Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Hồi giáo với Malaysia, phần 4


2.4. Hồi giáo trong đời sống chính trị, kinh tế Malaysia
2.4.1. Hồi giáo trong đời sống chính trị
2.4.1.1. Thời vương quốc Melaka
           Cùng với sự ảnh hưởng về xã hội, Hồi giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị Malaysia. Vào thế kỷ XV, sau khi Hồi giáo vào, một số vị vua Malaysia, tiêu biểu là Parameswara ở Melaka đã cải theo Hồi giáo, lập ra một nhà nước theo mô hình nhà nước Hồi giáo gọi là Sultanate Melaka và tự xưng là sultan của nước này. Ông là người đứng đầu quốc gia đồng thời đứng đầu cộng đồng Hồi giáo. Ở Malaysia, Sultanate Melaka là chính thể nhà nước Hồi giáo có sự pha trộn giữa mô hình nhà nước truyền thống và mô hình nhà nước Ảrập, điều này khác hoàn toàn với chính thể nhà nước Ả rập thời trung cổ vốn coi trọng Hồi giáo. Do ảnh hưởng của Hồi giáo, nền chính trị của Melaka nổi lên 3 đặc trưng cơ bản: thứ nhất, vua là người nắm vương quyền và thần quyền; thứ hai, nguyên tắc tập trung dân chủ trong triều đình và cuối cùng, mối quan hệ giữa vua với nhân dân.
           Đặc trưng thứ nhất, vua nắm vương quyền và thần quyền. Về vương quyền, vua nắm quyền lực tuyệt đối, thay Allah cai trị muôn dân. Về thần quyền, vua tự xem mình ngang hàng với Muhamad, mặc khác do ảnh hưởng của thuyết “con người hoàn hảo” nên vua tự coi mình có sức mạnh siêu nhiên, thần thánh. Sử cũ có ghi lại các ông vua như thế như sultan của Pasai (tiểu quốc đầu tiên theo Hồi giáo) có phép thuật do cải theo Hồi giáo, sultan Mansur Shah (1459 – 1477) am hiểu chủ nghĩa thần bí[11] và Ahmad Shah (1511 – 1513) có phép thuật siêu phàm. Nguyên tắc thứ hai là tập trung dân chủ. Trong triều đình, khi vua đưa ra một vấn đề rất bức xúc (về chính trị, kinh tế, xã hội), các quan sẽ thảo luận và biểu quyết và vua sẽ chốt lại vấn đề đó. Mansur I Shah, một ông vua nổi tiếng anh minh, nói rằng:“… Các ngươi hãy đến thảo luận với các quan thượng thư và các chủ nhân vĩ đại của các ngươi. Người lãnh đạo dù khôn ngoan và hiểu biết đến đâu, thì sự khôn ngoan và hiểu biết đó sẽ được sử dụng ra sao nếu ông ta không tham khảo ý kiến các quan lại của mình”. Bên cạnh chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương (do Temenggong lãnh đạo) được củng cố vững chắc theo nguyên tắc đồng thuận được duy trì và tồn tại đến ngày nay. Ở Philippines, bên cạnh chính quyền sultan, hệ thống các barangay (do datu, rajah đứng đầu) được duy trì trở thành cố vấn cho sultan [36, 8]. Đặc trưng cuối cùng là mối quan hệ giữa vua với nhân dân. Ở vương quốc Melaka, tư tưởng lấy dân làm gốc đã được các sultan thấm nhuần và phát huy. Người sưu tập Sejarah Melayu có ghi lại lời của Mansur ví “nhà vua là cây, dân là rễ, sẽ không có cây nếu như không có rễ, vì thế sẽ không có nhà lãnh đạo, nếu như không có thần dân”,  điều đó thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa vua – quan – dân với nhau. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có khoảng cách nhất định bằng các quy định mang tính nguyên tắc. Vua được mặc áo long bào màu vàng, che ô vàng, dùng ống nhổ, vũ khí và kiệu voiDân thường bị cấm dùng khăn tay, đồ thêu và đồ trang trí bằng vàng và khi muốn tiếp kiến vua, họ phải xưng là nô lệ (patik) và cúi đầu Tất cả những điều đó nhằm mục đích nâng cao uy tín, địa vị của vua. Đối với tầng lớp thống trị địa phương, vua thi hành chính sách ưu tiên cho người Hồi (luật sư, giáo sĩ Hồi giáo) vào nắm chức vụ cao trong triều đình.
           Đối với nhân dân, các sultan Melaka cũng đặt các quy định chặt chẽ. Người dân phải biết cư xử đúng đắn với vua, quan, chấp hành mọi mệnh lệnh do vua đặt ra. Những điều gì vua cấm thì dân không được làm, nếu vua không cấm thì được làm. Ví dụ, trong các sắc lệnh của mình, vua thông thường cấm người dân làm vũ khí, cấm khoa học – kỹ thuật, hạn chế quyền dân chủ trong nhân dân…; còn một số điều khác thì không cấm. Hẳn đây là chìa khóa trong cơ chế lãnh đạo của người Malaysia, trong đó vua nắm quyền tối cao và có sự hỗ trợ của quan lại trong điều hành vương quốc, nhân dân sống dưới sự bảo trợ của vua và tất cả đã trở thành bộ phận không thể tách rời của bộ máy nhà nước, giúp vận hành hệ thống cai trị.
2.4.1.2. Thời kỳ thuộc địa (1511 – 1957)
            Sau khi đã chiếm Melaka, Bồ Đào Nha (sau là Hà Lan) đã nhanh chóng thiết lập chính quyền thuộc địa của chúng, đồng thời áp đặt đạo Thiên Chúa vào Melaka. Trong chính quyền thuộc địa, người Bồ Đào Nha, Hà Lan chỉ cho phép những người Thiên Chúa giáo, những người quý tộc Melaka đầu hàng và quy phục được tham gia chính quyền, nhưng sẽ bị hạn chế một số quyền lợi về quyền chính trị, quyền dân chủ trong nội bộ chính quyền[12]. Đối với các vương quốc xung quanh, 2 tên thực dân này luôn tiến hành chiến tranh nhằm mục đích lật đổ chính quyền Hồi giáo hiện tại, thiết lập chính quyền Thiên Chúa giáo thân với chúng. Tuy nhiên, do chính sách của chúng tàn bạo, tàn khốc cho nên chúng bị nhân dân, các vương quốc chống lại quyết liệt và cuối cùng đã lần lượt cuốn gói về nước, nhường chỗ cho người Anh, một kẻ đến sau nhưng để lại nhiều ảnh hưởng to lớn trong đất nước Malaysia.
          Sau khi đánh chiếm Melaka, người Anh nhanh chóng biến Malaysia thành một xã hội đa nguyên thong qua việc đưa một lượng lớn người Ấn, người Hoa vào đây để phục vụ cho khai thác thuộc địa, trong khi đó các sultan vẫn nắm quyền lãnh đạo, dù chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Chính sách “chia để trị” của người Anh đã làm 3 cộng đồng người Melayu, Hoa và Ấn không hòa được vào chung một dòng chảy. Lần đầu tiên trong cuộc tổng điều tra dân số năm 1921, người Melayu nhận ra mình chỉ chiếm non nửa số dân ở đây. Người Anh cũng rất thành công trong việc áp dụng chính sách giáo dục ở Malaysia. Theo đó, những con em của quý tộc được vào học trường Anh, học lối sống Anh để sau này ra phục vụ chính quyền. Những thanh niên này xa rời lối sống Melayu, tách dần khỏi cộng đồng Melayu để theo Anh và điều này khiến một bộ phận người Melayu lo ngại và điều này dẫn đến “chủ nghĩa dân tộc Melayu” nảy nở, trở thành nhân tố quan trọng trong nền chính trị Malaysia sau này. Ngoài ra, Anh cũng can thiệp mạnh vào luật pháp bằng cách cải cách các thiết chế Hồi giáo (zakat, tòa án Hồi giáo..) để giảm nhẹ sự khắc nghiệt của Hồi giáo, nhưng nằm trong tầm kiểm soát của Anh. Đến thời Nhật (1941 – 1945), người Nhật thi hành chính sách thân với người Melayu, đưa người Melayu ngang hàng người Ấn và người Hoa và điều này làm một bộ phận người Ấn, Hoa bất mãn, dẫn đến việc không hợp tác giữa ba cộng đồng trong việc chống giặc và cuối cùng dẫn đến những hậu quả không có lợi cho cuộc kháng chiến sau này chống thực dân Anh trở lại xâm lược Malaysia.
           Như vậy trong thời kỳ thuộc địa, chính sách của Anh, Nhật đã góp phần cướp đi cơ hội gần gũi giữa 3 tộc người Melayu, Hoa và Ấn, đặc biệt là cơ hội đoàn kết dân tộc để chống lại chủ nghĩa thực dân. Sự phân biệt này trái với tính đoàn kết cộng đồng Hồi giáo và làm quan hệ Melayu – Hồi giáo có mâu thuẫn sâu sắc. Nhận thức rõ điều này, các nhà lãnh đạo đã cố gắng hóa giải mâu thuẫn này, ủng hộ người Melayu chống giặc, và cũng thành công. Thế nhưng sau khi Anh tái xâm lược, quan hệ này cũng lục đục, nhiều lần bị chia rẽ sâu sắc và cũng như làm khủng hoảng nội bộ trong các chính phủ Malaysia từ 1957 đến 2000.
2.4.1.3. Thời kỳ độc lập
Thời Abdul Rahman (1957 – 1970)
           Sau khi giành độc lập, Rahman thành lập chính phủ đầu tiên của nước Malaysia thống nhất. Sau khi nắm quyền, ông đã thi hành chính sách nhằm củng cố, đưa địa vị của người Melayu lên cao như cho người Melayu tham gia sản xuật công nghiệp, được học tập và lao động. Ít lâu sau, chính phủ tiến hành liên minh với các đảng của người Hoa, người Ấn để thành lập Đảng Liên minh cầm quyền, nhưng bị PAS phản đối kịch liệt. Để xoa dịu, chính phủ cố gắng chứng tỏ mình đang bảo vệ Hồi giáo, thực hiện các luật lệ, nghi thức tôn giáo rất nghiêm túc, nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề dân tộc do bị chủ nghĩa dân tộc chi phối mạnh đến quan điểm của chính phủ. Tóm lại, từ 1957 – 1960, chính phủ chỉ ủng hộ Hồi giáo trên danh nghĩa và là công cụ đắc lực cho bầu cử chứ không quan tâm đến việc Hồi giáo có đối đầu với chủ nghĩa dân tộc hay không. Các vấn đề kinh tế, xã hội sau này đã khiến chính phủ phải quan tâm.
           Đến những năm 60, chính trị Malaysia ngày càng phức tạp. Mâu thuẫn Hoa – Melayu trở nên căng thẳng[13], bất đồng chính trị giữa UMNO và Liên minh cầm quyền diễn ra gay gắt. Thêm vào đó, việc Hiến pháp 1957 quy định tiếng Melayu là ngôn ngữ quốc gia đã làm tăng lên nỗi bất bình của các dân tộc không phải người Melayu, đặc biệt là người Hoa và đảng đối lập PAS càng thêm sâu sắc. Trong cuộc bầu cử năm 1969, khi kết quả bầu cử cảm thấy bất lợi cho mình[14], các đảng của người Hoa, người Ấn nổi dậy biểu tình làm thủ đô Kuala Lumpur bị tê liệt trong một thời gian dài.
           Trong đối ngoại, chính phủ theo xu hướng thân phương Tây. Bước ngoặt chính trong quan hệ này đó là sự đối đầu của Indonesia đối với việc thành lập Liên bang Malaysia (1963) và sự tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với vùng Sabah. Đứng trước tình thế này, chính phủ đã tiến hành đàm phán và cuối cùng đã nối lại quan hệ tốt với hai nước này. Những sự việc đã qua đã làm chính phủ phải thay đổi chính sách của mình, từ bỏ thân phương Tây, nhích dần quan hệ với các nước Hồi giáo ở Trung Đông. Để thực hiện, Malaysia tiến hành ngoại giao hòa bình với các nước Trung Đông, tham gia Phong trào không liên kết vào năm 1965. Thành công của việc ngoại giao với IndonesiaPhilippines và các nước Trung Đông đã làm Malaysia xem xét lại chính sách ngoại giao của mình.        
Thời Tun Abdul Razak (1957 – 1976)
           Lên nắm quyền sau cuộc nổi dậy năm 1969, Razak đã thi hành nhiều chính sách để ổn định tình hình đất nước. Ngày 31/8/1970, ông ban bố Hệ tư tưởng quốc gia (Rukunegara[15][41,  309 – 310], đẩy mạnh phát triển giáo dục, tài trợ cho người Melayu học tập, làm việc, cải tổ chính phủ và thực hiện dân chủ nghị viện để hạn chế thấp nhất các mâu thuẫn có thể xảy ra.
           Đồng thời với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Razak còn đối phó với vấn đề mới, đó là Hồi giáo. Sau sự kiện 1969, ý thức Hồi giáo trỗi dậy hơn bao giờ hết, dẫn đến bùng nổ phong trào rộng lớn gọi là Dakwah. Trong cương lĩnh của mình, Dakwah đã giúp nâng cao nhận thức tín đồ, tổ chức các hoạt động cho tín đồ (đi nhà thờ, học giáo lý và nói chuyện về Hồi giáo) về Hồi giáo. Để hạn chế sự phát triển của Dakwah, chính phủ cho phép một số tổ chứ ra hoạt động công khai, trong số đó phải kể đến là ABIM, Darul Arqam và Perkim.
           + Tổ chức Dakwah đầu tiên là ABIM được thành lập năm 1969 (1974 hoạt động công khai), do Anwar Ibrahim làm chủ tịch. Mục đích của nó là tuyên truyền, thực thi các tín điều Hồi giáo trong xây dựng quốc gia dân tộc. Về chương trình hoạt động, ABIM kêu gọi tín đồ thực hiện đầy đủ luật lệ và nghĩa vụ Hồi giáo một cách nghiêm túc, đồng thời quan hệ ngoại giao với 24 tổ chức Hồi giáo trên thế giới. Ngoài ra, ABIM ra báo “Thư tín” để làm cơ quan ngôn luận cho mình. Thông qua tờ báo này, ABIM tố cáo mạnh mẽ tệ tham nhũng, sự bóc lột công nhân và ngược đãi Hồi giáo, kêu gọi chính phủ quan tâm nhiều đến Hồi giáo.
           + Tổ chức Dakwah kế tiếp là Darul Arqam (Ngôi nhà của Arqam) được thành lập năm 1963. Ngay từ khi thành lập, tổ chức này đặt các vấn đề như: tin tưởng vào Thượng đế, củng cố tình anh em Hồi giáo và tôn trọng nguyên tắc Hồi giáo. Về hoạt động, tổ chức này chủ yếu là kinh doanh các sản phẩm như tương ớt, gia vị, buôn bán các sách vở Hồi giáo… lấy tiền làm kinh phí cho mình, thậm chí họ còn được mời đi nói chuyện ở các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, do được xây dựng trên cơ sở địa phương nên nó nhanh chóng phát triển và chiếm cảm tình của chính phủ. Đóng góp của nó là làm thức tỉnh tinh thần Hồi giáo vào thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ XX.
           + Tổ chức Dakwah cuối cùng là Perkim, do thủ tướng Rahman thành lập vào năm 1960. Mục đích của Perkim là phát triển Hồi giáo, tiến hành phúc lợi xã hội. Nhiệm vụ của nó là giảng dạy kiến thức Hồi giáo, cải đạo cho người không phải Hồi giáo, đặc biệt là người Hoa và Ấn Độ, hoạt động kinh doanh để thu lợi nhuận và nhận viện trợ từ các nước Hồi giáo khác như Libya, Arab Saudi, Iraq…  Thái độ của Perkim với chính trị rất phức tạp, một mặt nó tìm cách giúp đỡ người tỵ nạn Hồi giáo từ Nam Thái Lan, Campuchia sang cư trú ở Malaysia, mặc khác lại quan tâm đến các sự chiến tranh Israel - Ảrập giành vùng đất thánh Jerusalem, Israel tấn công mỏ dầu Iraq… nhưng không quan tâm đến chính trị.
           Tóm lại, phong trào Dakwah không phải chỉ là hiện thực nhất thời rồi qua đi mà nó thực sự trở thành phong trào rộng lớn, không chỉ gắn với các vấn đề về Hồi giáo ở Malaysia mà còn gắn liền với bản sắc văn hóa Melayu ở nước này. Phong trào có ý nghĩa rất lớn trong đời sống chính trị, văn hóa – xã hội, đặc biệt là từ thập niên 70 – 80 trở về sau và còn ảnh hưởng lâu dài về sau này.
           Về đối ngoại, từ sau cuộc khủng hoảng 1969, Malaysia bắt đầu nghiên dần về thế giới Trung Đông. Cụ thể, vào năm 1969, Malaysia đã khởi xướng “Hội nghị đoàn kết Hồi giáo”, tổ chức ở Maroc. Năm 1973, Malaysia ký Hiến chương Hồi giáo (OIC) để khẳng định bản sắc Hồi giáo trong nước, giải quyết các trang chấp, xung đột trong hòa bình, hữu nghị. Năm 1975, trong khuôn khổ OIC, Malaysia đã vận động các nước để cử mình làm quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Đến thập niên 70, do tình hình thế giới có biến động lớn: khủng hoảng dầu mỏ 1973 và chiến tranh Ả rập – Israel, Malaysia triệu tập hội nghị các nước Hồi giáo và kêu gọi các nước nên đầu tư nhiều vào dầu mỏ của mình, phát triển thương mại các nước để nâng Hồi giáo xứng tầm với quốc tế.
Chính phủ Mahathir và Hồi giáo
           Trước khi nhậm chức Thủ tướng chính phủ, M. Mahathir đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Hồi giáo của mình, xem nó là nguồn “thống nhất” người Melayu[16]. Để tỏ rõ quan điểm của mình, ông đã thuyết phục Ibrahim (lãnh đạo ABIM) tham gia chính phủ với tư cách là cố vấn về Hồi giáo ở Malaysia nhằm mục đích nâng cao tôn giáo này trong mắt người Melayu. Cuối năm 1982, chính phủ thành lập Ngân hàng Hồi giáo; năm 1983 chính phủ quy định tín đồ Hồi giáo là người lao động được cầu nguyện từ 12 h 30’ đến 14 h thứ sáu hàng tuần, đưa Hồi giáo vào chương trình học bắt buộc của học sinh, sinh viên toàn quốc, tăng mạnh việc tổ chức cuộc thi đọc kinh Koran. Chính phủ cũng thành lập Hội đồng Dakwah Hồi giáo ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (RISEAP[17]), mở nhiều hội nghị quốc tế về Hồi giáo. Năm 1988, chính phủ cho xây dựng “làng Hồi giáo”, năm 1989, các Bộ trưởng Tôn giáo của 4 nước Hồi giáo đã họp bàn, thông qua bản Ghi nhớ chung (1996) khẳng định sự cần thiết phải ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoạn trong khu vực. Ngoài ra, chính phủ khuyến khích người Hồi giáo ở khắp nơi về đây học tập Hồi giáo và đến năm 1984, Malaysia và Arab Saudi thực hiện chương trình phát thanh “Tiếng nói Hồi giáo” nhằm tuyên truyền các tín đồ về Hồi giáo, hướng họ về một thế giới Hồi giáo hòa bình, thịnh vượng.
          Về đối ngoại, Mahathir bắt đầu có sự điều chỉnh chiến lược, đó là tiến hành quan hệ với Trung Đông. Năm 1981, tại Hội nghị Hồi giáo được tổ chức tại Arab Saudi, ông đề ra khẩu hiệu[18] kêu gọi các nước phải hành động tích cực, không phụ thuộc vào phương Tây trong an ninh, quốc phòng, tăng dần buôn bán với các nước Trung Đông và kêu gọi các nước Trung Đông chống lại sự xâm lược của Israel vào Ả rậpTrong khi đó ở Đông Nam Á, vấn đề ly khai dân tộc, chủ quyền đất nước trở thành vấn đề nhạy cảm, nhất là Thái Lan và Philippines. Ở Thái Lan, do bất mãn với chính sách ưu tiên Phật giáo của chính phủ, hàng ngàn người Hồi ở Nam Thái Lan lũ lượt di cư sang Malaysia tìm nơi trú ngụ. Ở Philippines, vấn đề Sabah trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, điều này cũng tạo điều kiện cho người Moro Hồi giáo di cư đến đây cư ngụ. Để giải quyết, chính phủ chủ động bình thường hóa quan hệ với hai nước, thực hiện các chương trình như: “Khu vực tăng trưởng miền Đông ASEAN”[19], thành lập Ủy ban chung về phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước….  nhằm mục đích củng cố mối quan hệ với hai nước, xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực phát triển nhất thế giới. Với Philippines, Mahathir chủ động làm trung gian với Indonesia, giúp chính quyền Ramos ký hiệp ước hòa bình với MNLP[20], hướng đến đảm bảo nền tự trị cho người Moro ở Nam Philippines. Đến thập niên 90, chính phủ đã ủng hộ mạnh mẽ Hồi giáo, song không phải lúc nào sự ủng hộ này cũng được hoan nghênh, đôi khi còn bị gán là gián tiếp giúp đỡ người Hồi ở các các nước này ly khai chính quyền nên Malaysia rất thận trọng khi quan hệ với các nước nàymà trường hợp chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1991) là ví dụ cụ thể. Lúc đầu khi Iraq đánh Kuwait, Malaysia quyết định ủng hộ Liên Hiệp Quốc kêu gọi Iraq rút quân vì Iraq xâm phạm độc lập, trái với nguyên tắc ngoại giao của Malaysia, nhưng Iraq và Kuwait là hai nước Hồi giáo nên Malaysia vẫn ngoại giao tốt với hai nước này. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai (2003), Malaysia phản đối âm mưu lật đổ Saddam Hussein của phương Tây, đặc biệt là chống lại hành động đánh chiếm Iraq của Mỹ mà không được Liên Hiệp Quốc ủy thác.
2.4.1. Hồi giáo trong đời sống kinh tế
          Về phương diện kinh tế, việc vương quốc Melaka gia nhập thế giới Hồi giáo đã tạo cho nó cơ hội tham gia guồng máy buôn bán quốc tế, lúc đó còn đang nằm trong tay thương nhân Ảrập, Ba Tư, Trung Quốc, Ấn Độ.  Melaka có lợi thế là nằm trên đường giao thông buôn bán chính giữa Đông và Tây. Các thương nhân Hồi giáo ở hầu hết khắp nơi trên thế giới đều đổ về nơi đây buôn bán, lập gia đình và thậm chí kết thân với quý tộc địa phương người Melayu để bảo vệ đặc quyền của họ và chính những hoạt động này đã khiến cho Melaka trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất thế giới mà các trung tâm buôn bán cùng thời như Đồ Bàn (Champa), Malabar, Gujerat (Ấn Độ) không sánh kịp. Từ những thành công này đã kích thích các vua, quan lại trong các vương quốc ở Malaysia bị cuốn hút theo Hồi giáo và dần dần lan rộng ra bên ngoài vương quốc. Buôn bán ở Melaka đã thúc đẩy Hồi giáo lây lan trên bán đảo Malay và ngược lại, Hồi giáo cũng giúp Melaka thúc đẩy sự phát triển và mở rộng giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực, hay nói cách khác, Hồi giáo đã gián tiếp trở thành yếu tố quan trọng giúp Melaka phát triển kinh tế, mở rộng nền thống trị ra ngoài lãnh thổ của mình. Chính sự có mặt ngày càng đông của các thương gia Hồi giáo ngoại quốc ở Melaka, đặt biệt là các thương gia Trung Hoa và Ảrập đã chứng tỏ Melaka không chỉ là một trung tâm buôn bán sầm uất mà còn là một trung tâm tôn giáo lớn, một nơi nghiên cứu và truyền bá Hồi giáo có uy tín ở khu vực Đông Nam Á..
           Đến thời kỳ thuộc địa, nền kinh tế Hồi giáo ở Malaysia bị hạn chế nhiều do chính sách kinh tế của các nước thực dân. Sau khi đánh chiếm Melaka, Bồ Đào Nha (về sau là Hà Lan) liền thi hành chính sách kinh tế khắc nghiệt là hạn chế nội thương và độc quyền ngoại thương nhằm mục đích hạn chế sự phát triển kinh tế trong nước, hạn chế luôn sự lan truyền của Hồi giáo ra xung quanh vốn thịnh hành từ thời Melaka. Chính quyền thuộc địa quy định các tàu buôn của thương nhân Hồi giáo, Trung Quốc, Ba Tư, Ấn Độ…khi qua Melaka thì phải vào đây và đóng thuế cao, điều này làm các thương nhân Hồi giáo, Trung Quốc, Ba Tư,… bỏ sang các thương cảng khác để buôn bán, mặc khác chính quyền thi hành chính sách hẹp hòi tôn giáo, đề cao đạo Thiên Chúa, các tôn giáo khác đều là ngoại đạo và tìm cách ngăn cản các đoàn truyền giáo của Hồi giáo sang truyền đạo. Đến thời Anh cai trị (1826 – 1957), Anh thi hành chính sách kinh tế rất thâm độc. Một mặt, Anh tìm cách kìm hãm nền kinh tế Malaysia trong vòng lạc hậu, mặc khác đưa người Hoa, người Ấn vào để phát triển, tiến tới phá vỡ dần vị trí độc tôn của người Hồi giáo Melayu trong kinh tế Hồi giáo vốn từ lâu được họ chiếm độc tôn. Điều này đã khiến người Melayu Hồi giáo bất mãn, nổi dậy chống đối kịch liệt với thực dân cho đến năm 1957.
          Sau khi Malaysia giành độc lập, A. Rahman lên nắm quyền thi hành chính sách kinh tế để củng cố địa vị người Melayu như cho họ sản xuất công nghiệp, lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là bước sơ khởi ban đầu cho việc phát triển kinh tế Hồi giáo ở Malaysia. Mãi đến thời của thủ tướng tiếp theo là A. Razak thì kinh tế Malaysia có bước phát triển mới. Năm 1971, ông thành lập Chính phủ Liên hiệp Mặt trận dân tộc (BN), đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP) thực hiện từ năm 1971 đến năm 1980, với mục đích “Xóa đói trong tất cả người dân Malaysia thông qua việc tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho mọi người; Cấu trúc lại xã hội để loại bỏ sự mất cân bằng về kinh tế, nhằm hạn chế và cuối cùng loại bỏ hoàn toàn sự đồng nhất chủng tộc với chức năng kinh tế và vị trí địa lý của họ” [41, 137]. Mục tiêu đầu tiên của NEP đó là đẩy mạnh công tác giáo dục. Chính phủ quan tâm đến việc giáo dục người Melayu, tài trợ cho họ theo học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
Ngoài ra, một số tổ chức Hồi giáo Dakwah (xem phần trên) là Darul Arqam và Perkim cũng hưởng ứng chính sách NEP của chính phủ rất nồng nhiệt. Họ tăng cường các hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, xuất khẩu ra nước ngoài và thu lợi nhuận. Một số Dakwah khác như Perkim ngoài buôn bán ra còn nhận viện trợ của các nước Hồi giáo khác để phát triển kinh tế. Nhờ có chính sách thích hợp, nền kinh tế Malaysia đạt tỉ lệ cao và ổn dụng trong những năm 70. Tỉ lệ tăng trưởng đạt 7,8%/năm, mức tự túc lương thực tăng từ 7,8% (1970) lên 92% (1980), thu nhập bình quân tăng từ 390 USD (1970) lên 1680 USD (1980). Thời Mahathir, chính phủ đã đề ra chính sách tự do hóa kinh tế thiên về Hồi giáo, nới lỏng luật lệ và cải tiến chính sách về đầu tư; khuyến khích tư nhân người Hồi Melayu tham gia phát triển kinh tế; chủ trương quản lý chặt chẽ hoạt động chi tiêu của khu vực kinh tế nhà nước. Do vậy nền kinh tế lại được phát triển. Năm 1987, tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%, dự trữ ngoại tệ tăng gấp đôi, lên 7,4 tỉ USD vào năm 1989, tỉ lệ gia đình nghèo khổ giảm xuống còn 15%. Xuất khẩu của công nghiệp lên tới 60,4%, tăng gấp 5 lần so với năm 1970. Nắm 1991, chính phủ ra kế hoạch 5 năm lần thứ sáu (1991 – 1995)  nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nhờ vậy mà Malaysia đạt mức tăng trưởng cao. Năm 1992 Malaysia đạt tỉ lệ tăng trưởng 8,5%, bình quân thu nhập tăng dần từ 2.965 USD (1992) lên tới 4.530 USD (1997).
Sau 40 năm phát triển , kinh tế Malaysia vươn lên thành nước công nghiệp mới (NICs). Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chính phủ ra “kế hoạch 6 điểm” vực dậy nền kinh tế, nhờ đó nền kinh tế đạt mức tăng trưởng ổn định 5 – 6%/năm. Có thể nói rằng, Hồi giáo phát triển mạnh tạo điều kiện cho kinh tế, đặc biệt là buôn bán, xuất khẩu hàng hóa phát triển mạnh và thông qua Hồi giáo, chính phủ có chính sách thích hợp để phát triển kinh tế,hay nói cách khác Hồi giáo đã gián tiếp trở thành yếu tố quan trọng giúp Malaysia phát triển kinh tế, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài.


KẾT LUẬN
          
Đạo Hồi là tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai trên thế giới (sau đạo Thiên Chúa) chỉ sau 14 thế kỷ ra đời và phát triển. Có lẽ cho tới giờ thế giới vẫn còn kinh ngạc bởi sức sống mãnh liệt của tôn giáo này.
           Được sáng lập bởi Muhammad vào thế kỷ VII ở bán đảo Ả rập nóng bỏng, Hồi giáo cũng giống như một cơn bão cát sa mạc đưa nó lan rộng khắp bán đảo rộng lớn nhất thế giới này và truyền đi khắp mọi miền trên trái đất. Lúc chết Muhammad dạy rằng các tín đồ hãy mang lời dạy của của Allah đến chân trời góc bể và có bây giờ nếu Muhammad còn sống chắc chắn ông rất hài lòng bởi kết quả mong đợi đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hồi giáo là một tôn giáo không phân biệt đẳng cấp và giống người trên thế giới này và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới hãy đoàn kết với nhau vượt qua sự khác biệt về chủng tộc, giai cấp tiến tới thành lập một cộng đồng Hồi giáo (ummah) thống nhất và hùng mạnh. Cũng chính vì lý tưởng đó mà người Ảrập đã mang tất cả tinh hoa và sự sáng tạo của mình để đi sâu vào đời sống chính trị, văn hóa vật chất, tinh thần của người Hồi ở bản xứ (tức người Ả rập) ngoài ra nó còn ảnh hưởng ra xung quanh, đặc biệt là Malaysia, nơi Hồi giáo đã đi qua nhiều lần và có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa nước này. Từ lúc đạo Hồi ra đời, một nền văn hóa mới đã xuất hiện đó là nền văn hóa Hồi giáo được thể hiện rõ qua các tín điều Hồi giáo, luật lệ và những nghĩa vụ cơ bản mà người Hồi giáo phải nắm khi đang là một tín đồ trung thành của đạo.
            Một trong những cơ sở quan trong của Hồi giáo đó là kinh Koran. Kinh Koran là thánh kinh quan trọng của đạo Hồi. Theo giáo lý Hồi giáo, kinh Koran là sự tiết lộ những lời mặc khải của Thượng đế thông qua thiên sứ Gabriel cho Muhammad. Cuốn kinh gồm 30 phần, 114 chương và 6.236 câu. Nội dung của kinh đề cập đến cuộc sống, phong tục tập quán của người Ả rập, thêm nữa kinh cũng đề cập thêm các nguyên tắc tôn giáo, chỉ dẫn về kinh doanh và hôn nhân – gia đình trong đời sống người Ảrập. Đi liền với kinh Koran là luật Shariah. Luật này ra đời cùng lúc với đạo Hồi. Trong luật Shariah, người Hồi đã đặt ra các quy định về thừa kế tài sản, hôn nhân – gia đình, địa vị người phụ nữ và các tội về hình sự, dân sự và luật này đã được sửa đổi liên tục và vận dụng linh hoạt trong các nước Hồi giáo hiện nay. Một nhân tố cũng rất quan trong đó là các nghĩa vụ của đạo Hồi. Hồi giáo quy định các tín đồ Hồi giáo phải thực hiện đầy đủ 5 nghĩa vụ Hồi giáo (cột trụ Hồi giáo) là xác nhận đức tin (tin vào một Thượng đế duy nhất), lễ bái, bố thí người nghèo, nhịn ăn trong tháng chay Ramadan và hành hương đến Mecca. Nếu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ này, tín đồ Hồi giáo sẽ được xem là người chân chính, người chính đạo còn không thì sẽ không là người chân chính.
           Hồi giáo ngoài việc ảnh hưởng đến bán đảo Ả rập thông qua giáo lý, nghĩa vụ tôn giáo, nó còn ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống vật chất và tinh thần của người Ảrập. Về văn hóa vật chất, Hồi giáo ảnh hưởng mạnh mẽ qua cách ăn ở, gia đình và địa vị của phụ nữ Hồi giáo. Hồi giáo quy định, tín đồ sẽ ăn những thức ăn, thức uống được cho phép và không ăn những thức ăn, thức uống không được cho phép. Trong gia đình, mỗi người dân theo đạo phải biết cư xử đúng đắn, tôn trọng các thứ bậc trong gia đình, nhất là luôn kính trọng người già cả. Ngay từ lúc còn bé, trẻ em đã được người lớn dạy phải luôn vâng lời người lớn, cho đến lúc trưởng thành và sau khi lập gia đình cũng vậy. Về địa vị của phụ nữ Hồi giáo, Hồi giáo quy định: đàn ông là người chủ tối cao và có nhiều đặc quyền, phụ nữ chỉ ở vị trí phụ thuộc. Phụ nữ phải vâng lời chồng và chịu sự kiểm soát của gia đình chồng.
           Về văn hóa tinh thần, Hồi giáo cũng có ảnh hưởng mạnh, thể hiện qua 6 đức tin (lục tín), hôn nhân và lễ hội. Bất cứ một người Hồi giáo nào khi theo đạo sẽ phải tuân theo 6 điều tin (lục tín) và coi đó là sự thể hiện chân lý, niềm tin đúng đắn với Allah, Khi tin 6 điều đó, tín đồ sẽ cảm thấy thanh thản, cuộc sống sẽ tốt hơn. Trong hôn nhân, Hồi giáo cũng rất bảo thủ. Đa số các cuộc hôn nhân đều do được gia đình sắp đặt, và các chàng trai các cô gái sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt nhau cho đến lúc kết hôn. Khi về nhà chồng cô dâu sẽ làm việc suốt ngày và nếu có hành động trái ý thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà mà không mang theo tài sản gì. Về hoạt động giải trí tôn giáo, người Hồi tổ chức các lễ hội lớn như lễ kết thúc tháng chay Ramadan, lễ mừng sinh nhật Muhammad và lễ Ashura. Trong các lễ hội này, người dân được đua nhau đi cầu nguyện ở thánh đường, viếng bạn bè và láng giềng, tổ chức tiệc tùng ở nhà vào buổi trưa và buổi tối. Riêng lễ Ashura thì tổ chức hơi đặc biệt: trong lễ, tín đồ tổ chức đi đến đền thờ thánh Husayn và tự hành xác mình tưởng nhớ vị thánh tuẫn nạn này. Đối với thế giới, đạo Hồi là tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Nó lan đi khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đến tận nước Nga xa xôi và len lỏi vào cả khu vực Đông Nam Á.
           Đối với Malaysia, đạo Hồi đã du nhập vào nước ta từ thế kỷ XIII – XV và bám rễ được một số cộng đồng người Melayu ở đây. Trong suốt 5 thế kỷ tồn tại, Hồi giáo đã phát triển mạnh và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần người Melayu, trở thành một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên ngoài các yếu tố chung của Hồi giáo thế giới, Hồi giáo ở Malaysia đã in đậm dấu ấn bản địa, đây là điểm khác biệt so với sự ảnh hưởng của Hồi giáo ở chính nơi nó sinh ra:
          1. Hồi giáo xâm nhập vào Đông Nam Á bằng con đường hòa bình, thông qua giao lưu buôn bán. Người Hồi giáo đến đây không nhằm mục đích xâm lược và cải giáo, mà trước hết là để làm ăn sinh sống, buôn bán kiếm lời. Theo chân họ, Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo đã thấm dần vào lối sống của người dân địa phương và chiếm được vị trí xứng đáng trong xã hội. Khi Hồi giáo đến, các cư dân ở đây đều có một nền văn hóa bản địa lâu đời và độc đáo. Hồi giáo khi xâm nhập vào đã khộng loại bỏ yếu tố văn hóa truyền thống, mà trái lại Hồi giáo đã tự thay đổi cho phù hợp với lối sống địa phương, hoặc chung sống hòa bình. Trên thực tế, sự đan xen và hòa nhập của Hồi giáo vào tập tục địa phương đã trở thành một đặc trưng của văn hóa Hồi giáo ở Malaysia.
           2. Tuy không trở thành tôn giáo thống trị Malaysia, nhưng Hồi giáo đã có vị trí đặc biệt trong quốc gia này. Hồi giáo trở thành “lối sống” của người Melayu và các cư dân bản địa theo Hồi giáo khác. Họ sống theo không gian và thời gian Hồi giáo, mà ở phạm vi hẹp của làng xã thì nó được xác định bởi các nhà thờ Hồi giáo với mái vòm cuốn tròn và những cái tháp (minaret) cao ngất, sớm âm vang những lời cầu nguyện. Trong phạm vị rộng thì người Hồi giáo Malaysia đang ở trong một thế giới Hồi giáo rộng lớn với hơn 1 tỷ tín đồ. Họ suy nghĩ, ứng xử theo cách Hồi giáo, ăn và mặc đều theo Hồi giáo, thực hiện các nghĩa vụ cùng các lễ nghi Hồi giáo đặt ra theo lịch Hồi. Hồi giáo trở thành đề tài cho sáng tác văn, thơ và đồng thời làm giàu tiếng Melayu mà nay đã trở thành ngôn ngữ chính thức của MalaysiaBrunei và Indonesia. Như vậy, Hồi giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa quốc gia Malaysia.
           3. Giáo dục Hồi giáo ở Malaysia là lĩnh vực rất được coi trọng vì nó có vai trò rất lớn trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống. Malaysia có một đội ngũ trí thức Hồi giáo đông đảo. Họ đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - văn hóa, đặc biệt là việc truyền bá kiến thức Hồi giáo và nền văn hóa của nó cho cộng đồng Hồi giáo. Tuy nhiên về sau, vì nhiều lý do khác nhau, nền giáo dục Malaysia đã dần rơi vào suy thoái, không đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Vì thế, việc cải cách lại hệ thống giáo dục Hồi giáo cho phù hợp với nền giáo dục hiện đại là điều cần thiết, cấp bách hiện nay của Malaysia cũng như các nước có đông tín đồ Hồi giáo khác.
           4. Điểm nổi bật trong đời sống chính trị Malaysia đó là mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc Melayu và Hồi giáo mà đại diện là UMNO và PAS. Mặc dù là đấu tranh lẫn nhau kịch liệt về vấn đề Hồi giáo Malaysia và người Melayu, nhưng suy cho cùng, mục đích chính của hai đảng này vẫn là bảo vệ quyền lợi người Melayu và mâu thuẫn giữa hai đảng với cộng đồng người không phải Melayu là vấn đề then chốt. Để bảo vệ đặc quyền Melayu,Malaysia đi theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó sultan là người đứng đầu về mặt truyền thống, nhưng quyền lực tối cao lại thuộc về Hiến pháp. Hiến pháp quy định Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang, khẳng định quyền (lập pháp, hành pháp) của các bang đối với vấn đề Hồi giáo Hội đồng Hồi giáo quốc gia chỉ đóng vai trò phối hợp, điều hành hoạt động Hồi giáo sao cho thống nhất và phù hợp với đường lối chính phủ mà không phạm luật Hồi giáo. Điều này bảo đảm cho Malaysia không phải là quốc gia Hồi giáo, nhưng vẫn gắn bó với Hồi giáo thông qua chính sách đối nội, đối ngoại mềm dẻo và linh hoạt của chính phủ.
           5. Dân tộc và tôn giáo là hai vấn đề nhạy cảm, liên quan chặt chẽ với nhau, nhất là khi tôn giáo được coi là bản sắc văn hóa dân tộc như trong trường hợp Hồi giáo ở Malaysia. Nhờ sự giải quyết đúng đắn mối quan hệ phức tạp đó mà Malaysia tranh được sự phát triển của chủ nghĩa ly khai Hồi giáo mà các nước trong khu vực như Thái Lan và Philippines đang phải đương đầu. Người Melayu Malaysia hài lòng vì đã giành được ưu thế về chính trị, văn hóa và tôn giáo so với các cộng đồng cư dân khác trong nước. Họ luôn nhận thức được mình trước hết là thuộc cộng đồng Melayu Malaysia, sau đó mới là tín đồ của cộng đồng Hồi giáo thế giới. Tất nhiên, không có những giải pháp chung cho vấn đề dân tộc và tôn giáo ở các nước khác nhau, song kinh nghiệm của Malaysia cũng là bài học bổ ích để Việt Nam và các nước khác trong khu vực tham khảo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

+ Tài liệu gốc:
1.      Du ký Marco Polo (Nguyễn Thành Thống dịch), NXB Văn hóa thông tin.
2.   Thiên kinh Koran (ý nghĩa và nội dung), bản tiếng Việt, Trung tâm ấn loát Quốc vương Fahad xuất bản.
+ Tài liệu kinh điển:
3.      Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo và chủ nghĩa vô thần, NXB CTQG, 2001.
+ Tài liệu tham khảo:
4.  Andaya, B.W. and Andaya L.Y (1982), A history of Malaysia, Macmillan Press Ltd., London.
5.      Baaren, Th. (Trịnh Huy Hóa biên dịch) (2002), Hồi giáo, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
6.      Phan Thế Châu (1973), Hồi giáo lược khảo, NXB Đông Quang, Sài Gòn.
7.      Ngô Văn Doanh (2000), Từ điển văn hóa Đông Nam Á, NXB VHTT, Hà Nội.
8.      Ngô Văn Doanh (1987), Tìm hiểu văn hóa Indonesia, NXBVHTT, Hà Nội.
9.      Ngô Văn Doanh (2008), Islam giáo và văn hóa Đông Nam Á thời cận – hiện đại, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12.
10. Durant, Will (Nguyễn Hiến Lê dịch) (2006), Lịch sử văn minh Ả rập, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
11. Nguyễn Đức (và những người khác) (2002), Islam Hồi giáo, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
12. Hamid, A. F. A. (2010), Islamic education in Malaysia, S. Ratjaratnam School International Studies.
13. Nguyễn Đức Hòa (2011), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Trẻ, TP.HCM.
14. Trịnh Huy Hóa (2002), Hồi giáo, NXB Trẻ, TP.HCM.
15. Trịnh Huy Hóa (2003), Malaysia, NXB Trẻ, TP.HCM.
16. Lê Phụng Hoàng (2008), Lịch sử quan hệ quốc tế Đông Nam Á  từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối chiến tranh lạnh (1945 – 1991). Lưu hành nội bộ, tủ sách ĐHSP, Tp. HCM.
17. Lê Phụng Hoàng (2009), Lịch sử quan hệ quốc tế Trung Đông từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến các hiệp định Oslo. Lưu hành nội bộ, tủ sách ĐHSP, Tp. HCM.
18. Lê Phụng Hoàng (và những người khác) (2008), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, Hà Nôi.
19. Đỗ Minh Hợp (2009), Tôn giáo học nhập môn, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
20. Trương Sĩ Hùng (2010), Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á, NXB VHTT, Hà Nôi.
21. Lê Thị Thanh Hương (2002), Về truyện sử Melayu, NXB KHXH, Hà Nôi.
22. Nguyễn Hiến Lê (1994)Bán đảo Ả Rập, đế quốc của Hồi giáo và dầu lửa, NXB Văn hóa, Hà Nội.
23. Trần Thị Lý (1996), “Nghệ thuật Malaysia – một cái nhìn ban đầu”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 1/6/1996..
24. Nguyễn Quốc Lộc (1995), Đông Nam Á ngày nay, số 3, NXB Mũi Cà Mau.
25. Newitt, M. D. D. (2003), The First Portugueses Colonial Empire, University of Exeter, Great Britain by Antony Rowe Ltd., Eastboume.
26. Phan Ngọc (dịch) (1994), Truyện ngắn Malaysia – Những truyền thuyết của Eva, NXB Văn học, Hà Nôi.
27. Vũ Dương Ninh (2005), Lịch sử văn minh thế giới, NXB GD, Hà Nôi.
28. Nguyễn Gia Phu (và những người khác) (2003), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nôi.
29.Nguyễn Sinh (2007), Thế giới Hồi giáo, phần 8, theo trang: http://my.opera.com/ngsinh/blog/t
30. Vũ Quang Thiện, Tô Nguyễn (1995), Một số luật tục và luật cổ ở Đông Nam Á, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nôi.
31. Nguyễn Thị Thư (và những người khác) (2007), Lịch sử Trung Cận Đông, NXB Giáo dục, Hà Nôi.
32. Huỳnh Văn Tòng (1993), Lịch sử Đông Nam Á, tập 2. Lưu hành nội bộ, ĐH Mở TP. HCM.
33. Huỳnh Văn Tòng (1993), Lịch sử Malaysia – Singapore - Philippines. Lưu hành nội bộ, ĐH Mở TP. HCM.
34. Huỳnh Văn Tòng (1993), Lịch sử Philippines. Lưu hành nội bộ, ĐH Mở TP. HCM.
35. Đỗ Thị Minh Trang (2009), Những thành tựu văn hóa tinh thần của Ả rập thời kỳ “Văn minh Hồi giáo” (VII – XV), khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP TP. HCM.
36. Lý Tường Vân (2011), “Chính sách giáo dục của Anh đối với cộng đồng người Malay bản địa (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, tháng 5/2011.
37. Nguyễn Thị Vân (2001), Bối cảnh và chính sách ngôn ngữ ở Malaysia, NXB ĐHQG Hà Nội.
38. Viện nghiên cứu Đông Nam Á (1998), Liên bang Malaysia: lịch sử văn hóa và những vấn đề hiện tại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nôi.
39. Phạm Thị Vinh (2008), Islam ở Malaysia, NXB Khoa học xã hội, Hà Nôi.
40. Hoàng Tâm Xuyên (2011), 10 tôn giáo lớn trên thế giới, NXBCTQG, Hà Nôi.



[1] Nagata, Judith (1984), The Reflowering of Malaysian Islam Modern Religious Radical and their RootUniversity of BritishColumbia Press Vancouver, tr. 23.
[2] Adat Temenggong và Adat Perpatih là hai phần của luật pháp Malaysia thời tiền Hồi giáo. Nội dung của hai phần của bộ luật này như sau:
+ Adat Temenggong: là luật tục chuyên quyền phụ hệ, chịu ảnh hưởng rất sâu sắc Hồi giáo, Ấn Độ giáo. Adat Temenggong bao gồm chủ yếu các nguyên tắc liên quan đến luật hình sự, chế độ nô lệ, đất đai, nợ, cho vay lãi và phận sự của các sĩ quan.
+ Adat Perpatih: là luật tục dân chủ mẫu hệ, bao gồm các câu châm ngôn được truyền miệng qua nhiều thế hệ trong xã hội. Luật tục này lấy công lý làm mục tiêu của mình. Những câu châm ngôn đó có liên quan đến cưới xin, việc chọn thủ lĩnh, kết hôn, ly hôn, địa vị của người chồng, người vợ trong bộ lạc. Trong bộ luật này, phụ nữ có quyền cao nhất, toàn quyền quyết định công việc gia đình, kể cả thừa kế tài sản. Con trai thì chỉ có nhiệm vụ bảo vệ những người phụ nữ trong gia đình mà thôi.
[3] Undang-Undang Laut Melaka (Luật biển Melaka) là bộ luật quan trọng nhất của Melaka. Bộ luật này do vua Mahmud Shah ban hành, bao gồm 25 chương nói về quy tắc buôn bán trên tàu thủy, luật hang hải, quyền hạn của thuyền trưởng, trách nhiệm của các thành viên khác trên tàu.
[4] Hashim, Muhammad Yusoff (1992), The Sultanate of Malacca, Translated by D. J. Muzaffar Tate, Dewan Bahasa dan Pustaka, Ministry of Education, Malaysia, Kuala Lumpur, tr. 178. 
[5] Ta thấy rõ các điều luật trên được biên soạn dựa theo câu 38 trong chương 38 của kinh Koran: “Đối với kẻ cắp, dù đàn ông hay đàn bà, hãy cắt bỏ tay của nó, đó là hình phạt cho hành vi của nó, Allah nhân từ và thông thái” [39, 109]..
[6] Muhsan: theo Hồi giáo nghĩa là người đàn ông có vợ, hoặc người đàn bà có chồng.
[7] Câu 275 chương II của kinh Coran Hồi giáo ghi: “Những kẻ sống nhờ việc cho vay nặng lãi sẽ trở dậy trước Allah giống như người bị quỷ Satan làm cho phát điên; bởi vì họ cho rằng cho vay nặng lãi cũng giống như việc mua bán. Nhưng Allah cho phép mua bán và cấm cho vay nặng lãi… Kẻ nào không quan tâm đến điều đó sẽ bị quẳng xuống lửa địa ngục và sẽ ở đó vĩnh viễn” [39, 110].
[8] Federal Contitution of Malaysia (1989), compiled by Legal Research Board, Kuala Lumpur, International Law Book Services, tr. 7. 
[9] Theo Hiến pháp, Yang Di-Pertuan Agong (người đứng đầu quốc gia Malaysia) được đứng đầu Hồi giáo ở bang của mình, không thể đứng đầu Hồi giáo ở các bang khác. Ông là người được quyền xác định ngày tháng thống nhất cho các hoạt động Hồi giáo, lễ kỷ niệm Hồi giáo cho toàn Liên bang.
[10] Deparment of Information, Malaysian Official Year Book, 1992, Malaysia, tr. 50. 
[11] Theo một tài liệu viết lại, Mansur Shah là người học rộng, biết nhiều đến chủ nghĩa thần bí (Sufism). Tương truyền, ông đã đọc một cuốn sách về chủ nghĩa thần bí của Manzul Abu Ishak, rồi học đạo với đạo sĩ Maulana Abu Bakar. Khi học xong, ông đã cho dịch cuốn sách của Ishak làm tài liệu học cho mình.
[12] Điều này được dẫn chứng rất rõ trong tổ chức cai trị của người Bồ Đào Nha sau khi xâm lược Melaka: Người Bồ Đào Nha luôn đứng đầu chính quyền (Tư lệnh pháo đài, Hội đồng thành phố), giữ lại một số chức quan của sultanat cũ: Bendahara, Shabadar (do quan lại, thương nhân Melaka đảm nhận) [27, 49 – 50]. Các cộng đồng khác ở Melaka thường do đại diện người Bồ đảm nhận.
[13] Bất mãn với chính sách cai trị của chính phủ, người Hoa thành lập các đảng: đảng Dân chủ Hành động (DAP, 1966), đảng Phong trào Nhân dân Malaysia (GRM,1968), đảng Nhân dân Tiến bộ (PPP)…đòi xóa bỏ đặc quyền với người Melayu, thực hiện công bằng trong chính trị.
[14] Theo kết quả cuộc bầu cử, mặc dù Đảng Liên minh, DAP, GRM tuy ít phiếu bầu hơn (Liên minh chiếm 66 ghế, DAP, PPP, GRM chiếm 25 ghế) nhưng họ lại giành chiến thắng trước đảng PAS (đảng Hồi giáo). Mặc dù nguyên nhân giành thắng lợi chưa rõ, nhưng có thể các đảng giành thắng lợi này đã được sự ủng hộ của đông đảo người Melayu, hơn nữa lúc này chủ nghĩa dân tộc Melayu đang phát triển nên tạo điều kiện cho họ thắng lợi.
[15] Những nguyên tắc cơ bản của Rukunegara là: Tin vào Thượng đế; trung thành với vua, với đất nước; ủng hộ Hiến pháp và sự cai trị luật pháp; thái độ và đạo đức tốt. [ 38, 366].
[16] Những việc làm cụ thể của Mahathir trước khi lên nắm chính quyền: Năm 1972, theo sáng kiến của Bộ trưởng Giáo dục Mahathir, Razak đã thành lập Hội đồng cố vấn Giáo dục Hồi giáo, Trung tâm Hồi giáo (Pusat Islam), nhằm phát triển một nền giáo dục mới mang đậm tính Hồi giáo sâu sắc. Trong chương trình giáo dục của mình, chính phủ đã chú ý đến việc thực hiện chuẩn hóa sách giáo khoa Hồi giáo cho các cấp học, chi 22 triệu dollar để nâng cấp, đào tạo giáo viên Hồi giáo, khai trương Quỹ Dakwah…, thành lập “Hội trăng lưỡi liềm đỏ” (1977), phát động “Lễ Dakwah quốc gia”, tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền Hồi giáo, nhờ thế Hồi giáo mới phát triển và ảnh hưởng ra xung quanh.
[17] Tên đầy đủ của RISEAP: Regional Islamic Da’wah Council of Southest Asia and the Pacific.
[18] Khẩu hiệu của Mahathir: “Chỉ nói suông về đoàn kết Hồi giáo thì không có ý nghĩa gì cả, mà phải có sự hợp tác cụ thể” [39, 168]
[19] Khu vực tăng trưởng miền Đông ASEAN gồm miền Nam Philippines, các bang miền Đông Malaysia, Kalimantan và Sulawesi của Indonesia. Đây là biện pháp duy nhất mà Malaysia sử dụng để phát triển kinh tế 2 nước, sử dụng kinh nghiệm của mình giúp 2 nước phát triển thêm thành các quốc gia phát triển.
[20] MNLP( Moro National Liberation Front): Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro.