Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Âm “Tết”, Việt Nam có phải là biến thể từ âm “Tiết”, Trung Quốc?

                  Dương Văn Triêm
Người Trung Quốc thời cổ, chia mỗi tháng thành 2 tiết, đầu tháng gọi là tiết khí; giữa tháng gọi là trung khí, cách nhau nửa tháng. Mỗi tiết có tên gọi riêng, tất cả có 24 nhị thập tứ tiết khí: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Mang chủng, Hạ chí, Lập hạ, Tiểu mãn, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Trong đó, có quy định một số ngày đặc biệt thuộc từng Tiết trong một năm gọi là Tiết nhật; ngày Tiết có kèm những hoạt động vui chơi… khác nhau, theo phong tục tập quán: Nguyên đán (Nguyên nhật), Nhân nhật, Thượng nguyên (Nguyên tiêu), Xã nhật, Hoa triêu, Hàn thực, Thanh minh, Thượng tị, Dục Phật, Đoan ngọ, Phục nhật, Thất tịch, Trung nguyên, Trung thu, Trùng dương, Đông chí, Lạp nhật, Trừ tịch.
So sánh về khung thời gian, thì hầu như Tết cổ truyền Việt Nam trùng với giai đoạn Tiết Lập xuân (bắt đầu mùa xuân); và ngày đầu tiên của Tiết Lập xuân có Tiết nhật là Nguyên đán. Cho nên có một số nhà nghiên cứu, sau đó trở thành thói quen và cuối cùng cho rằng Tết của người Việt chính là “Tiết Nguyên đán” và từ “Tiết” do bị biến âm nên thành “Tết Nguyên đán”.
Sự nhầm lẫn vô tình này đã tạo ra ý nghĩ “Tết cổ truyền Việt Nam có xuất xứ từ Trung Hoa”.
Nhóm học giả có “lối suy nghĩ” trên không chỉ đối chiếu về khung thời gian mà còn đối chiếu về mặt ngữ nghĩa giữa cụm từ “Tiết Nguyên đán” với nội hàm của “Tết”, cụ thể như sau:
Về nghĩa của cụm từ “Tiết Nguyên đán”
Chữ “Tiết” có âm Hán  “  ”, dạng chữ ban đầu của nó là bộ tiết “”, sau đó được cộng thêm hình chữ trong Giáp cốt văn giống một người đang quỳ ngồi, thò đầu gối ra ngoài “   ”, rồi lại thêm bộ trúc “  ” mà thành.
Có nghĩa tượng hình là đốt tre (tre có nhiều lóng, nơi giao của các lóng là mắt tre; từng mắt tre đại diện cho tiết); nghĩa tượng ý là ngày lễ của thời điểm giao mùa, tính theo lịch âm.
Chữ “Nguyên” có âm tự Hán “  ”, ở đây là chữ  nguyên “  ”, có chữ nhị “ ”, dùng để chỉ cái đầu, và bộ nhân “  ” (cổ văn); chữ này có nghĩa là bắt đầu.
Chữ “Đán” có âm tự Hán “  ”, thuộc loại chữ chỉ sự vận hành của mặt trời; chữ có bộ nhật “  ” và một gạch ngang “  ” thể hiện đường chân trời, ở phía dưới. Có nghĩa là sớm, sáng sớm, lúc trời mới sáng (bình minh, rạng đông). Hình dạng chữ lúc đầu là mặt trời vừa lên nhưng chưa rời khỏi mặt đất, mô tả một cách tượng hình mặt trời mới xuất hiện. Cho nên lúc mặt trời mọc, mặt đất được tỏa sáng gọi là đán.
Về nội hàm của “Tết”
Theo “Phong tục tập quán người Việt” của Vũ Nhân – Văn Hiếu thì “Tết […] là lễ tiết đầu tiên của năm […] là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang”.
Hay là “Tết sự cử hành nghi thức để đánh dấu sự chuyển sang một chu kì thời tiết mới. […] có nghĩa là một giai đoạn của thời gian chia ra theo sự vận động chu kì của khí trời trong 1 năm. Tết thường gắn liền với một tiết khí hậu nhất định […]” [3, tr. 125]
Và hoặc là, Tết “[…] là “mở đầu của một thời kỳ khí tượng của năm”. Giai đoạn giao mùa có thể gây ra các xáo động thời tiết (như nắng nóng, mưa, sương mù) nên cần phải làm lễ cúng tế và lễ hội. […] mở đầu một năm mới theo lịch âm.” [4, tr. 14]
Như vậy, nếu căn cứ vào mặt ngữ nghĩa thì “Tiết Nguyên đán” hoàn toàn có nghĩa phù hợp với ngày lễ Tết đầu năm của người Việt. Nhưng nếu chỉ dựa vào đó thì tính thuyết phục vẫn chưa cao:
Trước hết, cần khẳng định cơ sở để một ngày lễ nói chung ra đời là phải dựa trên sự phát triển của lịch pháp.
Nhìn lại quá khứ: “Đời Đào Đường (vua Nghiêu, năm 2253 tr.CN) phương Nam có bộ Việt Thường cử sứ bộ qua hai lần phiên dịch sang chầu, dâng con rùa thần có lẽ đã sống trên 1000 năm, mình dài hơn 3 thước, trên lưng có khắc văn khoa đẩu ghi việc trời đất mở mang. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Qui lịch” [1, tr. 41]
Nghĩa là người Việt đã biết làm lịch từ rất sớm, điều hiển nhiên là không phải đến lúc tặng lịch người Việt mới biết làm lịch mà phải từ trước. Vua Nghiêu mới sai người “chép lấy”. Nhưng cách tính lịch âm của người Trung Quốc có khác cách tính của người Việt, có thể lệch 1 ngày.
Nhà Hạ lịch được lấy kiến Dần chi nguyệt 1  (tức tháng Giêng âm lịch) để tính mốc mở đầu cho năm, lịch nhà Ân lấy tháng kiến Sửu, lịch nhà Chu thì lấy tháng kiến Tí…, đến đời Hán Vũ Đế lấy lại kiến Dần, từ đó về sau cơ bản là không thay đổi.
Xét theo đó, lịch pháp Việt Nam ra đời trước lịch pháp Trung Quốc; đồng nghĩa lễ Tết của người Việt cũng ra đời từ sớm. Sự tích bánh chưng bánh dầy thời Hùng Vương là một minh chứng. Cho nên không hoàn toàn trùng với Tiết (Xuân tiết “春節”) của Trung Quốc.
Lại thêm, năm 208 Tr.CN, Âu Lạc (Việt Nam) mới bị Nam Việt (Trung Quốc) đô hộ; nếu có “giao thoa” văn hóa thì đây chỉ mới là thời điểm bắt đầu.
Tiếp đến, về cách phát âm thì giữa từ “Tiết” và “Tết” không cùng về thanh; âm “Tết” gần giống với “Thết”, “ăn Thết”, tên gọi ngày lễ đầu năm của người Mường, tộc người có nét văn hóa gần với người Việt nhất trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Không chỉ riêng về “Tết” mà các từ khác cũng có cách phát âm gần nhau như thế:
Mường
Việt
còn khức
còn sức
con đẩu
con dấu
đa
da
đải áo   
dải áo
đản
dán v.v.
Và sau cùng, trong “Kinh Lễ ký” của Khổng Tử, một trong những bộ sách xưa nhất có đề cập đến ngày Tết của người Việt:
Một hôm đức Khổng Tử cùng với học trò là thầy Tử Cống đến coi lễ sạ, Ngài hỏi Tử Cống rằng nhà ngươi có thấy vui không?
Tử Cống thưa: Tứ (Tử Cống) này chỉ thấy cả nước như điên, như cuồng, chứ có vui ở chỗ nào thì con không được biết rõ. Đức Khổng Tử dạy rằng: Đây là một ngày cho dân được hưởng ân huệ, để bù đắp lại những nỗi vất vả của một trăm ngày, nhà ngươi đã hiểu sao được cái ý nghĩa đó.
[…] Ta (tức Khổng Tử) không biết “Tết” là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man (chỉ người Việt), họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. “Họ gọi tên cho ngày đó là “Tế Sạ” (    ).
Trong đó, từ “Tế Sạ” là từ được Khổng Tử dùng để phiên âm từ “Tết” của người Việt. Điều này chứng tỏ từ “Tết” đã phát triển độc lập với “Tiết”.
Từ những luận cứ trên khẳng định Tết là lễ mừng năm mới theo lịch Nông nghiệp thuộc nền văn minh lúa nước, là Tết cổ truyền của người Việt. Và “Tết” là từ thuần Việt chứ không phải là biến âm từ “Tiết” của Trung Quốc.
Từ đó chúng ta thấy, mặc dầu trong suốt quá trình dài có sự giao lưu giữa văn hóa Việt và Trung đã có diễn ra sự tiếp biến; nhưng không phải mọi thứ đều tiếp biến, mà vẫn còn những giá trị tồn tại mãi với thời gian./.
Chú thích
(1) Lấy hướng “cán gáo” của sao Bắc đẩu trong “Thập nhị thời”; đại để theo đường Thiên xích đạo, các nhà thiên văn cổ chia một vòng trời thành 12 phần bằng nhau, từ đông sang tây gán cho 12 địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Tài liệu tham khảo
Phần sách:
1. Nguyễn Vũ Tuấn Anh (1999), Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, NXB Văn hóa Thông tin.
2. Đàm Gia Kiện (chủ biên) (1993), Lịch sử Văn hóa Trung Quốc, NXB Khoa học xã hội.
3. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam – tập 4, NXB Từ điển Bách khoa.
4. Hữu Ngọc Lady Borton (2003), Tết Nguyên Đán (Vietnamese lunar New year), NXB Thế giới
5. Vũ Nhân – Văn Hiếu (2007), Phong tục tập quán người Việt, NXB Văn hóa Thông tin.
Phần bài viết:
1. Âm lịch Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Hồ Ngọc Đức.
2. Cái hệ lụy Tàu Việt, Nguyễn Hy Vọng.
3. Tết Nguyên Đán, Lm. Huỳnh Trụ.
4. Tết là gì? Nguyễn Hy Vọng.