Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Hồi tưởng của một phóng viên Mỹ


Hồi tưởng của một phóng viên Mỹ

Phóng viên George Esper đã làm việc cho hãng thông tấn AP được 10 năm khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ cách đây 30 năm. Ông hồi tưởng cảnh những lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam trong khi tới và chứng kiến những thay đổi tại đây sau ba thập kỷ.
Hoi tuong cua mot phong vien My
Đường phố của thành phố Hồ Chí Minh những ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn.
Một bức tượng hiện đại về một bà mẹ ôm đứa con được dựng lên giữa công viên nhỏ trong quảng trường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Đó là biểu tượng của sự đoàn tụ, chứ không phải chiến tranh.
Tại tòa nhà từng là văn phòng quốc hội của chính quyền miền Nam Cộng hòa, những người công nhân đang vội vã chuẩn bị sân khấu để tổ chức ngày lễ trọng đại - 30 năm hai miền bắc nam Việt Nam thống nhất.
Những lá cờ đỏ sao vàng và cờ trang trí màu đỏ được chăng khắp các đại lộ và tại những tòa nhà nơi từng chất đầy bao cát và dây thép gai.
Khách sạn Continental bận rộn vì khách du lịch đổ về ăn sáng trước khi đến thăm thú các miền quê, nơi không còn bom mìn rình rập.
Ngày này cách đây 30 năm, một nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ nhảy lên một chiếc trực thăng Mỹ và là nhóm lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Giây phút đó chấm dứt quãng thời kỳ can thiệp đầy đau đớn và gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ tại Việt Nam.
Hai người Mỹ cuối cùng chết tại Việt Nam là Charles McMahon Jr., 21 tuổi người Massachusetts và Darwin Judge, 19 tuổi, đến từ Iowa. Họ thiệt mạng trong cuộc giao tranh kéo dài 3 tiếng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Máy nhận tin của văn phòng hãng thông tấn AP nhận được thông tin khẩn từ Wes Gallagher, khi đó là chủ tịch hãng, khuyến cáo rằng chiếc trực thăng cuối cùng sắp trở lại.
"Có ai trong số các bạn muốn rút khỏi không?", ông ấy hỏi tôi và hai đồng nghiệp của tôi, Peter Arnett và Matt Franjola.
"Cảm ơn đề nghị của ông", tôi nhắn tin trả lời. "Chúng tôi muốn ở lại nhưng có một số người Việt Nam đang hoảng sợ và họ muốn đi. Sứ quán Mỹ hứa sẽ bảo vệ những người đó, nhưng trong lúc hỗn loạn này họ không thể lọt vào sứ quán để lên trực thăng được".
Không còn được quân đội Mỹ hậu thuẫn và không sẵn sàng chống cự, chính phủ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Các binh sĩ miền Nam Cộng hòa bỏ các điểm kiểm soát ở ngoại ô Sài Gòn và quẳng vũ khí.
Tôi nhảy 4 bậc cầu thang một để xuống văn phòng của AP và chạy ra quảng trường trung tâm để phỏng vấn những binh sĩ và cảnh sát Sài Gòn mệt mỏi. Khi tôi tiến đến một sĩ quan, tôi thấy đôi mắt anh lộ rõ vẻ hoảng loạn. Anh ta vẫy tay một cách điên dại, miệng hét lên "Fini! Fini!", Cuộc chiến đã chấm dứt, anh ta nói bằng tiếng Pháp. Chúng tôi đã thua.
Khi tôi lấy giấy bút ra ghi, tay anh ta sờ đến khẩu súng ngắn. Tôi sợ rằng anh ta đang chuẩn bị bắn tôi, và, sau 10 năm đưa tin về chiến sự ở Việt Nam cho AP, tôi sẽ chết vào ngày cuối cùng vì sự thù hằn. Người lính Nam Việt Nam này có thể tức giận vì người Mỹ đã bỏ rơi họ.
Viên cảnh sát kia quay mặt đi và chào bức tượng tưởng niệm những binh sĩ lính thủy đánh bộ Việt Nam Cộng hòa trong công viên, rút khẩu súng ra khỏi bao, giơ nó lên ngang đầu và bóp cò.
Chỉ trong vài giờ, các binh sĩ giải phóng đã phá bức tượng kia, một phần chiến dịch xóa bỏ những tàn dư của người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa. Giờ đây, ngay tại chỗ đó là bức tượng của người mẹ ôm con. Sài Gòn đã được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh.
Đám đông dân chúng cướp ôtô của sứ quán Mỹ và tràn vào các tòa nhà của người Mỹ. Số khác hét lên với người Mỹ "Chúng tôi cũng muốn đi" trong khi nã đạn lên trời.
Hàng trăm người trèo vào sứ quán và cố tìm cách trèo lên bức tường cao hơn 5 m để lên những chiếc trực thăng di tản. Lính Mỹ dùng ủng đạp xuống đầu họ và đánh bằng báng súng.
Tôi đã viết về những binh sĩ cộng sản không tên và vô hình trong 10 năm mà chưa từng gặp họ, trừ những người đã chết hoặc ở trong tù. Nhưng trong ngày hôm đó cách đây đúng 30 năm, hai binh sĩ miền bắc Việt Nam đã bước vào văn phòng của AP, họ cho tôi xem những bức ảnh chụp gia đình họ và cho tôi biết họ nhớ người thân và muốn trở về nhà như thế nào.
Tôi đã nghĩ người Mỹ, người miền Nam và miền Bắc Việt Nam, tất cả chúng tôi đều giống nhau, đều cảm thấy cô đơn và không muốn chết. Nhưng kết cục cuộc chiến là đây: gần 60 nghìn lính Mỹ chết, gần 224 nghìn lính miền Nam và gần 2 triệu dân thường thiệt mạng.
Đối với tôi cuộc chiến đã kết thúc như thế, cách đây 30 năm, vào ngày 30/4/1975.
Ngọc Sơn dịch
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong mắt một phóng viên Anh


Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong mắt một phóng viên Anh


John Pilger là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh. Ông đã hai lần đoạt "Nhà báo của năm" - giải báo chí cao nhất nước Anh - vì những hoạt động ở Việt Nam và Campuchia. Ngoài ra, Pilger còn nhận giải "Phóng viên quốc tế của năm" và "Giải Liên minh báo chí Liên Hợp Quốc". Dưới đây, ông mô tả những gì được chứng kiến trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn năm 1975.

Phần 1:
Sài Gòn, tháng 4/1975.
Mỗi bình minh, tôi thức dậy trên tấm nệm trên sàn nhà lát gạch, nhìn chăm chú vào chiếc giường đặt cạnh cửa sổ. Nó ở đó để bảo vệ tôi khỏi bị kính va, nhưng nếu khách sạn bị tấn công bằng rocket, thì nó sẽ đè xuống người tôi. Chết do giường sập: cũng đáng chú ý đây!
Bây giờ là 8 giờ; tôi đi dọc Công trường Lam Sơn để mua ít cà phê. Sài Gòn bị nã rocket đã hai đêm nay. Một quả rocket xén một vạt rộng ở khu nhà san sát của người Hoa ở Chợ Lớn. Người ta đứng đó bất động nhìn đống tôn múi là những gì còn sót lại từ ngôi nhà của mình. Hầu như không có phóng viên; những quả rocket hôm qua là tin sốt dẻo, đó là quả rocket đầu tiên rơi xuống Sài Gòn 10 năm nay; nhưng đợt tấn công rocket hôm nay thì không còn được quan tâm nhiều như thế nữa.
Chỉ có một phóng viên ảnh người Pháp mò mẫm trong đống sắt vẫn còn ngọn lửa cháy âm ỉ. Anh kéo tay tôi và đưa tôi đến một nơi trước kia là khu bếp. Ở đó một em gái nhỏ khoảng 5 tuổi, hai má bầu bĩnh. Em bị bỏng. Chúng tôi cố gắng cho em chút nước trong khi chờ băngca đến.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hoà Graham Martin.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hoà Graham Martin.
Đại sứ Mỹ Graham Martin xuất hiện trên truyền hình Sài Gòn, cam kết Washington sẽ không rời Việt Nam. "Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa thu dọn hành lý", Martin nói. Đại sứ Mỹ là một người kiên quyết và nóng nảy. Ông ta không khoẻ lắm, má hóp và nước da sạm vì bị viêm phổi nhiều tháng nay. Bài phát biểu đôi khi phải ngừng lại do ảnh hưởng của những viên thuốc mà nhà ngoại giao phải uống. Ông hút thuốc lá liên tục, và những cuộc nói chuyện của đại sứ thường bị gián đoạn bởi những tràng ho dài.
Nhiều tuần nay, Martin khẳng định với Washington rằng Nam Việt Nam có thể tồn tại với "vành đai thép" bao quanh Sài Gòn và những máy bay B-52 hiện đại. Tuy nhiên, đại sứ không thể hoàn hoàn phớt lờ những gì ông chứng kiến..
Trong sứ quán Mỹ, một trong những cây me do người Pháp trồng từ cách đó một thế kỷ ngả bóng trên hành lang, trong khu vườn bên ngoài phòng họp chính. Khoảng không duy nhất còn lại đủ lớn cho một trực thăng hạ cánh là bể bơi ở giữa, và sân bay dành cho máy bay lên thẳng trên mái nhà đại sứ quán được thiết kế dành cho trực thăng nhỏ Huey mà thôi. Nếu "Option Four" (Di tản bằng trực thăng) được tiến hành, thì chỉ có trực thăng Chinook và Jolly Green Giant của lính thủy đánh bộ là có thể chuyển số lượng người lớn sang Hạm đội Bảy, ở ngoài khơi khoảng 50 km, trong một ngày. Cây me là thắc mắc cuối cùng của Graham Martin. Ông đã nói với nhân viên rằng khi cây này đổ, uy tín của Mỹ cũng đổ theo và ông không còn gì nữa.
Click vào ảnh
Quang cảnh hỗn loạn bên ngoài sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cuối tháng 4/1975.
Ngày 28/4, Mặt trận Giải phóng miền Nam đã kéo cờ trên cây cầu cách trung tâm thành phố 5 km. Ảnh hưởng của đợt gió mùa sớm khiến Sài Gòn nằm dưới đám mây nặng như chì. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn và đàm phán. Khi ông ta kết thúc bài phát biểu, tiếng sấm vang lên. Chiến tranh sắp kết thúc.
Tôi đi nhanh trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) trong ánh chớp. Hơn chục cửa hiệu đã đóng cửa từ hôm trước, các chủ hiệu đã tới sân bay Tân Sơn Nhất, trả một khoản tiền hậu hĩ để được xếp hàng chờ di tản. Ông thợ may ở số 24 đường Tự Do, trong cửa hiệu Austin"s Fine Clothes, đang đếm tiền và chửi đổng vì radio không bắt được BBC World Service. Tôi đã biết người thợ may này lâu nay và mối quan hệ cũng tốt đẹp. Ông có ít nhất 5.000 USD trong ngăn kéo và hộ chiếu Ấn Độ thò ra khỏi túi áo sơmi. "Cộng sản tôn trọng hộ chiếu", người thợ may nói trong tiếng sấm, nhưng tiếng sấm lần này có vẻ khác.
Trong nửa giờ tiếp theo, tôi và người thợ may đứng yên tại chỗ, không dám ra ngoài. Đài VOA chơi bài hát "Cherry Pink and Apple Blossom White". Tôi và thợ may cùng hát theo, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được lời bài hát. Khi những âm thanh rền vang chấm dứt, người thợ may thu hết tiền bạc trong ngăn kéo vào nói "OK, chạy được rồi đấy!".
Có vẻ như cả Sài Gòn đang chạy trốn nỗi sợ hãi trong sự yên lặng. Viên quân cảnh đứng ở góc phố cố gắng ngăn cản mọi người. Một gái bar từ khách sạn Miramar vấp phải rãnh nước, rồi lại chạy tiếp. Đối diện khách sạn Caravelle, một viên cảnh sát bắn chỉ thiên bằng khẩu M-16. Bên cạnh anh ta là một người đàn ông nằm trên đường, xe đạp đổ trên người.
Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt bạn: một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố tuyên bố là kinh đô của giới tiêu dùng thế giới mà chẳng cần sản xuất cái gì. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó (Quân đội Việt Nam Cộng hoà), binh lính đang đào ngũ với tốc độ 1.000 người/ngày.

Phần 2:
1 giờ sáng, đại sứ Graham Martin tổ chức cuộc họp với các quan chức cao cấp trong sứ quán để thông báo ông đã nói chuyện với Henry Kissinger. Ngoại trưởng Mỹ cho biết đại sứ Liên Xô tại Washington Anatoly Dobrynin hứa sẽ chuyển thông điệp muốn đàm phán của chính phủ Dương Văn Minh tới Hà Nội.
Kissinger hy vọng người Nga có thể sắp xếp chuyện này. Đại sứ nói Ngoại trưởng muốn việc di tản bằng máy bay phải được tiếp diễn càng lâu càng tốt, có lẽ là trong 24 giờ.
Hơn 4 giờ sáng, nhiều quả rocket rơi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó là một cuộc bắn yểm hộ của pháo hạng nặng. Thời gian chờ đợi đã kết thúc, cuộc chiến giành Sài Gòn bắt đầu. Bầu trời bình minh như tấm nền cho đạn lửa. Một máy bay trực thăng phát nổ và rơi xuống ở tầm thấp, lửa vẫn cháy. Ở phía đông, tại khu vực ngoại vi, tiếng súng cối vang lên. Điều đó có nghĩa quân đội của Mặt trận Giải phóng miền Nam đã có mặt tại Sài Gòn và đang hướng về phía sứ quán Mỹ.
Di tản treê nóc sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 29/4/1975.
Di tản trên nóc sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 29/4/1975.
6 giờ sáng, cuộc họp giữa Martin với các quan chức đầy sự bất đồng. Tất cả mọi người, trừ đại sứ, nhất trí phải tiến hành di tản ngay lập tức. Martin thì không cho là như vậy, ông tuyên bố sẽ không "chạy trốn" và sẽ tự lái xe tới sân bay Tân Sơn Nhất để đánh giá tình hình. Không một ai trong sứ quán nghi ngờ chuyện mất Sài Gòn. Khi cuộc họp kết thúc, phụ trách CIA tại Nam Việt Nam Tom Polgar ra lệnh chặt cây me.
Các máy đốn cây được tập hợp lại. Một nhóm khá đông các sĩ quan CIA, cựu thành viên Đặc nhiệm (Mũ nồi Xanh) và cựu lính Mỹ đến từ California để bảo vệ sứ quán cũng có mặt. Họ mang theo súng máy, súng trường và dao. Họ còn có rìu và cưa điện. Các thư ký trong sứ quán mang bia và sandwich ra. Họ sắp đốn cây me của đại sứ mà không được đại sứ cho phép.
Trong lúc đó, một loạt ôtô và xe tải đi vào khu chợ bên ngoài Thảo cầm viên, nhanh chóng đưa hàng xuống: thịt bò đông lạnh, thịt lợn, nước cam, những bình hoa quả dầm và rượu anh đào lớn, bơ, bánh Sara Lee, bia Budweiser, 7-Up, kẹo cao su Wrigley, xì gà với đầu bịt bằng nhựa Have-A-Tampa... Số hàng này được đưa ra từ khu quân nhu Sài Gòn, địa điểm đã bị lính Việt Nam Cộng hoà bỏ lại. Một máy làm nước lạnh nhanh chóng được bán và chở đi trên xe xích lô. Một máy rửa bát mang nhãn hiệu Blue Swan, trên hộp vẫn còn khẩu hiệu của hãng "Chỉ có hàng hoá tốt nhất là dành cho khách hàng". Chiếc máy được người ta lấy ra khỏi hộp và đặt trên đường. Hai giờ sau, nó vẫn ở đó, không ai mua và người ta chỉ lấy đi những bộ phận quan trọng.
Thiết quân luật 24/24 giờ được áp dụng ở Sài Gòn, nhưng vẫn có người trên phố. Một số trong đó là binh lính Sư đoàn số 18 Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tôi nghĩ họ sẽ tức giận khi thấy người Mỹ sắp ra đi. Sáng đó, khi họ xuất hiện ở trung tâm thành phố, họ chỉ nhìn những người nước ngoài hoặc đe doạ hoặc bắn chỉ thiên để giải toả nỗi tức giận.
Tôi trở lại khách sạn Caravelle, nơi tôi sẽ gặp phóng viên Sandy Gall của ITN. Chúng tôi là "người có trách nhiệm di tản" thuộc diện TCN Press, tức là Công dân nước thứ ba (không phải người Mỹ hay người Việt Nam). Vài ngày nay, tôi và Sandy đã gánh trách nhiệm cố gắng tổ chức cho các đại diện của báo chí Anh, Canada, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Argentina, Brazil, Hà Lan và Nhật Bản - những người muốn ra đi. Sứ quán Mỹ đã phát hành cuốn sách dày 15 trang có tên SAFE - viết tắt của "Chỉ dẫn và Tư vấn tiêu chuẩn cho thường dân trong trường hợp khẩn cấp", trong đó có bản đồ Sài Gòn, đánh dấu những khu vực nơi trực thăng sẽ đưa người đi. Một trang đính kèm viết: Chú ý biển báo di tản. Không tiết lộ cho người khác. Khi được lệnh di tản, mã sẽ được đọc trên Đài phát thanh Quân đội Mỹ. Mã là: NHIỆT ĐỘ Ở SÀI GÒN LÀ 112 ĐỘ VÀ ĐANG TĂNG LÊN. TIẾP SAU ĐÂY LÀ GIAI ĐIỆU BÀI "I"M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS". Các phóng viên Nhật lo ngại họ sẽ không nhận ra giai điệu đó và băn khoăn liệu ai có thể hát bài hát đó cho họ không.
Tại Caravelle, tôi và Gall đề nghị một số người phụ trách công tác di tản ở tầng trệt. Họ đảm bảo rằng các phóng viên ốm yếu, nghễnh ngãng, buồn ngủ, bị kẹt trong nhà tắm... sẽ không bị bỏ lại. Có một chút ít tư lợi ở sự sắp xếp này. Tôi có cảm giác sẽ không bị bỏ lại.

Phần 3:
Hai máy bay C-130 Hercules từ căn cứ không quân Clark tại Philippines đang bay phía trên sân bay Tân Sơn Nhất. Họ được lệnh không hạ cánh. Trinh thám báo tin về sân bay: 2 trung đội bộ binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được tăng viện cho công binh.
Một phi công Việt Nam Cộng hoà đã hạ cánh máy bay chiến đấu F-5 trên đường băng và bỏ lại phương tiện trong khi máy vẫn chạy. Một chiếc xe jeep toàn lính Việt Nam Cộng hoà cố chạy tới một chiếc máy bay trước khi nó cất cánh.
"Có khoảng 3.000 thường dân rất lo lắng đang ở đường băng", tướng Homar Smith báo cáo. "Tình hình có vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Click vào ảnh
Trực thăng đưa người khỏi Sài Gòn.
Graham Martin ngồi một mình trong phòng làm việc, nhìn thấy cây đổ và nghe thấy tiếng trưởng văn phòng CIA thét ở ngoài sân. Khi Kissinger gọi điện thoại ngay sau đó để thông báo ý của Tổng thống Ford là đại sứ Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng về chuyện di tản, ông lắng nghe giọng mệt mỏi, kiệt sức và ốm yếu của Graham Martin một cách kiên nhẫn.
10h43": Lệnh tiến hành "Option Four" (di tản bằng đường biển và đường không) được đưa ra. Tuy nhiên, Martin vẫn tin chắc rằng vẫn "còn thời gian" để đàm phán và có một "giải pháp danh dự".
Khách sạn Caravelle trống trải. Không ai nói gì với tôi hết. Bing Crosby không hát trên đài phát thanh. Những căn phòng lộn xộn những quần áo, giấy tờ, bàn chải đánh răng. Tôi chạy về phòng, thu thập máy đánh chữ, radio và những mẩu giấy ghi chú, tống tất cả vào một chiếc túi nhỏ. Số vật dụng khác thì tôi bỏ lại. Hai nhân viên phục vụ phòng tới và nhìn tôi vội vã thu dọn. Họ sửng sốt và hơi sợ một chút. Một người hỏi: "Ông sắp đi à?". Tôi trả lời là đúng vậy. Anh ta cho biết: "Nhưng đồ giặt khô của ông sẽ không được trả trước tối nay". Tôi cố gắng không nhìn anh ta. "Anh hãy giữ lại, bất kỳ thứ gì mà anh thấy". Tôi cho họ vài đồng bạc, tôi hiểu rằng mình đang mua sự chiều khách trong lúc phải ra đi. Sau 9 năm, cách ra đi này mới khổ sở làm sao.
Bên ngoài, Công trường Lam Sơn trống trải, chỉ có vài binh lính Việt Nam Cộng hoà đi lại chán nản. Một người trong số này đi nhanh lên đại lộ Tự Do, thét vào mặt tôi. Anh ta say xỉn. Anh ta lấy súng lục, ngắm bắn, chọn mục tiêu và bóp cò. Viên đạn sượt qua đầu tôi trong khi tôi chạy.
Chen lấn
Người dân xô đẩy, cố gắng vượt qua bức tường để vào trong sứ quán Mỹ.
Một đám đông chen lấn ở trước cửa sứ quán Mỹ. Một số người có mặt ở đây chỉ vì tò mò; một số khác ôm chặt cánh cổng sắt, vừa nài xin viên lính thuỷ đánh bộ cho vào, vừa giơ ra những văn bản được niêm phong và những lá thư từ các quan chức Mỹ. Một ông già có lá thư của một trung uý mà cách đó một thời gian dài đã quản lý quán bar tại câu lạc bộ sĩ quan Không lực tại Pleiku. Người đàn ông đó rửa bát ở câu lạc bộ, và lá thư đề ngày 5/6/1967 ghi: "Ông Nhạ, người đem bức thư này, đã trung thành phục vụ sự nghiệp tự do của Việt Nam Cộng hoà". Ông Nhạ cũng đưa ra một món đồ chơi là ngôi sao Texas Ranger mà một trong các phi công ở Texas đã tặng. Ông ta giơ lá thư và ngôi sao, nói với viên lính thủy đánh bộ đang thét lên với đám đông là "Đừng lo lắng!". Những người làm việc cho Mỹ từng được khuyên là nên sợ Cộng sản, bây giờ thì lại được bảo là không nên lo.
Người đàn ông già tìm cách lách qua khe cửa nhưng bị viên lính đẩy ngã xuống đất. Ông ta đứng dậy, cố một lần nữa và bị viên lính thứ hai đẩy ra ngoài bằng súng trường, ném mạnh ngôi sao Texas Ranger vào đám đông. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi cố gắng vượt qua đám đông, dùng sức đẩy những người khác ra.
Bên trong sứ quán, những viên lính thuỷ đánh bộ đứng quanh gốc cây me vừa bị đốn. "Chúng ta sẽ làm gì với cái đồ của nợ bất động to đùng này nhỉ?", một sĩ quan nói vào bộ đàm. "Thoải mái đi, Jed", giọng từ đầu bộ đàm bên kia trả lời. "Hãy cưa bớt đi ít nhất là 30 cm nữa, để có thêm chỗ cho cánh quạt. Và Jed, nhớ là dọn sạch chỗ vỏ bào vì nếu không thì động cơ sẽ hút vào và gặp trục trặc". Các binh lính dùng cưa cưa bớt gốc cây me. Họ tức điên vì việc đốn cây trở thành trò cười với những người cả ở trong và ngoài sứ quán, với những binh lính gác cổng sứ quán Pháp ở bên cạnh.
Tục ngữ Việt Nam có câu "Cháy nhà mới ra mặt chuột". Phan Quang Đán, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng phụ trách an sinh xã hội và giải pháp tị nạn, đi cùng vợ vào sứ quán. Đi cùng họ là những người thân - số lượng tương đương một trung đội.
Trong số những người sắp di tản còn có các thanh niên ở độ tuổi đi quân dịch nhưng cha mẹ giàu có đã hối lộ những khoản tiền lớn để họ không vào quân đội. Dù vẫn có tên trong danh sách của một đơn vị nào đó, nhưng họ chưa bao giờ ra chiến trường. Họ có cuộc sống phong lưu ở Sài Gòn: đi uống cà phê, cưỡi xe Honda, đi bể bơi trong khi con trai nhà nghèo phải tham gia quân đội Việt Nam Cộng hoà, bỏ mạng ở Quảng Trị, An Lộc...
"Nhìn này, tôi đây... Cho tôi vào đi, cảm ơn rất nhiều... xin chào, tôi đây". Giọng nói chói tai vang lên từ cuối đám đông bên ngoài cánh cổng là của trung tướng Đặng Văn Quang. Viên lính thuỷ đánh bộ có danh sách những người được vào, và tướng Quang ở trong số đó. Hết sức cẩn thận, viên gác cổng giúp ông này (thuộc diện béo mập) vào. Viên tướng thở ra một hơi khi vào đến nơi. Cậu con trai 20 tuổi của ông ta đang vùng vẫy vô vọng trong đám đông. Hai túi đầy chặt đôla ở túi ngực áo của tướng Quang khiến chiếc áo chùng xuống.

Phần 4:
Tâm trạng những người Mỹ trong sứ quán như trong ngày hội. Họ ngồi trên bãi cỏ quanh bể bơi với chai champagne đặt trong các bình đá được lấy từ khu nhà hàng của sứ quán. Họ vỗ tay hoan hô. Một người đội mũ kiểu cao bồi miền tây mở chai champagne cho bọt tràn vào người khác.
Hai thợ cơ khí trên máy bay, Frank và Elmer, hát bài "The Camp Town Races":
We"re goin" home in freedom birds,
Doo dah, doo dah;
We ain"t goin" home in plastic bags,
Oh doo dah day.

"Đây là nơi tôi phải đến sau 10 năm", Warren Parker nói gần như khóc. "Nhìn người đàn ông ở đằng kia kìa. Ông ta là một quan chức Cảnh sát Quốc gia... không hơn gì một người đi tra tấn". Cho tới sáng hôm đó, Warren Parker là lãnh sự Mỹ tại Mỹ Tho. Nhà ngoại giao này ít nói, đã dành 10 năm qua ở Việt Nam để làm tâm lý chiến và suy nghĩ tại sao quá nhiều người không nghe tư vấn của ông.
Tôi và ông tới chỗ nhà hàng bên cạnh bể bơi, đi qua một người đàn ông nói: "Không có người Việt Nam ở đây, không người Việt Nam". Chúng tôi lấy một chai rượu vang Taylor New York đã được làm lạnh. Không còn ly, nên chúng tôi tu cả chai. "Tôi sẽ kể cho ông vài chuyện", Parker nói với tôi bằng giọng bang Georgia. "Nếu có khoảnh khắc sự thật thì với tôi đó là hôm nay. Những năm qua tôi ở đây, làm việc cho đất nước tôi và đất nước này. Và hôm nay tất cả những gì tôi thấy là chúng ta đã chia rẽ người tốt khỏi người xấu... và chúng ta thu được người xấu".
3h15" chiều 29/4
Sai Gon ngay 30 4 1975 trong mat mot phong vien Anh 4
Chen lấn xô đẩy để lên máy bay.
Graham Martin sải bước, qua phòng chờ tới khu nhà bên trong. Những chiếc trực thăng lớn sắp đến và gốc cây me không thể thấp hơn được nữa dù mấy người lính thuỷ đánh bộ đã tìm hết cách cưa, chặt. Chiếc Cadillac của đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đang chờ ông và, trong khi các nhân viên sứ quán choáng váng, chiếc Cadillac đi về phía cánh cổng, nơi đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Viên lính thuỷ đánh bộ đứng ở cổng không thể tin nổi vào mắt mình. Chiếc Cadillac dừng lại, đại sứ bước xuống, đi qua gốc cây và các binh sĩ. "Tôi sẽ đi bộ một lần nữa tới nhà mình", Martin tuyên bố. "Tôi sẽ đi bộ thoải mái trong thành phố này. Tôi sẽ rời Việt Nam khi Tổng thống bảo tôi làm vậy". Ông này rời sứ quán bằng cổng phụ, vượt qua đám đông và đi bộ một đoạn tới nhà. Một tiếng rưỡi sau, Martin quay lại cùng chú chó xù Nitnoy và một người giúp việc Việt Nam.
Khi chiếc trực thăng Chinook đầu tiên hạ cánh, các cánh quạt va phải một ngọn cây, và tiếng các cành cây khô rơi xuống giống như tiếng súng nhỏ. "Xuống ngay! Xuống ngay!", một hạ sĩ thét lên, hướng về dòng người đang cố gắng trèo tường, chờ đến lượt được di tản, cho tới khi một sĩ quan bước tới và trấn an anh ta.
Trực thăng có thể đưa 50 người, nhưng cuối cùng cất cánh với 70 người. Phi công thể hiện khả năng tuyệt vời khi bay thẳng lên độ cao 61 mét, nhiều tài liệu của sứ quán được huỷ đi. Tuy nhiên, không phải toàn bộ văn bản bị huỷ, một số vẫn được để lại trong túi nilon. Tôi có một trong những tài liệu đó. Nó đề ngày 25/5/1969 và ghi: "Tuyệt mật... biên bản ghi nhớ từ John Paul Vann, chống nổi loạn... 900 ngôi nhà ở Châu Đốc bị không lực Mỹ phá huỷ mà không có dấu hiệu cho thấy một đối phương nào bị giết... vụ phá huỷ ngôi làng này của hoả lực Mỹ là sự kiện sẽ luôn được ghi nhớ và không bao giờ được những người sống sót tha thứ...".
Tiền rơi như mưa từ trên nóc sứ quán: những đồng 20 USD, 50 USD và 100 USD. Hầu hết bị cháy xém. Những người Việt chờ dưới mặt đất không thể tin nổi vào mắt mình; các cựu bộ trưởng, tướng lĩnh và những người tra tấn tranh cướp nhau để kiếm khoản tiền ở trên trời. Một quan chức sứ quán cho biết hơn 5 triệu USD đang bị đốt. "Tất cả các két trong sứ quán đã trống rỗng nhưng được khoá cẩn thận", ông này nói, "để đánh lừa những tên trộm".
Vẫn còn ít nhất 1.000 người trong sứ quán, chờ được di tản, trong khi hầu hết các nhân vật nổi tiếng như tướng Quang đã có mặt trên những trực thăng đầu tiên. Số còn lại chờ đợi một cách bị động, trông họ như thể bị choáng. Bên trong sứ quán, champagne sủi bọt tràn trên bàn trong khi một số nhân viên cố gắng huỷ hoại chính văn phòng mình: đập máy làm lạnh nước, đổ rượu ra thảm, quẳng tranh từ trên tường xuống. Trong một văn phòng ở tầng 3, ảnh cố tổng thống Johnson được cho vào thùng giấy loại. Chỉ còn câu trích của Lawrence trên tường: "Thà để họ làm dở dang còn hơn là tự bạn làm một cách hoàn hảo, vì đây là đất nước của họ, cuộc chiến của họ, và thời gian của bạn thì ngắn ngủi". (Lawrence tên đầy đủ là Thomas Edward Lawrence, 1988-1935, nổi tiếng từ sau Thế chiến I vì đóng vai trò nổi bật trong thời gian làm sĩ quan liên lạc của Anh trong cuộc nổi dậy người Ảrập năm 1916-1918).
Đã gần nửa đêm. Sứ quán được thắp sáng bằng đèn pha ôtô, và mỗi trực thăng hiệu Jolly Green Giant giờ đưa đi 90 người. Phụ trách an ninh Martin Garrett tập trung tất cả những người Mỹ còn lại. Những người Việt Nam đang chờ ra đi cảm thấy điều gì đó sắp xảy ra. Một đại tá lính thủy đánh bộ xuất hiện, một lần nữa đảm bảo rằng đại sứ Martin đã khẳng định ông sẽ là người cuối cùng rời đi. Tất nhiên, đó là lời nói dối.
2h30" sáng 30/4, Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch di tản lúc 3h45" sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một cặp da, một túi xách và các tài liệu. Ông im lặng đi lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang đợi.
Trực thăng tại
Trực thăng tại số nhà 22, đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng).
"Lady Ace 09 đang ở trong không trung cùng Code Two". "Code Two" là mật mã ám chỉ đại sứ Mỹ. Tuyên bố này có nghĩa cuộc xâm lược Đông Dương của Mỹ đã kết thúc. Khi trực thăng ra đến ngoại vi thành phố, đại sứ nhìn thấy đèn pha xe tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Những viên lính thủy đánh bộ cuối cùng lên đến mái nhà và bắn hơi cay xuống thang bộ. Họ nghe thấy tiếng kính vỡ và tiếng cạy mở những két sắt trống rỗng của các cựu đồng minh. Những viên lính thủy đánh bộ đã kiệt sức và bắt đầu lo lắng; chiếc trực thăng cuối cùng chưa tới trong khi đã sắp bình minh.
Ba giờ sau, khi mặt trời ló rạng, những chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tiến vào trung tâm thành phố. Các binh sĩ trên xe tăng không bắn phát nào. Một người nhảy xuống, trải bản đồ trên xe tăng và hỏi những người đứng gần đó: "Hãy chỉ cho chúng tôi đường đến dinh tổng thống. Chúng tôi không biết Sài Gòn, chúng tôi không ở đây lâu rồi". Các xe tăng qua Công trường Lam Sơn, dọc theo Đại lộ Tự Do, qua Nhà thờ Đức Bà và qua những cánh cổng đẹp đẽ của dinh tổng thống, nơi Minh "Lớn" (Dương Văn Minh) cùng nội các đang chờ để đầu hàng. Ngoài phố, binh lính Việt Nam Cộng hoà vứt bỏ quân phục. Họ đã hoà vào cùng đám đông. Không có "biển máu". Kẻ xâm lược bị đẩy lùi, Việt Nam lại là một đất nước thống nhất. Cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 đã kết thúc.
Nguyễn Hạnh dịch
Hết