Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

7 kỳ quan thế giới hiện đại

7 kỳ quan thế giới hiện đại

7 kỳ quan thế giới hiện đại (hay gọi khác là 7 kỳ quan thế giới mới) là một cuộc bình chọn lớn trên mạng toàn cầu do tổ chức New Open World Corporation (NOWC) của nhà phiêu lưu mạo hiểm người Canada - Thụy Sĩ Bernard Weber phát động vào tháng 9/1999. Theo đó, việc bình chọn kỳ quan thế giới mới thông qua các tiêu chí sau:
  • Phải do con người xây dựng lên.
  • Hoàn thành trước năm 2000 và đang được bảo tồn tốt.
  • Mỗi châu lục phải có ít nhất một đại diện.
  • Mỗi quốc gia chỉ được có một công trình tham gia.
Ngoài ra, để đảm bảo cho việc bình chọn suôn sẻ, bắt đầu từ ngày 1/1/2006, một hội đồng giám khảo quốc tế đã được thành lập do tiến sĩ Federico Mayor Zaragoza, cựu Tổng Giám đốc UNESCO (Cơ quan Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) làm chủ tịch. Hội đồng giám khảo quốc tế này sẽ tham gia việc đánh giá các kỳ quan, loại bỏ các kỳ quan không xứng đáng được đề cử.
Theo các tiêu chí trên, những người dân ở khắp các quốc gia trên thế giới đã tiến hành bỏ phiếu lưa chọn ứng viên xứng đáng cho danh hiệu "7 kỳ quan thế giới hiện đại". Tới năm 2005, họ lựa chọn ra 177 công trình kiến trúc để tiến hành bầu ở vòng sơ kết. Đến bán kết thì chỉ có 20 công trình lọt vào vòng trong. Cuối cùng, sau nhiều tháng tranh luận quyết liệt, Ban tổ chức bầu ra 7 kỳ quan thế giới hiện đại ( 7 kỳ quan thế giới mới), đó là:
1. Chichén Itzá
2. Tượng Chúa Giêsu ở Rio de Janeiro
3. Đấu trường La Mã - Colosseum
4. Vạn Lý Trường Thành
5. Pháo đài Machu Picchu
6. Khu Di tích Petra
7. Đền Taj Mahal.

1. Chichén Itzá
      Chichén Itzá (tiếng Maya có nghĩa là Tại miệng giếng của Itzá), là một công trình kiến trúc lớn do người Maya xây dựng và hiện nằm ở trung tâm phía bắc Bán đảo Yucatán, Mexico ngày nay. Công trình này từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn của người Maya, tồn tại từ thế kỷ V đến thế kỷ IX ở nước Mexico ngày nay. Nơi này chứa đựng nhiều phong cách kiến trúc, từ phong cách Maya, các kiểu phong cách ở trung tâm Mexico và phong cách Puuc được tìm thấy ở các công trình phía bắc Mexico. Sự hiện diện của phong cách Mexico cho thấy có một sự di cư hay là sự chinh phục của bộ lạc bên ngoài vào vùng trung Mexico, nhưng một cách giải thích khác lại cho rằng có sự hiện diện của phong cách phi Mexico hay rõ hơn là sự khuếch tán văn hóa.
  Sơ lược lịch sử vùng Chichén Itzá - vùng đất thiên của người Maya cổ đại.
Từ thế kỷ I - IV, các bộ tộc đã bắt đầu từ phía bắc châu Mỹ di cư dần vào Nam. Đến vùng Mexico là một vùng đất màu mỡ với rừng núi hiểm trở, đặt biệt hơn nữa nó có nhiều ao nước xung quanh. Các nhà khảo cổ học đã đến thám sát và xác định có 3 cái ao được đào thời đó, nhưng qua thời gian thì hiện còn lại 2 cái, trong đó có môt cái nổi tiếng gọi là "Ao hi sinh", tương truyền ao đó dùng làm nơi hiến tế cho vị thần Mưa Chaac. Vào thế kỷ VII - VIII, vùng đất này đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa chi phối cuộc sống người dân ở phía bắc vùng này. Sự phát triển của Chichén Itzá đồng thời với sự tan rã của các thành bang xung quanh, như Tikal.
Giữa thế kỷ VIII, người Toltec từ phía bắc tràn vào xâm chiếm Trung vùng Trung Mỹ, đóng đô ở hai thành lớn là Tula và Chichén Itzá Họ cũng là người khai sinh ra nền văn minh của họ, văn minh Toltec. Dưới thời Quetzalcoatl, Chichén Itzá trở thành kinh đô của nền văn minh này và nền nghệ thuật có sự pha trộn phong cách Maya - Toltec.
+ Các địa điểm tiêu biểu:
- Đền Kukulcan (tên Maya của Quetzalcoatl), thường được gọi là "El Castillo" (lâu đài) một thời là trung tâm của vùng đất này. Đó là một kim tự tháp cao lớn, được xây trên khu đất vuông và có cầu thang ở 4 mặt đền. Tại thời điểm Xuân phân và Thu phân, khi mặt trời mọc và lặn, góc của công trình tạo thành bóng râm hình một con rắn có lông - Kukulcan, hay Quetzalcoatl - dọc theo cạnh cầu thang phía Bắc. Vào hai ngày đó, các bóng râm từ các bậc góc trượt theo cạnh phía bắc kim tự tháp cùng với sự chuyển động của mặt trời. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một con đường ở đáy cầu thang phía bắc dẫn tới một đường hầm, từ đó ta có thể thấy các bậc thang dẫn lên kim tự tháp cũ bên trong El Castillo hiện nay, dẫn tới tận phòng trên đỉnh nơi có thể chiêm ngưỡng Ngai Báo đốm của Vua Kukulcan, được tạc vào đá và trang trí những chấm ngọc bích đỏ. Thiết kế của kim tự tháp cũ bên trong được cho là theo lịch mặt trăng, còn kim tự tháp bên ngoài theo lịch mặt trời.
- Đền của các chiến binh: là một công trình kiến trúc lớn bao gồm phức hợp một kim tự tháp với các bậc lớn phía trước và các hàng cột điêu khắc bên biểu hiện các chiến binh, được xây dựng tương tự như khu B của  thủ đô Tula (Toltec) và cho thấy một số hình thức tiếp xúc văn hóa giữa hai vùng. Tuy nhiên, đền tại Chichen Itza được xây dựng với tỷ lệ lớn hơn. Trên đỉnh cầu thang ở đỉnh kim tự tháp (và dẫn tới lối vào đền của kim tự tháp) là một Chac Mool.
- Sân bóng: Bảy sân phục vụ cho trò chơi bóng Mesoamerica đã được tìm thấy tại Chichén, nhưng chiếc sân cách Castillo 150 mét về phía tây bắc là đáng chú ý nhất. Đây là sân bóng rộng nhất thời Mesoamerica cổ. Nó có kích thước 166 x 68 mét. Hai bên phía trong sân bóng được đánh sắp đặt những hàng tấm điêu khắc thể hiện hình ảnh các cầu thủ của các đội bóng, và thủ quân đội thua bị chặt đầu.
Được xây dựng phía ngoài một trong những bức tường sân bóng là Đền Báo đốm, với hình ảnh một ngai báo khác -- bởi chiếc ngai này đã dầm mưa giãi nắng một ngàn năm, màu sơn đỏ và các đốm ngọc bích của nó đã biến mất từ lâu. Phía sau bục này là một bức tường với những hình ảnh một tzompantli (giá những chiếc đầu lâu) kiểu phù điêu nổi thấp.
- Las Monjas ("Các Nữ tu" hay "Nữ tu viện") nhưng thực tế đây là một cung điện chính phủ., xây dựng theo phong cách kiến trúc Puuc. Ngay phía đông là một ngôi đền (được đặt tên hiệu La Iglesia, "Nhà thờ") được trang trí với những mặt nạ vị thần mưa Chaac. Một số kiểu kiến trúc dạng này là Akab' Dzib" (từ Maya chỉ bóng tối hay chữ tối nghĩa), một cung điện với những dòng văn khắc tượng hình; Nhà Đỏ; Nhà của Hươu.
- El Caracol (nghĩa là "ốc sên") là đài quan sát thiên văn của người Maya cổ. Nó có các cửa được hướng thẳng để quan sát xuân phân, những điểm lệch lớn nhất của Mặt trăng ở phía bắc và phía nam, và các sự kiện thiên văn học khác được gán cho Kukulcan, vị thần rắn có lông bảo trợ việc học hành. Người Maya đã sử dụng những bóng râm bên trong phòng do ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa để dự đoán thời điểm xảy ra các điểm chí. Quanh góc của El Caracol là những chiếc chén đá lớn được đổ đầy nước để quan sát ánh phản chiếu của các ngôi sao giúp xác định tổ hợp của chúng, nhưng là hệ thống lịch rất chính xác. 
2. Cristo Redentor ("Chúa Kitô Cứu Thế" trong tiếng Bồ Đào Nha) là tên của một bức tượng Chúa Giêsu đứng trên một đỉnh núi hoa cương cao 710 m. Tượng được dựng năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Brasil độc lập. Tượng cao 30 m đứng trên bệ 7 m; đầu tượng nặng 35,6 tấn, cao 3,7 m; mỗi cánh tay tượng nặng 9,1 tấn; khoảng cách giữa hai đầu ngón tay của bàn tay trái và phải là 23 m. Ngọn núi nơi tượng đứng có tên núi Corcovado (có nghĩa là "lưng gù" trong tiếng Bồ Đào Nha) tại thành phố Rio de Janeiro của Brasil. Tượng được làm theo thiết kế của Heitor da Silva Costa, nhà điêu khắc là Carlos Oswald và Paul Landowski. Kỹ sư Guglielmo Marconi là người thiết kế đèn chiếu sáng xung quanh tượng.
3. Vạn Lý Trường Thành
    Vạn Lý Trường Thành (nghĩa là Thành dài nghìn dặm) là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc xây dựng từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ XIX để ngăn chặn sự xâm nhập của người ngoại tộc như người Hung Nô, Mông Cổ, Mãn Châu.... Bức thành có chiều dài 6.352 km, chiều cao trung bình 7 m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ huyện Lâm Thao (huyện Mân, Cam Túc) đến Liêu Hà ở phía Đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ ("đất Trung Quốc gốc") và Mãn Châu đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
    Trường Thành được xây dựng lần đầu tiên bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng (221 - 210 TCN). Năm 208 TCN, ông cử Mông Điềm huy động dân phu đi nối lại các đoạn trường thành được xây dựng thời Chiến Quốc (nước Yên là nước đầu tiên xây dựng nó). Bức tường được nối với nhau bằng những khối đất lớn, với nhiều tháp canh, phong hỏa đài lớn ở các khoảng cách đều nhau và trường thành này hiện nằm ở phía Bắc so với Trường Thành hiện tại và cực đông Triều Tiên hiện nay. Triều đình bắt người dân xây dựng thành liên tục, không ngơi nghỉ và người ta ước tính có khoảng 1 triệu người đã chết khi xây thành.
     Bức thành tiếp tục xây dựng vào thời Tây Hán ( thế kỷ I TCN, 10.000 km), thời Tùy và thời Ngũ đại thập quốc. Thời đế quốc Kim, Trường Thành đã được xây dựng ở vùng trong, đông của cao nguyên Mông Cổ, làm nó vươn tới tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) với chiều dài 5.000 km. Đến thời Minh, bức tường này được xây với tầm vóc to lớn bằng những vật liệu tốt (đá cứng được dùng ở các bề mặt và ở trên đỉnh thành) hơn so với trước đó, để ngăn chặn sự xâm nhập của quân Mông Cổ tràn vào cướp phá Trung Quốc. Trường Thành thời Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan, gần Tần Hoàng Đảo, kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, 500 km và kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan, (phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa) với tổng chiều dài 7.500 km. Mặc dù kết thúc ở Gia Dục Quan, nhưng tại đó có nhiều "phong hỏa đài" trải dài dọc theo Con đường tơ lụa về Gia Dục Quan. Vào cuối thời Minh, khi quân Mãn Châu vượt Trường Thành xâm lăng Trung Quốc, Trường Thành mất giá trị quân sự dần.

4. Pháo đài Machu Picchu
    Machu Picchu (tiếng Quechua gọi là "Cổ Sơn" hay Thành phố đã mất của người Inca) là công trình kiến trúc đồ sộ được bảo tồn khá tốt của người Inca thời cổ - trung đại ở Nam Mỹ, nằm trên độ cao 2.430 m ở một ngọn núi thuộc thung lũng Urubamba tại Peru, cách Cuzco khoảng 70 km phía tây bắc. Bị lãng quên từ nhiều thế kỷ, Machu Picchu được nhà khảo cổ học Mỹ H. Bingham tìm ra vào năm 1911 và ông ra viết một cuốn sách bán chạy làm cho nơi này lan truyền ra toàn thế giới.
     Theo sử cũ, pháo đài này do vua Inca Pachacuti xây dựng khoảng năm 1440, nhưng không có người ở cho đến khi bị Tây Ban Nha chinh phục (1532). Hiện nay, một bằng chứng khảo cổ cho thấy, nơi đây từng là nới nghỉ dưỡng của vua chúa, quý tộc Inca khi họ đến đây thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Ước tính có khoảng 750 người đã ở đây, nhưng chỉ là số nhỏ trong khoảng 11 triệu dân Inca trong các thế kỷ XV - XVI mà thôi.
       Về cấu trúc, pháo đài chia thành 3 khu vực lớn: 
   + Khu vực linh thiên: là khu vực quan trọng nhất. Khu vực này có các địa điểm: IntihuatanaĐền của các Màu sắc và Phòng Ba Cửa sổ. Chúng được dành cho Inti, vị thần Mặt trời và cũng là vị thần vĩ đại nhất.
    + Khu vực dân chúng: là nơi sinh sống, tụ họp của dân chúng.
    + Khu vực hoàng gia: là khu vực khá quan trọng. Trong khu hoàng gia, một khu vực riêng được dành cho giới quý tộc: một nhóm nhà nằm thành hàng trên một khu vực đất dốc; nơi ở của Amautas (những người khôn ngoan) có đặc điểm riêng ở những bức tường màu đỏ, và khu Ñustas (các công chúa) những căn phòng hình thang.
    Về kiến trúc, một đặc điểm quan trọng của pháo đài này giống với Kim Tự Tháp của Ai Cập và Angkor Wat của Campuchia, đó là pháo đài này được xây theo phong cách Inca với những bức tường đá không dùng vữa và những viên đá kích thước bằng nhau. Người Inca là bậc thầy của lĩnh vực xây dựng này, theo đó họ sẽ cắt những khối đá để ghép vào nhau thật chặt mà không đùng một ít vữa nào. Nhiều chỗ nối hoàn hảo đến mức người ta có thể lách lưỡi dao vào giữa hai phiến đá. Một điểm khá lạ đó là người Inca (giống người Ai Cập) là không dùng bánh xe để xây dựng, nhưng tại sao người Inca bằng cách nào họ đưa được những phiến đá nặng hàng tấn lên cao để xây dựng thì không có tài liệu nào ghi chép lại, chỉ trừ một đoạn tài liệu ghi chép bằng chữ khipus, mà hiện nay chưa giải mã được.
    Khu vực này bao gồm 140 công trình kiến trúc, gồm các đền, đàicông viên, nhà ở mái rạ.Có hơn một trăm bậc đá dẫn lên – thường được tạc hoàn toàn vào trong một tảng đá granite duy nhất – và một lượng lớn các đài phun nước, nối với nhau bởi các kênh và các ống dẫn nước đục trong đá, được thiết kế cho hệ thống tưới tiêu ban đầu. Đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy hệ thống tưới tiêu đã được sử dụng để dẫn nước từ một con suối thiêng, tới mỗi ngôi nhà, thứ tự được phân chia theo mức độ giai cấp của người ở trong đó.
Ngoài ra ở khu vực này, người ta xây dựng một mạng lưới các con đường Inca và chúng hội tụ về Cuzco, trung tâm của đế chế Inca, và một con đường khác dẫn về Machu Picchu. Người Inca có sự phân biệt giữa các con đường ven biển và các con đường miền núi, đường ven biển được gọi là Camino de los llanos (đường bằng) và những con đường núi được gọi là Cápac Ñam.

5. Đấu trường La Mã - Colosseum
     Đấu trường La Mã, còn có tên Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh hoặcAnfiteatro Flavio tiếng Ý, sau này gọi là Colosseumhay Colosseo, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma. Công suất chứa lúc mới xây xong là 50.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu thi đấu và trình diễn công chúng, đồng thời là nơi tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển. Đấu trường được xây dựng khoảng năm 70 và 72 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau Công Nguyên dưới thời Titus, với nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian. 
    Việc xây dựng Đấu trường Colosseum bắt đầu dưới thời Hoàng đế Vespasian vào khoảng năm 70-72 sau Công nguyên. Đến thế kỷ 2, khu đất đã có người ở dày đặc và bị bỏ hoang sau trận Đại hỏa hoạn thành Roma vào năm 64 sau Công nguyên tiếp sau đó Nero đã chiếm đoạt phần lớn đất của khu vực này làm công trình Domus Aurea hoành tráng trên địa điểm này, phía trước nó ông ta tạo ra một hồ nhân tạo bao quanh bởi các sảnh đường, vườn và cổng. Công trình cống nước hiện hữu Aqua Claudia được mở rộng để cấp nước cho khu vực và Colossus of Nero đồng thiếc khổng lồ được xây gần cổng vào của Domus Aurea. Đến thời các hoàng đế kế tiếp, nơi này bị hư hại nhiều. Thời Trung Cổ, người ta dựng một nhà thờ, một nghĩa trang, nhà dân ở đấy. Năm 1349, một trận động đất lớn đã làm sụp đổ toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam. Một phần lớn lượng đá xây dựng công trình thì bị ăn cắp.
Về cấu trúc, bên ngoài đấu trường được xây trên nền đất phẳng. Tường bên ngoài thoạt đầu có chu vi 545 m và cần phải dùng 100.000 m3 đá travertine được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Nó có thể chứa tới 50.000 người và được thiết kế tốt đến nỗi mỗi người có thể ra khỏi tòa nhà này trong vòng mấy phút. Một tấm vải bạt khổng lồ che nắng che mưa thường được căng ra bên trên để che nắng và trong các buổi trình diễn đêm, một đèn chùm bắng sắt khổng lồ treo lơ lửng bên trên đấu trường. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, nó đã bị hư hỏng do thiên nhiên tác động (động đất). Chu vi phía bắc của Đấu trường vẫn còn nguyên với dấu vết trùng tu của thế kỷ 19. Phần còn lại của Coloseum ngày ngày nay là bức tường gốc như lúc đang xây.

6. Khu Di tích Petra
    Một trong ba kỳ quan thế giới mới của Châu Á hiện nay là khu di tích Petra, ở Jordan, một di tích mà ít ai biết tới trước đây.
Petra trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đá, nằm trong một vùng trũng của một dãy núi tạo nên sườn phía Ðông thung lũng Arabah, phía Bắc biển Dead Sea và phía Nam vịnh Gulf of Aqaba, hay còn gọi là vịnh Gulf of Eliat.
Khu di tích này nổi tiếng vì những công trình kiến trúc tạc vào núi đá. Ðược những núi đá đứng bao bọc và nằm bên dòng suối nước chảy quanh năm, Petra không chỉ sở hữu lợi thế của một pháo đài mà còn là cửa ngõ của những huyết mạch thương mại đi qua dải Gaza (về phía Tây, Bosra và Damascus; về phía Bắc, Aqaba và Leuce Come; trên biển Red Sea, và các sa mạc trong vùng vịnh Persian Gulf).
Quá khứ hưng thịnh đã khiến cho Petra trở thành một trung tâm thương mại và văn hoá của vùng Gaza. Bên cạnh việc phát triển thông thương buôn bán, Petra cũng rất chú trọng đến sự phát triển nông nghiệp để ổn định nguồn lương thực - điều tiên quyết để đảm bảo sự tồn tại một cộng đồng. Các cuộc khai quật cũng cho thấy chính người Nabataeans kiểm soát nguồn nước từ đây đến các thành phố sa mạc tạo ra những ốc đảo để trồng trọt hoa màu.
Tuy nhiên, sự cố gắng của con người vẫn không thể chống chọi lại với số phận. Và "số phận" của Petra là tuân theo quy luật "thịnh - suy" của hoạt động thương mại. Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta gần như không thể nhận ra đây là một Petra - huyết mạch thương mại của Trung Á nữa.
Quần thể bia mộ ở đây từng được người dân coi là nhà cửa, nhưng giờ thì họ đã nhận thức được là những phần mộ. Những ngôi mộ này được đục trong nham thạch, cao hơn mặt nước biển gần 1.000 m. Có đồ án tinh tế trang nhã, cũng có đồ án với trang sức nóc tường đầu hồi kiểu bậc thang đặc sắc thể hiện phong cách kiến trúc Ai Cập. Trọng tâm kiến trúc đặt ở mặt chính, bên trong không hề có trang sức nào.
Đi tìm miền ký ức
Năm 106, Petra trở thành một bộ phận của đế quốc La Mã, có tất cả những kiến trúc mà văn hóa cổ La Mã thường có như quảng trường, nhà tắm công cộng, nhà hát... Nhưng đi theo sự hưng thịnh của thành cổ Balmira, phương thức mậu dịch biến động, Petra trở nên sa sút. Sau vài trăm năm, nơi đây chỉ còn lại là sự hoang tàn và chỉ được dân bộ lạc bản địa biết tới.
Năm 1812, Petra được phát hiện lại nhờ nhà thám hiểm Thụy Sĩ Johann Ludwig Burchkhardt, người có khả năng nói tiếng Ả-rập lưu loát. Người hướng đạo dẫn Burchkhardt dọc theo Sikh - một khe núi hẹp lún sâu trong nham thạch, con đường mà du khách ngày nay muốn tham quan nhất định phải đi qua - đến trước một vật thể kiến trúc lạ lẫm. Tòa kiến trúc được gọi là "kho báu" này ánh lên sắc hồng của đá ngũ sắc, của thời gian… Một không gian kiến trúc mang hoàn toàn phong cách cổ điển, sừng sững, nguy nga và choáng ngợp.
Mặc dù được khám phá lại từ hơn một thế kỷ trước, song mãi đến năm 1985, khu di tích Petra mới được UNESCO công nhận là di sản thế giới, khi nó được thừa nhận là một trong những tài sản văn hóa quý giá của người Petra. Được mệnh danh là "Thành phố hoa hồng đỏ" nhưng Petra không hẳn là một thành phố, cũng không hoàn toàn mang sắc đỏ của "chúa các loài hoa". Tất cả những gì mà du khách có thể cảm nhận được chính là không khí thần bí nơi đây, một sức mạnh khiến nó có sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi, vẻ đẹp tráng lệ khắc ghi dấu ấn thời gian .

7.  Đền Taj Mahal, viên ngọc châu của Ấn Độ
Nếu như Agra là cả một vườn hoa đẹp của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ thời Mogol, thì Taj Mahal không phải là lâu đài hay đền miếu, mà là lăng mộ vợ Hoàng đế Giahan - Hoàng hậu Argiuman Bano Begum. Lúc đầu, lăng có tên là Tat Bibica Rauza, nghĩa là nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim, sau này mới có tên là Taj Mahal, tiếng Ba Tư có nghĩa là Vương miện của người Mogol.

Lúc 19 tuổi, Agiuman Bano Begum trở thành vợ hai của Hoàng tử Guram (sau này là Shah Jahal). Tuy là vợ hai, nhưng nàng Begum luôn luôn là người vợ được Hoàng tử Guram yêu quý nhất. Năm 1627, sau khi Guram lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Shah Jahal I (nghĩa là chúa tể thế giới) thì Mumtaz cũng trở thành Nữ Hoàng của Ấn Độ. Thế nhưng, cuộc sống phu thê của hai người đột nhiên bị đứt đoạn. Mùa xuân năm 1636, Mumtaz lâm bệnh qua đời. Trước khi chết, Bà hoàng yêu cầu Hoàng đế Shah Jahal I hứa xây cho nàng một lăng mộ xứng đáng với tình yêu và 19 năm chung sống của họ.
Cái chết của người vợ yêu quý làm Shah Jahal I vô cùng đau khổ. Ngài bắt tay luôn vào việc xây lăng mộ cho vợ như ngài đã hứa.
Lập tức, các nhà xây dựng nổi tiếng nhất được mời đến Agra để lập đề án xây lăng mộ Nữ Hoàng. Shah Jahal   I đã chọn đề án của nhà kiến trúc người Ấn Độ là Ustad Ahmad Lahauri (1580 - 1649) làm theo mô hình các lăng tẩm của người Tuốc.
Nữ Hoàng Mumtaz
Một đội quân xây dựng khổng lồ gồm 24 ngàn người được thành lập. Các loại đá cẩm thạch đủ màu quý nhất được chuyển từ khắp các nơi tới Agra. Năm 1632, công trình tại Taj Mahal được khởi công xây dựng. Suốt 24 năm trời, 24 ngàn người thợ làm việc cực nhọc và đã tiêu tốn 40 triệu rupi.
Taj Mahal được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật (dài 580 m, rộng 304 m), với cảnh quan ngoạn mục, hài hòa xung quanh. Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài đáy hình bát giác, xây bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ trên một nền rất cao. Sừng sững giữa trời xanh là một vòm tròn cẩm thạch trắng đồ sộ, uy nghi cao 75 m chung quanh còn có bốn vòm tròn nhỏ hơn. Ở bốn góc lại vươn lên bốn tháp nhọn cao tới 40 m. Trong lăng, có rất nhiều đường diềm chạm khắc bằng 12 thứ đá quý, trang trí theo phong cách truyên thống Ấn Độ.
Tại chính giữa gian phòng rộng lớn, sáng sủa ở tầng hai là hai chiếc quan tài bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt, được trang trí bằng các hoa văn thực vật và các hàng chữ Ả Rập rút từ Kinh Koran. Nhưng trong các quan tài này không có di cốt của người đã khuất. Hai quan tài ở tầng hai chỉ là tượng trưng cho những quan tài thật ở tầng dưới.
Theo quan niệm của Đạo Hồi, từ các quan tài thật, linh hồn người chết bay lên nhập vào các quan tài ở tầng trên, để từ đó, vượt qua vòm mái lên trời, tới ngai vàng vủa Thánh Allah (chữ Ả Rập viết al - Ilad). Di cốt Mumtaz và Jahal đặt trong hai quan tài ở tầng dưới.
Taj Mahal quả là đã được tạo nên bằng máu thịt và trí tuệ của người Ấn Độ và trở thành một trong những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc nhân loại. Taj Mahal xứng đáng với tên gọi là Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ hay Giấc mơ tiên hiện thành đá trắng.





Hoạt hình: ĐẠI CHIẾN BẠCH ĐẰNG


Hoạt hình Việt Nam: ĐẠI CHIẾN BẠCH ĐẰNG 


Bộ phim ngắn có độ dài hơn 6 phút thuật lại bản anh hùng ca trên sông Bạch Đằng năm 938 do nhóm 6 sinh viên của Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) thực hiện, đã gây sự chú ý trong cộng đồng mạng hai tuần qua.
Được đưa lên Youtube từ cuối tháng 6, hoạt hình ngắn Đại chiến Bạch Đằng được nhiều cư dân mạng đón nhận nhiệt tình với nhiều lời khen và góp ý. Đây là tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành Hoạt hình của nhóm sinh viên 6 người tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM). Phim tái hiện cuộc chiến chống quân Nam Hán vào năm 938 của Ngô Quyền.
Đại chiến Bạch Đằng sử dụng hình ảnh vẽ 2D, xen lẫn một vài cảnh hiệu ứng hình ảnh 3D. Mặc dù kỹ xảo, cử động của các nhân vật vẫn còn khá thô sơ và cứng nhưng bộ phim đã nhận được nhiều lời động viên với hơn 70.000 lượt xem trên Youtube cùng gần 700 lời bình luận.
6 sinh viên trẻ Vũ Đức Thịnh, Đinh Ngọc Chính, Nhữ Thị Thùy Diệp, Nguyễn Thanh Đức, Trần Hậu và Đặng Minh Quyền quyết định khai thác đề tài lịch sử Việt Nam trong bài thi tốt nghiệp - một đề tài vốn bị cho là khô khan và các nhà làm phim trẻ thường né tránh.
Nhóm sinh viên cho biết mục tiêu của tác phẩm này là truyền tải ý chí mạnh mẽ cho mọi người yêu thích lịch sử nước nhà và tăng niềm tự hào dân tộc. Với kinh phí eo hẹp, nhóm phải hoàn thành bài tốt nghiệp trong 3 tháng, từ nghiên cứu lịch sử cho tới việc vẽ trang phục, tạo hình nhân vật.
Một khán giả có nickname honganhnamanh trên Youtube bình luận: "Phim dù chưa thực hoàn hảo nhưng khi xem tôi xúc động muốn khóc, vì cũng có ngày người Việt Nam chúng ta bắt đầu làm được phim về lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Con cháu chúng ta có thể sẽ hiểu hơn về lịch sử. Chúng ta là người Việt Nam và hãy làm những gì có thể để xứng đáng với truyền thống đó".
Nguyễn Thanh Đức, một thành viên trong nhóm 6 sinh viên, tâm sự: "Vâng, lịch sử Việt Nam rất hào hùng. Chúng ta đều chung một nguồn gốc con rồng cháu tiên, thế con cháu lại không nhớ nòi giống mình mà lại nhớ lịch sử của nước khác nhiều hơn thì thật đáng buồn và đáng trách. Sức còn yếu nhưng cũng ráng làm cái gì đó cho dân tộc mình. Vừa làm vừa học sử luôn. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ bộ phim".
Phim hoạt hình Việt Nam trong một năm trở lại đây đã có nhiều khởi sắc và ngày càng có nhiều nhà làm phim trẻ nghiên cứu, tìm tòi, theo đuổi dòng phim này. Cuối năm ngoái, phim hoạt hình ngắn Cô bé bán diêm với hình ảnh 3D của nhóm True-D Animation cũng từng tạo nên tiếng vang trên mạng trong dịp Giáng sinh.