Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Bạn bè Pháp với cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Pari


Bạn bè Pháp với cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Pari

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pari (27/1/1973 - 27/1/2013) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Pháp đã gặp gỡ bà Hélène Luc, cựu Nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp Việt (AAFV), và ông Michel Strachinescu, một trong hai lái xe đưa đón bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, trong những năm tháng đấu tranh để đi đến ký kết văn kiện lịch sử này tại Pháp. Họ có vinh dự được chính phủ Việt Nam mời về Hà Nội tham dự các hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử này.

Nữ nghị sĩ luôn sát cánh với Việt Nam

Trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi, bà Hélène Luc cho biết, ngay từ năm 17 tuổi , bà đã luôn đấu tranh ủng hộ cuộc chiến đấu vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, chống thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Cả cuộc đời bà đã cùng với Đảng Cộng sản Pháp đấu tranh vì hòa bình và tình hữu nghị của các dân tộc trên thế giới.

Bà Hélène Luc.
Bốn mươi năm đã qua, nhưng câu chuyện vẫn như còn mới nguyên đối với bà Hélène Luc. Bà không thể nào quên hình ảnh Việt Nam, đất nước đã giành chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến này, bà cùng chồng và nhiều bạn bè Pháp đã “tham gia hết mức có thể” để ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường lịch sử ấy, bà Hélène Luc cho biết, sau sự kiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Pháp đã tiếp hai đoàn Việt Nam, một đoàn ở Choisy-le-Roi và một đoàn ở Massy (bà Nguyễn Thị Bình và một số người trong đoàn tùy tùng ở tại ngôi biệt thự ở Verrières-le-Buisson). Để giúp đoàn có thể giải quyết được những khó khăn về vật chất và khắc phục điều kiện làm việc của ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ, bà Hélène Luc cùng các bạn bè Đảng Cộng sản Pháp đã dành “tất cả sự giúp đỡ hiệu quả và có thể” và sự “ủng hộ của tình đồng chí và mối quan hệ anh em” cho đoàn. Bà cũng không ngờ rằng đàm phán kéo dài đến 5 năm.

Ông Michel Strachinescu trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.
Theo bà, khi đó Mỹ chỉ có thể lựa chọn hoặc leo thang tiếp tục đánh phá miền Bắc hoặc ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Cuối cùng, họ không còn con đường nào khác phương án thứ hai - ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Vì lúc đó, một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ lên án cuộc chiến phi nghĩa của đế quốc Mỹ và ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam đã dấy lên ở nhiều nước trên thế giới, như Đức, Italia, Tây Ban Nha… và kể cả Mỹ. Đài phát thanh của Pháp đã phát đi rất nhiều chương trình về các hoạt động liên quan đến Việt Nam. Ở Pháp lúc đó cũng có cuộc biểu tình rất lớn trên đại lộ Saint Michel thu hút khoảng 40.000 người nhằm kêu gọi thế hệ thanh niên cộng sản và bạn bè Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam.

Ngoài ra, bà Hélène Luc cùng các bạn bè Pháp đã kêu gọi sự giúp đỡ tự nguyện trong bảo đảm an ninh cho khu nhà của đoàn đại biểu Việt Nam và Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber và tham gia các buổi mít tinh để buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Trong vòng 6 tháng, Mỹ đã tìm cách thay đổi phương thức đàm phán và mặc cả với phía Pháp rằng nếu Pháp dừng viện trợ và dừng cung cấp lương thực và vũ khí cho miền Nam Việt Nam, Mỹ sẽ ngừng ném bom ở miền Bắc. Các bạn Pháp đã làm mọi cách để Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, như gặp Hồng Y giáo chủ ở Vatican để đề nghị Hồng Y gây sức ép với Mỹ.

Người lái xe tận tụy

Qua nhiều cuộc hẹn, cuối cùng chúng tôi đã gặp được ông Michel Strachinescu, lái xe trong những năm 1970 - 1973 cho bà Nguyễn Thị Bình.

Bằng một giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông Michel Strachinescu cho biết ông rất vinh dự được làm công tác đưa đón đoàn đàm phán miền Nam ở Verrière-le-Buisson và một số đồng chí khác ở Massy. Trong suốt thời gian này, ông đã cảm nhận được bà Nguyễn Thị Bình là “một nhân cách lớn, một người có tầm ảnh hưởng lớn”.

Ban đầu, Đảng Cộng sản Pháp cử ông cùng một số người Pháp đến giúp đoàn Việt Nam. Ông được giải thích rằng cần tận tình giúp đỡ các bạn Việt Nam vì sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Dù thời điểm đó, ông đã 36 tuổi, có gia đình, vợ con, song ông không mấy khi được gặp mặt vợ con. Nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng và vinh dự, ông làm việc đến gần 400 giờ mỗi tháng và đã thực sự trở thành một trong những nhà hoạt động tranh đấu vì nền hòa bình của Việt Nam.

Ông Michel Strachinescu (thứ 4 từ trái sang) chia vui với các bạn Việt Nam.
Ông Strachinescu luôn ủng hộ và đấu tranh cùng các bạn Việt Nam trên mặt trận ngoại giao - mặt trận quan trọng gắn liền với những thắng lợi trên mặt trận quân sự. Ông luôn mong mỏi “các bạn Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận tiến tới ký Hiệp định Pari về hòa bình”. Ông cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là điển hình, mẫu mực, là tấm gương đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhiều nước khác trên thế giới.

Để bày tỏ tình cảm yêu mến Việt Nam, ông luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là “đảm bảo lái xe an toàn, tránh mọi sơ suất trong quá trình phục vụ bà Bình và đoàn đàm phán”. Lộ trình hàng ngày của ông là đưa đoàn đi lại giữa Verrière-le-Buisson và Massy, và đưa bà Bình đến trung tâm hội nghị Kléber họp. Một hoặc hai lần mỗi tuần, ông chở đoàn đến Choisy-le-Roi để hội kiến với đoàn miền Bắc. Ông không chỉ đơn thuần là lái xe, mà còn như vệ sĩ của bà Bình. Ông ở ngay tại Verrière-le-Buisson để hỗ trợ, phục vụ các bạn Việt Nam, vì sự thành công của cuộc đàm phán.

Ông Strachinescu kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm khó quên: Một hôm đang đi trên đường vành đai Pari, cán cờ hiệu trước xe bị gẫy và lá cờ hiệu rơi xuống đường. Ông đã không ngần ngại dừng xe khẩn cấp, và bất chấp mối nguy hiểm đến tính mạng, ông đã quay lại tìm lá cờ hiệu trong dòng xe cộ đông đúc, bởi ông hiểu lá cờ đó là hình ảnh biểu tượng, rất có ý nghĩa với các bạn Việt Nam đang đấu tranh trên bàn đàm phán.

Khi Việt Nam ký thành công Hiệp định Pari, với ông Strachinescu, đó thực sự là một lễ hội. Ông đã nổ sâmpanh ăn mừng và tự tay làm một cái bánh gatô to để cùng các bạn Việt Nam mừng chiến thắng này.

Ông Strachinescu tâm niệm, “những đóng góp của tôi chỉ là một phần nhỏ bé như những con suối nhỏ tạo thành dòng sông lớn, vì sự nghiệp của nhân dân Việt Nam”. Với ông, “Việt Nam là một đất nước tuyệt vời!”.

Lê Hà - Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)

Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pari


Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pari

Bài 1: Tại sao lại chọn Pari?

Ký ức về Hội nghị Pari 40 năm đã trôi qua, đất nước đã trải qua biết bao thay đổi, nhưng với những người đã từng có mặt ở Hội nghị Pari từ năm 1968 đến 1973, những diễn biến, những câu chuyện bên trong và ngoài bàn đàm phán dường như vẫn nguyên vẹn. Trong những ngày đầu xuân 2013, chúng tôi tìm gặp ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, nghe ông kể về những kỷ niệm liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này.

rong căn nhà riêng ấm cúng trong một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), ông Lưu Văn Lợi (ảnh) đã kể cho chúng tôi nghe những năm tháng đầy cam go trên mặt trận ngoại giao hơn 40 năm trước ở bàn Hội nghị Pari.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Mở đầu câu chuyện, ông đã nói ngay: “Các bạn nhớ tôi là Lưu Văn Lợi, thư ký của Cố vấn Lê Đức Thọ nhé, không được nhầm tôi với cụ Lưu Văn Lợi - cố vấn pháp lý cho Hiệp định Pari năm ấy đâu nhé”. Rồi ông kể, Bộ Ngoại giao hồi đó có hai người cùng tên là Lưu Văn Lợi.

Cụ Lưu Văn Lợi khi đó là trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (sau này là Trưởng ban Biên giới Chính phủ - hàm Bộ trưởng), năm nay cụ Lợi đã tròn 100 tuổi. Cụ rất giỏi, được cử làm cố vấn pháp lý cho ông Lê Đức Thọ cùng với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hoàn thành văn bản Hiệp định Pari. Còn ông là Lưu Văn Lợi, làm việc ở Vụ Liên Xô, Đông Âu. 
Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông sinh năm 1933, quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Năm 1946, khi học hết lớp 3 thời Pháp thuộc, ông theo gia đình lên chiến khu. Sau đó ông vào học trường Thiếu sinh quân. Năm 1951, ông sang Trung Quốc học ở khu học xá Nam Ninh. Ba năm sau, ông được sang Liên Xô học lớp Nga văn đặc biệt. Năm 1956, ông làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô.

Việc ông trở thành thư ký cho cố vấn Lê Đức Thọ cũng thật tình cờ. Ngày 2/6/1968, trên đường tới Pari tham gia đàm phán, cố vấn Lê Đức Thọ đã dừng chân ở Mátxcơva. Khi đó, cố vấn muốn nghe những tin tức xung quanh Hội nghị Pari, cũng như dư luận thế giới về sự kiện này. Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân đã giao cho ông Lưu Văn Lợi, lúc đó là tùy viên phòng văn hóa - báo chí hữu nghị của Đại sứ quán, trực tiếp làm tin cho cố vấn Lê Đức Thọ. Sau đó, ông Lợi còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ phiên dịch cho cố vấn Lê Đức Thọ trong hội đàm với một lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đến thăm và làm việc tại tòa biệt thự trên đồi Lênin. Sau bữa cơm tối, bất ngờ cố vấn Lê Đức Thọ gọi ông tới và bảo: “Cậu thu xếp mai đi với tôi sang Pari. Tôi cần người thông thạo ngoại giao và biết tiếng giúp việc cho tôi”. Từ đó, ông Lợi bắt đầu phục vụ trong văn phòng của Cố vấn Lê Đức Thọ cho tới tháng 10/1989.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể những câu chuyện xung quanh Hội nghị Pari, ông cười và nói: “Một người có trí nhớ rất tốt thì cũng không thể nhớ hết nổi các sự kiện của hơn 40 năm trước, và nếu có nhớ thì nói cả nhiều ngày không hết được đâu. Tôi chỉ có thể kể cho các bạn một vài chuyện mà tôi có ấn tượng sâu sắc thôi...”. Và rồi, bằng một giọng đều đều nhưng đầy cảm xúc của một người đã từng có mặt trong Hội nghị năm ấy, ông Lưu Văn Lợi đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị xung quanh những cuộc đấu trí trường kỳ trên bàn Hội nghị Pari hơn 40 năm về trước.

Lợi thế khi chọn Pari

Theo những tư liệu lịch sử, chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Bác Hồ và Đảng tính tới từ cuối năm 1965. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của BCH TƯ khóa III, tháng 1/1967 đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh… Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động…”. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở thủ đô Pari của Pháp, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Trước khi đi vào đàm phán chính thức ở Pari, chuyện địa điểm họp ở đâu cũng mất hơn tháng trời mới thống nhất được. Có rất nhiều địa điểm được ta và Mỹ đề xuất làm nơi đàm phán nhưng đều không chọn được vì hai bên không đồng thuận. Sau này ta nghiên cứu và đưa ra đề nghị chọn Pari (thủ đô của Pháp). Tám tiếng sau, Mỹ đồng ý, dù chưa thực sự “xuôi”, bởi Tổng thống Pháp lúc đó là Charles De Gaulle lại là người có quan điểm ủng hộ Việt Nam, chỉ trích sự can thiệp của Mỹ và mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ta chọn Pháp không chỉ vì thủ đô Pari là trung tâm thông tin, chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Pháp và quốc tế, mà ở đó, ta còn có thể dựa vào sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp (mà Bác Hồ là một trong những người sáng lập) và phong trào hoạt động của cộng đồng Việt kiều ở Pháp khi đó cũng rất mạnh, công tác hậu cần và sân sau sẽ là lực lượng hỗ trợ chúng ta ở Pháp là tốt nhất và rất có lợi cho ta. Khi đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang, tạm thời ở khách sạn hạng sang, nhưng quá tốn kém. Chỉ vài ngày mà đã gần hết kinh phí mang theo. Ta đến nhờ Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ và Đảng cộng sản Pháp đã nhường cho ta một trụ sở là trường Đảng mang tên Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp Moris Tores ở Choisy Le Roi, một biệt thự 2 tầng, hai bên là 2 tòa nhà 3 tầng, cả nhân viên, bảo vệ, đầu bếp bạn cũng để lại để giúp ta. Lúc đầu, ai cũng nghĩ cuộc đàm phán chắc khoảng 5-6 tháng, nhiều lắm thì 1 năm là cùng, nào ngờ lại kéo dài tới gần 5 năm, bạn đã phải di dời cả trường học đi chỗ khác, lấy chỗ cho chúng ta ở. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chỗ chỉ có 37 người (năm 1968) sang năm 1969 đã lên đến gần 80 người, sau này, số lượng còn hơn thế. Bên cạnh sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, các trí thức Việt kiều cũng đã đóng góp rất nhiều công sức giúp chúng ta chỉ với một tấm lòng yêu quê hương, đất nước.

Bài 2: Cuộc chiến… quanh những “chuyện nhỏ

Câu chuyện cái bàn

Trước khi khởi động họp bốn bên, một trong những tranh cãi nảy lửa và kéo dài cả tháng trời là câu chuyện về cái… bàn ở Hội nghị. Chuyện tưởng nhỏ nhưng thực chất lại có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cả ta và Mỹ, vì vị trí ngồi ra sao sẽ xác định tư cách pháp nhân của bên tham gia. Phía Mỹ đòi bàn hình chữ nhật hoặc tròn chia đôi để thể hiện rằng cuộc đàm phán chỉ có 2 bên: Mỹ - Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn ta lại yêu cầu chiếc bàn hình vuông hoặc tròn có phân chia rõ 4 bên. Vì chỉ có 4 bên mới bình đẳng. Câu chuyện cái bàn nổi tiếng đến mức, các hãng làm đồ mộc lớn trên thế giới khi ấy đã gửi nhiều mẫu bàn tới chào hàng để các bên cùng chọn. Song do tranh cãi kéo dài và không đi đến thống nhất, cuối cùng, hai bên quyết định chọn cái bàn tròn bằng phẳng lớn và kê hai bàn thư ký hình chữ nhật ở hai bên. Không có cờ và biển ghi tên trước mặt các đoàn. Bố trí kiểu “nước đôi” như vậy, dư luận quốc tế hiểu đây là đàm phán “hai bên” cũng được mà “bốn bên” cũng được. Chuyện màu sắc chiếc khăn trải bàn cũng gây tranh luận khiến nước chủ nhà Pháp phải mang cả xấp khăn đủ các màu ra để các bên lựa chọn. Cuối cùng, ta với Mỹ nhất trí lựa chọn khăn trải bàn màu xanh lá cây thẫm.

Thái độ lật lọng và hành động leo thang chiến tranh của chính quyền Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp thế giới. Ngày 20/1/1973, cùng với hàng trăm cuộc biểu tình chống chiến tranh nổ ra ở nhiều nước trên thế giới, nhân dân Mỹ tổ chức biểu tình lớn ở thủ đô Oasinhtơn, trong khi Richard M.Nixon làm lễ nhậm chức Tổng thống, đòi Mỹ ký ngay Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Sau chuyện cái bàn, màu khăn trải bàn, nhiều chuyện nhỏ khác cũng phải trải qua những tranh luận gay gắt. Đó là quy định thứ tự phát biểu của các đoàn tại cuộc họp. Có nước gợi ý để cho nước chủ nhà bốc thăm, trúng bên nào thì bên đó được đọc trước. Cuối cùng vì không muốn để vấn đề thủ tục kéo dài, ta đã đồng ý để đoàn Mỹ phát biểu trước, đồng thời chấp nhận đề nghị của Mỹ tổ chức phiên họp thứ nhất của Hội nghị bốn bên vào ngày 18/1/1969. Nhưng về sau, cuộc họp trù bị của các phó trưởng đoàn đã họp vào ngày này vì trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn chưa có mặt ở Pari.

Theo lời kể của ông Lưu Văn Lợi, những cuộc tranh luận căng thẳng về các tiểu tiết (nhưng lại rất quan trọng) như trên trong Hội nghị Pari có rất nhiều. Đặc biệt, nhiều khi phía Mỹ còn sử dụng cả những "tiểu xảo" hòng đưa phía ta vào thế khó. Như việc Kissinger cậy mình trẻ hơn Cố vấn Lê Đức Thọ tới hơn một giáp, thường tìm cách làm cho Cố vấn Lê Đức Thọ mệt mỏi. Biết ông hay bị mất ngủ, sức khỏe hạn chế trong các cuộc thương lượng kéo dài thâu đêm, nên trong những cuộc họp riêng Kissinger luôn lòng vòng lê thê đủ chuyện xa gần hết cả ngày trời. Song cứ nhè vào lúc chiều muộn nhập nhoạng tối, Kissinger mới đưa việc chính, những vấn đề “nóng” ra tranh luận, hòng có được những kết quả có lợi về phía mình, bởi Kissinger cho rằng, lúc đó ông già kia (Cố vấn Lê Đức Thọ) đã mệt mỏi rồi, chắc sẽ dễ ừ, dễ gật. Nhưng điều mà Kissinger không thể ngờ được, là tuy đã cao tuổi, nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ là người dạn dày với chiến trường, lại rất cảnh giác trước những mánh lới này nên Kissinger đã không thể đạt được mục đích. “Có những cuộc họp kéo dài tới 12-13 tiếng đồng hồ, những người dự thay nhau lên gác nghỉ, chợp mắt, nhưng ông già thì không nghỉ, thỉnh thoảng chỉ uống một cốc nước sâm. Đàm phán càng muộn, ông Thọ càng tỉnh và diễn thuyết càng hăng, khiến cho chính Kissinger cũng phải thừa nhận: “Tôi rất ngán khi đang đàm phán căng thẳng, người cận vệ của ông Thọ lại mang nước tới. Vì tôi biết, nước đó là nhân sâm" - ông Lưu Văn Lợi nhớ lại.

Cho đến giờ, ông Lợi vẫn nhớ như in một lần họp riêng, Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu cỡ bằng cái khay, chụp từ vệ tinh rất rõ, toàn ảnh quân đội ta không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ. Kissinger nói: “Đã thỏa thuận là từ tháng 3 các ông thôi không đưa thêm quân vào nữa. Đây, ông đưa quân vào đây này”. Ông Thọ cười to, tiếng cười lạ lắm, cười khỏe kiểu vừa ở thế thắng, lại vừa có vẻ khinh miệt. Ông bảo Kissinger: “Mấy cái ảnh này các ông chụp ở đâu chẳng được, ông ra Bắc, rừng chỗ nào chả giống nhau. Tình báo các ông tồi lắm, lúc chúng tôi không đưa quân thì các ông lại bảo chúng tôi đưa quân, nhưng lúc chúng tôi đưa xe tăng và đại pháo vào sát Sài Gòn thì các ông chả biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải!”. Kissinger ngồi im, không nói được câu nào.

Sau này, chính Kissinger cũng phải thốt lên: “Ông Thọ ở Pari đã mổ xẻ tôi bằng con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà giải phẫu cừ khôi. Có những lúc ông ấy nói cả tiếng đồng hồ về lịch sử ngàn năm đấu tranh, dựng nước và giữ nước của Việt Nam, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi, thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại để ông biết…” - ông Lưu Văn Lợi kể lại.

Diễn viên… đóng thế

Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành nỗi trăn trở của cả loài người, thành vấn đề lương tri của thời đại, thì không có gì ngạc nhiên là từ tất cả các nước, mọi người mong chờ, hướng về Hội nghị Pari này. Hàng nghìn nhà báo, điện ảnh, nhiếp ảnh, đã đổ về Pari, họ luôn tìm mọi cách để “săn” những cái tin thật “nóng” để thu hút dư luận.

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó được báo giới phương Tây ví như một “nhà tu kín”, trước cửa trụ sở của đoàn ở thị trấn Choisy Le Roi luôn có hàng chục phóng viên “trực chiến”. Ngay khi phát hiện xe của phái đoàn Việt Nam rời khỏi nhà, họ lập tức dùng môtô phân khối lớn bám theo, mong lần ra địa điểm họp bí mật với phía Mỹ. Để tránh sự đeo bám của các phóng viên, có lúc, ông Lợi đã trở thành diễn viên… đóng thế vai Trưởng đoàn đàm phán. "Một lần, để đảm bảo bí mật, tôi cùng người bảo vệ quen thuộc ngồi lên xe của trưởng đoàn. Xe vừa từ sân trụ sở lăn bánh ra khỏi cổng đã phóng nhanh như mọi bận. Một tốp phóng viên trực sẵn trông thấy lập tức bám theo. Xe của “trưởng đoàn giả” cứ thế chạy lòng vòng khắp các phố với “cái đuôi” là đám phóng viên nước ngoài dính chặt. Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy thì đã qua cửa phụ lên chiếc xe riêng của một trí thức người Pháp làm công tác phục vụ đoàn và tới nơi họp mà chẳng bị ai quấy rầy" - ông Lợi vui vẻ nhớ lại.

Tuy đã giữ bí mật như thế nhưng cũng nhiều lần các tay săn tin vẫn tìm ra được nơi họp kín giữa đoàn Việt Nam và Mỹ. "Họ thuê các ngôi nhà đối diện, dỡ cả mái ngói, tìm vị trí đặt ống kính, sẵn sàng chộp” lấy bất cứ hình ảnh nào của những nhân vật quan trọng trong cuộc họp".

Trong suốt gần 5 năm tham gia cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari về Việt Nam, ông Lợi đã nhiều lần tháp tùng Cố vấn Lê Đức Thọ đi về giữa Pari và Hà Nội, nhiều lần ông đi cùng Cố vấn đến thăm và báo cáo với Hồ Chủ tịch. Ông xúc động nhớ lại: "Có lần, cả đoàn về Hà Nội, dự định về nơi ở tại khu biệt thự ở Hồ Tây chờ sự cho phép của các bác sĩ. Nhưng vừa về tới nơi, người bảo vệ đã chạy vào báo: Hồ Chủ tịch tới thăm!". Khi gặp Cố vấn Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo: "Nghe chuyện ở Pari tôi rất vui. Lần này nhất định sẽ có thưởng cho đoàn Pari". Nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ đã nói: "Chiến tranh còn ác liệt, bao giờ chiến thắng, đất nước độc lập thống nhất rồi, Bác thưởng cũng không muộn"…

Phương Lan

Bài 3: Trường đời ở Pari
Gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Pari, khi các chiến sỹ, nhân dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ để chiến đấu giữ gìn từng tấc đất với kẻ thù, thì trên bàn đàm phán, các “chiến sỹ ngoại giao” cũng từng giờ, từng phút đấu tranh bằng lý lẽ với đối phương để đi đến thỏa thuận về bản Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

“Không bao giờ khuất phục!”

Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút, nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kỳ, mà lại không công nhận chính phủ Lâm thời. Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về Hiệp định rồi, hôm trước vừa thỏa thuận như thế, nhưng hôm sau họ lật lại. Mỹ luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: “Anh sang bây giờ, anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”. - ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nhớ lại.

Từ ngày 19/7 tới đầu tháng 10/1972, các cuộc gặp riêng đã có những tiến triển khả quan. Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9 giờ 30 phút sáng 11/10/1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31/10/1972 tại Pari. Kissinger thông báo với báo giới: “Hòa bình trong tầm tay”! Tuy nhiên, khi Nixon tái đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 đã tìm cách lật lọng, đưa ra những yêu sách nhằm phá bỏ những thỏa thuận trước đó. Trong cuộc họp hẹp với Kissingger sáng 4/12/1972, Cố vấn Lê Đức Thọ nói: “Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không bao giờ khuất phục, không bao giờ làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh”.

Theo ông Lưu Văn Lợi, sau phiên họp ngày 13/12/1972, ngày 14/12 Kissingger rời Pari, ngày 15/12 phái đoàn ông Lê Đức Thọ cũng rời Pari. “Khoảng hơn 6 giờ chiều ngày 18/12/1972 đoàn về đến sân bay Gia Lâm. Khoảng hơn 2 tiếng sau thì B52 trút bom xuống Hà Nội và các nơi khác. Trời đất sáng rực vì tên lửa và cao xạ bắn lên, đất rung chuyển ầm ầm, ông Lợi nhớ lại.

Việc dùng B52 ném bom Hà Nội thất bại đã phá tan “giấc mộng” đảo ngược tình thế của Mỹ, dư luận thế giới phê phán và phản đối kịch liệt. Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng ném bom và quay lại bàn đàm phán.

Ngày 6/1/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ tới Pari trong hào quang của "chiến thắng Điện Biên Phủ trên không". Ngày 8/1/1973, cuộc đàm phán bốn bên tại Pari được nối lại sau trận "Điện Biên Phủ trên không". Hôm ấy, khi đoàn Mỹ đến cổng, không có bất cứ thành viên nào của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra cửa đón như thông lệ. Kissinger phải tự mình mở cửa vào nhà, tự tìm lối vào phòng họp. Ở đó, đoàn của ta đã ngồi đợi sẵn, ai nấy đều tỏ thái độ lạnh lùng. Ngay khi bắt đầu phiên họp, Cố vấn Lê Đức Thọ đã rất nhẹ nhàng và mỉa mai khi nói chuyện với Kissinger và giới ngoại giao ở Pari: "Mỹ đã đón tiếp khi tôi trở về Hà Nội "hết sức lịch sự"... Và rồi ông gay gắt: “Các ông kiếm cớ thương lượng bị gián đoạn, để dùng B52 đánh vào Hà Nội. Hành động của các ông thật là trắng trợn và rất thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi, nhưng các ông nhầm. Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn, chính các ông, chứ không phải ai khác đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố...”. Kissinger lúc đó rất lúng túng, chỉ biết phân bua: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc ném bom B52 xuống Hà Nội không phải là lỗi của tôi”.

Chưa bao giờ, những người có mặt trong buổi gặp mặt hôm đó lại thấy cố vấn Lê Đức Thọ nổi nóng như vậy. Ông đập bàn và nói: “Hơn mười năm nay, Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục nhân dân Việt Nam, bom napan, B52. Nhưng các ông đã không rút ra được bài học nào từ những thất bại đó. Thật là ngu xuẩn, ngu xuẩn, ngu xuẩn”. Khi ông ngừng lời, người phiên dịch của đoàn Việt Nam nhìn xuống sàn nhà, không muốn dịch mấy từ cuối cùng. Nhưng các thành viên trong phái đoàn Mỹ không những đã dịch nốt, còn nhấn mạnh thêm mấy từ cuối: “Stupid! Stupid! Stupid!”. Khi đó, Kissinger càng lúng túng, đề nghị: “Tôi có nghe những tính từ, tôi đề nghị không dùng những từ đó”. Nhưng ông Lê Đức Thọ trả lời: “Những từ đó tôi dùng đã là kiềm chế lắm rồi, chứ dư luận thế giới, các nhà báo và cả những người Mỹ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều”. Và ông Thọ tiếp tục nói liền một tiếng đồng hồ không hề bớt gay gắt. Thậm chí có lúc, Kissinger đã xin ông hạ giọng bớt để các nhà báo đang tụ tập bên ngoài không nghe được, nhưng ông phớt lờ.

Ngày 23/1/1973, Hiệp định Pari được ký tắt với nội dung cơ bản như bản Dự thảo mà ta đưa ra hồi tháng 10/1972. Khi ký tắt xong, Kissinger trao cây bút mà ông ta vừa ký cho ông Lê Đức Thọ và nói: “Tôi xin tặng ông cây bút này để nhớ mãi ngày lịch sử này”. Ông Lê Đức Thọ tươi cười nhận và tặng lại Kissinger cây bút mình vừa ký và nói: “Tôi tặng lại ông cây bút này - và xin ông nhớ cho ký rồi phải giữ lấy lời nhé!”. Sau đó, ngày 26/1, Cố vấn Lê Đức Thọ đi Mátxcơva nên ông Lợi không được dự lễ ký chính thức hôm 27/1/1973.

Và mùa xuân thắng lợi

Ông Lợi nhớ lại, Tết năm 1973 cũng rất đặc biệt, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ăn Tết ở 3 nước. Tại Pari, các thành viên trong đoàn được ăn một cái Tết hoành tráng do hội Việt kiều tại Pháp tổ chức. Đêm đón Tết năm ấy có những người bạn quốc tế đặc biệt: Diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ là Jane Fonda, cùng hai ca sỹ là Joan Baez (người Mỹ) và Hugues Aufray (người Pháp). Họ đã cùng cất cao tiếng hát ủng hộ, chia sẻ mất mát chiến tranh với Việt Nam. Hôm đó còn có khoảng 6.000 người Việt ở Pháp và các nước lân cận, các quan khách Pháp và quốc tế cũng đến vui Tết Việt ở Pari.

Đến sáng 26/1, Cố vấn Lê Đức Thọ về Mátxcơva. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mít tinh hoành tráng ở Nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo Liên Xô đến dự. Máy bay đưa đồng chí Lê Đức Thọ lại quay sang Pari đón đồng chí Nguyễn Duy Trinh, rồi cả đoàn cùng về nhà. Máy bay dừng lại Bắc Kinh đúng chiều 30 Tết. Để chúc mừng Việt Nam đạt được thắng lợi ở Pari, các bạn Trung Quốc nhất định giữ đoàn ở lại đón giao thừa tại Bắc Kinh. Thật thú vị, trong bữa cơm đón giao thừa ở Bắc Kinh, cả đoàn ngạc nhiên và cảm động khi thấy mâm cơm ngày Tết lại có nem, có bánh chưng… Thì ra, bữa tiệc giao thừa năm đó được chế biến bởi một đầu bếp Trung Quốc vừa đi học nấu ăn ở Việt Nam về. Bữa tiệc liên hoan mừng năm mới đó cũng rất vui, nhưng vui nhất vẫn là khi về Việt Nam.

Đoàn về nước đúng hôm mùng 1 Tết, xông đất Việt Nam. Ngay ngày mùng 2 Tết năm Quý Sửu (tức ngày 4/2/1973), Cố vấn Lê Đức Thọ đã lên đường đến thăm các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 77, Sư đoàn phòng không Hà Nội, Đại tá Trần Văn Giang, Chính ủy sư đoàn, thay mặt đơn vị chào mừng “lão tướng chiến thắng từ mặt trận ngoại giao trở về”. Cố vấn Lê Đức Thọ xua tay nói: “Không, không! Cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân anh hùng mới chính là người chiến thắng. Không có chiến thắng của các đồng chí trên mặt trận quân sự, thì sẽ không có chiến thắng ở mặt trận ngoại giao. Các đồng chí đã bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội và chính cái đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973. Chính các đồng chí đã cho tôi sức mạnh và sự kiên quyết trước kẻ thù trên bàn Hội nghị”.
Ông Lợi đã từng ví, Hội nghị Pari như một cái lò luyện cho những cán bộ tham gia Hội nghị. Ông bảo, gần 5 năm trời, Hội nghị như một trường học ngoài đời đã đào tạo nhiều người trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Không chỉ tôi luyện trí tuệ, bản lĩnh cho các cán bộ của ta, mà Hội nghị Pari những năm ấy còn cảm hóa bao nhiêu thế hệ không chỉ người Việt Nam. Có những người Pháp đang đi làm ở công ty, đã xin nghỉ không lương, đăng ký với Đảng Cộng sản Pháp tình nguyện đến giúp đoàn ta, họ còn mang cả xe ô tô riêng đến, rồi đảm nhiệm luôn vai trò lái xe, sẵn sàng đưa đoàn đi bất cứ nơi đâu, đi đến chỗ họp, đi thăm kiều bào, đi vận động sự ủng hộ của bạn bè khắp nơi… Bà Tôn Nữ Thị Ninh, khi đó là người của Sài Gòn cử đi Pari học, đã chuyển hẳn sang làm việc cho đoàn của ta, sau này trở về Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng ở Bộ Ngoại giao và Quốc hội.

Đó là những ký ức không thể nào quên của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pari. Bốn mươi năm đã qua, Cố vấn Lê Đức Thọ - vị “Tư lệnh” tài ba, đầy bản lĩnh trên “mặt trận ngoại giao” của Việt Nam đã đi xa, nhưng những câu chuyện về ông, những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước vẫn còn mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Bây giờ, dù tuổi cũng đã cao, sức khỏe đã không còn như trước, nhưng ông Lưu Văn Lợi vẫn luôn dành thời gian để tham gia các công trình nghiên cứu về cuộc đàm phán ở Pari, cũng như về nhà ngoại giao nổi danh Lê Đức Thọ - người mà ông luôn coi như một người thày, một người anh, người thủ trưởng mà ông hằng kính trọng.


40 năm ngày ký Hiệp định Paris: Những câu chuyện ít kể


40 năm ngày ký Hiệp định Paris: Những câu chuyện ít kể


Trong khoảng thời gian gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, ít ai biết đến những người lính bảo vệ cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp. Cũng ít ai hiểu rằng vì sao và bằng cách nào Paris lại được lựa chọn là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán... Những ký ức ấy vẫn đậm sâu trong tâm trí những "người trong cuộc", những nhân chứng lịch sử của một sự kiện ngoại giao lớn.
Trong khoảng thời gian gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, ít ai biết đến những người lính bảo vệ cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp. Cũng ít ai hiểu rằng vì sao và bằng cách nào Paris lại được lựa chọn là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán... Những ký ức ấy vẫn đậm sâu trong tâm trí những "người trong cuộc", những nhân chứng lịch sử của một sự kiện ngoại giao lớn.
Gặp người bảo vệ đoàn đàm phán
Dù 40 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn in đậm trong tâm tưởng của ông Lê Việt Hưng (Lê Việt Bắc), nguyên Đại tá, nguyên trưởng phòng Bộ Tư lệnh cảnh vệ, nguyên thành viên đội bảo vệ đoàn đám phán.
Cuối tháng 4/1968, là một trong năm đồng chí được Cục cảnh vệ (nay Bộ Tư lệnh cảnh vệ Bộ Công an) giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn đàm phán Hiệp định Paris (với 5 bí danh: Bắc, Trung, Nam, Thống, Nhất), ông được mang bí danh Lê Việt Bắc. Ngày 9/5/1968, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris. Lúc đầu, đoàn được bố trí ở khách sạn Lutetia, số 45 Đại lộ Raspail, quận 16 Paris . Vài ngày sau, vì nhiều lý do, đoàn đã chuyển đến ở tại Trường Đảng Choisy Le Roi. Đối với ông, được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng và vinh dự lớn . Trong suốt thời gian đó, Choisy le Roi đã được giữ bí mật, tới mức không có mấy người dân ở chính thành phố này biết chỗ đoàn sống và hoạt động. Lực lượng bảo vệ đồng chí Xuân Thủy, đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 5 người, lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài do Cảnh sát Pháp, với 2 trạm gác đảm nhận.
Do thất bại ở hai miền nước ta, nhất là sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, ông Lê Việt Hưng được chuyển qua bảo vệ cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau gần 3 năm làm nhiệm vụ, ông Hưng vinh dự tự hào đã góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hai đoàn đàm phán, giành thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao... Trong quá trình công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Tự do, do Chính phủ Lào tặng và nhiều huân, huy chương khác... Năm 1993, ông nghỉ hưu tại xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) với quân hàm Đại tá. Nay ông đã tròn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng.
* Paris, địa điểm tốt cho cuộc đàm phán
Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ L.B Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói chuyện. Ngày 3/4/1968, Chính phủ ta tuyên bố đồng ý cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ nhằm xác định việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để hai bên có thể bắt đầu các cuộc nói chuyện về thực chất. Từ ngày 4/4 cho đến cuối tháng 4/1968, hai bên đưa ra những địa điểm để cùng chọn cho cuộc nói chuyện.
Từng tham gia nhiều công việc trước và sau Hiệp định Paris, trong đàm phán “bí mật” và đàm phán công khai, chứng kiến nhiều sự kiện thể hiện những thuận lợi cho ta của địa điểm Paris, ông Võ Văn Sung, nguyên Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp trong thời gian đàm phán Paris, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết: "Paris là địa điểm đàm phán mà ta và Mỹ đã nhất trí lựa chọn theo đề xuất của ta. Qua những gì xảy ra, cho đến giờ, tôi càng thấy Paris quả là địa điểm rất tốt cho ta trong cuộc đàm phán với Mỹ. Phía Mỹ từng đồng ý với ta họp ở Paris hai bên, rồi bốn bên, nhưng sau ngày 27 tháng Giêng 1973, họ lại tỏ ra không thích địa điểm này lắm. Khi cùng ta bàn việc họp Hội nghị Quốc tế về Việt Nam cuối tháng 2 năm 1973, ban đầu Mỹ không muốn chọn Paris làm địa điểm. Nhưng do ta kiên trì và vì những lý do khác, cuối cùng phía Mỹ mới chịu đồng ý".
Theo nhận định của ô ng Võ Văn Sung: Nhìn tổng quát, có thể nói Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai Đoàn đàm phán của ta, trong đó những yếu tố thuận lợi là: chính giới Pháp, phong trào quần chúng, lực lượng cánh tả, báo giới và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp. Chính phủ Pháp đã rất hoan nghênh việc ta đề nghị chọn Paris làm địa điểm đàm phán và đã tạo mọi thuận lợi cho các cuộc đàm phán (đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ năm 1968; đàm phán bốn bên từ năm 1969 đến 1973; đàm phán “bí mật” Lê Đức Thọ-Kissinger từ năm 1970 đến 1973 và cuộc đàm phán hai bên miền Nam Việt Nam ở La Celle-Saint Cloud từ tháng 3/1973 đến tháng 4/1974).
Nhớ những kỷ niệm trong 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội năm 1972, ông Võ Văn Sung kể lại: "Trong những ngày đó, gần như ngày nào ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc đó là Maurice Schuman và tôi cũng có những cuộc gặp, có lúc còn gọi điện thoại cho nhau cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến vì phía Pháp cần có thông tin để có thái độ và phía ta cũng mong muốn phía Pháp góp phần lên án cuộc ném bom của Mỹ vào Hà Nội. Đối với cuộc đàm phán, Chính phủ Pháp đã tạo mọi thuận lợi cho các đoàn, đặc biệt là cảnh sát Pháp đã rất vất vả để lo an ninh cho các đoàn trong năm năm. Theo tôi biết, trong lịch sử của Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Kleber, chưa hề có cuộc thương lượng quốc tế nào chiếm dụng phòng họp của Trung tâm liên tục gần 5 năm như cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Viết Hùng - Nguyễn Hồng Điệp

Kết thúc có hậu của Hội nghị Pa-ri lịch sử


Kết thúc có hậu của Hội nghị Pa-ri lịch sử

Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta nói chung. Từng tham gia Ðoàn đàm phán của phía Việt Nam với nhiệm vụ ghi biên bản và phiên dịch, được tiếp xúc với từng câu chữ của Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, tôi xin chia sẻ vài "góc cạnh" của "cuộc chiến đấu" cam go trên bàn đàm phán 40 năm trước.
Hơn 40 năm trước, trong không khí chiến tranh lạnh và ráo riết chạy đua vũ trang giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa, nhiều người cho rằng đấu tranh vũ trang dễ trở thành "ngọn lửa nhỏ thiêu cháy cả cánh đồng" gây trở ngại cho xu thế hòa hoãn. Nhưng, Việt Nam đã nắm vững vận mệnh của mình, không chấp nhận sự thỏa hiệp chia cắt đất nước, đã quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong khi cả thế giới lo ngại rằng bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ sẽ đè bẹp lực lượng quân sự nhỏ bé của Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã vượt qua những thử thách ác liệt, chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của mình, khiến siêu cường Mỹ phải thất bại.
Hơn 40 năm trước, song song với các hoạt động trên chiến trường, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ ở Pa-ri cũng trải qua những thử thách quyết liệt. Mỹ đã sử dụng bộ máy khổng lồ với những nhà ngoại giao lão luyện kết hợp với các chiến dịch quân sự, các đợt leo thang ném bom miền bắc, cải thiện quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc để gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán. Phía Việt Nam kiên định với lập trường bất biến: Vì độc lập, tự do. Trên chiến trường cũng như trong Hội nghị, "thế" của Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã tạo ra "lực" mới, lần lượt làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của đối phương. Trên diễn đàn công khai, các Bộ trưởng Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình với tác phong ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên định, đề cao lập trường chính nghĩa và giải pháp hợp tình hợp lý, tranh thủ dư luận thế giới, nhất là phong trào phản chiến bùng nổ trong lòng nước Mỹ, đẩy chính quyền Mỹ vào thế cô lập và phải xuống thang, lùi từng bước.
Còn nhớ, trong đàm phán trực tiếp, cố vấn Lê Ðức Thọ nắm thế chủ động, đấu tranh quyết liệt. Cố vấn Mỹ Kít-xinh-giơ cũng rất "ngán", có lúc đã dọa "sẽ đàm phán với người khác". Sau một lần thất bại, không thuyết phục được ông Thọ "ký non" vào bản thỏa thuận sơ bộ, Kít-xinh-giơ đã phải thừa nhận với ông Thọ: "Ông quả thật là đối thủ đáng nể". Lập trường chính nghĩa, tinh thần yêu nước của Việt Nam, đã làm đối phương phải lùi bước. Sau những trận bom B52 ác liệt, Kít-xinh-giơ đã phải tự trở lại bàn đàm phán, bị phê phán gay gắt và chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri.
Thực tế cho thấy, chúng ta đã chiến thắng nhờ biết dựa vào chính nghĩa, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đồng thời đoàn kết và có sách lược mềm dẻo. Trong đàm phán Hiệp định Pa-ri, ta chủ trương sách lược kiên quyết nhưng mềm dẻo; đoàn kết giữa hai đoàn miền bắc và miền nam "tuy một mà hai, tuy hai mà một", cùng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, nên ngày càng được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và nhân dân toàn thế giới. 
Phát huy đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên trì đấu tranh, tự lực chiến đấu và tự lực đàm phán, đồng thời coi trọng và tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước và phong trào hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới. Mục tiêu "độc lập, tự do" của Việt Nam được thể hiện rõ trên chiến trường cũng như trong đàm phán. Trong khi nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tuyên bố "sẵn sàng trải thảm đỏ để Mỹ rút quân", lợi ích của Mỹ là ký kết hiệp định để rút quân. Qua việc ta quyết tâm cao độ trên chiến trường cũng như quyết liệt trong đàm phán, phía Mỹ thấy rõ phía Việt Nam sẵn sàng hy sinh phấn đấu đến cùng cho lợi ích dân tộc, độc lập tự do, nên từ chính khách, binh sĩ đến các nhà ngoại giao Mỹ cũng dần dần chuyển biến và có thái độ phục thiện.
Trên bàn hội nghị, thực hiện đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, các nhà đàm phán Việt Nam đã kiên định lập trường cơ bản, đồng thời cũng thể hiện văn hóa ngoại giao, từng bước cảm hóa và có những quan hệ cá nhân có lợi cho đất nước những năm sau đó. Phó đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ C.Van-xơ, sau này khi là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã mời Phó đoàn Hà Văn Lâu, Ðại sứ Việt Nam tại LHQ, đến nhà riêng tại Niu Oóc gặp gỡ và mong muốn thúc đẩy cải thiện quan hệ hai nước. Ðại sứ U.Xu-li-van, chuyên gia chủ chốt trong đàm phán với Việt Nam đánh giá cao đối thủ Nguyễn Cơ Thạch và ngay sau Hội nghị Pa-ri đã tích cực liên lạc và gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế và bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tôi còn nhớ lần sang Mỹ, gặp một nhân vật mà bản thân tôi dự đoán khó khăn trong việc hòa giải với Việt Nam, là cựu phi công tù binh, Thượng nghị sĩ Ðảng Cộng hòa G.Mắc-kên. Nhưng, thật bất ngờ, ông đã ra tận hành lang đón đoàn Việt Nam vào văn phòng riêng. Trên bàn ông cố tình đặt chiếc gạt tàn có đề chữ Hà Nội, và ông còn chỉ vào bức hình chụp bức tượng ở Hồ Tây cảnh ông đang giơ tay hàng, thản nhiên nói "It’s me" (Tôi đấy). Tôi cảm nhận ngay: Ðối với ông chiến tranh và hận thù đã vĩnh viễn đi qua. Và thực tế, sau đó ông đã nổi tiếng trong việc tích cực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải đối đầu với các thế lực ngoại bang "siêu mạnh" nhưng đều kết thúc thắng lợi vẻ vang. Ðiều đáng quý là dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước chống xâm lược, nhưng cũng lại mau chóng phát triển, bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh. Ðặc điểm lịch sử đó tạo cho Việt Nam vị thế thuận lợi trong quan hệ quốc tế, phát triển hợp tác hữu nghị, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa, "hai bên cùng có lợi". Ðó cũng là xu thế không thể đảo ngược trong quan hệ quốc tế hiện nay và sau này.

PHẠM NGẠC Nguyên Ðại sứ Việt Nam tại năm nước Bắc Âu, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao

Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam

Dư luận quốc tế và chính nghĩa Việt Nam

NDĐT- Trải qua 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng đầy kịch tính, đã tròn bốn thập kỷ trôi qua, Hiệp định Paris vẫn là sự kiện lịch sử đặc biệt của ngoại giao Việt Nam và là một trong những đề tài được sách, báo nước ngoài phản ánh sâu đậm.
Trở lại tình hình, sau bốn năm thực hiện Học thuyết Níchxơn mà bước thực nghiệm đầu tiên là “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ không những không giành được một thắng lợi nào có ý nghĩa chiến lược mà ngày càng lún sâu vào thế bị động. Đặc biệt, trong hai năm 1971-1972, quân và dân ta liên tiếp giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, buộc Mỹ phải thỏa thuận văn bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do ta đưa ra đầu tháng 10 năm 1972. Trong các thông điệp gửi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng thống Níchxơn phải thừa nhận các thiện chí của ta và cho rằng đó là phương án mà các bên có thể chấp nhận được. Chính Ních-xơn đã khẳng định: “Hiệp định hiện nay đã coi như hoàn chỉnh. Có thể tin ở chúng tôi sẽ ký tắt được vào ngày 31 tháng 10”.
Như để chứng minh cho cam kết của mình, ngày 22 tháng 10 năm 1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Hơn thế, ngày 26 tháng 10 năm 1972, trong một cuộc họp báo, cố vấn Kít-xinh-giơ tuyên bố “hòa bình trong tầm tay”. Tuy nhiên, do thấy rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: Với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, đế quốc Mỹ còn nhiều thủ đoạn xảo quyệt, tàn bạo chống lại nhân dân Việt Nam.
Quả đúng như vậy, trong lúc cả loài người tiến bộ vốn có thiện cảm với nhân dân Việt Nam, từng dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình để mong ngày hòa bình sớm trở lại với nhân dân Việt Nam, đang chờ đợi hiệp định được ký kết, thì ngày 18 tháng 12 năm 1972, lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật lớn của Mỹ ồ ạt tiến công Hà Nội, Hải Phòng và các vùng đông dân trên miền Bắc Việt Nam theo lệnh của Tổng thống Ních-xơn.
Nhưng màn kịch “hòa bình trong tầm tay” của mưu sĩ Kít-xinh-giơ có thể lừa bịp được dư luận, nhưng với nhân dân Việt Nam, một dân tộc dạn dày chống ngoại xâm và có tinh thần cảnh giác cách mạng thì không dễ bị đánh lừa. Bằng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, trong 12 ngày đêm mùa đông cuối năm 1972, quân và dân ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bình luận về việc ký kết Hiệp định, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn (Washington Post) viết: “Thất bại này buộc Tổng thống Ních-xơn và cố vấn của ông ta phải chấp nhận trở lại những điều khoản mà cách đây ba tháng họ đã bác bỏ”. Còn phóng viên Tạp chí Time, Sớc-tơ (Jerrold Ll.Schecter) trong cuốn sách Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc Lập nhận xét một cách chua xót: “Những điều khoản trong Hiệp định Pari về thực chất vẫn giống như những điều mà phía cộng sản đã đưa ra từ tháng 5 năm 1969”.
Đứng trên bình diện tổng thể, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Bởi thế, chỉ một ngày sau khi Hiệp định Paris ký kết, Hội nghị quốc tế về Việt Nam, gồm đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn bên tham gia ký Hiệp định Paris và bốn nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hunggari, Indonesia) được triệu tập tại Paris, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã thông qua Định ước quốc tế trong đó ghi nhận tính pháp lý của Hiệp định và khẳng định đây là cống hiến to lớn đối với hòa bình, quyền tự quyết và độc lập dân tộc.
Một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris là chúng ta đã chủ động thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, tiêu biểu là nhân dân và Chính phủ Pháp. Minh chứng là, sau Hiệp định Paris, Báo Nhân đạo Pháp đăng xã luận trên trang nhất, số ra ngày 5 tháng 2 năm 1973 không chỉ ca ngợi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mà còn vạch trần sự cản trở của Mỹ đối với Hiệp định. Đặc biệt, cũng trong những ngày lịch sử này, dành sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Pháp G.Pôm-pi-đu đã gửi điện chúc mừng và nhấn mạnh: “Hiệp định Paris có nghĩa là chấm dứt cảnh đau khổ, tàn phá, tang tóc ngày càng chồng chất”. 40 năm sau, Giáo sư Pi-e A-xơ-lanh (Pierre Asselin), tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh”, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hiệp định Pari do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 17 tháng 1 năm 2013 đã thốt lên: “Tôi thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Paris, nó góp phần giúp tôi hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng”.
Cùng với các học giả, chính khách và nhân dân Pháp, chung vui với nhân dân Việt Nam, Báo Người công nhân Anh ca ngợi: “Nhân dân Việt Nam là vô địch, vì sự nghiệp của họ là chính nghĩa, vì cuộc chiến đấu tuyệt vời của họ đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo chính trị đúng đắn và vì họ có lòng dũng cảm, sự hiểu biết và quyết tâm giành thắng lợi”. Báo Thế giới Công nhân - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, nhấn mạnh: “Chúng tôi vui mừng nhận tin thắng lợi của các bạn và không chỉ nhân dân Tây Ban Nha mà tất cả những người lao động trên thế giới đều muốn ca ngợi các bạn, nó là niềm thôi thúc chúng ta tăng cường cuộc đấu tranh chống lại kẻ xâm lược”.
Đối với nước Mỹ, tính tới thời điểm trước khi Hiệp định Paris ký kết, Mỹ là nước đã chiến thắng lừng lẫy trong thế chiến thứ hai, là quốc gia mạnh nhất thế giới, là kẻ thắng đậm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Vậy mà đúng 20 năm sau họ phải chấp nhận thất bại nặng nề trước nhân dân Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé chỉ có 22 triệu dân và không có một nền công nghiệp nào cả. Bởi vậy, các học giả Mỹ đã chỉ rõ sự thất bại ê chề của chính quyền Ních-xơn. Nhà sử học Mỹ George C. Herring trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ”, khẳng định: “Kết quả đạt được của Hiệp định quả thực là một sự trả giá quá đắt đối với Mỹ, ảnh hưởng to lớn đến niềm tin của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới vào uy tín, sức mạnh của siêu cường này… Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ”. Nhà sử học Mỹ Giô-dép Am-tơ khẳng định, sự thất bại và ra đi của Mỹ báo hiệu sự suy sụp, đổ vỡ của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi. Quả nhiên đúng như dự báo, sự kiện Mỹ rút khỏi Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Paris đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoàn toàn lôgic của hai năm sau đó, dẫn tới kết quả tất yếu “ngụy nhào” vào mùa Xuân 1975 sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau 30 năm chia cắt.
Thời gian không ngừng trôi, lịch sử loài người tiếp tục đi lên trên hành trình dài vô tận, nhưng giá trị của Hiệp định Paris 40 năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị, có sức lay động và thôi thúc lòng người. Điều đáng chú ý, qua những trang sách, báo nước ngoài ở thời điểm lịch sử lúc bấy giờ cũng như sau này, cho chúng ta thấy rõ hơn vị trí, ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của Hiệp định. Với ý nghĩa đó, chúng ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là những nhà báo, những học giả, những nhà nghiên cứu luôn dõi theo đưa tin, phản ánh trung thực khách quan và lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là dữ liệu khách quan, trung thực, là cơ sở quan trọng để chúng ta bổ sung thêm những trang sử hòa hùng, làm cho “pho sử bằng vàng” của dân tộc Việt Nam ngày càng đầy ắp.
LÊ VĂN PHONG 
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Hội nghị Paris- Cuộc đấu trí cam go

Hội nghị Paris- Cuộc đấu trí cam go

Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, chưa có cuộc đàm phán nào kéo dài như Hội nghị Paris. Từ ngày 15-3-1968 đến 27-1-1973, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, ta đã buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở đường đi đến hòa bình

Nhìn lại hội đàm Paris 40 năm trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Cuộc đàm phán là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ. Thắng lợi của Hiệp định Paris ghi đậm dấu ấn của các nhà đàm phán tài ba, nổi bật là các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình…”.
Không cần phép mầu nào cả!
Ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của ông Lê Đức Thọ, là người có 18 năm làm việc với vị cố vấn giữ vai trò quan trọng của Việt Nam trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris. Ông Lợi đã chứng kiến toàn bộ diễn biến các cuộc đàm phán, sự khôn khéo cũng như đối sách của đoàn Việt Nam để thắng những kẻ lọc lõi phía bên kia.
 
Một lần trước khi vào bàn đàm phán: Trưởng đoàn Xuân Thủy bắt tay Henry Kissinger, đứng giữa
 là cố vấn Lê Đức Thọ. Ảnh: TƯ LIỆU
Hiểu rõ bản chất của Mỹ luôn ngạo mạn và ỷ vào thế mạnh về quân sự, ngoại giao, biết được kiến thức uyên thâm cũng như sự kiên định của ông Lê Đức Thọ, Hồ Chủ tịch đã quyết định cử ông tham gia các vòng đàm phán bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy với vai trò cố vấn đặc biệt. Đang là Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, ông Lê Đức Thọ đi thẳng từ chiến trường đến bàn Hội nghị Paris.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc và ký Tuyên bố Thượng Hải, trong đó Washington yêu cầu Bắc Kinh tham gia quá trình chấm dứt chiến tranh Việt Nam mà không cần đến các vòng đàm phán ở Hội nghị Paris. Cho là mình thắng thế, khi đến bàn đàm phán, Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, khiêu khích ông Thọ: “Ông cố vấn chắc có nghe các bạn nói về những đề nghị của chúng tôi?”. Ông Thọ đập lại: “Các nước anh em luôn ủng hộ chúng tôi nhưng không làm thay chúng tôi được. Trên chiến trường, chúng tôi đánh nhau với quân của các ông thì tại bàn đàm phán này, chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề đó, không cần có phép mầu nào cả”. Kissinger cụt hứng, ngồi im.
Trong gần 5 năm đàm phán, Mỹ thường xuyên đòi “phải có đi có lại”, nghĩa là họ và quân đội Bắc Việt Nam cùng rút quân khỏi miền Nam. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ luôn kiên định: “Đây là nguyên tắc mà chúng tôi không bao giờ thay đổi”. Phải đặt vào bối cảnh của cuộc đàm phán mới thấy được hết những khó khăn và sáng tạo của đoàn Việt Nam.
Tại hội đàm Paris, “cáo già” Kissinger đưa ra tuyên bố 69 điểm, trong đó cho hay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu hồi hương bộ đội miền Bắc và vấn đề miền Nam phải do Hà Nội và Sài Gòn cùng đàm phán. Hiểu ngay đề nghị này của Kissinger chỉ là “cái cớ” để đòi ta nhượng bộ, ông Lê Đức Thọ mạnh mẽ: “Nếu không giải quyết được vấn đề này, các ông có thể mang B52 ra đánh phá miền Bắc nhưng chúng tôi không chịu nhượng bộ, không chịu làm nô lệ”.
Căng tựa dây đàn
Với đối thủ khôn ngoan và trí trá như Kissinger, đoàn đàm phán của ta không ngừng phải thay đổi chiến thuật, khi mềm khi rắn, lúc cương lúc nhu. Khi Đại sứ Harriman, Trưởng đoàn Mỹ, lên giọng: “Nếu Việt Nam không thay đổi lập trường thì bom sẽ rơi trên đầu các ông”, Trưởng đoàn Xuân Thủy lớn tiếng: “Các ông đừng có dọa!”. Lúc này, ông Lê Đức Thọ lại “nhu”, nói: “Chúng ta đều hiểu là các ông muốn đàm phán, còn nếu các ông muốn tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi chẳng còn con đường nào khác là phải chiến đấu”.
Cuộc chiến trên bàn đàm phán thật sự cân não, sâu sát từng chữ, từng từ, trong đó chứa đựng nhiều ẩn ý, ẩn dụ mà bên nào cũng muốn sử dụng để hạ đối phương. Một lần, ông Lê Đức Thọ “ra đòn” với Kissinger: “Đàm phán suốt gần 5 năm nay, ông không để tôi tin ông lấy một lần”. Kissinger đáp trả: “Ông không tin thì còn đàm phán với tôi làm gì?”. Ông Thọ bẻ lại: “Tôi phải nói với ông đây là lần cuối cùng tôi nghe ông hứa. Tôi biết ông hứa đấy rồi lại gí lời hứa xuống chân mình”.
Lần khác, Kissinger cố tình để lộ cuốn sổ ghi chép, trong đó có chỉ thị của Nixon  nói rằng tổng thống Mỹ không hài lòng với thái độ của cố vấn Lê Đức Thọ và muốn ông thay đổi lập trường; nếu không, “tổng thống Mỹ sẽ có động thái mạnh hơn”. Ông Thọ thẳng thừng: “Chúng ta đánh nhau đã 10 năm, hiểu nhau quá rồi, các ông luôn dọa chiến tranh. Nếu không giải quyết được trên bàn đàm phán, chiến tranh có thể còn ác liệt hơn”. Lần này, Kissinger phải ngồi im, không đối đáp gì được. 
Sau những cuộc không kích B52 của Mỹ vào Hà Nội và các vùng lân cận tháng 12-1972, đoàn Việt Nam tỏ rõ thái độ coi khinh những hành động dã man này. Vừa vào phòng họp, ông Lê Đức Thọ mát mẻ gọi việc Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội là “sự đón tiếp lịch thiệp” và cho rằng “hành động của Mỹ tàn bạo hơn cả Hitler” khiến không khí bàn đàm phán thêm nóng bỏng, căng tựa dây đàn.
Vào thời điểm ký tắt văn bản Hiệp định Paris, 2 bên ngồi lại để rà soát từng câu chữ. Ký tắt xong, khi 2 bên trao bút cho nhau, ông Lê Đức Thọ bảo Kissinger: “Ông đã đặt bút ký là phải thi hành” và Kissinger đã hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. “Phải dùng từ “rất sướng” để nói lên tâm trạng của đoàn ta sau lễ ký tắt. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm và phấn chấn” - ông Lưu Văn Lợi nhớ lại.
 
Đấu tranh về… cái bàn
Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhớ lại: Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như tại Hội nghị Paris. Trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán.
“Cuộc đấu tranh “4 bên hay 2 bên” có ý nghĩa chính trị rất lớn. Phía ta yêu cầu một cái bàn vuông cho 4 bên đàm phán hoặc bàn tròn có 4 góc; Mỹ đòi cái bàn hình chữ nhật có 2 bên hoặc bàn tròn chia đôi... Sau cùng, thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to đường kính 8 m, cắt đôi, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là 2 hay 4 bên cũng được” - bà Bình kể.
Kỳ tới: Những người làm nên lịch sử
BÍCH DIỆP

“Thắng lợi Hội nghị Paris có công lớn của bạn bè thế giới”


“Thắng lợi Hội nghị Paris có công lớn của bạn bè thế giới”


Nguyễn Vĩnh

Một mặt trận khác


Bên ngoài bàn đàm phán Hội nghị Paris mà hai phía Việt Nam và Mỹ thương thuyết đấu tranh với nhau“còn có một mặt trận khác”, đó là lời bà Nguyễn Ngọc Dung trong buổi gặp Báo TG&VN tại nhà riêng của bà ở thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2012.
 Bà Dung là thành viên nữ của đoàn đại biểuMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuy đã cao tuổi nhưng trí nhớ còn minh mẫn, nhất là khi nhắc tới những câu chuyện cụ thể tại Hội nghị mà bà đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến. 

*

Điều gọi là một “mặt trận khác”- như lời bà Dung - thật vô cùng đặc biệt và độc đáo bởi nó không hề có tiền lệ và lặp lại sau này. Đặc biệt hơn nữa là chính “mặt trận khác” chúng ta nói tới kia đã đóng góp một phần không nhỏ làm nên thắng lợi vang dội của một cuộc đàm phán lâu dài và phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Thành viên nữ hiếm hoi

Thấm thoắt qua năm mới 2013 này bà Nguyễn Ngọc Dung đã vào tuổi 86 (bà sinh năm 1927 tại Mỹ Tho). Bà Dung là thành viên đoàn đàm phán, thuộc phái nữ hiếm hoi “đếm trên đầu ngón tay” cả với đoàn miền Bắc và đoàn miền Nam của chúng ta tại Hội nghị Paris.





Theo dòng ký ức dồn dập dội về khi được gợi lên, bà Nguyễn Ngọc Dung dần dần nhớ lại:

“Giữa tháng 5/1968 Hội nghị 2 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris thì 7 tháng sau, tháng 12/1968, Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) đã đặt chân tới thủ đô nước Pháp để tham gia cuộc đàm phán 4 bên”. Bà Dung kể tiếp: “Tôi nhớ hôm nhận được quyết định phân công tham gia đoàn đàm phán của Mặt trận, trong lòng vừa phấn khởi vừa lo lắng. Đoàn gồm 15 thành viên do anh Trần Bửu Kiếm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban đối ngoại Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam VN dẫn đầu đi dự Hội nghị Paris”.

Nói đến đây dường như để có dẫn chứng chính xác từng sự kiện và hoạt động cụ thể, bà Nguyễn Ngọc Dung lấy ra một tập sách, đó là hồi ký dài do bà chấp bút đã được xuất bản. Chỉ vào trang sách, bà kể hôm đến sân bay Bourget là vào ngày 16/12/1968 để kịp bắt đầu cuộc đàm phán 4 bên giữa các đoàn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Mỹ, MTDTGP miền Nam VN và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Theo lời bà Dung nhấn mạnh, với một thành phố lớn như Paris, một trung tâm chính trị không những của châu Âu mà cả thế giới, Hội nghị 4 bên mà 2 đoàn Nam và Bắc chúng ta tham gia đã mở ra một cục diện "vừa đánh vừa đàm" vô cùng độc đáo và lợi hại. Từ mốc thời gian này, cùng với đoàn đại biểu VNDCCH, hai đoàn Nam và Bắc đã kiến tạo thành công một mặt trận mới: Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nói về công việc của mình đã trải qua 4 thập kỷ về trước, nữ thành viên Nguyễn Ngọc Dung bồi hồi nhớ lại:
“Cái giờ phút đầu tiên xuống sân bay sao mà cảm động! Chúng tôi được tái ngộ với rất nhiều các bạn “truyền thống” của Việt Nam trên đất Pháp. Họ chờ chúng tôi ở nhà ga hàng không, gần 600 con người Pháp và Việt, trên tay hoa và cờ với những khuôn mặt tươi cười nhưng cũng ứa lệ vì cả niềm sung sướng và kiêu hãnh”. Bà Dung nói rằng đó là những con người thuộc nhiều thế hệ. Họ thuộc lớp các nhà cách mạng tiền bối Pháp, từng là bạn của cụ Phan Chu Trinh, cụ Nguyễn Ái Quốc; rồi những cựu sinh viên đã xuống đường như bác sĩ Henri và Arlette Carpentier đòi tự do cho tù nhân Côn Đảo thời kỳ 1935 – 1940… Đó còn là Henri Martin, Raymonde Dien, những thanh niên Pháp phản đối quyết liệt cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Việt Nam. Trong những người tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với phái đoàn Mặt trận hôm đó còn có rất nhiều tổ chức đã khởi sự hoạt động ủng hộ Việt Nam từ khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965. 

“Tay bắt mặt mừng trong niềm xúc động, bà Dung kể tiếp, bạn bè đón mình cũng có những người mới gặp lând sđầu xen lẫn người đã quen thân trước đó. Tuy vậy trong khoảng thời gian eo hẹp ở sân bay chẳng ai có thể nói được gì dù bao điều ấp ủ trong lòng... Tôi ghi nhớ mãi những ánh mắt của bạn bè ra đón chúng tôi hôm đó. Hình như đều ánh lên lời ước hẹn là sẽ sát cánh trong một cuộc đấu tranh mới mà cầm chắc là gay go và phức tạp”. 

Những đầu công việc “trường diễn” thường ngày…

Khi gợi lại công việc của đoàn đàm phán, đặc biệt là việc làm của chính bà - chừng như bắt đúng mạch đang suy nghĩ của mình , bà Nguyễn Ngọc Dung hào hứng kể lại: “Ngoài các phiên họp chính thức vào ngày thứ Năm hàng tuần ở hội trường Trung tâm Hội nghị quốc tế tại 19 phố Kléber - mà tất cả 15 thành viên đoàn Mặt trận đều có mặt - thì đoàn còn tiến hành rất nhiều cuộc tiếp xúc và các hoạt động khác bên ngoài Hội nghị”. 

Rồi bà Dung dần nhớ ra để điểm tên từng việc: Đó là những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với các quan chức sở tại, các vị đại diện trong đoàn ngoại giao ở Paris, các nhân sĩ trí thức và giới xã hội khác nhau trên đất Pháp, trong đó đặc biệt phải kể đến là các cuộc gặp gỡ với báo giới tại Pháp và quốc tế diễn ra hết sức đều đặn. Bà Dung còn muốn nhấn đến một nhóm công việc mà bà cho rằng nó không những quan trọng mà còn độc đáo và sáng tạo: Đó là các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ với “không biết bao nhiêu người và bao nhiêu lần mà kể” với những bạn bè khắp năm châu thuộc rất nhiều thế hệ con người và khuynh hướng chính trị - xã hội khác biệt nhau nhưng có cùng một mối quan tâm, đó là Việt Nam.    

Để làm được một khối lượng công việc hết sức đồ sộ như thế này, đoàn Mặt trận đã có hẳn một nhóm chuyên trách mà bà Nguyễn Ngọc Dung gọi nôm na là “nhóm tiếp xúc”. 

Trước khi nói kỹ về những công việc cụ thể của mình, bà Dung dành ít phút nói về “ấn tượng mạnh mẽ” đối với vị trưởng đoàn miền Bắc là Bộ trưởng Xuân Thủy. 





Bà Dung kể rằng ông bộ trưởng thật “điềm đạm và sâu sắc”. Ông đã có một buổi nói chuyện không thể nào quên với tất cả các thành viên đoàn miền Nam ngày đầu khi tới Paris. Đại ý ông Xuân Thủy nói sau khi nhận nhiệm vụ trưởng đoàn đàm phán VNDCCH, ngày 5/5/1968 Hồ Chủ tịch có gặp và căn dặn đoàn là cuộc đấu tranh của chúng ta với Mỹ tại bàn đàm phán “sẽ được dư luận thế giới quan tâm rất sít sao”. Chính vì thế trong mọi công việc anh em khi đến đó “vừa phải rất khẩn trương, vừa phải thận trọng kiên trì, nghĩa là không bao giờ được sốt ruột nóng vội”. Về lập trường quan điểm đương nhiên đòi hỏi vững vàng, nhưng cũng phải sách lược, linh hoạt và khôn khéo. Bác Hồ căn dặn phải luôn cắt đặt người theo dõi sâu sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự thì mới có quyết sách tốt và đúng đắn được. Bác Hồ còn nhấn mạnh lúc này “nhân dân các nước đã thấy chiến tranh kéo dài, gây nhiều thương vong chung nên tâm lý là muốn sớm có hòa bình”. Và chính ở điểm này Mỹ dễ lợi dụng để đổ vấy trách nhiệm chưa có hòa bình là do chúng ta, từ đó ép chúng ta “chấp nhận hòa bình theo các điều kiện Mỹ đưa ra”. Vì thế muốn thuyết phục nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta thì phải “kiên trì đưa ra thông tin đúng đắn và nói rõ thiện chí của chúng ta”. 

Bà Dung cho rằng nội dung truyền đạt như vậy của vị trưởng đoàn Xuân Thủy là “rất thấm thía và dễ nhớ”, như sợi chỉ nam xuyên suốt cho cả đoàn quán triệt vào công việc trong một cuộc đàm phán kéo một mạch 4 năm mới xong.

Khi gợi ý bà Ngọc Dung nói cảm tưởng về vị cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, bà Dung có ý khiêm tốn định chẳng nói gì. Rồi dường như muốn nói một ý gì mới nảy sinh, nhưng bà Dung bào ngay đây chỉ là ít tâm sự riêng tư thôi chứ không phải nhận xét gì về một vị lãnh đạo cấp cao: “Ông cố vấn đúng là một típ lãnh đạo thế hệ đầu tiên, là lớp học trò trực tiếp của cụ Hồ. Rõ ràng ông chẳng được đào tạo ngoại giao chính quy bài bài gì bao giờ, nhưng lại vô cùng tự tin khi thực thi nhiệm vụ đối ngoại. Vì sao vậy? Tôi nghĩ bởi ông thấy mình chính nghĩa, sự nghiệp mà mình phụng sự đích thực là chính nghĩa, con đường đấu tranh của dân tộc Việt Nam chống xâm lược Mỹ là rất quang minh chính đại. Ông thường nói với anh em trong đoàn nhà, là “Mỹ nó đánh mình là sai, tự dưng đem quân đem máy bay bom đạn đến giết hại và đánh phá đất nước và nhân dân Việt Nam là quá sai lầm”. Vì thế nên khi đối thoại với họ ông thấy mình hoàn toàn là người nắm được lý lẽ và rất chủ động nói được cái đúng cái tốt cho mình mà không lúng túng bị động gì cả. Nhiều lần nhà đàm phán lão luyện Mỹ Henry Kissinger buộc phải lặng im không phản bác được gì trước một Lê Đức Thọ có vẻ bực dọc, thậm chí to tiếng như chuyến ông cố vấn đoàn ta bỏ về nước vì Mỹ lật lọng không ký thỏa thuận tháng 10/1972 đã đạt được, huy động B52 đánh Hà Nội nhưng thua cuộc, ông Thọ trở lại Paris gặp lại cố vấn Kissinger. “Buổi đó chắc chắn ông cố vấn cao cấp Hoa Kỳ và người chứng kiến phía ông ta không thể nào quên ngài “le Duc” của chúng ta”, bà Nguyễn Ngọc Dung kết luận câu chuyện về hai vị lãnh đạo đoàn ta như vậy.     
    
Đến đây bà Ngọc Dung đi vào một số công việc cụ thể của mình. Bà kể đoàn giao cho bà làm thường trực của “nhóm tiếp xúc” (ông Nguyễn Văn Tiến là nhóm trưởng). Hàng ngày bà Dung tập hợp, bóc cả một chồng lớn thư từ và bưu phẩm, trong đó phần lớn là thư, điện tín, lời chúc mừng và những thông báo bày tỏ sự ngưỡng mộ cũng như đưa ra những gợi ý và những vấn đề dư luận thắc mắc, yêu cầu gặp mặt và cung cấp thông tin. Lại có cả những góp ý, hiến kế cho đoàn của Mặt trận, đại thể là nên lưu ý vấn đề gì trên mặt trận dư luận ở các nước phương Tây, điều gì cần nhấn mạnh với báo giới và giới trí thức ở khu vực địa-chính trị này, v.v… Thư từ không những đến từ nước Pháp mà còn từ khắp châu Âu và khá nhiều đến từ Bắc Mỹ. Nhiệm vụ của bà Dung là đọc nội dung, rồi phân loại, tổng hợp thành các ý kiến đề xuất xử lý, báo cáo cho đoàn. 

Bà Dung nói thêm rất nhiều thư từ đề nghị được gặp mặt, hoặc mời đại diện đoàn đi nói chuyện giới thiệu tình hình đàm phán tại các tổ chức và địa phương khác nhau không những trên đất Pháp mà còn ở  nhiều nước khác trên thế giới. Điều đó cho thấy nhu cầu tìm hiểu tình hình Việt Nam và sự tiến triển ở bàn đàm phán của nhân dân và dư luận thế giới khi ấy là rất lớn. 

Theo lời thuật lại thì khối lượng công việc của từng cá nhân người trong đoàn “đều ngập đầu” với việc được phân công, nhưng ai nấy đều nhận thức công việc tiếp xúc bên ngoài Hội nghị là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Và như vậy đương nhiên tất cả mọi thành viên phải sắp xếp thời gian mà thực hiện. 

Với sự phân công của lãnh đạo đoàn, có thể nói từ trưởng đoàn phó đoàn cho đến các chuyên viên ai cũng cố gắng hết sức mình. Nghĩa là mỗi cá nhân phải lập được một thời gian biểu “ngoại khóa” để đáp ứng những công việc đoàn giao thêm. Và như thế cách duy nhất là phải tận dụng tất cả các buổi tối cũng như các ngày nghỉ cuối tuần thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Những hoạt động “không có trong nghị trình”  

Hội nghị quốc tế nào cũng gồm các nghị trình phải tuân thủ. Tuy nhiên ở Hội nghị Paris thì đoàn Việt Nam cả Bắc và Nam đều có rất nhiều công việc nằm bên ngoài các nghị trình thông thường định sẵn. 

Bà Dung kể rằng riêng với đoàn Mặt trận của mình, chương trình bên ngoài bàn đàm phán nhiều vô kể, đến mức nếu liệt kê ra giấy thì chắc cũng phải “cả chục trang sổ tay” mới ghi hết các đầu công việc.

Bà bảo không chỉ hai vị trưởng phó đoàn với chương trình hoạt động bận rộn chật kín thời gian suốt tuần mà tất cả đội ngũ thành viên, chuyên viên ai cũng “người nào việc nấy” và để hết tâm sức tham gia tích cực vào “mặt trận mới”. Có thể nói đây chính là các hoạt động đối ngoại nhân dân như ngày nay chúng ta đang vận dụng rất có hiệu quả trong tình hình mới. 

Bà Ngọc Dung lại lật mấy trang quyển hồi ký, và nói thêm “chỉ cần kể ra đây một số diễn đàn hoặc gặp gỡ tiêu biểu là chúng ta có thể hình dung được quy mô cũng như tính chất và tác động của các hoạt động đó tới Hội nghị là như thế nào”.
Dưới đây lược lại một số trong hàng trăm hoạt động, gặp gỡ mà đoàn Mặt trận tham gia:
Đó là với trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình, ngay đầu năm 1969 - chỉ vài tháng sau khi tham dự đàm phán - bà Bình đã đến thăm Vương quốc Anh theo lời mời của các nghị sĩ Công Đảng (chính xác là ngày 5/3/1969 - BBT chú thêm); giữa năm đó bà Bình làm khách và được mời phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển (16/5/1969); rồi chuyến thăm chính thức Algeria tháng 6/1970 và được Tổng thống Boumédiene tiếp; tháng 9 tiếp đó bà trưởng đoàn đến Lusaka, Zambia dự Hội nghị Không liên kết lần thứ III. 

Với phó đoàn Nguyễn Văn Tiến cũng có nhiều hoạt động sôi nổi: 5/1969 đi thăm và làm việc tại Quốc hội Đan Mạch (21/5/1969); dự Đại hội quốc tế bất thường tại Roma “Đoàn kết với nhân dân Đông Dương” vào cuối 2/1972 với sự tham gia của 54 tổ chức quốc tế gồm 500 đại biểu; thăm chính thức Sénégal tháng 3/1972 và được Tổng thống Léopold Senghor tiếp.

Bản thân thành viên đoàn Nguyễn Ngọc Dung cũng thực hiện một “chương trình nghị sự” hết sức đa dạng và phong phú: 5/1969 đi Hà Lan do các tổ chức đảng phái nước này mời cung cấp thông tin cho bạn (đi với bà Nguyễn Thị Chơn cũng là thành viên đoàn); 7/1969 cùng với bà Lê Thị Cao đi từ trong nước để tới Canada nói chuyện với hàng nghìn phụ nữ nước bạn tại Montreal, Toronto, Sakatchewan và Vancouver; tháng 11 cũng năm này đi thăm và làm việc ở Thụy Sĩ cùng với bác sĩ Lê Văn Lộc; đầu 1972 đi thành phố Bologna, Italia dự lễ kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh này (cùng đi với ông Lâm Văn Khai); 9/1972 Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế mời bà Dung tham gia đoàn của tổ chức này đến dự Hội nghị Liên hợp quốc tại Geneva về giải trừ quân bị; và 10/1972 được mời dự và phát biểu tại Bruxels với tổ chức ủng hộ Việt Nam của nước này.

Còn rất nhiều những chuyến đi và gặp gỡ của các thành viên khác trong đoàn Mặt trận. Bà Nguyễn Ngọc Dung nhận xét rằng trong suốt 4 năm ở Hội nghị Paris với hàng trăm cuộc tiếp xúc và gặp gỡ như vậy đã giúp đoàn Mặt trận (sau này có tên là đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN) có thêm biết bao nhiêu cơ hội giới thiệu thực chất tình hình Việt Nam ở cả chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Qua đó những thắc mắc hoặc câu hỏi (thường là hết sức cụ thể) của nhiều nhân vật nổi tiếng, của các giới xã hội ở nhiều quốc gia đặt ra với đoàn Mặt trận đều được trả lời rõ ràng và minh bạch khiến cho mọi người hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Điều đó góp phần quyết định tạo nên “bước chuyển chính trị” đối với khá nhiều người mà trước kia, hoặc ngộ nhận, hoặc hững hờ giữ khoảng cách với Việt Nam, đã dần dần thấy được các vấn đề thực chất ở Việt Nam giai đoạn đó và đi đến cảm tình, rồi trở nên những người bạn tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta. 

Nét “đời thường” bên bàn đàm phán 

Khi được gợi ý có điều gì đặc biệt với “sự tham gia của phái nữ” vào đoàn đàm phán thì tự nhiên trong câu chuyện bà Nguyễn Ngọc Dung kể lại ra chiều “hứng khởi” hơn. 

“Là nữ thành viên của đoàn, bà Dung nói, trong đoàn lại có ‘nữ tư lệnh’ là chị Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn, có chị Chơn (Nguyễn Thị Chơn), chị Thanh (Bình Thanh)… khiến phái nữ chúng tôi tự tin hơn ở mình. Nhưng ngay cả như vậy thì bà Dung vẫn chỉ ra một thực tế “tỉ lệ nữ trong hai đoàn Bắc và Nam đều rất thấp so với nam giới”, nên mọi việc phái nữ chúng tôi cũng ý thức mình phải gánh vác nhiều hơn “những công việc đời thường” mà nam giới bao giờ cũng không quen làm. Hoặc giả việc đó nếu đến tay các anh thì cũng là “sự cáng đáng bất đắc dĩ”, và khi buộc phải phân công như vậy cũng “tội cho cánh nam giới quá”, bà Dung thực thà kể lại như vậy. 

Nhưng cũng từ thực tế chênh lệch trên đây mà anh em phái nam cũng dành sự quý trọng và khích lệ nhiều hơn đối với chị em, “có phần đề cao hơn chị em nữ đoàn viên”– bà Dung kể lại với giọng cảm kích xen lẫn tự hào.

Dự cảm thấy cuộc đàm phán 4 bên là một việc có khả năng kéo dài nên ngay từ đầu các bạn Pháp đã nghĩ đến những trợ giúp hết sức thiết thực và cụ thể. Bà Dung kể tiếp: “Trước hết là vấn đề ăn, ở và đi lại. Các bạn Pháp thật là những con người vô cùng tốt bụng và chu đáo. Bạn lo lắng cho đoàn Mặt trận chúng tôi về đủ mọi phương diện, từ nơi ăn ở, thu xếp để thuê hẳn một biệt thự nhỏ xinh xắn trên đồi Verrières - le - Buisson làm trụ sở lâu dài”. Từ các phương tiện đi lại cho đến nhu cầu trong sinh hoạt đời thường từ lớn đến nhỏ có thể phát sinh khi xa gia đình và người thân đều được bạn trù liệu hoặc phối hợp với phía ta giải quyết. Nói không ngoa, các bạn Pháp “như những người chủ nhà của một gia đình lớn là cả đoàn chúng tôi vậy”, bà Dung đã nhận xét như thế. 

Rồi bà Dung lược tả vài chi tiết, như ngay hôm đặt chân đến Paris các bạn Pháp đã cắt đặt đội ngũ lái xe cho toàn đoàn đi lại, và rồi các ngày tiếp sau vẫn duy trì sự trợ giúp này. Bạn cử người đến nơi ở của đoàn để lo chỗ ăn nghỉ, rồi cáng đáng việc nấu ăn và nhiều công việc tạp vụ khác nảy sinh khi ăn ở và làm việc. Trong thời gian đầu biết là chúng ta lạ nước lạ cái, phía bạn Pháp còn bố trí người đi chợ, đi siêu thị mua giúp thức ăn và đồ dùng thông thường cho các đoàn viên trong đoàn.

Dĩ nhiên các ngày chủ nhật, ngày lễ thì vắng đội ngũ này. Và khi ấy đúng là phái nữ phát huy ưu thế tề gia nội trợ của mình. Do quá thiểu số nên việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa phòng ốc phái nữ dù tích cực đến đâu cũng không ôm xuể. Và khi ấy anh em nam giới cũng lăn lưng vào công việc chung của tập thể đoàn chứ chẳng ai lảng tránh. Chỉ tội là nhiều việc các anh không quen làm, thậm chí có làm thì vụng về nên lắm khi tức cười. Bà Dung kể lại mà không nín được tiếng cười phá lên khi nhắc đến chuyện “anh Nguyễn Văn Tiến và anh Hà Đăng cũng nhiều phen được phân công làm bếp”, và có vị nam giới đã cho anh em trong đoàn ăn thuần một món trứng luộc chấm muối mắm, cùng một món bắp cải lại cũng được luộc! May mà trên đất Pháp cũng sẵn dồ nguội ăn sẵn được nên cuối cùng mọi việc thuộc “ẩm thực” của đoàn cũng thu xếp ổn thỏa.     

Bạn bè Pháp ghé vai chung sức “trên từng cây số” 

Đoàn Mặt trận có rất nhiều bạn bè tốt trên khắp thế giới nhưng trong câu chuyện về một “mặt trận khác” ở Hội nghị Paris, bà Nguyễn Ngọc Dung có ý chú tâm hơn đến khối các bạn Pháp và Mỹ . Dễ hiểu bởi một là nước chủ nhà, một chính là nước mà chính phủ của họ đang tiến hành chiến tranh và nay đàm phán với chúng ta.

Theo bà Dung, cả bạn Pháp và bạn Mỹ đều có những gương mặt “thật sự dễ mến”, “thật sự hết lòng” vì Việt Nam. Chính từ những đóng góp âm thầm và kiên trì của tất cả khối bạn bè này đã nâng cao thêm uy tín và sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, góp thêm sức mạnh trên bàn đàm phán và đưa đến thắng lợi vẻ vang cho chúng ta tại Hội nghị Paris.

Bà Dung nhớ lại:

“Lúc mới tới Paris ngày nào hầu như cũng có vài đoàn đến thăm. Đến sớm nhất là Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) có gần hai chục người, đại diện cho Secours Populaire (Cứu trợ bình dân), Cimade, Huynh đệ Việt Nam…”

Rồi bà Dung kể cho nghe về hai người bạn Pháp, đúng là đã “trên từng cây số” với sự bền bỉ ghé vai chung lưng với bao nhiêu công việc của đoàn. 

Trước hết là ông Henri Van Regemorter là giáo sư tiến sĩ thiên văn tại Đài Thiên văn Paris. Chân ướt chân ráo tới đất Pháp, bà Dung đã nhấc máy liên lạc điện thoại với ông Henri và nhờ ông giới thiệu các bạn có thể giúp đỡ Việt Nam mà ông biết. Vài ba ngày sau GS Henri đã cầm đến tập danh sách, với địa chỉ đầy đủ các bạn bè mà ông quen biết. Ông còn đánh dấu sao và nói đó là các vị “quyết tử vì Việt Nam” (qui se tue pour le Vietnam). Bà Dung bảo đây là lần đầu tiên được nghe một “biệt danh” như thế dành cho người “không phải Việt Nam”.

Bà Dung kể rằng suốt từ thời điểm đó bất cứ khi nào đoàn hỏi đến người trong “danh sách vàng” nói trên đều được sự giúp đỡ không chần chừ cùng với những sáng kiến có giá trị. Hơn nữa các bạn đó còn vận động thêm những bạn bè khác của mình vào việc và lấy làm hãnh diện được góp sức với đoàn.
Bà Nguyễn Ngọc Dung nhớ như in hồi sắp kết thúc đàm phán, khi bà được phân công thảo văn bản Nghị định thư về “trao trả người bị bắt” thì rất cần những tư liệu tham khảo về “tiền lệ lịch sử” trong việc trao đổi tù binh tại các hiệp định quốc tế. 

Đưa ra vấn đề với các bạn luật sư Pháp thì chỉ vài ba ngày sau các bạn đã đưa lại cả chồng tài liệu cần đến. Trong số đó còn có văn bản được các bạn đặt đơn dây chuyền, sưu tầm từ những trung tâm lưu trữ tận London hoặc Geneva để gửi cho đoàn.

Nhắc đến các bạn Pháp, bà Nguyễn Ngọc Dung đặc biệt dành cảm tình đối với một phụ nữ Pháp đã rất gắn bó với đoàn và với cá nhân bà. Đó là Mireillle Gansel, giáo sư ngôn ngữ và văn chương tại Đại học Vincennes và Lyon.

Bà Dung kể lại khi mới quen Mireille được biết chị ấy có ý định học tiếng Việt thì bà khuyên can là không nên, vì việc này sẽ chiếm nhiều thời gian. Song Mireille đáp lại rằng đấy là lựa chọn có suy nghĩ, vì biết tiếng Việt thì mới giới thiệu được ra thế giới di sản văn hóa vô giá của Việt Nam. Chị ấy còn nói trong cả đời mình mà làm được một phần nào công việc trên cũng là thấy đáng công học và mãn nguyện.

Thế là ngoài thì giờ theo lớp ở một trường chính quy, Mireille Gansel còn kết bạn giao lưu với người Việt, tranh thủ các cơ hội đi cắm trại hè với hội Việt kiều của ta để luyện thêm tiếng Việt. Năm 1971, nghĩa là hai năm sau khi đoàn Mặt trận tới bàn đàm phán, Mireille Gansel đã cho xuất bản cuốn “Kho báu của con người” (Le Trésor de l’Homme, NXB La Farrandole ấn hành). Cuốn sách sử dụng những bản thảo văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp đã được chị Mireille biên soạn, với nhiều chú thích để người nước ngoài dễ đọc và tra cứu. Sách giành Giải thưởng “Quyển sách cho thiếu nhi hay nhất trong năm 1971”. Bộ trưởng Xuân Thủy đã “com-măng” 100 cuốn để đoàn đàm phán làm tặng phẩm cho khách quốc tế đến thăm đoàn. Cuốn sách này nửa năm sau đã được một nhà xuất bản ở Italia xin phép tác giả cho dịch sang tiếng Ý và xuất bản ở Roma.

Bà Dung kể thêm, những khi rảnh việc, bà thường dịch miệng và giới thiệu với Mireille nhiều tác phẩm văn học cách mạng của miền Nam đang chiến đấu. Với những tác phẩm thơ ca “chấm” được, vị giáo sư Pháp này yêu cầu bà Dung dịch thật sát và chuẩn. Có khi chỉ một bài thơ cũng phải mất rất nhiều thời gian, nhưng không bao giờ thấy chị Mireille nản lòng mà trái lại rất kiên trì theo sát từng lời từng ý. Rồi dịch đi dịch lại, sửa đi sửa lại có khi tới hàng chục lần.

Sau một thời gian làm việc cật lực, trên nhật báo Le Monde (Thế Giới) xuất hiện bài “Văn thơ đấu tranh ở miền Nam” ký tên Mireille Gansel. Bài viết chiếm gần hết trang văn chương của tờ báo đã gây dư chấn lớn trong dư luận độc giả tiếng Pháp. 

Cụ thể trong bài viết M. Gansel đã dịch giới thiệu “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu; “Làm mẹ ở Việt Nam” của Chế Lan Viên; các bài thơ của Lê Anh Xuân và nhiều bài hát của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”; các bài hát “Lời nguyền” của Trương Quốc Khánh”, “Một dân tộc không ngừng tiến lên” của Miên Đức Thắng…  

Trong thời điểm Hội nghị Paris hai cả hai đoàn Bắc và Nam đều đang cố gắng phát huy thế chính trị của mình thì sự tác động văn hóa từ những lời thơ-câu văn-bài hát phản ánh đời sống hiện thực trong cuộc đấu tranh quyết liệt của quân dân miền Nam Việt Nam đã có thêm sức thuyết phục dư luận.

Được biết người bạn nữ Mireille Gansel không chỉ dừng các hoạt động ở Pháp. Sau khi ký Hiệp định, vị nữ giáo sư này đã đi Việt Nam và làm việc nhiều năm tại NXB Ngoại văn của ta, cùng góp phần đưa ra thế giới nhiều tác phẩm văn học ưu tú của Việt Nam. “Đây thật sự là một trong những người bạn Pháp hết lòng vì đất nước và nhân dân Việt Nam chúng ta”, bà Dung nói lời kết luận về những người bạn Pháp.

Những bạn bè Mỹ “đầy nghĩa tình”

“Bốn năm đàm phán, bà Dung kể lại, Hội nghị Paris, tại phòng họp phố Kléber, chung quanh chiếc bàn tròn trải thảm xanh, đoàn Mặt trận đã gặp các đại diện chính phủ Hoa Kỳ 174 lần (trong 174 phiên họp), nhưng cùng thời gian ấy, từ trưởng đoàn cho đến các thành viên trong đoàn, chúng tôi đã gặp gỡ chắc chắn không phải 174 lần mà nhiều hơn thế với hàng nghìn những công dân Mỹ ở nhiều nơi trên đất Pháp, châu Âu và Bắc Mỹ. Tất cả đều cùng mục đích, tìm kiếm Hòa bình”. 

Trong những cuộc gặp gỡ bà Dung trực tiếp tham gia, bà nói mình có ấn tượng rất đặc biệt với buổi họp mặt tại khu rừng Vincennes ngoại ô Paris vào mùa xuân 1970 (10/5/1970). Không khí hôm đó hừng hực sôi nổi không thể quên. Đây là cuộc biểu dương lực lượng chống chiến tranh khổng lồ do 44 tổ chức và phong trào hòa bình Pháp khởi xướng, với sự tham dự của hơn 200.000 người. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, phó đoàn đã phát biểu, đại ý đòi Mỹ phải chấm dứt ném bom, rút quân, ngừng dính líu ở Việt Nam. Ngay sau đó đại biểu Mỹ, ông Sydney Lens, một nhà hoạt động công đoàn Mỹ, đồng chủ tịch một tổ chức của phong trào chống chiến tranh ở Mỹ - NMC (New Mobilisation Committee) - đã lên tiếng ngay sau đó rất thẳng thắn rằng hiện nay hàng triệu người ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ của ông “đang làm chiến tranh” để chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam (We make Wả against the Vietnam War). Rồi ông hô 3 lần “out now, out now, out now” (rút ngay bây giờ, rút ngay bây giờ, rút ngay bây giờ!). Ông Nguyễn Văn Tiến và ông Xuân Thủy (trưởng đoàn miền Bắc) bước đến bắt tay và quàng vai ông. Ông Lens giơ hai ngón tay theo hình chữ V (Victory – Thắng lợi) giữa những tràng vỗ tay và hô to hưởng ứng vang dội khắp khu rừng.

Trước thời gian đó, vào ngày 20/4/1970,  một cuộc tập hợp quy mô tuy nhỏ hơn nhiều lần nhưng ý nghĩa mở đầu hết sức quan trọng đã diễn ra tại quảng trường Trafalgar ở London. Hai tổ chức: Vietnam Moratorium Committee (Ủy ban “Đình chỉ” Việt Nam) của Mỹ; và Stop It Committee (Ủy ban đòi “dừng nó lại”) của Anh đã tổ chức biểu tình tuần hành chống chiến tranh Việt Nam. Hơn 2.00 người, gồm người Anh và cả người Mỹ đang ở Anh đã đón đoàn đại biểu Việt Nam và đại biểu Mỹ dự cuộc tuần hành này. 

Bà Nguyễn Ngọc Dung được đoàn cử đã bay sang Anh, còn đại biểu tổ chức Longshremen bang Florrida  là bà Viviane Nareini từ Mỹ tới đã cùng tham dự và phát biểu. Bà Dung kể rằng hôm đó London mưa nặng hạt, bà cùng với người bạn nữ Mỹ cùng đứng dưới chiếc ô lớn, cùng nhiệt tình vẫy chào đáp lại tiếng hô khẩu hiệu chống chiến tranh rền vang của đoàn người tụ tập trong rừng cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận. Cảnh sát Anh ngồi oai vệ trên lưng các chú ngựa to cao hiếm gặp ở nơi khác nà lúc này dàn hàng đứng chắn bên ngoài đã vô hình trung tăng vẻ long trọng cho cuộc họp mặt. Sau đó đoàn biểu tình kéo đến tòa đại sứ Mỹ đưa kiến nghị và đốt cờ Mỹ trước cổng tòa nhà này.    

Bà Dung còn kể tại trụ sở đoàn, suốt mấy năm đàm phán không lúc nào ngớt các đoàn khách thăm viếng. Bà nói: “Ở nơi đây chúng tôi đã thường xuyên đón tiếp hàng trăm lần, từ các bạn Mỹ đi một mình, hoặc một nhóm vài ba người cho tới những toán đông đến số trăm. Các nhà chính khách, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, luật sư, người lãnh đạo các phong trào chống chiến tranh toàn nước Mỹ , những bà mẹ tìm đến để hỏi về tình hình đàm phán hòa bình”. Rồi bà Dung lấy cuốn sách chỉ cụ thể các đoàn khách được tiếp hồi đó:
Tháng 1/1970 ông Dave Dellinger và bà Cora Weiss vừa là đồng chủ tịch các tổ chức phản chiến toàn quốc, vừa đại diện tổ chức Ủy ban liên lạc các gia đình lính Mỹ đang bị giam giữa tại Việt Nam (Coliafam); 7/1970 ông bà bác sĩ Benjamin và JaneSpock; 12/1970 đoàn Tổng hội sinh viên Mỹ do anh David Jeffshin làm chủ tịch; 8/1971 hai giáo sư thực vật Arthur Westing và W. Pfeiffer thuộc Đại học Montana, những người đã kiên trì tố cáo quân đội Mỹ tàn phá môi trường miền Nam Việt Nam, đã tặng đoàn cuốn phim do hai ông kiên trì đeo bám máy bay rải chất độc hóa học quay được; 10/1971 đoàn Liên đoàn Phụ nữ đấu tranh cho Hòa bình và Tự do (ILWPF) dẫn đầu là bà Katherrine Kamp; 11/1971 đoàn giáo sư George Wald, Đại học Harvard đến chia sẻ kết quả hoạt động của ông và các sinh viên Mỹ khi đi Sài Gòn và tặng ta một bản “Hiệp ước Hòa bình” do các bạn ký chung với sinh viên và các tổ chức phản chiến của nhân dân Sài Gòn.
Ngôi sao điện ảnh Mỹ Jane Fonda cũng như hai nữ nghệ sĩ dân ca nước này là Barbara Dane và Joan Baez đều đã tới trụ sở đoàn Mặt trận, tại đây họ đều biểu thị sự đồng tình của mình đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Có một đoàn hết sức đặc biệt là các bà mẹ và vợ của phi công Mỹ bị ta bắt và giam giữ khi máy bay ném bom bị bắn rơi trên đất Việt Nam. Họ mang đến hai bao vải xếp đầy các bức thư ngỏ có chữ ký của thân nhân và bạn bè các tù binh này cho đoàn ta để nhờ chuyển đến lãnh đạo Mặt trận. Nội dung thư đề nghị trả tự do cho tù binh. Lãnh đạo đoàn tiếp và lắng nghe nguyện vọng của các bà các chị, giải thích chính sách khoan hồng độ lượng của phía ta để họ yên tâm nhưng nêu rõ lập trường của Việt Nam là các công dân Mỹ hãy đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở nước Mỹ đòi đưa ngay quân đội Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược, sớm ký kết hòa bình với Việt Nam “thì Việt Nam sẽ ngay lập tức trao trả tù binh Mỹ”.

*

Suốt một buổi bồi hồi nhớ lại từ ký ức một thời đấu tranh sôi nổi, bà Nguyễn Ngọc Dung cất những lời rưng rưng: “Nhiều khi tôi tự hỏi, công việc thì là của mình, mình từ một đất nước Việt Nam mãi xa xôi đến đây với nhiệm vụ đàm phán với đối phương, nhưng cớ sao lại có những tấm lòng của bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn bè Pháp và Hoa Kỳ, cứ coi đó lại như công việc của chính các bạn. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm ngay được câu trả lời, đó là do sự nghiệp mà chúng ta đấu tranh là chính nghĩa nên bạn bè quốc tế tự nhiên rất đồng lòng đứng về phía chúng ta”. 

Bà Ngọc Dung còn nói thêm, đại ý là không có bút mực nào tả xiết được mối thân tình và hết lòng của những người bạn Mỹ và Pháp cũng như nhiều bạn bè khác trên thế giới trong những ngày lịch sử năm xưa đó. “Tôi cứ nghĩ ngợi - giọng bà Dung trầm ấm lại sau một hồi suy tư - giả sử nếu như không có bạn bè khắp thế giới hỗ trợ và sát cánh với hai đoàn đàm phán Bắc và Nam thì chúng ta sẽ khó khăn nhường nào. Chúng ta giành thắng lợi vẻ vang ở Hội nghị Paris có công lớn của bạn bè thế giới”.    
   
Nguyễn Vĩnh thực hiện (Theo lời kể của bà Nguyễn Ngọc Dung)