Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Mỹ với vấn đề Đông Dương giai đoạn 1954_1975


MỸ VỚI VẤN ĐỀ VIỆT NAM VÀ ĐÔNG DƯƠNG THỜI KỲ TRONG VÀ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

PHẠM THU NGA*

Đối với Mỹ “miếng mồi Đông Dương” được chú ý không phải chỉ xuất hiện từ những năm trong và sau chiến tranh thế giớI thứ hai mà đã có từ lâu. Chính sách bành trướng cổ truyền của Mỹ mà trùm tài phiệt N.A. Rocfeller đã tổng kết trong một lá thư gửi Tổng thống Mỹ Eisenhower: “cho thương mại đi trước, cờ Mỹ sẽ đến sau”(1) . Chính sách đó đã được Mỹ thực hiện ở Việt Nam. Theo tạp chí Những ngườI bạn của cố đô Huế (2), ngay từ năm 1819, tức là 36 năm sau khi Mỹ giành được độc lập, những chiến thuyền Mỹ đã tới Việt Nam, dò tìm đường sông Đồng Nai lên Sài Gòn. Sau đó hơn 10 năm (1832) một số thuyền buôn Mỹ lại xuất hiện ở vùng biển Trung bộ, thả neo ở Vũng Lâm, Phú Yên. Tiếp đó, năm 1836 chiếc thuyền Mỹ lại xuất hiện ở vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng) Tệ hại hơn, một chiếc thuyền của Mỹ có tên là Contitution "xâm phạm" tạo điều kiện cho Pháp đánh phá Việt Nam (1845). Vậy là ngay từ khi mới lập quốc, thế lực bành trướng của Mỹ đã mon men sang bờ Thái Bình Dương. Thế nhưng ở thời buổi đó, người Mỹ không thể chen chân được với các nước tư bản đàn anh như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… Sau đó không bao lâu một “dịp may” đã đến với Mỹ.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, địa vị của Mỹ đã thay đổi. Lợi dụng chiến tranh Mỹ đã giàu lên và trở thành cường quốc, thật sự đấu tranh “đòi” quyền thuộc địa của mình. Với “Chương trình 14 điểm” của Tổng thống Uynxơn, Mỹ đã gây được ảnh hưởng lớn trong việc xác lập lại “Trật tự thế giới mới” của các nước đế quốc có lợi cho Mỹ, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho là “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” (3).
Mục tiêu chủ yếu lúc này ở khu vực châu Á của Mỹ là Trung Quốc, Trung Quốc trở thành vấn đề trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á, vì những lợi ích của Mỹ đã giành được ở Trung Quốc đang bị Nhật đe doạ. Do vậy một trong những nội dung chủ yếu chính sách của Mỹ ở châu Á, là tìm mọi cách kiềm chế sự bành trướng của Nhật ở châu Á Thái Bình Dương. Đến hội nghị Washington (1922), Mỹ đã lớn tiếng mặc cả thị trường đối vớI các cường quốc tư bản, đòi quyền lợi của mình ở Viễn Đông và bờ Thái Bình Dương. Sau này bộ trưởng ngoại giao Mỹ Đinrátxơ đã phát biểu một cách hình ảnh là: Nước Mỹ, một quốc gia có hai đại dương và có trách nhiệm với hai đại dương ấy. Tại hội nghị này, thế lực bành trướng của Mỹ đã buộc các cường quốc tư bản còn lại thực hiện chính sách “Mở cửa” (Trung Quốc) cho Mỹ và củng cố được vị trí quân sự, chính trị của mình ở Viễn Đông. Cũng từ đó, Đông Dương được Hoa Kỳ quan tâm, ít ra là cũng trong một số các câu lạc bộ, một số giới kinh doanh. Năm 1921, tại New York đã thành lập ban nghiên cứu thuộc địa Pháp - Mỹ, nhằm nghiên cứu khả năng đầu tư vốn vào các thuộc địa của Pháp. Nhân dịp này, bộ trưởng thuộc địa Anbe Xarô quyền trưởng đoàn Pháp tham dự hội nghị Washington đã ngỏ ý mời các công ty tư bản Mỹ đầu tư vào Đông Dương (4).
Như vậy, có thể nói Mỹ đã chú ý đến Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Sau đó những nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam và Đông Dương đã được bộ ngoại giao Mỹ quan tâm ít nhiều. Tuy nhiên trong thời điểm này, Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp. Với uy tín và ảnh hưởng Pháp trước và sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã không cho phép Mỹ can thiệp sâu vào Việt Nam. Song trong chiến lược bành trướng của mình, Mỹ đã bộc lộ âm mưu muốn có chân tại Việt Nam và Đông Dương ngày càng rõ và “Đối với Mỹ, vấn đề Đông Dương luôn gắn liền với vấn đề Trung Quốc”(5). Mỹ muốn biến Trung Quốc thành địa bàn đứng chân để thực hiện mưu đồ bành trướng và khống chế cả châu Á. Quan điểm của Mỹ đối với Việt Nam và Đông Dương cũng còn tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể ở mỗi thời điểm và những ý đồ chiến lược chung của Mỹ đối với thế giới.
Chiến tranh thế giớI thứ hai bùng nổ (9-1939), đã tạo ra một cơ hộI tốt cho Mỹ thọc sâu bày tay của mình vào Việt Nam và Đông Dương. Có lẽ nước Mỹ vớI tính cách một quốc gia quan tâm tớI vấn đề Đông Dương kể từ thờI Tổng thống Rudơven trong những năm đầu của thập niên 20, đã đưa ra ý định thiếp lập chế độ “Quản thác quốc tế”. RồI việc Nhật nhòm ngó và xâm lược Đông Dương càng khiến Mỹ nhận thức rõ hơn vị trí và tầm quan trọng của khu vực này, cũng từ đó “vấn đề Đông Dương đã trở thành một trong những chủ đề chính của các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nhật”(6)
 Thực ra trong thời gian này, ý muốn thực hiện chính sách “trung lập hoá” Đông Dương của Roosevelt, cũng chỉ là để nhằm hạn chế, ngăn chặn sự xâm lược của Nhật ở khu vực này. Đến khi quan hệ Nhật - Mỹ tan vỡ, Nhật nhanh chóng thôn tính vùng Đông Nam Á, trong đó có cả Philippines (dưới quyền cai trị của Mỹ). Chỉ có Đông Dương là thuộc địa duy nhất vẫn còn dưới quyền cai trị của Pháp (tuy không hoàn toàn), thì Mỹ lại thể hiện ý đồ gạt bỏ sự thống trị của Pháp ở Đông Dương. Mỹ cũng muốn phá thế độc quyền của cả Pháp và Anh ở khu vực Đông Nam Á, nhằm tạo điều kiện để Mỹ thể hiện “chính sách mở cửa” mà Mỹ đã từng đưa ra trước đây.
Tháng 3- 1941, khi tiếp Bộ trưởng ngoạI giao Anh Antoni iđơn, Rudơven cũng đã bàn đến ý đồ về sự thiết lập chế độ uỷ trị ở Đông Dương sau chiến tranh. Tại hội nghị Cario (Ai Cập) năm 1943, Rudơven đã đề ra ba giải pháp cho Đông Dương khi chiến tranh kết thúc: 1. Trả lại cho Pháp; 2. Trao cho Tưởng Giới Thạch như là món chiến lợi phẩm; 3. Cho Đông Dương độc lập nhưng trước đó phải đặt dưới sự công quản quốc tế một thời gian. Đó chính là chế độ “Quản thác” (Trusteeship) của Mỹ. Cuộc vận động tiến tới chế độ “Quản thác” quốc tế đối với các thuộc địa cũ của các đế quốc (đã bị phe phát xít chiếm) diễn ra trong suốt 2 năm (1943-1944). Ở hội nghị Teheran (11-1943) khi đề cập đến vấn đề “quản thác quốc tế” đối với Đông Dương, Rudơven đã lên án hành động của Pháp về Đông Dương và đề nghị đồng minh không nên giúp Pháp để nắm lại quyền kiểm soát ở Đông Dương “Đông Dương sẽ không trở về nước Pháp”. Đến Hội nghị Yanta, Rudơven cũng đã đưa ra dự thảo về quy chế của Đông Dương sau chiến tranh: đặt dưới quyền uỷ trị của một ban quốc tế gồm Pháp, Trung Quốc, Nga, 1 đến 2 đạI biểu Đông Dương và có thể thêm Philippin và Mỹ”(7). Về vấn đề này, Mỹ đã tìm được sự nhất trí của Liên Xô, vì Liên Xô “không muốn thấy Đồng minh đổ máu để giải phóng Đông Dương rồi sau đó Pháp sẽ tiếp nhận, tái lập ở đây chế độ thuộc địa” (8). Nhưng Mỹ lại vấp phải sự phản ứng kịch liệt của các đế quốc khác, đặc biệt là Pháp, Anh. Anh sợ rằng quyền lợi thuộc địa của mình sẽ bị bạn đồng minh Mỹ đe doạ. Anh đã nói thẳng rằng “Ủy trị quốc tế là một đòn nặng đối với Pháp… Anh không thể chấp nhận việc hạ nước Pháp xuống thành cường quốc loại hai…”. Ý đồ của Anh là muốn liên kết với Pháp để chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Mỹ và đồng thời cũng là để ngăn chặn làn sóng giải phóng dân đang lan rộng ở châu Á. Vì thế, Anh ra sức bênh vực Pháp trong việc khôi phục nền thống trị thực dân ở Đông Dương. Vốn là một đế quốc có nhiều thuộc địa, Pháp cũng phản đối mạnh việc lập chế độ “quản thác” quốc tế. Sự phản đối mạnh mẽ của Anh và Pháp khiến Mỹ có phần dè dặt hơn trong việc gạt bỏ Pháp ở Đông Dương bằng cách chấp nhận có cả đại biểu Pháp trong hội đồng quản trị dự kiến sẽ thành lập ở Đông Dương. Cộng thêm vào đó, một số quan chức trong vụ châu Âu thuộc Bộ ngoại giao Mỹ, vì muốn giữ quan hệ với Pháp nên cũng không đồng tình với kế hoạch “quản thác” quốc tế của Rudơven. Ngoại trưởng Hunlơ cho rằng: “Với họ, các nước mẹ phải cam kết trao độc lập thực sự. Tôi đồng tình với phương pháp này hơn là việc đặt Đông Dương dưới sự uỷ trị…” (9).
Mặc dù vậy, Tổng thống Rudơven vẫn giữ quan điểm của mình, tháng 1-1944 trong giác thư gửi Bộ trưởng Hunlơ, Rudơven chính thức nói rõ quan điểm của mình: “Đông Dương không bị trao trở lại cho Pháp, mả sẽ cai quản bởi một chế độ quản trị quốc tế”. Vì thế trong năm 1944, Mỹ vẫn ra sức tìm cách ngăn chặn Pháp trở lại Đông Dương bằng cách hạn chế các hoạt động quân sự và tình báo của Anh, Pháp ở chiến trường Đông Dương. Đến hội nghị Yanta (2-1945), Tổng thống Rudơven đã thể hiện thái độ dứt khoát về chính sách đối với Đông Dương. Nhưng rồi “tất cả ý đồ của Rudơven đều không dẫn tới một quyết định nào tại hội nghị”(10) vì sự bất đồng giữa Anh và Mỹ.
Sau khi Nhật lập đổ Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), với những chuyển biến nhanh chóng, Mỹ vẫn giữ thái độ tiếp tục cản trở Pháp trong việc chuẩn bị điều kiện để chiếm lại Đông Dương. Cụ thể, vào tháng 4-1945, khi Nhật lâm vào thế ngày càng nguy ngập ở Châu Á, Mỹ đã gửi một bức điện “tối mật” cho tướng Uêđơmayơ, Bộ tư lệnh Mỹ ở Hoa Nam: bất kỳ một tình huống nào cũng không được để cho quân đội Pháp trở lại Đông Dương.
Như vậy, cho đến thời điểm này tuy Mỹ chưa tuyên bố thẳng, nhưng số phận Đông Dương dường như đã có trong dự kiến sắp đặt của Mỹ. Quan điểm thực hiện chế độ “quản thác quốc tế” của Rudơven hoàn toàn không phải thể hiện ý đồ, sách lược của một âm mưu, của thế lực bành trướng Mỹ muốn gạt Pháp khỏi Đông Dương để có thể trực tiếp nắm xứ sở này, một khi có điều kiện.
Sau khi Rudơven chết (12-4-1945), cùng với nhiều nguyên nhân khác, chính sách của Mỹ đối với Đông Dương có sự thay đổi rõ rật, Mỹ dần dần từ bỏ thái độ cứng rắn đối với Pháp. Tuy chưa chính thức thừa nhận việc Pháp trở lại Đông Dương nhưng Pháp cũng được tạo cơ hội bỏ ngỏ để trở lại xứ sở này(11). Ngày 5-10-1945, khi tướng Pháp Lơcléc cho quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên Sài Gòn, Quốc hội Mỹ gửi cho Đại sứ của họ tại Trung Quốc bức điện: “Hoa Kỳ không hề có ý định chống lại việc khôi phục sự thống trị của Pháp ở Đông Dương và không có quan điểm chính thức nào của chính phủ Mỹ  động đến, dù là gián điệp, chủ quyền của Pháp ở Đông Dương” (12).
Ngay sau khi lên nắm quyền Tổng thống Tơruman đã tuyên bố một cách trắng trợn là “gạt bỏ càng xa càng tốt ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương và thiết lập một chính phủ quốc gia hữu nghị với Mỹ” (13). Tơruman từng bước điều chỉnh chính sách của Rudơven và bộc lộ rõ khuynh hướng chống cộng, chuẩn bị cho chính sách chiến tranh lạnh sau này. Đối với Đông Dương, Tơruman đã bỏ hẳn ý đồ “quản thác quốc tế” thờI Rudơven và vận dụng phương châm “mềm nắn rắn buông”(14) trong quan hệ với các đồng minh phương Tây của mình. Việc chấp nhận giải pháp chia đôi Đông Dương ở vĩ tuyến 16 mà Mỹ đưa ra tại hội nghị Pôtxđam (7-1945), không hề đả động đến quyền tự trị của Việt Nam (15) đánh dấu sự thoả hiệp của Mỹ đối với Anh – Pháp. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ phía bắc Đông Dương cho Tưởng, và chưa thừa nhận Pháp có một danh nghĩa chính thức nào để trở lại Đông Dương. Sau đó thực tế lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy việc chấp nhận đó chính là một hình thức dùng chiếc ô của Anh để che chở cho Pháp trở lại Đông Dương và bật đèn xanh cho Tưởng thực hiện ý đồ “Tiêu diệt cộng sản, phá tan Việt minh”, cũng có thể coi đó là một bước lùi tạm thời của Mỹ để rồi 10 năm sau, tham vọng giành miếng mồi Đông Dương lại được bộc lộ rõ.
Với sự thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945, sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm đảo lộn mọi mưu toan xếp đặt của các thế lực phản động và đế quốc, trong cuộc chạy đua về Đông Dương. Thực tế lịch sử đó đã buộc các thế lực đế quốc phản động phải nhanh chóng thoả hiệp với nhau hòng có thể đảo lộn tình thế trước mắt, cùng thực hiện mưu toan bóp chết nước cộng hoà non trẻ vừa mới ra đời.
Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hiểu và thấy rất rõ bản chất hiếu chiến, và những âm mưu phản động của Mỹ và các thế lực đế quốc khác đối với Đông Dương. Ngau sau cách mạng tháng Tám năm 1945 ta đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn Mỹ - Tưởng và Anh – Pháp, nhằm ngăn chặn âm mưu xâm lược trở lại Đông Dương của Pháp, đẩy lùi thủ đoạn mới của Mỹ, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Để tránh và hạn chế nguy cơ chiến tranh do Pháp gây ra, thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần liên hệ (bằng điện, thư và tiếp xúc trực tiếp) với các cơ quan đại diện của Mỹ,  kêu gọi và hy vọng Mỹ sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Pháp. Nhưng từ phía Mỹ đã không đáp ứng tích cực. Do thấy rõ được thái độ hai mặt của Mỹ đối với Pháp về vấn đề Đông Dương, nên ta vẫn luôn chuẩn bị những kế sách để đối phó. Cho đến thời điểm đó, phía Mỹ vẫn chưa có một sự cộng nhận chính thức nào đối với Việt Minh và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà trái lại Mỹ đã tích cực hoạt động theo hướng tạo ra một chính phủ đối lập với chính phủ của Việt Minh.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã dẫn đến những biến chuyển lớn trong tương quan so sánh lực lượng trên thế giới. Mỹ trở thành cường quốc số một trong thế giới tư bản chủ nghĩa, sự lớn mạnh của Liên Xô và sự ra đời của một loạt các nước XHCN, sự tăng cường ảnh hưởng của các Đảng cộng sản trong phong trào giải phóng dân tộc ở Trung Quốc, Đông Dương, Triều Tiên… đã làm Mỹ lo ngại.
Nhằm mục tiêu ngăn chặn tiến tới tiêu diệt CNXH thế giới, đàn áp phong trào cách mạng trong các nước tư bản và thuộc địa đồng thời kiểm soát, nô dịch các đồng minh, Mỹ đã cho ra đời một chiến lược toàn cầu phản cách mạng với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là: Ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản(16) tập trung vào đối thủ chủ yếu là Liên Xô và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Trong đó nhấn mạnh “cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương”. Để thực hiện chiến lược đó, Mỹ cần tập hợp lực lượng, trước hết là lôi kéo Anh, Pháp nhằm cô lập Liên Xô. Vì vậy, Mỹ buộc phải thay đổi chính sách đối với Pháp trong vấn đề Đông Dương. Với cái nhìn của Mỹ xem Pháp như là người giữ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á. Từ chủ trương ngăn chặn, Mỹ chuyển sang khuyến khích, giúp Pháp quay trở lại Đông Dương nhằm chống phá phong trào cách mạng của Việt Nam và ba nước Đông Dương. Tơruman cũng đã tuyên bố “..Cần phải đặc biệt chú ý tới vấn đề Đông Dương thuộc Pháp” (17) . Từ chỗ, còn do dự, Mỹ đã đi đến tuyên bố xem vai trò của Pháp ở Đông Dương như là một bộ phận cấu thành của các “quốc gia tự do” trên thế giới chống lại “những âm mưu xâm chiếm và lật đổ cộng sản”. Từ đó Mỹ bắt đầu triển khai hàng loạt kế hoạch quân sự. Đầu năm 1946, chính quyền Tơruman đã bắt đầu cung cấp xe cộ và các thiết bị khác cho các lực lượng Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1947, theo kế hoạch Mác san, Mỹ viện trợ cho Pháp 3 tỷ đô la với ý muốn giúp Pháp giải quyết nhanh cuộc chiến tranh Đông Dương, vì sợ tác động dây chuyền của Việt Nam sẽ thúc đẩy các phong trào đòi độc lập ở cả khu vực Đông Nam Á và Nam Á không có lợI cho Mỹ và phương Tây.
Cuối những năm 40, Đông Nam Á trở thành chiến trường quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á được chính thức bắt đầu từ đó và trong đó Đông Dương trở thành trọng diểm của chiến lược Đông Nam Á của Mỹ. Với sự chuyển biến của tình hình cách mạng ở cả châu Âu và châu Á, đã buộc Mỹ phải có sự điều chỉnh mới trong chiến lược ngăn chặn ở châu Á. Chính với sự điều chỉnh chiến lược đó đã dần đưa Mỹ dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Từ cuối năm 1949, Mỹ chính thức cam kết dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam bằng một loạt các bước đi cụ thể. Sau đó lợi dụng sự suy yếu của Pháp, Mỹ đi đến chỗ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam và Đông Dương, rồi tiến dần đến hất cẳng và thay thế Pháp ở Việt Nam và Đông Dương (1950-1954). Nhằm thực hiện âm mưu “đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo của chủ nghĩa đế quốc”. Từ đó, Mỹ đã “Tự mình lâm vào thế đối chọi với phong trào giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo”(18) và lao vào “một cuộc chiến tranh làm mất lòng người và gây chia rẽ nhất trong một thế kỷ của lịch sử Mỹ”(19).
Như vậy, toàn bộ thực tế lịch sử trên đã thấy rõ, ngay từ giữa thế kỷ XIX Mỹ đã từng chú ý đến Việt Nam. Sau đó, vớI vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Đông Dương đã dần trở thành đốI tượng tranh chấp của nhiều thế lực bên ngoài. ThờI gian trước chiến tranh thế giớI thứ hai, Mỹ ít quan tâm chú ý đến tình hình Đông Dương. Nhưng bước vào chiến tranh, chính sách của Mỹ đốI vớI khu bực này bắt đầu có sự thay đổi. VớI việc Nhật nhòm ngó và xâm lược Đông Dương, đặc biệt khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mỹ đã coi Đông Dương là một địa bàn quan trọng để ngăn chặn việc thực hiện những âm mưu của Nhật. Cũng từ đó, chính phủ Mỹ, chính thức từ thờI Tổng thống Rudơven trong những năm đầu của thập kỷ 40 bắt đầu chú ý ngày càng nhiều đến Việt Nam và Đông Dương. Chính Rudơven đã đưa ý định thiết lập chế độ “quản thác quốc tế” ở một số thuộc địa cũ của các đế quốc, trong khi chờ các dân tộc đó có đủ trình độ tự quản để trao trả độc lập. Toàn bộ diễn tiến lịch sữ đã cho thấy, thực chất đây chỉ là “thủ đoạn dọn đường cho chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ” tạo điều kiện để mỹ có thể nắm được các thuộc địa (trong đó có Đông Dương). Mặc dù chủ trương đặt Đông Dương dưới một sự quản trị quốc tế, nhưng chính phủ Mỹ chưa bao giờ quan tâm tới việc ủng hộ nhân dân Đông Dương giành độc lập. Thực chất Mỹ chỉ muốn qua hình thức “quản thác quốc tế” để thực hiện ý đồ của Mỹ là gạt bỏ sự thống trị của Pháp ở Đông Dương từ đó tạo điều kiện gây ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này khi chưa có điều kiện can thiệp trực tiếp. Thực tế lịch sử đã cho thấy, mãi tới khi Việt minh đã có những hoạt động hỗ trợ cụ thể Đồng minh và Hồ Chí Minh chính thức đặt vấn đề hợp tác đánh Nhật, thì phía Mỹ cũng chỉ có những hành động đáp lại rất hạn chế. Cho đến trước khi chết, Tổng thống Rudơven vẫn không có một quyết định dứt khoát nào về vấn đề quản trị quốc tế đối với Đông Dương. Tuy nhiên xét tình hình thực tiễn lúc đó, chính sách “Chống chủ nghĩa thực dân” (cũ) của Rudơven cũng là một đòn giáng mạnh vào Pháp, về khách quan rất có lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được và tranh thủ lợi thế đó, nhằm tập trung vào kẻ thù chính  của cách mạng lúc đó là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Rồi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cách mạng Việt Nam thành công, lo sợ ảnh hưởng của xu hướng cộng sản ở Đông Nam Á, Tổng thống mớI của Mỹ là Tơruman và các nhà chiến lược Mỹ đã có sự thay đổi sách lược đối với Việt Nam và Đông Dương. Tuy chưa có điều kiện để quan tâm nhiều đến Việt Nam, nhưng Mỹ đã dần ủng hộ Pháp tái chiếm trở lại Việt Nam. Từ đó bắt đầu quá trình dính líu và can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và tiến dần tới chỗ thay thế vai trò của Pháp, độc chiếm Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mớI và căn cứ quân sự của Mỹ. Cũng từ đó Mỹ bắt đầu một quá trình lao theo vết xe đổ của Pháp”, và rồI cũng không tránh khỏi thất bại.
THE US AND VIETNAM – INDOCHINA ISSUE DURING AND AFTER WORLD WARII

PHAM THU NGA

The content gist of the report article is the American policies on Vietnam and Indochina during and after the Second World War.
The writer author brings up the American plots ranging from the policy of “Neutralizing Indochina” to “Trusteeship the World” by early 1940’s. In fact, the purpose of these policies is to prevent the invasion of Japan in this area, then make use of the decadence of the western alliance after the second World War in order to step- by- step infiltrate into the colonies; Afterwards, monopolize the occupation and build the Neo- colonism, create the belt to prevent Communism; serving the strategy of Anti – Revolution worldwide.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)   Phạm Xanh: Đông Dương “Lọt vào mắt xanh” của Đế quốc Mỹ từ bao giờ, tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 1-1988, tr.26.
(2)   Tạp chí Những người bạn của cố đô Huế số 3-1937 (bản tiếng Pháp)
(3)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, XB lần thứ 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà NộI, 1995, tr.416.
(4)   Tạp chí Lịch sử quân sự, 1-1988 sđd, tr.27.
(5)   Lê Kim Hải: Hồ Chí Minh với quan hệ ngoại giao Việt – Pháp thời kỳ 1945- 1946, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, tr.8.
(6)   Pitơ A Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn. NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1988, tr. 13-14.
(7)   Drachman: Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam 1940-1945. Viện Thông tin khoa học xã hội lược thuật.
(8)   Viện Mác – Lênin: Tình đoàn kết chiến đấu vô sản Việt Pháp, NXB Thông tin lý luận Hà Nội, 1986, tr.39.
(9)   Cordel Huld: Memoirs (New York, Macminllan, 1948)
(10)Trần Hữu Đính, Lên Trung Dũng: Quan hệ Việt Mỹ trong cách mạng tháng Tám, NXB Khoa học xã hội, Hà NộI, 1997.
(11)Drachman… Sđd
(12)Xem Foreign Relation of the United States. Volume V.
(13)Pitơ A Pulơ… Sđd
(14)Trần Trọng Trung: Một cuộc chiến tranh sáu đời tổng thống, Tập 1, NXB Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1986, tr. 57.
(15)Jaeyes Dacot: NgườI Mỹ ở Việt Nam, tạp chí “Historia” (Pháp) Số 2-1990, tài liệu lưu trữ ở Viện Lịch sử quân sự.
(16)Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Tập 1. NXB Chính trị quốc gia, tr 85.
(17)Lịch sử diễn biến tình hình địch và ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), Viện Khoa học quân sự, biên soạn, 1977, tr4.
(18)Jaeayes Dacot: … Sđd
(19)Pitơ A Pulơ: … Sđd, tr7.

LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI


LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI


Bài 1: MỞ ĐẦU

1.     Khái niệm văn minh, văn hóa:
Văn minh (cilivisation): là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người. Văn minh là đỉnh cao của sự phát triển văn hóa. Trái với văn minh là dã man.
   Vd: văn minh Trung Quốc, văn minh Hy Lạp, văn minh Ấn Độ…

_ Nguồn gốc của từ “văn minh”:
   + Phương Tây: từ “văn minh” có nguồn gốc từ xa xưa. Thời cổ đại nó là từ “civitas” (nghĩa là: giáo hóa, giáo dục), ở La Mã (thế kỷ V TCN) nó là từ “civitus” (lối sống của thị dân_lối sống có giáo dục, pháp luật, đạo đức…). Đến cuối thế kỷ XVIII, nó xuất hiện trong cuốn “Bách khoa toàn thư” (Encyclopedia, Diderot chủ biên, khoảng 1755_1775), từ này còn được gọi với cái tên : cilivisation (trạng thái xã hội có nhà nước, có giáo dục, văn chương…). Đầu thế kỷ XX thì văn minh mới được định nghĩa lại.

   + Phương Đông: từ “văn minh” xuất hiện vào thời Tây Hán và nó có nghĩa là “những tia sáng phát ra các giá trị nhân bản, nhân văn của con người ( văn: đẹp đẽ; minh: sáng). Đến thời nhà Thanh, trong sách “Đại Thanh thực lục”, người ta định nghĩa “văn minh” là “tia sáng phát ra từ đạo đức, điển chương, lễ nhạc…


Văn hóa  (culture): là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử nhằm phục vụ lợi ích của mình.
·        Thông thường, người ta hiểu văn hóa theo hai nghĩa:

+ Nghĩa hẹp: cách ứng xử, cách sống, suy rộng ra là trình độ về kiến thức, văn hóa.

+ Nghĩa rộng: văn hóa là toàn bộ những gì thuộc về con người, đó là các sinh hoạt vật chất (công cụ, nhà ở, trang phục…), hoặc sinh hoạt tinh thần (nếp sống, tư tưởng, phong tục tập quán, lễ hội…, ví dụ như cồng chiên Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế…).

2.     So sánh văn minh, văn hóa:

·        Giống: đều chi những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.
·        Khác:

Tiêu chí
Văn minh
Văn hóa
Sự ra đời (tính lịch sử)
Ra đời từ khi xuất hiện nhà nước (cách đây 5000 năm), lúc đó văn hóa đã phát triển cao.
Ra đời từ khi con người xuất hiện, tồn tại mãi với con người.
Trình độ phát triển
Gắn với toàn nhân loại.
Gắn liền với tộc người, một số quốc gia, vùng lãnh thổ...
Đặc điểm (thuộc tính)
Gắn với các yếu tố vật chất_kỹ thuật, mang tính quốc tế, dễ phổ biến, dễ lan   truyền. Những gì thuộc về tiện dụng là văn minh.
Gắn liền với cộng đồng, mang tính nhân văn, tính dân tộc và tồn tại bền vững. Cái gì là hay, là đẹp đều là văn hóa.

·        Các tiêu chí để đạt tới văn minh:
+ Kinh tế sản xuất (nông nghiệp, chăn nuôi, thương nghiệp…) phát triển mạnh.
+ Bộ máy quản lý xã hội (nhà nước) ổn định, các giai cấp không tiêu diệt nhau.
+ Ngôn ngữ: là hệ thống ký hiệu dùng để giao tiếp => thống nhất toàn diện.
+ Các thành tựu văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, tôn giáo… phát triển rực rỡ.

_ Văn hiến (văn: vẻ đẹp; hiến: hiền tài): là thuật ngữ chung chỉ sử sách và các chế độ chính sách. Từ này ( cùng với từ “văn vật”) xuất hiện ở Việt Nam vào thời Trần_ Lê. Ví dụ chính sách “ngụ binh ư nông”. “vườn không nhà trống”, các bộ luật như luật Hồng Đức (1483), luật Trinh Quán (thời Đường_ Trung Quốc), luật Manu (Ấn Độ)…

_ Văn vật (vật là vật chất, di tích) là thuật ngữ chỉ các di sản văn hóa bao gồm các di tích, gắn liền với vật chất.

3.     Đối tượng nghiên cứu: là các nền văn minh trên thế giới với các quy luật hình thành, phát triển phổ biến và đặc thù của nó.

4.     Phương pháp nghiên cứu: đó là các phương pháp sau:
  _ Đồng đại: các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của một nước và tác động của nó đến sự hình thành phát triển văn minh của một quốc gia, một vùng lãnh thổ (còn gọi là bối cảnh => chủ thể).

  _ Lịch đại: là sự kế thừa truyền thống, sự tương tác của nó với chủ thể lịch sử.
Hai phương pháp trên đều dựa trên quan điểm của phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử để nghiên cứu các hiện tượng văn minh.

5.     Nội dung nghiên cứu: đề cập hai nội dung chính sau:

_ Cung cấp các kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… giúp người học hiểu đầy đủ về vị trí, vai trò và sự tác động của các hình thái kinh tế đến văn minh; đồng thời nhận định đúng tiền đề ra đời, phát triển cảu nhiều nền văn minh nối tiếp nhau trong lịch sử.
_ Chỉ ra các đặc trưng độc đáo của từng nền văn minh giúp người học có cái nhìn đúng về văn minh, không coi nhẹ đề cao quá văn minh và biết trân trọng những thành quả sáng tạo của văn minh qua các thời kỳ lịch sử.

Các nội dung chính trong bài:
  1. Văn minh Ai Cập
  2. Văn minh Lưỡng Hà
  3. Văn minh Phoenicia
  4. Văn minh Do Thái
  5. Văn minh Arap
  6. Văn minh Ấn Độ
  7. Văn minh Trung Quốc
  8. Văn minh Mông Cổ
  9. Văn minh Triều Tiên
  10. Văn minh Nhật Bản
  11. Văn minh Đông Nam Á
  12. Văn minh khu vực châu Mỹ
  13. Văn minh Hy Lạp
  14. Văn minh La Mã
  15. Văn minh Tây Âu trung đại
  16. Tiếp xúc giữa các nền văn minh trên thế giới
  17. Văn minh công nghiệp
  18. Văn minh thế giới thế kỷ XX 
  19. Văn minh hậu công nghiệp