Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2011)
Kỳ 1: Chuyến ra đi thế kỷ
QĐND - Thứ Bẩy, 21/05/2011, 5:3 (GMT+7)
QĐND - 30 năm bôn ba hải ngoại để tìm ra con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại không ít “những sự thực lịch sử mà như huyền thoại”. Bằng kết quả nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của ViệtNam, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những hồ sơ, tài liệu và những phát hiện mới về sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Trong số đầu tiên này, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung buổi trò chuyện với GS, TS Đỗ Quang Hưng.
Kỳ 1: Chuyến ra đi thế kỷ
Phóng viên (PV): Thưa GS, TS Đỗ Quang Hưng, nhiều bạn trẻ hiện nay thắc mắc là vào thời điểm năm 1911, nước ta có rất nhiều bến cảng thuận lợi cho việc xuất dương, vậy vì sao người thanh niên Nguyễn Tất Thành lại chọn Bến Nhà Rồng để thực hiện hoài bão của mình?
GS, TS Đỗ Quang Hưng: Như chúng ta đã biết, chuyến đi lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, dưới bí danh Văn Ba, ở bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, đã bắt đầu một câu chuyện thế kỷ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS,TS Đỗ Quang Hưng (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tại sao lại là Sài Gòn? Điều dễ nhận thấy, trong bối cảnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1913), đô thị, nhà máy, hầm mỏ, bến cảng... đã mọc lên không ít ở nước ta. Nhưng duy nhất chỉ có cảng Sài Gòn là nơi mà người bản xứ có thể xuất dương dễ dàng; nơi “gần phương Tây” hơn cả. Nếu như ở Trung Quốc, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) đã “đẻ” ra nước Trung Hoa mới, dù chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên mới chỉ làm chủ ở phía Nam, thủ đô cách mạng Trung Hoa là Quảng Châu sôi sục, thì ở nước ta không khí cách mạng có phần tạm lắng. Tiếng súng Cần Vương đã tắt từ lâu. Ổ đề kháng của “con hùm Yên Thế” Đề Thám cũng đã im tiếng. Ngọn gió Duy Tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, của xu thế “cắt tóc xin sâu” chịu ảnh hưởng của Phan Chu Trinh cũng chỉ còn là hoài niệm. Bản thân gia đình người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc đó cũng ở thời điểm đặc biệt, đúng nghĩa “nước mất nhà tan”. Ông cụ thân sinh đỗ đại khoa nhưng quan lộ ngắn ngủi, gia đình ly tán, bản thân ông cũng trôi dạt vào Nam Kỳ.
Mười tám tuổi, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế khi đang theo học tại Trường Quốc học Huế. Nguyễn Tất Thành cạo trọc đầu, tham gia biểu tình và bị đuổi học. Mái Trường Quốc học Huế tuy chỉ có thể trang bị cho anh tấm bằng cao đẳng tiểu học, nhưng lại là nơi qua những người thầy chân chính, Pháp có, Việt có, giúp anh hiểu được văn minh phương Tây, văn hóa Pháp và quan trọng hơn là khao khát “muốn tìm hiểu đằng sau những từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, phải đi về phương Tây để tới chính “hang ổ của kẻ thù”. Một tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn lúc đó đã viết: “Con đường đến nước Pháp cũng chính là con đường chống Pháp” (La Courrier de Sai Gon). Trước đó, một thời gian ngắn, Nguyễn Tất Thành làm việc, dạy học ở Trường Dục Thanh, thuộc Công ty Nước mắm Liên Thành, cơ sở kinh tế và hoạt động yêu nước còn sót lại của phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Nhưng hướng đến của anh tất nhiên là Sài Gòn và việc anh chọn Bến Nhà Rồng làm nơi xuất dương là lẽ tự nhiên.
PV: Vậy là người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chọn Bến Nhà Rồng để tìm đến nước Pháp theo con đường ngắn nhất. Theo GS, tại sao Nguyễn Tất Thành khi đó lại không chọn Nhật Bản hay Trung Hoa Dân quốc như một số nhà yêu nước tiền bối? Nếu là đi tìm đường cứu nước thì Nhật Bản hay Trung Hoa Dân quốc lúc đó chẳng phải là những mô hình gần gũi với Việt Nam, thuận lợi hơn trong việc học tập kinh nghiệm hay sao, thưa giáo sư?
GS, TS Đỗ Quang Hưng: Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường sang Pháp vì rõ ràng con đường đi sang phương Tây rộng mở hơn. Mặt khác, đó cũng là phương cách “xuất dương” của tầng lớp lao động, vô sản bản xứ, nếu họ có quan hệ với ngành hàng hải, thương mại. Nguyễn Tất Thành đã chọn dòng “xuất dương” này. Nên nhớ là trong quãng thời gian này, có 1.200 “sinh viên, công nhân” của Trung Quốc cũng đã tìm đến nước Pháp.
Sơ đồ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành từ 1911-1917. Ảnh: Nguyễn Hồng. |
Câu chuyện vào Sài Gòn để chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử ấy của Nguyễn Tất Thành ngày nay cũng thêm nhiều chi tiết sinh động. Ban đầu là sự nối kết từ đầu năm 1910 với những nhân vật của Hội Minh Tân ở Sài Gòn như với ông nghè Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất... chính họ đã tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành có mặt ở Sài Gòn lần đầu tiên ngày 19-9-1910. Họ cũng bố trí để anh ăn, ở tại nhà ông Lê Văn Đạt, người bà con bên mẹ của ông Trương Gia Mô tại xóm Cầu Rạch Bần (nay là nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, Nguyễn Tất Thành đã liên hệ được với Liên Thành thương quán, một cơ sở của công ty Liên Thành ở Sài Gòn, nay thuộc đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5. Đó cũng là cơ hội để Nguyễn Tất Thành-Văn Ba vào trường thợ máy học nghề, chuẩn bị điều kiện xuất dương. Anh cũng làm quen với một số người Việt nhân viên của hãng Năm Sao như Nguyễn Văn Hùm, Bùi Văn Viên... Hãng Năm Sao là một hãng lớn, thường chạy tuyến hàng hải Sài Gòn – Đà Nẵng và một số cảng của nước Pháp.
PV: Giới trẻ cả nước hiện nay rất thích và học được nhiều qua câu chuyện “Hai bàn tay”. Câu chuyện kể lại việc Bác Hồ lên tàu xuất dương với hai bàn tay trắng. Theo GS thì ý nghĩa và tính xác thực của câu chuyện này nằm ở đâu?
GS, TS Đỗ Quang Hưng: Câu chuyện này đã rất rõ ràng. Thời điểm của chuyến đi lịch sử là đầu tháng 6-1911. Khi đó, Văn Ba được tin hãng đang tuyển “bồi” tàu. Thế là anh cùng một số người Việt dễ dàng được hãng thu nhận. Ngày 4-6-1911, Văn Ba đã tạm biệt Liên Thành thương quán, xuống tàu Pháp mang tên Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin, với mức lương 30 quan/tháng. Những chi tiết này rất phù hợp với câu chuyện đã quen thuộc về ý chí của người thanh niên Văn Ba. Khi một người bạn ở Sài Gòn hỏi anh, đi xuất dương nhưng làm gì để sống? Anh giơ đôi tay và trả lời: Bằng đôi tay này; như được ghi lại trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Sự thật là sau 7 năm đi làm thuê bằng nhiều nghề để tìm cơ hội học tập, tìm hiểu nền chính trị-xã hội và thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh đã trải qua hàng loạt nghề để kiếm sống: Bồi tàu, quét tuyết, đầu bếp khách sạn, sửa ảnh, chụp ảnh, viết báo...
Một chi tiết cảm động khác là, thời gian gần một năm sống ở Sài Gòn và học nghề ở trường thợ máy, cơ hội để Nguyễn Tất Thành được gần gũi người cha của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lúc đó cũng đang trú ngụ ở Sài Gòn... Nhưng chúng ta phải quay trở lại với điểm mấu chốt của sự kiện: Ngày 5-6-1911, con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin đã nhổ neo rời cảng Sài Gòn, cũng là bắt đầu thời điểm của chuyến đi thế kỷ, chuyến đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Hồ sơ sử liệu về những ngày đầu Nguyễn Tất Thành sống trên tàu xuất dương có gì đáng chú ý, thưa GS?
GS, TS Đỗ Quang Hưng: Gần đây, theo dõi hồ sơ về con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin thì được biết, sau khi đến Pháp, cuối năm 1911, con tàu này đã quay lại Sài Gòn và một chi tiết thú vị là, “anh Thành đã cố gửi một ít tiền cho bố”. Cũng vậy, con tàu lịch sử nói trên còn đưa Nguyễn Tất Thành tới Niu-Yoóc (Mỹ) và dấu tích trong sổ tàu ngày 5-12-1912, có chữ ký “Paul Nguyễn Tất Thành”... đã góp thêm những chi tiết giàu chất biểu tượng của chuyến đi lịch sử. Trong những ngày tháng ấy, cũng trên con tàu này, Nguyễn Tất Thành còn để lại những dòng thư gửi chị Cả Thanh: “Em đã rời Sài Gòn cùng với một người châu Âu để tiếp tục học và trong 5 hay 6 năm nữa em sẽ về...”. “Người châu Âu” mà Nguyễn Tất Thành đi cùng chưa rõ là ai. Nhưng theo cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”- cuốn sách đến nay vẫn được coi là giá trị nhất về Hồ Chí Minh, thì khi lên tàu nhận việc, Văn Ba được một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp là Bùi Quang Chiêu, người sau này thành thủ lĩnh Đảng Lập hiến nổi tiếng một thời ở Sài Gòn, cảm mến và nhận “đỡ đầu” cho anh trong chuyến đi Pháp. Nhưng anh Thành đã cảm ơn và từ chối. Có lẽ tôi cho rằng “người châu Âu” mà anh Thành nói trong thư chính là Bùi Quang Chiêu.
PV: Chuyến đi ngày 5-6-1911 của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là chuyến đi lịch sử. Theo GS, điều gì đã làm nên tính lịch sử của chuyến đi ấy?
GS, TS Đỗ Quang Hưng: Chuyến đi lịch sử ấy của Nguyễn Tất Thành kéo dài đúng 40 ngày trên biển, từ Sài Gòn đến Mác-xây (Pháp). Vào năm 1911, theo sổ sách cũng chỉ có vài trăm người bản xứ ở Đông Dương thực hiện những chuyến đi như vậy. Tuy nhiên, đa số họ là những người lao động kiếm sống thuần túy trong nghề “đi biển”, chỉ có một người duy nhất lúc đó là Nguyễn Tất Thành thực hiện một bước nhảy táo bạo vào một thế giới chưa hề quen biết, cũng là sự bắt đầu một chặng đường kéo dài 30 năm của một người dân mất nước sống lưu vong. Phần lớn của câu chuyện thì ngày nay ai cũng rõ, chuyến đi 40 ngày trên biển ấy, đã mở ra một chương lịch sử hào hùng cho dân tộc ta, cho thế giới thuộc địa và nói chung cho tất cả những người bị áp bức trong cái thế kỷ đầy nghịch lý. Dù rằng, phải 8 năm sau, Nguyễn Ái Quốc mới “gặp” Lê-nin ở Pa-ri qua “Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” và đã trở thành một trong người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (12-1920).
Hồng Hải (thực hiện)
Kỳ 2: Huyền thoại viên gạch hồng
QĐND - Chủ Nhật, 22/05/2011, 8:42 (GMT+7)
QĐND - Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”. Hiện vật “viên gạch hồng” cùng với nhiều đồ vật khác mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sử dụng khi ở ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp) nằm trong bộ sưu tập quý của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cùng với “viên gạch hồng” còn có chiếc tủ gỗ đựng quần áo; chiếc tủ con để đầu giường và mô hình ngôi nhà của Bác Hồ đã từng thuê trong những năm Người hoạt động tại Pháp. Ông Nguyễn Trường Phú, chuyên viên Bảo tàng Hồ Chí Minh tiết lộ với chúng tôi câu chuyện về quá trình sưu tầm, tiếp nhận và bảo quản bộ sưu tập quý giá này.
Câu chuyện của chúng tôi nhắc đến một chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, đó là thời gian Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Pa-ri, Pháp (1917-1923).
- Phóng viên (PV): Thưa ông! Khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bộ hiện vật của Bác Hồ trong những năm Người hoạt động ở nước Pháp. Vậy, chúng ta có được bộ sưu tập này là từ đâu?
- Ông Nguyễn Trường Phú: Câu chuyện bắt đầu từ năm 1968, khi Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn và đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt từ Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã ở Pa-ri từ tháng 5-1968 đến tháng 3-1973. Trong thời gian này, Đoàn đến thăm căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại số 9, ngõ Công-poăng một vài lần. Bà chủ nhà tên là Gia-mô (Jammot) đã tiếp Đoàn rất niềm nở. Bà kể cho các thành viên trong Đoàn chuyện về lịch sử ngôi nhà; về sinh hoạt của Bác Hồ. Rồi bà dẫn Đoàn lên tầng 2 thăm phòng mà người thanh niên có tên là Nguyễn Ái Quốc đã ở từ ngày 14-7-1921 đến 14-3-1923.
Mô hình tách biệt ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng (Pa-ri, Pháp) nơi Nguyễn Tất Thành đã thuê trọ trong thời gian 1921-1923. |
Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng của Bác quá đơn sơ, tất cả anh chị em trong Đoàn hết sức xúc động. Đó là một gian buồng hẹp khoảng 9m2, một chiếc la-va-bô treo tường, có vòi nước chỉ để rửa mặt, ngay cạnh đó là một chiếc tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là một chiếc giường sắt đơn vừa đủ một người nằm. Đầu giường có một chiếc tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng. Sau đó, được tin ngôi nhà sẽ bị phá để xây mới, đồng chí Xuân Thủy có ý kiến nên mua lại các đồ đạc trong căn phòng để đưa về nước. Năm 1974, những đồ dùng trong căn phòng như: Chiếc tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường đã được đưa về nước, còn một số đồ dùng khác như: Tấm bảng sắt ghi số 9 ngõ Công-poăng; cánh cửa ra vào bằng gỗ của căn phòng; chiếc la-va-bô rửa mặt; một số tấm gỗ sàn… sau này đã được đưa đến trưng bày với chủ đề: "Căn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Mông-tơ-rơi (Montreuil) của Pháp.
Theo hồ sơ khoa học, những hiện vật này đã trải qua hành trình như sau: Năm 1974, Đại sứ quán nước ta tại Pháp sau khi tổ chức lực lượng vận chuyển qua Béc-lin (Đức) bằng xe lửa, rồi gửi về nước.
- PV: Như vậy, hai chiếc tủ là những hiện vật đầu tiên trong ngôi nhà ở số 9, ngõ Công-poăng được đưa về Việt Nam. Còn “viên gạch hồng”, một hiện vật rất nổi tiếng, được nhiều người quan tâm đã được đưa về nước bằng cách nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trường Phú: Viên gạch trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay là viên gạch được phục chế trên cơ sở viên gạch đồng thời, đồng loại do ông Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Căn phòng mà người thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc thuê rất thiếu thốn tiện nghi, không có phương tiện để sưởi ấm nên rất lạnh. Bởi vậy, cũng giống như những người nghèo ở Pháp, về mùa đông, “mỗi buổi sáng trước khi đi làm, anh Nguyễn để một viên gạch vào lò bếp của bà chủ nhà. Chiều đến, anh lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét" và hình ảnh “viên gạch hồng” đã đi vào thơ ca của các nhà thơ. Bên cạnh bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rất nổi tiếng của Chế Lan Viên, trong bài "Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết: "Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen/Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn/Một hòn gạch nóng nung tâm huyết/Mẩu bánh mì con nuôi chí bền".
Hiện vật "viên gạch hồng" đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Một người bạn Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Tôi là Giăng Pho, thợ điện, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920-1921, vì hồi đó chúng tôi cùng trọ một nhà, ở ngõ Công-poăng. Đó là khu công nhân nghèo, mà ngõ Công-poăng lại là nghèo nhất ở khu nghèo này. Gọi là ngõ, vì nó chỉ có đường vào, không có đường ra. Cả “phố” chỉ vẻn vẹn có 4 cái nhà lụp xụp, 3 nhà cho thuê để gửi xe. Một nhà tầng dưới là quán cà-phê nhỏ, tầng trên có hai buồng, tôi và anh Nguyễn trọ… Mùa đông giá lạnh, không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào tờ báo, rồi để trên giường cho đỡ rét".
- PV: Hiện nay, ở Bảo tàng Hồ Chí Mình có tới hai mô hình ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp). Vì sao Bảo tàng lại có tới hai mô hình như vậy?
- Ông Nguyễn Trường Phú: Chúng tôi có hai mô hình, thứ nhất là mô hình mô phỏng kiến trúc những ngôi nhà trong ngõ Công-poăng; thứ hai là mô hình kiến trúc tách biệt ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng.
Hai mô hình này nói lên rất nhiều điều về quãng đời hoạt động của Bác Hồ trong thời gian ở Pháp. Trong cuốn sách "Thời thanh niên của Bác Hồ", tác giả Hồng Hà đã miêu tả ngôi nhà và tiện nghi sinh hoạt của Bác Hồ trong ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng như sau: "Cuối cùng Dêch-ki-ni kiếm được một chỗ trọ cho anh Nguyễn: Một căn buồng nhỏ hẹp trên tầng hai, nhà số 9, ngõ Công-poăng. Đây là một ngõ cụt, mặt đường lát đá với rặng cây dẻ dại hai bên đường và hơn chục ngôi nhà lụp xụp. Nhà số 9 xây từ thế kỷ trước có 3 cửa ra vào, một cửa mở thẳng vào sân sau nhà, một cửa chính liền đường và một cửa ngách dẫn lên gác. Bà Gia-mô, chủ nhà, cho anh Nguyễn thuê gian buồng mỗi bề khoảng ba mét, không bếp, không nước, không điện, không lò sưởi, gió thổi lùa qua khe cửa… Buồng anh chỉ đủ kê một cái giường sắt, một cái bàn con. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một bình đựng nước để rửa mặt. Khi viết hoặc đọc sách thì anh đưa thau và bình nước xuống gầm giường… Nhà số 9, ngõ Công-poăng là nơi anh Nguyễn tiếp nhiều kiều bào đi lính cho Pháp đến kể với anh nỗi khổ của họ trong các trại lính sau nhiều năm làm bia đỡ đạn cho thực dân… anh Nguyễn vận động họ đấu tranh đòi thực dân đưa họ trở về Việt Nam. Cả những sinh viên Việt Nam ở cư xá sinh viên phố Xom-mơ-ra cũng tìm đến anh. Và người ta thấy những Việt kiều thường xuyên đi lại nhà số 9 là Trần Văn Kha, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Thịnh, Bạch Thái Thông, Lã Quý Lợi, Nguyễn Văn Khương, Bùi Công Ngôn…”.
Cuộc sống không tiện nghi, rất đơn sơ và giản dị, thiếu thốn đủ mọi thứ, không có chỗ để tắm giặt… khó khăn như vậy, nhưng tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc không bao giờ nguội lạnh nhiệt tình hoạt động cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong ngôi nhà lạnh lẽo đó lại che chở, chứa đựng một con người có trái tim luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp lầm than.
- PV: Sau khi chúng ta đã có được những hiện vật quý gắn liền với ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, số phận ngôi nhà hiện nay ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trường Phú: Sau khi ngôi nhà cũ ở số 9, ngõ Công-poăng bị phá đi để xây nhà mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thương lượng để đặt một bảng đồng ngoài cửa trên tấm bảng ghi "Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ 1921 -1923".
Câu chuyện về những đồ dùng của Bác Hồ trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm yêu quý của bạn bè thế giới, trong đó có nhân dân, Việt kiều ở Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể lại câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của những kỷ vật trên đây, chúng tôi hy vọng góp phần cung cấp thêm thông tin, giúp công tác tuyên truyền và chỉnh lý trưng bày sắp tới của Bảo tàng Hồ Chí Minh; đồng thời góp phần xây dựng không gian ngôi nhà số 9 trong gian trưng bày tại Bảo tàng. Qua đây cũng thể hiện được một thời kỳ hoạt động cách mạng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng tràn đầy sôi nổi, hăng say, nhiệt huyết cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.
Kỳ 3: Cái nhìn đa diện của các học giả quốc tế (Tiếp theo và hết)
QĐND - Chủ Nhật, 22/05/2011, 22:3 (GMT+7)
QĐND - Hơn 300 tác phẩm và công trình nghiên cứu, hàng nghìn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, triết học, văn học, tâm lý học, nhân chủng học, văn hóa học… trên thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó mới chỉ là thống kê sơ bộ của PGS, TS Trần Minh Trưởng, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với PGS, TS Trần Minh Trưởng về những hướng đánh giá chủ yếu của các học giả nước ngoài đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Trần Minh Trưởng, sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước được giới học giả nước ngoài đánh giá thế nào?
- PGS, TS Trần Minh Trưởng: Sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cũng như toàn bộ tiểu sử, cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới học giả trên thế giới rất quan tâm. Không ít công trình nghiên cứu trên thế giới đã được tiến hành công phu, theo lối lồng ghép với quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, lịch sử Đông Dương hoặc thể hiện thuần túy theo lối tiểu sử danh nhân, nhân vật lịch sử. Các công trình thể hiện nhiều góc độ tiếp cận, nhiều nội dung phong phú viết về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Nhiều tác phẩm đã đề cập tương đối đầy đủ, đúng đắn về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.
PGS, TS Trần Minh Trưởng.
|
Tuy nhiên, trong nhiều công trình vẫn còn có các sự kiện bị hiểu sai lệch, không đúng sự thật, nhất là về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số học giả còn mang nặng tính chủ quan, không tin vào con người và sự nghiệp vĩ đại, sự hy sinh, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân loại của Hồ Chí Minh. Ví dụ, học giả người Pháp Đa-ni-en Hê-mê-ri. Ông ta nhận định rất sai lầm khi cho rằng: Động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành chỉ là huyền thoại. Ông ta viết: “Hình ảnh chàng trai yêu nước của Nghệ An bỏ quê ra đi tìm con đường giải phóng Tổ quốc chỉ thuộc về điều tưởng tượng huyền thoại sau năm 1945 hoặc sau năm 1920…”. Tôi nghĩ, có lẽ, Đa-ni-en Hê-mê-ri quen dùng lối suy diễn toán học để khẳng định một chứng cứ lịch sử. Ông đã phạm sai lầm trong phương pháp tiếp cận nên dẫn đến một kết quả thiếu chân thực.
- PV: Theo PGS thì nguyên nhân của những cách tiếp cận sai lầm ấy đến từ đâu?
- PGS, TS Trần Minh Trưởng: Việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là điều dễ dàng, ngay cả với các nhà nghiên cứu trong nước. Bởi không gian hoạt động của Người quá rộng lớn, thời gian hoạt động bí mật kéo dài. Bởi vậy, đã tạo ra nhiều khoảng trống tư liệu rất khó tìm kiếm đối với các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, còn phải kể đến một số trường hợp cố tình đưa thông tin sai lệch về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Béc-na Phôn, người Pháp, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh” xuất bản ở Pa-ri thừa nhận: “Về những chi tiết đời tư của Cụ, đúng là chúng ta chưa nắm được nhiều lắm. Trước hết là vì Cụ Hồ Chí Minh đã hoạt động lâu trong bí mật. Hai là, ngay sau khi nắm được chính quyền năm 1945, Quốc dân đảng tìm cách xuyên tạc Chính phủ mà Cụ Hồ làm Chủ tịch, các cuộc đàm phán với nước Pháp cũng đang tiến hành, cho nên phải thận trọng, không thể tiết lộ rõ nguồn gốc của mình”. Một lý do khác, được rất nhiều nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế khẳng định, đó là lúc sinh thời, Người sống với đức tính khiêm tốn, không bao giờ Người muốn kể về mình, điều đó gây khó khăn cho những người muốn nghiên cứu.
- PV: Trở lại với những nghiên cứu, đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một điều đặc biệt là có rất nhiều công trình nghiên cứu về Người được tiến hành bởi chính những “đối thủ” của Người. Kết quả các nghiên cứu này như thế nào, thưa PGS?
- PGS, TS Trần Minh Trưởng: Đúng vậy, nhiều “đối thủ” hoặc là học giả quen biết Hồ Chí Minh đã công bố kết quả nghiên cứu, đánh giá của họ về Người. Có thể kể đến như ông J. Xanh-tơ-ni là Tổng đại diện Chính phủ Pháp, người đã thay mặt Pháp ký với Việt Nam Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946; các vị tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam như: Tướng Pôn Ely, tướng Ra-un Sa-lăng và GS Pôn Muýt, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Pháp. Hầu hết những người này đều có thái độ kính trọng khi viết về Bác Hồ. Đúng như nhà báo Ô-li-vơ Thôn-rơ đã viết: “Đối với một số người, Cụ Hồ là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp”. Ông J. Xanh-tơ-ni thì viết: “Chắc chắn, ông Hồ Chí Minh là con người rất mực tế nhị, đến mức không cảm thấy tính giản dị của mình, lòng tha thiết với các phong tục địa phương đã làm cho ông trở nên rất quần chúng. Ngay kẻ thù của ông cũng không hồ nghi cái tính giản dị ấy… Đó đúng là một con người dễ mến, hấp dẫn. Đúng như vậy. Thực tế, ông còn hơn như vậy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng (bên trái), cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, trước khi lên đường đi thăm các nước XHCN, năm 1957. Ảnh tư liệu.
|
Ông A. Pát-ti, một sĩ quan tình báo Mỹ, trong thời gian làm việc cho lực lượng đồng minh ở Đông Dương (1944-1945), rất cảm phục nhà ái quốc cộng sản Hồ Chí Minh. Trong cuốn “Why Vietnam?”, ông viết: “Ông Hồ không hiện lên đối với tôi như một nhà cách mạng không thực tế hay một người cấp tiến cuồng nhiệt, theo đuổi những lời nói rập khuôn, hét to đường lối của đảng hay thiên về phá hoại mà không có kế hoạch xây dựng lại. Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế” và “…chỉ có Hồ Chí Minh mới giữ cho được ngọn đuốc độc lập bùng cháy trong trái tim, khối óc của những người Việt Nam cộng sản cũng như không cộng sản, và duy nhất chỉ có ông đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, một Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn của Việt Nam. Từ lâu, ông đã trở thành Bác Hồ của người nghèo với một ánh hào quang trên đầu mà tất cả các chế độ bù nhìn liên tiếp không bao giờ có khả năng đánh đổ được”.
- PV: Bên cạnh giới học giả tư bản, giới nghiên cứu của phong trào cộng sản và công nhân thế giới đánh giá như thế nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa PGS?
- PGS, TS Trần Minh Trưởng: Những cống hiến, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế được bạn bè ghi nhận. Ông N. Khơ-rút-xốp, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã dành hẳn một phần trong hồi ký của mình để viết về Hồ Chí Minh: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của tôi, tôi đã biết rất nhiều người nhưng không người nào gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Những người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị Thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với các vị Thánh, một vị Thánh cách mạng...”. Điều lưu ý là, trong khi nhiều chính khách và giới sử gia phương Tây đánh giá N. Khơ-rút-xốp là người “hùng biện và cao ngạo” thì chính ông lại đánh giá rất cao về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế về Hồ Chí Minh còn có rất nhiều, mặc dù còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, một số sự kiện lịch sử đang bị hiểu sai lệch, một số nhận định, đánh giá của các tác giả khác nhau về quan điểm, thậm chí một số tác phẩm viết không đúng về đời tư, song tất cả đều thừa nhận tinh thần dân tộc, sự hy sinh lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc và có những đóng góp tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Sự thừa nhận đó đã khẳng định tính đúng đắn, tính thời sự, ý nghĩa và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại ngày nay