Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Phú Hữu - quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa

QĐND - Từ sau ngày thành lập Đảng 3-2-1930, vùng đất Hậu Giang nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long là đầu mối liên lạc giữa các tỉnh Tây Nam bộ, nên đã được Xứ ủy Nam Kỳ tập trung chỉ đạo. Năm 1936, Liên Tỉnh ủy Cần Thơ được thành lập do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư, đồng chí Quảng Trọng Hoàng làm Phó bí thư liên Tỉnh ủy, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Căn cứ Tỉnh ủy được đặt ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, bên bờ Nam sông Hậu. Nơi đây cũng là điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ và miền Tây sông Hậu. Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đặt ở vùng trọng yếu này để lãnh đạo phong trào cách mạng của 7 tỉnh đến năm 1940 (gồm: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sa Đéc và Rạch Giá). Năm 1937, Chi bộ dự bị với 3 đồng chí đảng viên đầu tiên được thành lập, đến tháng 6-1938 trở thành Chi bộ Đảng chính thức ở Phú Hữu. Tại rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ có nhà bà Ngô Thị Lụa là cơ sở cách mạng kiên cường và đây cũng được chọn làm trụ sở của cơ quan Liên Tỉnh ủy. Cũng từ nơi này, Liên Tỉnh ủy đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại vùng Hậu Giang.
Tháng 4-1940, Tỉnh ủy Cần Thơ họp nhất trí chủ trương của Xứ ủy, tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tại tỉnh nhà; khí thế chuẩn bị khởi nghĩa trong quần chúng dâng cao, thanh niên luyện tập quân sự, nhiều nơi sản xuất vũ khí thô sơ, các cuộc mít tinh diễn ra liên tục hằng đêm ở các làng, xóm… sẵn sàng bước vào cuộc khởi nghĩa.
Bia truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang).
Ngày 20-11-1940, Thường vụ Xứ ủy đã ban hành Lệnh khởi nghĩa đi các nơi, quyết định toàn xứ thống nhất hành động vào đêm 22 rạng 23-11-1940. Do gián điệp chui vào tổ chức của ta nên kế hoạch bị bại lộ. Chiều ngày 22-11-1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy và nhiều đồng chí trong Xứ ủy bị bắt. Tuy nhiên, giờ hành động đã đến, lòng dân đang sục sôi đấu tranh, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn nổ ra.
Tại thị xã Cần Thơ - trọng điểm số một của tỉnh, địch đã chủ động đối phó, tăng cường 200 lính Pháp và lê dương tuần tra canh gác khắp thị xã, nên cuộc khởi nghĩa không thực hiện được. Vì vậy lực lượng bên ngoài chỉ đốn cây, hạ cột dây thép, phá giao thông, treo cờ, băng khẩu hiệu… Mấy ngày sau, địch truy lùng ráo riết, hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắt giam vào lao tù và tra tấn rất dã man, trong đó có đồng chí Lê Văn Nhung – Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ và đồng chí Ngô Hữu Hạnh – Thường vụ tỉnh ủy Cần Thơ. Sau khi bắt giam, bọn chúng biết hai đồng chí là cán bộ cấp cao của ta nên đã giam hai đồng chí ở Khám lớn (Cần Thơ), sau đó chuyển lên giam ở Khám lớn Chí Hòa. Sau những trận đòn tra tấn rất dã man đối với hai đồng chí, nhưng chúng vẫn không khai thác được gì. Chiều ngày 3-6-1941, chúng quyết định chuyển về giam ở Khám lớn Cần Thơ để sáng hôm sau xử bắn, hòng đè bẹp tinh thần đấu tranh của người dân nơi đây. 7 giờ sáng, địch đưa hai đồng chí ra pháp trường, hai đồng chí kiên quyết không cho kẻ thù bịt mắt để nhìn lần cuối đồng bào và quê hương yêu dấu của mình. Đồng chí Ngô Hữu Hạnh bước lại bàn ghi mấy dòng chữ để lại cho đồng bào, đồng chí và gia đình: “Hãy vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng”. Giữa pháp trường vang lên tiếng thét của hai đồng chí “Đả đảo thực dân Pháp!”. Vào thời điểm đó bọn chúng còn đưa một linh mục đến rửa tội, hai đồng chí nói là chỉ có thực dân Pháp mới cần rửa tội, rồi cùng hát bài “Quốc tế ca” trước quân thù.
Cuộc khởi nghĩa ở Cần Thơ nói riêng, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung đã nêu cao được khí thế cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc khởi nghĩa đã gây một tiếng vang và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cả nước, là bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang cũng như bài học kinh nghiệm cho Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, xã Phú Hữu hôm nay đang thay da, đổi thịt từng ngày. Chợ Mái Dầm có “nhà việc” của thực dân Pháp trước kia bây giờ là một trạm quan trọng của giao thông đường thủy. Tàu đò từ Sóc Trăng, Đại Ngãi, Kế Sách; từ Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá chạy đường sông Hậu, ghé Mái Dầm để đưa rước khách và lên xuống hàng hóa. Phú Hữu còn là vùng quê trù phú của vườn cây ăn trái. Khi nói tới tuyến miệt vườn “Cái Răng – Ba Láng – Vàm Xáng – Phong Điền” là nói luôn tới Phú Hữu. Tại đây có trái bưởi Năm Roi đã trở thành thương hiệu có tiếng cho miền Hậu Giang. Nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái-về nguồn.
Từ truyền thống của căn cứ Liên Tỉnh ủy, của Nam Kỳ khởi nghĩa, những người con của Phú Hữu hôm nay đang ra sức phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông để lại, viết tiếp những trang sử vàng của thời kỳ đổi mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bài và ảnh: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét