Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Cuộc đàm phán Paris và chiến lược đánh – đàm


Cuộc đàm phán Paris và chiến lược đánh – đàm


Cuộc đàm phán Paris là hoạt động ngoại giao lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Nó cũng là một sự kiện quốc tế được dư luận thế giới chú ý nhiều nhất.
Cuộc đối đầu không cân sức
Mỹ là nước đế quốc giàu mạnh, áp đảo về kinh tế, quân sự và tiềm lực. Nhưng Mỹ làm chiến tranh phi nghĩa, yếu về chính trị và vấp nhiều khó khăn ở trong nước cũng như trên quốc tế. Nhân dân Mỹ chống chiến tranh mạnh mẽ, Mỹ càng sa lầy, sự chống đối càng quyết liệt. Trên trường quốc tế, Mỹ vấp phải sự chống đối của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc, các tầng lớp nhân dân rộng rãi ở các nước. Ngay các đồng minh và các nước có nhận viện trợ của Mỹ, số đông cũng không thấy lợi ích gì trong việc Mỹ làm chiến tranh ở Việt Nam.

Chống đế quốc Mỹ, Việt Nam là nước yếu, nghèo, tiềm lực rất hạn chế, phải dựa vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế. Nhưng Việt Nam có thế mạnh về chính trị ở trong nước và trên trường quốc tế. Diễn tiến cuộc chiến tranh, ai thắng, ai thua... liên quan đến an ninh và phồn vinh của nhiều nước, đến nguyện vọng và lương tri của loài người. Bởi vậy, Việt Nam được cả thế giới ủng hộ.

Mỹ dùng ngoại giao và đàm phán để che đậy bản chất phi nghĩa của chiến tranh, dùng đàm phán trên thế mạnh phối hợp sức ép quân sự buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấm dứt ủng hộ cách mạng miền Nam, rút hết quân miền Bắc, giữ nguyên chế độ phụ thuộc Mỹ ở miền Nam. Mỹ còn dùng ngoại giao và đàm phán để lung lạc dư luận, ổn định nội bộ nước Mỹ, để tác động dư luận thế giới, phục vụ chiến lược toàn cầu. Đến thời kỳ bị sa lầy, khó thắng, có thể thua, Mỹ đổi chiến lược, dùng ngoại giao đàm phán để gỡ Mỹ ra khỏi chiến tranh bằng con đường phi Mỹ hóa, “Việt Nam hóa chiến tranh” và tìm kiếm một “giải pháp trong danh dự”. Bởi vậy, ngay từ đầu chiến tranh (ngày 7.4.1965) Mỹ đã tung ra đòi hỏi “đàm phán không điều kiện”.

Việt Nam chống Mỹ, vận dụng đường lối đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Từ Nghị quyết Trung ương 12 (tháng 12.1965), nhận định tình hình “chưa có điều kiện chín muồi cho một giải pháp”, nhưng cũng đã tính “đánh đến một lúc nào đó sẽ phải vừa đánh vừa đàm”. Tháng 1.1967, sau thắng lợi đánh bại hai cuộc phản công mùa khô của Mỹ ở miền Nam và làm thất bại một bước chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Nghị quyết Trung ương 13 (tháng 1.1967) quyết định cuộc tấn công ngoại giao để mở cục diện đánh đàm và kéo Mỹ xuống thang chiến tranh. Sau Tết Mậu Thân, Mỹ buộc phải hạn chế ném bom miền Bắc. Ta nắm thời cơ mở cục diện vừa đánh vừa đàm trên thế thắng. Việt Nam “vừa đánh vừa đàm” với Mỹ suốt năm năm để đi tới kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp thương lượng.

Người Hà Nội mừng Hiệp định Paris được ký kết
Chiến lược đánh - đàm

Cuộc đàm phán Paris gắn liền với diễn biến của chiến trường Việt Nam và Đông Dương, gắn liền với tình hình quốc tế. Thông qua diễn tiến đàm phán và dư luận quốc tế, người ta dễ dàng hiểu được thế trận trên chiến trường, cũng như qua tình hình chiến trường và dư luận quốc tế, người ta có thể phán đoán được diễn tiến cuộc đàm phán. Thế trận trên bàn đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào thế trận trên chiến trường.

Cuộc đàm phán là cuộc đối đầu giữa một bên là nền ngoại giao nhà nghề, lâu đời của một siêu cường với chính sách đàm phán trên thế mạnh, củ cà rốt đi liền với cái gậy; một bên là nền ngoại giao non trẻ vừa học vừa làm của nhà nước cách mạng với chính sách ngoại giao nhân văn, dựa vào đạo lý và thế chính nghĩa. Cuộc đàm phán suốt thời gian dài trước hết là cuộc đấu lý, đấu tranh để phân biệt phải trái, đúng sai, không phải nói cho đối phương nghe mà để tranh thủ dư luận thế giới và dư luận trong nước Mỹ. Cả hai phía đều rất coi trọng yêu cầu này. Cho đến khi tình hình chiến trường tạo được thời cơ hai bên mới đi vào mặc cả về giải pháp.

Nhìn tổng quát, cuộc đàm phán Paris là một cuộc đấu tranh ngoại giao quyết liệt, đồng thời là một cuộc đối đầu căng thẳng về ý chí, về trí tuệ, về pháp lý và đạo lý, vận dụng những mưu lược và nghệ thuật khác nhau để thắng đối phương. Ta và đối phương đến Paris với những mục đích và đòi hỏi hoàn toàn đối lập nhau nên cả về đấu tranh đạo lý và đấu tranh giải pháp đều rất căng thẳng và quyết liệt. 

Tính từ lúc mở đàm phán song phương Việt Nam - Mỹ ngày 15.5.1968 đến ngày ký Hiệp định 27.3.1973, cuộc đàm phán Paris có nhiều diễn đàn khác nhau: đàm phán song phương Việt Nam - Mỹ (1968); diễn đàn bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chính phủ Cách mạng lâm thời - Mỹ - chính quyền Sài Gòn (1969 - 1971); diễn đàn gặp riêng (đàm phán bí mật) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mỹ (1971, 1972, 1973). Nội dung đàm phán có hai phần chính: đấu tranh đạo lý, phân biệt đúng sai là phần chủ yếu, chiếm tới 80% thời gian đàm phán và chủ yếu diễn ra công khai, tại diễn đàn bốn bên. Còn đàm phán dưới hình thức “gặp riêng” để tìm giải pháp chỉ kéo dài độ sáu - bảy tháng (cuối năm 1972, đầu năm 1973).

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (giữa) tại buổi họp báo quốc tế vào ngày 24.1.1973 ở Paris
Đàm phán đã gay go, đến khi kết thúc, việc ký kết các văn bản cũng rất phức tạp và khác thường. Văn bản chính là văn bản Hiệp định cũng có hai văn bản khác nhau: văn bản Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ ký và văn bản bốn bên tham chiến ký. Cùng văn bản Hiệp định có bốn Nghị định thư. Hai bên thỏa thuận tám bản hiểu biết (understanding) nêu những thỏa thuận và cam kết của hai bên mà vì tế nhị ngoại giao không đưa được vào các văn kiện công khai. Cụ thể hóa Điều 21 về đóng góp của Mỹ để hàn gắn vết thương chiến tranh, có riêng một thông điệp của Tổng thống Mỹ.

Với Hiệp định Paris, Việt Nam giành được những yêu cầu cơ bản đề ra: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, cam kết chấm dứt dính líu quân sự. Còn Việt Nam thì giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Mỹ phải lùi về chiến lược và ở thế phải tránh một Việt Nam thứ hai. Hiệp định là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp trở lại.

Với Hiệp định Paris, Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn đấu tranh mới, tạo một thế trận và so sánh lực lượng mới có lợi cho ta; Việt Nam giữ nguyên lực lượng và ở thế đi lên; chính quyền Sài Gòn mất chỗ dựa và nhanh chóng lún vào khủng hoảng suy sụp: tiền đề để cách mạng miền Nam tiến lên toàn thắng.                 
Nguyễn Khắc Huỳnh
Theo Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét