Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

“Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”


“Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”


ANTĐ - Phương ngôn xưa lưu truyền bấy lâu nay như vậy. “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích” nghĩa là nếu không bái viễn Phật bà ở động Hương Tích thuộc khu danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội thì có thể về Bổ Đà - một trong những danh lam cổ tự, trung tâm Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm, vốn đã tạo ra những ảnh hưởng lớn cho nền Phật pháp trong suốt hàng trăm năm qua. 

Vườn tháp chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet

Nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa còn có tên đầy đủ là chùa Quán Âm núi Bổ Đà. Tục truyền rằng xưa kia đây là nơi Quán Âm Bồ Tát hiển linh phổ độ chúng sinh, và cũng từ đó mà chùa được dựng lên. Chùa có từ đời nhà Lý thế kỉ 11 và được trùng tu sửa sang lại vào thời Lê Trung hưng những năm 1700. 

Trải qua hơn 300 năm dâu bể, những khối kiến trúc chính của chùa còn lại cho tới ngày nay mang dấu tích của triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Chùa tọa lạc dưới chân đồi thông, bao quanh bởi non xanh nước biếc sơn thủy hữu tình. Kiến trúc chùa Bổ Đà có sự độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Không gian kiến trúc được bao phủ bởi một màu nâu đỏ của đất, lại có những đoạn tường đất sét dựng theo lối trình tường vốn đã ngót nghét 300 tuổi, đó đây một vài bức tường được dựng lên từ những mảnh sành đất nung thuộc dòng gốm Thổ Hà chỉ cách đó 3km, bởi vậy nhiều người vẫn gọi chùa Bổ Đà là chùa đất. Đặc biệt là những đoạn tường đất ngày nay còn giữ được có bề dày lên tới 0,8m đỉnh có hũ được che bởi các mảnh gốm, chum Thổ Hà chính vì vậy vẻ đẹp ấy không thể lẫn với bất cứ loại hình kiến trúc tương đồng ở các vùng miền khác. 

Trải qua những biến thiên của lịch sử chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc. Toàn bộ chùa có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm 3 khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2  và khu vườn tháp rộng: 7.784m2. Trong khu nội tự gồm có chùa Tứ Ân là nơi thờ Phật cùng các chư thần. Tại đây còn lưu giữ được hệ thống tượng và đồ thờ bằng gỗ từ thời Lê gần như nguyên vẹn. Đây không chỉ là một minh chứng cho sự phát triển của đạo Phật cũng như thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam trong suốt mấy trăm năm mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị nghiên cứu cao. Ngoài ra trong tòa tam bảo còn có rất nhiều những đại tự câu đối thể hiện triết lí nhà Phật. Chùa còn lưu giữ nhiều văn bia, đại tự có giá trị lịch sử cùng với bộ mộc thư bằng gỗ thị trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẻ sắc nét. 

Điều làm nên nét đặc biệt tại đất tổ Bổ Đà chính là vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 1.400 vị tăng ni, với 97 tòa tháp lớn nhỏ đã trải qua gần 300 năm, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, được bao quanh bởi những đoạn đường kè đá xen lẫn tường đất sét nện. Tổng thể của khu vườn tháp tạo nên một công trình kiến trúc choáng ngợp và độc đáo mà ai qua Bổ Đà cũng phải một lần ghé thăm. Khối công trình này là một phần không thể thiếu trong việc tôn vinh thêm giá trị cho ngôi danh lam cổ tự.

Vườn chùa là nơi đan xen những gốc cây cổ thụ tựa vườn tiên của vương mẫu cùng với những gốc cây ăn quả gợi lên một cuộc sống vùng thôn quê chân chất, tất cả hòa quyện hài hòa với nhau không chút khiên cưỡng. Cùng với đó là những cây thuốc nam nhà chùa vun trồng để chữa bệnh cứu người, như thể thực thi cái “từ bi” của đức Phật từ bao đời nay. Lạc bước trong khuôn viên rộng rãi thơm mùi đất ẩm, hẳn tất thảy khách thập phương đều sẽ gác lại những bộn bề cuộc sống để mà thả mình vào không gian tươi mát, hiền hòa chốn linh thiêng.

Hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch, khi đó khách thập phương trong cả nước thường quy tụ về chùa rất đông để được bái viễn đức Phật bà Quán Âm cầu mong phúc lộc, đặc biệt là đường con cái. Bên cạnh đó, hệ thống mộc thư cổ có tuổi thọ gần 300 năm cũng là điểm thu hút được dòng người hành hương về xứ Kinh Bắc một thời xa xưa.

Tuấn Linh

Mưa xuân trong ngày khai hội chùa Hương


Mưa xuân trong ngày khai hội chùa Hương

GDVN) - Hôm nay, ngày 15/2 (mùng 6 Tết âm lịch), lễ hội chùa Hương chính thức khai hội. Mặc dù trời mưa nặng hạt, cộng thêm tiết trời lạnh nhưng vẫn không ngăn được dòng người về dâng hương lễ Phật.
Ngay từ rất sớm, những chiếc đò đã hoạt động hết công suất.
Những bộ quần áo xúng xính chơi xuân, đi lễ hội được thay bằng những chiếc áo mưa.
Hai bên sông Yến, núi mờ hơi sương. Dòng sông hôm nay bỗng nhộn nhịp bởi sự tấp nập của những con thuyền ngược xuôi.
Nét tư lự hiện rõ trên gương mặt nhiều người. Nhưng cũng có không ít người co ro vì lạnh
Giá vé năm nay giữ ở mức 85.000 đồng/lượt, bao gồm cả vé đò.
Mặc dù trời mưa rét nhưng vẫn không ngăn được dòng người đổ về chùa đi dâng hương lễ Phật ngay trong ngày khai mạc.
Dễ dàng nhận thấy cảnh nhộn nhịp, chen lấn ngay từ cửa đền Trình.
Cho tới khu vực hành lễ.
Cả khu vực bán vé cáp treo cũng “tắc đường” và phải chờ đợi rất lâu để mua được tấm vé cho hành trình du xuân lễ hội chùa Hương bằng cáp treo của mình
Cảnh chen lấn tiềm ẩn trong đó rất nhiều nguy cơ của nạn móc túi.

Ẩm thực ngày lễ tết của người Tây Nguyên


Ẩm thực ngày lễ tết của người Tây Nguyên


Ẩm thực truyền thống mùa lễ tết của người Tây Nguyên đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi dịp xuân về tết đến.
Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Cơm lam, thịt nướng trong mùa lễ hội
Cơm lam, thịt nướng trong mùa lễ hội
Hàng năm, vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đổ đầy gùi, các công việc đồng áng được gác lại thì người Tây Nguyên bắt đầu vào mùa nghỉ ngơi và chuẩn bị ăn tết riêng của mình.
Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Để chuẩn bị vật phẩm cúng tế thần linh trong những ngày lễ tết, ngay trong mùa vụ, đồng bào thường chọn ra những khoảng ruộng riêng để gieo cấy lúa gạo và nuôi nhốt riêng một số gia súc, gia cầm làm thực phẩm dành riêng cho những ngày này.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, những vật phẩm dùng để tế lễ phải là thực phẩm được nuôi trồng và chăm sóc cẩn thận, đồng thời là những thực phẩm ngon nhất, đẹp nhất và sạch sẽ nhất. Có như vậy khi lễ vật đựơc dâng lên thì thần linh mới chứng giám và ban cho họ một cuộc sống yên ổn, sức khỏe dồi dào, làng buôn no ấm. Vì vậy, ẩm thực luôn là mối quan tâm hàng đầu và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên trong mùa lễ tết.
Thịt gà nướng
Thịt gà nướng
Có thể thấy nhiều món ăn truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng được thực hiện trong dịp này. Tuy nhiên, đối với đồng bào Tây nguyên, thức ăn phổ biến vẫn là cơm thịt và rau được chế biến theo nhiều cách khác nhau, tùy từng phong tục, tập quán và khẩu vị của mỗi dân tộc.
Cơm lam được sử dụng phổ biến và được coi là món ăn truyền thống thay thế các loại bánh trong ngày lễ tết, và được ví như bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Là một loại cơm được nấu trong ống nứa nên gạo được chọn để nấu cơm lam thường là gạo nếp. Cơm lam được nấu theo cách thức gạo vo sạch, ngâm trong nước một đêm rồi đổ vào trong những ống nứa dài. Ống nứa đựng gạo là những ống có độ tuổi vừa phải, lòng ống mềm, bên trong chứa nhiều nước ngọt để khi nướng lên, gạo sẽ được hấp hơi nước trong ống mà chín.
Nấu cơm lam cũng là một công đoạn đòi hỏi có kỹ thuật. Để cơm không cháy và chín đều, khi nướng lửa than phải thật hồng, ống cơm luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô, sem sém, mở đầu ống nứa, thoảng mùi thơm của nếp thì cơm đã chín. Ống cơm khi đã thành phẩm chỉ cần dùng tay bật nhẹ, thân ống sẽ tách rời ra, hé lộ bên trong lớp màng trắng mỏng của vỏ nứa, bọc quanh những hạt gạo dẻo, thơm, nóng hổi, dậy mùi thơm, đậm vị ngọt của hương rừng.
Rượu cần và các món ăn
Rượu cần và các món ăn
Đi cùng với cơm lam là thịt nướng. Có hai loại thịt phổ biến mà đồng bào Tây nguyên thường dùng để nướng là thịt gà và thịt heo. Thịt gà khi nướng thường được mổ banh rồi nướng trực tiếp trên bếp than. Thịt heo thái bản, luồn thành những xâu dài bởi những cây xiên bằng tre nhọn đầu gọi là thịt nướng xâu. Thịt có thể được thái nhỏ gói trong lá chuối rồi vùi vào tro nóng hoặc cho vào ống nứa với muối, ớt rồi nướng như cơm lam gọi là thịt nướng ống. Thịt nướng ống hay thịt gói lá chuối đều được thực hiện trực tiếp trên lửa, tuy nhiên so với thịt nướng xâu, cách chế biến này thường giữ được vị đậm đà, thịt ngọt, mềm và không bị khô, xát.
Bên cạnh các món nướng, các loại thức ăn được làm từ rau, bột hoặc thịt sống bóp gỏi cũng là một nét ẩm thực rất đặc trưng. Bột gạo giã chung với các loại rau, quấy thành món canh đặc, đựng trong lá chuối hay lá rừng là một trong những món ăn phổ biến không thể thiếu trong ngày lễ tết của người Tây Nguyên.
Ngoài ra, món thịt bóp sống cũng thường được làm để dâng cúng thần linh trong dịp hội lễ. Đây là món được làm từ thịt của những loại gia súc giết mổ để hiến tế. Thịt sống được bóp với phèo non còn nóng của heo, bò, dê mới được giết mổ, tạo thành một món ăn chín tái rất hợp khẩu vị của nam giới. Ngoài các món trên, đồng bào còn có các món đưa men khác dùng để khoản đãi những người đến dự lễ được làm từ phủ tạng của các loài vật trên như món lá sách cuộn gan bò hay tiết canh dê, bò, heo trộn lòng, gan, bao tử… Tuy nhiên các món này chỉ dành cho nam giới hoặc thanh niên uống rượu, trẻ con ít được ăn.
Đi kèm với các món ăn trong mùa lễ tết không thể thiếu rượu cần. Rượu Cần được làm từ chính những nguyên liệu có sẵn của núi rừng như gạo, nếp, ngô, kê, sắn… trộn với lá cây rừng ủ thành men. Để ghè rượu cần được ngon, đậm đà hương vị, ngoài các nguyên liệu trên, rượu còn được ủ thêm ớt, mía, gừng hoặc riềng để tăng thêm vị ngọt và cay cho rượu. Rượu ngon là rượu được ủ với gạo nếp, khi chín có màu vàng ươm, cay nồng và đặc sánh.
Thông thường những ghè rượu Cần ngon nhất là vật phẩm để dâng cúng thần linh và được dành riêng để tiếp đãi khách quý. Trong lễ tết, những ché rượu Cần được sắp thành những hàng dọc dài hoặc xen kẻ với những gói lá đựng thức ăn để mọi người có thể ngồi đối mặt với nhau, vừa ăn, vừa uống rượu và trò chuyện.
Rượu Cần là thức uống ngon, dân dã và là loại thức uống truyền thống duy nhất mà đồng bào Tây Nguyên sử dụng trong mùa lễ tết của mình. Cách thức ăn và uống rượu Cần thể hiện tính cộng đồng cao của đồng bào Tây Nguyên trong các mùa hội lễ, đồng thời thể hiện mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa đất trời và cỏ cây hoa lá.
Ngày nay ẩm thực truyền thống mùa lễ tết của người Tây Nguyên đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách đến với Cao Nguyên, vùng đất hoang sơ, kỳ vĩ cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi dịp xuân về tết đến.