Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Kết thúc có hậu của Hội nghị Pa-ri lịch sử


Kết thúc có hậu của Hội nghị Pa-ri lịch sử

Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta nói chung. Từng tham gia Ðoàn đàm phán của phía Việt Nam với nhiệm vụ ghi biên bản và phiên dịch, được tiếp xúc với từng câu chữ của Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, tôi xin chia sẻ vài "góc cạnh" của "cuộc chiến đấu" cam go trên bàn đàm phán 40 năm trước.
Hơn 40 năm trước, trong không khí chiến tranh lạnh và ráo riết chạy đua vũ trang giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa, nhiều người cho rằng đấu tranh vũ trang dễ trở thành "ngọn lửa nhỏ thiêu cháy cả cánh đồng" gây trở ngại cho xu thế hòa hoãn. Nhưng, Việt Nam đã nắm vững vận mệnh của mình, không chấp nhận sự thỏa hiệp chia cắt đất nước, đã quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong khi cả thế giới lo ngại rằng bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ sẽ đè bẹp lực lượng quân sự nhỏ bé của Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã vượt qua những thử thách ác liệt, chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của mình, khiến siêu cường Mỹ phải thất bại.
Hơn 40 năm trước, song song với các hoạt động trên chiến trường, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ ở Pa-ri cũng trải qua những thử thách quyết liệt. Mỹ đã sử dụng bộ máy khổng lồ với những nhà ngoại giao lão luyện kết hợp với các chiến dịch quân sự, các đợt leo thang ném bom miền bắc, cải thiện quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc để gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán. Phía Việt Nam kiên định với lập trường bất biến: Vì độc lập, tự do. Trên chiến trường cũng như trong Hội nghị, "thế" của Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã tạo ra "lực" mới, lần lượt làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của đối phương. Trên diễn đàn công khai, các Bộ trưởng Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình với tác phong ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên định, đề cao lập trường chính nghĩa và giải pháp hợp tình hợp lý, tranh thủ dư luận thế giới, nhất là phong trào phản chiến bùng nổ trong lòng nước Mỹ, đẩy chính quyền Mỹ vào thế cô lập và phải xuống thang, lùi từng bước.
Còn nhớ, trong đàm phán trực tiếp, cố vấn Lê Ðức Thọ nắm thế chủ động, đấu tranh quyết liệt. Cố vấn Mỹ Kít-xinh-giơ cũng rất "ngán", có lúc đã dọa "sẽ đàm phán với người khác". Sau một lần thất bại, không thuyết phục được ông Thọ "ký non" vào bản thỏa thuận sơ bộ, Kít-xinh-giơ đã phải thừa nhận với ông Thọ: "Ông quả thật là đối thủ đáng nể". Lập trường chính nghĩa, tinh thần yêu nước của Việt Nam, đã làm đối phương phải lùi bước. Sau những trận bom B52 ác liệt, Kít-xinh-giơ đã phải tự trở lại bàn đàm phán, bị phê phán gay gắt và chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri.
Thực tế cho thấy, chúng ta đã chiến thắng nhờ biết dựa vào chính nghĩa, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đồng thời đoàn kết và có sách lược mềm dẻo. Trong đàm phán Hiệp định Pa-ri, ta chủ trương sách lược kiên quyết nhưng mềm dẻo; đoàn kết giữa hai đoàn miền bắc và miền nam "tuy một mà hai, tuy hai mà một", cùng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, nên ngày càng được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và nhân dân toàn thế giới. 
Phát huy đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên trì đấu tranh, tự lực chiến đấu và tự lực đàm phán, đồng thời coi trọng và tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước và phong trào hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới. Mục tiêu "độc lập, tự do" của Việt Nam được thể hiện rõ trên chiến trường cũng như trong đàm phán. Trong khi nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tuyên bố "sẵn sàng trải thảm đỏ để Mỹ rút quân", lợi ích của Mỹ là ký kết hiệp định để rút quân. Qua việc ta quyết tâm cao độ trên chiến trường cũng như quyết liệt trong đàm phán, phía Mỹ thấy rõ phía Việt Nam sẵn sàng hy sinh phấn đấu đến cùng cho lợi ích dân tộc, độc lập tự do, nên từ chính khách, binh sĩ đến các nhà ngoại giao Mỹ cũng dần dần chuyển biến và có thái độ phục thiện.
Trên bàn hội nghị, thực hiện đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, các nhà đàm phán Việt Nam đã kiên định lập trường cơ bản, đồng thời cũng thể hiện văn hóa ngoại giao, từng bước cảm hóa và có những quan hệ cá nhân có lợi cho đất nước những năm sau đó. Phó đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ C.Van-xơ, sau này khi là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã mời Phó đoàn Hà Văn Lâu, Ðại sứ Việt Nam tại LHQ, đến nhà riêng tại Niu Oóc gặp gỡ và mong muốn thúc đẩy cải thiện quan hệ hai nước. Ðại sứ U.Xu-li-van, chuyên gia chủ chốt trong đàm phán với Việt Nam đánh giá cao đối thủ Nguyễn Cơ Thạch và ngay sau Hội nghị Pa-ri đã tích cực liên lạc và gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế và bình thường hóa quan hệ hai nước.
Tôi còn nhớ lần sang Mỹ, gặp một nhân vật mà bản thân tôi dự đoán khó khăn trong việc hòa giải với Việt Nam, là cựu phi công tù binh, Thượng nghị sĩ Ðảng Cộng hòa G.Mắc-kên. Nhưng, thật bất ngờ, ông đã ra tận hành lang đón đoàn Việt Nam vào văn phòng riêng. Trên bàn ông cố tình đặt chiếc gạt tàn có đề chữ Hà Nội, và ông còn chỉ vào bức hình chụp bức tượng ở Hồ Tây cảnh ông đang giơ tay hàng, thản nhiên nói "It’s me" (Tôi đấy). Tôi cảm nhận ngay: Ðối với ông chiến tranh và hận thù đã vĩnh viễn đi qua. Và thực tế, sau đó ông đã nổi tiếng trong việc tích cực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải đối đầu với các thế lực ngoại bang "siêu mạnh" nhưng đều kết thúc thắng lợi vẻ vang. Ðiều đáng quý là dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước chống xâm lược, nhưng cũng lại mau chóng phát triển, bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh. Ðặc điểm lịch sử đó tạo cho Việt Nam vị thế thuận lợi trong quan hệ quốc tế, phát triển hợp tác hữu nghị, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa, "hai bên cùng có lợi". Ðó cũng là xu thế không thể đảo ngược trong quan hệ quốc tế hiện nay và sau này.

PHẠM NGẠC Nguyên Ðại sứ Việt Nam tại năm nước Bắc Âu, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét