Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Hội nghị Paris- Cuộc đấu trí cam go

Hội nghị Paris- Cuộc đấu trí cam go

Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, chưa có cuộc đàm phán nào kéo dài như Hội nghị Paris. Từ ngày 15-3-1968 đến 27-1-1973, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, ta đã buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở đường đi đến hòa bình

Nhìn lại hội đàm Paris 40 năm trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Cuộc đàm phán là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ. Thắng lợi của Hiệp định Paris ghi đậm dấu ấn của các nhà đàm phán tài ba, nổi bật là các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình…”.
Không cần phép mầu nào cả!
Ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của ông Lê Đức Thọ, là người có 18 năm làm việc với vị cố vấn giữ vai trò quan trọng của Việt Nam trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris. Ông Lợi đã chứng kiến toàn bộ diễn biến các cuộc đàm phán, sự khôn khéo cũng như đối sách của đoàn Việt Nam để thắng những kẻ lọc lõi phía bên kia.
 
Một lần trước khi vào bàn đàm phán: Trưởng đoàn Xuân Thủy bắt tay Henry Kissinger, đứng giữa
 là cố vấn Lê Đức Thọ. Ảnh: TƯ LIỆU
Hiểu rõ bản chất của Mỹ luôn ngạo mạn và ỷ vào thế mạnh về quân sự, ngoại giao, biết được kiến thức uyên thâm cũng như sự kiên định của ông Lê Đức Thọ, Hồ Chủ tịch đã quyết định cử ông tham gia các vòng đàm phán bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy với vai trò cố vấn đặc biệt. Đang là Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, ông Lê Đức Thọ đi thẳng từ chiến trường đến bàn Hội nghị Paris.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc và ký Tuyên bố Thượng Hải, trong đó Washington yêu cầu Bắc Kinh tham gia quá trình chấm dứt chiến tranh Việt Nam mà không cần đến các vòng đàm phán ở Hội nghị Paris. Cho là mình thắng thế, khi đến bàn đàm phán, Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, khiêu khích ông Thọ: “Ông cố vấn chắc có nghe các bạn nói về những đề nghị của chúng tôi?”. Ông Thọ đập lại: “Các nước anh em luôn ủng hộ chúng tôi nhưng không làm thay chúng tôi được. Trên chiến trường, chúng tôi đánh nhau với quân của các ông thì tại bàn đàm phán này, chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề đó, không cần có phép mầu nào cả”. Kissinger cụt hứng, ngồi im.
Trong gần 5 năm đàm phán, Mỹ thường xuyên đòi “phải có đi có lại”, nghĩa là họ và quân đội Bắc Việt Nam cùng rút quân khỏi miền Nam. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ luôn kiên định: “Đây là nguyên tắc mà chúng tôi không bao giờ thay đổi”. Phải đặt vào bối cảnh của cuộc đàm phán mới thấy được hết những khó khăn và sáng tạo của đoàn Việt Nam.
Tại hội đàm Paris, “cáo già” Kissinger đưa ra tuyên bố 69 điểm, trong đó cho hay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu hồi hương bộ đội miền Bắc và vấn đề miền Nam phải do Hà Nội và Sài Gòn cùng đàm phán. Hiểu ngay đề nghị này của Kissinger chỉ là “cái cớ” để đòi ta nhượng bộ, ông Lê Đức Thọ mạnh mẽ: “Nếu không giải quyết được vấn đề này, các ông có thể mang B52 ra đánh phá miền Bắc nhưng chúng tôi không chịu nhượng bộ, không chịu làm nô lệ”.
Căng tựa dây đàn
Với đối thủ khôn ngoan và trí trá như Kissinger, đoàn đàm phán của ta không ngừng phải thay đổi chiến thuật, khi mềm khi rắn, lúc cương lúc nhu. Khi Đại sứ Harriman, Trưởng đoàn Mỹ, lên giọng: “Nếu Việt Nam không thay đổi lập trường thì bom sẽ rơi trên đầu các ông”, Trưởng đoàn Xuân Thủy lớn tiếng: “Các ông đừng có dọa!”. Lúc này, ông Lê Đức Thọ lại “nhu”, nói: “Chúng ta đều hiểu là các ông muốn đàm phán, còn nếu các ông muốn tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi chẳng còn con đường nào khác là phải chiến đấu”.
Cuộc chiến trên bàn đàm phán thật sự cân não, sâu sát từng chữ, từng từ, trong đó chứa đựng nhiều ẩn ý, ẩn dụ mà bên nào cũng muốn sử dụng để hạ đối phương. Một lần, ông Lê Đức Thọ “ra đòn” với Kissinger: “Đàm phán suốt gần 5 năm nay, ông không để tôi tin ông lấy một lần”. Kissinger đáp trả: “Ông không tin thì còn đàm phán với tôi làm gì?”. Ông Thọ bẻ lại: “Tôi phải nói với ông đây là lần cuối cùng tôi nghe ông hứa. Tôi biết ông hứa đấy rồi lại gí lời hứa xuống chân mình”.
Lần khác, Kissinger cố tình để lộ cuốn sổ ghi chép, trong đó có chỉ thị của Nixon  nói rằng tổng thống Mỹ không hài lòng với thái độ của cố vấn Lê Đức Thọ và muốn ông thay đổi lập trường; nếu không, “tổng thống Mỹ sẽ có động thái mạnh hơn”. Ông Thọ thẳng thừng: “Chúng ta đánh nhau đã 10 năm, hiểu nhau quá rồi, các ông luôn dọa chiến tranh. Nếu không giải quyết được trên bàn đàm phán, chiến tranh có thể còn ác liệt hơn”. Lần này, Kissinger phải ngồi im, không đối đáp gì được. 
Sau những cuộc không kích B52 của Mỹ vào Hà Nội và các vùng lân cận tháng 12-1972, đoàn Việt Nam tỏ rõ thái độ coi khinh những hành động dã man này. Vừa vào phòng họp, ông Lê Đức Thọ mát mẻ gọi việc Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội là “sự đón tiếp lịch thiệp” và cho rằng “hành động của Mỹ tàn bạo hơn cả Hitler” khiến không khí bàn đàm phán thêm nóng bỏng, căng tựa dây đàn.
Vào thời điểm ký tắt văn bản Hiệp định Paris, 2 bên ngồi lại để rà soát từng câu chữ. Ký tắt xong, khi 2 bên trao bút cho nhau, ông Lê Đức Thọ bảo Kissinger: “Ông đã đặt bút ký là phải thi hành” và Kissinger đã hứa sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. “Phải dùng từ “rất sướng” để nói lên tâm trạng của đoàn ta sau lễ ký tắt. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm và phấn chấn” - ông Lưu Văn Lợi nhớ lại.
 
Đấu tranh về… cái bàn
Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhớ lại: Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như tại Hội nghị Paris. Trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán.
“Cuộc đấu tranh “4 bên hay 2 bên” có ý nghĩa chính trị rất lớn. Phía ta yêu cầu một cái bàn vuông cho 4 bên đàm phán hoặc bàn tròn có 4 góc; Mỹ đòi cái bàn hình chữ nhật có 2 bên hoặc bàn tròn chia đôi... Sau cùng, thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to đường kính 8 m, cắt đôi, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là 2 hay 4 bên cũng được” - bà Bình kể.
Kỳ tới: Những người làm nên lịch sử
BÍCH DIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét