Đông Nam Campuchia. Đặc biệt có hậu cứ rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn che chở. Đặc biệt hơn, có một phòng tuyến vững chắc trên một triệu dân cư, sinh sống phân bổ theo các tuyến sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, với nền kinh tế nông - lâm - hải sản dồi dào, phong phú. 
Vùng căn cứ miền Tây bảo đảm tốt cho việc xây dựng bổ sung lực lượng, rèn binh, dự trữ kho tàng, vũ khí phục vụ cho phía trước, bổ sung lực lượng kháng chiến. Đặc biệt hơn hết, chỗ dựa vững chắc của cách mạng là căn cứ địa trong lòng dân.
Từ Đồng Tháp Mười chuyển đến, ban đầu cơ quan Nam Bộ đóng "đô" ở vùng U Minh Thượng, dần dần dời chuyển đến vùng U Minh Hạ. Đó là để tránh mắt giặc, để không lộ mục tiêu cho máy bay, các cơ quan đóng trong nhà dân và mỗi nơi cơ quan đóng vài tháng rồi chuyển đi nơi khác. Riêng các đơn vị có máy móc, phương tiện nặng nề cất cơ quan sâu trong rừng để ít phải di chuyển. Nhờ giữ gìn bí mật tốt nên suốt mấy năm không có cơ quan nào bị máy bay địch đánh trúng.
Các địa danh cơ quan Nam Bộ đóng tương đối lâu như: Thới Bình, Rạch Bà Đặng, Tân Bằng, Cán Gáo, Biện Nhị, Huyện Sử, Chắc Băng, Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Bình, Phó Sinh, Giáp Nước, Đồng Cùng, Quảng Phú, Thứ Vải, Rau Dừa, Cái Nước, Tân Hưng Đông, Phú Mỹ, Tân Hưng Tây, Tân Duyệt, Tân Đức, Tân Hóa, Cái Ngay, Thanh Tùng, Bàu Sen, Bà Hính, Cái Keo, Cái Muối, Cái Bát, Rạch Cui...
Khu căn cứ miền Tây không chỉ bảo vệ an toàn các cơ quan trọng yếu, các cán bộ lãnh đạo quan trọng mà còn bảo vệ an toàn tất cả các cơ quan của tỉnh, của khu và của Nam Bộ.
Từ khi các cơ quan đầu não của Nam Bộ đặc bản doanh tại căn cứ U Minh cũng là lúc kinh tế, chính trị, quân sự trong toàn miền có sự chuyển biến mới. Đặc biệt, khu căn cứ U Minh trở nên sôi động hơn nhiều nên cán bộ và nhân dân thường gọi cụm từ "Rừng U Minh tỏa sáng!". 
Đó là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, các cơ quan, ban, ngành của Nam Bộ: Viện Văn hóa Nam Bộ, Sở giáo dục, Sở Y tế, các trường học, bệnh viện mọc lên, các đoàn văn công, hoạt động báo chí, văn nghệ, phong trào dạy học bình dân học vụ phát triển mạnh mẽ trong vùng căn cứ kháng chiến, miền Tây Nam Bộ.
Khu căn cứ kháng chiến U Minh được mệnh danh "thủ đô kháng chiến" của Nam Bộ. Đời sống của nhân dân trong "thủ đô" được cải thiện toàn diện, mà đặc biệt về dân trí, sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của cán bộ, của nhân dân được nâng cao rõ rệt./.
Phạm Văn Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét