Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với hòa đàm Paris


Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với hòa đàm Paris


(VOV) -Lê Đức Thọ từng khiến Kissinger phải thốt lên rằng: Ông là một đối thủ xứng đáng.

Trên bàn đàm phán Paris, người ta chú ý tới một người đàn ông cao gầy, có đôi mắt cương nghị. Đó chính là cố vấn đặc biệt của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Lê Đức Thọ.
Gần 5 năm bên bàn đàm phán, với bề dày cách mạng, tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy đã đưa ra những sáng kiến, giải pháp ngoại giao chiến lược, khiến cho kẻ thù phải khâm phục, trân trọng.
Chính ông đã được đề nghị trao giải thưởng Nobel Hòa bình - giải Nobel duy nhất dành cho người Việt từ trước tới nay nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.
Một tháng sau cuộc thương lượng chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber (Paris- Pháp), ngày 12/6/1968, người ta thấy xuất hiện trong Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một gương mặt mới- đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy.
Theo các tài liệu lịch sử, năm 1968, đồng chí Lê Đức Thọ đang là Ủy viên Bộ chính trị. Sau Tết Mậu Thân, ông được điều vào miền Nam tăng cường cho Trung ương Cục. Cuối đợt 2 của cuộc Tổng tấn công bắt đầu từ ngày 4/5/1968, Hồ Chủ tịch gọi ông ra Hà Nội và cử ông làm Cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. 


Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Chính phủ VNDCCH ký Thông báo chung với Hoa Kỳ về thực thi Hiệp định Paris ngày 13/6/1973 - Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao
Ông Lưu Văn Lợi- Thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ từ năm 1968 đến năm 1989 kể lại: “Tại sao Bác Hồ lại chọn đồng chí Lê Đức Thọ? Như tôi hiểu và cảm nhận thì thấy rằng, từ đầu cách mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Đức Thọ đã ở gần bên Bác. Bác rất hiểu con người này. Đó là một con người rất kiên định, đã từng trải qua nhiều công tác quan trọng, 8 năm có mặt ở Nam Bộ, hiểu được chiến trường, hiểu được tình cảm của nhân dân cho nên Bác đã trực tiếp đề cử đồng chí Lê Đức Thọ đi Paris. Theo Bác nói, con người này biết cương và nhu đúng lúc. Suốt 5 năm tại hội nghị Paris, đồng chí đã thể hiện được đúng tinh thần đó”.
Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Đó cũng là cuộc đấu trí giữa ngành ngoại giao non trẻ của Việt Nam với ngoại giao nhà nghề sừng sỏi ở Mỹ với những cái tên như Harriman, Kissinger, …
Với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cả hai đoàn đàm phán Bắc và Nam, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và các nhà ngoại giao Việt Nam luôn kiên định lập trường “Nước Việt Nam là một dân tộc. Chiến đấu và bảo vệ Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam từ Nam đến Bắc”.
Nhà ngoại giao Phạm Ngạc khi đó giữ vai trò phiên dịch và ghi biên bản hội nghị nhớ lại: Trên bàn thương thuyết, hai ông Xuân Thủy và Lê Đức thọ đã phối hợp với nhau rất ăn ý. Lúc người này nhu thì người kia cương và ngược lại. Trong đó, phần nhiều cố vấn Lê Đức Thọ sắm vai cương . Không ít lần, ông đã đập bàn, nổi cơn thịnh nộ ngay trước mặt Kissinger.
“Ông Lê Đức Thọ là một con người kiên định trong lập trường, kiên quyết giữ lại các lợi ích cơ bản của mình, không mắc bẫy thủ đoạn của đối phương. Khi văn bản Hiệp định đã hoàn thành đến một mức độ nào đó rồi, Kissinger muốn phía ta ký tắt vào văn bản nội bộ nhưng ông Lê Đức Thọ không chịu nhượng bộ và Kissinger đã phải thốt lên rằng: ông là một đối thủ xứng đáng. Lập trường chính nghĩa và sáng suốt theo đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh đã được ông Lê Đức Thọ thực hiện và nhận được sự cảm phục của đối phương”- Ông Phạm Ngạc nói.
Trong các cuốn hồi ký, ông Henry Kissinger từng nhiều lần nhắc đến đối thủ của mình trên bàn đàm phán là cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ. Kissinger thừa nhận Lê Đức Thọ là người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo. Ông cũng nhớ như in giây phút đầu tiên gặp cố vấn Lê Đức Thọ ngày 21/2/1970. Ông miêu tả Lê Đức Thọ có mái tóc hoa râm, bao giờ cũng mặc bộ đại cán, đôi mắt mở to và sáng, ít khi để lộ suy nghĩ.
Có thể nói, các cuộc đấu trí giữa ông Lê Đức Thọ với đại diện phái đoàn Mỹ, cả bí mật lẫn công khai tại Paris đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới.
Kết quả là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973, tạo tiền đề dẫn đến thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975. Cũng trong năm 1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng Henry Kissinger được đồng trao giải Nobel Hòa bình nhưng ông đã từ chối nhận giải.
Ông Lưu Văn Lợi- Thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ cho biết: “Trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, đồng chí Lê Đức Thọ đã giải thích vì sao lại từ chối giải thưởng chung với Kissinger. Ông nói, tại sao lại đặt ngang hàng giữa một nước luôn luôn gây ra chiến tranh và một nước luôn đấu tranh để giành lại độc lập. Giữa xâm lược và bị xâm lược lại nhận chung một giải thưởng. Hơn nữa, vì chưa có hòa bình thực sự ở Việt Nam nên ông chưa nhận giải thưởng đó và người xứng đáng chính là nhân dân Việt Nam”
5 năm giữ vai trò Cố vấn tại Hội nghị Paris dù chỉ chiếm một khoảng thời gian ngắn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình nhưng đồng chí Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà ngoại giao chiến lược thời đại Hồ Chí Minh.
Trong bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, từ kinh nghiệm hoạt động của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris có thể rút ra một số bài học quí báu cho thế hệ ngoại giao Việt Nam hôm nay và mai sau, trong đó bài học đầu tiên là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác ngoại giao nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét