Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Khởi nghĩa Hòn Khoai phát súng cuối cùng của Cuộc khởi nghĩa Nam bộ

    Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã diễn ra với diện rộng ở các tỉnh Nam Bộ. Đây là cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng như Bác Hồ đã đánh giá… Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc ở Đông Dương… 
    Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nằm trong bối cảnh chung của Nam Kỳ khởi nghĩa, là nơi diễn ra sau cùng của các điểm nổi dậy ở Nam Bộ. Bởi vì, Cà Mau là nơi xa xôi, đồng thời nhận lệnh khởi nghĩa chậm của Xứ ủy (so với các tỉnh), nhưng với tinh thần tiến công, Tỉnh ủy khẩn trương khắc phục mọi khó khăn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Xứ ủy.

Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai tại huyện Năm Căn.
 
    Với khí thế chuẩn bị cho khởi nghĩa, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết của Xứ ủy đến các quận ủy, chi bộ xã và cán bộ nòng cốt đoàn thể, đồng thời lập kế hoạch thực hiện chủ trương của Xứ ủy. Đó là tiến hành củng cố xây dựng thực lực cách mạng, nhất là ở các tổ chức: Hội Công nhân phản đế, Hội Nông dân phản đế, Hội Phụ nữ và Hội Thanh niên phản đế… với mục tiêu chiến đấu là đánh đổ đế quốc và bọn vua quan phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc… Đặc biệt là thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Thường trực Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương:
“Không được do dự lừng chừng, phải hăng hái và cương quyết đấu tranh.
Phải trọng kỷ luật của Đảng và tuân theo, thi hành mệnh lệnh của thượng cấp.
Phải luôn siết chặt hàng ngũ Đảng và làm gương anh hùng, dũng cảm cho nhân dân trong cuộc tranh đấu giải phóng phen này”.
    Tuy lúc bấy giờ (thời gian diễn ra của khởi nghĩa Nam Kỳ) tại Cà Mau, địch tăng cường theo dõi các hoạt động cách mạng của ta ở thành thị lẫn nông thôn, nhất là những nơi địch nắm được. Nhưng với quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhiều nơi trong tỉnh đã phát động trong nòng cốt và lực lượng quần chúng, tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ ở nhiều khu vực, như ở Tân Hưng Tây, Phong Lạc, Tân Hưng, Khánh Bình… các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ hăng hái đi luyện tập võ thuật. Có những nơi anh chị em rủ nhau đi tập mỗi ngày thêm đông. Học tập cách tuyên truyền quần chúng và hình thức rải truyền đơn, dán biểu ngữ, đặc biệt là những thao tác của quân sự như phóng lao, tầm vông, ném chất nổ, bắt trói bọn tề… nhiều nơi tổ chức luyện tập rất say sưa, tạo thành khí thế cách mạng sôi nổi của những ngày khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh. Như đội du kích ở Tân Hưng Tây luyện tập cả ngày đêm, đây là đội du kích được thành lập đầu tiên trong tỉnh, cũng là lực lượng tiền thân võ trang tỉnh nhà. Tuy những ngày đầu mới thành lập, trang bị còn thô sơ, nhưng các đồng chí rất phấn khởi, hăng hái, sẵn sàng cùng quần chúng nổi dậy đập tan xiềng xích. Và cũng đội du kích này, được Tỉnh ủy chọn là lực lượng xung kích kết hợp với lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai - khi về đất liền tiếp tục giải phóng Năm Căn; là điểm khởi nghĩa ở khu vực 1 do đồng chí Quách Văn Phẩm - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo. Ở khu vực 2 thị trấn Cà Mau (nay là Tp.Cà Mau), đồng chí Trần Văn Thời - Bí thư Tỉnh ủy, là Trưởng Ban khởi nghĩa của tỉnh chỉ đạo trực tiếp; khu vực 3 thị xã Bạc Liêu do đồng chí Trần Phán - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với đồng chí Trần Văn Sớm, Nguyễn Văn Đáng phụ trách.
Đảo Hòn Khoai. 
    Tỉnh ủy chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong tỉnh, vì ở đây ta có khả năng giành thắng lợi trọn vẹn, nhằm tạo khí thế ban đầu và có thêm vũ khí trang bị cho lực lượng khởi nghĩa. Phải nói, chuẩn bị cho khởi nghĩa ở tỉnh Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) Tỉnh ủy đã chuẩn bị khá chu đáo về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, cho nên khí thế chuẩn bị khởi nghĩa lúc này khá rầm rộ. Nhưng do cục diện chung, nhiều nơi đã nổ ra khởi nghĩa từ ngày 23-11-1940 và phát triển dần ra khắp các tỉnh Nam Bộ, vì thế yếu tố bất ngờ ở tỉnh không còn nữa. Địch bắt đầu canh gác nghiêm ngặt và tập trung chuẩn bị đối phó, cho nên các điểm ở đất liền ta không nổ ra được. Còn ở điểm Hòn Khoai vẫn tiếp tục nổ ra như kế hoạch đã định.
    Vào 21 giờ đêm 13-12-1940, đồng chí Phan Ngọc Hiển và đồng đội thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao khởi nghĩa Hòn Khoai đã giành thắng lợi, giết tên sếp đảo Ô-li-vi-ê và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Đến 5 giờ sáng ngày 14-12, đoàn khởi nghĩa cùng với quần chúng xuống ca-nô Po-lo-ô-bi và ghe đánh cá chạy về đất liền, trương cờ đỏ búa liềm và tấm băng mang dòng chữ: “Mặt trận Dân tộc phản đế muôn năm”. Khi đoàn quân khởi nghĩa về đất liền không liên hệ được Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển đã linh hoạt dẫn đoàn quân khởi nghĩa đánh tiếp quận Kiểm lâm của Pháp ở Thủ Tam Giang vào lúc 9 giờ sáng ngày 15-12. Tên đốc Đông (coi việc quản lý rừng) ở khu vực Tân Ân khiếp sợ nộp toàn bộ vũ khí cho đoàn quân khởi nghĩa. Đây là chiến thắng thứ hai của đoàn quân khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở mũi đất tận cùng của Tổ quốc, cũng là phát súng cuối cùng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.  
    Chiến thắng cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai tuy nổ ra sau cùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhưng nó để lại những bài học quý báu và ý nghĩa sâu sắc cho Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà. Đó là tinh thần vượt khó khăn, nghiêm túc chấp hành Nghị quyết, chủ trương của Đảng. Đồng thời biết dựa vào quần chúng để vận động cách mạng (từ không đến có) nhằm tạo thế, tạo lực mới đảm bảo cho giành thắng lợi; đặc biệt là biểu hiện được ý chí cách mạng và lòng tin vào lý tưởng để thực hiện Nghị quyết của Đảng. Và, nó còn có ý nghĩa to lớn là cổ vũ phong trào cách mạng trong tỉnh, phát huy được truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi của dân tộc ta, đồng thời còn đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ về tư tưởng, chính trị và tổ chức trong lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.
    Những bài học và ý nghĩa đó vẫn còn có giá trị đối với Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
HỮU THÀNH
Ảnh: THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét