Nguyệt san Pháp luật
Lê Phong Lan
Trước khi đi vào đàm phán những nội dung chính yếu của hiệp định, đã có một cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và Mỹ để thống nhất cách thức ngồi vào bàn hội nghị thế nào.
Bài 1: Đường đến Paris
LTS: Sau quá trình đấu tranh ngoại giao cam go và căng thẳng kết hợp nhiều yếu tố quân sự, chính trị, cuối cùng bản hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris ngày 27-1-1973, mở đường cho dân tộc Việt Nam giành lại độc lập và thống nhất nước nhà.
Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris (27-1-1973 _ 27-1-2013), Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Lê Phong Lan nói về chiến thắng không chỉ trên mặt trận ngoại giao xung quanh cuộc đàm phán lịch sử này.
Sự kiện tết Mậu Thân 1968 đã trực tiếp buộc chính quyền Lyndon B. Johnson phải xuống thang chiến tranh và tìm kiếm một giải pháp chính trị để rút khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên cho đến khi hội nghị bốn bên chính thức diễn ra tại Paris là một câu chuyện dài đấu trí, đấu lý căng thẳng, kiên trì và bền bỉ giữa ta và Mỹ.
Bước ngoặt làm đảo lộn toan tính của Mỹ
Ngay từ thời điểm năm 1967, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chủ trương đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, kết hợp vừa đánh vừa đàm để chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến. Phía ta đã nhiều lần đề nghị Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, tiến tới thương lượng giữa hai bên. Về phía Mỹ, một số nhân vật cấp cao cũng bắt đầu nhận thấy sự cần thiết của con đường thương lượng hòa bình.
“Có độ 4-5 nhân vật cấp cao tỉnh táo, thức thời. Họ đã sớm nghĩ tới việc Mỹ nên rút khỏi cuộc chiến này và rằng cần chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam để đi vào đàm phán, tìm cách đưa quân Mỹ về nước. Người đầu tiên nghĩ đến điều này là McNamara. Người thứ hai là một giới chức tình báo Mỹ” - ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao chia sẻ.
Thế nhưng Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson lúc đó lại không phải là người thức thời. Ông ta đã bỏ qua những lời cảnh tỉnh sáng suốt đó.
Với quyết tâm thực hiện một đòn chiến lược quyết định, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta, cũng trong năm 1967, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã phê chuẩn một kế hoạch tuyệt mật về “Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968”.
Quang cảnh Hội nghị Paris. Ảnh: TƯ LIỆU
Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, quân giải phóng đã đồng loạt tấn công vào 5/6 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn/quận lỵ trên toàn miền Nam, mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Đây được xem là một đòn táo bạo, bất ngờ, choáng váng đối với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho rằng: “Mục tiêu đích thực lúc đó là chúng ta đánh một đòn chiến lược để buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Chúng ta không bao giờ chấp nhận ngồi hội đàm với Mỹ khi mà bom đạn còn dội lên miền Bắc”.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 được các nhà nghiên cứu đánh giá là một sự kiện lịch sử vĩ đại vì nó đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến tranh, làm đảo lộn mọi chiến lược, toan tính của phía Mỹ.
Sau đợt 1 tết Mậu Thân, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã đơn phương tuyên bố hạn chế hoạt động ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam và chính thức gợi ý về một giải pháp ngoại giao, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).
Những cuộc tiếp xúc đầu tiên
Thời điểm Tổng thống Johnson đưa ra lời đề nghị trên, ta đứng trước sức ép rất lớn từ các nước thân cận (về việc nên hay không nên nhận lời đàm phán với Mỹ vào lúc đó), cũng như việc họ muốn có vai trò trong sự kiện lịch sử này như đã từng xảy ra với Hiệp định Genève.
Tôn trọng ý kiến của các nước anh em nhưng đồng thời vẫn giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chủ trương phải tự mình thương lượng với Mỹ và đã tính toán nhiều khả năng. “Không chấp nhận cũng không được, mà chấp nhận cũng không xong. Ta mới tìm một phương án rất hay, phương án nửa chừng. Không dừng, không bác, mà chấp nhận ngồi tiếp xúc. VNDCCH sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ để bàn tiếp việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc” - nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại.
Trong những cuộc tiếp xúc bí mật mang tính “tiền trạm”, hai bên đã có những tranh luận kéo dài về việc lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị. Cuối cùng, ngày 2-5-1968, hai bên thống nhất chọn Paris - thủ đô nước Pháp làm nơi tổ chức cuộc đàm phán lịch sử theo đề nghị của phía VNDCCH. Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chia sẻ: “Paris có thể nói là trung tâm của châu Âu, đầu mối về thông tin quốc tế rất quan trọng, rất thuận lợi để cả thế giới theo dõi cuộc đàm phán. Nơi đây, chúng ta có rất nhiều bạn bè trong nhân dân Pháp như Đảng Cộng sản Pháp, những phong trào thanh niên, phụ nữ, công đoàn… ủng hộ chúng ta. Phong trào kiều bào ở đây cũng rất mạnh. Có lẽ, phía Mỹ nghĩ rằng Paris ở châu Âu và Paris là thủ đô của nước Pháp đã từng thống trị Việt Nam nên thuận lợi cho họ. Nhưng mà chính ra nơi ấy lại thuận lợi cho chúng ta”.
Ngày 13-5-1968, cuộc họp chính thức giữa hai bên đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Kléber, Paris. Về phía Chính phủ VNDCCH, dẫn đầu là trưởng đoàn Xuân Thủy (Bộ trưởng Ngoại giao), phó đoàn Hà Văn Lâu cùng nhiều chuyên gia và chuyên viên trên các lĩnh vực khác nhau. Đến ngày 3-6, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được cử làm cố vấn đặc biệt đến Paris tham dự hội nghị. Phía Mỹ, hai nhà ngoại giao kỳ cựu là Averell Harriman và Cyprus Vance được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn và phó đoàn.
Nhắc về những ngày đầu tiên của hội nghị Paris,ông Trịnh Ngọc, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris, nói đây là giai đoạn đàm phán để giải quyết những vấn đề cơ bản trước khi bước vào giai đoạn tiếp theo. “Từ ngày 13-5-1968, lập trường kiên quyết của Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện ném bom miền Bắc thì chúng ta mới bàn những vấn đề khác. Còn phía Mỹ, họ đòi thảo luận cả gói, chính trị, quân sự cùng một lúc. Ta không đồng ý. Cứ dằng dai như vậy, đến ngày 30-10-1968, Tổng thống Johnson mới tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc”.
Hai bên và bốn bên
Ngoài vấn đề then chốt buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom phá hoại miền Bắc, hai bên cũng có những tranh cãi quyết liệt về thành phần các đoàn tham dự đàm phán trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc đấu tranh để khẳng định hội nghị bốn bên hay hai bên mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đặc biệt là trước dư luận thế giới.
Ông Thái kể: “Lập luận của ta là hội nghị này bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nếu không có đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), chúng ta không thể thảo luận được vấn đề chấm dứt chiến tranh. Miền Bắc không thể đại diện cho miền Nam mà phải có mặt của đoàn miền Nam”. Ngược lại, phía Mỹ yêu cầu phải có đại diện của Chính phủ VNCH tham dự hội nghị. Cuối cùng, hai bên cũng đi đến thống nhất về thành phần tham dự hội nghị, gồm bốn đoàn: VNDCCH, MTDTGPMNVN, Mỹ và VNCH.
Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế… thì trưởng đoàn Xuân Thủy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình - người được báo chí phương Tây phong tặng biệt danh “Nữ hoàng Việt cộng” với dáng vẻ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng...
|
Do lập trường và quan điểm khác nhau, những phiên họp cuối năm 1968 đầu năm 1969, tranh cãi của hai bên chỉ tập trung vào câu chuyện hình dáng cái bàn họp mà các đoàn sẽ ngồi đàm phán. Phía Việt Nam cho đây là cuộc đàm phán bốn bên nên đề nghị một bàn vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh. Phía Mỹ khăng khăng đàm phán hai bên nên đề nghị một bàn hình chữ nhật, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi một bên, VNDCCH và MTDTGPMNVN ngồi một bên...
Cuối cùng, đến 15-1-1969, hai bên thống nhất chọn bàn tròn, kèm hai bàn chữ nhật dành cho thư ký, theo gợi ý của vị đại sứ Liên Xô. Với kiểu bàn này, hiểu theo bốn bên cũng được mà hai bên cũng xong. Sau này, khi bước vào đàm phán, hai đoàn ta ngồi tách biệt thành hai đoàn độc lập. Riêng đoàn Mỹ và đoàn chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một. Cách ngồi này có lợi cho ta mà bất lợi cho họ trước dư luận thế giới.
Ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao - Bộ Ngoại giao, phân tích: “Không phải ngay sau khi kết thúc giai đoạn hai bên là có hội nghị bốn bên mà phải chờ đến ngày 25-1-1969 thì mới bắt đầu. Vì sao lại phải mất hai tháng trời để khai mạc hội nghị bốn bên? Đây là một vấn đề chính trị. Phía Mỹ tuy đã đồng ý MTDTGPMNVN dự hội nghị Paris nhưng vẫn không thừa nhận sự tồn tại của Mặt trận”.
Sau những tranh cãi gay gắt và bất đồng về quan điểm, lập trường, cuối cùng ta và Mỹ cũng đã đạt được những thỏa thuận chung để bước vào hội đàm Paris, bắt đầu một cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới.
Bài 2: Hình ảnh Việt Nam tại Paris
Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng…
Trong lịch sử ngoại giao thế giới và ngoại giao Việt Nam, chưa từng có một hình thái đấu tranh đặc biệt như thời kỳ ở Paris. Trên bàn đàm phán công khai, rõ ràng có hai phái đoàn độc lập, đấu tranh trực diện với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Nhưng thực chất hai đoàn đó lại là một.
Phân vai
Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris, phân tích: “Vì cả hai đoàn đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất ở trong nước (của Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ). Ở trong nước chỉ đạo có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đoàn VNDCCH làm gì, đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) VN làm gì”. Và trên hết, hai đoàn đều có chung một mục tiêu quan trọng là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (CPCMLT CHMN) VN, cho rằng đây là một chủ trương, sáng kiến tài tình, mang tính chiến lược và sách lược của Đảng ta. Hai phái đoàn dưới hai góc độ khác nhau sẽ phát huy được sức mạnh của mình trên mặt trận đối ngoại rộng lớn và sống động, để phục vụ tốt nhất cho mục đích chung. Đoàn VNDCCH đại diện cho nhân dân miền Bắc XHCN, gắn bó với khối XHCN, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Còn đoàn MTDTGPMN VN đại diện cho các tầng lớp nhân dân miền Nam đang trực tiếp cầm súng chiến đấu, với một đường lối ngoại giao mềm dẻo, hòa bình và trung lập. Nhờ đó, bên cạnh sự ủng hộ của khối XHCN, chúng ta còn tranh thủ được cả các tầng lớp nhân dân thế giới. “Đó là những người tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình, công lý, kể cả những người sợ cộng sản hay những người không ưa CNXH thì vẫn ủng hộ ta. Điều đó đã làm tăng sức mạnh của chúng ta về chính trị, về ngoại giao. Và cái đó có thể tác động đến chiến trường trong nước của chúng ta” - bà Bình nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bình trong vòng tay bạn bè quốc tế. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 6-6-1969, ngoại giao miền Nam được nâng cao vị thế trên bàn đàm phán khi CPCMLT CHMNVN được thành lập. Về ý nghĩa ra đời của CPCMLT, bà Bình chia sẻ: “Nó không chỉ phản ánh sự lớn mạnh của cuộc đấu tranh trong nước mà còn tạo cho ta một cái thế mới, ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để ngang hàng với ba bên còn lại trên bàn đàm phán. Từ đó nó rất thuận lợi cho ta không chỉ trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các đoàn thể mà còn với cả chính phủ các nước, đến khi giải phóng miền Nam đã có 65 nước công nhận CPCMLT”.
Từ sự phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa hai phái đoàn ta trong toàn bộ quá trình đàm phán, nhiều sử gia nhận xét rằng ngoại giao hai miền Nam-Bắc lúc ấy cực kỳ ăn ý. Ăn ý từ việc xác định nhiệm vụ, phương pháp đàm phán cho từng thời kỳ, từng phiên họp, từng bài phát biểu công khai của các trưởng đoàn, trong họp báo... đến các hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân bên lề hội nghị. Tất cả giải pháp thương lượng luôn do đoàn CPCMLT đề xuất và công bố.
Ngoại giao Xuân Thủy
Trong các cuộc họp công khai bốn bên, cố vấn Lê Đức Thọ thường không tham dự. Vai trò “nhạc trưởng” được giao cho Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH. Giữa lúc phía Mỹ liên tục thay đổi các trưởng đoàn thì ông Xuân Thủy luôn tỏ rõ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sắc sảo và không thể thay thế.
Khi nhắc đến vị trưởng đoàn đặc biệt này, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, cho rằng đây là một con người rất lạ. Lạ vì ông từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí, từ Mặt trận, Quốc hội đến làm thơ, viết báo, chủ nhiệm báo, từ ngoại giao nhân dân đến ngoại giao nhà nước, rồi bước vào bàn đàm phán... “Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phong thái của ông. Ông Xuân Thủy tính tình rất điềm đạm, lúc nào cũng tỉnh táo. Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế, ông ấy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình”.
Nụ cười của Bộ trưởng Xuân Thủy trước ống kính truyền hình quốc tế. Ảnh: LIFE
Đã 40 năm trôi qua nhưng ông Hà Đăng - người phát ngôn của Đoàn đại biểu CPCMLT CHMNVN tại Hội nghị Paris vẫn còn nhớ như in phong thái thân thiện, lịch thiệp của nhà ngoại giao Xuân Thủy. “Trước kia nhiều người cứ nghĩ cộng sản cứng nhắc thế này thế nọ. Nhưng khi gặp ông Xuân Thủy rồi thì họ phải thay đổi cái nhìn. Đặc biệt, nụ cười thân thiện của ông đã trở thành một “thương hiệu” không thể nào quên với những ai từng tham dự Hội nghị Paris. Nụ cười ấy dường như không còn của riêng ông nữa mà đã trở thành nụ cười tiêu biểu của nhân dân Việt Nam” - ông Hà Đăng nhớ lại.
Trí tuệ cũng như tài đối đáp sắc sảo, bản lĩnh, uyên thâm của Trưởng đoàn Xuân Thủy trong các cuộc họp hội nghị công khai, đấu tranh trước dư luận, báo chí, trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng trở thành những ấn tượng, giai thoại đặc sắc. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh kể: “Trong một cuộc họp, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Averell Harriman nói: “Tôi không bàn chuyện hai bên rút quân, không rút quân nữa. Tôi xin hỏi bộ trưởng (Xuân Thủy) một câu thôi, có quân miền Bắc ở miền Nam không? Bộ trưởng cho tôi một chữ có hay không?”. Ông Xuân Thủy không trả lời có hay không mà trả lời thế này: “Bảo vệ đất nước là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam có quyền chiến đấu ở bất kỳ nơi nào trên đất nước mình””.
“Nữ hoàng Việt cộng”
Trong bốn đoàn đàm phán tham dự Hội nghị Paris, chỉ duy nhất đoàn CPCMLT CHMNVN có thành viên nữ và lại được dẫn dắt bởi một phụ nữ. Chính vì thế đoàn miền Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cánh báo chí và dư luận quốc tế lúc bấy giờ. Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Đoàn ta có năm trong số 15 thành viên là phụ nữ. Tất cả đều là những phụ nữ giỏi và xinh đẹp. Điều này cũng tạo một ấn tượng tốt trong dư luận”.
Cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp) khi hai đoàn VNDCCH và CPCMLT CHMNVN vào họp. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngay từ lúc đặt chân đến Paris, bà Nguyễn Thị Bình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với biệt danh “nữ hoàng Việt cộng” mà báo chí phương Tây đã phong tặng. Ban đầu, bà tham gia với tư cách trưởng đoàn trù bị, rồi phó đoàn của MTDTGPMN VN, về sau bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao - trưởng đoàn đàm phán của CPCMLT. Bà là người phụ nữ tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của các tầng lớp nhân dân miền Nam, của phụ nữ miền Nam, từ mái tóc búi “giống mẹ của tôi” như nhiều kiều bào nhận xét, đến bản lĩnh và trí tuệ can trường và tinh thần quật khởi, anh dũng của người miền Nam.
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong lời giới thiệu cuốn hồi ký của bà Bình, đã nhận xét: “Thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một VN đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...”.
Trong suốt gần năm năm theo đuổi cuộc đàm phán, bà Bình và các thành viên của đoàn CPCMLT đã hoàn thành sứ mạng của mình trên mặt trận ngoại giao nhân dân, làm cho thế giới hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại: “Trong tất cả các vị trưởng đoàn, người được đi nhiều nước và được mời nhiều nhất là bà Bình. Chính nhờ những chuyến đi đó mà bà Bình đã nắm bắt được cơ hội, vận động kết nạp CPCMLT làm thành viên của phong trào Không liên kết”.
Chính sự kết hợp hài hòa, ăn ý giữa hai phái đoàn đàm phán, giữa ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân, ngoại giao hai miền Nam-Bắc, đặc biệt qua hình ảnh, nhân cách và trí tuệ của hai vị trưởng đoàn Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình đã đem lại sự ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân thế giới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, góp phần vào thắng lợi của cuộc đàm phán Paris lịch sử.
Bài 3: Vừa đánh vừa đàm
Sau khi ta giải phóng Quảng Trị, chính quyền Sài Gòn quyết tâm tái chiếm nơi này để mặc cả trên bàn đàm phán...
Khi đến Paris dự đàm phán, Mỹ vẫn còn ở thế mạnh. Hội nghị Paris vì thế ngoài việc đấu trí trên bàn đàm phán còn phải phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt ở chiến trường trong nước. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật vừa đánh vừa đàm của dân tộc ta.
Làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”
Cuối năm 1968, Richard Nixon đắc cử tổng thống Mỹ, nối tiếp vai trò của chính quyền Lyndon B. Johnson trên bàn đàm phán Paris. Để cứu vãn uy thế của nước Mỹ, Nixon đưa ra khẩu hiệu “hòa bình trong danh dự”, với tham vọng đàm phán, rút quân trên thế thắng tại bàn Hội nghị Paris.
Để thực hiện tham vọng trên, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” tại miền Nam Việt Nam, thí điểm bằng cuộc hành quân quy mô mang tên “Lam Sơn 719”. Phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã huy động đến bốn vạn quân, với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của Mỹ, mở cuộc hành quân tấn công vào Hạ Lào từ ngày 31-1-1971, với tham vọng phá vỡ hệ thống hậu cần của ta và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.
Sau gần hai tháng triển khai, cuộc hành quân này đã bị quân và dân ta phối hợp với nước bạn Lào đánh bại hoàn toàn. Bước đầu mong muốn giành ưu thế trên bàn đàm phán của Mỹ và VNCH đã bị phá sản.
Thiếu tướng-anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, cựu binh Sư đoàn 304 từng tham chiến tại chiến trường Đường 9-Quảng Trị, chia sẻ: “Đây là một trong những chiến dịch phản công mẫu mực và ít hao người tốn của nhất trong số các chiến dịch của ta tổ chức từ trước tới nay. Với chiến thắng này, ta đã đánh quỵ và gần như làm sụp đổ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy”.
Cố vấn Lê Đức Thọ với nụ cười thắng lợi tại Hội nghị Paris. Ảnh: TƯ LIỆU
Giữ thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá
Tiếp nối đà thắng lợi, để tạo thế và lực cho ta bước vào “giai đoạn nước rút” của đàm phán Paris trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Đây được xem là cuộc tổng tấn công chiến lược của quân dân ta trên các hướng chiến trường trọng điểm Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên, bằng các chiến dịch hợp đồng binh chủng trên quy mô lớn, mở màn từ ngày 30-3-1972.
Đến ngày 1-5-1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện này đã gây rúng động cả thế giới.
Để cứu vãn tình thế, phía VNCH, dưới sự yểm trợ của Mỹ, quyết tâm tái chiếm Quảng Trị trước ngày 13-7-1972 để mặc cả trên bàn đàm phán. Trận chiến 81 ngày đêm giữ vững thành cổ Quảng Trị vì thế diễn ra quyết liệt, giằng co giữa hai phía, trở thành một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống Mỹ.
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói do tầm quan trọng của trận đánh này trên bàn đàm phán mà ta quyết tâm phải giữ vững thành cổ Quảng Trị bằng mọi giá. Mức độ tàn khốc của mặt trận này biểu hiện qua sự hy sinh, mất mát lớn về quân số. “Mỗi ngày chúng ta mất một đại đội. 81 ngày chúng ta mất 81 đại đội”. Ông khẳng định: “Trận đánh này rất đặc biệt. Chưa bao giờ có một trận đánh mà gần như toàn bộ Bộ Chính trị tập trung theo dõi từng bước đi của từng trung đoàn, sư đoàn như trận đánh này. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã có những bức điện trực tiếp chỉ thị cho cấp trung đoàn”.
Buộc Mỹ phải đàm phán nội dung thực chất
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN), kể những năm tháng ở Paris, phái đoàn ta thường theo dõi rất sát sao tình hình chiến trường trong nước để quyết định phương thức đấu tranh trên bàn đàm phán. Nhưng lúc đó điện đàm giữa Paris-Việt Nam có phần hạn chế nên phái đoàn ta thường phải theo dõi thông tin qua các báo đài, hãng thông tấn quốc tế.
Hai đoàn VNDCCH và CPCMLT CHMNVN tại Paris. Ảnh: TƯ LIỆU
Khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 mở màn, đàm phán Paris lâm vào bế tắc. Trưởng đoàn Xuân Thủy chủ trương mở tiệc chiêu đãi để tiếp xúc, tìm hiểu dư luận, hỗ trợ cho chiến trường. Ông Hà Đăng, người phát ngôn của Đoàn đại biểu CPCMLT CHMNVN tại hội nghị Paris, kể khi các nhà báo nước ngoài hỏi Trưởng đoàn Xuân Thủy về tình hình, diễn biến của Hội nghị Paris, ông đã ví von rằng: “Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Có nhà báo hỏi vậy Việt Nam là con kiến hay cái cành cụt. Ông Xuân Thủy cười: “Chúng tôi không phải cành cụt, cũng không phải con kiến”. Câu trả lời hàm ý chỉ tình trạng tiến thoái lưỡng nan của phía Mỹ.
Nhớ lại thời điểm bước ngoặt của cuộc đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Các trận đánh ác liệt năm 1972, đặc biệt là trận đánh 81 ngày đêm ở Quảng Trị, đã thúc đẩy đàm phán đi vào thực chất. Và những đòn tấn công ngoại giao của ta cũng có tính đột phá. Phải nhớ là trên bàn ngoại giao ta đã đưa ra giải pháp 10 điểm, rồi bổ sung 8 điểm, 7 điểm, 2 điểm. Tất cả phối hợp lại thúc đẩy Mỹ đi vào thực chất vào tháng 8-1972. Hơn nữa, lúc bấy giờ cũng sắp bầu cử ở Mỹ nên họ cũng có những tính toán riêng”.
Theo ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao - Bộ Ngoại giao, trong những cuộc đàm phán thời điểm cuối năm 1972, ta có sự linh hoạt, “biết chọn thời cơ và ngã bài đúng lúc”. Từ chỗ đặt vấn đề quân sự, chính trị cùng giải quyết song song đến việc chấp nhận để lại vấn đề chính trị cho người Việt Nam tự giải quyết, điều cốt yếu là Mỹ phải rút quân. Đến đầu tháng 10-1972, bản dự thảo hiệp định về cơ bản đã hoàn tất. Hai bên dự định sẽ ký tắt vào ngày 19 và ký chính thức vào ngày 26-10. Thế nhưng trên thực tế, điều này đã không xảy ra bởi sự lật lọng của Mỹ vào phút chót...
“Mỹ ra, ta ở lại”
Trong suốt quá trình đàm phán Paris, ta luôn kiên quyết giữ vững lập trường then chốt, đó là quân đội Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam có quyền ở lại chiến trường miền Nam.
PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, kể: Trước ngày cố vấn Lê Đức Thọ lên đường sang Paris, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn căn dặn: “Anh Thọ sang bàn gì thì bàn, anh mặc cả, thỏa hiệp gì thì thỏa hiệp nhưng dứt khoát tôi không cho rút một người lính nào ra khỏi miền Nam”. Chủ trương này về sau được cô đọng thành câu khẩu hiệu “Mỹ ra, ta ở lại”.
Phía Mỹ đưa ra điều kiện quân Mỹ rút thì quân miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam. Ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, kể: Trong một cuộc gặp riêng, cố vấn Henry Kissinger đưa ra một cuộn băng và một tấm ảnh bảo đây là bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện, “xâm lược” của quân đội miền Bắc vào miền Nam. Rồi Kissinger đề nghị: “Tôi đồng ý rút nhưng mà các anh cũng phải rút”. Phản bác lại yêu cầu của cố vấn Mỹ, ta lập luận, nếu đặt giả thuyết bang Washington bị ngoại xâm, người của bang New York đến cứu bang Washington, hành động này sao có thể xem là “xâm lược”. Và rằng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi đánh nhau là việc của chúng tôi. Các anh là nước ngoài nên các anh phải rút”. Trước lập luận sắc bén này, phía Mỹ lâm vào thế bí và dư luận thế giới lại thêm hiểu về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà Mỹ nhượng bộ. Phải đợi đến khi quân dân ta giành được những thắng lợi về quân sự trên chiến trường ở cả hai miền Nam-Bắc thì Mỹ mới chấp nhận điều kiện then chốt này của ta.
|
Bài 4: Giành lấy chìa khóa hòa bình
Hẳn nhiên Hiệp định Paris đã mở cánh cửa hòa bình cho Việt Nam. Nhưng để có được chiếc chìa khóa này, dân tộc ta đã đổ biết bao máu xương để giành lấy nó…
Với những thành viên trong hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN) tham dự hội nghị Paris, thời điểm cuối năm 1972 trôi qua với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tháng 10-1972, tia hy vọng đã lóe lên sau bốn năm thương lượng trong bế tắc. Sau những cuộc gặp riêng bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, bản dự thảo hiệp định với những điều khoản có lợi cho ta đã được hai bên thống nhất và dự định sẽ ký tắt vào ngày 19-10, ký chính thức vào ngày 26-10-1972. Nhưng...
Bắn hạ hàng loạt “pháo đài bay” B52
Sau khi Richard Nixon tái đắc cử tổng thống, sự hy vọng chuyển thành thất vọng lớn. Phía Mỹ đòi thương lượng lại những điều khoản then chốt trong bản dự thảo hiệp định. Đàm phán lại đi vào bế tắc. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ - thành viên phái đoàn VNDCCH tại Paris, nhớ lại: “Chưa bao giờ cái tâm trạng trong đoàn nó uất ức, căm phẫn đến như thế. Anh Xuân Thủy tổ chức họp báo. Anh trả lời với các nhà báo rất chặt chẽ, rằng “tất cả tội ác không thể đổ cho Sài Gòn được. Đây là Mỹ không chịu ký, Mỹ không thành thật ký với chúng tôi. Mỹ đã không giữ lời hứa”. Chưa bao giờ anh Xuân Thủy lên án Mỹ mạnh mẽ như thế”.
Giữa lúc cố vấn Lê Đức Thọ lên đường trở về Hà Nội để báo cáo tình hình với Bộ Chính trị, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch Linebacker II, với quyết tâm dùng B52 hủy diệt miền Bắc, hòng bắt ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán. Chiến dịch kéo dài từ ngày 18 đến 30-12-1972. Mỹ đã sử dụng đến 741 lượt B52 với sự hỗ trợ của 3.920 lượt máy bay chiến thuật, đã ném tổng cộng hơn 36.000 tấn bom hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên..., trở thành một trong những cuộc không kích dữ dội nhất, với cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đang đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử. Ảnh: TƯ LIỆU
Không khuất phục trước sức mạnh và sự tàn bạo của không quân Mỹ, quân dân miền Bắc đã kiên cường chiến đấu trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động cả thế giới.
Cuối cùng, “thần tượng B52” - pháo đài bay bất khả xâm phạm của Mỹ bị sụp đổ, khi vấp phải sự phản kích dữ dội của hệ thống phòng không mưu trí, sáng tạo của bộ đội ta. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52 (*).
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của CPCMLT CHMNVN tại Paris, nói trước đó tất cả thành viên trong đoàn đều cảm thấy lo lắng, bạn bè các nước cũng lo lắng thay ta. “Nhưng sau khi nghe tin ta hạ được máy bay B52 thì ai nấy đều rất phấn khởi” - bà Bình nhớ lại.
Bản hiệp định lịch sử được ký kết
Sau chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam, Mỹ đề nghị nối lại các cuộc đàm phán mà họ đã đơn phương chấm dứt trước đây. Trong ký ức của ông Nguyễn Khắc Huỳnh, cuộc họp ngày 8-1-1973 khá đặc biệt, vì gần như toàn bộ thời gian cố vấn Lê Đức Thọ dành để lên án gay gắt tội ác của Mỹ. “Ngày mùng 9-1 là ngày chúng tôi vui nhất vì là ngày cơ bản kết thúc việc thương lượng. Hai bên đã thỏa thuận mọi điều khoản” - ông Huỳnh nói.
Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger đặt bút ký tắt vào văn bản hiệp định. Đến ngày 27-1-1973, bốn bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH), Nguyễn Thị Bình (CHMNVN), William P. Rogers (Mỹ) và Trần Văn Lắm (VNCH) đã đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris, sau bốn năm tám tháng 16 ngày đàm phán với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng.
Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) đang ký vào Hiệp định Paris. Ảnh: TƯ LIỆU
Bà Nguyễn Thị Bình nhìn nhận: “Chúng ta khi ký Hiệp định Paris là đã biết thắng lợi. Nhưng mà thắng lợi như thế nào, mức độ nào còn là vấn đề. Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, tương quan lực lượng đã thiên về ta rồi thì nay sẽ càng nghiêng hơn. Cái đó chúng ta chắc chắn. Cho nên chúng ta mới chấp nhận ở trong hiệp định điều căn bản là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Còn vấn đề chính trị, chúng ta gác lại”.
Còn ông Vũ Dương Huân, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao - Bộ Ngoại giao, thì nhận định: “Hiệp định Paris được ký kết còn chứng minh một điều là: công lý, chân lý sẽ thắng. Nước Việt Nam tuy nhỏ bé, lạc hậu nhưng cũng có thể thắng Mỹ, có thể chiến thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn. Cái chiến thắng của Hiệp định Paris nó thúc đẩy hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà”.
Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genève”.
Như vậy cuối cùng Mỹ đã buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà họ đã trì hoãn gần 20 năm, khi từ chối ký biên bản thực thi Hiệp định Genève.
Hai hiệp định, cùng một mục đích, có khác chăng là nó cách nhau gần 20 năm và đã được đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam. Và một điểm khác biệt rõ ràng nữa: Hiệp định Genève được các nước lớn thỏa thuận “trên lưng” chúng ta và Việt Nam buộc phải chấp nhận trong bối cảnh không thể khác; còn Hiệp định Paris do chính chúng ta thương lượng và quyết định về tương lai của dân tộc mình.
Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam
Thành công của hội nghị Paris có sự đóng góp rất lớn của dư luận thế giới, của nhân dân Pháp và cả nhân dân Mỹ. Cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ của nhân dân Việt Nam đã góp phần thức tỉnh lý tưởng đấu tranh vì hòa bình và công lý của nhân dân thế giới. Phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã phát triển sâu rộng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đặc biệt là phong trào phản chiến dữ dội ở Mỹ đã có những tác động đến chính sách của chính quyền Mỹ. Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng chúng ta phải biết ơn bạn bè thế giới đã đứng về phía ta trong những năm tháng sôi động đó.
Những tháng ngày đấu tranh ngoại giao tại Paris, hai phái đoàn ta đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phong trào kiều bào ở Pháp. Không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần, kiều bào còn tham gia tổ chức, hướng dẫn và giúp đỡ phái đoàn ta trong những cuộc mít tinh, tiếp xúc dư luận. Từ những người nấu ăn đến những người lái xe, phiên dịch cho tới tất cả những công việc mà kiều bào có thể đảm nhận được. Họ đồng thời cũng trở thành những “vệ tinh” tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta, những thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.
Với bà Bạch Vân, từng là Việt kiều ở Pháp thời điểm diễn ra hội nghị Paris, đó là một hồi ức đẹp về những tháng ngày hoạt động sôi nổi và nhiều ý nghĩa. Ngoài việc học, bà dành gần như toàn bộ thời gian của mình để hoạt động hỗ trợ cho phái đoàn ta, từ thu thập ý kiến dư luận Pháp, biểu diễn văn nghệ, theo phái đoàn tổ chức mít tinh đến quyên góp tài chính, vận động, tuyên truyền... Nhiều kiều bào ở nước Đức xa xôi cũng lặn lội lái xe trong đêm để đến Paris dự mít tinh của phái đoàn ta rồi sau đó lại vội vã vượt hàng trăm cây số để về cho kịp giờ làm hôm sau.
Chính nhờ có sự hậu thuẫn và ủng hộ to lớn của kiều bào và nhân dân tiến bộ trên thế giới, hai phái đoàn ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
|
Đạo diễn LÊ PHONG LAN
(*) Theo bài viết “Trận Điện Biên Phủ trên không” trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14-12-2004 thì số B52 bị ta bắn rơi là 34. Nhưng theo báo Quân Đội Nhân Dân (bài “Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên phủ trên không” ngày 19-12-2010) thì con số này là 23.
Bài cuối: Người từ chối Nobel Hòa bình
Khi được chọn trao Nobel Hòa bình năm 1973 (cùng với Kissinger), ông Lê Đức Thọ đã không nhận vì cho rằng hòa bình vẫn chưa lập lại trên đất nước Việt Nam.
Trong đàm phán Paris, những cuộc gặp riêng giữa ông Lê Đức Thọ - cố vấn phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và ông Henry Kissinger - cố vấn phái đoàn Mỹ giữ vai trò quyết định then chốt. Những lần gặp gỡ này là những cuộc đối đầu lịch sử gay cấn, thú vị, với nhiều giai thoại đặc sắc trước khi các bên đặt bút ký vào biên bản hiệp định.
Những cuộc đối đầu lịch sử
Tại hội nghị Paris, theo định kỳ, thứ Năm hằng tuần họp bốn bên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber để các đoàn đấu tranh công khai trước dư luận, trình bày lập trường, quan điểm của mình. Bên cạnh đó, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng (mật) giữa hai phái đoàn VNDCCH và Mỹ, do hai cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger chủ trì, cũng được xúc tiến song song.
Theo ông Trịnh Ngọc Thái (nguyên trợ lý trưởng đoàn đại biểu VNDCCH tại Hội nghị Paris), “tổng cộng có 36 cuộc gặp riêng trong thời kỳ họp hai bên và bốn bên. Những vấn đề về thực chất thì bàn và giải quyết ở các cuộc gặp riêng này”.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ - thành viên phái đoàn VNDCCH tại Paris, kể có những buổi họp hai bên trao đổi lý lẽ, lập luận tương đối điềm tĩnh. Nhưng có những ngày không khí rất căng thẳng, thậm chí có cả chuyện đập bàn, đập ghế. Ông Thái kể: “Một lần, Kissinger nói: “Ông Thọ này, nếu các ông cứng như thế này thì có lẽ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, bom đạn sẽ còn tiếp tục rơi ở miền Bắc”. Nghe vậy ông Thọ “phang” ngay: “Tôi xin ngắt lời ông. Có phải tôi với các ông mới đánh nhau hôm qua đâu. Tôi với các ông đánh nhau bốn, năm năm rồi. Bom đạn rơi bốn, năm năm rồi. Các ông đem bom đạn ra dọa tôi hôm nay không được đâu!””.
Cái bắt tay lịch sử giữa cố vấn Lê Đức Thọ với cố vấn Henry Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris và rời Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: washingtonpost.com
Giáo sư sử học Larry Berman trong tác phẩm Không hòa bình, chẳng danh dự đã cho rằng Richard Nixon đã học được từ Hiệp định Genève kinh nghiệm phải tranh thủ các đồng minh Liên Xô, Trung Quốc để gây áp lực, tác động đến đường lối ngoại giao của Việt Nam trên bàn đàm phán. Vậy nên, khi đàm phán lâm vào bế tắc, Nixon đã có những chuyến công du đến Trung Quốc, Liên Xô, thiết lập mối quan hệ bang giao để thực hiện mưu đồ của mình.
Ông Hà Đăng, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, kể trong một buổi họp riêng với Kissinger, cố vấn Lê Đức Thọ đã nói: “Tôi biết là các ông gần đây cũng chạy vạy rất nhiều chỗ này chỗ khác để tìm ra một giải pháp. Nhưng mà các ông nên hiểu, đây là vấn đề của Việt Nam diễn ra trên đất nước Việt Nam thì chỉ có tại bàn thương lượng này chúng ta mới có thể tìm ra được giải pháp chứ không phải chạy đi chỗ này chỗ khác. Và nếu ông còn đi theo con đường đó thì các ông còn thất bại”.
Lê Đức Thọ và Kissinger thường “ăn miếng trả miếng”, tranh cãi tay đôi để bảo vệ lập trường, quan điểm của mỗi bên. Với những nhân chứng từng tham gia đàm phán, Lê Đức Thọ là một nhà chiến lược tài ba, sắc sảo và rất quyết liệt, kiên trì trong việc bảo vệ lập trường của ta. Thêm vào đó, chính nghĩa thuộc về cuộc kháng chiến của quân dân ta nên Mỹ và Kissinger dù dùng nhiều thủ đoạn quân sự và ngoại giao khác nhau cũng không thể giành được “hòa bình trong danh dự” như họ mong đợi.
Lẩy từ Tam quốc chí, giới báo chí phương Tây đã ví von ngắn gọn về cuộc đối đầu đặc biệt này, rằng: “Trời đã sinh Kissinger sao còn sinh thêm Lê Đức Thọ”. Còn người trong cuộc, TS Henry Kissinger, hơn 30 năm sau đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”...
“Nhân dân mới là người xứng đáng”
Từ những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel chọn trao giải thưởng Nobel Hòa bình cùng với Henry Kissinger. Nhưng ông Lê Đức Thọ đã từ chối, vì ông cho rằng: “Hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam” và rằng: “Người xứng đáng (nhận giải thưởng Nobel Hòa bình) chính là nhân dân Việt Nam”.
Và ông đã nói đúng.
Ngay trước ngày ký kết Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu âm mưu phá hoại hiệp định, cắm cờ giành đất, gây nhiều tổn thất cho ta. Trên thực tế, Hiệp định Paris khi có hiệu lực chỉ được thi hành nghiêm chỉnh ở những điều khoản rút quân Mỹ và lực lượng chư hầu, trao trả tù binh Mỹ mà thôi.
Chiều 29-3-1973, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ta đã trao trả cho phía Hoa Kỳ những phi công Mỹ cuối cùng bị bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc. Hãng AFP đưa tin: “Trong suốt cả ngày và đêm 28-3, các máy bay vận tải quân sự và máy bay đi thuê (của các hãng tư nhân) bay đi, bay về giữa hai sân bay Clác và Tân Sơn Nhất để chở các lính Mỹ rút đi... Hôm nay, 29-3-1973, những lính Mỹ cuối cùng đã rời Nam Việt Nam hồi 17 giờ 30 phút giờ Sài Gòn. Người Mỹ cuối cùng rời khỏi Nam Việt Nam là đại tá không quân Đê-vít Ô-đen”.
Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3-1973, Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền Sài Gòn lại tiếp tục ra sức phá hoại hiệp định, hành quân lấn đất chiếm dân trong chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” trên toàn miền Nam. Trước tình hình đó, quân dân ta tiếp tục bước vào giai đoạn chiến đấu mới một cách không khoan nhượng. Vai trò của Hiệp định Paris, trên thực tế đã kết thúc.
Nhưng điều quan trọng nhất mà hiệp định đã thực hiện được là “quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại”. Mỹ đã một đi không thể trở lại, tạo điều kiện để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 30-4-1975, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân lịch sử trên toàn chiến trường miền Nam. Đất nước Việt Nam cuối cùng đã được thống nhất, non sông đã thu về một mối sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ.
Vài nét về ông Lê Đức Thọ
Trước khi Hội nghị Paris khai mạc, ông Lê Đức Thọ không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, càng không phải là một nhân vật được dư luận biết đến rộng rãi như Henry Kissinger.
Ông Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh năm 1911, trong một gia đình nho giáo thuộc ngoại ô TP Nam Định. 14 tuổi ông đã giác ngộ cách mạng. 17 tuổi (năm 1928), ông gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và một năm sau trở thành đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã hai lần bị bắt (năm 1930 và 1939), bị đày đi Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La - những nhà ngục khét tiếng của chế độ thực dân Pháp. Trong Cách mạng tháng Tám, ông Lê Đức Thọ được chỉ định vào Thường vụ Trung ương Đảng, trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu lịch sử 1945.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều vào Nam, cùng với ông Lê Duẩn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc, trở thành Trưởng ban Thống nhất Trung ương và được bổ sung vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), ông đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Sau đợt 1 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ông được điều vào Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Nhưng khi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định lập mặt trận ngoại giao và mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm ở Paris thì Bác Hồ đã viết thư tay kêu ông ra Bắc để làm nhiệm vụ cố vấn cho đoàn đàm phán VNDCCH.
Tháng 6-1968, ông Lê Đức Thọ đến Paris, bắt đầu những chuỗi ngày đàm phán cam go và căng thẳng. Ông phải đối đầu trực diện với Henry Kissinger - một nhân vật ngoại giao tầm cỡ và có rất nhiều thủ đoạn ngoại giao, được mệnh danh là “cây đại vĩ cầm về địa - chính trị” của Mỹ. Kể từ đây, ông Lê Đức Thọ trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và được cả thế giới biết đến.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét