Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

KHỞI NGHĨA NAM KỲ 1940 VÀ NHỮNG BÀI HỌC QUÝ

Cách đây 65 năm, ngày 23 tháng 11 năm 1940, nhân dân Nam bộ tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Đây là cuộc khởi nghĩa đạt quy mô rộng so với các cuộc khởi nghĩa vũ trang trước, kể từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Đó là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Tuy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công vì lúc đó chưa có được những điều kiện khách quan và chủ quan đầy đủ, nhưng đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc tổng diễn tập mang tầm vóc quốc gia sau Xô Viết Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng 1936 – 1939.
Được tin khởi nghĩa nổ ra ngày 23-11-1940, Trung ương Đảng kịp thời ra bản “Thông báo khẩn cấp” kêu gọi các đồng chí, các chiến sĩ cách mạng “phải lập tức tổ chức những cuộc hưởng ứng khởi nghĩa, gây thanh thế cho quân khởi nghĩa, phân tán lực lượng đế quốc, không để cho chúng tập trung quân đội đàn áp phong trào cách mạng" ở Nam Kỳ và Bắc Sơn.
Những biện pháp cụ thể, khẩn cấp là tổ chức bãi công, bãi khóa, bãi thị ở các thành phố, tuần hành thị uy hay ít ra là tổ chức mít tinh quần chúng để hô hào nhân dân hưởng ứng; truyền đơn, biểu ngữ, băng cờ, khẩu hiệu ở trên đất liền, dưới sông, chỗ nào có thể làm được thì: phá đường sắt, phá cầu cống, ngăn cản sự chuyên chở binh lính địch, cắt dây điện, cướp phá xe lương thực, lấy khí giới của địch, cổ động cho binh lính đứng về phía nhân dân, bắn lại địch, chạy sang hàng ngũ cách mạng Việt Nam...
Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đánh thức lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giành độc lập của nhân dân 19 tỉnh trong tổng số 21 tỉnh của Nam bộ lúc bấy giờ, tập dượt hành động cách mạng kiên quyết, tập dượt chỉ huy và tập dượt tiến công. Mặc dù phần lớn những cán bộ lãnh đạo và đảng viên trung kiên hoặc bị hy sinh hoặc bị tù đày, song những đảng viên và cốt cán còn lại đều trở thành lực lượng cốt cán lãnh đạo trong Cách mạng Tháng Tám.
Giá trị lớn lao của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là chỉ 5 năm sau, trong tình hình Đảng bộ và nhân dân bị khủng bố tàn bạo, đã cho phép cả Nam bộ hưởng ứng hiệu triệu của Trung ương Đảng đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi và lập tức bắt tay tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là lò đào tạo, sản sinh ngày càng đông đảo lực lượng tiên phong cho cuộc Cách mạng Tháng Tám. Kết quả đó được nhân lên gấp bội trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu 1945, đã bổ sung cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp hàng triệu phần tử tiên tiến; và cuộc Đồng Khởi 1960 đã sản sinh ra hàng triệu, hàng triệu con người hiên ngang trong kháng chiến chống Mỹ, chuyển thế cách mạng sang thời kỳ kết hợp chính trị với vũ trang, kết hợp nổi dậy của quần chúng với tiến công quân sự, đánh vào những nơi kẻ thù yếu nhất, đó là nông thôn miền Nam.
Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 tuy bị thất bại, nhưng nhân dân đã tận mắt chứng kiến những đảng viên Đảng Cộng sản là những chiến sĩ yêu nước kiên cường nhất, anh dũng nhất, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để giành độc lập. Thất bại trong khởi nghĩa Nam Kỳ, những người cộng sản tiếp tục nuôi chí, bền gan xây dựng lại cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, chờ cơ hội mới. Không rời mục tiêu độc lập, không ngừng nhen lên ngọn lửa cách mạng trong nhân dân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, trung thành với giai cấp và dân tộc. Đó là đặc tính cao quý của những người cộng sản. Sự lãnh đạo của Đảng và tính chất tổ chức, đó là yếu tố quyết định thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945, chỉ 5 năm sau đó.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 mặc dù bị thất bại nhưng nó khẳng định vai trò quân chủ lực cách mạng là nông dân – chiếm tuyệt đại đa số trong dân tộc ta. Nơi nào có vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì nơi ấy có đông đảo nông dân hưởng ứng. Đó là bằng chứng sống động nhất minh chứng nông dân đã sát cánh với giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nông dân ngày càng có ý thức sâu sắc rằng chỉ có đi theo cờ lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân thì nông dân mới được giải phóng triệt để. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 là tiếng chuông, hồi trống thức tỉnh toàn thể dân tộc biết rằng, nhất định phải giành thời cơ chiến tranh thế giới để giải phóng dân tộc mình, thực hiện quyền dân chủ. Nếu thực sự muốn giải phóng dân tộc và giành dân chủ, thì phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng, quyết không dùng bất cứ một thứ mánh lới không khéo nào, không thể nhờ một lực lượng ngoại quốc nào, càng không thể ngồi chờ tự do, độc lập.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chẳng những đã để lại những bài học kinh nghiệm lớn lao, mà còn để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu thiêng liêng, tiêu biểu cho truyền thống cách mạng anh dũng của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng qua năm 1941 đã trở thành lá cờ đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi toàn dân ta đứng lên đánh Pháp, đuổi nhật. Cờ đỏ sao vàng là cờ Tổng khởi nghĩa thắng lợi năm 1945 được Đại hội Quốc dân tại Tân Trào chọn làm Quốc kỳ và đến năm 1946 thì ngọn cờ vinh quang đó đã được Quốc hội khóa I phê chuẩn là Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những điều vinh quang ấy đã nói lên được vị trí lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.
Lá cờ đỏ sao vàng và bước chân của những đoàn quân khởi nghĩa Nam Kỳ đã in bóng trong bản Quốc ca hào hùng của dân tộc, dẫn dắt dân tộc ta giành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Đỗ Quốc Hùng(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét