Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Hiệp định Paris và sáng tạo trong đường lối ngoại giao


Hiệp định Paris và sáng tạo trong đường lối ngoại giao


(Chinhphu.vn) - Nói về sự thành công của Hiệp định Paris, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) khẳng định chúng ta đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ tại Phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris, ngày 13/5/1968 (đoàn Việt Nam phía bên phải). Ảnh tư liệu

Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, trong mối tương quan giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1973, việc ký kết Hiệp định Paris là một bước ngoặt quyết định cho những sự kiện diễn ra sau đó.
Sáng tạo trong đường lối ngoại giao
Hiệp định Paris hội tụ đủ các điều kiện kể cả về chiến lược, quân sự, chính trị lẫn ngoại giao cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, thể hiện rất rõ một quyết định đúng đắn về mặt chiến lược của Việt Nam. Đó là chiến lược giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã biết cách xây dựng ngoại giao thành một mặt trận và đây là một sự sáng tạo. Ngoại giao đã thể hiện được vai trò chủ động của mình, góp phần quan trọng tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh một cách thuận lợi nhất.  
Hiệp định Paris còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là quy định các điều khoản liên quan đến chính trị, các lực lượng chính trị, tổng tuyển cử và việc thành lập cơ cấu chính quyền tại miền Nam Việt Nam. Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, các diễn biến lịch sử cách đây 40 năm cho thấy Hiệp định Paris đã tạo mọi tiền đề để chúng ta kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào năm 1975.  
Đề cập những khó khăn và thuận lợi của chúng ta khi tiến hành các cuộc đàm phán, Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết trong bối cảnh quốc tế phức tạp, quan hệ giữa các nước lớn cũng như nội bộ từng khối, đặc biệt trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước với trật tự thế giới chia làm hai cực mang tính đối kháng trên mọi khía cạnh, nhưng Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là khi mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm".
Ba thuận lợi khi hội đàm tại Paris
Paris là nơi hội tụ 3 điều kiện để trở thành nơi thích hợp tiến hành đàm phán. Đó là cộng đồng người Việt đông đảo luôn ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có rất nhiều sinh viên đi từ miền Nam sang Pháp du học. Tại Pháp, họ đã nhận thức rõ được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã gia nhập phong trào của những người Việt Nam yêu nước. Vì vậy, đóng góp của cộng đồng người Việt tại Pháp là vô cùng to lớn.
Thứ hai là vai trò của Đảng Cộng sản Pháp (PCF), một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất rất to lớn mà PCF dành cho đoàn Việt Nam tham gia đàm phán, PCF còn có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. PCF còn là cầu nối giữa Việt Nam và Pháp vì hai nước lúc bấy giờ chưa có quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.
Một nguyên nhân nữa là vai trò của dư luận. Không ở đâu có khả năng tập hợp được dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Paris, địa điểm có thể ví như đầu não thông tin của thế giới lúc bấy giờ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam luôn chiếm gần một nửa thời lượng thông tin thời sự quốc tế, đặc biệt là giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán Hiệp định Paris.
Thực tế, Việt Nam đã tận dụng được Paris như là một đầu não thông tin để tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, từ đó tập hợp được lực lượng và dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam.
Nguyễn Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét