Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Bí mật tuyệt đối


Quá trình đàm phán Hiệp định Paris

Bí mật tuyệt đối

Theo ông Lý Văn Sáu - người phát ngôn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Hội nghị Paris 40 năm trước, trong cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài gần 5 năm như vậy, điều quan trọng nhất là giữ bí mật, việc ai người ấy biết.
Paris là nơi dư luận chú ý, cũng là nơi gián điệp chú ý. Thời đó, tuy chưa có điện thoại di động, chưa có phương tiện ghi âm như bây giờ, nhưng gián điệp cũng có đủ phương tiện để hành nghề. Gần 5 năm ở Paris, chúng ta giữ được bí mật về đường lối, chính sách, về chủ trương, lập trường, phải nói đấy là một thành công rất lớn. Ta có hai đoàn: đoàn miền Bắc, tức là Nước VNDCCH do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ làm Cố vấn, thay mặt Bộ Chính trị; đoàn miền Nam, tức Chính phủ lâm thời CHMNVN, trước đó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hồi đầu do đồng chí Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn, về sau, từ tháng 6.1969, do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, làm Trưởng đoàn. Hai đoàn tuy hai là một, một mà là hai, vừa giữ được độc lập của từng đoàn, đồng thời giữ được sự kết hợp, thống nhất làm việc.

Một cuộc họp nội bộ của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tôi nói một chuyện đơn giản là bàn với nhau chuyện ra Hội nghị có bắt tay hay không. Mình có bắt tay Mỹ không, có bắt tay đại diện Chính quyền Sài Gòn không? Cuối cùng quyết định không bắt tay, vì hai bên còn là đối thủ của nhau, trên mặt trận thì đánh nhau, ở đây thì đấu tranh ngoại giao. Các đoàn tham dự đàm phán vào phòng họp bằng nhiều cửa, ta có cửa vào của ta, Sài Gòn và Mỹ có cửa vào của họ, chào nhau từ xa nên chuyện bắt tay không lo nữa. Nhưng xưng hô với nhau như thế nào? Gọi là Ngài, Ông, Bà, Vị hay là gì? Đồng chí Xuân Thủy nghĩ ra, không gọi là “Quý vị” mà gọi là “Các vị”. “Chúng tôi thưa Các vị”, dịch ra tiếng Pháp là “Mesdames, Messieurs”, tiếng Anh là “Ladies, Gentlements”. Lệ nó thế, mình nói “Thưa các vị” thì “Thưa” cũng là lễ phép rồi, nhưng “Các vị” chứ không phải là “Quý vị”, không có chuyện gì mà “Quý” với tôi cả. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều ẩn giấu sự đấu tranh, tốn hàng tháng để bàn mới thảo luận ra những vấn đề đó.
Giữ bí mật thì việc ai người ấy biết. Đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN có chừng 40 người, chia làm mấy Ban. Ban Nghiên cứu, bàn và tham mưu; Ban Tiếp xúc, đi gặp gỡ bạn bè Pháp và quốc tế, gặp gỡ kiều bào; Ban Báo chí và Ban Hậu cần, bộ phận nào biết việc của bộ phận ấy. Tôi làm ở Ban Báo chí. Hội nghị Paris có hai hình thức họp, họp công khai 4 bên và họp riêng giữa Xuân Thủy và Harriman, hay về sau là giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và Kissinger. Nội dung các cuộc gặp riêng đó chỉ những người dự họp và phiên dịch biết, không ai bên ngoài được biết. Ngay cả những cuộc họp công khai cũng giữ bí mật đến cuối cùng. Ví dụ, những lúc chúng ta sắp đưa ra một lập trường thương lượng, bản thân tôi làm báo chí cũng đến trước Hội nghị mới biết. Thường mình họp sáng thứ sáu, chiều thứ năm tôi mới có bài phát biểu cho ngày hôm sau. Tôi là người sửa chữa, góp ý cuối cùng, sau đó bài phát biểu được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi cũng là người duyệt cuối cùng. Nếu mà để đối phương biết trước, sáng hôm sau họ sẽ có bài nói chống mình ngay. Nói như thế để biết được rằng người nào biết việc người ấy. Sau này, tôi cũng phải đọc lại các tài liệu liên quan đến Hội nghị thì mới biết được một số việc. Việc phổ biến những chủ trương lớn, ở nhà cho người qua nói miệng chứ không được đem giấy tờ gì cả.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân dân Hà Nội chào đón Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Paris thắng lợi, về nước
Tại Paris, mỗi đoàn có một phòng hội nghị, có một nguyên tắc là không trao đổi với nhau. Phòng họp của từng đoàn thiết kế rất đặc biệt, làm tường hai lớp, có một loạt loa phóng thanh ở xung quanh. Ta vào trong, đóng cửa lại rồi phát nhạc. Trong này mình nói chuyện với nhau, bên ngoài chỉ nghe thấy nhạc. Cũng chỉ người nào có trách nhiệm mới vào, bàn việc gì thì người liên quan việc đó vào...
Ngày ký Hiệp định Paris, tôi vừa vui vừa phấn khởi vừa buồn. Vui vì cuộc chiến đấu ngoại giao lâu dài như vậy đã kết thúc và kết thúc thắng lợi với nội dung Hiệp định, nhưng buồn vì biết bao đồng chí anh em, đồng bào đã hy sinh trong thời gian Hội nghị... Đến phiên họp báo sau khi ký Hiệp định Paris, có mấy nhà báo nói như thế này: “Bây giờ, qua mấy năm đấu tranh, chúng ta đã quen biết nhau, ông muốn nhắc nhở chúng tôi điều gì?” Tôi nói bằng tiếng Anh: Remember Vietnam, đừng quên Việt Nam, nhớ Việt Nam để lần sau đừng phạm sai lầm một lần nữa ở Việt Nam.
Theo Đối mặt với B52

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét