Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Hiệp định Paris và ấn tượng của bạn bè quốc tế


Hiệp định Paris và ấn tượng của bạn bè quốc tế

(Dân Việt) - Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris lịch sử, những người bạn quốc tế từng chứng kiến thời khắc lịch sử đó, những người đã từng đứng lên đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ, cùng nhớ lại.


Bà Helene Luc - cựu nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp Việt:
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, Pháp đã tiếp 2 đoàn Việt Nam, một diễn ra ở Choisy-Le-Roi và một ở Massy. Để giúp đoàn có thể giải quyết những khó khăn về vật chất và khắc phục điều kiện làm việc của ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ, tôi cùng các bạn bè Đảng Cộng sản Pháp đã dành tất cả sự giúp đỡ có hiệu quả cho đoàn.
Tôi cũng không ngờ rằng đàm phán kéo dài đến 5 năm. Cuối cùng họ không còn con đường nào khác phải chọn phương án đàm phán.
Tiến sĩ Harish Mehta, phóng viên báo Busines Times từ 1987 - 2003, đã sang Việt Nam nhiều lần:
Tôi cho rằng thỏa thuận hòa bình này là khoảnh khắc chiến thắng lịch sử cho Bắc Việt vì nó củng cố niềm tin của họ, rằng Chính phủ Mỹ rồi sẽ kiệt lực và rút quân khỏi Việt Nam. Đó là chiến thắng chiến lược cho Hà Nội vì thỏa thuận hòa bình đánh dấu thời khắc thất bại lịch sử về ba mặt của Mỹ - quân sự, ngoại giao và chiến lược.
Quân đội Mỹ đã không đè bẹp được quân đội Bắc Việt. Ngoại giao Mỹ không buộc được quân miền Bắc rút khỏi miền Nam. Sau chót, chiến lược kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc của Mỹ thất bại vì đa phần nông thôn miền Nam đã do cách mạng nắm giữ.
Tom Hayden - nhà hoạt động chính trị xã hội Mỹ với 25 năm hoạt động chống chiến tranh:
Tháng 12.1965, tôi đến Hà Nội trong một hoạt động chống chiến tranh. Chúng tôi đã đến thăm một ngôi làng gần như bị xóa sổ vì bom Mỹ, và lời nói dối của Richard Nixon đã bị phơi bày.
Chúng tôi sau đó đã mở đường cho phóng viên Harrison Salisbury của tờ New York Times đến Việt Nam, sau này những điều tra và công bố của ông là bằng chứng cho thấy chính quyền Richard Nixon đã rất tàn ác và dối trá.

Lắng đọng niềm hạnh phúc

(Dân Việt) - Lần đầu tiên, một triển lãm ảnh có quy mô lớn về một mốc son lịch sử quan trọng - Ký kết Hiệp định Paris (27.1.1973 - 27.1.2013) - được tổ chức tại Hà Nội.

Những ngày cuối năm bận rộn, nhưng triển lãm đã thu hút không ít người đến xem, và dừng lại lắng đọng...
Sống lại từng phút giây…
Biết tin có triển lãm ảnh về Hiệp định Paris, ông Nguyễn Văn Gia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã phải gọi điện hỏi tổng đài 1080 về thời gian và địa điểm để tìm đến xem bằng được. Người cựu chiến binh già năm nay đã 80 tuổi, mắt rưng rưng chỉ vào từng tấm hình trong triển lãm kể cho tôi nghe:
“Đây là cụ Supanovong, cụ Phạm Văn Đồng và cụ Lê Đức Thọ… những người này tôi đều đã được gặp mặt khi còn làm cảnh giới trong quân đội lúc đóng quân tại Hoà Bình. Tôi rất ngưỡng mộ tài năng và trí tuệ của họ, cảm thấy hạnh phúc khi mình còn được đứng đây nhìn lại hình ảnh quá khứ”.
Những bức ảnh, hiện vật tại triển lãm đã khiến nhiều người xúc động nhớ lại niềm hạnh phúc 40 năm trước.
Ông Gia kể, ông là người Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc từ năm 1954: “Lúc ấy tôi cứ nghĩ là chỉ ra Bắc khoảng 2 năm thôi rồi lại trở về, nhưng không ngờ phải đến 20 năm sau mới thống nhất đất nước”. Ông tham gia quân đội, làm công tác quân giới tại Hà Nội và Hoà Bình một thời gian, sau khi độc lập thì công tác tại ngành đường sắt. “Suốt bấy nhiêu năm chờ đợi hoà bình chỉ với mong muốn gia đình được sum họp. Chính vì vậy, sau khi biết tin Hiệp định Paris được ký kết, tôi vui mừng đến chảy nước mắt” - ông Gia kể.
Như được sống lại 40 năm về trước, bà Trần Thị Quỳnh Như – nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã ngồi lặng trước cuốn sổ cảm tưởng tại triển lãm để trải lòng mình: “Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi không bao giờ quên khoảnh khắc lịch sử ấy. Chỉ có ai chứng kiến những cảnh đổ nát của Hà Nội trong trận B52 khủng khiếp năm 1972 mới hiểu rằng chiến thắng trên bàn đàm phán này có ý nghĩa như thế nào”.
Bà Như đến triển lãm không chỉ với tư cách là một nhà phê bình nhiếp ảnh, mà còn muốn tìm lại những giây phút hạnh phúc 40 năm trước. “Niềm hạnh phúc cá nhân trong niềm vui của toàn dân tộc mà một đứa trẻ hơn 10 tuổi có thể cảm nhận và ghi nhớ đến tận bây giờ không phải là tầm thường” – bà cho biết.
Những hiện vật đặc biệt
140 bức ảnh, 21 lời trích dẫn, 23 hiện vật, 3 tài liệu và 8 cuốn sách được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày kể từ 40 năm qua, như văn bản gốc Hiệp định Paris. Tất cả đã ghi lại cuộc đấu tranh cam go trên mặt trận ngoại giao kéo dài 4 năm 8 tháng và 16 ngày với hàng trăm cuộc gặp công khai và bí mật.
Chiếc bút phớt đen dùng để ký hiệp định cũng được trưng bày. Tại triển lãm, phóng viên NTNN may mắn gặp được ông Lưu Văn Lợi - người mua chiếc bút. Hồi ấy, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và mua bút để phục vụ cho việc ký hiệp định. Ông Lợi kể: “Hồi đó tôi mua 36 chiếc bút phớt đen. Chiếc này được dùng để ký hiệp định. Nhưng sau tất cả đều được đưa vào viện bảo tàng, nhà lưu niệm”.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27.1.1973 đã buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ VN, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi VN, tạo bước ngoặt mở đường cho thắng lợi mùa xuân 1975 thống nhất đất nước.
Chiếc xoong quấy bột trẻ con được phái đoàn của ta mang sang để đun cháy xi dùng đóng dấu niêm phong tại hội nghị cũng được trưng bày tại triển lãm. “Trước ngày ký hiệp định, ta đã chuẩn bị cẩn thận lắm. Nhưng do điều kiện đất khách lại không thực sự dư giả tài chính nên cũng lắm thứ phải tận dụng. Khi ký xong, Mỹ dùng con dấu đóng xi niêm phong rất bài bản thì ta dùng nồi nấu bột trẻ con để đun chảy xi đóng dấu” – ông Lợi hài hước kể.
40 năm đã đi qua, nhưng đối với những người làm việc trực tiếp trên bàn đàm phán, niềm hạnh phúc vẫn như còn nguyên vẹn. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã xúc động ghi lại dòng cảm tưởng của mình trong cuốn lưu bút tại triển lãm:
“Là người đã tham gia ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27.1.1973, nhìn lại những hình ảnh của ngày đàm phán, tôi vô cùng xúc động. Các đồng chí thuộc 2 đoàn đàm phán đã hết sức cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ. Lúc chúng tôi ở bàn đàm phán luôn luôn nhìn về chiến trường. Thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam là thắng lợi của toàn dân chúng ở miền Bắc cũng như miền Nam, là thắng lợi to lớn về quân sự và là thắng lợi to lớn về ngoại giao. Trong dịp này, chúng ta cũng nhớ đến hàng triệu người yêu chuộng hoà bình, tự do độc lập trên toàn thế giới đã nhiệt tình ủng hộ cho sự nghiệp của chúng ta”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét