Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hồi giáo với Malaysia, phần 3


2.3.2. Lối sống Hồi giáo ở của Malaysia
           Khi nói đến ảnh hưởng của Hồi giáo ở Malaysia, người ta muốn nhấn mạnh cái bên trọng, tức là cái cốt lõi của vấn đề này. Mặc dù rằng cái dấu ấn bên trong đó rất khó nhận biết rõ nhưng nếu ta tìm hiểu thì ta sẽ nhận thấy rằng, chính nó mới là yếu tố cơ bản đánh giá mức độ Hồi giáo hóa ở Malaysia. Tuy nhiên, nếu xét theo tác động của Hồi giáo đến ngôn ngữ và nghệ thuật của Malaysia thì chưa đủ, ta phải xét đến nếp sinh hoạt hàng ngày của người Hồi giáo Malaysia.
2.3.2.1. Sinh hoạt
           Từ thời Iskandar Shah, cư dân Melaka đã sống theo nhịp điệu Hồi giáo. Họ sống rất thoải mái [15, 68]. Họ thực hiện các sinh hoạt thường ngày (ăn, mặc, ở), các phong tục tập quán đúng theo phong cách Hồi giáo. Giống như các gia đình Hồi giáo khác ở Ảrập, IndonesiaBrunei… người Hồi giáo Malaysia sinh sống theo hình thức đại gia đình. Trong gia đình, các thành viên đều bình đẳng với nhau trong công việc, học tập, con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ, có thứ bậc rõ ràng nhưng không khắc khe như gia đình người Hồi Ảrập truyền thống. Ở Malaysia, mặc dù đàn ông vẫn là trụ cột trong nhà, nhưng vị trí của phụ nữ đã thay đổi. Họ được tự do làm việc, tự do ra ngoài mà không bị người đàn ông nào giám sát; trong giao tiếp với người trong gia đình, nếu phụ nữ phạm lỗi thì sẽ được gia đình khuyên răn nhẹ nhàng, nếu tái phạm thì sẽ phạt nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Người Hồi ở Malaysia rất tuân thủ luật Hồi giáo trong ăn uống, và ăn mặc thì cũng vậy. Nam chít khăn trên đầu gọi là songkok, nữ thì che mạng để không lộ da thịt ra bên ngoài. Cá biệt có trường hợp phụ nữ Hồi giáo ở nước này choàng áo màu đen từ đầu đến chân và chỉ chừa hai con mắt để nhìn như phụ nữ Hồi giáo ở các nước Ảrập, nhưng rất hiếm [38, 223]. Ở Philippines, người Moro Hồi giáo sinh hoạt giống y như mọi người Hồi giáo khác. Nam thì mặc quần rộng, có thắt lưng và dao kris, phụ nữ mặc áo ngắn tay, tóc để búi như người Malaysia [8, 270].
2.3.2.2. Lễ hội
           Đối với người Hồi giáo Melayu, các lễ hội Hồi giáo có ý nghĩa rất lớn, trong đó có ba lễ quan trọng là: lễ Hari Raya Haji, tổ chức nhân dịp kết thúc mùa hành hương đến Mecca hằng năm; lễ Hari Raya Puasa (tổ chức nhân dịp cuối tháng trai giới Ramadan); lễ kỉ niệm ngày sinh thánh Muhammad (Maulid ul-Rasul). Lễ Hari Raya Haji được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 theo Hồi lịch, khi mà những người Hồi giáo thực hiện các nghi thức cuối cùng để kết thúc mùa hành hương đến Mecca hằng năm. Trong lễ này, việc cầu nguyện được tổ chức ở thánh đường, sau đó các tín đồ sẽ làm lễ hiến tế (giết dê, cừu…) để tế thánh Allah, cầu mong Allah ban phước lành đến cho mình. Ở lễ Hari Raya Puasa, nhà cửa sẽ trang hoàng sạch sẽ, các tín đồ thanh niên, người lớn tuổi đua nhau đến nhà thờ cầu nguyện, viếng mộ người thân; thăm hỏi bạn bè và người thân trong gia đình. Lễ Maulid ul-Rasul được tổ chức vào ngày 12 tháng 3 theo Hồi lịch, tức là ngày thánh Muhammad được sinh ra. Trong ngày lễ này, các tín đồ tập trung đến nhà thờ để đọc kinh Koran cầu nguyện vào buổi sáng và tiếp theo là lễ diễu hành do Sultan Malaysia chỉ huy. Ở Philippines, người Moro cũng thực hiện bốn ngày lễ Hồi giáo, tín ngưỡng vật linh vẫn còn. Ở Indonesia có ngày lễ Gareberg (kỷ niệm ngày sinh Muhammad) tổ chức khá lớn, Singapore tổ chức Hari Raya Aidil Fitri [20, 440 – 441].
2.3.2.3. Phong tục tập quán
           Malaysia là quốc gia có phong tục tập quán phong phú. Trước đây khi Hồi giáo chưa du nhập vào thì cư dân ở đây có nền văn hóa truyền thống rất phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Khi Hồi giáo xâm nhập vào, nó đã không loại bỏ yếu tố bản địa mà ngược lại để cho văn hóa bản địa cùng tồn tại song song với mình, thậm chí là đan xen vào nó để tạo thành một phức hợp thống nhất. Điều này thể hiện rất rõ trong các nghi thức của người Hồi giáo Melayu, như lễ cưới chẳng hạn. Đối với người Hồi giáo, một cuộc hôn nhân bình thường chỉ yêu cầu chữ kí của ông Kathi (người giữ hồ sơ, sổ sách của chú rể), ông Wali (người đại diện của cô dâu) và hai người làm chứng là xong, nhưng với người Malaysia thì đây mới là yêu cầu đầu tiên và theo sau yêu cầu này là một loạt các nghi thức, nghi lễ khác như: lễ yên vị của cô dâu chú rể trong lễ cưới được trang trí rất trang trọng mà tiếng Melayu gọi là Pelamin; lễ trao đồ sính lễ giữa hai gia đình; tiệc mừng (kenduri) và nhiều hình thức vui chơi, giải trí khác; và nếu như đôi tân lang – tân nương không thực hiện đầy đủ các nghi lễ trên đây thì người Melayu sẽ coi đôi tân hôn này không hợp pháp và tẩy chay họ. Khi nói đến hôn nhân chúng ta không thể không nói đến vấn đề ly hôn của người Hồi giáo. Để đuổi người vợ hợp pháp của mình ra khỏi nhà, họ chỉ cần đưa “al-Talaq”[23] cho tòa án trước sự chứng kiến của hai người đàn ông, hoặc một người đàn ông và hai người đàn bà, là họ có thể đạt được như ý muốn. Tuy nhiên, theo truyền thống của người Malaysia, người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình và đồng thời, chế độ một vợ một chồng được tôn trọng. Vì vậy, khác với một số nước Hồi giáo ở Trung Đông, ở Malaysia đàn ông Hồi giáo chỉ có thể lấy một vợ, nhiều nhất là hai vợ mà thôi. Dù vậy, do ảnh hưởng của luật hôn nhân Hồi giáo, tỉ lệ ly hôn ở người Hồi Malaysia rất cao, đặc biệt là ở Kelantan và Terengganu. Theo thống kê của Trung tâm giáo dục Hồi giáo thuộc Văn phòng Phủ thủ tướng thì: “Trong năm 1978 tỉ lệ số vụ ly hôn so với số vụ kết hôn ở Terengganu là 38,9% và ở Kelantan là 51,1%”[24]. Tỷ lệ ly hôn cao ở người Hồi giáo Malaysia khiến cho các tổ chức và cá nhân phụ nữ đã phải lên tiếng đòi xem xét lại luật gia đình đang được áp dụng ở nước này.
          Ngoài hôn nhân gia đình ra, người Malaysia còn lưu giữ nhiều tục lệ khác, đánh dấu bước phát triển của con người kể từ lúc ra đời cho đến lúc được trở về với Thượng đế. Về hình thức, các nghi lễ này cơ bản được thực hiện theo tập tục truyền thống, đồng thời có kèm theo nghi lễ Hồi giáo nữa. Ngoài ra, ở Malaysia, các chức sắc Hồi giáo rất được coi trọng. Các chức sắc Hồi giáo như Ulama và Imam ở nông thôn có thể thực hiện các nghi lễ Hồi giáo, vừa đóng vai trò là thầy cúng, thầy mo chữa bệnh (tiếng Melayu gọi là Bomoh và Pawang). Tuy nhiên, các thầy mo này không chỉ dùng cây cỏ, đọc thần chú chữa bệnh, mà còn thêm vào thuốc của mình vài câu thơ Ả rập để cầu người bệnh hết bệnh, sống vui khỏe. Ngoài ra, một số Ulama thậm chí biết các thế võ tự vệ (gọi là Silat) và có nhiều môn đệ theo họ. Về cơ bản, Silat không mâu thuẫn với Hồi giáo trong việc luyện tập hình thể, sức khỏe, mà ngược lại Silat còn đưa vào đó các nghi thức cầu nguyện, thậm chí còn được biểu diễn ở thánh đường, cầu khấn Allah. Nhiều người Hồi tin rằng, nghệ thuật Silat kết hợp lòng từ bi sẽ giúp người ta có sức mạnh siêu nhiên chống lại sự tấn công của kẻ thù và ma quỷ. Niềm tin vào khả năng siêu nhiên của con người đó có thể so sánh với các tập tục truyền thống của đạo Sufi rất thịnh hành ở Indonesia và một số nước Đông Nam Á khác. Sufi và những tín ngưỡng địa phương đã xâm nhập vào văn hóa Malaysia, hòa lẫn vào nước này, song nó không được hoan nghênh và nhiều khi trở thành mục tiêu của phong trào Hồi giáo Dakwah.
           Dù vậy trong đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội, người Hồi giáo Malaysia đã cố gắng rất nhiều để thể hiện mình là một tín đồ trung thành và chân chính. Tuy nhiên, nền văn hóa Hồi giáo ở Malaysia dù có nhiều điểm khác biệt do ảnh hưởng của môi trường sống và văn hóa địa phương, nhưng vẫn là nền văn hóa in đậm chất Hồi giáo, giúp Malaysia dễ dàng tiếp cận và hòa nhập với thế giới Hồi giáo rộng lớn trên toàn cầu.
2.3.2.5. Giáo dục theo “Hồi giáo” ở Malaysia.
2.3.2.5.1. Thời kỳ vương quốc Melaka (1403 – 1511)
           Thế kỷ XV, sau khi Hồi giáo xâm nhập, ở Malaysia đã hình thành nền giáo dục mới – giáo dục Hồi giáo. Các vua Hồi đã cho mở nhiều trường học, đưa kinh Koran vào chương trình giảng dạy và học tập và việc học này diễn ra thường xuyên và liên tục. Vào thời cực thịnh của mình, các sultan đã cho mời các nhà triết học Sufi, các Ulama (học giả Hồi giáo) [12, 13] về dạy cho các hoàng tử, công chúa trong cung đình. Ở các địa phương, các sultan mời các Ulama về mở trường (tiếng Melayu gọi là pondok) dạy học. Nội dung chương trình học tập chủ yếu trong các sách kinh Hồi giáo, đặc biệt là kinh Koran. Khi học kinh Koran, thầy giáo sẽ bắt các trò phải học thuộc từng câu, từng chữ cho đến cả dấu chấm, dấu phẩy nhưng ít khi giải thích kinh này Những người thuộc hết toàn bộ kinh Koran sẽ được gọi là Hafiz. Ngoài ra, một số giáo viên khác chuyên về tôn giáo như Imam, Bilal và Khatib sẽ giảng giải kỹ về kinh Koran, 5 nghĩa vụ của tín đồ, tính duy nhất của Thượng đế….cho học trò, từ đó đào tạo một đội ngũ các ulama sẵn sàng kế nghiệp họ trong tương lai. Và nhờ có đội ngũ ulama này mà kiến thức Hồi giáo được truyền liên tục và không bị mất đi. Không những thế, việc có mặt của các Ulama còn tạo điều kiện cho một loại chữ viết mới ra đời thay thế chữ viết nguyên thủy, đó là chữ Jawi. Việc phát minh loại chữ này giúp cho người Melayu không chỉ biểu đạt thành công tiếng Melayumà còn là ngôn ngữ tiện lợi để truyền tải các kiến thức về khoa học – nghệ thuật, văn chương – thơ ca Hồi giáo cho người Melayu, đóng góp một phần lớn vào kho tàng văn hóa thế giới.
2.3.2.5.2. Thời kỳ thuộc địa (1511 – 1957)
Thời kỳ thuộc Bồ Đào Nha, Hà Lan (1511 – 1824)
Khi Bồ Đào Nha đánh chiếm Melaka, nền giáo dục ở đây bị suy tàn và trung tâm của nó dần chuyển sang vương quốc Acheh (1496 – 1650). Acheh đã trở thành một trung tâm giáo dục lớn thời đó. Ở đây, việc học tiếng Jawi, Melayu dần phổ biến ở các pondok, thêm vào đó, sự du nhập của các ngôn ngữ ngoại lai như tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan cũng khiến cho tiếng Melayu dần phong phú và giáo dục cũng phát triển mạnh mẽ. Sau khi Acheh sụp đổ, hệ thống giáo dục từ đó bị lung lay mạnh, thế nhưng nhờ nỗ lực của các ulama, đặc biệt là ulama ở Pattani mà nền giáo dục Malaysia được phục hồi, nhưng còn hạn chế. Về phần mình, sau khi đánh chiếm Melaka, Bồ Đào Nha (sau là Hà Lan) đã nhanh chóng áp đặt nền giáo dục bản xứ của chúng vào thuộc địa, nhưng do bị nhân dân đấu tranh kịch liệt nên thất bại. Mặc khác, do nhận thấy nền giáo dục Hồi giáo rất tiến bộ và có những ảnh hưởng ra ngoài nên các nước đế quốc này sẵn sang đem quân ngăn chặn, nhưng chúng bị thất bại và tạo điều kiện cho nền giáo dục Hồi giáo lan ra xung quanh. Ở Brunei, trong những năm 1515 - 1521, vua Bolkiah I đã cải theo Hồi giáo và chấp nhận nền giáo dục Hồi giáo tiến bộ này. Có lẽ sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Hồi giáo và văn hóa bản địa Melayu đã lôi cuốn Brunei vào quỹ đạo thế giới Hồi giáo, và Hồi giáo cũng giúp ít nhiều cho sự phát triển thương mại Brunei sau này.
Thời kỳ thuộc Anh (1824 – 1957)
           Sau khi đánh chiếm Malaysia, người Anh thực hiện chính sách giáo dục “kép” với chương trình “giáo dục tinh hoa” giành cho quý tộc bản xứ và chương trình “thiên về nông thôn” cho các tầng lớp còn lại. Chính sách này thực hiện ba mục đích: khắc sâu sự phân hóa giai cấp, với quyền lực tối thượng của vua và sự khốn cùng của nông dân; bảo vệ quyền lợi thực dân của Anh ở đây; kìm hãm sự phát triển về tri thức, khả năng kinh tế của tầng lớp dưới.
           Đối với quý tộc Malay, Anh thực hiện chính sách giáo dục “mở”, lôi kéo một bộ phận quý tộc làm tay sai cho chúng. Người đi tiên phong trong việc thực hiện chính sách này là T. S. Raffles, Toàn quyền Anh ở Malaysia (1818 – 1824). Ông đã nhìn thấy tương lai phát triển của Malaysia và thuyết phục các đồng nghiệp mở trường học để cho quý tộc Malaysia học tập, đào tạo họ thành tay sai phục vụ trung thành cho nước Anh. Thế nhưng, kế hoạch này đã bị bãi bỏ và mãi đến 1873, khi chính phủ Anh nhận thức được sự tiến bộ của chính sách này, chúng đã cho mở trường vào các năm 1878, 1883. Tiếp đó, các Sultan cấp tiến ở Perak, Selangor tiếp tục mở các trường của người Anh[25]. Mặc dù người Anh và các sultan có cố gắng nhất định, nhưng các hoạt động đó của họ đều bị quý tộc Malay thờ ơ và không hưởng ứng nồng nhiệt. Nhưng đến năm 1896, khi Anh thành lập Liên bang Malaya thì tình hình đã thay đổi.
Việc kết hợp bốn ngành dân chính ở bốn bang riêng lẻ lại thành ngành Dân chính Malaya (Malayan Civil Service – MCS) đã dẫn đến việc mở rộng các ngành nghề, đồng thời mở rộng cho người bản xứ tham gia các ngành này. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể về số lượng nhân viên văn phòng và kỹ thuật viên song chủ yếu lại là người Ấn, người Hoa hoặc người lai Âu – Á, không có người Melayu tham gia [26], việc đó đã làm chính sách của Anh thất bại nặng nề. Để khắc phục, tại Hội nghị Các nhà cầm quyền Anh ở Malaysia, Công sứ Anh ở Perak là Rodger (1901 – 1904) đã đề nghị với các đồng nghiệp phải mở trường học đặc biệt dành cho quý tộc Malay, hướng đến tuyển chọn học sinh xuất sắc của người Malay bất kể tầng lớp nào, nhưng bị bác bỏ. Mãi đến năm 1903 khi Tổng thanh tra Wilkinson sang Malaysia, ông ủng hộ kế hoạch của Rodger, sau đó bắt tay vào thực hiện. Năm 1905, ông cho xây dựng trường nội trú Malay ở Perak và đến năm 1909 thì nâng cấp thành Đại học Malaya. Tuy nhiên sau khi Wilkinson rời khỏi, chính sách trên đã bị thay đổi: chế độ tuyển chọn của trường hoàn toàn tập trung vào những người con trai của tầng lớp quý tộc tham gia mà thôi. Trong chương trình học, người Anh chủ trương dạy tiếng Malay trong năm đầu, còn lại thì sẽ dạy tiếng Anh cùng với văn học, ngôn ngữ, lịch sử Anh; dạy các tư tưởng về sự công bằng, trung thành, hợp tác trong sinh hoạt tập thể. Việc này nhằm mục đích tạo ra nguồn nhân lực quý tộc dồi dào phục vụ đắc lực cho chế độ thuộc địa ở Malaysia, qua đó giúp Anh kiểm soát phần đông thái độ của thường dân ở Malaysia.
           Với tầng lớp nông dân, do nhận thấy nền giáo dục truyền thống Hồi giáo đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nên người Anh ngay từ khi vào Malaysia, họ đã đề ra chính sách giáo dục mới đối với nông dân là “thiên về nông thôn” nhằm mục đích hình thành một sự kiểm soát để kìm hãm họ ở vị trí xã hội hiện tại. Để thực hiện, dựa trên nền tảng Hồi giáo rất phổ biến ở nông thôn, người Anh đã xây dựng các trường học để phục vụ cho nhu cầu học tập của người dân, với chương trình rất hạn chế trong 4 năm mà thôi.
Về nội dung, các giáo viên người Anh chỉ dạy cho người dân biết đọc biết viết; dạy về các kiến thức cơ bản về địa lý vùng biển đảo, kỹ thuật gieo trồng, canh tác cây nông nghiệp… cho người dân. Có lẽ do sự hấp dẫn của nền giáo dục mới lạ này, số lượng người theo học tăng mạnh, nhanh đến mức không ngờ tới [27]. Sự việc đó đã khích lệ người Anh mở thêm 1 trường đào tạo giáo viên ở Melaka (1900); 2 trường đào tạo giáo viên khác ở Johor (1919), Perak (1923). Về sau, do nhận thấy nền giáo dục Hồi giáo là cổ hủ, không tiến bộ bằng Anh nên nhiều người dân tha thiết xin chủ quận (phenghulu) cho mở thêm trường nữa. Thể theo nguyện vọng của dân, người Anh cho mở thêm trường cho người Malay, về sau là người Hoa và Ấn theo học, điều này làm mọi sự thăng tiến của nông dân Malay bị đóng lại. (xem bảng dưới)
Bảng: Tổng số học sinh được tuyển vào các trường của Anh ở FMS (tỷ lệ %)
Năm
Tổng số
Người
Malay
Người Hoa
Người Ấn Độ
Người châu Âu; người lai Âu - Á
Các tộc người khác
1919
8.456
9
48
30
10
3
1920
9.208
10
48
30
10
2
1921
10.105
13
47
29
9
2
1922
10.450
15
46
29
9
2
1923
11.594
18
46
26
8
2
1924
12.806
18
48
24
7
3
1925
13.768
19
49
23
7
2
1926
14.509
19
49
23
7
2
1927
16.283
18
49
25
6
2
1928
16.185
17
49
26
6
2
1929
17.113
16
50
26
6
2
1930
17.997
16
49
27
6
2
1932
17.477
15
50
27
6
2
1933
16.417
17
49
27
6
1
1935
16.496
16
50
27
6
1
1937
17.161
15
50
28
6
1

Ngoài ra, vấn đề đào tạo nghề nghiệp cũng được Anh chú ý nhiều. Năm 1923, Richard Winstedt (1878 – 1966), phó giám đốc về giáo dục ở Malay từ 1916 – 1920, đã đề nghị chính quyền cho mở trường dạy nghề. Thể theo nguyện vọng của ông, hàng loạt trường dạy nghề ra đời: Trường Cao đẳng nghề Sultan Idris (1922); trường cao đẳng dạy nghề Liên bang (1926), trường cao đẳng kỹ thuật lâm nghiệp và trường Trung cấp kỹ thuật được thành lập ở Serdang năm 1927. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường này được đi làm, nhưng chỉ làm về nông nghiệp ở nông thôn và không được học lên bậc cao hơn. Thế nhưng, trái ngược với các mong muốn của người Anh, vị trí bị kìm hãm khiến những người Melayu không thể biến họ thành kẻ dễ cai trị, đồng thời do tác động bên ngoài nên đã dẫn đến chủ nghĩa dân tộc Melayu bùng cháy, lan tỏa mạnh mẽ. Chính những người trí thức (giáo viên, ulama, học sinh…) nhận thức được thời cuộc đó và họ đã đứng lên đấu tranh, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau này phát triển mạnh mẽ.
Thời kỳ độc lập (1957 – 2000)
           Từ sau khi giành độc lập, Malaysia bước vào thời kỳ khôi phục, phát triển đất nước, trong đó giáo dục được nâng lên thành quốc sách hàng đầu. Về giáo dục, chính phủ đã thi hành chính sách phát triển giáo dục hiện đại phương Tây song song với giáo dục truyền thống Hồi giáo ở các địa phương. Ngay sau khi độc lập, chính phủ đã chỉ thị cho các địa phương nhanh chóng mở trường học để phát triển tôn giáo quốc gia. Ở Malaysia, hệ thống trường học có hai loại: trường Pondok và trường Madrasah, phát triển chủ yếu ở nông thôn. Ở các trường Pondok, học sinh học chủ yếu là kinh Koran, tiếng Ảrập và giải nghĩa Kinh Koran và sau khi tốt nghiệp, học sinh không đủ trình độ học lên cao hơn. Ở trường Madrasah (trường cách tân Hồi giáo), chương trình học được nâng cao hơn so với Pondok. Trong các trường này, ngoài việc học các kiến thức Hồi giáo, học sinh còn học thêm kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội và sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được học ở các trường đại học ở Arab Saudi, Ai Cập và nhiều nước khác. Để thỏa mãn với nhu cầu học tập của người Melayu, chính phủ đã tài trợ cho hệ thống giáo dục, giảng dạy kiến thức Hồi giáo trong các trường và những học sinh đạt điểm cao sẽ được vào học Đại học Malaya (khoa Hồi giáo, khoa Luật).
           Trong sự nghiệp giáo dục Hồi giáo và nâng cao vai trò của Hồi giáo trong các mặt kinh tế, chính trị và xã hội có sự đóng góp lớn của các ulama (trí thức Hồi giáo). Ulama là những người có học vấn cao, uyên thâm trên tất cả mọi mặt kinh tế, chính trị, tôn giáo… Ông được phép cầu nguyện, làm lễ cầu nguyện cho các nghi lễ quan trọng trong gia đình và cộng đồng Hồi giáo, giảng hòa các mâu thuẫn trong các tín đồ Hồi giáo với nhau. Các ulama là giáo viên thì rất được kính trọng và nhờ họ, kiến thức Hồi giáo không bị mất đi và được truyền đến hiện nay.
           Ở nông thôn, các ulama hoạt động tương đối độc lập. Họ được tự do mở trường dạy học, mời các giáo viên khác dạy thay họ nếu họ muốn… Theo miêu tả của Abdullah Munshi thì các trường ở Malaya đầu thế kỷ XIX rất ít học sinh học và nội dung học chủ yếu là kinh Koran, luật Hồi giáo và tính duy nhất của Thượng đế. “Nhờ các giáo viên tôn giáo này mà các thế hệ người Hồi giáo Malaya biết đọc biết viết chữ Jawi”[1]. Với học sinh nhỏ tuổi, các thầy giáo dạy chủ yếu là kinh Koran, các nguyên tắc cầu nguyện, trai giới và đóng góp từ thiện. Còn học sinh lớn tuổi thì các thầy sẽ dạy chuyên sâu về tôn giáo để nâng cao nhận thức của mình trong đời sống tôn giáo, đời sống thường nhật. Từ thế kỷ XIX – XX, khi Anh xâm lược và áp đặt nền giáo dục mới ở Malaysia, thì người dân không muốn cho con em mình học các cơ sở giáo dục của Anh vì lo ngại các tư tưởng của Thiên Chúa giáo làm “vẩn đục” tâm hồn tín đồ Hồi giáo, vì vậy uy tín của ulama nông thôn lại càng nâng cao. Tuy nhiên từ sau Độc lập (1957) tuy thế hệ trẻ Melayu có điều kiện theo học các trường học ở nông thôn, thành thị để nâng cao trình độ, thăng tiến trong tương lai và do vậy các trường Hồi giáo truyền thống cũng dần mất đi ý nghĩa trước kia.
           Khác với các ulama ở nông thôn, các Ulama ở thành phố, ngoài việc dạy học còn tham gia các hoạt động chính trị trong các Hội đồng Tôn giáo Malaya. Trong xã hội thành thị, các Ulama còn được xem là quý tộc (Mulia), bởi họ rất giàu có, đôi khi có quan hệ thân mật với hoàng gia; mặc khác do họ uyên thâm nên có chỗ đứng cao trong xã hội. Không những thế, họ còn được xem là một lực lượng chính trị. Do có vai trò và uy tín lớn trong các trường học và nông thôn, họ có tác động rất lớn đến tình hình chính trị trong nước mà đảng PAS một đảng chính trị lớn của họ, chính là một ví dụ tiêu biểu. Thông qua đảng này, các ulama tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, chống các học thuyết phi Hồi giáo và các xu hướng chệch đường của tôn giáo này. Trong bối cảnh PAS và UMNO chống nhau kịch liệt, các vấn đề tôn giáo đã bị chính trị hóa hoàn toàn, mặc khác do ảnh hưởng của hai đảng này mà các tín đồ không hợp tác, thậm chí không tham dự cầu nguyện nữa.
           Tóm lại, ulama đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, tạo chỗ đứng cho Hồi giáo trong xã hội và được xã hội kính trọng. Chính nhờ sự đóng góp của họ mà hệ thống giáo dục Malaysia được cải tiến đáng kể, thỏa mãn yêu cầu cung cấp nhân lực cho xã hội, duy trì phát triển các giá trị đạo đức, tinh hoa Hồi giáo trong quốc gia Malaysia hiện nay.
2.3.2.6. Luật Hồi giáo trong xã hội Malaysia (thế kỷ XV – 2000)
Thời kỳ vương quốc Melaka (1403 – 1511)
          Hệ thống luật pháp của Malaysia đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và phức tạp. Trước khi Hồi giáo xâm nhập vào, cư dân ở vùng đất này chịu ảnh hưởng của các luật tục địa phương. Luật tục của họ gồm hai phần: Adat Temenggong và Adat Perpatih[2]. Đến thời Melaka, do sự du nhập của Hồi giáo, quyền lực của vua, quan lại dần tăng lên một cách đáng kể. Do hạn chế về giấy viết, nên nhà vua chỉ có thể ban hành những mệnh lệnh dưới dạng lối nói truyền miệng. Theo Sejarah Melayu, vua được xem là người chủ tối cao, vị quan tòa lớn. Ông ta có quyền trừng phạt hoặc tha thứ cho bất cứ người dân nào, cho nên việc xét xử cũng khá tùy tiện. Đối với quý tộc, án phạt bao giờ cũng được giảm nhẹ đôi chút, thậm chí tha bổng nếu không có lỗi.
          Đến cuối thời Melaka, người ta thấy xuất hiện 2 bản tóm tắt luật pháp in đậm dấu ấn Ấn giáo, Hồi giáo và tập quán địa phương. Đó là bản Undang-Undang Melaka (Luật Melaka) và Undang-Undang Laut Melaka (Luật biển Melaka)[3]. Undang-Undang Melaka được ban hành từ thời Parameswara, đến thời Muzaffar I Shah [4] thì hoàn thiện. Bộ luật này bao gồm 44 chương nói về quyền hạn và thần quyền của vua và các trưởng làng, quyền sở hữu ruộng đất, cùng những điều cấm kỵ đối với các thành viên cộng đồng, những hình phạt về tội hình sự và dân sự, và nhiều vấn đề khác. Ngoài ra do chịu ảnh hưởng của Hồi giáo nên có một số điều luật Hồi giáo cài xen ngang, hoặc thay thế cho các điều khoản của luật tục trước kia, tiêu biểu là về việc cầu kinh ở nhà thờ, vua tham dự lễ cầu nguyện cùng quan lại. Tội trộm cắp, cướp bóc tài sản của người khác sẽ bị trừng phạt bằng cách chặt tay. Điều 7.2 của bộ luật ghi:  “Nếu kẻ ăn cắp bị bắt và bị giết thì người giết hắn sẽ phải chịu một nửa hình phạt…., theo luật của Allah, kẻ cắp sẽ không bị buộc tội chết mà sẽ bị cắt tay”[Hashim, 157], được sao chép từ kinh Koran[5]. Đối với tội ngoại tình, luật Melaka sao chép y nguyên luật Hồi giáo, đó là kẻ ngoại tình là muhsan[6] thì sẽ bị ném đá cho đến chết, còn không phải muhsan thì chỉ bị phạt 80 gậy thôi. Đối với các tội danh khác như uống rượu, giết người, trộm đêm, trả thù và bỏ đạo, luật Melaka cũng quy định các hình phạt tương tự. Việc trao đổi, buôn bán của người Melayu cũng được bộ luật này quy định chặt chẽ theo luật Hồi giáo. Điều 30 có ghi: “Theo luật buôn bán thì những kẻ cho vay lãi là bất hợp pháp”, được soạn dựa trên câu 275 chương II của kinh Koran[7]. Ngoài ra, luật còn quy định địa vị của người Melayu cao hơn địa vị của những người không phải Melayu. Điều 39 ghi rõ: Một tín đồ Hồi giáo có thể không bị quy tội chết khi anh ta lấy đi mạng sống của một người không phải tín đồ Hồi giáo” [39, 110].
           Để thực thi luật pháp Hồi giáo ở Malaysia, ngay từ khi thành lập nước, các sultan Melaka đã rất chú trọng đến việc xây dựng các tòa án và một đội ngũ quan lại thực thi luật pháp ở tòa án. Theo đó thì người đứng đầu trong việc tổ chức luật pháp là Bendahara (tể tướng). Ông được xem là chánh án tối cao trong các vụ kiện dân sự cũng như hình sự. Còn ở Brunei thế kỷ XVII, theo tài liệu của người Tây Ban Nha, tòa án là do một Temenggong (chức quan địa phương) phụ trách. Theo tài liệu của Forrest thì tại Mindanao, công việc luật pháp do 6 vị mantris (tương đương bộ trưởng) do sultan bổ nhiệm. Duy ở Acheh là có một tòa án thuộc quyền của Kadhi, còn ở các phiên tòa hình sự và nợ nần thì do các orankay hoặc quý tộc chủ tọa. Mặc dù có quyền tối cao như vậy, nhưng các tòa án này không chỉ nhằm mục đích đối lập hay huấn thị, mà còn dùng để truyền bá các học thuyết Hồi giáo. Ví dụ, vua Melaka đã ban bố bộ luật mới, trong đó có nhiều yếu tố Hồi giáo (xem phần trên). Nhiều vị thủ lĩnh Hồi giáo ở các vùng khác thì được mô tả như người quảng bá hình ảnh Hồi giáo ra nước ngoài. Một nhân vật kế tiếp quan trọng sau vị đứng đầu tòa án là các Kadhi (nghĩa là mục sư, quan tòa). Các ông là người xử lý theo luật định, đúng người đúng tội, trả lại sự công bằng cho người dân. Tuy nhiên, do lúc này Melaka đang là nhà nước phong kiến, việc buôn bán rất phát triển nên dẫn đến tình trạng tham nhũng trong một bộ phận quan lại lan tràn, nên một số quan tòa có thái độ du di các tội phạm quan lại, thậm chí tha bổng luôn, không truy cứu.
           Thế kỷ XV, vào thời hưng thịnh của mình, luật Hồi giáo bao trùm toàn lãnh thổ Melaka và các thuộc quốc của nó và bộ luật này cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến các bộ luật ở các vương quốc Malaysia khác như Johor, Pahang, Kedah, Perak….. Hashim đã viện dẫn một số điều của bộ luật Johor, Pahang, Kedah, Terengganu được xây dựng trên cơ sở luật Hồi giáo lien quan đến vấn đề như ngoại tình, uống rượu, trộm cắp…Cụ thể hơn, các tài liệu phương Tây đều có nói đến các hình phạt đó, như cắt rời bộ phận cơ thể, đánh đập bằng roi. Sự cho vay nặng lãi bị cấm ở Acheh vào năm 1621. Đến thời Iskandar Thani của Acheh (1636 – 1641), những cách xử tội như nhấn chìm vào dầu sôi, liếm lên tấm thép nung đỏ… đều bị bãi bỏ. Ở miền Nam Philippines ảnh hưởng của Hồi giáo đến dây không phải là nhỏ, hình phạt nhấn chìm vào dầu sôi chỉ áp dụng cho kẻ trộm cắp mà thôi. Ở Banten (Tây Jawa) nơi chịu ảnh hưởng mạnh của Hồi giáo, hút thuốc lá và thuốc phiện đều bị xử phạt hết. Hệ thống các Kadhi vẫn tồn tại, tiêu biểu là các kadhi trong luật Kedah. Một giám mục người Pháp là Beaulieu đã mô tả một Kadhi ở Acheh đầu thế kỷ XVII “mọi người đều tôn kính ông ta, và ông ta điều khiển các phiên tòa xét xử những sự vi phạm liên quan đến tôn giáo”. Tài liệu của người Tây Ban Nha cũng nói đến các vị Datu Imam chuyên điều hành các cuộc bàn luận giải quyết vấn đề ly hôn ở Philippines [9, 61 – 63]. Rất có thể luật pháp này được xây dựng trên cơ sở luật Hồi giáo kết hợp luật địa phương Melaka, và điều này cũng chứng tỏ, Hồi giáo đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người dân trước khi luật pháp phương tây đến.
Thời kỳ thuộc địa
Thế kỷ XV – XIX, các đế quốc lớn như Bồ Đào Nha, Hà Lan đã thay nhau xâm lược vùng đất này. Trong suốt thời gian thống trị Malaysia, chúng đã nhanh chóng áp đặt luật pháp của nước mình vào đó, song nó chỉ có hiệu lực với kiều dân nước ngoài, còn người dân địa phương vẫn sử dụng luật pháp truyền thống của mình. Cho đến thời kỳ trước khi Anh xâm lược, một số vương quốc ở Malaysia như Johor, Terengganu, Pahang (trừ Melaka) đã có các bộ luật riêng cho mình. Các vương quốc Negeri Sembilan, Melaka vẫn còn áp dụng luật tục dân chủ mẫu hệ Perpatih, ở các khu vực khác còn lại thì vẫn áp dụng luật Temenggong với các đặc trưng riêng của địa phương. Một điểm quan trọng trong các bộ luật này đó là yếu tố Hồi giáo đã được áp dụng trong kết hôn, ly hôn, nhưng lại rất ít ảnh hưởng trong hình luật. Ở vương quốc Perak và Pahang, vấn đề thừa kế tài sản chưa có ảnh hưởng gì nhiều của Hồi giáo, quyền thừa kế đất đai tuân theo tập quán dân chủ mẫu hệ.
Trong thời kỳ cai trị Malaysia, Anh hầu như không can thiệp gì vào vấn đề tôn giáo và tập tục của người Melayu. Luật Hồi giáo vẫn được thi hành, đặc biệt là vấn đề hôn nhân, quyền thừa kế tài sản và các vấn đề khác, tuy nhiên về sau này, nó đã dần dần bị Anh khống chế hoàn toàn. Tòa án Shariah bị hạn chế và bị đặt dưới quyền kiểm soát của các tòa án dân sự Anh. Năm 1948, chính phủ Anh tuyên bố các tòa án này phải trở thành một bộ phận của tòa án Anh, nhưng cũng trong năm này, tòa án Hồi giáo bị loại khỏi chức năng này. Hàng loạt các đạo luật của chính phủ được ban hành để điều chỉnh luật Hồi giáo cho phù hợp với thực tại xã hội Malay, hạn chế nó trong hôn nhân, thừa kế tài sản và chỉ có hiệu lực với tín đồ Hồi giáo.
Thời kỳ độc lập:
Sau khi giành độc lập, chính phủ đã thi hành nhiều biện pháp tích cực để phát triển luật pháp ở Malaysia. Năm 1957, Hiến pháp Malaysia ra đời đã tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo, song sẽ cho phép các tín đồ được phép theo các tôn giáo khác nếu mình muốn và không phải trả thuế tôn giáo, thiết lập và duy trì các tổ chức tôn giáo vì mục đích từ thiện, xây dựng giữ gìn tài sản tôn giáo theo quy định pháp luật (điều 11). Ngoài ra theo quy định của điều 12 Hiến pháp, các gia đình có quyền áp đặt tôn giáo cho con em mình và không được phân biệt đối xử với các tôn giáo khác, xây dựng các cơ sở giáo dục phục vụ cho nhu cầu học tập của người dân [8]. Các điều khoản này của Hiến pháp đã tạo điều kiện để học sinh học tập, tiếp thu những tinh hoa văn hóa, lịch sử Hồi giáo, giúp các em hòa nhập vào công cuộc xây dựng nước Malaysia hiện đại.
Tuy nhiên, điều 160 của Hiến pháp lại không đề cập đến “luật Hồi giáo” trong phần giải thích thuật ngữ của mình. Dù vậy, Hiến pháp vẫn quy định cụ thể quyền hãn, lĩnh vực áp dụng của luật Hồi giáo trong đời sống người dân, như luật gia đình, luật hôn nhân, luật thừa kế, luật giám hộ, quà tặng, wakaf (vốn cung tiến vì mục đích tôn giáo của người Hồi), các công ty, các cơ sở từ thiện hoạt động ở các bang, phong tục tập quán, sự trừng phạt đối với các hành vi vi phạm của người Hồi, các vấn đề về luật Hồi giáo và luật tục địa phương….
Ở các bang, Hồi giáo và luật pháp luôn song hành với nhau. Theo Hiến pháp, Hồi giáo là quốc giáo, nhưng ở Malaysia không có người đứng đầu Hồi giáo ở toàn quốc[9] nên những người đứng đầu mỗi bang mặc nhiên là người đứng đầu Hồi giáo của mình (trừ các bang Melaka, Pinang, Sabah và Sarawak là người đứng đầu chỉ lãnh đạo toàn bang, không lãnh đạo Hồi giáo). Ở các bang này thì theo luật, mỗi bang sẽ lập một hội đồng tôn giáo gồm 19 người để cố vấn cho chính phủ bang các vấn đề về Hồi giáo. Tuy nhiên, ngày 17/10/1968 Hội nghị các nhà lãnh đạo quốc gia tuyên bố thành lập Hội đồng Hồi giáo quốc gia với tư cách là sợi dây kết nối giữa chính quyền các bang để cùng hợp tác, quản lý các vấn đề Hồi giáo. Hội đồng này có 1 chủ tịch và 18 người khác. Hội đồng này sẽ lập một số Ủy ban cố vấn để giải quyết các vấn đề Hồi giáo trong bang. Trong các ủy ban đó thì ủy ban các học giả Hồi giáo sẽ phụ trách vấn đề luật Hồi giáo. Hội đồng cũng sẽ kiểm soát nhà thờ Hồi giáo quốc gia, Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo. Để giúp cho Hội đồng hoạt động có hiệu quả, Văn phòng chính phủ Malaysia đã lập ra Ban sự vụ Hồi giáo.
Nhiệm vụ chính của Ban sự vụ là: Tiêu chuẩn hóa luật pháp để nâng cao việc quản lý vấn đề Hồi giáo, luật pháp và giáo dục Hồi giáo; hướng dẫn các hoạt động bảo vệ sự thuần khiết của Hồi giáo; giám sát các hoạt động tôn giáo; giải quyết các vấn đề tôn giáo để củng cố địa vị của Hồi giáo và tín đồ của nó ở Malaysia [10]. Ngoài ra, ban này còn có nhiệm vụ là giám sát, đánh giá hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo của chính phủ và phi chính phủ sao cho các quyền lợi tôn giáo không mâu thuẫn với quyền lợi quốc gia. Tuy nhiên vì Hồi giáo đang là vấn đề của các bang Malaysia nên Hội đồng sẽ ra thông báo nếu các tổ chức không theo quan điểm Hồi giáo. Ở các bang, chính quyền sẽ ra sắc lệnh lập Hội đồng Hồi giáo (Masjis), hội đồng này có chức năng lập pháp, hành pháp và quản lý nhà thờ chỉ trong bang mà thôi nên tóm lại việc áp dụng luật Hồi giáo thuộc về quyền hạn của các bang.
      Tuy nhiên như đã nói ở trên, viêc Hồi giáo thuộc quyền của các bang đã gây không ít khó khăn trong chính phủ trung ương trong việc quản lý, thống nhất Hồi giáo. Một vấn đề đặt ra là làm sao để luật Hồi giáo được áp dụng một cách thống nhất và phù hợp với các bang. Vì vậy, Chính phủ Malaysia đã tham khảo các bộ luật về Hồi giáo của Ấn Độ, Singapore, Pakistan, Đạo luật cải cách lập pháp 1976 ở Malaysia và bằng nỗ lực của mình, đã soạn ra một bộ luật chung về việc quản lý, thi hành luật gia đình Hồi giáo theo kiểu mẫu và sau này được các bang nhanh chóng chấp thuận và lưu hành ra toàn dân chúng.
      Một vấn đề nữa không thể thiếu trong hệ thống luật pháp Hồi giáo Malaysia, đó là vấn đề tòa án Hồi giáo. Trước đây, mỗi bang là có một tòa án riêng. Với điều 121 của Hiến pháp, các tòa án Hồi giáo được đưa lên ngang bằng với tòa án thế tục. Thông thường, tòa án Shariah có hai loại: tòa án Kadhi besar (tòa án cấp cao), tòa án Kadhi (tòa án cấp thấp) và một Ủy ban kháng án. Trong tòa án Hồi giáo, chủ tọa là luật sư Hồi giáo (là người đứng đầu các bang), phụ trợ ông là một công tố viên và một thanh tra về Hồi giáo. Để bảo đảm cho việc xét xử được công bằng, chính phủ ra quy định cụ thể về nhiệm vụ của các công chức trong tòa, cũng như gia chủ khi đến tòa án và điều đó cũng góp phần hạn chế quyền lực của tòa án Hồi giáo, vốn thịnh hành từ thời phong kiến.
       Tóm lại, trải qua 5 thế kỷ hình thành và phát triển của Hồi giáo, luật pháp ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Mặc dù hiện nay nó bị hạn chế nhiều, nhưng nó là minh chứng cho sự tồn tại của Hồi giáo ở Malaysia. Vì thế, để phát triển bền vững Malaysia cần biết kết hợp nhuần nhuyễn và khéo léo Hồi giáo với tín ngưỡng địa phương để làm giàu bản sắc dân tộc phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước.





[1] Melayu: còn gọi khác là Bahasa Melayu, là tên địa phương của tiếng Malay (tiếng Mã Lai), đồng thời cũng là tên gọi của tộc người bản địa sống lâu đời ở Malaysia (người Melayu). Theo Hiến pháp 1957, người Melayu nói tiếng Melayu, theo Hồi giáo và sống theo phong tục Melayu.
  Malaysia: tên gọi của quốc gia Malaysia sau năm 1963, tức là sau khi sát nhập hai bang miền Đông là Sabah và Sarawak (phía Bắc Borneo) vào mà thành. Trước năm 1963, Malaysia chưa có tên này mà có tên là Malaya mà thôi. Xem thêm: Huỳnh Văn Tòng (1993), Lịch sử Malaysia – Singapore - Philippines. Lưu hành nội bộ, ĐH Mở TPHCM.
[2] Hiến pháp Malaya: đây là Hiến pháp do Anh lập để công bố việc thành lập Liên hiệp MalayaTheo Hiến pháp này, Liên hiệp Malaya bao gồm chín bang và Penang, Melaka và Singapore được công bố là thuộc địa của Anh. Những người đứng đầu các bang được giữ nguyên địa vị của mình, nhưng chủ quyền thuộc về chính phủ Anh. Tất cả công dân của Liên hiệp này đều có quyền bình đẳng ngang nhau, không phân biệt thành phần dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, do sự đấu tranh quyết liệt của Tổ chức dân tộc thống nhất Malaya (UMNO), kế hoạch thành lập Liên hiệp Malaya đã không được thực hiện.
[3] Yang di-Pertuan Agong: Quốc vương Liên bang Malaysia, người có địa vị cao nhất trong Liên bang và sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sự kiện tụng nào, ở bất kỳ tòa án nào. Yang di-Pertuan Agong được bầu lần lượt trong số 9 Sultan (Ruler) của các bang trong nhiệm kỳ 5 năm, Yang di-Pertuan Agong không thực hiện chức năng của người đứng đầu bang của mình, ngoại trừ các chức năng của người đứng đầu Hồi giáo.
[4] Ruler: Tước hiệu chỉ những người đứng đầu các bang ở Melayu Hồi giáo: Perlis, Kedah, Selangor, Perak, Negeri Sembilan, Johor, Pahang, Terengganu và Kelantan. Ruler còn được gọi là Sultan.
[5] Yang Dipertua Negeri: Theo sự giải thích trong điều 160 của Hiến pháp Liên bang, là người đứng đầu các bang Melaka, Penang, Sabah, Sarawak. Yang Dipertua Negeri do Yang di-Pertuan Agong bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Người đứng đầu bang Negeri Sembilan được gọi là Yang di-Pertuan Besar. Khác với Yang Dipertua Negeri, các Ruler và Yang di-Pertuan Besar vừa là người đứng đầu bang vừa là người đứng đầu Hồi giáo ở bang mình. Hiến pháp quy định các Ruler có địa vị cao hơn Yang Dipertua Negeri.
[6] Bumiputra: theo nghĩa đen, là “người con của đất”, được sử dụng để địa vị người Melayu và các cư dân bản địa (orang asli), những người mà theo Hiến pháp Liên bang thì có nhưng đặc quyền, đặc lợi.
[7] Fatimi, S.Q. (1963), Islam comes to Malaysia, Malaysian Sociological Research Intitute LTD, Singapore, tr.4.
[8] Ionova, I. I.  (1981), Hồi giáo ở Đông Nam Á, NXB Nauka, Matxcơva, tr.16.
[9] Drewes, G. W. J. (1985), “New light on the Coming to Islam to Indonesia, in Ahmad Ibrahim”, Sharon Siddique and Yasmin Hussain, (complied), Reading on Isalm in Southeast Asia, Institute of Southeast Asia Studies, Singapore, p. 7 – 19. 
[10] Tomé Pires: thầy thuốc người Bồ Đào Nha (1465 – 1540), người đã sang thăm Melaka trong những năm 1511 – 1515 khi Bồ Đào Nha đánh chiếm Melaka. Ông viết tác phẩm Suma Oriental kể lại chi tiết tình hình quần đảo Malaya hồi thế kỷ XVI.
[11] Al – Attas, S. M. Naguib (1972), Islam dalam Serajah dan Kebudayaan Melayu, Kuala Lumpur, Malaysia, tr.35. 
[12] Về báo cáo của Marco Polo về việc thành phố Perlak (hay Ferlec) theo Hồi giáo thì trong Marco Polo du ký, ông đã kể lại như sau: Ferlec là vương quốc nằm quá sâu về phía Nam biển Đông, những người Sarrasin (Hồi giáo) đến đây thường xuyên đến nỗi họ cải đạo cho người bản xứ để họ tin vào Muhammad, nhưng chỉ trong thành phố mà thôi, còn những người trên núi thì sống cuộc sống nguyên thủy, ăn thịt người và thờ các linh vật tự nhiên [2, 255].
[13] Con đường mà các thương gia Hồi giáo Ảrập trước thế kỷ XIII mở là từ phương Đông qua vịnh Ba Tư, bờ biển Levantine rồi lên Bắc Âu, rất nhộn nhịp thời đó.
[14] Có tài liệu viết rằng, trước khi Parameswara theo Hồi giáo thì đã có quốc gia trước đó ở Malaysia theo Hồi giáo, tiêu biểu là Kedah. Theo Biên niên sử Kedah thì vào đầu thế kỷ XIV, vị vua thứ 9 của nước Kedah là Ong Mahawangsa đã cải sang đạo Hồi và đổi tên thành Mudzaffar Shah I (1136 – 1179)Từ đó đến hiện nay đã có 27 vị vua Hồi giáo cai trị Kedah.
[15] Milner, A. C. (1985), “Islam in Malay Kingship”, in Ahmad Ibrahim Sharon Siddique and Yasmin Hussain, (compiled), Reading or Islam in Southest Asia, Institute of Southest Asia Studies, Singapore, tr.27. 
[16] Các tài liệu sau chứng minh sự có mặt của chữ Jawi trong văn hóa Malaysia: tấm bia đá khắc bảng chữ cái Jawi tìm thấy ở Terengganu (thế kỷ XIV); bài thơ lãng mạn Syair Bidasari (thế kỷ XIV, Sumatra); thư của Sultan Ternate Abu Hayat gửi vua Bồ Đào Nha Joao III (1521); thư của Sultan Johor Abdul Jalil IV gửi vua Pháp Louis XIV (1719)… Theo: Bảng chữ cái Jawi, http://en.wikipedia.org/wiki/Jawi_alphabet
[17] Melaka: tên một vương quốc hùng mạnh ở Malaysia thời trung đại. Chi tiết về vương quốc này xem ở phần 2.2.2: Quá trình du nhập của Hồi giáo vào Malaysia, tr. 34 – 35. Trong khóa luận, tác giả thống nhất dùng từ “Melaka” (là từ người Melayu bản địa thường dùng) xuyên suốt bài, thay cho từ “Malacca”.
[19] Ringgit: là đồng tiền của nước Malaysia, do Ngân hàng Negara Malaysia phát hành vào năm 1963 thay cho đồng của xứ Malaya thuộc Anh trước đây. 1 ringgit = 100 sen (xu).
[20] Hikayat (Truyện sử): là thể loại có nhiều tác phẩm lớn, chiếm số lượng lớn trong hệ thống văn học Malaysia. Hikayat xuất hiện khoảng thế kỷ X – XV là loại văn học viết đầu tiên của người Melayu. Chữ “Hikayat” bắt nguồn từ chữ “Hikaya”, ban đầu có nghĩa là “các lịch sử” sau chuyển sang nghĩa “truyện”; “trần thuật”. Theo nghĩa rộng, nó bao gồm các tác phẩm văn xuôi có yếu tố truyện, nhằm mục đích giải trí cho người dân những lúc nhàn rỗi.
[21] Hikayat Hang Tuah: là trường ca nổi tiếng của người Melayu, được viết từ thế kỷ XVI – XVII. Truyện kể về Đô đốc Hang Tuah, một chiến binh dũng cảm, là biểu tượng của long trung thành với nhà vua, dù ông ta là bạo chúa. Vì nghe những lời vu cáo của nịnh thần, nhà vua đã ra lệnh giết chết Hang Tuah. Hang Jebat – người bạn thân cận của Tuah, đã nổi loạn chống lại nhà vua, bất chấp quan niệm đạo đức thời bấy giờ “chống lại nhà vua tức là chống lại Thượng đế”. Hang Tuah được tể tướng cứu thoát, nhưng trớ trêu thay, chàng lại bị nhà vua buộc phải giết Hang Jebat, người đã vì chàng mà làm phản. Vì lòng trung thành với vua, Hang Tuah đã giết chết Jebat. Thế nhưng nỗi đau vì giết bạn đã ám ảnh Hang Tuah, nỗi trăn trở “chân lý sẽ thuộc về ai” vẫn còn tồn tại đến nay.
[22] Vlatseas, S. (1990), A History of Malaysian Architecture, Longman Singapore Publishers , tr.45. 
[23] Talaq: nghĩa đen là “bức thư bỏ vợ” theo ngôn ngữ hiện đại, là đơn ly dị của người chồng. sau khi gửi đơn hai lần đầu, người chồng vẫn có thể tái hợp với vợ một khi thời gian cấm phòng theo luật Hồi giáo đã kết thúc. Nếu gửi đi talaq thứ ba, muốn tái hôn trở lại thì phải đủ 5 điều kiện sau:
+ Đã kết thúc thời gian cấm phòng theo luật.
+ Người phụ nữ đã đi lấy một người chồng mới
+ Đôi vợ chồng mới đã chung sống với nhau.
+ Sau đó, đôi vợ chồng mới này dứt khoát ly dị nhau.
Thời gian cấm phòng dài ngắn tùy theo hoàn cảnh của người phụ nữ: tới khi sinh con với phụ nữ góa chồng mang thai; 4 tháng 10 ngày với phụ nữ góa chồng không mang thai; tới khi sinh con với phụ nữ mang thai không góa chồng;  sau 3 lần sạch kinh với phụ nữ mang thai co kinh nguyệt; 3 tháng với phụ nữ có kinh nguyệt hoặc đã mãn kinh [30, 155].
[24] Mamat, R. R. R. (1991), The Role and Status of Malay Women in Malaysia – Social and Legal Perspectives, Dewan Bahasa dan Pustaka, Kementerian Pendikkan Malaysia, Kuala Lumpur, tr. 69.
[25] Sultan Perak Idris Shah I (1887 – 1916) đã mở đường cho nhận thức mới mẻ này bằng cách đề nghị Công sứ Anh cho mở một trường của Anh ở Kuala Kangsa, thủ phủ của Perak vào năm 1888. Theo sau Perak, tiểu vương Samad của Selangor sau chuyến thăm London trở về thỉnh cầu chính quyền cho mở một trường học dành cho các hoàng tử trẻ ở Selangor vào năm 1890.
[26] Theo Rex Stevenson thống kê, trong tổng số 310.000 người dân Malay chỉ có 2.636 người làm việc tại các cơ quan chính phủ, trong đó có tơi 1.175 người làm cảnh sát. Dẫn lại theo Lý Tường Vân (2011), “Chính sách giáo dục của Anh đối với cộng đồng người Malay bản địa (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5, tháng 5/2011, trang 15.
[27] Theo thống kê, tại Khu định cư eo biển (SS) (1826 – 1896) chỉ có 16 trường với 596 học sinh; đến 1882 tăng lên 85 trường, 2.230 học sinh và năm 1892 tăng đến 189 trường, 7.218 học sinh; Liên bang Malay (SMS) tăng mạnh từ 168 trường lên 400 trường trong những năm 1900 và 1920, số lượng học sinh tăng nhanh từ  6.000 lên đến 20.319 em.