Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris: Bồi hồi nhớ lại Tết tù Côn Đảo


Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris: Bồi hồi nhớ lại Tết tù Côn Đảo

Suốt 40 năm qua, ông Trịnh Phi Long, chiến sỹ biệt động Sài Gòn, nguyên cựu tù Côn Đảo vẫn không thể nào quên những tháng ngày lao tù, nhớ đến cái Tết bị địch khủng bố, tra tấn tàn khốc...

Nhưng vẫn không khuất phục được ý chí và tình yêu đất nước của người chiến sĩ cách mạng...
Ngày 27/1/1973, sau chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam được ký kết. Thời điểm đó,  chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn đang giam giữ số tù nhân chính trị lên đến trên 8.000 người tại những khu “chuồng cọp” Côn Đảo. Hiệp định Paris nêu rõ tất cả tù binh chiến tranh của các bên sẽ được trao trả không điều kiện trong vòng 60 ngày. Các tù nhân chính trị sẽ được trả tự do sau đó theo thoả thuận chi tiết của các phía Việt Nam. 
“Địa ngục trần gian” tại Côn Đảo
 
Ông Trịnh Phi Long nhớ lại: Vào ngày mùng 1 Tết năm 1973, anh em tù chính trị tại tập thể phòng 6 - Trại 5 - Côn Đảo đón xuân mới bằng một việc đan một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh em đã cẩn thận rút từng sợi chỉ đỏ, vàng, xanh trong nhiều chiếc khăn mặt để khéo léo cùng “dệt” thành lá cờ treo trên tường làm lễ khi nhận được tin Hiệp định Paris đã được kí kết ngày 27/1/1973. Tập thể toàn Trại 5 cùng nhau hô vang: “Hoan hô hoà bình!”. Anh em cùng nhau chúc Tết, thông báo về chính sách hòa giải hoà hợp dân tộc; Đòi trao trả và đối xử tử tế với nhân viên dân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo đúng Điều 8c của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực) mà nhà cầm quyền Sài Gòn là một trong bốn bên đã ký kết. 
 
Phát hiện anh em tù chính trị đang sinh hoạt, tên Chín Khương, Trưởng trại 5, tên cai ngục ác ôn khét tiếng ở Côn Đảo đứng ngoài cửa phòng giam quát tháo: “Tôi nói cho các anh biết, ở đây không chấp nhận cái lá cờ mà các anh đang treo! Hãy gỡ nó xuống, nếu không thì coi chừng tôi! Tôi sẽ ném lựu đạn vào đó đấy!”.  Nghe hắn hăm dọa sẽ ném lựu đạn vào, toàn thể anh em đã thể hiện thái độ kiên cường bằng lời nói đồng thanh: “Không! Nhất định không hạ cờ nếu chưa làm lễ chào cờ xong!”. Ông Long kể lại: “Anh Trần Quốc Thuận đã nói với thằng Chín Khương: “Các ông có lá cờ của các ông. Chúng tôi có lá cờ của chúng tôi. Chúng tôi chỉ treo trong phòng của chúng tôi, chứ đâu phải treo ở ngoài mà ông sợ. Khi nào chúng tôi làm lễ chào cờ xong, chúng tôi sẽ hạ cờ!” Chín Khương đuối lý nên hậm hực bỏ đi. 
 
Sau đó tên ác ôn Chín Khương trả đũa bằng cách đóng cửa phòng giam suốt ngày đêm, hắn hạn chế cung cấp nước uống, nước xài và cho cúp điện khi đêm đến. Ông Long nhớ lại: “Hèn hạ nhất là Chín Khương đã cho đàn em tạt nhiều thùng nước được múc lên từ cầu tiêu hất vào các phòng giam. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, quần áo anh em bê bết nước thải. Khổ sở nhất là những người đang lâm bệnh và các cụ già, có người quá yếu đã bị ngất xỉu.  Mặc dù lúc đó là ngày mồng một, ngày tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc, anh em ở phòng 12 Trại 5 vẫn quyết tâm tuyệt thực để phản đối nhưng bị kẻ địch đàn áp đẫm máu. Nhiều người bị chúng hành hạ, tra tấn bằng cách đâm đến 4, 5 nhát dao vào cơ thể. Tập thể toàn Trại 5 không hề nao núng, sợ hãi, tiếp tục thể hiện tình đoàn kết,  đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và phản đối hành động khủng bố của địch”. Sau một tháng ròng rã đấu tranh quyết liệt, những kẻ chỉ huy nhà tù Côn Đảo đã phải nhượng bộ, giải quyết mở cửa phòng cho tù nhân ra ngoài ăn cơm, tắm, giặt và tắm nắng. Giao nhà bếp, y tế cho chúng ta tự quản, nấu nướng và chăm sóc, chữa bệnh cho anh em bị thương ở phòng 12. Tên ác ôn Chín Khương bị điều đi nơi khác.
 
Ý chí đấu tranh quật cường của các chiến sỹ cách mạng trong lao tù Côn Đảo thể hiện cho đến ngày 30/4/1975, các tù nhân đã vùng lên tự giải phóng, phá xiềng xích lao tù. Mỗi năm khi Tết đến xuân về, ông Long và các đồng đội lại bồi hồi nhớ về những đồng chí của mình, nhiều người đã không có cơ hội đón mùa xuân thanh bình của đất nước; nhớ về những kỷ niệm một thời hào hùng, cống hiến cuộc đời cho cuộc cách mạng thống nhất giang sơn Tổ quốc.
 
An Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét