Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ

Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (KNNK) bùng nổ trên diện rộng ở nhiều nơi. Ở những tỉnh đã nổ ra khởi nghĩa, nhân dân đã giành được chính quyền ở một số làng xã. Ở Long Hưng còn lập ra Tòa án nhân dân để xét xử bọn tề điệp gian ác. Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Long Hưng, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc - Chợ Lớn)...
Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công và nhiều giá trị lịch sử cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta.
Vị thế của người cộng sản cũng từ đó phát triển trong quá trình gây dựng lại cơ sở cách mạng, dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, càng vươn cao trên khắp các trận địa chiến đấu trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng biểu hiện rõ ràng ở đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng; ở vai trò tiên phong gương mẫu về lý luận, về hành động, về phong cách sống của tuyệt đại đa số đảng viên.
Những ngày đầu kháng chiến ở Bến Tre. Ảnh: T.L
Cuộc KNNK năm 1940 đã làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của đường lối “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ từ thuở ra đi tìm đường cứu nước (1911), đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó con đường cứu nước. Khi đọc xong luận cương về Vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin (1921), Bác đã đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp vô sản, đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và Người đã đề ra đường lối “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Chính trên cơ sở của đường lối đó và tình hình thế giới lúc bấy giờ mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 tại xã Tân Thới Nhất (Bà Điểm - Hóc Môn) từ ngày 6 - 8/11/1939, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã đề ra đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sang Cách mạng giải phóng dân tộc, hình thành Mặt trận phản đế. Từ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đó mà Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa năm 1940.
Ngày 8/2/1941, Bác Hồ về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 - 15/10/1941, Hội nghị đã kết luận sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 là hoàn toàn đúng đắn - Hội nghị Pác Bó đề ra nhiều chủ trương chính sách cụ thể nhằm tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và các đoàn thể cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân. Cách mạng tháng 8/1945 đã bùng nổ và thành công trên cả nước từ ngày 19 - 25/8/1945. Cuộc KNNK 1940 tuy thất bại do chưa đúng thời cơ và do mất cảnh giác để kẻ phản bội chui vào hàng ngũ, kế hoạch bị lộ nhưng đã góp phần làm sáng tỏ tính chính xác và đúng đắn của đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ trong suốt chiều dài của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Cuối cùng, cuộc KNNK 1940 đã chứng minh một chân lý là muốn lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc để giành độc lập tự cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần được với chúng.
Chính nhờ bài học về vũ trang KNNK 1940, vũ trang khởi nghĩa toàn quốc tháng 8/1945 mà khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ đã nhất tề nổ súng chống xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến vào ngày 23/9/1945 và tiếp tục suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc (1945 - 1975).
Tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc KNNK, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 163/SL ngày 14/4/1948 long trọng tuyên dương: “Đội quân khởi nghĩa Nam bộ 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”.
Tân Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét