Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9 ở nước ngoài

Hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9 ở nước ngoài


Vừa qua, tại thủ đô New Dehli, Đại sứ quán nước ta đã phối hợp với Hội Hữu nghị Ấn - Việt và Tổ chức Hoà bình và Đoàn kết toàn Ấn tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Trần Trọng Khánh nêu bật ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và điểm lại quá trình đấu tranh của nhân dân ta trong 60 năm qua để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành sự nghiệp đổi mới. Đại sứ chân thành cảm ơn bạn bè Ấn Độ đã dành cho nhân dân ta tình đoàn kết, sự ủng hộ quý báu trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tại Ấn Độ, tối 30/8 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội Hữu nghị Trung Quốc với nước ngoài, Hội Hữu nghị Trung Quốc-ASEAN và Hội Hữu nghị Trung-Việt đã tổ chức chiêu đãi mừng 60 năm Quốc khánh Việt Nam.
Phát biểu tại buổi chiêu đãi, đồng chí Trần Hạo Tô, Hội trưởng Hội Hữu nghị Trung Quốc với nước ngoài, nhấn mạnh Việt Nam là nước láng giềng thân thiết của Trung Quốc, hai nước Trung-Việt núi sông liền một dải, quan hệ qua lại hữu nghị giữa nhân dân hai nước có từ lâu đời. Hơn nửa thế kỷ qua, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước không ngừng phát triển. Bước sang thế kỷ mới, quan hệ hai nước đã đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện theo phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", thể hiện xu thế phát triển tốt đẹp. Trung Quốc nguyện cùng với Việt Nam nỗ lực cống hiến xứng đáng cho sự ổn định lâu dài và không ngừng phát triển của mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, để hai nước mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt của nhau.
Trong lời đáp, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Trần Văn Luật nêu rõ nhìn lại chặng vẻ vang 60 năm qua, nhân dân Việt Nam không thể nào quên sự giúp đỡ và chi viện to lớn, nhiều mặt và quý báu mà Đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em đã dành cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Đại sứ khẳng định tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước nhất định sẽ được tăng cường hơn nữa, sự hợp tác giữa hai Đảng và hai nước nhất định sẽ không ngừng mở rộng và phát triển sâu sắc thêm, mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước và các thế hệ con cháu mai sau.
Tại Sydney, Australia, ngày 29/8, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney đã tổ chức tiếp khách nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 với sự tham dự của Chủ tịch Thượng viện bang New South Wale Meredeth Burgamn, Chủ tịch Hạ viện John Akilina cùng nhiều thành viên Quốc hội bang, đại diện các tổ chức và cộng đồng kinh doanh Australia.
Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney Nguyễn Thế Phiệt khẳng định tầm quan trọng của sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển đất nước và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng lãnh sự Nguyễn Thế Phiệt cám ơn sự giúp đỡ hiệu quả của nhân dân và Chính phủ Australia đối với công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam và hy vọng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và chính phủ hai nước ngày càng gắn bó và phát triển.
Tại Thái Lan: Tối 29-8, tại thủ đô Bangkok, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Bhokin Bhalakula, các Phó thủ tướng Vissanu Krea-ngam và Chitchai Wannasathit, đại diện Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Thái Lan cùng đông đảo nhân sĩ, trí thức, đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, Hội hữu nghị Thái-Việt và cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và công tác tại Thái Lan.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Quốc Khánh nêu bật ý nghĩa quan trọng của cuộc Cách mạng Tháng Tám cách đây đúng 60 năm do Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam lãnh đạo, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Năm 2006, Việt Nam và Thái Lan sẽ kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai bên cũng thỏa thuận tổ chức họp liên chính phủ vào đầu năm tới, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác.
Tại Campuchia ngày 28/8, Hội người Việt Nam tại Phnom Penh đã tổ chức kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Phnom Penh , khẳng định Việt kiều ở Campuchia cũng như cộng đồng Việt kiều ở các quốc gia khác trên thế giới luôn hướng về Tổ quốc với tình cảm sâu sắc và cam kết sẽ nỗ lực, đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước.

Nhân dịp này, Hội Việt kiều tại Phnom Penh đã tổng kết và trao phần thưởng cho 94 tập thể và cá nhân đã có thành tích trong phong trào thi đua "Sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại", được phát động để kỷ niện 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Tại Lào: Ngày 29/8, trên trang quốc tế của các báo Lào đều đưa tin phản ảnh các hoạt động và không khí sôi nổi chào mừng Quốc khánh 2/9 tại Việt Nam như giới thiệu công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành quần chúng tại Quảng trường Ba Đình; đưa tin về kết quả cuộc thi tìm hiểu "60 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" và triển lãm "60 năm thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam".
Tại Iran: Ngày 29/8/2005, Đại sứ quán Việt Nam tại nước Cộng hoà Hồi giáo Iran đã tổ chức họp báo nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9. Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Iran đã đến dự.
Tại cuộc họp báo, Đại sứ Nguyễn Văn Hy đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về khả năng mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch giữa Việt Nam và Iran, đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và hoà bình, ổn định chung trên thế giới.
Các phóng viên bày tỏ vui mừng được nghe giới thiệu truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong 60 năm qua, bày tỏ sẵn sàng góp phần vào việc tuyên truyền cho nhân dân Iran hiểu biết thêm về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời tin tưởng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Iran sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Tại Ấn Độ, tối 30/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Natwar Singh, các vị Đại sứ, tuỳ viên quân sự các nước tại Ấn Độ và đại diện các đảng chính trị của Ấn Độ.
Tại buổi chiêu đãi, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Trần Trọng Khánh bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ được nâng lên một tầm cao mới sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam dự kiến diễn ra vào đầu năm 2006.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Natwar Singh bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Tại Pháp: Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với Ban quản lý Công viên vui chơi giải trí công nghệ cao Futuroscope thuộc vùng Poatu Sarăngtơ tổ chức triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam.
Mở cửa từ đầu tháng 8 và kéo dài đến giữa tháng 9, triển lãm đã giới thiệu gần 30 bức ảnh cỡ lớn về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và con người Việt Nam như vịnh Hạ Long, hồ Hoàn Kiếm, cầu Tràng Tiền, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, chợ nổi Phụng Hiệp, và một số làng nghề truyền thống.
Triển lãm góp phần làm cho nhân dân Pháp và khách du lịch nước ngoài hiểu rõ hơn lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cùng những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới.
Tại Bungari, ngày 30/8, Đại sứ quán nước ta tại Bungariphối hợp với Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam tổ chức mít tinh trongj thể kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Cung Văn hoá Sofia. Tham dự mít tinh có gần 300 người, trong đó có Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, đại diện một số cơ quan trung ương, một số nhà văn, nhà thơ danh tiếng ở Sofia, các giáo sư, tiến sỹ một số trường đại học cùng đông đảo bạn bè và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Bungari; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Bungari.
Những người dự mít tinh đã được xem chương trình ca nhạc, ba lê, ảo thuật do các nghệ sỹ của hai nước biểu diễn. Các ca sỹ Bungariđã hát những làn điệu dân ca Việt Nam rộn ràng cùng với những điệu múa đậm đà tình hữu nghị hai nước. 
T.G. tổng hợp
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Cách mạng tháng 8 - Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc

Cách mạng tháng 8 - Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc


Cục diện lúc bấy giờ

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phe Phát Xít gồm Đức, Ý, Nhật đánh lại phe Đồng Minh gồm Anh, Pháp, Liên Xô. Sau có Mỹ và nhiều nước nữa tham chiến.

Vào tháng 9 năm 1940, ngay giữa Thế chiến thứ hai, Chính phủ Vichy của Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã nên đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc Kỳ.

Ngay lập tức quân đội Nhật dùng đó làm bàn đạp ảnh hưởng đến các chiến trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Trên thực tế, miền Bắc Việt Nam là một điểm quan trọng trong chiến lược quân sự của Nhật nhằm thống trị toàn bộ vùng Đông Nam Á. Trong khi chờ đợi cuộc đại thắng của Đức tại Châu Âu, Nhật tạm thời duy trì hệ thống bảo hộ của Pháp tại Đông Dương. (Trong những trận đánh lớn hồi đó có thể kể đến việc Hải Quân và Không Quân Nhật xuất phát từ Cam Ranh và Sài Gòn tiêu diệt Hạm đội Viễn Đông của Anh).


Thời gian này, Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, như Khởi nghĩa Nam Kỳ, Khởi nghĩa Bắc Sơn nhưng đều thất bại. Những binh lính tham gia chiến tranh Thái Lan thực hiện cuộc Binh biến Đô Lương cũng thất bại.

Vào tháng 5 năm 1941 các lực lượng ái quốc, trong đó nòng cốt là Đảng Cộng Sản Đông Dương, dẫn đầu bởi Hồ Chí Minh, tập hợp tại một địa điểm gần biên giới Việt-Trung, tham gia một tổ chức đứng về phía Đồng Minh giành độc lập cho Việt Nam gọi là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Tổ chức này thường được gọi vắn tắt là Việt Minh.

Tổ chức này xây dựng một chiến khu do họ kiểm soát ở biên giới Việt Trung. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp thành lập một trung đội 34 người mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân (một trong những tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), ngay sau khi thành lập đã tiến đánh quân Nhật, mở rộng chiến khu. Trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, chiến khu đã bao gồm nhiều tỉnh vùng Đông Bắc Bắc Bộ, gọi là chiến khu Việt Bắc.

Trong khi đó, phản ứng trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền).

Tại châu Âu, Đức thất trận và đầu hàng ngày 7 tháng 5 năm 1945. Ngày 6 tháng 8, Hoa Kỳ ném hai trái bom nguyên tử trên đảo Hiroshima và Nagasaki. Ngày 14 tháng 8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Do đó quân Nhật tại Việt Nam dao động và tan rã. Theo tối hậu thư Postdam của phe đồng minh gửi Nhật ngày 26 tháng 7, quân đội Nhật sẽ bị giải giới do quân đội Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16, và do quân đội Anh từ Nam vĩ tuyến 16.

Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra làm 2 triệu người chết. Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước, họ tập hợp nhân dân cướp các kho thóc Nhật. Đồng thời, một đại hội đại biểu toàn quốc họp trên chiến khu, thành lập Quốc dân Đại hội, tức quốc hội lâm thời. Khi Nhật thất bại, khởi nghĩa nổ ra trên toàn quốc, đó là Cách mạng tháng Tám. Cách mạng diễn ra nhanh chóng với sự tham gia của hầu hết dân chúng, Việt Minh giành được chính quyền trên cả nước trong mười mấy ngày.



Diễn biến tại miền Bắc
Khi nhậm chức, bộ trưởng tư pháp Trịnh Đình Thảo của chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh thả hàng ngàn tù chính trị bị Pháp giam giữ trước đó và cho phép các tổ chức, hội đoàn chính trị được hoạt động công khai. Tin đồn dân Nhật sắp sửa đầu hàng đã lan tỏa khắp nơi tại miền Bắc, lợi dụng cơ hội, dân chúng đã tụ tập biểu tình, bãi công nhiều nơi, như ở Thái Bình vào ngày 11 tháng 8. Từ ngày 12 tháng 8 năm 1945, các đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh lần lượt tiến công các đồn Nhật ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái... và hỗ trợ nhân dân các tỉnh này tiến lên giành chính quyền tại các tỉnh lỵ.

 
Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào ngày 13 tháng 8 năm 1945 đã nhận định rằng những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín mùi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 14-8 một số cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã quyết định cùng nhân dân khởi nghĩa, khởi nghĩa lan rộng ra nhiều xã thuộc các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng như Thanh Hóa, Thái Bình...

 
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào (Tuyên Quang) kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.



Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội
 
Sáng ngày 18 tháng 8, Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở làm việc về số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Các uỷ viên tích cực chuẩn bị cho công việc sáng hôm sau.




Tinh mơ sáng ngày 19 tháng 8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ, và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của nhân dân Hà thành. Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuân Chữ (người mới đứng ra thay thế ông Phan Kế Toại) bị bắt giữ và đưa về An toàn khu tại Hà Đông.

 
Cùng thời gian đó, ông Nguyễn Quyết đã chỉ huy nhân dân chiếm Trại Bảo an binh. Nhưng quân đội Nhật đã can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh trại, đòi tước vũ khí của lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Khang và ông Trần Tử Bình đã quyết định tiến hành đàm phán với quân đội Nhật vì theo phân tích thì quân Nhật đã rất rệu rã, không còn tinh thần chiến đấu cao và muốn bảo toàn lực lượng khi rút về nước. Hơn nữa nếu quân đội Nhật cố ngăn cản thì cũng không được lợi ích gì vì bản thân chính quyền do họ dựng lên quá yếu ớt, không thể đối trọng với sức mạnh của Việt Minh. Đúng như dự đoán, sau khi tiếp nhận đề nghị của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhật đã đồng ý rút quân nhưng yêu cầu phải có một cuộc đàm phán chính thức với cấp chỉ huy tối cao của họ.

Chiều tối 19 tháng 8, phái đoàn đàm phán của Việt Minh do ông Lê Trọng Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu đã trực tiếp gặp gỡ và đàm phán với tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng phía Nhật, đúng như đã được dự đoán, đã chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh; đổi lại binh lính của họ sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Họ đã chấp nhận chính quyền cách mạng. Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Hà Nội bởi phe Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn loại trừ mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại thủ đô vào thời điểm đó.


Diễn biến tại Huế
Ngày 17/8/1945 chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân nhưng cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Ngày 23/8 khởi nghĩa giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa có sự đóng góp của lực lượng Thanh niên tiền tuyến (Thanh niên Phan Anh).

Diễn biến tại miền Nam
Tại Sài Gòn, Huỳnh Phú Sổ kết hợp các tổ chức chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc dân đảng... thành Mặt trận Quốc gia Việt Nam Thống nhất, tổ chức một cuộc biểu tình lớn chống Pháp.



Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) là người sáng lập đạo Hòa Hảo.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Việt Minh mà Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật).

 
Đến ngày 28 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh cướp được chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.



Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị
 
Ngày 22 tháng 8, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị, họ đã giành được chính quyền. Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 30 tháng 8, hàng mấy vạn người tụ tập trước Ngọ Môn Lâu xem nhà vua thoái vị, ông tuyên bố
"Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".


Vua Bảo Đại (Đứng giữa).

Sau đó công dân Vĩnh Thụy trao ấn, kiếm cho đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu và được gắn huy chương. Khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị, Hồ Chí Minh ở Tân Trào mới về Hà Nội, dân chúng vẫn chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.


Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945
 
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố sự khai sinh của một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn, dựa theo bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, bắt đầu bằng câu:
"Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".


Hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Tiếp theo đó, đất nước non trẻ tổ chức tổng tuyển cử, xây dựng nhà nước dân chủ độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh được 98% ủng hộ.



Tại Sài Gòn
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh và tại Sài Gòn kéo về quảng trường Norodom (gần nhà thờ Đức Bà) chờ được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập từ quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Nhưng do thời tiết xấu và trình độ kỹ thuật lúc đó, những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh trước quốc dân không đến được với những người dự mít tinh.

Ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chính Nam Bộ bước lên khán đài kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, "sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân, đế quốc trở lại xâm lược nước ta lần nữa". Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người được cử chức Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời thay mặt chính phủ tuyên thệ trước quốc dân "Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước, vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam".

Khi cuộc mít tinh chuyển sang biểu tình tuần hành, từ trên những tầng lầu cao xung quanh, quân Pháp đã nổ súng bắn vào đoàn biểu tình tuần hành làm 47 người chết và bị thương. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, ông Trần Văn Giàu viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến:
"Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu..."
Với sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.


http://diendanbaclieu.net

Tinh thần ngày Quốc khánh 2/9 đời đời bất diệt!

Tinh thần ngày Quốc khánh 2/9 đời đời bất diệt!

Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2-9-1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2-9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuối tháng 1- 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám do Hồ Chí Minh chủ trì, đã khẳng định rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, theo tinh thần dân chủ mới; và chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới sẽ  là của chung của toàn thể dân tộc.
 
Hình 1: Chiến thắng của Cách mạng tháng 8/1945

Năm 1945, tình hình trong nước biến chuyển rất mau lẹ. Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Quân Đồng minh chuẩn bị kéo vào nước ta để giải giáp vũ khí của Nhật. Thực dân Pháp cũng đang ráo riết chuẩn bị quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế lúc này là vô cùng khẩn cấp, nhưng cũng là thời cơ ngàn năm có một, nếu để trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại. Cần phải chớp thời cơ, dũng cảm và kiên quyết, kịp thời tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chiếm thế thượng phong trước các thế lực đang nhăm nhe thôn tính Việt Nam, xác lập địa vị  làm chủ đất nước của chính quyền nhân dân trước khi Đồng minh kéo vào nước ta và thực dân Pháp quay trở lại. Với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Lúc này dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc.

Trong hai ngày 16 và 17-8-1945, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh tổ chức khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đại hội đã thông qua chủ trương phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đại hội cũng thông qua nhiều chính sách lớn về đối nội, đối ngoại; thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, bao gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.

Với sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh, Tổng khởi nghĩa Mùa thu tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi vang dội, xoá bỏ ách thống trị của phong kiến, thực dân; quyền làm chủ đất nước lần đầu tiên được trao về tay nhân dân lao động.

Sau khởi nghĩa, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã đã bổ sung thêm nhiều nhân sỹ, trí thức có tâm huyết và tinh thần yêu nước, thành lập Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 2-9-1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, bao gồm hàng trăm ngàn đồng bào Hà Nội và cả nước đổ về tụ hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!

 
Hình 2: Bản tuyên ngôn độc lập của Bác

....Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”


Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2-9-1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2-9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 
Hình 3: Bác đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9

Và cũng bắt đầu từ Tuyên ngôn 2-9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 66 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
 
Hình 4: Bác sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam

Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc  gia có uy tín trên trường quốc tế. Kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9-1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản